Địch chiến kế

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

7. Vô trung sinh hữu (無中生有)

+ Giải nghĩa: Không có mà làm thành có

Giải thích: Tạo ra một ý tưởng giả trong tâm tưởng của đối thủ, và làm đối thủ tin vào điều đó như một sự thật, để chúng nghĩ ta có cái mà ta hoàn toàn không có. Bằng cách đó, ta đạt được những lợi thế và sự bảo đảm mà lẽ ra ta không thể có.

+ Điển cố: Trong Trận Phì Thủy, để khỏa lấp sự chênh lệch lớn về quân số, Tạ An, Tạ Huyền tung quân Tấn tấn công sớm lực lượng quân Tần của Phù Kiên để tạo ra cảm giác rằng quân Tấn đông đảo không kém gì quân Tần, lại gửi thư cho Phù Kiên để nghị lui quân Tần để Tấn sang sông, quyết chiến một trận. Quân Tần trong khi lui quân vì hỗn loạn nên đội hình tan rã, giẫm đạp lên nhau mà chết rất nhiều (Phong thanh hạc lệ, Thảo mộc giai binh: tưởng tiếng gió, tiếng hạc, cỏ cây là quân Tấn đang tiến công).

+ Diễn giải:

– Kế Vô trung sinh hữu là từ không mà tạo thành có.

– Thiên hạ không loạn, trật tự không rối thì làm gì có anh hào xuất lộ! Bởi lẽ đó, những anh hào thường được gọi là kẻ chọc trời khuấy nước. Mục đích của khuấy nước là làm rối beng sự việc lên để dễ bề thao túng. Thủ đoạn của khuấy nước là gây tiếng tăm, tung tiếng đồn, gây xáo trộn rồi dựa vào đó mà thủ lợi.

– Kế Vô trung sinh hữu hình dung là tu hú đẻ nhờ, tổ thì chim khác làm, nhưng con tu hú cứ đến đặt trứng của nó vào đó, rồi lại nhờ loài chim khác ấp trứng luôn, khi trứng nở thành chim, tu hú con bay về với bầy tu hú.

8. Ám độ Trần Thương (暗渡陳倉)

+ Giải nghĩa: Chọn con đường, cách thức tấn công mà không ai nghĩ tới

Giải thích: Nguyên bản chiêu này trích từ câu: Minh Tu Sạn Đạo, Ám Độ Trần Thương. Nghĩa là: "Giữa lúc trời sáng, sửa đường sạn đạo, ngấm ngầm bí mật, mở lối Trần Thương."

Tấn công địch bằng hai mũi. Mũi công thứ nhất là mũi công trực diện, giữa thanh thiên bạch nhật, nhằm làm cho địch dồn sức phòng thủ. Mũi công thứ hai là mũi công ngầm, nơi mà địch không để ý, đột nhiên làm địch phải chia đôi phòng thủ mà vẫn không biết được bên nào mới là mũi chủ công. Nghi ngờ, nhầm lẫn, không quyết đoán trong phòng thủ sẽ dẫn tới thảm họa.

+ Điển cố: Thời Hán-Sở tranh hùng, Lưu Bang bị Hạng Vũ ép vào đóng quân trong vùng Ba Thục hẻo lánh khó ra được Trung Nguyên. Hàn Tín bèn bày kế vờ sửa đường sạn đạo nhưng lại ngầm dẫn quân đi đường núi hiểm trở để đánh úp ải Trần Thương, mở đường ra Trung Nguyên cho quân Hán.

9. Cách ngạn quan hỏa (隔岸觀火)

+ Giải nghĩa: Đứng cách bờ để xem lửa cháy, để yên cho kẻ địch tự rối loạn

Giải thích: Chậm rãi, không tham gia hỗn chiến, nhằm làm các bên tham chiến mệt mỏi tranh đấu lẫn nhau. Rồi tấn công tổng thể với toàn sức mạnh và dẫm nát, kết thúc tất cả.

+ Điển cố: Sau Trận Quan Độ, Viên Thiệu đại bại trước Tào Tháo rồi chẳng bao lâu qua đời. Các con của Viên Thiệu là Viên Thượng, Viên Hy chạy tới nương nhờ Công Tôn Khang. Có người khuyên Tào Tháo thừa thắng tấn công để bắt nốt Viên Thượng, Viên Khang, Tào Tháo cho rằng không cần vội vì sớm muộn gì trong nội bộ địch cũng có loạn và rút quân. Quả nhiên Công Tôn Khang thấy Tào Tháo rút quân bèn chém đầu Viên Thượng, Viên Hy và xin hàng Tào Tháo. Ngày nay thường thấy là kế Tự diễn biến.

10. Tiếu lý tàng đao (笑裡藏刀)

+ Giải nghĩa: Cười nụ giấu dao, lập mưu kín kẽ không để kẻ địch biết

Giải thích: Lấy lòng đối phương, đạt được sự tin tưởng của đối phương. Khi đã có được sự tin tưởng, bí mật thực hiện mưu kế để có lợi cho mình. Đối phương phải tuyệt đối không được biết về những thay đổi thầm lặng, lật bài và tàn sát khi đã chuẩn bị kĩ càng. Khi đó, mặt dày, tim đen, sẵn sàng đối mặt.

Cái khó nhất của Tiếu Lý Tàng Đao là sự dường như vô hại. Khi đạt tới một cảnh giới nhất định, người sử dụng Tiếu Lý Tàng Đao có thể khiến đối phương đánh giá sai về mình. Như là Lưu Bị đánh rơi đũa để Tào Tháo đánh giá là người không có chữ Dũng hay không có tham vọng lớn vậy.

Vậy thì Tiếu không phải là cười. Tiếu là tất cả những gì ta thể hiện ra khiến đối phương nghĩ ta vô hại, khiến đối phương sướng và không đề phòng. Tỷ dụ như khen, khen đối phương như thế nào, khi nào, khiến cho họ nghĩ là ta thực sự phục tùng, là fan hâm mộ, là kẻ ủng hộ vv và vv. Trong khi đó, ngấm ngầm thực hiện các kế sách khác để đạt mục tiêu.

+ Điển cố: Tể tướng của Đường Huyền Tông là Lý Lâm Phủ có bề ngoài và xử sự hết sức hòa nhã, thân thiện nhưng thực chất lại là người cực kì nham hiểm, dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ các đối thủ chính trị khác. Hành động của Lý Lâm Phủ về sau được mô tả bằng câu thành ngữ Miệng nam mô, bụng bồ dao găm

11. Lý đại đào cương (李代桃僵)

+ Giải nghĩa: Mận chết thay đào, đưa người khác ra thế thân gánh vác tai họa cho mình

Giải thích: Khi thất bại là không tránh khỏi trong một trận đánh, cần phải biết hy sinh để chiến thắng toàn cục cuộc chiến. Đôi khi cần phải thua vài trận để chuẩn bị cho việc thắng trận quyết định của cả cuộc chiến.

Chiến thuật này trong cờ gọi là Thí Quân. Ứng dụng quan trọng nhất của Kế này có liên quan tới việc Ưu tiên mục tiêu chính và đánh đổi mục tiêu phụ để phục vụ cho sự thành công của mục tiêu chính.

+ Điển cố: Thời Tam Quốc, Tào Tháo nghiêm cấm quân mình phá hại mùa màng dân chúng nếu không sẽ bị xử tội chém. Một lần dẫn quân qua ruộng lúa, con ngựa của Tào Tháo vì hoảng sợ mà dẫm nát một khoảnh lúa lớn. Tào Tháo hỏi quan giám sát về cách xử tội, quan giám sát nghị tội của Tào Tháo đáng chết nhưng tính mạng của thừa tướng đáng trọng hơn vì vậy chém tóc để thay thế. Từ đó quân lính của Tào Tháo sợ hãi luật lệ nghiêm minh mà tuân thủ kỉ luật.

+ Diễn giải:

– Lý đại đào cương là đưa cây lý chết thay cho cây đào. Người lớn làm họa, bắt người bé chịu tội thay. Có rất nhiều kẻ tác gian phạm tội lại bắt người khác thế thân.

12. Thuận thủ khiên dương (順手牽羊)

+ Giải nghĩa: Thuận tay bắt dê, phải tranh thủ nắm lấy cơ hội nằm trong tầm tay

Giải thích: Tận dụng mọi cơ hội, dù nhỏ, dù lớn, miễn là có lợi khi cơ hội dễ dàng tới tay. Nhặt vài mảnh bánh, cũng đủ bữa no. Đợi nguyên cái bánh, có khi chết đói.

Căn bản để dùng kế này, chiến lược gia phải có sự tỉnh thức liên tục (mindful) để nhận ra các cơ hội có thể được tận dụng, lợi dụng dù là nhỏ nhưng không tốn nhiều công sức. Căn bản của kế này là rèn luyện để trở thành một kẻ cơ hội và tỉnh thức. Khái niệm kẻ cơ hội nghe rất tiêu cực nhưng hoàn toàn không phải. Một người biết tận dụng mọi cơ hội đến với mình thì sẽ sớm đạt được nhiều thành quả và rút ngắn con đường phát triển.

+ Điển cố: Thời Tam Quốc Lưu Chương là thứ sử Ích Châu nhưng lại có tính tình nhu nhược. Gia Cát Lượng bèn khuyên Lưu Bị tận dụng mối quan hệ họ hàng xa để làm quen với Lưu Chương để rồi từ đó thuận tay bắt dê chiếm lấy Ích Châu làm chỗ dựa.

+ Diễn giải:

– Kế Thuận thủ khiên dương theo nghĩa đen là thuận tay dắt con dê về.

Sự việc trên đời, thiên biến vạn hóa rất kỳ diệu. Phải biết nắm lấy bất cứ cơ hội nào vụt hiện đến trước mắt, đó là những thâu hoạch, những cái lợi bất ngờ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro