Chương 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 2

Lúc tới được địa chỉ trên tin nhắn thì đã hơn ba giờ chiều. Ánh nắng tuy vẫn chói chang, nhưng đã không quá gay gắt như khi ở sân bay.

Trong lúc đợi bác tài xế lấy hành lý, tôi khẽ đảo mắt quan sát nhà hàng trong miệng mẹ nuôi tôi.

Thú thật, tôi khá ngạc nhiên.

Tôi không ngờ mẹ nuôi tôi lại dám đặt bàn ở nhà hàng Bo.lan.

Nhà hàng Bo.lan vốn đã nức tiếng ở Bangkok từ lâu, thậm chí còn được đề tên hạng mục một trong những nhà hàng xuất sắc nhất của cả Thái Lan. Nếu tôi nhớ không lầm thì nhà hàng này đã nhận sao của Michelin, chuyên phục vụ món Thái, Á, đặc biệt là các món chay. Dẫu cho tôi không quá tin tưởng vào cái gọi là sao Michelin, nhưng không thể chối bỏ rằng cái danh ấy khiến tôi có chút ấn tượng về nhà hàng này.

Đồ ăn bắt mắt, phục vụ chuyên nghiệp, không gian sang trọng, giá cả đắt đỏ.

Đó là những gì tôi biết về nhà hàng này nói riêng, hay các nhà hàng đạt tiêu chuẩn nhận sao của Michelin nói chung.

Theo lẽ thường, một nơi như thế này vốn không dành cho tôi.

"Cháu kiểm tra một lần nữa đi, xem có còn để quên gì trong xe không."

Bác tài xế giao vali cho tôi xong, không quên dặn tôi kiểm tra lại tư trang, nhất là mấy vật giá trị. Tôi thì có mang gì lên xe đâu chứ? Một áo khoác, một ví, một điện thoại và một thỏi son. Chỉ bấy nhiêu thôi.

Sau khi đã dám chắc tôi không để quên bất cứ thứ gì, bác mới dám nhận tiền rồi lái xe rời đi.

Tôi nhìn chiếc taxi dần xa khuất, chẳng hiểu sao lại thấy có chút bùi ngùi. Hy vọng bác và gia đình bác sẽ luôn bình an, cũng như mong rằng con gái bác sẽ đạt được ước nguyện.

Ban nãy không biết bác có chú ý không, nhưng tôi đã kẹp thêm một tấm danh thiếp ở giữa tờ tiền. Đó là tấm danh thiếp của trung tâm tư vấn du học đã đưa tôi sang Anh.

Tôi mong rằng nó có thể giúp con gái bác như đã từng giúp đỡ tôi.

Rrrr... Rrrr... Rrrr...

Điện thoại trong tay rung lên liên hồi, đánh thức tôi về với thực tại.

Tôi nhìn tên người gọi xuất hiện trên màn hình di động, quyết định vờ như chưa từng thấy cuộc gọi này.

Vai vắt áo khoác, tay kéo vali, tôi chậm chạp đi vào trong nhà hàng.

Rõ ràng mặt đường bên dưới hầm hập hơi nóng, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại thấy mỗi bước chân đều vô định đến lạnh toát.

Y hệt như ngày ấy tôi rời khỏi Bangkok.

Nhiệt độ đất trời cũng chẳng thể ủ ấm một con tim rối bời.

"Assanee!"

Lúc tôi vừa định báo tên người đặt bàn cho nhân viên nhà hàng thì đã nghe thấy có tiếng ai đó gọi mình. Tôi vô thức siết chặt lấy tay kéo vali, cố gắng điều hòa nhịp thở.

Tôi lẳng lặng ngoảnh đầu lại, miệng cười lễ phép theo thói quen.

"Dạ mẹ."

Là người mẹ nuôi đã vắng bóng trong cuộc sống bốn năm qua của tôi.

Không hề giống viễn cảnh gặp lại gia đình mà tôi đã tưởng tượng vô số lần, khi thời khắc ấy thật sự đến, mọi cảm xúc trong tôi dường như chết lặng.

Hoặc nên nói, tôi cũng suýt quên mất mình là ai.

Tôi khẽ quan sát người mẹ nuôi quyền quý trước mắt, bà ăn vận trang trọng hơn dự kiến của tôi. Váy đầm nhã nhặn, giày cao gót vừa tầm, trang điểm nền nã. Chưa kể, bà còn đeo bộ trang sức ngọc trai quen thuộc nữa.

Thông thường, bà ấy chỉ chưng diện như vậy trong hai trường hợp: hoặc là cần tham gia sự kiện giao lưu quy mô nhỏ với các phu nhân khác, hoặc là khi mở tiệc thân mật với người nhà.

Nghiễm nhiên, những sự kiện liên quan đến tôi chưa bao giờ thuộc trường hợp nào bên trên.

Tôi gật đầu với nhân viên nhà hàng xem như xác nhận đã có bàn rồi mới lặng lẽ kéo vali đến chỗ mẹ nuôi tôi.

Lúc tôi đến gần bà ấy, bà ấy dang tay ra như thể định ôm tôi. Nhưng tôi biết, bà ấy sẽ không bao giờ làm thế với tôi đâu. Bà ấy chỉ đơn thuần muốn vịn tôi lại để tiện đà đánh giá tôi của hiện tại thôi.

Tôi có thể cảm nhận được ánh mắt bà quét cả người tôi một lượt từ trên xuống dưới. Sắc lẹm và dò xét, nhưng được bao phủ bằng dáng vẻ yêu thương.

Tôi không thể phủ nhận sự thật, rằng dưới ánh nhìn ấy, cơ thể tôi hoàn toàn mất đi khả năng nhúc nhích. Những gì tôi làm được bấy giờ chính là cố gắng điều chỉnh biểu cảm lẫn hô hấp của mình để thoạt trông bình tĩnh hết mức có thể. Mong rằng bà ấy không nhận ra vai tôi đang hơi run rẩy sau cái chạm khẽ từ tay bà.

Tôi cảm thấy sống lưng mình rét căm trước ánh mắt bà.

Thật lạ kì, trái ngược với đôi mắt sắc bén ấy, từ đâu chí cuối mẹ nuôi tôi vẫn luôn giữ nét mặt hòa nhã thấp thoáng ý cười. Biểu cảm ấy chân thật đến mức nếu không phải tôi đã chung sống với bà gần mười năm qua và hiểu rõ sự lạnh nhạt đằng sau mỗi cử chỉ ấy, có lẽ chính tôi cũng đã bị lừa.

Hoặc tệ hơn, tôi cam nguyện để bản thân bị lừa.

Trong đôi mắt mẹ nuôi tôi ánh lên vẻ hài lòng, nhưng bà ấy hài lòng cái gì nhỉ? Tôi không biết, cũng chẳng muốn biết.

Những gì tôi thấy là bỗng dưng bà ấy khẽ nhíu mày. Bà một tay vịn chặt tôi, một tay áp thẳng vào mặt tôi. Đó đáng lẽ phải là một hành động trìu mến thường thấy ở bất kỳ cặp mẹ con nào mới đúng. Ấy vậy, lòng tôi lại bất an đến phát run.

Tôi theo bản năng khép hờ mắt, nén cảm giác chộn rộn trong lồng ngực.

Đến khi tưởng chừng như sắp bị cảm giác áp lực ấy bóp nghẹt, bên tai tôi lại vang vọng giọng nói đều đều.

"Đừng có tập tô son trét phấn."

Cả người tôi lạnh cóng.

Nhưng sao lạnh bằng ngón tay vừa chà mạnh vào môi tôi?

Khi tôi mở mắt ra, mẹ nuôi tôi đã rút một miếng khăn giấy từ trong túi xách để lau đi vệt son hồng hồng nhạt nhòa trên ngón cái của bà. Xong xuôi, bà vứt mẩu giấy ấy vào thùng rác rồi quay lưng nện gót bước đi.

Bà ấy biết rõ tôi sẽ theo sau.

Khi nghe thấy tiếng lộc cộc của giày cao gót đã ở một khoảng không xa không gần, dây thần kinh của tôi cuối cùng mới kịp phản ứng. Tôi choàng lại áo vào người, một tay níu chặt vào vali, một tay đút vào túi áo mò mẫm.

Đến khi cả lòng bàn tay nắm trọn thỏi son bên trong, tôi mới yên lòng cất bước.

Lỗi của tôi.

Sinh sống ở Anh bốn năm, tôi đã quen với việc được Newyear nuông chiều, đồng thời cũng dần quen với việc tự nuông chiều bản thân. Thế nên tôi đã quên mất lý do ban đầu khiến mình phải rời khỏi Thái Lan.

Quên mất rằng dáng vẻ tôi muốn trở thành vốn không được chấp nhận ở đây.

Tôi mím đôi môi nhợt nhạt của mình, thầm mân mê thỏi son trong túi áo, cố kiềm chế cảm giác ngứa ngáy ở lòng bàn tay.

Tôi vốn chẳng mong đợi gì vào bữa tiệc ăn mừng trong miệng mẹ nuôi tôi, nên cũng không lấy làm lạ khi bà ấy dẫn tôi đến sảnh chung nhà hàng. Phải, là sảnh chung, chứ không phải phòng riêng, thậm chí tôi còn hoài nghi liệu bà ấy có thực sự đặt bàn ở đây hay không.

Vì hơn ai hết, tôi hiểu địa vị hiện giờ của mình ở đâu.

Ngay từ trong tin nhắn, tôi đã biết chắc, bữa tiệc trong miệng bà chỉ là một lời nói dối toàn lỗ hổng.

Nhà họ Lin sẽ không đời nào bỏ tiền ra để chào mừng một đứa con nuôi bán nam bán nữ trở về đâu.

Tôi đưa mắt nhìn sảnh chung với cỡ khoảng hai mươi bộ bàn ghế nhưng chỉ lác đác dăm ba thực khách, đầu không thể không đưa ra muôn vàn tình huống có khả năng xảy ra. Tiếng lốc cốc thâm thúy của giày cao gót bỗng ngưng bặt, mẹ nuôi tôi dừng chân trước mặt một vị thực khách của nhà hàng.

"Cậu Panich, Assanee nhà tôi đến rồi."

Giọng điệu bà ấy khác hẳn lúc nãy, niềm nở đến giả dối.

Tôi đứng sau lưng mẹ nuôi, không mặn không nhạt quan sát cậu Panich trong miệng bà ấy. Không thể không khen, nhà họ Lin mà có khả đứng đây nói chuyện được với nhà Panich thì xem ra mấy năm qua đã phát triển không tồi.

Nhà họ Lin vốn xuất thân từ tầng lớp dân Hoa di cư sang Thái làm ăn, có thể nói là làm giàu chủ yếu bằng nghề buôn bán gấm vóc tơ lụa. Nếu xét kỹ đến gốc gác thì quê nhà của nhà họ Lin phải là ở Hàng Châu mới phải. Nhà họ Lin hiện tại vốn là một phân nhánh trực thuộc từ nhà họ Lâm, một trong số những gia tộc hành nghề dệt lụa thủ công lâu đời nức tiếng tại Hàng Châu. Chẳng qua từ sau thời của ông cố nội thì bắt đầu có dấu hiệu suy thoái thất truyền, chủ yếu là do ông cố có lắm vợ đông con, vì thế sau khi ông mất thì tranh giành đấu đá gia sản dữ dội. Ông nội nuôi của tôi khi ấy là con út trong nhà, lại được lòng ông cố nên may mắn được chia cuốn sổ ghi chép các bí kíp dệt lụa gia truyền của nhà họ Lâm.

Cuối cùng nghề dệt lụa bao đời của nhà họ Lâm ở Hàng Châu vẫn đi đến bước thất truyền. May mắn thay, tuy nhà cửa và xưởng dệt lụa đều không thuộc về ông nội, nhưng nhờ có bí kíp dệt lụa cộng thêm khi xưa ông thường xuyên phụ ông cố đi quản lý xưởng nên sau khi nhà xưởng bị anh em khác bán thì vẫn có không ít thợ nghề cũ chọn đi theo ông. Ông nội nuôi biết sức đối chọi của bản thân ở Hàng Châu không mạnh, chưa kể lụa Hàng Châu đâu chỉ nổi tiếng mỗi nhà họ Lâm. Vì thế ông bèn tìm đường đi ra nước ngoài để lập nghiệp, ông tin rằng ông có thể khiến lụa nhà họ Lâm nổi danh lần nữa. 

Từ đó, Thái Lan có thêm một người đàn ông dẫn dắt hai chục thợ dệt lụa gốc Hoa mở hiệu làm ăn buôn bán.

Tuy nhiên, sự thật mất lòng.

Dẫu cho hiện giờ nhà họ Lin cũng xem như một dòng họ giàu có ở Thái Lan, nhưng về cơ bản, để tiến đến được hàng tài phiệt thì hẵng còn xa.
Đó là chưa tính thêm thực tế rằng tốc độ phát triển kinh doanh của nhà họ Lin đã chậm lại kể từ khi ông nội nuôi tôi qua đời. Nếu tính toán cặn kẽ, tôi tin rằng dù cho có là tới thế hệ kế tiếp thì nhà họ Lin vẫn chẳng đủ khả năng ngang hàng ngồi nói chuyện với nhà Panich.

Nhà họ Lin chỉ mới làm ăn ba đời ở đất Thái được sao mà sánh nổi với nhà Panich vốn đã là tài phiệt danh giá lâu đời chốn thương trường đây?

Tôi không khỏi tò mò, nhà họ Lin có gì để nhà Panich để mắt tới nhỉ?

Hoặc nên nói, anh Panich đây để mắt gì đến tôi – đứa con nuôi đã bị tước quyền thừa kế và nhận được sự ghẻ lạnh của dòng họ?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro