Yamamoto tử nạn , những thất bại tiếp nối .

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tại Thái bình dương , Trung Tướng Hitoshi Imamura , sau cuộc rút lui từ chiến trường Guadalcanal , ông quyết định mang toàn bộ cánh quân 6,400 binh sĩ của mình trở về an dưỡng tại căn cứ Lae . Lae bây giờ là thủ đô của New Guinea . Đó là một thành phố chiến lược chỉ cách Buna khoảng 150 dặm về hướng Tây , ngay trên bờ biển phía Bắc , một điểm phòng vệ rất quan trọng cho căn cứ Rabaul .

  Vào lúc nửa đêm của cuối tháng 02 , một đoàn công-voa gồm 8 dương vận hạm và 8 khu trục hạm , chỉ huy trưởng là Phó đô đốc Masatomi Kimura , họ rời căn cứ Rabaul để tiến vào vùng biển Bismarck (tức vùng biển phía Bắc hòn đảo New Guinea) . Chiều hôm sau , phi cơ thám thính của Hoa kỳ phát giác ra đoàn công-voa này và họ bám sát theo . Cho đến hôm sau , một phi đội gồm 29 oanh tạc cơ tiến ra tấn cống . Một dương vận hạm bị đánh chìm ngay tại chỗ và một chiếc khác trúng bom lửa bốc cháy dữ dội nhưng số còn lại vẫn tiếp tục chuyến hành trình .

  Đệ ngũ không lực của Hoa kỳ mà tiền thân của nó là lực lượng không quân đồng minh hiện đang đóng căn cứ tại New Guinea nó thật sự đã lớn mạnh đến độ người Nhật không ngờ được . Với một số lượng phi cơ hùng hậu gồm 207 oanh tạc cơ cùng 127 chiến đấu cơ , tầm hoạt động của những phi đoàn này bung ra thật xa kiểm soát cả một vùng mênh mông mà Nhật vì quá chủ quan nên không biết . Tướng George Keney , chỉ huy trưởng căn cứ đã làm một cuộc cách mạng quyết liệt , ông cho thay đổi tất cả hệ thống tổ chức cũng như kỹ năng chiến đấu của các phi đoàn , phi đội , đặc biệt là phi cơ để thích nghi với tình hình mới nhằm đối phó với những chiến hạm ngoài khơi Thái bình dương . Mũi của chiếc chiến oanh tạc cơ B-25 được tháo ra và lấp vào đó bằng khẩu đại liên 8 ly rưỡi để có thể bắn phá ở một độ cao cho phép . Các phi công cũng được huấn luyện cách mang phi cơ xuống thật thấp đến độ gần sát mặt biển để thả bom vào mục tiêu . Những trái bom loại đặc biệt này nếu không đánh trúng vào trung tâm chiến hạm thì cũng trợt ra bên vách tàu , vì nó đã được điều chỉnh ngòi nổ tự động chỉ phát nổ sau khi rời thân phi cơ có 5 giây mà thôi . Với năm cái tít tắc ngắn ngủi đó cũng đủ cho phi công thoát ra vùng an toàn trước khi trái bom phát nổ . Sau những tháng ngày gian lao luyện tập ,Tướng Kenney chỉ mong có cơ hội để cho các phi công của ông trổ tài , và bây giờ đoàn công voa của Kimura xuất hiện , quả là một dịp tốt đang đến cho ông .

  Lúc 10 giờ sáng ngày 03 tháng 03 , mười tám chiếc pháo đài bay B-17 hợp cùng 20 chiếc oanh tạc cơ tiến ra phía đoàn công-voa của Nhật . Theo sau hai phi đội này là 18 chiếc Beaufighter của không quân Úc . Tuy phát giác ra nhiều phi cơ địch xuất hiện ngay trên bầu trời giữa đỉnh đầu mình nhưng phó Đô đốc Kimura vẫn không nao núng . Mười hai chiếc B-25 xuất hiện là đà chỉ cách mặt sóng biển có vài mét đang lao tới vun vút . Vị phó Đô đốc chỉ huy cho rằng đó là những phi cơ phóng thủy lôi nên ra lệnh cho đoàn công-voa lập tức trở hướng . Ngay lúc ấy hàng chục khẩu đại liên nơi mũi của những chiếc B-25 đồng loạt khạt đạn quét thẳng vào các thủy thủ hiện đang có mặt trên boong tàu . Bị tấn công thình lình , xác người liên tiếp gục ngã chồng chất lên nhau trong sự hoãng loạn tột cùng của nhiều thủy thủ còn sống , họ lo chạy tìm chỗ ẩn núp . Rồi kế đến là những quả bom đen ngòm rơi xuống với một độ cao không quá cột buồm , nó rơi thật chính xác , hơn mười quả bom đánh trúng đích chỉ trong thời gian không quá một phút .

  Lại có thêm 12 chiếc phi cơ mà Kimura cho là phi cơ phóng thủy lôi nữa xuất hiện , cũng ở một độ cao chỉ hơn mặt nước biển một chút . Họ cũng không dùng thủy lôi để tấn công mà chỉ quạt từng loạt đạn đại liên và thả những trái bom rất chính xác . Không đầy 5 phút sau đó thì đoàn công-voa của Nhật lớp bị đánh chìm lớp bị hư hại bốc lửa cháy đỏ trời . Chỉ có 3 chiếc khu trục hạm nhanh chân phóng trước nên còn giữ được tánh mạng mà thôi .

  Sau khi đánh hạ được vô số hạm địch , các phi công hân hoan trở về căn cứ với một chiến công không ngờ . Đoàn công-voa của Nhật bây giờ thảm hại hết sức , những chiếc bị đánh chìm ngay thì mất dấu nhưng những chiếc bị hư hại vẫn còn nổi lềnh bềnh trên mặt đại dương nhưng bị bốc cháy khủng khiếp . Đa số các thủy thủ còn sống sót đều chen chúc nhau trên những chiếc xuồng cứu hộ và bất cứ vật gì có thể giúp họ nổi trên mặt nước . Các phi công Hoa kỳ tuy đã chứng kiến cảnh vô số thủy thủ Nhật còn sống sót và đang nổi lềnh bềnh phía dưới nhưng họ mặc kệ không muốn bắn giết những kẻ mà các anh cho là đang giẫy chết này . Các anh đã nghe rất nhiều câu chuyện kể từ những người bạn chiến binh Úc đại lợi bị quân Nhật bắt , họ không giết người lính kém may mắn này ngay nhưng chỉ đâm vài nhát lưỡi lê rồi bỏ đi chỉ để lại một mảnh giấy có ghi vào dòng chữ như sau “Cho mày chết từ từ mới đáng tội hơn là một phát súng ân huệ” .

  Sau một kết thúc quá bi thãm cho đoàn công-voa của Kimura trên vùng biển Bismarck , một tổn thất đáng kể khác cũng do tiềm thủy đỉnh Hoa kỳ gây ra với 4 dương vận hạm và một tàu chở dầu bị đánh chìm . Hai sự việc xảy ra gần như là một lúc khiến cho quân Nhật kinh hoàng và lo lắng hết sức . Nhất là Tướng Imamura , ông tỏ ra quá chán nản khi biết những cánh quân tăng viện cho New Guinea bị tổn hại quá nhiều vì bị đánh đắm liên tục . Chỉ sợ rồi đây mặt trận ở New Guinea sẽ trở thành Guadalcanal mất thôi .

  Trong khi ấy quân đồng minh đang tiến dần về phía thủ đô Lae . Nếu chiếm được vị trí này thì họ có thể băng qua eo biển giữa New Guinea và New Britain , khiến căn cứ của Nhật ở Rabaul bị cô lập ngay .

  Theo kế hoạch đại quy mô của Tướng MacAthur thì nó đòi hỏi phải tăng viện thêm một ngàn tám trăm phi cơ đủ loại cùng năm sư đoàn đầy đủ quân số nữa . Và ông cũng lên tiếng thỉnh cầu Hoa thịnh đốn dành quyền ưu tiên cứu xét cho yêu cầu của ông ngay . Đại diện hai phe Hải và Lục quân Thái bình dương được triệu tập về Hoa thịnh đốn để bàn bạc . Sau vài chiến thắng vừa thu lượm được ở Thái bình dương , dĩ nhiên Hải và Không quân hân hoan tự cho mình là nhất nên họ coi đề nghị của ông Tướng Lục quân Mac Arthur là quá đáng , và dĩ nhiên là họ không bao giờ ủng hộ . Đại diện cho Không quân thì viện lý do căn cứ theo cuộc hội nghị ở Casablanca , ưu tiên không lực phải dành cho chiến trường châu Âu . Hải quân thì nhất quyết đòi tiến vào giải phóng căn cứ Rabaul và yêu cầu tăng viện thêm nhiều hạm đội để quân bình cán cân với những hải đội địch , có như thế họ mới có thể đẩy kẻ thù vào thế thủ .

  Phe nào cũng giành chiến công về mình nên cố kêu nài xin tăng viện , trở ngại này không thể nào giải quyết nên đành phải mang lên Ban tham mưu hỗn hợp đồng minh . Và ở đây người ta lại tiếp tục tranh luận . Đô đốc King thì tỏ ra bênh vực cho mặt trận Thái bình dương còn Tướng Arnold lại không muốn hoạt động không lực ở vùng trời Châu Âu bị giảm thiểu . Họ cứ bám vào văn bản khá mơ hồ đã được ký kết ở cuộc hội nghị Casablanca mà tranh cãi , ai cũng cho mình là đúng . Tuy nhiên , vì nhu cầu của chiến trường đang sôi động nên một thỏa thuận chung bắt buộc phải đạt cho được . Để gọi là không thiên vị bên nào , một quyết định chung được thành hình là tiến chiếm Rabaul nhưng đấy chỉ là mục tiêu thứ yếu , trong khi ấy phải chuẩn bị một cuộc hành quân quy mô hầu tiến chiếm cho được những hòn đảo trong quần đảo có tên là Bismarch Archipelago (quần đảo này nằm ngay phía Bắc của quần đảo Solomon , tức phía Đông Bắc New Guinea) .

  Mac Arthur đành phải chấp nhận theo sự sắp xếp này . Ông vội bắt tay vào việc , cùng nhiều sĩ quan tham mưu ngồi lại vẽ một kế hoạch gọi là chiến dịch Cartwheel (nhào lộn) . Đây là một chiến dịch hết sức rắc rối và khó khăn , nó được chia ra thành 13 giai đoạn khác nhau . Theo như kế hoạch đã vẽ thì nó được bắt đầu từ giữa tháng sáu và chấm dứt vào tháng 12 với sự phối hợp chặc chẻ của Hải và Lục quân cho một mục tiêu chính yếu là Rabaul , một căn cứ được coi là hùng mạnh của Nhật bản ở Nam Thái bình dương .

  Đảo quốc New Guinea cũng là một mục tiêu gây nhiều tranh cãi cho Tổng hành dinh Thiên Hoàng . Phía Lục quân thì muốn dùng lực lượng của mình để bảo vệ , với một hải đảo mênh mông đó quả là một khu vực thật lý tưởng để cho những đại đơn vị của bộ binh hoạt động . Phe Hải quân thì cho rằng quần đảo Solomon mới thật sự là một vùng biển quan trọng . Những hòn đảo trong quần đảo này đã có sẳn rất nhiều phi trường so với New Guinea . Và nếu Bougainville lọt vào tay địch quân thì Truk và Rabaul sẽ bị đe dọa trầm trọng và dĩ nhiên Tổng hành dinh của hạm đội liên hợp cần phải được chiếu cô . (Lúc này tổng hành dinh của hạm đội liên hợp Nhật của Đô đốc Yamamoto đang đóng ở đảo Truk) . Lục quân vẫn quyết không nghe , họ khăng khăng cho rằng New Guinea mới là quan trọng , mất đảo quốc này thì Nam dương và Phi luật tân sẽ nằm trong tình trạng nguy hiểm ngay . Cho dù những lý do mà phía Hải quân nêu lên có vẻ hợp lý hơn và sau nhiều lần những đoàn công-voa chuyển quân bị đánh đắm đã chứng minh cho họ thấy rõ chiến trường New Guinea có nhiều bất lợi . Nhưng phe Lục quân lại quá khéo léo dùng đủ mọi lý lẽ trên đời khiến cho Tổng hành dinh Thiên Hoàng phải chìu theo ý của họ . Ngày 25 tháng 03 , Đô đốc Yamamoto và Tướng Imamura cùng nhận được lệnh chiếm lấy New Guinea .

  Cả hai , Hoa kỳ và Nhật bản , lúc này chính là thời gian mà hai phía ngồi lại để âm thầm hoạch định kế sách và chuẩn bị chớ chẳng phải thời gian của bày binh bố trận súng nổ bom rơi . Có thể nói chiến tranh Thái bình dương trong giai đoạn này tình hình đã tạm lắng dịu lại yên tĩnh vô cùng . Tuy rằng ý kiến của Hải quân Hoàng gia Nhật đã không được thượng cấp chấp thuận nhưng không vì thế mà chán nãn chẳng còn muốn xông pha xung trận nữa . Yamamoto , vị chỉ huy tối cao của họ đã ra lệnh là phải lập tức phóng ra một đợt tấn công đầu tiên vào hạm đội địch . Một lực lượng được thành lập để tiêu diệt không và hải lực địch ở vùng Nam Thái bình dương . Một chiến dịch mang tên “chiến dịch thứ nhất” tầm hoạt động của lực lượng này chỉ nhắm vào hai vùng biển là Solomon và New Guinea . 

  Đầu tháng 04 , Yamamoto tạm dời bộ phận chỉ huy về căn cứ Rabaul cùng với những sĩ quan tham mưu kỳ cựu của ông như Ugaki , Kroshima , Watanabe v.v để trực tiếp chỉ huy chiến dịch .

  Ngày 07 tháng 07 , đảo Guadalcanal là mục tiêu đầu tiên đón nhận hỏa lực dữ dội từ 224 chiếc phi cơ vừa là oanh tạc cơ vừa là chiến đấu cơ của Nhật . Đối với hòn đảo Guadalcanal , một chốn địa ngục đầy uất hận , một trận địa mà Nhật bị thất bại nhục nhã , cơn thịnh nộ đã dành sẳn cho họ từ trước và bây giờ được trút xuống tất cả bằng một cuộc oanh kích sấm sét . Hai giờ sau khi cuộc oanh tạc chấm dứt , tất cả phi công đều hân hoan quay trở về căn cứ . Và cũng vẫn với một lối báo cáo chiến công đầy tưởng tượng vượt quá xa sự thật trong khi chỉ có mỗi một khu trục hạm cùng hai tàu nhỏ bị đánh chìm và bảy chiến đấu cơ của thủy quân lục chiến bị bắn rơi .

  Yamamoto dĩ nhiên nào có biết được cái kết quả quá khiêm nhường đến như thế nên ông vội yên tâm ngay với vùng biển Solomon và bắt đầu dốc sức vào New Guiea , ông cho tung ra ba đợt tấn công trong vòng bốn ngày ở vịnh Oro , cảng Moresby và vịnh Milne . Theo kết quả của phi công báo cáo về là có tất cả 175 phi cơ địch bị hạ , phá hủy một tuần dương hạm , hai khu trục hạm và có đến 25 dương vận hạm bị đánh chìm . Nhưng theo sự thật thì khác hẳn , không quá 5 phi cơ của đồng minh bị loại , một dương vận hạm và một tàu buôn bị đánh chìm . Những báo cáo đầy tưởng tượng của các phi công Nhật thật tai hại , vì không ngờ nên Đô đốc Yamamoto hân hoan ra mặt , đinh ninh rằng chiến dịch mang số một của mình đã thành công vượt bực nên quyết định quay trở về căn cứ ở đảo Truk .

  Trước khi quay lại căn cứ của mình , Yamamoto nghĩ rằng mình nên đi thanh tra một lượt các căn cứ quân sự nằm rải rác ở quần đảo Solomon một chuyến . Theo như lịch trình thì trạm đầu tiên ông sẽ ghé lại là Ballale , một hòn đảo nhỏ nằm sát cạnh phía nam của Bougainville để thăm viếng và vấn an những binh sĩ còn sống sót thuộc lộ quân 16 của Tướng Maruyama , sau khi họ triệt thoái ra khỏi hòn đảo địa ngục Guadalcanal . Ông muốn tự mình đến đó , trực tiếp nói chuyện và tỏ lòng cám ơn với những binh sĩ đã có một thời gian dài từng xả thân gian khổ để làm con vật tế thần cho Đông kinh và hiện tại cũng đang bị Đông kinh cho giam lỏng ở một hoang đảo với ý định cách ly đoàn quân bại trận với thế giới bên ngoài .

  Tướng Imamura tỏ ra lo lắng cho chuyến đi của vị Đô đốc nên lên tiếng khuyên ngăn . Ông cũng kể cho Yamamoto nghe đã có một lần ông suýt chết , chỉ thoát hiểm trong gang tấc khi bị phi cơ Hoa kỳ thình lình tấn công trên vùng trời Bougainville . Nhưng Yamamoto lại bất chấp , ông gạt đi những lời khuyên ngăn và tiếp tục đi theo quyết định của mình . Có lẽ căn số của vị Đô đốc đầy huyền thoại đến đây thì tuyệt diệt nên chẳng một ai có thể lai chuyển được ý định của ông . Watanabe ghi xuống lịch trình của chuyến thanh tra lên một miếng giấy và đích thân ông mang đến tổng hành dinh của hạm đội thứ 8 . Ở đây ông bảo với nhân viên bưu tín rằng công tác giao nhận bản lịch trình với những căn cứ mà Yamamoto sẽ ghé đến phải được thực hiện trong vòng bí mật , có nghĩa là phải do chính những bưu chính viên tự tay trao đến nơi nhận . Vị sĩ quan ban liên lạc vội nói để ông chuyển bản tin đi bằng sóng vô tuyến điện . Watanabe không đồng ý vì ông chỉ e người Mỹ nếu họ bắt được tin này thì rất đổi nguy hiểm cho tính mạng của Yamamoto . Nhưng dù Watanabe có nói sao đi nữa vị sĩ quan truyền tin vẫn cứ cãi lại rằng mã số của chúng ta đang sử dụng là loại mật mã tuyệt đối dưới vòm trời này chẳng có máy móc nào chọc thủng nổi . Và anh ta dùng sóng vô tuyến để chuyên bản lịch trình của Yamamoto đến những điểm nhận ngay sau đó. Nhưng sự thật thì mối quan ngại của Watanabe được chứng minh là đúng . Chỉ không đầy một tiếng đồng hồ sau khi những mật lệnh của Watanabe đánh gửi đi thì nơi căn hầm của hơn một trăm nhân viên tình báo quân đội Hoa kỳ , nơi mà trước kia họ đã giúp cho Hải quân Hoa kỳ giành chiến thắng ở Midway , đã chận bắt được . Họ ngồi lại với nhau trọn đêm 14 tháng 04 để giải mã cho bằng được bức điện văn ấy . Lúc 8 giờ 2 phút sáng thì họ đã hoàn tất và Edward Layton , sĩ quan chỉ huy trung tâm tình báo liền vội vàng đi ngay đến văn phòng của Đô đốc Nimitz .

  Gặp Nimitz , Layton vừa trao bức điện văn đã giải mã vừa nói “Đây là tin tức quan trọng từ người bạn già Yamamoto của chúng ta đó thưa Đô đốc” . Nimitz chăm chú đọc và ông biết chính xác Yamamoto sẽ rời Rabaul lúc 6 giờ sáng ngày 18 tháng 04 bằng một chiếc oanh tạc cơ có 6 chiến đấu cơ hộ tống . Họ sẽ đến đảo Ballale lúc 8 giờ sáng . Ông nở một nụ cười tươi rói nhìn Layton và hỏi “Ý của Trung tá là chúng ta thộp cổ người bạn già này ư ?” . Layton gật đầu bảo “Ông ta là một nhân vật có một không hai . Ảnh hưởng của ông ta rất lớn trong quân đội Nhật bản . Nếu hạ được người này tất nhiên chúng ta sẽ ngủ ngon hơn Đô đốc ạ” . Nimitz lại nói “Coi ra Trung tá rất nắm rõ tâm lý của kẻ thù . Phải , người này mà mất đi thì cả quốc gia của họ tất nhiên phải choáng váng không ít” . Layton lại thêm “Trong quân đội của họ ít có và hầu như không có một ai có đủ khả năng và tài thao lược để thể thay thế chức vụ chỉ huy hạm đội liên hợp . Hạ được người này thì cái đám Đô đốc còn lại của họ giống như rắn mất đầu” .

  Nimitz một mặt đánh ngay một mật lệnh đến Đô đốc Halsey bảo ông chuẩn bị sẳn sàng và một mặt gửi thỉnh cầu về Hoa thịnh đốn . Ngày 15 tháng 04 , Frank Kox và Roosevelt đồng chấp thuận lời thỉnh cầu của Nimitz . Tức thì ông dùng radio điện ngay cho Halsey ra lệnh bắt tay vào việc và kèm theo lời cầu chúc may mắn cho một chuyến công tác đặc biệt và tối mật này  .

  Ngày chúa nhật , 18 tháng 04 một buổi bình minh hồng rực rở trong cái không khí bắt đầu oi bức . Cũng trong ngày này , đúng một năm trước phi đội của Đại tá Doolittle đã làm mưa làm gió trên bầu trời Đông kinh . Yamamoto đã chuẩn bị sẳn sàng . Vẫn như mọi khi , ngăn nấp và nghiêm chỉnh trong bộ quân phục Hải quân màu trắng thẳng nếp . Nhưng các sĩ quan cộng tác với ông khuyên ông nên thay đổi bộ quân phục trắng bằng bộ ka-ki xám màu nhà binh , thay vì màu trắng như thường lệ rất dễ gây chú ý cho địch quân . Yamamoto đồng ý liền thay đổi y phục .

  Chiếc oanh tạc cơ Mitsubishi rời Rabaul đúng 6 giờ sáng , mang theo Đô đốc Yamamoto , viên thư ký , một bác sĩ và một sĩ quan phi hành . Chiếc oanh tạc cơ thứ nhì cất cánh sau đó , nó mang theo tham mưu trưởng Ugaki và vài sĩ quan tham mưu khác . Wanatabe đứng nơi phi đạo ngước mắt nhìn lên cho đến khi hai chiếc oanh tạc cơ khuất dạng sau đám mây trắng cuối trời , ông thấy trong lòng không vui vì chẳng được tháp tùng cùng Yamamoto trong chuyến thanh tra mà ông cho là khá lý thú này  .

  Hai chiếc phi cơ hướng về phía nam ở cao độ năm ngàn bộ , họ di chuyển song song và giữa khoảng cách quá gần , gần đến nổi Ugaki nghĩ rằng hai cánh của hai phi cơ có thể va chạm vào nhau . Phía trước họ , sáu chiếc chiến đấu cơ Zero dàn thành đội hình hàng ngang bảo vệ . Đó là một buổi bình minh hồng , một ngày trong sáng đẹp trời rất lý tưởng cho một chuyến vân du , hành khách trên hai chiếc phi cơ đều im lặng , họ say mê đưa mắt phóng tầm nhìn ra ngoài sau khung cửa sổ chiêm ngưỡng cảnh hùng vĩ của đại dương từ trên cao độ  . Trời trong nước biếc , vài áng mây trắng mỏng lảng đảng bên dưới , ẩn hiện trong đó , một dãy xanh mờ kéo dài ra xa tít , chắc hẳn là một hải đảo nào đó đang nằm im lìm như con khủng long đang đón ánh bình minh . Đó là đảo Bougainville . Phi đội của Yamamoto đang từ từ hạ xuống cao độ để chuẩn bị đáp nơi sân bay của căn cứ Kahili .

  Từ tận miền cực nam , trên đảo Guadalcanal . Nơi phi trường Henderson một thời vang danh vì bom đạn , một phi đội gồm 16 chiếc P-38 chiến đấu cơ Hoa kỳ đang lao đến vùng trời của đảo Bougainville . Đại tá phi đội trưởng John Mitchell ngước nhìn đồng hồ đeo tay . Bây giờ đã là 8 : 34 phút sáng . Họ đã vượt qua một quãng đường dài hơn 600 dặm để đến mục tiêu . Những thùng xăng phụ được gắn thêm hai bên cánh và chỉ với một lộ trình duy nhất đã được tính toán kỹ càng theo thời gian và vận tốc . Và theo như dự định thì phi đội của Đại tá Mitchell phải có mặt trên bầu trời ngay vị trí của chiếc phi cơ chở Yamamoto sẽ có mặt theo thời gian đúng trong lịch trình của ông . Nhưng mục tiêu đã đến rồi mà phi cơ địch vẫn chưa thấy xuất hiện , Đại tá Mitchell nóng ruột đưa mắt quan sát chung quanh và lấy làm lạ tự hỏi “Bọn họ đâu rồi nhỉ ?” . Chợt có tiếng máy radio liên lạc vang lên , tiếng của một phi công cùng phi đội báo cáo “Địch xuất hiện ở hướng 11 giờ . Phía dưới” . Đại tá Mitchell nhìn theo hướng vừa được báo cáo , ông đếm có tất cả sáu chiếc phi cơ chiến đấu và hai chiếc oanh tạc cơ . Ông nghĩ một trong hai chiếc oanh tạc cơ ấy chắc chắn phải có mặt của Yamamoto . Lúc này Đại úy Lamphier cũng đang chăm chú đếm xem có bao nhiêu phi cơ địch . Anh và đồng đội cùng bấm nút cho thả những những thùng xăng phụ đã dùng hết cho nhẹ phi cơ để chuẩn bị chiến đấu . Ngay lúc ấy thì phi đội 8 chiếc của Nhật cũng vừa lao đến , khi kịp nhìn thấy có nhiều thùng xăng màu bạc từ trời cao rơi xuống thì họ biết ngay là có sự hiện diện của phi cơ kẻ thù ở trên cao độ . Thế là hai chiếc oanh tạc cơ tách rời phi đội bay hướng vào bờ , nơi phía dưới là rừng xanh bạt ngàn .

  Thế là hai phi đội lại gặp nhau nơi giữa lừng trời . Tiếng của Đại tá phi đội trưởng vang lên trong máy radio “Mặc xác mấy chiếc Zero đó đi . Tấn công hai chiếc oanh tạc cơ . Tôi nhắc lại là oanh tạc cơ” .

  Chiếc phi cơ chở Ugaki bay là đà trên ngọn cây trên một khu rừng rậm . Ugaki nhìn ra cửa sổ , nhìn thấy như có việc không hay xảy ra , ông hốt hoãng hỏi viên sĩ quan phi hành “Có chuyện gì vậy ?” . Viên sĩ quan phi hành lúc này cũng đang thu mình ngồi co ro trong một góc , ông lấp bắp trả lời “Chắc trục trặc kỹ thuật chi đó chớ không có gì đâu” . Nhưng Ugaki không còn nghe tiếng nói của vị sĩ quan phi hành nữa khi đôi mắt ông đang dán sát vào khung cửa kính , phía bên ngoài những chiếc Zero đang nhào lộn đối địch với nhiều chiếc chiến đấu cơ Hoa kỳ . Ông kinh tâm động phách , tự hỏi lúc này chẳng biết chiếc phi cơ chở Yamamoto đang ở đâu .

  Lúc này hai chiếc trong phi đội của Hoa kỳ bị trục trặc nên không thể trút bỏ được những thùng xăng phụ vì thế họ đứng ngoài cuộc mà nhìn . Bây giờ Đại úy Lamphier và Trung úy Barber đang ở vị gần hai oanh tạc cơ vừa chuyển hướng nên hai người cố đuổi theo . Khó khăn cho Lamphier là ba chiếc chiến đấu cơ Zero của địch cứ bám sát anh như bóng với hình . Trong một cái tít tắc , Lanphier biểu diễn một pha cực đẹp , anh bình tỉnh nghiêng cánh phi cơ và thình lình lộn một vòng mang phi cơ của anh xuống thật thấp khiến ba chiếc Zero quá đà bay lướt qua đầu . Được một phút hiếm hoi ấy , viên Đại úy phi công đầy kinh nghiệm không bỏ lỡ cơ hội phóng hết tốc lực đuổi theo chiếc oanh tạc cơ đang bay là đà trên đầu ngọn cây nơi xa xa . Vừa đuổi , Lamphier vừa khai hỏa . Từng loạt đạn xé không trung bay thẳng đến đích . Vài giây sau anh nhìn thấy cánh phải của chiếc oanh tạc cơ Mitsubishi phát hỏa bốc cháy . Cùng lúc ấy Trung úy Barber cũng xuất hiện ngay phía bên kia mục tiêu . Anh lao đến thật gần mới chịu xiết cò . Khẩu đại liên rung lên bần bật , từng tràng đạn nóng bỏng xuyên thẳng vào chiếc oanh tạc cơ khốn khổ , chỉ thấy nó tung lên từng hồi và phần đuôi bốc cháy , toàn thân nó chỉ trong thoáng chốc như một cây đuốc lao thẳng xuống khu rừng già thâm u phía dưới . Không những Đại úy Lamphier và Trung úy Barber chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp này mà từ phía xa xa bên kia khu rừng , trên chiếc oanh tạc cơ còn lại , Ugaki cũng vừa trông thấy chiếc phi cơ chở Yamamoto lâm nạn . Ông vừa kịp mở miệng thốt lên trong kinh hoàng “Thôi chết rồi” thì bỗng chiếc phi cơ của ông chao nghiêng rồi như mất thăng bằng cấm đầu lao thẳng xuống . Nó vừa bị trúng đạn và phần phía sau bốc cháy , viên phi công cố gắng điều khiển nhưng vô dụng vì cánh phải đã bị gãy , chỉ thấy chiếc khu trục cơ xoắn tít trong không gian trước khi chúi mũi xuống biển . Ugaki bàng hoàng kinh hãi , ông bụng bảo dạ “Thôi rồi , mạng của ta đến đây đã tận” trong khi nước từ ngoài tràn vào ngập cả khoang phi cơ . Chợt trong lúc cố vẫy vùng cái theo bản năng sinh tồn của một kẻ sắp chết , chẳng hiểu sao ông lại thấy mình như thoát khỏi vùng tăm tối ngột ngạt toàn thân vọt lên nổi lềnh bềnh trên mặt nước . Ông hít một hơi thở thật dài và nhận ra mình đang còn sống , chỉ cách bãi cát khoảng non trăm mét .

   Thì ra chiếc phi cơ chỉ cấm đầu xuống ngay bãi biển chỉ ngoài khơi một khoảng không quá xa bờ . Ugaki bơi ngay vào bờ và thật là một phép lạ , toàn thể phi hành đều tử nạn chỉ có mỗi một mình ông sống sót với một chút xây xát không đáng kể .

  Chiếc chiến đấu cơ sau một phi vụ đặc biệt đầu tiên trở về tới vùng trời phi trường Henderson , anh phi công thay vì hạ cánh xuống phi đạo anh lại đi một đường biểu diễn đẹp mắt bằng những pha nhào lộn liên tục , một dấu hiệu ngầm báo cho đồng đội phía là nhiệm vụ của họ đã hoàn thành , mục tiêu đã thanh toán .

  Đô đốc Halsey cho loan bản tin nóng hổi ngay trong một buổi họp thường nhật vào buổi sáng hôm sau . Tin Yamamoto bị bắn hạ , con rồng Thái bình dương sa cơ khiến cho cả phòng họp xôn xao hẳn lên . Đô đốc Turner chưa kịp vỗ tay hoan hô thì Halsey đưa tay ra hiệu cho phòng họp im lặng , ông nói “Khoan mừng vội các bạn . Có gì đáng để cho chúng ta mừng chớ ! Theo tôi thì cái tên vô lại ấy phải bị trói và kéo lê bằng dây xích trên đại lộ Pennsylvania để cho mọi người tự do đấm đá cho bằng thích mới hã được mối hận Trân châu cảng của chúng ta” .

   Ý tưởng trả thù của một Đô đốc như Halsey quả thật quá trẻ con , ông cũng phải biết người Nhật , dù là một binh sĩ vô danh cũng không thể chịu nhục để quân giặc bắt trói dẫn đi bêu rếu khắp nơi . Tinh thần bất khuất của họ thà chết chứ không bao giờ chịu nhục , huống chi đây là một vị Đô đốc mà huyền thoại của ông đã vang rền trên khắp năm châu , một khi rồng thiêng đã sa cơ ông thà chết chớ đâu có chấp nhận một hình phạt quá nhục nhã đến như thế .

  Ngay sau khi buổi họp chấm dứt , Halsey ra lệnh bản tin này cần phải giấu kín , nhất là phía báo chí . Chỉ e họ nói hoạch tẹt ra thì cái bí mật đón chận mật mã của Nhật sẽ bị bật mí ngay .

                                .....................................................

   Watanabe lòng đau khổ tột độ khi đứng ra giám sát công việc hỏa thiêu thi hài Đô đốc Yamamoto . Ông ôm một cái hộp nhỏ bên trong đựng tro cốt của vị chỉ huy khả kính mà cũng là một tri kỷ , bạn đánh cờ lâu năm với nhau nên tình thâm hơn cả thủ túc . Ngày 21 tháng 05 , chiếc thiết giáp hạm khổng lồ Yamato rời đảo Truk để mang tro cốt Yamamoto trở về cố thổ . Khi chiếc thiết giáp hạm cập bến ở vịnh Đông kinh , đài phát thanh thủ đô cho phát đi bài tường thuật trầm buồn đến tai đồng bào toàn quốc về cái chết hào hùng của vị Đô đốc huyền thoại . Tro cốt của ông được chia ra làm hai phần , một mang về an táng ở Nagaoka , nơi chôn nhao cắt rốn của ông và một nửa kia được để tại nhà quàn của quốc gia để chờ ngày cữ hành theo nghi thức đại lễ quốc táng . Đó là ngày 05 tháng 06 , nhằm ngày quốc táng của vị Đô đốc Togo lừng danh Nhật bản , người đã đánh bại hạm đội Liên xô trong trận Đối mã oanh liệt năm xưa mà cũng là người thầy , cấp chỉ huy của Yamamoto , ngày ông mới bắt đầu sự nghiệp với cấp bậc Thiếu úy . Có hơn một triệu người dân Nhật xếp thành hàng trên các đường phố thủ đô để đưa tiển Yamamoto đến nơi yên nghỉ cuối cùng .

  Với sự thành công đã vượt qua hết mọi ý nghĩ của con người , khiến cho vị Đô đốc kế vị Yamamoto là Mineichi Koga cũng thảng thốt kêu lên trong nghẹn ngào thống thiết “Chỉ có mỗi một Yamamoto mà thôi . Tất cả và tất cả , không có ai có thể tiếp nối được bước đi của ông ta”.

  Cái chết đau thương của vị anh hùng khiến cho toàn cõi Phù tang phủ đầy một màu thê lương ảm đạm . Và thêm vào đó , một bản tin xấu vừa đưa về là Hoa kỳ đang đổ quân tái chiếm quần đảo Aleutian với 2,351 binh sĩ Nhật bị tử thương và đảo Attu hoàn toàn lọt vào tay Hoa kỳ .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế