ÔNG ĐỒ BỂ ( Phần 3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ông Đồ Bể ( PHẦN 3)- Tiếp theo.

Thần liền hóa phép ra một cái giếng khơi. Giữa trưa trời nắng, ai chẳng khát nước và gặp giếng mát nước trong, ai chẳng vui thích muốn uống. Nhưng giếng sâu quá mà miệng giếng lại nhỏ quá không sao thò tay múc tới nước được.
Dù thế mặc lòng, ông Thần cũng lấy bát gỗ ra rồi theo thành giếng leo xuống. Uống xong, ông ta lại leo lên một cách dễ dàng nhanh nhẹn, vì ông ta là thần có nhiều phép lạ nên không thể trượt chân ngã được.
Đến lượt ông Đồ Bể. Ông đứng từ thành giếng ngó xuống đáy nước. Và ông nói:
_ Bác thực có tài! Chứ giếng sâu thế này thì tôi xin chịu không thể nào xuống được.
Gần đấy, hai người lực điền đang tát nước bằng chiếc gầu dây. Ông Đồ liền chạy lại mượn rồi thả gầu xuống múc nước uống. Lúc hết khát ông Đồ mới kịp nhận thấy ở trong gầu có một nén vàng, tia sáng chiếu lên chói lòe cả mắt. Ông giơ lên hỏi:
_ Cái gì thế này?
Ông Thần ghé lại nhìn:
_ Dễ vàng! Phải, đích vàng rồi! Số bác được của! Trời cho bác đấy! Nên gói vào khăn để khi nào thi đỗ xong dùng mà làm tiệc ăn mừng.
Ông Đồ lắc đầu:
_ Vàng này không phải của tôi, khi nào tôi lại lấy như thế!?
_ Nhưng vàng ấy không phải của bác, thì bác bắt được nó là của bác.
_ Biết đâu rằng không phải vàng của Thần Giếng? Vì vàng nặng tất chìm. Thế mà đây vàng nổi trên mặt nước, đủ tỏ rằng đó không phải là vàng của người dương thế.
Nói đoạn, ông Đồ cất tiếng hô lớn:
_ Ngươi là vật sở hữu của ai, bản thân ngươi là gì, phải hiện nguyên hình mà về với chủ ngươi.
Tức thì một con rắn vàng quẫy mạnh nhảy từ lòng gầu xuống giếng. Nén vàng đã biến mất.
Chiều hôm ấy hai người tới kinh đô. Ông Thần rủ ông Đồ đến trọ ở một hàng cơm phố hàng Trống cho được gần trường thi. Về mùa thi cử ở phố nào cũng có hàng cơm và nhiều nhà thường đổi thành khách sạn.
Vừa đến nơi ông Đồ đã nghe thấy hai thầy khóa bàn tán:
_ Năm nay lão đốc Sơn Nam chủ khảo.
_ Thế thì nguy to rồi.
_ Thôi anh em mình đành mang hận trở về.
_ Lão ta làm chủ khảo thì tôi nhất định không thèm thi.
Ông Đồ Bể hỏi:
_ Sao quan đốc học Sơn Nam làm chánh chủ khảo, tiên sinh lại bỏ thi?
Người kia giọng gắt gỏng:
_ Vì lão ta ăn tiền dữ lắm. Đút lót lão thì đỗ, không đút lót thì dẫu có tài cũng bằng thừa. Như thế còn thi với cử làm gì?
Ông Đồ Bể suy nghĩ rồi đáp:
_ Thiết tưởng Thánh Thượng đã định kén chọn nhân tài thì tất phải giao việc ấy cho những bầy tôi xứng đáng. Tôi sợ tiên sinh ngờ oan cho quan chánh chủ khảo chăng?
_ Oan gì? Còn lạ cái đức tính xiểm mị và ăn hối lộ của lão đốc học già ấy. Lão ta đỗ Trạng đấy. Nhưng lão ta lại trạng cả về khoa đục khoét nữa.
Câu nói khôi hài làm gian phòng trọ vang động tiếng cười. Không còn ai thèm giấu giếm, kiêng nể nữa. Lòng căm phẫn của các thí sinh đã nghiễm nhiên trở nên ầm ĩ và ồn ào.
Cơm nước xong, ông Thần rủ ông Đồ đi xem kinh đô, song những thứ được xem ông đã đọc qua trong các pho sách Tàu mà mấy người bạn học giàu có cho ông mượn, nên ông không lấy làm kỳ dị lắm và không trầm trồ khen ngợi như nhiều nhà quê mới bước chân đến một nơi thành thị náo nhiệt lộng lẫy. Thấy thế ông Thần liền hỏi một câu để được bắt quả tang ông Đồ nói dối:
_ Chắc bác đã nhiều lần đến kinh đô?
_ Không, lần này là lần đầu tôi lai kinh ứng thí.
_ Nhưng các hàng hóa bày bán ở các phố chắc bác đã được coi nhiều lần rồi?
_ Không, lần này là lần thứ nhất tôi nhìn thấy. Nhưng tôi được thấy tả trong các pho sách Tàu mà người ta cho tôi mượn.
Tới một phố vắng, ông Thần ghé lại gần thì thầm bảo ông Đồ:
_ Tôi có một câu chuyện tâm sự muốn ngỏ cùng bác.
Ông Đồ nhún nhường đáp:
_ Vậy xin bác cho nghe, may ra tôi sẽ được một bài học về khoa xử thế.
_ Chỉ sợ bác cho là quá đường đột.
_ Thưa bác, tôi đâu dám, xin bác cứ chỉ giáo cho.
Giọng nói của ông Thần càng nhỏ hơn:
_ Tôi thấy bác là người có tài lỗi lạc mà càng ngày càng thêm kính mến. Có học, có thông minh như bác thì phải đỗ mà đỗ phải cao nếu không đỗ đầu. Nhưng xem tình hình khoa này và nghe những lời bình phẩm viên chánh chủ khảo thì dẫu làm văn hay như rồng bay phượng múa mà không đút lót cũng khó lòng đỗ được.

                    HẾT ÔNG ĐỒ BỂ ( Phần 3)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro