Chương 21-25

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 21: VUNG TAY QUÁ TRÁN

Một khi Chu Đại Oa đi chơi thì đố ai tìm được nó, Nhị Oa kiếm khắp nơi không thấy anh trai, đành nhắn lại đám trẻ trong thôn nếu gặp anh nó thì bảo về nhà ăn bánh khoai lang chiên gấp !

Sau đó nó ba chân bốn cẳng chạy nhanh về nhà, nó sắp chờ không nổi nữa rồi.

Lúc Đại Oa nhận được tin chạy về tới nhà, Lâm Thanh Hoà và Nhị Oa, Tam Oa đã ăn xong, để phần cho nó có một cái.

Đại Oa một bên rửa tay, một bên không ngừng lên án: " Mẹ, sao mẹ không nói sớm với con hôm nay mẹ chiên bánh khoai lang?"

Lâm Thanh Hoà: "Mẹ đã bảo Nhị Oa đi gọi con rồi."

Đại Oa lập tức trứng mắt nhìn Nhị Oa: "Ngươi không nói với ta mà dám tự mình về nhà ăn bánh?"

Nhị Oa lười biếng tranh cãi: "Em có đi tìm nhưng không thấy anh, em đã nhờ người chuyển lời rồi còn gì, bình thường làm gì có chuyện anh về nhà giờ này."

Nhị Oa ăn ba cái bánh khoai lang, no ứ hự, lười mở miệng đôi co với ông anh.

Đại Oa đành ngậm miệng cắm đầu ăn bánh, còn thừa lại có một cái, một cái thôi đấy làm sao đủ nhét bụng nó. Nó tức tối hỏi Nhị Oa: "Ngươi ăn mấy cái?"

Nhị Oa thờ ơ đáp: " Ba cái."

Đại Oa bất mãn gào ầm lên: "Mẹ, mẹ phân chia không công bằng!"

Lâm Thanh Hoà: " Ai bảo mỗi lần con đi chơi là đi mất dạng, ai biết đâu mà kiếm. Từ giờ trở đi chơi xung quanh nhà mình thôi, bằng không mẹ làm đồ ăn ngon cũng không để phần con."

Tuy nói không gò bó chúng nhưng cũng không thể mặc kệ chúng muốn chạy đi đâu thì chạy như con chó hoang được.

So với việc xách lỗ tai trừng phạt, lấy thức ăn ngon ra dụ có hiệu quả cao hơn hẳn. Lần sau có đánh đố Đại Oa cũng chẳng dám chạy đi chơi xa, Nhị Oa chỉ cần bước ra cửa là thấy nó ngay!

Đại Oa lân la tới bên cạnh Nhị Oa nói cho em trai biết những chỗ bình thường nó hay chơi để lần sau em trai dễ dàng tìm được nó.

Nhị Oa tỏ ra chán ghét, chơi gì mà chơi nhiều chỗ quá vậy, ai mà đi tìm cho nổi, nó chỉ tìm ở ngoài cửa nhà, không thấy thì thôi luôn.

Đại Oa tức tối nhào vào đánh Nhị Oa, Nhị Oa gào ầm lên.

Lâm Thanh Hoà phải kéo hai thằng ra, lần này rõ ràng Đại Oa hư, suýt nữa bị mẹ đánh cho một trận.

Một trận náo loạn gà bay chó sủa. Cuối cùng cũng yên, Lâm Thanh Hoà hỏi Đại Oa: "Đã nói với bà nội chưa?"

Chu Đại Oa trả lời: "Con nói rồi, bà nội bảo xong việc sẽ qua, không cần nấu cơm cho bà."

Dặn là một chuyện, Lâm Thanh Hoà vẫn chuẩn bị cơm trưa cho cả bà Chu, dù sao cũng là nhờ vả người ta, không có qua có lại coi sao được.

Trưa nay ăn mễ. Mễ được vo sạch, mang đi ngâm nước hơn nửa tiếng, sau đó mới đem đi chưng.

Vùng này người dân có ăn cơm nhưng không nhiều, họ chủ yếu ăn các loại ngũ cốc như bột ngô, bột mì, mễ. Gạo trắng cũng có nhưng đặc biệt ít.

Không phải bàn cãi gạo trắng là loại thơm ngon nhất, khó mua nhất, muốn mua phải có phiếu gạo.

Nguyên chủ rất thích ăn cơm gạo trắng, Lâm Thanh Hoà cũng vậy, cho nên lu gạo lúc nào cũng đầy tràn. Điều cô sợ nhất là tới ngày Chu Thanh Bách quay về, không thể tuỳ tiện đổ gạo vào lu như bây giờ được nữa.

Một bữa Lâm Thanh Hoà ăn rất ít, hai đứa nhỏ cũng không ăn quá nhiều, chỉ có đứa lớn ăn nhiều nhất. Thằng nhóc này ăn uống tử tế mấy ngày đã săn chắc lên trông thấy. Người ngợm chưa thấy nhiều thịt nhưng cao hơn và khoẻ mạnh hơn.

Bà Chu ăn rất khoẻ, một bữa phải ăn được ba chén cơm chứ không ít. Lâm Thanh Hoà với hai đứa bé mỗi người một chén là ba chén, Đại Oa hai chén. Như vậy tổng cộng trưa nay cô nấu khoảng tám chén cơm là được.

Trong bếp còn khá khá thịt ba chỉ ướp muối chiên. Cô ra vườn hái thêm hai trái dưa leo.

Chờ cơm chín, cô đặt nồi lên bếp chiên thịt ba chỉ thêm một lần nữa cho nóng, múc thịt ra dĩa. Trong nồi còn sót lại mỡ và mùi thơm từ thịt tiết ra, cô đổ dưa leo vào, xèo một tiếng mang mùi thơm toả khắp gian bếp.

Dưa leo xào chín tới, Lâm Thanh Hoà còn nấu thêm một chén canh rong biển trứng gà.

Mâm cơm hôm nay có thịt ba chỉ ướp muối chiên, dưa leo xào, canh rong biển trứng gà. Bình thường như mọi ngày.

Nhưng khi bà Chu sang tới, vừa vào nhìn thấy những món này bệnh tim liền muốn tái phát, ăn uống thế này có khác nào lão địa chủ ngày xưa không cơ chứ, đứt ruột bà rồi !

Lâm Thanh Hoà thấy bà tới liền nói: "Mẹ ngồi xuống ăn cơm đi, con nấu cả phần của mẹ rồi, mẹ không ăn thì không ai ăn đâu, tối nay chúng nó đòi ăn cháo thịt nạc cơ."

Bà Chu nghe thấy vậy càng đen mặt, nhưng bà biết có nói gì thì cô con dâu này cũng chẳng để vào tai, bà đành ngồi xuống nhìn chằm chằm đĩa thịt chiên vàng óng ả, đĩa dưa leo xào lấp lánh mỡ heo. Mỹ thực cũng không đẩy lùi được sự lo lắng trong lòng bà lúc này. Vợ thằng tư đúng là không biết cách sống mà!

Đại Oa đón lấy chén cơm từ tay mẹ, còn không quên nói: "Bà nội, mau ăn đi, thơm quá !"

Nhị Oa bắt đầu động đũa, Tam Oa yên tĩnh ngồi một bên, nó gấp không đợi nổi nữa rồi, há to miệng đợi mẹ đút ăn.

Lâm Thanh Hoà cũng giục: "Mẹ mau ăn đi, đừng chỉ ngồi không như thế chứ."

Sau đó, cô bắt đầu đút cho Tam Oa ăn. Nó rất ngoan, ngồi im trong lòng mẹ, thích ăn gì thì giơ tay chỉ. Nó thích nhất là món thịt. Mỗi bữa ăn được non nửa chén cơm cùng không ít thịt, cô đút thêm cho nó vài muỗng canh rồi thả nó xuống đất cho tự chơi.

Như thường lệ, đút cho Tam Oa no bụng cô mới bắt đầu ăn, cô hỏi bà Chu: "Hương vị không tệ phải không mẹ?"

Bà Chu giật giật khoé miệng, nghĩ thầm trong bụng cô cho nhiều dầu như thế hương vị làm sao kém được. Tuy nghĩ vậy nhưng thấy cách cô đút cơm cho Tam Oa, bà không so đo nữa. Dù sao cô con dâu này trước giờ thích tiêu tiền, tiêu trên người ba đứa cháu nội của bà thì được.

"Sao tự nhiên hôm nay lại kêu mẹ qua đây ăn cơm?"

Bà Chu hỏi con dâu.

Lâm Thanh Hoà đã ăn xong, cô đứng dậy lấy thêm cho bà một chén nữa, đặc biệt rưới chút mỡ xào dưa leo lên cơm, vừa thơm vừa béo ngậy. Đại Oa Nhị Oa đều thích ăn như vậy. Đương nhiên bà cũng thích.

Bà Chu nhìn Lâm Thanh Hoà, cô nói: "Là như này, con tính đi lên huyện thành mua ít đồ khô tích trữ cho mùa đông năm nay. Có nhiều thứ cung tiêu xã không bán. Đi lần này nữa thôi, năm nay khỏi phải đi thêm nữa. Sáng sớm mai năm giờ xuất phát, con muốn nhờ mẹ ngày mai qua đây trông chừng với cả cho chúng nó ăn."

Bà Chu biết không thể ngăn cản, chỉ có thể chấp thuận, ai không dám chứ đứa con dâu này của bà dám ném tụi nhỏ lại lắm, đâu phải trước đây chưa từng có tiền lệ. Lần này biết nhờ bà trông con giúp là tốt lắm rồi.

Bà Chu tự an ủi mình như vậy, đồng ý với Lâm Thanh Hoà, nhưng vẫn không nhịn được phải nói thêm một câu: "Đồ nào không cần thiết thì đừng mua."

"Con biết rồi." Lâm Thanh Hoà gật đầu.

Bà Chu ăn hết ba chén cơm lớn, đủ sắc hương vị, bà nói ý định muốn trở về nhà mình thông báo một câu tối nay ngủ lại đây, sáng mai đỡ phải ra khỏi cửa từ khi trời chưa sáng.

Lâm Thanh Hoà không do dự đồng ý ngay, còn có ý bảo bà tối nay qua đây ăn cơm chung luôn nhưng bà Chu từ chối.

Bà Chu lấy làm ngạc nhiên về việc con dâu đồng ý để mình ngủ lại một đêm. Dựa theo tính tình của nó nếu có đồng ý cũng không bao giờ đồng ý một cách sảng khoái như vậy.

Suy cho cùng Lâm Thanh Hoà đâu phải nguyên chủ đâu, dù có cố gắng bắt chước cũng không thể nào giống nhau mười phần. Hơn nữa bà Chu vui vẻ lại đây giúp đỡ, lý nào lại không đáp ứng yêu cầu của bà.

Bà Chu rất hài lòng đi về nhà mình, đem việc hôm nay nói với ông Chu. Ngoại trừ cái tật cũ vung tay quá trán vẫn chưa sửa được thì vợ thằng tư đã thay đổi rất nhiều.

Ông Chu nói: "Đều đã phân gia, bà quản nhiều chuyện thế làm gì, nó biết quan tâm nuôi dạy con cái là được rồi."

So với trước đây suốt ngày xách tiền xách đồ trợ cấp nhà họ Lâm, hiện tại như thế này là tốt lắm rồi !

CHƯƠNG 22: ĐI HUYỆN THÀNH

Hơn tám giờ tối, bà Chu qua tới, Lâm Thanh Hoà đang rửa chân cho ba anh em Đại Oa, sau đó cũng múc một chậu nước mới cho bà Chu.

Bà Chu kinh ngạc, vợ thằng tư thế mà múc nước cho bà rửa chân?

"Ngày mai mẹ nấu cháo thịt nạc cho mấy đứa Đại Oa nha, thịt nạc con giữ lạnh trong nước giếng đấy." Lâm Thanh Hoà múc nước để cho bà Chu tự rửa chân, chờ rửa xong cô sẽ giúp đổ nước dơ thôi.

Bà Chu nhìn con dâu thuận mắt hơn vài phần, bà cảm thấy thoải mái hơn nên lên tiếng hỏi: "Ngày mai tính mua những gì?"

Lâm Thanh Hoà đáp: "Cũng không có gì, chủ yếu là mấy đứa Đại Oa không có quần áo dài mặc giữ ấm bên trong. Đằng nào cũng phải mua thêm ít vải, không cần quá cầu kỳ, khi đó nhờ chị dâu cả may giúp, con sẽ trả công cho chị ấy."

Bà Chu thầm nghĩ trong lòng nếu không dùng tiền cho mấy đứa cháu mình, khẳng định con dâu sẽ mang về nhà mẹ đẻ, bà liền nói: " Đúng là nên may quần áo trong cho ba anh em nó."

Lâm Thanh Hoà với bà Chu không thân, cô không nói nhiều đem chậu nước rửa chân đi đổ rồi chuẩn bị nghỉ ngơi.

Sống ở đây mấy ngày Lâm Thanh Hoà đã quen đi ngủ sớm, đặc biệt ngày mai phải dậy sớm hơn mọi ngày để đi lên huyện thành. Ai da! Nghĩ thôi đã thấy mỏi chân rồi !

Sáng hôm sau trời chưa sáng, Lâm Thanh Hoà thức dậy, múc nước rửa mặt, nói với bà Chu một tiếng rồi khởi hành.

Chu Đồng kéo xe tới nhưng không gõ cửa, nó đứng đợi ở bên ngoài. Rất nhanh Lâm Thanh Hoà ra tới.

"Hôm nay chắc sẽ vất vả đấy, lát tới huyện thành thím mời cháu ăn bánh bao trắng."

Chu Đông vội vàng nói không cần, trước khi đi đã ăn ở nhà rồi.

Đầu tháng mười, sáng sớm trời rất lạnh, mặt trời lên muộn. Nếu không có Chu Đông, Lâm Thanh Hoà chẳng dám đi một mình.

Lâm Thanh Hoà hỏi: "Thời tiết ngày một lạnh hơn, chăn bông trong nhà còn ấm không?"

Chu Đông gật đầu nói: "Rất ấm áp."

Lâm Thanh Hoà: "Lần trước thím đi huyện thành đã đặt mua một cái chăn mới, cái chăn cũ có thể cho hai đứa."

Chu Đông sửng sốt: "Thím nói thật chứ?"

Trong nhà có cái chăn bông đã cũ lắm rồi, hơn nữa nó và em gái đều lớn cả không thể ngủ chung giường đắp chung chăn như lúc nhỏ nữa.

Vì phải ngủ tách nhau ra nên mỗi đứa đắp một cái chăn mỏng, còn nhớ mùa đông năm ngoái lạnh cóng, mặc dù đã đốt lửa giữ ấm giường đất nhưng chỉ duy trì được đầu hôm, tới nửa đêm về sáng hết nhiệt rét run. Nó thanh niên sức dài vai rộng còn đỡ, chỉ tội nghiệp cho em gái.

Lâm Thanh Hoà gật đầu: "Thật."

Lần này đi huyện thành, cô đã tính toán lấy từ trong không gian riêng vài thứ cần thiết cho mùa đông như chăn bông, đệm.

Chu Đông vội vàng hỏi: "Thím, cái kia, cần bao nhiêu tiền? Trong nhà cháu còn một ít phiếu vải, để cũng vô dụng, cháu có thể đưa cho thím."

Thời đại này muốn mua một cái chăn bông không phải là chuyện dễ dàng.

Cái chăn ở nhà, trong mắt Lâm Thanh Hoà đã cũ nhưng thật ra vẫn còn dùng tốt. Hai vợ chồng Chu Thanh Bách mới kết hôn được vài năm, hơn nữa cái chăn này mới mua sau này không phải là cái chăn tân hôn vì thế không tính là cũ kỹ. Nếu hôm nay không tính cho anh em Chu Đông, cô định dùng nó làm đệm giường.

Còn cái đệm cô đang lưu trữ trong không gian riêng kia, có thể mang lên huyện thành rao bán, chắc chắn không ít người cần.

Kể ra thì cuộc sống của hai anh em Chu Đông tương đối khó khăn hơn người khác, tính tình hai đứa nó không tồi, chịu thương chịu khó, thường xuyên giúp cô làm việc, tuy rằng đã trả tiền công nhưng cho chúng thêm một ít cũng không thành vấn đề.

Lâm Thanh Hoà: "Cháu nói tiền bạc với thím làm gì, thím đâu thiếu vài đồng tiền, như vậy đi năm nay thím sẽ mua kha khá lương thực, tới thời điểm phân lương cháu phụ giúp thím khiêng về nhà là được."

Những năm trước nguyên chủ đều kêu anh cả Chu hỗ trợ khiêng vác, đương nhiên xong sẽ cho anh ta 2 quả trứng gà mang về.

Chu Đông: "Vâng, việc này thím không cần nói, cháu sẽ giúp thím khiêng lương thực về tận nhà."

"Lần này đi huyện thành thím định mua không ít hàng đâu. Cháu chuẩn bị tâm lý trước đi, hôm nay sẽ vất vả đấy."

Hai thím cháu rảo bước lên đường, mặt trời từ từ ló dạng, đi được một phần ba quãng đường thì sắc trời hửng sáng.

Lâm Thanh Hoà bắt đầu đói bụng nhưng không thể lấy đồ ăn ra, đành nhịn đói cùng Chu Đông đi tới tận huyện thành. Tới nơi, cô bước vào một tiệm cơm quốc doanh. Khi đi ra, trên tay cầm ba cái bánh bao trắng, giữ lại một cái, đưa cho Chu Đông hai cái.

Chu Đông ngại không dám nhận, Lâm Thanh Hoà nói hôm nay nhiều việc lắm, ăn nhanh có sức rồi bắt tay vào việc kẻo muộn. Chu Đông bèn nhận lấy bánh bao bắt đầu ăn. Đời này nó chưa được ăn cái gì ngon như thế. Bánh làm bằng bột mì tinh, lại hẳn hai cái, Chu Đông ăn ngấu ăn nghiến muốn nuốt luôn cả lưỡi.

Lâm Thanh Hoà ăn một cái là đủ no. Chu Đông sức thanh niên ba bốn cái cũng chẳng thấm vào đâu, nhưng hai cái này đi xuống bụng đủ cho nó thoả mãn lắm rồi.

Ăn xong hai người đi tới cung tiêu xã của huyện.

Cảnh tượng trước mắt là bốn phương tám hướng toàn người là người. Một số đội sản xuất đã sớm hoàn thành việc nộp lương, nên sớm phát tiền và phiếu cho xã viên. Vì vậy xã viên tranh thủ tới cung tiêu xã của huyện xếp hàng mua sắm vật tư cho gia đình.

Mọi người chen chúc chật như nêm, xác định hôm nay không thể mua được vải, nhưng không sao vì Lâm Thanh Hoà vốn dĩ định mua ở chợ đen. Bên đó tuy giá có cao hơn nhưng chất lượng không hề thua kém.

Hôm nay cô tới cung tiêu xã mục đích để mua những thứ khác. Cầm phiếu thực phẩm phụ trên tay, Lâm Thanh Hoà mua một cân tôm khô, một cân nấm, một cân rong biển, táo đỏ lấy hai cân, mộc nhĩ cũng lấy hai cân vì cô và bọn trẻ trong nhà đều thích ăn mộc nhĩ.

Ngoài ra, cô mua ba bao kẹo sữa thỏ trắng, đường trắng mua một cân dự trữ lúc cần, vốn tính mua một lon sữa mạch nha thôi nhưng cái lon nhỏ quá nên cô quyết định mua hai lon.

Còn có trái cây đóng hộp, mấy năm trở lại đây cô không thích ăn trái cây đóng hộp nữa nhưng tụi nhỏ chưa được ăn bao giờ, mua về hai hộp cho chúng nếm thử.

Hương vị chắc chắn không thể so sánh với quả táo trong không gian riêng nhưng mỗi thứ cho tụi nhỏ nếm một chút cho biết với người ta.

Đồ ăn vặt cô cũng mua một ít, ví dụ như bánh gạo nếp nổ.

Đồ đạc tương đối nhiều, xách tay lỉnh kỉnh nên Lâm Thanh Hoà mua một cái bao bố, bỏ hết vào đó rồi kêu Chu Đông xách ra xe kéo.

Đừng nhìn Chu Đông mới mười lăm tuổi mà coi thường, nó rất khoẻ mạnh vì từ nhỏ đã làm việc nhà nông.

Chu Đông giật giật khoé miệng, không cần biết bên trong có những thứ gì, chỉ cần nhìn cái bao to tổ bố trước mắt thôi cũng đủ biết tốn không ít tiền rồi.

Những đồ muốn mua trong cung tiêu xã đã mua đủ, Lâm Thanh Hoà dẫn Chu Đông tới trung tâm thương mại của huyện thành.

Chu Đông đứng ngoài trông xe và hàng hoá, Lâm Thanh Hoà tự mình đi vào trong, cô dùng phiếu vải còn dư lại mua hai cái vỏ chăn loại lớn.

CHƯƠNG 23: BẾP LÒ

Vào cửa hàng bách hoá, Lâm Thanh Hoà đi tới một góc khuất cất hai vỏ chăn vào không gian riêng, rồi mới đi dạo các quầy hàng.

Ở đây quần áo gì cũng có, người lớn trẻ em đủ cả.

Một cây vải ở chợ đen có giá ba đồng, không yêu cầu phiếu vải. Thế mà ở đây, muốn mua một bộ quần áo người lớn phải trả tới năm đồng, quần áo trẻ em cũng mất ba đồng, còn cần phiếu vải nữa chứ.

Ra chợ đen mua một cây vải về tự may được hẳn năm sáu bộ, cần gì tới mấy nơi như cửa hàng bách hoá này cho lãng phí.

Tuy nhiên mục đích Lâm Thanh Hoà vào đây là để hỏi thăm một chút về vấn đề bếp lò than đá.

"Bếp lò hả? Lúc này không dễ kiếm đâu nha." Một nhân viên bán hàng tuổi tác ước chừng ngang bằng với Lâm Thanh Hoà, khẩu khí rất lớn, ngoại hình ưa nhìn, khí chất không tầm thường, được cái đang vắng khách nên sẵn sàng tiếp chuyện Lâm Thanh Hoà.

Lâm Thanh Hoà thuận miệng đáp: " Tôi biết chứ, nhưng nếu ai có, ở đây tôi có thứ tốt để trao đổi."

Nhân viên bán hàng nhìn Lâm Thanh Hoà, rồi hỏi: " Cô lấy gì ra trao đổi?"

Những nhân viên công tác trong các đơn vị nhà nước đều rất cao ngạo, khinh thường người nhà quê. Nếu không phải cách ăn mặc và khí chất của Lâm Thanh Hoà hơn người thì cô nhân viên này chắc chắn không nguyện ý đối đáp với Lâm Thanh Hoà.

Lâm Thanh Hoà thẳng thừng trả lời: " Muốn gì cũng có."

"Này cô, cô cũng quá ngông cuồng đấy." Nhân viên bán hàng nghiêm túc đánh giá Lâm Thanh Hoà thêm lần nữa.

Lâm Thanh Hoà nhìn cô ta, thấp giọng nói nhỏ: " Em gái có cách gì không, nói đi, chị sẽ gửi em chút phí cảm ơn. Cũng không gạt em làm gì, nhà chị cái gì cũng có chỉ thiếu một cái bếp lò. Em cũng biết rồi đấy mùa đông sắp tới rồi, chị cần có cái bếp lò đun nước nóng cho tiện, chứ nấu cơm hàng ngày thì cần nó làm gì."

Nhân viên bán hàng cũng cố gắng đè thấp âm lượng, nhỏ giọng thì thầm: " Tôi có quen một người có bếp lò nhưng anh ấy thiếu một cái nồi. Nếu chị có nồi, tôi có thể đứng ra trung gian để hai người trao đổi. Hơn nữa còn có thêm than đá cho chị."

" Em gái em nói thật chứ?"

Lâm Thanh Hoà vốn dĩ cho rằng cô gái này làm việc trong cửa hàng bách hoá, ắt hẳn mối quan hệ rộng rãi, cho nên lân la làm quen, hứa hẹn chút lợi ích, mục đích để cô ấy hỏi thăm giúp mình, ai dè mèo mù vớ cá rán, một phát gặp đúng người luôn!

Cô bán hàng nhìn Lâm Thanh Hoà, cẩn thận hỏi: " Tiền đề là chị phải có nồi đã, chị có không?"

Lâm Thanh Hoà vẫn thấp giọng: " Chị lừa em làm gì? Lúc nào có thể tiến hành trao đổi?"

"Để tôi gọi ai đó trông giúp cửa hàng, rồi đi tìm người cho chị ngay bây giờ đây. Không quá hai giờ đồng hồ, nhưng chị phải cho tôi xem nồi trước." Nhân viên bán hàng này rõ ràng là một cô gái lanh lợi.

Lâm Thanh Hoà liền nói: "Cũng được thôi, ở đây đợi chị."

Sau đó Lâm Thanh Hoà đi ra khỏi cửa hàng bách hoá, dẫn Chu Đông quay lại cung tiêu xã, dặn nó đứng ở cửa cung tiêu xã chờ cô, cô phải đi xử lý chút việc.

Lâm Thanh Hoà tìm một chỗ vắng vẻ, đảm bảo xung quanh không có ai, cô mới lấy từ trong không gian riêng ra một cái nồi sắt hai quai kiểu cũ, cẩn thận bọc kín trong một cái túi da rắn.

Quay về cửa hàng bách hoá, cô nhân viên bán hàng vừa nhìn thấy thứ bên trong túi thì hai mắt sáng lên, vội vàng hỏi: "Nồi sắt tốt như thế này, chị xác định muốn đổi?"

"Đổi ! Nhưng phải đổi với một cái bếp lò tốt nha, cái nồi này của chị còn mới tinh đó." Lâm Thanh Hoà tiến lại gần thấp giọng: "Nồi này mua bên Thượng Hải, giá 225 đồng chưa tính phiếu công nghiệp."

Tất nhiên cô nhân viên không tin, cái nồi sắt này quý thì quý thật nhưng làm gì tới 225 đồng tiền, một tháng tiền lương của cô ta chỉ có mười lăm đồng kia kìa. 225 đồng, quá khoa trương !

Nhưng không thể phủ nhận cái nồi này quá tốt, vùng này không kiếm được loại nồi nào giống vậy, chắc là mua ở Thượng Hải, không sai!

Nhân viên bán hàng: "Thôi, chị đừng mặc cả nữ, bếp lò của chúng tôi cũng còn mới lắm đó, có gì sẽ lấy thêm cho chị nhiều than đá là được chứ gì."

Lâm Thanh Hoà: "Vậy được rồi, em mau mang tới đi."

Hai người hẹn hai tiếng sau sẽ gặp lại ở cửa thương trường. Lâm Thanh Hoà tranh thủ lúc không có người cất túi da rắn vào trong không gian, sau đó đi tới chợ đen một chuyến.

Người ta hay mang thịt ra chợ đen bán, lần này cô cũng bán hai cân thịt ba chỉ nhiều mỡ cho một bà lão kiếm chút tiền. Không cần phiếu thịt nên một cân thịt có giá một đồng năm hào, bà lão rất phóng khoáng trả tiền.

Đây cũng là lý do tại sao Lâm Thanh Hoà nhìn thấy cơ hội kinh doanh từ việc hợp tác với chị Mai. Nhưng tất cả mới chỉ là ý tưởng, cô chưa thực hiện trừ khi mình thực sự thiếu tiền.

Bán thịt được ba đồng, Lâm Thanh Hoà lấy ra mua một cây vải dệt thủ công.

Sau đó cô đi dạo xung quanh xem các sản vật vùng núi, nấm cô đã mua lúc nãy rồi. Ở góc chợ đen có bày bán bí đỏ, một trái khá to ước chừng ăn được ba bốn bữa, chỉ có năm trái, Lâm Thanh Hoà dùng ba hào mua hết.

Cô bảo Chu Đông kéo xe vào một góc khuất, lôi các thứ từ trong không gian ra, chất hết lên xe kéo. Đặc biệt là cây vải với cái chăn bông cùng hai cái vỏ chăn đã muốn đầy một xe.

Thời điểm Chu Đông nhìn thấy xe kéo, hai mắt nó trợn ngược. Hèn chi người trong thôn vẫn luôn đàm tiếu thím chẳng có lấy một đồng tiết kiệm, giờ nó đã hiểu nguyên nhân tại sao rồi. Nếu không phải hôm nay tận mắt chứng kiến, có đánh chết nó cũng không tin khả năng tiêu tiền của thím lại lợi hại đến vậy !

Lâm Thanh Hoà tận tình giảng dạy: "Tiểu Đông à, nữ nhân chỉ cần biết tiêu tiền là được rồi, kiếm tiền là nghĩa vụ của nam nhân. Trách nhiệm của phụ nữ dùng tiền xử lý tất cả mọi việc trong nhà một cách gọn gàng ngăn nắp nhất. Nếu không đàn ông kiếm tiền còn có ý nghĩa gì nữa? Kiếm tiền là để tiêu chứ không phải để cất."

Chu Đông: "..." Những suy nghĩ trong đầu thím thật quá đáng sợ, có vẻ như lời ong tiếng ve trong thôn không hẳn toàn là lời bịa đặt.

Sắp xếp xong, Lâm Thanh Hoà lại dẫn Chu Đông tới cửa hàng bách hoá đợi. Qua nửa tiếng, cô nhân viên hớt hải đạp xe quay về, lo lắng Lâm Thanh Hoà bỏ đi mất.

Nhìn thấy Lâm Thanh Hoà vẫn còn đợi ở đó, cô ta vui mừng hẳn: "Đi theo tôi."

"Tiểu Đông, cháu đứng đây đợi thím." Lâm Thanh Hoà lấy cái túi da rắn ở trên xe xuống, nói với Chu Đông một tiếng rồi đi theo cô nhân viên bán hàng.

Một nam thanh niên đang đợi các cô, trên xe đạp có một cái bếp lò cùng hơn phân nửa túi than đá.

Lâm Thanh Hoà nhìn cái bếp, không hài lòng nói: "Bếp này đã qua sử dụng rồi."

"Cô đừng vội đánh giá bề ngoài, mặc dù đã qua sử dụng nhưng còn rất tốt. Nhà chúng tôi chưa dùng mấy lần đâu, chẳng qua vì thiếu cái nồi, chứ không nhà tôi cũng tiếc cái bếp này lắm đấy." Thanh niên mặc đồ lao động màu xanh lam nói: "Còn tặng kèm cho cô rất nhiều than đá đây này. Sau này nếu không mua được than, cô có thể tới tìm em gái tôi, tôi lấy giúp cô giá nội bộ."

Lâm Thanh Hoà nhìn hai người bọn họ, liếc mắt một cái là nhìn thấu: "Em gái? haha, đây rõ ràng là lão bà của anh."

Thời đại này, người dân đơn thuần chất phát, hai người bị vạch trần lập tức đỏ mặt, đích thị không phải dân nói dối chuyên nghiệp.

Cô nhân viên ngượng ngùng nói: "Còn chưa kết hôn đâu."

"Anh trai này biết tính toán cho tương lai, còn biết chuẩn bị trước nồi sắt. Không tệ, em gái này đi theo anh cũng coi như là được hưởng phúc."

Lâm Thanh Hoà nói: " Được rồi, thành toàn cho hai người, kết hôn phân gia không có nồi sắt là không được đâu. Lúc tôi phân gia cũng may có cái nồi sắt của nhà mẹ đẻ thì mới được ra ở riêng đấy."

CHƯƠNG 24: KHÔNG THỪA MỘT CẮC

Thấy cô bằng lòng, nhân viên bán hàng cùng chồng sắp cưới nhẹ nhàng thở ra một hơi.

Hai người bọn họ đúng là đang chuẩn bị cho việc kết hôn phân gia.

Lâm Thanh Hoà nói với người đàn ông: "Sau này không kiếm được than đá, tôi sẽ đến tìm vợ anh đấy nhé."

Người đàn ông gật đầu: "Việc này đừng để người khác biết."

Lâm Thanh Hoà cười: "Tất nhiên rồi, ba đứa nhỏ nhà tôi muốn uống nước ấm đều phải dựa vào than đá của hai người đó."

Cáo biệt, người đàn ông xách theo túi da rắn bên trong đựng cái nồi sắt, đạp xe rời đi, Lâm Thanh Hoà gọi Chu Đông lại.

Lại một lần nữa Chu Đông ngây ngốc khi thấy một cái bếp lò và hơn phân nửa túi than đá.

Trời đất thím có bản lĩnh thông thiên hả, những thứ này chỉ có người trong thành phố mới có thể dùng thôi đấy.

Má ơi...một đống tiền !?

Lâm Thanh Hoà lại chạy qua chợ đen một chuyến coi như lên sân khấu một lần nữa. Cô lấy trong không gian thêm một cái nồi sắt hai tay cầm nữa, bỏ vào trong túi da rắn rồi đường hoàng bước ra khỏi chợ đen xếp đồ lên xe kéo.

Quay lại cửa hàng bách hoá mua thêm mấy thứ vật dụng hàng ngày như chậu rửa chân, chậu rửa mặt. Trên tiệm bày bán mũ cho trẻ em, loại có tai dài giúp giữ ấm lỗ tai vào mùa đông, Lâm Thanh Hoà mua ba cái cho ba đứa, tốn ba trương phiếu công nghiệp.

Phiếu công nghiệp từ đợt trước Chu Thanh Bách gửi về, còn dư lại vài tờ, Lâm Thanh Hoà mua thêm vài cuộn len tính đan áo len cho mấy đứa nhỏ.

Muốn mua vớ phải cần có phiếu vải, mua giày cần phiếu công nghiệp. Hôm nay cô dùng hết phiếu mất rồi, đành tính cách khác vậy.

À cây vải kia may quần áo chắc chắn dư, lấy làm giày và vớ luôn. Công việc hôm nay đã xong, ngồi xuống nghỉ ngơi, mỗi người ăn một cái bánh bao lấy lại sức rồi dẹp đường hồi phủ.

Lâm Thanh Hoà hỏi Chu Đông: "Tiểu Tây biết làm giày và vớ không?"

"Biết." Nghe thấy Lâm Thanh Hoà hỏi nó không ngẩng đầu lên chỉ đáp qua loa một tiếng, tâm trí nó đặt hết lên cái bánh bao này rồi, nó ăn như thể đang ăn cái bánh bao cuối cùng trong cuộc đời này vậy.

Lâm Thanh Hoà: "Tốt quá, thím muốn nhờ Tiểu Tây may cho đám Đại Oa mỗi đứa một đôi giày hai đôi vớ. Không biết dạo này nó có bận việc gì không?"

Chu Đông liền đáp: "Không bận gì đâu, thím có cần may quần áo luôn không, em cháu cũng biết may đấy."

Lâm Thanh Hoà: "Không cần, quần áo đã có bác gái cả tụi nó làm giúp rồi, dạo này chị ấy cũng rảnh."

Chị cả Chu chắc chắn sẽ nguyện ý làm giúp thôi, vì Lâm Thanh Hoà trả công rất sòng phẳng, nguyên tắc của cô là không bắt ai làm không công bao giờ cả.

Bốn giờ chiều về tới nhà, Lâm Thanh Hoà mệt rã rời.

Chu Đông giúp cô khiêng tất cả đồ đạc vào bên trong, uống hớp nước rồi đi về nhà mình.

Bà Chu với mấy đứa trẻ không ở đây, chắc đang chơi bên Chu Gia rồi. Hôm nay đại đội nộp lương, xã viên được nghỉ, ngày mai sẽ được phân lương.

Lâm Thanh Hoà mệt mỏi rã rời nhưng vẫn cố gắng sắp xếp đồ đạc một lượt cho gọn gàng, lấy thêm một cái nồi chuyên để hầm canh từ trong không gian ra.

Bây giờ đã có bếp lò rồi, dùng cái nồi này hầm canh là đúng bài.

Cất chăn bông vào phòng, xếp hai cái đệm lên giường.

Tranh thủ không có ai ở nhà, Lâm Thanh Hoà lấy ra một số đồ vật. À đúng rồi, để lấy con dao phay này ra tí hỏi thử xem bà Chu có muốn mua lại không.

Nếu cô nhớ không nhầm thì con dao trong bếp Chu Gia sắp hỏng đến nơi rồi. Cho không bà Chu thì cũng được nhưng thôi, mất công hù bà già sợ hãi.

Chậu tráng men rửa chân, rửa mặt, ca nước này nọ đều cất hết trong phòng cô.

Một đống đồ đạc, sắp xếp một loáng đã gọn gàng ngăn nắp.

Tuy nhiên hình ảnh cô với Chu Đông kéo một xe chất đầy hàng hoá đã bị rất nhiều người nhìn thấy. Không trách được vì cái xe kéo này quá hoành tráng, vài gia đình cùng lên huyện thành mua sắm gom lại nhiều lắm cũng chỉ bằng một nửa chỗ này thôi.

Một đám người ồ lên kinh ngạc, những ánh mắt ghen tị dán chặt vào Lâm Thanh Hoà, chỉ còn thiếu điều chạy tới trước mặt xỉ vả cô là người đàn bà phá của. Họ lại rỉ tai nhau chắc chắn lần này cô ta tiêu hết tiền trợ cấp Chu Thanh Bách gửi về luôn rồi, một cắc cũng không dư!

Tiếng gió rất nhanh truyền tới tai bà Chu, chỉ nghe tới một xe kéo chất đầy hàng hoá thôi là ruột gan bà đã đau như cắt, đúng là khổ cái thân già này mà!

Bà Chu dắt tay Nhị Oa và Tam Oa: "Đi, đi về xem mẹ mấy đứa mua được thứ tốt gì?!"

Mấy bà chị dâu đánh mắt nhìn nhau, đang lúc nông nhàn rảnh rỗi, chị dâu cả cùng chị dâu hai vội theo gót mẹ chồng.

Chỉ có mình chị dâu ba không có hứng thú, đó là đồ của người ta, đâu phải của mình đâu đi xem náo nhiệt chi cho mệt. Cô đang tập trung may cho xong quần áo cho đám Đại Oa để còn tới lượt con gái mình nữa, tối qua ngủ bắt đầu thấy lành lạnh rồi.

Vì có máy may nên tốc độ của chị dâu ba rất nhanh, áo bông của Nhị Oa đoán chừng sáng mai là xong. Chẳng qua xử lý bông hơi tốn công phu bằng không sẽ còn nhanh hơn nữa.

Có được cái máy may này cũng phải cảm ơn Lâm Thanh Hoà, lúc đó vì Lâm Thanh Hoà nằng nặc đòi phân gia ra sống một mình, bà Chu tức muốn thổ huyết, trong một phút nóng giận bà cầm phiếu và toàn bộ số tiền còn dư lại trực tiếp đi mua một cái máy may để trong nhà chính Chu Gia.

Lúc bà Chu dắt Nhị Oa và Tam Oa, theo sau chị dâu cả và chị dâu hai tới nơi, Lâm Thanh Hoà đã dọn dẹp mọi thứ gọn gàng đâu vào đó rồi.

Tiểu yêu tinh Nhị Oa nhào tới ôm lấy chân Lâm Thanh Hoà nũng nịu: "Mẹ, bà nội nói mẹ mang về một xe chất đầy toàn đồ là đồ, phải không mẹ?"

Ngẩng đầu lên nhìn thấy một đám người gồm có bà Chu, chị dâu cả, chị dâu hai, trong lòng Lâm Thanh Hoà hiểu rõ. "Một xe? Dân làng này khoa trương quá đi, lấy đâu ra lắm đồ như thế."

Bà Chu ngó ngang ngó dọc không phát hiện được thứ gì, lửa giận trong lòng hoà hoãn chút ít.

Chị dâu hai cố ý ngó vào trong phòng phát hiện thấy cái bếp lò, trợn trừng hai mắt: "Trời đất thiên địa ơi, thím tư, thím làm thế nào mà mua được cả bếp lò? Lại còn cả than đá nữa chứ? Thím làm cách nào thế?"

Lâm Thanh Hoà giải thích mà như không giải thích: " Lần trước đi đã đánh tiếng với người ta rồi, lần này tiện có xe nên mang về. Chính vì có cái bếp lò này cộng thêm nửa túi than đá nên nhìn mới nhiều đồ như vậy."

"Trong nhà có bếp củi rồi còn gì." Bà Chu đứt từng khúc ruột, bếp lò, than đá đều là đồ của người thành phố, con trai ơi là con trai, con về mà xem vợ con tiêu pha hoang phí tới mức nào đây này !

Lâm Thanh Hoà: "Bếp củi bất tiện lắm, mùa đông có bếp lò tiện hơn nhiều, đun nước nóng với cả để trong phòng cũng ấm áp hơn."

Ối giời ơi, tiền thật bạc thật cả đấy, một đống tiền chứ ít à !

Tiếng lòng của bà Chu đang dâng cao như thuỷ triều, tuy bà không nói ra nhưng chị dâu cả và chị dâu hai đều hiểu.

Lâm Thanh Hoà hỏi chị cả Chu: "Đúng rồi chị dâu cả, em thấy chị may quần áo cho mấy đứa Đại Ni, Nhị Ni rất đẹp. Chị may cho ba anh em Đại Oa mỗi đứa hai bộ quần áo dài mặc giữ ấm bên trong được không?"

Chị dâu cả sửng sốt: "Em có vải?"

"Có." Lâm Thanh Hoà gật đầu, sau đó quay về phòng mình mang cây vải ra. Trước tiên cắt lại một miếng để dành đưa cho Chu Tây may giầy và vớ.

Lâm Thanh Hoà: "Mỗi đứa hai bộ, may vừa người là được, không cần quá dài rộng. Vải còn dư chị cứ giữ lại coi như phí vất vả, hẳn là đủ may hai bộ áo giữ ấm cho Tiểu Chu Dương."

Quần áo dài tay rất tiện lợi, mùa đông mặc bên trong giữ ấm, tới mùa xuân chỉ cần bỏ áo khoác ngoài ra là được. Như vậy coi như quần áo mùa xuân khỏi phải lo nữa. Quần áo mùa hè mỗi đứa cần hai bộ mới, tới lúc đó rồi may vẫn chưa muộn.

CHƯƠNG 25: MẸ LÀ TỐT NHẤT !

Chị cả Chu càng nhìn càng hài lòng, chỗ vải này đủ may hai bộ quần áo giữ ấm cho đứa con gái nhỏ hai tuổi của mình, may dài ra một chút đợi tới sang năm vẫn còn mặc dư sức.

"Lần trước đưa hai cân đường đỏ cho chị ba rồi, giờ trong nhà chỉ còn một ít, ở đây có bọc đường phèn chị cả cầm về cho mấy chị em Đại Ni, Nhị Ni ăn cho ngọt miệng." Lâm Thanh Hoà lấy giấy dầu gọi một ít đường phèn lại.

Chị cả Chu khách sáo nói: " Để lại cho mấy đứa Đại Oa ăn đi."

Lâm Thanh Hoà đưa bọc đường phèn cho chị cả Chu: " Trong nhà vẫn còn, chị mang về đi."

Chị cả Chu nhận lấy rồi cầm vải đi về Chu Gia trước.

Lâm Thanh Hoà hỏi: "Mẹ, lúc nãy đi chợ đen gặp người ta bán dao phay, con dao này giống con dao con đang dùng. Con nhớ hình như con dao bên Chu Gia sắp hỏng rồi thì phải, mẹ lấy không? Không cần phiếu, chỉ cần đưa con năm đồng thôi, yên tâm con không thèm lấy lời một phân nào đâu."

Ba Chu thoáng do dự rồi nói: "Đưa đây xem nào."

Quả thật con dao nhà bà mẻ mất mấy miếng rồi.

Sáng nay băm thịt nấu điểm tâm cho đám Tam Oa, phải công nhận con dao trong bếp nhà nó dùng rất thuận tay nha.

Lâm Thanh Hoà đưa con dao cho bà Chu, bà liền móc năm đồng trả cho cô. Lâm Thanh Hoà nhận tiền không chút xấu hổ: "May mà con có người quen mới mua được đấy, bằng không năm đồng tiền này chẳng mua nổi đâu. Không phải là con nói phét. Đồ mua trên huyện thành tuy đắt nhưng tốt, ví như mấy cái nồi niêu này này."

Lúc này chị hai Chu mới để ý trong phòng bếp có thêm một cái nồi nấu nữa, vẫn là nồi sắt loại hai tay cầm, nguyên bộ gồm có nồi, sạn, nắp.

Ngoài ra còn có một cái nồi hầm mới tinh.

Bà Chu không nhịn nổi: "Rốt cuộc cô tiêu hết bao nhiêu tiền rồi?"

"Con bao tiền thì ngày mai mang hết tới đội sản xuất mua lương thực, rồi lại đợi cha mấy đứa nó gửi tiền đợt sau." Một câu này của Lâm Thanh Hoà làm bà Chu giận điên người không nói được lời nào trực tiếp cầm con dao xoay người bỏ về, khí thế như đi chém lộn.

Chị hai Chu hả hể trong lòng, quả nhiên là như thế, chú tư giỏi kiếm tiền thì sao chứ, ngăn nổi bà vợ ngu ngốc chỉ giỏi phá của này không?

Cô ta cho rằng những lời này của Lâm Thanh Hoà là thật vì về cơ bản có ai kiếm thím tư vay tiền đâu mà phải nói dối chi cho mệt.

Nào là bếp lò, than đá, nồi sắt, nồi hầm mới kính cong, vải vóc nọ kia, đây mới chỉ là những thứ mắt nhìn thấy, còn những thứ thím tư giấu trong phòng ai mà biết được cơ chứ. Chắc chắn tốn cả đống tiền chứ chẳng đùa.

Hai chị em dâu quan hệ nhạt như nước ốc, mẹ chồng đi rồi, cô ta cũng không có lý do gì ở lại lâu, đắc ý lắc lư ra về.

Chẳng có gì qua mắt được Lâm Thanh Hoà, trong đầu người chị dâu này có những suy nghĩ xiên xẹo gì Lâm Thanh Hoà đều biết rõ, cô ta thích đắc ý thì cứ để cô ta đắc ý đi.

Ai mà biết lần này đi chợ Lâm Thanh Hoà chẳng tốn bao tiền, bếp lò và than đá dùng nồi để đổi, nồi nấu và nồi hầm không tốn tiền, cô chỉ dùng tiền mua một cây vải, tuy nhiên tiền này lại là do cô lấy thịt trong không gian ra bán kiếm được. Ngoài ra là mấy thứ lặt vặt chậu rửa mặt, chậu rửa chân này nọ, trên đường về cô đã nhẩm tính rồi, tổng cộng không tốn quá hai mươi đồng.

Chỉ có hai mươi đồng mà mua được một đống đồ, cô tự phục cô quá thể đi, haha.

Lâm Thanh Hoà nói với Nhị Oa: "Chạy đi gọi anh trai về ăn táo."

Nhị Oa chạy ra ngoài, một tí đã thấy hai anh em cùng nhau chạy về, quả nhiên nhóc con Đại Oa không dám đi chơi xa.

Lâm Thanh Hoà chia cho mỗi đứa một phần tư quả.

Nhị Oa hỏi: "Mẹ, trong ngăn tủ vẫn còn hả?"

"Còn, có cả quả lê, kẹo sữa thỏ trắng, gạo nếp nổ, sữa mạch nha, trái cây đóng hộp, ngoan ngoãn nghe lời thì gì cũng có, nhưng mà nếu mỗi ngày chỉ cắm đầu nghịch bẩn mang một thân dơ hầy trở về thì khỏi cần nghĩ tới cái gì hết." Lâm Thanh Hoà vừa nói vừa liếc mắt nhìn Đại Oa ý tứ ngươi đã bị chiếu tướng, cứ coi chừng!

Đại Oa trợn mắt há mồm, Nhị Oa cũng khoa trương không kém, đúng là từ một khuôn đúc ra, biểu cảm y xì nhau.

Không chỉ nói xuông, Lâm Thanh Hoà còn dẫn bọn nó vào phòng tham quan một lần.

Nhị Oa vội vã ôm Lâm Thanh Hoà làm nũng: " Mẹ, mẹ thật tốt."

Đại Oa nghẹn đỏ mặt, nói: "Con...từ nay về sau con sẽ ít đi chơi lại."

"Được." Lâm Thanh Hoà gật đầu, lấy giấy dầu gói nửa cân thịt mỡ lại, đặc biệt nhiều mỡ chắc chắn nhà họ Chu sẽ rất thích: "Mang đưa cho ông bà nội đi."

"Con đi ngay." Đại Oa nhận lấy rồi chạy vèo sang nhà ông bà nội đưa thịt, rồi chạy vèo về.

Không vội sao được vì tối nay mẹ nói sẽ làm cho chúng món thịt ba chỉ hầm đậu que, thơm ngon vô cùng, đặc biệt là rưới nước hầm lên cơm, tuyệt cú mèo, nó có thể xử hết hai chén rưỡi cơm !

Lâm Thanh Hoà đang ngâm gạo, thấy nó về thì nói: " Đại Oa, đi kêu chị Tiểu Tây đến đây."

Thằng nhóc Chu Đại Oa này bây giờ sai đâu đánh đấy, vui vui vẻ vẻ cam tâm tình nguyện làm, ai bảo mẹ nó mua nhiều đồ ăn ngon về thế cơ chứ !

Chu Tây đã nghe anh trai mình nói qua, liền đi theo Đại Oa về nhà, Lâm Thanh Hoà đưa cho nó chỗ vải còn lại: "Cháu làm cho ba anh em nó mỗi đứa một đôi giày, hai đôi vớ, còn dư lại bao nhiêu thì làm hai đôi vớ lớn, kích thước thì dài hơn chân anh cháu khoảng ba phân đi."

Vớ này là chuẩn bị cho Chu Thanh Bách.

Cô không cần chuẩn bị cho chính mình, vì vớ của nguyên chủ còn dùng tốt, lại còn có hẳn năm đôi.

Chu Tây tất nhiên đồng ý.

Lâm Thanh Hoà nói thêm: "Tối nay khoảng tám rưỡi hai anh em lại đây mang chăn bông về nhé."

Đêm khuya vắng người là thời điểm tốt nhất. Cái chăn bông này khoảng bốn cân, đủ ấm áp.

"Cảm ơn thím." Chu Tây hiểu rất rõ chăn bông quý giá nhường nào, có tiền chưa chắc đã mua được.

Lâm Thanh Hoà: "Không cần cảm ơn, hôm nay anh cháu đi một chuyến cũng vất vả. Giày với vớ cứ từ từ mà làm, đừng nên gấp gáp đốt đèn làm khuya, lãng phí dầu hỏa."

Bên này Chu Đông lại không nghĩ như vậy, tuy cả ngày hôm nay đi đi về về mệt nhọc nhưng được ăn thoả mãn hẳn ba cái bánh bao trắng đã tính là lời rồi. Cả năm nay nó mới chỉ được ăn vài lần thịt với gạo trắng thôi.

Thuê Chu Tây làm vài đôi giày vài đôi vôi vớ mà trả công bằng một cái chăn bông lớn. Quá mức chênh lệch, đây không phải phong cách của thím Lâm.

Chạng vạng tối Lâm Thanh Hoà cho ba đứa trẻ ăn cơm, hai đứa lớn ăn ngấu ăn nghiến ăn tới mức bụng đứa nào đứa nấy căng tròn, thằng út chẳng kém phần cái miệng nhỏ cũng bóng mỡ. Ba đứa no bụng dắt nhau ra sân chơi, Lâm Thanh Hoà mới bắt đầu ăn.

Hơn tám giờ tối, hai anh em Chu Đông và Chu Tây tới, Lâm Thanh Hoà đưa chăn cho chúng rồi đóng cửa đi ngủ.

Thời tiết ngày một lạnh hơn, tối qua mới thấy hơi se se thế mà tối nay đã cảm nhận rõ ràng được không khí lạnh rồi. Cô gọi cả ba đứa lên giường đất ngủ cùng mình.

Trong nhà có ba cái chăn bông mỗi cái bốn cân, từ hồi mới kết hôn, vừa nãy cho anh em Chu Đồng một cái, hiện còn lại hai cái. Tính ra nguyên chủ này cũng theo trường phái hưởng thụ đấy chứ.

Hai cái chăn bông loại bảy cân siêu dày cô cất lên giường đất bên kia, thời tiết này chưa cần thiết dùng tới loại chăn đó, bốn mẹ con đắp một cái chăn loại bốn cân là dư sức rồi.

Ba thằng nhóc này như ba cái lò sưởi mini ấy, nằm cánh chúng thật là ấm áp ngủ không muốn dậy luôn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro