Cố gắng trong tuyệt vọng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 10 : CỐ GẮNG TRONG TUYỆT VỌNG

  Ngay lúc ấy tại Mạc Tư Khoa , thủ đô đầu não của khối Cộng sản vẫn chưa nắm được chính xác những tin tức biến động trong chính trường Đông Kinh , thậm chí quyết định tiến chiếm bán đảo Đông Dương tại phiên họp ngày 02 tháng 07 họ cũng không biết được mảy may nào . Hotsumi Ozaki , một nhân viên tình báo cũng chỉ thoang thoáng nghe theo tin đồn là Nhật sẽ dồn quân tấn công về phía Nam thay vì ngược lên mạn Bắc tấn công Tây Bá Lợi Á . Để xác quyết nguồn tin ấy , Richard Sorge , thượng cấp của Ozaki muốn ông đi ngay đến Mãn Châu . Và cũng tại nơi đây Ozaki phát giác ra nhóm hơn 3 nghìn nhân công đường sắt trước kia được Đội Quân Quang Đông bí mật đào tạo , cung cấp vũ khí và giao nhiệm vụ tấn công những toán Hồng quân dọc theo biên giới ; bây giờ đã giải tán . Ngày 04 tháng 10 Sorge điện ngay về Mạc Tư Khoa báo cáo tình hình , kèm theo một bức điện văn kể rõ những diễn biến ngoại giao vừa xảy ra gần đây nhất :

  “Căn cứ theo những nguồn tin đáng tin cậy được tiết lộ bởi những viên chức Nhật : Chính phủ Nhật Bản yêu cầu Hoa Kỳ mở một cuộc hòa đàm vào khoảng trung tuần tháng này (10) . Nếu phía Hoa Kỳ không đáp ứng sự yêu cầu trên thì bộ phận đầu não chính phủ Nhật Bản hoặc hàng loạt từ chức hoặc có một cuộc cải tổ quyết liệt , thậm chí cũng có thể xảy ra chiến tranh với Hoa Kỳ . Nếu tình trạng này đến thì chậm lắm có lẽ là cuối năm nay .

  Một nhân vật được giới thẩm quyền Nhật đặt hết kỳ vọng vào là Đại Sứ Grew , vì ông này sẽ đại diện một phần nào của cuộc vận động đi đến bàn hội nghị ….

  Chính giới Nhật hầu hết đều có một quan điểm chung , nếu Đức thắng trên chiến trường châu Âu thì Nhật sẽ tung quân tiến chiếm toàn cõi Đông Dương và không cần thiết phải đối chọi với Liên Xô trên mặt phía Bắc , và giả thử Đức bị sa lầy ở chiến trường Liên Xô để đi đến đại bại ở mặt trận này thì quân Nhật sẽ không vội , họ chờ một cơ hội tốt sang năm . Hoa Kỳ dù có tinh ma đến đâu cũng không thể nào đoán nổi bước tiến quân của Nhật” .

  Bản báo cáo quá đầy đủ và mức độ chính xác của nó đã được Mạc Tư Khoa đánh giá cao . Vì thế toàn bộ Hồng quân trấn đóng dọc theo biên giới Mãn châu được lệnh rút về phòng tuyến phía Tây .

  Ngày 23 tháng 10 , tại một phiên họp của bộ chỉ huy , Tham Mưu trưởng Hải Quân Nagano đưa ra một lời phát biểu như than phiền  “Hành động và quyết định chả bao giờ đi đến đâu cả  nhưng chỉ biết trong mỗi một giờ đồng hồ hải quân chúng ta phải tiêu mất đi 400 tấn dầu . Tình trạng này coi bộ khẩn cấp lắm rồi , chẳng biết mấy ông ấy lại tính sao đây ?” . Phe Lục quân cũng đồng ý , họ đóng góp ý kiến “Cả một tháng trời chẳng tìm ra giải pháp nào cả . Chúng ta nhất định phải tiến tới chớ chẳng lẽ ngồi chờ chết sao !” Bấy giờ Thủ Tướng Tojo mới lên tiếng , giọng ông bất giác lại giống như cựu thủ tướng Konoye hôm nào “Tôi không hiểu tại sao Bộ Tư Lệnh lại thúc giục quá hấp tấp đến thế . Chính phủ đã chẳng nhắc nhở rằng vấn đề hệ trọng cần phải cân nhắc kỷ càng trước khi quyết định hay sao . Từ khi chúng ta có những ông Bộ Trưởng mới : Hải quân , Kinh tế và Ngoại giao . Chúng ta đã thay đổi đường hướng , có nên chấp nhận quyết nghị 6/9 hoặc đi tìm một giải pháp mới . Vậy ý kiến của Bộ Tư Lệnh các ông ra sao ?”.

  Nagano cùng Sugiyama trả lời rằng họ không có ý kiến .

  Đây là lần đầu tiên Tojo chứng tỏ khả năng quyền lực của ông . Có thể bảo rằng sự quyết đoán của Kido là đúng : Tojo chứng minh được ông có thể đối phó lại sự bất bình của phía quân đội .

  Liên tục những phiên họp tiếp theo hầu như họ đều dành hết nhiệt tâm vào một mục tiêu quan trọng là thương thuyết với Hoa Thịnh Đốn , nhưng bên cạnh ấy vẫn không quên suy tính lợi hại nếu trường hợp chiến tranh xảy ra . Họ đều đồng ý duy trì Hiệp Ước Liên Minh và tôn trọng 4 điều khoản của Hull mà chính quyền Konoye đã chấp thuận . Việc duy nhất mà họ không thống nhất với nhau là rút hết toàn bộ binh lực ở Trung Hoa lục địa . Tojo cứng rắn tuyên bố “như một hành động bày tỏ thiện chí trong việc ngoại giao” sẽ không có sự hiện diện của quân đội Nhật Bản trên thềm đại lục nữa . Sugiyama chống cự quyết liệt viện lẽ đó là một mối sỉ nhục to lớn cho đất nước khi phải chấp nhận một sự nhượng bộ quá đáng . Bầu không khí trong buổi họp càng lúc càng căng thẳng hơn vì không ai chịu nhường ai dù chỉ một bước . Bất chợt có tiếng nói ồm ồm vang lên từ phía bên phải của hội trường “Cách tốt nhất là rút lui toàn bộ hoạt động quân sự về . Rồi thì mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa ngay !

  Không ai khác hơn là vị tân Bộ Trưởng Ngoại Giao Togo , người ủng hộ mạnh mẻ Tojo trong hướng đi mới này . Ông chủ trương “dĩ hòa vi quí” “nín thở qua sông” , một khi yêu cầu đã được Hoa Kỳ chấp thuận rồi thì đâu lại vào đấy thôi .

  Tóm lại lời đề nghị ấy quả thật táo bạo , có vài người cho rằng Togo đã mất trí đến độ họ phải hoãn cuộc họp lại cho đến ngày hôm sau với lý do chờ cho “đầu óc Togo thật sự tỉnh táo lại” .

  Nhưng vì Tojo cố nài kéo dài thêm phiên họp . Mỗi phút ngắn ngủi trôi qua phải gắng vận dụng tim óc tìm ra phương cách để đi đến một quyết định chung cho toàn cục dù phải ngồi lại suốt đêm cũng phải ráng . Tojo nêu lên ba vấn đề chính yếu là : vì tài nguyên quốc gia có hạn nên tránh lao vào một cuộc chiến qui mô với những chiến phí khổng lồ , bởi vậy chúng ta chỉ còn hai chọn lựa duy nhất hoặc phát động ngay một cuộc chiến bất thình lình để dành lấy ưu thế trên chiến trường hoặc một mặt lo thương thuyết một mặt bí mật chuẩn bị chiến tranh nếu cần thiết . Nhưng theo cá nhân Tojo thì ông hy vọng cuộc thương thuyết sẽ dẫn đến hòa bình .

  Sugiyama và Tsukada rời phòng họp sau đó , họ đều hoang mang cùng cực trước những thay đổi đột ngột của Tojo , lời phát biểu của ông ta đâu có khác nào lời nói của một thường dân nhát gan tham sống sợ chết , thật không phải là khẩu khí của một trang chiến tướng từng trãi tí nào ! Trong lúc ấy thì Tojo cũng trở về văn phòng của ông để gặp lại kẻ tri âm , Kenryo Sato , bấy giờ là Trung Tướng , để bàn kỹ lại ba phương sách đã vạch ra trong phòng họp ban nãy . Sato góp ý rằng quyết định tuyên chiến vội vàng là một hành động liều lĩnh dại dột , nó chẳng giải quyết được những bế tắc giữa Mỹ và Nhật cũng như sự xáo trộn ở lục địa Trung Hoa . Tuy nhiên hạ sách này cũng có thể dùng được khi bộ Hải quân dám chứng minh sức mạnh của họ có khả năng mang lại chiến thắng . Khi ấy tôi sẽ hoàn toàn ủng hộ chiến tranh . Bằng ngược lại ra quân mà không nắm chắc phần thắng thì án binh bất động vẫn là thượng sách .

  Tojo bảo Sato ngầm báo với Sugiyama chớ nên đưa ra ý kiến hối thúc chiến tranh vào phiên họp sáng ngày mai . Nhưng ông Tham Mưu Trưởng này vẫn giữ vẻ cương quyết bảo “Nói với ông Bộ Trưởng Chiến Tranh rằng chỉ có một câu trả lời dứt khoát là “đánh” mà thôi !”.

  Phiên họp bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng . Nhưng Tojo cho đòi Sugiyama đến gặp ông sớm hơn , với hy vọng cuộc gặp gở ngắn ngủi có tính cách cá nhân này sẽ dàn xếp được những gì ông sắp đặt . Đúng 7:30 sáng , Sugiyama và Tsukada cùng người ủy quyền của ông cùng bước vào văn phòng của Tojo .

  Tojo nhập đề ngay “Thiên Hoàng phản đối mạnh mẽ việc cắt đứt ngoại giao và mở rộng chiến tranh vùng Đông Dương” , đoạn ông quay ra nói như khuyên với Sugiyama “Nếu như ông nghĩ mình có thuyết phục để Ngài thay đổi ý định và ông cảm thấy tự tin thì hãy tự mình vào yết kiến Ngài một chuyến đi . Còn tôi , tôi chẳng có ý kiến”.

  Sugiyama trả lời rằng ông nghĩ hy vọng để được đàm phán với Hoa Kỳ đã không còn nữa , và một khi người Mỹ đã tỏ ra ngang bướng thì chúng ta chẳng còn hy vọng nào nữa . Nói chuyện thương thuyết với một kẻ hách dịch như thế chỉ có hoài công vô ích mà thôi . Hy vọng đã hết thì chỉ còn một đường lối duy nhất giải quyết là chiến tranh .

  Nói đến đó ông Tham Mưu Trưởng gắt gỏng nặng lời chỉ trích Tojo là một quân nhân và hành sự còn thua xa một người dân dã tầm thường . Tojo im lặng chẳng nói chẳng rằng , ông vừa là Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Bộ Chiến Tranh .

   Cuộc hội nghị được ghi dấu trọng đại của quốc gia , đây là lần thứ 66 kể từ ngày thành lập ngày 01 tháng 11 năm 1936 , phòng họp được thiết kế ngay trong nội điện , giữa không khí nghiêm trang và cổ kính . Giữa lúc vận mệnh đất nước nghiêng ngã , Thủ Tướng đang cố chống lại những ý kiến kỳ quặc của phe quân đội , đó là những ý kiến được đại đa số tán thành . Tojo mang ra phương sách vừa đề cập ngày hôm qua để mổ xẻ trong cuộc họp . Phương sách thứ nhất là đi theo con đường giải quyết bằng chiến tranh .

  Kaya , Bộ trưởng kinh tế lên tiếng hỏi “Nếu chúng ta cứ ngã theo chiều hướng hòa hoãn thì liệu trong vòng vài ba năm nữa Hoa Kỳ để chúng ta yên không ? Hải quân có bao nhiêu phần trăm hy vọng có thể chiến thắng họ được ?

  Đô Đốc Nagano đáp cộc lốc “Chỉ có Trời mới biết !”.

  Kaye lại hỏi “Chắc chắn rằng Mỹ sẽ khai chiến với chúng ta hay không ?

  Nagano trả lời kiểu huề vốn “Năm mươi , năm mươi

  Kaye mắt vẫn không rời Nagano “Nếu chiến tranh xảy ra , liệu Hải quân mấy ông có nắm chắc phần thắng không ?

  Nagano chậm rãi như muốn nhấn mạnh từng lời , từng câu “Một cuộc chiến sẽ xảy ra trong sớm muộn mà chúng ta không thể nào tránh được . Thay vì ngồi đây vẽ kế hoạch hòa hoãn chờ thời thì tại sao không thình lình ra tay tấn công trước . Tiên hạ thủ vi cường , có như vậy Nhật Bản mới chiếm được thế thượng phong chứ !

  Kaye nhắc lại lời tuyên bố của Nagano trong một phiên họp hôm trước rằng : chiến thắng chả mang lại vẽ vang gì khi phải lún sâu vào cuộc chiến ít nhất là vài năm . Rồi ông nhìn thẳng vào Nagano nói “Rồi tiếp tục sau đó thì số phận của Nhật Bản sẽ ra sao ? Tôi quả quyết rằng Hoa Kỳ không thể nào ra tay tấn công chúng ta trước . Cơ hội ấy rất nhỏ , nhỏ đến đổi chúng ta không cần phải đề cập tới . Vậy tôi khuyên quí vị là ý kiến tấn công họ trước chẳng phải là một ý kiến hay !

  Ngoại Trưởng Togo gật gù khen lời phát biểu của Kaye thật đúng ý ông . Nhưng Nagano lại bảo “Hảy nhớ người xưa có câu ‘đừng quá vội tin vào những việc chưa xảy ra’ . Tương lai những ngày kế tiếp chỉ là một dấu hỏi to tướng và việc gì cũng có thể xảy đến . Chỉ trong vòng 3 năm nữa thôi thì ảnh hưởng của Hoa Kỳ sẽ bao trùm cả Đông Nam Á” .

  Kaye chợt lên tiếng hỏi “Tốt ! Vậy bao giờ chúng ta nên tấn công và thắng họ đây ?

  Nagano dứt khoát “Ngay lập tức . Bây giờ thật đúng lúc để phát động chiến tranh . Cơ hội ấy sẽ không bao giờ trở lại !”

  Sugiyama bấy giờ mới lên tiếng phụ họa “Thượng tuần tháng Chạp là thời điểm thuận lợi để ra quân . Nhưng trước mắt việc thương thuyết với Hoa Kỳ vẫn phải tiến hành để quân đội ta có đủ thời giờ lên kế hoạch và chuẩn bị chu đáo” .

  Togo lớn tiếng phản đối “Chúng ta quyết không thể làm như vậy được !

  Tham Mưu phó Hải quân làm bộ không nghe , ông nói lớn “Thay mặt Hải Quân , chúng tôi hạn định cho mấy ông phải hoàn tất việc đàm phán trước ngày 20 tháng 11”.

  Phe Lục quân cũng nôn nóng vô cùng , và họ sẽ không bao giờ chịu bó gối ngồi chờ mãi vì thời hạn chót cuộc đàm phán dù thắng hay bại  do họ tự quyết định lấy là ngày 13 tháng 11 .

  Sự việc xảy ra tình trạng càng lúc càng xấu đi . Thế yếu nghiêng hẳn về phía chủ hòa . Đối với Kaye thì nhóm người này đầu óc hoàn toàn quá ngang bướng không bao giờ chịu nghe theo lẽ phải . Thường tự hào là một quốc gia hùng mạnh với 2.600 năm lịch sử mà lại không biết xấu hổ khi dùng đến hạ sách ngoại giao quỉ quyệt hầu giải quyết những khó khăn của đất nước . Togo cũng kịch liệt phản đối , ông nói với giọng đầy căm phẩn “Tôi không thể tiếp tục đi theo đường lối ngoại giao trừ khi có được một cơ hội để đạt đến thành công . Tôi cũng không chấp nhận được cái gọi là “hạn chót” của cuộc đàm phán mà mấy người đã tự vạch ra để khó dễ tôi , cũng như những suy tính và hành động có thể gây ảnh hưởng xấu cho việc đàm phán trong tương lai . Quí vị không thể nào gạt bỏ được cái ý nghĩ “chiến tranh” trong đầu của quí vị hay sao ?

  Chỉ có Thủ Tướng Tojo vẫn ngồi yên giữ vẻ điềm tỉnh suốt trong buổi họp để mặc cho Togo và Kaye ra mặt chống đối phe quân đội . Bấy giờ phe quá khích lại quay sang tập trung vào Togo , thậm chí ngay trong giờ nghỉ giải lao họ cũng không tha . Họ tuyên bố thẳng thừng “Nếu Ngoại Trưởng Togo từ chối không ủng hộ chiến tranh thì họ sẽ thay thế chiếc ghế của ông tức thì” . Sau buổi nghỉ giải lao , Togo trở lại hội trường và vẫn giữ thái độ cứng rắn lớn tiếng mắng phe quân đội không tiếc lời . Cuối cùng , như đã mắng nhiếc đã nư , ông thở dài và xuống giọng “Thời hạn 13 tháng 11 quả thật là một yêu cầu thái quá ! Phe Hải quân lại nới rộng thêm thời hạn đến ngày 20 tháng 11 . Mọi người có thấy rằng sự đòi hỏi của mấy người quá vô lý không ?

  Nhưng chẳng để ý đến lời nói của Togo , Tsukada dõng dạc như thách thức “Ngày 13 tháng 11 là thời điểm cuối cùng . Càng trễ nải càng gây rối loạn trong hàng ngũ quân đội” .

  Bộ Trưởng Hải quân Shigetaro Shimada vốn là một vị Đô Đốc có lối suy nghĩ không mấy linh động nên thắc mắc , ông nêu lên câu hỏi không hiểu vì sao cuộc đàm phán không thể tiếp tục cho đến cuối tháng 11 .

  Tướng Tsukada quát to “Tất cả im lặng !” Ông nhìn Shimada và nói “Lời đề nghị của ông không có căn cứ” . Đoạn ông quay sang Togo lớn tiếng hỏi “Thời hạn chót nào thích hợp nhất cho ông ?”.

  Một lần nữa cuộc họp vẫn chưa đi đến đâu mà không khí lại quá căng thẳng . Tojo cho nghỉ giải lao . Trong vòng 20 phút ngắn ngủi phe Lục quân hội ý và đi đến quyết định : việc thương thuyết được tiếp tục , nếu thấy cần thiết , cho đến cuối tháng 11 .

  Trở lại bàn hội nghị lần này , Thủ Tướng Tojo tỏ ra nhượng bộ hơn nên lên tiếng hỏi “Quí vị nghĩ sao nếu chúng ta quyết định chọn ngày 1 tháng 12 làm thời hạn chót cho việc đàm phán ? Ngoại giao là một vấn đề tế nhị , phải tham khảo bàn bạc từ những phần cơ bản đến từng chi tiết rất tốn kém thời gian , chứ có phải như quí vị vẽ chiến thuật hành quân xung trận đâu . Cho nên chúng ta chấp nhận cho việc đàm phán càng có được rộng rãi thời gian chừng nào thì cơ hội thành công càng nhiều chừng nấy”.

  Tsukada vẫn không tán thành , ông nói “Nhất định là không thể được ! Chúng tôi chỉ có thể đợi đến 30 tháng 11 là thời hạn chót , không thể bàn thêm nữa !” . Đô Đốc Shimada vội hỏi “Ngày 30 tháng 11 , lúc mấy giờ mới được ? Nửa đêm chăng ? Như vậy thì chúng ta chiều ý Thủ Tướng Tojo , quyết định hạn chót là ngày 01 tháng 12” . Tsukada đành chấp nhận , ông xuống giọng nhắc nhở “Thôi được . Nhưng chỉ đến nửa đêm thôi nhé !

  Hạn chót cho việc thương thuyết đã được quyết định mặc dù bên cạnh đó còn lắm người miễn cưỡng gật đầu chưa dứt khoát . Giờ đến lượt cố thuyết phục làm sao cho Hoa Thịnh Đốn đồng ý ký kết một hiệp định chung , trọng trách này phải do Ngoại Trưởng Togo gánh lấy . Ông tuyên bố rằng ông đã chuẩn bị xong hai bản dự kiến để gửi sang Hoa Kỳ . Dự kiến A thì không khác gì một phiên bản nhằm xoa dịu đi phần nào những đòi hỏi lúc trước của Hoa Kỳ đã đưa ra . Một sự hứa hẹn quan trọng trong dự kiến này là rút hết toàn bộ lực lượng quân sự đang trú phòng tại Trung Hoa , bao gồm những đơn vị đang chiến đấu chống Cộng Sản . Dự kiến B chỉ để khi nào Hull không chấp nhận dự kiến A mới mang ra , và đây là phương sách cuối cùng . Nó được Togo tỉ mỉ thảo ra hầu giảm mối nghi ngờ của Hull về việc Nhật tiến quân vào Đông Nam Á , vì chính nó đã bảo đảm với ông rằng Nhật hoàn toàn bác bỏ  ý tưởng dùng quân sự xâm chiếm vùng Nam Á .

  Theo bản dự kiến B thì Nhật hứa hẹn sẽ không mang quân tiến xuống miền Nam , và một khi trật tự đã vãn hồi ở Trung Hoa cũng như toàn cõi Thái Bình Dương nền hòa bình được củng cố lại thì quân đội Nhật sẽ rút hết ra khỏi bán đảo Đông Dương . Để thực hiện được từng bước của kế hoạch lui quân từ những nơi xa xôi miền Nam Á , Nhật cần Hoa Kỳ chấp thuận bán cho họ một số lượng dầu lên đến 1 triệu tấn .

  Sugiyama phản đối bản dự kiến B , ông nói “Lợi thế việc đồn binh ở thuộc địa Đông Dương là giữ vững thế cờ Trung Hoa . Một địa thế chiến lược quan trọng nó sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong việc phòng chống mưu đồ ám muội của Mỹ trên vùng Thái Bình Dương , đồng thời chúng ta cũng thu được nguồn lợi nguyên liệu vô tận nơi này . Thỏa thuận được với Hoa Kỳ không có nghĩa là họ sẽ cung cấp cho chúng ta nguyên liệu ! Chúng tôi dứt khoát không chấp nhận bản dự kiến B” . Lại một lần nữa phải đối diện với những con người quá khích cứng đầu , bắt buộc Togo ra mặt bênh vực cho chủ ý của mình . Ông nhấn mạnh rằng chưa chắc gì bản dự kiến A có nhiều cơ hội được Hoa Thịnh Đốn chấp thuận ngay một khi thời gian điều đình thì quá hạn hẹp . Thực tế mà nghĩ , nếu muốn tìm được ánh sáng hòa bình thì phải tập trung lại một vấn đề Đông Dương . Đoạn ông lớn tiếng trách “Ông đặt tôi vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn và bảo tôi phải hoàn thành những gì mà tôi không thể tùy tiện làm được !” .

  Một vài người , trong đó có Tổng Thư Ký Hoshino và Kaye công nhận rằng Togo đúng . Nhưng phía quân đội vẫn trơ ra như đá một mực giữ mãi lập trường đối lập của mình “Chúng ta không thể nào rút quân ra khỏi Đông Dương” Tsukada nhắc lại lập luận của Sugiyama “Rút ra khỏi vùng Nam Á , chúng ra sẽ bỏ lại không biết bao nhiêu nguồn tiếp liệu từ những tài nguyên dồi dào , rồi đó sẽ là một ân huệ lớn dành sẳn cho Hoa Kỳ khi họ đến . Chẳng những với nhiều thiệt hại đáng kể như trên , rút quân đi chỉ đơn thuần kềm chân cuộc khủng hoảng vài tháng hoặc 1 năm là cùng . Với lợi thế của thời tiết , Nhật có nhiều cơ hội thủ thắng bằng vũ lực . Cơ hội ấy chỉ đến rồi đi và sẽ không bao giờ trở lại . Vì thế bản dự kiến B không có giá trị gì cả” .

  Phe quân đội cứ tranh cãi hàng giờ và chẳng hề nhượng bộ bằng lòng rút quân ra khỏi vùng Đông Dương . Họ , phe quân đội chỉ đồng ý duy nhất một bản dự kiến mà họ cho là còn có chút giá trị , bản dự kiến A .

  Tuy hai phe Hải Lục quân liên hiệp nhau ra mặt chống đối cố tạo sức ép nhưng Togo vẫn không chùn bước , cố giữ quyết định bỏ ngỏ Đông Dương . Bấy giờ Thủ Tướng Tojo mới nhắc nhở cho mọi người nhớ rằng ông chỉ là người thừa hành ý nguyện của Thiên Hoàng . Các người là bậc tôi thần cũng nên dành cho Ngài một sự kính trọng nào đó cho đúng đạo nghĩa quân thần .

  Cuối cùng thì Sugiyama đành phải chấp nhận nhưng ông cẩn thận nhắc lại là chỉ mang bản dự kiến B ra khi nào bản dự kiến A bị họ chính thức từ chối . Sugiyama lại tỏ ra lo ngại phải làm thế nào để kềm chế những kẻ quá khích trong hàng ngũ quân đội không vùng lên làm loạn khi họ thấy rằng chính phủ của họ đã quyết định nhượng bộ Hoa Kỳ một cách nhục nhã như thế . Thủ Tướng Tojo lại trấn an  “Ông hãy an tâm , việc này tôi đủ sức đối phó” . Rồi họ tiếp tục ngồi lại bàn bạc cụ thể hơn những việc cần phải làm cho đến lúc nửa đêm mà vẫn còn nghỉ giải lao để vào bàn tiếp .

  Cả nhóm người đổ dồn ra ngoài vườn Thượng Uyển , lại một lần nữa nơi đây bị bao phủ bởi một màng không khí nặng trĩu của những cuộc tranh luận cãi vả .

  Đô Đốc Nagano vỗ nhẹ vào vai Togo khẻ hỏi “Ông Ngoại Trưởng có thể nhận lấy trọng trách này và giải quyết êm thắm cả chứ ? Về phía Hải Quân chúng tôi thì tin tưởng rằng ông có thể dàn xếp êm đẹp mọi rắc rối bằng sự tính toán của riêng ông

  Togo thoáng giật mình . Chỉ mấy phút trước đây thôi hắn còn là một đối thủ lợi hại của ông mà bây giờ bất giờ lại lên tiếng cổ vũ , thật là một việc mà Togo không hề tin nổi ở tai mình . Ông hân hoan trở lại phòng họp với một hùng tâm kiên quyết .

  Cuộc họp tiếp tục . Nhưng khi ngồi vào bàn thảo luận tiếp vấn đề thì Nagano quay trở lại  ủng hộ chiến tranh ngay . Đấy là bộ mặt thật của phe Hải Quân , tỏ vẻ yêu chuộng hòa bình ở những nơi riêng tư kín đáo và nhiệt liệt ủng hộ chiến tranh lúc ở ngoài chỗ công cộng đông người , cốt ý của họ là để giữ lấy thể diện và không muốn mất chỗ đứng trong quân đội đối với phe Lục Quân . Nagano nói “Dĩ nhiên chúng ta có thể thất bại . Nhưng nếu như chúng ta không chiến đấu thì chúng ta phải chịu nhục để lạy lục van xin Hoa Kỳ . Nhưng nếu đồng lòng chiến đấu thì chúng ta cũng có cơ hội chiến thắng họ được . Không ra quân , không chịu chiến đấu nó cũng có nghĩa là chúng ta đã chấp nhận thua cuộc !”

  Lời tuyên bố của Nagano gây khó chịu không ít cho Tsukada , vì ông nhận thấy nó như một lời cảnh báo rất mơ hồ . Giả như Nagano quyết định đi đến chiến tranh thì tại sao ông ta không dám mạnh dạn đứng lên “ăn to nói lớn” như Tướng Sugiyama ? Nghĩ vậy nên Tsukada nói “Tất cả chúng ta đều tự hỏi rằng không lẽ chẳng còn con đường nào nữa để tái tạo hòa bình hay sao . Vả lại chẳng có được một ai dám thẳng thắn bảo rằng “Đừng có lo , tôi sẽ hoàn toàn đứng ra nhận lãnh hoàn toàn trách nhiệm ngay cả khi đất nước này bị chìm sâu vào một cuộc chiến dai dẳng. Tuy nhiên , vì chúng ta không thể duy trì được thực trạng nên chỉ có một lối thoát độc nhất là phải chiến đấu . Tôi , Tsukada , tin tưởng rằng chúng ta không bao giờ thoát khỏi một cuộc chiến . Một cuộc chiến mà nếu không xảy ra hôm nay nó cũng sẽ xảy ra ở ngày mai . Quân đội Thiên Hoàng mở mặt trận phía Nam là Nhật đã gián tiếp giúp Đức và Ý đánh bại Nga Xô tạo sức ép bắt buộc Trung Hoa phải đầu hàng . Chiếm lấy miền Nam Á là Nhật đã giáng cho Hoa Kỳ một đòn nặng . “Chúng ta sẽ xây dựng một bức tường thép bao bọc và từ từ nghiền nát những kẻ nội thù bên trong châu Á . Kế đến là Anh và Mỹ cũng sẽ cùng chung số phận với bọn họ” .

  Biện luận này bị thượng cấp của Tsukada bác bỏ ngay lập tức . Sugiyama bảo rằng “Vì trường hợp miễn cưỡng đặc biệt” nên ông đành phải chấp nhận lời đề nghị của Tojo , rút toàn bộ lực lượng quân đội đang trấn đóng ở miền Nam Đông Dương .

   Lời tuyên bố đột ngột của Sugiyama đã gây nên một cú sốc lớn cho toàn thể đại biểu trong hội trường , ngoại trừ vài người bạn đồng sự phe nhà binh đã được ông tiết lộ cho biết trước . Sự nhượng bộ này là một mối đe dọa cần phải quan tâm vì ai cũng biết rằng nó có thể gây nên một làn sóng căm phẫn cực độ trong mọi tầng lớp binh sĩ .

  Và người ta cũng tin rằng với thiện chí của Sugiyama , rút quân ra khỏi Đông Dương là không còn sự đối kháng của phe dân sự chủ hòa nữa để họ hiệp lực cùng nhau bắt tay ngay vào công việc đàm phán hòa bình . Nhưng không ngờ Kaye , bộ trưởng Kinh Tế lại từ chối không muốn tiến hành ngay . Ông nói “Tôi không thể đồng ý với một quyết định quá vội vàng khi quyết định này có liên quan đến vận mệnh quốc gia như vậy” .

  Trên đường về nhà Kaye miên mang suy nghĩ . Những gì sẽ xảy ra nếu như mình cứ khư khư chống lại chiến tranh ? Việc này có ảnh hưởng đến Tojo , bắt buộc ông ta phải giải tán cả nội các và thành lập một tân nội các khác . Không nghi ngờ gì nữa , tân nội các này sẽ nghiêng hẳn về phe quân đội . Song , một khi chiến tranh bùng nổ thì kinh tế quốc gia dĩ nhiên sẽ bị ảnh hưởng rất nặng , vậy ai là ông Bộ trưởng có đầy đủ kinh nghiệm để tìm cách ngăn chận không cho cơn lạm phát xuống dốc ? Mặt khác , cuộc đàm phán với Hoa Thịnh Đốn vẫn còn có nhiều cơ hội tốt . Vậy ta có nên đeo đuổi kế hoạch trên không ? Kết luận của ông tuy có vẻ hợp lý nhưng hiểm họa chiến tranh với Hoa Kỳ vẫn là một đều khó có thể hình dung ra được cho nên ông không thấy không đủ can đảm để điện thoại cho Tojo biết những ưu tư đang canh cánh bên lòng .

  Đâu phải chỉ riêng Kaye lòng đầy trăn trở , trên đường về lại tư gia , ngồi một mình trước tay lái , Togo cũng thả dòng tư tưởng tận đâu đâu . Bản dự kiến B của ông tuy đã được chấp thuận . Một bước thắng lợi với phe chống đối nội bộ , nó chưa đủ cho ông tin chắc rằng có thể làm vừa lòng chính giới Hoa Thịnh Đốn . Nếu như còn nhiều nhượng bộ nữa thì sẽ gây tổn thương trầm trọng cho phía quân đội . Và lúc ấy thì mình sẽ xử sự như thế nào ? Từ chức chăng ?

  Sau khi chợp mắt được vài giờ , Togo gọi điện thoại đến gặp Koki Hirota , một người bạn vong niên để hỏi ý kiến . Vị cựu Thủ Tướng ngạc nhiên cho rằng Togo nên ở lại văn phòng làm việc . “Ráng tìm cho được cơ hội thành công trong việc đàm phán hòa bình” .

  Togo đến văn phòng Thủ Tướng Tojo để tìm một sự ủng hộ cho việc “tin tưởng hơn vào những quan ngại nếu phải đi xa hơn nữa trong việc nhượng bộ” trường hợp Ngoại Trưởng Hull bác bỏ cả 2 bản dự kiến A và B .

  Tojo tỏ ra sốt sắng trong yêu cầu này . Ông sẳn sàng làm bất cứ điều gì để đi đến thỏa hiệp . Tojo cũng không ngại gì khi nói thẳng cho Togo biết là hằng đêm ông vẫn cầu nguyện sao cho Nhật Mỹ có thể sớm đi đến một thỏa thuận chung . Và để trấn an vị tân ngoại trưởng , Tojo nói ông nghĩ có 50 phần trăm cơ hội bản dự kiến B được Hoa Kỳ chấp thuận .

  Trở lại tình trạng ngấm ngầm chống đối không ra mặt của ông Bộ Trưởng Kinh Tế Kaye , Tojo phải điện thoại thúc giục để hỏi quyết định riêng của ông . Biết không còn có thể ngồi lì mãi ở tại tư gia nên Kaye đành phải lái xe đến văn phòng của Thủ Tướng Tojo . Lúc gặp Thủ Tướng , Kaye chỉ đáp vỏn vẹn có một câu “vạn bất đắc dĩ tôi mới chịu chiều theo ý kiến của đại đa số !”

  Cuối cùng thì cũng tạm gọi là đạt được sự thống nhất chung của nội bộ . Bây giờ đến lúc Ngoại trưởng Togo một mình tự gồng gánh lấy trọng trách và phải cố nỗ lực chạy đua với thời gian quá hạn hẹp mà phe quân đội đã quy định . Togo thầm nhủ chỉ có một cơ hội để thành công ở Hoa Thịnh Đốn là phải gửi người phụ tá sang phụ giúp Đặc nhiệm Đại Sứ Nomura . Người ấy là ai ? Ông suy nghĩ hồi lâu và quyết định chọn Kurusu , một cựu nhân viên ngoại giao đã từng phạm nhiều lỗi lầm trong công tác . Dạo trước Saburo Kurusu được một vị Đô đốc tiến cử vào một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong lĩnh vực ngoại giao . Chính Kurusu đã thay mặt chính phủ Nhật Bản đặt bút ký vào Hiệp Ước Liên Minh . Nhưng cũng chính ông ta là người có mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ , Alice Jay , vị hôn thê của Kurusu là một công dân Mỹ , sinh ra và lớn lên ở Anh Quốc , cha mẹ nàng hiện cư ngụ tại Washington Square , thuộc  Newyork City .

  Lúc ban đầu Kurusu còn lưỡng lự không nhất quyết nhưng sau đó ông đồng ý nhận nhiệm vụ mới . Cái khó là bằng cách nào để Kurusu đến được Hoa Thịnh Đốn càng nhanh càng tốt nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật . Nếu để cho những sĩ quan có khuynh hướng chủ chiến hoặc những kẻ cực đoan quá khích phát giác thì sẽ vô cùng bất lợi , có thể dẫn đến một cuộc ám sát cũng không chừng .

  Chuyến bay Pan-American theo đúng lịch trình sẽ rời phi cảng Hồng công 48 tiếng đồng hồ sau đó , trong khi Kurusu phải mất ba hoặc bốn ngày mới hoàn tất thủ tục xuất ngoại và do yêu cầu của phe Hải Quân , họ cần Kurusu nán lại dự buổi tiệc do ban tiếp tân của họ tổ chức gọi là khuyến khích tinh thần . Cũng nhờ Đại Sứ Grew khéo léo ngoại giao với Maxwell Hamilton , tổng giám đốc cơ quan thương mại vùng Viễn Đông , dời ngày khởi hành của chuyến bay Pan-Am trễ thêm hai ngày nữa .

  Buổi chiều ngày 04 tháng 11 Kurusu đến cáo biệt Tojo để lên đường . Tại đây Kurusu nghe Tojo dặn dò “Người Hoa Kỳ đa số đều khinh ghét chống đối chiến tranh . Tôi tin tưởng ở khả năng của ông , dù phải trả bất cứ giá nào cũng phải cố gắng để đạt lấy thỏa thuận với họ” .

  Đến khuya hôm ấy Kurusu mới trở về nhà . Ông nhẹ nhàng bước vào phòng ngủ và ngồi khẻ xuống bên cạnh người vợ đang ngon giấc nồng . Nghe tiếng động , vợ ông choàng dậy và ngạc nhiên hỏi “Anh định đi đâu thế ?” . Kurusu khẻ bảo “Anh sẽ đi Hoa Kỳ vào ngày mai” . Rồi ông thuật lại cho vợ nghe chi tiết của chuyến đi xa này . Nghe xong , Alice khuyên chồng nên để đứa con , một kỹ sư trẻ 22 tuổi đang phục phụ tại ngành hàng không quân đội , tháp tùng với ông trên con đường từ nhà ga Đông Kinh đến Yokosuka . Như vậy bà mới an lòng vì nơi đây “bất cứ đều gì cũng có thể xảy ra” , việc đón đường ám sát vẫn là một chuyện hết sức bình thường mà bà lúc nào cũng lo canh cánh bên lòng .

  Kurusu gật đầu đồng ý , trước khi từ giả , ông còn nói thêm “Tôi có thể sẽ không bao giờ quay lại !”

  Hôm sau , lúc 10:30 sáng , mười ba người đã hiện diện trong phòng họp , vẻ mặt ai nấy đều tỏ ra hết sức nghiêm trọng . Người thứ 14 xuất hiện , đó là Thiên Hoàng Hirohito . Mọi người cúi đầu hành lễ rồi phân theo ngôi thứ ai nấy đều an tọa . Tất cả như cùng có chung một mối băn khoăn khi Thủ Tướng tuyên bố xác nhận rằng Nghị định 6/9 đang được nghiên cứu lại “Như phải nói đến kết quả của Nghị Định này thì chúng ta phải quyết định dứt khoát đi đến chiến tranh . Với lần gia hạn này , từ bây giờ cho đến 01 tháng 12 , trong giời gian hạn hẹp và cấp bách cho phép chúng ta cần phải nỗ lực làm bất cứ việc gì để giải quyết mọi khó khăn bằng đường lối ngoại giao duy nhất”.

  Ngoại Trưởng Togo cân nhắc lại khả năng thành công của chính sách ngoại giao mình đã đề ra . Ở đó vẫn còn “một chút kẻ hở để dùng thủ đoạn” có cơ hội mang lại thành công là “tỏ ra vô cùng hối hận” .

  Tướng Suzuki lập lại vấn đề rắc rối hàng đầu của Nhật là tiềm năng quốc gia “Tóm lại , đó không phải là một việc dễ dàng cho chúng ta khi phải lún sâu vào một cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ , Anh và Hòa Lan ; trong khi cuộc chiến ở Trung Hoa vẫn chưa ngã ngũ” Tuy nhiên một khi cuộc chiến bùng nổ , cơ hội làm chủ chiến trường trong những tháng đầu quá lớn , nó khiến cho ông tỏ ra lạc quan đến đổi lắm lúc muốn ngã theo đường lối giải quyết bằng chiến tranh . Như thế vẫn còn tốt hơn đơn thuần chỉ “ngồi chờ đến lúc kẻ thù đến để chúng ta hoàn toàn rơi vào thế bị động” .

  Đô Đốc Nagano thì kêu gọi hoạch định một chiến thuật bí mật .Ông nhắc nhở mọi người rằng vận mệnh của Nhật Bản hoàn toàn tùy thuộc vào một chiến thắng quyết định ở giai đoạn đầu trọng yếu khi cuộc chiến mới bùng nổ . Tướng Sugiyama khuyên rằng nên nghiên cứu tỉ mỉ tầm quan trọng của thời điểm quyết định “Khi bắt tay vào chiến dịch , nếu cuộc khai chiến bị chậm trễ , sự tương quan lực lượng giữa ta và địch là mối quan ngại to tác . Càng kéo dài thời gian càng gây bất lợi cho ta . Nhưng ở đây , tôi xin đặt tất cả niềm tin vào giai đoạn đầu , một giai đoạn hết sức vẻ vang cho Đại Nhật” . Ông cũng thận trọng nhắc lại rằng dù sao thì chúng ta cũng phải chấp nhận một cuộc chiến có thể nói là “sẽ kéo dài” . Và ông có cảm tưởng Nhật Bản có thể “xây dựng một pháo đài kiên cố bất khả xâm phạm” vô hiệu hóa những cuộc tiến công của kẻ thù .

  Với những lời tuyên bố chắc nịch đầy hào khí của những con người yêu nước dũng cảm ấy cũng không thể sưởi ấm lại bầu không khí ngột ngạt mang nặng một màu tuyệt vọng đang bao vây kín lấy căn phòng . Tướng Sugiyama đề nghị áp dụng đường lối “đẩy mạnh ngoại giao” . Ông bảo rằng Hoa Kỳ chỉ thích sử dụng những “lời lẽ hoa mỹ trong đường lối ngoại giao” . Khi nhắc lại bản dự thảo thời Konoye , Sugiyama nhấn mạnh “Hiệp Chủng Quốc chẳng thừa nhận bất cứ điểm nào , vì họ cho rằng mục đích của nó chỉ làm cho sự đòi hỏi thái quá của Nhật tăng mãi lên mà thôi” .

  Điểm bàn cãi quyết liệt nhất là vấn đề đồn trú binh lực tại lãnh thổ Trung Hoa . Ông nói “Chúng ta đã gửi đi hơn một triệu quân nhân , trong đó đã có gần hai trăm ngàn vừa là tử sĩ vừa là thương binh . Biết bao nhiêu gia đình tan nát , con xa mẹ , vợ xa chồng . Bốn năm trời gian khổ điêu linh tốn phí quốc gia lên đến hàng chục tỷ Yen . Nếu thình lình ta rút bỏ Trung Hoa , tức thì dân chúng họ sẽ nổi lên chống lại chúng ta” để cố giành lại cho được Mãn Châu và Triều Tiên” .

  Chủ Tịch Hội Đồng Cơ Mật Hara hỏi Togo rằng ông nghĩ Mỹ sẽ phản ứng như thế nào về hai bản dự kiến A và B . Togo trình bày rằng với khoảng thời gian quá hạn hẹp , bản dự kiến A sẽ không mang lại kết quả ngay được , tệ hơn nữa là bản dự kiến B tuy nhiều hy vọng thành công nhưng lại không có đủ thì giờ để mang ra sử dụng . Bởi vậy cho nên tôi nghĩ cơ hội mong muốn sẽ rất nhỏ . Với trách nhiệm là một Ngoại Trưởng , tôi xin gắng hết sức mình . Nhưng … thành thật xin lỗi …

  Trong đầu Hara vẽ ra một viễn ảnh tối đen đầy chết chóc , ông cảnh báo rằng rồi đây màu da cũng sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc chiến . Anh , Mỹ và Đức đều là chủng tộc da trắng “Tôi e rằng nếu Nhật tấn công Mỹ , Mỹ và Đức sẽ bắt tay liên minh với nhau và bỏ rơi Nhật . Chúng ta có thể sẽ phải đương đầu với những người mang đầy lòng căm thù do sắc tộc và màu da gây ra . Sự oán ghét Đức Quốc Xã của họ sẽ quay lại trút hết lên đầu người da vàng chúng ta để kết quả là đảo ngược cuộc chiến Anh-Đức thành một cuộc chiến người da trắng chống lại người da vàng " .

  Tojo cũng lên tiếng nhắc nhở - mối nguy hiểm cho một cuộc chiến dài lâu mà kẻ thù là Hoa Kỳ “Khi tôi nghĩ về việc Hoa Kỳ gia tăng kiểm soát vùng Tây Nam Thái Bình Dương , trong khi tình trạng Hoa Lục vẫn chưa được vãn hồi , cộng thêm muôn vàn khó khăn khác , nó đã cho tôi thấy rằng sự lo lắng của chúng ta sẽ không bao giờ chấm dứt . Mình tất cả có thể nói chuyện “nằm gai nếm mật”, nhưng thử hỏi bao nhiêu năm , bao nhiêu tháng nhân dân Phù Tang này có thể chịu đựng được chứ ?

  Câu nói của Tojo có ngụ ý : mặc dù vài phút trước đây chính ông đã tỏ ra lạc quan đi tìm hòa bình , rồi sau đó lại đồng ý phải dùng biện pháp chiến tranh để giải quyết . Từ khi Anh và Mỹ bắt đầu đe dọa sự tồn tại của Nhật Bản thì chúng ta đã có chuyến tuyến hẳn hòi . “Tôi e rằng đất nước này lại phải tụt xuống ngang hàng với những quốc gia nghèo của thế giới thứ 3 nếu chúng mình cứ bó gối ngồi chờ mãi như thế này . Bằng một cách khác mà nói , nếu nền cai trị chỉ lấy công bằng và lẽ phải làm đầu thì tôi nghĩ những kẻ bị trị sẽ không bao giờ nổi lên chống lại . Người Mỹ áp dụng chính sách thiếu nhân nhượng như thế này thì rồi đây họ sẽ hiểu vì sao chúng ta tiến hành một cuộc chiến chống lại họ " .

  Chủ kiến của Thủ Tướng Tojo đã rõ như ban ngày . Mọi người nán lại bàn bạc cho đến một lúc lâu sau mới giải tán . Thiên Hoàng Hirohito từ đầu đến cuối vẫn giữ vẻ im lặng tuyệt nhiên không có một ý kiến gì .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế