Chuẩn bị chiến tranh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có thể nói Grew là người hiểu rõ nỗi thất vọng chán chường của giới lãnh đạo Nhật Bản . Ông đã ghi vào quyển nhật ký những dòng như sau “Rõ ràng là Nhật đang chuẩn bị chiến tranh . Và những gì sẽ xảy ra nếu như cuộc đàm phán thất bại . Phương pháp cứu cánh cuối cùng đầy kịch tính này thật nguy hiểm khôn lường”  Nhận thấy tình hình càng lúc càng tồi tệ , Grew gửi ngay về cho Hull một bức điện tín với mục đích đề nghị nên hòa hoãn :

  “… Nếu mọi cố gắng đều thất bại , tôi tiên liệu Nhật Bản đang có khuynh hướng thay đổi đương quyền . Sự kiện này có thể dẫn đến hậụ quả nghiêm trọng như họ từng mô tả là dốc hết toàn lực thà chết vinh hơn sống nhục . Người Nhật chấp nhận chịu sự thiệt thòi vì phong tỏa kinh tế còn hơn phải khuất phục dưới sự khống chế của ngoại bang . Đây là một sự thật quá rõ ràng , là một người đã từng có một thời gian dài sống ở Nhật , hiểu biết rất tường tận đặc tính riêng của dân tộc đất nước họ , tôi không còn hoài nghi gì nữa , biến cố bất ngờ rồi sẽ đến . Không phải chỉ là có thể mà chắc chắn rằng sẽ xảy đến ….

  Grew cầu nguyện sao cho Hoa Thịnh Đốn có thể hiểu nhiều hơn . Nhưng thật sự thì Hoa Kỳ đã bỏ ngoài tai bức điện tín của ông . Stanley Hornbeck nhận xét rằng ông là một vị Đại Sứ kỳ cựu , ngay thẳng nhưng lại quá cả tin nên dễ bị lừa . Hơn nữa , ông vốn chịu ảnh hưởng nặng của Dooman , một người rất am hiểu Nhật Bản vì đã sống và làm việc với người Nhật trong một thời gian rất dài .

  Những bức điện trao đổi tin tối mật của Nhật bị cơ quan tình báo chận bắt và nhờ vào chiếc máy Magic tài tình , một dụng cụ mở khóa các loại mật mã tối tân của Nhật đã khiến cho Hornbeck nhận rõ trò lá mặt lá trái của họ . “Làm sao tôi có thể tin cậy được một quốc gia đang chơi trò hai mặt , vừa lo thương thuyết hòa bình vừa tất bật chuẩn bị chiến tranh ?” Hornbeck tin chắc rằng Nhật đang chơi trò tháu cáy và hình như họ cũng chẳng e ngại gì khi phải chống trả lại một cường quốc hùng mạnh như Hoa Kỳ , bởi thế nên ông khuyên Hull nên lờ đi lời cảnh cáo của Grew .

  Trớ trêu thay , ngay lúc ấy có hai vị sĩ quan cao cấp trong quân đội : Tướng Marshall , tham mưu trưởng lục quân và Đô Đốc Stark , chỉ huy trưởng hải quân Hoa kỳ , cả hai ông đang dốc tâm hiệp lực dâng thỉnh cầu lên Tổng Thống Roosevelt phải có hành động nếu không có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng trầm trọng . Mục tiêu đánh bại Đức Quốc , rốt cuộc lại trở thành mục tiêu chiến lược tối quan trọng . “Nếu Nhật bị thua và Đức vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn thì sự giải quyết vẫn chưa đi đến đâu” . Họ còn giải thích cho Tổng Thống Roosevelt thêm rằng chiến tranh với Nhật có thể làm tê liệt phe Đồng Minh tham chiến đang chiến đấu chống lại “kẻ thù nguy hiểm và hung hãn nhất” là Đức Quốc Xã . Họ muốn không có bất cứ  “tối hậu thư” nào cho Nhật ít nhất cũng 3 hoặc 4 tháng nữa , đến khi nào những chiến tuyến ở Phi Luật Tân cũng như Tân Gia Ba được củng cố vững mạnh hơn .

  Roosevelt bắt đầu tìm cách kéo dài thêm thời gian . Nhưng những báo cáo , tin tức gửi về khiến cho ông nghĩ rằng cuộc khủng hoảng này không thể nào tránh được . Bức điện tín được gửi từ Ngoại Trưởng Togo sang Đại Sứ Nomura đã bị cơ quan tình báo phát giác , sau khi giải mã và chuyển ngay đến Hull . Bản điện tín bao gồm Dự Kiến A và B , kèm theo một bản tài liệu bí mật , tất cả đã được phiên dịch sang tiếng Anh . Đoạn văn đầu tiên của bản tài liệu bí mật khiến cho người ta có nhận xét rằng Nhật đã chính thức từ bỏ cuộc thương thuyết :

  “Tình hữu nghị giữa Nhật và Hoa Kỳ đã đi vào tình trạng gay go . Đã đến lúc đồng bào ta không còn tin tưởng vào một cuộc hòa giải nào có thể dàn xếp được”

  Những lời lẽ đầy bi quan này dĩ nhiên chẳng phải là lời của Ngoại Trưởng Togo viết . Khi dịch một đoạn văn từ những điện tín mật thường thì nhân viên tình báo Hải Quân Hoa Kỳ đều cố ý dịch sai bản chính . (Cho đến bây giờ nhiều người Nhật cũng không thể biết được mục đích của họ để làm gì , bởi vì chẳng có một ai chịu đứng ra làm nhân chứng giải thích cụ thể . Một số khác lại cho rằng vì những nhân viên phiên dịch được đào tạo quá vội vàng và họ lại muốn dịch bản văn sao cho dễ đọc và tạo được nhiều chú ý) . Căn cứ theo bản chính thì đoạn văn trên đúng ra Togo đã viết như sau :

  “Hăng hái nỗ lực làm việc cả ngày lẫn đêm hầu giải quyết những mối bất đồng trong tình giao hảo đang rạn nứt của hai quốc gia Nhật Mỹ”

  Đoạn văn thứ 2 được phiên dịch sai lạc đến độ không ngờ :

  “Tình trạng rối ren trong cũng như ngoài vòng kiểm soát của chúng ta đã quá căng thẳng đến độ không thể nào còn chần chờ được . Tuy nhiên , chúng ta vì chữ tín , vì tình giao hảo tốt đẹp của Đế Quốc Đại Nhật và Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ , sau nhiều lần bàn cãi , chúng tôi đi đến quyết định chung là : đành một phen mạo hiểm đi đến bàn hòa đàm . Nhưng đây là cố gắng cuối cùng của chúng tôi ….”

  Theo bản chính thì Togo viết :

  “Tình trạng hết sức thúc bách trong cũng như ngoài nước và chúng tôi không thể nào trì hoãn được nữa . Vì mục đích duy trì tình hữu nghị với Hoa Kỳ , chính phủ Đế Quốc Nhật quyết định tiếp tục thương thảo sau khi đã cân nhắc thận trọng . Cuộc hòa đàm này là sự cố gắng cuối cùng của chúng tôi …”

  Vì những bản dịch quá sai lạc nên khi đến tay Hull , những gì Togo viết , ý nghĩa đã lệch lạc đi nhiều . Điều này dĩ nhiên Ngoại Trưởng Togo không thể nào biết được .

  Chiều ngày 07 tháng 11 , Nomura đến phòng làm việc của Hull với bản dự kiến A trong tay . Hull chỉ liếc nhanh một cái là đã biết ngay , ông dư hiểu nội dung của bản dự kiến ấy toàn là những sự nhượng bộ giả dối . Thái độ của Hull tỏ ra quá thân thiện đến độ Nomura không ngại ngùng khi ngõ lời muốn gặp ngay Roosevelt . Đối với Đại Sứ Nomura thì thời gian lúc này quả là quí báu còn hơn vàng bạc , vì vậy ông đường đột xin được gặp Tổng Thống cũng không phải là chuyện lạ . Trớ trêu thay , trong khi Nomura nóng nãy vội vàng ngồi đứng không yên vì bị ông Tham Mưu Trưởng lục quân thúc ép thì Hull vẫn lần lựa nhẩn nha vì Tham Mưu Trưởng lục quân Hoa Kỳ yêu cầu ông kéo dài thời gian để lo việc củng cố bố phòng chiến tuyến Thái Bình Dương . Thủ đoạn này cũng góp phần vào việc thất bại cho cuộc đàm phán .

  Cuối cùng rồi đến ba ngày sau Nomura mới được gọi Tòa Bạch Ốc để diện kiến Tổng Thống Roosevelt . Ông nêu ra “những nhượng bộ đáng cứu xét” của Nhật và ngõ ý muốn Tổng Thống bắt tay vào việc ngay vì e thời gian không còn chờ đợi được nữa . Roosevelt dĩ nhiên cũng như Hull , đã có sẳn chủ ý nên ông tà tà không hứa hẹn mà cũng chẳng chối từ . Ông nói “Phàm , trước quyết định một việc gì cũng phải cân nhắc kỷ càng . Nói chi , đây hẳn là một vấn đề tối quan trọng cần phải bàn bạc nghiên cứu tỉ mỉ . Đừng vội mà hư việc lớn . Tôi đề nghị ít nhất cũng cần đến 6 tháng hoặc hơn nữa để lo cho việc đàm phán này . Và nên nhớ , tôi không muốn đặt bút để ký vội ký vàng bất kỳ một hiệp ước tạm thời nào cả !” .

  Nomura hụt hẫng , những mơ tưởng vừa bùng lên chợt tắt ngấm trong ông và ông cảm thấy mình bất lực hơn bao giờ hết . Ông vội điện tín báo cáo về Đông Kinh rằng Hoa Kỳ “vẫn chưa chịu nhìn nhận” bản dự kiến A .

  Trở lại với Giám Mục James Walsh . Khi vừa trở về sau chuyến đi Viễn Đông , ông viết một giác thư dài gửi đến Hull ngày 15 tháng 11 với thiện ý hòa bình chung cho hai dân tộc Nhật-Mỹ .

  Khi đọc xong giác thư của Walsh , Hornbeck đánh dấu nhiều đoạn và ghi xuống những dòng mỉa mai biểu lộ thành kiến riêng của ông  để cho Hull đọc .

  Ở đoạn Giám Mục Walsh giải thích rằng bất cứ chính sách nào đã được Thiên Hoàng phê chuẩn đều được toàn thể con dân Nhật kính trọng “ấn tín đã đóng , Thiên Hoàng đã phê tất nhiên chính sách ấy không thể nào hủy bỏ được” . Hornbeck ghi xuống bên cạnh bằng bút chì “Nếu chính sách đã được Thiên Hoàng phê chuẩn là không thể hủy bỏ hoặc thay đổi thì dĩ nhiên sự liên minh với phe Trục cũng không thay đổi được” . Và ở đoạn “Cầu xin có sự thông hiểu giữa hai quốc gia” , ông lại ghi xuống “ngây thơ thật” .

  Theo nhận xét của Walsh “Rút quân về có lẽ là một việc đáng làm . Trung Hoa đã từng cộng tác rất tốt với Nhật nhưng từ khi sự kiện Mãn Châu , vì có sự xung đột nhau nên sự quan hệ của hai quốc gia đã bước sang một ngã rẻ khác” . Để phản đối nhận xét này , Hornbeck ghi xuống rằng “Ông ta cứ tưởng “sự kiện Mãn Châu” là do Trung Hoa gây ra không bằng” . Đến đoạn Walsh xác nhận “Chẳng có một nền hòa bình thật sự nào ở toàn bộ khu vực Viễn Đông cả” , Hornbeck lại ghi “Trong tình trạng đó ai là người đứng ra nhận trách nhiệm – Nhật hay Đức ?”

  Chờ cho đến khi Saburo Kurusu đến được Hoa Thịnh Đốn rồi Nomura vội dẫn ông vào gặp Hull ngay . Chỉ liếc nhìn sơ qua mẫu người nhỏ thó , đôi kính trắng mang vẻ trí thức và đôi ria mép được cắt tỉa gọn gàng , đấy là một nhân vật đã từng đặt bút ký hiệp ước liên minh với Đức và Ý dạo nào hay sao ? Câu hỏi ấy đã giúp cho Ngoại Trưởng Hoa Kỳ có đủ kết luận là ông đang đối diện với một con người không thể nào tin tưởng được . Hull ghi lại cảm nghĩ này vào nhật ký như sau “Bất kể diện mạo phong cách của hắn như thế nào đi nữa nhưng lần xuất hiện đầu tiên của hắn đã cho ta thấy hắn đúng là một con người dối trá lừa lọc …. Điều làm cho ta có được một chút cảm tình với người này là nói tiếng Anh lưu loát và kết hôn với một cô gái Mỹ

  Hull tin rằng Kurusu là người đã quá rõ sự quỷ quyệt của chính phủ ông nên định dùng thủ đoạn “ru ngủ chúng ta bằng lối đàm phán hứa hẹn và kéo dài thời gian cho đến khi nào họ sẳn sàng bước sang giai đoạn vũ lực”.

  Hull tiễn chân hai người đến Tòa Bạch Ốc . Roosevelt đón chào bằng nụ cười cởi mở . Ông nói “Đã là bạn bè thì chẳng có lời nào là lời cuối cho nhau cả” . Kurusu trả lời rằng “Lẽ dĩ nhiên rồi , vì vậy chúng ta nên thẳng thắn bàn bạc vạch ra con đường hoàn thiện ngõ hầu tránh được can qua” . Roosevelt vui vẻ đồng ý .

  Bàn về vấn đề hiệp ước liên minh (hiệp ước tay ba) Kurusu bảo rằng “Tôi không biết tại sao phía Hoa Kỳ lại cho rằng chúng tôi theo đuổi và tôn trọng một chủ trương chống lại thế giới và bắt buộc chúng tôi phải từ bỏ nó” . Nhà cầm quyền Nhật đã cam đoan với Hoa Kỳ rằng hiệp ước ấy không thể tự nó đưa đến chiến tranh , đơn thuần chỉ dùng với mục đích bảo vệ mà thôi . Tuy nhiên , sự thông cảm nhau “sẽ tự làm sáng tỏ” hiệp ước ấy . Một khi Hoa Kỳ đã hiểu tường tận những vấn đề then chốt trong hiệp ước tay ba này thì sẽ không còn chống đối cho việc làm của chúng tôi nữa . Và nếu cần , chúng tôi cũng có thể hủy bỏ nó ngay cũng được” . Dù Kurusu đã nói như vậy nhưng Hull vẫn tỏ ra không tin tưởng chút nào . Ông nói “Đấy là những luận điệu mùi tai , một luận điệu bào chửa không hơn không kém” . Trong khi ấy Tổng Thống Roosevelt vẫn giữ thái độ hòa hoãn , ôn nhu của một nhà chính trị lão thành .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế