Chương 11-15

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 11: VIỆC NHÀ CHU GIA

" Nói thì nói vậy, nhưng con phải chú ý may dài rộng ra, bọn trẻ lớn rất nhanh." Bà Chu hiển nhiên vẫn cưng chiều mấy đứa cháu trai hơn.

Chị ba Chu lẩm bẩm: "Con sẽ làm thật tốt, mẹ yên tâm."

Bà Chu gật đầu, không cần phải nói thêm gì nữa, ngoài vợ lão Tứ ra thì ba người con dâu lớn không đứa nào khiến bà phải bận lòng.

Chị ba Chu thầm tính toán trong lòng, làm xong đồ cho ba anh em Đại Oa, hẳn là sẽ dư không ít, chỉ cần cô bù thêm một tí là có thể may một cái áo khoác giữ ấm cho con gái rồi. Lại còn hai cân đường đỏ, lần này cô em dâu ra tay thật hào phóng.

Chị ba Chu càng nhìn càng hài lòng, nhưng mà bây giờ không phải lúc ngồi ngẩn ở đây, cô liền ôm đống vải dệt và bông cất vào phòng mình, rồi vội xuống bếp phụ giúp bà Chu nấu cơm.

Đối với chuyện phân gia của nguyên chủ, quả thực lúc đầu tất cả mọi người đều bất mãn, nhưng lâu dần họ nhận ra bản thân cũng được lợi trong chuyện này.

Vốn dĩ nguyên chủ không chịu làm gì cả, vừa gả về Chu gia đã kêu đau chỗ nọ khó chịu chỗ kia, sống chết không chịu nhận việc. Không làm việc thì lấy đâu ra công điểm? Không có công điểm thì lấy đâu ra cơm ăn? Có tay có chân mà lại muốn ngồi không bắt cả gia đình nuôi mình. Làm gì có đạo lý đó !

Cả đám người không ai là không có ý kiến.

Đặc biệt là tại bà Chu cảm thấy nguyên chủ thiệt thòi, tất cả lỗi do con trai mình, nên bà cho nguyên chủ tự giữ tiền trợ cấp của Chu Thanh Bách. Hàng tháng cô chỉ cần giao nộp tiền sinh hoạt phí. Người ta không đi làm nhưng đã có chồng gửi tiền về nuôi, những người khác chẳng kiếm ra lý nào để gây chuyện.

Nhưng ngàn vạn lần bà Chu không ngờ tới tại mình nhường một bước mà con dâu càng ngày càng lấn lướt, to gan lớn mật lấy cái thai ra uy hiếp.

Làm gì có ai sinh con mà không thương cơ chứ. Ông bà Chu cũng không ngoại lệ, hơn nữa còn đặc biệt yêu chiều thằng út nhất nhà.

Lúc nguyên chủ mới gả vào Chu gia, nhân khẩu trong nhà rất đông, Chu Thanh Bách là con trai nhỏ nhất cho nên ông bà Chu dành riêng một gian phòng cho cặp vợ chồng mới cưới.

Những người còn lại không ai được hưởng đãi ngộ này, bọn họ phải chen chúc trong một gian phòng, cũng may mấy đứa trẻ còn bé, lại chưa đông nên không quá chật chột, chỉ là sinh hoạt vợ chồng về đêm có chút xấu hổ.

Khi ấy, với việc một mình nguyên chủ độc chiếm một căn phòng, gia đình ba người anh tất nhiên bất mãn nhưng vẫn là câu nói đó, ai bảo Chu Thanh Bách là đứa con trai được ông Chu Bà Chu thương yêu, cưng chiều nhất?

Trước khi Chu Thanh Bách kết hôn, tiền trợ cấp của anh đều gửi về Chu gia, số tiền đó nhiều hơn tổng thu nhập ba người anh trai cộng lại.

Cho nên dù cho có bất cứ ý kiến gì, tất cả đều phải nuốt xuống.

Vốn đã được ưu tiên một phòng riêng nhưng nguyên chủ vẫn sống chết đòi phân gia.

Các chị em dâu túm tụm chờ xem kịch hay, nhưng ai ngờ nguyên chủ lại có một lá bùa hộ mạng, có thai là lớn nhất muốn gì cũng được, không ai dám đụng vào cô.

Sau việc đó ông bà Chu cũng phải xoa dịu ba người con dâu bằng cách phân cho mỗi nhà bọn họ một gian phòng riêng. Mỗi nhà một phòng so với ba nhà chung một phòng chính là khác nhau một trời một vực.

Nhà anh ba dọn vào ở gian phòng cũ của vợ chồng chú thím tư. Nhà anh cả và anh hai mỗi người ở một gian khác. Ba phòng của Chu gia đều rất yên ổn sống qua ngày.

Phân gia tức là nguyên chủ dọn ra ngoài sống một mình, ông Chu lấy ra tiền trợ cấp và hoá đơn chuyển tiền mà Chu Thanh Bách gửi về trong ba năm.

Tiền trợ cấp một tháng chỉ có hơn hai mươi đồng, nhưng dồn lại một năm hơn hai trăm đồng, ba năm là hơn sáu trăm đồng. Một căn nhà hai gian phòng, một cái đại sảnh nhỏ không tốn quá nhiều tiền, thêm vào các chi phí phát sinh, tổng cộng lại khoảng hơn hai trăm đồng.

Với mọi người đây không phải là con số nhỏ nhưng so với số tiền Chu Thanh Bách gửi về thì không phải quá nhiều.

Theo lời anh hai Chu đây là số tiền mà chú tư hiếu kính cha mẹ cho nên bà Chu không muốn đưa cho nguyên chủ, ngoài ra còn có một nguyên nhân khác là bà sợ nguyên chủ sẽ phung phí hết số tiền này.

Lương thực, ngũ cốc, gỗ, dầu...bước đầu cái gì cũng chia cho nguyên chủ một phần, rất đầy đủ, hơn nữa từ đó về sau mỗi tháng nguyên chủ tự mình nhận và giữ tiền trợ cấp của Chu Thanh Bách.

Chính vì cái này nên nguyên chủ mới bỏ qua không cãi nhau ầm ĩ với bà Chu nữa.

Mọi người đều có phòng riêng, không gian sinh hoạt của riêng gia đình mình đã rộng rãi và thoải mái hơn trước rất nhiều. Thêm nữa họ biết được Chu Thanh Bách gửi về rất nhiều tiền. Thế nên việc xây nhà cho thím tư không ảnh hưởng tới lợi ích của họ, họ không quan tâm đến.

Năm năm trước, ông Chu bà Chu đều còn trẻ, không cần bọn họ phụng dưỡng, nay ông bà vẫn chưa tới sáu mươi tuổi, vẫn còn khoẻ chán!

Có thể nói nguyên chủ náo loạn đòi phân gia, nhưng so ra thì vẫn hơn mấy người chị dâu, cô hiếu kính ông Chu bà Chu mấy trăm đồng. Tuy rằng đó đều là tiền của Chu Thanh Bách kiếm được, nhưng của chồng công vợ, như nhau cả.

Sau khi nhà chú tư phân gia, mọi người không phải ngày ngày đối diện với cái vẻ hạch sách của nguyên chủ, làm như mọi người đều thiếu nợ cô không bằng, cho nên mấy năm nay trên dưới Chu Gia hoà thuận vô cùng.

Dù vậy, mấy chị dâu đối với nguyên chủ vẫn là bằng mặt không bằng lòng. Vừa hâm mộ vừa đố kỵ, cùng là phụ nữ giống nhau mà cô không cần động chân động tay làm bất cứ việc gì, hàng tháng chồng đều đặn gửi tiền về cho tiêu xài.

Đúng sáu giờ, mọi người trong Chu gia đều đi làm về.

Hiện giờ đang là đỉnh điểm trong giai đoạn thu hoạch lương thực vụ thu, vô cùng bận rộn, cả năm vất vả chính là đợi đến lúc này gặt hái thành quả. Không ai dám lười biếng, chậm trễ mưa thu kéo tới là hỏng hết, coi như một năm làm việc không công, trắng tay, cả nhà khỏi cần sống tiếp.

Vì vậy, họ chọn khẩn trương bây giờ để thảnh thơi về sau.

Chị ba Chu thấy chồng và con gái phơi nắng mặt mày đỏ gay, vội nhỏ giọng thì thầm: "Trong phòng có nước đường đỏ, dành riêng cho hai cha con, mau mau về phòng, mỗi người uống một chén đi."

Con gái chị ba Chu đứng thứ năm trong số các cháu gái Chu Gia cho nên gọi là Chu Ngũ Ni.

Chu Ngũ Ni vốn đang ỉu xỉu vừa nghe lời mẹ nói đôi mắt bỗng chốc sáng rực.

Chu Thanh Sâm cũng không hỏi thêm gì, liền kéo con gái về phòng, hai cha con bưng hai chén nước đường đỏ uống cạn, vẻ mặt rất thoả mãn.

Tiếp theo cả đại gia đình rửa mặt mũi chân tay rồi chuẩn bị ăn cơm.

Bữa cơm nhà họ Chu không tệ, bánh bột ngô, nước cháo loãng, trứng gà bác, tuy chỉ có năm sáu quả trứng thôi nhưng được tính là thêm món, đều là món chay nhưng không phải mâm cơm nhà nào cũng có.

Chính vì đang trong vụ mùa thu hoạch bận rộn, mọi người đều mệt mỏi mới được ăn mấy món này, chứ bình thường nào đâu được ăn nhiều món như vậy.

Sau khi ăn xong, đại gia đình đều đi nghỉ ngơi.

Chị ba Chu cái bụng to lùm lùm, gần tới tháng sinh rồi cho nên chén đũa sẽ do chị hai Chu rửa dọn. Chị cả Chu cũng đang mang thai nên được ưu tiên nghỉ ngơi.

Tuy chị hai Chu bĩu môi phụng phịu có chút không vui nhưng trước kia khi cô mang thai, mọi việc trong nhà đều do các chị em dâu làm. Đây là quy củ của Chu gia, rất công bằng cho nên không có gì phải bàn cãi.

Chị cả Chu và chị hai Chu hoàn toàn không biết chuyện xảy ra ngày hôm nay.

Chị ba Chu trở về phòng giải đáp thắc mắc cho hai cha con.

Chu Ngũ Ni sáu tuổi, nhà nghèo nên nhỏ tuổi đã rất hiểu chuyện, đường đỏ vô cùng quý giá, làm thế nào mẹ có được thứ tốt thế này?

CHƯƠNG 12: SỚM HAY MUỘN SẼ PHẢI MUA

Chị ba Chu liền nói: " Thím tư đưa."

Hơn sáu giờ tối, sắc trời vẫn còn sáng, phải nửa tiếng nữa trời mới tối hẳn. Vì thế chị ba Chu liền lôi bông và vải ra.

Chu Thanh Sâm thấy thế thì đã hiểu, vợ chú tư muốn nhờ vợ mình may quần áo. Anh hỏi vợ: " Cô ấy không phải cũng biết may quần áo hả, sao còn bỏ ra hai cân đường đỏ để nhờ em làm giúp?"

" Cô ấy không biết may đồ cho trẻ con nên phải nhờ em chứ sao nữa." Chị ba Chu miệng nói nhưng tay vẫn bận rộn không ngừng. Cô rất tự tin với tay nghề của mình.

Chu Thanh Sâm kinh ngạc: " Cô ấy có thể mua vải và bông loại tốt để làm quần áo mùa đông cho đám Đại Oa á hả?"

Chị ba Chu gật gật đầu, đáp: " Dù sao cũng là mẹ ruột, hơn nữa mùa đông năm nay tụi nhỏ đúng là không có áo bông mặc."

Chu Ngũ Ni nhìn bọc bông và vải, vẻ mặt hâm mộ vô cùng: " Mẹ, khi nào thì con có quần áo mới ạ?"

Nó ước gì được làm con gái thím tư, mỗi ngày được sống sung sướng, mấy anh em Đại Oa đều không phải đi nhặt cứt trâu kiếm công điểm, ngay cả việc mót lúa cũng không cần, suốt ngày chỉ phải nghĩ hôm nay chơi cái gì.

Chị ba Chu nói: " Con qua đây nhìn xem, vải và bông rất nhiều, sau khi may xong quần áo cho đám Đại Oa chắc chắn sẽ còn dư, mẹ vẫn còn để dành một chút vải lẻ, tới lúc đó mẹ sẽ thêm vào may cho con một cái áo khoác mới."

Chu Ngũ Ni vô cùng hào hứng : " Vậy mẹ làm đi, nhanh nhanh lên nha mẹ."

Chu Thanh Sâm không biết nói sao nữa, đành thở dài: " Bụng em đã lớn lắm rồi, lại còn nhận may giúp cho người ta nữa."

Chu Tam Tẩu nhanh nhẩu đáp: " Chính vì bụng em lớn, nếu không anh nghĩ cô ấy sẽ chịu bỏ ra hai cân đường đỏ chắc? Vậy là tốt lắm lắm rồi ấy, còn nhớ lần trước cũng nhờ em may quần áo cho đám trẻ mà cô ấy chỉ cho em có ba quả trứng gà thôi đó."

Chị ba Chu bây giờ đang rất mãn nguyện vì bà Chu đưa cho cô tự mình cất giữ cả hai cân đường đỏ mà không thu lên.

Đường đỏ vô cùng khan hiếm, mà giờ cô có hẳn hai cân nữa chứ.

Chu Thanh Sâm đành ngậm miệng, vợ anh không những không kêu mệt mà còn vui vẻ thế kia thì anh biết nói gì nữa đây.

Thời đại này, nhà nhà đều thực tiết kiệm dầu hoả, mua bán đều có hạn lượng, không việc gì đều thổi đèn ngủ sớm.

Mới hơn tám giờ, ông Chu và bà Chu đã tắt đèn lên giường đất chuẩn bị ngủ.

Bà Chu liền kể lại chuyện xảy ra ngày hôm nay: "Vợ thằng tư hôm nay mời tôi ăn một chén cháo trứng gà thịt nạc."

Ông Chu mệt mỏi đáp: " Cho bà thì bà ăn đi." Hôm nay ông lấy mười công điểm nên giờ đã cạn kiệt sức lực rồi.

Bà Chu lại nói tiếp: " Vải dệt và bông đều là loại tốt nhất, tôi còn tưởng rằng nó sẽ lại may quần áo cho bản thân mình, ai ngờ nó nói muốn may ba bộ quần áo mới cho ba anh em Đại Oa."

Hôm nay bà không làm việc, lại nghe người trong thôn nói vợ thằng tư đi chợ khiêng về một cái bao lớn lắm, lúc này bà mới chạy qua bên đó xem lũ trẻ thế nào. Sự thật đúng như người ta đồn, một cái bao cực lớn đựng vải dệt cùng hai cân bông, điều bất ngờ chính là con dâu mua cho ba đứa cháu nội.

Ông Chu buồn ngủ lắm rồi những vẫn cố mở miệng nói chuyện với bà vợ: " Dù nó có như thế nào đi nữa thì lũ trẻ đều từ trong bụng nó sinh ra, là máu mủ ruột thịt của nó mà."

Tuy ông có chút không hài lòng với đứa con dâu này, nhưng giờ nó chủ động mua vải may quần áo ấm cho mấy đứa cháu trai, còn nấu cháo trứng thịt nạc cho chúng ăn nữa. Như vậy đã đủ làm ông vui lòng rồi.

Bà Chu thì vẫn tiếp tục càm ràm: " Nhưng mà nó tiêu xài hoang phí quá, vải dệt, bông, trứng gà, thịt nạc rồi thì hai cần đường đỏ nữa. Có vẻ rất quen thuộc chợ đen, xem ra tiền hàng tháng thằng tư gửi về chẳng còn lại bao nhiêu. Tôi khuyên nó nên tiết kiệm chút đỉnh lo cho tương lai, nó còn chê tôi dông dài."

Ông Chu đã ngáy, rõ ràng là mệt quá thiếp đi rồi.

Bà Chu thấy vậy thì không nói gì nữa, cũng nhắm mắt ngủ.

Cả Chu Gia yên lặng chìm vào giấc ngủ.

Bên này Lâm Thanh Hoà đang trằn trọc, trời ơi mới tám giờ tối ai mà ngủ được. Ở hiện đại giờ này cuộc sống về đêm còn chưa bắt đầu nha.

Nhưng đành phải nhập gia tuỳ tục chứ biết sao giờ, vì Chu Tam Oa còn nhỏ nên ngủ chung với Lâm Thanh Hoà. Hai đứa lớn đang ngáy o o ở gian phòng sát vách.

Trước khi đi ngủ, Lâm Thanh Hoà làm ấm chén cháo trứng thịt nạc còn dư lại, chia cho ba anh em ăn. Sau đó tắm rửa sạch sẽ cho chúng bằng nước nóng rồi mới dắt nhau lên giường ngủ.

Lo xong hết cho tụi nhỏ cô mới đứng trong bóng đêm lau sơ qua người một chút, không có phòng tắm bất tiện vô cùng.

Nằm trên giường miên man suy nghĩ, cô thiếp đi lúc nào không hay. Nửa đêm, theo bản năng của nguyên chủ, cô không tự chủ mà tỉnh dậy cho ba đứa đi tiểu đêm, tránh cho chúng đái dầm.

Do tối qua ngủ quá sớm, nên sáng nay cô tỉnh dậy rất sớm, thấy ba đứa nhỏ còn ngủ, cô đánh răng rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân cho mình trước. Sau đó vào bếp chuẩn bị điểm tâm.

Bữa sáng nay cô nấu cháo loãng, không có thịt, chỉ đơn giản là cháo gạo kê, ngoài ra có thêm cái cái bánh bao.

Nhắc tới bánh bao, cô mới sực nhớ tới năm trăm cái mình đã đặt rồi mà không kịp lấy, tiền thật, bạc thật đó, đúng là đau như cắt, huhu....

Cháo chín, bánh bao được hấp nóng hổi, mùi hương thơm phức từ gian bếp toả ra khắp nhà.

Trong phòng ngủ có tiếng động, Chu Đại Oa và Chu Nhị Oa đã dậy, hai anh em tự mặc quần áo và bò xuống giường bằng tốc độ cực nhanh. Phía dưới giường đất đặt hai bục gỗ, một cao, một thấp hỗ trợ hai đứa leo lên leo leo xuống mà không sợ ngã.

Lâm Thanh Hoà bước vào phòng đánh thức Tam Oa, giúp tiểu gia hoả này rửa mặt cho tỉnh táo rồi bế nó ra ngoài.

Chu Đại Oa rửa sạch mặt rồi chạy như bay tới, hai mắt sáng lấp lánh: "Mẹ, hôm nay vẫn còn bánh bao trắng siêu lớn!"

Lâm Thanh Hoà chặn nó lại: " Đi đánh răng."

Chu Đại Oa liền kháng cự: " Mẹ chưa mua bàn chải đánh răng cho con mà!"

Lâm Thanh Hoà đành phải thả ra cho nó ăn sáng, có lẽ cô phải ra ngoài một chuyến rồi. Hôm qua vừa mới đi xong, hôm nay lại đi nữa e rằng hơi khó, mấu chốt là sắp xếp cho ba đứa nhỏ thế nào mới ổn. Hôm qua nguyên chủ đi chợ huyện, hôm nay cô tính đi trên trấn thôi, tuy đoạn đường ngắn hơn nhưng từ trong thôn tới trấn cũng phải mất một giờ đi bộ.

Nhưng nếu không đi thì trong nhà thiếu đủ thứ. So với các gia đình xung quanh, nguyên chủ sắm sửa không kém thứ gì, nhưng xét theo góc độ của Lâm Thanh Hoà thì cô cần nhiều đồ dùng sinh hoạt hơn thế.

Nguyên chủ chỉ lo cho bản thân mình, bàn chải đánh răng, chậu rửa mặt, chậu sành rửa chân chỉ mình cô có, bọn trẻ không có. Ba đứa chỉ có một cái chậu rửa mặt, lại còn là dùng chung.

Trước sau gì cũng phải mua, chi bằng mua sớm dùng sớm.

Cô sắp xếp thời gian một chút, mấy ngày nữa hãy đi xem ra hợp lý hơn. Lúc đó việc thu hoạch lương thực đã hoàn tất, có thể gửi Nhị Oa và Tam Oa sang nhà họ Chu nhờ trông giúp, Đại Oa thì không cần ai trông, nó biết tự chơi.

Ba đứa ăn bữa sáng rất ngon miệng, nhân bánh bao có thịt, nửa quả trứng gà, cải bắp, đảm bảo vừa thơm ngon vừa đủ chất, dằn bụng thêm chén cháo kê nữa, chắc chắn no bụng.

CHƯƠNG 13: HỒ LY LINH

Bốn mẹ con ăn xong bữa sáng. Chu Đại Oa no bụng là nghĩ ngay tới việc đi chơi, Lâm Thanh Hoà không đồng ý: " Mẹ đi giặt quần áo, con ở nhà trông hai em, chờ mẹ quay về mới được đi."

Từ qua tới nay, Chu Đại Oa được ăn sướng miệng nên không dám cãi lời mẹ.

Lâm Thanh Hoà mang quần áo ra con sông ở cuối thôn, đây là nơi mọi người trong thôn thường tới để giặt giũ.

Cô cầm tấm gỗ ra sức đập quần áo, nhất là quần áo của Chu Đại Oa, bẩn vô cùng, vừa làm vừa nhớ tới cái máy giặt của mình. Ước gì...

Bỗng một tiểu cô nương bước về phía Lâm Thanh Hoà cất tiếng nói:

" Thím, mấy ngày nữa là thu hoạch vụ mùa xong rồi, nhà thím có cần thêm củi không?"

Lâm Thanh Hoà quay lại nhìn người đang bước tới, trong đầu hiện lên ký ức của nguyên chủ: " Tiểu Tây đấy à, cần chứ, nhà thím sắp hết củi đến nơi rồi, cháu về nói với đại ca chờ đợt thu hoạch lần này xong thì mang củi thêm cho thím nhé. Càng nhiều càng tốt, tới lúc đó tính đủ tiền cho mấy đứa."

Cô bé này tên Chu Tây, mười tuổi, trên có một anh trai tên Chu Đông, mười lăm tuổi. Hai anh em tính ra thì có họ hàng xa với nhà họ Chu, nhưng họ hàng từ thời tổ tiên bắn đại bác mới tới.

Cha mẹ mất sớm, hai anh em nương tựa vào nhau, cuộc sống không hề dễ dàng, nhưng người anh Chu Đông rất có tiền đồ, tuy còn nhỏ đã đi theo người lớn xuất công, nhận hai phần công điểm nên cũng được chia một ít lương thực. Mọi người trong đội thương tình nên tất cả đều nhất trí lúc chia lương thực sẽ ưu tiên hai anh em thêm một chút. Hàng xóm xung quanh thỉnh thoảng mang sang cho tí này tí nọ. Hai anh em sống dựa vào tình thương của mọi người.

Vốn dĩ hai anh em này và nguyên chủ không có quan hệ gì nhưng do nguyên chủ quá lười.

Mấy đứa con còn nhỏ không thể sai việc. Cô ta kêu đứa em bên phía mẹ đẻ chở củi cho mình, mỗi lần như vậy đều cho ít tiền. Sau khi em trai kết hôn, vợ nó quản lý quá chặt nên không qua đây giúp được nữa.

Lúc này cô phải tự mình đi kiếm củi, đôi tay được chăm sóc kỹ càng, cô không nỡ để nó làm việc nặng, thậm chí cô còn ước không phải tự tay rửa chén đũa, giặt quần áo nữa cơ!

Rơi vào đường cùng, đành phải tự mình đi nhặt củi, trong ấn tượng của nguyên chủ thì đó chính là địa ngục trần gian, trên đời không có việc gì khổ và đày đoạ người ta hơn việc này... Vì thế cô nghĩ ngay tới đứa trẻ mười hai tuổi Chu Đông, sai nó đi kiếm củi, rồi trả tiền. Chu Đông rất vui, lập tức nhận lấy công việc này.

Với bên ngoài cô nói đây không phải là mua bán, mà do cô thương hai anh em sống quá vất vả, lại không muốn bọn chúng thiếu nợ nhân tình, nên mới nghĩ ra cách này.

Người trong thôn có ai mà không biết nguyên chủ là cái dạng người gì, lười chảy thây lại còn thuê lao động trẻ em. Tuy nhiên cô đều trả tiền công cho Chu Đông, không những trả đủ mà còn trả không ít, vậy nên tất cả đều nhắm mắt làm ngơ.

Ít thì trả một hào, nhiều thì trả hai hào. Đừng vội coi thường một hào hai hào lẻ, đối với hai anh em Chu Đông Chu Tây mà nói, bọn chúng chưa tới tuổi lao động, tích tiểu thành đại, đảm bảo mùa đông thời tiết khắc nghiệt không thể ra ngoài đi làm mà vẫn có cơm ăn.

Hiện tại Chu Đông đã mười lăm tuổi, vóc dáng cao lớn, khoẻ mạnh, mỗi lần nó tới đều mang theo rất nhiều củi, nên nguyên chủ sẽ cho nó hai hào.

Đây gần như là nguồn thu nhập quan trọng của hai anh em.Nghe được lời đồng ý của Lâm Thanh Hoà, Chu Tây rất vui vẻ: " Dạ được, cháu về sẽ nói với đại ca ngay, sau khi vụ thu hoạch này kết thúc có thể kiếm được kha khá củi đó thím."

Sau đó cô bé lại nói tiếp: " Ở đây không có ai, để cháu giặt quần áo giúp thím nhé!"

Nếu là nguyên chủ hẳn cô ta sẽ không khách khí mà nhận lời ngay. Cô ta đâu có sợ người khác nói ra nói vào, bởi cô tự nhận mình đã chiếu cố hai anh em bọn họ rất nhiều, đứa em giúp đỡ giặt chậu quần áo thì có gì to tát đâu. Hơn nữa ở đây quả thực không có ai, mọi người đều tập trung dưới hạ nguồn.

Bất quá Lâm Thanh Hoà không phải nguyên chủ, chưa đạt tới cảnh giới của cô ta. Đã kêu anh nó đi kiếm củi, giờ mà để nó giặt quần áo giúp nữa, lỡ có ai biết thì mất mặt quá, cô đành từ chối: " Không cần đâu, chỉ có vài cái quần cái áo thôi ấy mà, chờ vụ thu hoạch này xong xuôi, cháu cùng anh hai đi kiếm củi giúp thím đi. Mùa đông sắp tới rồi, thím cần tích trữ nhiều củi."

Chu Tây gật gật đầu nói: " Thím yên tâm, nhất định chúng cháu sẽ mang nhiều củi về cho thím."

Lâm Thanh Hoà cũng gật đầu với cô bé: "Cháu về trước đi, thím cũng sắp xong rồi."

Chu Tây thấy Lâm Thanh Hoà từ chối nên nó đi kiếm anh trai báo tin.

Chu Đông nhận lời ngay: " Xong vụ thu hoạch này anh sẽ đi kiếm củi ngay!"

Chu Đông bây giờ đã có thể lấy được sáu phần công điểm, đáng lẽ cuộc sống phải khá hơn trước đây, nhưng hai đứa đang ở tuổi thiếu niên, nhu cầu ăn uống sinh hoạt ngày càng nhiều. Chu Tây hiện tại cũng đi theo bắt đầu làm việc, nhưng sức con gái cố lắm cũng chỉ lấy được hai phần công điểm thôi.

Quanh đây không có người, Lâm Thanh Hoà lén lấy xà bông ra giặt quần áo, có chất tẩy có khác, tốc độ và hiệu quả nhanh hơn rõ rệt. Cô ôm đống đồ sạch về, đến chỗ hạ nguồn nhìn thấy chị hai Chu đang giặt quần áo ở đó, nhưng cô không qua chào hỏi mà đi thẳng về nhà mình.

Nguyên nhân là do mối quan hệ giữa nguyên chủ và chị hai Chu rất tệ.

Chị hai Chu cùng Chu Đại Ni, con gái lớn của chị cả Chu cháu gái lớn Chu gia, và mấy người phụ nữ đang giặt giũ quần áo cho cả đại gia đình. Khi họ nhìn thấy Lâm Thanh Hoà thì không hẹn mà giống nhau làm như không thấy.

Mấy người phụ nữ chua ngoa châm chọc: " Người em dâu này của cô sung sướng quá ha, có khi còn an nhàn hơn các địa chủ trước kia ấy chứ."

" Ăn có thể ăn bậy nhưng nói không được nói bậy đâu, cái gì mà địa chủ chứ, tổ tiên Chu gia chúng tôi ba đời bần nông, nghèo rớt mùng tơi. Các cô quản cái mồm của mình đi, đừng nói bừa." Chị hai Chu vội vã nói, tuy rằng cô không vừa mắt Lâm Thanh Hoà nhưng cái mũ " địa chủ" này tuyệt đối không thể chụp lên đầu bất cứ ai trong Chu gia được.

Một người phụ nữ khác giải thích: " Cô đừng hiểu lầm, chúng tôi không có ý gì cả, chỉ muốn nói cuộc sống của cô ta tốt quá thôi, đã có ba đứa con trai rồi mà nhìn dáng người và khuôn mặt cô ấy kìa, nếu nói chưa gả chồng có khi cũng có người tin ấy chứ."

Người phụ nữ phía trước bèn chen vào: " Tôi nghe người ta đồn mỗi ngày cô ta đều dùng kem dưỡng tinh chất ngọc trai để bảo vệ da mặt và da tay đấy!"

Người khác thốt lên: " Đúng là phá của, chẳng trách da mặt cô ta mềm mịn vắt được ra nước!"

Thời này nhà nào cũng khó khăn túng thiếu, kinh tế eo hẹp, nhưng con dâu thứ tư của Chu gia lại ở một đẳng cấp khác hẳn, chú trọng sắc đẹp, lúc nào cũng trang điểm xinh đẹp, vòng eo thon gọn, vóc dáng nuột nà. Những người phụ nữ khác đều thầm mắng sau lưng cái đồ hồ ly tinh.

Đương nhiên không ai dám đứng trước mặt Lâm Thanh Hoà nói bậy, cô nào phải dạng người nhịn nhục gì cho cam, nếu để cô nghe được... Thế nên những lời này bọn họ chỉ dám thì thụt nói sau lưng, không ai ngu mà tự tìm rắc rối.

Sau khi giặt xong quần áo, chị hai Chu và Chu Đại Ni quay về nhà, như một thói quen đối với việc gặp mặt thím tư đều không ai nhắc tới.

Đối với những lời đàm tiếu ác ý sau lưng dành cho nguyên chủ, Lâm Thanh Hoà không thèm để ý, dù hiện tại nó dành cho cô.

Nhất da nhì dáng, nguyên chủ chăm sóc cả hai mặt này rất hoàn hảo, cô rất hài lòng, không thể được tiện nghi rồi mà còn khoe mẽ. Cho nên ai muốn nói gì thì nói đi, chỉ cần đừng nói trước mặt cô là được.

Vừa rồi lúc giặt quần áo Chu Tây nhắc nhở cô đã tới lúc tích trữ củi cho mùa đông năm nay rồi. Chiếu theo cốt truyện thì hình như thời điểm này cha bọn nhỏ bị thương thì phải?

CHƯƠNG 14: NGƯỜI MẸ KHÔNG ĐÀNG HOÀNG

Vì vết thương rất nghiêm trọng cho nên cha đám trẻ phải nằm ở bệnh viện quân y dưỡng thương một tháng. Sau đó sẽ về nhà vào khoảng tháng mười một dương lịch tức tháng mười âm lịch.

Lâm Thanh Hoà cảm thấy tới lúc đó, chuỗi ngày tháng tự do tự tại của cô sẽ không còn nữa, có đàn ông trong nhà làm gì cũng phải giữ ý giữ tứ, không thể thoải mái thích làm gì thì làm như lúc ở cùng ba đứa trẻ con được.

Vì vậy trước khi anh ta quay lại, những gì cần mua phải nhanh chóng mua ngay.

Thời đại này con người chẳng có gì để vui chơi tiêu khiển, mọi người chỉ biết bận rộn với công việc đồng áng. Đã vào thu nhưng mặt trời vẫn còn rất gay gắt, Lâm Thanh Hoà không muốn huỷ hoại làn da mịn màng mà nguyên chủ đã dày công chăm sóc.

Da cô không quá trắng, chỉ không đen thôi, nhưng so với những người phụ nữ khác trong thôn thì làn da này đã được xếp vào diện trắng sáng.

Chính vì vậy những ngày kế tiếp, Lâm Thanh Hoà chỉ ở trong nhà lo việc gia đình. Nguyên chủ không kết bạn với ai cho nên cô không thể ra ngoài giao tiếp với mọi người được đành ở nhà nấu ăn cho bọn nhỏ.

Mấy ngày nay ba đứa trẻ được ăn nhiều tới nỗi dường như miệng lúc nào cũng bóng mỡ. Chu Đại Oa và Chu Nhị Oa thậm chí Chu Tam Oa vui sướng phát điên.

Sau nhiều ngày Lâm Thanh Hoà kiên trì dạy dỗ, Chu Tam Oa đã bắt đầu biết nói. Làm như có ai đả thông hai mạch Nhâm Đốc cho nó mà nó nói liên tục không ngớt, cả ngày bi ba bi bô nào là "thịt", "ăn", "đi tè", "nước", đương nhiên từ được nó ưu ái nói nhiều nhất chính là " mẹ".

Nguyên chủ tuy rằng lười nhưng cũng nhận thức được mình giao tế kém, vẫn còn biết đường tự cung tự cấp.

Hậu viên có một mảnh vườn nho nhỏ trồng rau xanh, dưa leo, cà chua, hành hẹ, củ cải...mỗi loại một ít.

Nhờ đó cũng dễ cho Lâm Thành Hoà làm mấy món như hẹ xào trứng, củ cải hầm xương ống, dưa leo xào thịt thăn...Tuy ba đứa nhỏ có chút thắc mắc nhưng chung quy trẻ nhỏ dễ dạy, Lâm Thanh Hoà tuỳ tiện bịa vài ba câu là đâu vào đấy ngay, nào là thực phẩm mua sẵn từ lần trước mẹ đi chợ, giữ được sự tươi ngon là do ướp muối.

Lâm Thanh Hoà lấy trong không gian riêng một miếng thịt ba chỉ và một miếng thịt thăn, ướp muối, sau đó chiên lên, vị mặn mặn, thích hợp ăn cùng cháo trắng hoặc để sẵn đó lúc nào thích nấu mì bỏ lên cũng rất tuyệt. Món này vừa ngon lại vừa tiện !

Chỉ trong vòng mấy ngày ngắn ngủi, Chu Tam Oa lớn lên trông thấy, trắng trẻo mũm mĩm rất đáng yêu, đúng là trẻ con gầy nhanh mà béo cũng nhanh. Đều là nhờ công của Lâm Thanh Hoà, mỗi ngày kiên nhẫn đút cho ăn no rồi tắm rửa sạch sẽ.

Kết thúc thu hoạch vụ mùa, chị ba Chu may xong quần áo mùa đông cho Chu Tam Oa trước. Bà Chu cầm quần áo tới, vừa vào cửa thấy đứa cháu trai tròn trịa trắng trẻo như cục bột đang được mẹ nó bế trên tay thì ngây cả người ra một lúc.

Lâm Thanh Hoà đưa Chu Tam Oa cho bà Chu ẵm, cô đón lấy bộ quần áo bé xíu vừa ngắm nghía vừa không tiếc lời khen tặng: " Chị ba tay nghề tốt thật!"

Đúng là tay nghề của chị ba Chu rất tốt, lại đang lúc rảnh rỗi không có việc gì làm, mới mấy ngày đã may xong cho Tam Oa. Tất nhiên bộ này bé nhất nên không tốn quá nhiều thời gian và công sức.

Quần áo của Chu Đại Oa và Chu Nhị Oa chắc chắn sẽ xong sớm thôi, bởi mùa vụ đã xong, mọi người không còn bận rộn như trước nữa thế nên việc nhà không tới lượt chị ba Chu. Chị ba có thể dành toàn lực cho việc may đồ.

Số lượng bông Lâm Thanh Hoà đưa sang rất nhiều, cho dù chị ba Chu có hơi ngốc nghếch một chút cũng không lo thiếu bông, chị ba Chu may áo bông và quần bông cho bọn trẻ rất dày dặn, đường kim mũi chỉ chắc chắn.

Ví dụ như bộ quần áo Lâm Thanh Hoà đang cầm trên tay, rất thích hợp cho tiểu gia hoả mặc vào mùa đông. Nhưng chỉ có một bộ sợ rằng hơi thiếu thốn nhỉ?!

Lâm Thanh Hoà nói với bà Chu: " À đúng rồi, bên nhà mẹ còn trứng gà không? Nếu còn thì mẹ để lại cho con trước đi, con trả tiền."

Trong nhà cô không nuôi gà, nhưng lại ăn rất nhiều trứng. Lâm Thanh Hoà định lấy thêm mấy cân trong không gian riêng, nhưng dù sao cũng phải giấu giếm khéo léo một chút.

Bà Chu liền nhìn cô một cái rồi nói: " Nhà bên kia vẫn còn, con muốn bao nhiêu?"

Lâm Thanh Hoà: "Con lấy trước một cân là được. Đằng nào thì hai hôm nữa con cũng định đi chợ trên trấn mua vài thứ, tới lúc đó tiện thể mua thêm trứng gà cũng được."

Bà Chu giật mình: "Con lại muốn đi chợ nữa?"

Lâm Thanh Hoà đáp với vẻ dĩ nhiên: " Không đi chợ lấy gì ăn? Ba cái miệng của ba thằng nhóc này ăn không ít đâu. Hơn nữa thời tiết càng lúc càng lạnh, con không muốn phải bước chân ra cửa khi trời rét. Đằng nào chả phải mua, mua sớm cho xong việc. Mẹ có muốn mua gì không, con mua giúp mẹ?"

"Mẹ không thiếu thứ gì cả." Bà Chu vốn dĩ rất hài lòng cô con dâu chăm sóc chu đáo cho ba đứa cháu nội, đặc biệt là thằng bé tiểu Tam Oa béo trắng ra không ít, nhưng vừa nghe tới việc cô lại muốn tiêu tiền phung phí, tim gan bà lại nhói đau.

Bà định nói vài câu nhưng nghĩ lại thôi, bà biết có nói ra nó cũng chẳng nghe lời bà. Nên bà đành ôm cục tức đi về.

Lâm Thanh Hoà nói hai ngày nhưng thực tế sáng sớm ngày hôm sau cô cho Chu Tam Oa ăn no rồi bế sang đưa cho bà Chu.

Chu Nhị Oa và Chu Đại Oa lẽo đẽo đi theo sau mẹ, hai đứa nó tưởng lần này sẽ được đi chợ với mẹ nhưng Lâm Thanh Hoà ngại đường xá xa xôi, cô đi một mình còn mệt nữa là xách theo hai cái đuôi, quá phiền phức. Vì thế cô gửi hết cả ba đứa sang Chu gia, tất nhiên kèm theo một bọc đường phèn nhỏ, ý tứ rất rõ ràng cô muốn bà Chu sẽ để mắt tới con cô cẩn thận.

Lúc bốn mẹ con tới Chu gia trời còn rất sớm, mọi người chưa ai rời giường, trận thu hoạch này mệt mỏi thực sự, bây giờ là thời gian nông nhàn, ai cũng tranh thủ ngủ bù nghỉ ngơi dưỡng sức.

Lâm Thanh Hoà chả quan tâm, cô để lại ba đứa nhỏ rồi ôm cái rổ đi ra khỏi cửa.

Cô vừa khuất bóng, bà Chu đã bực bội nói: "Cả ngày chỉ biết tiêu xài hoang phí, chẳng biết lo lắng tiết kiệm cho tương lai gì cả, ba đứa con thì đều còn nhỏ, sau này chúng trưởng thành, việc lớn việc nhỏ gì mà không cần tới tiền cơ chứ?"

Chị cả Chu và chị ba Chu nghe thấy tiếng động liền ra khỏi phòng, tiến tới hỏi có chuyện gì. Bà Chu bắt được cơ hội, kể hết sự tình tiện thể xả giận một hồi.

Chị cả Chu và chị ba Chu nghe biết vậy thôi chứ không tham gia, nhưng trong lòng hai người bọn họ rất tán đồng với cách nói của bà Chu. Thím tư đúng là một người như vậy, vung tay mà không chớp mắt một cái, làm như thứ cô ấy cầm không phải là tiền mà là giấy lộn, tiêu không biết xót.

Bọn họ không giống như vậy, tiêu một xu cũng đau lòng muốn chết. Quanh năm suốt tháng ba phòng đều ở tại Chu Gia, vì chưa phân gia cho nên mọi khoản thu nhập đều phải nộp hết cho bà Chu. Tất cả chi phí sinh hoạt đã có bà Chu lo cho nên các cô con dâu không phải tiêu pha gì tới tiền. Bà Chu phát cho mỗi người một ít tiền tiêu vặt, bọn họ đều tích cóp lại được khoảng hai đồng làm tiền riêng.

Chị cả Chu ngắm nghía ba anh em Đại Oa rồi nói: " Xem ra gần đây em tư rất tận tâm chăm sóc bọn nhỏ."

Lần này đi chợ còn biết đường ôm Tam Oa lại đây là tốt lắm rồi, trước kia làm gì có chuyện đó, toàn mặc kệ bọn nó ở nhà với nhau, dù sao chúng vẫn là ba đứa trẻ con, lỡ đâu xảy ra chuyện gì không may...

Bà Chu nghe chị cả Chu nói vậy thì không đáp lời.

Chị ba Chu hỏi Chu Đại Oa: " Đại Oa, bình thường mẹ cho mấy đứa ăn gì? Mới mấy hôm không gặp mà bác thấy ba đứa béo ra không ít nha."

Chu Đại Oa dõng dạc đáp: " Mẹ cho chúng con ăn thịt, thị ba rọi, thơm ngon cực kỳ!"

"Thịt?" chị cả Chu và chị ba Chu sửng sốt, thời điểm này lấy đâu ra thịt?

Bà Chu đã biết trước, nên bà nói cho qua chuyện: " Hai người các con hỏi gì mà hỏi lắm thế, mấy ngày nữa đại đội sẽ phát thịt, đến lúc đó không thiếu thịt cho các con ăn."

Chị cả Chu và chị ba Chu liền hiểu chuyện này mẹ chồng không muốn các cô biết nhiều, cho nên rất thức thời không hỏi tiếp nữa.

Chu Đại Oa bên này thì lại có chút mất mát, nó đang rất hào hứng muốn khoe những món ngon mấy ngày nay mẹ nó làm cho ăn. Bên ngoài có tiếng trẻ con í ới gọi nhau đi chơi, chuyện gì cũng tạm gác lại chạy đi chơi trước cái đã. Dĩ nhiên trước khi đi nó không quên xin bà nội một cục đường phèn bỏ vào miệng cho ngọt giọng.

Cuối cùng mọi người trong Chu Gia đã thức dậy, khi nhìn thấy hai anh em Nhị Oa Tam Oa ở đây thì rất bất ngờ. Hỏi ra mới biết người mẹ không đàng hoàng của bọn chúng lại đi họp chợ.

CHƯƠNG 15: PHIẾU THỊT DÀI HẠN

Công đoạn thu hoạch lương thực hoàn tất, việc chính coi như đã ổn thoả nhưng còn vài việc lắt nhắt phía sau cần phải làm cho xong.

Sau bữa sáng, bà Chu mang theo Nhị Oa và Tam Oa đi tới đội sản xuất lột vỏ bắp.

Bắp được lột vỏ, tách hạt, rồi phơi khô, bước cuối cùng là giao nộp.

Sau khi đã nộp đủ chỉ tiêu lương thực công, sẽ tới ngày phân phát lương thực, đây là ngày tất cả mọi người đều mong chờ.

Đặc biệt hơn nữa là sau khi chia lương thực sẽ được giết heo chia thịt. Dĩ nhiên trước thời điểm chia thịt heo, mọi người phải bắt tay gieo hạt lúa mì vụ đông.

Tuy nhiên tất cả những sự kiện này đều không có một chút liên quan nào với Lâm Thanh Hoà, cô không mang bất cứ gánh nặng nào trên vai.

Theo ấn tượng của nguyên chủ, đi dọc con đường này là đến cung tiêu xã trên trấn.

Tuy rằng cung tiêu xã của công xã trên trấn khác hoàn toàn với trên huyện thành, nhưng các nhu yếu phẩm thì đều phải có ví dụ như gạo, dầu, tương, dấm...điều kiện tiên quyết là phiếu định mức.

Cũng may những thứ này nguyên chủ đều đã từng mua, trong nhà vẫn còn lưu lại chai lọ, mấy ngày trước Lâm Thanh Hoà đã rửa sạch, phơi khô các chai lọ rỗng, rồi cô lại lấy vật tư từ trong không gian ra đổ đầy, cho nên không thiếu các loại gia vị nấu ăn.

Cầm phiếu thực phẩm phụ, cô đi mua nửa cân mộc nhĩ và nửa cân rong biển.

Đi dạo xem thứ này một chút thứ kia một chút, nhưng không mua thứ gì. Kỳ thật chuyến đi này mục đích của cô chỉ để che mắt mọi người thôi, cô buộc phải lên sân khấu diễn một chút bằng không rất khó giải thích cô lấy đâu ra các loại vật tư?

Bàn chải đánh răng, chậu sành rửa mặt thì bắt buộc phải mua.

Lâm Thanh Hoà mua bàn chải đánh răng cho Đại Oa và Nhị Oa trước, kem đánh răng trong nhà vẫn còn, là của mẹ ruột tụi nó dùng còn dư lại. Đồ cho bản thân cô thì khỏi cần mua, trực tiếp lấy từ trong không gian riêng ra là được. Cô đã tích trữ không ít đồ dùng cá nhân.

Nhưng hôm nay cô không định mua chậu sành rửa mặt, đường xá xa xôi vác về tới nhà chắc chết, phải nghĩ cách khác.

Mua xong mọi thứ, cô dựa vào ký ức tìm đường tới lò mổ ngoài trời của công xã.

Vùng ngoại ô công xã có một cái lò mổ quy mô nhỏ, năm ngoái công xã bên này phải xin phía trên cấp cho mới được, bình thường lò mổ chỉ huyện thành bên kia mới có.

Lâm Thanh Hoà đi tới khu vực ngoại thành này mục đích chính là diễn một màn hợp thức hoá chỗ thịt cô có trong tay, bên cạnh đó cô cũng muốn thử vận may coi sao. Thực ra thì khoảng thời gian này rất khó mua được thịt.

Vận may của cô không tồi, sau khi đi bộ một giờ đồng hồ thì cuối cùng cũng tới nơi, vừa hay có một người phụ nữ tay xách thịt heo đi từ bên trong đi ra. Lâm Thanh Hoà lập tức tiến đến gần lân la bắt chuyện: " Chị à, chị tới đây mua thịt hả?"

" Đúng vậy, em cũng tới mua thịt hả? Nhưng em có đặt trước không? Nếu không đặt trước thì không mua được đâu." Người phụ nữ này nhìn cô một cái, giọng nói pha chút ngạo mạn.

Nhìn thấy người phụ nữ này mặc đồ lao động màu xanh lam thì cô biết mình hỏi đúng người rồi. "Chị à, em là người nhà quê nên không biết gì hết. Chị có thể giúp em được không?". Cô vừa nó vừa đánh mắt nhìn xung quanh thấy không có ai, dúi một tờ phiếu gạo nửa ký vào tay đối phương.

Đối với người công tác ở các đơn vị trong công xã ăn cung ứng lương, phiếu gạo quan trọng hơn tiền, không có phiếu gạo có tiền cũng không mua được lương thực.

Người phụ nữ này tuổi tác tầm ngoài ba mươi, chắc chắn có con nhỏ, cũng giống như nhà Lâm Thanh Hoà, bọn trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, lo cơm ăn cho chúng không phải chuyện nhỏ. Chỉ cần phiếu gạo này không phải lai lịch bất chính, cô ta sẽ không từ chối, cô ta sẵn sàng giúp đỡ người khác để đổi lấy phiếu gạo.

" Em gái à, em có việc gì cứ nói thẳng là được rồi. Nếu trong khả năng chị chắc chắn sẽ giúp. Em không cần khách sáo như thế." Có cái phiếu gạo nửa ký, ngữ khí của chị gái này mềm mỏng hẳn.

Lâm Thanh Hoà giải thích hai câu: "Em biết, nhưng em ở nông thôn, mua lương thực không dùng tới phiếu gạo, mấy hôm nữa là tới ngày phân lương rồi, em chỉ cần tới đội sản xuất mua là được. Chồng em tham gia quân ngũ, đây là phiếu gạo anh ấy ăn không hết gửi về cho em, em giữ lại cũng chẳng để làm gì."

Sau đó cô vào thẳng vấn đề: " Chỉ là mấy đứa nhỏ trong nhà em thèm thịt quá, thực ra mấy ngày nữa trong đội sẽ phân thịt, nhưng người làm mẹ như em thấy con mình thèm khát như vậy, em chịu không nổi. Nên hôm nay e tới đây thử vận may xem thế nào."

Người phụ nữ nghe vậy, thở phào nhẹ nhõm. Đúng là thương thay tấm lòng người làm mẹ, luôn luôn yêu thương và muốn dành mọi thứ tốt nhất cho con mình.

Lâm Thanh Hoà bắt được sự thay đổi đối phương, cô thuận thế đưa phiếu gạo qua, rồi nói: " Chị à, em nhìn một cái là biết ngay chị là người tốt luôn thích giúp đỡ người khác mà. Chị xem trong đây có ai quen hỏi hộ em với, em không cần mua nhiều đâu, chỉ cần nửa cân hay mấy lạng thịt vụn cũng được. Chỉ là em không có phiếu thịt, nhưng em có thể trả giá cao một chút, chị xem thế nào giúp em được không?"

Người phụ nữ bình tĩnh thu phiếu gạo vào trong tay, gật đầu nói: " Em gái, em đúng là một người mẹ thương con. Em đứng đây đợi, chị vào trong xem giúp em."

Lâm Thanh Hoà gật đầu: " Dạ được."

Người phụ nữ đi vào khoảng năm phút đã quay ra, nói với Lâm Thanh Hoà: "Em gái, người ta tính giá cả thế này. Có phiếu thì một cân giá bảy hào ba xu, nếu không có phiếu thì là chín hào năm xu. Em không có phiếu thì phải mua đắt hơn, em muốn mua bao nhiêu?"

"Chị vào mua giúp em nửa cân nhé, thuận tiện xem có khúc xương nào to không, nếu có nhờ sư phụ cân lên giúp em." Lâm Thanh Hoà vừa nói vừa đưa cho người phụ nữ hai đồng.

" Để chị vào trong mua cho em." Người phụ nữ cầm tiền rồi xoay người đi vào. Rất nhanh đã xách thịt heo ra, nửa cân thịt, vẫn là cái loại thịt rất nhiều mỡ, may sao có thêm xương sườn, xương sống, cùng mấy ống xương to tướng. Ở thời đại này, loại thịt được người ta ưa chuộng nhất chính là thịt mỡ, mấy loại như xương sống xương ống rất rẻ.

Số lượng không ít, nhưng tất cả đều bán cho Lâm Thanh Hoà. Người phụ nữ trả lại năm xu tiền dư nhưng Lâm Thanh Hoà không nhận,

Cô nói: " Chị chắc cũng tương đương tuổi em, em nghĩ mấy đứa cháu trai cháu gái ở nhà đang tuổi ăn tuổi lớn, chị giữ lấy thêm vào để mua lương thực cho chúng ăn đi, đừng để chúng bị đói."

" Em khách sáo quá." Người phụ nữ nhất quyết đặt năm xu vào tay Lâm Thanh Hoà, cô ấy đã nhận phiếu gạo rồi không muốn nhận thêm tiền nữa.

Lâm Thanh Hoà hơi xúc động, cười nói: " Chị à, em thấy chị em mình rất có duyên, em rất thích chị. Em tên Lâm Thanh Hoà, con dâu Chu gia bên kia. Chồng em tham gia quân ngũ. Trong Chu gia chỉ có mình chồng em là quân nhân, chị hỏi chắc chắn ai cũng biết."

Trần Mai có ấn tượng không tồi với Lâm Thanh Hoà.

Thấy Lâm Thanh Hoà tự giới thiệu gia cảnh, Trần Mai cũng vui vẻ giới thiệu về bản thân mình.

Lâm Thanh Hoà cảm kích nói: " Ba đứa con nhà em rất thèm thịt, lần này nhờ chị Mai ra mặt giúp, bằng không em không biết làm cách gì mua thịt về cho chúng."

Chị Mai kinh ngạc hỏi lại: " Em nhìn còn nhỏ vậy mà đã có ba con?"

Lâm Thanh Hoà cười đáp: " Em mười bảy tuổi gả chồng, mười tám tuổi sinh con. Đứa lớn nhất nhà em năm nay lên năm, sang năm là cháu sáu tuổi rồi."

Chị Mai nói: " Nếu em không nói thì chị không nhìn ra được đó."

Lâm Thanh Hoà hỏi: " chị Mai, chị làm ở công xã cung tiêu xã, nếu lần sau em tới có thể đi tìm chị không?"

Chị Mai đồng ý ngay: " Được chứ, nếu em cần gì có thể tới tìm chị, giúp được chắc chắn chị sẽ giúp em. Lúc nãy có một sư phụ già trong lò mổ nhường định mức của ông ấy cho em bằng không cũng không được nhiều như vậy. Trừ khi em đặt trước và phải tới sớm thì mới mua được đấy."

Những lời này không phải giả, thời điểm này thịt không dễ kiếm, tất cả đều có hạn ngạch.

Lâm Thanh Hoà vội vàng đồng ý.

Cô không nghĩ lần này mình đi một chuyến lại thuận lợi kiếm được một "phiếu thịt dài hạn".Có chị Mai ở đây, chỗ thịt trong không gian riêng của cô sắp tới sẽ có lai lịch rõ ràng rồi.

Lâm Thanh Hoà thầm tính toán một chút, trong nhà còn thiếu không ít đồ vật. Ví dụ như cô cần một cái bếp lò, thời đại này đã có bếp than, có thể để được một cái nồi nhỏ. Trong không gian riêng cô có trữ sẵn hai cái nồi sắt có tay cầm kiểu cũ, và hai cái nồi hầm canh.

Mấy cái nồi đó có thể lấy ra dùng được, bởi nó được người ta chế tạo theo phong cách phục cổ nhìn không khác gì mấy cái nồi thời này, cứ nói là cô mua ở chợ đen, chắc chẳng ai rảnh tới nỗi đi truy cứu ngọn nguồn mấy chuyện nhỏ nhặt này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro