Công chiến kế

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

13. Đả thảo kinh xà (打草驚蛇)

+ Giải nghĩa: Đánh cỏ động rắn, tấn công vào xung quanh kẻ địch khiến chúng hoảng sợ mà lộ diện

Giải thích: Chỗ có hoài nghi, thì phải dò xét xác thực, nắm được tình huống rồi sau đó hành động. Dò xét nhiều lần là thủ đoạn trọng yếu phát hiện nơi ẩn náu của địch.

Tức là, khi bức màn chiến tranh đã vén mở mà binh lực đối phương vẫn không bộc lộ, nhất định ẩn tàng quân sự cơ mật, lúc này nên dò xét ở tuyến trước, chớ mạo hiểm tiến sâu. Đôi khi phải làm phép thử để làm sáng tỏ nghi ngờ trước khi tấn công thật sự. Liên tục thử và dò những mối nghi ngờ là cách tốt nhất để tìm ra bẫy của đối phương, đôi khi cũng để hiểu đối phương hơn.

+Điển cố: Nhà Tống hẹn với Chiêm Thành chia hai mặt giáp công Đại Việt. Chiêm Thành đồng ý. Tướng Lý Thường Kiệt liền đem quân tấn công, phá huỷ kho tàng ba châu của nhà Tống làm Chiêm Thành khiếp sợ, không dám can dự vào chiến tranh Tống - Việt lần 2.

14. Tá thi hoàn hồn (借屍還魂)

+ Giải nghĩa: Mượn xác trả hồn, mượn thân xác khác để đưa hồn về

Giải thích: Dùng một tổ chức, một kĩ thuật, một phương pháp đã bị lãng quên hay đã bị bỏ đi, vào đúng chỗ với mục tiêu xác định mới mẻ. Đó chính là làm sống lại một điều trong quá khứ bằng cách cho nó một mục tiêu mới. Làm sống lại một ý tưởng cũ, một cách làm cũ, một truyền thống cũ cũng chính là sáng tạo vậy.

Trong đời sống, Tá Thi Hoàn Hồn có thể nhìn thấy ở mọi nơi. Vở nhạc kịch Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris) là một biến thể như vậy. Xuất phát từ một tác phẩm tiểu thuyết cổ điển, cũ kĩ và đã phai nhạt của Victor Hugo. Việc chuyển tải từ dạng văn xuôi sang ca nhạc vũ kịch với lời và nhạc mê hoặc của Richard Cocciante và Luc Plamondon đã làm tác phẩm này trở thành một cơn sốt và đi vào Kỷ lục Guiness là tác phẩm nhạc kịch thành công nhất cho tới tận ngày nay.

Tá Thi Hoàn Hồn là một trong những kế sách đề cao sự sáng tạo của người dùng kế.

+ Điển cố: Thời Tam Quốc quân Tào Ngụy nhờ tài năng chỉ huy của Chung Hội và Đặng Ngải mà chiếm gần như toàn bộ nước Thục Hán. Đại tướng nhà Thục là Khương Duy bèn giả đầu hàng với hy vọng mượn xác trả hồn, lợi dụng quân Ngụy để khôi phục đất nước. Tuy nhiên mưu kế của Khương Duy không thành, ông bị giết còn nước Thục hoàn toàn mất về tay Tào Ngụy.

+ Diễn giải:

– Kế Tá thi hoàn hồn nghĩa là mượn xác để hồn về.

– Ý kế này chỉ rằng: Sau khi đã thất bại, buộc phải lợi dụng một lực lượng nào đó để khởi lên thi hành trở lại chủ trương của mình. Tuy nhiên, dùng kế này rất dễ đi vào con đường nguy hiểm, nếu sơ xuất thì tỷ như rước voi về giày mả tổ. Nếu mượn xác mà mượn ẩu thì chẳng khác gì vác xác chết về nhà.

15. Điệu hổ ly sơn (調虎離山)

+ Giải nghĩa: Lừa cho hổ ra khỏi núi, khiến kẻ địch ra khỏi nơi ẩn nấp để dễ bề tấn công

Giải thích: Dụ địch vào khu vực mà điều kiện tự nhiên không thuận lợi, sở trường địch không dùng được. Tấn công trực tiếp tưởng là gây nguy hiểm nhưng thực tế công địch bằng việc dụ ra khỏi vùng sở trường mới thực sự là cuộc công kích mãnh liệt nhất.

Bọn hổ khi trong núi của chúng, chúng đã mạnh mẽ, lại thông thuộc địa hình, thời tiết, vào trong núi để bắt chúng thực là khó lắm. Thay vì thế, cách bắt hổ là dụ chúng ra khỏi núi, ra nơi mà chúng không còn lợi thế để mà bắt.

Có câu: Hổ lạc bình nguyên bị khuyển khi nghĩa là Hổ lạc xuống đồng bằng bị chó khinh, chính là như vậy.

+ Điển cố: Thời Tam Quốc Trương Phi được lệnh dẫn quân vào Ích Châu để hỗ trợ Lưu Bị. Trên đường tiến quân Trương Phi bị Nghiêm Nhan lợi dụng địa thế hiểm yếu để ngồi trong thành phòng thủ. Trương Phi bèn lập kế giả say dụ Nghiêm Nhan dẫn quân ra ngoài thành và đánh bại.

+ Diễn giải:

– Kế Điệu hổ ly sơn là nhử, dụ hay khuấy động làm cho con hổ ra khỏi rừng.

– Kế Điệu hổ ly sơn có hai lối: Một là nhử hổ ra khỏi rừng để dễ dàng giết hổ. Hai là đuổi hổ đi để dễ bắt giết những loại hồ ly vẫn dựa oai hổ mà hoành hành.

16. Dục cầm cố túng (欲擒故縱)

+ Giải nghĩa: Muốn bắt thì phải thả

Giải thích: Đôi khi, đừng có dồn địch thủ vào góc tường. Đôi khi, nên giữ chúng sống hơn là triệt hạ. Đôi khi, để chúng trốn thoát, mệt mỏi, mất tinh thần và tan rã lại hay hơn nhiều. Quan trọng nhất là triệt cái tâm. Bởi tâm đã bị triệt thì đầu hàng là vĩnh viễn và sự trung thành cũng được bảo đảm.

+ Điển cố: Thời Tam Quốc, Mạnh Hoạch làm phản khiến Thục Hán bất ổn. Để thu phục Mạnh Hoạch, Gia Cát Lượng đã bảy lần bắt, bảy lần thả (thất cầm thất túng, 七擒七纵) Mạnh Hoạch khiến Mạnh Hoạch đội ơn mà không dám làm phản nữa. Tào Tháo muốn dùng Quan Vũ để làm dũng tướng cho mình đã cấp cho Quan Vũ ngựa Xích Thố để Quan Vũ lên đường tìm huynh đệ Lưu Bị và Trương Phi; nhưng Quan Vũ chỉ cỡi ngựa đi một đoạn bèn quay lại trở về với Tào Tháo để nguyện ra trận chiến đấu trả ơn cho Tào Tháo.

17. Phao chuyên dẫn ngọc (拋磚引玉)

+ Giải nghĩa: Ném gạch đưa ngọc đến, đưa miếng nhỏ ra để dụ địch nhằm đạt cái lợi lớn hơn

Giải thích: Tôn Tử viết: Lợi nhi dụ chi, loạn nhi thủ chi.Nghĩa là: Địch muốn lợi, dùng mồi dụ nó. Nó loạn, đập chết nó

Dùng mồi dụ địch là một thủ đoạn được dùng nhiều trong binh pháp, màu sắc này có thể từng thấy trong các chiêu thức khác như Điệu Hổ Ly Sơn chẳng hạn. Tất nhiên trong Phao Bác Dẫn Ngọc tất phải có yếu tố khác biệt.

Cho người ta xem một điều long lanh, vẻ như có giá, khiến đối phương đưa ra một thứ thực sự có giá trị để mà đổi hoặc cướp.

+Điển cố: Trong chiến dịch Chi Lăng năm 1428, quân Lam Sơn đã giả thua liền 3 trận để tướng Minh là Liễu Thăng chủ quan rồi dùng phục binh giết chết ông này.

18. Cầm tặc cầm vương (擒賊擒王)

+ Giải nghĩa: Bắt giặc bắt vua

Giải thích: Địch dù quân mạnh, nhưng lại chỉ làm việc vì sợ hãi hay vì phần thưởng thì hãy nhắm thẳng vào Lãnh đạo của chúng mà quật. Lãnh đạo gục, toàn quân sẽ tự tan hoặc đầu hàng. Quân địch mà kết nối với Lãnh đạo của chúng bằng trái tim, trung thành từ tâm thì hãy cẩn thận, bởi cái chết của người lãnh đạo của chúng sẽ khiến toàn quân cảm tử trả thù.

Căn bản của kế này là phải nắm được mối quan hệ tướng và lính trong quân địch. Nếu tướng địch không phải tướng sáng, chỉ dùng quyền lực và sự chết chóc để điều binh khiển tướng thì chỉ cần đập chết thằng tướng thì quân sẽ tự tan. Nền tảng đằng sau vẫn là làm sao chiến tranh tan rã mà bảo vệ được đất nước. Chứ không phải hiếu sát để sinh linh đồ thán, kiệt quệ nhân lực quốc khố trong chiến tranh.

Kế này lại không thể thực hiện được nếu quân địch tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào. Với các tình tướng sĩ như cha con, việc giết chết tướng địch có khi lại là thảm họa khi địch quân liều chết báo thù. Khi đau thương được biến thành hành động cách mạng thì còn cái giải rút cũng đánh.

+ Diễn giải:

– Kế Cầm tặc cầm vương là dẹp giặc phải bắt chúa giặc.

– Phương pháp bắt chúa giặc thật thiên biến vạn hóa, không cứ bằng sức mạnh hay bằng trí khôn. Các kế khác như Điệu hổ ly sơn, Mỹ nhân kế hay Man thiên quá hải đều có thể dùng cho kế Cầm tặc cầm vương. Để đối phó với một nhân vật anh hùng, thì dù một quả đạn mà giết hay dùng mỹ nhân kế mà nhử thì cũng như nhau.

– Nhưng đa số âm mưu cầm vương được hiệu quả bằng kích thích anh hùng và mỹ nhân kế. Tự cổ anh hùng đa hiếu sắc là vậy.

– Việt Vương thua trận rồi, mà chỉ dùng một nàng Tây Thi đã đủ giam cầm Phù Sai. Lý Viên muốn đoạt quyền của Xuân Thân Quân, nên đã cho cô em là Lý Yên sang làm tì thiếp. Đó là những cách gián tiếp để cầm vương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro