04

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Từ 2005 đến 2007 cảm giác thời gian vút qua thật nhanh. Chúng tôi lúc đó không hề sợ hãi thời gian trôi đi, ngược lại mỗi ngày đều hy vọng mau chóng cao lớn, chỉ ước gì hai năm nén lại thành hai phút, chớp mắt có thể bước qua. Hai năm như một, chúng tôi ngày ngày đến trường rồi tan học. Quỹ đạo cuộc sống chỉ xoay quanh khu tập thể, trường học, cung thiếu nhi và cửa hàng băng đĩa.

Nếu phải kể chi tiết hơn, tôi có thể kể đến những chuyện sau: Tôi cao thêm 20cm, chiếm vị trí số một về chiều cao trong nhóm mười ba người. Tam Hoa được bác mập đem về tiệm nuôi, xuân tới lại sinh thêm một đám mèo con nữa. Trương Trạch Vũ ôm một bé về nhà, nó rất dính người, tên là Bánh Đậu. Tiệm băng đĩa ở cổng trường học vẫn mở nhưng buôn bán không tốt lắm, mặt hàng kinh doanh chủ yếu chuyển từ băng đĩa sang các loại sách báo cho học sinh cấp một,... Nếu không tạm dừng tại đây tôi sẽ kể mãi kể mãi không ngừng được mất. Dù sao luôn có những thứ không ngừng biến đổi, lại cũng có những thứ bất biến.

Năm Chu Chí Hâm và Triệu Quán Vũ tốt nghiệp, trường chúng tôi tổ chức một buổi lễ chúc mừng. Nghe nói kể từ khi thành lập đó là lần đầu tiên và duy nhất trường tổ chức lễ mừng tốt nghiệp kiểu như thế. Năm tôi tốt nghiệp chỉ có duy nhất một tấm bảng điểm lạnh băng. Vậy nên không thể không nghi ngờ thượng đế đã kích hoạt cho chúng tôi bàn tay vàng giống nam chính trong phim hoạt hình.

Thực ra lễ tốt nghiệp này được tổ chức cũng một phần do trường muốn lấy lòng cấp trên. Nghe nói trước đó trường Tiểu học số 2 tổ chức một lần, cấp trên nhiệt liệt biểu dương, cho nên khi ấy trường chúng tôi cũng cố gắng hết sức tổ chức. Có hội trường lớn, có màn sân khấu màu tím sẫm dày dặn, mỗi lớp còn phải chuẩn bị một tiết mục biểu diễn. Từ nhỏ đến lớn tôi tham gia những buổi lễ mang tính chất thế này không biết bao nhiêu lần, tất cả đều được sắp sẵn lộ trình, khóc ra sao cười ra sao, lúc nào thì mời khán giả đã được chỉ định sẵn trong đám đông đứng dậy phát biểu, toàn bộ đều như được đóng đinh chết cố định hết lại. Năm đó chúng tôi cũng vậy, mỗi lớp đều phải chuẩn bị một tiết mục, bình thường thì chuẩn bị hát múa, lớp nào ngại phiền toái thì chuẩn bị ngâm thơ. Giáo viên chủ nhiệm đọc thông báo xong bổ sung thêm một câu, các em cũng có thể đến phòng giáo vụ đăng ký tiết mục riêng.

Lúc đó như có vầng sáng hiện ra trước mắt tôi, như có ai đó đang chỉ điểm trong đầu tôi vậy. Tôi quay qua nhìn Trương Tuấn Hào đang vừa khịt mũi vừa đọc truyện A Suy rồi duỗi chân đá Tô Tân Hạo đang ngồi trước mặt:

"Này, bọn mình đăng ký tiết mục riêng đi!"

Tô Tân Hạo còn chưa phản ứng, Trương Trạch Vũ ngồi gần đó đã trả lời thay. Cậu ấy nghểnh cổ sang, tíu tít đáp:

"Được được, bọn mình biểu diễn cùng nhau đi!"

Thế là chúng tôi quyết định biểu diễn cùng nhau, háo hức, hưng phấn chạy khắp trường báo tin, từ khu lớp bốn đến khu lớp sáu. Tan học tất cả tụ tập ở nhà tôi để bàn xem dựng tiết mục như thế nào. Kể ra thì đây là hoạt động tập thể nghiêm túc đầu tiên của cả mười ba người, ai nấy cũng cảm thấy rất hưng phấn. Con trai ở cái tuổi đấy, thích chơi trội là chuyện hết sức bình thường. Ví dụ như đám con trai ở lớp bên cạnh muốn dance cover theo các nhóm nhạc Hàn Quốc, nuôi tóc mái dài che hết mắt, tự cho rằng bản thân rất ngầu, ngày ngày đi qua đi lại ở hành lang. Thế nhưng đã nhiều năm trôi qua tôi vẫn nhớ như in cảm giác của mình lúc ấy, không phải thích chơi trội, cũng không phải thích náo nhiệt, mà là vừa mông lung vừa sâu sắc cảm nhận được một thế giới hoàn toàn mới chuẩn bị mở ra, chúng tôi phải làm gì đó long trọng để kỷ niệm, kỷ niệm sự khởi đầu của thanh xuân, kỷ niệm sự chia ly nhưng cũng không hẳn là chia ly mình sắp phải đối mặt.

Chúng tôi tranh luận ầm ĩ mãi mà không có kết quả. Trương Trạch Vũ muốn hát, tôi và Đặng Giai Hâm đều đồng ý. Tô Tân Hạo muốn nhảy, Chu Chí Hâm dẫn đầu vỗ tay. Trương Tuấn Hào muốn lên sân khấu biểu diễn kỹ năng đánh trống thượng thừa (đây là lời của cậu ấy) cho bằng được, bị chúng tôi kịch liệt bác bỏ. Cuối cùng chúng tôi quyết định làm một tiết mục hỗn hợp, vừa có hát vừa có nhảy lại có cả trống, phong cách âm nhạc chuyển từ ca khúc Âu Mỹ rock and roll của Trương Tuấn Hào sang "Lương Chúc"* của Trần Thiên Nhuận, giống như dưa cải muối kết hợp với khoai tây chiên, tập loạn hết cả lên. Ai cũng cố gắng thể hiện hết sự tự tin không biết từ đâu ra của mình, ai cũng kiên quyết cho rằng ý kiến của mình mới đúng. Kết quả ngày nào Tô Tân Hạo cũng cầm quyển vở bài tập cuộn lại hét lên với chúng tôi:

(*) Bản concerto viết cho violon Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài

"Đừng ồn nữa!"

Sau đó tiết mục của chúng tôi bị giáo viên phụ trách loại bỏ, chúng tôi chỉ đành hậm hực quay về nhà. Bây giờ ngẫm lại quyết định của thầy hoàn toàn chính xác, tiết mục đó quá lộn xộn, quả thực không phù hợp với chủ đề trang trọng như tốt nghiệp. Đáng tiếc là ở tuổi đó chúng tôi không hiểu, mười mấy đứa nhóc đứa nào cũng ủ rũ như gà bị vặt lông trở về nhà. Cuối cùng mẹ tôi đưa ra một gợi ý, mẹ nói, "Kết thúc buổi lễ có tiết mục đồng ca bài "Tống biệt", hay là mấy đứa bọn con cũng lên hát, mẹ có thể tìm giáo viên phụ trách nói giúp."

Chúng tôi đương nhiên không chút do dự đồng ý. Một vài rắc rối có người lớn nhúng tay vào đúng là vẫn tốt hơn. Giáo viên âm nhạc giúp chúng tôi luyện tập, mau chóng định hình được tiết mục. Mỗi ngày đến tiết cuối chúng tôi đều có một lý do quang minh chính đại để trốn học. Thỉnh thoảng Triệu Quán Vũ đến đợi, khi ấy chúng tôi sẽ ngẩng mặt ưỡn ngực, vô cùng tự hào bắt đầu thu dọn sách vở, thu dọn đống bút vào hộp loảng xoảng loảng xoảng, như thể mong cả lớp biết chúng tôi có cái đặc quyền to lớn ấy – đặc quyền lĩnh xướng trong buổi lễ tốt nghiệp của học sinh lớp sáu, cảm giác như được bước chân sớm vào thế giới của học sinh cấp hai.

Khoảng thời gian đó cuộc sống của chúng tôi cũng khá bình yên, giống như ra khơi trên mặt biển tĩnh lặng, trùng hợp gặp đúng ngày trời quang. Cuộc sống của chúng tôi vẫn như thường lệ, trừ việc cao lên thì mọi thứ khác gần như không có gì thay đổi. Vào ngày diễn ra lễ mừng tốt nghiệp, buổi chiều mới bắt đầu nhưng buổi trưa chúng tôi không về nhà, ở lại trường ăn cơm thay trang phục. Kỳ thực không nhất thiết phải như vậy, dù sao thì nhà chúng tôi chỉ cách trường có năm phút đi bộ, nhưng chúng tôi thích cảm giác lễ nghi ấy, nó khiến chúng tôi cảm nhận được sự tất bật chuẩn bị cho lễ mừng tốt nghiệp.

Mẹ tôi dọn cho chúng tôi một gian phòng làm việc nhỏ, ở ngay bên cạnh hội trường. Phụ huynh các nhà lần lượt đến đưa cơm, đưa trang phục hoặc ở hậu trường xem các con trang điểm làm tóc. Không ngoài dự đoán, bà của Tả Hàng là người đầu tiên đến, đồ ăn của Tả Hàng nhiều giống như cho heo ăn vậy, đủ chia cho chúng tôi mỗi người một ít. Cả gian phòng nhanh chóng tràn ngập mùi thức ăn. Bình thường đến giờ cơm chúng tôi sẽ ai về nhà nấy, rất hiếm khi có cơ hội cùng nhau ăn cơm như thế này. Dựa vào hộp cơm có thể nhìn ra đặc điểm của từng gia đình: Hộp cơm của Chu Chí Hâm và Đồng Vũ Khôn mang hương vị điển hình của vùng Tứ Xuyên - Trùng Khánh, đỏ đỏ cay cay, tôi và Trương Trạch Vũ mới nhìn thôi cổ họng đã thấy tê rần. Hộp cơm của Tô Tân Hạo rất tinh xảo, mang phong cách làm gì cũng cẩn thận tỉ mỉ giống cậu ấy. Trương Tuấn Hào thì một ngày ba bữa đều do mẹ cậu ấy dày công cân đo đong đếm, làm theo thực đơn khoẻ mạnh và dinh dưỡng, khiến cậu ấy vốn là người Trùng Khánh chính gốc nhưng lại không giỏi ăn cay. Tôi và Trương Trạch Vũ một người Giang Nam một người Đông Bắc, khẩu vị đương nhiên cũng khác nhau một trời một vực. Cậu ấy không ăn được đồ ngọt của Giang Nam, tôi lại không hiểu sao thứ gì cậu ấy cũng có thể cho vào nồi hầm.

Người nhà Trần Thiên Nhuận chưa tới, Tả Hàng và Trương Tuấn Hào đều rất hào phóng chia thức ăn cho cậu ấy, tôi thì nghĩ Trương Tuấn Hào thực ra chỉ muốn tìm người giúp cậu ấy gánh vác một ít thịt ức gà vô cùng khó nuốt. Trần Thiên Nhuận từ chối hết. Một lát sau tôi thấy cậu của Trần Thiên Nhuận gấp gáp chạy đến, mang theo hộp cơm, xoa đầu Trần Thiên Nhuận. Cậu ấy vô cùng vui vẻ kéo tay cậu, theo cậu mình đi phát sô cô la cho đám trẻ trong phòng chúng tôi.

Cả ngày hôm đó Trần Thiên Nhuận rất vui, bình thường cậu ấy trầm tĩnh hơn chúng tôi rất nhiều, hiếm khi thấy cậu ấy phấn khích và kích động như thế. Không phụ huynh nào là không thích Trần Thiên Nhuận, thành tích tốt lại an tĩnh. Các mẹ ở khu tập thể chỗ tôi hơi một tí là lại lấy thành tích của Trần Thiên Nhuận ra làm ví dụ, muốn chúng tôi cảm thấy xấu hổ. Các mẹ cũng luôn dặn chúng tôi phải chăm sóc Trần Thiên Nhuận và Trương Trạch Vũ, bởi vì hai cậu ấy không có cha mẹ ở bên. Ngẫm lại, sự chăm sóc đặc biệt đó cũng là gánh nặng đối với hai cậu ấy. Các mẹ lúc cho kẹo hay cho đồ ăn vặt đều để phần Trần Thiên Nhuận và Trương Trạch Vũ nhiều hơn một ít. Nhưng cả hai lại càng hy vọng sự chăm sóc đặc biệt ấy có thể biến thành sự hiện diện của cha mẹ, đưa các cậu ấy đi phát đồ ăn vặt cho chúng bạn. Nhiều lúc chúng tôi quên mất hai người họ cũng bằng tuổi với chúng tôi, cũng biết nhớ thương cha mẹ, cũng muốn có người để mình có thể khóc lóc ăn vạ.

Không ai sinh ra đã thành thục, nếu như có thể, ai chẳng muốn làm một đứa trẻ vĩnh viễn vô lo vô nghĩ.

Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện, đoán xem buổi chiều phụ huynh của ai sẽ đến. Tôi nói bố tôi không đến được, Trương Tuấn Hào vừa húp canh vừa giơ tay, ý chỉ cậu ấy cũng giống tôi. Sau đó có người hỏi Đồng Vũ Khôn: "Mao ca thì sao?"

Đồng Vũ Khôn khó khăn nuốt xuống miếng cơm rồi đáp: "Bố tớ không muốn đến, tớ bảo bố đến mấy lần nhưng bố đều nói không muốn đi."

Lúc đó chúng tôi không có phản ứng gì nhiều, chỉ âm ỉ buồn thay cho Đồng Vũ Khôn. Bây giờ nghĩ lại, cả hai người đều rất kiên cường. Cho dù là Đồng Vũ Khôn một mực muốn bố đến xem hay là người bố không muốn đến của Đồng Vũ Khôn, đều rất kiên cường. Thực ra trong số chúng tôi, Đồng Vũ Khôn không được xem là dũng cảm, cậu ấy không dám xem phim ma, cũng không dám đi đường tối, nửa đêm xem Ma thổi đèn cũng sợ đến mức gào khóc chạy sang nhà Dư Vũ Hàm gõ cửa. Nhưng trong số chúng tôi, Đồng Vũ Khôn cũng là người dũng cảm nhất, sớm đã trở thành người lớn.

Ăn cơm xong chúng tôi đóng cửa thay trang phục, thay sang áo sơ mi trắng và quần soóc màu be, đeo khăn quàng đỏ, mỗi vậy thôi mà loạn hết cả lên. Tả Hàng và Trần Thiên Nhuận ở một góc đọ chiều cao. Trương Tuấn Hào ngồi bên cạnh dùng một trăm kiếp độc thân của Trần Thiên Nhuận đề đổi lấy một lần ném chai nước thành công, không ngờ một phát ăn ngay. Hai vị nhân vật chính – một người đầu têu, một người bị ép phải độc thân – đều sợ ngây người. Không biết có chuyện gì mà Chu Chí Hâm và Tô Tân Hạo lại đánh nhau. Ở góc khác Đồng Vũ Khôn có ý đồ khiêu khích Tyson bị Tyson đè lên trên ghế. Trương Trạch Vũ vui vẻ đứng nhìn, hệt một chú gà con mới chui ra khỏi vỏ kêu ríu rít. Chú gà con ấy còn vừa nhìn vừa kéo kéo tay tôi, cười đến mức đứng không vững ngã lên người tôi. Tôi nghĩ nhiều năm sau tôi vẫn sẽ nhớ như in khung cảnh này – Trên bàn chồng chất hộp cơm, mười ba đứa nhóc đứng ngồi vui đùa với nhau. Mục Chỉ Thừa bám vào cửa thám thính tình hình, quay đầu lại hét lên với chúng tôi: "Chúng mính sắp phải đi diễn tập rồi!". Sau đó tất cả đồng loạt đứng dậy. Ánh mặt trời xuyên vào trong căn phòng, sáng đến mức có thể nhìn thấy những hạt bụi li ti bay lượn trong không trung. Chúng tôi bước ra, giống như những vì sao xuyên qua dải ngân hà. Khung cảnh ấy trong hồi ức của tôi bỗng biến thành cảnh quay chậm, chậm như bước qua cả một năm ánh sáng.

Chúng tôi diễn tập với lớp trước, sau đó mới tập riêng. Lúc hát đồng ca Trương Trạch Vũ đứng ở trước tôi, tôi cảm thấy giọng mình khi hát rất run, run như khi ngồi tàu lượn siêu tốc, hát không ra giai điệu. Tôi nhìn đỉnh đầu Trương Trạch Vũ ở trước mắt, cậu ấy lớn chậm quá, luôn thấp hơn tôi một khoảng, khung xương lại bé, cả người nhỏ nhỏ gầy gầy, dường như vĩnh viễn lớn chậm hơn tôi một bước. Người nhỏ con như vậy lại không hề lo lắng, đứng ở trước tôi lớn tiếng hát vang như muốn cho cả thế giới nghe thấy. Lúc đó tôi cảm thấy cậu ấy cực kỳ giỏi, xong lại nghĩ không chỉ riêng mình lúc đó, cậu ấy vẫn luôn là Trương Trạch Vũ vô cùng lợi hại như thế.

Tôi hơi mất tinh thần, xuống sân khấu rồi cũng không nói chuyện cùng bạn bè, im lặng nhìn người khác diễn tập. Mặt ghế ngồi ở hội trường làm bằng vải nhung, ghế được thiết kế giống ghế trong rạp chiếu phim, khi không có người ngồi sẽ tự động gập lại. Tôi dựa người ra đằng sau, co chân lên ghế hết mức, thu mình lại, hy vọng tất cả mọi người đừng để ý đến tôi. Đặng Giai Hâm ngồi đằng trước nói chuyện với Chu Chí Hâm, hai người họ ngồi cũng không tử tế, chen chúc lẫn nhau. Như bình thường tôi nhất định cũng sẽ sáp vào hai người, nhưng lúc ấy đột nhiên tôi lại cảm thấy vô vị. Đặng Giai Hâm cười nói với Chu Chí Hâm:

"Anh không hồi hộp sao? Lúc nãy Trương Cực hồi hộp đến lạc cả tông!"

"Đúng vậy!", Đồng Vũ Khôn giơ tay phụ hoạ, "Tớ cũng nghe thấy."

"Suýt nữa", giọng Đông Bắc của Trương Trạch Vũ xuất quỷ nhập thần, lúc này lại lộ diện, "Suýt nữa tớ cũng lệch tông theo, quá magic rồi."

Sau đó mấy người họ vừa đùa giỡn vừa nhìn tôi, tôi biết là họ đang đợi tôi cười hùa theo. Không biết do tôi ích kỷ hay là quá mức nhạy cảm và hẹp hòi, lúc đó tôi cảm thấy rất khó chịu, giống như khi há miệng ngủ bị một con ruồi bay vào mồm. Những lời nói ấy cùng với bức màn tím sẫm phía sau sân khấu hoà vào nhau đè nặng lên người tôi, giống như sạt lở vùi tôi sâu xuống lòng đất. Không nên như thế, tôi tự khuyên nhủ bản thân mình. Rõ ràng chúng tôi cũng từng cùng nhau cười Trương Tuấn Hào, cùng nhau cười Đồng Vũ Khôn, cùng nhau cười Tô Tân Hạo. Tôi cũng nên rộng lượng như các cậu ấy, cười hùa theo, vẽ một kết thúc hoàn mỹ cho chủ đề này.

Sau đó tôi nhắm mắt, bày ra biểu cảm "không thèm để ý đến các cậu" giống như thường ngày. Các cậu ấy lại tiếp tục cười đùa rồi chuyển sang chủ đề khác. Tôi cảm giác mình giống như viên kẹo rơi trên mặt đất, tan chảy hơn phân nửa, kiến bu quanh người gặm nhấm. Tôi rất xấu hổ, dường như vào lúc tôi cố hết sức thoát khỏi cảm giác đó ở lớp Tiếng Anh thì nó lại một lần nữa tái hiện trên người tôi. Tại sao không ai lo sợ chỉ một mình tôi lo sợ, tại sao không ai lệch tông chỉ một mình tôi lệch tông. Thậm chí không hiểu sao tôi lại có cảm giác ích kỷ, chán ghét các cậu ấy. Tôi cứ co người trên ghế như thế, một lúc sau cảm giác có ai đó đang khe khẽ kéo tay tôi. Tôi mở mắt, nhìn thấy Trương Trạch Vũ ngồi bên cạnh học theo tư thế của tôi thu mình lại, nhỏ giọng hỏi:

"Cậu giận đấy à?"

Hai chiếc ghế nằm cạnh nhau dường như mở ra một thế giới riêng, giấu kỹ chúng tôi ở trong. Tôi ngập ngừng một lát rồi đáp: "Không."

"Lừa tớ, cậu giận hay không chẳng lẽ tớ không nhìn ra sao?"

Khoảnh khắc đó tôi bỗng dưng nản chí. Trương Trạch Vũ cười giảo hoạt, cái răng mãi không mọc đó lại lộ ra, "Nhóc con, anh đây đoán đúng rồi đúng không". Tôi rầu rĩ: "Tớ hồi hộp."

"Có gì mà phải hồi hộp," Trương Trạch Vũ xoa đầu tôi giống như đang vuốt ve một bé mèo, "Cậu cứ hát giống như khi chúng mình luyện tập là được."

Có gì mà phải hồi hộp, ai cũng nói như thế. Lúc đó tôi tức tối muốn tước đi danh hiệu bạn thân nhất của cậu ấy, rõ ràng cậu ấy chẳng hiểu tôi gì cả. Trương Trạch Vũ lại thu người về trên ghế, cằm tựa vào đầu gối, chậm rãi mở miệng:

"Cậu cứ hát đi. Nếu hồi hộp thì hát nhỏ lại, hát theo tớ là được, bao giờ cảm thấy khá hơn thì lại hát to lên. Sợ gì chứ, có tớ đây, chẳng phải tớ đứng ngay trước mặt cậu sao?"

Thế là học sinh lớp bốn Trương Cực không có chút khí phách nào đã được dỗ ngọt như thế. Tô Tân Hạo lấy trong túi áo ra một gói kẹo QQ, Triệu Quán Vũ quay lại gọi chúng tôi: "Trương Cực Trương Trạch Vũ hai em đang làm gì đó, không mau qua đây hết kẹo bây giờ."

Tôi vô cùng vui vẻ, vô cùng phấn khích bổ nhào tới, ngã lên người Tả Hàng, chân trái còn đạp phải Mục Chỉ Thừa, tay trái ôm Tô Tân Hạo tay phải ôm Triệu Quán Vũ. Mấy người họ bị sự phấn khích bất thình lình của tôi làm cho ngơ ngác. Tả Hàng và Mục Chỉ Thừa giữ chân tôi muốn đánh trả. Đồng Vũ Khôn cũng xông đến góp vui. Thế là chúng tôi biến thành chồng người, trò mà học sinh nam thích chơi nhất. Dư Vũ Hàm đè lên Đồng Vũ Khôn, Đồng Vũ Khôn lại đè lên tôi. Bên cạnh còn có Tô Tân Hạo như hồ rình mồi chăm chăm bổ nhào đến. Tả Hàng bị đè đến mức không động đậy được, chỉ có thể kêu gào nhưng không có chút lực uy hiếp nào.

Lúc biểu diễn chính thức, thật thần kỳ là tôi lại không cảm thấy hồi hộp nữa. Mấy chục tiết mục đầu tiên biểu diễn xong, cả hội trường thả lỏng thư giãn. Tiếp theo là tiết mục quan trọng nhất, một học sinh tốt nghiệp để kiểu đầu công chúa xinh đẹp đại diện lên bục phát biểu. Bầu không khí lập tức tăng lên, giống như khi tàu lượn siêu tốc sắp đạt đến điểm cao nhất. Chu Chí Hâm đẹp trai, từ góc độ nào trông cũng thấy đẹp, cũng đứng cạnh chị gái xinh đẹp đó đại diện học sinh phát biểu. Tô Tân Hạo ở phía sau cánh gà gắng sức thò đầu ra nhìn, giống như con rùa cõng đồ vật tôi nhìn thấy ở lăng tẩm nào đó mẹ dẫn đi tham quan, cổ nó cũng duỗi rất dài. Phỏng chừng chỉ cần cơ thể cho phép, Tô Tân Hạo có thể duỗi cổ dài đến mức cậu ấy có thể nhìn Chu Chí Hâm từ chính diện. Đồng Vũ Khôn và Dư Vũ Hàm không biết đánh nhau trận thứ bao nhiêu rồi, Mục Chỉ Thừa còn ở bên cạnh nhỏ giọng tường thuật trực tiếp. Theo tôi thấy cậu ấy rất có thiên phú ở phương diện này, cố gắng bồi dưỡng phát triển không biết chừng lại trở thành bình luận viên quốc gia. Cuối cùng Dư Vũ Hàm thắng. Trần Thiên Nhuận ở một bên thắt khăn quàng đỏ, Diêu Dục Thần giúp cậu ấy chỉnh lại cho đẹp. Tả Hàng không biết đang lẩm bẩm cái gì mà Triệu Quán Vũ đứng đờ người bên cạnh. Dù sao chúng tôi cũng vĩnh viễn không theo kịp sóng não của Tả Hàng.

Sau đó tôi nhìn xuống phía dưới khán đài đông kín người, nhìn kỹ có thể thấy các thầy cô giáo ngồi ở hàng đầu tiên, trong đó có mẹ tôi, mẹ Trương Tuấn Hào. Cậu của Trần Thiên Nhuận ngồi ở phía sau, nét mặt ấm áp bình thản. Bà của Tả Hàng cũng tìm cho mình một vị trí tốt để thưởng thức buổi lễ, ngay phía trên đầu. Quan sát kỹ hơn thì thấy lớp trưởng lớp tôi đang cùng các bạn nữ khác chơi dây chun, cái dây trên tay lật qua lật lại. Bạn nam ngồi hàng trên kéo bím tóc bạn nữ ngồi cạnh, bạn nữ rất tức giận, đánh trả mấy cái thật đau. Ở hàng ghế cuối cùng có một vị phụ huynh trông có vẻ rất buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài như thể mấy ngày rồi không được ngủ. Thế là khoảnh khắc đó tôi như thể được khai sáng. Mỗi người đều có việc riêng của mình, không phải ai cũng rảnh rỗi quan tâm đến những chuyện vặt vãnh của tôi. Tôi không cần xấu hổ vì nó, càng không cần canh cánh trong lòng. Cho dù hôm nay tôi có múa Nhị Nhân Chuyển* trên sân khấu cùng Trương Trạch Vũ thì ngày mai, trong ký ức của mọi người cũng chỉ còn sót lại "hai học sinh nam nào đó".

(*) Điệu múa dân gian địa phương vùng Đông Bắc Trung Quốc, thường có hai người biểu diễn (một nam một nữ). Điệu múa sử dụng những chiếc quạt xếp hoặc những chiếc khăn tay hình vuông màu đỏ, xoay tròn khi biểu diễn. (Nguồn: Wikipedia)

Lúc lên biểu diễn tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn bao giờ hết, nhẹ nhõm đến mức còn thảnh thơi quan sát từng người dưới sân khấu. Người dẫn chương trình bước xuống bục, nhạc đệm bắt đầu vang lên. Sau đó tôi hít sâu, cùng mọi người cất tiếng hát:

"Ngoài trạm nghỉ, bên đường xưa, cỏ thơm xanh ngát tận chân trời..."

Khoảnh khắc đó dường như tôi nghĩ rất nhiều thứ, lại dường như không nghĩ gì cả. Tôi biến tưởng tượng của mình thành Ultraman lợi hại nhất, thành Châu Kiệt Luân đang hát trên sân khấu, thành Lưu Tường* đang chạy trên đường đua. Tóm lại tôi đang làm việc mà bản thân am hiểu nhất, chỉ muốn hát thật to cho cả thế giới nghe. Ca khúc "Tống biệt" này đã ra đời từ rất lâu rồi, lâu đến mức trở thành biểu tượng giống như "Đêm khó quên" vậy. Nhưng giây phút ấy tôi phát hiện cho dù ca khúc này có nhiều tuổi đến mức nào, nó cũng không bao giờ già đi. Hoá ra thực sự có loại tình cảm có thể được giãi bày, được ca tụng mười năm như một.

(*) Vận động viên vượt rào 110 mét người Trung Quốc

Lúc Chu Chí Hâm phát biểu xong lui vào cánh gà đợi lên biểu diễn cùng chúng tôi, tôi nghe thấy lời anh ấy nói với Tô Tân Hạo giữa biết bao tạp âm khác: "Anh hơi hồi hộp." Lúc đó tôi không hiểu ý của anh ấy, tưởng là anh ấy hồi hộp vì sắp phải biểu diễn. Nhưng Tô Tân Hạo rất trôi chảy tiếp lời: "Hai năm sau em sẽ đến tìm anh, trường chúng mình cách nhau cũng gần mà."

Nghe ca khúc không cần học cũng nằm lòng này, tôi đột nhiên hiểu được Chu Chí Hâm lo lắng điều gì, lo lắng chia ly, lo lắng phải bước chân vào một thế giới mới, lo lắng phải rời xa Utopia, tháp ngà* mà cha mẹ xây dựng nên, lo lắng ba năm nữa phải đối mặt với cuộc tàn sát chính thức đầu tiên. Anh ấy là người tiên phong dò đường trong thế giới nhỏ của mười ba người chúng tôi. Anh ấy chính thức phải bước sang một thế giới mới, vô định, không có chúng tôi. Cho dù là cấp hai hay cấp ba chúng tôi cũng phải chia xa hai năm. Chu Chí Hâm và Triệu Quán Vũ là tiếng kèn phát lệnh đầu tiên cho tương lai bao la mờ mịt mà chúng tôi phải đối mặt.

(*) Utopia: là một cộng đồng hoặc xã hội gần lý tưởng hoặc hoàn hảo trên mọi mặt.

Tháp ngà: là một địa điểm ẩn dụ nơi mà mọi người vui vẻ tách khỏi phần còn lại của thế giới để theo đuổi những mục đích riêng của họ, thường là những mục tiêu tinh thần và bí truyền. (Nguồn: Wikipedia)

Tôi tiếp tục hát:

"Chân trời, góc bể, tri kỷ còn được mấy ai"

Trước mặt tôi hiện ra tiệm băng đĩa ấm áp với bức tường ố vàng, Tam Hoa mềm mại, cây cổ thụ chọc trời bên cạnh khu tập thể, các dụng cụ tập thể dục gỉ sét, và cả hình ảnh chúng tôi căng thẳng lần đầu gặp nhau. Ngồi dưới sân khấu dường như không còn là khán giả, mà là từng người từng người chúng tôi ở thì tương lai. Các cậu ấy đại diện cho tương lai, chào mừng tôi trưởng thành, chào mừng tôi bước đến tương lai ấy.


Ngoài trạm nghỉ, bên đường xưa, cỏ thơm xanh ngát tận chân trời. Cơn gió khuya lướt qua cành liễu, tiếng sáo dần tan, tịch dương trải khắp các sườn núi.

Chân trời, góc bể, tri kỷ còn được mấy ai. Một vò rượu gạo cạn nốt chút ít niềm vui, đêm nay không phải cô đơn trong mộng nữa rồi.

Ngoài trạm nghỉ, bên đường xưa, cỏ thơm xanh ngát tận chân trời. Hỏi người lần này đi biết bao giờ quay trở lại, đến khi ấy chớ có chần chừ.

Chân trời, góc bể, tri kỷ còn được mấy ai. Đời người được mấy khi đoàn tụ, duy chỉ có ly biệt là ở quanh ta.


Trước mặt tôi có một dòng sông lớn trôi đi xa dần tôi. Tuổi thơ tôi, bạn bè tôi đều trôi nổi trên dòng sông ấy. Đó là dòng sông bất tận, lấp lánh tựa dải ngân hà, chiếu sáng khoảng thời gian vô lo vô nghĩ nhất trong cuộc đời tôi - thời kỳ hoàng kim, vô tận, vĩnh hằng của tôi.

Tôi lớn tiếng hát:

"Đời người được mấy khi đoàn tụ, duy chỉ có ly biệt là ở quanh ta."

Chỉ có ly biệt là ở quanh ta.


TBC.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro