02. Phép chia là khó nhất

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhóc Nguyên từng không ít lần bắt ghế ra ban công, chân gác lên bờ tường, thân trượt dài lên thành ghế, trông ngã ngớn ứ chịu được. Nhóc nhâm nhi hộp sữa milo như cách ông Tám nhâm nhi trà đạo, ngẩn đầu đón gió ngắm mây, thắc mắc có phải bà mụ học toán chia hơi tệ hay không, bà chia kiểu gì mà khu xóm của nhóc toàn đực rựa thế này.

Từ hồi nhóc chính thức dọn đồ vào căn nhà này, sáng chưa mở mắt đã nghe giọng cậu Hùng, cậu Siêu sát vách chí chóe. Lúc đánh răng nghe anh Chương lảnh lót hát một con vịt xòe ra hai cái cánh, dù nhà anh ở tận cuối xóm còn nhà nhóc mấp mé đầu xóm. Giờ ăn thì nghe tiếng anh Mặc vừa chạy vừa la con không ăn, phía sau là má ảnh bưng tô cơm thiệt bự rượt theo, ba bữa như một. Anh Đằng ngày nào cũng bò ra đất đòi mặt áo hoa đi học thay vì áo đồng phục của trường. Anh Hằng thì chưa ngày nào thôi khóc nhè vì bị cậu Siêu trêu ghẹo, cứ khóc là anh chạy về nhà mách mẹ đòi nghỉ chơi với cậu Siêu. Thấy chán không?

Tôi lếch dưới chân nhóc nghe nhóc ca thán về phép chia lệch nhân sinh, lên án đồng đội anh em phiền phức. Tôi lén lè lưỡi chê bai, xem lại mình đi nhóc, tôi là mèo mà thấy nhóc tôi còn hãi đây. Nhóc quậy kinh hoàng, đầu óc nhóc không biết được vận hành theo cơ cấu nào mà có thể nghĩ ra mấy cái trò hỡi ơi ai oán, tôi nhiệt liệt đồng tình với ba mẹ nhóc, phải chi nhóc vận dụng một phần đầu óc ấy vào việc học thì phước phần quá rồi không.

À còn một người vừa ít nói, vừa không gây sự, lại vừa ngoan mà nhóc chưa nhắc tới. Là cậu chủ nhỏ của tôi. Nói sao nhỉ, tôi gặp cậu chủ nhỏ hồi năm cậu bảy tuổi, cậu nói không nhiều cũng không ít, mấy buổi họp chợ bày trò không buổi nào không có cậu, cậu không hoang dại như nhóc Nguyên nhưng chưa bao giờ dửng dưng với mấy trò hề của nhóc. Cậu chơi cũng hăng lắm, làm khùng làm điên cũng nhiều. Có điều càng ngày cậu lại càng ít nói, chắc là từ sau năm tám tuổi, trừ lúc ở cùng đám anh em thì ở nhà nếu không ai hỏi tới một ngày cậu chẳng nói được quá ba câu.

Tôi biết tại sao cậu chủ nhỏ thay đổi, cô hoa giấy biết, nhóc Nguyên cũng biết và chúng tôi đều giống nhau, không can thiệp vào được. Tôi đã kể qua chưa nhỉ, ba cậu chủ là con trai út và duy nhất của nhà này, hồi xưa hay hồi nay gì người ta đều quan trọng mấy chuyện có con nối dõi ấy, tính ra thì dù chỉ có một đứa con nhưng cậu chủ nhỏ là con trai chẳng phải đã đúng bài rồi sao. Vậy mà cuộc đời chẳng bao giờ dễ dãi với cậu chủ nhỏ cả.

Nhà tôi gốc làm nông, từ đời ông bà cố, ông bà nội đến ông bà chủ đều bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Ruộng vườn ở cách xa nhà tôi, với tốc độ chạy xe máy không cần mạng của cậu hai Hùng thì cũng mất ba mươi phút, mà đường dưới quê có giống thành phố đâu, vắng hoe à, vậy nên mọi người tưởng tượng đi, xa lắm. Ở trên đó hoang vu, không có trường lớp, đến tiệm tạp hóa còn khó tìm, nên từ năm ba tuổi cậu chủ nhỏ không sống cùng ba mẹ nữa, chuyển hẳn về nhà này. Thường thì hai tuần một lần ông bà chủ sẽ về thăm cậu chủ nhỏ, vào mùa vụ thì lâu hơn.

Cô hoa giấy kể tôi nghe hồi ba tuổi cậu chủ nhỏ hoạt bát lắm, mồm miệng luyến thoắt còn hơn nhóc Nguyên bây giờ, mấy bận cậu đi mầm non học được bài hát nào là chiều về cậu hát cho ông bà nội nghe đến tối muộn, giọng cậu lớ ngớ cậu hát nghe buồn cười kinh khủng. Cái bài Cháu lên ba cô hoa giấy nghe chắc triệu lần rồi. Ai cũng nói cậu chủ nhỏ giống bà nội vì bà nói nhiều lắm, ngày nào bà cũng kể chuyện xưa, rồi chuyện từ đầu làng cuối xóm, chuyện của ai bà cũng nói được. Nhưng rồi cứ thêm một ngày tuổi cậu lại ít nói hơn một chút, cô hoa giấy bảo chắc là cậu cảm nhận được nỗi buồn. Tôi từng thắc mắc con người bao nhiêu tuổi thì cảm nhận được nỗi buồn, cậu chủ của tôi qua ba tuổi đã cảm nhận được nỗi buồn rồi này!

Bà nội không thích mẹ cậu chủ nhỏ, bà chủ từ nhỏ đã yếu ớt nên lúc mới gả về bà chủ vụng lắm, làm gì cũng không vừa ý bà nội. Hồi đi coi ngày đám cưới, thầy bói phán bà chủ mệnh khắc bà nội, thể nào bà chủ về nhà cũng có sóng gió. Bà nội theo chủ nghĩa tâm linh, bà tin lắm, hồi đầu bà còn ngăn không cho hai người lấy nhau, sau ông chủ quyết tâm quá bà cũng thuận theo. Thật ra không phải bà chịu thua ông chủ, do bà thầy bói bảo là chỉ cần bà chủ sinh được một đứa con gái thì có thể hóa giải kiếp nạn. Rồi ai có dè, lúc sinh cậu chủ nhỏ bà chủ trải qua một trận thập tử nhất sinh suýt thì mất cả mạng, bác sĩ chuẩn đoán bà chủ mắc bệnh tim, cả đời này không thể sinh thêm được nữa. Mong ước của bà nội cũng theo đó tiêu tan.

Dẫu biết cuộc đời không thể nào cứ thuận theo ý mình, vậy mà sau đấy nhà có chuyện to chuyện nhỏ gì bà nội cũng cho là do cái mệnh của bà chủ. Bà chủ nhỏ về làm dâu chưa được bao lâu, cô ba mất, cậu chủ nhỏ vừa sinh ra, mấy năm liền mùa vụ thất bát, nhà đã nghèo lại càng nghèo hơn, ác cảm của bà nội đối với bà chủ đã nhiều lại càng nhiều hơn nữa.

Người gánh chịu hậu quả của số mệnh là cậu chủ nhỏ.

Trong nhà này người có tiếng nói nhất là bà nội, ông nội luôn nghe theo những quyết định của bà, cô hai lại như phiên bản còn trẻ của bà nội, bà nói gì cô cũng là người ủng hộ đầu tiên. Lý do đơn giản, miếng đất đang ở, mảnh vườn đang trồng trọt đều do một tay bà chắt chiu gầy dựng mà có, bà nói tất cả tài sản của cái nhà này đều là của bà. Bà nội chưa bao giờ bày tỏ thái độ ghét bỏ bà chủ hay cậu chủ nhỏ một cách rõ ràng cả, bà chỉ ám chỉ thôi.

Ví dụ như bà hay nói bà đối xử cậu Hùng, cậu Siêu và cậu chủ nhỏ như nhau, cái gì trong nhà này cũng chia đều cho ba đứa, từ miếng ăn đến giấc ngủ, bà không muốn thiên vị đứa nào cả. Hôm nào nhà ăn cơm với thịt thì một khúc thịt sẽ chia đều ba phần, hôm nào ăn cơm với cá thì cá cũng chia đều ba con. Vì nhà không có điều kiện nên mỗi năm chỉ mua quần áo mới cho ba cậu vào dịp tết, mua cho đứa này bao nhiêu bộ thì hai đứa kia cũng bấy nhiêu bộ.

Nhưng mà, tôi không thấy vậy, người không thấy vậy chẳng phải chỉ có mình tôi. Lâu lâu tôi lại nghe vài cuộc đối thoại của các cụ hàng xóm sang nhà tôi ăn bánh uống trà cùng ông bà nội, các cụ hỏi bà nội, sao bà cưng chiều cậu Hùng, cậu Siêu thế không sợ hai cậu hư à? Bà nội đáp, tụi nó không có ba mẹ thương hơn một tí thì làm sao, đâu có như thằng Vũ, nó có ba mẹ nó thương rồi.

Cậu chủ nhỏ có nghe thấy không? Có chứ. Mỗi lần như vậy cậu chủ nhỏ đều mím môi rồi bỏ đi chỗ khác, cậu hay ra ngồi ngoài hiên, tay cầm một đoạn cây khô vẽ nguệch ngoạc, trong lòng cậu thế nào tôi chẳng rõ.

Ngày nào bà nội cũng truyền bá tư tưởng cho cậu chủ nhỏ, từ ngày cậu bước vào lớp một bà luôn miệng dặn dò cậu phải học cho thiệt giỏi, sau này kiếm thiệt nhiều tiền nuôi ba nuôi mẹ, chứ mẹ mày bệnh tim đó lỡ mà phát bệnh chạy chữa tốn kém lắm. "Tiền ba mày làm ra tao lấy nuôi mày ăn học hết rồi không có dư đâu", "Mấy anh mày chỉ cần lo cho cái thân nó thôi, không như mày", mấy mẫu câu này đến tận bây giờ bà vẫn hay lặp lại. Bà dạy cũng chẳng sai, mà sao tôi nghe khó chịu thế này?

Cậu chủ nhỏ càng lớn thì bà nói càng nhiều, bà bắt đầu kể lại chuyện xưa, lúc bà chủ về nhà làm hư cái này làm hỏng cái nọ, mấy lần bà chủ tái bệnh tốn bao nhiêu tiền, rồi mất mùa đói kém bà vẫn dành dụm tiền cho cậu chủ nhỏ đi học, bất kể là mua cái gì cho cậu chủ nhỏ bà đều kể đủ.... Tôi bỗng thấy bài hát Cháu lên ba không còn vui như cô hoa giấy kể nữa.

Chuyện mà cậu chủ nhỏ không thể làm là học dở, không phải cậu thông minh hay gì đâu mà là cậu không được phép học dở. Bài vở của cậu ngày nào cũng được cô hai kiểm tra, điểm số từ trả bài miệng, kiểm tra một tiết đến kiểm tra học kì cô hai đều theo dõi sát sao lắm, chỉ cần thấp một tí là cậu ăn đòn liền. Tôi còn nhớ năm cậu chủ nhỏ tám tuổi, vào một buổi trưa nóng nực, cậu đang chuẩn bị theo cậu Hùng, cậu Siêu đi thu thập lá chuối xây nhà chòi thì bị cô hai giữ lại. Trên tay cô cầm cây chổi lông gà, mấy sợi lông trên đó đầy màu sắc như được tuyển chọn từ mấy con gà đá có thâm niên. Cô chìa vở bài tập chính tả bị bỏ trống một trang trước mặt cậu rồi mắng cậu chưa viết xong mà dám đi chơi. Cô bắt cậu xòe tay ra, kẽ lên đó năm roi liên tiếp, tôi chưa từng bị đánh bằng chổi lông gà nhưng tôi thấy anh nào trong xóm cũng sợ nó. Rõ là đau lắm!

Nước mắt cậu tuôn hai hàng, cậu hỏi tại sao hai anh được đi chơi còn cậu thì không, cô lại khẽ thêm một roi vào mông cậu. Cuối cùng, cô bỏ lại một câu ám ảnh cậu đến suốt cuộc đời.

"Nay bày đặt trả treo, liệu hồn mà học. Cuối năm không đem cái bằng khen học sinh giỏi về đây thì chả ai thương nổi mày nữa đâu."

Cậu lau nước mắt, ngồi vào bàn, bàn tay còn hằn lằn roi đỏ lừ cầm bút lên cặm cụi viết viết, bên cạnh là quyển bài tập trống trơn của cậu Siêu bay bay trong gió.

Cậu chủ nhỏ không biết lúc đấy nhóc Nguyên cũng có mặt, vốn nhóc hí hững cầm hộp thạch dừa ướp đá định chạy qua cho cậu, nhìn cảnh đấy nhóc núp vội sau cây mít. Lúc cô hai đánh cậu, nhóc bị kiến vàng cắn muốn nát chân mà nhóc vẫn không nhúc nhích. Nhóc biết nhóc không nên ló mặt ra lúc này, tay siết chặt hộp thạch dừa, nhóc thương Dũ quá!

Nhóc Nguyên vẫn nấp sau gốc mít đến lúc cậu chủ nhỏ buông bút xoa xoa tay mình, nhóc gãi gãi cái chân đỏ tấy của mình rồi chui ra làm bộ hù cậu một cái. Nhóc cười hì hì xòe hộp thạch dừa qua cho cậu chủ nhỏ.

"Cho nè"

Cậu chủ nhìn nhóc bằng đôi mắt vẫn còn đo đỏ.

"Ăn đi, nhìn gì mà nhìn"

Nhóc Nguyên khui luôn lớp vỏ nhựa, nhét thạch dừa vào tay cậu chủ nhỏ. Cậu múc một muỗng cho vào miệng, vị ngọt tê dại đầu lưỡi, lấn át vị mặn chát của nước mắt.

"Vô soạn đồ đi, tối nay tớ qua dắt Dũ đi"

"Đi đâu?"

"Bỏ nhà đi bụi"

Cậu chủ nhỏ trợn mắt nhìn nó.

"Anh Hùng xây nhà chòi xong rồi, tớ về nhà xin ba mẹ tối nay bỏ nhà đi bụi"

Thằng khỉ, cậu nó cốc đầu nó, thì thầm trong miệng khùng dễ sợ rồi bỏ ra chỗ cậu Hùng xây nhà chòi.

"Chửi ai khùng đó, ói thạch dừa ra trả đây"

Cậu chủ nhỏ hướng về mảnh đất trống bên hông nhà, mặc cho nhóc Nguyên tru tréo sau lưng đòi móc họng cậu đòi lại thạch dừa.

Rồi, tôi thấy cậu cười!

----

Bên phải nhà tôi là nhà nhóc Nguyên còn bên trái là một mảnh đất bỏ trống, dăm bửa nửa tháng cảm thấy quậy tung hết mọi ngóc ngách trong xóm rồi, cái hội phá làng này sẽ tụ hợp về đây xây nhà chòi. Gọi là xây cho sang mồm, chứ mấy ông thần này có biết xây nhà đâu, nối mấy khúc cây, lợp thêm vài tấm là chuối, xong tụm đầu vào đấy rồi gọi là nhà. Mà đông quá đâu có chui vào hết được, phải chơi tù xì thắng làm vua thua làm người hầu. Mấy lần nhóc Nguyên thắng nhóc sẽ phong cậu chủ nhỏ làm hoàng hậu, anh Mặc làm hoàng tử, cậu Siêu làm công chúa, mấy người còn lại gác cửa tùy ý nhóc sai bảo. Nhóc còn lấy đọt lá chuối non viết bừa lên đó, cuộn lại làm thánh chỉ phong thần như thật. Nhọ nhất chắc là cậu Hùng, cái chòi nào cũng do cậu còng lưng xây, cuối cùng chưa một lần được làm vua.

Nhìn nhóc Nguyên ngồi trong chòi tay phe phẩy cái quạt lá cọ, cậu Hùng tức anh ách.

"Ê tối nay mấy người định cho trẫm ăn món gì?"

"Hỏng có ông vua nào mà ê này ê nọ như nhóc hết á"

"Hoàng hậu láo xượt, đày vào lãnh cung bây giờ"

"Dế cơm nướng đi, Út tao mới đem về hôm qua, nhiều lắm luôn"

Trước khi hoàng hậu bị đày vào lãnh cung, cậu Siêu nhớ tới cái túi dế cơm hôm qua ông chủ vừa bắt đem về, lớn tiếng trưng cầu ý vua.

"Ừ nghe ngon đó, duyệt"

Ừm thì, mấy anh của tôi không chơi thì thôi chứ chơi là phải chơi cho bài bản, có nhà rồi thì phải có cơm. Mỗi bận có nhà chòi, tới giờ cơm mỗi đứa ăn trộm một món ở nhà mình ra đây quây quần mở tiệc, khi thì cậu Siêu thó miếng thịt kho, khi thì anh Đằng chôm dưa mắm, khi thì anh Hằng trộm cá khô. Bữa nào tôi cũng ló mặt ra mà hỏng ké được miếng nào hết trơn, nói thương mình mà mình thèm chải nước miếng không ai thèm ngó tới, buồn thúi ruột.

Anh Mặc á, bình thường đến giờ ăn là má ảnh dí ảnh chạy vòng vòng trong xóm để đút cơm, ảnh ăn cơm cứ ngậm trong miệng miết, không nhai cũng không nuốt. Bữa nào mà má ảnh chang canh vô trong cơm thì cái tô đó như cơm Thạch Sanh, ảnh ăn lâu quá cơm cứ nở ra bung bét, ăn hoài không hết. Vậy mà ra cái nhà chòi này thì ảnh ăn như hạm, tới giờ là ảnh xách tô cơm ra đây giựt đồ ăn trên đầu trên cổ mấy anh khác. Bởi vậy cô hoa giấy nói với tôi, trên đời này có những thứ hạnh phúc nhỏ lẻ nhưng lại rất đáng yêu, ví dụ như việc ăn cơm, ăn với người mình thích thì một miếng dưa mắm cũng hóa sơn hào hải vị.

Nhóc Nguyên là đứa được ba mẹ Trương nuôi theo kiểu chăn thả, ba Trương là thương lái hay đi đây đi đó tìm nguồn hàng còn mẹ Trương buôn bán ngoài chợ cả ngày, nhóc là đứa tự do nhất trong đám thành ra cũng là đứa điên nhất. Chuyện mà nhóc dám làm chưa bao giờ nằm trong vòng tưởng tượng của mọi người.

Như kiểu nhóc nói bỏ nhà đi bụi là nhóc làm thật chứ chẳng đùa, sau bữa cơm với dế cơm nướng đứa nào đứa nấy tủa ra về nhà, nhóc cũng về, mà nhóc về thu gom mềm gối rồi lén lén ba mẹ chui ra nhà chòi. Ta nói chứ, nhóc có máu hút muỗi, trong chòi tối om cả một động muỗi, vừa nằm vừa gãi không biết có gì vui mà nhóc cứ cứng đầu không biết. Rồi cũng chẳng bao lâu, cậu chủ nhỏ ngồi trong nhà thấy cảnh ba Trương nắm lỗ tai kéo nhóc về nhà. Cậu tự giác cầm theo chai dầu gió đứng nấp trước cổng nhà nhóc Nguyên, đợi nhóc ăn một trận đòn tét đít, vác cái mặt nước mắt ngắn nước mắt dài ra cho cậu xoa dầu. Cậu chủ nhỏ vừa xoa dầu vừa nghe nhóc nói chuyện trên trăng dưới thủy, mách với cậu chủ nhỏ cả thảy trên người mình tổng cộng có hai mươi bốn vết muỗi đốt. Nhóc ghét cái mùi dầu gió dã man, lần nào cậu xoa nhóc cũng chê, phải để cậu kí đầu mới chịu ngoan. Dầu gió trị được bách bệnh, đừng có cãi!

----

Tính cả thảy cái hội này thì anh Chương, anh Hằng học giỏi nhất, kỳ thi nào ba mẹ hai anh cũng nở hết cả mũi, đi tới đâu khoe con trai tới đó. Tiếp đến là cậu chủ nhỏ của tôi, cậu không đặc biệt nổi trội, chỉ giống như lời cô hai nói, cố hết sức dành tấm giấy khen loại giỏi mỗi cuối học kì cũng đủ làm cậu đầu đau não nhức. Anh Mặc, anh Đằng thì kiểu lững lờ giữa dòng đời, hồi nào hên thì vớt vác được tí, hồi nào xui thì cũng kệ luôn. Còn lại cậu Hùng, cậu Siêu với nhóc Nguyên thì tôi không muốn bàn tới, ba người này theo đạo buông xuôi.

Chẳng ai tự nhiên sinh ra đã là thiên tài, nhưng ai cũng có thể tự làm mình thông minh hơn. (1)

Đây hẳn là cậu nói để miêu tả cậu chủ nhỏ của tôi, cậu không thông minh học một hiểu mười như anh Chương, anh Hằng. Khả năng ghi nhớ cũng không cao siêu nên học cái gì cậu cũng phải xem qua xem lại nhiều lần. Mỗi lần học thuộc bài cậu đọc tới đọc lui, tôi nằm dưới chân cậu nhẩm theo cũng thuộc lòng luôn. Có mấy đêm bài vở nhiều cậu vừa vò đầu vừa lẩm nhẩm đến tận khuya, tôi xót gần chết.

Hồi bắt đầu học toán, trong bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia, cậu ghét cay ghét đắng phép chia. Dù cắp sách đến nhà anh Chương được ảnh giảng dạy cậu chủ nhỏ cũng khai thông chân lí, nhưng ghét thì cậu vẫn ghét. Con người cậu ngộ lắm, cậu ghét mà cậu cứ làm hoài, tôi thấy trên trang nháp của cậu đầy mấy hình kẻ cột làm phép chia.

Nhóc Nguyên không thích học nhưng sợ ở lại lớp, bình thường mục đích lên lớp của nhóc chỉ là để họp chợ với bạn bè, nhóc nói chuyện riêng nhiều tới nỗi cô chủ nhiệm phải xếp cho nhóc chỗ đối diện với bàn giáo viên để chặn miệng nhóc. Đổi chỗ rồi thì nhóc không dám nói chuyện riêng nữa, nhóc ngủ luôn. Tới mỗi bận thi học kì là nhóc tò te bê sách vở qua nhà tôi cầu xin cậu chủ nhỏ cứu vớt cuộc đời. Cậu nói cậu không ưa nhóc, không dạy đâu. Nhóc nằm dài lên bàn than vãn.

"Năn nỉ mà! Dũ dạy tớ học đi tớ dạy Dũ cái khác"

"Dạy cái gì?"

"Dạy Dũ cách làm sao để lì như tớ nè, Dũ ngoan quá"

Giờ cậu phải đánh nhóc đúng không?

Nói thì hay lắm chứ có bao giờ cậu từ chối nhóc Nguyên đâu. Dù bình thường ra vẻ không để tâm nhưng đầu óc nhóc nhanh nhạy lắm, cậu chủ nhỏ dạy nhóc cũng không quá cực khổ. Cậu cứ hỏi nhóc hoài.

"Khôn như vầy sao không lo học, cứ để bị đòn miết?"

Nhóc cầm bút gõ gõ lên giấy, chân thì nhịp nhịp kiểu bất cần đời.

"Tại quậy nó vui"

Rồi coi như cậu thua.

Cơ mà nghiệt, cậu dạy cộng, trừ, nhân gì nhóc đều tiếp thu nhanh lắm, tới phép chia thì nhóc tắt điện, cậu nói mãi mà nhóc không có hiểu. Nhóc bực mình.

"Sao phải học phép chia chi vậy Dũ?"

"Thì...để chia cho đều"

"Nhưng mà trên đời này làm gì có cái gì được chia đều đâu"

Ừ nhóc nói đúng, trên đời này mà cái gì cũng được chia đều thì còn gì là đời nữa. Chúng ta đều biết các bậc ông bà, cha mẹ thường khẳng định thương con thương cháu như nhau, nhưng luôn luôn sẽ có một đứa nhận được tình thương nhiều hơn một chút. Như một khúc thịt được cắt ra ba phần khối lượng sẽ không bằng nhau, dù có ba con cá thì cũng sẽ có con to con nhỏ, dù có bao nhiêu bộ đồ thì giá của mỗi bộ đều không giống nhau. Cũng như tình thương ở căn nhà này, mãi mãi không chia đều.

Cậu chủ nhỏ biết rõ đối với con cái ông bà thương cô hai hơn ông chủ, vì bà mang bầu cô hai lúc thời chiến, cái lúc không lực Hoa Kỳ đã rải chất độc màu da cam trên vùng đất nông thôn mình, cô hai sinh ra bị ảnh hưởng một chân teo nhỏ hơn chân còn lại, cô chịu thiệt thòi còn bà thì mặc cảm tội lỗi, phần ưu tiên lúc nào cũng dành cho cô nhiều hơn. Rồi đến đời cháu, cậu Hùng cậu Siêu thiệt thòi, phần ưu tiên ông bà lại tiếp tục dành cho hai cậu. Phần áp lực, trách nhiệm, nghĩa vụ thì chia cho cậu chủ nhỏ.

Nhưng mà, cậu chủ nhỏ chỉ là một đứa trẻ!

Là ai phân chia đã có tình thương của ba mẹ thì không được ông bà yêu thương. Là ai phân chia có ba mẹ thì phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn người không có. Cái phép chia chết tiệt!

Nhóc Nguyên loay hoay mãi không giải được đề bài cậu chủ nhỏ đưa cho nhóc, nhóc giở thói làm nũng.

"Phép chia khó quá Dũ ơi"

"Ừ, phép chia là khó nhất."

"Bỗng nhiên tớ thấy đau đầu quá"

"Sao tự dưng lại đau?"

"Ôi chao ngồi xuống là đau, ôi chao đứng lên cũng đau"

"Nhõng nhẽo vô ích thôi, mới học phép chia hết thôi đó, còn phép chia có số dư nữa kìa"

Nhóc nghe mà ngán tận cổ, nhất quyết kiếm chuyện nói để tranh thủ giải lao.

"Ê mà ví dụ như ngoài đời phải làm phép chia á, Dũ có thiên vị cho tớ không?"

"Mắc gì?"

"Tại tớ lúc nào cũng thiên vị Dũ, cho Dũ làm cục cưng, làm hoàng hậu của tớ còn gì?"

"Có ai mượn thiên vị không?"

"Đồ vô tình!"

Nhóc giận rồi, không thèm để ý cậu chủ nhỏ nữa. Cậu chủ nhỏ dễ mềm lòng gần chết vừa thấy nhóc xoay mặt đi đã ằng hắng.

"Nè giận hả?"

"Không thèm"

"Không giận thì quay qua học tiếp nè"

Tức chết nhóc Nguyên.

Đúng như cậu chủ nhỏ cảnh báo, phép chia có dư siêu khó, nhóc cắn muốn nát đầu bút vẫn không giải ra. Cậu chủ nhỏ thấy vậy cầm lấy cây bút trên tay nhóc vẽ một khung số 17 chia 5, giọng cậu siêu êm.

"17 chia 5 thì nhẩm bảng cửu chương xem 5 nhân bao nhiêu gần bằng 17 nhất?"

"3"

"Ừm viết 3 vào đây, 3 nhân 5 bằng 15, viết 15 vào chỗ này. Rồi lấy 17 trừ 15 bằng bao nhiêu?"

"2"

"Ừm giờ dư 2 thì làm gì?"

"Dư thì cho Dũ"

Tôi nhìn là tôi biết cậu chủ nhỏ muốn chửi thề lắm rồi, mà cậu ráng nhịn. Nhóc Nguyên thấy cậu bế tắc nhóc vui lắm, cười đến hai vành mắt cong cong.

Rõ ràng là ban đêm trăng đang treo trên đầu sao cậu chủ nhỏ lại ảo giác mình vừa nhìn thấy mặt trời nhỉ?

Cậu lẫy rồi, cậu không dạy nhóc nữa.

----

Đêm đó cậu chủ nhỏ vừa ôm tôi vừa đếm mấy trái thù lù ông chủ mang về cho cậu.

"Có 29 trái, chia cho 8 đứa kiểu gì đây?"

Làm sao mà tôi biết được, tôi không có học toán, cũng chẳng ăn được thù lù.

Cậu chủ nhỏ ngẫm nghĩ một hồi rồi tự trả lời.

"Chia mỗi đứa 3 trái, còn dư 5 trái thì cho nhóc Nguyên luôn nhen"

Ừa cậu hỏng có thiên vị nhóc Nguyên tí nào hết á, tôi tin cậu.

À thì, phép chia vẫn khó nhất, trên đời này nhiều thứ chia mãi vẫn không công bằng. Cơ mà yên tâm đi rồi bạn sẽ gặp được người cam tâm tình nguyện thiên vị chia phần số dư cho mình. Biết đâu được, người đó đang ở ngay bên cạnh bạn cũng không chừng!

--------

(1) Sưu tầm báo mạng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro