Ý tưởng một trận đánh quyết định

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chưa bao giờ ở một quốc gia hiện đại như Nhật bản lại có một nhân vật lãnh đạo gồm thâu quá nhiều quyền lực vào tay mình như Tojo . Đối với thế giới bên ngoài thì với địa vị hiện tại của ông ta , có thể cho rằng là bất khả xâm phạm , nhưng thực tế thì chính sách và hành động của ông vô tình như đang đào một cái hố để tự chôn mình . Trong suốt thời gian từ sau thất bại ở trận Midway , bộ đầu não Đông kinh không bao giờ chịu chấp nhận một sự thật là cán cân lực lượng giữa mình và Hoa kỳ đã quá chênh lệch . Họ không có một cái nhìn thực tế hơn để nhìn vào cuộc chiến đang đi vào vô vọng , quân đội càng ngày càng bị hao hụt , hạm đội và phi cơ quá thiếu thốn vì hậu phương không thể cung ứng kịp thời . Trong khi sức mạnh của Hoa kỳ thì dường như vô tận , tàu chiến , phi cơ , binh sĩ cứ tiếp tục đổ dồn vào chiến trường Thái bình dương không ngớt . Vòng đai phòng thủ của họ đã bị thu hẹp lại đến mức báo động , ba hướng bắc nam và đông dần dần rơi vào tay Hoa kỳ khiến cho Nhật phải co cụm lại trong một lãnh hải hạn hẹp từ Đông dương sang Phi luật tân . Nhưng Phi luật tân bây giờ cũng đang nằm bên bờ hiểm nguy vì cái chân của Mac Arthur đã đặt lên đảo Biak .

  Tại Nhật bản , những cơ sở sản xuất vẫn chạy theo một nhịp điệu bình thường nhưng những người dân đen của họ lại phải gồng mình ra chịu nhiều hy sinh hơn nữa . Chính phủ Đông kinh kêu gọi “Tất cả cho chiến trường” bắt buộc toàn dân hưởng ứng . Không những nhiều xí nghiệp ngày trước chuyên sản xuất những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày , nay thì chỉ tập trung trong việc sản xuất phục vụ cho chiến tranh và đa số công nhân chỉ là đàn bà và phụ nữ , thậm chí những em bé dưới hạng tuổi lao động cũng bị cưỡng bách ra làm việc . Giờ đến trường của các em cũng bị cắt giảm đến mức tối đa và chính phủ chiếu cố đến cả khuôn viên nhà trường , họ biến nơi đây thành nhà kho dành riêng cho quân đội .

  Luật lao động được sửa đổi lại thật khắc nghiệt , thay vì đi làm 6 ngày một tuần , công nhân bắt buộc phải làm luôn ngày chúa nhật . Phương tiện di chuyển ở nội thành bấy giờ chỉ trông cậy duy nhất vào xe lửa mà thôi nhưng mỗi lần leo lên xe là mỗi lần người ta kêu khổ bởi cái nạn người đông xe thiếu , cố dồn nhét như nêm . Và tệ hơn nữa là nếu di chuyển trên 100 cây số thì phải có giấy phép đi đường . Cuộc sống lao đao khiến cho người dân càng hoang mang lo sợ cho một ngày mai , một ngày mà viễn ảnh đã cho họ thấy sẽ không có gì vinh quang cho lắm . Riêng về thực phẩm thì mỗi cá nhân chỉ nhận từng khẩu phần ăn một , quần áo thì bắt buộc phải tiết kiệm tối đa , thậm chí cái quan tài dùng cho người chết cũng phải dùng tới dùng lui chớ không dám đốt bỏ . Về mùa đông , tiết trời lạnh lẻo thì hơi đốt cũng chẳng có , hoặc nếu có đi chăng nữa thì cũng chẳng cung ứng cho đủ , như vậy thì ai lạnh mặc ai chính phủ ấm , chính phủ không cần biết tới làm gì .

  Về phương diện truyền thông cũng bị ảnh hưởng trầm trọng .Tờ nhật báo lớn nhất thủ đô , lúc chưa xảy ra chiến tranh thì đứng hẳn về phe hiếu chiến , lúc nào cũng có những bài báo khích động lòng dân , ngợi ca quân đội bốc thơm họ đến tận trời . Đến khi thời thế đổi thay thì những cây viết nẩy lửa kia cũng bị tịt ngòi , họ âm thầm lặng lẻ biến đi đâu mất . Thêm vào đó , tin bại trận cứ từ chiến trường bay về tới tấp khiến cho họ chẳng có gì để ca ngợi thành thử khổ của tờ báo cũng phải thu hẹp lại và số báo ra mỗi buổi chiều cũng dẹp luôn . Có đến gần mười ngàn địa điểm vui chơi giải trí , gồm cả kỷ viện Geisha cũng bị đóng cửa . Nói tóm lại , cuộc sống ở Nhật bản hiện tại thật là thê thảm . Lòng dân ta thán và những tin đồn cốt ý gây bất lợi cho chính phủ được người ta thì thầm truyền khẩu với nhau , mà mũi dùi dĩ nhiên là chỉa thẳng vào vị thủ tướng đương nhiệm Tojo , người cầm đầu một trung tâm của quyền lực và chiến tranh .

  Có rất nhiều vị thủ lãnh không muốn phải nhìn thấy kết quả quá đen tối của nước nhà kết thúc bằng quyết định của riêng một mình thủ tướng Tojo . Đô đốc Sokichi Takagi và nhóm người của ông lập kế hoạch ám sát Tojo bằng súng máy , trong khi những người chống đối của phe lục quân thì cũng đang âm mưu dùng sát thủ để kết liểu ông ta . Một đại tá tên Tsunoda , người vừa được thuyên chuyển từ chiến trường Trung hoa về làm việc tại tổng hành dinh Thiên Hoàng , hợp cùng Ushijima , chủ tịch liên đoàn đông Á , bí mật hoạch định kế hoạch ám sát Tojo . Theo kế hoạch của nhóm này thì họ sẽ dùng loại bom hóa học để tung vào xe của Tojo , khi xe ông giảm tốc độ lúc đến gần lối rẻ vào hoàng cung . Đoạn đường này nằm ngay bên cạnh cây cầu Iwaida . Ngày giờ hành động được quyết định là tuần lễ thứ ba của tháng 07 . Nhưng âm mưu này lại bị người em ruột của Thiên Hoàng Hirohito là Hoàng thân Mikasa tiết lộ ra ngoài khiến việc chưa thành mà cả nhóm đều bị sa lưới . Mikasa vốn có mối giao hảo rất mật thiết với những thành viên của nhóm này . Vì quá cả tin nên trong lúc hớ hênh họ  bàn luận kế hoạch và vô tình Mikasa nghe lõm được . Thay vì lên tiếng can ngăn bè bạn hoặc im lặng mặc kệ cứ để cho bạn bè của mình họ muốn làm gì thì làm , đàng này Mikasa mang bản tin chết người này đi báo với tổng hành dinh Thiên Hoàng . Thế là nhóm của Ushijima cùng Tsunoda bị hiến binh đến vây bắt và tống vào nhà đá ngay sau đó .

  Đương đầu với một làn sóng bất mãn mãnh liệt đến từ mọi tầng lớp trong xã hội , Tojo rất cần đến những ý kiến đóng góp của người đã từng ủng hộ và đề cử ông vào chức vụ thủ tướng , đồng thời cũng là người giúp đỡ nhiệt tình khi ông mới chập chững bước lên vũ đài chính trị , lèo lái con thuyền quốc gia giữa cơn bão dữ ; quản thủ quốc ấn Kido . Và lời khuyên ấy lại đến với Tojo thật quá bất ngờ mà chính ông cũng chẳng muốn nghe chút nào . Kido , cuối cùng không thể nào ngồi im mà nhìn cái viễn ảnh của Nhật bản càng lúc càng đen tối thêm . Sự sụp đổ ở phòng tuyến Saipan đã chứng minh cho ông thấy rất rõ sức mạnh quân sự của Nhật đã bị phân hóa đến nổi không còn đủ sức để phòng thủ . Trong khi hai cái ghế quan trọng trong nội các và chức vụ tham mưu trưởng lục quân lại do một tay Tojo nắm giữ , lại nữa , hai cơ quan đầu não của hải quân thì do một người đàn em thân tín của Tojo là đô đốc Shimada nắm giữ (bộ trưởng hải quân và tham mưu trưởng hải quân) . Kido điện thoại đến văn phòng thủ tướng , gặp được Tojo và lên tiếng phàn nàn , ông bảo rằng “Mọi người ai cũng quan tâm đến vấn đề này và ngay cả Thiên Hoàng , Ngài cũng phiền lòng không ít” . Tojo bối rối vô cùng . Đêm ấy ông nằm miên mang suy nghĩ suốt cả đêm không tài nào chợp mắt . Hôm sau trở lại văn phòng làm việc  . Trong đầu ông đã quyết định sẽ thực hiện ngay một kế hoạch cải tổ nội các nhưng phải làm bằng cách nào mà những chiếc ghế của mình đang ngồi không bị mất về tay người khác . Tojo vội đến văn phòng của viên quan quản thủ quốc ấn để trình bày ý kiến riêng của mình . Kido vừa nghe xong , ông lạnh lùng nhìn Tojo như đang nhìn một kẻ thù truyền kiếp . Giọng của ông bỗng chốc lạc đi và thanh âm nặng nề như đang quát vào mặt Tojo “Đừng bao giờ đề cập đến những chuyện ấy với tôi” . Tojo nổi giận đứng dậy tông cửa bỏ đi không nói một lời . Nhưng đến khi về lại văn phòng của mình thì ông chợt hồi tâm nghĩ lại mới thấy hành động của mình quá nông nổi . Ông nói với viên sĩ quan tâm phúc là Kenryo Sato “Kido đã có thái độ khá hằn học đối với tôi , thế có nghĩa là Thiên Hoàng đã không còn tín nhiệm tôi nữa rồi . Vì thế thay vì cải tổ lại nội các , tôi quyết định từ chức !” Sato thảng thốt kêu lên “Làm sao thủ tướng lại có thể từ chức ngay trong lúc chiến tranh khốc liệt và đất nước đang cơn nghiêng ngữa như thế này cho được” . Đoạn ông khuyên Tojo hãy bình tỉnh lại mà lo liệu những việc trước mắt . Chẳng hạn như thay thế chiếc ghế của đô đốc Shimada bằng đô đốc Yonai , một vị đô đốc rất được lòng của đại đa số hải quân và ngay cả những con người có đầu óc phóng khoáng như cựu thủ tướng Konoye . Nhưng trong thâm tâm của Tojo , ông lại thấy giải nhiệm đô đốc Shimada là một việc làm hết sức khó khăn cho mình . Đành lòng nào mà ra tay tàn nhẫn để đối xử lại một thuộc cấp trung thành . Sato cố khuyên Tojo nên phải biết dứt khoát vì đại cuộc . Ông nói “Người Trung hoa thường nói rằng : một sự xét xử đúng đắn đúng nghĩa của nó là thậm chí ngay cả trường hợp phải hy sinh đi một người thân ruột thịt của mình người ta cũng không hối tiếc , nếu thấy sự hy sinh ấy là cần thiết” . Và ông nói bằng một giọng cứng rắn “Đúng . Thủ tướng cần phải hy sinh một Shimada cho dù đó là một sự đau đớn cùng cực trong Ngài . Sự quan hệt mật thiết giữa Ngài và Shimada vốn là việc cá nhân của hai người . Thủ tướng đã là người phát động cuộc chiến này càng không nên phủi tay trốn tránh trách nhiệm trong khi cuộc chiến ngoài kia đang hồi khốc liệt” .

  Thế là thủ tướng Tojo cho triệu đô đốc Shimada vào và cho ông ta biết rằng vì tình hình ép buộc nên ông ta bắt buộc nên phải từ chức bộ trưởng bộ hải quân . Shimada tỏ ra hòa nhã , ông nói “Nếu đấy là việc có thể làm cho Ngài nhẹ gánh lo thì tôi sẳn sàng” . Đoạn ông nhìn Tojo một chập rồi nói nhỏ “Thủ tướng phải tiếp tục ở lại với ngôi vị của mình vì Ngài là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những gì mà mình đã làm” .

  Hôm sau , 17 tháng 07 , Shimada chính thức tuyên bố từ chức nhưng trái ngược với sự ước đoán của Sato , phe chủ hòa vẫn chưa chịu hài lòng với sự thay đổi đột ngột này . Đô đốc Yanai , người được mời vào một chiếc ghế quan trọng trong nội các mới của Tojo lại thẳng thừng từ chối , ông viện lẽ người của nhà binh không ưa xen vào chuyện chính trị . Thế là Sato đành phải khuyên Tojo nên từ chức thay vì cải tổ lại nội các .

  Nhóm cựu đô đốc cùng tướng lãnh và những vị cựu thủ tướng , trong đó có Hoàng thân Konoye , quản thủ quốc ấn Kido và chủ tịch hội đồng cơ mật Hara , bắt buộc phải ngồi lại với nhau họp bàn liên miên hầu tìm người có đủ bản lĩnh , có đủ khả năng ra nhận lãnh trách nhiệm thay thế Tojo cùng nội các mới . Sau nhiều ngày bàn cãi chọn lựa , đô đốc Yonai đưa ra ý kiến nên chọn tướng Kuniaki Koiso , một vị tướng chỉ huy giỏi được giới nhà binh tặng cho cái danh hiệu là “con mãnh hổ Triều tiên” , ông ta là một vị tướng khí khái hơn người và đối lập hẳn với Tojo . Kido lẫn Hara đồng khen phải . Konoye thì ưu tư , chỉ e Koiso không thể đảm trách một cái gánh quá nặng mà Tojo đã bỏ lại . Hơn nữa , ông ta là một sĩ quan phe lục quân , do đó phía hải quân sẽ bất phục . Nhưng rồi ông lại nghĩ , nếu đô đốc Yonai đã lên tiếng chọn người này thì dù sao phía hải quân cũng có ít nhiều cảm tình với va rồi . Vậy ta cũng nên mời Yonai tham gia vào nội các mới , là một thành viên của một tân nội các mà trong đó có cả người của hải lục quân , thế thì còn có ai lên tiếng phản đối . Konoye đem ý kiến này trình bày với viên quan quản thủ quốc ấn Kido . Ông ta gật gù khen phải .

 Ngày hôm sau , vừa nhận được lệnh triệu hồi , tướng Koiso từ Triều tiên vội vả bay trở về Đông kinh . Ở đây , ông được vời ngay đến một phiên họp đặc biệt trong nội điện .Và sau đó con mãnh hổ Triều tiên hân hoan xếp lại lớp áo chiến binh để chính thức bước lên vũ đài chính trị . Yanai cũng đồng ý chấp nhận vai trò bộ trưởng bộ hải quân , một thành viên trong nội các chính phủ mới của tân thủ tướng Koiso . Bấy giờ Tojo dĩ nhiên lại trở thành cựu thủ tướng , ông cũng có mặt trong những phiên họp kế tiếp gồm những thành viên cũ của chính phủ Nhật bản , cùng đóng góp ý kiến cho một tân nội các vừa thành lập . May cho Tojo , các nhóm tổ chức ám sát chưa kịp ra tay thì ông đã nhanh chân rút khỏi chính trường . Do đó mọi kế hoạch đã sắp đặt chu đáo từ trước , bây giờ đành phải hủy bỏ .

                     ……………………………………………………….

  Trở lại với chiến trường nam Thái bình dương . Tướng MacArthur không mấy hài lòng khi nhận được mệnh lệnh hành quân theo kế hoạch mới . Kế hoạch này được vẽ ra từ bộ tổng tham mưu liên quân , trong đó cho biết rõ kế hoạch và ngày giờ chính thức đổ bộ lên giải phóng quần đảo Phi luật tân . Trước tiên là phải chiếm cho bằng được Mindanao để xây dựng căn cứ không quân . Ba tuần sau , một cuộc đại tiến công kế tiếp nhắm vào Leyte (một hòn đảo nằm phía đông bắc Mindanao) – Khi làm chủ hòn đảo Leyte thì cánh quân của ông sẽ áp dụng chiến thuật nhảy cù , tức là nhảy một bước dài từ đảo Leyte lên chiếm đảo Đài loan . Như thế có nghĩa là chỉ giải phóng những hòn đảo cận nam Phi luật tân mà thôi , thủ đô Manila và đảo Luzon ở miền trung và bắc thì cứ bỏ mặc đó . Theo kế hoạch này thì tướng MacArthur , người hùng của dân Phi luật tân dù có đặt chân trở lại quê hương của họ nhưng cũng không thể giải phóng hoàn toàn cho đất nước của họ được .

  Ông tướng cho đó là một mệnh lệnh hết sức vô lý . Lời tuyên bố thật hùng hồn hôm nào khi ông vừa thoát khỏi Phi luật tân , rằng “Tôi thoát ra được tất nhiên tôi sẽ trở lại được” . Với sự quyết tâm quay lại giúp đỡ xứ sở và con người đã gắn bó với ông trong một thời gian dài mà ông coi đó là một quê hương thứ hai của mình , MacAthur không ngần ngại , đánh một bức điện gửi lên thẫm quyền mà tỏ rõ nỗi niềm . Bức điện của ông có những đoạn như sau :

  “Phi luật tân là một lãnh thổ của Hoa kỳ , là một nơi mà lực lượng của chúng ta đã bị tan rã trong nhục nhã trước mũi súng của quân thù vì chẳng có một sự giúp đỡ nào từ bên ngoài vào . Trên thực tế thì còn đó 17 triệu người dân Phi , những người vẫn trung thành với lá cờ của hiệp chủng quốc , họ đã phải chịu đựng biết bao gian khổ nhọc nhằn dưới gót giầy của quân xâm lược cũng vì chúng ta đã cam tâm bỏ rơi họ . Bổn phận của chúng ta ngày nay là cố phải làm sao để giải phóng cho họ thoát khỏi bàn tay hung bạo của lũ ngoại xâm . Nhưng nếu quân đội Hoa kỳ hành quân theo chiến thuật đánh đường vòng , với chủ tâm bỏ lại đất nước Phi luật tân đàng sau , bỏ lại những tù binh chiến tranh Hoa kỳ và Phi đang tuyệt vọng nằm lại trong tay kẻ thù . Dĩ nhiên Nhật sẽ nhân cơ hội này lớn tiếng tuyên truyền , rằng Hoa kỳ đã bỏ rơi đồng minh , rằng người dân Phi luật tân đã chịu nhiều hy sinh xương máu cho Hoa kỳ nhưng rốt cuộc họ vẫn bị Hoa kỳ đối xử như một con chốt thí . Và sau đó thì những gì sẽ xảy ra …..” .

  Nhưng tướng Marshall lại tỏ ra không chút cảm thông . Bức điện hồi âm của ông như một mệnh lệnh bắt buộc Arthur phải thi hành . Rằng không nên để tình cảm cá nhân và vấn đề chính trị phức tạp của Phi luật tân che khuất đi cái mục tiêu tối hậu là kết thúc cuộc chiến càng nhanh càng tốt . Vị tổng tư lệnh quân đội Hoa kỳ còn khẳng định rằng hành quân theo chiến thuật đánh đường vòng không có nghĩa là bỏ rơi một nơi nào cả . Chúng ta tập trung lực lượng tấn công thẳng vào đầu não của địch . Một trận quyết định cuối cùng để giành lấy chiến thắng , khi đầu não của địch vở tan dĩ nhiên những vùng đất chiếm cứ của họ cũng không thể nào giữ được .

  Tuy nhiên tướng Mac Arthur sau đó cũng được Hoa thịnh đốn đặc biệt chiếu cố vuốt ve bằng cách để cho ông được diện kiến với Roosevelt . Đến lúc mặt đối mặt , Mac Arthur có thể trình bày vấn đề của ông thẳng với tổng thống , một nhân vật số một đầy quyền uy của Hoa kỳ . Đây quả là một cơ hội hiếm có , nó gần như từ cổ chí kim chưa từng xảy ra bao giờ . Tổng thống Roosevelt ngự trên tuần dương hạm Baltimore đến Hạ uy di để chỉ gặp riêng tướng Mac Arthur và đô đốc Nimitz mà thôi . Thậm chí Marshall , Arnold và King cũng chẳng được mời đến .

  Cuộc họp ngắn ngủi chỉ có ba người diễn ra trong không khí thật cởi mở . Arthur dùng tài hùng biện của mình cố thuyết phục Roosevelt và Nimitz . Vì danh dự quốc gia , vì một đồng minh nhỏ bé đã từng chung vai sát cánh với Hoa kỳ trong những ngày đầu của cuộc chiến , vì thế chúng ta phải có bổn phận giải phóng họ ra khỏi bàn tay sắt máu của Nhật bản . Đồng thời Phi luật tân cũng là một điểm chiến lược vô cùng quan trọng , một bàn đạp vững chãi để tiến vào Đông kinh . Với lối suy luận quá xác đáng của Mac Arthur , Roosevelt gật đầu đồng ý , và dĩ nhiên đô đốc Nimitz cũng đành chấp thuận . Giải phóng Phi luật tân xong sẽ bắc tiến , đảo Đài loan sẽ là mục tiêu thứ yếu sau Phi luật tân .

  Trong lúc quân đội Hoa kỳ đang chuẩn bị ráo riết để đưa quân tấn công đảo Leyte theo đúng như mệnh lệnh là ngày 20 tháng 12 thì tổng hành dinh Thiên Hoàng cũng đang họp hành liên miên để phát họa một kế hoạch mới . Một kế hoạch khá rắc rối bao gồm những chiến dịch mới trong tương lai . Bộ chỉ huy quân sự ở Đông kinh cũng nhìn ra được những nơi mà rất có thể địch sẽ tiến đánh là Phi luật tân , Đài loan , cùng đảo Okinawa , tức một trong bốn hòn đảo lớn của chính quốc Nhật bản .

  Kế hoạch mới này được mệnh danh là chiến dịch Toàn thắng , một cái tên nghe sao quá lạc quan . Trớ trêu thay , dù được mang cái tên nghe rất kêu nhưng sự thật thì nó lại là một cố gắng trong tuyệt vọng để tạo một chuỗi phòng tuyến cuối cùng trước sức tiến như vũ bão của địch . Biết chắc chắn rằng Phi luật tân là mục tiêu kế tiếp của Hoa kỳ nhắm vào và chiến dịch toàn thắng của Đông kinh , phần lớn đều nhắm vào đảo quốc này , một chiến trường mà họ nghĩ một trận chiến quyết định cuối cùng với những lực lượng tham chiến rất hùng hậu gồm cả hải và lục quân .

  Câu hỏi được đặt ra là phải làm sao và nơi nào là địa thế lý tưởng để tung toàn bộ lực lượng hải lục ra cho một trận thư hùng cuối cùng này . Rắc rối cho họ là ở cái chỗ địa hình quá phức tạp của Phi luật tân . Một quốc gia gồm nhiều hải đảo , cả thảy có đến bảy ngàn một trăm hòn đảo nằm cách thềm lục địa Á châu gần 500 dặm , cách đảo Đài loan 230 dặm về hướng nam . Từ cực nam , đảo Mindanao ngược lên phía bắc , xuyên qua những hòn đảo lớn như Cebu , Leyte , Luzon . Trên toàn quốc , Phi luật tân chỉ có 11 đảo có diện tích hơn một ngàn dặm vuông và hai hòn đảo , một ở miền nam là Mindanao và một ở miền bắc là Luzon thì có diện tích lớn hơn cả , nó chiếm hai phần ba tổng diện tích quốc gia . Tuy nhiên , nếu nhìn về mặt chiến lược thì hòn đảo nhỏ mang tên Leyte , chỉ bằng một phần mười ba của Mindanao nhưng nó lại nằm ở một vị trí rất quan trọng , ngay trung tâm của Phi luật tân với một lợi thế được thiên nhiên ưu đãi là ở đây có nhiều vịnh sâu và rộng , thật đúng là một địa điểm lý tưởng để cặp tàu đổ bộ .

  Những sĩ quan tham mưu phòng hành quân trực thuộc bộ chỉ huy vùng Nam Á thì đưa ra ý kiến hễ nơi nào Hoa kỳ cho quân đổ bộ lên thì chúng ta sẽ biến nơi đó thành một bãi chiến trường để quyết định cho cuộc chiến . Họ đoan chắc rằng quân đội Hoa kỳ sẽ tiến vào miền nam Phi luật tân , chúng ta quyết phải ngăn chận cho bằng được . Nếu chậm trễ đến lúc họ cho xây dựng căn cứ ở đó thì đã quá trễ . Nhưng rồi ý kiến ấy đã bị bộ tổng tham mưu Đông kinh bác bỏ . Họ viện lẽ khó mà tiên đoán được chính xác điểm đổ quân đầu tiên của địch vì miền nam của Phi luật tân vốn là một vùng rộng lớn mà lại có vô số hải đảo , do đó lực lượng phải phân tán thật mỏng và đến khi cần tập trung lại thì cũng quá bất tiện . Cách tốt nhất là chọn hòn đảo lớn và quan trọng hơn hết là đảo Luzon ở ngay phía bắc Phi luật tân . Ở đây , với một địa thế khá tốt và rộng rãi với nhiều trục lộ giao thông quan trọng , có thể tập trung cả hải và lục quân để lập một phòng tuyến rất kiên cố .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế