II. 1921 - 1928

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ranfơ

3.6

     Một tuần trước khi Mecghi tròn chín tuổi, Fiôna Kliri sinh thêm một con trai nữa, nhưng trước khi chị cho rằng chị may mắn: mấy năm trời không có thêm đứa nào nữa, chỉ có hai lần sảy thai. Mới chín tuổi Mecghi đã thành người giúp việc thực sự. Còn Fiôna đã ngoài bốn mươi, không còn trẻ trung gì, chửa đẻ đã là việc quá sức chị. Và thằng Hêrônđơ sinh ra đã yếu đuối; lần đầu tiên trong đời sống của gia đình, bác sĩ thường xuyên đến nhà.

     Như thường tình, tai họa nối tiếp tai họa. Sau chiến tranh, trong nông nghiệp sự phồn thịnh nhường chỗ cho suy thoái. Ngày càng khó tìm việc làm.

     Một buổi tối, sau bữa ăn, ông già Engux Mắc Uetơ đem đến nhà Kliri một bức điện và Petđi hai tay run run mở ra xem: những bức điện thường không đem đến tin lành. Bọn trẻ con trai chen chúc xung quanh, riêng Frenk cầm lấy chén trà và ra khỏi phòng ăn. Fia đưa mắt nhìn theo và quay lại khi nghe thấy Petđi kêu lên một tiếng.

     - Có chuyện gì vậy? – Chị hỏi.

     Petđi nhìn tờ giấy bằng cặp mắt như thể nó báo tin ai qua đời.

     - Đây là điện của Arsibanđơ, ông ta không cần chúng ta nữa.

     Bôp hung hăng đấm tay xuống bàn đánh rầm một cái: đã từ lâu nó mơ ước được cùng đi với bố, làm thợ phụ xén lông cừu và việc đó phải được khởi đầu ở trại của Arsibanđơ.

     - Tại sao ông ta lại chơi xỏ chúng ta như vậy, hả ba? Lẽ ra ngày mai chúng ta bắt đầu làm rồi kia mà!

     - Ông ta không viết rõ tại sao, Bôp ạ. Chắc là có một thằng khốn kiếp nào nhận làm lấy công rẻ hơn và hớt tay trên của ta.

     - Ôi chao, Petđi. – Fia thở dài.

     Trong cái nồi cạnh bếp thằng bé Hen cất tiếng khóc, nhưng Fia chưa kịp nhúc nhích thì Mecghi đã ở cạnh nó. Frenk trở lại, tay cầm chén trà đứng trên ngưỡng cửa và nhìn bố không dứt.

     - Hừ, rõ ràng là tôi sẽ phải đến nói chuyện với Arsibanđơ thôi. – Cuối cùng Petđi nói. – Bây giờ tìm chỗ làm khác thì muộn rồi, nhưng ông ta phải giải thích rõ ràng tại sao ông ta lại chơi xỏ tôi như vậy. Ta hãy hi vọng rằng tạm thời ta sẽ tìm được việc vắt sữa ở nơi nào đó, rồi đến tháng bảy thì sẽ bắt đầu xén lông cừu ở trại Uynlôubi.

     Từ đống tã lót để ở cạnh bếp lò cho ấm, Mecghi lôi ra một chiếc tã, trải cẩn thận trên chiếc bàn làm việc, bế đứa em đang khóc ra khỏi cái nôi đan. Trên đầu nó là một túm tóc thưa thớt, rực rỡ ánh vàng, hệt như tất cả các con Kliri. Mecghi thay tã lót cho em nhanh nhẹn và khéo léo không kém gì mẹ.

     - Mẹ Mecghi bé bỏng. – Frenk trêu ghẹo.

     - Nói thế! – Cô bé cáu kỉnh đáp lại. – Em chỉ giúp mẹ thôi chứ.

     - Anh biết, - Frenk dịu giọng nói. – Em của anh tinh khôn lắm, bé Mecghi ạ.

     Cậu kéo dải băng bằng lụa trắng ở gáy em và vén nó về một bên.

     Mecghi ngước đôi mắt to màu xám nhìn anh với niềm yêu thương vô hạn. Phía trên mái đầu bé nhỏ lắc lư của đứa hài nhi, gương mặt con bé nom gần như người lớn. Trái tim Frenk se lại: tại sao cái việc đó lại trút lên vai nó, bản thân nó vẫn còn là con nít, lẽ ra nó chỉ chăm bẵm búp bê thôi, nhưng bây giờ búp bê đã bị quên lãng, bị tống vào buồng ngủ . Nếu như không vì Mecghi và mẹ thì Frenk đã bỏ nhà ra đi từ lâu rồi. Cậu cau có nhìn bố: đây chính là kẻ có lỗi đã làm cho gia đình thêm một sinh mạng nữa và mọi việc lộn nhào hết. Bây giờ ông bố không được nhận vào làm ở cái trại mà xưa nay ông vẫn xén lông cừu, thế là đáng đời.

     Không hiểu sao, những đứa em trai khác cũng như cả Mecghi đều không gợi cho cậu những ý nghĩ như Hen. Nhưng lần này, khi eo lưng mẹ bắt đầu phình ra thì Frenk đã đủ tư cách là người lớn, chính cậu đã có thể lấy vợ và làm bố. Mọi người, trừ bé Mecghi, đều cảm thấy ngượng ngập, đặc biệt mẹ. Mấy đứa con trai bé nhìn trộm mẹ, và mẹ sợ sệt co rúm người lại,  thẹn thùng đưa mắt nhìn đi nơi khác và không thể chịu đựng nổi cái nhìn của Frenk. Không một người phụ nữ nào đáng phải chịu cực khổ như thế, lần thứ một nghìn Frenk tự nhủ như vậy khi nhớ tới tiếng rên la vang ra từ buồng ngủ của mẹ trong cái đêm Hen ra đời. Frenk lúc ấy đã là người lớn, không bị đưa sang các nhà hàng xóm như những đứa kia. Còn bây giờ bố mất việc, bị tống cổ đi, đáng đời ông ta. Người đứng đắn thì đã để cho vợ yên thân.

     Người mẹ nhìn Petđi qua suốt cả bàn dài, dưới ánh sáng ngọn đèn điện mới mắc, mái tóc của chị hệt như bó sợi bằng vàng, khuôn mặt trông nghiêng đều đặn đẹp không thể tả được. Duyên cớ làm sao mà một người phụ nữ kiều diễm duyên dáng nhường ấy lại đi lấy một gã lang thang, thợ xén lông cừu sinh trưởng ở vùng đầm lầy Gôluai? Và chị hoài đời ở đây, cũng như bộ đồ ăn bằng sứ mỏng manh của chị, những tấm khăn bàn bằng vải gai đẹp đẽ và những tấm thảm Ba Tư trong phòng khách, chẳng ai nhìn thấy những thứ đó vì vợ những người như Petđi lánh chị. Trước mặt chị, họ ngượng ngập họ bỗng nhận thấy họ hay la lối quá, họ quê kệch và không biết dùng bộ đồ ăn thế nào nếu trong đó có quá một cái dĩa. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro