Thúy Lâu Ngâm - Mười bảy

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thúy Lâu Ngâm - Mười bảy

Sau khi Danh Mặc về, tranh thủ lúc ánh hoàng hôn còn chưa tắt, Nhị Nương nhúng bút thấm no nước rồi luyện chữ trên bức tường trắng.

Thẳng thắn mà nói, chữ của cô không coi là quá tốt. Chẳng qua là người luyện viết chữ lệ rất ít, người chịu khó luyện hẳn ba bốn chục năm càng ít hơn. Cô chịu luyện lại từ đầu, chẳng qua là để tưởng niệm về giấc mộng dài, gần như nỗi nhớ của một kẻ xa quê.

Về tất thảy từng chi tiết từng khoảnh khắc của cả cuộc đời ngoài ý muốn ấy, chân thực rõ ràng nhưng không người hiểu biết, không người trải qua.

Đã từng hoảng hốt đã từng sợ hãi, cuối cùng cũng bình tĩnh thích nghi. Giờ trong ký ức chỉ còn những tháng năm yên bình tĩnh lặng, mưa thuận gió hòa mà thôi.

Mới đầu thật sự chỉ là tưởng niệm nên mới nhặt lại bút nghiên tập lại thư pháp, nhặt lại tỳ bà tập lại khúc đàn. Rồi dần dần càng thêm nhớ nhung những giai điệu khúc nhạc ở thế giới mà chỉ có mình cô biết.

Dù là cả cuộc đời bên kia hay ở đây, cô vẫn chỉ thích những thứ chẳng có tác dụng gì như thế, vẫn không biết mệt mà lao đầu vào làm những thứ đó.

Ai biết được, vô tình cắm liễu, những sở thích cô vẫn cho là vĩnh viễn vô dụng ấy, lại ở thời điểm then chốt gián tiếp cứu cô một mạng.

(vô tình cắm liễu: lấy từ thành ngữ Hữu ý tài hoa hoa bất phát, vô tình sáp liễu liễu thành âm, nghĩa là Cố tình trồng hoa hoa chẳng phát triển, vô tình cắm liễu liễu mọc thành bụi um tùm, nói đến có những việc cố tình cố gắng hết sức cũng không đạt kết quả, mà có những việc không hề chủ đích lại đem lại thành quả bất ngờ)

Tường trắng ướt đẫm nét mực trong ánh nắng chiều tà. "Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi", nét chữ mạnh mẽ kích động nỗi lòng phẫn uất chứ không còn vẻ mềm mại thanh bình như đời trước.

(Lấy từ bài thơ Lương Châu từ nổi tiếng của Vương Hàn:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Tạm dịch thơ bởi Mèo Béo Ú:

Rượu bồ đào rót tràn ly ngọc
Chưa uống, đàn đã giục ngựa phi
Sa trường say tít đừng ai trách
Xưa nay chinh chiến mấy ai về)

Thày giáo khi đó còn bảo chữ của cô quá thận trọng câu thúc khiến cảm xúc bị giảm. Không biết nếu thày nhìn thấy chữ viết bây giờ của cô sẽ chấm điểm ra sao.

Chắc hẳn sẽ mắng cho cô một trận nên thân nhỉ?

Nhưng làm thế nào mới có thể không uất hận kia chứ?

Cô buông tay, nhìn từng nét từng nét chữ dần khô. Nếu không phải đứa ở đưa cơm quá đỗi khẩn trương ra nét mặt khiến cô nhận ra sự khác thường, cô sẽ chết mà chẳng rõ nguyên do. Hơn nữa quá trình chắc chắn sẽ đau đớn không chịu nổi và kéo dài đằng đẵng.

Từng cây từng cây kim mảnh như lông trâu còn ngắn hơn cả hạt cơm nữa. Đến cốc nước uống cô cũng không dám dùng nếu chưa lọc qua bằng vải. Biện pháp ngu xuẩn đến thế chắc chắn không phải do Hứa gia nghĩ ra. Mà là nhà mẹ đẻ của cô muốn lấy mạng.

Cũng đúng thôi. Hưu thư ở trong tay nhà mẹ đẻ, có điều nhà chồng nhất quyết ngó lơ không chịu ra quan phủ đăng ký. Thế nên đến giờ thân phận hộ khẩu của cô còn chưa rõ ràng.

Nhưng rốt cục cô cũng chưa phải người đã chết, mà cũng không phải chỉ biết hất đổ mâm đồ ăn.

So với hất đổ mâm đồ ăn, cô biết rõ tầm quan trọng của việc "lỡ tay" làm rơi một tấm giấy thư pháp, hiểu rõ mức lan tỏa của tiếng đàn tỳ bà đến độ nào.

Trước khi cầm đàn lên chơi, phải đảm bảo có người lắng nghe. Cũng may các khúc đàn cô thích đều thuộc phong cách khẳng khái hào hùng bi tráng như gươm giáo nơi sa trường. Trình độ gảy đàn của cô tuy kém quan gia, nhưng cô lại biết chỉ cần nỗi bi thương phẫn hận mạnh mẽ, chỉ cần khuếch đại đủ sâu sắc, đảm bảo lan truyền đủ xa.

Bởi vì thân phận hiện tại của cô chỉ là một thiếu phụ góa chồng nhà thương hộ, lại sống ẩn cư trên Khuê Vọng lâu. Thế nhưng thư pháp của cô, thơ của cô, tiếng đàn của cô lại hoàn toàn ngược hẳn.

Hai nhà Hứa Từ tuyệt đối sẽ không cho phép cô ra mặt gặp người khác, nhưng như vậy lại càng tốt. Thường nhân luôn thích tưởng tượng khắc họa ra những hình ảnh tốt đẹp nhất kỳ diệu nhất, rồi gắn chúng lên thân phận của một tài nữ trung trinh tiết liệt giấu mặt trong lầu Khuê Vọng.

Giờ đây người đến xin chữ càng lúc càng nhiều, cô thích thì làm không thích thì thôi. Đến xin nghe đàn càng nhiều hơn, nhưng cô chỉ năm ngày mới đàn một khúc. Cứ ra vẻ ngạo nghễ như thế, lại khiến cho bản thân được phủ thêm một lớp màn thần bí kỳ ảo và vô cùng an toàn, cũng dọa dẫm được đám phế vật muốn lấy mạng cô.

Đấy chính thị cái gọi là "khác biệt tầng lớp" đó cưng.

Hai họ Từ Hứa chẳng qua là thương nhân. Mà những vị học đòi văn vẻ tao nhã kia, không phải nhà quan cũng là nhà quý tộc. Cưng dám trêu vào không? Đừng đùa.

Dĩ nhiên đó cũng chẳng khác nào đứng múa trên đầu gươm mũi giáo, cô biết chứ. Những kẻ tên là người thân nhưng phải đọc là lang sói kia đã từng ép cô phải viết một bức chữ để tặng cho Giả đại học sĩ, cô không viết thì bỏ đói cô cả ngày.

Kết quả, ừ thì cô viết. Nghe nói Giả đại học sĩ nhận được cuốn tranh chữ đã nổi cơn lôi đình, sai người đến đập bảng hiệu cửa hàng, lại gọi một bà hầu gái có mặt mũi trong nhà đến tận nơi khom mình tạ lỗi qua cánh cửa.

Cô cũng chẳng viết gì lớn lao, có mỗi câu "Lạc hoa do tự trụy lâu nhân" viết bằng lối chữ cuồng thảo, mà thôi.

"Hoa rơi như thể có người nhảy lâu".

Đập, đương nhiên là phải đập. Không những phải đập, mà còn phải đến xin lỗi cô nữa. Nếu không vị quả phụ "cương liệt" này lỡ luẩn quẩn bức xúc mà nhảy từ lầu Khuê Vọng tự sát... Ngự sử có phải chỉ biết ăn không ngồi rồi đâu, câu chuyện vốn lịch sự tao nhã lại đổi phong cách thành quan ỷ thế bức dân tự sát... Đó mới thật sự là tai họa ngập đầu.

Nhưng nếu làm thế chỉ để cho hả giận, rõ uổng công cô sống bốn chục năm nơi dị giới. Thế nên cô lại vô cùng nghiêm túc, hòa nhã dùng thể chữ triện viết thêm một bức "Quân tử dĩ hành ngôn" chủ động tặng cho Giả đại học sĩ để câu chuyện kết thúc chu đáo vẹn toàn. "Quân tử thể hiện ở lời nói và việc làm". Quá chu đáo ấy chứ.

Một mặt ám chỉ tình cảnh sống của cô ở nhà không tốt nên vô cùng biết ơn Giả đại học sĩ. Mặt khác lại tỉnh bơ ca ngợi Giả đại học sĩ dám đứng lên bảo vệ làm chỗ dựa cho kẻ bạc mệnh là cô, ấy chính là hành vi của bậc quân tử đức cao vọng trọng. Khiến cục diện tưởng như vỡ nát thành tai nạn ngập trời biến thành một sự kiện đẹp đẽ khiến người ta nhắc mãi.

Giả đại học sĩ coi chữ như mạng quả nhiên vô cùng rập theo khuôn sáo cũ rích này, hớn hở treo hai bức tranh chữ trong thư phòng, chỉ mong có người hỏi han. Ai hỏi đến thì lại ra vẻ ngại ngùng thở than, rằng thì là thiếu phụ tuổi mới đôi mươi mà chữ viết đã có khí chất cương liệt sắt thép như thế, e rằng cuộc sống cũng chẳng dễ dàng gì.

Thế nên chỉ có thể xin chữ, trọng điểm nằm ở "XIN". Cái gì càng hiếm mới có thể quý giá. Thế nên trừ bức tranh chữ cô "lỡ tay" đánh rơi chỉ có hai bức tranh chữ của cô trong thư phòng của Giả đại học sĩ mà thôi. Viết thêm bức khác ư?

Xin lỗi nhé. Tôi chỉ là đàn bà. Thư pháp ư, chỉ là phụ. Gảy đàn ư, để giải trí mà thôi, cũng chỉ là phụ.

Đối với cô mà nói, có khả năng khiến hai nhà Hứa Từ kiêng kỵ, có khả năng yên lòng ăn cơm uống nước nằm ngủ, đó mới là việc chính. Mà trước mắt, mọi thứ cũng không quá lệch khỏi quỹ đạo cô tính toán.

Hôm sau, khi Danh Mặc tới, Nhị Nương cho gã một bộ lược gỗ.

"Ngà voi?" Gã cười. Nhị nương tử luôn có thể khiến gã ngạc nhiên.

"Đây mới là nghề chính của tôi." Nhị Nương thở dài. "Nghề chính ở Đại Yến. Quân tử lục nghệ... chẳng qua chỉ là mua danh trục lợi, tìm lối thoát khi cùng đường mà thôi."

"Cũng đúng." Danh Mặc tự giễu. "Lối thoát của tôi cũng chỉ là danh cử nhân thi không có thứ hạng thôi."

"Không lẽ anh thi đậu cử nhân ở kinh thành bằng sức học thật sự?" Nhị Nương nửa thật nửa đùa.

"Đương nhiên rồi." Danh Mặc không coi vào đâu. "Hồi tôi thi tú tài năm 13 tuổi, Lý gia đã được xử lại án oan. Chỉ là cử nhân thôi, chẳng có gì... thứ hạng xếp gần chót. Chẳng qua để có thể có một thân phận tử tế có thể đi lại trong kinh thành mà không bị ai nghi ngờ thôi."

... Cậu nhóc à, cậu có biết thi cử ở chốn kinh thành này khó như lên trời không? Cậu dám ra ngoài rêu rao câu này, đảm bảo bị người ta xúm vào úp sọt.

Lúc này, họ đang ngồi bên cửa sổ, mỗi người một bên, linh tinh linh tinh còn có mấy cái màn cửa bằng gấm chưa cất, nhìn người người lại qua bên dưới.

"Thúy nương tử... cô đang lên kế hoạch rời khỏi lầu này đúng không?" Danh Mặc bỗng mở miệng.

Chơi với người thông minh, không biết là tốt hay xấu nữa.

"Ừm." Nhị Nương gật đầu. "Rải lưới to để bắt cá lớn. Năm nay đến lượt nhà mẹ đẻ của tôi trông mỏ ngọc... Sợ là có thu hoạch lớn. Nếu không có kế hoạch rõ ràng, e rằng chỉ có thể ngồi chờ chết."

Im lặng hồi lâu Danh Mặc mới chậm rãi lên tiếng. "Từ gia điều tra ra một mỏ ngọc phong phú ngang với ngọc lam điền."

"Hóa ra là vậy." Nhị Nương nói vậy nhưng không tỏ ra vẻ gì là kinh ngạc.

"Cô muốn chờ đến khi danh tiếng vọng khắp chốn quyền quý công hầu thì xuất gia sao?"

Cô cười. "Quan gia chỉ có duy nhất điểm này khiến người khác e ngại." Nhị Nương thoải mái thừa nhận. "Ít nhất như thế tôi sẽ không phải đến những chỗ dơ bẩn xấu xa tà đạo. Tốt nhất là có thể đến Tĩnh Tuệ am."

Nơi mà phi tần các thời đại xuống tóc đi tu, phòng vệ nghiêm mật, những kẻ không phận sự có chắp cánh cũng không bay vào được.

Bỗng dưng Danh Mặc cảm thấy lồng ngực bức bối lạ, khiến gã khổ sở không biết nói sao. "Vào am Tĩnh Tuệ, e rằng đời này tôi cô sẽ không còn gặp lại."

Nhị Nương cũng buồn bã. "Tôi không còn lối thoát nào khác."

"Để tôi nghĩ cách." Danh Mặc đề nghị.

Nhị Nương cười, vỗ nhẹ cánh tay gã. "Tấm lòng anh tôi xin nhận. Nhưng tri kỷ không phải dùng để nhờ vả... Nếu anh coi tôi là bạn, chi bằng cứ vui vẻ cùng tôi tiêu dao được ngày nào hay ngày ấy, và cố bảo trọng tính mạng mình. Người còn sống thì còn tất cả, chứ nằm xuống rồi vạn sự đều coi như hết. Anh chẳng phải hay nói 'Nơi xa nếu còn tri kỷ, chân trời cũng vẫn gần' đó sao? Nếu cứ phải lo lắng mấy chuyện không đâu ấy, chẳng thà anh hãy nếm thử món thịt băm hấp dưa chuột tôi nấu xem... Tôi phải phát cáu lên mới được mang đến một ít nguyên liệu nấu ăn, đã thế đồ mang đến còn hụt ba thiếu bốn... thôi coi như được một bữa tươi."

Cho dù nguyên liệu có thiếu thốn tới đâu, Nhị nương tử vẫn luôn nghĩ ra được nhiều món ngon mới lạ. Thế nên dù chính cô luôn miệng chê bai, cơm cũng nguội ngắt, nhưng trộn thịt vào cơm vẫn thơm vẫn ngon miệng.

Chỉ là, cứ nghĩ đến lối thoát của cô, lần đầu tiên Danh Mặc không có lòng dạ nào thưởng thức, nên lượng ăn còn ít hơn hẳn Nhị Nương.

***

Đợt này editor bận quá là bận nên kéo dài kinh khủng. Còn 2 chương nữa là kết thúc rồi. Cố lên Chiaki!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro