01

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi sinh ra năm 1997. Năm đó Hồng Kông được trao trả, khách tha phương trở về với vòng tay của đất mẹ, vùng đất rộng lớn tìm lại được xương cốt mà nó đã đánh mất*. Năm đó bom tấn Titanic ra đời, My heart will go on vang vọng khắp các phố lớn ngõ nhỏ, trên màn ảnh Jack và Rose trao nhau nụ hôn vĩnh hằng, con tàu đắm Titanic trở thành con tàu mơ ước vĩnh viễn không với tới được trong lòng biết bao người. 1997 đối với gia đình tôi cũng không hề tầm thường, có một sinh mệnh nhỏ bé thoát khỏi cơ thể người mẹ, sợi dây gắn kết từ cuống rốn biến thành đầu vú. Đứa bé bắt đầu uống những giọt sữa mẹ đầu tiên, trở thành một "người" được pháp luật định nghĩa.

(*) Năm 1997, Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc.

Tôi đã nghĩ rất lâu làm sao để viết cho cuộc đời tôi một lời mở đầu thật không tầm thường. Có thể nói một cách không được logic cho lắm, tôi cũng được coi là một người bình thường không tầm thường. Nhưng cho dù có không tầm thường đến đâu thì tôi cũng vẫn chỉ là một người bình thường mà thôi. Tôi không trở thành anh hùng, không trở thành Ultraman ở cái năm tôi 18 tuổi ấy, cũng không trở thành người mẫu tầm cỡ thế giới như mẹ tôi hằng mong ước. Nếu như cố gắng tả thực cuộc đời tôi, bình tĩnh viết một lời mở đầu, tôi chỉ có thể viết như sau:

Đầu năm 1997, tại một trấn nhỏ nào đó ở Giang Tô, một bé trai mặt nhăn nhúm cất tiếng khóc chào đời. Bên ngoài phòng sinh là người cha và trưởng bối hai bên gia đình nóng lòng chờ đợi. Đậu tương hầm chân giò trong bình cách nhiệt trên băng ghế dài vẫn còn nóng hổi toả hương thơm. Bọn họ đôi mắt mong chờ đón lấy bé trai mặt nhăn nhúm ấy, đặt cho đứa bé một cái tên đơn giản nhưng lại chứa đựng kỳ vọng tha thiết. Đứa bé đó chính là tôi, tôi tên Trương Cực.

Năm tôi lên ba bố mẹ tôi chuyển đến Trùng Khánh kiếm sống, để tôi ở lại Giang Tô cùng ông bà. Tôi từ nhỏ đã lăn lộn với bùn đất, đánh nhau với chú chó vàng gác cổng, nhân dịp hè luyện được kỹ năng bơi lội xuất chúng tại mấy con sông. Đến khi bố mẹ ổn định được ở Trùng Khánh, quay về muốn đón tôi đi, tôi đã lớn thành một nhóc nhà quê đen mập rắn rỏi. Người mẹ mau nước mắt của tôi suýt nữa thì khóc lớn lên. Còn tôi khi đó vẫn chưa hiểu gì, nhe răng hớn hở cho hai người xem con giun tôi mới bắt được.

Năm đó là 2003, đổi cách viết khác là 二 〇〇 三*. Tôi vẫn chưa hiểu ly biệt là gì, vô tri vô giác, trái tim rộng lớn bám lấy cửa xe chào tạm biệt ông bà, đồng bọn cùng tôi nghịch bùn, cả những con giun con dế ở bờ ruộng nữa. 二 〇〇 三 đối với tôi là hai quả trứng gà to tròn nhẵn nhụi, ấp ra 2004, 2005 và vô vàn ngày tháng về sau, giống như hai vòng tròn chuyển động của băng cát sét, tượng trưng cho một khởi đầu hoàn toàn mới.

(*) 2OO3 trong tiếng Trung

Khu tập thể khi ấy là một khái niệm khiến cho người khác không khỏi ngưỡng mộ, nó mang ý nghĩa phúc lợi và công ăn việc làm ổn định. Những khu nhà ấy phân chia thành phố thành từng ô từng ô vuông một. Quân khu có quân khu đại viện, trường học có khu tập thể cho công nhân viên chức dạy học, bệnh viện có những căn nhà phúc lợi. Những khu vực đó thậm chí có thể tự thành lập nên một xã hội thu nhỏ, có thể tìm thấy bất kì tổ hợp hôn nhân nào ở trong đó. Lấy ví dụ khu tập thể mà tôi ở, toàn bộ là tổ hợp giáo viên cộng với bất cứ một ngành nghề nào khác. Người thích an ổn sẽ tìm một người trong biên chế, tổ chức một đám hỏi theo khuôn phép cũ. Người có tinh thần mạo hiểm sẽ tìm một người làm ăn, đánh cược đúng là có thể nhảy vọt một bước lên thành người có tiền. Mẹ tôi thuộc kiểu thứ hai.

Vào năm theo bố tôi đến Trùng Khánh dốc sức làm ăn, mẹ tôi đã thi vào biên chế, công tác tại trường Tiểu học số 18. Năm mẹ tôi nhận chức, khu tập thể mới khánh thành, không miễn phí phân nhà nhưng cũng có ưu đãi lớn, hơn nữa xung quanh toàn là những trường cấp hai cấp ba tốt nhất, mẹ tôi rất ưng ý. Nhưng năm đó bố tôi vẫn còn khố rách áo ôm, hai bàn tay trắng, sống bằng tiền lương của mẹ tôi, đương nhiên là không thể mua nhà. Mẹ tôi kể lại, mẹ chịu đựng tiếc nuối mà toàn tâm toàn ý ủng hộ bố tôi, là người vợ hiền đức của bố, là người phụ nữ của thời đại mới. Nhưng bố tôi lại nói lúc đó mẹ tôi nổi trận lôi đình, sự tức giận ấy khiến bố tôi bây giờ nghĩ lại còn rùng mình. Về sau khu tập thể mở rộng thêm, động thổ thi công toà nhà mới, bố tôi thì kiếm được món hời đầu tiên từ việc kinh doanh, ngay lập tức đi trả tiền mua nhà rồi đón tôi đến Trùng Khánh.

Tôi đến Trùng Khánh vào một ngày cảnh sắc tươi đẹp của tháng tám. Mẹ tôi mua cho tôi một que kem, tôi không nỡ ăn, cứ cầm trong tay, kem chảy xuống quần suốt dọc đường đi. Áo phông của tôi là được mẹ mua cho, màu đỏ, in hình nắm đấm siêu nhân, ôm lấy cái bụng tròn được dưỡng nên từ tình yêu thương của ông bà tôi. Từ xa tôi đã trông thấy cây đa lớn ở cổng khu tập thể, bên cạnh treo một cái bảng hiệu kim loại nho nhỏ, bên trên đề Khu Xuân Chúc. Đi vào trong là từng dãy từng dãy nhà màu vàng nhạt, giống như những hàng gò đất nhỏ liên miên không đứt.

Triệu Quán Vũ từng nói với tôi, ấn tượng đầu tiên của anh ấy về tôi là một nhóc đen mập, lại còn mặc cái màu đỏ chói mắt nhất. Triệu Quán Vũ ngày hôm ấy cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Tôi nhớ lúc đó anh ấy chưa để tóc mái dài như bây giờ, vẫn là kiểu đầu úp nồi quy củ. Anh ấy rất có tinh thần trách nhiệm giới thiệu mọi người với tôi. Người có đôi mắt rất to là Đặng Giai Hâm, chuyển đến đây sớm nhất, ở tầng hai. Người đang ngại ngùng, ở một góc bên cạnh chọt kiến là Đồng Vũ Khôn, ở tầng ba. Cậu nhóc đầu tròn mắt tròn mũi cũng tròn nốt tên Trương Tuấn Hào, ở tầng cao nhất, đối diện nhà tôi. Cậu nhóc thân hình hơi nhỏ, trông giống búp bê vải bày ở các cửa hàng là Mục Chỉ Thừa, nhỏ tuổi nhất, ở tầng ba. Người đứng ngay bên cạnh cười với tôi là Dư Vũ Hàm, rất khoẻ, có thể nhấc được cả Mục Chỉ Thừa, ở tầng bốn. Cuối cùng anh ấy mới tự giới thiệu bản thân với tôi, nói anh ấy tên Triệu Quán Vũ, là anh trai lớn tuổi nhất trong đám trẻ này, sống ở toà bên cạnh.

Những bé trai ở độ tuổi đó thân nhau không mất đến nửa ngày. Nhờ vào tài nghệ đào giun bắt châu chấu xuất sắc của mình, tôi rất nhanh nhập hội với bọn họ, tìm được những người bạn mới, những thú vui mới nơi phố thị xi măng. Lúc đó là tháng tám, vẫn chưa khai giảng, tôi vẫn chưa ý thức được nguy hiểm cận kề, cả ngày vui chơi với chúng bạn ở bên ngoài. Mặc dù tôi nhập hội muộn nhất, nhưng lại nhiều ý tưởng nhất. Tôi thường xuyên đề xuất ý kiến, Đồng Vũ Khôn nhảy lên ủng hộ, cuối cùng Trương Tuấn Hào khịt mũi đồng ý, sau đó Triệu Quán Vũ sẽ dẫn đám chúng tôi xuất phát. Chúng tôi chạy đến gò đất bên cạnh trường học thám hiểm, nhặt mấy hòn đá vẽ ô ca rô, tìm mấy cái lon chơi trò điện báo. Chúng tôi nghịch đến mức cả người bám đầy bụi đất, như vậy chẳng phải rất vui sao?

Đến giờ cơm mẹ tôi sẽ đứng ở trên tầng gọi tôi, "Tiểu Cực! Về ăn cơm!". Ngay sau đó là những tiếng gọi liên tiếp không ngừng, nhà nào gọi con nhà nấy. Thế nên tôi rất đồng cảm với cảnh mở đầu của bộ phim Hàn Quốc siêu nổi tiếng "Reply 1988", bộ phim Đồng Vũ Khôn giới thiệu cho tôi năm tôi 18 tuổi. Đến lúc đó Triệu Quán Vũ sẽ lần lượt giúp chúng tôi phủi quần áo, giống như gà mẹ chăm gà con, đưa chúng tôi về đến hiên nhà. Chúng tôi lại giống như ong mật, lần lượt quay về tổ của mình. Ăn cơm xong, vừa buông đũa xuống là tôi chạy sang gõ cửa nhà hàng xóm Trương Tuấn Hào ngay lập tức. Trương Tuấn Hào sẽ mở cửa, khịt mũi nói giọng khàn khàn: "Vội cái gì?"

Trời tối rồi bọn tôi cũng không về nhà, điên cuồng chạy dưới sân, đá quả bóng da mẹ mới mua cho tôi, nghịch mấy con châu chấu bắt được lúc trời còn nhá nhem tối. Cho đến khi mẹ tôi và mẹ Trương Tuấn Hào không thể chịu được nữa xuống dưới bắt hai đứa, chúng tôi mới ngoan ngoãn trở về nhà. Như vậy mà chúng tôi vẫn còn lưu luyến chưa muốn về, hẹn nhau sáng sớm ngày mai lại xuống chơi tiếp. Điên cuồng chơi như vậy suốt một tháng, chơi đến nỗi mấy đứa chúng tôi đứng cùng nhau không nhìn ra được ai đen hơn ai thì chuyện xấu cuối cùng cũng ập đến. Gần kề tháng chín, trên bàn ăn mẹ gắp cho tôi một miếng sườn, cười tủm tỉm nói với tôi:

"Tiểu Cực, mấy hôm nữa là con phải đi học rồi đó biết chưa?"

Tôi cứ tưởng đi học vẫn giống với việc tôi học lớp vỡ lòng hồi còn ở quê, ngày nào cũng chạy nhảy đùa giỡn, tan học về nhà lại tiếp tục vui đùa. Mẹ tôi lừa tôi, mẹ nói Trùng Khánh không giống với ở quê, tôi sẽ học môn Văn và môn Toán siêu cấp lợi hại, chứ không phải phiên âm và đếm số 123 nữa, không những thế Trương Tuấn Hào và Mục Chỉ Thừa còn học cùng lớp với tôi, chúng tôi có thể cùng nhau đến trường cùng nhau tan học. Thế là tôi rất phấn khích nói với mẹ, được ạ, con muốn đi học!

Đó có lẽ là ngày mùng một tháng chín vui vẻ nhất của cuộc đời tôi. Lúc đó tôi vẫn chưa biết ngày mùng một tháng chín là ác mộng của biết bao nhiêu học sinh, cho rằng đi học chỉ là đổi địa điểm chơi châu chấu mà thôi, cứ như thế chưa kịp chuẩn bị gì đã trở thành gà con bị tóm chặt hai cánh giam trong lồng sắt, từ khoảnh khắc đó mất đi tự do của tuổi ấu thơ. Nhờ sự quan tâm chăm sóc của mẹ, tôi và Trương Tuấn Hào trở thành bạn cùng bàn. Tôi vốn còn tưởng cậu ấy cũng giống tôi, cái gì cũng không biết, không ngờ ngày đầu tiên lên lớp cậu ấy đã mở quyển sách Ngữ Văn ra, vừa khịt mũi vừa đọc bài Ngỗng Ngỗng Ngỗng* một cách trôi chảy. Sau đó cậu ấy nói với tôi, từ tháng bảy cậu ấy đã học trước quyển Ngữ Văn và Toán Học đầu tiên dưới sự cưỡng ép của mẹ cậu ấy rồi. Lúc ấy tôi mới ý thức được, hoá ra chỉ có mình tôi là mới biết được vài ba chữ cái, suýt nữa ngất xỉu ngay tại chỗ.

(*) Bài tập đọc cho học sinh tiểu học bên Trung

Tối hôm đó về nhà tôi khóc lóc bảo với mẹ là tôi không muốn đi học nữa, thầy giáo không dẫn chúng tôi đi bắt châu chấu, cũng không chơi diều hâu bắt gà con với chúng tôi, Trương Tuấn Hào biết nhiều chữ hơn tôi trong khi rõ ràng cậu ấy bắt châu chấu kém hơn tôi. Tôi khóc nước mắt nước mũi tèm lem, phải gọi là long trời lở đất. Mẹ tôi không những không an ủi tôi mà còn đưa tôi xuống dưới lầu để cho các bạn ngắm. Sau đó tôi rút ra được kinh nghiệm xương máu, quyết tâm chăm chỉ học hành, ít nhất cũng phải đọc được hết sách giáo khoa, nói gì thì nói cũng không thể thua Trương Tuấn Hào được. Thế là tôi thành công tiến hoá từ nhóc mập chỉ thích chơi đùa thành nhóc mập thích chơi đùa và biết chữ. Kiểm tra giữa kì tôi cố gắng hết sức giành được hai điểm 100, mẹ tôi vô cùng vui mừng, thưởng cho tôi một bữa KFC. KFC ngày hôm đó đặc biệt ngon nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ, mẹ lại mua cho tôi một que kem ốc quế, tôi vừa liếm kem vừa đi bộ về khu tập thể. Bước đến cổng khu tập thể, tôi nhìn thấy một chiếc xe bán tải dừng ở đó, có một đứa nhóc rụt rè ở ghế sau bám lấy cửa sổ xe, nhìn thấy tôi lập tức rụt người lại. Mẹ tôi chào hỏi người ngồi ở ghế phụ một lúc sau đó nói với tôi: "Tiểu Cực, có bạn mới đến làm hàng xóm với chúng ta."

Những ngày cuối năm 2003 đối với đám trẻ ở khu tập thể chúng tôi mà nói vô cùng không tầm thường, liền một lúc có ba người bạn mới chuyển đến toà nhà này sinh sống. Người bạn sống ở tầng một với ông bà tên là Trương Trạch Vũ, nhỏ nhỏ gầy gầy, khi chạy trông giống một chú chuột đen. Sống ở tầng dưới nhà tôi là Chu Chí Hâm, tôi vừa gặp anh ấy đã cảm thấy rất quen thuộc – hai chúng tôi đều là nhóc mập, nếu phải phân biệt thì tôi là nhóc mập đen còn anh ấy lại trắng đến mức không tưởng. Tô Tân Hạo ở đối diện nhà Chu Chí Hâm, có dáng vẻ nghiêm túc của người lớn, trông giống như một hạt đậu vô cùng tròn trịa.

Tôi thân với Chu Chí Hâm và Tô Tân Hạo trước, bởi vì hai người ở ngay tầng dưới, chúng tôi thường xuyên tụ lại chơi với nhau. Trương Tuấn Hào cũng muốn chơi cùng với chúng tôi nhưng lại hay bị mẹ cậu ấy ngăn cản, bắt ở nhà làm bài tập.

Tôi cũng là người đầu tiên thân với Trương Trạch Vũ, nhờ có món tương Đông Bắc. Hôm đó tan học sớm, Trương Tuấn Hào bị mẹ gọi vào phòng làm việc làm bài tập, một mình tôi trở về nhà. Lúc đi ngang qua tầng một tôi thấy cửa nhà Trương Trạch Vũ mở lớn, bà của Trương Trạch Vũ ngồi trên đất phơi đậu, bên cạnh còn có một cái lu lớn tối đen như mực. Bà của Trương Trạch Vũ họ Vương, cũng là giáo viên, dạy Văn rất có tiếng, là thế hệ đi trước, nghỉ hưu lâu rồi. Lúc đó tôi nhìn đến mất hồn, bà Vương thấy vậy vẫy tay gọi tôi vào trong nhà, tôi bèn ngồi ở phòng khách xem bà rải đậu. Được một lúc thì tôi cảm giác có một cái đầu xù lông sáp lại gần tôi. Tôi nghiêng đầu trông thấy Trương Trạch Vũ bé nhỏ, hai tay ôm đầu gối, nhoẻn miệng cười với tôi. Cậu ấy hỏi tôi: "Cậu đang nhìn gì vậy?"

Tôi đáp: "Nhìn mấy hạt đậu."

Cậu ấy nói: "Đây là đang làm tương Đông Bắc. Cậu đã đến Đông Bắc bao giờ chưa?"

Tôi lắc đầu. Tôi chưa từng đến Đông Bắc, thậm chí còn chưa nghe thấy bao giờ. Lúc đó tôi chỉ biết Bắc Kinh có Thiên An Môn, Thượng Hải có rất nhiều toà nhà cao tầng, ngoài những điều này ra tôi không biết về thành phố nào khác nữa, thậm chí còn không biết nước ngoài không phải là một nước. Trương Trạch Vũ lại nhoẻn miệng cười: "Tớ là người Đông Bắc. Tương bà tớ làm ngon lắm, khi nào xong cho cậu nếm thử."

Đến khi tôi lớn hơn, có nhận thức về địa lý mới phát hiện Đông Bắc và Giang Tô cách nhau xa đến thế nào. Chúng tôi mỗi người đi một nửa mới gặp nhau tại Trùng Khánh, Cáp Nhĩ Tân và Giang Tô gấp lại chính là Trùng Khánh. Thành phố băng tuyết và sông nước Giang Nam sáp lại phố núi mây mù bủa vây, thật kì diệu. Sau ngày hôm đó tôi và Trương Trạch Vũ trở nên cực kỳ thân thiết, chắc là bởi vì hai chúng tôi đều mang trong mình nỗi ưu tư của người con xa xứ. Trương Trạch Vũ còn nhớ nhà nhiều hơn cả tôi, bố mẹ cậu ấy đều ở Cáp Nhĩ Tân xa xôi, làm trong ngành điện lực, rất bận, vậy nên mới gửi cậu ấy đến Trùng Khánh sống.

Kể từ đó nhóm của chúng tôi bắt đầu hình thành nên hình thái đầu tiên. Chúng tôi cứ như một băng đảng đi khắp nơi cướp bóc. Ví dụ như đầu giờ chiều chúng tôi sẽ chạy vào nhà Trương Trạch Vũ ăn chực tương Đông Bắc, Dư Vũ Hàm ăn một mạch hết hai cái bánh bao lớn; đến buổi tối lại chạy vào nhà Đặng Giai Hâm chơi với chú chó lớn mà cậu ấy nuôi, chó nhà cậu ấy tính tình tốt, nằm lên bụng nó nó cũng không khó chịu. Tôi sẽ cùng Trương Trạch Vũ nằm lên bụng chú chó lớn ấy, cảm nhận hơi thở, cảm nhận sự sống phập phồng. Cảm giác đó vô cùng kì diệu, giống như gắn kết bạn và một sinh linh khác lại với nhau, bạn có thể cảm nhận được hơi thở của vũ trụ. Chúng tôi thường ngủ thiếp đi trong vô thức, sau đó mẹ của Trương Tuấn Hào sẽ lại xuống bắt chúng tôi, bắt từng đứa lần lượt về nhà.

Bởi vì chúng tôi cùng sống ở một toà nên lê la ở nhà nhau rất dễ, có những lúc không muốn về nhà sẽ qua quýt ngủ cùng nhau. Nhà Trương Tuấn Hào quản con rất nghiêm, Tô Tân Hạo lại có chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, Chu Chí Hâm thì là một nhóc mập giống tôi, những người khác đều có những tật xấu riêng nên tôi thích ngủ cạnh Trương Trạch Vũ nhất, bởi vì cậu ấy nhỏ gầy, nói chuyện lại rất thú vị. Mẹ tôi trước giờ luôn rất thoáng, thế nên tôi cùng Trương Trạch Vũ toàn ngủ trên một chiếc giường, chui vào trong ổ chăn lén lút nói chuyện. Trương Trạch Vũ thường xuyên nhớ tới bố mẹ cậu ấy, lặng lẽ rơi nước mắt. Cậu ấy rất ít khi khóc, bởi vì sợ ông bà lo lắng, chỉ khi cùng chui trong chăn với tôi mới không kiêng nể gì mà thể hiện nỗi nhớ nhà. Mỗi khi cậu ấy khóc tôi cũng sẽ khóc theo, tôi sẽ nhớ đến ông bà ở Giang Tô, còn có chú chó vàng lớn ở cổng. Bởi vậy mà sau đó tôi sẽ vô cùng yếu lòng, cho dù sáng hôm sau ngủ dậy phát hiện nước miếng của Trương Trạch Vũ chảy đầy vai, tôi cũng sẽ không tức giận.

Tả Hàng chuyển đến vào mùa xuân năm sau. Lúc cậu ấy chuyển đến rất phô trương, bởi vì bà ngoại cũng đến sống cùng nhà cậu ấy, ở tầng hai. Tả Hàng chuyển đến, đám trẻ chúng tôi cũng cũng tới góp vui, thấy cậu ấy để kiểu tóc húi cua trông rất dữ, bị doạ đến mức quay sang ngơ ngác nhìn nhau, sợ là có một tên thô bạo chuyển đến. Sau đó cậu ấy dùng tư thế kinh điển của Ultraman để chào hỏi, chúng tôi mới nhận ra mình đã quá đề cao cậu ấy.

Cậu ấy gần như ngay lập tức nhập hội được với chúng tôi, không thể không thừa nhận, có những người trời sinh đã có bản lĩnh này. Cậu ấy rất kỳ quái, ý tưởng nhiều đến mức phải tính băng rổ. Cậu ấy gầy, nhưng lại ăn rất khoẻ, làm cho Dư Vũ Hàm có một dạo cảm thấy bị đe doạ, sợ địa vị của mình khó mà giữ được. Về sau Dư Vũ Hàm mới nhận ra bản thân nghĩ thừa rồi, Tả Hàng ăn khoẻ nhưng sức lực lại yếu. Sao lại có người cơm ăn không béo người cũng không tăng sức mạnh, đây quả thực đã trở thành câu hỏi quấy rối Dư Vũ Hàm suốt cả một đời.

Trần Thiên Nhuận chuyển đến là chuyện của đầu năm 2005. Bố mẹ cậu ấy đều là nhà nghiên cứu khoa học, công việc rất bận, gửi cậu ấy đến cho ông bà ngoại chăm. Ông bà ngoại của Trần Thiên Nhuận sống ở tầng một, đối diện nhà Trương Trạch Vũ, đều là giáo viên về hưu. Ông ngoại của Trần Thiên Nhuận họ Lý, dạy Toán, rất thích trẻ con, lúc nào cũng bắt chúng tôi đến để ra đề toán, làm cho chúng tôi mỗi lần nhìn thấy ông là lại đi vòng đường khác. Có một lần Trương Tuấn Hào xui xẻo, vào nhà vệ sinh công cộng trùng hợp va phải ông giáo Lý. Theo lời cậu ấy kể thì hai người ngồi bồn cầu đối diện nhau vốn đã rất ngượng ngùng rồi, ông Lý còn hỏi cậu đề toán gà và thỏ nhốt chung lồng giải như thế nào, làm cho cậu táo bón rất lâu, sau này cũng không bao giờ dám vào nhà vệ sinh công cộng nữa.

Ở khu chúng tôi thì Trần Thiên Nhuận là đứa trẻ tiếng lành đồn xa. Ít nhất thì tôi cũng biết cậu ấy từ rất sớm, bởi vì cậu ấy bằng tuổi với tôi, học lớp bên cạnh, mới lớp 1 đã tham gia cuộc thi Olympic Toán học của lớp 3, còn đạt được hạng nhất, điểm số gấp đôi Chu Chí Hâm. Mặc dù lúc đó chúng tôi còn chưa hiểu chuyện nhưng vẫn cảm thấy rất kính phục. Sau đó biết thêm cậu ấy là cháu ngoại của ông giáo Lý, tưởng tượng mỗi lần cậu ấy đi vệ sinh đều có thể gặp phải khó khăn như Trương Tuấn Hào, lại càng thêm kính phục cậu ấy. Lúc cậu ấy chuyển đến khu tập thể, mẹ của chúng tôi thiếu điều yêu cầu chúng tôi xuống xếp hàng hai bên đường chào đón cậu ấy.

Cậu ấy chuyển đến vào một buổi chiều hết sức bình thường. Tôi ngồi đào đất, Trương Trạch Vũ ngồi bên cạnh nhào bùn, Triệu Quán Vũ đứng ở bên xem chúng tôi nghịch, Đặng Giai Hâm chải lông cho chó nhà cậu ấy. Lúc Trần Thiên Nhuận bước tới chỗ chúng tôi, Tô Tân Hạo hết sức tự nhiên vỗ vai của cậu ấy hỏi:

"Bóng đâu? Không phải cậu lên nhà lấy bóng sao?"

Tả Hàng đứng ở cửa toà nhà đập bóng, hét một tiếng "Tô Tân Hạo". Nếu như lúc đó có thể ghi hình, tôi nhất định sẽ quay lại cảnh tượng đó. Chu Chí Hâm và Tô Tân Hạo gần như đồng thời lộ ra vẻ mặt kinh ngạc, sau đó Trương Trạch Vũ cũng há to miệng, Triệu Quán Vũ trầm lặng, Đồng Vũ Khôn và Dư Vũ Hàm cũng trở nên yên tĩnh, Trương Tuấn Hào không khịt mũi nữa, Đặng Giai Hâm quên mất phải chải lông cho chó của cậu ấy, Mục Chỉ Thừa thì ngồi phịch xuống đất. Trần Thiên Nhuận ngơ ngác không hiểu gì lùi về phía sau, trốn sau lưng ông Lý. Sau đó ông Lý kéo cậu ấy ra, cười ha ha giới thiệu với chúng tôi:

"Đây là cháu ngoại của ông, tên Trần Thiên Nhuận. Thiên Nhuận, cháu làm quen với các bạn đi."

Lúc đó tôi mới mơ mơ màng màng nhớ tới, hoá ra có những lúc tôi chào Tả Hàng nhưng cậu ấy không để ý, có lẽ không phải cậu ấy không nhìn thấy tôi, mà là tôi nhận nhầm người rồi. Tối hôm đó tôi mất ngủ khác mọi ngày, nằm nghĩ Trần Thiên Nhuận và Tả Hàng giống nhau như thế, liệu trên thế giới này còn có đứa trẻ nào khác trông giống tôi như đúc không? Có khi nào bố mẹ tôi cũng nhận nhầm người rồi? Câu hỏi đó đối với đứa trẻ tám tuổi năm ấy quả thực quá mức sâu xa. Thế giới này rất coi trọng đối xứng, cửa nhà tôi và Trương Tuấn Hào đối xứng, toà nhà dạy học cũng đối xứng hai bên, chơi bập bênh càng cần phải đối xứng. Nếu như ông trời cũng thích đối xứng, vậy thì thế giới này chính là một chiếc bập bênh cực đại. Vậy thì ngoài Trương Cực sống ở khu tập thể Xuân Chúc Trùng Khánh ra, có lẽ còn có một Trương Cực khác trông giống tôi đang sống ở một nơi nào đó trên thế giới này. Chấp nhận việc bản thân không phải độc nhất vô nhị đối với đứa trẻ tám tuổi năm ấy quả thực quá mức đau đớn. Trương Cực tám tuổi, ăn được uống được ngủ được, mỗi miếng thịt trên người đều rất hợp tình hợp lý, theo lời mẹ tôi thì tôi sống như một chú heo con vô lo vô nghĩ, vậy mà tối hôm đó tôi vì câu hỏi sâu xa ấy mất ngủ, bước chân sớm vào thế giới triết học.

Sáng ngày hôm sau tôi dậy rất sớm, ăn sáng xong liền xuống lầu. Lúc tôi ra khỏi nhà Trương Tuấn Hào vẫn còn chưa ăn sáng xong, mỗi buổi sáng cậu ấy đều rất đau khổ, bởi vì cơm dinh dưỡng mà mẹ cậu ấy dày công chuẩn bị quả thực không được ngon cho lắm. Lúc đi ngang qua tầng năm tôi nhìn thấy Chu Chí Hâm đang ăn mì đậu, hàng xóm Tô Tân Hạo thì ăn sandwich.

Dư Vũ Hàm ở tầng dưới ăn màn thầu, một miếng ăn hết một cái. Tôi đi ngang qua đúng lúc cậu ấy đang mặt mày nhăn nhó cố nuốt màn thầu. Xuống tầng tiếp theo là nhà Đồng Vũ Khôn, cậu ấy cãi nhau với mẹ bởi vì không muốn ăn quẩy. Mục Chỉ Thừa nhà bên cạnh đang tu sữa ừng ực ừng ực, cậu ấy tuy bằng tuổi nhưng lại nhỏ hơn chúng tôi rất nhiều, ước mơ lớn nhất là có thể cao lên. Xuống tiếp tầng nữa lập tức nghe thấy tiếng chó sủa, là chó nhà Đặng Giai Hâm. Đặng Giai Hâm đang vùi đầu ăn bánh xèo, âm thầm bỏ rau xà lách mà cậu ấy không thích xuống cho chó ăn. Tả Hàng thì đang ăn bữa sàng tràn ngập tình yêu của bà ngoại cậu ấy, đầy ắp cả một bàn. Trần Thiên Nhuận ở tầng một ngoan ngoãn ăn trứng luộc còn Trương Trạch Vũ đã ăn xong rồi, ló ra cái đầu cười hi hi:

"Đừng chạy, đợi tớ đi với."

Sau đó chúng tôi ra khỏi toà nhà, trông thấy một chiếc xe bán tải đỗ ở đường. Trương Trạch Vũ dừng bước, hỏi tôi lại có người chuyển tới à. Tôi nói không biết. Đằng trước đằng sau xe đều có người đang tất bật. Cô Lâm làm cùng văn phòng với mẹ tôi bước xuống từ ghế phó lái, cười hỏi tôi đang đi học à. Tôi đáp vâng. Cô kéo đứa trẻ nhút nhát đằng sau người ra nói với tôi: "Đây là con trai cô, tên Diêu Dục Thần. Tiểu Thần, chào anh đi".

Đứa trẻ khôn khéo chào tôi và Trương Trạch Vũ hai tiếng anh. Tôi và Trương Trạch Vũ chào cô Lâm rồi đi đến trường. Lúc đó tôi cảm thấy vô cùng vui vẻ mà không rõ lý do. Trương Trạch Vũ không thể lý giải được tâm tình của tôi, dùng giọng Đông Bắc hỏi tôi có phải bị động kinh không. Tôi nói không, nhưng vẫn không thể dừng được vui vẻ. Nếu như trên thế giới này có một Trương Cực giống hệt tôi thì cậu ấy cũng không quen biết Trương Trạch Vũ, cũng không quen biết Tô Tân Hạo, cũng không gặp đứa trẻ mới chuyển đến tên Diêu Dục Thần. Cậu ấy có thể sống ở một khu tập thể khác, có một đám bạn khác, nhưng cậu ấy sẽ không giống tôi, gặp được mười hai con người này. Mặc dù Tả Hàng và Trần Thiên Nhuận giống nhau như cùng đúc từ một khuôn nhưng nếu bắt Tả Hàng cả ngày không nói chuyện, cậu ấy nhất định sẽ nghẹn chết. Thế nên Tả Hàng vĩnh viễn là Tả Hàng, Trần Thiên Nhuận vĩnh viễn là Trần Thiên Nhuận. Tả Hàng vĩnh viễn không thể yên lặng một ngày, Trần Thiên Nhuận cũng không thể nhảy nhót như khỉ. Tương tự như thế, tôi vĩnh viễn là chính bản thân mình.

Ngày hôm đó tôi vui không gì sánh nổi, dường như ngộ ra được đạo lý nào đó của đời người. Tối hôm đó trước khi đi ngủ tôi tìm mẹ, ôm lấy mẹ - việc mà đã lâu rồi tôi không làm, bảo mẹ ngủ cùng tôi. Tôi hỏi mẹ, nếu như trên thế giới này có một người trông giống hệt tôi, mẹ có thể nhận ra tôi không.

Mẹ dịu dàng nói với tôi, phòng bệnh nơi tôi sinh ra có mười hai đứa trẻ, bố tôi không nhận ra được đâu là con mình, nhưng mỗi lần mẹ đều có thể chuẩn xác tìm ra tôi. Mẹ xoa đầu tôi thành tổ chim, nói con trai yên tâm, trên thế gian này không có con heo thứ hai ăn được ngủ được giống như con đâu.

Tôi lại nhớ đến phim Tây Du Ký xem hồi còn ở quê, tập Mỹ Hầu Vương thật giả tôi xem mà trong lòng lo sợ. Tôi rúc vào ngực mẹ khịt khịt mũi, trên người mẹ tôi luôn có một mùi hương rất thơm, ngửi vào lập tức cảm thấy an tâm. Lòng tôi thầm nghĩ, chắc bởi vì mẹ của Tôn Ngộ Không là một tảng đá, nếu mẹ của Tôn Ngộ Không cũng là một vị thần tiên thì sao lại không nhận ra Tôn Ngộ Không được chứ?


TBC.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro