Sự kiện Lư câu kiều

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương ba :

                               SỰ KIỆN LƯ CÂU KIỀU

                        Cuộc đẫm máu 26 tháng 2 chẳng những không mang lại kết quả khả quan nào cho phe làm loạn , ngược lại có đến 13 sĩ quan và 4 thường dân bị kết án tử hình . Trong số 4 thường dân mang án tử ấy có Kita , một lãnh tụ cách mạng rực lửa mà cũng là một học giả dân tộc cực đoan . Ngày 12 tháng 7 năm 1936 , 17 tử tội bước ra thụ án , họ vẫn ngang nhiên hô to “Hởi đồng bào thân yêu , đừng bao giờ đặt niềm tin vào quân đội đế quốc !” .

  Ngay sau khi những kẻ phản loạn bị hành hình , Ishihara mở cuộc họp bí mật với 11 sĩ quan cao cấp trực thuộc Bộ Chiến Tranh và Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội . Địa điểm cuộc họp là nhà hàng Takara-Tei trong nội thành Đông Kinh . Những nhân vật này đang âm thầm bàn mưu tính kế tìm cách thôn tính cả lục địa Trung Hoa . Tuy nhiên họ vẫn còn nhiều vấn đề nan giải nên những cuộc họp mặt bí mật vẫn diễn ra thường xuyên , hầu tìm ra một phương hướng an toàn để đi đến mục đích . Ishihara nêu ra câu hỏi “Tại sao chúng ta phát động chiến tranh với Trung Hoa vào thời điểm này khi kẻ thì tối nguy hiềm của họ lại là Liên sô . Nếu ta tấn công họ , có phải chúng ta phải đối đầu với hai kẻ thù ? Đối mặt với hai cuộc chiến trong một lúc có phải đó là hành động tự sát không ?”.

  Ông ta lại lập luận “Người Trung Hoa có câu : Dục tốc bất đạt , chúng ta , thay vì mở màn một cuộc chiến khi phải đối diện với hai mặt trận nguy hiểm cùng một lúc thì tại sao mình không đợi đến một thời điểm thuận lợi khác . Biến chuyển của thế giới trong một vài năm gần đây đã chứng minh cho chúng ta thấy rồi đây tình hình Trung Hoa sẽ phải thay đổi . Trong thời gian ấy , nhân lúc chờ đợi tiến công tại sao chúng ta không lo củng cố lại sức mạnh quốc gia . Tôi nghĩ không bao lâu , nếu cố gắng Nhật Bản sẽ vươn lên ngang hàng với Liên sô . Với một lục địa bao la ở Mãn Châu tài nguyên phong phú , tôi đã phát họa một kế hoạch năm năm , gia tăng sản xuất dựa trên đà phát triển sẳn có , tránh mọi xung đột với Liên sô cũng như Trung Hoa . Từ đây đến 1941 chúng ta sẽ có đủ thời gian để hoàn hảo một kế hoạch chuẩn bị . Và dù có đương đầu với một đế quốc Liên sô hùng mạnh chúng ta cũng có thể dễ dàng nắm lấy phần thắng . Chỉ có con đường này mới có thể cứu lấy quốc gia của chúng ta ! Nếu đi theo đường lối “nới rộng lãnh thổ” , tiến công Trung Hoa và có thể xuống tận miền Đông Nam Á như nhóm “Điều Khiển” đề ra thì chúng ta không sao tránh khỏi gây chiến tranh với Hoa Kỳ và Anh Quốc . Và nếu như sự việc xảy ra thì kẻ hưởng lợi dĩ nhiên là Liên sô , một kẻ thù thật sự của chúng ta !” .

  Cuối cùng Ishihara còn tuyên bố “Mối họa của quốc gia không hẳn xuất phát từ những chính khách phát họa chiến tranh tại Đông Kinh , mà nó ở ngay trên tuyến đầu Mãn Châu xa xôi ấy” .

  Lúc bấy giờ ở tại Mãn Châu , đội quân Quang Đông đã tổ chức chu đáo để chuẩn bị công cuộc xâm lăng bất hợp pháp trên lãnh thổ Trung Hoa . Chỉ huy trưởng đội quân này là Đại Tướng Kenji Doihara , ông cũng tương tự như Ishihara ở những đặc tính thâm trầm , khôn ngoan và nhiều mưu lắm kế . Trong những năm qua , ông đã tự mình đi tìm gặp những vị “lãnh chúa” của những tỉnh phía Bắc Trung Hoa nằm dọc theo biên giới Mãn Châu , để khuyên dụ họ quay lưng với chính phủ Trung Hoa và thành lập những khu tự trị có chính phủ riêng nhưng lại trực thuộc vào Đế Quốc Quân Nhật Bản . Thủ Tướng Okada biết được sự việc liền quở trách ông gàng bướng ngông cuồng . Tướng Doihara vẫn cứ lờ đi , giống như tình trạng của Ishihara dạo nào khi xua quân chiếm cứ Mãn Châu Lục . Nhưng có ngờ đâu chính vì sự gàng bướng ấy lại mang đến cho Doihara những thành quả tốt đẹp , nghĩa là những vị “lãnh chúa” của các tỉnh giới tuyến Trung Hoa đã chịu quy về một mối dưới sự chỉ huy của đội quân Quang Đông . Một cơ hội bằng vàng cho hàng hóa Nhật Bản đổ vào thị trường phía Bắc Trung Hoa , dưới danh nghĩa “Đi theo lá cờ tổ quốc Nhật Bản” . Việc này đã gây nên một làn sóng căm phẫn trong giới thương nhân Trung Quốc vùng biên giới nói riêng và tự ái dân tộc bị tổn thương trên toàn lục địa Trung Hoa nói chung . Tướng Doihara viện dẫn rằng việc thành lập một chính quyền bù nhìn tên gọi Mãn Châu Quốc với Phổ Nghi làm Quốc Trưởng là tách rời ảnh hưởng của Trung Hoa đối với Mãn Châu . Nhưng chỉ vài tuần lễ sau đó , năm ngàn binh sĩ Nhật được chuyển ào ạt tới những khu tự trị của các “lãnh chúa” Trung Hoa , nơi mà hàng hóa của Nhật đã tuôn vào gây xáo trộn cho đời sống dân bản xứ . Hành động này Doihara chỉ tóm tắt là “Để bảo vệ hàng hóa và những gì thuộc về Nhật Bản” .

  Trong khi ấy Ishihara lại khuyến cáo rằng Doihara đang bắt đầu công cuộc xâm lăng Trung Hoa . Những vùng mà ông đang rãi quân trấn giữ ấy sẽ dễ bị tiêu diệt , để rồi một mặt trận mới sẽ xảy ra giữa Nhật Bản và quân đội Quốc Gia của Tưởng Giới Thạch . Trong khi đó , Liên sô và những người Cộng Sản Trung Hoa sẽ đợi thời cơ này để củng cố nền móng và vươn ra nhuộm đỏ cả lục địa Trung Hoa .

  Ishihara khuyên rằng cách tốt nhất lá rút hết các lực lượng ở những điểm không an toàn dọc theo biên giới Trung Hoa . Điển hình là Lư Câu Kiều , một khu hiểm địa chỉ cách Bắc Kinh chưa đầy 30 cây số .

  Ngày trước Đại Đế Nã Phá Luân đã từng cảnh cáo rằng Trung Hoa là con sư tử đang ngủ mê . Hãy để cho nó ngủ yên ! Vì khi đánh thức nó dậy , thế giới này sẽ biến động !

  Cuộc cách mạng lật đổ Triều Thanh năm Tân Hợi đã thật sự đánh thức con sư tử Trung Hoa . Bác sĩ Tôn Dật Tiên là người khởi xướng nên cuộc Cách Mạng vẻ vang này .

  Những năm cuối của triều đình nhà Thanh ghi dấu bởi sự bất ổn trong nước và những cuộc xâm lăng của ngoại quốc phương Tây . Nhiều cuộc khởi nghĩa dấy lên làm thiệt mạng hàng triệu sinh linh . Những cuộc xung đột với các cường quốc bên ngoài luôn kết thúc với những hiệp định bất bình đẳng gây phương hại cho Trung Hoa và buộc triều đình phải chi trả những khoảng tiền bồi thường to lớn cũng như chia cắt đất đai . Hơn nữa , một quan điểm nảy sinh trong dân chúng , cho rằng quyền lực chính trị cần phải trả về cho đa số Hán từ tay của nhóm thiểu số Mãn . Đối diện với những bất mãn và bất ổn quốc nội , triều đình nhà Thanh đã cố gắng cải cách chính phủ theo nhiều cách , như đưa ra Hiến pháp năm 1906 , thành lập cơ quan Lập Pháp cấp tỉnh năm 1909 và chuẩn bị cho ra đời một Nghị Viện Quốc Gia năm 1910 . Tuy nhiên , nhiều thế lực bảo thủ trong triều cản trở khiến không ít nhà cải cách bị tống giam hoặc bị xử tử . Do sự thất bại này khiến cho giới cải cách quyết định hướng sang con đường cách mạng . Nhóm có tổ chức nổi bật nhất do Bác Sĩ Tôn Dật Tiên khởi xướng . Ông là một nhà cách mạng đi theo đường lối Cộng Hòa . Năm 1905 ông cùng Hoàng Hưng thành lập Đồng Minh Hội ở Đông Kinh , Nhật Bản . Học thuyết chính trị của Tôn Dật Tiên hình thành từ năm 1887 , lần đầu tiên ông công bố tại Đông Kinh năm 1905 . Học thuyết này tập trung vào chủ nghĩa Tam Dân : Dân tộc độc lập , dân quyền tự do , dân sinh hạnh phúc .

  Từ năm 1906 đến 1911 , Tôn Dật Tiên phát động tất cả mười cuộc khởi nghĩa tại Hồ Nam , Giang Tây , Quảng Đông , Quảng Tây , Vân Nam , An Huy , Triết Giang … Nhưng những cuộc khởi nghĩa trên đều thất bại . Tuy vậy cũng làm cho nhà Mãn Thanh suy yếu và tinh thần cách mạng của dân Trung Hoa càng dâng lên cao . Cuối cùng , cuộc khởi nghĩa tại Vũ Xương ngày 10 tháng 10 năm 1911 (Tân Hợi) dưới sự lãnh đạo của các nhà cách mạng chịu ảnh hưởng của Tôn Dật Tiên và Đồng Minh Hội đạt được thắng lợi . Ảnh hưởng của sự thắng lợi này lan ra toàn quốc . Ngày 12 tháng 10 , họ chiếm được Hán Khẩu và Hán Dương . Tuy nhiên , thành công này không kéo dài khi triều đình nhà Thanh sai Viên Thế Khải chỉ huy đội Tân Quân : gồm Lộ Quân thứ nhất do Phùng Quốc Chương và Lộ Quân thứ hai do Đoàn Kỳ Thụy chỉ huy tiến chiếm lại Vũ Hán ngày 27 tháng 10 . Trong thời gian chiến đấu giữa quân cách mạng và triều đình , 15 trong 24 tỉnh của Trung Hoa đã tuyên bố độc lập khỏi Đại Thanh Quốc .

  Ngày 01 tháng 01 năm 1912 Tôn Dật Tiên nhậm chức Tổng Thống tại Nam Kinh và thành lập chính phủ Trung Hoa Dân Quốc . Vì thời cuộc chuyển biến quá nhanh và sự tuyên bố độc lập của các tỉnh , Viên Thế Khải cảm thấy cần thiết để đàm phán với phe cách mạng , cuối cùng ông chấp nhận Trung Hoa Dân Quốc . Và vì vậy đội Tân Quân dưới sự lãnh đạo của Viên thế Khải quay sang chống lại Thanh triều . Cuối cùng Phổ Nghi , vị Hoàng Đế cuối cùng của Mãn Thanh phải thoái vị ngày 12 tháng 02 năm 1912 bởi sức ép của Viên Thế Khải . Từ đó thực quyền ở Bắc Kinh lại rơi vào tay Viên Thế Khải , ông kiểm soát toàn bộ Bắc Dương Quân , một lực lượng quân sự mạnh nhất của Trung Hoa vào thời điểm này . Có được sức mạnh trong tay , Viên Thế Khải đề xuất việc thống nhất đất nước dưới quyền kiểm soát của một chính phủ do ông cầm đầu . Vì thế yếu nên Tôn Dật Tiên đành phải đồng ý . Ngày 10 tháng 03 năm 1912 Viên Thế Khải tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống Lâm Thời thứ hai của Trung Hoa Dân Quốc .

  Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng phát năm 1914 , Nhật Bản đứng về phía đồng minh và chiếm các cơ sở của Đức tại Sơn Đông . Năm 1915 , Nhật trao cho chính phủ Viên Thế Khải 21 yêu cầu , gồm những chủ ý thiết lập quyền kiểm soát kinh tế của Nhật Bản trên các hoạt động giao thông đường sắt và khai thác quặng mỏ ở Sơn Đông , Mãn Châu , Phúc Kiến . Đồng thời buộc Khải phải chỉ định người Nhật vào các vị trí quan trọng trong chính phủ Trung Quốc . Hai mươi mốt yêu cầu ấy nếu được chấp nhận thì sẽ biến Trung Quốc thành một nước bảo hộ của Nhật Bản . Tuy chính phủ Trung Quốc từ chối một số yêu cầu nhưng phải lùi bước trước sức ép của Nhật bằng cách cho phép Nhật giữ lấy lãnh thổ Sơn Đông làm sở hữu và công nhận toàn quyền vùng Mãn Châu cũng như phía đông Nội Mông . Sở dĩ Viên Thế Khải bất chấp dư luận và sự bất mãn của dân chúng vì ông muốn làm hòa với Nhật Bản để mặt khác lo xây dựng một chế độ Quân Chủ cho riêng mình .

  Ngày 12 tháng 12 năm 1915 Viên Thế Khải được con trai là Viên Khắc Định ủng hộ , tuyên bố thành lập một đế quốc Trung Hoa mới . Sự kiện này gây chấn động trên toàn quốc , mỗi tỉnh mỗi vùng loạn nổi lên như nấm , thậm chí các tướng lãnh bên trong Bắc Dương Quân cũng vùng lên tạo phản khiến Viên Thế Khải hoảng kinh lập tức thoái vị . Ông mất ngày 6 tháng 6 năm 1926 vì quá uất ức .

  Sau khi Viên Thế Khải chết , phó Tổng Thổng Lê Nguyên Hồng trở thành Tổng Thống và Đoàn Kỳ Thụy lên làm Thủ Tướng . Hiến pháp lâm thời được phục hồi và nghị viện lại được triệu tập . Tuy nhiên Lê Nguyên Hồng và Đoàn Kỳ Thụy có nhiều bất đồng , gay gắt nhất là việc Trung Hoa có nên tham gia vào chiến tranh thế giới lần thứ nhất hay không . Từ khi cuộc chiến nổ ra , Trung Hoa vẫn giữ thái độ trung lập cho đến khi Hoa Kỳ thúc giục tất cả các quốc gia trung lập tham gia với khối đồng minh , coi đó là việc trừng phạt cho việc Đức sử dụng chiến tranh tàu ngầm không hạn chế . Thủ tướng Đoàn Kỳ Thụy ủng hộ mạnh mẽ việc gia nhập khối Đồng Minh , bởi vì ông sẽ lợi dụng cơ hội đó để có được những khoảng vay từ Nhật Bản nhằm xây dựng đạo quân An Huy của mình . Hai bè phái trong nghị viện cãi nhau nảy lửa về vấn đề này , và tháng 5 năm 1917 Lê Nguyên Hồng cách chức Đoàn Kỳ Thụy .

  Việc Đoàn Kỳ Thụy bị cách chức Thủ Tướng khiến các lãnh chúa quân phiệt địa phương từng trung thành với ông đồng tuyên bố độc lập và kêu gọi Lê Nguyên Hồng từ chức Tổng Thống . Lê Nguyên Hồng nhờ Trương Huân làm trung gian giàn xếp . Huân trước kia vốn là một viên tướng của triều đình nhà Thanh , ông làm Đốc Quân tỉnh An Huy . Chính Huân là người muốn tái lập Phổ Nghi lên làm Hoàng Đế . Ngày 1 tháng 7 năm 1917 , Trương Huân chính thức tuyên bố rằng nhà Thanh đã được tái lập và yêu cầu Lê Nguyên Hồng từ chức Tổng Thống , nhưng lời yêu cầu của Huân lập tức bị Hồng bác bỏ . Trong vụ phục kích “tái lập Vương Triều” này , Đoàn Kỳ Thụy chỉ huy quân đội đánh tan các lực lượng của Trương Huân tại Bắc Kinh . Một trong những máy bay của Đoàn đã ném bom vào Tử Cấm Thành , đây có lẽ là vụ ném bom đầu tiên ở Đông Á  . Ngày 12 tháng 7 năm 1917 , các lực lượng của Trương Huân tan rã và Đoàn Kỳ Thụy trở về Bắc Kinh . Thời đại phục tích ngắn ngủi của nhà Mãn Thanh kết thúc . Trong thời kỳ hỗn loạn này , Phùng Quốc Chương cũng là một vị tướng của Bắc Dương Quân , nắm quyền Tổng Thống tạm quyền của nền Cộng Hòa . Đoàn Kỳ Thụy lấy lại chức vụ Thủ Tướng . Quân Trực Lệ của Phùng Quốc Chương và quân An Huy của Đoàn Kỳ Thụy sáp nhập lại trở thành đội quân mạnh nhất sau sự kiện phục tích .

  Khi trở thành một nhà lãnh đạo nhiều quyền lực nhất Trung Hoa , Đoàn Kỳ Thụy cho giải tán ngay nghị viện và tuyên chuyến với Đức . Sự coi thường hiến pháp của Đoàn Kỳ Thụy khiến Tôn Dật Tiên và các thành viên bị phế truất của nghị viện bất phục , họ cùng nhau thành lập một chính phủ mới ở Quảng Châu . Nhưng chính phủ này hoạt động theo hình thức chính phủ quân sự và Tôn Dật Tiên nắm quyền đại nguyên soái . Sáu tỉnh miền nam đồng tham gia chính phủ mới của Tôn Dật Tiên và đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của quân Đoàn Kỳ Thụy .

  Sang năm 1918 , sự mâu thuẩn bên trong hàng ngũ chính phủ mới Quảng Châu ngày càng trầm trọng . Những yếu nhân trong chính phủ này muốn lập ra một hệ thống chính phủ mới nhằm hạn chế quyền lực Tổng Tư Lệnh của Tôn Dật Tiên . Vì thế một cuộc tái tổ chức được diễn ra trong nội bộ chính phủ Quảng Châu , họ lập ra nội các và bầu bảy thành viên , gọi là Ủy Ban Cai Quản . Tôn Dật Tiên một lần nữa bị các đối thủ chính trị và thế lực quân sự gạt ra ngoài . Ông bỏ đi tới Thượng Hải sau sự kiện này .

  Lúc ấy , chính phủ Bắc Kinh của họ Đoàn cũng không ở tình trạng tốt hơn Quảng Châu . Một số tướng lĩnh trong đạo quân An Huy và đạo quân Trực Lệ không muốn dùng vũ lực để thống nhất các tỉnh miền Nam . Họ cho rằng đàm phán là giải pháp tốt để đạt đến mục đích thống nhất và buộc Đoàn Kỳ Thụy phải từ chức vào tháng 10 năm 1918 . Ngoài ra , nhiều người đã quá chán ngán với khoản nợ khổng lồ của Đoàn Kỳ Thụy vay Nhật Bản để chi trả cho quân đội của  ông ta sau những cuộc nội chiến . Tổng Thống Phùng Quốc Chương đã sắp hết nhiệm kỳ , được thay thế bởi Từ Thế Xương , một trong những người thầy của Phổ Nghi . Ông này lại muốn đàm phán với các tỉnh phương Nam . Tháng 2 năm 1919 , các phái đoàn đại biểu của các tỉnh phía Bắc và phía Nam họp tại Thượng Hải để đàm phán về những giải pháp hậu chiến . Tuy nhiên , cuộc gặp gỡ đã không thống nhất được về những khoản vay của Đoàn Kỳ Thụy với Nhật Bản . Những nổ lực đàm phán tiếp theo lại bị cản trở bởi phong trào Ngũ Tứ . Chiến tranh bảo vệ hiến pháp đã hoàn toàn chia rẽ Trung Hoa thành hai nửa Bắc – Nam .

  Phong Trào Ngũ Tứ bao gồm những thành phần nhiệt tình chính trị và những sinh viên trí thức yêu nước phản đối thần tượng cũ , kêu gọi cải cách . Họ cùng sát cánh bên nhau và phát triển trở thành một phong trào phản kháng toàn quốc , mệnh danh là Phong Trào Ngũ Tứ hay Phong Trào Văn Hóa Mới diễn ra trong giai đoạn từ 1917 đến năm 1923 . Những cuộc biểu tình của sinh viên ngày 4 tháng 5 năm 1919 là đỉnh của phong trào . Đại diện Trung Hoa từ chối ký hiệp ước Versailles (xác nhận chủ quyền của Nhật ở Sơn Đông) vì sức mạnh từ phía những sinh viên của phong trào này .

   Tháng 10 năm 1919 , Tôn Dật Tiên tái lập Quốc Dân Đảng ở Quảng Châu , chính thức đối lập với chính phủ Bắc Kinh . Ông lúc nào cũng muốn củng cố chính quyền của mình để thực hiện tham vọng thống nhất với phương Bắc . Nhưng những nổ lực của ông đều thất bại , vào năm 1920 , ông quay sang Liên Bang sô Viết . Liên sô muốn trở thành đồng minh với những người Cộng Sản Trung Hoa . Nhưng vì thủ đoạn chính trị đối với “chủ nghĩa tư bản phương Tây” nên lãnh đạo Sô Viết ủng hộ luôn cả Tôn Dật Tiên và Trung Quốc Cộng Sản Đảng mới thành lập . Liên sô hy vọng củng cố được quan hệ của mình nhưng vẫn chuẩn bị hợp tác với bất kỳ phe nào của Trung Hoa giành được thắng lợi . Và cuộc đấu tranh giành quyền lực ở Trung Hoa giữa Quốc Dân Đảng và Cộng Sản Đảng bắt đầu nổ ra .

  Năm 1922 , sau khi liên minh quân phiệt miền Nam với Quốc Dân Đảng tan vở ở Quảng Châu , Tôn Dật Tiên chạy về Thượng Hải . Cho đến lúc ấy ông mới thấy được sự cần thiết phải có sự hỗ trợ của Liên sô để hoàn thành lý tưởng của mình . Năm 1923 , một tuyên bố chung giữa Tôn Dật Tiên và đại diện Liên sô tại Thượng Hải , cam kết sự hỗ trợ của Liên sô trong công cuộc thống nhất Trung Hoa . Các cố vấn Liên sô , người nổi tiếng nhất là một thành viên của Quốc Tế Cộng Sản Đệ Tam , Mikhail Borodin , bắt đầu tới Trung Hoa năm 1923 để giúp đở tái tổ chức Quốc Dân Đảng theo hình thức Đảng Cộng Sản Liên sô . 

  Trung Hoa Cộng Sản Đảng , theo sự chỉ đạo của Quốc Tế Đệ Tam bắt buộc phải hợp tác với Quốc Dân Đảng và các thành viên của họ cũng được khuyến khích gia nhập Quốc Dân Đảng trong khi vẫn giữ nguyên đảng tịch . Khi ấy Cộng Sản Đảng còn phôi thai , đảng viên chỉ độ ba trăm thành viên năm 1921 . Đến năm 1925 có được 1,500 đảng viên , trong khi Quốc Dân Đảng đã có đến 150,000 . Các cố vấn Liên sô giúp Quốc Dân Đảng thành lập một học viện chính trị để huấn luyện những tuyên truyền viên các cách thức hô hào nhân dân và vào năm 1923 cử Tưởng Giới Thạch , một trong những trợ thủ đắc lực của Tôn Dật Tiên từ ngày thành lập Đồng Minh Hội , tới học quân sự trong nhiều tháng ở Mạc Tư Khoa . Cuối năm 1923 , Tưởng Giới Thạch trở về và bắt tay vào việc thành lập Trường Võ Bị Hoàng Phố . Năm 1924 Tưởng Giới Thạch trở thành giám đốc trường Võ Bị và bắt đầu xây dựng ảnh hưởng để trở thành người kế tục của Tôn Dật Tiên trong vai trò lãnh đạo Quốc Dân Đảng và thống nhất toàn bộ Trung Hoa dưới chính phủ của những người cánh hữu theo chủ nghĩa tam dân .

  Tháng 3 năm 1925 , Tôn Dật Tiên chết vì bệnh ung thư . Tưởng Giới Thạch trong vai trò tổng tư lệnh Quân Đội Cách Mạng Quốc Dân , lập ra một kế hoạch Bắc phạt chống lại các Quân Phiệt Bắc Dương . Trong vòng 9 tháng , một nửa Trung Hoa được chinh phục . Tuy nhiên , đến năm 1926 , Quốc Dân Đảng chia rẽ thành hai phe : cánh tả và cánh hữu và khối Cộng Sản bên trong bắt đầu phát triển . Tháng 3 năm 1926 , sau khi phá vỡ một âm mưu bắt cóc mình , Tưởng Giới Thạch đột ngột miễn nhiệm các cố vấn Sô Viết , đưa ra các luật lệ hạn chế các thành viên Đảng Cộng Sản tham gia vào ban lãnh đạo cấp cao . Đầu năm 1927 sự đối đầu Quốc Dân Đảng và Cộng Sản Đảng dẫn tới sự chia rẽ hàng ngũ bên trong . Đảng Cộng Sản và cánh tả Quốc Dân Đảng quyết định dời chính phủ Quốc Gia từ Quảng Châu đến Vũ Hán . Nhưng Tưởng Giới Thạch , người đang đạt được thành công với cuộc Bắc phạt , đưa các lực lượng của mình tới tiêu diệt các cơ sở của Cộng Sản tại Thượng Hải và thành lập một chính phủ chống Cộng ở Nam Kinh vào tháng 4 năm 1927 . Khi ấy Trung Hoa có đến ba thủ đô : một được quốc tế công nhận của chính quyền Quân Phiệt ở Bắc Kinh , hai là thủ đô của phe Cộng Sản và cánh tả Quốc Dân Đảng ở Vũ Hán và thứ ba là thủ đô của phe cánh hữu dân quân sự tại Nam Kinh , nơi đây tiếp tục là thủ đô của chính quyền Quốc Dân Đảng trong thập kỷ tiếp sau .

  Lý tưởng của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản vỡ tan . Một chính sách mới tiến hành kêu gọi Đảng Cộng Sản Trung Hoa thúc đẩy những cuộc khởi nghĩa cả ở thành thị lẫn nông thôn , chuẩn bị cho sự phát triển của làn sóng cách mạng mới . Những nỗ lực không thành công của phe Cộng Sản nhằm chiếm các thành phố : Nam Xương , Trường Sa , Sán Đầu và Quảng Châu , và một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở vùng nông thôn tỉnh Hồ Nam tiến hành . Cuộc khởi nghĩa này do Mao Trạch Đông lãnh đạo , người mà sau này trở thành Chủ Tịch Đảng Cộng Sản Trung Hoa và lãnh đạo nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa .

  Nhưng vào giữa năm 1927 , Đảng Cộng Sản lại rơi vào thời kỳ thoái trào . Những người Cộng Sản bị đẩy lùi ra khỏi Vũ Hán bởi những đồng minh của mình trong cánh tả Quốc Dân Đảng , để rồi chính họ cũng bị một chính quyền quân sự khác lật đổ . Tới năm 1928 , về danh nghĩa , toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa đều thuộc quyền kiểm soát của Tưởng Giới Thạch và chính phủ Nam Kinh ngay lập tức được quốc tế công nhận là chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Hoa 

  Sau khi bị trục xuất khỏi Nam Kinh , các cố vấn Nga rút xuống Quảng Châu , tháng 12 năm 1927 họ ra lệnh cho Trương Đại Lôi , chủ tịch ủy ban Cách Mạng xúi giục thợ thuyền nổi lên bạo động , giết các tài chủ để chiếm đoạt tài sản . Họ chiếm được trại lính , công sở , nhưng dân Quảng Châu đa số là thương nhân nên không hưởng ứng và thợ thuyền cũng chẳng đình công . Quân Quốc Gia do Trương Phát Khuê và Lý Tế Thâm chỉ huy dẹp tan phiến loạn . Tóm lại mấy năm đầu Cộng Sản thất bại liên tiếp , đường lối thường thay đổi và lãnh đạo cũng vậy .Các cố vấn Liên sô phải về nước , chỉ một số ít ở lại Giang Tây để lập một chính quyền Sô Viết tại đó . Tuy nhiên Cộng Sản cũng thu được một vài kết quả ở Phúc Kiến , Giang Tây , Hồ Bắc , Hồ Nam . Họ lập tại đó những đạo hồng quân có khí giới đầy đủ , được huấn luyện rất kỷ . Người chỉ huy là một vị sĩ quan chuyên môn về du kích chiến và là một danh tướng lẫy lừng về sau , đó là tướng Chu Đức . Đến năm 1931 , những khu vực gần ranh giới chung các tỉnh Giang Tây , Hồ Nam , Phúc Kiến do Mao Trạch Đông hướng dẫn , cùng sát nhập lại với những cánh quân của Chu Đức , thành lập một chính phủ cộng hòa Sô Viết  đầu tiên của Trung Hoa ở Thụy Kim tỉnh Giang Tây , gồm Mao Trạch Đông làm chủ tịch , Chu Đức , Chu Ân Lai , Bành Đức Hoài … Chính phủ này kiểm soát được nhiều tỉnh ở Trung và Nam Trung Hoa , dân số khoảng 20 triệu . Quân số ban đầu khoảng 6 vạn , ba năm sau tăng lên 30 vạn . Từ đó Trung Hoa có hai chính phủ : Quốc và Cộng . Mao trở thành đối thủ của Tưởng . Từ lúc chính phủ Cộng Sản thành lập , Tưởng Giới Thạch luôn tìm cách trị cho được cái gai Cộng Sản . Ông tấn công căn cứ Mao tất cả 5 lần trong vòng 3 năm từ 1931 đến 1934 . Lần đầu với 100 ngàn quân nhưng bị đẩy lui . Lần thứ nhì tăng lên quân số gấp đôi , với 200 ngàn quân do Hà Ứng Khâm chỉ huy , lại cũng bị thua to . Lần thứ 3 đích thân Tưởng Giới Thạch dẫn 300 ngàn quân , đánh nhau mấy tháng trời cũng chẳng mang lại kết quả gì . Vì lúc ấy Nhật đã xua quân chiếm Mãn Châu và Thượng Hải nên Tưởng để cho Cộng yên . Lần thứ 5 , Tưởng Giới Thạch dùng đến 1 triệu quân và 200 phi cơ tiến vào quyết quét sạch sào huyệt của quân Cộng . Ông thay đổi chiến thuật trong lần tấn công này , thay vì ồ ạt xua quân vào tàn sát , ông lại cho 500 ngàn quân bao vây chung quanh . Quân của Mao trong rừng núi thiếu thốn gạo muối bắt buộc phải lộ diện , khi ấy 500 ngàn quân đã bố trí sẳn đánh họ tơi bời , khiến cho họ không thể dùng lối đánh du kích là ngón sở trường của họ nữa . Cũng không thể không nhắc lại lúc này nhờ Tưởng Giới Thạch khéo léo ngoại giao , thu xếp với Nhật , được Nhật để yên nên ông có thể tung ra một nửa quân lực Quốc Gia , quyết định một trận diệt cho tuyệt không còn một móng Cộng Sản . Vòng vây dần dần thu hẹp , quân Cộng thấy tình thế tuyệt vọng nên quyết mở vòng vây tháo chạy , họ bỏ căn cứ Giang Tây để lên miền Tây Bắc Trung Hoa . Họ vừa chạy vừa mộ binh sĩ và vừa chiến đấu . Đây gọi là cuộc trường chinh vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Trung Hoa , có lẽ cả trong lịch sử nhân loại nữa , họ làm cho thế giới phải nghiêng mình thán phục . Rốt cuộc , Tưởng Giới Thạch vẫn không thể nào diệt được quân Cộng , ông chỉ xua họ ra khỏi miền Nam Trung Hoa mà thôi , để rồi từ đó Mao Trạch Đông củng cố lực lượng và phản công trở lại , Tưởng lúc ấy thế yếu phải ngậm ngùi tháo chạy và Trung Hoa Dân Quốc Đài Loan đã được khai sinh vào thời điểm bại vong ấy .

  Cuối năm 1935 , cuộc “vạn lý trường chinh” của Mao Trạch Đông chấm dứt . Quân Cộng Sản đã quá mệt mỏi , đảng viên chỉ còn non 30 nghìn nhưng làm chủ một miền Hoa Bắc rộng lớn , dân cư thưa thớt nghèo nàn . Họ phải xây dựng lại từ đầu , chia làm nhiều khu tương đối tự trị , chưa tiến lên chủ nghĩa xã hội vội nên tạm thời vẫn giữ chế độ tân dân chủ , nghĩa là cho dân những tài sản nhỏ , còn có giai cấp , được tự do làm ăn , xóa bỏ những món nợ cũ cho dân . Từ trước , nhất là thời xưng hùng của các lãnh chúa quân phiệt , nông dân bị điền chủ bốc lột , bị lính cướp bóc , bây giờ cảm thấy sung sướng coi Cộng Sản là người giải thoát cho họ . Dân chúng được học tập chính trị , được chỉ dẫn cách thức canh nông , tổ chức thành những đội tự vệ . Nhiều trường được mở để dạy dân thoát nạn mù chữ , lần lần có cả một trường đại học ở Bảo An với 2 nghìn sinh viên , họ chú trọng vào việc đào tạo sĩ quan cho đạo quân thứ 8 sau này . Nhân dân ở Thiểm Tây , Sơn Đông  , Sơn Tây và Hà Bắc thấy không còn lo sợ cho họa Cộng Sản nữa , mà chỉ thấy nguy hiểm cho cái họa ngoại bang là Nhật Bản . Lúc này họ chiếm gần hết Hoa Bắc nên dân chúng chỉ mong sao cho Quốc Gia và Cộng Sản thỏa hiệp với nhau để chung vai kháng Nhật . Một số lớn dân chúng đã bỏ Mãn Châu về và bọn quân của Trương Học Lương cũng vậy . Trương Học Lương được Tưởng Giới Thạch phái lên đóng ở Tây An để bao vây Cộng Sản . Lương thấy Cộng đã thay đổi khẩu hiệu “đoàn kết diệt Nhật” thay vì “diệt Quốc Dân Đảng” , hơn nữa Lương còn thấy đoàn quân của họ ở Thiểm Tây , Cam Túc gồm những binh lính cũ ở Hoa Nam còn sống sót sau cuộc trường chinh , bây giờ hăng hái kháng Nhật nên Lương cùng bộ hạ không thể nào tuân theo lệnh của Tưởng Giới Thạch “diệt bọn đạo tặc cộng sản trước hết” mà lén lút thương lượng với Cộng , lập một mặt trận thống nhất để kháng Nhật . Nhật lại cảnh báo Tưởng Giới Thạch rằng nếu không mau diệt Cộng thì Nhật sẽ xóa bỏ các thỏa hiệp đình chiến đã ký .

  Ngày 7 tháng 12 năm 1936 Tưởng Giới Thạch cùng vài viên tướng và 200 vệ binh bay đến Tây An để dò xét tình hình . Trong ba ngày Trương Học Lương thuyết phục ông không được nên cuối cùng Lương quyết định bắt cóc ông để thương thuyết . Tin Tưởng bị bắt cóc làm chấn động toàn quốc , người ta sợ ông bị giết thì Trung Hoa sẽ lâm vào tình trạng phân chia nội chiến nữa và tệ hại hơn Nhật sẽ nhân đó chiếm trọn Trung Hoa .

  Sau khi tống giam Tưởng Giới Thạch , hai tướng Trương Học Lương và Dương Hổ Thành đã  ra tuyên bố giải tán Tổng bộ chỉ huy tiểu phỉ Tây Bắc và thành lập Ủy Ban Quân Sự lâm thời liên quân Tây Bắc kháng Nhật do Trương Học Lương làm chủ tịch , Dương Hổ Thành làm phó . Đồng thời hai người gửi điện thông báo cho Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Hoa và gửi kiến nghị đến Chính Phủ Trung Ương Quốc Dân Đảng ở Nam Kinh đòi cải tổ chính phủ , đình chỉ nội chiến , cùng nhau kháng Nhật , thực hiện dân chủ .

  Ngày 16 tháng 12 Chính phủ Quốc Dân Đảng ở Nam Kinh hạ lệnh “thảo phạt” Trương , Dương giải cứu Tưởng Ủy Viên trưởng và thành lập lực lượng thực thi mệnh lệnh do Hà Ứng Khâm làm tư lệnh . Lợi dụng thời cơ này , phái thân Nhật trong chính phủ Nam Kinh do Uông Tinh Vệ đứng đầu cũng ngấm ngầm tìm cách đoạt quyền của Tưởng , nhầm tiến sâu hơn nữa trong việc thực hiện âm mưu “liên Nhật , chống Cộng” .

  Sau khi nhận được điện của Trương Học Lương báo tin về cuộc chính biến , Trung ương Đảng Cộng Sản đã cử một đoàn đại biểu do Chu Ân Lai dẫn đầu đến Tây An để đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Trương , Dương với chính quyền Nam Kinh , nhằm đoàn kết chống Nhật .

  Trong các cuộc gặp gỡ , Chu Ân Lai đã chỉ rõ thời cuộc hiện tại và thuyết phục Trương Học Lương phóng thích Tưởng đồng ý cùng kháng chiến chống Nhật cứu nước . Đồng thời , Trung Ương Đảng Cộng Sản cũng gửi tới chính phủ Nam Kinh tuyên bố về lập trường của mình là “thống nhất với chủ trương của hai tướng Trương , Dương  , giải quyết hòa bình sự biến Tây An” .

  Ngày 22 tháng 12 , Tống Mỹ Linh cùng em trai là Tống Từ Văn cùng Duna , cố vấn cao cấp của Tưởng , cùng bay tới Tây An để tiến hành các cuộc đàm phán với hai tướng Trương , Dương do Chu Ân Lai làm trung gian .

  Do sự cố gắng của Chu Ân Lai cùng với phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước , đến ngày 24 tháng 12 Tưởng buộc phải chấp nhận điều kiện “đình chiến nghị hòa , liên Cộng kháng  Nhật , phong thích chính trị phạm” và một số điều kiện khác . Ngày 25 tháng 12 , Tưởng Giới Thạch được trả tự do và đích thân Trương Học Lương tháp tùng đưa Tưởng bay về Nam Kinh .

  Sự biến Tây An coi như kết thúc . Tưởng Giới Thạch tuy bị mất mặt nhưng ai cũng công nhận rằng trước vụ đó ông ta có thái độ can đảm cứ giữ đúng đường lối tạm hòa hoãn với Nhật để lập lại trật tự trong nước , huấn luyện thêm quân đội đã . Ông hiểu rõ hơn các tướng khác về sức mạnh của Nhật Bản và thế yếu của Trung Hoa . Sau vụ đó ông lại tỏ ra có tư cách , giữ đúng lời hứa miệng với Cộng : thả các tù chính trị và chuẩn bị kháng Nhật .

  Trong lúc Mao Trạch Đông cũng có thái độ đàng hoàng là sẳn sàng hợp tác với chính phủ Quốc Gia để thực hiện những nguyên tắc của Tôn Dật Tiên mà Cộng Sản nhận là cần thiết trong giai đoạn đó , sẳn sàng đình chỉ mọi hành động thù nghịch với Quốc Dân Đảng , giải tán chính phủ để cùng nhau cứu nước .

  Như vậy là Quốc và Cộng cùng bắt tay nhau để bảo vệ chủ nghĩa dân tộc . Toàn dân Trung Hoa hoan hô cả Mao lẫn Tưởng . Uy tính và danh vọng của Tưởng tăng lên . Trong khi Mao được thêm cái lợi là sinh viên , kỹ thuật gia tới Diên An khá đông mà sự mua bán giao dịch với phần đất chiếm đóng của Quốc Gia cũng được dễ dàng . Trong khi ấy Cộng Sản ở Diên An mỗi ngày một mạnh . Sau khi thành lập mặt trận thống nhất , Mao tự do hoạt động ở Tây Bắc , ảnh hưởng của ông bắt đầu lan ra . Tướng Lâm Bưu thắng Nhật một trận khá lớn , uy thế tăng dần nên dân chúng theo đông . Đảng viên được lệnh , quân Nhật đến thì phải ở tại chỗ tổ chức bí mật , du kích ám sát , phá đường , đánh cướp xe địch để tịch thu vũ khí . Những khu đó trở thành khu giải phóng . Mới đầu là Sơn Tây , rồi lan ra thành khu Sơn Tây – Hà Bắc – Hà Nam . Họ chế tạo súng , lựu đạn , thuốc súng , máy thâu thanh  … trong những khu đã giải phóng .

  Ngày 7 tháng 7 năm 1937 sự kiện Lư Câu Kiều (còn gọi là cầu Macro Polo) đã làm nổ ra cuộc chiến tranh Trung – Nhật . Cuối tháng 7 , Nhật với ưu thế quân sự , tiến chiếm luôn hai thành phố lớn nhất phía Bắc Trung Hoa là Thiên Tân và Bắc Kinh .

  Thế nhưng sau đó chiến tranh như ngừng lại . Quân Nhật không mở rộng địa bàn chiếm đóng thêm nữa . Ở thủ đô Nam Kinh , Tưởng Giới Thạch cũng không tuyên chuyến với Nhật , chỉ kêu gọi Hội Quốc Liên can thiệp . Cả hai bên dường như chưa muốn mở rộng chiến tranh . Nhật chỉ muốn chiếm một vùng đất rộng lớn phía Bắc làm bàn đạp sau này . Ở gần Thượng Hải , Nhật có một căn cứ hải quân ước chừng 3.000 quân do cuộc ngưng bắn từ năm 1932 quy định .

  Một tháng sau , đột nhiên chiến sự nổ ra ở ngay Thượng Hải rồi lan rộng . Nguyên nhân vì đâu ? Điều bí ẩn này cho đến hôm nay mới được phơi bày . Trước đây , dư luận hầu như đều cho rằng do phía Nhật cố tình tấn công trước . Nay mới rõ : chiến sự mở rộng là do bàn tay Liên sô nhúng vào , và Stalin lại là đạo diễn chính cho màn tang thương máu lửa ấy . Ông ta e ngại rằng Nhật Bản đang chiếm đóng Mãn Châu , với số quân đông hàng mấy sư đoàn , nay lại chiếm phần đất phía Bắc Trung Hoa ở gần biên giới Liên sô , có thể họ sẽ dễ dàng gây chiến với họ , điều mà Stalin cố tránh . Ông ta chỉ mong cho Nhật mở rộng chiến tranh về phía Nam Trung Hoa rồi bị sa lầy ở một vùng mênh mông Hoa lục . Stalin đã tạo ra một nhân vật lợi hại thực hiện kế hoạch chiến lược của mình . Nhân vật ấy là một viên tướng của Tưởng Giới Thạch : Trương Trị Trung . Trương Trị Trung lúc bấy giờ là tư lệnh vùng Thượng Hải – Nam Kinh . Năm 1925 , Trương từng là giáo viên học viện quân sự Hoàng Phố . Ông lại có cảm tình với Cộng Sản nên có lần yêu cầu Chu Ân Lai kết nạp ông vào đảng Cộng Sản . Nhưng Chu Ân Lai lại trả lời : Tốt hơn hết là hãy hợp tác bí mật với đảng . Những năm 1930 , Trương có quan hệ với sứ quán Liên sô ở Nam Kinh . Ngay sau sự kiện Lư Câu Kiều , Trương Trị Trung đã yêu cầu Tưởng Giới Thạch tấn công quân Nhật ở vùng Thiên Tân – Bắc Kinh để giữ quyền chủ động , nhưng  Tưởng lại không đồng ý . Không có kết quả , Trung lại thuyết phục Tưởng tấn công quân Nhật ngay tại thành phố Thượng Hải , Tưởng vẫn không đồng tình , ông viện lẽ Thượng Hải là một trung tâm công nghiệp – tài chánh và lại quá gần thủ đô Nam Kinh . Cuối cùng Tưởng chỉ thị khi nào có dấu hiệu quân Nhật chuẩn bị tấn công cũng phải chờ lệnh của ông mới được hành động .

  Ngày 9 tháng 8 Trung dựng lên một cuộc xung đột ở sân bay Thượng Hải bằng cách cho một người tù mặc quân phục sĩ quan bị hai binh sĩ Nhật bắn chết , sau đó dàn cảnh hai người lính Nhật bị bắn trả nhằm để khơi ngòi cho một cuộc xung đột lớn . Nhưng phía Nhật cũng như phía Tưởng đều không muốn chiến tranh lan rộng . Tưởng Giới Thạch vẫn chủ trương tự kiềm chế không gây sự . Ngày 14 tháng 8 , Trung ra lệnh chuẩn bị cho máy may ném bom tàu chỉ huy Izuma của Nhật và một số vị trí quân Nhật . Tưởng liền ngăn lại không cho hành động . Ngày 15 tháng 8 , Trung chỉ thị cho báo chí ra tung tin quân Nhật đã ném bom và tàn sát dân chúng ở Thượng Hải . Gây nên một làn sóng căm phẩn trong quần chúng . Tưởng Giới Thạch đành phải ra lệnh tiến công vào ngày 16 tháng 8 . Đến ngày 18 tháng 8 , ông lại tuyên bố lệnh ngưng bắn . Nhưng đến lúc này Nhật đã gửi quân tiếp viện và chiến tranh bắt đầu lan rộng , số thương vong càng cao , căm thù càng chồng chất , đến lúc chiến cuộc đến hồi quyết liệt ấy khó có thể vãn hồi .

  Sau khi hoàn thành sứ mạng , Trung tuyên bố từ chức và về sống tại Bắc Kinh . Stalin vỗ đùi thích thú khi tình hình Trung Hoa chuyển biến như ý , tức là làm cho chiến tranh Trung Nhật lan rộng về phía Nam . Ông ta tức thời gia tăng viện trợ quân sự cho Tưởng Giới Thạch . Ngày 21 tháng 8 năm 1937 Liên sô ký với Tưởng Hiệp Ước bất tương xâm Sô-Trung và viện trợ vũ khí . Liên sô bán cho Tưởng 1 ngàn máy bay , nhiều xe tăng và đại pháo . Stalin còn cử 300 cố vấn sang giúp Tưởng . Suốt 4 năm từ 36 đến 40 Liên sô gần như là nguồn cung cấp vũ khí duy nhất cho Quốc Dân Đảng .

  Stalin còn chỉ thị cho Mao Trạch Đông rằng Đảng Cộng Sản Trung Hoa và Hồng Quân cần tích cực tham gia chống Nhật để lôi cuốn Tưởng vào cuộc chiến đấu này . Nhưng Mao lại nghĩ khác , lúc ấy Hồng Quân có khoảng 60 ngàn quân chính quy , trong đó 46 ngàn đang đóng ở vùng Tây Bắc với thủ đô là Diên An . Đoàn quân này mang tên là Bác Lộ Quân , do Chu Đức làm tư lệnh và Bành Đức Hoài làm phó . Còn 10 ngàn quân đóng ở phía dưới sông Dương Tử là Tân Tứ Quân do Hạng Anh làm tư lệnh . Mao luôn nghĩ rằng trên chiến trường Trung Hoa có 3 thế lực theo thế chân vạc như thời Tam Quốc : Quốc Dân Đảng , Cộng Sản và Nhật Bản . Phải thúc đẩy cho Nhật và Tưởng đánh nhau thật lực . Quân Nhật càng đánh sâu vào nội địa đuổi theo quân Tưởng thì càng tốt . Quân Mao cứ việc theo sau chân quân Nhật , chiếm các vùng quân Nhật bỏ lại để biến thành căn cứ cho mình . Vì quân Nhật không có dân , không có chính quyền và kinh tế tại chỗ nên không thể trụ lại . Chỉ có quân của Mao làm được . Hơn nữa , sau mỗi cuộc đọ sức giữa quân Quốc Dân Đảng và quân Nhật , lính của Tưởng tự bỏ ngũ nhiều , Hồng Quân thu nhận số tàn quân ấy , nuôi dạy để bổ sung cho quân mình .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế