Tiến vào Phi Luật Tân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Để tiến vào lãnh thổ Phi luật tân , phía tấn công mở một chiến dịch đại qui mô trong đó bắt buộc phải có sự phối hợp chặc chẻ giữa hải và lục quân . Đây là một thử thách mới mà quân đội Hoa kỳ chưa bao giờ trãi qua . Cánh lục quân của MacAthur thì ồ ạt đổ bộ lên mục tiêu trong khi trách nhiệm của đô đốc Nimitz là cho tung toàn bộ hạm đội trong tay ra yễm trợ cho MacAthur . Nói cách khác , hải quân giữ vai trò vô hiệu hóa không lực của Nhật bản bằng cách cho sử dụng tối đa hỏa lực của hải pháo và phi cơ oanh tạc các căn cứ không quân của địch trên lãnh thổ Phi luật tân .

  Chiến dịch được mở màn ngày 06 tháng 09 , phó đô đốc Marc Mitscher , chỉ huy lực lượng đặc nhiệm 38 . Trong ba ngày liên tục , bom và pháo tuông vào một mục tiêu không ngừng nghỉ , đó là đảo Palaus , cách Mindanao 550 dặm về hướng đông . Sau đó ông cho di chuyển đến mục tiêu kế tiếp là Mindanao , ngày 09 tháng 09 . Hai trận oanh tạc mở màn này đã là tiếng chuông báo động vang đến tai những vị chỉ huy Nhật bản , thôi thúc họ bắt tay ngay vào việc phòng thủ Phi luật tân . Tại thủ đô Manila , thống tướng Terauchi , tổng tư lệnh quân đội vùng nam Á kiêm chỉ huy trưởng một phòng tuyến mênh mông kéo dài từ New Giunea lên đến tận Miến điện . Ông cùng bộ tổng tham mưu ở Đông kinh đều lạc quan cho rằng vô số những căn cứ không quân trên đất liền ở Phi luật tân và dọc theo lãnh thổ đông dương là một lực lượng quá hùng hậu , nó có thể đánh đắm bất cứ hạm đội hoặc đoàn công voa nào của địch trước khi họ tiến được vào lãnh thổ Phi . Nhưng ngược lại , trung tướng Shigenori Kuroda , chỉ huy trưởng lộ quân 14 thì thực tế hơn . Ông cho rằng đó là những khái niệm lỗi thời . Ông thẳng thừng tuyên bố “Nếu bảo rằng muốn đánh đắm hạm đội địch bất cứ lúc nào thì ai mà chả nói được , nhưng trước khi nói lên câu nói ấy xin các ông hãy so sánh sự lợi hại của phi cơ giữa ta và địch . Không lực của chúng ta nói thật , nó chỉ có thể yễm trợ hữu hiệu cho những trận chiến trên đất liền chớ nếu dùng để tiêu diệt hạm đội địch , tôi nghĩ đó là điều bất khả”.

  Thế là một lần nữa một cuộc cãi vả lại nổ ra , lần này dù thế nào đi nữa thì tình hình quá khẩn cấp bắt buộc họ phải tìm ra một kế sách hữu hiệu hầu ngăn bước tiến của quân giặc . Chiến thuật cổ điển là chận giặc từ ngoài khơi không để cho họ đặt chân lên bãi biển bây giờ không thể mang ra áp dụng vì phía chống đối càng lúc càng gây nhiều áp lực . Những phòng tuyến nối tiếp theo nhau sụp đổ liên tục ở Saipan và các đảo khác ở vùng nam Thái bình dương đã cho thấy quá rõ lực lượng phòng thủ cận duyên không thể nào chịu nổi những cơn hải pháo và oanh tạc khủng khiếp của địch trước cuộc đổ bộ diễn ra . Cuối cùng Đông kinh đi đến quyết định là tuyến phòng thủ cần phải dựa vào những địa hình phức tạp tận sâu trong đất liền . Thế là quyết định cuối cùng này được gửi ngay đến thống tướng Terauchi để cho ông kịp thời bắt tay vào việc .

  Lệnh này cũng được gửi tới cấp chỉ huy có trách nhiệm phòng thủ Midanao và Visayans – trung tướng Sosaku Suzuki , vị tướng từng bị thuộc cấp là Đông phương giáo chủ Tsuji đánh thức lúc nửa đêm để nghe ông ta quát tháo ỏm tỏi khi còn ở chiến trường Mã lai dạo nào chắc các bạn hẳn còn nhớ . Tướng Suzuki chỉ huy lộ quân 35 , lộ quân này có quân số tương đương với một quân đoàn của Hoa kỳ , tổng hành dinh của ông được đặt tại đảo Cebu thuộc nam Phi . Suzuki vốn là một vị tướng rất được thuộc cấp yêu mến . Họ không tiếc lời ngợi khen ông là một vị chỉ huy đầy lòng nhân ái , một vị tướng cương trực ngay thẳng ít ai bì kịp . Trái ngược hẳn với bộ tổng tham mưu ở Đông kinh , Suzuki nghĩ Hoa kỳ sẽ mở những cuộc tiến công vào Phi luật tân rất sớm , sớm hơn những gì mà Đông kinh tiên đoán . Ông đã bảo với các sĩ quan tham mưu của mình rằng thời gian đầu tháng 10 chắc chắn Hoa kỳ sẽ đến và đảo Leyte chính là mục tiêu của họ nhắm vào trước tiên . Vì chắc chắn như thế nên Suzuki cho sư đoàn 30 nằm chờ sẳn ở phía bắc đảo Mindanao trong trường hợp đảo Leyte bị tấn công thì họ kịp thời đối phó .

  Nhưng diễn biến lại đến quá nhanh , nó làm đão lộn tất cả khiến cho tướng Suzuki rối trí , ông trở lại nghi ngờ cho khả năng tiên đoán của chính mình . Ngày 10 tháng 09 , một báo cáo gửi về từ đội tuần thám của hải quân rằng địch quân đổ bộ vào một điểm gần Davao , thuộc bờ biển phía nam Mindanao . Hai tiếng sau , một báo cáo khác gửi về cho biết xe lội nước của địch đang tràn vào mũi cận nam của hòn đảo nhỏ đối diện với Davao .

  Suzuki vội vàng ra lệnh cho sư đoàn 30 đang có mặt ở phía bắc Mindanao phải di chuyển ngay về phía nam , đồng thời cũng báo động về Manila . Không đoàn bốn không quân bắt đầu cho chuyển tất cả phi cơ còn lại từ những căn cứ chưa bị tiêu diệt ở New Guinea đồng thời hạm đội liên hợp cũng cho gửi báo động đến những lực lượng trực thuộc sẳn sàng lao vào chiến dịch Toàn thắng một .

  Nhưng sự thật thì ở đó chẳng có một cuộc đổ bộ nào diễn ra . Những quan sát viên đứng trên đỉnh đồi cao trông ra ngoài biển rộng nhìn thấy sóng biển bập bềnh thì lại lầm tưởng , cho rằng đó là tàu đổ quân của địch đang tiến vào . Khi xác định được bản báo cáo là lẩm lẫn , tướng Suzuki chẳng những không hề nổi giận sự cẩu thả của thuộc cấp , ông từ tốn căn dặn những sĩ quan thuộc quyền rằng hãy coi rũi ro này là một bài học về sau , đừng bao giờ hấp tấp vội vàng để gây ra những lầm lẫn đáng tiếc nữa .

  Hai ngày sau , đô đốc Mitscher bắt đầu mở cuộc tấn công đại qui mô vào lãnh thổ Phi luật tân , một cuộc chuyển quân ồ ạt vào nhiều điểm khác nhau kéo dài trên cùng khắp đảo quốc Phi luật tân và đến tận Okinawa , một trong 4 hòn đảo lớn nhất của Nhật bản . Trong vòng 48 tiếng đồng hồ , có tổng cộng 2 ngàn bốn trăm quả bom đánh xuống khu vực Vinsayans (Vinsayans hoặc còn gọi là Vinyasa gồm nhóm trung đảo , phía bắc Mindanao , trong đó có Cebu , Leyte , Negros v.v) . Với một số lượng bom đạn khủng khiếp dành cho khúc dạo đầu , Hoa kỳ đã biến cả một vùng trung đảo của Phi luật tân thành bình địa , gần như không còn bất cứ một sinh vật nào có thể tồn tại được sau trận mưa bom kéo dài cả hai ngày liền . Đô đốc Halsey , chỉ huy trưởng hạm đội 3 tỏ ra lạc quan , ông nghĩ thầm tại sao không thừa dịp quân phòng thủ tan tác chưa kịp chấn chỉnh đội ngũ , ta thẳng tiến vào giải phóng Leyte . (hạm đội 3 gồm hạm đội 5 của Spruance vừa được sát nhập vào . Vào thời điểm cuối tháng ,  ban tham mưu liên quân vì bị toà Bạch Ốc trách cứ chưa chịu giải quyết mau lẹ việc khó khăn, nên Đô đốc King quyết định nhập chung hai hải đoàn của Halsey và của Spruance làm một. Để tránh tình trạng thống thuộc gây khó chịu, ông quyết định rằng hai vị Đô đốc sẽ lần lượt luân phiên chỉ huy các lực lượng hải quân đang hoạt động. Khi một người đang tham chiến trên mặt biển thì người kia sẽ chuẩn bị kế hoạch tấn công sắp đến, tại bộ tham mưu ở Trân Châu Cảng, và kiểm soát việc sửa chữa cũng như huấn luyện các chiến hạm có mặt tại đấy. Hệ thống luân phiên chỉ huy được quyết định một cách tài tình như thế đã san bằng những khó khăn và cho thấy có tính cách vô cùng thực dụng. Các hải đoàn được mệnh danh là Lực lượng đặc nhiệm 38 (của Halsey) và Lực lượng đặc nhiệm 58 (Spruance). Bên trong, đó chẳng qua cũng chỉ là gồm cùng một số các các chiến hạm, vì các mẫu hạm của Mistcher là rường cột chủ yếu của cả hai Lực lượng đặc nhiệm, nhưng cứ mỗi lần thay đổi người chỉ huy thì danh hiệu của lực lượng cũng thay đổi theo)

  Ông ngồi trên cầu chỉ huy của chiếc thiết giáp hạm New Jersey mà nhíu mày đăm chiêu tư lự , cân nhắc mãi và cuối cùng rồi thì Halsey lại cho rằng đây chẳng phải là việc của mình , nếu làm càng chỉ e gây đão lộn mọi kế hoạch của thượng cấp . Nhưng suy cho cùng , dù việc này có chọc giận đến cả Roosevelt và Churchill đi nữa nhưng nó được một cái lợi cụ thể là rút ngắn cuộc chiến lại cả vài tháng .

  Nghĩ như thế nên ông cho vời viên sĩ quan tham mưu trưởng , Robert Carney cùng viên sĩ quan thư ký Harold Stassen vào và ra lệnh cho họ gửi đi một bức điện , yêu cầu thẫm quyền chấp thuận cho ông được tạm ngưng chiến dịch tấn công vào Morotai và Mindanao để ông tung toàn bộ lực lượng sẳn có tiến vào giải phóng Leyte sớm chừng nào càng lợi chừng nấy . Nimitz vội chuyển đề nghị này đến Quebec , nơi Roosevelt và Churchill đang dự một cuộc hội nghị . Lời yêu cầu có tính cách hơi mạo hiểm của Halsey gợi lên một ý mới hấp dẫn trong đầu của hai vị lãnh đạo , nhưng dù sao thì họ cũng cần dọ qua ý kiến của MacAthur .

  Ông tướng lục quân hiện đang trên chiếc tuần dương hạm Nashville , trên đường tiến vào Moratai , một hòn đảo nằm giữa Mindanao và New Guinea , một điểm cuối cùng trước khi bước vào lãnh thổ Phi luật tân  . Để bảo mật , chiếc Nashville đã cho tắt hết mọi hệ thống radio liên lạc nên mọi quyết định của ông tướng đều do tham mưu trưởng của ông là tướng Sutherland , hiện đang có mặt tại tổng hành dinh ở New Guinea thay quyền định đoạt . Khi nhận được điện của Roosevelt , Sutherland không cần suy nghĩ cũng biết vị chỉ huy của mình rất nặng lòng đối với đất nước và dân tộc Phi luật tân , một xứ sở mà ông coi như chính quê hương của mình . Vì thế nên ông lúc nào cũng nôn nóng chỉ mong kéo quân về giải phóng Phi luật tân ra khỏi ách thống trị của Nhật bản càng sớm càng tốt . Sutherland không do dự , liền thay mặt MacArthur , gửi ngay một bức điện văn hồi đáp đến Quebec , trong ấy ông cho biết rõ thời gian tấn công vào Leyte là ngày 20 tháng 10 , tức hai tháng sớm hơn thời gian đã qui định .

  Ngày 15 tháng 09 , quân của Arthur bắt đầu đổ bộ lên Morotai (một hải đảo ngoài khơi phía bắc quần đảo Nam dương) . Ở đây , họ đã không gặp một sự chống cự nào của cánh quân phòng thủ . Trong khi ấy đô đốc Halsey tiến vào Pelelieu , một hòn đảo trong quần đảo Palau nằm ngay phía đông Phi luật tân thì gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân Nhật . Tuy nhiên kế hoạch vẫn không thay đổi , chỉ sáu ngày sau đó , tức 21 tháng 09 , Mitscher liều lĩnh mang mẫu hạm tiến sâu vào lãnh hải Phi luật tân , chỉ cách bờ đông Luzon bốn mươi dặm . Tại đây ông cho phóng phi cơ lao vào oanh tạc thủ đô Manila . Phi đạo của hai phi trường quân sự Clark và Nichols bị cày nát như đất ruộng đang dọn sẳn để chuẩn bị cấy lúa , với hơn 200 phi cơ của Nhật bị phá hủy và ngay trong vịnh Manila , hầu hết tàu thuyền vận chuyển của họ đang có mặt cũng bị đánh chìm nốt . Tổng kết lại cuộc không tập bất thần này , phía Hoa kỳ chỉ thiệt mất 15 phi cơ và chẳng có một phi cơ nào của Nhật xuyên thủng được màn lưới hỏa lực dày đặt để tiến vào tấn công lực lượng đặc nhiệm 38 của Mitscher cả . 

                                    …………………………………………

   Đến lúc này thì dù ở một nơi xa xôi và kín đáo như tổng hành dinh Thiên hoàng tại Đông kinh cũng đã biết quá rõ là Hoa kỳ đang chuẩn bị cho binh lính đổ bộ vào lãnh thổ Phi luật tân . Tướng Kuroda , một vị tướng có bộ óc rất thực tế , chính ông đã nhìn nhận rằng dù có sử dụng hầu hết những căn cứ không quân của Nhật có sẳn trên đất liền cũng không thể nào đè bẹp được sức mạnh vô song của hải quân địch . Người được ông chọn để giữ chức vụ chỉ huy trưởng lục quân trên toàn đảo quốc Phi luật tân là người hùng của chiến trường Tân gia ba , tướng Yamashita . Sau khi bình định xong đảo quốc Tân gia ba , Yamashita được thuyên chuyển về lại Mãn châu để lo giữ một nhiệm vụ bạt bẽo là huấn luyện binh sĩ . Đây cũng có thể hiểu bằng một cách đơn giản là mối giảo hảo giữa ông và tổng tư lệnh vùng nam Á là đại tướng Terauchi chẳng có gì tốt đẹp cho lắm nên sau khi mang về chiến thắng vinh quang ở Tân gia ba , người lãnh công đầu lại bị cho vào quên lãng ngay . Khi nhận được lệnh thuyên chuyển về chiến trường phía nam , trên đường đáo nhậm nhiệm vụ mới , lệnh đã không cho phép Yamashita ghé lại Đông kinh với lý do : Tổng hành dinh Thiên Hoàng muốn giữ bí mật trong chuyến đi của Yamashita bởi lẽ họ không muốn cho kẻ thù bên kia biên giới Mãn châu là Liên sô biết được . Nhưng đối với sự suy luận riêng của Yamashita thì ông cho đó là một lối giải thích để tránh né sự thật . Bởi ông biết mình là người đã từng chống đối lại Tojo , nếu bây giờ tự mang thân trở lại Đông kinh thì ắt sẽ gặp nhiều điều phiền phức .

  Trên đường trở lại miền nam , Yamashita tâm sự với Shigeharu Asaeda , sĩ quan kế hoạch hành quân và cũng là một người có cùng một tâm trạng nôn nóng xông trận giống như Yamashita , rằng ông e ngại ở chiến trường Phi luật tân này , dù chưa bắt đầu nhưng ông đã thấy khó có cơ hội chiến thắng được . Nhưng dù sao thì nổi bi quan này ông chỉ thố lộ riêng với Asaeda , người sĩ quan thân tín mà thôi , riêng với ban tham mưu mới vừa thành lập thì ông không thể để suy nghĩ của mình lung lạc sự chiến đấu của họ . Ngày 06 tháng 10 , Yamashita đã có mặt ở tổng hành dinh lộ quân 14 tại Fort McKinley , cách thủ đô Manila không xa lắm . Ở đây , Yamashita buồn bả nói với các sĩ quan chỉ huy rằng số phận của Nhật bản bây giờ chỉ còn tùy thuộc vào một mặt trận duy nhất là mặt trận này . Ông kêu gọi mỗi sĩ quan hãy nhận thức rõ ràng trách nhiệm của chính mình , gắng sức chiến đấu bằng tất cả lòng quả cảm gan lì với một quyết tâm duy nhất là dành lấy chiến thắng .

  Sư đoàn 16 , một sư đoàn với quân số chưa đến 20 ngàn binh sĩ đang đồn trú tại đảo Leyte , một mục tiêu đang hướng tới của tướng MacArthur . Sư đoàn 16 là một sư đoàn kỳ cựu đã có mặt ở Phi luật tân từ những phút giây đầu tiên của cuộc chiến . Chính nó đã đổ bộ lên phía bắc Phi luật tân , thuộc đảo Luzon trong đêm Noel năm 1941 và tiến đánh thủ đô Manila và đã từng tham dự trận tảo thanh ở bán đảo Bataan . Phần lớn binh sĩ của sư đoàn đã thiệt mạng sau những trận chiến dai dẳng ở Bataan nên sau này được bổ sung lại , ngay cả lớp sĩ quan chỉ huy và vị tư lệnh sư đoàn cũng thế . Trung tướng Shiro Makino hiện tại là tân tư lệnh sư đoàn nhưng ông vốn là một ông tướng văn phòng , chưa có một chút ít gì để gọi là kinh nghiệm chiến trường cả , trong khi lớp tân binh vừa bổ sung thì toàn là những thanh niên học sinh bị bắt đi quân dịch , họ vừa xong lớp huấn luyện cấp tốc ở quân trường nên chưa từng biết trận mạc là gì cả .

  Leyte là một hòn đảo nằm ép giữa hai hòn đảo lớn , Samar phía bắc và Mindanao phía nam . Nó có hình như một cây răng mà cái chân răng chỉa thẳng vào Midanao . Phần bờ biển phía đông là một vùng bình nguyên màu mỡ với nhiều loại thực vật nằm trãi dài trong vịnh cùng tên gọi là Leyte khoảng 35 dặm . Bờ biển ở đây đặc biệt là không có đá ngầm , chỉ đơn thuần là bờ các phẳng phiu nằm ôm lấy những đợt sóng đại dương rì rào và mực thủy triều lên xuống , đúng là một điểm khá lý tưởng để chọn làm nơi đổ quân . Nhưng khi di chuyển sâu vào bên trong hòn đảo chừng vài dặm thì ở đó chướng ngại muôn trùng . Binh sĩ của Arthur phải băng ngang một cái đầm lầy khá rộng và đầy nguy hiểm . Rồi những con suối vắt vẻo lưng đồi chạy ngoằn ngoèo xuyên qua những cánh đồng lúa mênh mông . Địa thế này thật trắc trở , nếu không có được một con lộ khả dĩ để di chuyển thì khó lòng mà tiến quân , nhất là vào mùa mưa đang bắt đầu ở đây . Chưa nói đến khi xuyên qua những chướng ngại trùng trùng ấy , phần còn lại đảo toàn là rừng rậm và núi non chớn chở , đó là những điểm bất lợi cho quân tấn công lẫn phòng thủ .

  Đã từ lâu , trên hòn đảo này đã có sự hiện diện của nhiều nhóm quân du kích . Các nhóm này tập trung trong những sào huyệt ẩn sâu trong rừng rậm hoặc hang núi , hoạt động của họ là theo dõi và thỉnh thoảng tung ra một hai trận đánh lẻ tẻ hầu tiêu hao tiềm lực của quân Nhật . Cũng nhờ sự giúp đỡ của nhóm du kích hoạt động bí mật này mà MacArthur đã nắm trong tay những nguồn tin chính xác về lực lượng phòng thủ của địch .

  Trên toàn đảo có khoảng một triệu cư dân , ngoại trừ ba ngàn không trăm bảy mươi sáu người gồm : Trung hoa , người Âu , Hoa kỳ và Nhật bản sống rãi rác khắp nơi , phần còn lại hầu hết đều là người Phi hoặc Nam dương , đa số họ là những nông dân hoặc ngư dân hiền hòa chất phát ,  sống kiếp lam lủ cần cù yên phận hèn của một cuộc đời bình lặng giản dị .

                        …………………………………………….

  Cũng trong thời điểm này , hải cảng Hollandia thuộc phía bắc New Guinea và ở một vị trí khác chỉ cách đó khoảng 200 dặm về hướng bắc là đảo Manus , một hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Admiralty . Đây là hai điểm tập trung lực lượng của hải quân Hoa kỳ để chuẩn bị cho công cuộc tấn công vào Phi luật tân . Những đoàn dương vận hạm khổng lồ bỏ neo san sát , chen lẫn với những thiết giáp hạm , tuần dương hạm , khu trục hạm , khu trục giải mìn , tàu đổ bộ , tàu chở quân xa v.v. Một lực lượng hạm đội đen đặc cả một vùng biển rộng , chỉ tính riêng số thủy thủ đang có mặt trên những hạm đội này thôi thì con số cũng đã lên đến 50 ngàn người rồi . Về phần bộ binh của MacArthur dự định sẽ vận chuyển đến mục tiêu là 165 ngàn binh sĩ . Có thể nói chiến dịch đổ bộ lên đảo Leyte là một chiến dịch lớn và quan trọng vào bậc nhất của chiến trường Thái bình dương , và cần phải nhắc lại , đây là lần đầu tiên hai lực lượng hải , lục và không quân Hoa kỳ kết hợp chặc chẻ với nhau hoạt động nhịp nhàng chung trong một chiến dịch .

  Để lập một hành lang an toàn cho những đoàn công voa khổng lồ này tiến vào mục tiêu , đô đốc Mitscher sau khi đã oanh tạc và tiêu hủy gần hết tiềm năng không lực của Nhật trên lãnh thổ Phi luật tân ông lại cho bung lực lượng đặc nhiệm 38 của mình ra khắp cả một vùng biển bao la từ Phi luật tân lên tận đông hải , tạo thành một hàng rào kiên cố kềm chân hải quân địch . Đồng thời Mitscher cũng quyết định ra tay táo bạo bằng một cuộc bắc tiến bất thình lình đến tận một nơi cách xa Phi luật tân cả ngàn dặm . Đó là đảo Okinawa , lãnh thổ của Nhật bản . Sau 1,396 phi vụ ngày 10 tháng 10 , phi công của ông đã phá hủy hàng trăm phi cơ , đánh đắm nhiều tàu thuyền , trong đó có 4 dương vận hạm , một tàu tiếp liệu cho tiềm thủy đỉnh và mười hai chiếc tàu phóng thủy lôi . Thừa thắng ở mặt bắc , ông quay lại với đảo Luzon của Phi luật tân và cho đánh bom cùng khắp trên khu vực mặt bắc của hòn đảo này ngay trong ngày hôm sau . Kế đến , hạm đội lại chuyển hướng sang đảo Đài loan . Rạng sáng ngày 12 tháng 10 ông cho tung hàng loạt phi cơ trên bốn mẫu hạm định biến hải đảo Đài loan thành bình địa . Và ở đây , lần đầu tiên Mitscher gặp phải sự chống trả mãnh liệt .

  Tại căn cứ không quân đóng ở Đài loan , vị chỉ huy trưởng đệ lục không đoàn là phó đô đốc Shigeru Fukudome không tỏ vẻ gì e ngại trước bóng mát rợp trời của những con chim sắt từ ngoài biển đang vun vút lao vào . Ông cho tung 230 chiến đấu cơ lên không nghênh địch ngay . Phi đoàn chiến đấu tức tốc chia ra làm hai cánh : trái và phải cùng lao thẳng lên không và vần vũ ở một cao độ khá cao ẩn mình trong đám mây không để cho phi cơ địch phát giác . Fukudome vốn là một vị phó đô đốc từng dự trăm trận , kinh nghiệm và mưu kế có thừa , ông muốn dụng kế lừa địch , cứ giữ im lặng để cho họ tiến đến gần và một khi trên trời không có một bóng phi cơ ngăn chận dưới đất cũng chẳng có tiếng súng phòng không , lúc ấy tự nhiên họ sẽ yên tâm hơn và khinh địch hơn . Đến lúc họ không còn cảnh giác nữa thì đúng là lúc ông cho con cái của mình xuất hiện . Những con chim sắt Zero từ trên mây xanh nhào xuống bất thần tấn công họ .Với lối tấn công thần tốc dựa trên yếu tố bất ngờ Fukudome hy vọng sẽ nắm chắc phần thắng trong tay . Nhưng dù có toan tính thế nào đi nữa thì ông cũng quên khuấy đi một nhược điểm quan trọng là hầu hết những phi công trẻ của mình đều là những phi công mới ra trường , họ đa số chỉ học hỏi kỹ thuật chiến đấu qua phim ảnh chớ chẳng có tí ti gì để gọi là kinh nghiệm chiến trường .

   Từ trên đài chỉ huy , ở một nơi an toàn cách sân bay không xa  , Fukudome trông thấy từng đoàn phi cơ địch lao tới với một tư thế hung hăng như vào chỗ không người và bắt đầu thả bom bắn phá phi trường . Bất thần từ trên tầng cao của trời xanh thăm thẳm , những chiếc Zero như những viên đạn vừa thoát ra khỏi nòng súng . Chúng lao xuống thẳng vào đội hình của phi đoàn Hoa kỳ . Có nhiều tiếng nổ vang dậy , lửa đỏ lóe chớp rực trời và theo đó là nhiều cuộn khói đen kéo dài thành những đường ngoằn ngoèo rơi thẳng xuống mặt đất . Fukudome mừng rỡ , mắt mở trừng trừng , tay chân múa loạn lên và miệng không ngừng tung hô như để cổ võ . Nhưng sau đó chừng vài giây , những sĩ quan hiện diện chung quanh không còn nghe ông tiếng hoan hô của người chỉ huy nữa . Họ quay nhìn lại thì thấy Fukudome mắt mở to như đang trợn trừng và cái mồm thì há hốc chừng như đang kinh ngạc tột độ . Ông kinh ngạc cũng phải , vì ngoài kia trên vùng trời khói lửa , phi cơ của Hoa kỳ vẫn bay lượn với một đội hình chặc chẽ . Coi ,thì ra những chiếc phi cơ bị bắn rơi lã tả như lá mùa thu kia chính là những phi cơ của Nhật , của đám con cái nhà mình . Trông họ như những quả trứng mong manh và đội hình của phi cơ địch thật không khác gì bức tường bằng bảo thạch kiên cố . Trong một khoảng thời gian thật ngắn , Fukudome đã thiệt mất một phần ba tổng số phi cơ cho đợt tấn công đầu tiên , phần còn lại bị đợt tấn kích thứ nhì của Hoa kỳ hạ sạch . Đến đợt phi cơ thứ ba của địch xuất hiện thì ông không còn lấy một chiếc phi cơ để phóng lên ngăn giặc . Thế là phi công Hoa kỳ hoành hành như chỗ không người . Mà quả không người thật , họ tiếp tục bắn phá , kéo dài trận oanh tạc khủng khiếp sang đến tận ngày hôm sau . Họ đã biến khu vực sân bay quân sự của Nhật tại Đài loan thành một bãi đất hoang đầy đổ nát . Mãi cho đến tối hôm sau , phía Nhật bản mới cho 30 chiếc oanh tạc cơ từ một căn cứ nhỏ còn sống sót lao ra biển truy lùng hạm đội địch để trả đũa . Đây là những chiếc oanh tạc cơ đặc biệt dùng để tấn công lúc đêm tối , đội hình của họ hướng về phía lực lượng đặc nhiệm 38 trong màn đêm đen tịch mịch . Họ bay thật thấp , chỉ trên đầu ngọn sóng để tránh rada của địch . Ba chiếc phi cơ đầu tiên len lỏi qua được tầm quan sát của các khu trục hạm bảo vệ để tiến đến chiếc mẫu hạm Franklin , ba trái bom đánh ra nhưng hai trái đi lệch rơi xuống biển , một trái đánh trúng ngay sàn tàu phá hư cầu thang và phát hỏa dữ dội nhưng thủy thủ kịp thời dập tắt ngay được ngọn lửa không bao lâu sau đó . Chiếc tuần dương hạm nặng kém may mắn mang tên Canberra bị lãnh trọn một trái thủy lôi vào mạn tàu khiến nó bị phá một lổ hỏng to tướng , nước tràn vào như thác , động cơ bất khiển dụng nên đành phải trôi dạt theo sóng gió ở một vùng biển chỉ cách Đài loan 90 dặm .

  Đô đốc Halsey hiện đang có mặt trên soái hạm New Jersey . Tình trạng ngặt nghèo của Canberra khiến cho ông không biết quyết định lẽ nào cho tiện , bỏ mặc cho nó ra sao thì ra ư ? Hay liều lĩnh cho một chiếc hạm khác đến đó kéo nó đi với một vận tốc chỉ nhanh hơn con rùa bò và phải vượt quá một ngàn ba trăm dặm để về lại căn cứ Ulithi Atoll tại quần đảo Carolines ? Cuối cùng vị đô đốc chỉ huy hạm đội đành ra lệnh cho một tuần dương hạm khác đến tiếp cứu cho chiếc tuần dương hạm lâm nạn . Đồng thời , để trả thù cho một quả bom đánh trúng mẫu hạm và một trái thủy lôi kết liễu tuần dương hạm Canberra , Halsey ra lệnh cho phi đoàn thứ tư thứ năm và nhiều phi đoàn khác mở tiếp những cuộc không tập khủng khiếp vào Đài loan . Thế là sáng hôm sau , Mitscher cho phóng lên ba đợt tiếp tục lao vào mục tiêu đã thành bình địa là Đài loan . Ba phi đoàn này làm nhiệm vụ oanh tạc , nhưng cốt chỉ để đáng lạc hướng Nhật vì ngay lúc ấy , 109 pháo đài bay khổng lồ B-29 cũng cất cánh từ căn cứ không lục quân trên đất liền nằm sâu trong lãnh thổ Trung hoa tiến vào đất Nhật oanh tạc phi trường Takao . Sau ba ngày quần thảo , Hoa kỳ đã biến nhiều căn cứ không quân của Nhật thành bình địa và đã có đến hơn 500 phi cơ của họ bị bắn hạ .  

   Nhưng trớ trêu làm sao , những anh phi công may mắn còn sóng sót sau trận hải chiến ngoài khơi Đài loan đã quay về được căn cứ . Và cũng vẫn với một lối báo cáo đầy tưởng tượng , lối báo cáo mà chính họ đã góp phần vào cái chết của cố tư lệnh hạm đội liên hợp Yamamoto . Rằng họ vừa tạo được một chiến thắng vinh quang cho phe hải quân , hạm đội Hoa kỳ bị đánh tan tác và bọn chúng đang trên đường bôn tẩu . Bản báo cáo quá lạc quan đến nổi Đô đốc Toyoda , tư lệnh hạm đội liên hợp đích thân bay ngay đến đảo Đài loan để chính ông tổng kết tình hình . Sau khi khen ngợi thành tích lẫy lừng của những phi công gan dạ đã lập đại công cho hải quân , ông đi vòng quanh các căn cứ để tham quan , được chính mắt chứng kiến một cảnh tượng hết sức điêu tàn , một sự thật bi đát bày ra chung quanh một phi trường từng là niềm kiêu hãnh của người Nhật , bất giác vị đô đốc kế nhiệm Yamamoto chợt nghe lòng mình thống hận Hoa kỳ khôn tả . Ông quay sang ra lệnh cho Fukodome hãy lập tức cóp nhặt những phi cơ còn sống sót , thành lập ngay một phi đoàn xung kích ra khơi truy đuổi theo những “hạm đội tan tác” của Hoa kỳ .

  Hôm sau , ngày 15 tháng 10 , sau khi gom góp lại toàn bộ phi cơ còn có thể cất cánh được , Fukudome cho phóng lên ba đợt truy đuổi theo hạm đội 3 của Halsey . Chỉ có mỗi một nhóm phi cơ Nhật phát giác ra hạm đội Hoa kỳ nhưng cũng bị phòng không của họ đẩy lùi . Đến chiều cùng ngày , họ quay trở lại , lần này chỉ một nhóm với tổng cộng 107 phi cơ . Trong số ấy chỉ có ba chiếc vượt qua khỏi những chiến đấu cơ bảo vệ của Hoa kỳ và lọt vào bên trong khu vực địch , một chiếc phi cơ duy nhất lập được thành tích bằng một trái thủy lôi đánh trúng vào chiếc tuần dương hạm nhẹ mang tên Houston . Kết quả cuối cùng là Houston cũng giống như Canberra , tức là hư hại hoàn toàn bắt buộc phải dùng tàu kéo về xưởng sửa chửa .

  Sau một thời gian tung hoành từ Luzon sang Đài loan và thẳng vào đất địch là Okinawa nhưng hạm đội của Halsey chẳng bị chìm bất cứ chiếc nào nhưng ngược lại phía Nhật bản thì lãnh nhiều tổn thất trầm trọng khó có thể hồi phục ngay trong một sớm một chiều được . Hạm đội 3 của đô đốc Halsey ca khúc khải hoàn , trở về vùng biển miền nam Phi luật tân để yễm trợ cho bộ binh đổ bộ lên đảo Leyte .

  Tại Nhật bản , tổng hành dinh Thiên Hoàng và tổng bộ hải quân đều hoàn toàn tin tưởng vào bản báo cáo quá lạc quan đầy tưởng tượng của  một chiến thắng quan trọng từ những anh chàng phi công còn sống sót trở về từ chiến trận . Bản thông cáo chính thức được công bố ngày 16 tháng 10 , thông tri cho toàn thể thần dân thiên hạ biết rằng trận chiến ác liệt vừa diễn ra ở vùng biển Đài loan , hải quân Hoàng gia Nhật đã chiến đấu quá anh dũng , họ đã giáng cho kẻ thù Hoa kỳ những đòn sấm sét chí tử . Mười một hàng không mẫu hạm , hai thiết giáp hạm , ba tuần dương hạm nặng và một khu trục hạm của địch đã nằm lại vĩnh viễn và nhiều chiến hạm khác bị hư hại trầm trọng . Bên cạnh đó còn có 112 phi cơ địch bị ta bắn hạ . Trong khi hải quân của ta thì 312 phi cơ được nhìn nhận là chưa quay lại căn cứ . Nhưng với một tổn thất quá khiêm nhường như thế đánh đổi lại hạm đội thứ 3 của địch đã coi như bị tiêu diệt hoàn toàn . Thiên Hoàng hân hoan xuống chiếu kêu gọi thần dân trăm họ cùng ăn mừng , đánh dấu một chiến công hiển hách , một nét son hào hùng vừa ghi vào trang quân sử .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế