Nổ lực để vãn hồi hòa bình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 6                   

 Nỗ lực vì nền hòa bình chung .

                                         Lúc ấy tại Hoa Thịnh Đốn , Đại Sứ Nhật , vị Đô Đốc độc nhãn hồi hưu Kichisaburo Nomura cùng ông Ngoại Trưởng Mỹ Cordell Hull đã nổ lực hết sức để hàn gắn vết rạn giữa mối bang giao Hoa Kỳ và Nhật Bản . Cuộc hòa đàm này được diễn ra do sự sắp xếp của hai vị giáo sĩ Ki Tô đầy nhiệt tình và rất quan tâm đến thời cuộc là Giám Mục Jame E.Walsh và viên trợ lý là Đức Cha Jame M.Drought .

    Sáu tháng trước đó , do sự giới thiệu của Công Ty Lewis , hai vị này có đến Đông Kinh và ghé thăm Tadao Ikawa , Tổng giám đốc Ngân Hàng Nông Nghiệp Trung Ương Forestry . Họ thuyết phục Ikawa rằng thiện ý của đại đa số người Hoa Kỳ và Nhật là lúc nào cũng muốn sống chung trong hòa bình thịnh vượng , đồng thời cũng cho ông đọc một tập viết có nhan đề “Học Thuyết Chủ Nghĩa Đông Phương” và ý chí chống Cộng Sản của Nhật Bản . Ikawa đọc ngay và rất lấy làm thích thú , ông chắc chắn người Nhật cũng sẽ tán thành cho thuật ngữ của tập viết này . Trong những năm làm việc cho Hoa Kỳ , là một công chức trong Bộ Tài Chánh , Ikawa đã kết thân với rất nhiều nhân vật trong giới ngân hàng ở Newyork , đồng thời ông cũng kết hôn với một cô gái Mỹ .  Ikawa nghĩ cuộc hội ngộ này chắc chắn là có sự ủng hộ của Tổng Thống Roosevelt khi nghe Cha Drought thố lộ do sự sắp xếp của một viên chức cao cấp ở Hoa Kỳ để cho hai ông công du sang Nhật , và hơn nữa , trong sự hăng hái nhiệt tình này , họ mong muốn được  giới thiệu hai vị giáo sĩ được tương kiến cùng Thủ Tướng Konoye cũng như Matsuoka .

   Cha lại gợi ý Ikawa nên thăm dò con người thật sự của Đại Tá Hideo Iwakuro , một sĩ quan đầy thế lực đang công tác trong Bộ Chiến Tranh . Hắn ta là một nhân vật mang tư tưởng duy tâm nhưng đang ngầm tính toán một mưu đồ đại sự , độc nhất chỉ có con người này mới mang những dự án của tu sĩ vào hành động mà thôi . Iwakuro đã từng quả quyết rằng nếu muốn cứu cánh dân tộc Nhật tuyệt đối phải giữ mối giao hảo tốt đẹp giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản .    

  Iwakuro đúng là một nhân vật được sinh ra , sống để mưu đồ tính toán . Ẩn phía sau nụ cười bí hiểm tinh quái là một khối óc linh hoạt sắc bén đầy mưu mô . Là một điệp viên tình báo từng trãi , chính Iwakuro đã thành lập trường Nakano danh tiếng đào tạo không ít những chuyên viên tình báo thượng thặng  gửi sang Đông Nam Á với mưu đồ hợp nhất các quốc gia nhược tiểu này . Cũng chính hắn đã khơi ra ý kiến đánh đổ nền kinh tế Trung Hoa bằng cách tung vào thị trường quốc gia này một tỷ rưỡi đồng Yen giả mạo .

  Đại Tá Iwakuro thu xếp cho buổi gặp gở giữa hai giáo sĩ Hoa Kỳ và Tướng Arika Muto , Tổng Trưởng Nha Quân Vụ . Buổi nói chuyện diễn ra trong không khí thân mật , họ đều cảm kích nhau về những dự kiến song phương và buổi nói chuyện kết thúc bằng những lời chúc lành êm ái . Hai Giáo sĩ trở lại Hoa Kỳ khoảng cuối tháng 12 và gặp ông Tổng Nha Bưu Chính Frank C.Walker , một nhân vật lỗi lạc Ki-Tô giáo , để nhờ ông liên hệ sắp xếp một cuộc gặp gở ngắn với Tổng Thống Rooveselt . Tổng Thống Rooveselt hội kiến Giám Mục Walsh , sau khi say mê đọc xong tập viết “Học Thuyết Chủ Nghĩa Đông Phương” của Giám Mục , Roosevelt đưa cho Ngoại Trưởng Hull và hỏi “Ông nghĩ chúng ta nên làm thế nào ?” .

  Hull trầm ngâm một lúc rồi nói “Nhìn vào cục diện chung mà nói , tôi rất hoài nghi , mặc dù kế hoạch đã sắp đặt chu toàn nhưng tình trạng ở Trung Hoa thật đáng lưu tâm lắm . Dã tâm của Nhật không chỉ dừng lại ở đấy , thái độ thù địch của họ vẫn ngấm ngầm . Chỉ e người Nhật và chính phủ của họ sẽ không chấp nhận sự sắp xếp hòa giải này thôi Tổng Thống ạ” .

  Nhưng Roosevelt lại nãy ra một ý kiến hấp dẫn đến đổi phải hoán chuyển công tác của ông Tổng Nha Bưu Chính Walker , yêu cầu ông phục vụ dưới tư cách của một trợ lý dưới quyền của điều động Giám Mục Walsh . Là một “tác nhân của Tổng Thống” , Walker có đủ quyền hạn để thành lập một cơ quan đầu não bí mật trên tầng 18 của Khách Sạn Bershire thuộc thành phố Newyork với ám danh là “John Doe” .

  Cuối tháng Giêng , Giám Mục Walsh đánh một bức điện tín gửi thẳng cho Ikawa :

  THÔNG QUA KẾT QUẢ CUỘC HỘI ĐÀM VỚI TỔNG THỐNG , MỌI ĐIỀU KIỆN TIẾN TRIỂN THUẬN LỢI , HÃY CHỜ ĐỢI TIN TỐT

   Ikawa chần chừ không biết có nên đi Hoa Thịnh Đốn một chuyến , nếu cần có thể trợ giúp những gì có thể trợ giúp các vị Giáo Sĩ hão tâm và vị Đại Sứ hiền hòa dễ mến Nomura thì càng hay . Tội cho Nomura , một Thủy Sư Đô Đốc hồi hưu thẳng thắn , chân thật , giao kết với khá nhiều chính khách Hoa Kỳ , ngay cả Tổng Thống Roosevelt , nhưng đáng tiếc là ông ta không có được một tí kinh nghiệm khả dĩ để đối ngoại và khả năng ngoại giao trên trường quốc tế .

  Ikawa đến hỏi ý kiến của Đại Tá Iwakuro và được ông khuyến khích nên đi Hoa Kỳ một chuyến . Ngoài ra Iwakuro còn xoay sở ra được một sổ thông hành thương mại cho Ikawa cũng như một số tiền lộ phí do hai nhà tư bản công nghiệp có thiện ý hòa bình đóng góp . Ikawa sẽ là trợ lý cho Nomura dưới hình thức một doanh nhân giao dịch thương mại với Hoa Kỳ . Khi tin chuyến công du của Ikawa lọt ra ngoài , đến tai Matsuoka (lúc này ông chưa đi Âu Châu) , ông vội tố cáo phe Lục Quân “tự mình đi thương thảo với Hoa Kỳ” và “vận động để trục lợi cho túi tham của họ” . Trong lúc ấy Bộ Trưởng Chiến Tranh Tojo cũng chẳng hay biết gì cả , ông cho đòi Iwakuro đến văn phòng hỏi cho ra lẽ , Iwakuro dùng miệng lưỡi thuyết phục Tojo đứng về phe mình mà khẳn định với Matsuoka rằng quân đội ông không hề biết gì về chuyến công du của Ikawa cả .

  Tuy rằng đấy là một trò chơi nguy hiểm nhưng Iwakuro lại cho rằng nếu được nối lại tình thân hữu với Hoa Kỳ thì dù có phải mạo hiểm một phen cũng đáng giá , huống chi trò chơi này lại đúng với cái sở thích đấu trí của ông . Khi Ikawa đặt chân đến Hoa Kỳ , Iwakuro nghĩ rằng trách nhiệm của mình đã xong . Nhưng ông có ngờ đâu , đấy mới chỉ là điểm khởi đầu vì Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh nhận thấy khả năng công tác của Iwakuro và yêu cầu ông sang Hoa Kỳ giúp đỡ Nomura trong sứ mạng sắp tới .

  Để chuẩn bị cho chuyến công du này , Iwakuro cần tham khảo ý kiến của cả hai phe chủ chiến và chủ hòa . Trong một buổi tiếp tân tại Ginza , đại diện nhóm “Huyết Thống” thuộc những kẻ ủng hộ chiến tranh đã đứng lên thúc giục Iwakuro “Chúng ta cần phải chiến đấu chống lại Mỹ và Anh , bởi vì họ đã phong tỏa chúng ta . Trách nhiệm chuyến công du của ông lần này là phải đi sâu vào nội tình của địch tìm hiểu xem khi nào là thời điểm tốt nhất để ta phát động chiến tranh với chúng” . Đại đa số đều là những kẻ hiếu chiến nên họ đồng thanh ủng hộ một cuộc chiến ngu xuẩn đối đầu lại là hai cường quốc tối tân là Anh và Mỹ , chỉ có một thiểu số khẩn cầu Iwakuro nên suy nghĩ cặn kẻ để tìm một phương pháp hữu hiệu cho hai bên hầu tránh một cuộc tương tranh vô ích .

  Iwakuro đến Newyork ngày 30 tháng 03 . Đến để nhận thấy rằng chính ở nơi đây cũng không khác gì quê hương của ông , cũng có sự mâu thuẫn nhau giữa kẻ ủng hộ chiến tranh và người mong muốn hòa bình . Những người theo chủ nghĩa can thiệp thì đoan chắc rằng vận mệnh và sự an nguy của quốc gia họ còn tùy thuộc vào đại đa số quần chúng , tùy vào lòng nhiệt tình ủng hộ khối dân chủ trước họa chiến tranh . Quốc Hội vừa thông qua một thỏa ước “Thuê mượn Vũ Khí” ủy nhiệm cho Hoa Kỳ viện trợ vũ khí không giới hạn cho Anh , Pháp cũng như các nước láng giềng ở Âu Châu đang gồng mình gánh chịu sức ép của Hitler và Mussolini . Tuy nhiên , bên cạnh đó còn có lắm đoàn thể chính trị phản đối chính sách trợ giúp chiến tranh đã được chính phủ Hoa Kỳ thông qua . Họ chỉ trương cao khẩu hiệu hòa bình bằng một luận điệu hết sức đơn giản , miệng hô hào ủng hộ sự bảo vệ Âu Châu và Trung Hoa nhưng lại chống đối chiến tranh bắn giết !

  Iwakuro đến Thánh Đường St.Patrick để cùng hội ý với Giám Mục Walsh và Đức Cha Drought . Iwakuro khẳng khái trình bày “Bởi vì Hiệp ước tay ba đã ký kết nên Nhật không thể nào bội ước với họ được” . Ông kính cẩn giải thích “Thưa Giám Mục , thưa Cha , vị Tông Đồ thứ 3 tức Judas , vì phản bội lại Chúa nên toàn thể giáo đồ đều khinh miệt ông ta . Cũng giống như nước Nhật của chúng tôi vậy , nếu như ông cứ khăng khăng bảo chúng tôi rút chân ra khỏi hiệp ước ấy , thử hỏi nó khó xử cho chúng tôi đến dường nào” . Hai vị Giáo Sĩ khẻ gật đầu thông cảm và khuyên ông nên đi Hoa Thịnh Đốn ngay .

  Đến Hoa Thịnh Đốn , Iwakuro trú tại Wardman Park Hotel , cùng một khách sạn với Ngoại Trưởng Hull cũng vừa đến trước đó không bao lâu . Sáng hôm sau Iwakuro đến trình diện Nomura và cũng nơi đây ông rất phấn khởi khi được thu lượm khá nhiều nguồn tin không chính thức được tiết lộ bởi hai vị Giáo Sĩ và Ikawa . Hầu hết những nhân vật ngoại giao chuyên nghiệp tại tòa đại sứ đều có thái độ lạnh nhạt với Ikawa , khi phải tiếp xúc với ông họ thường có những hành động khinh miệt . Bây giờ đến lượt Iwakuro , một người vừa mới đến này trông có vẽ đầy bí ẩn . Iwakuro xuất hiện một cách đường đường chánh chánh như thế mà họ vẫn có cảm tưởng rằng ông ta đang ngụy trang cho một hành động mờ ám nào đó , âm mưu gây hấn bằng quân đội chẳng hạn . Bởi vậy nên mọi người bọn họ cứ mãi nơm nớp lo âu .

  Đến ngày 02 tháng 04 , Đức Cha Drought bắt đầu bắt tay vào việc , cùng ngồi xuống với hai nhà “ngoại giao không chuyên nghiệp” phát họa bản “Dự thảo thỏa thuận sơ bộ” giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản . Đến ba ngày sau thì họ đã hoàn thành , bản dự thảo bao gồm những thỏa thuận , hòa giải hòa hợp , có liên quan tới những phạm vi rắc rối từ Hiệp Ước tay ba đến mọi hoạt động kinh tế vùng Tây Nam Thái Bình Dương . Những điểm quan trọng đáng kể đều có dính líu đến Trung Hoa , với sự hứa hẹn của Nhật là rút hết quân đội và trao trả lại toàn bộ lãnh thổ của Trung Hoa về cho chính phủ của họ , quy định cho Trung Hoa chấp nhận Mãn Châu Quốc và giúp đỡ chính phủ Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch hàn gắn những bất đồng quan điểm với chính phủ Nam Kinh là Uông Tinh Vệ , vốn cùng là một chính quyền Trung Hoa Quốc Gia .

  Khi hoàn tất , Cha Dought mang một bản sao cho Walker , ông gọi bản dự thảo này là “Cuộc cách mạng ý thức hệ cải tổ chính sách của Nhật mà cũng là một chứng minh cho sự thành công tuyệt vời của nghệ thuật chính trị Hoa Kỳ” . Walker vội trình ngay lên Roosevelt và đề nghị Tổng Thống nên ký ngay trước khi có những biến cố không hay xảy ra . Tại tòa đại sứ Nhật , Nomura , Wakasugi , tùy viên quân sự và một người thuộc ban luận thuyết , sau khi bàn luận trao đổi ít lâu họ lại đi đến quyết định chung là đồng ý chấp thuận thông qua bản dự thảo .

  Một lần nữa bản “Dự thảo thỏa thuận sơ bộ” được nghiên cứu thật tỉ mỉ bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ do những chuyên gia dạn dày kinh nghiệm , am hiểu tường tận vùng Viễn Đông . Họ kết luận rằng hầu hết mọi điều khoản trong bản thỏa thuận này đều đáp ứng được sự mong ước của những người Nhật sùng kính Thiên Hoàng , kẻ biết đặt nền tảng của quốc gia lên trên hết . Hull cũng tán thành nhận xét này nhưng ông lại có cảm tưởng rằng “Một vài điều khoản vẫn có thể bị phản đối , tuy nhiên , nếu có thể cho tất cả cùng chấp thuận , một chút sửa đổi cũng không hề gì”. Ngày 14 tháng 04 , Ikawa báo cáo với Nomura rằng ông có cái hẹn gặp riêng với Hull tại khách sạn Wardman Park vào tối nay . Lúc 8 giờ tối hôm đó Nomura âm thầm theo hành lang ngã sau đến gõ cửa gặp Hull , ông thố lộ với Hull rằng chính ông đã biết rất đích xác về “Bản dự thảo thỏa thuận sơ bộ” và chưa vội chuyển về Đông Kinh vì ông nghĩ rằng chắc chắn Chính phủ Nhật sẽ hân hoan tán thành ngay . Hull nêu lên điểm còn có thể xét lại trong văn bản , nhưng bảo Nomura hãy gửi ngay về bổn quốc để xác định rõ ràng xem Đông Kinh có chấp nhận nó như một cuộc “thương lượng cơ bản” hay không . Hull nói như thế nhưng nhà ngoại giao thiếu kinh nghiệm Nomura lại suy luận rằng Hoa Kỳ cũng dễ dàng chấp thuận nếu bản dự thảo này được sửa đổi lại vài điểm .

  Cách suy luận này đã làm cho Nomura phạm phải một lỗi lầm rất lớn , Hull vốn chẳng có ý lừa đảo Nomura , lời đề nghị của ông chẳng dính dáng gì tới việc thống nhất của bản thỏa thuận . Đứng về phía Nomura thì có thể trong vấn đề bất đồng ngôn ngữ , khi tranh luận ông vướng phải lỗi lầm , hoặc giã Nomura quá khao khát cho sự hòa giải nên những câu nói khá mơ hồ của Hull làm cho ông có cái nhìn sai biệt mà hiểu trái đi với ý của Hull cũng nên . Tóm lại , lỗi lầm này đều do Ngoại Trưởng Hull mà ra cả .

  Hai ngày sau , hai nhà ngoại giao lại gặp nhau lần nữa cũng tại phòng riêng của Hull . Với giọng chầm chậm và cách nói quanh co , Hull nói “Một vấn đề sơ bộ có tầm quan trọng mà chính phủ đang quan tâm là làm thế nào để xác định rõ ràng rằng chính phủ Nhật Bản có đầy thiện ý và khả năng để theo đuổi một kế hoạch chung … dàn xếp những mâu thuẫn giữa mối tương giao ; phá bỏ những cố chấp hiện hữu trong nhóm quân phiệt chỉ biết xâm lăng bằng vũ lực ….. và chấp nhận nguyên tắc cơ bản mà chính phủ của chúng tôi đang công bố và thực hành như một tổ chức nhằm tạo ra mối tương giao đúng đắn với hầu hết các quốc gia” . Nói xong Hull trao cho Nomura một mảnh giấy , trên đó có ghi sẳn bốn yếu tố cơ bản :

   1- Tôn trọng quyền vẹn toàn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia .

  2- Ủng hộ nguyên tắc không can thiệp chuyện tranh chấp nội bộ của một quốc gia khác .

  3- Ủng hộ nguyên tắc bình đẳng , gồm cả bình đẳng trên phương diện thời cơ thương mại .

  4- Không vi phạm hiện trạng ở Thái Bình Dương ngoại trừ sự biến đổi của nguyên trạng có ý nghĩa cho hòa bình .

  Niềm lạc quan vẫn còn đọng trên nụ cười hiền hòa của vị Đô Đốc hồi hưu , Nomura vội hỏi Hull “Liệu có công bằng mà chấp nhận những điều khoản này không ?” , Hull gật gù “Trong văn bản tuy có vài điều khoản đã được chấp thuận , song cũng còn lắm chỗ cần phải thay đổi hoặc cắt bỏ đi … Nhưng nếu chính phủ của quí ông có thái độ thành thật muốn thay đổi” Hull chợt lên giọng nói to hơn và chậm lại từng tiếng “Tôi thấy lý do không hợp lý là tại sao lại chẳng tìm được ra được một đường lối công bằng nào đó để thỏa thuận cho đôi bên mà giải quyết những bế tắc hiện hữu” . Lập lại lời đoan chắc này càng làm cho Nomura thêm lạc quan , thậm chí khi Hull vạch rõ ra rằng họ “không có khả năng bước lên vũ đài đàm phán” và chỉ “mục đích là thăm dò sơ khởi bằng con đường bán chánh thức để làm những viên đá lót đường đi đến đàm phán sau này” mà thôi .

  Nomura liền truyền những lời đề nghị cũng như những nỗi bất bình của Ngoại Trưởng Hull xuống cho những nhân viên ngoại giao không chánh thức ở tòa đại sứ cùng lời chú thích là cùng hợp nhất với nhau duyệt xét sửa chửa lại bản “Dự thảo sơ bộ” . Và toàn bộ văn bản được đổi sang mật mã và gửi về Đông Kinh , kèm theo một lá thư của Nomura ca ngợi cho những bước thắng lợi đầu tiên . Ông còn cẩn thận cho biết Ngoại Trưởng Hull “chẳng bao giờ phản đối” và sẽ dùng bản dự thảo này như nền tảng cho cuộc đàm phán sau này . Sự thật thì Nomura cũng chẳng biết ý của Hull là không có dự định để đi đến đàm phán .

  Bây giờ đến lượt Nomura đã phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng là ông đã không chuyển về Đông Kinh nội dung của “Bốn yếu tố cơ bản” mà Ngoại Trưởng Hull ghi trên mảnh giấy nhỏ trao cho ông trong buổi hội thảo hôm qua . Nếu “Bốn yếu tố” này được trao đến tận tay Thủ Tướng Konoye , chắc chắn ông sẽ giảm bớt đi nhiều những nhiệt tình dành cho bản thỏa thuận song phương này .

  Bởi vậy chẳng trách sao ông quá phấn khởi cho bước đầu thắng lợi đến đổi ông triệu tập một cuộc họp khẩn cấp giữa Hội Đồng Chính Phủ và Bộ Chỉ Huy Quân Đội và hoan hỉ công bố bức điện văn của Đại Sứ Nomura . Cả hai phe Chính Phủ và Quân Đội đều hân hoan tán dương thành quả , đồng chấp thuận lời đề nghị của Hoa Kỳ .

  Nhưng phe đại diện cho Bộ Ngoại Giao của Matsuoka thì còn do dự chưa đồng ý vội bởi lẽ họ còn chờ ông Bộ Trưởng đi phó hội ở Mạc Tư Khoa chưa về . Thủ Tướng Konoye bởi không muốn đụng chạm đến ông Bộ Trưởng hay quấy rối nên tạm thời đồng ý lời đề nghị của họ . Ngày 21 tháng Tư , Konoye nghe tin Matsuoka đã ghé ngang qua Dairen , cách mặt trận Nga-Nhật không xa , nên ông vội điện gọi Matsuoka về thẳng Đông Kinh ngay để cứu xét lời đề nghị quan trọng của Hoa Thịnh Đốn . Matsuoka cười híp mắt cho rằng đấy là thành quả của buổi nói chuyện tại Mạc Tư Khoa với Đại Sứ Hoa Kỳ là Laurence Steinhardt . Ông hiu hiu tự đắc bảo với viên thư ký riêng của mình rằng ông sẽ làm một chuyến sang Hoa Kỳ để hoàn thành kế hoạch “thế giới hòa bình” trong một ngày rất gần .

  Buổi chiều hôm sau máy bay chở Matsuoka hạ cánh tại căn cứ không quân Tachikawa . Thủ Tướng Konoye đã chờ sẳn ở đấy và mời ông lên xe để cùng về văn phòng tại tư dinh thủ tướng vì có nhiều vị Bộ trưởng khác cũng đang chờ . Nhân tiện , trên đường về hai người có thể trao đổi tóm tắt về việc thương thảo với Hoa Kỳ . Nhưng Matsuoka viện lẽ là muốn ghé ngang nơi quảng trường trước cổng Hoàng Cung một chốc để tỏ lòng tôn kính Thiên Hoàng . Đối với Konoye thì đấy là một hành động phô trương , có thẩm mỹ gì khi phải khúm núm chổng mông cúi rạp người để cho bọn nhà báo săn tin chụp ảnh chứ . Dĩ nhiên là ông không thể đứng sang một bên bàng quan tự tại trong khi Matsuoka kính cẩn hành lễ vì làm như thế dễ bị can tội vô lễ với Thiên Hoàng . Quyết định như thế nên hai người đành phải ngồi riêng hai xe , một hướng về cổng Hoàng Cung , một về lại tư dinh thủ tướng .

  Trên đoạn đường đến Hoàng Cung , Matsuoka được ông Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao tiết lộ rằng kế hoạch vãn hồi hòa bình này không phải do chuyến công du vừa qua của ông gặt hái được , mà đó là thành quả của hai nhà ngoại giao không chuyên nghiệp . Bất giác Matsuoka cảm thấy mất thể diện quá nên viện cớ rằng đêm đã khuya , đã trễ cho buổi họp mặt nên không đến dự như Konoye đã dự định . Từ đó Matsuoka cố ý lánh mặt Konoye , thậm chí đề tài của buổi hội thảo ông cũng không muốn ai nhắc đến . Suốt ngày ông chỉ bô lô ba la rằng Hitler này Stalin nọ , giống như hai người này là bạn chí thân của ông ta vậy . Bản tính tự cao tự đại đã khiến cho ông ta càng thêm mạnh miệng nói năng khoát lác và trở nên ngông cuồng không biết trời cao đất dày là gì cả . Ông khoe rằng chính ông đã bảo với Steinhardt (Đại Sứ Hoa Kỳ ở Đại Sứ Quán Mạc Tư Khoa)Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt đúng là một gã liều lỉnh trước ván bài Trung Hoa . “Tôi cho hắn biết nếu Tổng Thống của Hoa Kỳ là một người biết yêu hòa bình thì nên hợp tác với Nhật Bản , bởi Nhật cũng là một quốc gia yêu chuộng hòa bình ! Đồng thời , ông ấy cũng nên dụ dỗ Tưởng Giới Thạch giảng hòa với chúng ta” . Rồi Matsuoka tỉ tê tâm sự rằng có một lần Ribbentrop (Bộ Trưởng Ngoại Giao Đức) cho ông biết sở dĩ Đức ký hiệp ước “bất tương tranh” với Nga là vì “hoàn cảnh bất đắc dĩ” mà thôi . Giả dụ như một mai chiến tranh có xảy ra , chỉ trong vòng ba hoặc bốn tháng thôi chắc chắn Đức sẽ cho Stalin nếm mùi thế nào là nỗi đau của kẻ chiến bại .

  Trở lại với bản dự thảo sơ bộ , cho dù Matsuoka cố tình trốn tránh nhưng thời hạn trả lời đã đến nó không cho phép ông cứ khất lần mãi được . Cuối cùng thì một phiên họp thảo luận được diễn ra với tất cả các chính khách quan trọng trong Nội Các lẫn quân đội . Matsuoka với giọng hằn học lớn tiếng  “Tôi không chấp nhận ! Mặc các người nói gì thì nói , tôi vẫn không chấp nhận ! Trước hết , hiệp ước mà ta đã ký kết với Ý và Đức vẫn còn chưa ráo mực kia mà ! Trong quá khứ , đã một lần đụng độ với Hoa Kỳ và hiệp định Ishii-Lansing ra đời (1917) . Khi chiến tranh chấm dứt , Hoa Kỳ lại chối bỏ hiệp định không còn tôn trọng nữa , chắc các ông còn nhớ chứ ? Và bây giờ , cũng là lối tráo trở bổn cũ soạn lại của họ nữa mà thôi ! Tôi nhất quyết không tán thành bản dự thảo này” . Phát biểu xong ông lại than thở rằng mình đã quá mệt mỏi và cần “một tháng nghỉ ngơi cho đầu óc thoải mái để làm việc” . Ông ngang nhiên bỏ ra về ngay sau đó .

  Thói kêu căng của Matsuoka rốt cuộc chẳng mang lại chút kết quả nào cho buổi họp . Mặc dù không còn sự hiện diện của ông nhưng những chính khách còn ngồi nán lại cho đến quá nửa đêm . Đại diện phe quân đội , hai tướng Tojo và Muto đề nghị nên chấp thuận thông qua bản dự thảo với Hoa Kỳ , nếu mãi chần chờ e không tốt . Ngày hôm sau , Thủ Tướng Konoye điện thoại tận tư gia Matsuoka với nhã ý khuyên ông nên bình tĩnh lại , đâu còn có đó nóng nãy chỉ vô ích mà thôi . Matsuoka lần lựa giải thích quanh co rồi trình bày “Hy vọng rằng Thủ Tướng sẽ cho tôi thêm chút ít thời gian , để cho tôi nguôi ngoai chuyện chuyến đi Âu Châu cái đã rồi hẳn hay” .

  Lại một tuần êm ả trôi qua cũng chưa thấy Matsuoka động tĩnh gì , càng làm cho phe Lục quân và Hải quân thêm bất mãn , họ nhen nhúm kế hoạch gây áp lực phe chính phủ .

  Riêng Ngoại Trưởng Matsuoka , cũng khó mà đoán được tâm trạng của ông trong hiện tại . Bản Dự Thảo không phải do chính ông soạn , người ta lại nghĩ ông sẽ không thèm nhúng tay vào hoặc tệ hại hơn nữa là ông sẽ ngấm ngầm tìm cách phá hoại nó . Lý do mà Matsuoka đã nêu ra thì Bản Dự Thảo này chỉ là một âm mưu của phe quân đội và Đại Tá Iwakuro chơi trò lợi dụng danh nghĩa ông ta mà thôi . Vì vậy ông sẽ không làm gì hết , bình thản mà đứng ngoài cuộc , trong khi phe quân đội thì điên tiết cáu kỉnh lên và những chính khách đang chờ điều đình với Hoa Kỳ ở Newyork thì cứ dài cổ ra mà đợi , họ chẳng hiểu cớ sự gì đang xảy ra ở Đông Kinh .

   Người nôn nóng nhất là Iwakuro , cứ đi ra đi vào trông ngóng tin từ quốc nội từng ngày . Cuối cùng , ngày 29 tháng 04 , nhân ngày sinh của Nhật Hoàng , Iwakuro không còn nhẫn nại để chờ đợi được nữa nên quyết định điện thoại cho Matsuoka . Đây đúng là một việc làm hớ hênh không thận trọng . Theo như dự định thì Iwakuro và Ikawa sẽ dùng điện thoại tại văn phòng bí mật của Walker tại Newyork City . Buổi chiều hôm ấy họ đã có mặt ở phòng số 1812 , Berkshire Hotel , cùng nâng cốc chúc mừng ngày sinh nhật của Nhật Hoàng nơi cố thổ . Tửu lượng của vị Đại Tá vốn quá khiêm nhường nên chỉ sau 2 cốc rượu ông đã hơi chếnh choáng men say . Lúc 8 giờ tối (10 sáng ở Đông Kinh) Iwakuro dùng điện thoại viễn liên gọi cho Matsuoka tại tư gia của ông ở Sendagaya .

    Iwakuro bắt đầu cuộc đàm thoại “Chúc mừng thắng lợi chuyến công du Âu Châu của ngài Bộ Trưởng !” Và ông xuống giọng “Chuyện “con cá” của tôi đã gửi về cho ông hôm nào đó , ông thấy nó ra sao , thưa ông ? Ông còn chờ gì nữa mà không chịu nấu lấy mà ăn cho xong đi , nấu càng sớm càng tốt ! Nếu không nó sẽ ươn lên đấy . Nomura và toàn thể anh em chúng tôi bên này đều mong chờ sự hồi âm của ông đó . Nhớ nhé !” Matsuoka đáp nhanh “Tôi biết , tôi biết ! Nói với mấy ông ấy đừng có chộn rộn lên nhé” . Iwakuro bực bội vì lối trả lời kiểu hách dịch này , nếu có thể ông sẽ cho Matsuoka vài bạt tai nãy lửa cho hả giận . Tuy vậy ông vẫn cố giữ giọng ôn tồn nói “Ông nên vui lòng tìm hiểu xem ý kiến của mọi người bên ấy ra sao . Nếu như con cá ấy để lâu quá chắc chắn rằng nó sẽ hư thối mất . Tôi nói thật xin ông hãy cẩn trọng . Người ta sẽ đổ hết mọi trách nhiệm vào ông đấy !”.Vẫn một giọng nhát gừng kênh kiệu , Matsuoka chỉ đáp “Tôi biết” rồi cúp máy . Thái độ của ông Bộ Trưởng làm cho Iwakuro tự hỏi có cái gì đó không thể hiểu nổi ở Đông Kinh .

  Ngày hôm sau , Iwakuro và Ikawa đến thỉnh cầu Herbert Hoover . Hoover vốn là một vị cựu Tổng Thống Hợp Chủng Quốc , người nồng nhiệt đón chào họ nhưng bởi vì Đảng Dân Chủ đang cầm lái con thuyền quốc gia và vì ông , người của Đảng Cộng Hòa , thì dù có cảm tình đến đâu vẫn không thể giúp ích gì cho họ được . Hoover lộ vẽ buồn rầu , nói như than thở “Nếu chiến tranh xảy ra thì hậu quả thật khó mà tiên liệu . Nhưng chắc chắn là nó sẽ phá hoại nền văn minh sẳn có của chúng ta mất thôi . Cuộc đàm phán của các ông nên hoàn tất trước mùa hè năm nay , nếu không , tất cả cố gắng của các ông sẽ hoài công đi mất !” .

  Tại Đông Kinh , Matsuoka vẫn nhì nhằng không chịu hồi âm cho Ngoại Trưởng Hull . Ông ta đã tường trình sơ lược cho Hitler về Bản Dự Thảo sơ bộ và đang chờ đợi lời phê bình . Đối với những người thúc hối ông chấp nhận Bản Dự Thảo này thì ông trả lời thẳng là trước khi đặt bút chấp thuận nó , Nhật nên yêu cầu Mỹ ký kết một hiệp ước trung lập , đòi hỏi Mỹ phải đứng ngoài vòng tranh chấp ngay cả nếu Nhật và Anh có xảy ra chiến tranh . Nhiệm vụ của Nomura ở Newyork là phải thăm dò thái độ của Ngoại Trưởng Hull đối với hiệp ước trung lập . Lẽ đương nhiên là Ngoại Trưởng Hull dứt khoát từ chối lời yêu cầu xấc xược của Matsuoka , ký một hiệp ước trung lập quá ư ngớ ngẫn .

  Và sự cáu tiết của Matsuoka dường như không dừng lại ở đấy . Ngày 8 tháng 5 , ông vào chầu Nhật Hoàng và thưa rằng “Nếu Hoa Kỳ mang quân tham chiến ở Châu Âu thì Nhật sẽ quay lại tham gia với Khối Liên Minh (Đức Ý Nhật) và sẽ tung quân tấn công ngay  Singapore” . Ông còn tuyên đoán rằng cuộc đàm phán ở Hoa Thịnh Đốn sẽ chẳng đi đến đâu cả . Ngộ nhỡ như họ có thành công đi nữa thì cũng chỉ có nghĩa là sự xoa dịu những chiến phí khổng lồ của Hoa Kỳ đã đổ xuống chiến trường Đức và Ý . “Và nếu việc này thật sự xảy ra thì tôi e rằng chính tôi cũng không thể còn ngồi trong căn nhà Quốc hội này nữa !” .

  Tin này đến tai Thủ Tướng Konoye theo lời kể lại của Nhật Hoàng , ông vội mở phiên họp bí mật với Bộ trưởng chiến tranh Tojo và Bộ trưởng Hải quân Oikawa , họ đồng ý cùng nhau gây sức ép , bắt buộc ông Ngoại Trưởng Matsuoka cứng đầu cứng cổ kia phải chấp nhận Bản Dự Thảo sơ bộ . Và cuối cùng văn bản chấp thuận , những điểm chủ yếu của Bản Dự Thảo được Đông Kinh đồng ý và chuyển ngay sang Đại Sứ Quán Nhật ở Hoa Thịnh Đốn đúng thời hạn .

  Ngày 12 tháng 5 , Nomura mang văn bản đến cho Ngoại Trưởng Hull . Đọc xong , ông lại tỏ ra khá thất vọng . Người Nhật “Yêu cầu được bổ túc thêm một vài điểm cơ bản để đi đến thống nhất chung ” . Đây vốn là lời đề nghị chính thức của họ , Hull ngẫm nghĩ , “Cứ như hành động theo sự yêu cầu này thì chẳng phải là một cách giải quyết ổn thỏa ; nghĩa là cứ tranh luận với họ , thêm chỗ này , bớt chỗ nọ mãi cho đến khi nào đạt được mục đích mới thôi sao” .

   Thật sự thì Nhật đâu có ngờ rằng những văn kiện , công văn mà họ dùng để trao đổi giữa quốc nội và hải ngoại , những điện tín từ Chính Phủ Đông Kinh gửi đi các tòa đại sứ , dù được mã hóa rất cẩn thận nhưng vẫn bị chuyên viên tình báo Hải Quân Hoa Kỳ phát giác và giãi mã tất cả . Bởi thế cho nên khi Ngoại Trưởng Hull nhìn thấy Đại Sứ Nomura xuất hiện trước cửa phòng là ông biết ngay ý định của vị đại sứ này rồi . Nhưng trước những biến đổi của tình hình , càng ngày càng có nhiều công điện được giãi mã gửi đến với nội dung không đáng quan tâm nên Bộ Hải Quân tự ý hủy bỏ – cộng thêm có nhiều chuyên viên phiên dịch không chính xác theo những từ ngữ chuyên môn nên dần dà Hull cảm thấy không còn hứng thú để theo dõi nữa .

  Trong những ngày này Hull và Nomura thường xuyên gặp nhau ở Khách sạn Wardman Park để cùng nỗ lực giải quyết những bất đồng trước mắt . Một phần lớn khó khăn đến từ Đông Kinh , nơi mà Musuoka vẫn ngang nhiên khiêu khích công khai . Ngày 14 tháng 05 ông nói thẳng với Đại Sứ Grew rằng Hitler đã tỏ ra “khoan hồng độ lượng” không hề khiêu chiến với Hoa Kỳ , nhưng Hoa Kỳ lại tấn công tiềm thủy đỉnh của Đức , hành động gây hấn này chắc chắn sẽ dẫn đến chiến tranh Mỹ - Nhật . “Bậc đại trượng phu là biết tấn thối đúng lúc , biết thế nào là hành sự đúng đắn và tất nhiên phải tôn trọng lẽ phải” , Hoa Kỳ tại sao không biết như thế lại công nhiên khiêu chiến với Đức Quốc thay vì tuân thủ theo đúng luật lệ của một quốc gia trung lập . Grew dường như không còn đủ sức để chịu đựng những lời khiêu khích quá trớn của một nhân vật cao cấp ở Đông Kinh . Ông phản bác những điểm Matsuoka đưa ra và quả quyết rằng chính Matsuoka mới là người ngông cuồng sai trái . Matsuoka khi ấy mới nhận thức ra rằng mình đã đi quá đà , và sau buổi nói chuyện ấy , ông viết ngay một bức thư hòa giải :

  …Tôi rất lấy làm ngạc nhiên , thẳng thắn mà nói , tại sao ông lại có vẻ lúng túng khi tôi đề cập tới quan điểm và những hành động của Hoa Kỳ . Chắc Ngài đã hiểu lầm tôi rồi , rõ ràng là lỗi ở tôi , tôi đã dùng sai từ ngữ …. Dĩ nhiên là tôi nào có ý muốn nói Hoa Kỳ “mất tư cách” (indecent) đâu . Không , thật sự thì tôi muốn nói rằng họ “hớ hênh , không biết suy xét” (indiscretion) mà thôi !

  Những lời chân thành này đến với ông thay lời xin lỗi , mong ông thông cảm . Tôi rất lấy làm hối hận vì đã lỡ lời gây phiền hà đến cho ông .

  Ba ngày sau Matsuoka lại viết thêm cho Grew một lá thư nữa . Lá thư thật dài kể lể tỉ tê . Ông viết rằng chính ông đã nhiều lần nhắc nhở mình và cố gắng hành sự cho đúng cương vị của một Ngoại Trưởng một quốc gia , nhưng tai hại thay lắm lúc ông lại quên khuấy đi . Vã lại ông cũng ghét cay ghét đắng cái gọi là điệu bộ đứng đắn cái vẻ bề ngoài của một chính khách . Nói năng lại phải nghiêm trang , đi đứng thì bao giờ cũng trịnh trọng và thường thì phải tỏ ra nghiêm và buồn cho đúng vai trò của một nhân vật quan trọng . Nó gần như là một qui luật bắt buộc cho mình phải tuân theo . Riêng ông thì ngoại lệ , nếu bảo rằng ông điên rồ thì ông cũng xin chịu thôi , bởi vì ông trót sinh ra đã là như thế .

  Thật sự thì không biết ông ta có điên loạn hay không nhưng đã không ít người đề cập đến cái gì đó hơi “bất bình thường” của ông . Ngay trong buổi hội thảo giữa các binh chủng vừa rồi , ông Bộ Trưởng Hải Quân Oikawa có đưa ra lời bình phẩm “Rất có thể ông Ngoại Trưởng Matsuoka của chúng ta bị mất trí rồi” . Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt , sau khi đọc xong một bản tài liệu được giải mã của Matsuoka gửi cho Nomura , ông chặc lưỡi nghĩ thầm “Thật là một bộ óc chỉ biết quấy rối chớ chẳng bao giờ chịu nghĩ suy thấu đáo và hợp lý

  Tuy nhiên , Thủ Tướng Konoye thì cho rằng sự khiêu khích trêu chọc và đôi khi có những bài phát biểu khích động không giống ai , ấy chỉ nhằm mục đích gieo rắc hoang mang cho đối thủ ; có lẽ vì vậy cho nên ông ta cứ chỉa mũi dùi châm chọc Hoa Kỳ mãi . Đây chẳng phải là mưu mô xếp đặt của ông thì còn gì nhưng không biết là ông có thiện ý thật tâm xây dựng hòa bình tránh cuộc can qua hay không thì Konoye vẫn chưa hiểu nỗi . Mới đây thôi , cuộc đàm phán với Hoa Thịnh Đốn sắp đi đến bế tắc cũng vì thái độ hoãn binh bất hợp tác của Matsuoka , ông ấy cũng biết hậu quả của hành động mình chứ nhưng ông vẫn bất cần , lẽ vì ông chỉ chờ đợi chỉ thị từ Bá Linh của Hitler mà thôi . Ông đã có chủ tâm phá hoại cuộc đàm phán do những những người khác xếp đặt vì lý do quá dễ hiểu là ông tự cho mình là kẻ đã hiểu nhiều về người Mỹ . Với ông , một người tự cao tự đại , ông cho rằng chỉ với một mình ông cũng có thể đứng ra , đơn phương thương thuyết với họ chứ không cần qua một trung gian nào khác .

  Chính vì nhìn thấy nội tình của Đông Kinh , trong khi Nomura và Iwakuro lo sốt vó để vẽ ra một kế sách hòa bình thì Matsuoka lại nghiêng hẳn về phe Trục , ủng hộ chiến tranh Âu Châu ; Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đoan chắc rằng mình đang bị họ lừa dối . Ngày 21 tháng 06 , ông thẳng thắn bác bỏ lời đề nghị của Đông Kinh là vãn hồi lực lượng quân sự ở miền Bắc Trung Hoa để giúp người Trung Hoa chống lại Cộng Sản và dứt khoát tuyên bố Nhật phải hủy bỏ Hiệp Ước Liên Minh (Ý Đức Nhật) trước khi đàm phán hòa bình .

  Trước thái độ cứng rắn của Hull , Thủ Tướng Konoye và nội các mất hết tinh thần . Đây là một lời đề nghị không thể nào chấp nhận được . Konoye thắc mắc tại sao Hoa Kỳ lại đột ngột thay đổi nguyên bản của kế hoạch trong Bản Dự Thảo Sơ Bộ ? Cho đến bây giờ ông cũng chưa biết Ngoại Trưởng Hoa Kỳ vẫn không có chủ tâm dùng Bản Dự Thảo này như nền tảng để đi đến thương thuyết .

  Riêng Matsuoka thì không ngạc nhiên lắm . Bài phát biểu đầy cuồng nộ giữa công chúng hôm nào của ông đã mang lại hậu quả như thế này thì không cần nghĩ nhiều ông cũng biết mưu toan phá vở cuộc đàm phán đã thành công . Nhưng Hull đã phản ứng quá mạnh với những lời đề nghị không thể nào chấp nhận . Matsuoka cảm thấy bị tổn thương trầm trọng và chuyện công lại trở thành chuyện tư , cá nhân ông đâm ra oán Hoa Kỳ khôn tả , việc đàm phán coi như chấm dứt không còn bận tâm lo nghĩ nữa .

  Rồi mọi biến chuyển chưa biết giải quyết bằng phương sách nào , ngày kế tiếp , Chủ Nhật 22 tháng 06 , Hitler bất thình lình xua quân qua biên giới ồ ạt tấn công Liên Xô . Nhật Bản bàng hoàng kinh ngạc dù rằng 6 ngày trước đó Đại Sứ Oshima đã điện tín báo trước rằng chiến tranh giữa Đức và Liên Xô có chiều hướng sắp xảy ra .

  Và nó như một tiếng sét thình lình từ trời cao giáng xuống đầu Stalin . Chỉ vài giờ sau , 66 căn cứ không quân Nga đã bị không lực Đức cho thành bình địa , 1200 máy bay bị phá hủy . Trong khi bộ binh Đức tràn qua biên giới , tung hoành trong nửa ngày đã tịch thu 2 nghìn súng lớn , 3 nghìn xe tăng và trên 2 nghìn xe vận tải với đầy đủ quân trang quân dụng .

  Tin Đức thình lình xua quân tấn công Nga đến Đông Kinh khoảng 4 giờ chiều Chủ Nhật . Không chậm trễ , Matsuoka điện thoại ngay cho Kido , viên quan Quản Thủ Quốc Ấn của Thiên Hoàng , xin được diện kiến long nhan . Kido vốn là một mẫu người nhỏ thó , tuổi trạc ngũ tuần với đôi ria mép cắt tỉa rất gọn . Cũng như Thủ Tướng Konoye , Kido được sự bảo trợ của Hoàng Thân Saionji’s . (Hoàng Thân Saionji’s mất năm 1941 thọ 91 , ông là người cuối cùng của Viện Nguyên Lão . Viện Nguyên Lão hay Genro là một cơ quan được Hội Nghị Osaka năm 1875 thành lập , hội này có trách nhiệm xem xét các lời đề nghị về Hiến Pháp) Theo lời cảnh báo của Saionji’s thì chính sách của Nhật Bản phải dựa trên cơ sở là hợp tác với Anh và Mỹ . Do đó Kido luôn tỏ thái độ chống đối việc xâm chiếm Mãn Châu và Trung Hoa cùng Hiệp Ước Liên Minh . Nội tổ của Kido ngày xưa vốn là một trong bốn  chiến tướng lừng danh của triều đại Mạc Phủ , Koin Kido . Đến thế hệ ông , tuy là một viên quan Quản Thủ Quốc Ấn nhưng lại là một người tâm phúc , luôn bên cạnh Thiên Hoàng với vai trò cố vấn . Nhật Hoàng Hirohito lại coi ông như người thầy nên mọi việc dù lớn nhỏ cũng phải hỏi riêng ý kiến của ông . Việc này cũng chẳng phải có gì xa lạ , bởi Hirohito lớn lên trong sự giáo huấn của Kido .

  Sau khi lấy hẹn cho Matsuoka , Kido vội thông báo ngay cho Thiên Hoàng biết rằng quan điểm của Ngoại Trưởng Matsuoka luôn trái ngược với chủ trương hòa bình của Thủ Tướng Konoye , nên lần diện kiến này không tránh khỏi những thỉnh cầu vượt quá sự tiên liệu của Nội Các Chính Phủ  . Và ông bẩm tiếp “Bệ Hạ , nếu ông ta có bất cứ đều thỉnh cầu nào Bệ Hạ cũng khuyên hắn nên gặp Thủ Tướng bàn luận thì tốt hơn . Bệ Hạ cứ bảo rằng hễ Thủ Tướng đồng ý thì tất nhiên Bệ Hạ cũng không phản đối” .

  Sau gần một tiếng đồng hồ cùng Matsuoka thảo luận , Nhật Hoàng đã biết ông ta chưa hề bàn bạc với Thủ Tướng . Matsuoka thì đoan chắc rằng không bao lâu nữa Nga sẽ đại bại dưới tay Đức và xin Thiên Hoàng hạ chỉ tiến chiếm vùng Tây Bá Lợi Á và đồng thời cất quân tấn công sâu về phương Nam . Thật ngạc nhiên cho ý đồ thôn tính hai mặt Bắc Nam của Ngoại Trưởng Matsuoka , Nhật Hoàng Hirohito khoát tay bảo ông hãy hội ý với Thủ Tướng rồi mới trình tấu với mình sau cũng chưa muộn .

  Matsuoka có gặp Thủ Tướng nhưng chẳng hề lắng nghe ông ta trình bày , cứ tiếp tục đuổi theo kế hoạch đã định là tấn công Nga cho bằng được . Ba ngày sau , ông đi gặp thẳng Bộ Trưởng Hải Quân Hoàng Gia Nhật là Oikawa , một nhân vật không mấy gì hào hứng khi phải đối đầu với hai mặt trận cùng một lúc là Nga và Mỹ . Ông tuyên bố “Hải Quân xông trận lưỡng đầu thọ địch như thế quả thật là nguy hiểm khôn lường . Chúng tôi không muốn bị người Đức giật dây trong chuyện mạo hiểm này !” Nhưng Matsuoka vẫn với một luận điệu quả quyết “Khi Đức đã đánh bại Nga rồi thì chúng ta không có gì để gọi là góp sức cho chiến thắng vẽ vang ấy , chỉ trừ khi chúng ta làm một cái gì đó”  Ông lại tiếp “Chúng ta phải đổ máu ! Chỉ có đổ máu mới tạo nên chiến thắng vẽ vang !” Rồi ông lại nhấn mạnh như tự hỏi chính mình “Nơi nào mới quan trọng hơn , tiến đánh miền Bắc hay hành quân về phương Nam ?”. 

  Trái ngược với sự háo hức của Ngoại Trưởng Matsuoka , Tham mưu trưởng lục quân Sugiyama lại tỏ ra trầm tỉnh hơn , ông nói “Chúng ta phải chờ đợi xem cục diện biến đổi như thế nào rồi hãy định liệu” Nói như thế vì ông không muốn tiết lộ kế hoạch đã định , nếu Mạc Tư Khoa mất trước cuối tháng 8 , quân đội Nhật sẽ tấn công Tây Bá Lợi Á . Ông Tham mưu phó Tsukada cũng lộ vẻ đắn đo “Ừ , thì cũng chờ xem tình hình ra sao rồi hãy tính . Chớ hai mặt giáp công theo kiểu này thì có khác gì đem quân đi tự tử !”

  Sau cuộc bàn bạc giữa nhóm sĩ quan cao cấp trong Quân đội và Matsuoka , Đại Tá Kenryo Sato vẫn tiếp tục ra mặt chống lại ý kiến của  Bộ Trưởng chiến tranh Tojo , ông cho rằng ít nhất Matsuoka vẫn có được vài điểm hợp lý . Ông bảo “Phương Bắc chẳng có nguồn lợi nào tốt cho chúng ta cả . Ở miền Nam , ít ra vẫn còn vô số mõ dầu và các khoáng sản dồi dào khác”. Tojo lại hỏi “Nếu chúng ta tấn công mặt Bắc liệu Mỹ có nhúng tay can thiệp không?” Sato nhún vai khẻ nói “Không thể tiên liệu được ! Mỹ và Nga tuy rằng không cùng một chính sách , nhưng trong chiến tranh thì chuyện gì cũng có thể xảy ra” . Những ngày kế tiếp Tojo vẫn giữ thái độ im lặng , không ủng hộ mà cũng không chống đối ý kiến của Matsuoka . Nhưng Matsuoka vẫn ngoan cường . Ông viện dẫn rằng bản báo cáo của Đại Sứ Oshima cho biết cuộc chiến ở Nga sẽ chấm dứt rất sớm và chắc chắn không đến cuối năm nay Anh Quốc sẽ đầu hàng . Ông đi đến kết luận “Nếu chúng ta tranh luận về vấn đề rắc rối của Nga sau khi đại bại dưới tay Đức thì đó không phải là đường lối ngoại giao . Tôi đoan chắc là Mỹ sẽ không bao giờ nhúng tay vào nếu ngay bây giờ chúng ta xua quân tiến công Nga . Vì tôi đã có kế hoạch ngoại giao mà tôi tin tưởng sẽ cầm chân Mỹ ít nhất cũng được 3 hoặc 4 tháng” Rồi ông nhấn mạnh “Nếu theo ý kiến của các ông Tư Lệnh Tối Cao , cứ bình chân như vại để chờ thời cơ thì sớm muộn gì Nhật Bản sẽ bị Anh , Nga và Mỹ cô lập . Chúng ta phải tấn công ngay mặt Bắc , sau đó tiến về phương Nam” . Ông cứ mãi một lập luận gần như bắt buộc người ta phải nghe theo cho đến khi cảm thấy lời nói của mình không còn giá trị nào nữa thì ông lại phẫn nộ lên quát như ban ra một mệnh lệnh “Tôi ra lệnh cho các ông phải tấn công ngay Liên Bang Xô Viết” . Tham Mưu Trưởng Lục Quân Sugiyama , người đại diện tiếng nói cho quân đội thẳng thắn trả lời “Không !” .

  Đồng Minh mạnh nhất của Matsuoka vốn là Bá Linh , nhưng Hitler đã yêu cầu thẳng với Nhật phải tấn công Nga ngay . Bản điện văn của ông đã gửi sang Tòa Đại Sứ Đức ở Đông Kinh 3 ngày . Tướng Ott đã chuyển đến Matsuoka , và vì vậy ông mới liên tiếp tỏ thái độ gây áp lực chính phủ Nhật phát động chiến tranh về phương Bắc . Thủ Tướng Konoye thì từ đầu đã giữ im lặng bởi vì lập trường của ông nghiêng hẳn về Bộ Tư Lệnh Tối Cao . Không cần phải tranh luận thêm nữa , cuộc bàn cãi đã chấm dứt . Quyết định đã dứt khoát , tiến quân về phương Nam là mục tiêu tối hậu .

  Bước kế tiếp mà cũng là một bước cuối cùng để quyết định này được thực hiện là sự phê chuẩn chấp thuận chính thức của Thiên Hoàng . Nghi lễ được thực hiện ngay trong Nội Điện . Cũng tại nơi đây , Nhật Hoàng ngự trên cao nghiêm trang và im lặng để chủ trì một phiên họp đặc biệt gồm đủ mặt các chính khách dân chánh cũng như quân đội với nhiều chủ kiến khác nhau , kẻ chủ trương hòa bình chỉ mong hòa hoãn với Hoa Kỳ tránh cuộc can qua , người hiếu chiến coi trời bằng vung chỉ muốn dùng vũ lực để mở mang bờ cõi biến đất nước họ thành một Đế Quốc Đại Nhật Bản trên vùng trời Đông Á .

  Ngoại Trưởng Matsuoka điên cuồng bao giờ cũng giữ khư khư ý đồ phạt Bắc chinh Nam . Tướng Hara thì ủng hộ ý kiến này vì ông vẫn e ngại Hoa Kỳ và chỉ muốn tiến quân về phương Bắc với mục đích nêu ra là tiêu diệt Cộng Sản , một cuộc chiến mà theo ông biết , sớm muộn gì Nhật cũng phải tham dự vào . Nhưng cuối cùng thì họ cũng phải ngậm ngùi mà chấp thuận ý kiến của đại đa số , trong đó có Thủ Tướng Konoye và Sugiyama , Tổng Tham Mưu Trưởng Lục Quân là tiến đánh vào Đông Dương , tức hành quân về miền Nam Châu Á . Văn Bản quyết định đã thành hình với chữ ký của Thủ Tướng , Bộ Tưởng Lục Quân , Bộ Trưởng Hải Quân và ấn ký của Đại Nhật Thiên Hoàng . Lúc bấy giờ quyết định này đã chính thức hợp thức hóa , nó đã trở thành quốc sách hầu thỏa mãn cho khát vọng điên cuồng của cháu con Thái Dương Thần Nữ trong ý đồ chinh phục Á Châu .

  Đến bây giờ thì Ngoại Trưởng Matsuoka quay lại đối phó với những lời đề nghị đi ngược lại Bản Dự Thảo Sơ bộ của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ . Đối với Matsuoka thì có thể đoán ra được tâm trạng của ông trong lúc này , vẫn oán hận Mỹ vô cùng như hôm nào ông đã tuyên bố một bài phát biểu cuồng nộ trước công chúng . Giã như đó là lời phê phán của một chính khách không tên tuổi có tính chất khích động , gây chú ý cho quần chúng thì đó chẳng qua là hành động náo động không tội vạ . Nhưng với Matsuoka , đó là một hành động tự lăng mạ mình và sĩ nhục cho cả quốc thể . Và cũng trong ngày 12 tháng 07 , trước buổi họp báo ông lại tuyên bố với thái độ khá hằn học “Tôi đã suy nghĩ cặn kẻ hơn mười hôm rồi , tôi đoan chắc là Hoa Kỳ họ khinh đất nước này như một quốc gia bị bảo hộ và người Nhật mình như những kẻ bị lệ thuộc ! Với tư cách là một Bộ Trưởng Ngoại Giao , tôi không chấp nhận được ! Tôi có thể thương thuyết về một vấn đề nào khác chứ không thể nào chấp nhận lời đề nghị của họ . Người Mỹ tiêu biểu là hay áp chế những kẻ yếu hơn họ . Lời đề nghị đầy vẻ ngạo mạn ấy có khác gì cho chúng ta là những kẻ yếu hèn và lệ thuộc . Tôi biết , nhiều người Nhật chống đối tôi , thậm chí có người còn bảo rằng chính đương kim thủ tướng cũng chống đối tôi nốt !”

  Lời nói của ông ta đã bộc lộ sự thống hận khôn cùng của chính bản thân ông đã coi Ngoại Trưởng Hull như một kẻ thù bất cộng đáy thiên “Cũng không ngạc nhiên khi người Mỹ khinh bạc chúng ta như kẻ kiệt quệ nên mới ra những đề nghị vớ vẫn như thế . Tôi đề nghị là chúng ta phải từ chối lời đề nghị của họ ngay và không cần đàm phán gì với họ cả” . Matsuoka lại gọi Roosevelt là “kẻ mị dân thứ thiệt” và lên án ông ta là kẻ dẫn Hoa Kỳ sâu vào một cuộc chiến mà theo lẽ sẽ tránh đi được . Về phần ông , từ thuở còn niên thiếu khi lang bạc nơi xứ người nhớ về cố quốc , ông đã ấp ủ trong lòng một hoài bảo đáng tự hào là nếu mai sau ông trở thành một người có chân trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước , ông cố gắng phải làm sao để nền hòa bình giữa hai quốc gia Nhật Bản và Hòa kỳ trường tồn mãi mãi . Bây giờ , thực trạng đã ra nông nỗi , ông chợt thấy nao nao , chẳng biết trong một phút yếu lòng Matsuoka đã nghĩ gì mà sắc mặt trở nên buồn bả lạ thường , ông chép miệng mà nói rằng “Tôi nghĩ chắc không còn hy vọng gì nữa . Nhưng còn nước thì còn tát ! Chúng tôi sẽ cố gắng đến cùng”.

  Cuối cùng rồi thì Matsuoka cũng thốt lên một câu rất mát dạ mấy ông sĩ quan quân đội . Ngay cả khi tình hình quá vô vọng , Tojo vẫn nuôi hy vọng là những chính khách Nhật bên kia bờ Thái Bình Dương đang cố gắng điều đình với Hoa Kỳ . Bộ Trưởng Hải Quân Oikawa cũng thấy có nhiều triển vọng để đàm phán . Theo những báo cáo gần đây thì cho thấy mọi hoạt động của Hải Quân Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương vẫn không có gì thay đổi , nghĩa là họ chẳng có ý định mở rộng chiến tranh ở Thái Bình Dương . Trong khi chúng ta cũng không muốn sinh sự với họ , thế có nghĩa là mình và Hoa Kỳ vẫn còn có một chút ánh sáng để đi đến đàm phán hòa bình .

  Matsuoka cười mỉa mai “Họ có thể lắng nghe chúng ta chỉ khi nào lực lượng quân sự của chúng ta bỏ đi ý đồ Nam tiến” .

  Chuyện đi đến nước này thì nguyên nhân chính dù không nói ai cũng có thể nhận ra là do lỗi của Matsuoka . Chính vì ông có chủ tâm muốn phá hoại cuộc đàm phán này nên mới có những thái độ quá nông nỗi như vậy . Đến như một vị sĩ quan điềm tỉnh nhất như Tojo cũng không thể nào chịu đựng được hành động hết sức ngang ngược của Matsuoka , đến nỗi có một lần ông nêu lên ý kiến cùng Thủ Tướng là nên sa thải Matsuoka cho yên chuyện . Nhưng Konoye lại không muốn công khai sa thải Matsuoka , vì làm như thế chẳng khác nào gieo nên mối bất hòa với vị Ngoại Trưởng mà hào quang của ông vẫn còn sáng chói ngoài công chúng sau chuyến công du Âu Châu gần đây . Ông âm thầm quyết định cho Matsuoka về vườn bằng một giải pháp hòa hoãn hơn : ông sẽ yêu cầu giải tán Nội Các Chính Phủ rồi sau đó thành lập một Nội Các mới với một Ngoại Trưởng mới .

  Konoye kêu gọi một phiên họp đặc biệt của Nội Các lúc 6 giờ 30 ngày 16 tháng 07 , sau khi ông đưa ra quyết định không một ai chống đối ; chỉ có Matsuoka thì cáo bệnh nằm nhà .

  Cũng chính vì sự bất phục tùng khi hành sự và tính khí quá ngang ngược nên kết quả đã đến với Matsuoka , chấm dứt một sự nghiệp đầy tai tiếng . Tai tiếng cho riêng ông và tai tiếng cho cả một đường lối ngoại giao của Nhật Bản từ cổ chí kim . Chính vì sự bất phục ấy mà cho đến bây giờ Matsuoka vẫn còn chưa tin nỗi bản tin sét đánh là người ta đã cất chức của ông . Hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau , một Nội Các mới được thành lập , ghế của Matsuoka được thay thế bởi một vị Đô Đốc có mối quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ là Teijiro Toyoda . Việc làm đầu tiên sau khi nhậm chức là Toyoda gửi ngay một điện văn cho chính phủ Vichy với nội dung : bất luận Chính Phủ Vichy có phản ứng như thế nào , quân đội Nhật cũng  sẽ tiến vào Đông Dương ngày 24 tháng 07. Nhưng rồi một ngày trước khi quân Nhật tiến vào , Chính Phủ Vichy chấp nhận giải pháp ôn hòa , nghĩa là Nhật có quyền tự do tiến quân vào Đông Dương . Một bức điện báo gửi về Đông Kinh từ Tòa Đại Sứ Nhật tại Đông Dương cho biết “Pháp đã nhìn rõ sự cương quyết và bước tiến thần tốc của Đại Nhật Bản . Tạm thời , họ không còn cách nào khác hơn là cầu hòa . Đó là lý do tại sao người Pháp dễ dàng chấp nhận lời yêu cầu của chúng ta” .

  Bức điện trên được cơ quan tình báo Hải Quân Hoa Kỳ phát giác và gửi thẳng về Ngoại Trưởng Hull . Đọc xong , ông cả giận và hối thúc Tổng Thống Roosevelt trả đũa ngay bằng cách ban hành lệnh cấm vận Nhật Bản , bất kể lời cảnh báo mới hôm nào của Bộ Hải Quân là hậu quả của nó là khơi mầm chiến tranh vùng Đông Nam Á , nghĩa là Nhật sẽ tấn công Mã Lai , Singapore , sang tận Ấn Độ Dương , và có thể  đụng độ với lực lượng Hoa Kỳ Hải Quân trên vùng biển Thái Bình Dương .

  Nhưng theo lời khuyên của Harld Ickes , nguyên Tổng Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ rằng nên có hành động cụ thể để chống lại các quốc gia nuôi ý đồ xâm lược .Tổng Thống Roosevelt đã quyết định . Ngày 26 tháng 07 , ông ban hành lệnh phong tỏa tất cả tài sản trương mục của Nhật  tại Mỹ . Anh và Hòa Lan cũng tiếp bước theo Hoa Kỳ hành động tương tợ ngay sau đó . Điều này có nghĩa là Nhật Bản không thể mua dầu hỏa được nữa . Nếu không có dầu hỏa tức thời bộ máy chiến tranh của Nhật sẽ bị tê liệt ngay .

  Mục đích phong tỏa kinh tế của 3 đại cường nhằm phá vỡ Nhật với mộng bá chủ của Mỹ đã gây một làn sóng căm phẫn gần như náo loạn trên toàn cõi Phù Tang . Nhưng trong Bộ Chỉ Huy Tối Cao Đại Nhật Bản , người ta vẫn thấy từng vẻ mặt oai nghiêm trầm tỉnh hơn bao giờ hết .Tổng Tham Mưu Trưởng Hải Quân Hoàng Gia Nhật Nagano , một vị sĩ quan đầy cẩn trọng và có óc xét đoán , sau ba ngày nhưng vẫn còn bàng hoàng với quyết định của Hoa Kỳ , dù ông đã biết sớm muộn gì sự việc này cũng xảy đến . Trong buổi tiếp kiến với Thiên Hoàng Hirohito , Nagato nêu lên ý muốn của mình là không tha thiết gì với một cuộc chiến mà thực tế có thể tránh được nếu chúng ta hủy bỏ hiệp ước với Đức và Ý , một hiệp ước mà phe Hải Quân của các ông đều xác nhận rằng chính nó là một cản trở lớn để đi đến thương thuyết hòa bình với Hoa Kỳ . Đồng thời ông cũng lên tiếng cảnh báo là số dầu dự trữ của quốc gia chỉ dùng đủ trong thời gian 2 năm , nếu chiến tranh xảy ra thì số lượng nhiên liệu kia dù có cắt giảm tối đa nhưng chỉ trong vòng 18 tháng là cạn kiệt .“Trong tình huống này , ta phải biết chủ động . Người Trung Hoa có câu Tiên hạ thủ vi cường . Ta chủ động ra tay trước mới có cơ may chiến thắng” .

  Nagano mở lời quanh co vì có ý muốn cho Nhật Hoàng biết rõ tình hình để ông rút lại quyết định Nam tiến , một quyết định mà đa số sĩ quan Hải Quân chống lại dù không ra mặt . Nhưng trong lối nói quá dè dặt của vị Tham Mưu Trưởng vô tình trở thành lời đề nghị , thừa nhận rằng nếu chủ động tấn công Hoa Kỳ , Nhật sẽ chiếm được tiên cơ . Nhật Hoàng nãy giờ ngồi im lắng nghe , ông gật gù “Trước mắt , đây có lẽ là một lối thoát duy nhất cho đất nước” Trận Đối Mã oanh liệt năm nào đã cho Nga thấy thế nào là sức mạnh của người da vàng , hào quang ấy vẫn còn sáng chói trong trang sử dân tộc Phù Tang . Ông khẻ hỏi “Liệu ta có thể thắng Mỹ một trận vẽ vang như chiến thắng Đối Mã năm nào không ?” . Bấy giờ Nagano mới hối hận cho lời nói của mình , ông ấp úng “Thần không dám to gan đoan chắc , nhưng cũng có thể !

  Hirohito đổi giọng dứt khoát “Thế thì ta quyết một trận sống mái với chúng một phen !” . 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế