Thế chiến bùng nổ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 5

                                      THẾ CHIẾN BÙNG NỔ

                             Trở lại cuộc chiến dai dẳng ở Trung Hoa . Càng ngày quân đội Nhật càng lún sâu vào một cuộc chiến gần như vô vọng . Trước những thiệt hại mất mát quá lớn lao của binh sĩ thương vong cùng số chiến phí khổng lồ cứ đổ vào càng lúc càng nhiều , bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Thiên Hoàng đã bí mật hội thảo với nhau , họ quyết định rằng nếu không đi đến đoạn cuối kết quả của chiến thắng trong thời hạn một năm thì bắt buộc họ phải rút tất cả lực lượng chiếm đóng trên phần đất Trung Hoa . Chỉ để lại một ít quân số dọc biên giới Hoa Bắc để phòng chống lại quân Cộng Sản mà thôi  . Nhưng tình hình Âu châu lại biến chuyển đột ngột . Chỉ 6 tuần lễ sau đó , vào ngày 10 tháng 5 , Hitler làm thay đổi cách suy tính của Nhật Bản bằng cách tiến quân tấn công vào mặt trận phía Tây . Bốn ngày sau Bộ Chỉ Huy Quân Đội Hòa Lan đầu hàng . Rạng ngày 15 tháng 5 , mới 7:30 sáng , Winston Churchill , vị Thủ Tướng mới nhậm chức của Anh Quốc bị đánh thức bởi cú điện khẩn cấp từ Paris “Chúng tôi bị tấn công!” Thủ Tướng Paul Reynaud lại gào to hơn “Chúng tôi đang bị đánh tơi bời !” . Hai tuần sau Vua Leopold đệ tam tuyên bố đầu hàng bất kể lời can ngăn của nội các chính phủ , ông từ chối lánh nạn ở Anh và hậm hực phát biểu : “Tôi đã quyết định ở lại bởi vì đồng minh đã thất bại !” . Pháp quốc đầu hàng và chỉ trong vòng một tháng sau , Anh cũng đứng bên bờ nguy kịch .

  Thế tiến như vũ bão của Đức ở Âu Châu làm nức lòng các vị chỉ huy quân đội Nhật khiến cho họ nhanh chóng thay đổi quyết định , với khẩu hiệu “Bắt lấy cơ hội ngàn năm một thuở !” cuộc chiến dai dẳng ở Hoa Lục lại rẽ sang một chiều hướng khác . Một khi Pháp đã bị Đức khống chế hoàn toàn và Anh đang chiến đấu để sống còn thì còn chờ gì mà không tung quân ra tiến sâu xuống vùng Đông Nam Á chiếm lấy các mỏ dầu và vô số tài nguyên khác rất cần thiết cho sản xuất . Rạng sáng ngày 22 tháng 06 Bộ Tổng Tham Mưu và Bộ Chiến Tranh mở phiên họp khẩn cấp . Những vị sĩ quan vừa rồi đã đưa ra quyết định rút quân ra khỏi Hoa Lục bây giờ lại đề ra kế hoạch bất thình lình tấn công Tân Gia Ba .

  Cuối tháng 07 , Hoàng thân Konoye được thuyết phục trở lại chính trường và thành lập nội các mới . Hai bộ quan trọng được thay vào hai khuôn mặt mới đầy triển vọng . Một vị là nhà ngoại giao khôn khéo , nói năng lịch thiệp Yosuke Matsuoka , tân Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao . Vị thứ nhì vốn xuất thân trong khói lửa , Trung Tướng Hideki Tojo , tân Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh . Một quân nhân tận tụy với chức nghiệp và cống hiến cuộc đời cho hoài bảo , Tojo được coi như một ông Tướng gương mẫu trong hàng sĩ quan Nhật . 

   Đã kinh qua những khó khăn mà ông phải đối diện trong nhiệm kỳ qua , Konoye cảm thấy thoải mái hơn khi trở lại chấp chánh vai trò Thủ Tướng lần này . Ít ra ông cũng tạo được uy tín trong guồng máy quân đội , có khả năng thực hiện và phân bố những trọng trách khó khăn , bao gồm sự thành công trong việc chỉ huy đội quân quan ngoại Quang Đông cứng đầu cứng cổ . Là một con người liêm khiết luôn đề cao tinh thần kỷ luật và đòi hỏi kỷ luật tuyệt đối ở thuộc cấp , Konoye dựa theo kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của từng vị sĩ quan chỉ huy mà giao phó công tác .

  Ông Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Matsuoka , đã một thời làm Chủ Tịch Sở Hỏa Xa thuộc chi nhánh Nam Mãn Châu . Trong khoảng thời gian này Matsuoka từng tiếp xúc nhiều với tướng Tojo khi ông ấy còn phục vụ trong bộ chỉ huy đội quân Quang Đông . Hai người này tánh tình gần như trái ngược nhau , Matsuoka cứng cỏi kiên quyết tánh thích phiêu lưu mạo hiểm dám nghĩ dám làm , là một thiên tài hùng biện nhưng lại quá khoa trương trong khi Tojo thì thâm trầm kín đáo nói năng chừng mực .

  Matsuoka vốn người nhỏ con , da ngâm đen , cái đầu tròn tóc cạo nhẵn , bộ ria mép rậm ri nỗi bật dưới  cặp kính trắng to gọng , hình ảnh này đã tạo được một ấn tượng đặc biệt cho thế giới nhân dịp xuất hiện trước ống kính tại đại hội Quốc Liên bàn cãi về đặc quyền trên lãnh thổ Mãn Châu dạo nào .

  Ở tuổi 13 , cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới mà đã bị ông cậu là một thuyền trưởng bạc đãi , bỏ rơi để cho ông một mình lạc lõng đi lang thang trên bờ biển vắng thuộc miền Tây Hoa Kỳ . Một gia đình người Mỹ ở Portland , Oregan thương tình đứng ra bảo trợ , giúp ông trở thành thường trú nhân trên đất Mỹ . Và từ đó ông lao vào cuộc sống mới với đủ thứ nghề lao động chân tay cũng có mà văn phòng cũng có , vừa học vừa làm đến khi tốt nghiệp đại học Oregan thì ông ra làm việc 3 năm rồi quay trở lại nguyên quán , nơi mà ông cho là tổ quốc quê hương không thể chia lìa .

  Thủ Tướng Konoye bao giờ cũng lắng nghe ý kiến đóng góp của từng cá nhân thuộc cấp , nhưng ngược lại , Matsuoka chỉ trình bày ý kiến và bao giờ của mình cũng là nhất . Những bài phát biểu vòng quanh khó hiểu của ông dễ gây hiểu lầm cho đồng sự . Vì thế không ít người thì thầm bảo nhau rằng ông ta là một nhà chính trị loạn trí hoặc một vị Bộ Trưởng ngược đời !

  Nội các mới vừa thành lập được vỏn vẹn 4 ngày thì phải bắt tay vào làm việc không ngừng để thông qua một chính sách mới nhằm đối phó với “thử thách gay go không có quyền chọn lựa” cho sự tồn vong của quốc gia . Chính sách mới này đơn thuần là tập trung mục đích lập lại nền hòa bình chung . Danh từ “Đại Đông Á” được hình thành , Mãn Châu và Hoa Lục dĩ nhiên phải chịu dưới sự lãnh đạo của người Nhật . Luật Tổng động viên được ban hành trên toàn cõi quốc gia , kêu gọi mọi người hãy hy sinh hạnh phúc cá nhân vì bổn phận công dân mà  cống hiến cuộc đời cho quốc gia xã tắc . Duyệt kế hoạch củng cố lại nền kinh tế quốc gia cũng như cải tổ lại Quốc Hội và dàn xếp êm đẹp chuyện rắc rối thuở nọ trên Lư Câu Kiều .

  Hơn nữa , Hiệp Ước Liên Minh Nhật đã ký kết với Ý và Đức , lời giao ước là không gây hấn với Liên sô , thêm vào đó Hoa Kỳ đã cấm vận nguyên liệu chiến lược khiến cho Nhật nao núng không thể phát động chiến tranh ở mặt Bắc . Trong mưu đồ thôn tính lãnh thổ để khai thác tài nguyên làm giàu cho bổn quốc , phía Bắc đã bế tắc khiến Nhật phải nhìn sâu xuống tận phương Nam , với Đông Dương trù phú và xa hơn nữa .

  Cách giải quyết này chính là sản phẩm trí óc của những vị chỉ huy quân sự , nhưng họ phải thuyết phục Thủ Tướng Konoye và Nội Các dân cử rằng đây là cơ hội cuối cùng cho sự sống còn của một Nhật Bản đang lắc lư trên con thuyền canh tân đất nước . Bằng bất cứ giá nào câu khẩu hiệu “Bắt lấy cơ hội ngàn năm một thuở” đã trở thành quốc sách , sau sự kiện Lư Câu Kiều , chiến tranh càng lan rộng , vô hình chung đã đẩy Nhật Bản vào thế xâm lược không còn chối cãi vào đâu nữa . Trong lúc ấy uy quyền hành chánh tối cao trong cơ chế chính phủ hướng theo con đường dân chủ của Hoa Kỳ . Điều trái ngược này thật sự đã xảy ra ở Nhật . Hiến pháp Đại Hòa phân chia quyền hành giữa Nội Các và Bộ Tư Lệnh Tối Cao . Người chỉ huy quân sự , cho dù chỉ có chút ít kiến thức chính trị hoặc ngoại giao cũng có thể lạm quyền qua mặt các vị Nội Các dân cử . Tóm lại , tiếng nói của những vị chỉ huy quân sự này rất nặng ký , có thể làm lung lay một chính thể . Quân đội độc quyền như thế lâu dần đã trở thành truyền thống khiến không mấy ai còn thắc mắc nữa . Do đó , chính vì đặc quyền này mà trong quân đội đã sản sinh ra không biết bao nhiêu vị Đô Đốc , Tướng Tá ỷ thế lộng quyền dùng bạo lực nhà binh và chút kiến thức ấu trỉ để chi phối cả một nước Nhật .

  Một nhân vật then chốt trong quân đội kẻ đã hô hào khẩu hiệu “Bắt lấy cơ hội ngàn năm một thuở” đã không muốn hoặc giả không nhìn thấy được hậu quả của cuộc chiến sắp xảy ra . Pháp quốc thất trận phải đầu hàng Quốc Xã , Anh quốc đang chiến đấu để sống còn , Đông Dương béo bở với nguồn lợi bạt ngàn những đồn điền cao su , quặng mỏ kim loại , than đá và là kho gạo mênh mông vô tận , đối với họ không khác gì một kho báu vô chủ bên đường đang chờ họ tới chở đi . Trong vòng hai tháng Nhật gây áp lực bắt buộc chính phủ Vichy ký một thỏa thuận ở Hà Nội đồng ý cho họ thiết lập sân bay quân sự ở Bắc Việt để sử dụng nơi này như một pháo đài tấn công Trung Hoa .

  Tất cả những bước tiến này không tránh khỏi sự phản kháng dữ dội của ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Matsuoka và những vị sĩ quan có bộ óc nhận xét tinh tế ở Bộ Tư Lệnh Tối Cao . Họ sớm nhìn thấy hành động này sẽ gây xung đột với người da trắng . Tham Mưu Trưởng Lục Quân là Hoàng Thân Kanin xin từ chức với đầy chua chát nghẹn ngào cho quốc gia dân tộc .

  Theo con đường ồ ạt Nam tiến của Nhật Bản , Hoa Kỳ quyết định phản ứng mạnh mẽ . Con đường Burma (Miến Điện) huyết mạch chuyển vận hàng hóa vào Trung Hoa quyết không để lọt vào tay quân Nhật . Tuy nhiên Thủ Tướng Winston Churchill lại lạc quan rằng Nhật sẽ dậm chân tại chỗ trên chiến trường phía Bắc Đông Dương nên không đắn đo khi đề nghị nên rút bớt 2 lữ đoàn Ấn Độ ra khỏi Tân Gia Ba . Bộ Trưởng Ngoại Giao Anthony Eden ngược lại không đồng ý , ông cho rằng không sớm thì muộn Nhật sẽ tiến xuống đến tận Mã Lai . Ông lại nhắc nhở Thủ Tướng  “Có vài dấu hiệu báo cho chúng ta biết dường như Nhật và Đức có giao kèo gì với nhau . Cho nên , cách tốt nhất là chuẩn bị một hành lang chắc chắn bảo vệ cho Tân Gia Ba” .

  Và ông ta đã đoán đúng . Một cuộc thảo luận dài hạn về Hiệp Ước Liên Minh với Ý và Đức sắp đi đến kết thúc cho dù khoảng giao ước Hàng Hải vẫn còn tranh cãi . Chỉ e rằng qui chế ấy lại buộc Nhật Bản tự động dấn sâu vào chiến tranh trong một hoàn cảnh nào đó . Matsuoka phản đối giả thuyết này bằng lối thuyết phục và lập luận tràng giang đại hải . Chiếu theo công ước , ông ta mạnh dạn tuyên bố “Bắt buộc Hoa Kỳ phải cẩn trọng hơn trong đường lối chống trả Nhật Bản” và đương nhiên là tránh được cuộc can qua với một đại cường . Xa hơn nữa , giả thử như Mỹ đứng theo phe đồng minh nhảy vào cuộc chiến chống lại Đức Quốc , Nhật sẽ là người bàng quang thủ tọa không đứng về phe nào .

  Khó có thể cưỡng lại những biện luận công kích của Matsuoka . Nhưng nhân lúc đại đa số quần chúng cùng ủng hộ phe liên minh nên vô tình lôi kéo luôn những người bất đồng quan điểm về phe mình . Bất đắc dĩ Thủ Tướng Konoye đành chấp thuận , lẽ đương nhiên ông cũng biết nếu chống lại quan điểm của phe Quân phiệt sớm muộn gì họ cũng bắt buộc ông phải từ chức . Ông thố lộ tâm tình với người con rễ “Theo ý kiến của tôi thì nên mang quân đội rời xa cuộc chiến” . Nhật Hoàng cũng phản đối công ước ấy , trước khi đóng dấu vào văn bản , ông đã cảnh cáo Kenoye rằng có thể gây ra một cuộc xung đột lớn , chiến tranh với Anh Quốc và Hoa Kỳ tất không thể nào tránh khỏi . Ông thở dài than thở với Konoye “Nhà ngươi hãy cùng ta chia xẻ những hân hoan và bất hạnh trong những ngày kế tiếp !” .

  Ngày 27 tháng 11 năm 1940 , công ước được ký kết tại Bá Linh . Đối với Anh và Mỹ , đây là một bằng chứng xác thực chứng minh rằng Nhật không khác gì hơn Quốc Xã Đức và Phát Xít Ý . Và ba tay “hão hớn” này cố nhiên tìm nhau hợp tác quân sự để cùng khuấy động thế giới . Hoa Kỳ vội tu chỉnh ngay chính sách cấm vận Nhật hầu xiết chặc thêm về mặt nhập cảng dầu hỏa , nhiên liệu dùng vào việc chế tạo vũ khí cũng như kinh tế nước này .

  Matsuoka tuyên bố rằng ông đã từng sống một thời gian dài ở Hoa Kỳ nên rất hiểu người Hoa Kỳ . Đồng thời ông cũng thú nhận Hiệp Ước Liên Minh mới chính là một thủ đoạn ngoại giao khôn khéo  “Chúng ta là đồng minh với Hitler , nhưng không vì thế mà mang quân đội ra mặt đối mặt chống chọi lại Hoa Kỳ , vì họ vốn là một cường quốc trội hơn ta về mọi mặt . Những kẻ hiếu chiến như Hoa Kỳ không sớm thì muộn gì họ cũng sẽ nhúng tay vào cuộc chiến ở Châu Âu . Đến lúc đó , chúng ta bắt tay hòa hoãn cùng họ . Kế sách này sẽ giữ yên trên toàn cõi Thái Bình Dương trong khi cả thế giới Tự Do đang sát cánh cùng nhau chống lại chủ nghĩa vô thần Cộng Sản” .

  Cùng với thủ đoạn ấy , công ước này cũng giúp Nhật tránh khỏi những rắc rối thuở nào ở Lư Câu Kiều . Matsuoka nói rằng “Để giải quyết những rắc rối dạo nào , cách tốt nhất là hãy quên đi và tìm con đường giúp đỡ lẫn nhau đi đến một nền thịnh vượng chung . Không nên chờ đợi hy vọng ở một bàn tay ngoại nhân nào có thể vãn hồi được tình trạng hỗn độn ở Trung Hoa . Tôi thiết nghĩ Hoa Kỳ cũng sẽ hài lòng về mục đích tái lập nền hòa bình trên đất nước này . Nhưng một câu hỏi được đặc ra là : Với sự nhượng bộ nào Nhật (hoặc quân đội Nhật) có thể chấp nhận ? Chả lẽ chúng ta đành chịu rút toàn bộ quân lực ra khỏi lãnh thổ Trung Hoa” .

  Lối ngụy biện quanh co của Matsuoka cuối cùng cũng chỉ vì một mục đích cổ vũ cho sự ủng hộ kế hoạch của Bộ trưởng Ngoại Giao Đức Joachim von Ribbentrop , một thỏa thuận liên kết “tứ đại cường” : Ý , Nhật , Đức và kẻ thù muôn đời của họ là Liên sô . Ông vội xin phép xuất ngoại sang Châu Âu với ý muốn tự mình mang kế hoạch này ra ký kết . Sau một chuổi cứu xét thật nhiêu khê , Tổng Nha Quân Đội chấp thuận cho chuyến công du nhưng bác lời đề nghị xin được mang theo một món quà ra mắt Hitler “Lời cam kết là Nhật sẽ tung quân tấn công Tân Gia Ba” .

  Ngày 12 tháng 03 năm 1941 , một nhóm đông chính khách tụ tập tại sân ga Đông Kinh để tiển chân Matsuoka . Hồi còi tàu đã vang báo hiệu cho phút khởi hành , Matsuoka vụt bước nhanh đến Tướng Sugiyama , vọt miệng hỏi nhỏ : “Bao giờ thì quân ta tấn công Tân Gia Ba?” Vẫn là một câu hỏi chán ngấy khiến cho vị Tướng này cau mày cảm thấy không ít khó chịu “Tôi không thể cho ông biết ngay bây giờ!” . Đoạn ông ta quay mặt nhìn con tàu mà lòng thầm nhủ “Cái gã Matsuoka này đúng là một kẻ hay quấy rầy nhỉ !” .

  Đấy là sự thật về Matsuoka . Bản tính hay quấy rối của ông ta càng thể hiện rõ rệt trong chuyến công du dài xuyên qua Siberia . Ông ta rỉ tai Đại Tá Nagai , người được Tổng Nha Quân Đội phái theo sát Matsuoka đề phòng những lời hứa hẹn bộc trực có nguy hại đến quốc gia . “Nagai , ông cho quân quấy rối dọc theo biên giới đi . Tôi sẽ cố gắng dẹp bỏ hiệp ước trung lập Nhật-Nga” .

  Tại Bá Linh , tuy là lần đầu tiên được hội kiến với Hitler , trong buổi thảo luận , Matsuoka cũng vẫn là Matsuoka phô trương trịch thượng , lúc nào cũng luôn mồm biện luận trong khi Hitler thì im lặng vuốt vuốt nhúm râu dưới mũi gật gù . Lúc bàn bạc về tình trạng Anh Quốc , Hitler chỉ nhếch mép gằn giọng “Bọn chúng sẽ bị đánh tan tành !”.

  Cả Hitler và ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Ribbentrop cũng như những vị sĩ quan cao cấp Quốc Xã cùng thuyết phục Matsuoka rằng chiếm lấy Tân Gia Ba là tạo được nhiều lợi thế cho Nhật . Ribbentrop cân nhắc “Đó có thể là một cách tối ưu để giữ chân Mỹ bên ngoài cuộc chiến” vì Roosevelt không thể liều mạng mang quân vào lãnh hải Nhật Bản . Đồng thời Hitler cam đoan với Matsuoka rằng nếu Nhật phát động chiến tranh thì Đức sẽ là một quốc gia cùng sát cánh với Nhật trong mọi tình huống . Nếu như Mỹ có dại nhúng tay vào Thái Bình Dương thì sẽ đối đầu một lúc hai đối thủ . Căn cứ theo sức mạnh thật sự của quân đội Đức , rõ ràng là đã trội hơn quân đội của Hoa Kỳ rất nhiều .

  Dù mọi người cùng nhau cố thuyết phục nhưng Matsuoka vẫn giữ thái độ ậm ừ hoặc cố lãng tránh . Một lần đối mặt với Hermann Goring , sau khi nhận tặng phẩm là bức họa toàn cảnh núi Phú Sĩ từ tay Matsuoka , Goring tươi cười bảo rằng ông hứa sẽ đến để chiêm ngưỡng cảnh thật chỉ khi nào Nhật làm chủ Tân Gia Ba . Matsuoka nghiêng đầu hướng về phía Nagai và bảo “Tốt nhất là ông nên hỏi ông ta thì hơn !” .

  Matsuoka không hề biết dè dặt những điều ước mà ông đặt hết kỳ vọng được ký kết với Stalin và ông cũng hết sức ngạc nhiên khi nghe Ribbentrop gợi ý một hiệp ước “liên minh tứ cường” . Ông bảo “Tại sao ông có thể ký kết một hiệp ước trong lúc này ? Nên nhớ rằng Liên sô không bao giờ làm một việc gì mà không mưu tính vụ lợi đâu nhé !” . Nagai nhắc nhở ông nên dè dặt hơn nhưng một khi Matsuoka cao hứng thì còn ai có thể khiến cho ông im lặng được . Thậm chí Tướng Oshima , Tổng Lãnh Sự Nhật tại Đức khuyên ông nên kín đáo một chút vì tình hình hiện tại rất có thể Đức và Nga sẽ xảy ra chiến tranh .

  Ngày 06 tháng 04 , nhóm Matsuoka rời Bá Linh để hướng đến Mạc Tư Khoa . Ngay trên biên giới họ mới biết ra Đức đã chiếm đóng Nam Tư tự bao giờ . Lúc ấy Nagai và vài vị cố vấn khác cảm thấy rối bời như tơ vò trăm mối , bởi vì hiệp ước trung lập được ký kết giữa Đức và Nam Tư chữ ký còn chưa ráo mực kia mà . Duy chỉ có Matsuoka vẫn tỉnh bơ như chẳng có gì xảy ra . Ông ta cười hề hề rồi rỉ tai viên thư ký riêng “Tôi đã thủ sẳn một thỏa thuận với Stalin trong túi áo đây này !” .

  Đúng vậy , chỉ một tuần sau khi đến Mạc Tư Khoa , ông đã ký một hiệp ước trung lập tại điện Cẩm Linh . Trong buổi tiệc mừng xa xỉ ê hề rượu thịt , Stalin thể hiện sự vui thích đến đổi quên ngay chính mình là một chúa tể của một cường quốc đỏ , ông tự tay lấy thức ăn cho những người khách Nhật Bản , rượu vào lời ra say sưa quây cuồng , họ ôm nhau hôn hít không ngớt .

  Quả thật hiệp ước này là lối ngoại giao rất tinh tế khôn ngoan của Stalin . Nó là chứng cớ trưng ra để cho người ta tin rằng ông không đếm xỉa đến những lời đồn đại là Đức Quốc Xã sẽ tấn công Liên Bang Xô Viết . Suy cho cùng , nếu Hitler có dã tâm như thế thì ông còn chấp nhận cho Nhật ký kết điều khoản này không ? “Nhật Hoàng vạn tuế !” Ô hô ! Stalin này đã định đoạt được số phận của họ .

  Matsuoka cùng Stalin nâng cốc chúc mừng , chợt Matsuoka cười một tràng dài “Hiệp ước đã ký kết rồi ư ?”. Đoạn ông nhìn thẳng vào mặt Stalin dõng dạc tuyên bố “Tôi không bao giờ nói dối ! Nếu như tôi bất tín thì cái đầu này thuộc quyền sở hữu của ông . Ngược lại , nếu ông không giữ chữ tín , tôi sẽ không ngại lấy cái đầu của ông ngay !” . Stalin cất giọng lạnh lùng  “Cái đầu của tôi rất quan trọng cho đất nước của tôi . Và ông cũng thế . Hãy ráng thủ tín mà giữ cái đầu ông nhé !”. Cả Nagai và đoàn tùy tùng đều ngượng ngùng nhìn nhau lắc đầu , thầm kêu khổ và trách sao ngài Bộ Trưởng lắm mồm , hay phát ngôn không đúng lúc , đúng người .

  Khi tiễn đưa phái đoàn Nhật ra ga xe lửa , Stalin ôm hôn Nagai và nói “Ông có biết lý do nào đã đưa Anh Quốc vào một tình trạng rối beng như ngày hôm nay không ?” Ông xuống giọng nhưng nhấn mạnh từng chữ “Bằng một cách đơn giản mà phân tách , chỉ vì quân đội của họ đánh giá địch quân quá thấp !” . Matsuoka có lẽ không đọc được thâm ý của Stalin nên rùn vai như thách thức và nói “Biến cố tận bên trời Âu thì đâu có gì phải sợ chứ ! Bây giờ chẳng phải ta đã có hiệp ước trung lập Nhật - Sô rồi hay sao !

  Trên chuyến xe lửa xuyên Tây Bá Lợi Á , Matsuoka dương dương tự đắc cười khoe cùng Nagai rằng trước khi rời Mạc Tư Khoa , ông đã gặp lại người bạn cũ Laurence Steinhardt , hắn bây giờ là Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Mạc Tư Khoa . Gặp lại ông , hắn mừng lắm và hứa hẹn rằng “Sẽ cố gắng vận động cho mối bang giao của hai quốc gia Nhật – Mỹ tốt đẹp trở lại” . Khoe xong Matsuoka lại  gật gù tuyên bố “Bây giờ thế cờ đã sắp sẳn ! Bước kế tiếp là tôi sẽ đi Hoa Thịnh Đốn một chuyến !” .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế