Chương 16-20

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 16: THẮT LƯNG BUỘC BỤNG

Trong nhà bây giờ chỉ có một cái bếp củi, đun nước thổi cơm nấu thức ăn tất tần tật đều dùng cái bếp đó, nếu có thêm một cái bếp lò nữa thì thuận tiện hơn nhiều.

Tuy nhiên thời buổi này muốn kiếm cái bếp lò không phải chuyện dễ, kể cả có bếp lò rồi kiếm được than cũng là cả một vấn đề. Muốn mua than bắt buộc phải có phiếu than, mà mấy cái phiếu này chỉ cấp cho người thành phố, không cấp cho người nông thôn.

Muốn mua mấy thứ này cô cần phải đi huyện thành bên kia một chuyến.

Ngoài bếp lò ra, trong nhà cần mấy thứ linh tinh nữa như chậu sành rửa mặt rửa chân. Mà thôi cứ từ từ đợi Chu Thanh Bách trở về, tới lúc đó nâng cấp điều kiện sinh hoạt gia đình cũng chưa muộn.

Trước mắt cứ sắp sếp vậy đã, cô lấy tấm vải che kín miệng rổ, tránh mọi người biết cô đã mua những gì.

Về gần tới đầu thôn, cô vào không gian riêng chọn thêm mấy miếng thịt bỏ vào rổ, mỡ heo thì tạm thời chưa cần tới bởi bây giờ thắng nhiều mỡ sẽ dễ gây chú ý, tốt nhất đợi tới lúc trong thôn phân thịt rồi tính tiếp. Chớp mắt cái rổ đã đầy tràn nào là xương sườn, thịt heo, trứng gà này nọ. Xong xuôi cô lại lấy tấm vải phủ lên.

Đường xá xa xôi, cả đi cả về cũng mất cả buổi, vì sáng nay cô đi từ sớm tinh mơ nên về tới nhà mới hơn chín giờ gần mười giờ sáng.

Cô không vội đi đón ba đứa nhỏ, có bà nội chúng chăm nom thì ắt hẳn yên tâm rồi. Trước hết cô xếp đầy trứng gà vào bình, đổ đầy một lu gạo, sau đó bắt tay vào xử lý thịt. Cô lấy muối ướp hai miếng thịt ba chỉ lớn, còn miếng thịt nạc thì băm ra nấu cháo cho ba đứa nhỏ. Bọn trẻ rất thích ăn cháo thịt nạc cô nấu, mỗi lần thấy chúng bưng chén cháo ăn ngon lành cười tít mắt, cô cũng được vui lây.

Tiếp theo tới xương heo, cô chặt xương sườn thành những miếng nhỏ, còn xương ống cô tính đưa qua nhà cho bà Chu coi như một chút tấm lòng của cô đối với bà nội bọn trẻ.

Trong bếp coi như đã tạm ổn, Lâm Thanh Hoà thấy thời gian còn sớm bèn đi ra vườn rau ở hậu viện. Vừa dọn dẹp được một chút thì cô nghe có tiếng người gọi.

Mở cửa ra đã thấy Chu Đông ôm hai bó củi thật lớn đứng đó.

Lâm Thanh Hoà mở rộng cửa cho nó đi vào: " Nhanh vậy hả, thím còn tưởng rằng phải hai ngày nữa cháu mới đi chứ."

Chu Đông đáp: " Mấy việc nhẹ như lột bắp em gái cháu làm là được rồi, không cần tới cháu đâu."

Quả thật những việc cần tới nó đều là những việc nặng tựa như gieo hạt lúa mì vụ đông, bất quá hiện tại còn chưa bắt đầu.

Hai bó củi rất lớn, ước chừng ba hào. Lâm Thanh Hoà trực tiếp lấy ba hào từ trong túi thanh toán cho Chu Đông. Cô nói thêm: " Nhà thím vẫn cần thêm củi đấy nhé."

Trong nhà thiếu rất nhiều củi, bởi vì so với nguyên chủ cô càng cần dùng nhiều hơn. Giờ đã là cuối tháng mười rồi, Chu Thanh Bách sắp trở lại, trên người anh có vết thương cô không độc ác giống nguyên chủ bắt ép anh ta phải ra ngoài kiếm củi để trút giận. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới vết thương trở thành mãn tính, không thể chữa khỏi, tới hơn năm mươi tuổi thân thể anh ta đã suy kiệt.

Chu Đông gật đầu đồng ý: "Thím yên tâm, trước khi tuyết rơi cháu vẫn có thể lên núi nhặt củi. Sau khi phân lương thực, em gái có thể đi cùng cháu, chúng cháu sẽ dùng xe đẩy tay chở củi, đảm bảo chở được nhiều củi về cho thím."

Có thể những người khác không thích thím Lâm, nhưng hai anh em Chu Đông có ấn tượng rất tốt với người thím này, bởi cô tạo điều kiện cho bọn họ làm việc. Có việc làm đồng nghĩa với có cơm ăn.

Vào mùa đông, thời tiết lạnh tới mức mèo cũng không kiếm được miếng ăn. Không có công việc hai anh em phải thắt lưng buộc bụng tiết kiệm từng chút một. Mỗi ngày chỉ dám ăn một bữa, đói quá thì uống nước cầm hơi. Hai anh em khổ sở chống trọi qua ngày như thế cho tới khi giúp nguyên chủ làm việc, được cô ấy trả tiền công. Kể từ đó, mùa đông không còn quá tuyệt vọng nữa, hai anh em không phải nhịn đói, mỗi ngày đều có thể ăn hai tới ba bữa.

Lâm Thanh Hoà vào nhà cầm ra hai quả trứng gà đưa cho Chu Đông: "Bữa sáng nay ăn trứng gà, thím luộc hơi nhiều nên còn dư hai quả, cháu cầm về ăn đi."

Chu Đông vội vàng từ chối: "Không cần đâu thím, sáng nay cháu đã ăn rồi. Cháu về trước đây, buổi chiều cháu đi thêm chuyến nữa, chạng vạng tối có thể mang củi qua cho thím."

Dứt lời, nó vội vã rời đi ngay.

Nó nói nhanh và đi càng nhanh hơn, Lâm Thanh Hoà sửng sốt không kịp nói câu gì. Vốn dĩ cô muốn tìm cơ hội nói chuyện với nó về việc cùng cô đi huyện thành nhưng nó chạy nhanh quá. Chu Đông có xe kéo sẽ dễ dàng vận chuyển mấy thứ nặng như chậu rửa chân, chậu rửa mặt. Thời này trứng gà rất quý, xem ra là nó sợ hãi không dám nhận.

Thôi vậy, đợi tới khi nào đi huyện thành thì trả tiền thù lao cho nó cũng được.

Lúc nãy nó nói chiều nay sẽ đi thêm một chuyến nữa, không biết có kịp không. Khoảng cách từ đây lên núi không gần, theo tốc độ của Chu Đông thì ít nhất cũng mất ba giờ đồng hồ, giờ này nó đã mang về được hai bó củi chắc hẳn sáng nay nó ra khỏi nhà từ khi trời chưa sáng.

Cũng may Chu Đông không đi một mình. Trong thôn có vài thanh niên mười bảy mười tám tuổi cũng cùng đi kiếm củi nên không đáng ngại lắm. Thời điểm này, nhà nhà người người đều đang tích trữ củi cho mùa đông sắp tới. Chu Đông kiếm củi bán cho cô, những người khác kiếm củi mang tới huyện thành bên kia bán. Cùng là bán củi như nhau nhưng so ra thì Chu Đông đỡ cực hơn nhiều.

Chu Đông về nhà, cơm nước xong liền ra khỏi cửa, trước khi trời tối là có thể quay về rồi.

Ở quê không nhà nào thiếu củi lửa, rơm rạ đều được phân không ít, chỉ có nhà cô là không được chia. Cô phải làm công tác chuẩn bị thật tốt để đón mùa đông giá rét này.

Những điều này cô hiểu rất rõ, Chu Đông lại càng hiểu rõ hơn. Chu Đông rất quý trọng cơ hội kiếm tiền này, vì thế vô cùng nỗ lực . So với việc thắt lưng buộc bụng nhịn đói qua mùa đông, nó bằng lòng bây giờ vất vả kiếm càng nhiều củi càng tốt.

Biết thuê lao động trẻ em là không đúng, nhưng xuất phát từ thiện tâm, Lâm Thanh Hoà không thấy áy náy. Về việc này cô hoàn toàn đồng ý với nguyên chủ.

Xách hai bó củi xếp vào kho củi ở hậu viện. Trong một lần về phép, Chu Thanh Bách đã dựng cái kho này lên, chuyên để trữ củi tránh mưa tuyết làm ướt.

Xong xuôi cô quay lại vườn tiếp tục công việc còn đang dang dở. Một lúc sau mảnh vườn đã gọn gàng hơn, cô hái mấy trái dưa leo tính trưa nay sẽ làm món thịt xào dưa leo.

Bốn mẹ con ăn một dĩa dưa leo xào thịt là đủ rồi, sáng nay vẫn còn dư một ít cháo trắng và trứng gà luộc. Cô cố tình nấu nhiều cháo, để trưa nay hâm nóng lên là có thể ăn được ngay, không mất nhiều thời gian. Lấy trong không gian thêm hai cái bánh bao trắng. Bữa trưa như vậy xem ra được rồi.

Ngay cả bữa tối ăn gì Lâm Thanh Hoà đã tính xong, chính là sủi cảo. Ăn cơm trưa xong cô sẽ làm vỏ bánh.

Đúng mười một giờ trưa, Chu Đại Oa có mặt ở nhà. Nó chạy về là muốn kiểm tra xem mẹ đã đi chợ về chưa, vừa chạy vào nhà quả nhiên gặp được mẹ.

Lâm Thanh Hoà hỏi: " Bà nội vẫn còn ở chỗ đội sản xuất lột bắp hả?"

"Dạ" Chu Đại Oa gật đầu, sau đó nhìn về phía bệ bếp hỏi: "Mẹ, hôm nay mẹ mua đồ ngon gì vậy? Có bánh bao trắng không hả mẹ?"

Lâm Thanh Hoà nói: "Có nhé. Con đi đón hai em về đi. Nhưng tuyệt đối không được nói linh tinh với bên ngoài đâu đấy, bằng không đừng hòng ăn gì."

Chu Đại Oa thắc mắc hỏi lại: " Ăn thịt cũng không được nói hả mẹ?"

Nó đã đem chuyện này khoe khoang với đám nhóc trong thôn, bọn chúng hâm mộ nó cực kỳ luôn.

Lâm Thanh Hoà gật đầu: " Lúc trước đã nói rồi thì thôi, nhưng từ giờ về sau đừng nói gì cả. Phải khiêm tốn, có biết hay không?"

Chu Đại Oa không hiểu: " Khiêm tốn là gì hả mẹ?"

Lâm Thanh Hoà mất kiên nhẫn: "...ai da, con thích nói gì thì nói đi, chạy nhanh đi đón hai em về đây, chuẩn bị ăn cơm trưa!"

Chu Đại Oa lập tức trả lời: " Con đi ngay đây!"

CHƯƠNG 17: TIỀN RIÊNG

Chu Nhị Ni, con gái thứ hai của chị cả Chu, bế Chu Tam Oa đi trước ,Chu Đại Oa và Chu Nhị Oa nối đuôi về nhà.

" Cháu mang ống xương này về đi, thêm món cho ông nội, bà nội ." Lâm Thanh Hoà đưa cho Chu Nhị Ni một cái xương ống thật to, cũng không màng bên nhà họ Chu có nghĩ gì hay không.

Lâm Thanh Hoà múc nước rửa mặt cho Nhị Oa, Tam Oa, ghét bỏ nói: " Mới sáng ngày ra mặt mày đã lem nhem như mèo rồi."

Sau đó tới lượt Đại Oa, nó vừa rửa mặt vừa hỏi mẹ: "Mẹ, mẹ mua về mấy cái bánh bao trắng?"

Lâm Thanh Hoà hỏi lại: "Con nghĩ là mấy cái?"

Đại Oa liền đáp: " Đương nhiên mỗi người một cái."

"Mơ đi." Lâm Thanh Hoà hừ: "Mẹ chỉ mua hai cái, cho các con mỗi đứa nửa cái."

Bánh bao bột mỳ tinh, loại cực lớn, mỗi người nửa cái đã là quá tốt rồi!

Vệ sinh sạch sẽ cho ba anh em xong, Lâm Thanh Hoà liền hâm nóng cháo. Không có bếp than làm gì cũng phiền phức!

Từ cuộc sống hiện đại xuyên về đây, Lâm Thanh Hoà đã cố gắng hết sức để thích nghi. Sinh hoạt thường ngày tương đối ổn mỗi tội cô vẫn hơi lười một tí.

Bữa trưa có cháo trắng, không nhiều không ít vừa vặn mỗi người một chén, ăn kèm với dưa leo xào thịt, trứng gà luộc, quan trọng nhất chính là hai cái bánh bao trắng siêu lớn. Cả bốn mẹ con ăn tới mỹ mãn.

Đặc biệt là Đại Oa cùng Nhị Oa, bánh bao trắng là tình yêu bất diệt, trăm cái không chán.

Ăn xong, Chu Nhị Oa cất tiếng hỏi: " Mẹ, hôm nay mẹ đi chợ mua gì về thế?"

"Không có gì." Lâm Thanh Hoà vừa thu dọn chén đũa vừa trả lời bâng quơ một câu.

Lại nói tới chuyện mua bán, lần này đi cung tiêu xã trên trấn, cô vốn định mua mấy thứ như táo đỏ, tôm khô này nọ, nhưng cái gì cũng không bán. Chắc phải đi lên tận cung tiêu xã trên huyện mới mua được.

Hàng hoá ở cung tiêu xã trên trấn thưa thớt thấy thương. Dựa theo ký ức của nguyên chủ, cung tiêu xã ở huyện thành bán đầy đủ các thể loại, không thiếu một thứ gì. Tiếc rằng mỗi lần cô ta tới đó chỉ chăm chăm chú ý tới vải vóc, không quan tâm cái gì khác.

Lâm Thanh Hoà thì ngược lại, cái nguyên chủ không quan tâm thì cô lại hứng thú. Mấy đứa Đại Oa đang trong thời kỳ phát triển cơ thể, cần ăn nhiều thứ để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, ví dụ như tôm khô bổ sung Canxi. Táo đỏ nọ kia cũng cần phải trữ trong nhà, phòng lúc hầm gà có cái mà dùng.

Ngoài ra mấy loại khác như nấm, mộc nhĩ, rong biển cô đã mua sẵn mỗi thứ nửa cân. Nhưng nếu Chu Thanh Bách trở về, trong nhà có thêm một người đàn ông thì từng đó khẳng định không đủ ăn, cô cần phải đi lên huyện một chuyến. Để xem ngày nào hợp lý gọi Chu Đông đi cùng, mang thêm xe kéo để chở vật tư sẽ đỡ mệt hơn.

Thầm tính toán một hồi, sau đó cô lùa ba đứa lên giường ngủ trưa. Tới giờ ngủ trưa là phải đi ngủ, nhất định không được làm việc khác.

Nằm xuống nghĩ tới thời tiết ngày càng lạnh, cô không yên tâm. Đợi ba đứa ngủ say, cô mở không gian riêng ra xem một chút.

Cô đã chuẩn bị hai cái chăn bông cực lớn loại bảy cân một cái, vô cùng ấm áp. Ngoài màu sắc không khoa trương ra thì các yếu tố khác đều vô cùng hiện đại, hoàn toàn không phù hợp với thời đại này.

Cho nên cô cần một cái vỏ chăn loại lớn, đợi khi nào đi cung tiêu xã trên huyện xem có cái nào thích hợp mua về rồi về nhét ruột chăn vào là được, đố Chu Thanh Bách phát hiện ra.

Haha tự hào quá, mình đúng là vừa thông minh vừa có bản lĩnh!

Cái đệm cô mua lúc trước cũng có thể mang ra dùng luôn, vì nó được làm theo kiểu phục cổ, nhìn thì có vẻ rẻ tiền nhưng chất lượng khỏi chê.

Chăn với đệm thì cứ trải ở giường của cô đi, mùa đông đến sẽ để ba đứa nhỏ ngủ cùng mình, cha bọn chúng về sẽ ngủ ở phòng các con bên cạnh. Dù sao trong nhà cũng vẫn có sẵn một cái chăn bông cũ, đủ cho anh ta giữ ấm.

Chu Thanh Bách: "........"

Sắp xếp mọi thứ thật hoàn hảo. Lâm Thanh Hoà đắc ý mang theo ba đứa con cùng chìm vào giấc mộng.

Mọi người trong nhà họ Chu đi làm về đều biết chuyện Lâm Thanh Hoà thế mà lại cho nhà họ một ống xương cực lớn, tuy không có thịt, nhưng thời đại này chỉ cần có chút vị thịt cũng đã là rất quý. Đạo lý này không ai không biết !

Đặc biệt lại là Lâm Thanh Hoà đưa cho Chu Nhị Ni mang về.

Phần xương này đem chặt nhỏ ra rồi hầm với dưa chua, lâu lắm rồi mới lại được ăn thịt, mới nghĩ thôi đã không chịu nổi rồi.

Ăn cơm xong, mọi người tản ra, phòng nào về phòng nấy nghỉ ngơi.

Bà Chu vừa vào phòng đã hỏi ông Chu: "Ông này, ông nói xem có chuyện gì với vợ thằng tư nhỉ?"

" Chuyện gì là chuyện gì?" Trong lòng ông Chu cũng không hiểu rõ nhưng ông không thích suy đoán lung tung.

Bà Chu lại nói: " Thì còn chuyện gì nữa, nó trước giờ đều hận không thể phủi sạch quan hệ với nhà họ Chu chúng ta. Thế mà hôm nay lại gửi đám Nhị Oa Tam Oa cho tôi giữ, rồi còn đưa xương heo sang nữa chứ."

Ông Chu không rảnh suy nghĩ nhiều, đối với ông mà nói chỉ cần con dâu biết điều sống tốt là được rồi, còn lại những cái khác ông không muốn quản.

Việc quan trọng hơn ông phải quản bây giờ là mau giao cho xong lương thực, hoàn thành nộp thuế, sau đó chờ đại đội phân lương xuống rồi chuẩn bị gieo trồng lúa mì vụ đông. Đây mới là đại sự.

Đàn bà đúng là giống nhau, đâu chỉ có mình bà Chu ôm nghi hoặc, còn có ba người chị dâu nữa.

Chị hai Chu thầm thì với Chu Thanh Lâm: " Thím tư làm vậy là có ý gì nhỉ? Không phải cô ấy muốn chia thịt với nhà mình đấy chứ?"

Chu Thanh Lâm không thèm để ý nói: "Nhà chứ tư đã phân gia rồi, thịt nhà mình sao có thể chia cho bên đó được."

Chu Gia nhân khẩu đông như vậy, chia sao đủ mà chia.

"Mặc dù đã phân gia, nhưng nói thế nào thì cha mẹ cũng là ông bà nội của đám Đại Oa mà." Chị hai Chu tự cho mình thông minh có thể nhìn thấu âm mưu của Lâm Thanh Hoà.

Chu Thanh Lâm nói: " Em không cần phải nghĩ nhiều, chứ tư mỗi tháng đều gửi tiền trợ cấp về, cô ấy rất kiêu căng ngạo mạn, nếu muốn ăn thịt sẽ trực tiếp tới đội sản xuất mua chứ chẳng thèm nhòm ngó chỗ thịt nhà chúng ta đâu. Hơn nữa anh nghĩ cô ấy tự có cách kiếm được thịt, bằng không sẽ chẳng hào phóng mà cho nhà mình hẳn một ống xương lớn như vậy."

Lúc này, chị hai Chu đã không giấu được sự ghen ghét trong giọng nói: " Anh thì chẳng biết cái gì cả. Đại Oa chúng nó đứa nào đứa nấy đều lớn phổng lên không ít, đặc biệt là Tam Oa, mặt núc na núc ních toàn thịt là thịt."

Chị hai Chu có hai đứa con gái lớn và một đứa con trai năm nay lên ba, nhưng đứa nào đều gầy đét. Thằng út bằng tuổi với Nhị Oa, tuy rằng lùn hơn chút, nhưng cân nặng lại không thua Nhị Oa. Thế mà mới mấy hôm không gặp Nhi Oa lại mập mạp hơn nhiều.

Chu Thanh Lâm lại nói: " Em đừng suốt ngày nghĩ lung tung nữa, anh đoán tiền trong túi cô ấy chẳng nhiều bằng chúng ta đâu."

Những lời này gãi đúng chỗ ngứa của chị hai Chu. Cô tự nhận mình là một quản gia đại tài, chỉ cần có cô ở đây thì chẳng phải lo gì cả, mặc dù hai vợ chồng không có bất kỳ một khoản thu nhập nào thế mà cô vẫn có khả năng vun vén tích cóp được mười mấy đồng tiền.

Đây tuyệt đối là một khoản tiết kiệm không hề nhỏ !

Ngược lại, thím tư là một quản gia đại tồi, đừng tưởng mỗi tháng chú tư đều gửi tiền trợ cấp về thì thím tư sẽ biết giữ. Nhiều thế chứ nhiều nữa cũng đều bị huỷ hoại trong tay cô vợ hoang phí mà thôi.

Ví dụ ngay trước mắt, thím ba đang giúp cô ta may quần áo mùa đông cho đám Đại Oa. Cả ba anh em mỗi người một bộ quần áo mới, dùng bông và vải dệt đều là loại tốt nhất. Cái này không phải phá của thì là gì?!

Cô dám chắc Lâm Thanh Hoà không nhiều tiền bằng cô. Cược gì cũng chơi!

"Không biết năm nay mẹ sẽ cho nhà mình bao nhiêu tiền tiêu vặt nhỉ?" Chị hai Chu tự an ủi mình mồi hồi, tâm tình tốt hẳn lên.

Bà Chu là một người mẹ chồng tốt nhất trong thôn này, không tính chuyện bà ưu tiên Chu Thanh Bách cho phép Lâm Thanh Hoà phân gia, thì bà luôn đối xử rất công bằng với ba cô con dâu.

Bà không phải dạng người keo kiệt vắt cổ chày ra nước, ví như cuối năm tới thời điểm phân phiếu phân tiền, bà sẽ phát cho ba phòng mỗi phòng một hai đồng tiền tiêu vặt.

Số tiền này các cô con dâu được tự quản lý, giữ lên hoặc mùng hai Tết đưa về nhà mẹ đẻ đều được. Tóm lại là tuỳ ý sử dụng.

Những nàng dâu khác trong thôn không được đãi ngộ tốt như con dâu Chu Gia. Mẹ chồng nắm mọi thứ trong tay, đừng bao giờ mơ tới việc có tiền riêng.

Nhìn xuống mới thấy, cuộc sống của mình vẫn còn tốt hơn nhiều người.

CHƯƠNG 18: KHOẢN TIẾT KIỆM KHỔNG LỒ

Trong gian phòng sát vách, chị cả Chu cũng đang nói về chuyện này. Tuy cô không có suy nghĩ giống chị hai Chu nhưng vẻ mặt vẫn rất mờ mịt khó hiểu. Chu Thanh Mộc thì ngược lại, anh ta cho rằng chuyện này dễ hiểu thôi là do Lâm Thanh Hoà đã trưởng thành rồi.

Chị cả Chu trừng mắt một cái, còn nhớ lúc thím tư náo loạn một trận, lão chồng cô chỉ nói một câu còn bé chưa hiểu chuyện, nhưng sau đó thì sao, là mẹ của ba đứa con rồi mà vẫn chưa chịu trưởng thành?

Bây giờ nói trưởng thành là trưởng thành ngay? Ai mà tin nổi?

Chị cả Chu chép miệng: "Thế này cũng quá tốn tiền đi, em nghe mẹ Quả Đào kể lại nhìn thấy thím ấy xách về một cái rổ đựng đầy đồ."

Chẳng ai nhìn được trong đó chứa gì nhưng không tiếc cho bên này một ống xương lớn thì khẳng định lần này thím ấy đã mua không ít.

Về điểm này Chu Thanh Mộc đồng tình với vợ, đúng là không nên tiêu xài hoang phí, ba anh em Đại Oa chớp mắt một cái đã năm, sáu tuổi, càng lớn càng tốn kém, cha mẹ nên học cách tiết kiệm để lo cho con cái.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, Chu Thanh Mộc có một chút hâm mộ em trai. Anh mới chỉ có một thằng con trai cho nên áp lực kinh tế không bằng bên đó, tuy nhiên áp lực kiểu này anh chấp nhận gánh, gánh bao nhiêu cũng được.

Chu Thanh Mộc vuốt ve cái bụng nhô lên cao của vợ: "Không biết có phải là con trai không nhỉ?!"

Chu Thanh Mộc thành công di dời sự chú ý của chị cả Chu. Chị cả Chu âu yếm nhìn bụng mình: " Đại Oa mỗi lần thấy bụng bầu của thím ba thì đều kêu em trai em trai, không biết đứa bé trong bụng em có phải cũng là con trai hay không?!"

Nói vậy chứ thật lòng cô không quá lo lắng, bởi cô đã sinh được một cậu con trai rồi, nếu lần này là trai thì tốt còn nếu không phải thì cũng không sao.

Bên phía chị ba Chu thì là một bầu không khí hoàn toàn khác. Giờ là lúc nông nhàn, công việc trong nhà không tới lượt cô cho nên cô có thể dành toàn bộ thời gian trong ngày để may quần áo cho Đại Oa và Nhị Oa. Tốc độ nhanh hơn đáng kể, thoắt cái bộ quần áo Nhị Oa đã xong được một nửa rồi.

Tập trung toàn bộ thời gian và sức lực thì chỉ mấy ngày nữa là may xong cho cả Nhị Oa và Đại Oa, sau đó cô có thể may áo khoác cho con gái mình rồi.

Mỗi người trong Chu Gia đều có tâm tư riêng, nhưng cuộc sống thường nhật vẫn rất hoà thuận.

Thời điểm chị ba Chu mệt mỏi ngáp một cái quyết định dừng tay đi nằm nghỉ một chút cũng là lúc Lâm Thanh Hoà tỉnh giấc.

Bữa tối nay định ăn sủi cao, bây giờ nên bắt tay vào nhồi bột.

Hôm nay thời tiết không quá lạnh, chỉ có thịt ba chỉ ướp muối là để bên ngoài được thôi, mấy thứ như thịt tươi, xương sườn, Lâm Thanh Hoà chặt nhỏ rồi cất vào trong không gian riêng tránh bị ôi thiu. Không gian riêng của xuất sắc gấp vạn lần tủ lạnh ấy chứ.

Lâm Thanh Hoà bận rộn trong bếp, ba anh em Đại Oa cũng theo vào, biết tối nay được ăn sủi cảo bọn chúng phấn khích tới mức không đợi nổi nữa.

Chu Đại Oa ngay lập tức lao ra cửa khoe với đám bạn, Chu Nhị Oa cũng chạy theo anh, Tam Oa thì ở nhà lẽo đẽo bám theo mẹ một bước không rời.

Lâm Thanh Hoà không quá khắt khe với hai đứa lớn, chỉ cần chúng không quá phận là được. Theo quan điểm của cô nuôi con trai không cần quá mức chăm chút. Mùa đông sắp tới rồi, đến lúc đó có muốn đi chơi cũng không đi được, nhân cơ hội đó cô sẽ dạy Chu Đại Oa học chữ.

Qua năm sau sẽ cho nó vào trường tiểu học. Thời này cấp bậc tiểu học là hệ năm năm, sơ trung cao trung là hệ hai năm.

Sáu tuổi không còn nhỏ, là độ tuổi thích hợp bắt đầu đi học, còn hơn ở nhà chỉ lo đi chơi như con chó con mèo cả ngày lang thang ngoài đường.

Nhân vật chính Chu Đại Oa không biết những ngày tháng tự do rong chơi của mình sắp hết, nó vẫn đang chơi vui quên đường về, Chu Nhị Oa thì như cái đuôi bám dính lấy anh trai.

Chẳng biết hai anh em chạy ra ngoài chơi cái trò quỷ gì mà lúc về nhà từ đầu đến chân dơ hầy. Lâm Thanh Hoà chẳng bất ngờ, liếc mắt nhìn một cái rồi xách cổ hai đứa đi rửa chân tay mặt mũi.

Trong nhà có một cái giếng, tất nhiên là dùng tiền đào. Toàn thôn số hộ gia đình có giếng riêng không vượt quá năm nhà, trong đó có nhà cô.

Tất nhiên ngày thường miệng giếng được đậy lại cẩn thận, tránh ba đứa nhỏ nghịch ngợm sảy chân ngã xuống.

Để đào được cái giếng này phải bỏ ra không ít tiền của, nguyên chủ ỷ vào số tiền trợ cấp chồng gửi về nên không cần cân nhắc sảng khoái thuê người tới đào.

Việc này lại khiến chị hai Chu càng thêm đắc chí, cô ta cho rằng nguyên chủ càng hoang phí thì càng không có nhiều tiền mặt bằng mình. Nhưng bà chị dâu này đã quá xem nhẹ năng lực của Chu Thanh Bách rồi.

Mấy năm đầu, mỗi tháng Chu Thanh Bách đều đặn gửi về hơn hai mươi đồng, thường thường là hai mươi ba đồng, có tháng lên tới hai mươi lăm, hai mươi sáu đồng.

Có bao nhiêu gửi về bấy nhiêu một phân tiền anh cũng không giữ lại. Trên cơ bản anh ở trong quân đội không dùng tới tiền, ăn ở không tốn tiền, lại chẳng có gì cần tiêu xài thế nên có bao nhiêu là anh gửi hết về nhà cho vợ con, ngoài tiền ra còn có cả tem phiếu.

Một hai năm trở lại đây, số tiền trợ cấp tăng lên hơn ba mươi đồng, thậm chí ba mươi lăm ba mươi sáu đồng một tháng là chuyện bình thường.

Có lẽ anh chồng không lo lắng nguyên chủ tiêu hết tiền, rốt cuộc thì ở thời đại này có nhiều tiền cũng chẳng thể đi khắp thiên hạ. Ba đứa con đều là ba thằng nhóc, ăn giỏi lắm cũng không tới mức ăn mạt được. Đặc biệt bà mẹ này còn có chủ trương chỉ cần chúng không chết đói là được, thử hỏi như thế thì đáng bao tiền lương thực cơ chứ?

Các khoản phí chủ yếu rơi trên người nguyên chủ, nào là kem dưỡng da mặt, da tay, quần áo mát mùa hè, quần áo ấm mùa đông, khăn trùm đầu, khăn quàng cổ rồi tới giày da các kiểu, không thiếu thứ gì.

Nguyên chủ tự cho mình là mỹ nhân, không thể bạc đãi chính mình được.

Mặc dù cô ấy mua sắm rất nhiều nhưng may mà vẫn còn biết tiết kiệm. Mấy hôm trước Lâm Thanh Hoà kiêm kê lại tài sản thấy có hơn hai trăm gần ba trăm đồng tiền tiết kiệm.

Ở cái thời đại một phân tiền cũng quý thì không nghi ngờ gì nữa ba trăm đồng đích thị là một khoản khổng lồ.

Có trách thì trách nguyên chủ tự huỷ hoại hình tượng của mình. Hình ảnh người phụ nữ tiêu xài hoang phí đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân trong thôn, nên họ định kiến rằng cô thuộc dạng người có nhiêu xài nhiêu, không biết tiết kiệm.

Cái này cũng phải nhắc lại chuyện cũ, có lần một bà cụ trong thôn tốt bụng khuyên nguyên chủ vài câu, nói cô nên tiết kiệm chút đỉnh. Ai ngờ lúc ấy nguyên chủ không thèm suy nghĩ, kiêu ngạo đáp: " Số tiền này còn chả đủ cho tôi tiêu nói gì tới chuyện tiết kiệm."

Lời này được truyền đi khắp thôn, thậm chí tới giờ vẫn có người nhắc lại. Ai có mắt mà không nhìn thấy nguyên chủ hàng ngày bôi kem dưỡng da, chưng diện đẹp đẽ, thay đổi giày dép quần áo mới liên tục. Những thứ xa xỉ phẩm này đến giá cả người dân trong thôn còn chẳng dám hỏi nữa là nghĩ tới chuyện mua dùng. Chính vì thế họ càng tin lời nguyên chủ nói là thật.

Quay về thực tế, Chu Đại Oa vừa rửa tay vừa liên mồm hỏi: " Mẹ làm sủi cảo nhân gì thế?"

Lâm Thanh Hoà thuận miệng đáp một câu: " Sủi cảo thịt heo."

Chu Nhị Oa nói: " Mẹ làm sủi cảo, nhân gì con cũng thích ăn."

Nhị Oa giỏi lấy lòng người khác, Lâm Thanh Hoà rất nể mặt nhìn nó cười một cái. Chu Nhị Oa thấy vậy nhoẻn miệng cười toe toét.

" Mẹ để con giúp mẹ nhé." Hai mắt Chu Đại Oa sáng như hai bóng đèn không che dấu được vẻ hào hừng muốn được làm việc giúp mẹ.

Công việc sau này chắc chắn có phần của mấy đứa, cô không tính nuôi dậy chúng thành ba đại thiếu gia tay không dính nước. Nhưng tạm thời... thôi bỏ đi, cảm đám thích nghịch bẩn, đứa nào đứa nấy mười đầu ngón tay toàn đất là đất, tuy đã rửa sạch sẽ nhưng vẫn dơ như quỷ.

Lâm Thanh Hoà vội bắt lấy cái móng vuốt của Đại Oa, nói: " Đừng đụng tay vào, mấy đứa đứng một bên đợi đi."

Chu Đại Oa ấm ức gào lên: " Mẹ ghét bỏ con!"

Lâm Thanh Hoà trừng mắt: " Mẹ ghét bỏ con không phải ngày một ngày hai, sao trước đây không thấy con nói như thế đi. À phải rồi, nhà mình sắp nuôi gà, mấy đứa có ý kiến gì không."

Nhị Oa hai mắt hấp háy: " Nuôi gà con sao?"

" Phải rồi." Lâm Thanh Hoà gật đầu: " Chu Đại Oa, con giữ tay em lại kìa, đừng để em cho tay vào miệng."

Lâm Thanh Hoà cho Tam Oa nghịch một ít bột mì để nó ngồi yên một chỗ tự chơi.

CHƯƠNG 19: NGƯỜI ĐÀN BÀ PHÁ CỦA NHẤT

Chu Đại Oa vội bắt lấy tay em trai: "Mẹ, bây giờ làm gì có gà con."

Nhị Oa nghe thấy anh trai nói vậy không khỏi cảm thấy hụt hẫng: " Không có hở?"

Lâm Thanh Hoà: " Mẹ biết, nhưng mà nhà mình không nuôi ngay, chắc phải tới đầu xuân sang năm mới bắt đầu nuôi. Tới lúc ấy mấy nhà trong thôn có gà con rồi, qua đó hỏi mua là được. Nhưng cái mẹ lo là thức ăn cho gà con kìa."

Nhà cô còn rất nhiều đất trống, đặc biệt ở khu hậu viện, vườn rau lại có rất nhiều thân rau làm thức ăn cho gà, không nuôi gà thì thật lãng phí.

Nguyên chủ rất thích sạch sẽ, so với Lâm Thanh Hoà chắc chắn là hơn chứ không kém. Vì thế trong nhà không nuôi bất cứ con vật gì, nguyên chủ không thích mùi hôi của động vật. Nhưng nếu chịu khó dọn dẹp chất thải của chúng thì không tới mức chịu không nổi, hơn nữa từ hậu viện tới nhà chính còn cách một khoảng sân rộng.

Đợi Chu Thanh Bách trở về, Lâm Thanh Hoà sẽ bàn bạc kêu anh làm cái chuồng gà.

Chu Đại Oa nghĩ tới ăn mắt lại sáng lấp lánh: "Nếu nhà mình nuôi gà, có phải sau này chúng ta được ăn thịt gà không hả mẹ?"

Chu Nhị Oa lập tức đáp trả: " Nuôi gà là để đẻ trứng!"

Ăn gà rồi thì lấy đâu ra trứng mà ăn?

Chu Đại Oa không chịu, gân cổ cãi: " Thịt gà ngon lắm đó!"

Chu Nhị Oa nghe anh trai nói vậy, nước miếng trong miệng tức khắc ứa ra. Nó quay đầu nhìn về phía mẹ.

Tuy rằng đứa nhỏ này không mở miệng nhưng Lâm Thanh Hoà có thể đọc được ý tứ trong mắt nó: Mẹ, con chưa từng được ăn thịt gà.

Lâm Thanh Hoà không đành lòng, bèn đáp: " Được rồi, khi nào có người bán thịt gà, mẹ sẽ mua về làm cho mấy đứa ăn."

Nhị Oa lập tức lao tới ôm lấy ống quần cô, nũng nịu nói: "Mẹ thật tốt."

Tuy rằng tương lai thằng nhóc này sẽ trở thành quân sư quạt mo cho đám anh em gian ác, nhưng trước mắt nó vẫn còn là một đứa bé thích nhõng nhẽo.

Được Lâm Thanh Hoà cưng chiều mấy ngày hôm nay, ba anh em đã quên sạch nhưng tháng ngày bị mẹ ruột đối xử lạnh nhạt. Cả ba đứa đều quấn quýt Lâm Thanh Hoà, đêm qua Chu Nhị Oa còn đòi ngủ chung với mẹ và Tam Oa.

Trước kia, chắc hẳn nó không dám đòi hỏi bất cứ điều gì với nguyên chủ.

Đừng tưởng trẻ con không biết gì, chúng rất thông minh, người nào đối xử với nó tốt hay không tốt, chúng đều nhìn rất rõ.

Tụi nhỏ biết Lâm Thanh Hoà đối xử tốt với mình nên Nhị Oa mới cả gan mè nheo. Lâm Thanh Hoà chưa vội đáp ứng, hai đứa lớn phải tự ngủ riêng, tới khi trời trở lạnh thì tính sau.

Lâm Thanh Hoà nói: " Sang năm nhà mình nuôi gà, các con phụ trách cho gà ăn nhé."

Nhị Oa lập tức đáp: " Con ra vườn rau bắt sâu cho gà con!"

Chu Đại Oa cũng vội vàng thể hiện: " Con đi ra ngoài đào giun về cho gà ăn!"

" Ăn, ăn gà." Tam Oa chớp mắt nhìn anh cả rồi nhìn sang anh hai, góp vui một câu.

Nhị Oa đi tới bên cạnh em trai làm bộ người lớn dạy bảo trẻ con, gà con nuôi để đẻ trứng chứ không phải để ăn.

Vừa nói chuyện vừa làm loáng cái đã xong, chưa tới năm giờ chiều đã ăn tối. Sủi cảo thịt heo thơm ngào ngạt. Ba đứa đói con mắt nhưng dù sao vẫn là trẻ con, dạ dày có bao lớn, cuối cùng vẫn thừa lại một chén.

Vừa hay Chu Đông gánh củi tới trước cửa, Lâm Thanh Hoà bèn đưa cho nó:

"Tiểu Đông, cháu cầm chén sủi cảo này về ăn đi, thím có chuyện muốn thương lượng với cháu."

Chu Đông lắc đầu nói: " Có việc gì thím cứ nói, cháu nhất định sẽ làm mà. Chén sủi cảo này thím để lại cho mấy em ăn đi."

Chu Đại Oa phóng khoáng nói: " Anh Chu Đông, chúng em ăn rồi."

Chỉ có Chu Nhị Oa không muốn mẹ mang cho, nhưng nó chỉ thầm nghĩ thôi không nói ra miệng.

Lâm Thanh Hoà: " Nghe thấy chưa, anh em tụi nó đều ăn cả rồi, nếu cháu không nhận chén sủi cảo này, thím không cách nào mở miệng nhờ cháu được."

Chu Đông nghe thím nói vậy, do dự một chút bèn đưa tay nhận chén sủi cảo, nó nói: " Có chuyện gì thím nói đi ạ"

Lâm Thanh Hoà: " Là thế này, thím tính đi lên huyện thành một chuyến. Lần này đi mua tương đối nhiều đồ, một mình thím không mang về được. Ngày kia cháu rảnh không, đi cùng thím một chuyến?"

Chu Đông có một cái xe kéo, thích hợp vận chuyển hàng hoá. Lần này có thể là lần đi huyện thành cuối cùng trong năm nay, cô không đi lại nhiều vì xa xôi quá. Đi bộ mất ba bốn tiếng đồng hồ, đi rồi quay về mất nguyên một ngày trời, thở còn không nổi nói chi xách thêm đồ !

"Dạ được, ngày kia cháu tới, thím tính đi mấy giờ?" 

Chu Đông đồng ý ngay lập tức.

Ngày mốt là ngày toàn thôn nộp lương, nó không cần tới cũng được, kế tiếp tới ngày phân lương mới là ngày quan trọng nó bắt buộc phải có mặt.

Lâm Thanh Hoà trả lời: " Năm giờ đi."

Năm giờ xuất phát tới khoảng chín giờ là tới huyện thành.

Chu Đông gật gật đầu đã hiểu, nó nhìn nhìn chén sủi cảo trên tay định trả lại, Lâm Thanh Hoà bèn nói: " Cháu cầm về ăn đi, bằng không thím không dám sai cháu làm việc nữa đâu."

Nói xong cô lấy ba hào thanh toán tiền hai bó củi cho Chu Đông rồi đuổi nó về nhà. Lúc này nó mới chịu cầm chén sủi cảo và tiền ra về.

Lâm Thanh Hoà kêu Chu Đông cùng đi lên huyện thành có nghĩa là nó mất một ngày công kiếm củi. Đối với việc này Chu Đông không có ý kiến gì, bởi Lâm Thanh Hoà đã cho nó một chén sủi cảo làm bằng bột mỳ tinh còn có nhân thịt heo. Món này ở tiệm cơm trên trấn hoặc huyện thành phải tốn hơn năm hào, lại còn cần phiếu gạo, bằng không có tiền cũng mua không được.

Dọc đường về, người trong thôn nhìn thấy trên tay Chu Đông cầm một chén sủi cảo, tò mò tiến lại hỏi han vài câu.

Chu Đông không có gì phải giấu diếm, nói thật là thím Lâm cho nó, thím nhờ nó đi cùng lên huyện thành có việc.

Việc gì, không cần hỏi thì ai cũng biết, khẳng định cô ấy lại muốn đi tiêu tiền đây mà, ngại xách đồ nặng nên tìm người khiêng giúp.

Nhìn lại chén sủi cảo, miếng nào miếng nấy trắng tinh, căng đầy nhân thịt heo, thơm ngào ngạt, thật đáng đồng tiền nha !

Chu Đông không phải thằng ngốc, không dây dưa với đám người trong thôn lâu, nó nhanh chóng trở về nhà chia cho em gái cùng ăn.

Chu Đông trở về không bao lâu, Chu Tây rửa sạch chén đem trả Chu Thanh Hoà. Chu Tây hỏi Chu Thanh Hoà ngày mốt cô đi huyện thành có cần nó qua trông tụi Đại Oa không.

Nguyên chủ trước kia cũng vài lần nhờ Chu Tây. Con bé còn nhỏ nhưng làm việc rất đáng tin cậy. Lần này Chu Thanh Hoà không tính nhờ nó, nên cô nói: "Không cần đâu, sáng sớm ngày mốt thím nhờ bà nội tụi nhỏ qua trông chúng là được."

Chu Tây liền trở về nhà mình.

Bữa tối nay hai anh em chỉ ăn một chén sủi cảo thôi, vừa có tinh bột vừa có thịt heo, đủ no rồi, không cần nấu thêm cơm.

Mấy ngày nữa là tới ngày phát lương, nhà nào thiếu lương thực có thể tới ứng trước, chờ khi nào phát lương khấu trừ lại là được. Cho nên tạm thời không có nhà nào thiếu ăn, thế nhưng một mùa đông đang đợi họ phía trước, không ai dám ăn uống phung phí.

Đặc biệt gia đình hoàn cảnh như nhà Chu Đông, Chu Tây, nếu không biết thắt lưng buộc bụng thì không thoát khỏi cảnh nghèo rớt mùng tơi.

May mắn năm nay nhu cầu về củi của Lâm Thanh Hoà nhiều hơn mọi năm rất nhiều, Chu Đông kiếm được một khoản kha khá, đơn cử hôm nay bốn bó củi lớn, nó kiếm được tận sáu hào.

Diện tích thôn rất rộng, thế mà tin tức truyền đi rất nhanh, chẳng mấy chốc tin Lâm Thanh Hoà kêu Chu Đông đi huyện thành đã truyền tới tai bà Chu.

Bà Chu tức giận thiếu chút nữa lên cơn đau tim, bà vừa đưa tay giữ lồng ngực vừa bực tức nói: "Tôi còn tưởng nó đã thay đổi, xem ra vẫn chứng nào tật ấy!"

Hôm nay vừa mới đi lên trấn mua về đầy một rổ đồ vật, mai lại muốn đi huyện thành. Mấy hôm trước nó mới đi huyện thành về xong, mắc cái tật gì mà vội tiêu tiền như thế cơ chứ!

Chu cả Chu, chị hai Chu, chị ba Chu, cùng một nét mặt, chuyện như này quá quen rồi, không có gì lạ lẫm.

Người dân vốn trăm người mười ý, nhưng lại tương đối thống nhất về việc công kích Lâm Thanh Hoà không biết quản gia còn sống hoang phí. Trong cả cái đội sản xuất này, cô là người đàn bà phá của nhất !

CHƯƠNG 20: BÁNH KHOAI LANG CHIÊN

Người trong thôn bận rộn bàn tán thế nào cũng chả liên quan gì đến nhà này, Lâm Thanh Hoà và ba đứa con bình yên có một giấc ngủ ngon.

Sáng sớm hôm sau, Lâm Thanh Hoà giặt quần áo xong trở về liền nấu cháo gạo kê.

Tụi nhỏ ba ngày tắm một lần, nhưng chân tay ngày nào cũng phải rửa.

Lâm Thanh Hoà chiên thịt muối cho ba đứa ăn. Thịt ướp muối không cần nêm nếm giá vị khác, làm nóng dầu, trực tiếp bỏ miếng thịt vào chiên là thơm nức mũi rồi.

Sau khi chín vớt thịt ra, tận dụng chỗ dầu còn trong chảo tráng thêm một quả trứng.

Bữa sáng rất đơn giản nhưng ba anh em đều cảm thấy mỹ mãn.

Chu Đại Oa mê mẩn món trứng tráng thơm ngào ngạt, vừa ăn vừa buôn chuyện: " Mẹ, bên ngoài người ta nói mẹ không biết cách sống."

Cái này nó nghe được khi chơi ngoài đường.

Lâm Thanh Hoà nhìn bọn trẻ, thấy Nhị Oa cũng gật đầu tỏ vẻ xác nhận nó cũng nghe được như thế, cô nhướng mày hỏi ngược lại chúng: "Các con cũng cảm thấy mẹ không biết cách sống?"

"Tất nhiên là không rồi." Chu Đại Oa đáp dõng dạc.

Chu Nhị Oa cũng tham gia: "Sống như mẹ mới là sống đúng cách."

"Ăn ngon." Tiểu tham ăn Tam Oa phụ hoạ.

Lâm Thanh Hoà nói: "Bên ngoài họ muốn nói gì thì kệ họ đi, mẹ các con không tiêu bằng tiền của họ, cha các con kiếm tiền cho ta tiêu, tại sao lại không tiêu? Hơn nữa ta còn phải nuôi các con, chẳng lẽ người làm mẹ không được chăm con mình trắng trẻo mập mạp hay sao. Không tiêu tiền thì lấy gì cho ba thằng quỷ tham ăn này bỏ vào miệng đây?"

Chu Đại Oa giật giật khoé miệng, Chu Nhị Oa cười ngượng ngùng, chỉ có Chu Tam Oa không hiểu gì vẫn há to họng đợi mẹ đút ăn.

Lâm Thanh Hoà giục: "Ăn nhanh lên, ăn xong đi phơi bắp với bà nội, tới trưa mời bà nội qua đây ăn cơm."

Chu Đại Oa hỏi: "Mẹ tìm bà nội có việc hả?"

Lâm Thanh Hoà không chối: "Ừ, có việc."

Chu Đại Oa gật đầu: "Dạ, con biết rồi."

Ăn xong bữa sáng, Chu Đại Oa chuồn ra ngoài nhanh như cơn gió, Lâm Thanh Hoà đút cho Tam Oa ăn no rồi đặt nó ở cửa chơi với Nhị Oa. Cho các con ăn xong cô mới ăn phần của mình, sau đó nhanh nhẹn dọn rửa chén đũa, rồi lại bắt đầu quét dọn nhà cửa.

Đối với vị nguyên chủ này, điều Lâm Thanh Hoà bất mãn chính là cô ấy sống quá mạnh mẽ và thực tế. Ngoài ra, Lâm Thanh Hoà khá hài lòng với một vài phương diện, ví dụ như sự sạch sẽ. Nguyên chủ giữ gìn nhà cửa rất sạch sẽ, đồ đạc được sắp xếp trật tự ngay ngắn, không bày bừa lộn xộn.

Lâm Thanh Hoà quét tước một lượt sạch sẽ khắp nhà từ trong ra ngoài, sau đó cô dọn tủ quần áo của nguyên chủ, đem tất cả ra phơi nắng.

Phải công nhận một điều quần áo của nguyên chủ rất đẹp. Trong tủ có vài bộ đều may bằng loại vải tốt nhất, lành lặn không một miếng vá. Thế mà nguyên chủ vẫn không hài lòng.

Dùng cách nói của Lâm Thanh Hoà đó là "Quần áo năm ngoái lỗi mốt rồi, không xứng để năm nay ta mặc tiếp!"

Vì thế năm nay nguyên chủ đã mua sẵn vải với bông để may quần áo mới cho mình, ba đứa con tự nhiên bị gạt sang một bên không chút khách khí.

Sự thật là nguyên chủ may rất nhiều quần áo nhưng mỗi năm đều mang về nhà mẹ đẻ một hoặc hai bộ cho chị em dâu. Chính vì thế trong tủ cô ấy chỉ còn vài bộ, ba bộ mùa hè, ba bộ mùa thu, một bộ cô đang mặc trên người, một bộ mới giặt, một bộ cất trong tủ, mùa đông có hai bộ, một bộ may năm ngoái, một bộ may năm kia. Năm nay cô ấy lên kế hoạch may bộ mới, rồi gửi bộ năm kia về nhà mẹ đẻ. Ngoài ra, còn tính đưa thêm cho bên đó vải dệt và bông mới tinh.

Tính ra nhà họ Lâm này nuôi được một người con gái như nguyên chủ quả thật không tốn cơm gạo.

Xin lỗi Lâm Gia nha, ngại quá, Lâm Thanh Hoà cô đã đến! Cô không thể hoang đường như nguyên chủ được, cô cũng chẳng có năng lực lo cho nhiều người như vậy, cái phải ưu tiên hàng đầu đó là ba đứa trẻ. Suy cho cùng đồng tiền mà nguyên chủ hay Lâm Thanh Hoà cô đang dùng là đồng tiền mà Chu Thanh Bách kiếm về bằng mồ hôi nước mắt.

Dọn xong ngăn tủ bên này, tới ngăn tủ đựng quần áo bọn trẻ. Quần áo ba đứa nhỏ... ít... tới đáng thương. Chúng đang mặc trên người một bộ quần áo mùa thu, bộ thứ hai hôm nay tắm rửa sẽ thay, sau đó...không có sau đó, hết rồi!

Trong ngăn tủ còn một bộ quần áo mùa đông năm ngoái Đại Oa mặc. Nhị Oa và Tam Oa không có một bộ nào. Mùa đông năm ngoái, hai anh em Nhị Oa và Tam Oa còn nhỏ chỉ nằm trên giường đất. Người mẹ này đúng là biết cách làm cho người ta chán ghét vô cùng cực!

Thêm chuyện thiếu củi, không đủ làm ấm hai cái giường đất, nguyên chủ bấm bụng buộc phải cho hai đứa ngủ trên giường của mình, vì cái tội đái dầm, hai thằng nhóc bị đánh đòn không chỉ một lần.

Tuy nhiên năm nay mọi thứ đã thay đổi, cả ba anh em đều được mặc quần áo mới. Lâm Thanh Hoà tính toán một lượt, cần chuẩn bị cho mỗi đứa hai bộ quần dài áo dài mặc bên trong nữa. Còn có quần áo mùa hè rách tả tơi rồi, cô không tính cho chúng nó mặc lại, quyết định may mới luôn.

Chợ đen bán một cây vải cotton chỉ có ba đồng. Không cần phiếu vải. Đây là cái giá rẻ bất ngờ.

Một cây vải may được vài bộ quần áo trẻ con.

Ngày mai nhất định phải rẽ vào chợ đen một chuyến mới được.

Việc nhà đã xong, liếc mắt thấy Nhị Oa cùng Tam Oa vẫn đang nghịch cát ở cửa, yên tâm rồi. Lâm Thanh Hoà trở về phòng mình chuẩn bị vài thứ. Từ trong không gian riêng cô lấy ra bút và giấy viết ra danh sách đồ vật ngày mai cần mua: Tôm khô, táo đỏ, than đá, lò than, chậu rửa chân, chậu rửa mặt, cốc tráng men mua hai cái mới về uống nước, cái cũ trong nhà dùng làm cốc đánh răng.

Một thứ cần thiết nữa trong mùa đông đó là phích nước, trong nhà có sẵn một cái Chu Thanh Bách mang về, tuy không đủ dùng nhưng miễn cưỡng thì vẫn được. Chất lượng cái phích này rất tốt, cũng may chỉ có một cái nên nguyên chủ luyến tiếc không mang về nhà mẹ đẻ. Tạm thời cứ thế đã, phích nước không phải thứ dễ mua trong thời điểm này.

Tiếp đến là sữa mạch nha, cô tính mua một lon cho ba anh em uống, à đúng rồi còn có kẹo sữa thỏ trắng nữa. Thời đại này kẹo sữa thỏ trắng rất nổi tiếng về chất lượng, vài viên kẹo là bằng một ly sữa bò rồi. Tất nhiên giá cả không hề rẻ, không thành vấn đề, nếu cô nhớ không lầm sắp tới cha tụi nhỏ về sẽ mang theo một khoản tiền tương đối lớn.

Ngoài ra, còn phải mua nấm.

Ở cung tiêu xã trên trấn không có nấm, đến nỗi mộc nhĩ, rong biển cũng chỉ mua được mỗi thứ nửa cân. Lần này đi lên huyện cô sẽ mua thêm hai loại này. Mùa đông không có nhiều rau củ tươi, đành dùng thực phẩm khô thay thế vậy.

Nếu thấy bí đỏ thì sẽ mua một ít.

Danh sách tương đối dài, cô kiểm tra lại một lần thấy đảm bảo không bỏ sót thứ gì, vật tư chuẩn bị cho mùa đông cần rất nhiều. Lần này đi một chuyến, cô tính mua một lần cho xong, năm nay không đi lên đó nữa, đường xá quá xa xôi, nghĩ tới đã phát ốm rồi.

Tính toán xong hết thảy mới có tám giờ sáng, kế tiếp làm gì để giết thời gian đây? Hay là qua nhà họ Chu ngồi chơi nhỉ? Hoặc vào phòng nhìn chị ba Chu may quần áo? Nhưng mà mình đi qua đó liệu có doạ người ta sợ chết khiếp không nhỉ?! Hay là thôi vậy, chẳng may chị ba Chu run tay cắt hư miếng vải thì toi.

Trời ơi chán quá đi, chả có việc gì làm. Cô đành lấy cái chén, thả vào một viên đường phèn, đổ chút nước nóng cho tan, đổ thêm nửa chén nước nguội, thế là xong một chén nước đường.

Trong nhà có sẵn ít khoai lang mới dỡ. Cô lấy ra hai củ gọt vỏ rồi cắt sợi. Bỏ khoai vào thau, thêm chút bột mì, đổ vào non nửa chén nước đường vừa pha lúc nãy.

Haizz, tiếc quá đi, biết sớm thì mình nên tích trữ ít đường trắng mới phải, giờ trong tay chỉ có đường phèn, thôi dùng tạm vậy, lần này đi huyện thành nếu thấy đường trắng nhất định phải mua mới được.

Bánh khoai lang bọc bột mì chiên, món ăn vặt xa xỉ với nhiều người. Khó trách bởi dầu ăn là thứ rất quý!

Lâm Thanh Hoà hào phóng đổ dầu vào chảo chiên bánh, mùi thơm ngọt ngào lan khắp căn bếp, nhanh chóng toả ra tận cửa.

Chu Nhị Oa ngửi thấy mùi thơm ba chân bốn cẳng bỏ chơi chạy vào bếp.

Nó nuốt nước miếng ừng ực, hỏi mẹ: "Mẹ đang làm món gì thế?"

Lâm Thanh Hoà trả lời: "Bánh khoai lang chiên, chạy ra ngoài xem đại ca đang chơi ở đâu, kêu nó về ăn, nếu tìm không được thì cho nó nhịn luôn."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro