Quay về thế thủ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thiên Hoàng Hirohito hoàn toàn rơi vào một nỗi khổ đau cùng cực . Ông phán bảo với Tổng tham mưu trưởng quân đội Sugiyama “Trong tương lai , nếu ngươi nhìn thấy chiến trường nào mà chúng ta sẽ nắm lấy phần thắng chắc chắn thì mới đưa quân vào . Bằng mập mờ đoán non đoán già thì đừng có đưa họ vào chỗ chết” . Và sau đó , thời gian còn lại của buổi thiết triều , những suy tư trắc ẩn trong lòng ông đều mang ra bày tỏ với người sĩ quan phụ tá của mình là Tướng Shigeru Hasunuma . Ông nói bằng một giọng chậm buồn như than như trách “Tham mưu trưởng Hải và Lục quân tất nhiên là những người nhìn xa trông rộng , họ phải có những dự kiến sẳn và biết nhận định tình hình , đoán xem nó sẽ diễn biến như thế nào . Thay vì họ ngồi lại bàn bạc tìm biện pháp chống trả sau khi địch quân bắt đầu đổ quân hồi 12 tháng 05 , họ lại chỉ chú tâm vào những việc nội bộ gây gổ nhau giữa Hải và Lục quân . Giữa hai phe họ ai cũng lấy thẳng thắn bộc trực mà đối xử với nhau và không ai chịu nhường nhịn ai thế thì phía nào sẽ đứng ra chỉ huy cho toàn cục đây ? Cuối cùng thì dẫn đến những vấn đề trọng đại như tắc trách trong nhiệm vụ và chẳng thực hiện đúng trách nhiệm của họ . Như trường hợp thất bại ở Guadalcanal khiến cho tinh thần chiến đấu của cả quốc gia bị lung lay . Trung hoa sẽ thừa dịp đó rêu rao tuyên truyền nhằm khích động tinh thần chiến đấu của quân đội họ và biết đâu họ lại lật ngược được thế cờ . Rồi khối Thịnh vượng chung Đại đông Á sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng . Chúng ta không có thể chọn lựa cho mình một chiến trường ở một nơi nào đó để dụ Hoa kỳ vào và đập cho chúng tan tành manh giáp sao ? Tham mưu trưởng Sygiyama đã mạnh dạn tuyên bố là dùng tất cả sức mạnh của Hải quân để đánh một trận quyết định hầu tiêu diệt kẻ thù , nhưng ta thấy ý kiến này thật bất khả thi” . 

  Thất bại ở mặt trận Attu cũng là một trong những nguyên nhân cho những sĩ quan cao cấp của Hải quân lên tiếng chỉ trích nặng nề . Họ bảo “Chúng ta đã quá dại dột mà đổ vào những hòn đảo không cần thiết ấy không biết bao nhiêu là nhân lực và vật lực để đến khi muốn rút bỏ thì tiếc không thể rút bỏ được . Có rất nhiều hòn đảo ở miền Nam Thái bình dương nằm trong tình trạng tồi tệ này” . Kodama thẳng thắng tuyên bố rằng ông nghĩ chiến lược của Nhật bản quá chú trọng đến phần trình diễn bề ngoài .

  Phó Đô đốc Onishi cũng đồng ý , ông nói “Cũng như việc Hải và Lục quân vẫn thường to tiếng cãi nhau bất cứ vấn đề gì dù là những việc tầm thường nhất . Mấy ông chỉ huy không quân và chỉ huy hạm đội cũng vậy , họ cũng như chó với mèo . Đã không biết bao nhiêu lần chúng ta vạch ra những điểm tối cần thiết để củng cố sức mạnh của lực lượng không quân , nhưng mấy ông chỉ huy hạm đội lại cứng đầu cứng cổ bám lấy một chiến thuật cũ rích là “Hạm đội được dành quyền ưu tiên” và chỉ biết vỏn vẹn có thế thôi . Tôi nghĩ mà buồn , nếu như họ quá cố chấp không chịu thay đổi những gì cần thay đổi thì khi mọi việc xảy đến ắt đã quá muộn” .

  Tình trạng sản xuất bị giảm thiểu tuy chậm nhưng sự ảnh hưởng của nó cũng góp phần vào làm hoàn cảnh chung càng thêm đen tối . Những thiệt hại về tàu bè và chiến cụ ở khắp các mặt trận , bây giờ trong tình trạng kinh tế chao đão thế này tất nhiên những tổn thất đó không thể nào đền bù vào được , thậm chí ngay cả những nhu cầu đòi hỏi ở chiến trường dù là mức tối thiểu cũng không thể đáp ứng được . Không chỉ riêng ở những quốc gia bị chiếm đóng mà cấp chỉ huy Nhật bản bị thất bại trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đó thôi , mà đơn thuần chỉ tính vào số lượng sản xuất ra được và mang về đến chính quốc Nhật bản . Ở đây , vì lý do tiềm thủy đỉnh của Hoa kỳ thường xuất hiện để thình lình tấn công những tàu vận chuyển nên Nhật rất giới hạn số tàu bè dùng vào việc này . Vì thế , tài nguyên ở các nước vùng Nam Á họ tuy khai thác được nhiều vô số nhưng việc chuyên chở lại khó khăn thành thử chẳng có bao nhiêu trong số ấy được an toàn chở về đến Nhật .

  Đến thời điểm này thì chính phủ Nhật mới phát hoãng lên và bắt tay vào chiến trường kinh tế quốc nội , họ cố gắng đẩy mạnh sản xuất bằng mọi cách . Chỉ vài tháng , toàn quốc gia đã có con số sản xuất khả quan . Nhất là những cơ sở sản xuất quân trang quân dụng thì phát triễn vượt bực . Viễn ảnh trông có vẻ nhiều hứa hẹn cho tương lai nhưng có lẽ đã quá trễ muộn .

  Vấn đề vận chuyển hàng hóa bằng đường biển vẫn là một bài toán nan giải cho Đông kinh . Hai điểm chiến lược vừa chiếm được của địch ở quần đảo Aleutians lại bị mất đi . Bây giờ quần đảo Kurile đã trở thành một nơi tiền đồn sát nách Nhật bản tất phải củng cố và bổ xung thêm lực lượng phòng thủ . (quần đảo Kurile nằm ngay phía bắc tức đỉnh của một trong bốn hòn đảo lớn của quốc gia Nhật là Bắc Hải Đạo) . Quần đảo Aleutians đã lọt vào tay Hoa kỳ thì hải lộ của những chuyến hàng vận chuyển từ Nhật đến miền Nam Thái bình dương hay ngược lại đều phải bắc buộc thay đổi phương hướng .

  Nan đề này gây tranh cãi không ít , một cuộc họp khẩn được triệu tập gồm những giới chức cao cấp ở Đông kinh trong thời gian tháng 06 . Với quyết định biến quần đảo Kuriles thành một pháo đài kiên cố cho dù ngân sách quốc gia không cáng đáng nổi cũng phải thực hiện cho bằng được . Đại tá Tanemura đã ghi xuống quyển nhật ký của ông như sau “Chúng tôi đang đối diện với một cơn khủng hoảng trầm trọng” . Rồi cái viễn ảnh u ám đó nó lại trở thành tối đen khi những người lèo lái quốc gia không lo chú tâm vào những gút mắt để giải quyết , họ chỉ dành thì giờ cãi cọ gấu ó nhau nhất là hai phe Hải và Lục quân . Họ cố dành cho được những nhu cầu phục vụ chiến tranh cần thiết về phe mình hầu chiếm phần tiện nghi trong chiến trận và dĩ nhiên là mặc kệ phe kia có ra sao thì ra miễng phe ta chiến thắng để khoe khang khoát lát là đủ . Đô đốc Soemu Toyoda tức giận điên lên , ông ám chỉ phe Lục quân là “đống phân ngựa” . Và ở những chỗ đông người ông cũng không ngại , dám tuyên bố thẳng thừng rằng “Tui mà có con gái , thà tui gã nó lấy thằng ăn mày còn hơn là lấy phải thằng lục quân Nhật” .

  Cuộc tranh luận kịch liệt bỗng dưng lắng dịu lại vài ngày sau đó . Ngày 30 tháng 06 , tin tức từ miền Nam Thái bình dương đưa về là Đô đốc Halsey đã đưa quân Bắc tiến , hiện có nhiều cánh quân đã đổ bộ an toàn ở vị trí phần giữa đoạn đường tiến về trạm tốc hành Đông kinh , nghĩa là họ đang có mặt ở đảo New Georgia (New Georgia là một hòn đảo nhỏ nằm ngay vị trí trung tâm của quần đảo Solomon , phía bắc Guadalcanal) . Quân Nhật bảo vệ ở hòn đảo này dù cật lực chiến đấu nhưng đã thất bại , chỉ sau một tuần lễ , đã có mặt hơn năm ngàn thủy quân lục chiến ở đây . Và tình hình bây giờ rất bất lợi cho Nhật vì Hoa kỳ đang ở sát nách họ , chỉ cách một eo biển nhỏ là đến điểm cuối của hòn đảo Bougainville . Hòn đảo mà Đô đốc Yamamoto vừa bị tử nạn khi định ghé vào những căn cứ ở đây để thanh tra và gặp gở khuyến khích tinh thần binh sĩ .

  Thiên Hoàng Hirohito hốt hoãng cho vời Thủ tướng Tojo nhập cung lập tức . Một lúc sau , Tojo từ trong hoàng cung bước ra mặt mày đờ đẫn tay chân lạnh ngắt với một sắc lệnh cứng như thép là “Bằng mọi giá phải chận ngay sức tiến của quân địch” . Tojo trao sắc lệnh cho vị sĩ quan cố vấn đắc lực của mình là Tướng Kenryo Sato đọc , đoạn ông lên tiếng hỏi Sato “Phiền ông hỏi lại bộ tổng tham mưu xem kế hoạch nghênh địch của họ ra làm sao rồi cho tôi biết” . Sato thẩn thờ đáp “Chúng ta sẽ không có câu trả lời đâu” . Tojo lớn tiếng , giọng ông trở nên hằn học “Nếu không Lục quân thì Hải quân , họ phải vẽ ra một kế hoạch để ngăn giặc chớ” . Sato lại hỏi “Trong Nội điện bây giờ ra sao , thưa Thủ tướng” . Tojo thở dài nhìn viên sĩ quan cố vấn rồi nói “Thiên Hoàng có vẻ lo lắng lắm” . Đoạn ông quay sang hướng khác , giọng trở nên gay gắt hơn , ông nói “Nói thiệt cho ông nghe , Thiên Hoàng trách với tôi rằng đã nhiều lần tôi quả quyết quân đội Thiên Hoàng là một đội quân bách chiến bách thắng , nhưng tại sao bất cứ nơi nào có địch quân đổ bộ thì chúng ta lại cứ bị thua và rút bỏ . Ngài lại hỏi bộ chúng ta không thể nào đẩy lùi được quân địch hay sao và theo cái đà này thì cuộc chiến sẽ đi về đâu , thân phận của chúng ta rồi sẽ ra sao” . Nói đến đó Thủ tướng Tojo nhún vai biểu lộ đó là những gì bí mật mà ông đã phun ra hết cho Sato nghe , rồi ông lại kết luận “Thì cũng đúng thôi . Những gì ổng nói đâu có sai”.

  Sato lại ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói “Những câu hỏi này Ngài đặt ra với Thủ tướng chắc có lẽ Ngài cũng biết cả hai phe Hải và Lục quân cũng không thể nào trả lời cho được . Vì thế cho nên Ngài mới hỏi riêng với Thủ tướng . Tôi nghĩ trong tình hình này Thiên Hoàng đã mất hết niềm tin ở Hải hoặc Lục quân rồi” . Tojo cảm thấy Sato đi hơi quá đà nên nói ngay “Những gì tôi vừa nói đó chính xác là những lời của Thiên Hoàng đã nói với tôi . Hẳn ông ta không vì mất niềm tin ở quân đội mà nói với tôi như thế . Theo sự nhận xét của tôi thì Thiên Hoàng hiện đang bị giao động cùng cực . Tôi phải đi nói chuyện với Sugiyama . Còn ông , ông nên gặp chỉ huy trưởng trung tâm hành quân . Chúng ta phải nhất định tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất để đối phó với hoàn cảnh gay go , nó đã khẩn cấp lắm rồi . Đừng có nói với họ đây là lệnh của Thiên Hoàng . Mình chỉ cứ cố nài làm sao cho được một kế hoạch rõ ràng , chính xác nơi nào là điểm đổ quân để đẩy lùi sức tiến công của  địch và nơi nào là điểm phòng thủ cuối cùng của chúng ta” .

                      …………………………………………………

  Trọng tâm của nền chính trị Nhật bản vẫn đặt vào khối thịnh vượng chung Đại Đông Á . Nếu như chính quốc Nhật bị thất bại nặng trong cuộc chiến đấu vận chuyển sản xuất thì họ lại thắng trên phương diện tuyên truyền trên toàn cõi Đại Đông Á . Một chính sách mới quá rõ ràng để cho cộng đồng châu Á sát cánh cùng nhau với tinh thần đồng châu đồng chủng , như anh em cùng một nhà , cùng một màu da dưới sự hướng dẫn của mẫu quốc Nhật bản , đánh đổ kẻ thù da trắng và cùng xây dựng thịnh vượng chung cho toàn khối .

  Chủ nghĩa thực dân với những cảnh bốc lột tận xương tủy sức lao động của người bản xứ và khai thác triệt để tài nguyên quốc gia của những xứ thuộc địa đã mang lại một hậu quả là gieo vào lòng dân tộc bị trị một nổi nhục nhã lẫn căm thù . Đến đầu thế kỷ mới , lịch sử lại bước sang một trang mới , chủ nghĩa thực dân bây giờ phải nổ lực đối phó lại những làn sóng của chủ nghĩa dân tộc ở các quốc gia thuộc địa . Tổng thống Hoa kỳ , Woodrow Wilson , với chủ thuyết duy tâm , sau thế giới chiến tranh lần thứ nhất ông đưa ra yêu cầu các quốc gia phải có quyền tự quyết , đặc biệt là các quốc gia bị đô hộ ở Á châu cũng như Âu châu . Nhưng làn gió dân chủ này không bao giờ thổi đến phương Đông , nơi mà thuộc địa vẫn là thuộc địa .

  Chỉ trừ Trung hoa , một lục địa mênh mông bị chia năm xẻ bảy , lực lượng yêu nước hãy vẫn còn yên ngủ . Còn lại hầu hết những quốc gia thuộc địa khác , những người chống đối chỉ chờ đợi có kẻ nào lên tiếng hô hào là hưởng ứng ngay . Họ không muốn một lãnh tụ có đầu óc dân chủ , trái lại thần tượng mà họ tôn vinh lại là những nhà độc tài kiểu Hitler , người đã dùng thủ đoạn ngoại giao khôn khéo và sức mạnh của quân sự để chiến thắng Pháp và Anh ở Âu châu . Vì thế cho nên trên toàn cõi Á châu , những người theo chủ nghĩa phát xít lại được đại chúng tung hô chào đón nhiệt liệt .

  Người Anh đã cố gắng thử tìm hậu thuẫn nơi cộng đồng Á châu trong công cuộc chiến đấu chống lại phe Trục , nhưng những gì mà họ tìm được chỉ là sự nhạo báng trêu chọc . Năm 1940 , U-Ba Maw , người đã từng tốt nghiệp đại học Cambridge , trở thành vị thủ tướng đầu tiên của Miến Điện đã nhắc nhở với quốc hội của ông rằng tư tưởng duy tâm của người Anh là vũ khí và chiến tranh ở thế chiến thứ nhất , ông còn bảo rằng “Cũng với một sự nhiệt tình mà họ gọi là vì đạo đức , họ tuyên bố rằng đối đầu với Đức quốc với mục đích là bảo vệ những quốc gia bé nhỏ . Họ muốn cho thế giới này thật sự thanh bình cùng xây dựng một nền dân chủ tốt đẹp chớ tuyệt đối chẳng có tham vọng hùng cứ xứ sở của ai . Nhưng kết quả thì thế nào ? Khi chiến cuộc đã tàn , chiến thắng cuối cùng đã vào tay họ thì Đế quốc Anh đã có thêm hơn một triệu rưỡi dặm vuông lãnh thổ mới . Cái gì là chủ nghĩa tự quyết của dân tộc chớ” . Và trong một lúc vui miệng ông mang vấn đề chủ nghĩa dân tộc tự quyết chăm chọc làm trò cười với người đại diện của Anh quốc khi họ bắt đầu rút quân ra khỏi Miến điện . Người đại diện cho Nữ Hoàng dĩ nhiên chẳng thèm cười vì một câu châm chọc phạm thượng và Ba Maw bị tống vào nằm trong nhà đá nằm gở lịch để chờ quân Nhật đến .

  Bản hiến chương Đại Tây dương được ký kết bởi Roosevelt và Churchill một lần nữa nó như một ánh đèn le lói soi thêm chút hy vọng đấu tranh cho những nhà hoạt động ở Á châu . Chẳng phải bản hiến chương ấy đã tuyên bố “quyền lợi chung của mọi người là chọn và thành lập cho mình một chính phủ” đó hay sao . Tuy nhiên sự hy vọng mong manh ấy chẳng bao giờ đến với những nhà hoạt động ở các nước Á châu vì người Anh không mang bản hiến chương này ra áp dụng với những quốc gia thuộc địa của họ . Nó chỉ được thực hiện ở một thế giới khác , thế giới của người da trắng mà thôi .

  Cũng trong thời gian này người Nhật đã biết lợi dụng tình hình , vội kêu gọi ngay khẩu hiệu chủ nghĩa Liên Á , tức cộng đồng châu Á đồng nổi lên đánh đuổi thực dân áp bức . Đô đốc huyền thoại Togo đã bại hạm đội Liên sô năm 1905 đã là một tiếng chuông đánh thức cộng đồng Á châu để họ có thể nhìn thấy sức mạnh của Tây phương chưa hẳn là vô địch , và từ đó ý nghĩ nổi lên chống lại sự áp bức bắt đầu nhen nhúm . Tân Gia Ba , thành phố Sư tử lọt vào tay quân Nhật năm 1942 đã chứng minh rõ quân đội và vũ khí của người Tây phương dù có hùng mạnh và tối tân đến đâu nhưng vẫn phải có giới hạn của nó . Hình ảnh thất bại và rút lui của quân Anh trên khắp mặt trận khiến cho những nhà lãnh đạo ở Á châu nô nức , chỉ muốn ra tay hành động giành lại chính quyền ngay .

   Dĩ nhiên Trung Hoa là một quốc gia độc nhất trong vùng Á châu nằm ngoài quỹ đạo liên Á của khối người đoàn kết chống phương Tây . Quốc gia của họ vẫn còn chìm ngập trong khói lửa ngút ngàn bởi ba chiến trường : Nhật , Tưởng và Mao . Hàng trăm ngàn binh sĩ Nhật đang bị mắc lầy trên một chiến trường mênh mông và viễn ảnh chiến thắng như một cái gì đó quá xa vời với họ . Những người lèo lái con thuyền vận mệnh Nhật bản vẫn thầm hỏi rằng không hiểu tại sao Tưởng Giới Thạch quá cứng đầu cứng cổ cứ muốn tiếp tục chiến đấu . Chẳng lẽ ông ta lại chịu cam phận làm một công cụ cho cả hai tên cáo già Roosevelt và Churchill ư ?

   Tuy nhiên cũng vẫn còn nhiều chính khách phe tự do của Nhật luôn tỏ ra chống đối việc tiến chiếm Trung hoa của quân đội họ . Một nhân vật trong nhóm này là Mamoru Shigemitsu , nhân viên đại sứ đang làm việc tại Nam kinh , thuộc chính phủ bù nhìn thân Nhật của Trung Hoa dân quốc . Ông cho rằng kế hoạch khối thịnh vượng chung Đại Đông Á có thành công hay không thì còn tùy thuộc vào mọi rắc rối ở lục địa Trung hoa . Tại sao chính phủ Nhật tuyên bố rằng đánh đổ chủ nghĩa thực dân trong khi họ lại đối xử với một phần lớn lục địa này như thuộc địa của họ ? Sao họ lại đặc biệt chỉ với một Nam kinh , chính sách này nên dẹp bỏ và sự đối đãi không đồng điều cũng nên dẹp luôn . Đẩy mạnh kinh tế trên toàn lãnh thổ mới gọi là hợp lý .

  Thủ tướng Tojo , vốn xuất thân là một nhà quân phiệt đúng nghĩa mà cũng là người ủng hộ nhiệt tình nhất cho việc chiếm đóng ở Trung hoa . Nhưng ông cũng nhìn ra được cái viễn ảnh ở một lục địa mênh mông với biết bao rắc rối nên cũng đồng ý ngay với quan điểm của Shigemitsu . Tuy nhiên , bên cạnh ông cũng còn rất nhiều vị chỉ huy quân sự thiển cận và cố chấp , họ công nhiên phản đối dữ dội . Đầu năm 1943 , Tojo cố thuyết phục họ nên đi theo con đường mở rộng của Shigemitsu . Tức thì họ bắt tay vào việc , nhiên liệu quặng mỏ khai thác từ Trung Hoa thì vẫn phân phối đều trên lục địa Trung Hoa . Kiều dân Nhật sống rãi rác trong những vùng như Tô châu , Hàng châu , Hán khẩu v.v. đều được thu xếp nơi định cư dưới sự bảo vệ của chính phủ Nam kinh . Và sau rốt là việc đối xứ , đề tài này cần được cải thiện lại nên phải trải qua nhiều phiên họp thảo luận để đi đến quyết định chung .

  Sau đó Đại sứ Shigemitsu được triệu về Đông Kinh và Tojo cho ông nắm chức Bộ trưởng Ngoại giao , thay cho Togo . Trong Nội các , tân bộ trưởng ngoại giao Shigemitsu đã nhiều lần nài nỉ rằng nên triệt thoái mọi hoạt động quân sự trên toàn cỏi đông nam Á và trao cho họ tự do hoạt động chính trị . Ông nói “Đối với Nhật bản của chúng ta thì nó nhằm ý nghĩa củng cố một chính sách “quan hệ” tốt và hoàn thiện tình hữu nghị của các quốc gia bạn trong toàn khối” .

  Đây là một sách lược quá mới mẻ không hợp với lối suy nghĩ của đại đa số chỉ huy quân phiệt trong guồng máy chính phủ Nhật mà chỉ có mỗi Shigemitsu mới dám công khai tuyên bố , nhưng kỳ lạ làm sao Thủ tướng Tojo lại chấp thuận nó như một chính sách đối ngoại tuyệt vời . Ông triệu tập nội các lại và tuyên bố Miến điện sẽ là một quốc gia đầu tiên được cứu xét và trả tự do .

  Vào tháng Ba , một phái đoàn đại diện cho Miến điện được mời đến Đông Kinh . Người hướng dẫn phái đoàn này là Ba Maw , người đã trêu chọc chính quyền Anh quốc khiến cho họ nổi nóng tống vào nhà đá ăn khoai sắn và đã vượt ngục trước khi quân đội Anh rút bỏ Miến điện không bao lâu . Tại Đông kinh họ được các nhà lãnh đạo Nhật bản tiếp đón thật ân cần khiến cho Ba Maw và phái đoàn cảm thấy phấn khởi hết sức . Họ thầm nghĩ Nhật bản thật quả là một cơn lốc cách mạng cho toàn khối châu Á cuốn theo . Dưới con mắt của ông và cả phái đoàn thì Thủ tướng Tojo , Tướng Sygiyama , Đô đốc Shimada và cả bộ trưởng bộ ngoại giao Shigemitsu đều là những bậc lỗi lạc anh tài , một thế giới thịnh vượng chung Đại đông Á với một viễn ảnh tươi đẹp .Và càng ngạc nhiên lạ lùng hơn nữa là khi chính Thủ tướng Tojo trân trọng tuyên bố sự quyết định của Nhật bản là trả lại độc lập lại cho Miến điện , một đất nước vừa bị họ xua quân chiếm đóng . 

  Đối với người Mỹ thì danh xưng “Khối thịnh vượng chung đại đông Á” là một lối tuyên truyền quá thô thiển gần như một trò hề không hơn không kém . Nhưng Pearl Buck , một nhà văn mà cũng là một cây bút có những bài nhận định thời cuộc rất sâu sắc , bà viết nhiều bài báo có ý cảnh cáo người dân Hoa kỳ rằng tinh thần của chủ nghĩa liên Á này nó thật sự là rất thâm trầm khó hiểu . Bà biểu lộ cảm nghĩ mình với tổng thống Roosevelt bằng một lá thư sau biến cố Trân châu cảng vài ngày . Trong thư của bà có đoạn “Đại đa số người Á đông đều có chung một mối ác cảm đối với người phương tây . Nói một cách khác , người da trắng đối với họ nếu không bị coi như kẻ thù thì cũng là những kẻ không nên thân thiện . Căn cứ vào điểm này thì chúng ta cũng có thể suy luận ra rằng dù trong khối liên Á của họ vẫn còn nhiều hiềm khích với nhau , chẳng hạn như Nhật bản và Trung hoa quốc gia , trong hiện tại họ là hai đối thủ đang gườm nhau . Nhưng ai dám quả quyết rằng sau này họ không liên minh với nhau để chống lại người da trắng . Đối với Trung hoa , mặc dù Nhật bản đang là kẻ thù một còn một mất với họ nhưng nếu tình trạng đi đến bắt buộc phải chọn lựa một quốc gia để dựa vào , dĩ nhiên là họ sẽ chọn Nhật bản . Vì đối với Nhật bản , ít ra họ không bị khinh rẻ vì màu da vì chủng tộc nếu so với Hoa kỳ ….”

  Nhưng sự cố gắng của Buck không mang lại một kết quả nào , nghĩa là Hoa thịnh đốn bỏ đã ngoài tai những lời Buck trần tình và đầu óc vẫn mang nặng một thành kiến cố hữu của màu da và chủng tộc đối với châu Á . Ngược lại họ còn đồng tình bằng cách tỏ vẻ làm ngơ để cho người dân của mình công khai ngược đãi những kiều dân Nhật sau sự kiện Trân châu cảng . Lại chẳng biết họ dựa vào đâu mà tin rằng Nhật sẽ xua quân tấn công miền tây ngạn nên hầu hết kiều dân Nhật và những sắc tộc khác đều được lệnh di tản .

  Vị tướng tư lệnh miền tây Hoa kỳ John DeWitt gọi điện thoại phàn nàn với tướng Marshal rằng “Tôi nghĩ đây là một việc làm  quá vô lý . Quốc tịch Hoa kỳ thì xét cho cùng thì cũng là quốc tịch Hoa kỳ . Trong khi bọn họ , hầu hết có thể chẳng có ai trung thành với đất nước này , tôi nghĩ chúng ta cần phải gạt bỏ những hạng người này ra và nhốt cả vào một nơi nào đó nếu thấy nguy hại cho quốc gia” . Henry Stimson , bộ trưởng bộ quốc phòng cũng đồng ý với lối suy nghĩ của tướng John . Những chiến thắng dồn dập sau Trân châu cảng trong vùng Nam Á của quân đội Thiên Hoàng càng làm cho các giới chức miền tây ngạn Hoa kỳ thêm bối rối . Ở California , Earl Warren , người đại diện cho tỉnh bang lên tiếng cảnh cáo rằng nếu không mau mau di tản những công dân Hoa kỳ gốc Nhật bản đi chỗ khác thì nơi đây sẽ là một Trân châu cảng thứ hai . Thống đốc tiểu bang Oregon gọi về Hoa thịnh đốn yêu cầu “Phải lập tức có hành động bảo vệ nhầm chống lại sự nổi dậy của những nhóm dân sắc tộc , đặc biệt là những nhóm người Nhật đang sinh sống tại vùng biển phía tây Hoa kỳ” . Ông thị trưởng thành phố Seattle Millikin , trình bày rằng trong thành phố của ông có khoảng tám ngàn thường dân Nhật  “Bảy ngàn chín trăm người của họ có thể tin là trung thành với chính phủ Hoa kỳ nhưng một trăm người còn lại sẽ là một mối lo chung cho cộng đồng dân bản xứ . Họ sẽ nổi lửa đốt thành phố để báo hiệu cho phi cơ Nhật đến đánh bom” .

  Phong trào bài Nhật nở rộ khắp nơi ở Mỹ . Kết quả sơ bộ của cuộc thăm dò ý kiến trên toàn quốc thì đã có 41 phần trăm người dân tin tưởng người Nhật lúc nào cũng muốn mở rộng chiến tranh , có như thế mới chứng tỏ cho thế giới biết sức mạnh của bọn họ .

  Về phía tòa Bạch ốc thì cũng rất dễ hiểu . Lúc này là lúc cần tung ra những đòn độc hiểm để đè bẹp đối thủ trong ngày bầu cử tổng thống sắp tới , nên cho dù Roosevelt bề bộn với trăm công nghìn việc , nhà chính trị lão thành Roosevelt vẫn để tai đến những tiếng kêu gào từ những vị chỉ huy quân sự và chính khách tận miền tây chính quốc  . Ông không nghe lời khuyên của Edgar Hoover , ra lệnh cho bộ quốc phòng bắt tay ngay vào việc di tản toàn bộ người Mỹ gốc Nhật . Tòa án tối cao sau đó cũng ủng hộ bằng cách cho hợp pháp hóa hành động này .

  Trước tiên thì họ dự định khoanh vùng sẳn sâu tận trong nội địa để đưa những thường trú dân Nhật bị bắt buộc di tản từ vùng tây ngạn đến , nhưng dân chúng , đa số là người da trắng đang sống chung quanh những khu vực được chỉ định ấy đứng lên chống đối dữ dội đến nổi chính phủ Hoa kỳ chỉ còn một cách duy nhất là tống những kiều dân Nhật vô tội này vào những nhà tù khổng lồ của họ .

  Một chương trình tập trung tương tự cũng dự định sẽ áp dụng cho những kiều dân Đức và Ý nhưng sau đó chính phủ lại hủy bỏ , với lối giải thích nửa vời là nếu làm như thế sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế và giảm thiểu tinh thần quốc gia của những nhóm kiều dân này . Tuy nhiên họ lại chẳng đá động gì đến những kiều dân Nhật . Mặc dù họ đã mang hẳn quốc tịch Hoa kỳ nhưng vẫn bị coi như một nhóm dân thuộc sắc tộc khác , vì màu da không đồng nhất với họ , màu da vàng .

  Có khoảng 110 ngàn kiều dân Nhật vô tội bị đuổi ra khỏi nhà và bắt buộc bán hết sự sản với một cái giá rẻ mạt và tập trung vào một nơi được gọi là “trung tâm tái định cư” với vòng rào kẽm gai bao chung quanh , ở một nơi mà điều kiện sinh sống chỉ có thể nói là tương đối dễ thở hơn một chút so với những trại tập trung tù binh . Nhiều người trong nhóm kiều dân này đã nghèo bây giờ càng thêm quá chật vật trong cuộc sống mới . (Số tiền bồi thường mà chính phủ Hoa kỳ trả cho những kiều dân Nhật bị bắt buộc bỏ cả tài sản đất đai này quá ít , ít đến độ không thể nào ngờ được . Theo thống kê thì tổng cộng con số họ bị thiệt mất là 400 triệu đô la , nhưng chính phủ chỉ bồi thường khoảng 40 triệu mà thôi . Tức là chỉ ở mức một phần mười sự thiệt hại , mà thiệt hại này vốn không phải do lỗi của họ gây ra -  Trường hợp của hơn bốn ngàn người ở California đã ký thác tiền vào quỹ trương mục tiết kiệm của nhà băng Yokohama là một trường hợp đáng nêu lên để xem ai đúng ai sai , và chính phủ Hoa kỳ có phải đáng xấu hổ hay không . Tất cả số tiền trong trương mục của những người này đều bị chính phủ ra lệnh cho đóng băng tất cả vì họ vô bằng vô cớ tự cho đó là tài sản của địch . Theo lối giải thích này thì chính phủ Hoa kỳ đã ngang nhiên cướp đi số tiền mồ hôi nước mắt dành dụm cả đời của hơn bốn ngàn kiều dân Nhật đang sinh sống một cách hiền lành vô tội vạ trên một cái xứ sở tiến bộ mà họ vẫn tự hào là có đầy đủ quyền tự do . Sau khi chiến tranh chấm dứt , số người này đâm đơn đòi lại số tiền . Đơn của họ cứ cứu xét tới cứu xét lui , từ tay ông quan này đến bàn giấy của luật sư nọ . Cho đến năm 1966 , tức là 25 năm sau biến cố Trân châu cảng mới được tòa án tối cao Hoa kỳ mang ra xét xử . Và cuối cùng ngày 01 tháng 08 năm 1969 , số tiền này mới được bồi hoàn lại cho khổ chủ nhưng không tính tiền lời . Thử hỏi sau 25 năm vật đổi sao vời , trong bốn ngàn người ấy có còn được bao nhiêu người còn sống sót mà chờ đợi lãnh lại số tiền của chính mình mà chính phủ Hoa kỳ đã cất giùm không tính công trong bấy lâu nay) .

   Elmer Davis , giám đốc phòng thông tin chiến tranh đã chính thức lên tiếng chống đối lại chính sách của Roosevelt . Ông nói “Đối với Miến điện , Phi luật tân và những quốc gia vùng phụ cận thì người Nhật đẩy mạnh đường lối tuyên truyền ủng hộ chiến tranh chủng tộc . Ảnh hưởng của nó rất mạnh , mạnh đến nổi chúng ta khó lòng mà đưa ra một đường lối phản tuyên truyền để chống lại chúng , trừ khi hành động của chúng ta cho phép chúng ta nói lên sự thật của nó . Tuy nhiên , là những công dân của một đất nước , chúng ta đặt tất cả niềm tin vào những việc mà chúng ta đang làm . Khó một nỗi , những điều ấy chúng ta cũng không thể nào đạt được mục đích của nó bởi cái nhìn quá ác cảm và nông cạn của đại chúng đối với cộng đồng người Nhật . Trong khi những người có đủ trình độ nhận xét và cả viên chức tình báo hải quân đã xác nhận con số 85 phần trăm trong họ là những người dân lương thiện , đang đứng về phía chúng ta phản đối lại những hành động tàn bạo ngang ngược của chính quyền Đông kinh . Và theo những nhận xét chính xác này thì dĩ nhiên chúng ta cũng dễ dàng phân biệt và chọn lọc để biết ai là kẻ phải ai là người quấy” .

  Nhưng những lời của Davis không được Hoa thịnh đốn để vào tai , họ vẫn lờ đi và tiếp tục thi hành quyết định dồn tất cả người Nhật vào một nơi đã được chỉ định sẳn , một quyết định mà họ cũng biết sẽ gây căm phẫn không ít cho người dân châu Á .

  Ngày 11 tháng 05 năm 1943 , thủ tướng Churchill gặp tổng thống Roosevelt tại tòa Bạch ốc . Nơi đây , hai nhà lãnh đạo bàn bạc cho một kế hoạch lâu dài sắp tới cho hai chiến trường ở châu Âu cũng như Thái bình dương . Theo như dự định của Churchill thì trong năm 1944 đồng minh họ sẽ thanh toán xong chiến trường châu Âu và sau đó mới giải quyết đến Thái bình dương , và có thể ở đây họ sẽ mời Liên sô giúp đỡ một tay . Roosevelt trình bày rằng đã có khoảng một triệu tấn hàng hóa vận chuyển của Nhật bị Hoa kỳ đánh chìm trong khu vực Thái bình dương , và nếu như những hoạt động phá hoại này cứ tiếp tục thì quân đội Nhật sẽ lâm vào tình trạng kiệt quệ . Nhưng nếu Hoa kỳ muốn giữ mãi một nhịp độ đánh phá được hoạt động hữu hiệu thì cần phải thiết lập một căn cứ không quân trên đất Trung hoa . Nhưng đối với quốc gia này , Roosevelt cảnh cáo sẽ xụp đổ trong nay mai nếu chúng ta không ra tay giúp đỡ họ kịp thời . Những buổi họp bàn cãi liên miên diễn ra ngay tòa Bạch ốc giữa hai vị lãnh tụ đồng minh cùng các sĩ quan tối cao của bộ tổng tham mưu liên quân Anh Mỹ . Có thể nói ở đây trường hợp cũng khá căng thẳng như ở Casablanca lúc nào . Phía Anh quốc , Tướng Brooke vốn tính nóng như lửa không thể nhẫn nại nên ông càng cáu tiết trước sự khoan thai thận trọng của Đô đốc King khi ông này đưa ra lời đề nghị tăng cường thêm sức mạnh cho Thái bình dương .

  Cuộc cãi vả trở nên dữ dội trong một phiên họp ngày 21 tháng 05 trong bộ chỉ huy liên quân , khi King khăng khăng nhất định đòi phải gia tăng thêm áp lực đối với Nhật ở vùng viễn đông . Ông muốn trong vòng một năm , một căn cứ không quân ở phần đất Trung hoa phải xây dựng xong cũng như chiến dịch tiến chiếm Miến điện , tái chiếm quần đảo Marshall , Gilbert cũng như New Guinea và vùng Solomon-Bismark , một vùng biển có nhiều hải đảo được chính thức khai diễn .

  Sau khi nghe lời yêu cầu của Đô đốc King thì phía Anh quốc giận dữ , họ không còn muốn bàn bạc gì nữa , thậm chí thời gian chính thức để đưa quân vào Âu châu họ cũng từ chối chẳng buồn quyết định . Như thế có nghĩa là phía Hoa kỳ đã thắng thế . Tuy nhiên , trong buổi họp mặt trước khi bế mạc , với sự hiện diện của Churchill và Roosevelt , trong không khí hòa hoãn hơn nên ngày tiến quân vào giải phóng Âu châu được chọn là ngày 01 tháng 05 năm 1944 . Còn vấn đề Thái bình dương , vì để giữ mặt mũi trong bộ chỉ huy liên quân với nhau , họ tạm thời đồng ý với điều kiện là vấn đề sẽ được cứu xét lại trước khi bắt tay vào hành động thật sự . Nhưng sự việc vẫn không trôi chảy , quyền ưu tiên hàng đầu vẫn mang ra tranh cãi không bao giờ ngừng nghỉ cho dù cuộc họp của họ đã bế mạc . Đến nổi không đầy ba tháng sau Roosevelt và Churchill lại gặp nhau ở khách sạn Frontenac thuộc tỉnh bang Quebec , Gia nã đại . Ở đây , phía Hoa kỳ một lần nữa cố đòi giải phóng cho được Miến điện và Churchill thì cũng một lần nữa cố gắng tránh né , bằng cách đề nghị tiến đánh Sumatra . Roosevelt cố gắng giải thích , rằng Miến điện là một điểm chiến lược rất quan trọng cần phải chiếm lấy . Muốn chiến thắng Nhật trước tiên phải khiến cho hoạt động quân đội của họ tê liệt cái đã . Mà muốn cho hoạt động của họ bị tê liệt chúng ta chỉ có mỗi một cách là cắt đứt đường vận chuyển nguyên liệu của họ . Hãy nghĩ rằng một khi Nhật bản nhận thấy vấn đề chuyển vận hàng hóa bằng đường biển bị bế tắt thì bắt buộc họ phải dùng đường bộ . Con đường tiếp vận xuyên qua Miến điện là con đường duy nhất và gần nhất để đến được Đông kinh .

  Khách sạn Frontenac có nhiều căn phòng dành riêng cho những vị khách họp bàn khi mệt nhọc thì có thể lui ra nghỉ ngơi tại chỗ . Mặc dù họ đã bàn cãi khô nước miếng ở phòng họp rồi nhưng khi về lại phòng nghĩ cuộc cãi vả vẫn diễn ra không dứt . Những nhân viên an ninh đang canh gát ngoài hành lang bỗng giật mình khi nghe có tiếng súng nổ vang ra từ trong phòng .

  Những nhân viên mật vụ an ninh xanh mặt nhìn nhau thì thầm “Thôi chết rồi . Họ bắn nhau thật rồi !” .

  Sự thật không ai ngờ là phía bên trong , họ đang bu quanh bàn thí nghiệm để xem những nhân viên phòng thí nghiệm trình bày một phát minh mới , đó là một loại băng có tên gọi Pykrete . Chất băng này rất cứng , nó có thể dùng để xây dựng một phi đạo nổi trên mặt biển . Đây một sáng kiến quá mới mẻ mà ông bộ trưởng hải quân Anh rất muốn được mang ra  thử nghiệm trên chiến trường châu Âu . Để chứng minh độ cứng của loại băng Pykrete cho mọi người xem , ông bộ trưởng hải quân Hoàng gia Anh là Mounbatten rút khẩu súng lục bắn vào tảng băng một phát . Không ngờ viên đạn không xuyên qua được lớp băng cứng như đá ấy , nó dội ngược lại và chui tuốt vào quần của đô đốc King .

  Tai nạn ngoài ý muốn này khiến cho các sĩ quan chỉ huy liên quân phía Anh tỏ ra mềm dẽo hơn , họ dễ dàng chấp thuận những yêu cầu của phía Hoa kỳ về chiến trường Thái bình dương thậm chí họ còn xúi giục mau mau đưa quân giải phóng Miến điện .

  Miến điện , một quốc gia từng nằm trong quỹ đạo của Anh và hiện tại thì sắp được Nhật bản cho trả lại độc lập . Một hiến pháp mới được ra đời tuy vội vàng nhưng lại khá hoàn chỉnh , nó kết hợp chặc chẻ giữa chế độ dân chủ và thuyết chuyên chế  . Hiến pháp ấy cho người ta thấy Miến điện là một quốc gia hoàn toàn độc lập và có toàn quyền quyết định , như vậy đặc quyền này được bắt nguồn từ nhân dân của quốc gia họ mà thôi . Trong khi sự thật thì nó đang bị thống trị bằng những người cầm đầu , kẻ nắm hết vận mạng quốc gia và cầm quyền sinh sát trong tay . Khẩu hiệu chính thức của một đất nước non trẻ với nền độc lập này thật chẳng khác gì lời kêu gọi của Hitler đối với đất nước của ông là “Chung một dòng máu , cùng một tiếng nói và một vị lãnh đạo duy nhất” .

  Đầu tháng 07 , Ba Maw , người được đảng Adipadi chọn ra để đi gặp thủ tướng Tojo tại Tân gia ba . Tojo đã có sẳn một tin tốt dành cho Ba Maw mà ông nghĩ chắc hẳn Ba Maw sẽ hân hoan đón nhận . Đó là Nhật bản trao trả lại cho đất nước ông thêm một phần lãnh thổ trãi dài dọc theo biên giới phía đông , giáp với Thái lan . Lãnh thổ này có tên là Shan . Phần còn lại , Tojo nói , dĩ nhiên là phải trao trả nó về Thái lan mới đúng pháp lý . Ba Maw chợt ngẫn người suy nghĩ “Không một người dân Miến điện hoặc Shan miến nào hài lòng với lối chia cắt lãnh thổ Shan và nhân dân của họ cả” . Tojo đưa ra lời biện giải rất ư là kỳ quái là Nhật bản đã hứa với Thái lan để cho họ được thêm lãnh thổ này thì họ sẽ đứng về phe đồng minh của chúng ta . Ba Maw cố gắng cãi lại “Nhưng chúng tôi cũng là đồng minh của quí quốc , chúng tôi cũng có quyền đòi hỏi mà” . Tojo khỏa lấp vấn đề bằng cách mĩm cười thân thiện và nói “Chúng tôi sẽ thỏa mãn cho quí quốc bằng những cách khác” . Sau đó Ba Maw quay ra công kích như muốn tố cáo về những cách cư xử cũng như sự hống hách kiêu căng của binh sĩ Nhật trên đất nước ông cho Tojo nghe .

  Tojo có mặt ở Tân gia ba không những chỉ để gặp Ba Maw , ông còn có một lý do khác để đến . Đó là gặp gở và bàn bạc với Subhas Chandra Bose , nhà lãnh tụ của nhóm chiến sĩ bất phục tòng chính phủ Ấn , thuộc phe đối lập với Gandhi và Nehru , chỉ tin tưởng với niềm tin là dựa vào lực lượng của chính mình mà giành lấy tự do độc lập cho nước nhà . Bose đích thân đến Tân gia ba ngoài việc gặp Tojo ông còn một mục đích riêng của mình là chiêu mộ thêm mấy ngàn binh sĩ Ấn . Đây là những binh sĩ từng chiến đấu dưới lá cờ của Anh quốc và họ đã đầu hàng Nhật sau khi Mã lai và Tân gia ba lọt vào tay quân đội Thiên Hoàng . Đám quân nhân này nhất tề hưởng ứng theo lời kêu gọi của Bose , đánh đuổi đế quốc Anh giành lại độc lập . Họ coi Bose như một vị lãnh tụ duy nhất của một Ấn độ độc lập nằm chung trong khối liên minh đông nam Á .

  Lời hứa hẹn trả lại độc lập cho Miến điện của thủ tướng Tojo được chính thức thực hiện vào ngày 01 tháng 08 . Lúc 10 giờ sáng , Tướng Masakazu Kawabe ra lệnh rút lui toàn bộ hoạt động quân sự nơi đây . Đó là một buổi sáng mây mù âm u che phủ nhưng bộ mặt của thủ đô Rangoon trông thật huyên náo và rạng rở lạ thường . Hai tiếng sau , Ba Maw tuyên bố quốc gia họ độc lập và ông được nhận chiếc ghế lãnh đạo đất nước . Chiều cùng ngày , Ba Maw ra tuyên cáo cùng nhân dân Miến điện tuyên chiến với Anh và Mỹ . Ông cũng cẩn thận cảnh giác đồng bào mình rằng còn rất nhiều chông gai thử thách đang chờ trước mắt , trên con đường đi đến độc lập hoàn toàn , đồng bào đừng nên ăn mừng vội .

  Ngày 14 tháng 10 , Phi luật tân tuyên bố độc lập , một tuần lễ sau đó , chính phủ lâm thời của Ấn độ tự do được chính thức thành lập với Chandra Bose làm tổng tư lệnh nguyên thủ . Các quốc gia tây phương đã lầm lẫn khi nhìn thấy những sự kiện đặc biệt này . Tuy rằng đây là những chính phủ bù nhìn do Nhật dựng lên , nhưng trong lòng của hàng trăm triệu người dân châu Á đã thoáng hiện lên một niềm hãnh diện của nền hòa bình vừa giành được từ tay người da trắng . Lời kêu gọi khối thịnh vượng chung đại đông Á của Nhật được toàn khối ủng hộ nhiệt tình , điểm cao nhất là tháng 11 , khi các nước như Trung hoa , Mãn châu ,Thái lan , Phi luật Tân , Miến điện cử đại biểu đến Đông kinh dự phiên họp bàn về khối thịnh vương chung . Chandra Bose đại diện Ấn độ tự do cũng đến tham dự như một khách dự thính .

  Trong tư cách chủ tọa buổi họp , thủ tướng Tojo cùng những đại biểu của ông ngồi ở trung tâm . Bên cánh phái là đại diện cho Miến điện , Mãn châu và Trung hoa . Cánh trái gồm có Phi luật tân , Thái lan và Ấn độ . Tojo mở đầu bằng một bài diễn văn ứng khẩu ngắn gọn “Sự thật thì không thể nào chối cãi được , rằng những quốc gia trong khối thịnh vượng chung đại đông Á đã cùng sát cánh với nhau , tôn trọng lẫn nhau bằng sợi dây thân hữu thiêng liêng gắn bó . Tôi đặc trọn niềm tin vào một ngày mai , một sự thịnh vượng chung cho toàn khối một khi tình hình được ổn định thật sự” . Uông Tinh Vệ , tổng thống Nam kinh , một chính phủ bù nhìn thân Nhật của Trung hoa cũng hùng hồn tuyên bố hùa theo một cách trơ trẽn . Rồi tổng thống Laurel , người thừa kế Quenzon , ông Hoàng Thái lan Wan Waithayakon cũng lên tiếng hụ hợ . Kẻ tâng bốc , người ca tụng ồn ào như một cái chợ . Cuộc họp diễn ra trong không khí cởi mở khiến cho Tojo hân hoan cười nói không dứt , khuôn mặt ông ta hôm nay trông khác xa với hôm bị Thiên hoàng vời vào nội điện cật vấn về vấn đề phòng chống sức tiến của quân đội Hoa kỳ .

  Hai tuần sau , người cầm đầu của một quốc gia lớn nhất châu Á là Tưởng Giới Thạch đến gặp Roosevelt và Churchill ở Cairo . Khi hay tin trong lần họp này có sự hiện diện của Tưởng , Churchill khó chịu ra mặt vì trong đầu ông đang nơm nớp lo âu , chỉ e Roosevelt lại quay lưng với châu Âu mà chỉ nhìn về Viễn đông với Tưởng .

  Theo như Churchill và Brooke vẫn hy vọng là vấn đề của lục địa Trung hoa được mang ra bàn thảo sau cùng , nhưng họ chẳng ngờ đó lại là việc đầu tiên trong chương trình nghị sự . Churchill vốn chẳng biết mặt Tưởng Giới Thạch , nhưng khi đối diện với một vị tổng tư lệnh nhân dáng uy nghiêm , thâm trầm ít nói nhưng phong cách rất chững chạc khiến cho ông có được cảm thấy có nhiều thiện cảm đối với con người này . Tuy nhiên , vị thủ tướng Anh không cho Trung hoa là một chiến trường đáng quan tâm nên tỏ ra bực tức khi thấy tổng thống Hoa kỳ Roosevelt dành nhiều sự chú tâm đến với Tưởng . Cuối cùng rồi thì phái đoàn Trung hoa hân hoan ra về với nhiều hứa hẹn từ Hoa kỳ . Và Roosevelt cùng Churchill , với những đề tài bàn cãi vẫn cứ kéo dài lê thê như không bao giờ chấm dứt .

  Với Trung hoa , họ không đồng nhất ở một điểm là chẳng những quyền ưu tiên về quân sự mà còn phải chuẩn bị một đường hướng chính trị về sau cho toàn khối châu Á . Tiến hành mỗi trận chiến đều phải có một lý do chính đáng khác nhau . Cả ba đồng minh đều có ba mục đích khác nhau : Churchill thì không hề có ý định để lãnh thổ của đế quốc Anh bị chia cắt , Tưởng Giới Thạch căn bản thì chỉ một quyết tâm duy nhất là quét sạch phe cộng sản để một mình ông lên nắm hết quyền hành ở lục địa Trung hoa và Roosevelt thì nóng lòng muốn giải quyết cái gai Thái bình dương , phải làm thế nào và bất cứ điều gì để đã bại Nhật bản càng sớm càng tốt .

  Ngày 27 tháng 11 , Roosevelt và Churchill cùng rời Cairo bằng hai phương tiện di chuyển khác nhau để đến Teheran . Nơi đây họ sẽ gặp Josef Stalin . Trong buổi họp , chúa tể khối cộng sản ngõ lời xin lỗi với hai vị đồng minh là Churchill và Roosevelt rằng vì bận bịu với việc quân tình nên không thể đến phó hội trong những lần trước được .

  Sau đó họ đi vào đề tài Tưởng Giới Thạch , về Trung hoa và Miến điện . Stalin không tỏ ra hào hứng lắm khi bàn đến quân đội Trung hoa và lãnh đạo của họ . Ông chỉ ngồi im lặng để nghe Churchill và Roosevelt say sưa thảo luận về những kế hoạch ở Đông dương , Miến , Mã và Nam dương . Đến lúc Roosevelt trịnh trọng mở lời mời Stalin cùng liên kết lực lượng chống lại Nhật bản thì Stalin mới nói “Thiệt tình mà nói thì hiện tình chúng tôi không thể giúp gì cho quí vị được . Chừng nào Đức bị đánh bại thì chúng tôi sẽ điều quân sang mặt đông Tây bá lợi á tiếp tay với các ông cũng chẳng muộn” . Đây là lời hứa duy nhất mà Stalin đã ứng khẩu hứa với Hoa kỳ và Anh trên chiến trường Thái bình dương . Kể từ hôm đó , ba anh cả của khối đồng minh chuyển sang bàn bạc về đề tài châu Âu . Ở đây chúng ta không cần phải để mắt tới làm gì .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế