03

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tôi rất thích đánh dấu lại những cột mốc quan trọng trong hồi ức của mình. Chuyển nhà, sự xuất hiện của Trương Trạch Vũ, lớp Tiếng Anh Khái niệm mới đều là những cột mốc nhỏ rất quan trọng trong hồi ức của tôi, giúp tôi dễ dàng gia tăng tốc độ thanh loading vô hình mỗi khi hồi tưởng lại, nhanh chóng tìm thấy thứ mà tôi muốn tìm. Sự kiện quan trọng nhất trong năm 2005 có lẽ là khu vui chơi giải trí đối diện khu tập thể đóng cửa do sự bất mãn cùng cực của các bậc phụ huynh, thay thế bằng cửa hàng sách kiêm băng đĩa. Mười ba đứa nhóc chúng tôi lại có thêm một cứ điểm để tụ tập.

Khi đó tôi chín tuổi, mới lên lớp ba, thoát khỏi biệt danh lớp bé*, không hiểu sao lòng lại tràn ngập kiêu hãnh. Một sự thay đổi khác lớn hơn là tôi bắt đầu có tiền tiêu vặt, một tuần 20 tệ. Với những đứa trẻ một que kem Vượng Vượng Toái cũng đủ thoả mãn như chúng tôi mà nói, đó quả thực là một số tiền lớn. Chủ cửa hàng băng đĩa là một bác trai cực kỳ hoà nhã, trên cánh tay có một vết sẹo rất dài, nhưng không đáng sợ lắm, trông nó giống như thú cưng ngoan ngoãn mà bác đã nuôi từ rất lâu. Chúng tôi gọi bác là bác mập bác cũng không tức giận, thậm chí còn đồng ý giữ lại truyện tranh và đĩa phim mới nhất cho chúng tôi, lại còn không nói cho bố mẹ chúng tôi biết. Mỗi thứ bảy chủ nhật, tôi mời bạn bè ăn kem Vượng Vượng Toái và CC Lạc, loại kẹo nhỏ dài như điếu thuốc. Số tiền còn dư tôi gửi bác mập, thế là có thể ngồi trong tiệm đọc truyện cả buổi chiều, sau đó mang thêm đĩa phim về nhà, cuối tuần sau đem trả đổi lấy đĩa phim mới, cứ liên tục lặp đi lặp lại như vậy.

(*) Tiểu học ở Trung kéo dài từ lớp 1 đến hết lớp 6, lớp 1 và 2 gọi là lớp bé, lớp 3 và 4 gọi là lớp nhỡ, lớp 5 và 6 gọi là lớp lớn.

Sáng thứ bảy vẫn là ác mộng của tôi. Mỗi lần tôi đều cầu nguyện rất lâu rất lâu ở bến xe trước khi xe tới, cầu cho buổi học ngày hôm đó không phải đọc bài khoá đáng ghét, cầu cho cô giáo không gọi tôi đứng dậy trả lời. Mẹ của Trương Tuấn Hào thường xuyên đến dự thính. Tôi không biết đây có phải là cảnh tượng phổ biến ở thời đại đó không – cuối lớp học đặt một chiếc ghế dài sát vào tường, mỗi tiết học đều có ánh mắt chằm chằm như hổ rình mồi của các bậc phụ huynh ở đằng sau nhìn chúng tôi. Mẹ tôi hễ đến là tôi lại cảm thấy mất mặt. Không chỉ bởi vì mẹ cứ ngồi ở đằng sau đan áo len, đan nhiều đến nỗi mỗi khi có ai nhặt được kéo hay kim chỉ đều đem trả cho tôi, mà còn bởi vì thành tích của tôi rất kém, lần nào tôi cũng tràn ngập cảm giác xấu hổ. Tôi cực kỳ ghét cái thứ gọi là giáo dục kết hợp giải trí khi ấy, chơi cái trò gì mà đứng dậy lái tàu hoả, bởi vì tàu đến chỗ tôi thường xuyên hết nhiên liệu. Tôi vô cùng mất mặt, vô cùng hổ thẹn, vô cùng lẻ loi bơ vơ đứng ở giữa, giống như trên đường đi rộng lớn bỗng dưng vô duyên vô cớ xuất hiện một hòn đá. Ánh mắt nồng nhiệt từ bốn phía đều đổ dồn về phía tôi.

Vào những lúc như thế, người khác có làm cái gì cũng là sai trái. Cho dù Tô Tân Hạo và Trương Tuấn Hào không nói chuyện, tôi cũng cảm giác như hai cậu ấy đang khẽ thì thầm trong lòng. Tôi kém các cậu ấy một bậc xa như thế, không thể tránh khỏi tự ti. Tôi không hiểu nổi, tại sao đoàn tàu ấy ở chỗ các bạn chạy rất mượt, đến chỗ tôi lại mắc kẹt, thế là tôi chỉ có thể xấu hổ cúi thấp đầu. Thực ra tôi vẫn luôn muốn hỏi mẹ, những ngày dự thính ở lớp Tiếng Anh có phải là những ngày mẹ mất mặt nhất không, nhưng toàn quên mất, về sau lại lười chẳng buồn đi hỏi nữa.


Sau đó càng ngày tôi càng ghét lớp Tiếng Anh, ghét đến mức cả một tuần tôi không thèm mở quyển sách Tiếng Anh Khái niệm mới đấy ra lần nào, lúc phải động đến nó cũng chẳng có chút quý trọng gì. Có một lần quá đáng nhất là tiết tuần trước tôi mua một phần bánh cuộn vị thì là rồi để quên trong cặp sách, đến tuần sau khi lấy sách ra, cái mùi thì là lên men ấy thực sự khiến tôi cả đời khó quên.

Về sau có một trào lưu rất phổ biến là đưa trẻ em đến cung thiếu nhi học một môn nghệ thuật nào đó. Khu chúng tôi đương nhiên cũng theo kịp xu thế, gửi trẻ đến lớp năng khiếu. Tô Tân Hạo học nhảy đường phố, nghe nói cậu ấy rất có thiên phú, chẳng mấy chốc đã nhảy được điệu giống như con quay xoay tròn. Chúng tôi không biết sao cậu ấy có thể làm được như vậy, còn bắt cậu ấy biểu diễn cho chúng tôi xem đi xem lại. Chu Chí Hâm thì bởi vì chữ xấu nên bị mẹ cậu ấy gửi vào lớp thư pháp, luyện bút lông. Trương Tuấn Hào được mẹ cho đi học đánh trống, nhà cậu ấy ngày nào cũng phát ra tiếng binh binh bang bang. Trần Thiên Nhuận học violin từ nhỏ, lúc mới học kéo đàn trông như cưa gỗ, về sau càng ngày càng thuần thục hơn. Dư Vũ Hàm và Mục Chỉ Thừa bị bắt học vẽ tranh, vẽ phác hoạ, ngón tay lúc nào cũng đen như than, ngày ngày khốn khổ vẽ táo. Mẹ tôi thì chưa từng ôm hy vọng về tế bào nghệ thuật của tôi, không bắt ép, cho tôi tự chọn, thế là tôi cùng Trương Trạch Vũ, Đặng Giai Hâm, Đồng Vũ Khôn đi học thanh nhạc, mỗi ngày ê ê a a luyện mở khẩu hình. Giáo viên thanh nhạc nói tôi rất có thiên phú, điều kiện cũng tốt, thuộc dạng ưu tú trong lớp. Tôi thầm vui mừng, ông trời đóng mất cánh cửa ngôn ngữ nhưng lại để mở cho tôi cửa sổ âm nhạc, tôi không đến nỗi bẽ mặt ở tất cả các môn học.

Huống chi lớp này còn có Trương Trạch Vũ. Cậu ấy thích hát từ bé, lúc kích động thanh âm cao vút vang khắp toà nhà. Ở trong lớp cậu ấy và Đặng Giai Hâm đều là học sinh xuất sắc, hay được thầy cô gọi lên làm mẫu. Không biết tại sao, tôi vô thức không muốn mất mặt trước cậu ấy. Theo lẽ thường, người ăn một quả nho cũng muốn chia cho Trương Trạch Vũ một nửa như tôi không thể nào giấu được nhiều tâm tư không nói ra như thế. Nhưng kỳ lạ là tôi lại sợ cậu ấy cảm thấy tôi lập dị. Tôi trời sinh tính tình nhạy cảm, dễ nghĩ ngợi lung tung, ai ai cũng biết điều này. Dư Vũ Hàm bảo đấy gọi là "lo bò trắng răng". Tôi ở trước mặt các cậu ấy đã không còn chuyện gì riêng tư nữa rồi, nhưng trong mơ hồ tôi vẫn muốn che giấu thứ mà tôi cho là kinh khủng nhất ấy, không muốn bị Trương Trạch Vũ phát hiện. Mặc dù cậu ấy thông mình hơn tôi, chín chắn hơn tôi, hẳn là có thể nhìn thấu.

Lúc đó tôi còn quá nhỏ, cái đầu chứa đầy đồ ăn vặt và phim hoạt hình không thể giải được câu hỏi cảm xúc phức tạp ấy. Nhưng chắc là vẫn chưa đạt đến mức độ yêu. Về sau tôi tỉ mỉ phân tích, cảm xúc ấy có lẽ bắt nguồn từ sự khâm phục, yêu thương và chở che tôi dành cho Trương Trạch Vũ. Cậu ấy từ nhỏ đã là một đứa trẻ rất cừ, vừa vô tư lại vừa trưởng thành trước tuổi, còn nhỏ đã rời xa vòng tay bố mẹ đến sống với bà, rõ ràng thường xuyên nhớ bố mẹ đến mức chui ở trong chăn khóc, ban ngày lại có thể cười ha ha như người không có ưu tư gì. Đối mặt với sự dũng cảm của cậu ấy tôi luôn cảm thấy xấu hổ, xấu hổ vì bản thân sống rất khoẻ mạnh, thoải mái, có bố mẹ kề bên nhưng lại thiếu can đảm. Đương nhiên tôi cũng không dám nói với cậu ấy điều này, trước những ưu tư của cậu ấy, chút muộn phiền nho nhỏ của tôi không tính là gì.

Vậy cho nên ở thời điểm đó tôi đã vô thức hiểu được, con người luôn bình thản trước những việc mà bản thân tự tin.

Thế là mỗi sáng thứ bảy hàng tuần tôi sẽ đến lớp Tiếng Anh dở dở ương ương phí thời gian trước, sau đó sẽ lên lớp thanh nhạc. Lớp thanh nhạc và lớp vẽ phác thảo gần như bắt đầu và kết thúc cùng một lúc, mấy đứa nhóc chúng tôi sẽ cùng nhau trở về nhà. Trên tuyến xe buýt số 26, đầu xe có hai hàng ghế quay vào nhau, chúng tôi sẽ ngồi đối mặt nhau trên hai hàng ghế ấy rồi rôm rả nói chuyện. Sau khi ăn cơm trưa xong chúng tôi lại đến tiệm của bác mập đọc truyện, ngậm CC Lạc giả vờ như đang ngậm thuốc, buổi tối tụ tập ở nhà tôi xem đĩa phim mới mượn được. Những niềm vui thuần khiết vô cùng ấy, nhiều năm trôi qua rồi tôi vẫn không thể nào quên.

Về sau không biết mẹ tôi bị cái gì tẩy não, tốn hai vạn tệ đăng ký cho tôi học lớp người mẫu nhí, nằm ở tầng cao nhất của cung thiếu nhi, trang hoàng thời thượng, hiện đại, chuyên hút máu các bậc phụ huynh có tiền. Hai vạn tệ thì đương nhiên đãi ngộ cũng khác biệt, ra vào đều có những gương mặt tươi cười nghênh đón. Giáo viên thể hình khen tôi vóc dáng cao, tỉ lệ cơ thể đẹp, trời sinh thích hợp làm người mẫu. Mẹ tôi rất vui, chắc là mẹ chịu thất bại ở lớp Tiếng Anh nhiều rồi nên tiêu tiền để tìm lại sự tự tin.

Thế là mẹ cho tôi nghỉ lớp thanh nhạc, mỗi sáng thứ bảy sau khi tan lớp Tiếng Anh tôi sẽ lên tầng cao nhất đi qua đi lại. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên tôi đặt sách lên đầu, định vị, đi, rồi lại định vị, đi, nhàm chán đến phát điên, nhưng ít ra vẫn tốt hơn lớp Tiếng Anh. Cách âm của cung thiếu nhi rất kém, có thể nghe được giọng gió cao vút của Trương Trạch Vũ ở tầng dưới, cả tiếng gõ trống bing bang của Trương Tuấn Hào, chứa đựng bao ước mơ của trẻ nhỏ và kỳ vọng của mẹ cha. Còn trang hoàng của lớp người mẫu khiến tôi cảm giác như đang ở trên mây, cách chúng bạn xa thật xa, khiến tôi hoảng sợ tột độ.

Bất kể làm gì tôi cũng đều gọi Trương Trạch Vũ theo. Tục ngữ có câu nồi nào úp vung nấy, cậu ấy ở với bà cũng rất buồn chán, cho nên mỗi lúc tôi tới tìm cậu ấy hầu như đều nhàn rỗi. Lớp người mẫu hay tổ chức hoạt động, đưa chúng tôi đến những sàn catwalk nơi các bậc phụ huynh bỏ tiền ra mua niềm vui. Tôi sẽ nói chuyện với mẹ, nhất định phải đưa Trương Trạch Vũ đi cùng. Hoạt động kiểu này mọi người cũng biết, không hề có ý nghĩa thực tế nào, chỉ là bỏ tiền ra lấy lòng khách hàng – khách hàng ở đây đương nhiên không phải là những đứa trẻ chưa hiểu chuyện như chúng tôi mà là các bậc phụ huynh – đương nhiên là càng hoành tráng càng tốt. Thế nên lần nào tôi cũng phải mặc những bộ đồ kỳ quái, loè loẹt sặc sỡ, có lúc còn phải đeo hai cái cánh to đùng, tóc thì xịt keo đến bóng loáng cả lên. Trách tôi còn nhỏ không có khiếu thẩm mỹ, không hề cảm thấy kiểu trang điểm đó có vấn đề, còn chạy đến trước mặt Trương Trạch Vũ xoay mấy vòng như con công xoè đuôi. Trương Trạch Vũ vừa hoảng sợ vừa buồn cười, nghĩ nghĩ rồi nói với tôi:

"Cậu biết không ở quê tớ có loại gà trống nhuộm lông, vô cùng loè loẹt, cậu bây giờ rất giống con gà trống ấy..."

Mẹ tôi nghe thấy cũng cười phá lên. Tôi thì vô cùng căm phẫn, hận không thể mặc kệ hai người họ cả đời.

Thời đại đấy quả thực vẫn chưa có nhiều hiểu biết về nghề người mẫu, việc đi catwalk quá viển vông so với cuộc sống của hầu hết mọi người. Nghe được chuyện tôi học lớp người mẫu, phản ứng đầu tiên của mọi người đều là cho rằng nhà tôi không lo chính sự. Về sau thỉnh thoảng tôi có đóng quảng cáo, áp phích dán trên tường của các cửa hàng thời trang trẻ em, ở trung tâm thương mại còn treo một tấm lớn. Mọi người khi ấy bỗng nhiên lại cảm thấy tôi rất cừ, tương lai sẽ trở thành người nổi tiếng. Trương Tuấn Hào rất có đầu óc kinh doanh, bảo tôi ký tên cho cậu ấy, ký rất nhiều tờ, cậu ấy bảo sẽ giữ lại đợi sau này tôi nổi tiếng rồi đem bán. Kể ra thấy thật có lỗi với cậu ấy, tôi không trở thành ngôi sao lớn như cậu ấy kỳ vọng, đống chữ ký đó trở thành giấy vụn mất rồi.

Thực ra có một khoảng thời gian tôi cũng rất huênh hoang, biểu hiện ở chỗ mỗi lần đi catwalk xong trở về nhà, đầu vẫn để nguyên lớp keo xịt tóc chưa gội, tôi đều cảm thấy rất tự hào, rất kiêu hãnh, lúc đi ngang qua đám Trương Tuấn Hào tôi cảm thấy bản thân thật tài giỏi, theo lời Trương Trạch Vũ thì là kiêu căng hệt chú gà trống lớn. Cho đến khi các cậu ấy đem theo ánh mắt tràn ngập tò mò sáp lại gần đầu tôi, sờ sờ ngửi ngửi, sau đó cười phá lên trêu tôi giống như bôi mỡ heo, tôi mới phát giác, cho dù tôi có tài giỏi đến thế nào đi chăng nữa, có là người mẫu nổi tiếng thế giới trong tương lai thì trước mặt chúng bạn tôi cũng chẳng là gì to tát. Thế là tôi lại ngoan ngoãn về nhà gội đầu rồi tiếp tục xuống buôn chuyện với các cậu ấy.

Gia đình Đồng Vũ Khôn đột nhiên xảy ra chuyện. Tôi không hiểu rõ về nhà cậu ấy lắm, chỉ biết mẹ cậu ấy là giáo viên dạy Khoa học ở trường Tiểu học số 18, bố cậu ấy là chuyên viên kỹ thuật ở một nhà máy nào đó, kiếm được cũng kha khá, mấy ngày mới về nhà một lần. Mỗi lần xe đạp của chú ấy về gần đến khu tập thể đều sẽ kêu leng keng một thôi một hồi. Sau đó Đồng Vũ Khôn sẽ cực kỳ vui mừng, cực kỳ phấn khởi bổ nhào đến giúp chú ấy xách thức ăn treo trên xe. Biệt danh của Đồng Vũ Khôn là Mao ca, tôi không rõ về nguồn gốc của nó lắm, chỉ biết mỗi lần mẹ cậu ấy gọi cậu ấy về ăn cơm đều mở toang cửa sổ hét lớn: "Mao ca về nhà ăn cơm!". Sau đó chúng tôi ở dưới lầu hét theo trêu cậu ấy: "Mao ca ăn cơm thôi!". Mỗi lần như thế Đồng Vũ Khôn đều cảm thấy rất mất mặt, về nhà lại ăn vạ, cãi nhau với mẹ cậu ấy. Chỉ có bố cậu ấy gọi cậu ấy là Mao Mao cậu ấy mới không tức giận. Mỗi lần chú ấy trở về đều đứng dưới lầu gọi Mao Mao, giọng chú ồm ồm, rất giống người cha trầm ổn khuôn mẫu. Ai cũng không tưởng tượng được người cha trầm ổn như núi ấy sao lại ngã xuống.

Nghe nói bố cậu ấy cùng đồng nghiệp đứng nói chuyện ở xưởng trong thời gian nghỉ, lúc hút thuốc tay chống lên máy, bị máy cuốn vào, bị cắt mất một cánh tay ngay tại chỗ. Nhà máy chơi xấu, việc phát sinh trong thời gian nghỉ nên bọn họ chỉ bồi thường phí trị liệu, không cấp tiền bồi thường về sau. Đồng Vũ Khôn mấy ngày đó không ra ngoài, chúng tôi cũng không tụ tập, đương nhiên cũng không dám đến tìm cậu ấy.

Một buổi tối tôi nghe được bố mẹ tôi nói chuyện. Bố tôi hiếm khi về sớm, đứng trước gương cạo râu. Mẹ tôi hỏi bố đi xin tư vấn thế nào rồi, bố tôi lắc đầu thở dài:

"Luật sư Cát nói chuyện này nếu khởi tố cơ hội thắng cũng không lớn, hợp đồng lao động chú ấy ký với nhà máy vốn đã có vấn đề."

Mẹ tôi im lặng một lát rồi thở dài: "Dù gì người ta cũng đã nhờ vả rồi, cứ cho dì ấy số điện thoại của luật sư Cát đi, để dì ấy tự xin tư vấn. Lời này chúng ta không tiện nói, cũng chỉ giúp được đến đây thôi."

Sau đó bố mẹ bắt đầu bàn chuyện cổ phiếu, bàn chuyện khách hàng của bố tôi tổ chức hôn lễ nên gửi tiền mừng bao nhiêu, bàn chuyện lớp người mẫu của tôi sắp tới có những cuộc thi gì. Lúc ấy tôi cảm giác rất nặng nề, cả người vô lực. Tôi rất muốn xông đến hỏi bố mẹ tại sao lại hờ hững như thế, chuyện nhà Đồng Vũ Khôn tại sao lại chỉ đáng giá hai câu, nhưng tôi biết là có hỏi cũng vô ích. Khoảnh khắc đó tôi hiểu được, tránh xa những việc không liên quan đến bản thân là nguyên tắc sinh tồn trong thế giới của người lớn. Gặp chuyện bất bình ra tay tương trợ, đó là truyện cổ tích, là vật xa xỉ chỉ có trong thế giới của trẻ thơ.

Sau ngày hôm đó tôi luôn có cảm giác áy náy không rõ lý do với Đồng Vũ Khôn. Có lần xuống nhà tìm Trương Trạch Vũ tôi đụng trúng lúc cậu ấy ra mở cửa, cậu ấy mặt không đổi sắc nhìn tôi, không hiểu sao tôi lại vô thức né tránh ánh mắt của cậu ấy. Sau đó cậu ấy đặt túi rác đen đã buộc chặt miệng xuống cạnh cửa rồi nhẹ nhàng đóng cửa lại.

Tôi kể lại chuyện đó cho Trương Trạch Vũ. Bà cậu ấy dọn dẹp ở trong phòng bếp, chúng tôi ngồi nghịch cây xấu hổ mọc trên bệ cửa sổ, cứ chạm đi chạm lại, cảm thấy rất thú vị. Trương Trạch Vũ nói với tôi: "Cậu không được nghĩ như thế, nếu cậu phải chịu trách nhiệm với đau khổ của tất cả mọi người, vậy thì quá bất công, cậu sẽ rất mệt mỏi."

Mỗi người đều có nỗi khổ của riêng mình. Đồng Vũ Khôn khổ, Trương Trạch Vũ và Trần Thiên Nhuận rời xa vòng tay cha mẹ cũng khổ. Đau khổ trên thế gian này muôn hình vạn trạng, nỗi khổ của mỗi người đều được thiết kế riêng. Không ai có thể hoàn toàn đồng cảm với ai, vậy nên chỉ có thể cảm thấy tiếc thương.

Bố Đồng Vũ Khôn xuất viện về nhà, người gầy đi rất nhiều, một bên tay áo trống rỗng, thoạt nhìn rất đáng sợ. Đồng Vũ Khôn im lặng đi bên cạnh chú ấy, mẹ cậu ấy vẻ mặt ủ rũ đỡ ở bên còn lại. Cổ họng tôi căng cứng, rất muốn một lần nữa gọi cậu ấy "Mao ca ăn cơm thôi", nhưng tôi biết là không thể, có lẽ từ giờ về sau cũng không thể.

Phía bên nhà máy chơi xấu, đã không bồi thường còn chấm dứt hợp đồng, điều này cũng có nghĩa là bố Đồng Vũ Khôn thất nghiệp rồi. Mẹ Đồng Vũ Khôn đến nhà máy căng băng rôn, náo loạn mấy lần, đến mức mà dân cảnh* phải đến tận nhà hoà giải. Trong mấy vị dân cảnh đến có một người là cậu của Trần Thiên Nhuận, tuổi còn trẻ, vừa mới tốt nghiệp không lâu, trông rất giống Trần Thiên Nhuận. Cậu của Trần Thiên Nhuận cứ lên lầu là bị mẹ Đồng Vũ Khôn xua đuổi, chỉ đành rời đi, trước khi đi còn đến bế Trần Thiên Nhuận, nhét cho cậu ấy ít tiền tiêu vặt.

(*) Cảnh sát phụ trách các vấn đề, tranh chấp dân sự, khác với vũ cảnh (lực lượng vũ trang) và hình cảnh (phụ trách điều tra án hình sự).

Trần Thiên Nhuận tiễn cậu ra đến cổng, kéo góc áo cậu nói tạm biệt rồi giương mắt nhìn cậu rời đi.

Nhóm chúng tôi trầm lặng suốt nhiều ngày, ai cũng trở nên cẩn thận dè dặt. Ngoài mặt thì cảm giác như cuộc sống thanh bình trở lại rất nhanh, Đồng Vũ Khôn lại đến chơi cùng chúng tôi, xem phim cùng chúng tôi, đến tiệm bác mập đọc truyện cùng chúng tôi. Nhưng trong lòng chúng tôi đều cảm nhận rõ được sự thay đổi của cậu ấy. Đồng Vũ Khôn cấp tốc trưởng thành, ít nhất thì chúng tôi rất hiếm khi nghe thấy cậu ấy cãi mẹ nữa.

Thỉnh thoảng chúng tôi trêu Trương Tuấn Hào nghèo phải để ý đến Đồng Vũ Khôn. Mặc dù Trương Tuấn Hào không một xu dính túi nhưng vẫn là kẻ nghèo có tiền, mặc hàng hiệu, ăn tôm hùm Boston. Cậu ấy có thể thẳng thắn không ngần ngại nói với chúng tôi là cậu ấy không có tiền, bởi vì cậu ấy tự tin. Còn Đồng Vũ Khôn sẽ không tự nói bản thân không có tiền, cậu ấy chỉ lặng im, không bao giờ ăn mì tôm trẻ em nữa.

Giống như Trương Tuấn Hào và Tô Tân Hạo thường hay nói tiết Tiếng Anh này tiết Tiếng Anh kia các cậu ấy nghe không hiểu gì, còn tôi thì chưa từng dám nói như thế. Chỉ khi thời gian trôi đi, đợi đến khi thời gian san bằng mọi thứ, bồi thường cho bạn tất thảy những gì bạn đáng được nhận, bạn mới dám thành thật để lộ ra vết sẹo của mình với thế giới.

Đó là lòng tự tôn quái đản nhưng chưa từng khuất phục của chúng tôi.

Hiện thực có thể khiến con người mau chóng trưởng thành, ít nhất với Đồng Vũ Khôn là như thế. Nhà cậu ấy có tiền để dành, mẹ cậu ấy cũng có lương hàng tháng nhưng cậu ấy vẫn tự mình chắt chiu, tự mang áp lực đè nặng lên đôi vai mình. Ví dụ như cậu ấy không bao giờ mua đồ ăn vặt nữa, không thay cặp sách. Cái cặp sách nhỏ in hình Ultraman màu xanh ấy đeo đến nát rồi, mẹ cậu ấy không chịu nổi nữa cậu ấy mới đồng ý thay. Có lần tôi nhìn thấy mẹ cậu ấy mắng cậu ấy keo kiệt, mắng xong lặng lẽ quay đi rơi nước mắt. Khoảnh khắc đó tôi thực sự cảm nhận được, trưởng thành là việc hết sức nặng nề. Nếu có thể tôi rất muốn chúng tôi mãi mãi là trẻ con, không bao giờ phải đối mặt với hiện thực tàn khốc ấy.

Cùng cậu ấy trưởng thành còn có Dư Vũ Hàm. Hai người rất thân với nhau, như tôi và Trương Trạch Vũ, Chu Chí Hâm và Tô Tân Hạo vậy. Có một hôm Trần Thiên Nhuận cuống cuồng xông vào lớp tôi, nói lúc cậu ấy đến phòng làm việc của giáo viên biết được Dư Vũ Hàm đánh nhau với người ta, đánh rất hăng. Chúng tôi lên tầng trên tìm Dư Vũ Hàm, cậu ấy đang vén tay áo dán urgo, ngước mắt nhìn chúng tôi rồi nói:

"Các cậu về lớp trước đi, tan học tớ sẽ kể sau."

Dư Vũ Hàm quả thực đã làm chấn động tâm hồn trẻ thơ của tôi, dường như chỉ sau một đêm cậu ấy đã biến thành nam chính siêu ngầu trong phim Hồng Kông, còn tôi thì vẫn mải xem Ngôi nhà vui vẻ của chuột Mickey. Tôi, Trương Trạch Vũ và Trương Tuấn Hào đi được một bước thì ngoái đầu nhìn lại ba lần, cảm giác như bỏ lỡ thứ gì đó, Dư Vũ Hàm sao lại đột nhiên biến thành mãnh nam, trong khi chúng tôi vẫn còn là con nít.

Tối hôm đó Dư Vũ Hàm kể với chúng tôi, Đồng Vũ Khôn đánh rơi 20 tệ, bị bạn học trong lớp nhặt được. Đồng Vũ Khôn đến xin lại, người đó không những không trả còn nói Đồng Vũ Khôn nghèo kiết xác. Dư Vũ Hàm lúc đó không nhịn được, vác bình nước xông đến. Sau đó hai bên đều bị thương nhẹ, nhưng lấy lại được tiền cho Đồng Vũ Khôn rồi. Cuối cùng cậu ấy bảo không được để Đồng Vũ Khôn biết là cậu ấy kể cho chúng tôi nghe, nếu không Đồng Vũ Khôn chắc chắn sẽ rất xấu hổ.

Kể từ ngày hôm đó mấy đứa chúng tôi đều nhìn Dư Vũ Hàm với ánh mắt khác, cảm thấy cậu ấy rất có khí phách nam nhi, là một người đàn ông thực thụ. Cậu ấy cũng không chút khách khí tự gọi mình là Tyson, hơn nữa ngày nào cũng loạng choạng khiêng bình nước để rèn luyện thân thể, động một tí là lại khiêng chúng tôi lên hăm doạ. Tả Hàng bị cậu ấy khiêng vô số lần nhưng lần nào cũng không đủ sức đánh trả. Trần Thiên Nhuận là người trí thức hiếm hoi trong nhóm chúng tôi, cậu ấy nói lúc Tả Hàng bị khiêng lên trông rất giống cây dương liễu bị Lỗ Trí Thâm nhổ. Đặng Giai Hâm nghe thấy cười phá lên, cười lăn cười bò dưới đất cùng Mục Chỉ Thừa.

Từ khi tôi tham gia lớp người mẫu, nghỉ lớp thanh nhạc, Đồng Vũ Khôn thay thế vị trí của tôi, ngồi cùng bàn với Trương Trạch Vũ, hai người tập hát cùng nhau. Trương Trạch Vũ kể Đồng Vũ Khôn rất thích hát. Trương Trạch Vũ quan sát rất tỉ mỉ, lại sáng suốt hơn tôi, cậu ấy kể mỗi lần Đồng Vũ Khôn lên lớp đều rất phấn khích. Mặc dù Đồng Vũ Khôn có chút thẹn thùng, ngại mở miệng, nhưng mỗi lần đi học đều chạy uỳnh uỵch xuống gõ cửa nhà cậu ấy, vội vội vàng vàng giục cậu ấy đừng để đến muộn.

Nhưng từ sau khi bố Đồng Vũ Khôn xảy ra chuyện, cậu ấy kiên quyết không học thanh nhạc nữa. Cung thiếu nhi nói đóng tiền rồi không hoàn lại được, cậu ấy mới miễn cưỡng học nốt hai tháng. Ngày Đồng Vũ Khôn đến học tiết thanh nhạc cuối cùng, lấy lại tiền cọc, tôi cũng đến chỗ lễ tân nộp tiền. Trước đó không hiểu sao tôi lại giành được giải quán quân người mẫu nhí, chẳng biết có phải nhờ công lao của bố mẹ tôi không, cũng chẳng biết trọng lượng của giải thưởng ấy như thế nào, chỉ biết Trương Tuấn Hào và Tô Tân Hạo trêu tôi suốt mấy ngày. Mẹ tôi đương nhiên rất hài lòng, tiếp tục đóng tiền cho lớp người mẫu, tiện thể đóng luôn phí ghi danh đi sàn catwalk lần sau. Tôi và Đồng Vũ Khôn đứng ở quầy lễ tân, một người nộp tiền một người nhận lại tiền, giống như hai dòng xe ngược chiều trên đường, vĩnh viễn không giao nhau, không biết phải nói gì mới hợp hoàn cảnh.


Mấy đứa chúng tôi ngậm CC Lạc đợi xe buýt rồi lại loạng choạng kề vai bá cổ nhau đến tiệm băng đĩa, hỏi bác chủ tiệm đã có đĩa phim mà chúng tôi mong chờ chưa. Lấy được đĩa phim chúng tôi liền về nhà, trên đường đi nhìn thấy chú mèo hoang gần khu chúng tôi sinh con rồi, một ổ con non hồng phấn lông lá. Chú mèo này tên Tam Hoa, bởi nó là giống mèo Li Hoa, đỉnh đầu có ba đường kẻ. Chúng tôi hăng hái làm việc nghĩa, lên nhà gọi mấy người còn lại xuống giúp, thu thập vải cũ, quần áo cũ khắp nơi, làm cho Tam Hoa một cái tổ đơn sơ. Cuối cùng chúng tôi lấy cho Tam Hoa chút nước, Đồng Vũ Khôn cứ mãi vuốt ve đầu của Tam Hoa rồi mới nói tạm biệt với nó.

Ngoại trừ việc cao lên, gầy đi, tốc độ tăng trưởng của da thịt không đọ lại tốc độ tăng trưởng của xương cốt thì chúng tôi cũng từ từ chuyển hoá từ trẻ nhỏ thành thanh thiếu niên, dường như thay đổi rất nhiều, lại có cảm giác cái gì cũng không thay đổi. Hiện thực thôi thúc con người trưởng thành, quả thực là một chuyện hết sức bất đắc dĩ.


TBC.


Kẹo CC Lạc


Mèo Li Hoa

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro