I. 1915 - 1917

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mecghi

2.1

     Cứ đến chủ nhật, gia đình Kliri lại đi nhà thờ, chỉ riêng Mecghi phải ngồi ở nhà với thằng anh nào đó, và nó nóng lòng chờ cái ngày nó lớn lên và cũng được đi nhà thờ. Pađric Kliri cho rằng trẻ nhỏ không có việc gì làm ở nhà người khác, dù đó là nhà của Chúa. Khi nào Mecghi đến trường, học được thói quen ngồi yên thì có thể cho nó đến nhà thờ. Không thể sớm hơn được. Thế là cứ mỗi sáng chủ nhật, nó lại đứng bên cửa rào, dưới bụi kim tước, chua xót nhìn cả gia đình lên chiếc xe cũ kĩ ọp ẹp, còn thằng anh có thêm vụ trông nom Mecghi vờ làm ra vẻ khoái chí vì không phải đi dự lễ mixa. Trong tất cả các con của Kliri, chỉ có Frenk thực sự thích thú khi có dịp lánh xa những người khác.

     Tôn giáo chiếm vị trí hoàn toàn đặc biệt trong đời Petđi. Nhà thờ thiên chúa không tán thành lắm cuộc hôn nhân của anh, vì Fia là tín đồ Thanh Giáo. Vì Petđi, chị phải bỏ đạo của mình, nhưng không theo đạo của chồng. Khó nói được tại sao, có lẽ vì bản thân chị thuộc dòng họ Amxtr'ông, dòng họ cổ xưa của những người khai khẩn đầu tiên, tự ngàn xưa vẫn kiên định theo đạo của nước Anh, còn Petđi chỉ mới từ Ailen đến, mà lại không phải ở vùng thuộc Anh và trong túi không có lấy một xu. Dòng họ Amxtr'ông sống ở Niu Zilơn từ rất lâu trước khi những người "di dân" chính thức đầu tiên đến đây, vì thế họ thuộc loại quí tộc địa phương. Theo quan điểm của họ, vụ gả chồng cho Fiôna chỉ là một "mésaliance" (1) đáng xấu hổ.

(1) Tiếng Pháp, nghĩa là "hôn nhân không tương xứng" (N.D)

     Ông tổ của dòng họ ở Niu Zilơn là Rôđêric Amxtr'ông, đã sáng lập ra dòng họ của mình một cách hết sức kì lạ.

     Mọi chuyện bắt đầu từ sự kiện đã gây nên vô số hậu quả khôn lường trước được ở nước Anh thế kỷ 18; cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ. Trước năm 1776, hàng năm các tàu của Anh vẫn chở sang Vieecgini, sang Bắc và Nam Karôlin hơn một ngàn kẻ phạm tội lặt vặt bị bán theo hợp đồng lao động dài hạn, thực chất chẳng hơn gì nô lệ. Việc xử án ở Anh thời ấy hết sức nghiệt ngã và không khoan nhượng: kẻ giết người, kẻ đốt nhà, kẻ phạm những tội bí ẩn không được gọi một cách mơ hồ là "tội lang thang trái phép" và kẻ phạm tội ăn cắp từ một silinh trở lên bị kết án treo cổ. Kẻ phạm những tội nhỏ hơn bị phạt vãng chung thân sang Mỹ. 

     Nhưng từ 1776, đường sang Mỹ bị tắc, và nước Anh đứng trước một nhiệm vụ khá khó khăn: số kẻ bị kết án ngày một tăng mà không biết tống bọn này vào đâu. Tất cả các nhà giam đã đầy chật, "số thừa ra" đã chật lên trong các nhà tù nổi đang mục nát dần, cắm neo ở các cửa sông. Cần phải tìm ra một cách gì, và người ta đã tìm ra. Hết sức miễn cưỡng vì phải tốn vào đó mấy ngàn Bảng, thuyền trưởng Actua Fiilíp được lệnh cho tàu đi Nam Đất lớn. Bấy giờ là năm 1787. Ra đi trên mười con tàu của thuyền trưởng Filíp có trên một ngàn kẻ có án và ngoài ra còn có các thủy thủ, sĩ quan và các toán lính thủy đánh bộ. Đấy hoàn toàn không phải là cuộc phiêu lưu đi tìm tự do đầy ánh vinh quang. Cuối 1788, tám tháng sau khi khởi hành từ Anh, đội tàu đến Vịnh Bôntani - Bây. Đức kim thượng điên khùng Giorgiơ III (1) đã thành lập một cái hố rác để chứa lũ tù khổ sai của mình - Niu Xaođơ Wênx.

(1) Giorgiơ III (Giorge), 1738 - 1820, lên ngôi từ 1760, có quan điểm phản động chống cuộc cách mạng tư sản Pháp (N.D)

     Năm 1801, khi Rôđêric Amxtr'ông chỉ mới ngoài hai mươi một chút, y  bị án phạt vãng chung thân. Những thế hệ sau của họ Amxtr'ông cả quyết rằng y là một trong những người quí tộc Xômecxet bị cách mạng Mỹ làm cho hoàn toàn phá sản và tuyệt không phạm tội gì cả, nhưng chẳng bao giờ có ai thực sự thử kiểm tra lại phả hệ của cụ tổ nổi tiếng. Họ chỉ sưởi ấm trong ánh hồi quang danh vọng của y và tự mình bịa đặt ra chuyện này chuyện nọ.

     Bất kể nguồn gốc và địa vị của y ở Anh như thế nào, gã thanh niên Rôđêric Amxtr'ông đích thực là con quỉ. Trong tám tháng lênh đênh trên biển, cực khổ không thể tả được để đến Niu Xaođơ Wênx, y tỏ ra bướng bỉnh và ngang ngạnh hết chỗ nói và nhất quyết không chịu khuất phục cái chết, điều đó càng làm cho các cấp chỉ huy trên tàu kiêng nể y. Đến Xitnây năm 1803, y tỏ ra càng đáng ghét đến mức người ta tống y ra đảo Norfônk, cho vào nhà tù giam giữ những kẻ không thể sửa chữa được nữa. Không thể nào trị nỗi y, y bị bỏ đói; người ta nhốt y vào xà lim riêng - cái túi bằng đá ở đó đứng không được, ngồi không được, nằm không được; người ta dùng roi, đánh y đến nỗi khắp cả lưng y biến thành một đám bầy nhầy đẫm máu: y bị xích vào mỏm đá ở biển cho sặc nước. Còn y cười vào mặt bọn đao phủ - bộ xương thảm hại bọc bởi lớp da trong suốt và che đậy qua quít bằng những mảnh giẻ bẩn thỉu, trong miệng y không còn lấy một chiếc răng, thân thể toàn vết sâu và vết sẹo, nhưng toàn thân y là lời thách thức, là niềm căm thù, và dường như không gì dập tắt được ngọn lửa ấy. Mở đầu mỗi ngày, y tự ra lệnh cho mình không được chết, và cuối ngày y cười đắc thắng vì y vẫn sống.

     Năm 1810, y cùng một toán tù bị xiềng xích được đưa đến xứ Van Đimen để mở đường trong sa khoáng rắn như sắt ở sa mạc phía sau Hôbart. Lợi dụng một lúc thuận tiện, Rôđêric dùng xà beng đục một lỗ trong ngực viên đội trưởng đội áp giải: y cùng mười tên tù khổ sai thanh toán nốt năm tên lính áp giải còn lại, chậm chạp róc từng miếng thịt bọn này khỏi xương - cả năm tên lính kêu thét dữ dội và chết đau đớn khủng khiếp. Cả tù phát vãng và những kẻ canh giữ chúng đều không phải là người, mà đích thực là thú vật, là lũ mọi rợ, trong tình cảm của chúng không còn chút tình người nào. Rôđêric Amxtr'ông không đời nào chịu chạy trốn mà vẫn để cho những kẻ hành hạ mình được tự do hay mặc cho chúng chết nhanh chóng, cũng như y không thể cam chịu thân phận tù khổ sai.

     Rồi bồi bổ sức lực bằng rượu rum, bánh mì, và thịt sấy khô lấy được ở bọn lính bị giết, mười tên tù chạy trốn gội mưa rét buốt, vượt nhiều dặm đường qua rừng rậm ra tới bến cảng của những người đánh cá voi: Hôbartơ. Ở đây chúng đánh cắp một chiếc sà lúp và dù không buồm, không nước uống, cái ăn, chúng quyết định vượt biển Taxman. Khi chiếc sà lúp bị cuốn giạt vào bờ phía tây đảo Nam Niu Zilơn thì sống sót trên thuyền chỉ còn Rôđêric Amxtr'ông với hai tên nữa. Y không bao giờ kể về chuyến đi không thể tưởng tượng nổi ấy, nhưng người ta rỉ tai nhau rằng đâu như ba kẻ ấy sống sót vì chúng đã giết và ăn thịt những người bạn đường yếu hơn mình. 


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro