Bảng A: STT - 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Rapper: Hàng Lâm Trang Anh (Suboi), Nguyễn Thảo Linh (Tlinh)

Đề thi: Sống cho hết đời thanh xuân - Dick x Xám x Tuyết

__

Hoa niên

Chương 1. Thiên nga gãy cánh.

Có những lần hiếm hoi dưới ánh đèn sân khấu Trang Anh đã từng nghiêm túc suy nghĩ về một ngày nào đó, một ngày mà chị không múa ba lê nữa thì chị sẽ sống thế nào. Và giờ đây Trang Anh chẳng cần phải tự vẽ ra một ngàn lẻ một kịch bản về cách chị rời khỏi sàn diễn nữa.

Bởi lẽ Hàng Lâm Trang Anh sắp tận mắt trải qua cái khoảnh khắc ấy rồi.

Vào một buổi sớm khi mà con gà trống vẫn còn say giấc nồng, Trang Anh thức dậy với cơn đau buốt óc từ bắp chân. Chị vốn là một vũ công ba lê có tiếng với lịch biểu diễn và lịch tập dày đặc nên thi thoảng những cơn chuột rút sẽ ập đến mà không một tiếng báo trước. Mỗi lần như thế Trang Anh chỉ cần thực hiện một vài động tác giãn cơ cơ bản cùng với chút dầu mát xa, chỉ mất tầm mười đến mười lăm phút là mọi thứ lại trở về bình thường.

Nhưng ngày hôm nay mọi chuyện không suôn sẻ như thế. Trang Anh mân mê xoa dịu bắp chân căng phồng và cố gắng nhịn đi cái dự cảm không lành quen thuộc trào lên cuống họng.

Cơn đau âm ỉ từ bắp chân lan dần xuống dưới cổ chân và không có dấu hiệu giảm bớt. Chỉ những bước lên xuống đơn giản trên cầu thang cũng khiến chị phải toát mồ hôi hột vì đau.

"Không phải sớm thế chứ."

Trang Anh nghiến răng bất lực, song trong đôi đồng tử màu nâu nhạt vẫn sáng lên một tia nghị lực. Lần này Trang Anh cẩn thận hơn, chị quyết định gọi hẳn quản lý đến nhà để chăm sóc và đề phòng cho tình huống xấu nhất.

Chiều, ráng mỡ gà.

"Chị tới muộn một chút, đường tắc quá."

Trang Anh lướt qua tin nhắn vừa được gửi đến, bất an cắn môi, mắt cứ liên tục liếc nhìn cái đồng hồ quả quýt trong tay. Chị lo lắng đưa mắt nhìn ra bầu trời gói gọn trong ô cửa sổ vuông vức. Trời chiều như một bức vẽ loang lổ những gam màu ấm nóng: vàng, cam, đỏ rực nhảy múa như lửa cháy. Thế rồi giống như ghen ghét với vẻ đẹp của cô nàng Hoàng Hôn, ai đó thô bạo quệt những vệt đen xám trên bức tranh chiều khiến màu trời thay áo: âm u, sầm sì và đặc quánh.

Thời tiết giống như một đứa trẻ chưa lớn: bực bội, bất mãn mỗi độ bão tới. Và Trang Anh cũng giống như cô bé con sốt ruột chờ mẹ đi chợ về, trong lòng thấy cồn cào và nôn nao như có trăm con kiến đang bò.

Thế rồi vào đúng khoảnh khắc sự kiên nhẫn của chị bị đốt cháy, tiếng chuông cửa vang lên giống như mồi lửa hy vọng. Đôi mắt chị hấp háy, bàn tay lật tung chiếc chăn đang bọc quanh người, vội vàng xỏ chân vào chiếc dép bông trong nhà.

Sự tăng lên đột ngột của dopamine và serotonin khiến Trang Anh quên béng đi cái chân đau. Chỉ khi chị đặt chân xuống bậc cầu thang đầu tiên một cách chênh vênh, cái nhói lên từ cổ chân mới phát ra những dấu hiệu cảnh báo Trang Anh.

Nhưng tất cả đã quá muộn.

Khi tầm nhìn của chị loang lổ những vệt sáng tối nhòe nhoẹt và đầu thì choáng váng như chơi trò lộn nhào, Trang Anh nhắm nghiền đôi mắt, mất sạch hy vọng. Thần Chết giống như một con mèo kiên nhẫn, nó chỉ việc nằm đấy, mài sắc bộ vuốt và chờ Trang Anh sập vào cái bẫy định mệnh mà chị dành cả thanh xuân để tránh.

Không biết đây là lần thứ bao nhiêu Trang Anh tỉnh dậy trong căn phòng nồng nặc mùi thuốc sát trùng và âm thanh leng keng của kim loại. Mùi hương ngai ngái cùng với thanh âm sởn gai ốc ấy đã chẳng thể làm chị ghê người được nữa.

Chị cứ nín lặng và thẫn thờ như pho tượng đá hàng giờ đồng hồ. Mặc kệ tiếng sụt sịt của cô quản lý và cùng với lời kết luận như sấm rạch ngang bầu trời của vị bác sĩ già, Trang Anh chẳng nhíu mày đến một cái.

- Bệnh nhân bị đứt dây chằng ở cổ chân phải và gãy phần xương chày trên đầu gối.

- Thế em ấy mất bao lâu để hồi phục ạ?

Cô quản lý nấc lên, nghẹn ngào hỏi trong nước mắt.

- Phần dây chằng tổn thương mức độ nặng, mười hai tuần sau khi mổ mới có thể đi lại bình thường. Còn phần xương chày trên đầu gối thì trong khoảng từ bốn đến sáu tháng.

Vị bác sĩ già trần thuật lại tình trạng của Trang Anh một cách thuần thục và máy móc. Ngay khi vị bác sĩ già dứt lời, cô quản lý của Trang Anh dè dặt hỏi:

- Thế sau khi hồi phục, em ấy có thể múa ba lê được chứ ạ?

Lần này cả Trang Anh cũng ngước lên nhìn vị bác sĩ già đáng kính, tất cả những gì ông sắp nói ra hoặc là mở cho chị một cánh cửa, hoặc là đẩy thẳng chị xuống địa ngục.

Hẳn bác sĩ cũng biết những gì ông sắp nói có tầm ảnh hưởng như thế nào, song mặc kệ cái nhìn cầu cứu của Trang Anh và đôi mắt lấp lánh hy vọng của cô quản lý, ông rầu rầu nói:

- Cái này phụ thuộc vào kết quả sau khi phục hồi, Nhưng nếu như lại xảy ra chấn thương một lần nữa thì tôi không chắc bệnh nhân có cơ hội đi lại bình thường.

Gió bão thổi bật tung cửa sổ của phòng bệnh chị đang nằm, tiếng mưa rào rào trút xuống nền đất Hà Nội khô nóng làm tai chị ù đi. Đầu óc Trang Anh trắng xóa, mịt mờ như thể hòa lẫn trong làn mưa bão.

Trong một chốc Trang Anh chìm nghỉm trong cái đêm tối của một mình chị. Nghĩ đến việc sống với một đôi chân không thể nhảy múa, Hàng Lâm Trang Anh thà rằng đừng sống.

Một con thiên nga sống với đôi cánh bị gãy còn đau đớn và bất hạnh hơn trăm lần việc nó phải chết đi.

Chương 2. Búp bê, Dory và bánh táo.

Tháng thứ hai sau cuộc tiểu phẫu ở cổ chân, cũng là tháng thứ hai Trang Anh làm quen với việc di chuyển bằng xe lăn.

Mặc kệ hy vọng tràn trề và những lời động viên từ quản lý, Trang Anh đã dần chấp nhận cái sự thật chị sẽ chẳng thể múa ba lê được. Khác với phần xương chày đang được bọc trong lớp thạch cao nung chật chội, bác sĩ nói rằng cổ chân chị không chịu được thêm bất kì tổn thương nào nữa.

Trang Anh thở hắt một hơi mệt nhọc, chị nghĩ sợi dây chằng ấy giống như sợi xích máu xuyên qua da thịt chị, quấn quýt thít lấy đôi chân chị và cắm sâu xuống dưới mặt đất vài nghìn mét. Bước đi đối với chị còn khó khăn, nói gì đến nhảy múa.

- Cháu mới mười chín tuổi, còn cả thanh xuân phía trước. Lạc quan lên nhé.

Vị bác sĩ già đáng kính ấy an ủi chị với cái giọng chầm chậm đặc trưng hay nghe được trên đài phát thanh những năm chín mươi. Mà trớ trêu thay, cả thanh xuân của Hàng Lâm Trang Anh đã định chỉ gói gọn trong đôi ba lê mũi cứng.

Người ta thường nói: Một đôi giày đẹp sẽ đưa bạn đến những nơi tuyệt vời, và với một thiên tài ba lê như Hàng Lâm Trang Anh, đôi giày múa như đôi cánh nâng bước chị bay qua những chặng hoa của tuổi trẻ.

Khi những người bạn cùng tuổi chơi trò bắn bi, nhảy dây và cá sấu lên bờ, Trang Anh quẩn quanh trong phòng tập với giọt mồ hôi nhễ nhại trên má và lặp đi lặp lại những bước nhảy như một cỗ máy. Có những lúc vác cơ thể bé nhỏ mệt lả từ phòng tập về nhà, cái bụng chị sôi ùng ục và nước dãi cứ tiết ra khi ngửi thấy mùi sườn xào chua ngọt và khoai tây chiên như bị bỏ đói mấy tháng. Trang Anh lớn lên với chế độ ăn uống nghiêm khắc và một cường độ rèn luyện khủng khiếp.

Nói một cách khác, Trang Anh sinh ra với sứ mệnh đưa ba lê nước nhà ra ngoài thế giới. Chị giống như con búp bê sứ trên hộp nhạc: tài năng, xinh đẹp và vô thực; cả đời lặp đi lặp lại những động tác tinh xảo và điêu luyện trong một không gian nhỏ bé.

Một con búp bê múa không thể thực hiện sứ mệnh của mình dù tài năng và đẹp đẽ đến mấy cũng sẽ bị người ta vứt bỏ và lãng quên. Còn Hàng Lâm Trang Anh khi ngừng nhảy múa thì thanh xuân chẳng còn xanh, sống sẽ không còn là sống.

- Này, em chết quách đi còn đỡ hơn nhỉ.

Trang Anh vu vơ hỏi cô quản lý, từ "chết" từ mồm chị nói ra sao mà nghe nó bình thản và chán chường đến thế!

Với tâm trạng xám xịt như thời tiết trước lúc đổ giông, dù có cố gắng đến mấy thì tình trạng sức khỏe của Trang Anh cũng chẳng tiến bộ được bao nhiêu. Không những thế chị cứ dần trở nên lặng lẽ và ít nói, cả ngày trừ ba bữa ăn thì chẳng tiếp xúc hay nói chuyện với ai khác.

Phòng bệnh của Trang Anh dành riêng cho VIP, hơn nữa vì thân phận đặc biệt của mình mà chỗ chị nằm càng riêng tư và cách biệt so với phần còn lại của bệnh viện. Ngày qua ngày, Trang Anh sống như con ốc thu mình trong cái vỏ của riêng nó, bận bịu chôn sâu cơ thể nhỏ bé xuống dưới lớp cát biển, dù sóng có mạnh đến mấy cũng chẳng đập đến mình.

Và nếu như không có bất cứ tác động gì từ bên ngoài, Hàng Lâm Trang Anh sẽ chết và mục ruỗng ngay khi đời chị đang phơi phới tuổi xuân.

Một buổi sớm tỉnh dậy, thay vì tạp mùi từ đủ loại thuốc mà Trang Anh đã sớm quen, chị ngửi thấy mùi bánh nướng hơi khét và hương táo nhàn nhạt trong không khí.

- Ôi, em đánh thức chị dậy ạ?

Không phải cô quản lý sướt mướt trong nước mắt, trước mặt Trang Anh là một cô bé xinh xắn với mái tóc tết sam và đôi mắt tròn xoe giống mấy con nai trên phim hoạt hình.

- Em là—?

- Thảo Linh, tên của em là Nguyễn Thảo Linh, mười bảy tuổi. Hôm nay là ngày đầu tiên em nhập viện, rất vui vì được làm quen với chị.

Nếu không phải nhờ câu giới thiệu thứ hai và bộ đồ kẻ sọc trên người Thảo Linh thì Trang Anh sẽ nhầm em với một tình nguyện viên. Nụ cười toe toét cùng với giọng nói nhí nhảnh của Thảo Linh khiến chị liên tưởng tới cô cá Dory- lạc quan và vô tư ngay cả trong nghịch cảnh tối tăm nhất.

Chắc em là người đầu tiên vui mừng vì được làm quen với một bệnh nhân khác ở bệnh viện nhỉ?

Chị nghĩ thế khi cắn miếng bánh đầu tiên trước cái nhìn mong đợi của Thảo Linh. Chỉ vài phút sau, miếng bánh táo hoàn toàn nằm gọn trong bụng Trang Anh và Thảo Linh thì cứ cười khúc khích:

- May quá, em cứ sợ chị không ăn được. Thật ra đây là lần đầu em nướng bánh táo đấy!

- Không, ngon lắm.

Trang Anh thật thà gật đầu, vị táo thoang thoảng với vỏ bánh hơi xém chẳng hiểu sao dễ ăn đến lạ. Cũng may Thảo Linh không phải người xấu, miếng bánh táo thì ngon lành chứ không pha trộn bất cứ một tạp chất nào. Nó thơm phưng phức, giòn rụm và bất ngờ.

Thảo Linh cũng như thế. Em đột ngột xuất hiện trước mặt Trang Anh trong một buổi sáng với miếng bánh táo rồi thản nhiên chào tạm biệt chị và tung tăng đến tặng bánh cho phòng khác.

Mặc kệ tất cả sự ngẫu hứng và xáo trộn mà Thảo Linh vừa mang đến, Trang Anh không hề thấy khó chịu. Nghĩ kỹ thì được ăn bánh táo sau mười chín năm sống trên đời cũng là một việc đáng mừng. Ít nhất nó khiến ấn tượng về Thảo Linh trong mắt Trang Anh trở nên ngọt ngào hơn tất thảy món bánh ngọt chị từng nhìn qua cửa kính.

Chương 3. Đèn hoa đăng bên ngoài tòa tháp.

Lần thứ hai Trang Anh gặp lại Thảo Linh là vào một chiều mùa thu.

Lá cây đã ngả dần sang màu vàng và đỏ, bắt đầu rụng lả tả trên con đường lát đá đằng sau bệnh viện. Thu sang đưa hương ổi theo gió, mơn man xoa lên khắp da thịt con người, mang lại cảm giác khoan khoái như vừa bước ra từ vườn cây trĩu trái.

Chắc do gió lùa, Thảo Linh dừng lại động tác đan len đang dang dở, lục lọi trong túi tìm lấy cái chun buộc tóc. Đương lúc Trang Anh ngập ngừng không biết nên gọi Thảo Linh hay không thì em và chị chạm mắt nhau.

- Chị ơi!

Em gọi hai tiếng, lảnh lót như như tiếng chuông gió và nhẹ bẫng như lướt trên phím đàn. Mười chín năm gắn bó với nghệ thuật, Trang Anh chắc chắn không có thứ âm thanh nào mỏng và nhẹ như giọng em.

- Em là Thảo Linh, Nguyễn Thảo Linh, mười bảy tuổi. Chị có nhớ em không?

Trang Anh gật đầu. Xúc giác và khứu giác của chị nhớ hơi thở ngọt ngào của Thảo Linh và miếng bánh táo ngon lành của cô bé.

- Chị xuống đây chơi với em đi, trời hôm nay mát lắm.

Thế rồi như sực nhớ ra một điều gì, Thảo Linh lại gọi với Trang Anh lại, giọng nói ra vẻ nghiêm trọng:

- Chị ơi, hãy xin phép bác sĩ trước chị nhé!

Em nhíu mày, hai bàn tay tạo thành hình cái loa, dẩu mỏ lên:

- Em ở dưới này chờ chị!

Trang Anh chỉ mỉm cười rồi gật đầu, Thảo Linh sẽ không bao giờ biết được bác sĩ đã tốn bao công sức để thúc giục chị nên đi ra ngoài hít thở không khí. Chị viết vội vài dòng trên tờ giấy nhớ rồi kẹp vào trong quyển sách đang đọc dở, hai tay trượt trên bánh xe lăn để di chuyển.

Trang Anh không mất nhiều thời gian để tìm ra được vị trí của Thảo Linh, dù sao trong bệnh viện cũng chỉ có một khu vườn và một con đường tới đó.

Chị mong chờ tất cả mọi thứ, ngoại trừ phản ứng hốt hoảng trên khuôn mặt nhỏ bé của Thảo Linh:

- Ôi, em chẳng biết gì về tình trạng của chị cả.

Thảo Linh bụm miệng, cái móc đan len rớt khỏi tay em và cuộn len màu cốm lăn lông lốc trên thảm lá mềm.

- Đáng ra em phải lên đó đưa chị xuống dưới này.

Thảo Linh lẩm bẩm, cũng chẳng hỏi ý Trang Anh mà chạy lại phía sau chị, thuận tay đẩy chiếc xe lăn lại gần chỗ ghế đá em ngồi. Trang Anh chỉ cười khúc khích, chị đã nghĩ em sẽ than thở hoặc cầu nguyện điều gì đó cho đôi chân tàn tạ này.

Nhưng không, em chỉ hối hận vì đã không chạy lên tầng và giúp chị xuống dưới này.

Thảo Linh quả là một cô bé khác người, em cứ đưa Trang Anh đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Một cách hồn nhiên và nghịch ngợm.

- Mà chị ơi, chị tên là gì nhỉ?

- Trang Anh, Hàng Lâm Trang Anh, mười chín tuổi.

Chị chúm chím, đáng ra người bình thường phải hỏi câu này từ hồi gặp nhau mới phải. Nhưng chị quên mất, em là Nguyễn Thảo Linh chứ không phải người bình thường, em là một, là riêng, là thứ nhất.

Nghĩ thế, khóe mắt Trang Anh càng nheo tít lại, lâu lắm rồi chị mới gặp được người bạn nhỏ lém lỉnh như Thảo Linh. Thảo Linh gật đầu tỏ vẻ đã nghe, bàn tay nhỏ nhắn túm lấy cuộn len, những ngón tay thoăn thoắt đan và móc tiếp như chưa xảy ra chuyện gì.

- Linh đang làm gì thế?

- Em làm mũ cho mấy bệnh nhân ở phòng hóa trị. Mọi người thích đồ em làm lắm chị ạ.

Thảo Linh cười, hàm răng trắng đều tăm tắp như hạt ngô:

- Chị Trang Anh có muốn thử làm không?

Trang Anh nhíu mày khó hiểu, nếu đang dùng hóa trị không phải rồi sẽ sớm xanh cỏ hay sao. Trừ khi trời xanh rộng rãi ban phát một chút phước lành để người đó có thể hồi phục, chứ...

- Chị ơi? Em dạy chị nhé?

Thảo Linh quay sang nhìn chị, rất có thiện ý mà dúi đồ nghề vào lòng Trang Anh. Em không biết những gì chị đang nghĩ, Trang Anh cũng đủ tinh tế để không nói ra suy nghĩ trong đầu, chị né tránh:

- Thảo Linh thích làm những việc này à?

- Hồi trước thì không, nhưng thử rồi thành ra thích chị ạ.

Em gật gù như bà cụ non, tay vẫn thoăn thoắt như một người thợ lành nghề chuyên nghiệp.

Trang Anh im lặng, chị trầm ngâm nhìn Linh sắp xếp những sợi len lộn xộn thành hình thành khối, trong lòng cứ nhộn nhạo một thứ cảm xúc khó nói.

Gió hiu hiu thổi rối tung tóc Trang Anh, hương ổi vờn qua chóp mũi, ngứa. Thảo Linh nhìn mặt trời đỏ rực như cái lòng đỏ trứng gà, đôi mắt em lấp lánh ánh hoàng hôn:

- Thật ra ấy, em thì nghĩ đơn giản lắm. Mình còn trẻ mà, cứ sống, cứ thử làm hết mọi việc đi. Đừng có sợ, có lo, có nghĩ gì cho nặng đầu.

Em chép miệng, cười hì một cái rồi lại hí hoáy với cuộn len màu cốm.

Trang Anh tiện tay vén tóc mai rối bời sang một bên, chống cằm nhìn Thảo Linh đan len và lắng nghe con bé tiếp tục lẩm bẩm:

- Nhiều lúc em muốn trở thành con Cam nhà em, cả ngày chỉ nằm phơi nắng ngắm mây, mưa đến chạy vào trong lòng má em đánh một giấc ngon lành, chẳng phải lo nghĩ gì.

Thảo Linh chưa bao giờ giới thiệu với chị về Cam, nhưng chị đoán nó là một con vật nuôi trong nhà.

- Nhưng cũng có khi em muốn đi đây đi đó, đến đâu sẽ chụp lại ảnh để làm kỷ niệm. Chứ nếu em là Cam thì em sẽ chỉ được quanh quẩn trong khu đất trống sau nhà, chán òm.

Em lè lưỡi bĩu môi, rồi lại tiếp tục thủ thỉ, nghe như tiếng gió thổi:

- Có dạo nghĩ về đại học và tương lai, em muốn trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng và mang thật nhiều tiền về cho mẹ, mẹ em quá khổ rồi chị ạ.

Trang Anh thầm gật đầu, có lẽ chị hiểu được cảm xúc của em. Mẹ Trang Anh cũng là một người phụ nữ với cuộc đời khốn khổ, vì thế dù chị và bà thường xuyên xảy ra mâu thuẫn thì Trang Anh cũng không trách mẹ. Hào quang ba lê rực rỡ của bà bị phá hủy bởi một người đàn ông và cái thai ngoài ý muốn là chị. Tóm lại thì, Trang Anh còn thấy may mắn chán khi mình được chào đón ánh mặt trời ở đời.

Chị biết ơn công sinh thành và dưỡng dục của bà, song bà cũng trở thành nỗi sợ thầm kín của chị. Trang Anh sẽ chẳng bao giờ dám nói với mẹ về việc chị có khả năng không thể nhảy múa nữa, chị nghĩ bà sẽ đau đớn chết mất thôi.

- Nhưng mà tới lúc này em chỉ mong mình có đủ sức khỏe để tỉnh dậy vào sáng hôm sau và làm thật nhiều điều chưa từng thử trong đời chị ạ. Thanh xuân ngắn lắm, phí rồi lại tiếc.

Thảo Linh dừng tay, em thở dài một hơi, đôi mắt tròn xoe nhìn Trang Anh chăm chú:

- Thế chị Trang Anh thì sao, chị nghĩ sống thế nào mới là trọn vẹn thanh xuân?

Chương 4. A whole new world.

"Phải vấp ngã mới có cơ hội ngắm nhìn một thế giới mà ta chưa từng thấy qua"- Người mẹ tồi của tôi (The good bad mother).

Sau buổi chiều thu ngày hôm ấy, Thảo Linh và Trang Anh chỉ gặp nhau được hai lần.

Lần thứ năm hai người gặp lại là chuyện của một tháng sau, khi ấy tình trạng của Trang Anh chuyển biến tốt hơn còn Thảo Linh thì phải ngồi xe lăn. Em cười xòa, khụt khịt như con Cam- con mèo hen ốm yếu nhà em:

- Chị đừng lo, em vẫn ổn.

Thảo Linh nói thế, mặc kệ sự thật là em đã ốm đi rất nhiều so với lần trước và trông lọt thỏm trong bộ đồ bệnh nhân rộng thùng thình. Trên đùi em vẫn có đến chục túi bánh quy và mấy cuốn sách cho trẻ nhỏ, em rủ rê:

- Chị Trang Anh có đang rảnh không, em dẫn chị đến chỗ này.

Trang Anh không nghĩ gì mà gật đầu, chưa bao giờ một người chuộng cảm giác một mình lại mong từng giờ để được gặp em như thế. Một vài tiếng cùng Thảo Linh nói chuyện, đi đây đi đó và thăm thú mọi ngóc ngách trong bệnh viện trở thành khoảng thời gian hạnh phúc ít ỏi của Trang Anh trong ngày.

Lần này Thảo Linh dẫn chị đến một phòng lớn, giống như là hội trường, nơi các bệnh nhân giao lưu và thư giãn cùng nhau.

- Mọi người ở đây thích bánh em làm và mũ em đan lắm. Tiếc quá, lần này em không tiện làm bánh, phải mua bên ngoài.

Thảo Linh tặc lưỡi, khuôn mặt xinh xắn nhợt nhạt chỉ héo đi một chốc, sau đấy lại tươi roi rói:

- Mọi người chờ cháu có lâu không ạ?

Thảo Linh thoải mái và tự nhiên cứ như đã thân quen với những người ở đây lâu lắm rồi, còn Trang Anh thì bất ngờ đến mức không biết phản ứng như nào. Một vài đứa trẻ ùa ra chỗ em và chị, mấy cô dì chú bác khác thì thi nhau hỏi han Thảo Linh, anh một câu tôi một câu đưa đẩy cuộc trò chuyện.

- Đây là chị Trang Anh cháu hay kể cho bà đấy, trước đây chị ấy từng là vũ công múa ba lê chuyên nghiệp. Chị múa đẹp lắm!

Thảo Linh tự hào kể với một bệnh nhân trông có vẻ là bị Alzheimer và với phỏng đoán của Trang Anh, chỉ nay mai thôi bà sẽ quên tất cả mọi thứ diễn ra ngày hôm nay. Song điều ấy chẳng ảnh hưởng đến Thảo Linh, em còn không phiền việc lấy hơi nói to hơn để một ông cụ bị khiếm thính nghe được:

- Bác Sáu ơi, bánh quy yêu thích của bác cháu mua rồi này!

- Hả?

- Cháu-mua-bánh-quy-cho-bác-này!

- Hả? Gì cơ?

Thảo Linh trượt bánh xe, dúi túi bánh quy nóng hổi vào tay ông cụ:

- Bánh quy tặng bác này hì hì.

Trang Anh lắc đầu, chị sẽ chẳng bao giờ có thể kiên nhẫn như Thảo Linh dù có tập ba lê thêm mười hay hai mươi năm nữa.

Tối, gió xào xạc trườn qua những kẽ lá, khẽ cào lên cửa sổ. Trăng treo trên cao và tròn vành vạnh.

Sắp đến trung thu.

Trang Anh khẽ khàng gấp lại cuốn truyện khi nghe tiếng thở đều đều của mấy đứa trẻ, chị quay sang nhìn Thảo Linh vẫn bận ôm cái Mận- con bé mới sáu tuổi đầu nhưng bị viêm amidan và xoang cấp, miệng em ời ời câu hát ru ngọt ngào.

Chị từng tự hỏi, một thế giới không có ba lê thì sẽ như nào.

Trẻ con vẫn lạc quan nô đùa và nhảy nhót, chỉ cần chúng nó còn sức, mặc kệ việc nay, mai, hoặc ngày hôm sau chúng phải nằm lì trên giường bệnh.

Người già, với cái tuổi gần đất xa trời thì cười toe toét với cái miệng móm mém, thưởng trà và nghe đài, nhàn nhã và gần như bỏ lại hoàn toàn cái nỗi đau mà thân xác họ phải chịu.

Hóa ra dù có ở trong cái bệnh viện tù mù ngột ngạt và mang trong mình bệnh tật triền miên, họ vẫn sống, sống một cách trọn vẹn. Thiếu đi ba lê, lũ trẻ vẫn cười, mọi người vẫn lạc quan, bánh vẫn cứ ngon lành và trà thì thơm phưng phức.

Vậy thì Hàng Lâm Trang Anh, một con bé mới mười chín tuổi đầu, đang sống như thế nào khi còn cả đời tuổi trẻ phía trước?

Trang Anh hoảng hốt, những suy nghĩ vừa chạy qua trong đầu thấm dần vào bộ não bé nhỏ của chị, nuốt chửng lấy tâm hồn chị.

Chị trượt xe ra ngoài hội trường, tay lục lấy cái điện thoại nằm sâu trong túi quần. Lần đầu tiên cái màn hình sáng lại sau mấy tháng, cũng là lần đầu tiên cuộc đời chị sáng lên nhưng không phải nhờ ánh đèn sân khấu.

Hàng trăm cuộc gọi nhỡ, mấy chục tin nhắn và rất nhiều, rất nhiều thứ nữa mà Trang Anh không dám xem hết. Chị bấm gọi, chỉ chờ đầu dây bên kia cất tiếng nói đầu tiên, chị nghẹn ngào:

- Mẹ ơi, con không thể múa được nữa. Con xin lỗi vì đã không thể thay mẹ hoàn thiện ước mơ ngày ấy nhưng con phải sống cho con mẹ ạ. Con còn trẻ, con còn thanh xuân, con không muốn sống với ba lê nữa.

Giọng chị nghẹt đi, nước mắt nước mũi tuôn rơi lã chã như một đứa trẻ năm sáu tuổi. Trang Anh thổn thức, trái tim nóng nằm sâu trong lồng ngực thình thịch nhịp đập rộn ràng.

Đầu dây bên kia lặng đi, vang lên vài tiếng tút-tút rồi tắt ngúm. Dù Trang Anh có cố gắng đến mấy cũng không thể liên lạc được với mẹ, song chị chỉ hít một hơi sâu, quệt đi dòng nước mắt tèm lem.

- Chị ơi, chị giỏi lắm.

Thảo Linh lí nhí, em tiến lại gần Trang Anh, bàn tay nhỏ bé nắm lấy tay chị, vùi vào trong chiếc chăn mỏng.

- Em biết mọi chuyện không dễ dàng, nhưng chị rất dũng cảm.

- Không Thảo Linh ạ, chị hèn lắm, ch—chị...

Trang Anh nức nở, bao nhiêu tủi thân và uất ức vừa mới vất vả đè lại chực chờ trào ra, như nước tràn bờ đê.

Thảo Linh im ru, em chỉ biết vỗ về và an ủi Trang Anh bằng những cái nắm tay và vuốt lưng dịu dàng. Trang Anh giống như có thể biến mất bất cứ lúc nào bởi vốn dĩ chẳng có gì ở cuộc sống này khiến chị lưu luyến.

Chị từng nói vu vơ, không còn ba lê chị thà rằng mình chết đi và Thảo Linh đã giận Trang Anh biết mấy. Em giận chị đến mức chẳng còn muốn gặp chị hay nói chuyện, nhưng cứ nghĩ đến cảnh Trang Anh lủi thủi trong góc phòng, ngày qua ngày vật vờ tồn tại thì lòng em đau như bị ngàn mảnh sành cứa vào.

Trang Anh không bao giờ biết giọng của chị rất hay, mỗi khi kể chuyện như ru những đứa trẻ vào miền cổ tích. Trang Anh cũng không biết chị tỉ mẩn và cẩn thận thế nào khi uốn những bông hoa bằng miếng kẽm và cài vào mấy cái mũ len. Trang Anh càng không biết chị mạnh mẽ và trưởng thành hơn bất cứ cô gái nào mà Thảo Linh từng thấy.

Trang Anh chỉ nhìn thấy bản thân qua những vũ đạo uyển chuyển tinh xảo dưới ánh đèn sân khấu. Trang Anh không biết song Thảo Linh lại nhìn thấu mọi thứ, và em ước rằng Trang Anh có thể nhìn bản thân chị qua đôi mắt em.

- Chị giỏi lắm Trang Anh ạ, chị đã sống trọn vẹn ngày hôm nay rồi.

Chương 5. Điều ước cuối cùng.

Sáng sớm hôm sau mẹ Trang Anh đã tới phòng chị.

Lâu lắm rồi hai mẹ con có thể nhìn nhau ở khoảng cách gần như thế, cũng lâu lắm rồi chị mới được nghe giọng mẹ âu yếm:

- Bé Su ngủ có ngon không?

Bà mếu máo, những giọt nước mắt cứ rơi lã chã như quả chanh bị người ta bóp mạnh, bà thương con gái mình quá.

Hai mẹ con ôm lấy nhau, cứ thế trò chuyện từ sáng sớm tới tận đêm khuya. Mấy năm xa cách không thể rút ngắn chỉ trong một ngày song ít nhất, những muộn phiền và hiểu lầm tích tụ ngần ấy năm đã được gỡ bỏ bớt.

- Mẹ chưa bao giờ biết tình cảm của chị với ba lê. Bà thấy hồi bé chị hay xem video biểu diễn của bà nên hiểu lầm đó là sở thích của chị.

Trang Anh bóc vỏ quýt, nhét một múi quýt no nước vào lòng bàn tay Thảo Linh:

- Còn chị thì nghĩ mẹ muốn chị nối tiếp ước mơ nên cứ lao đầu theo ba lê. Xui rủi thế nào có khiếu quá, thành vũ công chuyên nghiệp đến tận bây giờ.

Thảo Linh tóp tép miếng quýt trong mồm, tay vẫn cầm mấy múi quýt mà Trang Anh nhét vào tay em.

- Mẹ nói mẹ chỉ mong chị sống hết mình với tuổi trẻ chứ đừng thiệt thòi như mẹ. Bà không hối hận vì sinh ra chị nhưng nếu vì bà mà chị "chết" khi còn trẻ thì bà sẽ đau lòng lắm.

Trang Anh nuốt miếng quýt ngọt lịm xuống, trong lòng phơi phới như đón xuân.

- Sau này chị có thể cùng Thảo Linh làm thật nhiều việc rồi.

Trang Anh cười, chói chang như nắng mùa hạ và lấp lánh niềm hy vọng. Thảo Linh nằm đấy, không đành lòng tiếp tục im lặng nữa, em kéo tay chị:

- Chị này, em kể chị chuyện này, chị đừng giận em nhé.

Trang Anh cứng người, thái độ nghiêm túc và ánh mắt sợ sệt của Thảo Linh khiến chị có linh cảm chẳng lành. Chị ghét cái dự cảm ấy.

- Em nhập viện vì ung thư máu.

Thảo Linh nói từng chữ, chậm rãi, từ tốn mà vào tai Trang Anh thì chỉ còn âm thanh ù ù.

Không phải Trang Anh không nhận ra Thảo Linh đang yếu đi từng ngày, chị chỉ cố gắng lờ nó đi với một hy vọng mong manh.

Em không còn chạy nhảy tung tăng nữa mà phải dùng xe lăn mỗi khi di chuyển. Lần gặp lại này cách lần trước chỉ tám ngày nhưng Thảo Linh gầy thấy rõ, em chỉ còn da bọc xương và xanh xao như tàu lá chuối. Mái tóc đen dày không còn nữa, em thường xuyên đội trên đầu chiếc mũ len méo mó mà Trang Anh từng đan. Mỗi khi kết thúc câu nói, Thảo Linh phải lấy hơi thật lâu, hơi thở nóng rẫy dồn dập và thoi thóp, ngực em cứ phập phồng từng nhịp.

Thảo Linh vẫn là Thảo Linh, đôi mắt em vẫn lấp lánh như sao trời tháng mười song sức sống của em thì cứ cạn dần trước mắt chị.

- Lúc em nhập viện thì không nặng, nhưng em từng bị viêm phổi, lại còn xoang mãn tính với thiếu máu. Đủ thứ bệnh cả, nên cứ yếu dần.

Thảo Linh lầm bầm thuật lại tình trạng bệnh của mình. Em đã từng nghe bác sĩ nói đến mức thuộc lòng nhưng không hiểu sao khi nói chuyện với Trang Anh, từ ngữ lại rối tung và lộn xộn như bị ai bẻ vụn ra.

Nghĩ đến một ngày Nguyễn Thảo Linh không còn nữa khiến Trang Anh dại người đi, chị mấp máy môi:

- Thảo Linh này, chị kể cái này có lẽ em không tin, nh—nhưng chị có thể giúp em mà.

Trang Anh lục trong túi ra một cái đồng hồ quả quýt nhỏ xíu đã gỉ chỉ còn lại số mười hai la mã trên mặt đồng hồ. Chị luống cuống giải thích, một câu chuyện nghe như cổ tích mở ra.

Đây không phải lần đầu tiên Trang Anh trải qua chấn thương ở chân. Lần đầu tiên là khi chị đang tạo dáng hoa dạng Ả rập rồi chuột rút, cứ thế ngã xuống sàn. Giữa lúc mơ màng trong cơn phẫu thuật, Trang Anh cầu nguyện với chúa và khi mở mắt ra, chị lại nằm ở trên giường với cái đồng hồ trong tay. Lần này Trang Anh không đến phòng tập, chị dành một ngày để đi thư giãn nhưng gặp tai nạn, chiếc xe đè lên nửa thân dưới của chị và Trang Anh lại bấm đồng hồ.

Hết lần này đến lần khác, mười một lần Trang Anh bấm đồng hồ là mười một lần Trang Anh quay trở về buổi sáng ngày hôm ấy. Mười một lần Trang Anh tìm cách để bảo vệ đôi chân mình là mười một lần chị sống lại và trải qua nỗi đau giằng xé thể xác.

Không phải Trang Anh không cố gắng vượt qua, chỉ là chị đã quá tuyệt vọng. Chúa cho Trang Anh cơ hội nhưng con tạo của định mệnh vẫn xoay vần chị, chuyện xảy ra với đôi chân của chị là không thể tránh khỏi.

Dần dần Trang Anh không còn cố gắng nữa, chị khép mình lại và chấp nhận buông xuôi. Song chưa bao giờ Trang Anh nhận ra, mười một lần quay trở về quá khứ, chị chưa từng cố gắng vượt qua nỗi đau bủa vây. Chỉ cần chuyện đó xảy ra, Trang Anh sẽ cố gắng quay về quá khứ để sửa chữa mọi thứ.

- Em là biến số, em cũng là hy vọng của chị Thảo Linh ạ.

Trang Anh gục mặt xuống giường, nước mắt nóng hổi thấm ướt một mảng chăn.

- Nếu chị quay lại, nếu chị tìm được Thảo Linh sớm hơn—

- Đừng!

Em nắm lấy tay chị, áp bàn tay ấm áp lên gò má hao gầy mòn mỏi, nước mắt em rỉ xuống:

- Nghe em này Trang Anh, em chỉ sống mười bảy năm, hoặc mười tám năm, nhưng đó là những năm tháng trọn vẹn và đủ đầy nhất. Còn chị thì khác, chị phải tiếp tục Trang Anh ạ, chị hiểu em nói không? Chị đã vượt qua mọi thứ để có hôm nay mà...

Thảo Linh òa khóc, em khóc vì thương chị nhiều hơn là thương mình.

Cái đồng hồ quả quýt lăn lông lốc trên sàn nhà, trong căn phòng nhỏ rấm rứt tiếng khóc.

Hoàng hôn đã tắt những tia nắng cuối cùng, vài vệt sáng lọt qua khe cửa cũng biến mất.

Một ngày lại qua.

Chương 6. Hạnh phúc mãi mãi về sau.

Thảo Linh ra đi vào lúc giao mùa, lá trên cây đã rụng hết, chỉ còn những cành củi gầy trơ trọi chọc lên nền trời xanh.

Vài giờ trước khi quyết định rút máy thở, Thảo Linh vẫn muốn hiến tạng. Mẹ em khóc đứt ruột và con Cam thì quấy nhằng nhẵng, nhưng chẳng ai khuyên được em.

Ngày em mất, bầu trời xanh trong vắt một mảng, mây trắng trôi lờ lững và gió hiu hiu luồn qua mái tóc.

Trang Anh chống nạng ra ngoài ban công, khẽ khàng đóng cửa phòng lại. Mẹ của Thảo Linh khóc ngất đi, chị không muốn đánh thức bà về với thực tại. Chị ngẩn ngơ nhìn theo mảnh trời xanh, dưới chân chị con Cam đang lim dim ngủ, tiếng nó khò khè hòa lẫn trong tiếng gió. Chị nhìn cái đồng hồ quả quýt lần cuối, đưa tay ra ngoài ban công, thả nó xuống, vỡ nát.

Thanh xuân của Thảo Linh đã khép lại còn thanh xuân của chị thì chỉ vừa mới bắt đầu.

Tái bút:

Tuổi xuân như trang giấy rực rỡ sắc màu trong cuốn sách đời người và mỗi chúng ta đều có những cách riêng để lưu lại dấu hoa độc đáo trên tờ giấy ấy.

Có kẻ sẵn sàng để tờ giấy ấy nhận nắng thấm mưa của trời, trải gió trải muối của đời rồi lại làm đẹp nó bằng những gam màu loang lổ mà rực rỡ. Song cũng có kẻ rụt rè gấp gọn tờ giấy ấy nhét vào một góc tủ, cứ thế trắng phau, im lìm rồi mục ruỗng.

Hàng Lâm Trang Anh đã từng sống những năm tháng "trắng phau" và im lìm chỉ gói gọn trong phạm vi của đôi ba lê mũi cứng, ánh đèn sân khấu và sự công nhận của mọi người cho tới ngày chị gặp Thảo Linh. Ở đây, Nguyễn Thảo Linh mới là cô bé mang thông điệp "Sống cho hết đời thanh xuân", em dùng những năm tháng cuối đời mình để giúp Trang Anh nhận ra vẻ đẹp thật sự của cuộc sống và dạy chị cách sống sao cho thật trọn vẹn.

Và mình chắc chắn sau này, dù có hay không còn gắn bó với ba lê, Trang Anh cũng sẽ sống thật đẹp: chị đã làm lành với mẹ, đã học cách nhìn nhận cuộc sống trọn vẹn hơn và chấp nhận rằng đôi khi cố gắng sửa chữa, cứu vớt những mất mát không phải là tốt nhất. Chấp nhận, vượt qua nỗi đau để trân trọng hiện tại, hướng tới tương lai mới khiến cho thanh xuân trở nên ý nghĩa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro