Chương 3: Lạc lối

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Người tiều phu nghèo Từ Trọng Sinh cặm cụi lên núi như thường lệ. Nhưng chiều qua mới mưa nên sẽ không có củi khô. Lần này, y lên núi là để tìm ít lá thuốc hái mang về.

Đến non trưa, Từ Trọng Sinh ngồi xuống nghỉ ngơi bên một gốc cây. Y vừa định giở nắm xôi ra ăn thì đột nhiên giật nảy người. Hình như ở bụi cây phía trước có thứ gì đó? Nắm chặt con dao trong tay, Từ Trọng Sinh cảnh giác tiến lại gần, nhưng thứ mà y tìm thấy không phải dã thú mà lại là một người con gái. Nàng đang nằm mê man, tay chân bị gai cây rừng cào xước rớm máu, không rõ là trượt chân ngã hay bị người ta hãm hại. Thứ trang phục mà nàng khoác lên người càng lạ kì hơn, áo không ra áo, váy chẳng phải váy, thậm chí đến chất liệu để dệt ra nó, Từ Trọng Sinh cũng chưa từng nhìn thấy bao giờ. Từ Trọng Sinh vốn ít học nên không biết phải diễn tả cảnh tượng quái đản này ra sao. Y cứ ngây ra như phỗng, mãi sau mới sực nhớ ra mình cần phải làm gì.

...

Hoàng Lan mệt mỏi mở mắt ra. Luồng sáng mờ mờ hắt qua tấm liếp khiến nàng biết rằng mình vẫn còn sống. Một mùi nồng nồng theo gió thổi tới, giống như có ai đó đang sắc thuốc bắc. Cổ tay nàng cũng được đắp (có vẻ là) lá thuốc. Thất thần, Hoàng Lan vội bật dậy và lập tức sững sờ khi nhìn thấy cảnh tượng xung quanh.

Đó là một căn nhà vách đất, mái lợp lá gianh thay vì xây gạch lợp ngói như thường thấy. Xung quanh không có đồ đạc gì đáng kể, ngoại trừ bộ bàn ghế tre thô mộc cùng với mấy chiếc bồ (nếu nàng nhớ đúng tên) chất chồng nhau ở một góc nhà. Ngô sắn được treo ở phía gần cửa. Dù đã cố tìm thật kĩ, Hoàng Lan vẫn không tìm thấy công tắc điện ở đâu. Bên trong nhà khá tối, ngoại trừ ánh nắng hắt qua tấm liếp, nguồn sáng duy nhất đến từ cây nến cắm vào vỏ con trai đặt giữa nhà. Loại nến này khá to và thô, không giống nến người ta vẫn hay dùng ở thời hiện đại.

Thật chẳng biết nàng đã lạc đến vùng thâm sơn cùng cốc nào nữa?

Lò dò vén tấm liếp bước ra, trước mặt Hoàng Lan là một khoảnh sân lởm chởm cát sỏi, lẫn với rơm khô. Rơm rạ chất thành đống ở cạnh chum nước đằng xa. Một người mặc bộ quần áo nông phu chắp vá đang ngồi xổm quạt quạt niêu thuốc cho chóng nguội. Chứng kiến tất cả những cảnh ấy, Hoàng Lan không thể không đưa tay dụi mắt thêm lần nữa. Chuyện này là sao? Rốt cuộc nàng có còn ở Hà Nội nữa hay không?

"Cô tỉnh rồi à?"

Hoàng Lan nheo mắt lại. Anh chàng áo nâu kia đang nói chuyện với mình?

"Anh... anh hỏi tôi à?" Nàng trỏ tay vào người mình, không tin ở thời đại này vẫn còn có người ăn mặc giản dị đến thế!

Người kia cũng ngạc nhiên không kém:

"Ở đây chỉ có ta và cô, ta không hỏi cô thì hỏi ai? Lúc ta tìm thấy cô thì cô đang bị thương, ngất đi ở chân núi..."

Cảm giác đau nhức lại hiển hiện trong Hoàng Lan. Kì thực cơn đau ấy chưa lúc nào dịu xuống, chỉ vì nàng vừa quá kinh ngạc nên mới tạm quên nó mà thôi.

"Xin lỗi anh, nhưng đây là đâu?" Hoàng Lan rụt rè hỏi. "Vùng này đã mắc điện chưa?"

Từ Trọng Sinh bất lực nhíu mày. Y ngẫm nghĩ một lúc mà không sao hiểu được nàng đang nói gì.

"Đây là Đông Kinh. Ta tên là Từ Trọng Sinh. Nhà ta ở làng Đan Xá, ngoại vi kinh thành." Y giới thiệu ngắn gọn.

Đông Kinh? Tên gọi cũ của thành Thăng Long? Hoàng Lan chọi đầu vô cửa. Cảm giác đau là thật! Và anh chàng áo nâu ăn nói khó hiểu kia cũng là thật!

"Làng Đan Xá cách... cách Hà Nội xa không?"

"Hà Nội?" Từ Trọng Sinh lắc đầu rồi hỏi ngược lại. "Đó là nơi nào?"

Sự lo lắng trong lòng Hoàng Lan càng dâng lên mỗi lúc một mãnh liệt. Dù họ đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt nhưng anh chàng này thậm chí không biết Hà Nội là nơi nào. Có người Việt Nam nào lại không biết Hà Nội không? Một giả thiết thoáng hiện lên trong đầu khiến Hoàng Lan lạnh cả sống lưng. Nàng bắt đầu đi vòng quanh ngôi nhà như thể đang tìm kiếm một thứ gì đó.

Tuyệt nhiên không có dấu vết của thời hiện đại!

"Này anh ơi, cho tôi hỏi đang là năm nào vậy?"

Khi Hoàng Lan trở lại sân thì Từ Trọng Sinh cũng đã rót thuốc ra bát xong.

"Cô vẫn còn mệt thì đừng hỏi nhiều như vậy. Thuốc ta sắc xong rồi đó. Uống đi cho mau khỏe."

"Nhưng tôi muốn biết bây giờ đang là năm nào?"

Hoàng Lan không còn tâm trí đâu để mà uống thuốc. Vẻ mặt của Trọng Sinh càng khó coi hơn. Chẳng lẽ cô gái này bị thương đến nỗi loạn trí rồi?

"Giờ đang là năm Quang Thuận thứ nhất."

"Năm Quang Thuận thứ nhất?"

Hoàng Lan mông lung nhắc lại. Nếu như đối với Từ Trọng Sinh, Hà Nội là một nơi xa lạ thì đối với nàng, Quang Thuận cũng là một khái niệm thời gian không rõ ràng.

"À... gần đây có xảy ra sự kiện gì đặc biệt không anh?"

Ngoài việc Thiên hưng đế bị phế, Gia vương đăng cơ, Từ Trọng Sinh chẳng biết có chuyện gì đặc biệt khác. Nhưng cô gái này đã không biết Quang Thuận là gì nên y có nói cũng vô ích.

"Không có." Y lắc đầu.

"Nhất định phải có chứ?" Dù biết bất lịch sự nhưng Hoàng Lan vẫn cố nài nỉ. Nàng cần xác định chính xác đây là thời đại nào. "Vài năm trước, vài chục năm trước cũng được, anh cố nhớ hộ tôi với!"

Gương mặt Từ Trọng Sinh thoáng chút tự hào:

"Mấy chục năm trước, vua Thái Tổ đã đánh tan giặc Ngô phương Bắc, giành lại được giang sơn Đại Việt. Chuyện này xảy ra cũng phải hơn ba mươi năm rồi, bà ngoại ta vẫn thường kể cho con cháu nghe lắm! Năm xưa bà từng nấu ăn trong doanh trại của nghĩa quân Lam Sơn..."

Từ Trọng Sinh còn nói gì đó nhưng tất cả đều không lọt vào tai Hoàng Lan nữa. Nàng vừa nhận ra một điều đáng sợ.

"Anh ơi, không phải các anh đang quay truyền hình thực tế đấy chứ?"

Từ Trọng Sinh nhìn Hoàng Lan như kẻ trộm.

"Vua Lê Thái Tổ mà anh vừa nói có phải tên là Lê Lợi không?"

Từ Trọng Sinh giật bắn mình. Y cuống quýt bịt miệng Hoàng Lan lại:

"Cái cô này! Cô gọi thẳng tên húy của đức vua ra như vậy, không sợ chết à?"

Hoàng Lan suýt xỉu tiếp tại chỗ.

Được một lúc thì vợ của Từ Trọng Sinh về tới nhà. Nàng ta tên Hà, nhìn chung là một người phụ nữ thôn quê chân chất, hiền lành.

Theo như lời Từ Trọng Sinh kể, khi y đi lên núi thì bắt gặp Hoàng Lan đang ngất đi ở một bụi cây. Vì không nỡ để nàng nằm lại nơi rừng thiêng nước độc, y đành cõng nàng về nhà. Hai vợ chồng Từ Trọng Sinh cố gắng đắp lá thuốc trị thương, đến cuối ngày, Hoàng Lan mới tỉnh lại.

Phải khó khăn lắm, Hoàng Lan mới chấp nhận sự thật hoang đường rằng nàng, bằng một cách quái đản nào đó, đã lạc về quá khứ. Đang đi leo núi cùng Trường Giang, nàng gặp một cơn giông rồi bỗng chốc tỉnh dậy ở thời Lê cách đó vài thế kỉ. Chuyện này mà kể ra, người ta không tống nàng vào Trâu Quỳ mới lạ!

Dĩ nhiên ở thời đại này không có Trâu Quỳ. Muốn vào Trâu Quỳ, ít nhất nàng phải tìm được cách trở về thời đại của nàng trước đã.

Hoàng Lan chợt nghĩ đến chiếc vòng mà nàng đã nhặt được dạo nọ. Càng nghĩ, nàng càng cảm thấy chiếc vòng ấy có vấn đề. Chỉ riêng việc nó vô duyên vô cớ xuất hiện trong ba lô của nàng đã là một chuyện khó hiểu rồi. Lục tìm trong túi áo, Hoàng Lan chỉ thấy chiếc bật lửa mà Trường Giang tặng nàng, còn chiếc vòng cổ kì quái thì đã biến mất. Nàng hỏi Từ Trọng Sinh, y cũng lắc đầu, nói rằng mình chưa nhìn thấy món trang sức ấy bao giờ.

...

Mấy hôm nay, Hoàng Lan đều cố gắng ngủ thật sâu, những mong sau khi tỉnh dậy, nàng sẽ được trở về Hà Nội, và giấc mộng này sẽ biến mất như chưa từng tồn tại. Nhưng không, nàng mở mắt ra, vẫn là khung cảnh cổ kính mà lạ lẫm. Mọi thứ vẫn hiển nhiên tồn tại như một giấc mộng hoang đường.

Vợ chồng Từ Trọng Sinh là những người hiền lành. Ở với họ, nỗi sợ và cảm giác lạ lẫm của Hoàng Lan dần vơi bớt. Sang đến ngày thứ bảy, Hoàng Lan lần đầu tiên rời khỏi nhà. Nàng tò mò theo chân vợ chồng Từ Trọng Sinh vào trong nội thành Đông Kinh, thử một lần khám phá thế giới mà cách đây không lâu, nàng chỉ từng đọc về nó trong sách vở.

...

Tiết trời mùa hè ở Đại Việt khá nóng nực. Sau khi lên triều xong, Tư Thành ngồi nghỉ ở thủy đình cạnh điện Bảo Quang. Một viên nội thị bưng khay trà tới, cung kính dâng lên hoàng thượng một chén trà ướp hương sen.

"Bệ hạ..."

Tiếng gọi ngọt ngào của ai đó khiến Tư Thành dừng động tác uống trà. Ngài ngẩng đầu nhìn mỹ nhân đang tiến lại gần. Dáng điệu uyển chuyển thướt tha, khuôn miệng nhỏ xinh nổi bật giữa làn da trắng như tuyết. Hôm nay nàng ta mặc một chiếc yếm quây cổ màu xanh nhạt, trên yếm có đính châu ngọc; bên ngoài khoác áo giao lĩnh (1) màu hồng, viền cổ và tay áo đều thêu hình hoa cúc, tinh xảo và rực rỡ vô cùng.

Mỹ nhân hoa nhường nguyệt thẹn này là chiêu nghi Phùng Diệm Quỳnh, con gái của quan gián nghị đại phu đương triều Phùng Văn Đạt.

Trông thấy Phùng Diệm Quỳnh xuất hiện, sắc mặt của Tư Thành cũng không thay đổi nhiều lắm. Phùng Diệm Quỳnh cùng chị gái theo hầu Tư Thành từ khi ngài còn là Bình Nguyên vương. Trong số các thê thiếp ở vương phủ, nhan sắc của nàng ta nổi trội nhất, lại rất biết cách khiến người khác chú ý, không nhạt nhòa như người chị của mình. Ngài vừa đăng cơ, Phùng Diệm Quỳnh được phong làm chiêu nghi, tước vị đứng đầu trong cửu tần.

Phùng Diệm Quỳnh hành lễ với Tư Thành rồi mỉm cười đầy ý nhị. Từ lúc nàng ta xuất hiện, Tư Thành biết buổi sáng nay của ngài sẽ lại bận rộn rồi!

"Nàng không ở trong Đan Ngọc các tránh nóng, lại đi ra đây tìm trẫm?"

Phùng Diệm Quỳnh chưa bao giờ chịu thua kém ai. Nàng ta tình cờ gặp ngài mới là chuyện lạ!

Phùng Diệm Quỳnh vờ phụng phịu đáp:

"Mấy ngày nay thời tiết nóng bức. Thần thiếp nghĩ bệ hạ mới đăng cơ, nhiều chuyện cần xử lý, nhất định sẽ rất mệt mỏi nên đã tự tay làm món chè long nhãn mà người thích ăn nhất. Thần thiếp biết mình nấu ăn kém xa Nguyễn tài nhân, nhưng dù sao đây cũng là lần đầu tiên thần thiếp tự vào bếp, bệ hạ không chê di giá đến Đan Ngọc các chứ ạ?"

Nói tóm lại là lấy đồ ăn dụ trẫm chứ gì! Tư Thành thầm nghĩ nhưng vẫn mỉm cười, vui vẻ cùng Phùng Diệm Quỳnh bãi giá Đan Ngọc các.

Sắc áo tím huyền hoặc như sương khói. Khi Tư Thành cùng Phùng Diệm Quỳnh rời khỏi thủy đình, Phùng Thục Giang cũng xoay gót rời đi.

...

So với vùng quê nghèo như làng Đan Xá, nội thành Đông Kinh thực sự phồn hoa hơn gấp bội. Càng vào sâu trong thành, nhà cửa càng san sát nhau, lều tranh vách đất được thế chỗ bởi những ngôi nhà lợp ngói khang trang. Dọc hai bên đường, hàng quán được bày ra, thu hút khá nhiều người mua kẻ bán. Thứ được đem ra bày bán chủ yếu là nông sản và sản phẩm thủ công do người dân tự tay làm. Hoàng Lan ban đầu còn e ngại, sau đó thì nàng còn hào hứng hơn cả vợ chồng Trọng Sinh, chỗ nào thấy đông người cũng tò mò chen vào xem.

Hôm nay Hoàng Lan mặc một chiếc váy quây màu nâu đã sờn cũ. Chiếc váy này là Hà cho nàng mượn. Nhập gia tùy tục, dù Hà không nhắc thì Hoàng Lan cũng hiểu.

Đi cả ngày, cuối cùng Hoàng Lan cũng chọn mua một bộ quần áo mới. Không thể mặc đồ đi mượn mãi được. Khốn nỗi nàng đang trong cảnh không có nổi một xu dính túi, sống nương nhờ vợ chồng Từ Trọng Sinh nên khi chọn áo cũng chỉ dám chọn chiếc nào thật rẻ tiền. Thấy Từ Trọng Sinh đưa cho người bán hàng năm đồng xu nhỏ, nàng áy náy muốn trả đồ lại, Hà mỉm cười và nói rằng năm tiền là giá rẻ nhất rồi.

Sự thanh bình của phố chợ đột nhiên bị phá vỡ bởi tiếng ngựa hí dồn, cùng tiếng người quát tháo ầm ĩ. Hoàng Lan còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã bị Từ Trọng Sinh kéo lùi vào lề đường. Những người đang mua sắm cũng vội vàng dạt sang hai bên để nhường lối cho kẻ vừa xuất hiện.

Đó là một gã áo gấm bảnh bao, nhìn qua cũng biết là công tử con nhà giàu. Hắn dẫn theo một đám gia đinh đi lại như chỗ không người. Lúc đoàn người ngựa của gã tiến lại gần, Hoàng Lan mới để ý thấy một bé gái tầm tám, chín tuổi đang bị giễu đi theo sau đuôi ngựa. Hai tay nó bị trói gô lại bằng một sợi dây thừng, còn tên áo gấm cầm đầu sợi dây, dắt theo đứa bé như dắt một con vật. Sức trẻ con không đọ lại được sức ngựa. Đứa trẻ chạy được vài bước rồi lại loạng choạn khụy xuống, gần như bị kéo lê đi. Hai chân nó chà sát trên mặt đường đến rớm máu. Nhưng mặc cho nó khóc lóc, gã kia vẫn chẳng mảy may xúc động, có chăng, hắn chỉ kìm cương chậm lại đôi chút để đứa trẻ không bị ngựa kéo chết mà thôi.

"Gã là Lê Thụ, con trai út của thiếu úy Lê Lăng. Không như người anh cả Lê Bộc, Lê Thụ là một tên ác bá nổi tiếng ở kinh thành." Thấy Hoàng Lan cứ nhìn chăm chăm vào Lê Thụ, Từ Trọng Sinh hơi hạ giọng giải thích. "Ức hiếp dân thường, cho vay nặng lãi, chiếm đoạt con gái nhà lành... không có việc ác ôn nào mà tên Lê Thụ này không dám làm. Có lẽ cha mẹ đứa bé này thiếu tiền Lê Thụ, đến hạn không trả được nên gã mới bắt con gái người ta đi làm tôi tớ..."

Hoàng Lan bức xúc hỏi:

"Thế không có ai tố cáo gã sao? Gã làm nhiều việc phạm pháp thế mà cảnh... à, quan lại cũng nhắm mắt làm ngơ à?"

Từ Trọng Sinh ảm đạm đáp:

"Cha của Lê Thụ làm quan đến chức nhập nội thiếu úy, nghe đâu ông ta còn có một người con nuôi là phi tần của bệ hạ. Gia thế của bọn họ hiển hách lắm, chúng tôi có muốn tố cáo cũng chẳng tố cáo nổi. Hồi trước có người bị gã bắt mất con gái, uất quá định tìm quan lớn kêu oan, nào ngờ án còn chưa được xử thì người đó đã bị Lê Thụ sai thuộc hạ đánh gãy chân, cuối cùng phải bỏ đi biệt xứ." Kể xong chuyện cũ, Từ Trọng Sinh thở dài kết luận. "Dân nghèo như chúng tôi chỉ mong sống yên ổn. Tố cáo Lê Thụ có khác gì lấy trứng chọi đá, đến cuối cùng, người thiệt thòi vẫn là dân thôi."

Nhưng những lời giải thích của Từ Trọng Sinh chẳng thể giúp Hoàng Lan nguôi giận. Con quan lớn thì đã sao? Con quan lớn thì được phép làm chuyện thất đức à?

Vó ngựa vẫn đều đặn gõ lộc cộc. Tiếng thổn thức van nài như đứt thành từng đoạn và lặng lẽ biến mất trong dòng người hỗn độn. Có lẽ Từ Trọng Sinh nói đúng. Dân nghèo chỉ mong sống yên ổn. Nhưng đối với Hoàng Lan, mạng người còn quan trọng hơn sự yên ổn ấy. Nếu Lê Thụ cứ tiếp tục kéo lê thêm một đoạn nữa, biết đâu đứa trẻ tội nghiệp kia sẽ không sống nổi?

Đúng lúc Hoàng Lan định bước ra thì có một bàn tay giữ lấy nàng.

"Đừng làm vậy!" Từ Trọng Sinh đủ tinh ý để nhận ra ý định dại dột trong đầu Hoàng Lan. "Chúng ta chỉ là phận dân đen thấp cổ bé họng, đừng dại dột lấy trứng chọi đá!"

"Ngộ nhỡ đứa trẻ bị hắn kéo chết thì sao?"

"Thì coi như nó phúc mỏng đi. Nếu tử tế một chút, biết đâu Lê Thụ sẽ vứt cho bố mẹ nó ít tiền để lo việc ma chay."

"Là một mạng người đấy..."

"Lê Thụ không phải là kẻ biết nói lý." Từ Trọng Sinh lắc đầu, có vẻ y không muốn tiếp tục dính dáng đến chuyện không phải của mình nữa.

Chiều buông xuống. Nắng tắt dần. Hoàng Lan nhìn theo bóng hình gầy gò run rẩy ấy, trong lòng cảm thấy nghèn nghẹn.

...

"Công tử Lê Thụ, khoan đi đã!"

Chính Hoàng Lan cũng không hiểu mình lấy đâu ra can đảm để gọi Lê Thụ lại. Hình như lương tâm của nàng đã lên tiếng trước lý trí. Ở một bên, Từ Trọng Sinh và Hà thấp thỏm nhìn nhau. Bọn họ không kịp ngăn cản nàng.

Lê Thụ khinh khỉnh quay đầu nhìn Hoàng Lan rồi bật cười nham nhở:

"Cô em muốn gì?"

Cô em?

Dĩ nhiên Hoàng Lan nhận ra giọng điệu cợt nhả của Lê Thụ. Nhưng đâm lao thì phải theo lao, nàng sẽ cố gắng không để đứa trẻ tội nghiệp kia chết sau vó ngựa của Lê Thụ!

Người dân đều nhìn thấy một người con gái can đảm tiến đến trước mặt Lê Thụ.

"Anh tha cho cô bé này được không ạ? Nó chỉ là một đứa trẻ, còn chưa làm gì lên tội..."

Ở thời hiện đại, trẻ em được xã hội quan tâm, không thể bị hành hạ đến mức này. Có thể đứng ngọt nhạt thương lượng với Lê Thụ, thực ra là Hoàng Lan đã nhẫn nại lắm rồi, chứ trong thâm tâm, nàng chỉ muốn chọi luôn cả cục gạch vào mặt gã!

"Haha, cô em muốn ta thả người?" Lê Thụ cảm thấy thật nực cười. "Cha của con bé này vay ta năm quan tiền, lúc vay nợ có giấy trắng mực đen rõ ràng, giờ lão ta chết mà vẫn không trả được hết nợ, ta bắt con lão về làm nô bộc thì có gì sai? Dùng năm quan tiền để rước một đứa vô dụng về nhà nuôi báo cô, cô em tưởng ta thích lắm à?"

Cường hào ác bá cũng có dăm ba loại. Có loại ác ôn lộ liễu. Có loại đểu cáng mặt dày. Lê Thụ chính là loại thứ hai.

"Nhưng ít ra công tử cũng không nên kéo con bé đi như thế." Hoàng Lan lựa lời đối đáp. Nàng muốn đấm vào mặt gã quá! "Anh cũng thấy rồi đấy, đường nhiều cát sỏi, ngựa của anh lại chạy nhanh, con bé xước xát hết cả người rồi kìa."

Một vài người tò mò nhìn Hoàng Lan. Nạn nhân cũng ngước ánh mắt trong veo lên nhìn nàng. Dù sao, đây cũng là lần đầu tiên có kẻ dám đứng ra kì kèo về hành vi của Lê Thụ!

Rõ ràng Lê Thụ đang tính toán điều gì đó trong lòng, nhưng gã vẫn giữ nguyên điệu cười nham nhở cố hữu, một lúc sau mới giả bộ khó xử:

"Giờ khó nhỉ? Chẳng lẽ ta lại mất không năm quan tiền? Hay thế này đi, nếu cô em làm được một việc, ta sẽ thả người."

Hà rụt rè giật giật tay áo Hoàng Lan, ra hiệu cho nàng dừng việc liều lĩnh này lại ngay. Thực ra Hoàng Lan cũng không biết mình có thể theo đến cùng không, nhưng nếu hôm nay không thể cứu đứa trẻ kia, chắc chắn sau này gã sẽ càng hành nó thê thảm.

"Không biết điều kiện của anh là gì?" Hoàng Lan bình tĩnh hỏi:

Lê Thụ nhếch mép đầy nham hiểm:

"Không được dùng dao, kéo hay thứ gì tương tự, nếu chỉ dựa vào bản thân cô em mà có thể cắt đứt sợi dây thừng trong tay ta, ta hứa sẽ tha cho đứa trẻ này. Bằng không..." Gã chớp chớp mắt. "Ta sẽ bắt luôn cả cô về làm nô bộc rửa chân, được chứ?"

Đám đông xung quanh lập tức xôn xao. Không dùng dao thì làm sao cắt đứt  được dây thừng? Tất nhiên cũng không ai dại chường mặt ra cho Hoàng Lan mượn con dao hay cái kéo, trừ khi kẻ đó muốn mời Lê Thụ đến đốt nhà!

Với điều kiện hoang đường này, Lê Thụ đã nắm chắc phần thắng trong tay. Thực ra gã vốn không cần dài dòng như vậy. Nhưng giữa chốn chợ búa đông đúc, dù có bắt người về thì gã cũng muốn phải đường hoàng một chút.

Thấy Hoàng Lan vẫn đứng tần ngần một chỗ, gã hơi cụt hứng:

"Sao thế? Cô em sợ rồi à?"

Thực ra, Hoàng Lan đang nghĩ đến chiếc bật lửa. Nó là quà sinh nhật mà Trường Giang mới tặng nàng. Tặng nhau bật lửa thì cũng hơi kì, nhưng chiếc bật lửa này in hình cỏ ba lá, lại có gắn móc đeo, nhìn chung giống một món đồ trang trí hơn là để châm lửa hút thuốc. Hoàng Lan rất thích chiếc bật lửa này, đi đâu cũng mang theo như một thói quen, nào ngờ hôm nay lại có việc dùng tới.

Nở một nụ cười tự tin, Hoàng Lan chậm rãi nói:

"Chỉ không dùng dao kéo sắc nhọn thôi phải không?"

"Ừ"

"Hy vọng anh nói lời thì giữ lời."

Lê Thụ miễn cưỡng gật đầu. Hắn đang hơi bực mình vì bị giữ chân ở đây.

Rồi Hoàng Lan cẩn thận lấy ra một vật gì đó nhỏ nhỏ, dài dài. Vì nàng cố tình khom người nên mọi người không nhìn rõ điều gì đang xảy ra, chỉ trông thấy ngón tay cái của nàng bấm bấm vài cái, rồi bỗng nhiên, từ vật lạ hoắc ấy, một ngọn lửa bùng lên. Đám đông sợ hãi lùi lại một bước, vài đứa trẻ tóc còn để chỏm thì lại thích thú reo ầm lên khi nhìn thấy ngọn lửa.

Dây thừng có chắc đến đâu cũng không đọ lại sự thiêu đốt của lửa. Mùi thừng bị đốt bốc lên khét lẹt, rồi chỉ một lúc sau, sợi dây đứt làm đôi trong sự hoang mang lẫn lộn của tất cả mọi người.

Bao gồm cả Từ Trọng Sinh! Bao gồm cả Lê Thụ!

Lúc đặt điều kiện, Lê Thụ đã dám chắc phần thắng. Dao, kéo, kiếm, gươm ư? Nàng đâu có mấy thứ ấy! Vậy mà sợi dây thừng vẫn đứt trong tay nàng, hơn nữa cái vật quái dị kia còn khạc ra lửa? Ma quỷ hiện hình hay là...

Hoàng Lan ném sợi dây trước mặt Lê Thụ, rõ ràng không muốn lằng nhằng thêm với gã khó ưa này.

"Dùng lửa đốt dây không bị tính là phạm luật phải không? Tôi đã thực hiện được theo yêu cầu của anh rồi, giờ mong anh giữ đúng lời hứa, tha cho đứa trẻ này đi ạ."

Lê Thụ tức nghẹn họng. Gã trợn mắt nhìn Hoàng Lan, trong phút chốc, bao nhiêu sĩ diện đều bay sạch. Muốn gã thả người ư? Nằm mơ đi! Gã còn đang muốn bắt luôn đứa con gái to gan lớn mật này về để giày vò cho hả dạ thì có. Xưa nay chỉ có kẻ khác nhường nhịn gã, gã đã phải nhường nhịn ai bao giờ!

Hoàng Lan thì lại cho rằng giữa chốn phố chợ đông người, Lê Thụ không tiện lật lọng.

Trong phút chốc, những người xung quanh đều ái ngại nhìn Hoàng Lan. Cô gái trẻ này quá ngây thơ rồi! Muốn Lê Thụ giữ lời hứa ư? Từ xưa đến nay, chưa ai chọc giận Lê Thụ mà có kết cục tốt đẹp cả.

Đúng lúc ấy, một tên gia nô từ đâu chạy tới và ghé tai Lê Thụ nói nhỏ vài câu. Bản mặt đang đắc ý của gã đột nhiên sa sầm lại.

"Ta còn có việc phải làm, không rảnh tranh cãi với cô em nữa. Nhưng mà nhớ đấy, tốt nhất cô em chỉ nên thắng ta một lần này thôi."

Gầm ghè dọa nạt xong, Lê Thụ thúc ngựa bỏ đi thẳng, không thèm nhìn lại dù chỉ một lần.

Duyên nợ giữa Hoàng Lan và Lê Thụ chưa kết thúc ở đây. Nhưng đó là chuyện của sau này, còn bây giờ, nàng chỉ thấy vui vì đã cứu được đứa trẻ tội nghiệp kia.

...

"Hoàng Lan à, thứ này là gì vậy? Nó có thể biến ra được lửa thật à?"

Hà tò mò hỏi khi ba người họ về đến nhà.

Vì muốn che giấu việc mình từ tương lai lạc đến đây, Hoàng Lan chỉ cười cười lấp liếm cho qua chuyện. Người có thái độ khác thường nhất lại là Từ Trọng Sinh. Dọc đường về, mặt mũi y cứ nhăn nhó, chốc chốc lại thở dài, giống như vừa đánh rơi cả chục quan tiền vậy.

Hoàng Lan biết, Từ Trọng Sinh sợ Lê Thụ kéo người đến trả thù.

Nhưng nếu được lựa chọn lại, Hoàng Lan vẫn lựa chọn cứu người. Có những lúc con người ta chấp nhận liều lĩnh, không phải vì muốn tỏ ra mình mạnh mẽ hay để gây sự chú ý, mà cốt yếu, lương tâm không cho phép họ trơ mắt đứng nhìn mà thôi.

Thế giới xa lạ này, vẫn còn rất nhiều điều đang chờ đợi nàng phía trước.

...

Chú thích:

(1) Áo giao lĩnh. Là một loại áo phổ biến thời phong kiến Việt Nam. Khác với áo Viên lĩnh (áo cổ tròn), áo giao lĩnh cổ chéo, kéo qua nách dưới bên phải của người mặc, thân áo thường kéo dài qua hẳn đầu gối, dài đến mắt cá chân hoặc nửa bắp chân. Bên trong có mặc một hoặc hai lớp áo lót, cũng kiểu giao lĩnh như vậy nhưng ngắn hơn, còn gọi là áo Trung đơn. Bên dưới, đàn ông thường mang quần chân, đàn bà mặc váy tròn. Ngoài ra còn có một khố vải dài thắt ở thắt lưng để che hạ thể, còn gọi là Thường. Người ta thường dùng dây buộc để thắt áo trung đơn và Thường, ngoài mặc thêm một lớp áo Giao lĩnh dài.

(2) Cấp bậc trong hậu cung nhà Lê:

Hoàng hậu (nhưng các vị vua nhà Lê Sơ thường không phong hoàng hậu khi còn sống).

Tam phi. Quý phi, Minh phi, Kính phi.

Cửu tần. Chiêu nghi, chiêu dung, chiêu viên, tu nghi, tu dung, tu viên, sung nghi, sung dung, sung viên.

Lục chức. Tiệp dư, dung hoa, tuyên vinh, tài nhân, lương nhân, mỹ nhân.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro