CHƯƠNG 36: TRÙNG PHÙNG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau hơn ba năm từ lúc rời xa quê hương, bôn ba xứ lạ với một mục đích chính, giờ đây Tri Hoàng đã thành công gặp được thầy Vãn, khi chấp nhận thổi tắt quá khứ, thắp lên một ngọn nến mới cho tương lai, hướng đến hiện tại.

Sau chuyến đò của Tri Hoàng, tiếp đó sẽ là chuyến đò của thầy Vãn, theo chân cậu tư về chốn quê hương của anh, để hoàn thành sứ mệnh mà ông cần phải làm, đó là tiêu trừ Hắc Mộc Trầm, đang ung dung hoành hành tại gia đình họ Hạ.

Một hồi sau, chuyến đò của thầy Vãn cũng cập bến, ông bước khỏi xuồng, rồi đi lên con dốc. Trước lúc chọn đò về quê, Tri Hoàng đã trả giúp thầy Vãn, của những phần tiền sang sông. Khi bước lên tới nơi, Tri Hoàng liền giới thiệu thầy ấy cho Hoài Thương biết, để cho cô không phải thắc mắc:

- Đây là thầy Vãn, thầy ấy sẽ ở tại nhà mình mấy hôm, để mà còn giúp đỡ anh vài việc.

Hoài Thương nhìn thầy Vãn, hai bên mép khẽ nhích lên, sau đó thưa:

- Tôi chào thầy.

Thầy Vãn cũng khẽ đáp:

- Chào mợ tư, chẳng qua tôi trở lại đây sau bao năm, cũng như những gì mà cậu tư đây đã nói.

Hoài Thương hỏi:

- Có phải, là vụ việc mà gia đình họ Hạ đang gặp phải đúng không?

Thầy Vãn mơn trớn bộ râu với một tay, gật gù nhẹ, nói:

- Chính xác là như vậy.

- Nếu như vậy, thì anh và thầy mau chóng về nhà ngay đi, kẻo để cha biết được, e là lớn chuyện đó, có gì về nhà rồi, anh lựa lời mà nói với cha.

Tri Hoàng đáp:

- Ừm, anh biết rồi.

Chỉ chừng ít lâu sau, ba người họ cũng đã có mặt tại Hạ Gia, khung cảnh hẻo lánh, hoang vắng khi những phận gia đinh vẫn đang miệt mài dưới khu bếp núc làm việc. Hoài Thương dẫn lối trước, nối tiếp theo phía sau là Tri Hoàng và thầy Vãn, trông họ có vẻ thập thò lo sợ, không muốn cho bất kì ai biết về sự có mặt của thầy Vãn kể từ ngày hôm nay. Tuy nhiên, cứ tưởng chừng mọi thứ như đã hoàn mỹ, trước mặt Hoài Thương, từ phía cửa phòng mợ hai Lành, con Đào bước ra, trên tay mang theo một thau nước ấm, nhằm rửa sạch những vết bẩn bám trên chân mợ hai. Cả người đó tím bầm, mặt mày luôn hứng đầy những dấu vết của sự tra tấn hết sức tàn bạo, dã man mà mợ hai Lành thường xuyên đánh nó, mỗi khi những gì chẳng thuận theo ý cô. Kể từ cái đêm ngày hôm đó, và cho đến tận bây giờ, con Đào phải chịu cảnh sống hơn cả chết, bị đối xử không khác gì thú vật, nó cũng chẳng thể hiểu, đã từ khi nào, mà mợ hai Lành lại thay đổi lạ thường, nó khi đó chỉ có thể ngồi yên chịu trận, không dám nói thêm những câu gì, vì nó cũng đã từng khẩn khoản mợ hai, vậy mà lại chẳng thành, vả lại cô còn mạnh bạo hơn với con hầu của mình.

Thế nên Đào đã biết khôn, mà dừng đi hành động nài nỉ, thay vào đó là chịu đựng. Khi Hoài Thương trông thấy con Đào, cả hai liền giáp mặt với nhau, Đào nhẹ nghiêng đầu nhìn ra phía sau mợ tư, nó bất giác làm rơi thau nước, nước loang vào những khe dưới nền gạch. Khi trông thấy cậu tư đã trở về, thêm sự xuất hiện của một người lạ lẫm. Sợ mọi chuyện rơi vào khó xử, Hoài Thương liền cầm lấy tay con Đào, sau đó nói với nó, rồi dắt vào phòng của mình mà dặn dò.

- Em đi theo mợ, rồi mợ nói cho em biết.

Thoáng chốc con Đào cũng đã hiểu, nó nói:

- Vậy đây, ông là thầy pháp sao? Nhưng tại sao ông lại tới đây.

Cậu tư Tri Hoàng nói:

- Chẳng lẽ suốt bao năm qua, em làm việc cho cái ngôi nhà này, mà không biết gì à?

Gương mặt nó rõ sự hoang mang:

- Là sao cậu tư, em... em không hiểu gì hết?

- Từ trước đến giờ, chắc em cũng biết về căn phòng thờ kia chứ, nơi mà ông ấy cấm ai có hành vi lén phén quanh đó. Cái gì cũng có nguyên do của nó, bởi vì đằng sau lớp cải trang là phòng thờ, thì nơi đó chính xác hơn là phòng thờ quỷ.

Sau lời nói đó của cậu tư, mọi thứ đã chìm trong im lặng đến đáng sợ, từng nhịp tim đập, từng hơi thở cũng có thể nghe rẽ ròi. Lòng ai nấy cũng nặng nề vô ngần, khi không gian chỉ lờ mờ, ảm đạm.

Con Đào lặp bặp:

- Sao... sao chứ? Em thiệt sự không hề biết?

Cậu tư nói:

- Vậy bây giờ em đã biết rồi đó, có lẽ em đã từng chạm trán với con quỷ, nhưng em vẫn chưa biết đấy thôi. Lần trở về này của cậu, với sự có mặt của thầy Vãn, sẽ chấm dứt mọi thứ.

Con Đào như có một khẩn nguyện:

- Nếu đã như vậy, em có thể tham gia phụ cậu mợ và thầy Vãn một tay không ạ?

Tri Hoàng khẽ bật cười, sau hành động tự nguyện này của con Đào:

- Như vậy thì quá tốt rồi.

- Giúp được gì, em sẽ cống hiến hết sức mình.

Tối đó, khi thầy Vãn đã nằm sóng soải trên một cái phản, đặt một tay trên trán mà nhắm mắt, rơi vào giấc ngủ đã từ lâu. Ánh đèn gian phòng vẫn tỏa chớp chới, Hoài Thương và Tri Hoàng qua bao năm xa cách, nay đã gặp lại tưởng chừng anh đã quên. Hai người đêm đó vẫn chẳng thể ngủ, khi có vô vàn câu chuyện muốn tâm sự cùng nhau, kể cho nhau nghe những gì mình đã từng gặp, từng trải qua, khi cả hai không ở bên cạnh nhau. Tuy Tri Hoàng biết trước được phản ứng của Hoài Thương, anh vẫn chẳng chọn cách giữ im, mà kể về người con gái Trần Lệ Chi kia. Cô gái đã thầm thích anh từ lâu, nhưng dù thế nào, Tri Hoàng cũng chỉ xem cô như người em gái. Sau cùng Lệ Chi đã giác ngộ, rằng những thứ không phải của mình, có bằng mọi cách nào níu kéo, vẫn mãi mãi không thuộc về mình. Mà có khi, đứt đoạn từ đó, với bao hành động hời hợt của Lệ Chi.

Sau khi đã rõ mọi chuyện, Hoài Thương có đôi chút khó chịu trong lòng, khi biết rằng chồng của mình, những tháng qua đã bị Lệ Chi chèo kéo:

- Anh nói sao? Trên đời này còn có loại người như thế sao? Cô ta không biết nhục nhã hả?

Tri Hoàng đáp:

- Sau cùng anh đã có lí giải cho cô ấy hiểu, cô ấy cũng đã chấp nhận, mà bắt đầu tự tìm một nửa đời mình.

- Vốn dĩ là phụ nữ với nhau, nhưng cô gái đó quá lung lắm. Rõ biết anh đã có vợ, vậy mà mặt dày mày dạn như cô ấy, vẫn níu kéo cho bằng được.

Tri Hoàng giọng trầm ấm, xoa bớt đi cơn giận trong người của vợ:

- Thôi nào, em bớt giận đi.

- Thì dù sao cô ta cũng đã chịu bỏ cuộc tình này, chứ nếu mà em biết sớm hơn, thì em sẽ mắng cho cô ấy một trận nhớ đời, để mà bẽ mặt với hàng xóm láng giềng. Khi lại dám động tới chồng của em.

Tri Hoàng khẽ bật cười, sau đó choàng tay qua cổ vợ, rồi ôm cô vào lòng.

Ngoài miệng có nói với khí chất oai hùng, mạnh mẽ, nhưng thực ra, sâu tận đáy lòng của cô, Hoài Thương là một cô gái liễu yếu đào tơ, mảnh dẻ. Cô cứ luôn lo sợ khi phải cảnh xa chồng, để rồi anh phải một người con gái khác ở đất khách quê người, mà lãng quên đi người vợ, vẫn ngày ngày mong ngóng chồng trở về, với bao niềm tin cứ dào dạt từng ngày. Rất may cho, Tri Hoàng là một người chồng chuẩn mực, khi trái tim anh đã hướng về cô, và mãi mãi cho đến cả một kiếp người ngắn ngủi. Đến khi nào răng long đầu bạc, dù có kẻ mất người còn. Người ở lại sau cùng, vẫn mãi mãi chỉ yêu một người.

Một lúc sau đó, hai người trở lại vị trí như cũ, Hoài Thương cầm lấy hai đôi bàn tay đã dãi dầu của anh. Rồi dặn dò những gì nên nhớ:

- Ngày mai, anh có thể đến gặp cha không? Dù em biết anh không muốn điều này, mà có như thế nào, anh đã về đây rồi, thì cũng phải nói một tiếng với cha.

Tri Hoàng khẽ bặm môi gật gù:

- Ngày mai anh sẽ đến gặp cha, anh hứa với em đó.

Tri Hoàng luồn tay qua lưng Hoài Thương, sau đó ôm lấy phần dưới của vai người vợ. Mợ tư ngã đầu vào vai chồng, sau bao năm thân mật.

Sau khi ánh thái dương đã phơi lên giữa ngọn đồi khúc khuỷu. Tri Hoàng theo như lời vợ đã nói, anh sẽ đến phòng gặp lại người đàn ông độc đoán. Từ lâu đã hằn khắc một nỗi ân oán khó buông bỏ. Giờ đây trở về, khiến cho ông Giáp cũng không thể ngờ.

Hoài Thương có theo cùng anh đến đó, để cho chồng dễ dàng buông lời hơn. Khi những năm qua, anh đã cảm thấy mọi thứ quá lạ lẫm. Cả hai cùng bước đến phòng cha, Tri Hoàng e dè đưa tay lên cửa phòng, gõ nhẹ vài tiếng. Tuy nhiên chẳng nghe được âm thanh từ trong vọng ra, có lẽ cha không đang ở trong phòng, Hoài Thương nói:

- Chắc cha không có ở trong phòng, hay mình ra phòng khách xem sao.

- Ừm.

Sau khi bước đến phòng khách, Tri Hoàng trông thấy cha đang nhàn hạ uống trà, mặc quên đi những gì đang diễn ra xung quanh ông. Cho đến khi Tri Hoàng bước đến gần hơn, rồi cất tiếng:

- Cha.

Một giọng nói bao năm qua, nay ông lại nghe thấy thêm một lần nữa, mà tức khắc đặt tách xuống bàn, ngẩng đầu lên nhìn theo hướng âm thanh vừa cất lên. Khi nhận diện ra người đó là thằng con trai út, thay vì vui mừng, ông lại phẫn nộ, dứt khoát bật người khỏi ghế:

- Mày về đây làm cái gì, không phải mày đã bỏ đi rồi sao, sao bây giờ lại về đây?

Tri Hoàng cố kỉnh kiềm chế cảm xúc, hạ giọng nói với cha:

- Con xin lỗi, con đã sai rồi ạ.

- Năm xưa, không phải mày đã đoạn tuyệt người cha này rồi sao? Mày nghĩ cái gia phả này, muốn đi thì đi, muốn về thì về. Không xem mọi phép tắc của ngôi nhà này ra gì à? Tôn ti trật tự của cái nhà này đảo lộn rồi sao?

Khi thấy cha có vẻ đã quá tức giận, Hoài Thương liền nói giúp cho chồng, mong sao cho cha sớm khuây khỏa cơn giận phút này:

- Cha ơi, anh ấy cũng đã có thành ý muốn xin lỗi rồi, cha có thể cho anh ấy một cơ hội không ạ, đánh kẻ chạy đi, đâu ai đánh người chạy lại chứ cha.

Dường như ông Giáp càng thêm phẫn nộ, sau những lời con dâu thứ tư vừa nói:

- Con im đi, con đang dạy đời ta sao? Muốn gì, thì cũng phải chịu hình phạt của gia quy nhà họ Hạ. Từ đó, tổ tông mới có thể thứ tha, mà cho phép trở về lại đất gia tiên.

Nghe như vậy, Tri Hoàng cũng đã hiểu hơn ai hết, rằng anh buộc phải chịu những khung hình phạt gia quy, như thế mới được sự chấp nhận của tổ tiên, mà hiên ngang bước chân về nhà họ Hạ.

Tri Hoàng xoay người lại, mắt hướng lên bàn thờ, nhìn vào bài vị cửu huyền thất tổ. Sau đó sẽ sàng từng bước hạ chân quỳ xuống một phần, giữ cho thẳng chân thẳng người, mà đồng ý hứng lấy những gì sắp đối mặt.

Ông Giáp cất tiếng, cho gọi ông quản gia xuất hiện:

- Lão Dinh, ông mau ra đây đi.

Từ phía bức màn cạnh bên bàn thờ, lão Dinh hớt hải chạy tung qua bức màn, đứng trước mặt ông hội, lão ấy liền hỏi:

- Dạ, ông cho gọi tôi có chuyện chi không ạ?

Tiếp đó, ông quản gia nhìn xuống phía bên cạnh, trông thấy cậu tư đang quỳ gối, mắt hướng lên bàn thờ cha ông, tức khắc lão Dinh có vẻ đã ngờ ngợ ra được điều gì.

Ông Giáp trả lời:

- Ông đi lấy cho tôi roi gia quy.

Ông quản gia cất tiếng, sau đó liền lui đi, theo những gì ông hội đã dặn:

- Dạ.

Nhanh chóng, trên tay lão Dinh cầm, là một cây roi được mang ra khỏi từ một chiếc hộp gỗ sơn mài, có dạng hình chữ nhật, và khắc bởi hai chữ ngay phía mặt ngoài hộp "Roi Gia Quy", sẵn sàng trừng trị đứa con ngổn nghịch lúc này. Roi Gia Quy hay dùng để trừng phạt những con cháu của dòng tộc họ Hạ, khi mắc phải lầm lỗi trong gia đình. Cây roi đó như là những giọt nước sôi nung trên lửa hồng, rưới lên người sẽ bỏng da rát thịt, khi đó mới có thể gột rửa sạch tội, tổ tiên sẽ chẳng não nề lòng mà đồng ý thứ cho lỗi lầm. Hai tay cậu tư bấu chặt lấy đùi, mà chấp nhận đón lấy những đòn roi sắp giáng xuống, chấp nhận đón lấy những hình phạt của nhà họ Hạ, được truyền thụ từ bao đời nay. Hoài Thương đứng từ sau lưng chồng, cô cúi xuống nhìn từ phía sau gáy anh, vẻ mặt hiện rõ sự lo âu, lòng bùi ngùi dồn dập khó nào yên, khi đang phải sắp chứng kiến, những trận roi khắc nghiệt dong tới, mài nát xương người, cạo nát xương sườn. Ông Giáp ngồi trên chiếc ghế, gương mặt đanh lại, giọng nói gang thép cất lên không chút nhập nhằng, ông lập tức ra lệnh cho lão Dinh, thẳng tay trừng phạt thằng con trai út ngoan cường.

- Bắt đầu đánh đi.

Lão Dinh đáp, sau đó bắt đầu thực hiện bổn phận của mình, theo mệnh lệnh của người giữ chức vị cao nhất trong ngôi gia:

- Dạ ông.

Từng nhát đánh vào thân thể chồng, cứ như giằng xé đến tận ruột gan Hoài Thương. Tri Hoàng xiết chặt tay lại, gồng mình mà cam chịu. Ông Giáp hững hờ nhìn thằng con trai út, mà không mảy may xót thương cho đứa con đứt ruột đẻ ra.

"Chát... chát... chát".

Những lần đòn roi dong tới liên hồi, là những tiếng vang ngày một dần to hơn, khi ông hội cứ luôn miệng nói, với một lòng dạ thú vật:

- Đánh mạnh hơn nữa.

Những lần như thế, lão Dinh càng vung roi lên cao, đánh những nhát chí tử vào người cậu tư theo mệnh lệnh của ông hội.

Hoài Thương càng xem càng xót xa, ngậm ngùi mà chẳng dám làm gì khác trong lúc nhìn chồng phải cảnh hành hình thể xác. Khi này cô chỉ muốn có một ai đó đủ khả năng dừng đi mọi sự việc lúc này đang diễn ra trong đôi mắt cô. Người mà cô nghĩ đến đầu tiên, đó chính là anh cả. Tuy nhiên, tai bay vạ gió, khiến cho Gia Thế cả đời phải chết trong oan nhục, mãi mãi chẳng thể tẩy sạch tội trong lòng của dân chúng. Nếu anh cả có mặt ở chốn đây, e rằng mọi việc sẽ chấm dứt gọn ghẽ, mà Tri Hoàng chẳng phải nhẫn nhịn những trận đòn roi khắt khe như này.

Tuy nhiên, đó chỉ là ao ước, mà chẳng thể nào thực hiện được. Khi từng đòn roi khắc dấu trên người chồng, là những giọt lệ sắp trào dâng.

Trải qua một phần năm canh giờ, những trận đòn gia quy vẫn chưa có dấu hiệu sắp ngưng. Thế nhưng, có vẻ như Tri Hoàng đã sắp đuối sức, đôi môi khô ráp lại, cả người lờ đờ, ngã nghiêng qua lại. Tiếng roi vẫn chát chát, lần này, Hoài Thương đã có thể lên tiếng xin tha cho chồng.

- Cha ơi, nếu đánh nữa, anh ấy sẽ chết đó cha.

Ông hội chất giọng chan chát, xẵng tiếng cất lên:

- Cho dù có đánh bao nhiêu đòn đi chăng nữa, cũng chưa đủ đó đa.

Hoài Thương quỳ xuống cùng chồng, sau đó ôm lấy anh, muốn đỡ cho Tri Hoàng những đòn roi oan trái vẫn liên hoàn đánh tới, hai hàng mi trực trào nước mắt. Trông thấy cảnh đó, đã khiến cho ông Giáp thêm phần cay nghiệt hơn. Ông thét lớn, cho gọi con hầu của mợ tư đến đây:

- Con Lụa đâu rồi? Mày đâu rồi?

Nó từ nhà dưới, vội chạy lên phòng khách:

- Dạ ông cho gọi con.

- Mày mau mau đưa mợ tư về phòng nhanh lên.

- Dạ ông.

Sau khi đã nhận lấy mệnh lệnh của ông hội, con Lụa liền cầm lấy cánh tay mợ tư, muốn đỡ mợ đứng lên khỏi nền đất.

- Mợ ơi, mình về phòng đi mà mợ.

Vật vã qua lại, cố gắng hết sức kéo mợ tư đứng lên, cuối cùng Lụa cũng đã có thể đưa mợ tư quay trở về phòng. Mà không để cản trở cậu tư chịu phạt dưới đầu gia tiên, tạ tội với ông cha.

-còn tiếp-

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro