04. Hiểu chuyện sẽ chịu thiệt thòi?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Quanh ta, mọi người đều làm việc.

Cái đồng hồ tích tắc báo phút, báo giờ.

Con gà trống gáy vang ò ... ó ... o, báo cho mọi người biết trời sắp sáng, mau mau thức dậy.

Con tu hú kêu tu hú, tu hú. Thế là sắp đến mùa vải chín.

Chim bắt sâu, bảo vệ mùa màng.

Cành đào nở hoa cho sắc xuân thêm rực rỡ, ngày xuân thêm tưng bừng.

Như mọi vật, mọi người, bé cũng làm việc. Bé làm bài, bé đi học, bé quét nhà, nhặt rau, chơi với em đỡ mẹ. Bé luôn luôn bận rộn, mà lúc nào cũng vui." (1)

Tôi vươn vai một cái rồi chậm rãi mở mắt, ô! trời sáng hẳn rồi, không biết đa sầu đa cảm kiểu gì mà tôi lại nằm mơ về thời mấy anh còn học tiểu học, giọng đọc bài tập đọc của anh Mặc vẫn còn văng vẳng bên tai.

Hồi còn nhỏ sáng nào tôi cũng được đánh thức bằng giọng đọc bài truyền cảm của anh Mặc, nhà ảnh ở giữa xóm, khác với cậu chủ nhỏ học bài vào buổi đêm, anh Mặc lại hay thức dậy sớm ôn bài trước khi đến lớp. Tôi rất thích những câu chuyện cổ tích, những bài thơ, bài tập đọc trong sách giáo khoa của các anh, có mà nghe cả ngày tôi cũng chẳng chán.

Bây giờ bọn trẻ con trong xóm học thêm học bớt cả ngày, nhà nào nhà nấy lại kín cổng cao tường, ít khi nghe được giọng đọc bài bi bo bi bô như hồi xưa nữa, tôi có chút tiếc nối trong lòng.

Nhắc là lại thấy nhớ, hồi mấy ông nhỏ lên lớp ba, anh Hằng bước qua lớp sáu, anh phải chuyển sang học trường trung học cơ sở. Vậy là xuất hiện vấn nạn về phương tiện di chuyển, bị lẻ một đứa mất rồi. Tình hình chung của xóm tôi lúc đó chỉ có nhà anh Chương là có dư giả tí xíu, còn lại đều là các hộ đủ ăn đủ mặc, việc mua xe đạp cho con cũng là một phép tính đau đầu. Ông bà xưa có câu "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính", ông trời lại công bằng ở chỗ sinh ra các anh tôi tính đứa nào cũng hiểu chuyện cả. Dù đối mặt với nguy cơ cuốc bộ cũng không đứa nào vòi vĩnh ba mẹ phải mua thêm xe đạp cho mình.

Cậu Hùng là anh cả, cậu chẳng muốn đứa em nào của mình phải cuốc bộ hết, cậu chốt lại không đủ xe thì chất ba, cậu chở. Cái xe của cậu cũng là xe cũ được ông nội mua về rồi sửa sang lại, dăm bữa nửa tháng là nó lại kêu kọt kẹt, vậy mà cậu vẫn lái điệu nghệ lắm.

Ta nói tính cậu Siêu chết nhát, cậu Hùng thì chạy xe như tay đua F1, tống ba dĩ nhiên cậu Siêu không chịu ngồi ngoài rìa rồi. Vậy là có cảnh ba anh em đu đưa trên cái xe èo ẹt, cậu Hùng vừa đạp vừa thở hồng hộc, cậu Siêu sợ khiếp vía bấu áo anh mình chặt cứng, cậu chủ nhỏ của tôi chỉ ngồi được nửa cái mông trên yên sau, chân thì ngắn chẳng chạm được tới chỗ gác giò. Đường làng ngày xưa toàn là đường đất cát, ổ gà ổ voi tứ tung, cậu Hùng cứ phóng bạt mạng như thế, ruột gan hai cậu ngồi sau cũng xoắn thành bánh quẩy. Có hôm cậu Hùng ban vô cái ổ gà tổ chảng, cả xe xốc lên một cái, cậu chủ nhỏ lọt luôn xuống đất. Mà cậu Hùng chạy hăng cậu đâu có biết, cậu Siêu thì sợ ríu cả lưỡi mãi một lúc sau mới la toáng lên.

"Anh Hùng, anh Hùng, rớt rồi, rớt thằng Vũ rồi"

Cậu Hùng bàng hoàng phanh xe cái két, bánh lếch một đoạn thiệt dài, hồi cậu quay đầu lại đã nghe tiếng nhóc Nguyên cùng anh em chửi bới om sòm phía xa kia.

"Thằng cha này về nhà chết với em, dám làm rớt cục cưng của em"

"Thằng khứa đó chạy đi trốn nợ hay gì mà chạy dữ vậy không biết"

"Mẹ bà chạy tới lọt con cũng không hay"

Cậu chủ nhỏ của tôi một thân đầy cát đất còn chưa kịp hoàng hồn, nghe anh mình bị chửi dữ quá cũng chẳng nỡ giận dỗi gì thêm. Rút kinh nghiệm xương máu, mấy anh không cho cậu Hùng tống ba nữa, cậu chủ nhỏ chuyển sang xe anh Đằng, cùng ảnh với nhóc Nguyên bò như ốc sên về nhà.

Tôi ở nhà lâu dần cũng rõ hết tình hình của nhà mình, nhà có ông bà đã cao tuổi, cô hai lo việc chăm sóc nhà cửa, ba đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học, tài chính chỉ có mình ông bà chủ gánh vác, bà chủ lại còn ốm đau chẳng làm được nhiều việc. Vì thế chi tiêu trong nhà phải chắt chiu từng chút một. Trước hồi tôi về đây căn nhà này là nhà gỗ, mái ngói, nền đất, tuổi đời của nó không ai biết chính xác, chỉ biết mấy cái cột gỗ hay thanh lợp ngói trên mái nhà bị mối ăn mục nát gần hết. Mấy lần ông chủ nhắc tới việc sửa nhà đều bị bà nội gạt phăng đi, lúc đó nghèo gần chết, có muốn sửa cũng đâu có tiền. Rồi ông chủ gợi ý bán bớt miếng đất, bà giận lên bà chửi một trận to lắm, đối với người làm nông đất đai như sinh mạng, đâu phải nói bán liền bán. Cho tới một đêm mưa gió ầm trời, mấy chỗ gỗ mục thấm nước mưa bị sụp, vài miếng ngói đổ ầm xuống xém chút nữa rơi bể đầu cậu Hùng, bà liền đứt ruột đứt gan rao bán đất.

Rồi để xây được cái nhà này ông chủ phải tranh cãi đâu cũng độ một tháng liền với bà nội, bà nội chỉ muốn dùng ít tiền chấp vá lại chỗ hư hại của nhà cũ, còn ông chủ lo nhà cũ quá rồi không chống đỡ nổi nữa. Sau này mỗi lần nhà có việc mà không có tiền bà lại nhắc chuyện cũ, biết thế không bán đất, biết thế không xây nhà. Bà làm lụng vất vả nên tiếc tiền tiếc của lắm, tằn tiện cả cuộc đời. Hồi nhà mới xây xong, tầng trên có hai phòng mà lại có ba đứa cháu, bà nói cậu hai Hùng lớn rồi được dùng phòng riêng, cậu Siêu với cậu chủ nhỏ dùng chung một phòng, cũng không có đứa nào ý kiến gì. Có điều cậu chủ nhỏ bị bệnh mất ngủ nặng lắm, càng lớn lại càng nghiêm trọng, cậu Siêu lại có tật ngủ ngái, vậy là dù đồ của cậu bỏ bên phòng cậu chủ nhỏ nhưng người thì ở phòng cậu hai Hùng.

Ừm nói về chuyện cậu chủ nhỏ bị mất ngủ thì chắc do những áp lực mà cậu phải chịu, nó không ầm ầm đùng đùng, đổ ập xuống một lần như mái ngói trong đêm mưa hôm ấy. Bất hạnh của cậu tích lũy từng ngày từng ngày, cậu như mấy thanh gỗ, mỗi ngày tâm hồn cậu lại bị mối gặm nhắm một ít. Lắm lúc tôi nghĩ chắc cậu bị tâm thần phân liệt rồi, lúc ở với anh em bạn bè với lúc về nhà cứ như hai người khác nhau.

Vì sát vách nên tôi hay nghe nhóc Nguyên làm nũng với ba mẹ nhóc lắm, giọng nhóc dễ thương kinh khủng ấy, mỗi bữa cơm bên nhà nhóc lúc nào cũng văng vẳng tiếng cười nói. Trái ngược với nhà tôi lắm, trên bàn cơm bà nội toàn nói chuyện giá cả các món đang ăn, than vãn tiền lần này ông bà chủ đêm về ít hơn lần trước.

Cậu hai Hùng, cậu ba Siêu cũng nhận ra mình được đối xử ưu ái hơn cậu chủ nhỏ một chút, mấy lần ở dưới nhà bà nội dúi cho bánh kẹo, hai cậu đều lén chia phần để dành cho cậu chủ nhỏ. Rồi những lần bà nội kéo hai cậu lại cho thêm tiền tiêu vặt, bà bảo "Thằng Vũ chắc là có ba mẹ nó cho rồi, hai đứa cầm tiền muốn ăn gì thì mua", hai cậu xót em mình lắm nhưng lại chẳng làm gì được. Tiền đấy cũng mua quà vặt rồi chia cho cậu chủ nhỏ, chứ mà đưa tiền thì cậu chủ nhỏ còn buồn hơn.

Tôi nhớ học kì một năm lớp ba, vào dịp thi cuối kì cậu chủ nhỏ bị ốm nên kết quả thi không khả quan lắm, đợt đó cậu chỉ đạt học sinh khá. Ngồi vào bàn cơm, cô hai vừa ăn vừa nói, "Haizz con nhà người ta học hành hạng nhất, hạng hai, ba thằng Chương với má thằng Hằng nở mày nở mặt đi khoe khắp xóm, con cái nhà này có một đứa vô dụng chỉ ăn với học thôi mà học cũng chẳng ra hồn. Nghĩ mà chán". Ừ đa phần mấy bữa cơm ở nhà tôi đều chẳng vui vẻ như thế đó.

Khi cậu chủ nhỏ buồn cậu hay ngồi thất thần ngoài ban công lắm, cậu thường ngồi yên như vậy cho đến lúc bị nhóc Nguyên phát hiện rồi bay sang quấy phá cậu. Dù hai ban công nối liền nhau, thanh chắn cao đến tầm thắt lưng của người trưởng thành, nhưng lúc bé có lần nhóc Nguyên nghịch, học thói làm siêu nhân biến hình bay qua nhà tôi, không cẩn thận té một phát trật cả chân, từ đó cậu chủ nhỏ cấm nhóc không được đi đường tắt nữa, muốn sang thì đường đường chính chính từ cửa chính mà vào. Nhóc cứng đầu, lúc vui thì vâng lời, lúc bướng thì vẫn lén lút trèo ban công.

"Dũ buồn hả?"

"Không có"

"Xạo. Sao Dũ buồn miết vậy?"

"Tại không vui"

Không phải Dũ đang buồn là nhóc chửi Dũ rồi á.

"Bị bà nội la nữa hả?"

"Sao mà nhiều chuyện dữ vậy không biết"

"Dũ nè! Dũ có ghét bà nội không?"

"Không"

"Dũ bị la quài không thấy bực hả?"

"Bà thương tớ mà, ở nhà ai cũng thương tớ, mà tớ xui quá làm nhà tớ gặp đủ thứ chuyện. Được thương ít hơn một tí cũng đúng. Tớ thương bà lắm, số bà khổ từ xưa tới giờ, ăn không dám ăn mặc không dám mặc, cái gì cũng nghĩ cho con cho cháu hết"

"Hừ, tớ thấy Dũ chả xui tí nào, mà bà sống khổ thiệt, phải chi bà sống thoải mái một tí cho đỡ nhọc hén"

"Bà không muốn tụi con cháu phải khổ như bà thôi"

"Dũ nói chuyện cứ như ông già"

"Còn đỡ hơn đồ trẻ nghé như nhóc"

"Đồ khó ưa, làm miếng kẹo cho đỡ buồn nè"

Nhóc xòe bàn tay ú nu ú nần của mình ra, trong lòng bàn tay vẫn là viên kẹo bốn mùa vị cam, ngọt ngọt mà chua chua, chua chua mà ngọt ngọt.

----

Tính ra thì cậu chủ nhỏ và nhóc Nguyên cũng hơi hơi giống nhau đó chớ, nhóc Nguyên tuy sống cùng ba mẹ nhưng ba mẹ nhóc bận lắm, cả ngày chỉ có buổi tối mới gặp nhau, cậu chủ nhỏ thì quanh năm suốt tháng quen với chuyện không có ba mẹ bên cạnh. Mười hai năm học đằng đẳng chưa có lần nào ba mẹ đi họp phụ huynh cho hai đứa, bên nhà nhóc Nguyên nhờ người quen đi hộ, nhà tôi thì có ông nội đi thay.

Mỗi bận các ông bố bà mẹ trong xóm đi họp về xách roi rượt con mình từ đầu làng đến cuối xóm, cậu chủ nhỏ và nhóc Nguyên hay ngồi gặm kem trước cổng nhà, bên ngoài ra vẻ cười vào mặt người ta còn trong lòng thì thèm phải biết.

Vì nghề nghiệp phải hay đi đây đi đó, lại có nhiều mối làm ăn nên ba nhóc Nguyên hay phải nhậu nhẹt, mẹ nhóc cả ngày buôn bán ở chợ, nên bình thường đừng thấy nhóc nghịch ngợm mà xem thường. Mới tí tuổi đầu mà việc trong nhà nhóc đều rành sáu câu hết rồi, từ nấu cơm, rửa bát, dọn nhà việc gì nhóc cũng làm được.

Nhóc có tủi thân không? Có chứ, nhưng nhóc biết ba mẹ mình cực khổ, mỗi tối nhóc hay xoa bóp cho mẹ, bày mấy trò vui lúc ăn cơm với ba. Có khi nhóc còn nghĩ phải chi mình lớn nhanh hơn một tí để gánh vác bớt phần cực nhọc cho ba mẹ.

Nhóc với cậu chủ nhỏ của tôi lại có một điểm chung nữa là chưa từng đòi hỏi thứ gì, với độ tuổi đấy tôi thấy mấy đứa trẻ hay đòi đồ chơi, đòi đi công viên giải trí, đòi bánh đòi kẹo, hay đơn giản hơn là đòi ba mẹ ở nhà cùng mình. Nhiều lúc hai đứa hiểu chuyện như vậy tôi đau lòng quá.

----

Ông bà chủ của tôi rất ít khi về nhà, có về cũng chỉ ở một ngày rồi lại đi, do bà chủ về nhà hay bị bà nội cằn nhằn. Ông chủ đứng giữa cũng khó xử dữ lắm, nên bớt về để ít được chuyện nào hay chuyện đó. Ngày xưa ở nhà cũng không có điện thoại, ông chủ thì có một cái di động đời đầu, có việc gì quan trọng lắm thì ông gọi về số điện thoại bàn nhà anh Chương, anh Chương chỉ cần ra trước cổng hét to, "Vũ ơi ba mày gọi về nè" là cả làng đều nghe thấy. Vì vậy mà ông bà chủ chẳng hiểu cậu chủ nhỏ gì cả, cậu chủ thích ăn gì, thích màu gì, học giỏi môn gì, ghét cái gì, ông bà đều không biết.

Ít gặp là thế nhưng ông bà thích cái gì cậu chủ nhỏ đều biết cả, cậu biết ông chủ thích ăn bánh tráng cuốn thịt luộc mắm chua, biết bà chủ thích ăn bánh xèo. Mỗi lần về ông chủ hỏi cậu thích ăn món gì mẹ nấu cho mà ăn, cậu đều trả lời mấy món đấy. Mà ông bà chủ về không chỉ có mình cậu chủ nhỏ mừng, nhóc Nguyên cũng háo hức dữ lắm, tại ông chủ hay đem về mấy thứ nhóc thích, như dế mèn dế cơm, trái thù lù nhóc thích ăn hay mấy con cào cào to tổ chảng. Lần nào nghe tiếng xe ông bà chủ chạy vào nhà nhóc cũng tranh thủ xách mông qua ăn ké.

Có lần nhóc qua ăn ké, bà chủ gắp cho cậu chủ nhỏ miếng cà pháo mắm nêm, nhóc trợn mắt nhìn cậu chủ nhỏ nhai rộp rộp.

"Ủa Dũ đâu có ăn được cà pháo?"

Ừ thì cậu chủ nhỏ của tôi và cà pháo như không đội trời chung, có lẽ lâu lâu mới được ăn cơm với ba mẹ một lần, lâu lắc mới được mẹ gắp đồ ăn cho nên cậu thấy cà pháo cũng không khó nuốt nữa. Ông bà chủ cười đùa.

"Bé Nguyên còn hiểu con trai Út hơn Út nữa hén"

"Dạ con đi guốc trong bụng Dũ á, Dũ là cục cưng của con mà"

"Vậy Út bán Vũ cho con nuôi nhen, con chịu mua không?"

"Con chịu, nhưng mà con không có tiền. À Út đợi con tí"

Cả nhà ngơ ngác nhìn nhóc Nguyên bỏ chén cơm đang ăn dở chạy ù về nhà nhóc, lát sau nhóc kệ nệ xách qua hai bó hành thiệt bự.

"Nhà con còn có hai bó hành mẹ con bán ế, con đặt cọc trước cho Út. Nào con để dành đủ tiền con qua đem Dũ về nuôi"

Trời ơi nhóc làm cả nhà cười một trận nghiêng ngả, vậy là cậu chủ nhỏ của tôi bị bán đi rồi, bị bán với giá hai bó hành.

Ai nấy cũng nghĩ phi vụ buôn bán đó là đùa thôi, có mình nhóc Nguyên là chấp niệm dữ lắm. Cứ mấy anh có ai chọc ghẹo cậu chủ nhỏ là nhóc ra mặt liền. Có lần anh Mặc làm tập vẽ con gà con, cậu chủ nhỏ ngồi kế bên nhận xét nhìn giống con vịt mỏ bè, hai người cãi qua cãi lại một hồi, anh Mặc tức mình quát cậu chủ nhỏ.

"Sao mày lì quá vậy, tao nói con gà là con gà."

Nhóc Nguyên nghe thấy chen vô liền.

"Dũ của tao ngoan như vậy, mày đừng ỷ lớn hơn tí tháng tuổi rồi bắt nạt Dũ"

"Thằng Vũ của ba mẹ nó chứ của mày hồi nào"

"Của tao, Út bán Dũ cho tao rồi"

Sao mà dễ thương thế không biết, nhóc Nguyên xuất hiện bên cậu chủ nhỏ đối với tôi là điều may mắn nhất cuộc đời này. Như mặt trời giữ ngày mưa giông. Có nhóc thật là tốt!

Tôi thường hay nghĩ trẻ con trên đời này hiểu chuyện quá thì sẽ chịu thiệt thòi, nhưng cô hoa giấy lại bảo hiểu chuyện thì có gì sai, sao hiểu chuyện lại phải chịu thiệt thòi. Tôi ngẫm ra.

Hiểu chuyện sẽ chịu thiệt thòi? Không.

Trẻ con hiểu chuyện có chịu thiệt thòi hay không đều do người lớn quyết định. Người lớn đừng nên xem tất cả những gì bản thân trẻ con cho đi và hi sinh đều là điều hiển nhiên.

Tôi từng đọc được ở đâu đó,

"Nếu như có thể được tùy hứng cưng chiều, có đứa trẻ nào phải chịu uất ức trở nên hiểu chuyện hơn cơ chứ? Hơn nữa ở lứa tuổi này của bọn trẻ vẫn không thể phân biệt giữa tủi thân và khiêm tốn, khoan dung và tự trách. Phía sau một đứa trẻ quá mức hiểu chuyện thường sẽ có một chút tự ti, lo sợ người khác không thích mình, lo lắng sợ mình làm sai chuyện gì đó. Lúc nào cũng cẩn thận từng chút một nhìn sắc mặt người lớn, mất đi sự càn rỡ và tùy hứng một đứa trẻ nên có. Tôi không hi vọng con mình như thế." (2)

Thế nên tôi mong cậu chủ nhỏ và nhóc Nguyên có thể sống đỡ mệt mỏi hơn một chút.

"Đứa trẻ hiểu chuyện chỉ là đứa trẻ không nhõng nhẽo mà thôi. Chỉ là đứa trẻ biết chuyện, thích ứng với hoàn cảnh. Ánh mắt thích nghi với lỗi lầm của người khác làm cho đứa trẻ ấy trưởng thành lên" (3)

Cuối cùng thì, trẻ con cũng phải học cách làm trẻ con.

-------

(1) Làm việc thật là vui - Tô Hoài

(2) - Đỗ Giang

(3)- trích phim Reply 1988

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro