Nổ lực trong vô vọng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 7       NỔ LỰC TRONG VÔ VỌNG

   Trong những năm chấp chánh với vai trò Thủ Tướng , Konoye đã phải đương đầu với không biết bao nhiêu khó khăn trở ngại , trong chính giới đã có rất nhiều người bày tỏ quan điểm thân thiện và biểu lộ sự thông cảm đối với ông . Tại sao phe Tự Do lại quá yếu mềm dung dưỡng cho phe quân phiệt tạo nhiều vây cánh khuynh đảo cả chính trường ? Tại sao với cương vị là một Thủ Tướng chính phủ mà ông ta chịu lép vế trước một ông Ngoại Trưởng ngang ngược của mình , cứ để cho ông ta ngông cuồng phát biểu gây nguy hiểm cho cuộc thương thuyết với Hoa Thịnh Đốn . Đại Sứ Craigie là người rất hiểu Konoye và thông cảm cho nỗi khổ của ông , trong những bài diễn văn , Craigie thường đề cập đến cá tánh của Thủ Tướng “Ông ta không bao giờ tỏ ra to tiếng hay tỏ ra chút gì là giận dữ khi thuộc cấp đi ngược lại ý kiến của ông . Một đức tính nhã nhặn đáng kính , song bên cạnh đó ông đã phạm một lỗi lầm rất lớn là dùng thái độ hòa nhã để đối phó hoặc kiềm chế với những phần tử quá khích” .

  Cùng với ý nghĩ của Craigie , Trung Tướng Suzuki , một nhà quân sự thông thái cho rằng với nhược điểm ấy khiến cho ông ta gần như không quyết định thẳng một vấn đề gì để hành động cả . Nhưng cả hai lại đồng ý một điểm – đích thân Konoye sẽ gặp riêng Tổng Thống Hoa Kỳ - hy vọng rằng với đường lối chủ hòa của đương kim Thủ Tướng có thể cùng Roosevelt ngồi lại thảo luận hầu tìm ra một cách giải quyết êm đẹp cho hai quốc gia . Ngày 04 tháng 08 , Tướng Suzuki gặp Tojo và Oikawa và cho cả hai biết về ý định của mình “Nếu Tổng Thống Hoa Kỳ vẫn không thay đổi quyết định , nghĩa là họ đẩy chúng ta vào đường cùng , chúng ta dĩ nhiên không cần đàm phán gì cả” .

  Suzuki nghĩ rằng : muốn đạt được thỏa thuận thì Nhật và Mỹ phải biết nhượng bộ cho nhau và cuộc thỏa thuận càng có kết quả nếu đại diện cho hai quốc gia là những nhà lãnh đạo . Những tư tưởng phóng khoáng trực tiếp gặp nhau dù sao vẫn hơn phải qua một trung gian thừa hành .

  Khoảng một tiếng sau Đô Đốc Oikawa báo cáo là phe Hải Quân đã hoàn toàn đồng ý quyết định này và xin gửi lời chúc chuyến công du của Thủ Tướng gặt hái được nhiều thành quả . Nhưng đối với phe Lục Quân , Tojo nhận thấy ý kiến của họ không đồng nhất . Họ cho rằng cuộc họp thượng đỉnh này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chính sách hiện hành của quốc gia , một chính sách mà căn bản đã dựa trên Hiệp Ước Liên Minh (Nhật Đức Ý) . Tuy nhiên , phe Lục Quân cũng không phản đối chuyến công du của Konoye nếu ông đồng ý hứa chắc với họ là sẳn sàng tuyên chuyến với Hoa Kỳ một khi Roosevelt thoái thác lời yêu cầu hòa đàm của Nhật . Tojo báo cáo rằng phe Lục Quân rất bi quan cho chuyến công du của Thủ Tướng .

  Konoye tự mình không thấy nghi ngại gì cả . Ngày 06 tháng 08 , sau cuộc diện kiến ở Hoàng Cung , Nhật Hoàng khuyên ông dù sao cũng nên gặp Tổng Thống Hoa Kỳ một chuyến . Hôm sau , một bản điện văn đánh gửi cho Ngoại Trưởng Hull đề nghị một cuộc họp thượng đỉnh giữa Thủ Tướng Nhật và Tổng Thống Hoa Kỳ để giải quyết những bất đồng giữa hai quốc gia .

  Nhưng không ngờ Ngoại Trưởng Hull lại tỏ ra không tin cậy ở thiện chí của Konoye . Ông ngờ đây chỉ là một hạ sách để hoãn binh của Nhật mà thôi . Hai ngày sau Hull gặp Đại Sứ Nomura , một người đang nóng lòng chờ đợi lời trả lời chắc chắn của đại diện Hoa Kỳ để báo cáo về Đông Kinh . Hull không hề đi thẳng vào vấn đề , ông quanh co một luận điệu cáo buộc với những lời bình phẩm đạo đức và quả quyết rằng sờ sờ ngay trước mắt , những người Nhật có thiện ý cho nền hòa bình đã “mất hết tự chủ” . Trong khi báo chí Nhật lại không ngớt khích động quần chúng bằng cách thổi phồng tin Nhật Bản đã bị Hoa Kỳ cô lập . Rồi ông nhấn mạnh “Thế giới này không có một luật lệ nào để cô lập một quốc gia khác cả , ngoại trừ chính quốc gia ấy tự cô lập họ mà thôi !”.

   Nomura quá thất vọng nhưng trong hoàn cảnh này bắt buộc ông phải nín thở qua sông , trở lại vấn đề chính là câu trả lời dứt khoát của Hoa Kỳ , và cũng như lúc ban đầu , Hull lặp lại những gì đã nêu ra rồi kết luận “Quyết định này do Chính Phủ của các ông đề ra lúc này , nó có khác gì thủ đoạn hòa hoãn với mục đích giải quyết những khó khăn trước mắt và ít ra cũng gặt hái được chút ít thành quả . Biết đâu với chút ít thành quả thu được đó mà các ông ấy lại có cơ hội phát triển ra thành một kế hoạch như ý sau này!”.

  Lời yêu cầu của Đông Kinh không được Roosevelt đáp ứng vội bởi vì lúc này ông không có mặt ở Tòa Bạch Ốc . Ông đang có mặt trên tuần dương hạm mang tên Augusta trên đường phó hội với Thủ Tướng Winston Churchill ở Vịnh Argentia , Newfoundland . Sáng Chủ Nhật ngày 10 tháng 08 , Roosevelt cùng Churchill dự lễ cầu kinh trên boong thiết giáp hạm Prince of Wales , dưới bóng của những khẩu đại pháo . Sau buổi lễ , Roosevelt ngồi trên xe lăn cùng Churchill nán lại trên boong đón ánh bình minh với ánh nắng đầu ngày êm dịu .

  Hôm sau Churchill và Tổng Thống Hoa Kỳ trở lại hội ý ngay trên tuần dương hạm Augusta . Roosevelt bày tỏ cảm tưởng “đẩy mạnh nỗ lực hầu ngăn cản không để bộc phát một cuộc chiến với Nhật Bản” . Trở ngại là phải dùng đến biện pháp nào – cứng rắn , vừa phải hay mềm dẽo ? Churchill chỉ đáp vắn tắt “Cứng rắn” ; lời đề nghị của Đông Kinh đơn thuần chỉ là “những ngôn từ trơn tru để mặc cả những gì họ có thể nhưng chỉ trong hiện tại , sẽ chẳng giúp ích gì ở tương lai cả”.

  Roosevelt đề nghị là ông sẽ điều đình “về những vấn đề chưa thống nhất” để cầm chân Nhật trong vòng 30 ngày , trong thời gian 30 ngày ấy Anh Quốc phải chuẩn bị sẳn sàng cho việc phòng thủ Singapore . Một tháng thời gian thôi nhưng lại có giá trị lớn cho chúng ta . Rồi ông cẩn thận nhắc lại “Cứ giao hết cho tôi . Cam đoan là tôi có thể “chìu chuộng” họ trong vòng 3 tháng” .

  Sau cuộc hội ý với Roosevelt , Churchill đánh một bức điện tín về Luân Đôn cho Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Anh Anthony Eden :

“ …. Khoảng một tuần nữa , sau khi trở về từ sau chuyến phó hộ ngoài khơi vịnh Argentia , Tổng Thống Hoa Kỳ sẽ trao cho Đại Sứ Nhật Bản một lá thư , đoạn phụ chú ở cuối lá thư ấy là phần kèm theo những lời kiến nghị của riêng tôi “Bất cứ những hành động xâm lấn nào của Nhật vùng Nam Thái Bình Dương đều có ảnh hưởng đến việc bang giao giữa hai nước . Hoa Kỳ sẽ có biện pháp thích ứng dù rằng phải đi đến chiến tranh” . Và dĩ nhiên Tổng Thống cũng nêu lên một ảnh hưởng không tốt cho họ là Liên Xô đã trở thành một cường quốc thân hữu với Mỹ , Mỹ sẽ không ngại nhảy vào nếu có sự xung đột ở vùng phía Bắc Thái Bình Dương ….”

   Biện pháp này có lẽ đúng với lối suy nghĩ của Churchill , nhưng với Hull , tự ông nhận thấy rằng đối với Nhật Bản , không có một biện pháp nào ngăn cản được bước tiến của họ cả , ngoại trừ vũ lực . (Vừa rồi ông có nói chuyện với Welles qua điện thoại “Tôi không muốn chúng ta phải lắng nghe bất cứ một lời nào của họ cả . Nhưng họ lại đòi thương thuyết cho bằng được . Thế thì càng hay , cứ đặt những điều kiện tốt có lợi cho mình nhằm mục đích bất lợi cho âm mưu tác oai tác quái của họ”) . Hull thuyết phục Tổng Thống nên tỏ ra khoan hòa đối với cuộc thương thuyết lần này . Ngày Chủ Nhật 17 tháng 08 , Hull thông tin cho Nomura biết là Roosevelt rất lấy làm phấn khởi khi tuyên bố rằng nếu từ bỏ ý định bành trướng và “bắt tay vào chương trình hòa bình trên toàn cõi Thái Bình Dương” thì Hoa Kỳ sẽ sẳn sàng “chuẩn bị một cuộc gặp gở bán chính thức để thảo luận về những bế tắc trong thời gian qua”.

  Tức thì Nomura điện về Đông Kinh “Cơ hội tốt đã đến , đừng nên bỏ lỡ” .

  Chiều hôm sau , 18 tháng 08 , Ngoại Trưởng Toyoda cho mời Đại Sứ Grew . Toyoda đi thẳng vào vấn đề , ông bảo rằng , lấy cương vị của một Đô Đốc Hải Quân Hoàng Gia Nhật chứ không phải là một nhà ngoại giao , ông muốn hai người nói chuyện thẳng thắn với nhau Nhật tiến vào Đông Dương là muốn giúp Trung Hoa trong vấn đề nội bộ chứ chẳng phải vì sự xúi giục hoặc cưỡng ép của Đức Quốc Xã . Hành xử nhau theo lối “đóng băng tài khoản” là có ý muốn đạp đổ tình hữu nghị lâu đời giữa hai quốc gia . Những gì có thể xảy ra ở ngày mai chẳng ai có thể đoán được nếu cuộc thương thuyết bất thành . Cách giải quyết trước mắt là phải sắp xếp để cho hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia gặp nhau , hy vọng với sự nhiệt tâm và nỗ lực của hai người sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn hiện tại để Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng sống chung trong bầu không khí thân mật và bình đẳng như nhau .

  Grew ngạc nhiên cho rằng đây là một tư tưởng mới lạ bởi vì việc đề nghị này chính ông cũng chưa được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo cho biết . Cuộc hội đàm giữa hai nhân vật cao cấp này có thể đạt được một sự thỏa thuận tốt đẹp . Tuy nhiên , nếu có thể tham dự buổi hội nghị đặc biệt này , Grew cho rằng sẽ giúp đỡ rất nhiều cho tiến trình sự nghiệp của mình sau này .

  Nhìn Toyoda một chốc rồi Grew nói “Đô Đốc , ông đã từng đứng trên soái hạm để chứng kiến những cơn bão dữ nhiều khi gầm thét trong đôi ba ngày liền , nhưng ở đây , ngồi trên chiếc ghế Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao này ông sẽ được chứng kiến nhiều cơn bão kinh khiếp hơn nữa và đặc biệt là không bao giờ chấm dứt” .

  Vài tuần trước , Đại Tá Iwakuro và Ikawa , sau khi nhìn ra sự thất bại của “Bản Dự Thảo Sơ Bộ” nên cũng giã từ Hoa Thịnh Đốn trở về . Vừa đến Đông Kinh họ bàng hoàng khi đối diện với không khí chiến tranh đang bốc hơi hừng hực trong mọi tầng lớp tại thủ đô . Lòng căm thù Anh và Mỹ đang bộc phát trong chính giới , họ có cảm tưởng chung rằng họ đang áp dụng chính sách bao vây kinh tế để bóp chết đất nước của họ . Iwakuro chịu khó bỏ ra hàng chục buổi diễn thuyết kêu gọi bộ chỉ huy tối cao quân sự , chính trị cũng như đầu não những công ty kỷ nghệ quốc gia hãy tiếp tục ủng hộ cuộc thương thuyết . Ông cho biết tiềm năng của Hoa Kỳ vượt quá xa Nhật Bản và nếu có đi đến chiến tranh thì chỉ nhận lấy thảm bại mà thôi . Nhưng , mặc cho Iwakuro đã cố gắng thuyết phục , những sĩ quan tham mưu này chẳng những không quan tâm mà họ còn tỏ ra kinh nhờn , thách thức Hoa Kỳ có thể làm gì được họ nếu như họ thực hiện ngay kế hoạch Nam tiến . Thậm chí ngay trong Bộ Hải Quân cũng có người tuyên bố rằng “Nhật đã bị phong tỏa bởi bọn da trắng – Chúng ta không thể bỏ phí thì giờ được nữa – Chúng ta chỉ có một con đường duy nhất – chiến đấu” .

  Iwakuro chợt nhớ lại chỉ mới vài tháng trước đây thôi , Bộ Hải Quân ai nấy đều đồng lòng hướng đến một giải pháp mềm dẽo để củng cố nền hòa bình chung . Gương mặt Iwakuro chợt thoáng buồn , ông quay đi đếm những bước chân trĩu năng và thầm nhủ “Thế là hết” .

  Tuy vậy nhưng ông vẫn chưa chịu bỏ cuộc , ngày ngày vẫn đến nài xin ông bộ trưởng này , van lơn bộ trưởng nọ . Thật ra thì tiếng nói của ông bây giờ chẳng có giá trị gì nữa , ngược lại chính nó có thể gây phiền hà cho ông . Trong một buổi thuyết trình ở phòng họp bộ chỉ huy lục quân , ông có đưa ra một con số thống kê sự chênh lệch về quân sự cũng như kinh tế giữa Mỹ và Nhật  . Bảng thống kê ông cho biết rõ như sau :”

 Thép                          (Mỹ) 20    (Nhật) 1

 Dầu cặn                           100               1

 Than đá                             10               1

 Phi cơ chiến đấu                 5               1

 Tàu chiến                            2               1

 Quân số                              5               1 

 

  Như thế có nghĩa là nếu chống lại Hoa Kỳ thì Nhật phải dùng 1 chọi 10 , rõ ràng là đi vào chỗ chết nếu xảy ra chiến tranh . Một trong những người lắng nghe có ông Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh , Tướng Tojo . Tojo cho mời Iwakuro ngay và ra lệnh nội nhật ngày hôm sau phải viết một bảng báo cáo rõ ràng về những gì ông vừa nêu ra trong cuộc họp .

  Theo mệnh lệnh , ngày hôm sau Iwakuro đến văn phòng của Tojo để trình diện và nộp bảng báo cáo . Nhưng ngạc nhiên thay , Tojo chỉ cho biết là đã có lệnh thuyên chuyển Iwakuro đến một đơn vị đang đồn trú tại Cao Miên và không nhắc nhở gì đến bảng báo cáo về việc ngày hôm qua cả .

  Hôm tiển đưa Iwakuro lên xe hỏa đến bến tàu xuôi Nam nhận nhiệm vụ mới , chân ông bước lên toa xe nhưng mặt còn quay lại nói với nhóm bạn bè tiển chân rằng “Anh em đến đây để cầu chúc cho tôi được thượng lộ bình an , tôi xin cám ơn anh em nhiều . Nhưng mai đây  nếu còn sống sót , tôi chỉ e ngày trở về sân ga này sẽ hoang tàn đổ nát và chung quanh tôi chẳng còn được mấy ai đến đón như ngày hôm nay nữa” .

  Iwakuro cũng vì lòng nhiệt tâm mà bị thượng cấp thuyên chuyển đến tuyến đầu khói lửa , chính ông cũng nhận ra được điều đó bởi chung quanh ông , không ít người đồng chung cảnh ngộ . Đó là biện pháp cách ly hữu hiệu những kẻ dám chống lại chiến tranh .

  Nhưng rồi sau đó , sau những cuộc cãi vã dai dẳng , cuối cùng rồi những sĩ quan cao cấp trong quân đội cũng thống nhất với nhau là tránh đụng độ với Hoa Kỳ dù phải chịu nhượng bộ ở mức tối đa . Cùng ngày khởi hành của Iwakuro , 28 tháng 08 , hai bức điện được gửi đi từ Đông Kinh đến tay Frankin Roosevelt . Một bức của Thủ Tướng Konoye nhắc nhở về cuộc họp thượng đỉnh sắp tới và một của chính phủ Nhật xác định kế hoạch rút toàn bộ quân lực ra khỏi Đông Dương cũng như Trung Hoa , khi mọi xáo trộn trên lục địa này đã được dàn xếp và hòa bình lập lại vùng Đông Á . Nhật Bản cũng long trọng tuyên hứa rằng họ sẽ không dùng sức mạnh quân sự để vi phạm lãnh thổ các quốc gia lân bang , kềm chế mọi sự xung đột quân sự với Liên Xô nếu quốc gia này còn tôn trọng “hòa ước bất tương xâm Nhật – Nga”. Một bước tiến quan trọng mới , Nhật Bản đã đồng ý chấp thuận bốn nguyên tắc cơ bản của Ngoại Trưởng Hull để chuẩn bị đi đến cuộc đàm phán cho “Bản dự thảo sơ bộ” .

  Quyết định này đã gây nên một làn sóng căm phẩn cho một số nhân vật đầu não trong chính giới Nhật , họ cam quyết rằng Hoa Kỳ sẽ thừa cơ hội này bắt chẹt thêm và theo đó Nhật sẽ đi hết nhượng bộ này đến nhượng bộ khác . Riêng Tổng Thống Roosevelt , phản ứng đầu tiên của ông thì rất lấy làm lạc quan khi đưa ra một kế hoạch thăm dò là sẽ bỏ ra ba ngày hoặc hơn nữa để cùng Thủ Tướng Konoye vẽ ra một viễn ảnh hòa bình chung cho hai quốc gia . Nhưng Stanley Hornbeck lại không tin tưởng Nhật thành thật hợp tác sau khi Hull đọc những điện tín bí mật của Nhật đã bị cơ quan tình báo Hải Quân Hoa Kỳ chận đuợc và giải mã gửi về  , vì vậy cũng không lấy gì làm ngạc nhiên lắm khi Hornbeck tỏ ra nghi ngờ “thiện chí” của chính phủ Nhật . Với Roosevelt , người lúc nào cũng có hứng thú để hội đàm với Konoye vì ông tin chắc rằng chẳng bao giờ “không đạt được mục tiêu thỏa thuận như ý” .

  Tại Đông Kinh , Đại Sứ Grew cùng nhân viên của ông cũng nỗ lực không ngừng để thuyết phục Thủ Tướng Nhật sớm thực hiện lời cam kết rút hết toàn bộ lực lượng quân sự ở Đông Dương và Trung Hoa nhưng để giữ thể diện của họ , Grew đồng ý cho họ tạm thời duy trì một lực lượng tối thiểu để bảo vệ vùng Mãn Châu và Nội Mông . Ông cho biết rằng cuộc họp thượng đỉnh có được Hoa Kỳ chấp thuận hay không là còn tùy thuộc vào thời gian và hành động của Nhật . Một mặt khác Grew lại cảnh báo với Hoa Thịnh Đốn rằng quân đội Nhật Bản “có thể thình lình hành động bất ngờ” vì đó là truyền thống của họ “tâm lý của một quốc gia bị chế ức quá mức thì sự vùng lên để liều mạng là lẽ thường của một dân tộc

  Chính lẽ ấy mà ngay trong một cuộc họp thường lệ diễn ra bên trong hội trường ngày 03 tháng 09 tại bộ Nội Vụ Hoàng Gia . Khi chưa nhận được một câu trả lời chính thức của Roosevelt , tất cả viên chức cao cấp Nhật đều tỏ ra bực tức và hồ nghi thái độ bất hợp tác của Hoa Kỳ . Câu hỏi được đặt ra là sự nhún nhường quá mức cũng vì tinh thần hòa giải của Nhật có phải là một sự lựa chọn lầm lẫn ? Và Hoa Kỳ đang chơi trò dậm chân tại chỗ hầu kéo dài thời gian ra ?

  Tham mưu trưởng Hải Quân Nagano nói trước cử tọa “Với một tình trạng bị phong tỏa , số nhiên liệu dự trữ dùng cho quốc phòng quá giới hạn này nó không cho phép chúng ta ngồi mà chờ đợi mãi . Hoạt động của chúng ta càng ngày càng yếu đi cho đến khi hoàn toàn kiệt quệ . Tôi nghĩ nếu phát động chiến tranh ngay bây giờ thì cơ hội chiến thắng rất lớn , còn nếu cứ chần chờ mãi thì kết quả như quí vị đã biết – cơ may phòng thủ còn không có nói gì đến “chiếu tướng kẻ thù” . Tiềm năng kỷ nghệ - quyết định cho trận chiến thắng ban đầu là yếu tố cần thiết “Do đó , chúng ta chỉ còn một con đường duy nhất để chọn lựa là “xung phong” về phía trước !”.

  Lời của vị Tham Mưu Hải Quân khiến cho toàn thể quân đội hoảng lên . Sugiyama , Tham Mưu Trưởng Quân Đội tuyên bố “Chúng ta phải cố gắng đạt cho kỳ được mục tiêu ngoại giao quan trọng này trước ngày 10 tháng 10 . Nhưng nếu việc bất thành , chúng ta phải dứt khoát hành động ngay .Ra tay trước chắc chắn sẽ chiếm phần tiện nghi về mình” .

  Đối với hai chính khách nhiệt tâm với hòa bình là Konoye và Ngoại Trưởng Toyoda thì đây là những lời khích động đầy hiểm họa dễ dàng đi đến chiến tranh , nhưng giữa một khối đa số sĩ quan cao cấp xuất thân võ biền quen giải quyết vấn đề bằng vũ lực thì hai ông còn biết sao hơn “im lặng là vàng” thầm cầu mong sao cuộc thương thảo được thành công sớm hơn thì có thể giải quyết hết những bế tắc của nội bộ trong hiện tại . Chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ sau đó , chính sách của Nhật Bản đã được tu chỉnh lại như sau “Để bảo vệ cho quốc gia và sự sinh tồn của Đế Chế Nhật Bản , chúng ta phải ráo riết chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh . Thời hạn chót dứt khoát vào khoảng thượng tuần tháng 10 . Quyết định này đã thành hiệu lực dù phải đối đầu với Anh , Mỹ và Hòa Lan” . Song song với việc chuẩn bị ra quân , ngay trong thời gian từ đây cho đến 10 tháng 10 , chúng ta cần chờ đợi xem cuộc họp thượng đỉnh có thể mang lại một kết quả khả dĩ nào không , bằng ngược lại thì – chiến tranh sẽ bùng nổ .

  Mọi chiến dịch hành quân và phương án kế hoạch tấn công đều được sắp đặt đâu đó hoàn chỉnh hẳn hòi . Mũi tiến công chính do Hải Quân và Lục Quân phát động cùng một lúc là Trân Châu Cảng , Hương Cảng , Mã Lai Á và Phi Luật Tân . Tổng Tham Mưu Trưởng và vài sĩ quan cao cấp trong Bộ Chiến Tranh chỉ được thông báo cho chiến dịch tấn công Trân Châu Cảng vài ngày trước khi hành động , nhưng Tojo , ông Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh thì chẳng được ai thông báo cho hay biết gì cả .

  Nhưng quyết định đi đến chiến tranh quá vội vàng này chưa được Quốc Hội thông qua thì được tạm ngưng lại sau khi nhận được điện văn trả lời của Roosevelt về cuộc họp thượng đỉnh sắp tới . Bức điện văn chia ra làm hai phần : phần thứ nhất là lời từ chối rất lịch sự cho cuộc họp thượng đỉnh theo lời yêu cầu của Thủ Tướng Konoye cho đến khi nào hai bên đạt được sự thỏa thuận “cơ bản và những yếu tố cần thiết của vấn đề” . Phần thứ hai , không khác gì một lời phát biểu quanh co khá mơ hồ chỉ gây cho chính giới Nhật càng thêm thất vọng . Nó dường như là những lời trả đũa khôn khéo đầy tính chất ngoại giao , không hứa hẹn mà cũng không đòi hỏi gì cả . Tựu chung chỉ là một bức điện văn từ chối khôn khéo mà thôi .

   Một bức điện văn gây căm phẫn không ít trong chính trường Nhật Bản , họ có cảm giác Hoa Kỳ đã có chủ tâm từ khước hảo ý của họ và phe Quân Đội dù hết sức nhượng bộ nhưng vẫn chưa làm vừa lòng Roosevelt , sự từ chối của ông ta là thái độ ngạo mạn quá khinh thường Quân Đội Thiên Hoàng , Quốc Hội Nhật thông qua kế hoạch chiến tranh ngay sau đó và tất nhiên không có một ai chống lại .

  Ngày 5 tháng 9 Konoye mang bản kế hoạch chiến tranh đến hoàng cung đệ trình lên Thiên Hoàng để được ông cho hợp thức hóa . Trên đường , thủ tướng tạt vào văn phòng gặp viên quan Quản Thủ Quốc Ấn Kido . Khi biết được ý định của Konoye , quan Thủ Ấn vội kêu lên “Tình hình biến chuyển ra làm sao mà ông lại xuất hiện thình lình với đề nghị này và đòi yết kiến Thiên Hoàng ngay” . Tuy trách thế nhưng ông cũng xông xáo chạy đi trình lại với Thiên Hoàng , đến 4 giờ 30 chiều Konoye mới được vào hội kiến với Hirohito . Sau khi đọc xong bản kế hoạch , Thiên Hoàng ngẫng lên nhìn Konoye chậm rãi phán “Được , ta sẽ bàn việc này vào ngày mai ở phòng họp . Thủ Tướng hãy cho mời tất cả Bộ Tham Mưu cùng đến thương nghị một thể” .

  Cuộc họp diễn ra trong bầu không khí khá căng thẳng . Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Sugiyama thay mặt Bộ Chỉ Huy Quân Sự đứng ra thuyết trình về kế hoạch hành quân tiến chiếm các quốc gia cận Nam vùng Thái Bình Dương . Nhật Hoàng Hirohito biểu lộ sự không đồng tình , ông nêu lên những khuyết điểm mà quân đội đã gặp phải trong thời gian vừa qua ở Hoa Lục . Ông hỏi Tướng Sugiyama “Đại Tướng có nghĩ rằng chiến dịch đổ bộ lần này thực hiện có suông sẻ và dễ dàng như sự trù liệu không ?” , Sugiyama ngẫm nghĩ rồi lễ phép trả lời “Thần thiết nghĩ nó không quá dễ dàng đâu , nhưng với tinh thần đoàn kết của Hải Lục quân cùng với sự luyện tập không ngừng nghỉ của họ , thần cam quyết chúng ta sẽ vượt qua được tất cả để mang lại chiến thắng vẽ vang cho dân tộc” . Nhật Hoàng gật gù rồi hỏi lại “Lúc trước khi còn là Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh , Đại Tướng có quả quyết rằng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn thôi thì quân đội ta sẽ cho Tưởng Giới Thạch nếm mùi đại bại . Lời tuyên bố chắc nịch của một vị Bộ Trưởng chắc Đại Tướng còn nhớ chứ ?” Sugiyama bất giác cảm thấy ê mặt trước hàng sĩ quan thuộc cấp , ông xuống giọng bào chửa “Thất bại của chúng ta là ở chỗ địa hình Trung Hoa quá rộng lớn và sinh hoạt xã hội khá phức tạp” . Hirohito vẫn chưa chịu buông tha “Ta biết , nhưng vùng Đông Nam Á càng rộng lớn hơn nhiều . Thế thì có thể nào Đại Tướng dám khẳng định là chiến tranh sẽ chấm dứt trong vòng 5 tháng ?” Sugiyama cố gắng giải thích , bằng một lối biện luận dựa trên sức mạnh và tinh thần yêu nước của quân đội Thiên Hoàng chỉ lấy cái chết làm sự cống hiến vĩnh cữu cho quốc gia xã tắc . Vẫn không phải là một câu trả lời thẳng vào vấn đề , Nhật Hoàng vội xua tay , hỏi lại “Liệu Đại Tướng có chắc chắn rằng quân đội ta sẽ chiến thắng ?” . Sugiyama ấp úng thưa “Chắc chắn thì thần không thể quả quyết . Thần chỉ dám thưa rằng chúng ta có thể chiến thắng mà thôi . Nhưng dù sao thì nó cũng không tài nào tái lập hòa bình trong vòng nửa năm hoặc một năm khi nước nhà đang lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng . Ở đây , thần chỉ mong tìm cho được một nền hòa bình vĩnh cữu mà thôi” . Hirohito gật gù phán “À , Ta hiểu !” Sugiyama như biết Thiên Hoàng vẫn còn băn khoăn lo nghĩ nên ông vội nói “Tốt hơn hết là chúng ta không nên vội vàng . Trước mặt , việc nên làm là cố gắng tìm được một biện pháp hòa giải nào đó với họ , chỉ khi nào bị dồn vào đường cùng bắt buộc dùng đến hạ sách thì chúng ta mới hành động cũng chưa muộn” .

  Nagano vội vàng đến bên viên sĩ quan đồng sự than thở “Tôi nghĩ tình trạng hiện tại nó giống như một bệnh nhân trong cơn hiểm nghèo nằm chờ bác sĩ đến . Điều tối cần thiết là phải đi đến quyết định cho chiến dịch Nam tiến ngay . Chiến dịch chưa quyết định chẳng khác nào bệnh nhân vẫn còn nằm chờ bác sĩ cho đến khi chết” .

  Phiên họp tạm giải tán , vấn đề vẫn chưa được giải quyết được vì Hirohito còn đang phân vân . Hôm sau , trước khi đến phòng họp , ông dò ý viên cố vấn thân cận nhất là Kido là cách giải quyết nào ổn thỏa , chịu thiệt thòi để thương thuyết với Hoa Kỳ hay dùng biện pháp vũ lực chống đối với họ . Nếu đi đến chiến tranh , liệu Nhật có thể thắng nỗi Hoa Kỳ hay không . Kido khuyên nhà Vua hãy tạm thời giữ thái độ im lặng , chỉ chuyển câu hỏi đến Chủ Tịch Hội Đồng Cơ Mật Hara , vì Kido đã chỉ dẫn cho Hara biết phải nên đối phó làm sao rồi . Nhưng lúc mọi sự đã xong , nghĩa là khi việc chiến tranh đã dàn xếp xong thì nhà vua nên cất chức Hara hoặc khuyên ông ta nên từ chức . Chỉ có thế , một điều lệ tạm thời được ra đời “Chỉ thị cho những Sĩ Quan Tham mưu cộng tác với chính phủ tiến hành ngay một cuộc thương thảo với Hoa Kỳ cho đến khi thành công” . Một vỡ kịch chính Kido đạo diễn dàn dựng , ông hy vọng sẽ giúp phe chủ hòa của chính phủ Đông Kinh đão ngược được tình thế bất ổn do giới cầm quyền quân phiệt khởi xướng .

  Cuộc họp chưa chính thức bắt đầu nhưng đã có một vài người đến sớm ngồi chờ sẳn trong hội trường . Thủ Tướng Konoye cũng vừa tới , ông bước lại ngồi khẻ bên cạnh Tướng Suzuki , một sĩ quan cao cấp chuyên trách về tài nguyên và tiềm năng quốc gia . Konoye rỉ tai nói cho Suzuki nghe những dự trù của chính sách mới . Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu Suzuki là không nên xuất hiện trước mặt Nhật Hoàng , Konoye cũng đồng tình như thế , nhưng ông lại bảo rằng chính vì Tojo và Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội cứ khăng khăng đòi xúc tiến một cuộc chiến tranh mà chúng ta có thể tránh được . Thế nên , nếu cuộc họp hôm nay không đạt kết quả thì chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ Nội Các Chính Phủ có lẽ phải giải tán mất . “Đánh hay đàm , vấn đề này sau hãy quyết định . Vấn đề cần kiếp để giải quyết ngay bây giờ đơn thuần chỉ là chuẩn bị để cho quân đội ra trận . Chúng ta vừa đánh vừa đàm . Bởi vậy cho nên tôi phải đành chấp nhận giải pháp nguy hiểm này” .

  Cuộc họp mở màn , Thủ Tướng thay mặt cử tọa phát biểu ngắn gọn và duyệt sơ qua về tình hình căng thẳng hiện tại trên thế giới . Hội trường im lặng lắng nghe . Tham Mưu Trưởng Hải Quân Nagano đứng lên thuyết phục rằng phải cố gắng dùng đủ đường lối mềm dẽo nào có thể để đi đến hòa đàm . Nhưng nếu như một đòi hỏi tối thiểu của phe ta cũng không được Hoa Kỳ chấp thuận thì coi như tuyệt vọng để cầu hòa , vạn bất đắc dĩ phải dụng đến quân sự , chỉ vì vũ lực chỉ giải quyết vấn đề trong tạm thời chứ không thể nào coi là thượng sách trên bàn cờ chính trị và ngoại giao . Trong khi ấy Tham Mưu Trưởng Lục Quân cũng gật gù lộ vẽ tán đồng với ý kiến của vị sĩ quan Hải Quân khả kính dày dạn này . Tướng Teiichi Suzuki được yêu cầu báo cáo về tình trạng nhiên liệu dự trữ cũng như tiềm năng của quốc gia . Ông vẽ lên một viễn ảnh không lấy gì làm lạc quan cho chính giới rằng với số nhiên liệu quốc phòng hiện tại nếu mang ra sử dụng trong mục đích chiến tranh thì tối đa chỉ đủ cho 10 tháng mà thôi . Cuối cùng Suzuki kết luận “Nếu cuộc đàm phán thành công thì chẳng nói gì , nhưng thất bại , chúng ta đã phí phạm một khoảng thời gian quá lâu , đó là mối hiểm họa khôn cùng” . Hoàn cảnh hiện tại chúng ta chỉ có 3 con đường để chọn lựa : Chuẩn bị cho một trận chiến trong khi vẫn tiếp tục đàm phán hoặc chỉ ngồi im mà chờ chết .

  Đến lượt Hara , chủ tịch Hội Đồng Cơ Mật , người đã được Kido dặn dò cẩn thận . Ông nói thời gian đã không cho phép chúng ta sử dụng cách ngoại giao đúng nghĩa thông thường của nó nữa rồi . Quyết định gặp gở Roosevelt ngõ hầu tìm cách giải quyết những bế tắt hiện tại của Thủ Tướng quả là một ý kiến đáng được ca ngợi . Hara chỉ vào một tập hồ sơ đánh máy trên tay và bảo rằng “Đây là một phương sách mới , cũng với nội dung “tiên dụng binh hậu thuyết khách”, nhưng ý nghĩa của nó tôi không thể giải thích là chúng ta sẽ gắng hết sức mình để nhượng bộ hầu tìm một đường lối ngoại giao tốt đẹp và dùng vũ lực giải quyết khi không còn con đường chọn lựa

  Ông Bộ Trưởng Hải Quân Oikawa vội nói “Căn cứ theo lời giải thích của ông Chủ Tịch Hara và sự quyết định của chúng tôi cũng giống hệt như thế chứ có khác điểm nào đâu” . Hara tỏ ra bất mãn trước câu nói của Oikawa , phe Quân Đội , ông nhấn mạnh từng tiếng “Nhìn vào sách lược của các ông , tôi lại có cảm tưởng rằng chúng ta hoàn toàn dựa theo vũ lực mà giải quyết vấn đề và ngoại giao chỉ là thứ yếu , phụ thuộc mà thôi . Hoặc giả các ông đã không có ý định đặt nặng vấn đề ngoại giao ? Tôi rất muốn biết rő quan điểm của Chính Phủ cũng như Bộ Tổng Tư Lệnh quí ông ra sao ?”.

  Cả hội trường im lặng ngột ngạt . Hirohito im lặng hồi lâu như chờ đợi nhưng tuyệt nhiên ai nấy vẫn im lặng như tờ , bất giác Thiên Hoàng lớn tiếng hỏi “Tại sao các người không ai chịu mạnh dạn trả lời ?”

  Tiếng quát hỏi của Thiên Hoàng như ngấm ngầm chứa đựng một sự phẫn nộ cùng cực khiến cho hội trường bàng hoàng kinh hãi . Những vị chỉ huy thường ngày hét ra lửa bây giờ im ỉm đưa mắt nhìn nhau . Oikawa cuối cùng đành phải ấp úng “Tất nhiên chúng tôi sẽ chuẩn bị cho một cuộc tấn công , nhưng bên cạnh ấy vẫn nỗ lực tìm một giải pháp cho một cuộc thương thuyết” . Có lẽ Hirohito chỉ chờ đợi câu trả lời của hai vị Tham Mưu Trưởng Hải và Lục quân nhưng Nagano và Sugiyama vẫn ngồi trơ ra bất động khiến cho ông không nhịn được , liền phán “Như thế thì Bộ Tư Lệnh Tối Cao chẳng có gì để nói ư ?” . Đoạn ông ngâm lên khe khẻ :

    Tứ hải giai huynh đệ

    Hà tất khởi đao binh…

   Bài thơ của một vị Tiên Đế để lại , ngụ ý dạy cho hậu nhân dĩ hòa di quí . Hirohito vẫn nhớ và coi đó như một bảo vật , một lời răn quí giá của tiền nhân .  

  Tiếng ngâm nga của Thiên Hoàng Hirohito đã dứt từ lâu nhưng hội trường vẫn im lặng , cho đến một lúc lâu sau đó ông mới lên tiếng , nhưng lần này giọng của ông khoan thai từ tốn hơn “Ta mãi dặn lòng là ngày ngày phải đọc bài thơ này để ghi nhớ lời dạy của Minh Trị Thiên Hoàng Tiên Đế, lấy đạo làm người mà hành xử với nhau và  quốc thái dân an làm trọng . Các người nghĩ sao về lời răn của Tiên Đế ?”

  Đến lúc này thì không ai bảo ai cả Nagano cùng Sugiyama cùng đứng lên đồng ý dứt khoát với Chủ Tịch Hội Đồng Cơ Mật Hara , nghĩa là phải nỗ lực để đạt đến bàn thương thuyết , dứt khoát chọn ngày 10 tháng 10 là thời hạn chót , nếu cuộc đàm phán không thành , chiến tranh là giải pháp cuối cùng bất đắc dĩ phải chọn đến để giải quyết vấn đề .

  Quyết định đã được Thiên Hoàng Hirohito đóng ấn ký để hợp thức hóa ngay sau đó , nhưng rồi ông lại bất mãn lẳng lặng bỏ đi với bao nhiêu ngờ vực như những vị lãnh đạo quân đội trong phiên họp ấy . Nhìn theo bóng của vị Thiên Hoàng khuất dần sau cánh cửa , Konoye nhớ lại lúc nãy Ngài đã cẩn trọng nhắc đi nhắc lại với ông rằng phải cố làm sao thuyết phục cho được Roosevelt để mọi trở ngại sớm được giải quyết . Konoye biết đây là cơ hội cuối cùng mà Hirohito đã dành cho mình để đi tìm một giải pháp hòa bình cho quốc gia dân tộc .

  Một trở ngại không nhỏ cho Konoye là bên ngoài công chúng , đa số đều ngã về phe phân phiệt hiếu chiến . Giới báo chí , một công tác truyền thông rộng lớn nhưng lại đứng hẳn về phe quá khích , tiếng nói của họ gây nên một sức mạnh mãnh liệt trong quần chúng lúc bấy giờ . Những ngòi bút thiên tả lúc nào cũng muốn lôi cuốn mọi tầng lớp trong xã hội tin tưởng với họ rằng dưới mắt bọn người da trắng thì Nhật Bản chỉ là một quốc gia nghèo nàn trong cái gọi là Thế Giới Thứ Ba . Tự ái dân tộc như bị tổn thương khiến cho những kẻ ái quốc cực đoan càng có lý do để chống đối với đương quyền . Tình trạng tồi tệ hết sức đến nỗi mỗi khi ra đường , Đại Sứ Grew phải kè kè bên hông khẩu súng ngắn tự vệ , lắm lúc ông tự mĩa mai rằng chả biết mình là một vị Đại Sứ đặc nhiệm hay một gã cao bồi bất đắc dĩ của miền Viễn Tây xa xôi dạo nào nơi cố quốc .

  Rồi sự trở ngại ấy lại trở thành một mối nguy hiểm thật sự : Hai tổ chức bí mật , sau khi nghe tin sẽ chính thức có một cuộc họp thượng đỉnh của Thủ Tướng và Tổng Thống Hoa Kỳ , họ cùng nhau sắp đặt kế hoạch ám sát Konoye . Một phe thì quyết định chọn con đường thanh toán ngay trong thành phố như những tổ chức anh chị giang hồ . Phe thứ hai chọn lối hành động thủ tiêu Thủ Tướng như năm xưa Đạo Quân Quang Đông từng ám sát Trương Quốc Lâm , nghĩa là đánh bom trên một tuyến đường nào đó có Thủ Tướng đi qua . Hành động đánh bom là quyết định cuối cùng của hai nhóm người bí mật này và Trung Tá Masanobu Tsuji , một vị sĩ quan trẻ nhưng mang nặng đầu óc cực đoan , lãnh trách nhiệm thi hành bản án để kết liểu kế hoạch hòa bình của phe chủ hòa trong chính phủ .

  Trung Tá Tsuji chọn lấy một thường dân với thành tích hai lần vào tù ra khám về những tội danh chính trị chống phá chính phủ để tiện việc ra tay . Theo lãnh tụ phe cực đoan Kodama thì Thủ Tướng sẽ lên đường phó hội theo phương tiện duy nhất là thuyền , mà xa lộ dẫn đến căn cứ Hải Quân lại quá tồi , vì lẽ đó ông ta sẽ dùng hỏa xa để di chuyển từ địa điểm xuất phát đến bến , và dĩ nhiên ông sẽ đi ngang qua chiếc cầu Rokugo ở ngoại thành Đông Kinh , nếu cho mìn nỗ trên đoạn này thì dẫu Konoye có cánh cũng không thoát chết .

  Trở lại với Thủ Tướng Konoye . Sau khi buổi họp bế mạc , ông gọi ngay cho cô nhân tình và bảo nàng hãy sẳn sàng để ông cho người đến rước cô . Một chốc sau , một chiếc xe chở cô ta đổ ngay tại căn nhà của Bunkichi Ito . Ito vốn là thứ nam của Hoàng Thân Hirobumi , một trong bốn đại thần của thời kỳ phục chế Minh Trị . Ngôi nhà này vốn không có người hầu .

  Có hai chiếc xe nữa cũng vừa đến nơi , một chiếc người ta thấy có sự hiện diện của Thủ Tướng Konoye và Ushiba , viên thư ký riêng của ông ta ; một chiếc xe khác với huy hiệu ngoại giao đã được tháo đi , chở Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền Grew và viên cố vấn Eugene H.Dooman . Một cuộc gặp gở ngoại giao vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Nhật , Konoye cũng biết như thế nhưng tình thế bắt buộc khiến cho ông không còn cách nào để chọn lựa nên đành phải chấp nhận và những người khách ngoại quốc này có lẽ cũng cảm thông cho ông .

  Konoye giới thiệu cô nhân tình của ông với mọi người là “đứa con gái trong gia đình” , bởi vì vai trò của cô ngày hôm nay trong căn nhà này không ngoài mục đích phục dịch bửa ăn chiều để cho mọi người được thoải mái chuyện trò bàn bạc . Hơn 3 tiếng đồng hồ , Grew và Konoye thảo luận “hết sức thẳng thắn” . Konoye cam đoan với Grew rằng Tướng Tojo và Đô Đốc Oikada cùng muốn có được một cuộc dàn xếp trong hòa bình . Grew lại hỏi về bốn điều kiện của Ngoại Trưởng Hull đưa ra , Konoye cho biết họ đã hoàn toàn chấp thuận “Tuy nhiên nếu mang ra thực hành thì dĩ nhiên vẫn còn một vài trở ngại . Để giải quyết êm thắm mọi trở ngại trên thì cách duy nhất là tôi phải trực tiếp đi gặp Tổng Thống của quí quốc” . Và ông cũng thừa nhận “những thất bại đáng tiếc của sự giao hảo” là do lỗi của chính ông cũng như hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự xáo trộn ở Hoa Lục và Hiệp Ước Liên Minh (Nhật Đức Ý) . Vì vậy ông kiên quyết phải dấn thân mạo hiểm ngõ hầu dàn xếp những dị biệt còn gây khó khăn cho hai quốc gia .

  Nghĩ rằng với Tổng Thống Roosevelt , khi được mặt đối mặt nhau , Konoye chắc chắn rằng sẽ dễ dàng tìm được giải pháp ổn thỏa . Nhưng dù sao thì cũng chẳng giải quyết hết những bế tắt trong lần gặp gở sắp tới được , cuộc thương thuyết nếu muốn đạt được hoàn toàn theo đúng theo quy chế ngoại giao thông thường thì ít nhất cũng cần phải một năm thời gian . Konoye khó có thể bộc lộ được nỗi khổ tâm này vì ông ta chỉ còn không đến 5 tuần lễ phù du nữa là đến thời điểm 10 tháng 10 , nghĩa là hạn chót của cuộc đàm phán mà chính phủ và quân đội của ông đã kỳ hạn cho ông phải thành công .

  “Việc phải làm trong một năm nhưng tôi chắc chắn tôi có thể làm được ngay trong hiện tại . Tôi xin tuyên hứa rằng chúng tôi có thể đạt được những bước tiến khả quan chỉ khi nào tôi gặp được Roosevelt . Tôi sẽ đưa ra những dự kiến mà ông ta không thể nào từ chối được”  Đoạn Konoye quay sang Dooman , một người đã từng sinh ra và lớn lên ở Osaka (Nhật) vì cha mẹ là những nhân viên ngoại quốc làm việc tại Nhật , ông từ tốn bảo “Anh cũng quá rõ tình trạng hiện tại của đất nước này rồi . Tôi muốn nói với anh những việc mà anh không nên trình lại ông Grew nhé . Anh có hiểu rằng cuộc tranh luận này không có dính dáng gì đến Thiên Hoàng của chúng tôi cả , nhưng sau khi đạt được thỏa thuận với Tổng Thống Hoa Kỳ rồi thì tôi sẽ cấp thời điện về Đông Kinh để tấu trình với Ngài , khi ấy Ngài sẽ ban lệnh cho quân đội phải đình chỉ ngay mọi hoạt động quân sự” .

  Đây là một kế hoạch liều lĩnh táo bạo , có thể nói là chưa từng thấy trong lịch sử ngoại giao từ cổ chí kim của Nhật Bản . Dooman hứa với Konoye là sẽ giữ việc này trong vòng bí mật . Konoye còn cho Grew biết là cùng tháp tùng với chuyến phó hội của ông sẽ có bốn tướng lãnh cao cấp đại diện cho Hải Lục Quân Nhật . Phải thừa nhận là một nhóm tướng lãnh từng bất đồng chánh kiến lại hợp tác với nhau đi tìm hòa bình . Nhưng với sự ủng hộ mạnh mẻ của những sĩ quan cao cấp đầy trách nhiệm ấy , Konoye tin chắc rằng ông có thể bị ám sát nếu ông dám thẳng thắn bác bỏ những ý kiến đối lập của họ . Nhưng nếu quốc gia của ông thoát ra khỏi những bế tắc hiện tại và nhân dân được sống trong hạnh phúc hòa bình , cái chết của ông xem ra cũng có một chút ý nghĩa .

  Một cảm kích sâu sắc chợt bùng dậy trong lòng ông Đại Sứ trước lời trần tình tha thiết của một vị Thủ Tướng hiền hòa vì dân vì nước , Grew cáo từ và không quên nói rằng khi về đến đại sứ quán ông sẽ gửi ngay một công điện “tối quan trọng” về Hoa Thịnh Đốn  .

  Bởi đinh ninh rằng dù Tướng Tojo đã chấp thuận cuộc thương thuyết nhưng ông vẫn chưa hoàn toàn ủng hộ mình nên Konoye vội nhờ Hoàng Thân Higashikini , một người dượng rễ của Thiên Hoàng Hirohito , dùng uy thế của ông tác động Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh Tojo . Sáng ngày , Higashikuni cho triệu Tojo . Vừa gặp ông Bộ Trưởng , Hoàng Thân vào đề ngay “Tôi được nghe Thiên Hoàng đặc biệt chiếu cố đến cuộc thương thảo với Hoa Thịnh Đốn và Ngài rất kỳ vọng vào hiệp nghị lần này” , với cương vị một bộ trưởng chiến tranh như Tojo , tất nhiên phải biết tôn trọng mối ưu tư của Thiên Hoàng và phải tạo nhiều ảnh hưởng thuận lợi cho việc đàm phán .

  Tojo mím môi ra chiều nghĩ ngợi rồi chậm rãi trả lời “Thật sự thì tôi rất lấy làm đau buồn khi không được giải thích một cách thỏa đáng với Hoàng Đế . Hy vọng trong những ngày kế tiếp biến chuyển trong quân đội sẽ giải thích cho Ngài hiểu một cách tường tận hơn . Tôi cũng nhận thức được quan điểm của Ngài đối với cuộc đàm phán Nhật – Mỹ cũng như sự điều đình Konoye và Roosevelt” . Ông hứa rằng bằng mọi giá , với bổn phận và cương vị của mình ông sẽ ủng hộ tuyệt đối cuộc thương thuyết này mặc dù cá nhân ông tự đánh giá kết quả của nó không mấy khả quan , 30 phần trăm thành công đã là con số cao lắm rồi . “Nhưng , dù thế nào đi nữa , còn nước thì chúng ta còn phải tát vậy” .

  Bỗng dưng trên mặt của vị Bộ Trưởng nghiêm trang lạnh lùng , giọng ông trở nên đanh lại và chắc nịch , ông tuyên bố “Nếu kết quả của cuộc thương thuyết gây bất lợi về sau cho Nhật Bản , tôi sẽ đứng ra phản đối với Thiên Hoàng” . Nếu như Ngài từ chối không nghe kiến nghị của tôi , lúc ấy tôi sẽ từ chức . Thế thôi , “Đấy là cách duy nhất để tỏ lòng trung thành của tôi đối với Hoàng Thượng” .

  Hoàng Thân Higashikuni kiên nhẩn ngồi im để cho Tojo nói một mạch , bấy giờ ông mới từ tốn góp lời “Khi xưa , lúc tôi còn ở bên Pháp , Pétain và Cle-men-ce-au có nói với tôi rằng Đức là một quốc gia rất chướng mắt của Hoa Kỳ ở Châu Âu và họ đã tống khứ nó đi ở Thế Chiến Thứ Nhất . Cuộc chiến kế tiếp họ sẽ loại bỏ một chướng ngại khác ở Á Châu , đó là Nhật Bản . Hoa Kỳ họ biết sử dụng lối ngoại giao lạc lõng , dùng những chính sách vô lý vớ vẩn để dần dà chèn ép cho đến khi nào Nhật chịu không nỗi sẽ bùng lên chống lại . Nhưng nếu các ông quá nóng nãy không còn tự chủ được nữa để chiến tranh bùng nỗ thì thảm bại tất nhiên sẽ không tránh khỏi bởi vì sức mạnh của Hoa Kỳ là một sức mạnh vô song bất khả địch . Hoàn cảnh trước mắt hiện giống y như lời tiên đoán của Pétain và Cle-man-ce-au . Bởi thế chúng ta nên phải nhún nhường , cố giữ hòa khí tối đa để tránh được một cuộc chiến không hay với Mỹ . Dĩ hòa di quý đó mới là thượng sách . Ông là một thành viên trong Nội Các Konoye , trong quân đội , quân lệnh tất phải thi hành . Bây giờ Triều đình và Nội Các Chính Phủ đang cố gắng vẽ lên một viễn ảnh hòa bình chung , đó là một đại cuộc cho quốc gia dân tộc . Là Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh , tất nhiên ông chỉ có hai chọn lựa : hoặc tuyệt đối thi hành mệnh lệnh của thượng cấp hoặc từ chức . Thế thôi !

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế