Chương 81: Ký ức năm ấy (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kí ức của Tư Thành bắt đầu bằng những ngày tháng tĩnh lặng nơi cửa phật. Hai mẹ con hoàng tử Tư Thành sống trong một gian nhà nhỏ ở sau chùa. Các sư thầy trong chùa rất quý mẹ con họ. Mấy chú tiểu trong chùa cũng thích chơi với cậu bé Tư Thành. Vào những chiều hè nóng nực, mẹ lại dắt Tư Thành ra gốc đa hóng mát hoặc ngâm nga vài câu dân ca cho những chú tiểu cùng nghe, và những lúc như thế, Tư Thành luôn tỏ ra là một đứa trẻ sáng dạ. Bài nào mẹ từng hát trước đó thì sau này cậu đều có thể ê a đọc theo. Thậm chí, sư thầy trụ trì cũng nhắn nhủ rằng đợi Tư Thành lớn lên một chút nữa, ông sẽ nhận cậu làm đệ tử tục gia. Lúc ấy Tư Thành không hiểu làm đệ tử của sư thầy thì có gì hay, nhưng thấy mẹ cười hiền nên cậu cũng thích thú mong đợi.

Nhưng rốt cuộc, sư trụ trì vẫn không có cậu đệ tử tục gia nào tên là Lê Tư Thành. Hoàng thất phải tìm huyết mạch đang lưu lạc. Một chốn hương khói thanh nhàn không thể chứa mãi dòng dõi chí tôn. Ngày quan binh mang theo kiệu lớn dừng trước cửa ngôi chùa nhỏ, định mệnh của cậu bé bốn tuổi đó mới thực sự bắt đầu!

Tư Thành cùng mẹ trở lại hoàng cung trong cảm giác lạ lẫm nhưng không rụt rè. Chẳng hiểu sao, một cậu bé chưa từng đặt chân ra khỏi ngôi chùa nhỏ, cũng chưa từng được ai chỉ dạy, lại có thể bình tĩnh quỳ gối chào người phụ nữ quyền uy nhất Đại Việt ngay trong lần đầu gặp mặt. Tư Thành được phong làm Bình Nguyên vương, và khi đủ tuổi thì cậu cũng được đi học ở Kinh Diên như những người anh khác. Nhưng không giống anh Bang Cơ luôn đĩnh đạc nghiêm trang, không giống anh Nghi Dân trầm tư nhút nhát, càng không giống anh Khắc Xương tài hoa, Tư Thành luôn giữ chừng mực trong mọi việc. Khi học, cậu không tỏ ra nổi trội nhất nhưng cũng quyết không làm kẻ thua kém nhất. Khi chơi, cậu không phải người khởi xướng những trò nghịch ngợm nhưng không bao giờ đứng ngoài cuộc vui. Dần dần, ấn tượng của Tuyên Từ thái hậu dành cho cậu cũng thay đổi, từ thờ ơ đến để tâm, rồi dần dà thương cậu ra mặt. Chẳng ai lại không yêu thích một đứa trẻ ngoan, nhất là khi đứa trẻ đó lớn lên có tài có đức, có thể trợ giúp cho nghiệp lớn của con trai mình.

Nhưng mộng đẹp của Tuyên Từ thái hậu đã không thể kéo dài mãi.

Tháng mười năm Diên Ninh thứ 6 (tức năm Kỷ Mão 1459), Lê Nghi Dân, vị phế thái tử luôn phải vờ sống nhút nhát dưới tầm mắt thái hậu, đột ngột dấy lên mưa máu chốn hoàng triều. Vua và thái hậu đều bị sát hại. Kẻ chiến thắng hả hê đòi lại những thứ đã mất. Cung vương Khắc Xương trước giờ luôn sống vui vẻ thì nay vội vã thu mình. Còn Tư Thành? Chẳng điều gì có thể dao động vị Bình Nguyên vương không màng tới thời cuộc ấy. Họa chăng, chỉ là chàng được cải danh thành Gia vương, và có thêm một người anh nữa ngồi lên ngôi báu mà thôi.

Tuy Nghi Dân là con trưởng của vua Thái Tông nhưng hành vi giết em trai, giết thái hậu để cướp ngôi trái với lòng người, đi ngược lại đạo lí trong thiên hạ, nhất là khi người mà cậu ta sát hại là một vị vua rất tốt. Dục tốc thường bất đạt. Nghi Dân nóng nảy khởi đầu niên hiệu Thiên Hưng mà đã vô tình bỏ qua hai thứ quan trọng nhất: nền móng chính quyền và sự ủng hộ của muôn dân. Nhìn ngay trước mắt không có người tin phục, dõi ra xa không có kẻ đồng lòng, Nghi Dân thất bại cũng là điều dễ hiểu. Chỉ tám tháng sau, một cuộc binh biến khác lại diễn ra, Thiên Hưng đế bị các trọng thần triều đình đồng loạt phế bỏ, giáng xuống làm Lệ Đức hầu. Số mệnh của kẻ đoạt ngôi nhanh chóng kết thúc bởi một dải lụa trắng.

Bốn vị hoàng tử của vua Thái Tông đều là nhân tài xuất chúng. Nhưng sau binh biến Thiên Hưng tàn khốc, người có thể kế thừa giang sơn chỉ còn lại Cung vương Khắc Xương và Gia vương Tư Thành. Ban đầu có đại thần muốn tuân theo luật trưởng thứ mà chọn Cung vương, nhưng hệt như có ma xui quỷ khiến, họ càng mời thì Cung Vương càng lánh đi. Chàng thiếu niên phóng khoáng, nổi trội ngày nào giờ rụt rè đến mức người khác chẳng nhận ra. Có người nói rằng đó mới là bản tính thực sự của Cung vương. Có người lại cho rằng Cung vương làm như vậy là do đã chán ngán chuyện anh em tương tàn. Còn lí do thực sự thì e rằng chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Gia Vương Lê Tư Thành được nhớ tới như một sự lựa chọn cuối cùng, nhưng hóa ra lại là sự lựa chọn hoàn hảo nhất (*). Cứ như thế, vị thân vương thường ngày chỉ thích vui vầy với sách vở, dửng dưng trước thế sự triều chính, đã đường hoàng bước lên ngôi chí tôn và mở ra một thời kì thịnh thế của lịch sử Đại Việt. Và cũng vì Tư Thành đã làm rất tốt nên người ta dần quên đi một Cung vương trước sau bất nhất, thậm chí sau này, khi người đó dâng tấu xin tự nhốt mình trong phủ, triều đình cũng chẳng dám làm phật ý hoàng thượng mà truy cứu sâu thêm.

Đó là một năm đầy biến động của hoàng tộc. Vua Thái Tông có bốn người con tài giỏi nhưng lịch sử chỉ lựa chọn Bang Cơ và Tư Thành. Hai người còn lại, một người bị thời cuộc lãng quên, một kẻ kết thúc tất cả trong nỗi bi thống khôn cùng.

"Thực ra Nghi Dân là đứa trẻ tội nghiệp. Ngoại trừ con ra, người mà ta thương nhất chính là nó."

Thái hậu dừng lại câu chuyện xưa và cám cảnh thở dài. Tư Thành thì vẫn chú mục ngồi bên cạnh lắng nghe. Nhắc đến người anh cả Lê Nghi Dân, trong lòng ngài cũng có chút cảm thương, nhưng không thể đồng tình.

"Nghi Dân là con trưởng của tiên đế, cũng là người đầu tiên được lựa chọn để thừa kế ngôi báu. Nếu ngày ấy tiên đế không quá sủng ái Thần phi thì có lẽ bây giờ mọi chuyện đã khác. Thằng bé đó không bị mất ngôi thái tử thì sẽ không ôm hận, các anh của con cũng không đến nỗi tương tàn."

Đã bao năm trôi qua, thái hậu vẫn quen nếp cũ, gọi Tuyên Từ thái hậu là Thần phi.

"Con nghe nói anh cả còn bất mãn vì huyết thống của anh Bang Cơ?"

Thái hậu nghiêm khắc nhìn Tư Thành:

"Con cũng không tin vào điều ấy mà, phải không?"

Tư Thành gật đầu thừa nhận. Phụ hoàng không phải người si tình đến mức quên cả giang sơn. Dẫu ngài ấy có sủng ái Thần phi đến đâu thì cũng không bao giờ mù quáng trao nghiệp lớn vào tay người ngoài. Thiên tử nhận con không thể hồ đồ. Nói cách khác, cậu bé Bang Cơ khi ấy lên ngôi thái tử là chuyện hợp với lẽ trời. Chỉ uổng cho Nghi Dân, bị kẻ khác kích động mà vội vã tin vào lời đồn thổi, không kịp suy xét trắng đen.

Thái hậu từ từ nhắm mắt lại. Rốt cuộc, kí ức vẫn là thứ duy nhất mà con người ta không thể phủ nhận vĩnh viễn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro