Thắng chiến kế

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Man thiên quá hải (瞞天過海)

+ Giải nghĩa: Giấu trời qua biển, lợi dụng sương mù để lẩn trốn

Giải thích: Dù có giấu mình trong đêm đen hay bóng tối, dù có chui vào những nơi cô lập hay nấp sau màn chắn, tất cả đều chỉ đem lại sự nghi ngờ của đối phương. Để giảm sự nghi ngờ, ta cần phải thản nhiên như chẳng có chuyện gì, che giấu ý định thực sự đằng sau những hoạt động thường ngày.

+ Điển cố: Gia Cát Lượng dùng một biến thể là kế Thuyền cỏ mượn tên để lừa lấy tên của Tào Tháo trong trận Xích Bích.

+ Diễn giải:

- Kế Man thiên quá hải là lợi dụng lúc trời sương mù mà lẩn trốn, vượt qua hay hành động ngay trong lúc sương mù.

+ Man thiên, trời u ám không phải hoàn cảnh hoàn toàn bất lợi như một quẻ trong Dịch lý đã nói. Man thiên, không thể ngồi đợi nó tới như sương mù do thời tiết thiên nhiên, mà phải tạo ra nó. Kế Man thiên đem áp dụng thực hiện được cả hai mặt: tiêu cực lẫn tích cực. Tích cực là đem ánh sáng đến cho một tình thế mờ mịt. Tiêu cực là lẩn tránh một tai họa, là lợi dụng cơ hội sơ hở của địch để thoát bí.

- Ở trận Xích Bích, Khổng Minh đã giải quyết vấn đề thiếu tên bắn cho các cung thủ bằng cách lấy mười chiếc thuyền lớn chất đầy rơm tạc hình thù giống một đội binh lính, đợi lúc trời sương mù, âm thầm đến trại Tào Tháo nổi trống la hét làm như tấn công. Tào sợ ngụy kế, không dám xông ra, chỉ bắn tên như mưa vào các thuyền rơm. Bằng một đêm đánh trống reo hò, không chết một người, Khổng Minh đã lấy được của Tào Tháo cả trăm ngàn mũi tên.

2. Vây Ngụy cứu Triệu (圍魏救趙)

+ Giải nghĩa: Để cứu nước Triệu thì cần mang quân vây nước Ngụy

Giải thích: Khi địch quá mạnh để tấn công trực diện, thì hãy tấn công vào nơi nào mà quý báu nhất của địch. Biết rằng chẳng ai có thể mạnh ở mọi nơi, vậy thì dù là áo giáp cũng có kẽ hở, có một điểm yếu là có một mục tiêu để công kích.

+ Điển cố: Thời Chiến Quốc, Bàng Quyên đem quân nước Ngụy tấn công nước Triệu rất gấp. Tôn Tẫn, bạn học cũ của Bàng Quyên, bày kế cho nước Tề đem quân vây nước Ngụy, y rằng Bàng Quyên phải kéo quân về giải vây, nước Triệu được cứu.

3. Tá đao sát nhân (借刀殺人)

+ Giải nghĩa: Mượn dao giết người, mượn tay người khác để giết kẻ thù

Giải thích: Được dùng khi ta không có đủ điều kiện để tự mình ra tay, hoặc là không muốn chịu hậu quả của việc tự ra tay. Vì thế mà mượn tay kẻ khác mà đạt mục tiêu của mình. Chính kẻ bị lợi dụng cũng không hề hay biết.

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: Sát nhân bất kiến huyết, kiến huyết phi anh hùng.

Nghĩa là, giết người phải không thấy máu, thấy máu thì không phải anh hùng. Không thấy máu chẳng qua là không có mặt ở đó để mà thấy máu chảy trên tay của kẻ khác mà thôi.

Giết thì dễ, giết như thế nào lại là đẳng cấp. Cái giả phải hợp tình hợp lý tới mức không thể nghi ngờ. Thậm chí người ta nhìn vào cũng chỉ có thể suy đoán mà chẳng có bằng cớ gì để kết tội kẻ mượn. Đó là đẳng cấp của kẻ dùng Kế.

+ Điển cố: Thời Tam Quốc Tào Tháo ghét Nễ Hành tính tình ương bướng không chịu khuất phục bèn cử ông ta đến chầu Lưu Biểu. Quả nhiên Nễ Hành làm Lưu Biểu tức giận rồi bị giết.

+ Diễn giải:

- Kế Tá đao sát nhân là mượn dao để giết người, mượn tay người khác để giết kẻ thù của mình.

- Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: Sát nhân bất kiến huyết, kiến huyết phi anh hùng. (Giết người không thấy máu, thấy máu không anh hùng).

- Trên đời dĩ nhiên chưa có kẻ nào chỉ giết người mà thành anh hùng, nhưng cũng hiếm có tay anh hùng nào không giết người. Điểm khác nhau không ở có hay không, mà ở chỗ thông minh hay ngu xuẩn. Tào Tháo mượn Lưu Biểu giết Nễ Hành, mượn lòng quân giết Dương Tu rồi lại được làm cái việc mèo già khóc chuột, thật đáng kể là một tay thông minh, gian hùng.

4. Dĩ dật đãi lao (以逸待勞)

+ Giải nghĩa: Lấy nhàn để đối phó với mỏi mệt

Giải thích: Dùng chiêu này khi ta có lợi thế được chọn thời gian và địa điểm cho trận đánh. Nhất là khi địch lại không biết về hai điều này. Bằng cách đó, ta sẽ dẫn dụ địch tiêu hao năng lượng cho những mục tiêu không có thật trong khi ta giữ gìn mọi nguồn lực. Khi địch đã tổn hao, mệt mỏi và bắt đầu nhầm lẫn, ta tấn công toàn lực với năng lượng nguyên vẹn và với mục tiêu rõ ràng.

Dĩ Dật Đãi Lao có 2 tiêu chí quan trọng là Thời điểm và điểm đối đầu. Ta tạo ra nhiều mục tiêu giả, khiến cho địch hao tổn sức lực, trí lực, mệt mỏi tới không còn sáng suốt. Sau đó lựa chọn đúng vị trí tấn công mà ta tối ưu hóa được nguồn lực của mình trong khi địch lại bị hạn chế nhất. Đó chính là căn bản của sử dụng thành công chiêu thức này.

+ Điển cố: Trong Trận Phì Thủy, Phù Kiên đem một triệu quân tấn công nhà Tấn. Tuy nhiên Tạ An, Tạ Huyền nắm vững tinh thần Dĩ dật đãi lao nên dùng quân Tấn ít hơn nhưng tinh nhuệ, có trật tự, được nghỉ ngơi, đánh cho Phù Kiên đại bại.

+ Diễn giải:

- Kế Dĩ dật đãi lao là lấy sự thanh thản để đối phó với hấp tấp, nhọc nhằn; dưỡng sức mà đợi kẻ phí sức. Kế này viết ở trong thiên Quân Tranh của bộ Tôn Tử Binh Pháp: Lấy gần đợi xa, lấy nhàn đợi mệt nghĩa là trên chiến thuật phải tìm nắm trước địa vị chủ động để ứng phó với mọi tấn công của địch. Cũng có ý nói nên chuẩn bị chu đáo, dễ dàng lấy cái thế bình tĩnh xem xét tình hình biến hóa mà quyết định chiến lược, chiến thuật. Đợi địch mỏi mệt, tỏa chiết bớt nhuệ khí rồi mới thừa cơ xuất kích.

- Tôn Tử gọi thế là: Ẩn sâu dưới chín từng đất, hành động trên chín từng trời.

- Sử dụng sách lược này đòi hỏi thái độ tuyệt đối trầm tĩnh ứng biến, đo được ý kẻ thù, hoàn cảnh kẻ thù, thực lực kẻ thù. Nếu thời cơ chưa chín thì đứng yên như trái núi. Khi cơ hội vừa tới thì lập tức lấp sông, chuyển bể. Tư Mã Ý ngăn Gia Cát Lượng ở Kỳ Sơn, Chu Du phóng hỏa tại Xích Bích, Tào Tháo đại phá Viên Thiệu nơi Quan Độ, Tạ Huyền đuổi Bồ Kiên ở Phi Thủy,.. Tất cả đều lấy ít đánh nhiều, thế kém vượt thế khỏe. Tất cả đều là kết quả sử dụng tài tình sách lược Dĩ dật đãi lao.

5. Sấn hỏa đả kiếp (趁火打劫)

+ Giải nghĩa: Tranh thủ nhà cháy mà đánh cướp, lợi dụng lửa để hành động

Giải thích: Khi một đất nước đang nội chiến, khi dịch bệnh đói rét hoành hành, khi tham nhũng và tội ác leo thang, đó chính là khi đất nước đó mất khả năng đối chọi với ngoại xâm. Đó chính là thời điểm tấn công.

Chúng ta đã học qua bài Tri bỉ tri kỷ bách chiến bất đãi và đã nắm được yếu lĩnh biết người là quan trọng như thế nào với sự thành công của chiến dịch công kích. Thế nhưng ta cũng cần biết rằng Địch là một chủ thể luôn biến đổi. Đôi khi ta biết địch ở thời điểm này, nhưng lại không biết địch chỉ trong ba ngày sau đã ra sao. Vì thế Tri bỉ còn có nghĩa là phải liên tục theo dõi, nắm bắt sự thay đổi nội tại của địch. Một khi ta thấy nội bộ địch có phát sinh điểm yếu, ta có thể sử dụng điểm yếu này để khai thác làm địch suy yếu nhanh hơn hoặc khai thác để đạt được lợi ích cho ta.

+ Điển cố: Trước trận Xích Bích, Lưu Bị chỉ là một lãnh chúa nhỏ nắm trong tay một thành Tương Dương người thưa quân ít. Lợi dụng thất bại của Tào Tháo ở Xích Bích, Lưu Bị tung quân chiếm Kinh Châu rồi từ đó phát triển thế lực ngang bằng với Tào Tháo, Tôn Quyền.

+ Diễn giải:

- Kế Sấn hỏa đả kiếp là lợi dụng lúc loạn để thao túng, lúc tình hình rối ren mà sắp xếp theo ý muốn.

Có hai loại Sấn hỏa đả kiếp: Một là theo lửa để mà đánh cướp. Hai là chính ta phóng hỏa mà đánh cướp. Theo lửa tức là thừa lúc người ở trong cơn nguy biến mà ta quấy hỗn loạn thêm. Phóng hỏa tức là chính ta gây ra sự hỗn loạn mà thực hiện theo ý muốn của ta. Theo lửa hay phóng hỏa cùng đi chung vào một mục đích là đánh địch và đoạt của địch để tạo cơ hội cho ta. Theo lửa thì dựa vào thời cơ sẵn có. Phóng hỏa thì tự ta tạo ra thời cơ.

- Không thể phê phán theo lửa hay phóng hỏa, cái nào hay, cái nào dở, cái nào tốt, cái nào xấu, vì cả hai giống như một sự biến ảo giữa không khí và nước.

- Trong sử sách, người ta thấy tay phóng hỏa giỏi là Trương Nghi. Một mình Trương Nghi đã phá tan thế hợp tung bằng cách dối Tề, lừa Triệu, dọa Ngụy, thuyết Yên, bịp Sở. Trương Nghi thật là con người có cái lưỡi bằng lửa thiêu đốt cả sáu nước, dựng thành cơ nghiệp thống nhất cho nhà Tần.

- Khổng Minh tuy là một nhà chính trị lỗi lạc tài tình, nhưng cái thế của ông ngay từ đầu chỉ là cái thế phải theo lửa để gây vốn: Lưu Bị bị Tào Tháo đánh chạy đến cùng đường, Khổng Minh đành tính kế nương nhờ Tôn Quyền rồi ăn theo cuộc chiến tranh Nam - Bắc, ăn theo trận Xích Bích để cướp Kinh Châu. Sấn hỏa đả kiếp đòi hỏi một khả năng hành động mau lẹ như con ó bắt mồi.

6. Thanh Đông kích Tây (聲東擊西)

+ Giải nghĩa: Giương Đông kích Tây, vờ đánh một hướng nhưng thực chất là đánh hướng ngược lại

Giải thích: Khi địch trong trạng thái nghi ngờ, địch sẽ không thể nào thẩm định tình huống một cách rõ ràng được. Ta tung tin đồn thất thiệt về kế sách của ta, nhằm làm địch tập trung nguồn lực phòng thủ vào một phía, và do đó để lộ phía khác yếu hơn để ta tấn công.

Thanh hay Dương đều chỉ ý hô hoán, bộc lộ ra ở một phía để gây chú ý rồi thầm kín mà đánh ở nơi khác.

Tất cả những học trò đã từng được giao luận về chủ đề này đều có cái hiểu nhầm mà vì cái hiểu nhầm ấy mà không thể nào nhìn ra sự khác biệt rõ ràng với các kế khác.

Trong Kế 1 - Man Thiên Quá Hải, ta có đủ sức mạnh và điều kiện để tạo ra cả một môi trường giả, mạnh hơn nhiều so với Dương Đông Kích Tây khi chỉ có thể tạo ra được một số hành động giả, âm thanh giả, đặc biệt là tin đồn mà thôi.

+ Điển cố: Sau trận Xích Bích, Gia Cát Lượng cho quân đốt lửa trong đường hẻm Hoa Dung để Tào Tháo nghi ngờ rằng quân Lưu Bị dùng kế giương Đông kích Tây rồi chọn chính đường Hoa Dung để rơi vào bẫy của quân Quan Vũ.

+ Diễn giải:

- Kế Dương đông kích tây là reo hò giả vờ như thật sự đánh vào phía Đông, nhưng chủ yếu lại đánh vào phía Tây. Trong tất cả mọi vấn đề của xã hội, từ chiến trường, thương trường, chính trường cho đến tình trường; nếu muốn điều này nhưng lại giả làm điều kia, nói điều này mà làm điều nọ, ấy là Dương đông kích tây vậy.

- Kế này mờ ảo vô song. Nó rất khó biết, khó đoán, bị đánh bất ngờ. Kế này nhằm chuyển mục tiêu để lừa dối đối phương, khiến cho địch sơ ý, lừa lúc bất ý tấn công kẻ không chuẩn bị.

+ Có nhiều cách thức để thực hiện kế này, như:

- Tạo tin đồn.

- Làm rối tai rối mắt địch.

- Buộc đối phương lo nhiều mặt.

- Mê hoặc ý chí của địch.

- Nghi binh.

- Làm phân tán lực lượng đối phương.

- Làm yếu lực lượng đối phương, lực lượng phòng vệ địch.

- Nguyên tắc của Dương đông kích tây là bí mật và chủ động. Bị động coi như phải chịu sự khống chế của địch. Điều kỵ khi dùng kế Dương đông kích tây là để lộ cơ. Lộ cơ là mất hết khả năng phòng bị, chuẩn bị. Dù là trên chiến trường, thương trường hay chính trường cũng đều phải giữ bí mật và nắm được thế chủ động.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro