Chương 26-30

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 26: NGÀY PHÂN LƯƠNG

Ngày hôm sau chính là ngày đại đội phân lương.

Xã viên toàn thôn ai ai cũng nô nức trừ Lâm Thanh Hoà và ba đứa trẻ nhà cô là ngoại lệ, bởi vì nhà cô không có ai lao động lấy công điểm, không có công điểm thì không được phát lương. Đây là quy định chung của công xã, chỉ có ông già bà lão bệnh nặng hoặc tàn tật mới được hưởng ưu tiên.

Nguyên chủ là một thanh niên dẫn đầu bang phái nói không với lao động. Mẹ không có công điểm nên ba đứa con cũng không có phúc lợi được chia lương thực. Không được phân thì mua, chuyện nhỏ!

Đại đội phân lương cho toàn bộ xã viên xong xuôi, còn thừa lương thực mới tới lượt những người muốn mua. Năm nay cũng coi như là được mùa, chắc chắn đội sản xuất sẽ bán, Lâm Thanh Hoà không lo mình không mua được lương thực.

Chưa tới chín giờ sáng, Đại Oa và Nhị Oa đi xem náo nhiệt về báo Chu gia được phân rất nhiều lương thực, đang khiêng về.

Hôm nay người người nhà nhà đều vui vẻ, bọn trẻ nô đùa ầm ĩ chạy đuổi nhau đầy đường, Lâm Thanh Hoà không cản, cho mỗi đứa một cái kẹo sữa thỏ trắng rồi để kệ hai anh em chúng chạy đi chơi.

Hai anh em Đại Oa Nhị Oa ngậm kẹo trong miệng rất oai phong thành công thu hút ánh mắt hâm mộ trẻ con toàn thôn.

Mười rưỡi sáng, đến lượt nhà hai anh em Chu Đông Chu Tây nhận lương, chở lương thực về nhà xong Chu Đông liền chạy qua báo với Lâm Thanh Hoà rằng một lúc nữa là toàn bộ đại đội phát xong, có thể tới mua lương.

Lâm Thanh Hoà: "Bây giờ cháu có bận gì không? Nếu không thì mang theo xe kéo đi cùng thím một chuyến."

Chu Đông liền đáp: "Bây giờ cháu rảnh."

Chu Đông quay về nhà lấy xe, Lâm Thanh Hoà vào nhà lấy tiền, bế theo Tam Oa khoá cửa đi ra ngoài.

Chu Đông kéo xe tới, ba người cùng đi về phía đại đội.

Mấy người đàn bà nhìn thấy Lâm Thanh Hoà đang hướng phía này đi tới, bĩu môi dè bỉu "người phụ nữ chuyên mua lương thực tới rồi", " cô ta gặp may đấy, phải thời xưa thì có mà chết đói từ lâu rồi".....

Tuy nhiên ít nhiều gì mọi người đều kiêng dè Chu Gia, ông Chu bà Chu trong thôn đều được dân làng trọng vọng, vì thế những lời cay độc kia không dám truyền ra.

Đại đội trưởng không có thành kiến với Lâm Thanh Hoà, tuy rằng cảm thấy người phụ nữ này sinh hoạt khác người nhưng đó là chuyện của nhà người ta, hơn nữa người ta bỏ tiền mua bán đàng hoàng không ngửa tay xin xỏ ai.

Lâm Thanh Hoà đã tính toán chu toàn rồi, trong không gian riêng còn nhiều vật tư, hôm nay cô tới đây chỉ là mua cho có thôi. Tương lai Chu Thanh Bách xuất ngũ sẽ mất hết thu nhập, cô không thể vô lương tâm như nguyên chủ được.

Trong mắt người dân, hành động của cô chính là đốt tiền, bởi cô không mua gì nhiều, chỉ mua nhiều nhất lúa mì !

Đại Oa đã sớm đi khoe khoang khắp làng trên xóm dưới mẹ nó mỗi ngày đều thay đổi món ngon cho ba anh em nó, hôm nay tận mắt chứng kiến, không tin không được !

Lâm Thanh Hoà mua một trăm cân lúa mì, một cân có giá ba hào, một trăm cân là ba mươi đồng.

Hạt bắp dùng để xay bột ngô, cái này rẻ, cô mua tám mươi cân.

Ngoài ra còn mua năm mươi cân gạo kê, rồi tới đậu xanh, đậu đỏ, đậu nành mỗi loại mười cân, đậu phộng dùng nhiều nên mua ba mươi cân, hạt mè hai mươi cân, khoai lang lấy nguyên một túi hơn hai mươi cân.

Khoai lang rất rẻ, có thể mài thành bột khoai lang, trong trí nhớ của nguyên chủ cái này rất rất rất khó ăn, Lâm Thanh Hoà không muốn mua chút nào nhưng đại đa số người dân trong thôn đều phải ăn cái này qua ngày.

Lâm Thanh Hoà chỉ mua ngũ cốc, lương thực phụ cô không định mua cái gì cả.

Mỗi thứ một chút cũng tốn tương đối nhiều tiền. Thời điểm khiêng lương thực ra ngoài, mấy người đàn bà nhìn không chớp mắt, có người khoa trương tới mức đau lòng thay cho túi tiền của Lâm Thanh Hoà. Nhiều bao như vậy chắc phải tốn sáu mươi đồng chứ ít à.

Nhà người khác đều tới đại đội phân lương, sau đó đợi phân tiền, không nhiều lắm, làm lụng vất vả quanh năm mỗi nhà được một khoản, chẳng ai đủ bản lĩnh tiêu tiền không chớp mắt như cô. Bọn họ không dám ăn bột mì tinh, mỗi gia đình chỉ được phân vài cân lúa mì thôi.

Nếu chịu xuất công, nhà cô không chỉ có một đầu lương, ba đứa nhỏ cũng có phần, mang công điểm đi đổi lương thực, nếu chưa đủ thì mới bỏ tiền ra mua, như vậy chỉ tốn mấy đồng tiền thôi, ngu gì bỏ ra một đống tiền mua toàn bộ như thế cơ chứ ?!

Lâm Thanh Hoà chẳng thèm chơi với ai, càng không có ý định đối đáp, tư tưởng khác nhau, không cần thiết phải miễn cưỡng chính mình. Dù gì trước giờ tính tình nguyên chủ vốn chướng, Lâm Thanh Hoà chỉ cần hùa theo là được.

Lâm Thanh Hoà chỉ nhờ Chu Đông vận chuyển lương thực vào trong nhà, còn lại cô sẽ tự mình sắp xếp.

Chu Đông: "Thím, chiều nay cháu sẽ đi kiếm thêm ít củi nữa cho thím, vì ngày mai với cả ngày kia đại đội bắt đầu gieo hạt lúa mì vụ đông, khả năng cháu không rảnh. Phải xong việc đó thì chắc cháu mới có thời gian."

"Được." Lâm Thanh Hoà gật đầu.

Nhìn bọc lớn bọc nhỏ ngũ cốc chất đầy trong nhà, bốn mắt Đại Oa và Nhịn Oa sáng rức. Lương thực, đây là lương thực đó nha, mùa đông năm nay không sợ đói bụng rồi, hahaha!

Chúng còn quá nhỏ nhìn một đống thì tưởng là nhiều chứ thực ra nhiêu đó không đủ ăn, huống hồ Chu Thanh Bách sắp trở về, thêm một miệng ăn nữa. Tuy nhiên Lâm Thanh Hoà đã có kế hoạch cụ thể, chờ khi anh ấy trở về cô sẽ mang một trăm cân lúa mì cộng tám mươi cân bắp đi xay thành bột, còn hiện tại thì cứ lấy đồ trong không gian ra ăn, tiết kiệm được chút nào hay chút đó.

Lâm Thanh Hoà: "Mẹ đi nấu cơm trưa, hai đứa trông em cẩn thận đấy."

Sáng nay Lâm Thanh Hoà đã ủ bột, tới giờ chắc cũng đủ thời gian rồi, trưa nay có thể nấu mì ăn.

Phi hành lên cho thơm, nước sôi bỏ mì sợ vào, phía trên xếp vài miếng thịt ba chỉ muối, wow, ngon quá, Lâm Thanh Hoà vô cùng hài lòng với tài nấu nướng của bản thân.

Bữa nào thử làm món thịt kho xem thế nào haha. Nhưng giờ phải ưu tiên đan áo len cho bọn nhỏ trước, sau đó đan cho mình một cái nữa. Trong ngăn tủ Lâm Thanh Hoà thấy cất một cái áo len mới tinh, năm ngoái nguyên chủ đan cho mình không đan cho bọn trẻ con cái nào.

Lúc nhỏ khi còn ở nông thôn, bà nội đã dạy Lâm Thanh Hoà đan áo, nên cô biết chút ít, kết hợp với kỹ năng sẵn có của nguyên chủ thì đan áo cho mấy đứa Đại Oa là chuyện nhỏ.

Ăn xong bữa trưa, Lâm Thanh Hoà chỉ Đại Oa và Nhị Oa cách quấn len thành cuộn. Hai anh em biết len này dùng để đan áo cho mình nên vô cùng hào hứng giúp mẹ.

Có hai thằng nhóc hỗ trợ, tốc độ tăng lên đáng kể.

Giữa trưa, Lâm Thanh Hoà lùa ba đứa lên giường đất ngủ trưa.

Đánh một giấc no say, ba đứa tự giác ở nhà quấn len cho mẹ, con cái ngoan ngoãn bất ngờ cộng thêm công việc trong ngày vốn đã ít ỏi lại còn bị giành mất khiến cô nhàn hạ đến hốt hoảng haha.

Thôi được rồi các con ngoan thì mẹ sẽ chưng tuyết lê đường phèn cho mấy đứa ăn. Cô khéo léo cắt đầu trái lê làm nắp, nạo hết ruột bên trong ra, đổ nước sôi để nguội vào, thả đường phèn và táo đỏ vào, đậy nắp trái lê lên, sau đó đặt lê vào chén, bắc nồi lên bếp chưng cách thuỷ.

CHƯƠNG 27: CHÁO SƯỜN HẠT MÈ

Thế này mà bị bà Chu bắt gặp chắc chắn bà sẽ càm ràm lãng phí củi lửa ba ngày ba đêm cho mà xem. Cũng may bây giờ bà đâu có rảnh, mới vừa phân lương xong bà còn đang bận bù đầu chỉnh lý lương thực nhà mình kia kìa.

Thời điểm bà nghe được tin tức con dâu thứ tư dùng hơn sáu mươi đồng mua lương thực, trời đất như sụp đổ.

Chị hai Chu: "So với năm trước vẫn còn ít chán."

Lời này là chính xác, năm trước nguyên chủ mua hẳn tám mươi đồng, dĩ nhiên nhiều nhất vẫn là lúa mì, chuyện này gây ra phong ba bão táp cho toàn thôn trong một thời gian dài.

Chị hai Chu chẳng cần ai đáp lời, tiếp tục tự suy diễn: "Hay là mua bếp lò với cả than đá nên hết tiền rồi?"

Nói ra lời này cô ta còn tự hào không gì qua được mắt mình. Lần trước thím tư nói sắp hết tiền, thế mà vẫn bỏ ra một đống tiền mua lương thực. Mà khoan, rõ ràng năm nay mua ít hơn năm ngoái nhiều, điều này có nghĩ là gì, chắc chắn là nhà chú tư sơn cùng thuỷ tận rồi, không thể sai được.

Bà Chu đen mặt, nghẹn họng. Vợ thằng tư gần đây biết cách chăm sóc con cái, quan tâm cha mẹ chồng, nay đưa xương ống, mai đưa thịt mỡ, nhưng mà đối với việc tiêu tiền của nó thì...không đáng tin một chút nào. Huống hồ thằng con trai bà lại không quản tiền, thế này thì vợ nó tiêu hết mất thôi !

Thấy sắc mặt mẹ chồng không được tốt, chị hai Chu câm miệng không dám nói thêm gì, nhưng trong lòng vô cùng đắc ý. Có bà vợ tiêu tiền như nước, chú tư có giỏi kiếm tiền cách mấy cũng vô dụng.

Ngược lại chị cả và chị ba Chu không rảnh rỗi lo chuyện bao đồng, hai người thay phiên nhau sử dụng máy may, cố gắng may thật nhanh quần áo cho mấy đứa nhà thím tư rồi còn tới phiên con nhà mình nữa.

Chị ba Chu đã may xong quần áo bông cho Nhị Oa, bà Chu tuy còn tức giận nhưng vẫn tự mình mang qua nhà thằng tư.

Vừa sang tới nơi, bà liền thấy ba thằng cháu trai đang xì xụp uống cái gì trong trái lê, mắt đứa nào đứa đấy thích thú vô cùng.

Lâm Thanh Hoà nhìn thấy mẹ chồng liền nói: "Mẹ tới rồi đấy hả, ba anh em nó đang uống lê hấp đường phèn."

Bà Chu hỏi lại: "Đây là cái gì? Nước lê đường phèn?"

Lâm Thanh Hoà: " Vâng, mấy hôm nay thời tiết khô hanh, ngày hôm qua đi huyện thành con thấy người ta bày bán trái lê nên mua về một ít. Hôm nay hấp đường phèn cho mấy đứa nhỏ uống."

Nhị Oa khoe: "Còn có táo nữa!"

Đại Oa vội tranh nói: "Uống ngọt lắm!"

Tam Oa luống cuống sợ hết: " Mẹ, ăn."

Lâm Thanh Hoà liền đút cho nó. Trong không gian riêng có một thùng lê, còn nhớ lúc ấy Lâm Thanh Hoà đặc biệt kêu giám đốc siêu thị có bao nhiêu lấy bấy nhiêu cho nên một thùng này nhiều bằng hai thùng bình thường. Táo cũng thế, có hai thùng.

Lâm Thanh Hoà tích trữ mấy thứ này là để ăn nên cứ thoải mái đi, huống hồ hình tượng người đàn bà phá của đã rất đậm đà rồi, đi ra ngoài nói cô tiết kiệm vun vén gia đình chắc chẳng ai tin, dĩ nhiên bà Chu cũng vậy. Thấy chỉ có ba đứa nhỏ đang ăn, mẹ nó không có phần nên bà Chu không tiện nói gì nhiều.

Bà Chu đưa áo bông quần bông, nói: "Chị ba con may xong quần áo cho Nhị Oa rồi, con nhìn xem."

Lâm Thanh Hoà nhìn thoáng qua đã biết Nhị Oa nhất định mặc vừa, thậm chí mùa đông sang năm vẫn còn mặc được ấy chứ.

Tất nhiên cô muốn mỗi năm đều may đồ mới cho bọn trẻ. Một bộ mặc một mùa đông là đủ rồi.

Lâm Thanh Hoà nói: " Chị ba vất vả rồi, may xong cho Đại Oa nữa là chị dâu có thể nghỉ ngơi được rồi. Khi nào chị ấy sinh em bé, để con đi qua bên lò mổ nhìn xem có móng heo không, mua hai cái về hầm đậu phộng cho xuống sữa."

Bà Chu nghe thấy thế thì giật mình: "Móng heo đâu có dễ kiếm?"

Lâm Thanh Hoà nghe ra ý tứ bà Chu rất muốn, vừa đút nước lê cho Tam Oa vừa nói: "Chị bạn con có người quen làm trong lò mổ, nếu không có phiếu thì chịu mua đắt một chút, có phiếu thì giá rẻ hơn."

Về việc ngầm đưa phiếu gạo cô không nhắc tới, mấy chuyện này mình cô biết là được, không nên nói cho nhiều người.

Bà Chu: "!"

Bà biết vợ thằng tư không phải là đứa thành thật, nhưng rõ ràng nhà nó vẫn luôn có thịt ăn, không ngờ nó lại có bản lĩnh quen được người trong lò mổ!

Bà Chu nói: " vậy tới lúc đó con đi hỏi người ta xem có thể mua móng heo được không?"

Đều là con cháu Chu Gia, bà yêu thương ba anh em Đại Oa nhất nhưng không thể bạc đãi những đứa cháu khác. Đặc biệt là vợ thằng ba, lúc sinh Ngũ Ni bị hao tổn nguyên khí nặng, nhiều năm rồi mới hoài thai, nếu có điều kiện dĩ nhiên phải mang những điều tốt nhất cho đứa cháu sắp chào đời.

Lâm Thanh Hoà nói: " Tới khi sinh rồi hỏi."

Móng heo không quá khan hiếm, có dịp đi cung tiêu xã đánh tiếng với chị Mai trước là được.

Bà Chu sang đây vốn định mắng một hai câu nhưng bị chuyện này gián đoạn, khiến bà khó mở lời. Trước khi về bà còn nói: " Nếu trong nhà lương thực không đủ ăn, thì về Chu Gia nói một tiếng."

Lâm Thanh Hoà hiểu bà nói vậy là xuất phát từ đau lòng ba thằng cháu nội, tuy vậy cô vẫn rất cảm kích.

Sự thật nhà cô không thiếu những dù sao vẫn nên chừa đường lui cho bản thân! " Không cần đâu, trong nhà còn rất nhiều, nhưng nếu thiếu con sẽ nói."

Bà Chu rất hài lòng nhìn ba đứa cháu nội được chăm sóc ra hình ra dáng, nên bà không so đo dông dài nữa.

Ba đứa nhỏ ăn xong lại tiếp tục công việc cuốn len. Không một đứa nào có ý kiến, vì đơn giản hôm nay được uống nước lê hấp đường phèn ngon mĩ mãn!

Chạng vạng tối, các sợi len đều được cuốn lại gọn gàng. Lâm Thanh Hoà hầm một nồi cháo sườn hạt mè trên bếp lò.

Hạt mè mới mua, rất khó làm sạch, thế nhưng Lâm Thanh Hoà vẫn cố gắng tỷ mỉ làm sạch sẽ từng hạt một.

Cháo sườn hạt mè ăn với dưa muối và thịt muối. Thịt muối cô lười chiên lại nên trực tiếp bỏ vào cháo nóng luôn. Dù thế nhưng Đại Oa Nhị Oa ăn rất hào hứng, luôn miệng khen ngon quá, ngon quá !

Ăn xong, Lâm Thanh Hoà rửa chén bát rồi mang quần áo của Nhị Oa cất vào tủ.

Thấy sắc trời còn sáng Lâm Thanh Hoà cho Đại Oa và Nhị Oa dắt Tam Oa ra cửa chơi, còn mình bắt đầu đan áo len.

Lúc này mới hơn năm giờ chiều, nhiều nhà trong thôn mới bắt đầu nổi lửa nấu cơm thế mà nhà cô đã ăn uống xong xuôi hết cả rồi.

Có người trong thôn đi qua thấy Đại Oa, Nhị Oa, Tam Oa chơi ở cửa liền cười hỏi bọn nó có ăn bột mì tinh không?

Cái này rõ ràng là bệnh đố kỵ đỏ mắt, cũng không thể trách, người trong thôn đầu tắt mặt tối cả năm trời tới cuối năm cả gia đình mới được phân một ít lúa mì thì làm ra được bao nhiêu bột mì. Thế mà Lâm Thanh Hoà ngồi không mà một lần mua một trăm cân lúa mì, tám mươi phần trăm đã được xát vỏ đồng nghĩa với tám mươi cân bột mì tinh!

Việc này khó trách khiến người ta ghen ghét!

Đại Oa nhướng mày đáp trả: " Không ăn bột mì tinh, ăn cháo xương sườn nấu hạt mè."

Người này nghẹn một cục, hậm hực bỏ đi.

Người khác nghe thấy cái gì mà xương sườn cái gì cháo thì liền hỏi: "Trong nhà có gạo ăn à?"

Cái này đều đổ tại Chu Đông, rõ ràng nó với Lâm Thanh Hoà kéo một xe chất đầy hàng hoá về mà cắn chặt răng, hỏi gì cũng không nói làm người ta tò mò không biết rốt cuộc Lâm Thanh Hoà đã mua những gì.

CHƯƠNG 28: TRỮ CỦI CHO MÙA ĐÔNG

Bất quá dân thôn vẫn nghe được từ miệng chị dâu hai nào bếp lò nào than đá, lại còn có hai cái nồi mới tinh.

Đợt trước Lâm Thanh Hoà mua một lúc mấy cân gạo liền, giá đã đắt lại còn yêu cầu không ít phiếu gạo. Mà mua lâu lắm rồi ăn tới giờ chắc hẳn phải hết rồi chứ làm gì còn, khẳng định hôm qua đi huyện thành đã mua thêm không ít.

Đại đội còn chưa phân thịt xuống đâu đấy, thế mà nhà đó ăn cháo rồi còn hạt mè với cả xương sườn, ôi dào, đúng là đồ tham ăn !

Còn nhớ lần cuối cùng được ăn thịt là vào lúc thu hoạch vụ thu năm ngoái lận!

Theo thông lệ, đại đội mỗi năm phân hai lần thịt, thu hoạch vụ thu một lần và trước tết một lần. Muốn ăn nữa thì phải đợi sang năm.

Nhà này ăn uống thật là phách lối, có tiền muốn làm gì làm chắc, xì ?!

Chu Đại Oa di chuyển tròng mắt, liền nói: " Trong nhà chỉ còn lại một ít, không có nhiều đâu."

Không ai nghi ngờ một thằng nhóc năm tuổi biết nói dối, kể cũng phải gạo đâu phải thứ dễ mua, chỉ dành cho người trên huyện đâu tới lượt người nông thôn.

Thứ nhất là quá đắt đỏ, ngang với bột mì tinh, thứ hai là cần phải có phiếu gạo, người nông thôn lấy đâu ra cơ chứ.

Cuối năm xã viên cũng được phát phiếu nhưng tuyệt nhiên không có phiếu gạo, chỉ có phiếu dầu hoả, phiếu vải, phiếu bông với vài phiếu cho mấy thứ linh tinh.

Khoảng sáu giờ, Chu Đông mang hai bó củi tới. Lâm Thanh Hoà trả tiền nhưng Chu Đông không nhận.

Tối hôm qua hai anh em có một đêm ngon giấc nhất từ trước tới nay. Cái chăn bông thím cho tuy nói là cũ nhưng quả thực dùng rất tốt vừa mềm mại, vừa ấm áp, so với cái mà chúng đắp hàng ngày thì không đáng được gọi là chăn bông vì nó vừa rách nát vừa cứng vừa nặng, đắp cũng như không đắp, chẳng giữ ấm được tí gì. Mùa đông năm nay em gái nó sẽ không phải lạnh cóng nữa rồi, còn nó thì không sao thanh niên mình đồng da sắt chút lạnh này thấm vào đâu.

Đã nhận chăn bông của thím thì nó làm sao dám nhận tiền công nữa. Nó định từ giờ sẽ kiếm củi miễn phí cho nhà thím luôn.

Lâm Thanh Hoà: "Nếu cháu không tính tiền, thím trả lại củi."

" Thím...." Chu Đông chưa nói hết câu đã bị Lâm Thanh Hoà chặn ngang: "Cái chăn kia thím không dùng được nữa, nếu còn dùng tốt làm sao thím mang đi cho. Vì thế cháu không cần phải áy náy. Hôm nay cháu kéo lương thực giúp thím từ đại đội về nhà cũng mất công mất sức, Tiểu Tây còn đang giúp thím may giày may vớ kia kìa. Cháu đừng tính tới tính lui với thím nữa, việc nào ra việc đó."

Nói xong Lâm Thanh Hoà nhét ba hào vào tay nó: "Sau khi gieo hạt vụ đông xong, lại đi kiếm củi về cho thím, nhớ đừng quên đấy."

" Thôi mau về ăn cơm rồi nghỉ ngơi đi, hôm nay bận rộn cả ngày rồi. Đi nhanh đi." Lâm Thanh Hoà xua xua nó, rồi nhanh tay đóng cửa nhà lại.

Thời gian không còn sớm, sáu giờ tối trời bắt đầu se se lạnh, sắc trời xám xịt.

Trong nhà không còn nhiều dầu hoả, mỗi tháng được cấp có hơn nửa cân, không đủ dùng. Lần tới đi tìm chị Mai mua thịt phải hỏi chị ấy xem có cách nào mua thêm dầu hoả mới được.

Lâm Thanh Hoà nấu nước nóng cho bọn Đại Oa rửa ráy. Ba ngày tắm một lần nhưng tay chân mặt mũi mỗi ngày phải mỗi rửa. Sạch sẽ mới được lên giường đất ngủ.

Xong xuôi cô vặn nhỏ đèn dầu, dưới ánh đèn leo lét tiếp tục ngồi đan áo len.

Đại Oa: "Mẹ, lúc nãy chơi ngoài của có người hỏi nhà mình còn gạo không, con trả lời còn ít lắm."

" Thông minh" Lâm Thanh Hoà cho nó một ánh mắt tán thưởng.

" Hắc hắc." Đại Oa nhếch miệng cười đắc ý.

Lâm Thanh Hoà chợt nghĩ, hiện tại vừa mới phân lương, tuy rằng niên đại này con người rất chất phát, rất nhiều nhà ngủ còn không thèm đóng cửa nẻo, nhưng cô vẫn cảm thấy phải đề phòng vạn nhất vẫn tốt hơn.

Đợi mấy hôm nữa gặp Chu Tây cô phải nhắc nhở nó cẩn thận một chút mới được.

Ba ngày sau Chu Tây đã chạy sang nhà giao giày và vớ, con bé định ngày mai sẽ theo anh trai lên núi kiếm củi.

Lâm Thanh Hoà: "Cháu về bảo anh trai tìm thanh niên nào trong thôn đi cùng đi, hai người kết hợp tiền công chia đôi, cháu đừng đi, ở nhà trông nhà thì hơn."

Trong thôn vẫn luôn có một ít người tay chân không sạch sẽ, cuộc sống của hai anh em hoàn toàn dựa vào số lương thực này thôi đấy.

Chu Tây sửng sốt: "Thím, có chuyện gì hả thím?"

"Bình thường thì sẽ không có gì, tuy nhiên không sợ nhất vạn chỉ sợ vạn nhất, cứ để anh cháu tìm ai đó đi cùng đi. Một người một ngày giỏi lắm chỉ kiếm được hai bó củi thôi, chia tiền công là được, cháu nghe lời thím đừng đi."

Chu Tây nghiêm túc gật đầu, cẩn thận ghi nhớ từng lời dặn dò của Lâm Thanh Hoà để còn về nói lại với Chu Đông. Chu Đông nghe vậy cũng cảm thấy những lời này có lý, có người ở lại giữ nhà sẽ tốt hơn, cho nên nó liền chạy ra ngoài tìm đồng bọn.

Chu Đông là điển hình của người lao động cần cù và tính tình thật thà, đồng bọn của nó cũng vậy, có việc sẽ đi gọi hai đứa bạn thân, tiền kiếm được chia đều.

Hai người bạn vừa nghe nói tới việc đi kiếm củi bán cho Lâm Thanh Hoà thì đồng ý ngay lập tức. Bình thường bọn họ cũng đi kiếm củi rồi mang lên tận huyện thành bán, hai bó củi cũng có giá ba hào nhưng đường xá xa xôi đi lại vất vả, ngồi xổi nửa ngày kiếm khách, hôm nào xui xui gặp phải khách khó tính trừ đầu trừ đuôi còn không kiếm được ba hào ấy chứ. Trước giờ họ đều rất hâm mộ Chu Đông có mối làm ăn ngon, bán thẳng cho thím tư Chu ngay trong thôn, chẳng cần phải đi đâu xa.

Trước giờ thím tư Chu không thuê người khác, sợ bị nói là nhà tư bản bóc lột, thím chỉ gọi mỗi Chu Đông, cái này ai cũng hiểu là xuất phát từ việc muốn tạo cơ hội cho hai anh em Chu Đông Chu Tây có thêm thu nhập.

Chu Đông: "Thím bảo tao đi kiếm nhưng một mình tao kiếm không xuể cho nên tao mới tìm chúng mày, tuyệt đối không được nói lung tung, bằng không về sau có chuyện tốt tao không kiếm chúng mày nữa."

Hai đứa bạn đồng thanh nói: "Mày yên tâm, bọn tao hiểu mà."

Có ngu mới mang chuyện này đi nói linh tinh, hơn nữa thím tư Chu quả thật có bản lĩnh tiêu tiền hơn người nhưng thím ấy chưa bao giờ ra ngoài kiếm chuyện thị phi.

Ngày hôm sau trời chưa sáng, ba người đã mang theo xe kéo lên đường. Đi giờ này thì trước ba giờ chiều sẽ về tới, ước chừng cũng phải được mười ba bó củi chứ chẳng chơi.

Buổi chiều, Chu Đông kéo một xe đầy ắp toàn củi là củi tới trước cửa nhà Lâm Thanh Hoà. Chu Đông tới một mình, bởi hai người bạn hiểu đây là công việc Chu Đông kiếm được, họ không nên đi theo giành công.

Xe củi này ngoài sức tưởng tưởng của Lâm Thanh Hoà luôn, cô nghĩ nhiều lắm chỉ bảy tám bó thôi, ai dè lại nhiều đến vậy.

Mười ba bó củi được Chu Đông xếp gọn gàng vào kho củi ở hậu viện. Đây là toàn bộ củi Lâm Thanh Hoà tích trữ cho cả nhà dùng qua mùa đông năm nay.

Lâm Thanh Hoà đưa cho nó một ly nước đường đỏ, lúc đầu Chu Đông ngại ngùng nhưng sau đó đành phải uống hết vì thím đã hù nếu không uống thì không thanh toán tiền.

Hai đồng tiền cho mười ba bó củi, Lâm Thanh Hoà ra tay rất hào phóng. Chu Đông đã quen thuộc với phong cách này của thím tư, nó vừa ngại vừa vui nhận tiền rồi chạy ào đi chia với hai thằng bạn.

CHƯƠNG 29: CÔNG NHẬN THỊT NGON

Hai thằng bạn nói chỉ cần đưa họ mỗi người sáu hào là được, còn lại tám hào là của Chu Đông. Nếu không có Chu Đông thì làm gì có cơ hội kiếm tiền này. Một lần ra ngoài mang về được sáu hào, quá đã! Thanh niên choai choai như tụi nó một ngày giỏi lắm kiếm được hai hào, đa số người dân bình thường một ngày kiếm được khoảng trên dưới bốn hào, chỉ có một số ít những người đàn ông thật khoẻ mạnh mới kiếm được sáu bảy hào.

Mấy ngày nữa qua đợt gieo hạt vụ đông là bắt đầu vào những ngày ăn không ngồi rồi, rất nhiều người chọn cách đi nhặt củi mang lên huyện thành bán kiếm được đồng nào hay đồng đó phụ giúp gia đình, chứ ngồi đó miệng ăn núi lở sức nào chịu cho nổi, đặc biệt là bọn họ đang tuổi vị thành niên, sức ăn sáu hổ chín trâu.

Bình thường mấy đứa nó vật lộn cả ngày cũng chẳng kiếm được bao nhiêu, thế mà hôm nay có hẳn sáu hào, sáu hào lận đó, quá là may mắn!

Hai thằng bạn hỏi dò ngày mai có đi nữa không, Chu Đông nói đã hỏi thím rồi, vẫn là câu nói đó, có bao nhiêu mua bấy nhiêu. Nghe được lời này bốn con mắt lập tức sáng rực, hứa hẹn sáng sớm mai cũng giờ đó xuất phát, mấy cậu nhóc hừng hực khí thế quyết tâm ngày mai phải kiếm được nhiều hơn hôm nay.

Người lớn trong nhà hay tin con mình hôm nay kiếm được ngần ấy tiền đều rất cao hứng nhưng không hẹn mà cùng biết việc này không nên khoe khoang ra ngoài, nhỡ đâu làm Lâm Thanh Hoà khó chịu thì tiêu.

Phóng mắt nhìn cả cái thôn này mà xem, chẳng ai hào phóng bằng Lâm Thanh Hoà cả. Quả thực mới được phân lương, nhưng mùa đông đuổi tới đít rồi, mùa đông đến chính là thời kỳ giáp hạt khó khăn. Bây giờ đang lúc nông nhàn, tranh thủ kiếm chút nào hay chút đó.

Liên tục mấy ngày sau đều có rất nhiều củi vận chuyển tới, cái kho củi Chu Thanh Bách dựng lúc trước đã chật cứng, Lâm Thanh Hoà kêu Chu Đông cứ chất tạm ở mảnh đất trống phía sau viện, sau đó lấy rơm lấp lên, vừa tránh sương gió vừa tránh mưa.

Nhắc mưa là mưa liền, lúc đám Chu Đông chở được xe củi thứ năm thì trời bắt đầu đổ mưa thu.

Thôn dân đều mong trận mưa này, bởi vì hạt lúa mì mới gieo rất cần nước.

Một trận mưa thu ngay lập tức kéo nhiệt độ xuống thấp.

Lâm Thanh Hoà đánh giá chắc hôm nay chỉ khoảng bảy tám độ thôi, vì thế cô không chút do dự trang bị cho ba thằng nhóc từ đầu xuống tới chân toàn bộ đều là vũ trang hạng nặng.

Quần áo bông, giày vớ, mũ len trùm tai, đảm bảo kín mín mít không khe nào lọt gió !

Lâm Thanh Hoà đã đan xong áo len cho Đại Oa nên nó được mặc trước. Một thân toàn đồ mới, Đại Oa vô cùng hài lòng, nó ngứa chân lắm rồi muốn chạy ngay ra ngoài khoe khoang một trận cho đám nhóc trong thôn lé mắt.

Nói về tích trữ củi khô, mấy ngày trước đám Chu Đông đều đặn mỗi ngày đều kéo củi tới, hôm nào nhiều thì 13-14 bó, ít cũng phải 11-12 bó. Toàn là thanh niên mới lớn sức dài vai rộng, lâu lâu mới gặp được cơ hội tốt cho nên đứa nào đứa nấy đều không ngại cực khổ mà tràn đầy tinh thần lao động.

Lâm Thanh Hoà nhẩm tính một bó củi có thể dùng được hai ngày, hơn nữa trong nhà còn có nửa túi than đá, chỗ củi khô tích trữ cho mùa đông năm nay như thế là đủ rồi. Không những làm nóng giường đất, nấu cơm đun nước đều đủ dùng.

Nhìn lại một lượt trong nhà, có lương thực có củi lửa, vậy là yên tâm trải qua mùa đông năm nay rồi.

Mưa liên tục năm ngày mới dứt, Lâm Thanh Hoà cũng chiều ý Đại Oa, cho bọn trẻ ra ngoài chơi nhưng chỉ một hôm nay thôi bắt đầu từ mai phải ở nhà giữ nhà, còn nói cái gì mà phòng kẻ gian lẻn vào trộm hết lương thực, tới lúc đó đừng đứa nào trách mẹ không cho ăn cơm.

Đại Oa cùng Nhị Oa chắc chắn không khước từ nhiệm vụ cao cả này rồi.

Đại Oa sang năm lên sáu tuổi, hơn nữa từ lúc ở cùng Lâm Thanh Hoà đã âm thầm chỉ dạy cho bọn nhỏ rất nhiều điều, Đại Oa thay đổi nhiều nhất, không còn là thằng nhóc vô tâm vô tính mặc kệ mọi việc như trước nữa, bây giờ nó đã biết bảo vệ miếng cơm rồi. Vì thế vừa nghe mẹ nói ngày mai mẹ đi cung tiêu xã xem có thịt không sẽ mua về cho ăn, hai anh em Đại Oa và Nhị Oa lập tức nhận nhiệm vụ trông nhà.

Mấy ngày rồi chưa có miếng thịt nào vào bụng, trứng gà cũng sắp hết tới nơi rồi !

Tất nhiên Lâm Thanh Hoà không cho bọn trẻ ăn thịt hàng ngày. Bởi vì trước khi trời đổ mưa thu, đội sản xuất phân thịt cho xã viên, nhưng cô có đi mua miếng nào đâu, giờ tự nhiên trong nhà có thịt ăn, giải thích thế nào cho được. Vì thế hôm nay cô định đi dạo một vòng tiện thể lên sân khấu lần nữa.

Lâm Thanh Hoà nhờ bà Chu qua đây, tuy nhiên cửa phòng cô khoá cẩn thận, bà chỉ cần trông mấy đứa cháu là được.

Bà Chu nghe con dâu nói là muốn đi mua thịt thì không ngăn cản, vì bà nghĩ nó làm gì còn tiền mà mua thịt, nếu có tại sao hôm đại đội phân thịt nó lại không qua mua?

Lý do vì sao thì bà Chu không thể nào biết được. Rất đơn giản là vì Lâm Thanh Hoà ghét bỏ thịt đại đội bán toàn là phần đầu thừa đuôi thẹo sau khi xã viên chọn hết còn dư lại. Nguyên chủ phải mua vì cô ta không quen được chị Mai, nếu không mua thịt của đại đội thì làm gì còn cách nào khác.

Để bà Chu ở nhà cùng ba đứa con, Lâm Thanh Hoà đi tới cung tiêu xã tìm chị Mai.

May là hôm nay chị Mai có đi làm, hơn nữa chị Mai cũng đã hỏi thăm xác minh thân phận của Lâm Thanh Hoà là thật, có điều chỉ toàn nghe được danh tiếng tiêu tiền như nước, ham ăn phá của của Lâm Thanh Hoà. Tuy nhiên mấy chuyện này không ảnh hưởng tới mình nên chị Mai không can thiệp, chỉ cần xác minh thân phận cùng với phiếu gạo không phải giả là được. Phiếu gạo lần trước Lâm Thanh Hoà cho chị Mai là phiếu gạo quân dụng có thể lưu hành trên cả nước.

Hai bên cùng có lợi, thế là được rồi.

Nhìn thấy Lâm Thanh Hoà, Trần Mai rất vui vẻ: "Em gái Thanh Hoà, hôm nay tới đây là muốn mua gì hả? Hôm qua mới về một ít tôm khô với lại táo đỏ, em có muốn mua một ít về bồi bổ không?"

Lâm Thanh Hoà: "Tốt quá, em mua."

"A Mai, đây là họ hàng nhà cô à?" Người bán hàng bên cạnh hỏi chị Mai.

Chị Mai tươi cười đáp: "Đúng vậy, đây là em gái tôi."

Nghe thấy thế, người bán hàng liền nói: "Có phiếu thực phẩm phụ không? Nếu không thì giá cao hơn một chút đấy nhé."

Người bình thường nếu không có phiếu thì không cách nào mua được hàng hoá nhưng nếu có quen biết người bán sẽ du di một chút, nhiều thì hơi khó chứ trên dưới nửa cân thì vẫn được. Bởi vì theo định mức thực phẩm phụ, một số mặt hàng không yêu cầu phiếu, tuy nhiên phải là chỗ thân quen với nhân viên bán hàng thì mới mua được.

Tôm khô là hàng cao cấp, bổ sung canxi, trong nhà đã có rồi nhưng Lâm Thanh Hoà không chê, càng nhiều càng tốt, nấu canh nấu cháo bỏ vào vài con, vừa thơm ngon lại bổ dưỡng.

Lâm Thanh Hoà mua cả táo đỏ với tôm khô, trả tiền xong cô kéo chị Mai ra bên ngoài nói chuyện.

Lâm Thanh Hoà: "Chị Mai, ngài mai em muốn phiền chị để dành cho em ít thịt?"

Trần Mai thấp giọng hỏi: "Em muốn loại gì? Nhiều ít bao nhiêu?"

"Cho em một cân thịt nạc, nếu có xương sườn với xương ống thì chị lấy thêm cho em nhé." Lâm Thanh Hoà nhét hai đồng cùng một tờ phiếu gạo một cân vào tay chị Mai.

"Không cần thịt mỡ?" Chị Mai lanh lẹ nhận tiền và phiếu, cất đi không chút dấu vết.

Thời đại nay, người người nhà nhà tranh nhau thịt mỡ.

"Như thế có khó cho chị quá không?" Lâm Thanh Hoà hơi chần chừ hỏi. Ý tứ là muốn mua nhưng không muốn làm khó đối phương.

Chị Mai cười cười: "Nửa cân không thành vấn đề."

"Tốt quá, cảm ơn chị Mai." Lâm Thanh Hoà lập tức nói.

Trần Mai: "Ơn huệ gì, nhờ có em mà mấy đứa nhà chị mới có thể ăn nhiều hơn một ít."

Phiếu lương thực Lâm Thanh Hoà đưa rất có giá trị, nếu đem đổi với người cần phiếu thì có thể lời thêm được hai lạng lương thực.

Lâm Thanh Hoà nói vài lời khách sáo rồi chuyển sang đề tài chị ba Chu sắp tới ngày sinh nở, cần ăn móng heo cho xuống sữa.

CHƯƠNG 30: TRỨNG GÀ MUỐI

Chị Mai: "Hai cái móng heo không khó, lúc nào em cần báo trước cho chị một ngày là được."

Lâm Thanh Hoà gật đầu nói: "Cám ơn chị nhiều."

Hai người tâm sự một hồi, Lâm Thanh Hoà lại nói tới chuyện dầu hoả, chị Mai bảo cô ngày mai quay lại đây lấy. Mắt thấy quầy hàng của chị Mai có khách, Lâm Thanh Hoà liền nói lời từ biệt.

Lâm Thanh Hoà không vội quay về nhà ngay, cô lấy khăn đắp kín miệng rổ, đi dạo loanh quanh, mua ít ớt, gừng, tỏi, mấy thứ linh tinh. Xong xuôi mới dẹp đường hổi phủ.

Về gần tới đầu Chu Gia thôn, Lâm Thanh Hoà mới lấy từ trong không gian riêng ra ba cân trứng gà bỏ vào rổ, thịt heo thì khỏi, để ngày mai. À, lấy thêm hai cái bánh bao nữa, ba thằng nhóc mấy ngày nay không được ăn thịt rồi, phải cho chúng ăn đủ chất mới được.

Kỳ thật thì đây là tiêu chuẩn của Lâm Thanh Hoà, đối với những gia đình khác mà nói thì đám trẻ Đại Oa sướng như tiên rồi. Mỗi ngày đều được ăn trứng gà, thỉnh thoảng lại có kẹo sữa thỏ trắng, rồi táo, lê, lại còn táo đỏ nữa.

Ăn uống như vậy mà còn kêu uỷ khuất thì còn muốn thế nào nữa, lên trời luôn đi !

Tuy nhiên Lâm Thanh Hoà không ý thức được điều này.

Về tới nhà, Lâm Thanh Hoà bàn bạc với bà Chu về việc móng heo, ý tứ là khi nào cần thì phải nói trước với cô một hai ngày để cô sắp xếp.

Bà Chu thấy con dâu tư quả thật có cách, trong lòng cảm khái rất nhiều. Người ta nói không sai, muốn được lợi phải cúi đầu.

Thấy bà Chu nhìn nhìn vào cái rổ, Lâm Thanh Hoà không ngại, trực tiếp cầm hai cái bánh bao trắng ra.

"Oa ! Bánh bao !" Đại Oa và Nhị Oa reo lên, bốn mắt sáng rực.

Gần đây Tam Oa lanh lợi hơn rất nhiều, thấy hai anh reo lên nó cũng không kém cạnh, vội lẫm chẫm bước tới trong miệng liên tục kêu "ăn, ăn.."

Một thời gian không ăn lại bánh bao nhưng trong đầu nó vẫn có ấn tượng đây là đồ ngon.

Lâm Thanh Hoà đưa hai cái bánh bao cho Đại Oa, nói: "Đại Oa, con lấy dao cắt bánh ra làm đôi. Nhớ rõ, con là anh cả, phải công bằng công chính đấy."

Đại Oa đáp: "Con luôn luôn công bằng công chính mà!"

Nhị Oa nào có yên tâm, nó đi theo sát đít ông anh vào phòng bếp.

Cắt cái bánh bao thôi mà, sang năm đã lên sáu tuổi, lớn rồi, chuyện này chỉ là chuyện nhỏ, Lâm Thanh Hoà yên tâm giao việc cho nó.

Đại Oa cắt xong đưa Nhị Oa nửa cái, lại sợ Tam Oa cầm ăn rơi vãi lung tung ra quần áo khó giặt sạch, nó liền để vào trong chén đưa cho mẹ đút Tam Oa ăn.

Lâm Thanh Hoà nhận lấy cái chén với thìa đút cho Tam Oa, cô nói: "Một nửa cái con đưa bà nội đi."

Bà Chu định nói không cần, Lâm Thanh Hoà đã ôm Tam Oa đi vào nhà chính ăn, đứng ngoài nãy giờ lạnh quá.

Chu Đại Oa đưa cho bà nội: "Nội nếm thử đi, bánh bao làm bằng bột mì tinh, có nhân thịt, ngon cực kỳ!"

"Thơm lắm ạ!" Chu Nhị Oa cũng gật đầu xác nhận.

Bà Chu đón lấy nửa cái bánh, xem nào, vỏ bánh làm bằng bột mì tinh, nhân bánh có trứng gà, thịt heo, không thơm ngon mới là lạ.

Thấy con dâu không ngại việc bà ăn bánh, bà Chu liền đưa bánh lên miệng cắn một miếng...trời...ngon thật sự, bà ăn muốn nuốt cả lưỡi ấy chứ!

Lâm Thanh Hoà hỏi: "Mẹ, trưa nay có muốn ở lại đây ăn cơm không?"

Bà Chu đáp: "Không cần, con về rồi thì mẹ phải quay về Chu gia."

Lâm Thanh Hoà: "Đại Oa, Nhị Oa hai đứa đưa bà nội về."

Đại Oa, Nhị Oa liền đáp: "Bà nội, đi, chúng cháu đưa bà về."

Bà Chu không ngại để hai đứa cháu đưa về, thứ nhất đoạn đường không xa, thứ hai là hai anh em đều mặc quần áo đủ ấm áp.

Hơn nữa bà đều nhìn thấy được, trong nhà tích trữ khá nhiều củi lửa, thế này mùa đông năm nay không sợ bị lạnh. Trên người Đại Oa đang mặc áo len mới, áo Nhị Oa đang đan được một nửa rồi, trong nhà còn có rất nhiều cuộn len, có vẻ Tam Oa cũng có phần.

Đến Chu gia, bà Chu bảo hai anh em mau quay trở về, bà đi vào phòng mình nghỉ ngơi.

Ông Chu đang ngủ gà ngủ gật, thấy bà trở lại liền hỏi: "Sao bà đã về rồi?"

Bà Chu nói: "Vợ thằng tư về rồi thì tôi về nhà thôi, chứ ở bên đó làm cái gì."

Ông Chu giật giật cánh mũi: "Mùi gì thế?"

Bà Chu liền đáp: "À, ở bên nhà nó ăn nửa cái bánh bao thịt."Mấy nay trong nhà đã được phân thịt, nhưng tưởng tượng đến hương vị bánh bao bột mì tinh, ông Chu không nhịn được có chút hoài niệm.

Đời này ông mới được ăn bánh bao bột mì tinh duy nhất một lần, hương vị ấy, quả thực cả đời khó quên, cho tới tận bây giờ ông vẫn còn nhớ rõ mồn một.

Bà Chu nhìn một cái là biết ngay ông đang nghĩ gì, bà cười hỏi: "Ông muốn ăn hả?"

Ông Chu xua xua tay, nói: "Ăn gì mà ăn, vợ thằng ba sắp sinh rồi, đừng lãng phí tiền, để dành cho nó bồi dưỡng đi."

Cuộc sống bây giờ so với trước kia đã khá hơn rất nhiều, cả gia đình đều có cơm ăn áo mặc, ấm no hạnh phúc, ông cảm thấy viên mãn lắm rồi, bánh bao thôi mà, không được ăn lại cũng không sao.

Nào ngờ ở bên này, Nhị Oa đang nói với mẹ mình: "Mẹ ơi, bà nội được ăn bánh, nhưng ông nội thì không có."

Ông nội bình thường đối xử với bọn chúng rất tốt.

Đại Oa cũng gật đầu: "Ngày trước mỗi khi bọn con đói bụng, gia gia đều bảo trong nhà lấy gì đó cho chúng con ăn."

Tuy không phải đồ ăn ngon nhưng no bụng là tốt rồi.

Tất cả cũng đều tại nguyên chủ không quan tâm con cái, mỗi lần bọn nó đói bụng đều chạy đi tìm ông bà nội nên những việc này bọn trẻ nhớ rất rõ.

Lâm Thanh Hoà thấu hiểu điều này, cô nói: "Được rồi, ngày mai mẹ đi chợ mua thịt sẽ mua thêm bánh bao. Các con mang qua cho ông nội ăn, nhưng không được khoe khoang chỉ yên lặng đưa cho mình ông ăn thôi, biết chưa?"

"Dạ" Đại Oa, Nhị Oa đều gật đầu.

Lâm Thanh Hoà sờ sờ đầu bọn chúng, cười nói: "Ngoan lắm."

Đại Oa Nhị Oa ý cười tràn khoé mắt.

Lâm Thanh Hòa hỏi: "Trưa nay muốn ăn gì?"

Đại Oa liền nói ngay: "Sủi cảo trứng gà."

Nhị Oa gật đầu.

Tối qua đã gói xong sủi cảo, thời tiết lạnh thế này để nguyên đêm cũng không sợ hỏng. Khi nấu sủi cảo, Lâm Thanh Hoà còn bỏ thêm tôm khô, hương thơm rất hấp dẫn.

Mấy nay ở nhà rảnh rỗi chẳng có việc gì làm, Lâm Thanh Hoà bèn nghĩ tới việc muối trứng gà.

Món này cô biết cách làm truyền thống, trước đây học được từ bà nội, đảm bảo trứng muối xong ăn béo ngậy.

Muối một bình nhỏ thôi không cần nhiều lắm khoảng hai cân trứng gà là đủ, trứng gà tất nhiên lấy từ trong không gian riêng ra nhưng mang danh "mua bên ngoài".

Muối trứng gà cần phải có rượu trắng, khoảng một tháng, bây giờ làm, sang tháng sau là có thể ăn được.

Lâm Thanh Hoà kêu Đại Oa Nhị Oa hỗ trợ mấy việc lặt vặt ví dụ như rửa sạch vỏ trứng.

Cô không muốn nuông chiều bọn chúng.

Sau khi hai anh em làm xong, cô đổ nước ấm cho chúng ngâm tay, sau đó thoa kem dưỡng da chống nứt nẻ, rồi phát cho mỗi đứa quả táo, đuổi tất cả lên giường đất.

Cất bình trứng gà muối vào góc nhà, Lâm Thanh Hoà cũng leo lên giường đất tiếp tục đan áo len.

Giường đất được thiêu ấm áp, thoải mái vô cùng. Trong nhà củi lửa đầy đủ, Lâm Thanh Hoà không muốn vì tiết kiệm chút củi mà phải chịu đựng lạnh lẽo.

Tiếc là ở cung tiêu xã trên trấn chẳng bán trái cây gì cả, giường đất thiêu ấm áp nhưng cũng tương đối khô hanh, nếu có trái cây ăn sẽ dễ chịu hơn nhiều.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro