Làm lại từ đầu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương thứ 9 :  LÀM LẠI TỪ ĐẦU

   Chiều hôm ấy , Tojo còn đang ngồi tại phòng làm việc thì Đại Lang Thị Thần điện thoại truyền lệnh cho Tojo phải lập tức nhập cung bệ kiến Thiên Hoàng . Tojo lùa vội mớ hồ sơ bề bộn trên bàn vào hết xách tay rồi hân hoan ra cửa .

  Lệnh nhập cung khẩn như báo cho Tojo biết là dữ nhiều lành ít , may lắm thì cũng một trận quở trách chớ chẳng không . Nhưng đến nơi thì ông mới vỡ lẽ ra rằng chuyện xảy ra ngoài sự tưởng tượng của mình . Thiên Hoàng Hirohito chỉ phán vỏn vẹn một câu :

  - Ta hạ chỉ cho ngươi hãy chiếu theo đúng điều khoản của Hiến Pháp Đại Nhật Bản mà đứng ra thành lập một nội các mới . Chúng ta tin tưởng rằng nước nhà đang đối đầu với một hoàn cảnh tối nghiêm trọng . Hãy ghi nhớ rằng Lục quân và Hải quân , cần nhất là ở giai đoạn này , nên hợp tác chặt chẻ với nhau . Vì đại cuộc , vì quốc gia dân tộc cùng đoàn kết hầu vượt qua cơn sóng gió trước mắt . Đó là sự mong đợi của ta , ngươi hãy nhớ rằng vận mệnh của quốc gia lúc này như con thuyền mong manh trên sóng lớn chỉ trông cậy vào sự uyển chuyển khéo léo của người cầm lái . Ngươi là người cầm lái con thuyền quốc gia , hãy cố gắng đừng phụ lòng ta và thần dân trăm họ đều đặt trọn niềm tin vào ngươi .

  Tojo được Thiên Hoàng nhắn nhủ thêm mấy câu rồi bảo ông ra ngoài phòng đợi . Nơi đây ông gặp Đô Đốc Oikawa , người cũng vừa được Thiên Hoàng thuyết phục nên “hòa hoãn và hợp tác” giữa Hải Lục quân . Kido tiến lại hai người và bảo nhỏ :

  - Tôi cho rằng lời khuyên “cộng tác chặt chẻ giữa Hải và Lục quân” của Thiên Hoàng không ngụ ý gì ngoài sự “đánh giá lòng kiên quyết đối với quốc gia của chúng mình” . Người ước muốn làm sao trong tất cả chúng ta đều đồng lòng gát lại Nghị định 6/9 để chú tâm nghiên cứu thấu đáo về tình hình quốc nội cũng như công tác đối ngoại . Hầu sáng tỏ thêm vấn đề nên Thiên Hoàng gợi ý cho tôi phải truyền đạt ý nghĩ này đến với quí vị . Mong quí vị hiểu nhiều hơn .

  Quả là một việc chưa từng xảy ra trong lịch sử Phù Tang . Chưa có một vị Thiên Hoàng nào ra lệnh bãi bỏ một quyết định đã được chính mình phê chuẩn . Tojo ngồi vào cương vị Thủ Tướng với “mọi việc khởi sự từ đầu” . Chỉ đơn giản là như thế . Giũ bỏ tất cả trách nhiệm từ trước để bắt đầu cuộc đàm phán hòa bình với Hoa Thịnh Đốn .

 Tuy là người trong cuộc , đã trãi qua bao nhiêu biến động không ngừng nhưng dù sao thì Tojo vẫn là một quân nhân thuần túy , quyền hạn và tầm nhìn của ông chỉ giới hạn trong Bộ Chiến Tranh ; nhưng chỉ sau một đêm , một bước dài trên hoạn lộ cũng khiến cho Tojo hụt hẫng đôi chút : chưa nắm rõ hết tình hình chung của toàn bộ bộ máy nhà nước , đối nội và đối ngoại ra sao và nhất là phía Hoa Kỳ , phải xử sự như thế nào để được lòng dân và không phật lòng Hoa Thịnh Đốn ?

    Đứng trang nghiêm trong ngôi đền chiến sĩ trận vong Yasukuni Shrine , giữa những anh linh của hàng vạn vong hồn tử sĩ , Tojo cảm thấy một cái gì đó thật thiêng liêng thúc giục ông phải chấp nhận sự thật , quên mình là một quân nhân thuần túy để nhận lấy một trách nhiệm mới với muôn trùng khó khăn đang chờ đợi . Từ nay , tiếng nói của ông không phải là một mệnh lệnh ban bố trong phạm vi quân đội nhỏ hẹp ấy , mà nó là tiếng nói của một vị chính khách đại diện cho cả một quốc gia , cho cả một hệ thống Đế Quốc Đại Nhật Bản . Nghĩ đến đấy Tojo càng tự tin hơn , ông thầm nhủ “Thiên Hoàng đã đặt tất cả kỳ vọng vào mình thì dù có máu đổ đầu rơi mình vẫn phải chu toàn trách nhiệm để Người không phải vì ta mà thất vọng” .

  Tojo lại cho rằng cuộc đời của mình đang bước sang một ngã rẻ quan trọng và ông tự vẽ ra một phương châm cho hướng đi mới này là : Lấy Thiên Hoàng tối cao làm mẫu mực cho hành động . Lệnh của Ngài tất nhiên ta phải tuyệt đối tuân hành vì Người là đại diện cho mọi sự bình đẳng và không thuộc một giai cấp thứ bậc nào trong xã hội nhơn quần này cả .

  Tojo trở lại Bộ Chiến Tranh với tinh thần hết sức phấn khởi . Vừa bước chân vào cửa thì chạm mặt hai vị tướng dưới quyền . Hai ông hân hoan trao cho Tojo tờ văn thư bổ nhiệm vào nội các chính phủ . Tojo bất  đắc dĩ mới đưa tay nhận lấy tờ văn thư và bước thằng vào phòng làm việc , miệng ông càu nhàu nho nhỏ , phàn nàn phe quân đội “hay quấy rầy quá trớn” .

  Vừa ngồi vào bàn ông gọi ngay cho Naoki Hoshino , một cộng sự viên đắc lực khi ông còn công tác ở Mãn Châu . Một lúc sau , Hoshino xuất hiện , Tojo đang ngồi bẹp trên nền nhà , giữa những chồng hồ sơ bị xáo trộn , giấy tờ vứt ngỗn ngang . Ông ngẫng lên nhìn Hoshino rồi bảo  “Tôi có ý mời ông đến để phụ giúp tôi . Từ đây ông sẽ là Tổng Thư ký của tôi , ông nhé !” .

  Rồi hai người ngồi lại bắt đầu thảo luận công việc chọn lựa những thành phần mới cho Nội Các . Tojo đưa ý kiến “Phe quân đội thì vẫn giữ nguyên không thay đổi” nhưng ông lại đề nghị Hidehiku Ishiguro , một sĩ quan tuyệt vời có thể thay vào nắm giữ bộ Giáo Dục . Hoshino phản đối , ông cho rằng việc thay đổi này sẽ tạo thêm rắc rối mới từ phe đối lập mà thôi . Thế là tên của Ishiguro bị gạch bỏ ngay trong quyển sổ tay của Tojo  . Ngẫng lên nhìn Hoshino , Tojo hỏi tiếp “Đến bộ Kinh Tế , ông nghĩ ai sẽ là người nắm giữ bộ này tốt hơn : Aoki hay Kaya ?” . Không cần suy nghĩ Hoshino đáp ngay ”Cả hai đều là nhân tài thích ứng và đầy đủ kinh nghiệm và khả năng chức nghiệp” . Tojo đánh dấu chọn bên cạnh tên Okinori Kaya rồi hỏi ”Thế còn Togo , ông nghĩ sao nếu tôi bổ nhiệm va vào ghế Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao ?” Hoshino kể lại mối quan hệ thắm thiết của hai người từ dạo còn cộng tác bên nhau khi vừa mua lại tuyến đường sắt miền Đông Trung Hoa từ tay Liên Xô . Cuối cùng ông kết luận ”Togo quả là một người đáng tin cậy được” . Lại thêm một dấu chọn nữa được Tojo đánh vào danh sách của mình .

  Cân nhắc bàn bạc một lúc lâu , khi tạm chọn ra được một danh sách đầy đủ thì Hoshino bắt đầu dùng điện thoại liên lạc trực tiếp với từng cá nhân một . Bảy người đã hân hoan nhận lời ngay , nhưng bốn người còn lại , trong đó có Kaya và Togo vẫn còn do dự và muốn được trực tiếp gặp bàn bạc với Tojo trước .

  Gặp Tojo , Kaya vào đề ngay ”Có rất nhiều tin đồn rằng Nhật và Hoa Kỳ sẽ đi đến chiến tranh . Tôi còn nghe phe nhà binh mấy ổng cũng ủng hộ mạnh mẽ cho vấn đề lắm . Còn ông , ông có cao kiến gì thưa ông ?

  Tojo đáp ngay không chần chừ ”Dự định của tôi là cố gắng thương thuyết tìm giải pháp hòa bình bằng mọi cách . Tôi phản đối chiến tranh và không bao giờ quyết định đi đến chiến tranh cho dù hoàn cảnh có bắt buộc” .

  Kaya thắc mắc hỏi tiếp ”Nếu thế thì tốt rồi . Nhưng vấn đề là Bộ Tổng Tư Lệnh Tối Cao , họ là những người tự quyết không nằm trong quyền lãnh đạo và điều hành của Nội Các thì sao ?”.

  Tojo tỏ vẻ cứng rắn , ông đáp gọn ”Tôi sẽ không bao giờ chấp thuận cho phía quân đội phát động một cuộc chiến mà tôi cho là đi ngược lại với chủ trương của Nội Các Chính Phủ”.

  Sự thẳng thắn của Tojo đã gây được chút ấn tượng đối với Kaya . Nhưng trước khi gật đầu đồng ý bước vào nội các mới của Tojo , Kaya điện thoại hỏi lại ý kiến của cựu Thủ Tướng Konoye . Konoye khuyên ông nên chấp thuận và hãy cố gắng phụng sự đất nước , cố nêu cao lý tưởng hòa bình .

  Shigenori Togo , một sĩ quan xuất thân từ gia đình Kiếm Sĩ Nhật Bản và chẳng có quan hệ ruột rà gì đến vị Đô Đốc lừng danh Togo của những thập niên trước . Ông đến gặp Tojo sau Kaya một bước . Ông là mẫu người to con quắc thước nhưng thâm trầm sâu sắc , lời nói khoan thai nhưng giọng lại nặng trịch thổ âm Kyushu khiến cho người nghe cảm thấy khó chịu vì chói tai . Theo sự nhận xét của Đại Sứ Grew thì Togo là mẫu người hung ác và “quá khích nhưng dè dặt” Là một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm và cũng là một người rất am hiểu xã hội Âu Châu , ông từng chống đối truyền thống của gia đình để kết hôn với người vợ Đức . Không giống như bất cứ một nhà ngoại giao nào , Togo có một cố tật là khi nói chuyện hoặc cãi một vấn đề gì thì ông vẫn thẳng thừng tuôn ra cho bằng hết . Nghĩ gì là phải nói tuột ra hết mới hả , bởi thế lắm khi ông cũng làm cho người ta phiền không ít bởi cái tính “thẳng như ruột ngựa” của mình .

  Đề cập đến vấn đề thương thuyết thất bại của Konoye , Togo nói rằng nếu đứng vào vị trí của Konoye lúc bấy giờ ông tin tưởng vào khả năng ngoại giao của mình để có thể mang lại nhiều thành quả tốt đẹp , nhưng chẳng hiểu sao Konoye lại thất bại chua cay đến như thế . Tojo chẳng quanh co giấu giếm làm gì , ông cho biết sự thất bại của Konoye vì phe quân đội cứ nằng nằng một mực không chịu rút hết lực lượng đồn trú ở lục địa Trung Hoa , họ coi hành động đó như “một sự đòi hỏi quá đáng” của Hoa Kỳ . Tojo nhấn mạnh rằng đấy dù sao cũng là chuyện đã qua , ngay bây giờ ông cần được câu trả lời dứt khoát của Togo để ngày mai , khi vào bệ kiến Thiên Hoàng ông đã có sẳn trong tay bản danh sách của những bộ trưởng mới trong Nội Các của ông . Togo liền gật đầu chấp thuận .

 Hôm sau , Tojo , một sĩ quan 57 tuổi được vinh thăng Thống Tướng để hợp thức hóa quyền điều hành . Sau buổi lễ phong chức tại Nội Các , ông lên xe hỏa đến Ise Shrine , một ngôi đền linh thiêng nhất của Thần Đạo Nhật Bản để tỏ lòng cung kính đối với Thái Dương Thần Nữ theo đúng tín ngưỡng tập quán của họ .

   Khi tin tức loan ra chính thức công bố Tojo bước lên vũ đài chính trị thì đại chúng đa số đều hoan hô cổ võ rất nhiệt tình . Tờ nhật báo Yomiuri chạy một tít lớn ở trang đầu tuyên bố đấy là nguồn cảm hứng cho quốc dân “Tỏ ra có khả năng an bang trị quốc và là một cú sốc lay động sức mạnh của những kẻ chống lại phe Trục” . Nhưng bên cạnh ấy vẫn còn những phần tử tỏ ra thờ ơ , điển hình là Hoàng Thân Higashikuni , ông vẫn mãi thắc mắc tại sao Kido lại có thể đề cử một quân nhân có nặng đầu óc “hiếu chiến” như vậy , rồi chẳng biết hắn tâu rỗi thế nào mà cả Thiên Hoàng cũng chuẩn y nốt mới là lạ lùng chớ !

  Không riêng gì Đông Kinh , ngay cả ở Hoa Kỳ , quan điểm của họ cũng chẳng đồng nhất . Otto Tolischus , thông tín viên Đông Kinh cho tờ Newyork Times , sau khi thảo luận vấn đề Tojo với vị cố vấn đại sứ Dooman , Otto ghi lại như sau “Có lẽ quá hấp tấp để nhận định rằng chính phủ mới ở Đông Kinh sẽ sớm bị  chi phối bởi phe cực đoan , phe của những kẻ đã từng tuyên bố tham chiến và gây nên sự sụp đổ của Nội Các Konoye . Tojo , mặc dù cá nhân ông đã bảo đảm chắc chắn rằng sẽ chống lại chiến tranh ….. Về một khía cạnh nào đó , cuộc thương thuyết có thể sẽ càng dễ dàng và thuận tiện hơn vì sự thay đổi này …. Bây giờ thì phía Hoa Kỳ đã quá rõ ràng là mình đang giao dịch thẳng với phe quân đội Nhật Bản

  Nhưng đấy chỉ là những nhận định của kẻ bàng quan , cốt yếu và quan trọng nhất vẫn là người trong cuộc mà là kẻ quyết định sự thành bại của cuộc thương thuyết , ấy là Cordell Hull . Theo cái nhìn quá ác cảm của ông thì đặc điểm của vị Tân Thủ Tướng “một sĩ quan Nhật Bản tiêu biểu với cá tính hay quấy rầy và lời nói thẳng như ruột ngựa , bên trong là một “bộ óc thiển cận” đây mới chính là một mẫu người “đần độn đúng nghĩa” . Hull mang Tojo ra để so sánh với Konoye , ông nhận định Konoye dù sao vẫn “tạm được” còn Tojo thì ôi thôi …. “quá bết” !

  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế