ÔNG ĐỒ BỂ ( Phần 4)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ông Đồ Bể ( PHẦN 4)- Tiếp theo.

Ông Đồ ngắt lời nói gạt:
_ Đó là họ phỏng đoán cả, chứ đấng Thiên Tử là bậc minh quân thì các quan tất phải là các bậc lương quan thanh liêm và chính trực. Đâu lại có chuyện ăn tiền ăn lễ như họ nói được?
Ông Thần mỉm cười:
_ Bác ạ, thế gian chẳng ít thì nhiều, không dưng ai dễ đặt điều cho ai. Lão đốc tôi xem ra có vẻ gian giảo thực đấy.
Ông Đồ buồn rầu đáp:
_ Nếu quả có thế thì đành chờ khoa sau vậy, chứ biết sao?
Ông Thần lắc đầu:
_ Tôi thì tôi nghĩ khác. Tuổi trẻ của người ta chỉ có một thời. Rồi người ta già yếu, trí tuệ mòn mỏi dần dần. Bác vì nhà nghèo mà khoa này mới ứng thí được lúc đã muộn lắm rồi. Đáng lẽ bác phải chiếm bảng vàng ngay từ một, hai khoa trước đây, chẳng lẽ vì một sự bất công của một viên chánh chủ khảo thiếu lương tâm mà mình chịu để mai một đại danh của mình, mà mình chịu để phí mất cái tuổi trẻ quý báu của mình ư?
Rồi ghé sát tai ông Đồ, ông Thần thì thào:
_ Chẳng nói giấu gì bác, nhờ Trời nhà tôi giàu có. Tôi đã đem theo đây bốn nén vàng để phòng phải ông chánh chủ khảo có máu tham đồng, đổi trắng thay đen, thì sẽ tùy cơ ứng biến. Đây bác cầm lấy hai nén rồi ngay đêm nay chúng ta cùng nhau tìm vào nơi nhà riêng của viên đốc học.
Ông Đồ Bể từ chối, nói thà rằng không đỗ, chứ nhất định không chịu đút lót, lễ lạt để mất cả phẩm giá con người.
Đến đây ông Thần mới tỉnh ngộ và hiểu rằng không có cách gì, không thể dùng mưu thần chước quỷ nào trị nổi một người chính trực, quang minh như ông Đồ Bể được.
Lòng thù, ghét của ông Thần đối với ông Đồ vụt đổi ra lòng cảm phục. Từ nay ông sẽ cứ ở luôn bên mình ông Đồ như trước, nhưng để ủng hộ chứ không phải để hãm hại nữa.
Vì thế ông Đồ Bể vào lọt được bốn kỳ cũng là nhờ ở sức giúp đỡ của ông Thần. Kỳ nào chấm đến bài của ông Đồ Bể, ông chánh chủ khảo cũng nhận thấy văn chương lỗi lạc đáng được phê ưu. Nhưng ông nghĩ thầm:
"Thằng này cậy có tài không thèm biết đến ta. Vậy ta thử phê liệt cho nó hỏng tuột xem nó có còn chỉ cậy ở văn tài và học lực được nữa không?". Và ông cười mỉm thong thả viết chữ: "Liệt" đỏ rất to, rồi khinh bỉ vứt quyển thi sang một bên. Điều ông không ngờ là chữ 'liệt' của ông chỉ là chữ 'ưu'. Ông Thần đã đưa tay ông viết nọ hóa ra chữ kia mà ông vẫn không biết.
Thế rồi, xong bốn kỳ thi, ông Đồ Bể đậu thủ khoa.
Thành thử cái người mà ông chánh chủ khảo định để đỗ đầu phải tụt xuống thứ nhì. Chính ông cũng không hiểu tại sao. Ông đành thở dài trả lại người ấy hai mươi nén bạc, trong số năm mươi nén mà người ấy đã khấn ông để mua cho bằng được cái hương khôi.
Ông Đồ Bể thẳng thắn tự nhủ: "Đấy, ta đã bảo các quan trường công chính mà! Quả có sai đâu!".
Hôm xướng danh, thiên hạ nô nức đi xem. Các cô thiếu nữ Long Thành chen vai thích cánh để được thấy mặt ông Thủ khoa. Nhưng ông này chẳng buồn để ý tới một cô nào, tiến thẳng lại các quan trường, vái dài rồi vội vàng lĩnh lấy mũ áo vua ban mang đi.
♡☆~♡☆~♡☆~♡☆~♡☆~♡☆~♡☆~
Sợ món tiền lộ phí thiếu hụt, nếu ông còn dềnh dàng ở lại xem các nơi danh thắng chốn đế đô, ngay hôm ấy ông Tân Khoa trở về làng. Khi qua miếu cũ, ông Thần ra đón tiếp:
_ Chào ông cống mới.
Ông Thủ khoa đoán chừng người bạn cùng đường đã lạc đề nên lủi mất ngay từ hôm nghe tin mình trúng cử, liền an ủi mấy câu:
_ Thi cử chẳng qua ăn nhau về số mệnh. Thôi thì khoa này chẳng đậu bác chờ khoa sau...Có tài như bác, lo gì!
Ông Thần cười nói:
_ Lần đầu tiên bác nói dối đấy nhé. Bác thừa biết rằng phải có tài lỗi lạc như bác mới đáng đỗ sao bác còn đem câu khách sáo về số mệnh ra an ủi tôi?
Ông Thủ khoa cũng cười. Ông Thần lại nói:
_ Nhưng nay dù bác có nói dối một câu vô tội với người hỏng thi để người ấy khỏi nản lòng, tôi cũng không tìm cách trị tội bác đâu. Vì nay bác đã trở nên một bạn chí thân của tôi rồi.
Ông Thủ khoa ngơ ngác không hiểu. Ông Thần liền đem hết chuyện thực ra kể, từ hôm ông Đồ qua miếu không ngả nón cúi đầu cho tới hôm ông trúng cử.
Nói xong ông Thần biến mất.
Ông Thủ khoa buồn rầu thầm nghĩ: "Thì ra nhờ có Thần mình mới đỗ. Như thế cái Thủ khoa của mình không còn giá trị gì!".
Ý nghĩ ấy vẫn luẩn quẩn trong óc, ông lủi thủi về tới đầu làng. Vì thế, thấy dân làng tấp nập mang cờ, mang lọng ra đón rước, ông xua tay nói:
_ Xin mời các ông về cho. Tôi chẳng đỗ đạt gì cả mà rước xách. Tôi vẫn là ông Đồ Bể như xưa thôi, các ông ạ.
Ai nấy kinh ngạc không hiểu và nhất định ép ông Tân Khoa ngồi lên võng: Xem chừng không từ chối nổi, ông Thủ khoa đành phân trần:
_ Tôi đỗ là nhờ ở sự may mắn, một sự bất công, nên thế nào rồi tôi cũng phải dâng sớ tâu lên Đức Hoàng Thượng để xin ngài đánh hỏng tuột cái Thủ khoa của tôi đi để tránh khỏi mọi sự man trá do một vị hung thần bày ra. Vậy xin các ông có yêu tôi mà cho tôi ngồi võng để khiêng tôi về thì tôi xin vâng. Còn nói to tát rằng đón rước một ông Thủ Khoa thì quả thực tôi không dám nhận.
Dân làng cho là Tân Khoa quá nhún nhường nên cũng tuân theo mà hạ cờ im trống, rước ông về nơi nhà tranh chật hẹp.
Mẹ già ông nghe tin ông đỗ đã đi vay tiền bà con mua một con bò, hai con lợn, chục thúng gạo tế, dăm thúng gạo nếp, chờ con về thì làm tiệc khao mừng. Nhưng ông Thủ khoa khóc, lạy mẹ xin hãy để cho thong thả.

                    HẾT ÔNG ĐỒ BỂ ( Phần 4)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro