Chương 2: Yên hoa vũ khúc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hiện đại...

Trường Giang đang ngồi ngáp ngủ phía hàng ghế cuối. Ở trên bục giảng, thầy giáo vẫn đang thao thao bất tuyệt về mối quan hệ giữa chất và lượng. Thành thật mà nói, Trường Giang khá ngưỡng mộ những người thi được điểm A môn triết học.

Nghĩ miên man, cậu lôi điện thoại ra, gõ gõ dòng tin nhắn.

"Thứ bảy này anh được nghỉ. Xuống Hạ Long chơi không?"

Tiếng chuông báo hết giờ vừa vang lên cũng là lúc Trường Giang ấn nút gửi tin đi.

Bản nhạc stand by me vang vọng bên tai, Trường Giang mơ màng tưởng tượng ra phản ứng của Hoàng Lan lúc nhận tin nhắn. Nàng sẽ nhún vai rồi lầm bầm rằng mình phải xin phép bác, nhưng chắc chắn người bác đáng yêu nhất trên đời đó sẽ đồng ý.

Trường Giang quen Hoàng Lan từ thời hai người còn ở chung trong đội cờ đỏ của trường trung học. Tuổi thơ của họ là những ngày cùng đạp xe trên những con đường đầy nắng. Lớn lên, Hoàng Lan nói mình không có duyên với giảng đường đại học, còn Trường Giang bây giờ đã là sinh viên của ngôi trường Đại học Luật danh tiếng.

...

Đông Kinh, năm 1460.

Nghe nói danh kĩ mới nổi của Thưởng Nguyệt lâu sẽ biểu diễn Yên hoa vũ khúc, một điệu Hồ vũ trứ danh có từ thời nhà Trần, bởi thế không hẹn mà gặp, những người hiếu kì đều đến Thưởng Nguyệt lâu, khiến cho nơi đây đông đúc hơn ngày thường.

Chàng trai hôm nọ đã đến từ rất sớm và tự chọn cho mình một chỗ đẹp ngay gần vũ đài. Đứng hầu ở phía sau, gã nô bộc lại bận rộn ngẫm nghĩ chuyện khác. Gã sợ chủ nhân của mình đã bị cô gái dân gian này hớp mất hồn. Đối với cả hai người họ, đó là một chuyện cực kì không tốt.

Đến giờ chính tuất, tấm mành che được kéo lên, giữa không gian mờ ảo ánh nến, Mạc Viên Nhiên xuất hiện như tiên nữ giáng trần. Tóc đen nhánh điểm xuyết bởi trâm ngọc, phong tư tuy yêu kiều nhưng không đem lại cảm giác phàm tục. Thuần thục cúi chào quan khách xong, Mạc Viên Nhiên bắt đầu di chuyển theo tiếng đàn sáo đang chậm rãi cất lên.

Mười ngón tay lúc cụp lúc xòe, giống như nụ hoa sen dịu dàng e ấp trong hồ nước mùa hạ. Điệu múa vốn dĩ đã kì ảo, người múa lại uyển chuyển hơn sương khói, múa mà như không phải múa, giống như một tiên nữ đang chơi đùa với gió trăng. Đâu đó có hoa đào lác đác rơi. Đâu đó du dương tiếng tiên cầm. Cảnh sắc trần gian, thoắt cái đã hóa thành cõi ảo.

Nhạc chậm rãi, người uyển chuyển. Nhạc biến ảo, người cũng phiêu dật như dòng thác chảy giữa trời thu.

Yên hoa vũ khúc, cái tên quả thực danh bất hư truyền...

Từ sự tò mò ban đầu, người ta đã bị điệu Yên hoa vũ khúc của Mạc Viên Nhiên làm cho ngây ngẩn, ấy vậy mà người có vinh dự ngồi gần vũ đài nhất kia lại không như thế. Ngài cứ điềm nhiên ngồi ăn hoa quả uống trà, thi thoảng mới ngẩng đầu lên nhìn sang bên cạnh.

Người ta mải mê vì Mạc Viên Nhiên, chẳng ai như ngài, lại đi chú ý tới kẻ ngồi thổi sáo bên cạnh vũ đài.

Phạm Anh Vũ!

Tiếng sáo của y trong vắt một màu, khi trầm khi bổng, tinh tế như ngọc, huyền ảo như sương khói, dùng để đệm cho Mạc Viên Nhiên múa thì thực sự hòa hợp vô cùng. Thế nhưng, cho dù Phạm Anh Vũ đã cố gắng tỏ ra hòa đồng với chốn phong hoa tuyết nguyệt thì chàng trai kia vẫn nhận ra, sự lãnh đạm trong mắt y sâu đến nhường nào.

...

Hiện đại,

Hoàng Lan vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện chiếc vòng từng nhặt được ở bãi sông Hồng lại xuất hiện trong ba lô của mình. Lần trước nàng tiện tay nhặt về, ai ngờ đó là vàng thật. Tính Hoàng Lan không tham đồ của người khác, dù bác không nhắc thì nàng cũng sẽ đem trả, ngặt nỗi nàng còn bận công việc, cho nên đành cất tạm nó trong tủ, định bụng hôm nào xin nghỉ một buổi để mang lên trình báo công an. Nàng nhớ rằng mình đã tự tay khóa chặt cửa tủ, vậy sao giờ lại...?

...

Đông Kinh, năm 1460.

Yên hoa vũ khúc đã kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn còn lắng đọng trong từng góc nhỏ của Thưởng Nguyệt lâu. Người người nhìn Mạc Viên Nhiên với ánh mắt ngây dại, thầm ca ngợi nàng ca kĩ dân gian có thể múa ra điệu múa tài tình nhường ấy.

Bỗng giữa rừng người đang nín thở chợt có tiếng vỗ tay của ai đó vang lên. Gã nô bộc đứng sau âm thầm kêu trời trách đất. Chủ nhân ơi là chủ nhân, nơi này là nơi nào chứ? Ngài nhịn một chút không được hay sao?

"Người như ngọc, múa đẹp như tiên, Yên hoa vũ khúc thật khiến người ta ngưỡng mộ."

Thấy người quen cũ cất lời khen ngợi, Mạc Viên Nhiên chỉ ngẩng đầu cười đáp lễ. Ngược lại, mụ chủ Thưởng Nguyệt lâu lại đon đả chạy đến bên cạnh chàng trai kia, những mong chèo kéo được thêm một khách quý để việc làm ăn của mụ thêm phát tài.

Mặc kệ mụ chủ mồm năm miệng mười, chàng trai rót một chén trà và hướng về phía Mạc Viên Nhiên.

"Nếu tiểu thư Viên Nhiên không chê đường đột, ta xin được kính nàng một chén."

Bấy giờ Mạc Viên Nhiên mới miễn cưỡng đứng lên. Miệng nàng cười nhưng ánh mắt không cười:

"Tôi chỉ là một kẻ hèn kém, lấy ca múa làm niềm vui. Hơn nữa bình sinh tôi không quen uống trà, mong ngài hiểu cho."

Rõ ràng Mạc Viên Nhiên đang từ chối, nhưng cái cách nàng từ chối lại vô cùng lễ nghĩa, không làm cho đối phương mất mặt. Chàng trai hài lòng cười:

"Nếu ta muốn kết giao với nàng, chẳng hay nàng có đồng ý không?"

"Ngài chỉ đang đặt giả thiết, không phải đang ép tôi lựa chọn, có phải không?"

Lần thứ hai ngài mở lời đề nghị, lần thứ hai Mạc Viên Nhiên uyển chuyển lắc đầu. Mãi về sau, thấy mụ chủ quắc mắt nhìn mình, Mạc Viên Nhiên đành rót một chén trà rồi cung kính dâng lên trước mặt.

"Cho phép tôi mượn trà thay lời cảm tạ."

Nói xong, Mạc Viên Nhiên uống cạn một hơi. Ánh mắt của Phạm Anh Vũ thấp thoáng ý cười.

"Tôi biết mình là phận dân đen thấp kém, không xứng với con cháu nhà quyền quý như ngài. Nếu ngài muốn đến Thưởng Nguyệt lâu nghe đàn xem múa thì tôi xin sẵn lòng bồi tiếp, còn những chuyện khác, tôi thực lòng không dám mơ tưởng."

Gã nô bộc đứng sau khẽ thở phào một hơi. Cũng may Mạc Viên Nhiên cũng là người hiểu lễ tiết, không phải phường buôn hương bán phán tầm thường.

"Ta thì lại không nghĩ như thế." Khi mọi người tưởng chàng trai đã bỏ cuộc thì ngài lại nói một câu tỉnh bơ. "Nàng luôn khước từ người trong thiên hạ, phải chăng vì tên Vũ kia đúng không?"

Bị chỉ đến mặt, Phạm Anh Vũ lơ đãng ngẩng đầu nhìn lên.

Đám đông lại được dịp bàn tán xôn xao. Mụ chủ Thưởng Nguyệt lâu thì giận đến tím mặt. Từ ngày Thưởng Nguyệt lâu mở ra, khách khứa lác đác, mãi cho đến khi Mạc Viên Nhiên đến cậy nhờ một chốn nương tựa, việc làm ăn của mụ mới phất lên. Ngặt nỗi tính tình của Mạc Viên Nhiên cũng rất rạch ròi, nàng kiên quyết chỉ hiến vũ chứ không bán thân. Để giữ chân con gà đẻ trứng vàng, mụ tạm thời thỏa hiệp, thậm chí khi nàng yêu cầu mụ tìm người để đệm sáo cho mình múa, mụ cũng đi tìm về. Ai ngờ cái tên thổi sáo kia...

"Thì ra là người anh em."

Phạm Anh Vũ đỡ lời cho Mạc Viên Nhiên. Y thực sự không muốn chuyện trở nên ồn ào.

Vì mải nói chuyện, mấy người họ không để ý đến một lão già đang chộn rộn tiến về phía vũ đài. Lão họ Trương tên Tuần, giữ chức chưởng lịch trong Thái sử viện (1). Ngày Thiên Hưng đế cải phong Bình Nguyên vương thành Gia vương, lão cũng được trộm ngó diện mạo của vương, bởi thế, khi nhìn thấy chàng trai trẻ tuổi kia, lão đã phải tự tát mặt mình cho tỉnh.

"Thần xin ra mắt vương..."

Chẳng kịp để Trương Văn Tuần kịp hô hết câu, gã nô bộc lập tức lao đến chắn trước mặt lão. Rồi theo cái khoát tay của gã, có hai người lạ mặt vốn đứng lẫn lộn trong đám đông cũng lao ra nhanh như một cơn gió. Hai người xốc hai bên nách Trương Văn Tuần và lôi lão trở ngược ra phía cửa, còn luôn miệng cằn nhằn ý bảo lão say rồi, về nhà mau không vợ lại mắng.

Bóng dáng Trương Văn Tuần mất hút khỏi Thưởng Nguyệt lâu trước khi chính lão hiểu điều gì đang xảy ra.

Chuyện xảy ra quá mức chóng vánh, nhưng lại rất đỗi bình thường giữa chốn phong hoa tuyết nguyệt. Mụ chủ đợi xung quanh yên ắng là lại bắt đầu ngọt nhạt dỗ dành khách quý. Nhưng Tư Thành đã chẳng nghe lọt lời nào của mụ nữa. Lão chưởng lịch lễ phép quá thể! Nếu thị vệ của ngài không kịp thời ra mặt kéo lão đi, chắc lão định bô bô cho cả chỗ này biết ngài là ai chắc?

Cuối cùng, Tư Thành thu tay gấp quạt rồi chợt phá lên cười:

"Quên không nói cho tiểu thư Viên Nhiên biết, ta cũng không phải kẻ thích ép uổng người khác. Nàng cứ ở đây ca múa theo sở nguyện, sau này nếu có lúc rảnh rỗi, ta sẽ lại đến đây xem múa, thưởng trà."

Còn lâu ngài mới quay lại nơi này lần nữa!

Nói xong, Tư Thành phất tay áo rời đi, bỏ lại một đám người chưng hửng vì đang xem dở chuyện hay. Những thị vệ vốn cải trang thành thường dân cũng âm thầm nối gót Gia vương của họ rời khỏi Thưởng Nguyệt lâu ngay sau đó.

Phạm Anh Vũ nhìn theo bóng dáng Tư Thành, không hiểu nghĩ gì mà khóe miệng bất chợt nở một nụ cười, bàn tay cũng siết chặt cây sáo hơn.

Mà người vừa ung dung rời đi đó, Gia vương Lê Tư Thành, cũng không ngờ rằng chỉ một tháng sau, triều chính sẽ một lần nữa nghiêng ngả, và vận mệnh hiển hách của ngài sẽ chính thức bắt đầu...

...

Hiện đại,

Quãng đường từ Hà Nội xuống Hạ Long mất hơn bốn tiếng ngồi xe khách. Hoàng Lan và Trường Giang đặt chân xuống đến Hòn Gai khi trời vừa non trưa. Nhưng hai người họ không định đi tàu du lịch tham quan vịnh. Hoàng Lan thích những hành trình đơn giản và thiên về trải nghiệm lịch sử hơn, bởi thế, trước tiên nàng sẽ cùng Trường Giang chinh phục núi Bài Thơ, ngọn núi xinh đẹp có lưu bút tích của vị vua nổi tiếng thời Lê Sơ.

Đường lên núi mở ra bằng một con ngõ nhỏ nằm ngay cạnh ngôi nhà bán chè Thái Nguyên. Núi không cao nhưng có những đoạn khá dốc, tre rủ xuống um tùm, xòa cả vào mặt, vào vai người đi. Trường Giang sợ Hoàng Lan bị trượt chân nên rất chịu khó đỡ tay nàng. Những lúc ấy, Hoàng Lan thực sự chỉ muốn bật cười. Cậu lúc nào cũng coi nàng như con nít cần bảo vệ vậy!

Mất hơn nửa tiếng để hai người họ leo đến đỉnh núi Bài Thơ. Nắng vẫn vàng nhưng không gay gắt. Từ nơi này nhìn xuống, vịnh Hạ Long như bức tranh thu nhỏ, đẹp đến nao lòng. Trường Giang vốn rất thích những khung cảnh kì vĩ như thế nên cứ lấy máy ảnh ra chụp lia lịa, trong khi đó, Hoàng Lan lại chăm chú nhìn tấm bia đá lớn ở bên tay phải của mình.

Từ đỉnh núi này, hàng ngàn năm trước đã là vọng gác trọng yếu vùng biên ải đông bắc của tổ quốc. Đêm đêm lính canh rọi đèn báo hiệu chỉ đường cho thuyền bè cập bến, khi có giặc thì đốt lửa báo tin về kinh đô. Dân gian gọi là núi Rọi Đèn, tên chữ là núi Truyền Đăng.

Mùa xuân năm 1468, vua Lê Thánh Tông đề thơ khắc trên vách đá, từ đó gọi là núi Bài Thơ...

Nét chữ khắc trên đá, phủ mờ bụi lịch sử, cứ thế đọng lại trong tâm trí Hoàng Lan như thôi miên. Nàng không còn để ý đến non nước ngút ngàn tầm mắt nữa. Đưa tay chạm nhẹ lên tấm bia đá, Hoàng Lan chợt cảm thấy như có luồng điện chạy dọc cơ thể, dữ dội và quái đản, khiến nàng gần như nghẹt thở.

"Thì ra... là ở đây."

Hoàng Lan lẩm bẩm trong vô thức. Trường Giang khó hiểu hạ máy ảnh xuống, không biết nàng vừa nói "cái gì" ở đây.

Trời đang nắng bỗng nhiên ùn ùn nổi mây đen. Trường Giang đen mặt khi nghĩ về nơi mà bọn đang đứng. Vẫn biết mưa giông mùa hè thường đến bất chợt, nhưng rõ ràng thời tiết vừa nãy còn rất đẹp, đâu có dấu hiệu gì dự báo trời sắp mưa?

Bóng tối ập xuống. Vài phút sau, gió bắt đầu nổi.

"Hoàng Lan!"

Trường Giang chuẩn bị kéo Hoàng Lan tìm đường xuống núi. Trong lòng cậu xuất hiện một linh cảm rất quái lạ, khi mà Hoàng Lan cứ bần thần nhìn tấm bia đá, thậm chí còn không nhận ra thiên nhiên đang cuồng nộ trên đầu.

Một tiếng nổ kinh thiên động địa chợt đánh thức Hoàng Lan khỏi giấc mộng. Tiếng nổ ấy không xuất phát từ chân trời đằng xa. Nó vang lên ngay bên cạnh nàng.

Có tiếng đá vụn lộc cộc lăn xuống vực.

Thề có Chúa, Hoàng Lan cảm thấy như bị ai đó kéo đi, nhưng bàn tay của Trường Giang thì vẫn còn cách nàng một đoạn. Không gian xung quanh bỗng trở nên mờ nhạt. Xen giữa tiếng gió là một thanh âm gì đó mơ hồ, lúc rào rào như tiếng vỗ cánh của đàn ong, khi lại ai oán như tiếng người giục giã. Hoàng Lan vô thức đưa hai tay lên bịt tai, nhưng những âm thanh ma quái kia vẫn bám riết lấy nàng. Nàng đã hoàn toàn mất phương hướng. Một vách đá sâu hiện ra, chờn vờn, nhọn hoắt. Lực kéo càng lúc càng mạnh, khiến nàng không tự chủ được tiến dần về phía trước.

Và rồi, Nguyễn Hoàng Lan cảm thấy bản thân đang rơi dần. Trong giây phút nửa tỉnh nửa mê, nàng vẫn kịp nhìn thấy bàn tay của Trường Giang vươn ra giữa khoảng không cao vời vợi, nhưng khi ánh chớp xanh nhá lên, tất cả những ảo ảnh ấy đều trở nên vô nghĩa...

(Quá khứ là lời biện giải của hiện tại. Vòng xoáy trầm luân của lịch sử, từ đây sẽ bắt đầu).

...

Chú thích:

(1) Thái Sử viện. Cơ quan phụ trách ghi chép thiên văn, lịch pháp, thủy văn thời Lê Sơ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro