STT 3:

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Couple:

Trần Văn Lai Minh (Minh Lai) x Trần Nguyễn Thanh Nhi (Liu Grace)

__

Trâm

Ánh trăng bây giờ như thiêu đốt

Cháy màu phim cũ, cháy điên tình.

"Say"- Thủy Tùng Cung

————

Chương I: Hương hoàng lan

Hương thơm ngào ngạt của nước đường quyện với mùi gừng thoang thoảng không át được mùi hoàng lan lãng đãng vờn nơi chóp mũi Nhi.

Đáng ra trong giây phút này, khi ngồi dưới chân chùa Thiên Mụ ngắm cảnh hoàng hôn trên sông Hương và nhẩn nha bát đậu hũ thì hẳn Thanh Nhi phải thấy khoan khoái lắm. Nhưng đời chẳng đẹp như mơ, miệng em đắng nghét dư vị của cuộc tình phôi phai và đôi mắt thì bỏng rát do khóc suốt chặng đường dài.

Sau mười hai tiếng đằng đẵng trên chuyến tàu đêm từ Hà Nội vào Huế, sáu tiếng mưa rả rích như oán than, ba tiếng nước mắt em tuôn rơi lã chã thì chỉ còn lại một Thanh Nhi héo úa xác xơ.

Em khóc cho một cuộc tình đẹp đẽ nhưng chẳng có hồi kết, khóc cho tuổi xuân rực rỡ mà ngắn ngủi của đời con gái, khóc cho những kỉ niệm chỉ còn là thước phim quay chậm trong quá khứ và trong óc em.

Nhi đã quyết, thà bỏ hết.

Nếu thời gian trong tình yêu chỉ còn là một con số, nếu người bên ta những lúc đắng cay nhất còn bỏ đi, chẳng thà em dứt hẳn duyên trần.

Và thế là trong cái đêm tối mịt mù, mưa nặng hạt, mưa tầm tã, mưa mù trời, Nhi chỉ kịp bắt chuyến tàu cuối cùng từ Hà Nội về Huế. Người con gái của mảnh đất cố đô trở về quê hương khi lòng em xây xát vết thương của một mối tình đổ vỡ và trái tim nham nhở không thể hàn gắn.

Xứ thơ ôm em vào lòng với cái nắng chói chang của buổi chiều, với cái vệt sáng lấp loáng như mảnh gương hắt lên từ dòng Hương xanh ngắt, với tiếng chuông chùa Thiên Mụ văng vẳng bên tai và mùi hoa bưởi tinh khiết trong sạch.

Khi tay em ôm ấp những bông hoa trắng muốt được gói gọn trong lá chuối dâng lên bàn Phật, khi Nhi tưởng chừng đã chẳng còn vương vấn lòng trần thì hương thơm ngây ngất của hoàng lan từ đâu kéo em ra khỏi không gian tịch mịch.

Trông thấy Nhi còn đang dáo dác như tìm kiếm thứ gì, một vị tiểu sư phụ mới dè dặt:

- Không biết thí chủ đang tìm cái chi?

(Chẳng hay thí chủ đang tìm cái gì?)

- Dạ thưa, mùi hoàng lan chỗ mô mà thơm dễ sợ.

(Dạ thưa, mùi hoàng lan ở đâu mà thơm quá.)

Thanh Nhi thật thà đáp, bàn tay dâng gói hoa bưởi nhỏ xinh mà tâm trí thì vẫn cuốn theo chiều gió, đuổi rượt cùng hương hoàng lan tận chốn nào.

Với em, hoa bưởi trắng, trắng tinh khiết và trong sạch lắm. Thế nhưng hoàng lan thanh mảnh diễm lệ, hoàng lan lưu luyến ngất ngây, hoàng lan dùng dằng nửa đi nửa ở.

Và Nhi còn quấn quýt bịn rịn hoàng lan nhiều.

Đương khi em mải lần mò nơi phát ra hương thơm nồng nàn ấy thì vị tiểu sư phụ đứng cạnh mới khom lưng, miệng lẩm bẩm một câu đầy ý nhị:

- Thí chủ lụy một chữ tình, ngó chừng khó mà gạt hết trần duyên*.

(Thí chủ lụy một chữ tình, xem chừng khó mà gạt hết trần duyên. )

Chỉ vì một câu ấy thôi mà em ngẩn ngơ suốt cả chiều. Từ lúc dâng hương đến khi xong lễ, đã bước hẳn ra khỏi chùa và đang phơi đầu dưới cái nắng cháy da cháy thịt ở bến Tòa Khâm, Nhi vẫn không sao tỉnh ra được.

Lụy một chữ tình.

Nhi bần thần cả người. Em lơ đễnh nhìn những vệt ửng hồng nhảy nhót trên mặt sông Hương, trong miệng vẫn chẳng nếm ra vị gì và trong phổi thì đầy ắp hương hoàng lan say đắm lòng người.

Em đã bỏ cả Hà Nội hoa lệ rực rỡ, bỏ cả ngôi trường Kinh tế quốc dân người người mơ ước, bỏ lại mối tình chứa cả bầu trời thanh xuân. Chỉ để quay về cố đô Huế, quay về mảnh đất chôn rau cắt rốn, quay về với chốn sông nước bình yên và thanh thản.

Lụy một chữ tình.

Đó đâu phải là em?

Đáng lẽ tâm trí Nhi sẽ còn bay rất xa, sẽ còn cuốn theo hương hoàng lan lặn xuống đáy sông Hương rồi biến mất tăm nếu như tiếng chuông điện thoại của em không kéo hồn em về với thực tại.

Nhi giật mình, tay chân luống cuống hết cả bởi lẽ nhạc chuông này em chỉ cài riêng cho mẹ. Bình thường mẹ chẳng bao giờ điện cho Nhi vào buổi chiều. Cái hồi còn ở Hà Nội em bận học lắm, cả chiều rúc trong giảng đường đông đúc nóng nực đến là ngột ngạt. Thế mà bây giờ mẹ gọi không một tin nhắn báo trước tức là mẹ biết Nhi bỏ Hà Nội, trốn học về quê rồi.

Nhi vội đến mức quýnh quáng cả lên, bát tào phớ hôi hổi đang ăn dở sóng sánh, nước đường tràn ra tay em nóng bỏng. Nhi rụt tay lại theo phản xạ, chiếc điện thoại cũng trượt ra khỏi tay em, rơi thẳng xuống đường dưới một tiếng rất kêu.

- Ối, cái điện thoại!

Nhi thảng thốt kêu lên, em chẳng màng đến vết phỏng trên cổ tay mà chạy một mạch xuống đường dưới, chỉ mong sao cái điện thoại vẫn còn dùng được.

Mà ông trời chẳng đáp lại sự mong mỏi của Nhi.

Hết cả một buổi chiều, mặt trời đã nằm ngủ dưới lòng sông Hương mà em vẫn chưa tìm thấy cái điện thoại của mình.

- Rõ ràng là rơi xuống dưới đó mà.

(Rõ ràng là rơi xuống dưới nớ mà.)

Nhi nằm nhìn trần nhà, trằn trọc không sao ngủ được. Em mướt mải kiếm cả một buổi mà đến cái bóng của điện thoại cũng không thấy. Lạ quá, rõ ràng Nhi còn nghe thấy tiếng điện thoại rơi trên đất cái bộp.

Em trở mình, trong lòng thấy chộn rộn không sao ngủ được. Nhi chưa dám về nhà, em chỉ đành mượn điện thoại của cô bạn thân để điện về cho mẹ rồi tiện thể xin ngủ nhờ một đêm.

Khuya, trăng trên trời đổ ánh bạc xuống đầu giường, tràn ra sàn nhà và lênh láng trong lòng Nhi.

Đêm ở Huế tịch mịch theo một điệu riêng: không hoang vắng sầu buồn mà lững lờ, trầm lắng như cái nhịp chảy của cuộc sống nơi đây.

Ở đây vẫn còn nghe văng vẳng điệu Nam Ai Nam Bình, tiếng sóng vỗ oàm oạp vào mạn thuyền và mùi hoàng lan thoang thoảng.

Ôi, hương hoàng lan khiến lòng Nhi ngổn ngang quá.

Chương II: Cuộc gọi chập chờn

- Nhi, mi định học ở đây thiệt há? Không về Hà Nội học tiếp à?

(Nhi, mày định ở đây thật hả? Không về Hà Nội học tiếp à?)

Thảo Linh lúc lắc đi từ phòng bếp ra sân sau, tay nó cầm một đĩa bánh bột lọc mới hấp bốc khói nghi ngút, ngồi cạnh Nhi.

- Ừ, tao tính lên chùa cho tịnh tâm mà còn không được ơ tề.

(Ừ, tao tính lên chùa cho tịnh tâm mà còn không được kia kìa.)

Nhi bâng quơ đáp, đôi mắt em phản chiếu ánh trăng bàng bạc, một mảng trời đêm lất phất những giọt trong veo.

Sắp đến Rằm, chưa tới đêm mà trăng đã tỏ.

Ngày mưa ở Huế không u ám và buồn thảm như ở đất thủ đô.

Trời đổ mưa trên xứ kinh kỳ cả những lúc nắng vàng ửng lấp lánh. Mưa giọt tròn tựa hàng triệu viên ngọc lộp độp rơi, đập vào những phiên nứa và mái ngói, âm thanh lúc dày lúc mảnh như một bản hòa ca ngẫu hứng vui tai. Ngoài đường, những con phố vắng bóng người không lặng lẽ cô liêu mà rực rỡ ánh đèn, những đốm sáng đủ màu xanh đỏ hồng vàng càng tô điểm thêm cho cái nền mưa xám xịt.

Cố đô Huế những ngày mưa dài giống như nốt trầm trong bản tình ca thơ mộng lãng mạn, sâu lắng và nồng nàn hơn.

Nhi thò chân ra ngoài, đung đưa như đứa trẻ con. Mắt em nhấp nháy ánh sao trời và lồng ngực em đầy ắp hương thơm đặc trưng của quê hương xứ sở: mùi bột bánh hòa quyện với hương vị đậm đà của tôm của thịt, phảng phất cái chua ngọt the của ớt và ngai ngái của hành lá.

Ngày mưa đầu mùa se lạnh mà có miếng bánh bột lọc cắn ngập răng thì thích phải biết.

Nhi hí hửng vươn tay lấy một miếng bánh bỏ vào mồm, sướng rơn như thể cảm nhận được tất cả tinh hoa ẩm thực của Huế gói gọn trong miếng bột lọc.

Linh nhìn Nhi cười tít, nó chẳng đành lòng phá vỡ khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi của em. Linh biết chuyện của Nhi từ đêm em đi tàu về Huế, hơn ai hết nó hiểu sâu sắc những tổn thương mà em phải chịu sau cuộc tình đổ vỡ.

Nhi không may mắn như những cô gái khác. Ba Nhi ngoại tình từ lúc mẹ mang thai em, hai người chung sống với nhau chẳng yên được ngày nào và đến năm em lên sáu thì mẹ em đệ đơn ly hôn. Sự kém may mắn trong hôn nhân không đánh gục được mẹ Nhi, bà vốn là một người phụ nữ mạnh mẽ và độc lập. Thế nhưng đối với một đứa trẻ non nớt như Nhi, vết nứt tình yêu của ba mẹ em gây ra quá nhiều tổn thương về mặt tinh thần.

Khó khăn lắm Nhi mới mở lòng và có một tình yêu tuổi thanh xuân như bao người khác. Linh còn nhớ như in cái ngày Nhi điền tên trường vào giấy dự thi, nó đã ngạc nhiên:

- Ô hay, trước chừ mi có thích kinh tế mô, vô đó học làm chi?

(Ô hay, trước giờ mày có thích kinh tế đâu, vô đó học làm gì?)

- Tao đi với người yêu, hắn đang học năm nhất chỗ nớ.

(Tao đi với người yêu, ảnh đang học năm nhất ở đấy.)

Nhi bịt miệng cái Linh lại, em bẽn lẽn cười.

- Tao tưởng mi sợ Hà Nội bon chen, sống không quen mà hè?

(Tao tưởng mày sợ Hà Nội bon chen, sống không quen cơ mà?)

Cái Linh nhíu mày, nó không chấp nhận được việc cô bạn thân mù quáng chạy theo tình yêu mà bỏ quên bản thân.

- Phải thử mới biết được chơ! Không lẽ cả đời cứ sợ mãi mà được mô.

(Phải thử mới biết được chứ! Chả lẽ cả đời cứ sợ mãi mà được đấy.)

Linh nhìn Thanh Nhi của hiện tại, trong lòng thấy xót xa. Nó dằn lại những lời khuyên, chỉ đành buông một câu:

- Tính xa rứa, trước mắt thì tìm cái điện thoại để liên lạc dùm tao. Mẹ mi lo lắm.

(Tính xa quá, trước mắt thì tìm cái điện thoại để liên lạc dùm tao. Mẹ mày lo lắm.)

Miếng bánh bột lọc thơm ngon phưng phức như mắc nghẹn trong họng Nhi, em lúng búng:

- Chết cha... Bao nhiêu thứ quan trọng trong điện thoại, hay mi cho tao mượn máy điện một cuộc, lỡ có ai lượm được...

(Chết mất... Bao nhiêu thứ quan trọng trong điện thoại, hay mày cho tao mượn máy điện một cuộc, lỡ có ai nhặt được...)

Em vẫn cố vớt vát chút hi vọng, tay cầm lấy điện thoại của Thảo Linh, nhanh nhẹn bấm số của mình.

Tút tút tút tút.

Phải đến lần gọi thứ năm đầu dây bên kia mới bắt máy, Thanh Nhi sốt sắng:

- A lô?

- H—hả?

Bên kia vang lên một giọng đàn ông nam tính, anh mới lắp bắp mấy tiếng mà Nhi đã mừng húm. Em tuôn một tràng:

- Tôi là Trần Nguyễn Thanh Nhi, chủ nhân của chiếc điện thoại anh lượm được. Có chi anh cho tôi địa chỉ nhà để tôi tới lấy lại đồ được không?

(Tôi là Trần Nguyễn Thanh Nhi, chủ nhân của chiếc điện thoại anh nhặt được. Liệu anh có thể cho tôi địa chỉ nhà để tôi đến lấy lại đồ được không?)

- Điệ—điện thoại?

Đầu dây bên kia lặp lại chỉ vỏn vẹn hai từ, xem chừng đang băn khoăn lắm. Thanh Nhi nhìn Thảo Linh đang ra khẩu hiệu bằng miệng, em vội vàng bổ sung:

- À đương nhiên tôi sẽ gửi anh quà cảm ơn, đồ anh đang cầm là nửa mạng sống của tôi đỏ. Anh đọc tên với địa chỉ nhà cho tôi được không hè?

(À đương nhiên tôi sẽ gửi anh quà cảm ơn, đồ anh anh đang cầm là nửa mạng sống của tôi đấy. Anh có thể đọc tên và địa chỉ nhà cho tôi được không?)

Người đàn ông đang nghe điện trầm mặc một lúc lâu, đến khi Nhi tưởng đã cúp máy thì anh mới máy móc đọc:

- Đằng nớ cứ gọi tôi là Lai Minh, nhà ở ba mươi hai Đặng Trần Côn, gặp tôi sau gi—.

(Đằng ấy cứ gọi tôi là Lai Minh, nhà ở ba mươi hai Đặng Trần Côn, gặp tôi sau gi—)

- Hấy, anh nói cái chi?

(Hả, anh nói gì cơ?)

Thanh Nhi chưa kịp nghe hết câu tiếp theo thì bên kia đã mất sóng, chỉ có tiếng rè rè lọt vào tai.

Em hết nhìn điện thoại lại đến nhìn Thảo Linh, đôi lông mày nhíu tịt lại bày tỏ sự bực bội thấy rõ.

- Giỡn chi chi ơ, người thời mô mà còn "đằng nớ" như mấy ông rứa không biết.

(Khiếp đùa, người thời nào mà còn "đằng ấy" như các cụ không biết.)

Thảo Linh trợn tròn mắt nhìn em.

- Hắn nói cái chi mà mi bực rứa? Kêu không trả à?

(Ổng nói cái gì mà mày bực thế? Kêu không trả à?)

Nhi méo miệng, tự nhiên vừa bực bội vừa thấy buồn cười vì sự quê mùa và lạ lùng của người đàn ông kia.

- Mô, có trả. Nhưng mà không hẹn giờ gặp. Tổ cha, lỡ tới mà không có nhà thì chắc phá cửa vô quá.

(Đâu, có trả. Nhưng mà không hẹn giờ gặp. Bố sư, lỡ đến mà lại không có nhà thì phá cửa vào chắc.)

Hai đứa chúng nó cười nắc nẻ, hùa mấy câu đùa rồi lại rủ nhau vào nhà chuẩn bị bữa tối.

Chương III: Hai trăm năm cách biệt

Ngày Rằm giữa tháng, trăng sáng như viên ngọc lớn, ánh bạc rót xuống mặt sông và khiến cả cố đô Huế lung linh như cung điện nguy nga.

Thanh Nhi nằm trên giường lướt điện thoại chán chê, tự nhiên thấy trong lòng ngứa ngáy khó tả. Em bực bội vì người đàn ông kia một thì tự giận mình mười, anh ta nói gì em cũng tin sái cổ, bêu đầu cả ngày giữa trời nắng chói chang để tìm địa chỉ giả.

Thanh Nhi đã đi hết đường Đặng Trần Côn năm bảy vòng, đủ nhiều để em chắc chắn rằng chỉ có quán cà phê Les Jardin de La Carambole là ghi ba mươi hai Đặng Trần Côn.

Thế nhưng dù em có hỏi đi hỏi lại về người đàn ông tên Lai Minh, bé nhân viên tóc vàng hoe cũng kiên trì lắc đầu nói không biết rồi chạy tuốt vào trong quán. Chỉ còn lại Thanh Nhi bối rối đứng ở cửa, đôi mắt dáo dác nhìn quanh.

Chạng vạng, Nhi thất thểu về gặp mẹ.

Cũng may, người đàn bà tâm lý ấy không tra hỏi Nhi lý do em về Huế, chỉ mắng em vài câu cho có lệ rồi vội vàng kéo em ra cửa hàng mua điện thoại mới luôn.

Mẹ nói, không điện được cho em khiến mẹ lo lắm.

Nhi khịt mũi, em nhắn mấy tin thông báo cho Thảo Linh rồi lại nằm lăn ra giường, tay vắt lên trán nghĩ ngợi.

Nhi cảm thấy cả thế giới như đang hùa vào bắt nạt em, mà em có sai cái quái gì đâu kia chứ.

Nhân lúc đêm khuya thanh vắng, mẹ em đã ngủ mà lòng Nhi thì nặng trĩu, em quyết định bấm gọi số máy cũ của mình.

Ngay khi đầu dây bên kia bắt máy, Nhi hờn giận chất vấn:

- Anh Lai Minh đó hớ? Tôi đây, Trần Nguyễn Thanh Nhi đây. Này tôi nói chứ nếu anh không có ý định trả tôi điện thoại thì đừng nghe điện là được mà, răng phải đọc cho tôi địa chỉ giả.

(Anh Lai Minh đấy hả? Tôi đây, Trần Nguyễn Thanh Nhi đây. Này tôi bảo chứ nếu anh không có ý định trả tôi điện thoại thì đừng nghe điện là được mà, sao phải đọc cho tôi địa chỉ giả.)

Em tuôn ra một tràng dài, mặc kệ rằng nếu như người bên kia nghe xong sẽ cúp máy. Trái ngược với những gì Nhi nghĩ ra, Lai Minh nghe xong không tắt cuộc gọi, anh còn ngây ngô hỏi lại:

- Đằng nớ đến nhà tôi rồi à? Răng tôi ngồi chờ cả ngày mà không chộ?

(Đằng ấy đến nhà tôi rồi hả? Sao tôi ngồi chờ cả ngày mà không thấy?)

- Tôi hỏi nhân viên quán cà phê mấy lần, có ma mô tên là Lai Minh mô nờ. Anh lại còn diễn nữa!

(Tôi hỏi nhân viên quán cà phê mấy lượt, có ma nào tên là Lai Minh đâu. Anh lại còn diễn nữa!)

Thanh Nhi đanh đá đốp chát lại. Nhưng chỉ sau khi nghe câu hỏi ngờ nghệch tiếp theo của Lai Minh thôi, em lại chẳng nỡ mắng chửi anh nữa.

- Quán cà phê – là cái chi rứa?

(Quán cà phê – là cái gì thế?)

Người giời đấy à.

Em nhăn mặt, một thoáng tĩnh lặng giữa hai người cứ kéo dài mãi.

Thế rồi chẳng biết nghĩ cái gì, Nhi buột miệng cảm thán một câu:

- Thế kỷ hăm mốt rồi mà còn không biết quán cà phê, anh là người thời mô rứa?

(Thế kỷ hai mươi mốt rồi mà còn không biết quán cà phê, anh là người thời nào đấy?)

Lúc này Nhi đã ngồi hẳn dậy, em bật loa, để điện thoại cách xa ra để tránh cho những tiếng chửi thề lọt vào loa. Đặc biệt là khi nghe câu trả lời mơ mơ hồ hồ của anh:

- Thế kỷ hăm mốt? Đằng nớ có lộn không...chừ đang dưới thời chúa Nguyễn mà.

(Thế kỷ hai mươi mốt? Đằng ấy có nhầm không...giờ đang dưới thời chúa Nguyễn mà.)

Nhi nhìn trân trân vào màn hình điện thoại đang hiển thị cuộc gọi.

Ngoài trời trăng sáng như soi mà đầu Nhi thì phủ đầy sương mờ, đặc quánh lại.

Chúa Nguyễn...

Đầu Nhi ong ong như có cây búa vừa đập vào, nó phá vỡ tất cả mọi giới hạn về thời gian và vũ trụ trong em. Nhi nhìn quyển lịch đang ghi ngày mười lăm tháng ba năm hai nghìn lẻ ba, em lắp bắp:

- Bây chừ anh có thể cho tôi biết hôm ni là ngày tháng mô, năm thứ mấy không?

(Bây giờ anh có thể cho tôi biết hôm nay là ngày tháng nào, năm thứ mấy chứ?)

- Ngày mười lăm tháng ba năm một tám hăm ba.

Thanh Nhi hít một hơi thật sâu, em đang cố gắng tìm ra chút giả dối trong câu nói của Lai Minh. Song dường như mọi chuyện thật quá, thật đến mức em tưởng rằng mình đã lạc vào một câu chuyện viễn tưởng.

Nhi không nhớ rõ mấy đêm sau đấy em và người đàn ông của thế kỷ mười chín kia nói những gì, hay chuyện Nhi đã cố gắng thuyết phục anh tin vào khoảng cách gần hai thế kỷ giữa hai người ra sao.

Phải chăng đó là những đêm nói chuyện thâu đêm suốt sáng đến khi mất sóng.

Phải chăng đó là những lần cười khúc khích sau vườn như vụng trộm qua chiếc điện thoại.

Phải chăng đó là những lần em chối bay chối biến câu hỏi của mẹ về một tình yêu mới.

Có đêm Nhi không thể điện được cho Minh, em chỉ đành chụp lại một góc xứ kinh kỳ thời hiện đại để gửi cho anh. Thanh Nhi cảm nhận một sự kết nối đặc biệt với anh- người đàn ông của quá khứ hai trăm năm trước.

Nghe theo lời chỉ dẫn của Thanh Nhi, Minh bập bõm học được cách sử dụng một vài chức năng nghe gọi và thu âm tiếng đơn giản.

Ở cuộc gọi tiếp theo, anh đã hoàn toàn tin tưởng vào việc Thanh Nhi đến từ thế giới tương lai- một nơi mà con dân Việt Nam sống trong hòa bình và hạnh phúc.

Anh gần như sững sờ trước khung cảnh lạ lẫm của cố đô Huế vào những năm hai nghìn:

- Đúng là sông Hương đây rồi, nhưng mà ở chỗ tôi đường đi không đẹp và sáng như rứa. Đằng nớ vẽ vào ảnh à?

(Đúng là sông Hương đây rồi, nhưng ở chỗ tôi đường đi không đẹp và sáng như thế. Đằng ấy vẽ vào ảnh à?)

Nhi cười giòn tan trước sự ngây ngô của anh, và trong thoáng chốc em đã nghĩ, nếu như biết được một chút Phú Xuân của ngày xưa thì thật tốt biết mấy.

Cái tình yêu quê hương và văn hóa xứ sở trỗi dậy trong lòng người con gái của đất cố đô, nó thúc giục em phải tranh thủ cơ hội.

Mà cái số nó lại oái oăm với Nhi, em chẳng làm việc gì suôn sẻ được quá lâu.

Trước khi Nhi kịp đáp lại câu hỏi của anh, điện thoại đã bị nhiễu sóng, chỉ còn âm thanh rè rè rồi nhanh chóng tự ngắt điện.

Dường như đã quen với sự chập chờn của những cuộc gọi với Minh, Nhi chỉ thở một hơi dài tiếc nuối, đôi mắt em nheo tít lại, đong đầy ánh sao trời.

Em tự hỏi ở chỗ của Minh sao có sáng hơn ở đây không, khi mà ánh điện cửa gương vẫn còn chưa lung linh lấp lánh như bây giờ.

Chương IV: Phú Xuân cũ

Sau một ngày lang thang ở Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, trong lòng Nhi đầy ắp hoài niệm về Xứ thơ thời xưa cũ.

Tâm trí em lạc trôi trở lại Huế của những năm một nghìn tám mươi mấy.

Ban ngày, những lúc không thể liên lạc được với Minh, Nhi thả hồn vào những bức ảnh mờ căm, phủ màu vàng úa của thời gian mà anh chụp, tưởng rằng mình như sống ở Phú Xuân năm xưa.

Trần Văn Lai Minh là một nghệ nhân làm việc trong quan xưởng triều Nguyễn, công việc hiện tại của anh là chế tạo đồ trang sức và vật trang trí cho Hoàng cung.

Ở cái tuổi hai mươi bảy, độ tuổi mà đàn ông con trai thời xưa đã yên bề gia thất thì Minh lại cặm cụi với những khối ngọc, khối đá quý. Anh có hơn mười ba năm trong nghề và sự say đắm nồng nàn với công việc không mấy nhẹ nhàng này.

Thanh Nhi chỉ vô tình biết được chuyện này khi em nhờ anh chụp ảnh căn phòng của mình, Nhi muốn lưu lại những tư liệu quý giá về một góc cố đô khi còn có thể.

Lọt vào bức ảnh chụp vội ấy là chiếc vòng ngọc được chạm khắc vân hoa nổi tinh xảo, lấp lánh dưới ánh nắng tháng ba rực vàng.

- Ô, anh có mấy món trang sức đẹp rứa. Tôi còn cứ tưởng chỉ có quý tộc với lại các bà mới dùng đồ bằng ngọc ơ.

(Ô, anh có mấy món trang sức đẹp thế. Tôi còn cứ tưởng chỉ có quý tộc mấy lại các bà* mới dùng đồ bằng ngọc đấy.)

Nhi ngạc nhiên cảm thán, đôi mắt em sáng lên khi phát hiện ra món đồ mỹ nghệ tưởng chỉ có trong những Bảo tàng ngày nay.

- Thì tôi làm cho mấy bà, mấy mệ*, không quý làm sao được.

(Thì tôi làm cho người ta mà, không quý sao được.)

Minh khiêm tốn đáp lại em, anh vừa bật loa ngoài của điện thoại, vừa cẩn thận khắc những đường nét uốn lượn trên chiếc vòng ngọc chưa hoàn thiện.

- Mà, Nhi biết được chuyện của tương lai đúng không?

- Em biết, anh muốn nghe chuyện chi?

(Em biết, anh muốn nghe chuyện gì?)

Thanh Nhi cười tủm tỉm, đây không phải lần đầu em thấy người đàn ông gần ba mươi tuổi bộc lộ sự hiếu kì khi đứng trước những điều tưởng chừng phi thực tế.

Dưới ánh trăng bạc của Huế, em đã kể anh nghe về những biến động lịch sử trong thế kỉ mới, về ngày giải phóng và những chiến thắng huy hoàng.

- Ở thế giới mà Nhi đang sống, có chỗ mô lưu giữ lại những vật mà tôi làm ra không?

(Ở thế giới mà Nhi đang sống, có nơi nào lưu giữ lại những vật mà tôi làm ra không?)

Minh ngập ngừng hỏi, thế rồi như cảm thấy có gì không đúng, anh bối rối bổ sung:

- T—tôi vẫn luôn muốn trở thành một nghệ nhân nổi tiếng, không lưu lại chút chi đó thì—thì truyền cảm hứng cho đời sau cũng được.

(T—tôi vẫn luôn muốn trở thành một nghệ nhân nổi tiếng, không lưu lại chút gì đó thì—thì truyền cảm hứng cho đời sau cũng được.)

Thanh Nhi bồi hồi nhớ lại sự nghẹn ngào khó diễn tả trong câu nói khi ấy của anh, ngón tay đang trượt trên những bức ảnh cũ kĩ như trong những thước phim tài liệu dừng lại.

Em đã đến hẳn Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế và liên tục tìm kiếm tên anh trên mạng, nhưng không có bất cứ ghi chép hay kết quả cụ thể nào về Trần Văn Lai Minh.

Không giống những cổ vật cung đình chế tác bởi Kim ngân tượng cục hay các vật dụng phục vụ cho sinh hoạt của Hoàng cung, Việt Nam hiện tại lưu giữ tương đối ít những món đồ trang sức, đồ mỹ nghệ của quý tộc và phi tần nhà Nguyễn. Có chăng đi nữa, những ghi chép về các "kiệt tác" tinh xảo ấy cũng không đề cập đến quá trình chế tạo và người nghệ nhân làm ra nó.

Ngồi trên con Dream cà tàng trên đường về nhà, đầu óc Thanh Nhi trôi dạt như đám bèo xiết theo dòng chảy, em thấy mông lung và vô định quá.

Nhi dừng đèn đỏ ở ngã ba Đinh Tiên Hoàng, hít cho đặng cái mùi của quê hương.

Em nhớ trong cảm nhận của Minh, đó là mùi đất, mùi hoa, mùi gỗ, mùi cỏ cây và mùi sen trong hồ hòa quyện theo gió. Anh đã miêu tả lại "hương vị" của Phú Xuân vào đầu thế kỷ mười chín bằng ngần ấy những ngôn từ vụng về, bình dị mà chân thật, xinh đẹp. Song trong khoảnh khắc lòng rối như tơ, Thanh Nhi chỉ ngửi được mùi hắc của khói xe và mùi nhựa đường bị hun bốc lên.

Hóa ra chính Huế cũng không còn trọn vẹn cái hương vị của những ngày xưa cũ, nói gì đến con người. Em thấy giận và buồn thay cho những nét văn hóa đang dần mai một và biến mất, ở Huế nói riêng và của đất Việt nói chung.

Người Huế nói rằng họ yêu mảnh đất cố đô nhiều lắm. Thế nhưng tình yêu có nghĩa lý gì khi họ không thể lưu truyền trọn vẹn những tinh hoa của quê hương mình.

Và trong thoáng chốc, Thanh Nhi cảm thấy niềm tin của em với thứ gọi là "tình yêu" càng trở nên vụn vỡ.

- Anh này, liệu anh có giận không khi người đời sau chẳng thể chiêm ngưỡng những món đồ mà anh dày công tạo ra?

Nhi bâng khuâng, đột nhiên em thấy tiếc và thương cho công sức của Minh. Anh là một nghệ nhân khéo tay và những món trang sức được sinh ra từ đôi bàn tay ấy xứng đáng được hậu thế biết tới.

Ở đầu dây bên kia vang lên tiếng đục khoét quen thuộc, Lai Minh vẫn đang cần mẫn chạm khắc một cái gì.

- Hay là thôi, anh đừng là—

Nhi chưa dứt câu nói thì giọng anh đã chen ngang:

- Sao phải dừng hở em? Anh làm vì tình yêu với nghề mà.

Minh dường như gấp gáp lắm, anh chưa muốn nghe đáp án về câu hỏi của mình nhưng anh cũng không muốn Nhi trở nên ủ dột.

- Em biết không, vì yêu người ta sẵn sàng hi sinh nhiều thứ lắm. Cái anh bỏ ra chỉ là chút thời gian và công sức, bù lại anh được ngắm nhìn niềm vui và sự hạnh phúc khi họ nâng niu những món đồ bé xinh trên tay.

Giọng anh nhẹ bẫng, thấm đẫm một thứ tình cảm mùi mẫn khi nói về niềm vui với nghề.

- Và dù người đời sau có thấy hay không cũng không quan trọng... Mà đâu—

Minh cười hóm hỉnh:

- Thanh Nhi, em đã ngắm nhìn những món trang sức anh làm rồi mà. Em nói em sống ở thế kỷ hai mươi mốt, vậy em chính là "hậu thế" rồi.

Thanh Nhi bỗng chốc cảm thấy cõi lòng mình xao xuyến là lạ.

Ngoài hiên nhà, trăng đổ bóng xuống khoảng sân vườn vắng hoe, chỉ có tiếng dế kêu và du dương mấy câu ca thân thuộc.

"Tương tư với nguyệt cùng mây

Hỏi non nước ấy đắm say bao tình?"

Chương V: Trâm

Ngày thứ mười tám quen nhau, Minh gửi cho em video đầu tiên anh quay.

Ngồi đò trên phá Tam Giang, bầu trời Huế trông như bức tranh kì vĩ của thiên nhiên được dệt bằng những đám mây sặc sỡ sắc màu: xanh ngắt, vàng ửng, tím lịm và đỏ rực.

Nhi đưa máy ảnh lên giữa không trung mênh mang rộng lớn, lưu lại trong màn hình nhỏ một góc vùng sông nước thơ mộng lãng mạn.

Em ngắm nghía lại bức hình thật kĩ trước khi ấn gửi, xong xuôi đâu vào đấy mới mở video mà Minh gửi cho em.

Đã hai ba ngày rồi em chưa được nghe giọng Minh. Bình thường chỉ cần những ngày có trăng và ánh trăng không bị che khuất, em có thể nấu cháo điện thoại với anh cả giờ đồng hồ.

Song Nhi nhận ra, lượng pin của chiếc điện thoại trong tay Minh không phải vô cực. Hơn nữa thời của anh điện thoại và sạc điện thoại chưa du nhập vào Việt Nam, anh không thể cứ chốc chốc lại nạp pin như Nhi.

Em đã từng thử chạy ra bờ sông Hương và thả chiếc nokia cũ mà mẹ không dùng xuống, nhưng phép màu không xảy ra lần thứ hai.

Nhi gần như bất lực trước suy nghĩ về một ngày nào đó em và anh không thể liên lạc được nữa.

Nghiệt ngã làm sao, giờ đây giới hạn ngăn cách em và anh là thời gian vài trăm năm. Nó khiến đôi người giống như vật thể tồn tại ở hai hành tinh mà đợi, đợi mãi cũng không thể gặp được nhau.

Lòng Nhi đau như cắt, em chỉ có thể hạn chế những cuộc gọi, nghe giọng anh qua thu âm và ngắm đi ngắm lại mấy bức ảnh mờ nhòe không rõ nét.

Minh có đôi bàn tay khéo léo có thể thổi hồn thổi sức sống vào những khối đá quý song anh lại chụp ảnh xấu tệ hại.

- Nhi nì, anh có một món quà muốn tặng em.

(Nhi này, anh có một món quà muốn tặng em.)

Trong video, Minh xoay ngang màn hình điện thoại, trong khung ảnh là chiếc bàn làm việc quen thuộc và khuôn mặt của người đàn ông mà em chưa từng thấy qua.

Camera bắt nét không tốt, song Nhi dường như thấy rõ sự ngại ngùng và lúng túng trên khuôn mặt anh:

- Anh nghĩ nếu chụp hình thì nhòm chắc xấu lắm, nên mới muốn quay ảnh động lại cho em. Đừng chê anh hấy.

(Anh nghĩ nếu chụp hình thì trông sẽ xấu lắm, nên mới muốn quay ảnh động lại cho em. Đừng chê anh nhé.)

Minh gãi đầu gãi tai, khuôn mặt xồm xoàm râu ria nhưng trông dáng vẻ đặc sệt là một người nghệ nhân lành nghề chân chất.

Tình nhân trong mắt hóa Tây Thi, Nhi nghĩ thế. Huống gì người đàn ông mà em ngày nhớ đêm mong lại đẹp thật. Cái vẻ đẹp của nghệ thuật ngấm sâu vào máu, cái vẻ đẹp của người đàn ông cố đô xưa mà không mấy ai có được.

- Chiếc trâm ngọc ni là anh tặng riêng cho em, cho Trần Nguyễn Thanh Nhi của thế kỷ hăm mốt.

(Chiếc trâm ngọc này là anh tặng riêng cho em, cho Trần Nguyễn Thanh Nhi của thế kỷ hai mươi mốt.)

Minh cẩn thận nâng chiếc trâm ngọc sáng ngời lên, ánh ngọc lấp lánh nhòe đi trên màn hình, chỉ còn một màu trắng như mỡ phản quang lại. Anh mân mê những đường vân chìm nổi được chạm khắc tinh xảo trên thân trâm, giọng trìu mến:

- Tháng ba là mùa hoa bưởi, ở Phú Xuân gió đưa hương hoa đi khắp muôn nơi, thơm lắm. Ngày hoa bưởi nở chúm chím trên cành cũng là khi anh gặp Nhi đỏ.

(Tháng ba là mùa hoa bưởi, ở Phú Xuân gió đưa hương hoa đi khắp muôn nơi, thơm lắm. Ngày hoa bưởi nở chúm chím trên cành cũng là khi anh gặp Nhi đấy.)

Video không quay cận cảnh khuôn mặt Minh mà sáng lung linh màu ngọc quý, chỉ có giọng anh từ tốn mà đong đầy yêu thương rót mật vào tai em. Nhi bùi ngùi, tay em chạm trên màn hình nóng rẫy, tưởng chừng như có thể chạm vào da thịt anh.

- Anh sẽ gửi một người bạn trong Hoàng cung, không phải để trưng bày ở Bảo tàng đâu. Cái trâm này của riêng Thanh Nhi đấy.

Không hiểu sao Nhi nghe ra một chút bẽn lẽn trong giọng anh, song đương khi cảm xúc dâng trào, cuộc gọi của Thảo Linh cắt ngang dòng suy nghĩ của em.

- Thì, người mà lần trước mi nhờ anh họ tao xem hộ ấy, Trần Văn Lai Minh há?

(Thì, người mà lần trước mày nhờ anh họ tao xem hộ ấy, Trần Văn Lai Minh nhỉ?)

Cách đây một tuần, Nhi có nhờ anh họ của Thảo Linh làm về lĩnh vực lịch sử và văn hóa cung đình Huế tìm kiếm thêm thông tin của anh, em chỉ muốn giúp cho Lai Minh một chút gì đó.

- Đúng rồi, răng rứa?

(Đúng rồi, sao thế?)

- Ổng là nghệ nhân trong quan xưởng thời Nguyễn, không có nhiều ghi chép đặc biệt. Chỉ nghe bảo ổng giỏi lắm mà yểu mệnh, người ta không lưu lại đồ trang sức mô ông làm hết.

(Ổng là nghệ nhân trong quan xưởng thời Nguyễn, không có nhiều ghi chép đặc biệt. Chỉ nghe bảo ổng giỏi lắm mà yểu mệnh, người ta chẳng lưu lại đồ trang sức nào ổng làm cả.)

Thảo Linh dò tay theo mấy dòng ghi chú ngắn ngủn, tặc lưỡi tiếc nuối.

Tim Thanh Nhi đánh trống dồn dập, giọng em run run:

- R—răng mà lại yểu mệnh?

(Sa—sao lại yểu mệnh?)

- Thì ông chết lúc còn trẻ măng ơ tề, hăm bảy tuổi.

(Thì ổng chết lúc còn trẻ măng à, hai mươi bảy tuổi.)

Linh nhíu mày, nó nheo mắt nhìn dòng chữ số được ghi chép nguệch ngoạc ở phần cuối tờ giấy ố vàng.

- Trần Văn Lai Minh, mất ngày mùng hai tháng bốn, năm một tám hai ba. Hưởng thọ hăm bảy tuổi.

(Trần Văn Lai Minh, mất ngày mùng hai tháng bốn, năm một tám hai ba. Hưởng thọ hai mươi bảy tuổi.)

Thảo Linh còn chưa kịp hỏi han cô bạn thân thêm câu nào thì em đã cúp máy. Nhi nhìn điện thoại rồi nhìn ánh trăng lờ mờ xuất hiện ở đằng xa, lòng nóng như lửa đốt.

Kim giờ và kim phút chậm chạp trôi, đến khi đồng hồ vừa vặn điểm mười giờ tối thì đầu dây bên kia mới vang lên tiếng chuông quen thuộc.

Nhi vội đến mức xoắn cả tay lại, em chỉ mong sao được nghe giọng anh.

- Nhi à em? Răng hôm ni lại gọi anh rứa?

(Nhi hả em? Sao hôm nay lại gọi anh thế?)

Minh bắt máy, giọng anh hớt hải xen lẫn với âm thanh gió rít. Nhi chẳng buồn trả lời hai câu hỏi của anh, em chỉ tha thiết van nài:

- Minh ơi, em xin anh, về nhà hoặc ở yên một chỗ được không anh, đừng đi đâu cho đến hết hôm ni.

(Minh ơi, em xin anh, về nhà hoặc ở yên một chỗ được không anh, đừng đi đâu cho đến hết hôm nay.)

Nỗi sợ và sự hoảng loạn xâm chiếm đầu óc Nhi, em nói năng lộn xộn không đâu vào đâu và bắt đầu khóc nấc lên:

- Anh đang ở quan xưởng đúng không, làm ơn đừng đi mô...

(Anh đang ở quan xưởng đúng không, làm ơn đừng đi đâu...)

Bên kia đầu dây, Minh đã bắt đầu cuống lên. Một tay anh cầm điện thoại, một tay mân mê cây trâm ngọc, dịu dàng vỗ về em:

- Đang trên đường tới nhà bạn rồi, anh hẹn đưa đồ của em cho người ta mà.

- Hôm sau cũng được mà, khuya như này anh còn đi mô nữa...

(Hôm sau cũng được mà, khuya như này anh còn đi đâu nữa...)

Nhi bắt đầu khóc, nước mắt em ướt đẫm khuôn mặt và giọng nói thì lạc cả đi.

- Anh không hiểu, Minh ơi anh sẽ ch—

Lời nói của em chưa kịp dứt, từ trong bụi cây có một đám người nhảy ra, mặt đứa nào cũng đầy sẹo, trông bặm trợn và lưu manh như đầu đường xó chợ. Chúng nó hằm hè nhìn cây trâm ngọc phát sáng trong tay anh:

- Thằng nớ, mi nộp mạng hay nộp đồ, hử?

(Thằng kia, mày nộp mạng hay nộp đồ, hử?)

Gã to béo nhất trong số ấy quát một tiếng, dứ cái miếng kim loại sắc lẻm vào cổ anh.

- Minh, Minh, nghe em nói không? Bỏ cái trâm đấy cho bọn hắn đi, em không cần mà!

(Minh, Minh, nghe em nói không? Bỏ cái trâm đấy cho chúng nó đi, em không cần mà!)

Nhi tuyệt vọng hét qua loa, giọng em khản đặc và cổ họng bỏng rát nhưng có gào khan tiếng cũng chẳng nhận lại phản ứng gì.

Cuộc gọi đã tắt từ lâu.

Suốt cả đêm ấy, trăng sáng vằng vặc. Nhi chong đèn nhìn trăng, thẫn thờ như người mất hồn.

Ngoài vườn, gió đưa hương bưởi thoang thoảng bay khắp thành phố và xa xăm vọng lại một khúc Cung ai* sầu thảm.

————

Rất nhiều năm sau, Nhi trở thành một nghệ nhân chế tác đồ trang sức nổi tiếng.

Em được ví như bông hoa nở muộn của nghệ thuật khi chỉ bắt đầu học và theo nghề ở tuổi hai mươi hai.

Những món đồ được "thai nghén" từ bàn tay của người con gái cố đô luôn thấp thoáng hình dáng của bông hoa bưởi, một loài hoa không phải đặc trưng của xứ Huế.

Hoàng lan đài các thanh cao, hương thơm ngây ngất, quyến rũ lòng người.

Còn hoa bưởi, trắng trong tinh khiết, nhẹ nhàng thoáng qua.

Và Nhi, giờ Nhi lưu luyến hoa bưởi cả nửa đời.

Cánh hoa bưởi mềm mại uyển chuyển, được thổi hồn sống dậy như một sinh thể, như rơi như múa trên khối ngọc quý.

Suốt một chặng đường dài theo nghề, Nhi chưa từng hé lộ hay chia sẻ về nhân duyên đã đưa đẩy em từ bỏ ngành Kinh tế để đến với nghệ thuật, hay chăng cả nỗi chấp niệm sâu sắc về những bông hoa bưởi sống trong từng tác phẩm.

Những lúc có ai hỏi hay bày tỏ sự tò mò, Nhi chỉ ngâm một câu ẩn ý:

- Có lẽ do tôi vốn là người luôn lụy một chữ "tình". Tôi nhớ người ấy, nhớ thổn thức và bồi hồi. Tôi muốn đem người từ trong giấc mơ đi vào hiện thực, vào chùm hoa bưởi thơm ngát trong tay tôi.

Đôi mắt người nghệ nhân ngấn nước, long lanh như dòng Hương dưới ánh trăng bạc, bàn tay vô thức chạm lên cây trâm ngọc cài trên búi tóc, xa xăm nhờ về một kỉ niệm buồn.

End.

*Trong lịch sử, công chúa Ngọc Tú từng dặn người hầu cận rằng: Hoa bưởi trắng tinh khiết, mùi hương trong sạch, để dành dâng cúng trên bàn Phật còn hoa hoàng lan cũng thơm nhưng mùi thơm ngây ngất quá, chỉ để cúng cho các am vong hồn. Khi người hầu hỏi lại, công chúa nói: "Căn cơ của con như hoa hoàng lan" và chốt lại rằng "Còn lụy một chữ tình thì khó mà tu được!".

*Các bà: Cách gọi phi tần (Thời xưa).

*Các mệ: Cách gọi công chúa (Thời xưa).

*Cung ai: là một bản nhạc dùng trong các dịp tang lễ nên có âm điệu buồn thương, ai oán.

__

Nếu bạn yêu thích bài thi này có thể bình chọn cho tác phẩm của thí sinh bằng 2 phương thức sau:

1. Vote bằng sao (nút bình chọn của Wattpad): 1 điểm

2. Vote bằng comment: comment sẽ được tính thành điểm bình chọn với nội dung khen, nhận xét ét tích cực về bài thi + thêm vế cuối " 1 vote cho thí sinh/bài thi này ". Mỗi người chỉ được viết 1 comment để bình chọn cho mỗi bài thi. Mỗi comment với nội dung hợp lệ sẽ được tính 2 điểm cho bài thi đó.

*Note: BTC nghiêm cấm hành vi thí sinh kêu gọi vote dưới mọi hình thức, nếu phát hiện sẽ lập tức loại khỏi event!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro