Những rắc rối của phe Đồng Minh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm 1943 , ở Nhật bản nhằm năm con cừu , nhưng đối với phe đồng minh thì nó là một năm rất bận rộn cho những cuộc hội họp gặp gở giữa các nhà lãnh đạo . Những địa điểm họ được chọn lựa để gặp nhau đều được chuẩn bị màn lưới an ninh thật chặc chẻ từ Casablanca đến Cairo , từ Quebec đến Teheran . Ngay từ lúc mặt trận tàn khốc ở Guadalcanal chưa kết thúc , Tổng thống Roosevelt và Thủ tướng Churchill đã có dự định gặp gở người bạn đồng minh của mình là Stalin ở Casablanca . Đây có thể được coi là một cuộc hội nghị bí mật có tầm quan trọng được sắp xếp rất hoàn hảo . Tuy được coi là rất quan trọng nhưng cũng là một cuộc họp đáng ghi nhớ nhất của ba nước đại cường . Bởi vì cuộc họp vừa khai diễn , vừa đi vào đề tài chiến tranh trên hai mặt trận Âu và Á thì đã có sự gấu ó tranh cãi dữ dội giữa những vị chỉ huy cao cấp của Hoa kỳ và Anh quốc , chiến tranh nội bộ đã xảy ra . Người có tánh đa nghi nhất là Stalin , ông lịch sự từ chối không tham dự với lý do quá bận bịu vì đang phải chống trả kịch liệt với Hitler .

  Cũng tại nơi diễn ra cuộc họp đáng ghi nhớ này , một gánh nặng đang đè lên vai của những nhân viên mật vụ Hoa kỳ . Cơ quan đặc trách an ninh của họ bị đặt trong một tình trạng căng thẳng tột độ khi thi hành nhiệm vụ bảo vệ cho vị nguyên thủ quốc gia của mình . Sự hiện diện của ông ở đây sẽ khiến cho một thành phố nho nhỏ này trở thành điểm tập trung của vô số điệp viên và ban phá hoại của Đức quốc tìm đến . Họ chỉ e ngại biết đâu điểm hội họp này lại trở thành một bãi chiến trường đầy hiểm nguy chết chóc . Nhưng đối với Roosevelt thì ông coi đó vào đâu . Ông quả quyết rằng chẳng có gì phải sợ cả , nếu nó chỉ có vài ngày và vài ngày thoải mái , thích thú nhất là vài ngày được thoát khỏi cái cảnh tù túng ngột ngạt ở Hoa thịnh đốn lúc nào cũng bị nhiều áng mây chính trị âm u che kín .

  Cả hai ông : Roosevelt và Churchill cùng ngụ tại khách sạn Anfa , một khách sạn thuộc hàng sang trọng bậc nhất được xây dựng ngoài vùng ngoại ô cách thành phố khoảng bốn dặm . Nó nằm trên một ngọn đồi cỏ xanh mướt và bao quanh bởi một vườn kỳ hoa dị thảo , quanh năm bốn mùa lúc nào cũng đơm đầy hương sắc . Thêm vào đó là những giàn hoa giấy , những khóm thu hải đường sắc màu quyến rũ in đậm đến tận chân đồi , tương phản lại màu xanh biếc của mặt biển Địa trung hải, khiến du khách ngụ nơi khách sạn Anfa lúc nào cũng ngất ngây như lạc giữa chốn bồng lai , giữa những bức tranh thủy mặc sống động mà hóa công và nhân tạo đã khéo léo hài hòa giữa những màu sắc rực rở nhất .

 Nhưng bây giờ ở một nơi được nhiều người ca ngợi là bồng lai tiên cảnh đã không còn giữ được vẻ yên bình cho khách nhàn du ghé lại  thưởng hoa ngoạn cảnh nữa . Vì đang có sự hiện diện của hai yếu nhân thuộc hai đại cường quốc khiến tình trạng chung quanh khu vực khách sạn Anfa bị xáo trộn trong một thời gian . Nơi cửa chính của khách sạn được thiết lập hàng rào bảo vệ , và ở nơi đâu người ta cũng thấy binh lính và quân cảnh xuất hiện . Nhóm nhân viên an ninh đặc biệt giả dạng thường dân , vừa thu lượm tin tức vừa bảo vệ yếu nhân . Bất cứ ở nơi nào trong thành phố người ta cũng thấy sự hiện diện của những thường dân mặt mày nghiêm trọng , có kẻ ngồi đọc báo hoặc dạo phố như một khách nhàn du .

  Cuộc họp được chính thức khai mạc vào ngày 13 tháng giêng . Đề tài được mang ta thảo luận sơ khởi do những vị sĩ quan tối cao quân lực Hoa kỳ trong bộ tham mưu liên quân nêu lên là những diễn tiến thuận lợi không ngờ ở hai mặt trận Á và Âu trong vòng hai tháng qua , đây là thời gian vẽ ra một kế hoạch thích nghi để tìm lấy chiến thắng sau cùng . Đó là một bản phát họa chiến lược toàn cầu cho hai mặt trận , một ở Âu châu và một ở miền Viễn đông . Những vị chỉ huy quân sự của Anh thì chỉ muốn đổ vào Thái bình dương một số lượng chiến phí cầm chừng để cầm chân quân Nhật , đến khi nào giải quyết xong chiến trường châu Âu . Có nghĩa là mọi ưu tiên chỉ dành riêng cho chiến trường của họ , đến khi nào đánh bại được Hitler thì mới giải quyết Thái bình dương sau .

  Đô đốc King cáu tiết điên lên , ông cho rằng bọn sĩ quan Anh quá coi thường quân đội Nhật bản . Ông đòi cho được với chiến trường Thái bình dương phải được cứu xét cho công bằng . Ngày hôm sau , khi ngồi vào bàn họp chung với nhóm đại diện cho Anh quốc . Khi được họ trao cho văn bản đối chiếu của phía Anh , Đô đốc King đọc thoáng qua đã mất bình tỉnh . Theo ý kiến của họ thì chỉ có 15 phần trăm tổng chiến phí của đồng minh được đổ vào chiến trường Thái bình dương và đó chỉ với mục đích phòng vệ . King nghĩ rằng với con số quá khiêm nhường này dù chỉ để phòng vệ thôi cũng không thể nào thực hiện được huống chi trong đầu của ông cũng đang manh nha ý nghĩ mở chiến dịch tiến chiếm Miến điện .

  Tham mưu trưởng quân lực Anh , Sir Alan Brooke , một người nóng tánh và thường khi nổi quạu khi tranh cải một vấn đề gì nghịch lại ý mình . Ông bảo hiện tại thì quân Nhật đang đứng về thế thủ , trong khi chiến trường Âu châu lại có nhiều triển vọng tốt cho quân đồng minh , thế thì tại sao không dồn hết khả năng vào chiến trường này mà dành lấy chiến thắng khi có cơ hội . Và cơ may chiến thắng này sẽ không bao giờ đến nếu như Hoa kỳ còn lo vẽ ra nhiều chiến dịch khác không quan trọng ở Thái bình dương , chẳng hạn như tiến chiếm Miến điện , một quốc gia mà điểm chiến lược không có gì để gọi là quan trọng cả .   

  Đô đốc King lớn tiếng hỏi vặn lại là quân đội Nhật đâu phải đã quá yếu hèn như Brooke tưởng . Nếu như chiến dịch tiến chiếm Miến điện không thực hiện được thì bắt buộc Tưởng Giới Thạch phải bỏ cuộc vì áp lực của Nhật quá mạnh . Chiếm lại Phi luật tân thì có thể chờ đến khi nào giải quyết xong chiến trường châu Âu mới tính nhưng hai quần đảo Truk và Marianas là mục tiêu cần phải giành lại càng sớm càng tốt . Lý do chính đáng của King khiến cho Anh quốc không làm sao chống đối được , bề ngoài họ tỏ thái độ hòa hoãn hơn nhưng trong lòng lại ngấm ngầm bực tức không ít . Họ đã vượt đường xa đến tận Casablanca cốt ý chỉ mong cho Hoa kỳ chấp nhận theo lối giải quyết của họ . Văn bản đối chiếu này dĩ nhiên là họ đã bỏ ra nhiều công sức để chuẩn bị nhưng coi ra phía Hoa kỳ quá coi trọng chiến trường Thái bình dương nên yêu cầu của họ khó có thể thỏa mãn được .

  Khi trở lại phòng họp chỉ riêng với phe nhà , Đô đốc King khuyên mọi người nên tỏ ra cứng rắn với lập trường của  mình trong buổi gặp gở kế tiếp vào ngày 17 tháng giêng . Và buổi họp hôm đó , Tướng Marshall tuyên bố dứt khoát rằng nếu chiến trường Thái bình dương không nhận được con số 30 phần trăm của tổng số chiến phí dự trù của đồng minh thì bắt buộc Hoa kỳ lập tức phải cho rút lui toàn bộ hoạt động quân sự ở chiến trường châu Âu . Giới chức Anh dĩ nhiên phải rúng động vì lời tuyên bố chắc nịch của Tướng Marshall . Nếu để mất lòng Hoa kỳ thì họ sẽ rút quân bỏ lại chiến trường châu Âu cho một mình Anh quốc đơn thân chống trả với Hitler ư . Cuối cùng họ chịu nhượng bộ và đồng ý để Hoa kỳ mở hai chiến dịch lớn ở Viễn đông là tái chiếm Rabaul và Miến điện . Nhưng King quyết không thể bỏ quần đảo quan trọng Marianas được , ông nói lực lượng quân sự ở đó đã có sẳn nếu không mở chiến dịch tiến chiếm Marianas thì cũng chỉ để họ nằm không , như vậy hóa ra ta đã phí phạm một lực lượng không cần thiết . Và hơn nữa , nếu chiến dịch này được tiến hành nó cũng không thiệt thòi gì với số chiến phí đã được dự trù cho chiến trường ở châu Âu . Anh quốc phản ứng lại rất thờ ơ . Làm sao biết được , đâu có gì để bảo đảm rằng tác động ở chiến trường Thái bình dương không gây ảnh hưởng cho sự thành bại ở châu Âu . Câu trả lời lạnh buốt như băng của Đô đốc King khiến cho Anh quốc càng thêm rối trí “Đây vốn là việc riêng của Hoa kỳ . Vì thế Hoa kỳ có toàn quyền quyết định ở chiến trường Thái bình dương . Muốn bao giờ tấn công và nơi nào là mục tiêu thì Hoa kỳ cứ quyết định lấy không cần phải hỏi qua ý kiến của ai cả” . Trong câu nói của King đã cho họ thấy , không còn nghi ngờ gì nữa Thái bình dương là một chiến trường nằm ngay sát nách của Hoa kỳ . Những địa danh như Trân châu cảng , Bataan hoặc Guadalcanal đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ nhiều hơn so với Rome , Ba lê hoặc Bá linh .

  Brooke cảm thấy thất vọng tràn trề . Ông sợ rằng không còn lý do nào nữa để cho King thay đổi quyết định , nghĩa là làm cho ông ta quay mặt đi với chiến trường Thái bình dương . Ngay buổi ăn trưa hôm ấy , Brooke thở dài than thở với John Dill “Hết rồi ông ạ . Chúng ta sẽ không bao giờ thỏa thuận được với họ”.

  Nhưng đến tối hôm ấy cả hai phe cùng ngồi lại để bàn bạc và đi đến một thỏa thuận chung cho năm 1943 , thỏa thuận này như một giao kèo chung chung vừa làm vừa lòng Brooke mà cũng không phật ý Đô đốc King . Một điều khoản trong giao kèo này có đoạn “Những chiến dịch ở Thái bình dương vẫn tiến hành với mục đích tạo áp lực cho địch quân , nhưng chiến phí dành cho chiến trường châu Âu vẫn phải để cho chiến trường này sử dụng” . Nó có nghĩa là dù có thiếu hụt thì Hoa kỳ phải tự lo liệu lấy .

   Churchill và Roosevelt cũng hân hoan chấp thuận ngay kế hoạch này chẳng cần thắc mắc chi hết . Thủ tướng Churchill lấy làm phấn khởi ca ngợi cho sự thành công hết lời .

  Nhưng xem ra cố gắng này đơn thuần chỉ là một sự ngụy trang cho một thỏa hiệp , nó giống như một miếng vải băng che đậy vết thương đang lúc trầm trọng .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế