Vì đâu nên nỗi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 8  :    VÌ ĐÂU NÊN NỔI

   Một tháng qua , kể từ lúc Iwakuro có mặt ở Newyork cho  đến nay , những chuyển biến dồn dập ở Đông Kinh đã khiến cho Hull cảm thấy cục diện càng ngày càng rối rắm thêm . Với hai văn bản sơ bộ trong tay được Nomura gửi đến , một bản do chính Nomura và nhóm Iwakuro thực hiện (bản này Nomura không có báo cáo về Đông Kinh) và một bản do chính Đông Kinh đề nghị , bởi vậy nội dung của nó có rất nhiều điểm rất mâu thuẫn với nhau khiến cho ông không còn đoán ra được ý định của Nhật Bản nữa .

  Trong hoàn cảnh ấy Hull phải bỏ ra cả tuần lễ dài đọc và sắp xếp lại những điểm rối ren phức tạp để đút kết lại thành một văn bản trả lời chính thức . Xong , ông lại gặp Nomura và tự tay trao hơn 6 trang giấy ghi đầy đủ những điều khoản mà ông không thể nào chấp nhận .

  Trong khi Hull đang tìm phương giải quyết với mớ bòng bong của Nomura thì ở Đông Kinh phe quân đội lại nghĩ rằng Mỹ đang câu giờ cố tình kéo dài thời gian gây bất lợi cho Nhật Bản . Họ quay lại chống đối với Konoye dù là nơi công cộng hoặc ở tư dinh . Sự chống đối càng lan rộng và đỉnh của nó là một tổ chức ám sát Thủ Tướng dự định sẽ ra tay ngày 18 tháng 9 .

  Như thường lệ , khi ra khỏi nơi cư ngụ của mình ở Ogikubo , một vùng quê hẻo lánh thuộc ngoại thành Đông Kinh , Konoye phải mất đến 45 phút lái xe đến trung tâm thành phố , nơi ông làm việc . Bốn người đàn ông tay kiếm tay đao cùng xông lại cố trèo lên xe tấn công ông nhưng may mắn thay cửa xe đã khóa kín . Họ dùng kiếm định đập kính xe nhưng vừa lúc ấy có một nhóm người mặc thường phục đến kịp giải vây cho ông .

  Konoye vẫn ít cảnh giác cho sự an nguy của tính mạng mình hơn là thời điểm chót đã sắp đến cho nền hòa bình của quốc gia . Chỉ còn non 3 tuần lễ nữa mà Roosevelt vẫn tuyệt nhiên không cho ông biết thời gian và địa điểm cho cuộc gặp gở . Grew dĩ nhiên là không hay biết chuyện này . Bốn ngày sau khi Thủ Tướng bị ám sát hụt , Grew được mời đến văn phòng của Ngoại Trưởng . Ở đây , Ngoại Trưởng Toyoda phàn nàn với Grew rằng ông không thể nào hiểu nỗi sự chậm trễ của Hull trong việc đàm phán hòa bình . Trong khi ông sẳn sàng tính xa hơn nữa trong công cuộc xây dựng hòa bình . Ông đã chuẩn bị những kế hoạch vãn hồi tình trạng xáo trộn cho Trung Hoa : Giúp họ liên hợp hai chính phủ Tưởng Giới Thạch và Uông Tinh Vệ với tư cách một đồng minh bất vụ lợi , không bồi thường chiến tranh nhưng sẳn sàng hợp tác để phát triển kinh tế , đồng thời cũng triệt thoái toàn bộ binh lực , chỉ dành lại một số nhỏ quân đội ở những nơi hiểm yếu để hỗ trợ với quân Trung Hoa chống lại Cộng Sản .

  Grew tóm tắt những ý định mới của Toyoda và gửi ngay cho Hull . Đồng thời , bởi quá lưu tâm đến những vấn đề nguy hiểm trước mắt nên ông quyết định thực hiện ngay một thỉnh cầu đặc biệt bằng cách tự mình viết ngay một lá thư riêng cho Tổng Thống Roosevelt . (giữa Grew và Roosevelt vốn đã có tình giao hảo lâu dài từ thời hai người còn phục vụ ở Havard Crimson) .

  Thư ông kể rõ tình trạng hiểm nghèo của Konoye , một vị Thủ Tướng yêu chuộng hòa bình sẳn sàng lấy cái chết để tránh được cái họa binh đao cho quốc gia dân tộc , nhưng những bọn quá khích thì không hề hiểu được thiện ý ấy nên cùng nhau âm mưu ám hại ông  .

  Nhưng những nhân vật nồng cốt trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lại cho rằng Thủ Tướng Konoye chính là kẻ chủ mưu gây hấn . Hull không thể nào quên được khi Konoye chấp chánh vai trò Thủ Tướng trong lúc Nhật Bản đang xâm lăng Trung Hoa và lúc mà Hiệp Ước Liên Minh được thành hình . Mặc dù Konoye tuyên bố ủng hộ bốn yêu tố cơ bản theo đòi hỏi của Hoa Kỳ nhưng đó có nghĩa là không có dụng tâm của ông ta ? Chỉ tóm lược những chi tiết đó thôi thì lý do để thương thuyết hòa bình của Konoye cũng tự mất hết ý nghĩa của nó rồi .

  Vì thế , đối với Roosevelt , ông cảm thấy không còn nhiệt tình hứng thú gì khi quyết định cùng Konoye nói chuyện hòa bình . Trong khi ở Đông Kinh , Grew vẫn nuôi hy vọng hòa đàm và ông quả quyết rằng những giới chức cao cấp ở Hoa Thịnh Đốn không thể nào nhìn thấy được bao nhiêu hiểm nguy đang bao vây lấy Konoye . Ông gửi ngay một bức điện văn báo cáo về Ngoại Trưởng Hull , với nội dung gần như là một lời cảnh báo hơn là khẩn cầu :

  … Đại sứ đặc mệnh toàn quyền (Grew) một lần nữa xin nhắc lại bản báo cáo lần trước , rằng chính trường Nhật luôn bị dao động không ngừng bởi hai chính sách ôn hòa và cực đoan . Muốn lèo lái con thuyền quốc gia đi ngược lại đường lối xâm lăng của họ quả thật là mộng tưởng cho những chính khách có nhiệt tâm , chưa nói đến sự an toàn cho bản thân của họ ….

  Đại sứ xin nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải hiểu rõ tâm lý chung của người Nhật , về căn bản thì không bao giờ tìm thấy ở những quốc gia phương Tây , phản ứng của họ chúng ta không thể nào lường trước được ….”

  Grew kết luận nếu muốn tránh chiến tranh với Nhật , Hoa Kỳ không nên thẳng tay thắt chặc kinh tế của họ . Giúp đỡ Nội Các Konoye vượt qua cơn sóng gió hiện tại là cách giải quyết hợp lý và hữu hiệu hơn cả . Trừ phi Hoa Kỳ tỏ ra “thông cảm những điều kiện hợp lý” cho Konoye và những người ủng hộ ông ta tái tạo lại chính trường Nhật , lúc ấy “chiến tranh Thái Bình Dương” sẽ không còn là đề tài để tranh luận nữa .

  Hôm sau Grew ghi vào quyển nhật ký rằng chính ông đã “vẽ một bức tranh hết sức trung thực về hoàn cảnh hiện tại của chính trường Nhật Bản về cho chính phủ của ông” .

  Mãi cho đến ngày 02 tháng 10 Hull mới chính thức trả lời rõ ràng theo thỉnh cầu mà Nhật đã mòn mõi đợi mong . Ông “nhiệt liệt hoan nghênh” cuộc hội nghị thượng đỉnh và rất “lấy làm phấn khởi” khi bốn điểm của Hoa Kỳ nêu lên đã được Konoye chấp thuận . Nhưng hành động xâm lược của Nhật thì vẫn không thể chấp nhận được , đặc biệt như trường hợp ở Trung Hoa , quân đội của họ vẫn còn chậm trễ trong việc rút hết toàn bộ binh lực . Vì thế cuộc họp thượng đỉnh sẽ phải hoãn lại đến khi nào đạt được những “yếu tố cần thiết” .

   “Thật sự thì chúng tôi cũng đâu có muốn cuộc họp bị trì hoãn vì bất cứ một lý do nào” Hull vội vàng quả quyết như để tỏ ra mình có thiện ý với Nomura . Quả thật là một sự dối trá đáng khinh bỉ của một chính khách đang được mọi người kính trọng như Hull , một vị Ngoại Trưởng đầy uy quyền của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ lại không tôn trọng danh dự của lời nói . Hull làm thế nào quên được lời yêu cầu của Tướng George C.Marshall , Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ và Đô Đốc Harold R.Stark Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ là nên cho họ thêm thời gian để củng cố , tăng cường thêm sức mạnh ở vùng Thái Bình Dương . Trớ trêu thay , Hull đã không cho quân lực Hoa Kỳ có đủ thì giờ để hoàn tất việc chuẩn bị bố phòng . Ngược lại , ông dùng thủ đoạn ngoại giao đẩy Nhật Bản vào đường cùng khiến cho họ quyết định tiến đến chiến tranh càng nhanh hơn .

  Đúng 11 giờ ngày hôm sau , tức 05 tháng 10 , Bộ Chỉ Huy Lục Quân mở một phiên họp tại văn phòng của Tojo để quyết định “Đã không thể thương thuyết theo đường lối ngoại giao nữa thì chúng ta cần phải dâng ngay kiến nghị lên Thiên Hoàng chọn ngay giải pháp chiến tranh” .

  Thủ Tướng Konoye tuy vừa trở về sau một tuần lễ nghỉ mát nhưng ông cảm thấy chán nản hơn bao giờ hết . Rạng sáng ngày 12 tháng 10 , ông cho triệu tập tất cả Bộ Trưởng Chiến Tranh , Hải Quân và Ngoại Giao cùng Tướng Suzuki đến dinh thự riêng của mình tại Ogikubo . Đó là một ngày Chủ Nhật đẹp trời mà cũng là ngày sinh nhật lần thứ 50 của Konoye .

  Trước khi buổi họp bắt đầu , Kanji Tomita xuất hiện và trao cho Konoye một lá thư của Tổng Cục Trưởng Hải Quân Takasumi Oka . Thư ông viết “Hải Quân chúng tôi vẫn đặt trọn niềm tin vào cuộc đàm phán Nhật-Mỹ và hy vọng có thể tránh được nạn binh đao khói lửa” . Trong cuộc họp , Tojo muốn Oikawa trình bày một cách thẳng thắn vì theo lá thư ngắn của Oka , theo ông nghĩ , đó là lối biện luận của những kẻ nhát gan (không dám gánh vác trọng trách) . Oikawa chỉ thở dài tuyên bố “Còn gì nữa để thương thuyết chứ !” .

  Bất cứ sự chọn lựa nào cũng phải quyết định ngay . Konoye đứng lên đi quanh bàn với dáng điệu mệt mõi , ông nói chầm chậm như đang nói với chính mình “Đàng nào cũng phải liều một phen . Câu hỏi được đặt ra là sự chọn lựa nào sẽ nhiều có mạo hiểm mà thôi !”. Nhưng ông chợt quay lại nhìn một lượt quan khách và bằng một giọng dứt khoát , ông nói “Nhưng theo tôi , tôi vẫn chọn con đường thương thuyết với Hoa Thịnh Đốn” .

  Tojo tỏ vẻ không đồng ý , ông hừm một tiếng rồi nói  “Lẽ cố nhiên đó chỉ là ý kiến riêng của Ngài ? Dù sao thì tôi còn phải hỏi lại quan điểm của Ngoại Trưởng xem sao” . Toyoda gật gù góp lời “Cũng tùy vào hoàn cảnh mà phán đoán . Trước mắt , việc hóc búa nhất vẫn là sự hiện diện quân đội của ta trên khắp miền Hoa Lục . Nếu ta không chịu nhượng bộ theo lời yêu cầu của Hoa Kỳ thì không thể nào ngồi vào bàn hội nghị . Nhưng nếu như quân đội có thể tự nhận thấy đây là một đường lối tốt để đoạt được thỏa hiệp thì việc triệt thoái quân lực ở Trung Hoa chẳng lẽ nào không thực hiện được !

  Tojo bất giác ngắt lời Toyoda “Duy trì lực lượng đồn trú ở Hoa Lục là sự sống còn của quân đội . Không , nhất quyết là không thể nào thực hiện chính sách nhượng bộ này được !” . Theo bản dự thảo mà chính phủ của chúng ta đã chấp thuận thì việc bãi toàn bộ binh lực trên toàn cõi Hoa Lục là một nhượng bộ quá sức tưởng tượng rồi sao bây giờ họ (Hoa Kỳ) còn đòi hỏi chúng ta phải cấp tốc trong một thời gian ngắn để rút hết quân trú phòng nơi quan ngoại . Việc này không thể nào thực hiện được , chỉ trừ khi nào có lệnh vãn hồi hòa bình nơi Hoa Lục . Hàng triệu quân nhân Nhật đang khóa chân nơi những chiến trường khốc liệt , nơi mà Cộng Sản đang bành trướng và vô số dư đảng của những lãnh chúa đang hoành hành , nơi mà rất cần có sự hiện diện của quân đội Hoàng Gia Nhật để bảo đảm an ninh , duy trì trật tự xã hội cho dân chúng và hơn nữa là đẩy mạnh kinh tế cho một lục địa mênh mông với hàng mấy trăm triệu dân đói nghèo . Bởi vậy , việc triệt thoái quân đội trước khi chưa vãn hồi tình trạng xáo trộn là một việc “chẳng biết giữ gìn chân giá trị của quân đội” . Tuyên bố này đã được Ban Tham Mưu cũng như những binh sĩ đồn trú Hoa Lục ủng hộ mạnh mẽ .

  Konoye bất ngờ nhắc lại “Ông tưởng rằng bây giờ mình còn điều kiện để nói đến chuyện vinh dự hoặc trục lợi được nữa hay sao ?” Tại sao không chịu nhượng bộ một chút để thỏa mãn những đòi hỏi của Hoa Kỳ . Cứ như thế đi ! Rút hết toàn bộ binh lực , sắp xếp với người Trung Hoa để cho họ tự điều động quân đội lo việc an ninh bố phòng của riêng họ là xong .

  Không cần suy nghĩ , Tojo vội chêm vào “Đó là một nỗi nhục to lớn cho quân đội nói chung và cho những anh em đang chiến đấu ngoài chiến tuyến nói riêng . Họ tranh đấu vì vinh dự tổ quốc, vì sự sống còn của dân tộc . Nếu như họ tuân lệnh triệt thoái thì có khác nào họ đã khuất phục Hoa Kỳ , đến lúc ấy người Trung Hoa sẽ khinh miệt họ ra sao , mà người chiến sĩ can trường của chúng ta thà chết chứ chẳng bao giờ chịu nhục . Vì thế lệnh triệt quân chẳng những là một sỉ nhục lớn cho quân đội mà vô tình còn giúp cho Hoa Cộng có cơ hội phát triển nhanh chóng , chưa nói đến cái tai hại to tác là bán đảo Triều Tiên và Mãn Châu sẽ không còn nằm trong tầm tay người Nhật nữa” .

   Ngưng lại một lúc , Tojo đưa mắt nhìn quanh phòng họp rồi tiếp tục “Phe Lục Quân của chúng tôi thì không có một chiều hướng nào khác hơn là thi hành quyết định của hội nghị hôm 06 tháng 09 . Nếu thấy hy vọng có thể thành công trong việc đàm phán trước thời hạn đã qui định thì các ông cứ việc tiếp tục bàn bạc . Bộ Trưởng Hải Quân lại bảo với tôi rằng việc hòa hay chiến đều tùy thuộc vào Thủ Tướng cả , tôi thật sự chẳng đồng ý chút nào vì một việc hệ trọng như thế này theo lẽ phải có sự hỗ trợ và bàn thảo giữa cơ quan chính phủ và bộ chỉ huy tối cao quân đội . Và tôi cũng dám nghĩ rằng những rắc rối hiện tại khó có thể giải quyết bằng lối ngoại giao đơn thuần như thế được

  Thủ Tướng Konoye lên tiếng phản bác “Tôi không thể nào cam đoan được rằng chúng ta sẽ thắng cuộc chiến này . Và tôi nghĩ không còn con đường nào để cho chúng ta giải quyết mọi rắc rối bằng con đường thương lượng ngoại giao cả . Nếu bàn đến việc chinh chiến , tất nhiên tôi phải để cho người nào tin tưởng vào chiến thắng thay tôi làm việc ấy” . Đoạn ông quay sang Tojo “Nếu ông cứ khăng khăng đề cập đến chuyện chiến tranh , ông có thể nào dám chịu trách nhiệm hoàn toàn cho lối giải quyết ấy” . Tojo hỏi lại “Nhưng Ngài đã chẳng phải đồng ý quyết định đi đến chiến tranh một khi cuộc thương thuyết thất bại ư ? Dĩ nhiên là có rồi , bởi vì Ngài cũng hiện diện trong buổi họp hôm ấy mà . Tôi cũng không hiểu vì sao Ngài lại thối thoát trách nhiệm ấy một cách nhanh chóng đến như thế” . Konoye cũng không vừa , ông chống trả ngay “Khi tôi còn cơ hội để thương thuyết thì tại sao tôi lại phải gánh vác trách nhiệm ấy chứ !

  Cuộc tranh luận cứ như thế kéo dài mãi cho đến chiều tối , kết quả vẫn là dậm chân tại chỗ , có nghĩa là phải chấp nhận chờ đợi cho đến thời hạn chót là 15 tháng 10 và quân đội vẫn hoạt động bình thường nơi Hoa Lục .

  Rốt cuộc rồi cuộc họp vẫn không đi đến một thỏa hiệp chung nào cả nhưng nó cũng gây được một chút ảnh hưởng trong lối suy nghĩ của Tojo  . Từ đầu đến cuối phiên họp ông cứ giữ một luận điệu bướng bỉnh ngang ngạnh , nhưng trên lộ trình về lại Đông Kinh , ông chợt nhận ra quyết định hôm 06 tháng 09 thật là một quyết định quá vội vàng khinh suất , vì phe Hải Quân dường như họ thiếu nhiệt tình nên chưa dứt khoát . Đề xuất một cuộc chiến trong tình huống bất lợi như thế quả là phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng .

  Vừa về đến Bộ Chiến Tranh , Tojo vội cho mời Đại Tá Kenryo Sato đến và cho ông biết phe Hải Quân vẫn còn trong tình trạng nao núng chưa vững lòng tin . Sato vội góp ý “Thưa Bộ Trưởng . Tôi sẽ sắp xếp cho Ngài và Bộ Trưởng Hải Quân cùng 2 vị Tham Mưu gặp nhau ở một nơi nào đó để có thể thẳng thắn bàn luận trong không khí thân mật có tính cách cá nhân hơn , chẳng hạn như ở Sake at a Machiai (một nhà hàng có kỷ nữ Geisha phục vụ) . Ngài có thể đi thẳng vấn đề với ông ta rằng quan điểm của phe Hải Quân như thế nào , ủng hộ hoặc phản đối phải dứt khoát ngay một lập trường . Ngài bảo với họ , một cuộc chiến mà Hải Quân giữ vai trò then chốt , nếu họ không đặt trọn niềm tin vào sự chiến thắng thì tốt nhất chúng ta không cần phải phát động chiến tranh . Và , nếu như không phát động chiến tranh dĩ nhiên sẽ có nhiều tranh cãi nổ ra . Ở vào hoàn cảnh này Ngài cũng nên hứa với họ rằng sẽ không bao giờ viện cớ vì phe Hải Quân thiếu quả quyết . Cho họ biết , với cương vị của một Bộ Trưởng , Ngài sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm khi không muốn giao chiến” .

  Mặt Tojo bất giác đăm chiêu , giọng ông trở nên ấp úng lạ thường “Đại Tá có ý muốn bảo tôi rằng những sĩ quan vai mang nặng trọng trách ấy sẽ không đề cập đến quyết định của Thiên Hoàng trong phiên họp ngày 6 tháng 9 ấy ư ?”

    Đoạn ông từ chối không đi theo một kế hoạch mà ông cho là thủ đoạn lừa bịp , một luận điệu để trốn tránh quá ngô nghê đáng hổ thẹn .

  Dù cuộc họp mặt tại Ogikubo (tư gia Thủ Tướng) chẳng mang lại chút thành quả nào nhưng theo tin đồn của nó được ai đó thổi phồng lên khiến Nội Các Nhật gần như lâm vào tình trạng khủng hoảng và suýt chút nữa đã tuyên chuyến với Hoa Kỳ . Thủ Tướng Konoye rất lấy làm thất vọng . Không còn nhượng bộ nào nữa thì hà tất còn nghĩ đến việc thương thuyết làm gì . Ngồi thừ người ra mà suy tư , mà vẽ ra một tiền đồ đen tối cho đất nước , ông không biết nên phải làm gì khi thời hạn cho phép đã gần kề . Bất giác ông thở dài thườn thượt rồi quyết định gặp Tojo một lần để có một buổi cùng ông Bộ Trưởng Chiến Tranh chuyện trò trong không khí thân mật hơn . Konoye liền điện thoại ngay cho Tojo và ngõ ý muốn gặp ông vào rạng sáng hôm sau , tức 14 tháng 10 , trước khi có phiên họp Nội Các diễn ra vào lúc 10 giờ sáng hôm ấy .

  Gặp nhau , Konoye vào đề ngay :

  - Mọi ý kiến đóng góp cá nhân của Bộ Trưởng tôi đều tôn trọng nhưng vẫn còn một trở ngại không nhỏ là vấn đề cấp bách phải giải quyết ngay là sự hiện diện của quân đội ta ở Hoa Lục ...

  Đã đoán ra ngay ý định của Konoye là muốn mình triệt thoái ngay mọi hoạt động quân sự ở Trung Hoa cho đúng thủ tục theo yêu cầu của Hoa Thịnh Đốn cho nên Tojo nổi giận nhủ thầm “Hắn đã trở lại cái luận cũ cũ rích ấy nữa rồi . Cách giải quyết của hắn chẳng có thể giải quyết được gì cả . Trên trường quốc tế , Hoa Kỳ là con cáo già , được voi đòi tiên vốn là chính sách ngoại giao cố hữu của họ , Konoye vẫn biết như thế . Càng nhịn họ càng làm tới và cuộc chiến này không thể nào tránh khỏi dù sớm dù muộn” .

  Tojo khẩn khoản “Tôi lúc nào cũng tôn trọng lối suy luận của Ngài , nhưng hình như Ngài đã quá lạc quan trong vấn đề này . Ngài vốn hiểu quá rõ những nhược điểm riêng của ta …. Và Hoa Kỳ dĩ nhiên cũng có không ít những nhược điểm riêng của họ …”

  Konoye chép miệng “Quả là một vấn đề có thể tranh cãi được đây

  Rồi ông nhắc cho Tojo nhớ lại thời điểm 1904 . Hôm 04 tháng 02 1904 , Minh Trị Thiên Hoàng cho vời Hoàng Thân Ito và hỏi ý kiến của vị Hoàng Thân này rằng Nhật có thể đánh bại Liên Xô không . Ito liền tâu với sức mạnh của quân đội Nhật hiện tại thì chỉ có thể cầm chân địch quân ngay tại biên giới Triều Tiên trong vòng 1 năm là cùng . Đồng thời ngay lúc ấy Hoa Kỳ có hão ý muốn đứng ra làm trung gian hòa giải hai nước nếu ta cần đến họ . Thế là Minh Trị Thiên Hoàng càng vững tâm hơn khi phê chuẩn cho quân đội Thiên Hoàng tuyên chuyến . Trong hoàn cảnh hiện tại , bên ta không có một quốc gia thứ 3 nào đứng ra làm hậu thuẫn cho việc hòa giải . Do đó chúng ta phải bước từng bước hết sức cẩn trọng , đặc biệt là đối với Hoa Kỳ , một đất nước mà tiềm năng quốc gia có thể cho là vô tận vẫn không ngoa .

  Tojo đờ người hỏi lại “Cẩn trọng ư ? Thời điểm này chúng ta cần phải có đầy đủ dũng khí để làm một việc phi thường ! Cũng giống như nhắm mắt mà nhảy bừa từ trên cao độ rồi rơi vào đâu , kết quả thế nào cũng mặc kệ !”

  Konoye nghiêm nghị nói  “Đấy chỉ đơn thuần là một hành động điên rồ của một cá nhân nào đó . Ở đây là chuyện đại sự của một quốc gia dân tộc , những người mang trọng trách chớ nên suy tính một cách dại dột như vậy” .

  Lời nói mang tính chất giáo huấn khiến cho Tojo đứng bật dậy , đôi mắt hung quang chiếu thẳng vào Konoye , giọng ông đanh lại và nói “Tất cả mọi tình huống đã an bài như hôm nay , nguyên do cũng vì sự khác biệt giữa cá tính của chúng ta có phải thế không Ngài ?”

  Tojo hậm hực nghĩ rằng mẫu người như Konoye quá nhu nhược để ngồi ở ghế Thủ Tướng trong một hoàn cảnh hết sức gay go này . Hơn thế nữa , ông cũng chẳng bao giờ biết tôn trọng lời hứa .

  Tojo xô cửa bước ra và đi thẳng vào phòng họp của Nội Các với ý định đã dứt khoát là đứng về phía đối lập với Konoye , và nếu cần ông có thể dùng biện pháp mạnh là hô hào bắt buộc Thủ Tướng nên từ chức . Phiên họp bắt đầu , Tojo hân hoan nghĩ đến kế hoạch đã vẽ ra trong đầu có thể gây ra một cuộc tranh cãi xôn xao trong buổi họp hôm nay . Ông gõ nhè nhẹ tập bìa giấy rồi lên tiếng trước “Quân đội đang tiếp tục chuẩn bị cho cuộc chiến . Tôi không có ý rằng mình đã làm cản trở việc đàm phán , nhưng sự chờ đợi và trò chơi kéo dài thời gian theo lối ngoại giao trịch thượng của Hoa Kỳ là một việc không thể chấp nhận được” .

  Đoạn ông quay sang Toyoda dọ hỏi xem ý của vị Ngoại Trưởng này có bao nhiêu cơ hội thành công trong việc đàm phán với Hoa Thịnh Đốn . Cựu Đô Đốc Toyota không dứt khoát câu trả lời , ông lập luận rằng “Căn cứ về những yêu cầu cơ bản của người Mỹ , việc triệt thoái toàn bộ quân lực trên phần đất Trung Hoa chẳng hạn , chúng ta vẫn chưa thỏa mãn được điều kiện ấy thì kết quả của cuộc đàm phán sẽ ngã về chiều hướng nào bất tất khỏi phải bàn đến . Nếu chúng ta cùng thống nhất với một nguyện vọng hòa bình thì đối với họ , mọi hành động của chúng ta phải quang minh chính đại , hòa ra hòa chiến ra chiến . Trước mặt thì chạy đôn chạy đáo lo hoạch định thương thuyết hòa bình mà sau lưng lại bày binh bố trận thì người Mỹ họ sẽ nghĩ gì về chúng ta ?

  Nóng quá nên mất khôn , Tojo như quên rằng mình đang ngồi trong phòng họp của Nội Các chính phủ , ông mất bình tỉnh đứng lên khoa tay lớn tiếng phản bác “Tôi không nhượng bộ đến độ phải triệt thoái toàn bộ lực lượng . Nó có nghĩa là Nhật Bản bị bại trận dưới tay Hoa Kỳ . Một vết nhơ muôn đời không tẩy sạch trong lịch sử của đế chế Phù Tang ! Đường lối ngoại giao không hẳn lúc nào cũng phải cúi đầu nhân nhượng thái quá ; đôi lúc nó lại trở thành nạn nhân cho một sự áp bức nào đó . Giả như chúng ta chịu thiệt thòi mà nhượng bộ thì sẽ mất lục địa Mãn Châu và bán đảo Triều Tiên” .

    Nói đoạn ông quay sang phía Hải Quân , bao nhiêu tức giận còn lại đều dồn về phía Đô Đốc Oikawa , giục vị Bộ Trưởng này phải thẳng thắn trả lời trước mặt mọi người rằng phe Hải Quân của ông có thể đã bại Hoa Kỳ hay không . Trong khi ấy Thủ Tướng Konoye và mọi người đều ngồi im lặng chú tâm theo dõi từng diễn biến một . Phát biểu cuồng nộ của Tojo khiến cho mọi người sững sờ như bị hóa đá .

  Dù sao thì những lời hằn học , tuy đanh thép nhưng không kém thực tế cũng mang lại một cho Tojo một chút thành quả như ông mong muốn . Chỉ 3 giờ đồng hồ sau khi phiên họp giải tán , Tướng Suzuki đến văn phòng của Tojo và tự nhận mình là môi giới của Thủ Tướng Konoye . Suzuki bảo Konoye không thể nào ngồi lại cương vị Thủ Tướng nữa trong khi Tojo cho tung ra những quan điểm mạnh mẽ đầy sức thuyết phục như thế .

  Tojo từ chối hủy bỏ lời tuyên bố của mình lúc ban sáng và bảo rằng Konoye vẫn tiếp tục ngồi trên ngôi vị Thủ Tướng chỉ khi nào ông ta sẳn sàng đứng về phía Lục Quân , nghĩa là chủ chiến .

  Chiều hôm ấy , Kanji Tomita , thư ký nội các gọi cho Tướng Muto và bảo rằng “Thủ Tướng không thể tự mình quyết định được gì cả nguyên nhân có lẽ cũng vì sự lừng khừng không dứt khoát của cánh  Hải Quân” . Và do đó phe Lục Quân cần phải cân nhắc kỹ càng khi biết chắc rằng phải hành động đơn độc không có sự tham gia của Hải Quân .

  Muto thắc mắc hỏi “Nhưng chẳng phải Hải Quân đã bảo đánh hay đàm đều do quyền Thủ Tướng quyết định cả sao ?”

  Lối trả lời nửa vời của Hải Quân và sự bối rối không nhất quyết của Konoye đã gây hoang mang cực độ trong giới tướng lãnh Lục Quân . Trọn ngày 14 tháng 10 , Suzuki cùng Tomita , Oka và Muto chạy đôn chạy đáo hết văn phòng này đến văn phòng khác trong phe họ để trao đổi , liên hệ soạn thảo kế hoạch , bởi họ ngại nếu sử dụng điện thoại có thể bị người ngoài cuộc ghi lại hoặc nghe lén .

  Tối đến , Suzuki ghé lại văn phòng của Bộ Chiến Tranh . Ông ta đổ tội vì Hải Quân nên tất cả đành đi vào ngõ cụt . Suzuki lại ướm lời với Tojo rằng ai là người đáng mặt để mọi người đề cử thay thế vào chức vị Thủ Tướng của Konoye . Tojo nói “Tôi dám bảo đảm với ông rằng không ai có đủ khả năng ngoài Hoàng Thân Higashikuni cả . Konoye không thể cứu vãn nỗi tình hình này thì chúng ta có quyền chọn một vị trong Hoàng Tộc đứng ra thay thế” . Tojo còn cho biết thêm là vị Hoàng Thân có vai vế dượng rễ của Nhật Hoàng Hirohito này vốn là một trong vài nhân vật Nhật Bản hiếm hoi có đủ uy tín , dù cho ông có ý “dĩ hòa vi quí” với Mỹ thì phe quân đội cũng chẳng nổi loạn . Ông ta có thể triệu tập ban tham mưu và quyết định chống lại chiến tranh mà không một ai dám chống đối . Thiên Hoàng không thể làm được điều này vì đi ngược lại hiến pháp , nhưng với Higashikuni , một thành viên uy tín trong Hoàng Tộc thì có thể được .

  Bàn bạc xong thì Tojo từ giả ra về . Riêng Suzuki lại ghé sang tư dinh của Thủ Tướng Konoye ở ngoại thành Đông Kinh để báo cho ông biết Higashikuni là người đã được Bộ Trưởng Chiến Tranh chọn làm Thủ Tướng . Konoye hân hoan bảo rằng Higashikuni là một mẫu người lý tưởng có thể gánh vác được chuyện lớn . Ông bảo sẽ tâu cùng Thiên Hoàng trong buổi chầu sáng sớm ngày mai .

  Hôm sau , ngày 15 tháng 10 , thời hạn qui định cho việc đàm phán đã chấm dứt . Tướng Suzuki bận rộn hơn bao giờ hết . Vừa sáng sớm ông đã báo cho Marquis Kido biết về sự đề nghị Higashikuni lên thay thế chức Thủ Tướng , nhưng trông vẻ mặt của vị Quản Thủ Quốc Ấn này như không mấy sốt sắng . Tuy là một nhân tài hiếm thấy nhưng Higashikuni lại không có một chút kinh nghiệm nào về chính trị cả . Quan trọng hơn , Hoàng Thân là một thành viên của Hoàng Gia nên ông không thể nào hứng chịu hết mọi trách nhiệm một khi chiến tranh xảy ra .

  Lúc trưa , Konoye cho Suzuki biết là ông đã tâu lên Thiên Hoàng về việc chọn Higashikuni lên thay ông trong chức vụ Thủ Tướng , Konoye còn cẩn thận dặn dò Suzuki nên cho ông ta biết rõ quan điểm của mình cùng Tojo để Higashikuni dễ dàng hành động khi chấp chánh .

  Suzuki vâng lời Konoye , ông đến gặp ngay Higashikuni và bảo rằng “Trong quân đội của chúng tôi không phải ai cũng muốn chiến tranh . Ngài là người mà chúng tôi đặt hết kỳ vọng là có thể cứu vãn tình trạng tồi tệ hiện tại” . Suzuki còn cho biết thêm , Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh Tojo tin rằng duy nhất chỉ có Higashikuni mới có đủ tư cách gặp trực tiếp với Thiên Hoàng hầu thỉnh ý và tìm hiểu quyết định của Ngài để chỉ huy quân đội nên hòa hay chiến . Higashikuni tỏ vẻ nghĩ ngợi “Đây là một vấn đề hệ trọng hết sức , tôi cần có thêm thời gian để suy nghĩ thấu đáo . Và tôi cần bàn qua với Hải Lục Quân trước khi đi đến quyết định dứt khoát” .

  Tối hôm ấy Konoye điện thoại dọ ý Kido là có nên gặp gở bàn bạc thân mật với Higashikuni không . Kido bảo rằng còn quá sớm để bàn bạc “Nhưng một khi chính phủ chịu hoàn toàn trách nhiệm thì tôi cũng chẳng có lý do gì để phản đối” . Tuy nhiên Konoye vẫn bí mật đến gặp Higashikuni , ông cho biết cuộc thương thuyết sẽ không bao giờ có kết quả nếu vẫn còn duy trì lực lượng ở Hoa Lục và với một nội các mới do Hoàng Thân đứng ra thành lập mới có thể lèo lái con thuyền quốc gia qua cơn sóng gió và quan trọng hơn hết là liên hiệp được hai phe Hải và Lục Quân đứng chung cùng một chuyến tuyến .

  Higashikuni nở một nụ cười héo hắt bảo “Yêu cầu này thật quá đột ngột và quá ư là khó khăn cho tôi , khi các người muốn tôi phải cứng rắn quyết định đi ngược lại sự thôi thúc của tình thế” .

  Ông lại trầm giọng như đưa ra một ý kiến “Hay là như thế này nhé . Thủ Tướng vẫn ngồi lại ngôi vị hiện tại và thành lập ngay một tân nội các . Nếu tân nội các đó lại gặp rắc rối với phe quân đội nữa thì dù tính mệnh tôi có thể bị đe dọa đi chăng nữa tôi cũng sẽ nhảy vào như là một phương sách cuối cùng” .

  Thật sự thì Higashikuni cho rằng Konoye rất xứng đáng với vai trò Thủ Tướng . Ông khuyên Konoye khi chọn lựa thành viên cho nội các mới nên chọn lựa một bộ trưởng chiến tranh nào có tư tưởng ôn hòa hơn Tojo , ông còn cam kết là sẽ đặc biệt quan tâm và dùng ảnh hưởng của mình để tạo thuận lợi cho Konoye hơn trong một chiều hướng hết sức bất lợi này .

  Konoye từ giả ra về mà lòng hân hoan thơ thới , ông có cảm tưởng lạc quan hơn và hẹn với lòng là vẫn tiếp tục đóng nốt vai trò Thủ Tướng , lèo lái con thuyền quốc gia thoát ra khỏi phong ba bão táp .

  Trong lúc ấy thì người đối lập của Konoye là Tojo cũng tỏ ra cương quyết vô cùng , ông ta là mẫu người không thể nhẫn nại ngồi chờ khi thời hạn đã chấm dứt mà vẫn chưa có ai động tỉnh gì . Để phá tan sự im lặng quá dửng dưng này , ông quyết tâm dò xét thái độ của Thiên Hoàng qua trung gian Kido , viên quan Quản Thủ Quốc Ấn . Gặp Kido , Tojo nhập đề ngay “Chiếu theo nghị định của cuộc họp hôm 6 tháng 9 thì thời gian hành động đã đến . Xin Ngài cho ý kiến” .

  Kido bảo rằng quyết định ấy được thông qua quá đột ngột không có sự thận trọng và bàn bạc kỷ càng . “Nó phải được cứu xét lại” . Câu trả lời của Kido càng làm cho Tojo nổi dóa , ông gạt ngang bằng một câu cộc lốc “Tôi biết” và quay sang đề tài khác “Thế thì vấn đề cải tổ nội các và ý kiến tiến cử một thành viên của Hoàng Tộc vào ghế Thủ Tướng sẽ tiến hành ra sao ?”

  Kido viện lẽ “Hoàng Thân chỉ tham gia vào chính trường khi quốc gia hòa bình” vì thế không thể chọn Higashikuni thay thế chức vị Thủ Tướng được .

   Những lý do của Kido nêu lên dù chánh đáng nhưng Tojo vẫn không thích nghe , ông cố moi óc tìm một lời cãi lại cho đỡ bực tức nhưng tựu trung vẫn không tìm được một lời khả dĩ để phát tiết . Ông quay lại với đề tài cố hữu là nghị định 6/tháng 9 , dù sao thì đấy cũng có sự đồng ý của Thiên Hoàng kia mà . Ông buột miệng hỏi một  câu thật ngớ ngẫn “Nếu chúng ta hành động , chuyện gì sẽ xảy ra cho nước Nhật chúng ta ? Kido , ông nghĩ thế nào ?”

   Kido đáp ngay không cần suy nghĩ “Tôi đoan chắc là nước ta sẽ trở về thời đại lạc hậu hàng thế kỷ trước !

  Cuộc gặp gở ngắn ngủi ấy đã gieo vào lòng Tojo một nỗi chán chường tuyệt vọng trong khi Kido thì vẫn còn mang nặng một mối ưu tư . Đọc được nét mặt bán tín bán nghi của Tojo cùng sự ngang ngạnh cương quyết đối đầu với Konoye trong sự thuyết phục chính giới tìm lại ánh sáng hòa bình cho đất nước , Kido vẽ ra một viễn ảnh không mấy gì sáng sủa lắm cho Konoye cũng như những chính khách có thiện tâm với Hoa Kỳ .

   Kido đã tuyên bố rằng nên bất hiệu lực quyết định 6/9 đi vì chính nó là một nội chứng ung thư , để chúng ta có rộng thì giờ nghiêng cứu và điều chỉnh lại . Người có đủ thẩm quyền quyết định phải là những người trong cuộc rất am tường tình hình hiện tại . Tân Thủ Tướng được chọn ra cũng phải là người trong nội bộ , có ảnh hưởng lớn trong chính giới . Có hai nhân vật được coi là hội đủ điều kiện là Đô Đốc Oikawa và Tướng Tojo . Nhưng từ khi Tướng Tojo nông nổi suýt gây ra cơn khủng hoảng chính trị thì Oikawa coi như là người thích hợp duy nhất cho chức vụ Thủ Tướng chính phủ . Nhưng vấn đề là giới sĩ quan trẻ thuộc phe hiếu chiến sẽ không bao giờ chấp nhận Oikawa , họ sẽ phản đối hoặc tệ hơn nữa là nỗi loạn .

  Kido giải thích thêm cho Konoye rằng “Một người uyên bác và trầm lặng như Oikawa dĩ nhiên sẽ mang lại lạc quan hơn trên trường quốc tế , nhưng nếu như bổ nhiệm ông ấy thì như tôi đã trình bày , phe quân đội sẽ nổi loạn vì bất phục . Vì thế Tojo vẫn là người duy nhất để chọn lựa nắm giữ chức vụ này . Ông ta có thể kềm chế sự bộc phát mãnh liệt trong quân đội một khi chiều hướng ngã theo đường lối hòa bình . Tóm lại , Tojo là một quân nhân đầy hào khí nhưng không tham vọng chính trị , thời gian nắm giữ Bộ Chiến Tranh càng chứng minh tài năng chỉ huy của một vị tướng tài khiến cho Đức Thiên Hoàng càng thêm trọng vọng” .

  Konoye nghe càng đờ người ra , lời nói của Kido khác nào gáo nước lạnh tạt vào mặt ông . Vốn có ác cảm với Tojo nhưng bây giờ lại phải nghe Kido khen ngợi hắn ta không tiếc lời càng khiến Konoye hậm hực trong lòng , nỗi oán ghét trào dâng đến độ ông không còn muốn đối diện với Tojo thêm một lần nào nữa trong cuộc đời này .

  Konoye hữu tâm vô lực đành ra về với lòng ngổn ngang trăm mối , ngậm ngùi thương vận nước non , buồn lo vì cơn rối ren chính sự . Bầu nhiệt huyết vẫn tuôn chảy không ngừng nhưng hiện tại ông quá bất lực , đành bó tay nhìn cơn biến động dập dồn mà không biết đến bao giờ mới nhìn thấy ánh sáng của hòa bình cho non nước .

  Rựng sáng hôm sau , khi Dooman vừa thức giấc thì có tiếng chuông điện thoại reo vang . Ushiba , thư ký riêng của Konoye gọi đến và xin được đến gặp Dooman có chuyện cần bàn ngay . Trong lúc Dooman còn đang dùng điểm tâm thì Ushiba xuất hiện , ông bảo rằng suốt đêm qua chẳng hề chợp mắt vì bận giúp Konoye những thủ tục cần thiết để bàn giao lại cho vị tân Thủ Tướng . Ushiba có mang theo một lá thư riêng của Konoye chuyển giao lại cho Đại Sứ Grew “để ngõ lời xin lỗi và sự thất vọng” cho sự từ chức đột ngột của ông . Đồng thời cũng giải thích cho Grew hiểu rõ tại sao Tojo được chọn làm tân Thủ Tướng .

  Khoảng 1 giờ chiều cùng ngày , 7 vị cựu Thủ Tướng Nhật tề tựu tại tiền sảnh nơi góc phía tây cung điện để cùng các vị sĩ quan và chính khách khác họp bàn tuyển chọn tân thủ tướng thay thế Konoye . Kido cũng hiện diện trong nhóm người này , và nhất quyết tiến cử Tojo . Vài chính khách khác góp ý nên chọn ra một vị Hoàng Thân tài đức nào thay thế cũng được nhưng Kido từ chối thẳng thừng , lý do nếu chiến tranh xảy ra , “Hoàng Gia sẽ phải trực diện với những phản đối kịch liệt của thần dân thiên hạ” . Ông viện dẫn Tojo “là người đã quá quen với những tình huống éo le” và chỉ có ông mới có thể “khéo léo hài hòa giữa Lục quân và Hải quân” , thêm vào đó Tojo mới là người am hiểu nhiều nhất những cần thiết hoặc sửa đổi của nghị định 6/9 .

  Một vị sĩ quan Hải Quân , đô đốc Okada – vốn là cựu Thủ Tướng Nhật , người đã thoát hiểm trong cuộc binh biến 26 tháng 2 – 1936 cực lực phản đối sự đề cử Tojo . Có phải chăng cánh Lục quân của Tojo đại diện quốc gia để chứng minh cho sự cứng rắn và kiên quyết không nhân nhượng ? Theo sự tiến cử của Quản Thủ Quốc Ấn Kido , tôi xin nhắc nhở cho mọi người nhớ lại “trong quá khứ phe lục quân đã có lần bắn vào chúng tôi bằng súng trường , hy vọng rồi đây họ sẽ không sử dụng đại bác để hành động tương tự !

  Kido đồng ý , cho rằng sự kiện vừa xảy ra đó chính là một vấn đề hệ trọng cần phải lưu tâm . Nhưng ở đây , Tojo là người ở một địa vị then chốt , đầy uy tín và đủ khả năng để đè bẹp mọi biến động gây ra bởi một số ít phần tử quá khích trong hàng ngũ sĩ quan trẻ tuổi .

  Cuộc đề cử Tojo lời qua tiếng lại kéo dài đến hơn 3 : 30 chiều . Cuối cùng thì Yoshimichi Hara đại diện với tư cách Chủ Tịch Hội Đồng Cơ Mật Hoàng Gia , chấp thuận đề nghị tiến cử Tojo vào chức vụ tân Thủ Tướng Nhật Bản . Koki Hirota , một cựu Thủ Tướng nêu lên câu hỏi ai sẽ nắm giữ Bộ Chiến Tranh thay thế cho Tojo . Kido chỉ đáp vắn tắc :

  - Tạm thời vẫn để Tojo kiêm nhiệm để dễ bề cai quản bọn quan binh khá khích !

  Buổi họp giải tán , trước khi từ giả Hara tuyên bố :

  - Tôi không nghĩ rằng quyết định của Quản Thủ Quốc Ấn Kido khó làm cho mọi người vừa lòng . Nhưng trước mắt chỉ có một chọn lựa duy nhất mà thôi . Chúng ta không biết phải làm sao hơn , đành phải tuân theo mệnh trời vận nước mà thôi …

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế