Đông Kinh rối loạn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 Chương 4 :

                    ĐÔNG KiNH RỐI LOẠN                            

                                  Trở lại với Đông Kinh trong những ngày đầu chiến tranh . Khi tình trạng quân phiệt đã hoàn toàn ảnh hưởng chính trường Nhật Bản . Hirota , với cương vị và quyền hành của một thủ tướng đương nhiệm cũng phải cúi đầu khuất phục trước uy quyền thế lực của quân đội . Những thành viên phe đối lập quá khích kêu gọi Bộ trưởng chiến tranh nên tự tử vì danh dự . Không còn con đường nào để chọn lựa khi đứng trước những đối thủ quá hung hăng và ngang ngược , ông Bộ trưởng đành phải ngậm ngùi từ chức trong uất ức . Và dĩ nhiên , theo sau sự ra đi của ông Bộ trưởng chiến tranh , tháng 2 năm 1937 , Thủ Tướng Hirota chính thức giải tán nội các và cũng lặng lẻ ra đi để nhường lại chính trường cho những kẻ đầy tham vọng khác .

  Thái Tử Saionji vội tiến cử ngay với Thiên Hoàng Đại Tướng Kazushige Ugaki , một quân nhân thuần túy lên thay thế Hirota trong chức vụ Thủ Tướng chính phủ . Ý kiến này đã gây căm phẩn trong lòng đại đa số phe quân phiệt vì Ugaki thuộc khối ôn hòa và hơn nữa ông có chiều hướng cắt giảm quân sự . Cuối cùng Thiên Hoàng đành phải nhượng bộ phe quân phiệt nên giao trọng trách cho Tướng Senjuro Hayashi , một nhân vật rất thân với phe “Điều khiển” . Hayashi chấp chánh quyền Thủ Tướng và hành động gần như đối lập với Quốc Hội chính phủ . Với một Nội Các mệnh danh “Ăn và chạy” của ông chỉ tồn tại có ba tháng phù du . Hoàng Thân Fumimaro Konoye thuộc đồ tôn của dòng dõi Fujiwara , được chọn lên thay Hayashi .

  Khi sự kiện Lư Câu Kiều xảy ra , tin nhanh bay về Đông Kinh . Tham mưu trưởng Lục Quân đánh điện tối khẩn ra lệnh cố gắng ổn định tình hình chờ lệnh . Cũng trong ngày này , Đông Kinh mở cuộc họp bất thường gồm những sĩ quan đại diện Lục quân , Hải quân và Bộ trưởng Bộ ngoại giao để tìm một giải pháp ngăn chận chiến tranh đang bùng nổ . Cuối cùng họ đi đến quyết định dùng chính sách “không bành trướng lãnh thổ” “ổn định tình hình” . Chính sách ôn hòa này đã được Thủ Tướng Konoye và Nội các của ông thông qua . Nhưng ngược lại , trong một cuộc họp đặc biệt của Bộ Tổng Tham Mưu , những nhân vật chủ trương bành trướng nhất định yêu cầu thẫm quyền nên gửi viện quân sang dạy cho Tưởng Giới Thạch bài học đích đáng . Nếu chẳng ra tay ngay từ lúc này , sẽ có ngày Tưởng viện cớ Lư Câu Kiều mà đòi lại phần đất Mãn Châu đã mất từ nhiều thập niên qua . Đó mới là mối đe dọa cho quân Nhật Bản ở bán đảo Triều Tiên và cuối cùng là hiểm họa của quốc gia khi phải đương đầu với hai kẻ thù đáng ngại là Liên sô và Cộng Sản Trung Hoa . Một nhân vật bất đồng ý kiến đã quyết liệt tranh cãi hàng giờ nhưng không mang lại một kết quả như ông mong muốn , đó là Kanji Ishihara , bây giờ ông đã mang lon trung tướng và cũng là người chỉ huy chiến dịch hành quân . Cuối cùng ông phải chấp nhận theo ý kiến của đại đa số đại biểu . Bản tin gửi về từ lục địa khiến cho ông hoang mang không ít , vì lý do những kiều dân và con buôn Nhật bị những người lính Trung Hoa tàn sát dã man ở miền Bắc Hoa Lục đã gây chấn động quần chúng và hằn thêm vết thù giữa hai dân tộc Nhật – Hoa , ông sợ rồi đây cuộc chiến này sẽ không bao giờ chấm dứt .

  Do đó , một chỉ huy đã từng tuyên bố “Bất cứ người lính nào muốn tiến vào đất Trung Hoa thì phải bước qua xác chết của tôi” lại chấp thuận cho sự tăng viện vào miền Bắc Hoa Lục 2 lữ đoàn từ Đội quân Quang Đông , 1 sư đoàn đang chiếm đóng Triều Tiên và 2 sư đoàn từ quốc nội . Ngày 11 tháng 7 , thủ tướng Konoye , người đã vừa tuyên bố tôn trọng không xâm phạm bờ cõi các quốc gia láng giềng nay lại chấp thuận cho quân đội sang chiếm đóng Trung Hoa . Nhưng , theo sự tiết lộ của viên thư ký riêng của Thủ Tướng thì Konoye có lẽ bị đặt vào trường hợp khó xử nên khi đối mặt với ông Bộ trưởng Bộ Chiến Tranh , Konoye cứ dặn đi dặn lại rằng đây là cuộc động binh nhằm bình định những vùng tranh chấp để ngăn chận chiến tranh hầu tái thiết hòa bình nơi miền Hoa Lục .

  Khi hàng chục ngàn quân tăng viện đến thì chiến sự lại càng thêm ác liệt . Say men chiến thắng , lục quân Nhật tiến chiếm thành phố như chỗ không người . Bước chân họ dẫm đến đâu là nơi đấy biến thành bình địa . Nam Kinh , một địa danh rợn người đã được quốc tế không ngớt nhắc nhở nhiều lần với những cảnh tượng dã man hung tàn do quân đội Nhật gây ra . Chết chóc , tang thương càng khơi dậy lòng yêu nước của người dân Trung Hoa . Nỗi nhục bị xâm lăng khiến cho lòng tự ái dân tộc của họ bị tổn thương , Mao Trạch Đông nắm lấy cơ hội ngàn năm một thuở công khai kêu gọi toàn dân tham gia chống Nhật xâm lăng . Và cũng những năm này , số đảng viên Cộng Sản Trung Hoa tăng nhanh kỷ lục .

  “Tung hoành ở miền Hoa Lục chỉ trong vòng 3 tháng thôi là họ , những người Trung Hoa hèn yếu kia sẽ chịu nhượng bộ và đi đến  thương thuyết hòa bình thôi !” . Đó là lời tiên đoán của ông bộ trưởng Bộ Chiến Tranh Sugiyama . Nhưng rồi từng thành phố một lần lượt rơi vào tay quân đội Nhật . Tin chiến thắng vang dội bay về Đông Kinh gây nên một niềm phẩn khởi cho cả nước . Ngược lại , toàn khối Tây phương đều lên án sự xâm lăng quá trắng trợn của Nhật Bản . Ngày 5 tháng 10 năm 1937 , Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D.Roosevelt đọc bài diễn văn tại thành phố Chicago , mạnh mẽ lên án những quốc gia có hành động xâm lược , ông nhấn mạnh Nhật Bản được xếp vào cùng một trục với Phát Xít và Quốc Xã . “Khi một cơn dịch bắt đầu phát khởi , chúng ta phải có một bổn phận chung là hợp nhất cùng nhau tìm cách cách ly bệnh nhân để bảo vệ sức khỏe cho cả một công đồng !”. Ông dẫn giải rằng chiến tranh là một chứng bệnh hay lây lan , mặc dù có hoặc không tuyên chiến cũng vậy .

  Vài hôm sau , Hội Quốc Liên lên tiếng khiển trách Nhật Bản , tuy không là một thành viên của Hội nhưng Hoa Kỳ cũng nhiệt liệt tán thành .

  Hành động của Tổng Thống Roosevet được đại đa số tán thành nhưng ngược lại ông Ngoại Trưởng Cordell Hull đang phàn nàn bởi từ ngữ “cách ly” . Ông có cảm tưởng rằng phải chờ đợi “Để ra it nhất là không thay đổi trong vòng 6 tháng để rộng thời gian tham vấn , vận động hầu tìm cho mình sự nhiệt tình ủng hộ của quốc dân và nhiều hậu thuẩn của đồng minh trên trường quốc tế” . Đại Sứ Joseph Grew cũng cùng mang một ý nghĩ ấy . Ông cảm thấy Hoa Kỳ đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng . Không một người Mỹ nào có hứng thú với Trung Hoa để bào chửa cho một cuộc mạo hiểm mới đó là cuộc chiến đương đầu với Nhật Bản , đó chỉ một công việc vô ích mà thôi , như một “lời răng đe đạo đức” cho một đất nước quen lấy vũ lực làm uy quyền tối thượng . Nó có thể dẫn đến sự bất hòa giữa hai quốc gia và tệ hại hơn nữa là những mối tương quan đẹp đẻ mà ông đã hằng bao năm trời ra công gầy dựng , e nó sẽ thành công Dã Tràng tiêu tan mất . Những nhân viên thân tín cùng ông Đại sứ san sẻ nỗi ưu tư đặc biệt này và ông cũng cẩn thận căn dặn họ không nên tiết lộ mối quan tâm của mình cho bất cứ ai ngoài phạm vi tòa đại sứ . Đêm ấy ông ngồi viết nhật ký :

  “Đó là một ngày tôi cảm thấy lâu đài mình dày công xây dựng bỗng chốc đổ nhào bên tai tôi . Và chúng tôi đã thả dòng suy tưởng đi lan man trong cơn lúng túng , chán nản ngả lòng . Thật là một ngày ảm đạm , trên nét mặt chúng tôi không ai có được một nụ cười , dù là gượng gạo …..”.

  Và dĩ nhiên nước Nhật đâu có thể im lặng . “Nhật Bản là bành trướng” , Yosuke Matsuoka thẳng thắn trả miếng . Matsuoka , một nhà ngoại giao miệng lưỡi sắc bén đã từng mang về vô số thành tích không ngần ngại lên tiếng “Ở thời đại mở mang bờ cõi có quốc gia nào mà chẳng động chạm đến các nước lân bang chứ ? Thử đi hỏi những người Mỹ da đỏ hoặc dân tộc Mễ thế nào là kinh nghiệm đau thương mà họ đã từng trãi qua thời Hoa Kỳ mới lập quốc” . Nhật Bản mở mang bờ cõi hôm nay thì cũng như Hoa Kỳ ngày hôm qua mà thôi . Đó là lẽ tự nhiên , nó không khác gì sự phát triển của một đứa bé . “Chỉ có một nguyên nhân duy nhất ngăn cản sự phát triển của đứa bé là cái chết !” Ông ta hùng hồn tuyên bố rằng Nhật đang chiến đấu cho hai mục đích chính : thứ nhất là không để cho toàn Châu Á sụp đổ theo sự chi phối của người da trắng như họ đã làm ở Phi Châu , và thứ hai là để bảo vệ Trung Hoa , tránh hiểm họa nhuộm đỏ bởi khối Cộng Sản .

  Vài tuần lễ sau đó , ngày 16 tháng 11 , Koki Hirora , bây giờ là Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao , chính thức tố cáo Hoa Kỳ đang khởi xướng phong trào “Bài Nhật” , dùng chính sách kinh tế tẩy chay hàng hóa Nhật Bản . Ông nhắc lại với Grew rằng họ không thể chấm dứt chiến đấu ở Hoa Lục trừ phi người Trung Hoa có đủ can đảm để tự mình gánh vác cho một chiến cuộc lâu dài . Hirota lại than thở rằng cho đến bây giờ người Nhật vẫn có cảm nghĩ Hoa Kỳ là một quốc gia duy nhất thật sự không thiên vị để giúp họ tìm ra một giải pháp cho nền hòa bình chung .

  Ba ngày sau , quân Nhật tiến chiếm thành phố Soochow (Tô Châu) và con đường trãi dài từ Nam Kinh đến Thượng Hải bị cô lập . Ngày 12 tháng 12 , thành phố Nam Kinh lọt vào tay quân Nhật trong một chiều Thu ảm đạm . Tình hữu nghị giữa Mỹ và Anh suýt chút nữa đã vỡ tan khi một phi cơ thuộc Hải Quân Nhật đánh chìm pháo hạm Panay trên sông Dương Tử . Một tuần lễ trước đó , một trung đoàn trọng pháo theo lệnh của đại tá Kingoro Hashimoto đồng loạt tấn công pháo thuyền Ladybird và bắt giữ chiến thuyền ấy . Những biến cố này đã làm sống lại mối hy vọng “cách ly kẻ xâm lăng” của Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt . Ông cho mời Sir Ronald Lindsay , Đại Sứ đặc mệnh toàn quyền Anh ở Hoa Thịnh Đốn và đề nghị hai quốc gia Anh-Mỹ cùng liên hiệp một đạo luật phong tỏa hàng hải cắt đứt nguyên liệu không cho nhập cảng vào Nhật . Lindsay lại phản đối vì ông cho rằng việc này sẽ dẫn đến chiến tranh . Ông lại điện báo cáo về Luân Đôn “lời bình phẩm khó nghe” đó đã “gieo cho ông một ấn tượng nho nhỏ” .

  Ngày hôm sau , 17 tháng 12 , Tổng Thống Hoa kỳ Roosevelt tóm tắt đề nghị “phong tỏa” cho Quốc Hội rõ . Quyết định của ông càng vững chắc hơn khi bản báo cáo từ Cơ quan điều tra trực thuộc Hải Quân Hoa Kỳ đang đóng tại Thượng Hải rằng tấn công pháo thuyền Panay là một việc làm cố tình và tàn nhẫn của Hải Quân Nhật . Quan trọng hơn , tình báo Hải Quân Hòa Kỳ cũng phát giác được một cú điện văn bí mật được gửi đến lực lượng Hải Quân phối hợp của Nhật . Sau khi giải mã thì họ mới biết là cuộc tấn công này đã có tính toán sắp đặt trước của một vị chỉ huy trên mẫu hạm mang tên “Kaga” .

  Ngay tại Đông Kinh , chính phủ Konoye , không khác gì Hoa Kỳ và Anh Quốc ; sự kiện hai chiến thuyền Ladybird và Panay cũng làm họ bồn chồn day dứt . Bộ trưởng Ngoại Giao Hirota tỏ lời xin lỗi cùng  Đại Sứ Hoa Kỳ và thiết tha đề nghị xin được bồi thường thiệt hại cho pháo thuyền Panay bị đánh đắm . Với lối biện giải hèn hạ , Hirota bảo rằng “Tôi đang đứng trước một hoàn cảnh hết sức khó xử . Sự việc xảy ra thật ngoài sức tưởng tượng !”. Bộ chỉ huy tối cao của Hải Quân Nhật cũng bày tỏ sự bất bình bằng cách sa thải vị sĩ quan chỉ huy mẫu hạm Kaga , người chịu trách nhiệm đánh bom con tàu Panay . “Chúng tôi làm như thế là để đề nghị quân đội phải làm như thế” , đó là lời tuyên bố của ông Thứ trưởng Bộ Hải Quân Nhật Isoroku Yamamoto , người không có hứng thú trong việc tranh chấp với hải quân Hoa Kỳ . Ông đã bỏ ra nhiều thời gian nghiên cứu khi còn du học ở Hoa Kỳ và chính ông cũng hiểu quá rõ về tiềm năng quân sự của đất nước này .

  Lời xin lỗi của Nhật được Hoa Thịnh Đốn chấp nhận đúng ngày Giáng Sinh và mọi rắc rối xảy ra giữa hai quốc gia hình họ đã cho khép lại . Tuy vậy Tổng Thống Rooselt vẫn giữ ý định cách ly Nhật . Ông phái Hạm Trưởng Royal Ingersoll đến Luân Đôn mang theo bản kế hoạch phong tỏa Nhật Bản với đầy đủ chi tiết . Bản kế hoạch mà trước đó không bao lâu ông Đại Sứ Lindsay cho là “kinh tởm” bây giờ lại được chính phủ của ông chấp nhận .

  Trở lại tình hình Trung Hoa , Nhật vẫn tiếp tục tiến quân dần về phía Nam lục địa mà không gặp một kháng cự nào đủ mạnh để kềm chân họ . Sau Hàn Châu rồi Quảng Đông lần lượt lọt vào tay quân Nhật . Bắt buộc Tưởng Giới Thạch phải chuyển bộ tham mưu tất cả về lại Trùng Khánh . Tuy rằng quân Nhật đã mở đường Nam tiến sâu vào lục địa Hoa lục , chiếm được đất đai và tài sản vô số nhưng chung qui họ không thể chinh phục được lòng người dân Trung Hoa , vì dân bản xứ đồng coi họ là những kẻ xâm lăng trắng trợn . Bước sang đầu năm 1939 , mặc dù còn quá xa để đi đến chiến thắng cuối cùng trên miền Hoa Lục , nhưng Nhật đã chịu một con số tử vong lên đến hàng mấy ngàn tay súng và nhiều triệu Yen . Chưa nói đến đã hứng chịu sự phẫn nộ của thế giới phương Tây , mà Hoa Kỳ là điển hình .

  Đối với Hoa Kỳ , cánh cửa giao hảo giữa hai quốc gia chỉ mới bắt đầu hé mở tạm thời kể từ ngày Đô Đốc Perry cập bến , với đại bác cà-nông phô trương thanh thế và lá thư của Tổng Thống Millard Fillmore , khuyến khích Nhật Bản nên mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài . Động lực nào đã thúc đẩy người Mỹ phải vượt Thái Bình Dương để đến tận xứ mặt trời mọc xa xôi vừa hăm dọa vừa làm thân với dân bản xứ ? Giúp đỡ họ trong tinh thần nhân đạo ư ? Dĩ nhiên là không . Tham vọng của họ là không ngoài ý muốn giao dịch , truyền bá tư tưởng mới và nhân cơ hội này mở rộng ảnh hưởng Ki Tô Giáo vào một quốc gia phương Đông còn khép kín .

  Lúc ban đầu , người Nhật bất đắc dĩ phải miễn cưỡng nghe theo , nhưng dần dà sự tòng phục ấy lại biến mất trong lòng người dân bản xứ . Ngọn gió văn minh đã thổi vào đảo quốc này và làm thay đổi tất cả . Họ không ngần ngại đứng lên hô hào canh tân đất nước và được đại đa số quần chúng hưởng ứng . Cuối thế kỷ 19 Hoa Kỳ dần dần giành được ảnh hưởng những hải đảo nằm rãi rác trên Thái Bình Dương như Hạ Uy Di , Guam , Wake Island và Phi Luật Tân . Nhìn cánh tay của Mỹ cứ vươn dài ra ôm lấy các hải đảo , Nhật ăn ngủ không yên . Nhưng đến năm 1900 , nhờ loạn Nghĩa Hòa Đoàn ở Thượng Hải mà Nhật và Mỹ đã bắt tay nhau trở lại mối quan hệ bình thường .

  Bốn năm sau , khi chiến tranh Nga Nhật bùng nổ thì Hoa Kỳ lại công khai mạnh mẽ ủng hộ Nga . Báo chí đua nhau dùng những ngôn từ bất nhã và hí họa châm biếm người lính Nhật . Từ đấy sự giao hảo của hai quốc gia không còn được mặn nồng như thời gian 4 năm trước . Năm 1905 , chiến tranh Nga Nhật kết thúc , chính phủ Nhật càng điên đầu khi phải đối diện với nền kinh tế quốc gia hết sức ngặt nghèo và phong trào “bài Mỹ” nỡ rộ khắp nơi .

  Sang năm sau , 1906 , tình giao hảo giữa Nhật và Mỹ càng tồi tệ hơn . Đáng trách là về phía Mỹ , không hiểu căn cứ vào đâu mà cấp lãnh đạo của họ lại e ngại rằng nếu một mai nước Nhật vươn vai trở thành cường quốc , sẽ lãnh đạo cộng đồng Á châu đẩy lùi sự khai hóa đến từ phương Tây và liên kết nhau gia tăng lực lượng tuyên chiến với Hoa Kỳ , đặc biệt là những hải đảo cùng những vùng phụ cận chung quanh Thái Bình Dương . Họ tuyên bố rằng mối “hiểm họa da vàng” sẽ xảy ra và những kẻ hiếu chiến từ phương Đông lạc hậu sẽ thống trị quả địa cầu một ngày không xa nếu không tìm cách ngăn chận lại .

  Chính phủ Nhật phản ứng kịch liệt , cho rằng “Đó là một hành động phân biệt mang tính cách sỉ nhục và khinh nhờn , điều này khó có thể bỏ qua được” . Chính giới Hoa Kỳ ngấm ngầm soạn thảo kế hoạch phòng chống nếu chiến tranh xảy ra , Roosevelt bí mật ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân chuẩn bị sẳn sàng ngăn chận mọi cuộc tấn công của Nhật Bản .

  Cơn khủng hoảng rồi lại đi qua , nhưng sự thù hiềm nhau thì dĩ nhiên không đời nào dễ dàng nguôi ngoai , để rồi sự đối lập mâu thuẩn ấy càng lúc càng dâng cao mặc dù họ là đồng minh với nhau trong thời điểm thế chiến thứ nhất . Tổng Thống Woodrow Wilson kêu gọi “Toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính quyền trên toàn thế giới” nên trả lại cho Trung Hoa những quyền lực thật sự và đất đai đã mất về tay quân xâm lược trước kia . Lập trường này là lời đe dọa thẳng vào đế quốc Nhật .

   Trở lại tình hình hiện tại của năm 1938 . Chiến tranh giữa Nga và Nhật vẫn cứ tiếp diễn , cũng là do sự tranh giành lãnh thổ hơn là mối bất hòa giữa hai dân tộc . Cũng ngay trong mùa hè năm này , bộ binh của họ đụng nhau dữ dội cốt là để giữ lấy những ngọn đồi trọc dọc theo biên giới Mãn Châu và Nga . Hồng Quân Nga tung ra những đợt không kích gây thiệt hại nặng nề cho quân Nhật khiến trong vòng 2 tuần lễ họ phải chịu nhượng bộ . Khoảng 10 tháng sau ở biên giới Ngoại Mông và Mãn Châu lại xảy ra cuộc tranh cãi ầm ỉ , chỉ vài tuần sau thì súng đạn thay lời , chiến tranh tái diễn . Cuộc đụng độ nãy lửa giữa hai dân tộc với một số lượng xe bọc thép nhập cuộc chưa từng có trong lịch sử . Một lần nữa , Nhật bị Nga đè bẹp với hơn năm mươi ngàn quân bị loại khỏi vòng chiến . Sau những lần thất bại chua cay ở mạn Bắc , không những đã gây ra nhiều sóng gió cho chính trường và quân đội Nhật mà nó còn là một nguyên nhân sâu sắc để mang Nhật đến gần với Đức và Ý hơn , một khi họ có cảm tưởng rằng Nga sô , Anh Quốc , Trung Hoa và Mỹ cùng chung vai sát cánh để chống trả lại với họ vào thời điểm này .

  Trước khi tình hình biên giới mạn Bắc tạm lắng xuống thì Stalin dùng thủ đoạn gây rối loạn cho Trung Hoa và Nhật Bản bằng cách ký một công ước với kẻ thù không đội trời chung của ông là Hitler .

  Thủ tướng Nhật Hiranuma , người vừa lên thay Hoàng Thân Kenoye đầu tháng 1 vừa qua . Nội các của ông đã trãi qua hơn 70 cuộc họp để thống nhất một công ước “tay ba” (Sau này người viết xin gọi là Hiệp ước Liên Minh) trong một tình trạng hết sức lúng túng và mất tinh thần đến nỗi ông phải tuyên bố “Chắc rồi đây nội các này phải giải tán vì những biến động dồn dập gần đây của quốc nội cũng như tình hình bất ổn bên Âu Châu” . 

  Đức và Nga vừa công bố với thế giới những điều khoản mà họ đã ký trong một hiệp ước lịch sử , ngoại trừ một nghị định thư tối mật là cùng nhau chia hai Châu Âu . Chín ngày sau , 01 tháng 09 , một triệu rưỡi lính Đức tràn qua Ba Lan . Thế chiến thứ 2 bắt đầu . Binh sĩ Đức tiến sâu vào nội địa Ba Lan và chiến thắng một cách dễ dàng , chỉ trong vài tuần họ đã làm chủ chiến trường . Trong khi ấy thì mặt trận phía Tây hoàn toàn im lặng đến đỗi báo chí tỏ ra lạc quan , họ đồng cho rằng đây chỉ là sự xung đột nhất thời giữa hai quốc gia !

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế