Trận tiến chiếm quần đảo Marshall

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bước kế tiếp của ông là quần đảo Marshall . Một quần đảo với 32 đảo và 867 đảo đá ngầm bao quanh một chu vi khoảng 181 cây số vuông . Theo kế hoạch tấn công được vẽ ra lúc ban đầu thì họ sẽ chia thành ba mũi tiến công cùng một lúc vào ba hòn đảo chiến lược trong quần đảo này , nhưng Holland Smith , ông tướng thủy quân lục chiến , người từng tham dự ở trận đánh trên đảo Tarawa , nhận thấy sự kháng cự của quân Nhật quả thật khó mà tưởng tượng nổi nên ông không đồng ý với kế hoạch này vì nó quá nguy hiểm . Đô đốc Spruance , sau khi bàn bạc với các sĩ quan chỉ huy họ cũng đồng ý ở điểm đó . Nhưng Nimitz thì phản bác , ông đưa ngay ra một kế hoạch quá táo bạo khiến cho Smith lẫn Spuance đều bàng hoàng . Kế hoạch của Nimitz là đổ quân vào hòn đảo thứ nhất và thứ nhì để đánh lạc hướng địch rồi bất thần dồn lực lượng tấn công hòn đảo thứ ba , một hòn đảo nằm ngay trung tâm quần đảo Marshall . Hòn đảo này mang tên Kwajalein . Đó là một hòn đảo san hô lớn nhất thế giới , nó được thành hình bởi cả trăm hòn đảo nhỏ hợp lại , một cái phá mênh mông rộng khoảng 20 dặm và chiều dài của nó hơn gấp ba lần chiều rộng .

  Spuance và Smith lại e ngại , họ cho rằng nếu đưa quân tấn công thẳng vào đảo Kwajalein thì phi cơ của Nhật từ những căn cứ không quân gần đó sẽ tham chiến . Một lần nữa , đô đốc Nimitz vẫn không nghe , ông quyết tâm phải chiếm hòn đảo chiến lược này cho bằng được . Ngày 01 tháng 02 năm 1944 , hòn đảo san hô mang tên Kwajalein trở thành một điểm tập trung cho tất cả hỏa lực của hải pháo dội vào . Cơn hỏa pháo kinh thiên động địa với một số lượng bom đạn mà chưa có một chiến trường nào ở Thái bình dương đã nhận nhiều đến như vậy . Ba mươi sáu ngàn quả pháo đủ loại từ những chiến hạm ngoài khơi cũng những khẩu đại pháo đặt trên những hòn đảo nhỏ ở một vùng cách biệt gần đó dội vào .

  Từ phía trên những lằn đạn đạo cong cong hình cầu vòng đang xé gió rót vào đảo , một phi đoàn oanh tạc cơ cũng vừa dàn thành những đội hình trên bầu trời Kwajalein . Và như một khúc nhạc chấn động trời đất , những quả bom từ trên trời đánh xuống hòa nhịp cùng những quả pháo từ những chiến hạm rót vào . Một cảnh tượng hết sức khủng khiếp của sức tàn phá do bom đạn gây ra , anh phóng viên chứng kiến tại chỗ đã viết xuống những dòng tường thuật ngắn gọn như sau “Trông hòn đảo như có ai đó đã bốc nó lên cao hai mươi ngàn bộ rồi buông rơi đánh sầm xuống vậy” .

  Cuộc đổ bộ vào ngay trung tâm điểm của Marshall đã gây ngạc nhiên đến kinh hoàng cho quân Nhật . Ở đây , tổng số họ có khoảng 8,500 người , đa số là nhân viên hành chánh . Chỉ có khoảng 2 , 200 binh sĩ được huấn luyện chiến đấu và một điều may mắn cho Hoa kỳ là số binh sĩ ở đây được trang bị đa số là vũ khí nhẹ và thô sơ . Tuy nhiên Hoa kỳ phải mất đến một tuần lễ để chinh phục hòn đảo san hô này . Quân Nhật dù với vũ khí thiếu thốn nhưng họ chiến đấu rất hăng hái . Hình ảnh một vị sĩ quan Nhật dùng gươm cạy pháo tháp của chiếc xe tăng để cho lính của ông tung lựu đạn vào đã gây cho binh sĩ Hoa kỳ những ấn tượng sâu sắc khó quên . Và cũng như những chiến trường khác , quân trú phòng Nhật bản chiến đấu đến người lính cuối cùng khiến cho thủy quân lục chiến phải trả một cái giá là 373 quân nhân thiệt mạng .

  Bởi chẳng nghe những lời khuyên của thuộc cấp nên một lần nữa Đô đốc Nimitz mang về một chiến thắng vẻ vang ở Kwajalein , một chiến thắng đầy cảm hứng để cho ông đề xuất ngay một chiến dịch táo bạo khác một khi toàn quần đảo Marshall được giải phóng . Đó là một cuộc đổ bộ bất thần vào một vị trí kéo dài hơn một ngàn hai trăm dặm , từ quần đảo Carolinea lên đến tận quần đảo Marianas . Nhìn vào bản đồ Thái bình dương thì quí vị sẽ thấy ba quần đảo Marshall , Carolinea và Marianas như ba đỉnh của một hình tam giác ở phía đông Phi luật tân và bắc của New Guinea , đặc biệt ở quần đảo Carolinea có đảo Truk là căn cứ của hạm đội liên hợp Nhật bản và quần đảo Mariana có đảo Guam , một hòn đảo mà người Việt hải ngoại chúng ta ai cũng có ít nhất một lần nghe đến hoặc đã đến đó .

  Đô đốc Nimitz đã có sẳn dự tính , nếu tóm thâu được những quần đảo này về Hoa kỳ rồi thì sẽ sử dụng những hòn đảo ấy như một căn cứ không quân , để từ đó loại pháo đài bay tối tân B-29 sẽ cất cánh bay vào oanh tạc Đông kinh .

  Kế hoạch của Nimitz chỉ mới manh nha nhưng đã bị cả hai phía hải và lục quân chống đối kịch liệt trong một cuộc họp liên quân ở Trân châu cảng hồi tháng Giêng . Mac Arthur thì chỉ e một chiến dịch có tầm vóc quá lớn sẽ phải cần đến nhiều lực lượng trừ bị , mà lực lượng trừ bị thì có lúc vì nhu cầu chiến trường ông cũng phải cần đến họ . Như vậy chiến trường của ông sẽ bị thiệt thòi lớn , đường tiến quân sẽ chậm lại và đường dẫn đến Đông kinh thì biết bao giờ mới tới được . Trong buổi họp , đại diện cho Mac Arthur là Trung tướng Richar Sutherland phản đối kịch liệt . Tướng George Kenney cũng đồng tình với Sutherland , ông bảo “Đánh bom vào đất Nhật bằng B-29 quả thật là một trò chơi hết sức nguy hiểm” . Thậm chí đại diện cho phía hải quân là phó đô đốc Thomas Kinkaid cũng thẳng thừng tuyên bố là “Mỗi khi nghe ai đề cập đến vụ lấy đảo Marianas làm căn cứ để phóng phi cơ đánh bom Đông kinh là tôi nghe nó ớn xương sống làm sao ấy” .

  Đô đốc Nimitz vẫn coi ý kiến của mình là trên hết nên bỏ ngoài tai tất cả . Nhưng kết quả sau cuộc tranh luận ở Trân châu cảng , tin bay về Hoa thịnh đốn khiến cho Đô đốc King phẫn nộ hết sức , ông gửi ngay cho Nimitz một bức điện văn , trong đó có đoạn “Tiến vào Đông kinh bằng con đường xuất phát từ New Guinea , qua đảo Mindanao  xuyên suốt lãnh thổ Phi luật tân lên tận đảo Luzon . Đó là con đường tiến quân chủ yếu trong chiến lược bắc tiến của chúng ta . Những hành động ngăn chận gây trở ngại cho chiến dịch này đều không được chấp nhận . Hơn nữa đây cũng là quyết định chung của ban tham mưu liên quân nên không ai có thể cưỡng lại" .

  Thượng tuần tháng hai , tướng Sutherland có mặt ở Hoa thịnh đốn để trước là trình bày sau là lên tiếng ủng hộ kế hoạch của Mac Arthur . Không biết đã căn cứ vào đâu mà Sutherland rỉ tai với ban tham mưu liên quân rằng kế hoạch bắc tiến của Nimitz quá táo bạo và khả năng thành công rất ít . Trong khi Mac Arthur , nếu được bổ xung đầy đủ thì trễ lắm là tháng 12 quân của ông ta sẽ có mặt ở Mindanao Phi luật tân . Đô đốc King thì chẳng có dự tính tăng viện thêm cho chiến trường Thái bình dương bất cứ một lực lượng hải quân nào nữa . Với một giọng đầy vẻ châm biếm mĩa mai , ông cho rằng Arthur hình như không chấp nhận quyết định chung của hội nghị Cairo nên khăng khăng tự quyết cố đòi một mình xua quân tiến vào đất Nhật . Để tránh cuộc tranh cãi dằng dai có thể gây đến những bất hòa vô ích giữa hải và lục quân , giữa những vị đô đốc và tướng chỉ huy tại mặt trận , Marshall , ông tướng tổng tư lệnh lục quân mới lên tiếng đề nghị bộ phận nghiên cứu chiến thuật chiến lược của ủy ban liên quân ngồi lại với nhau nghiên cứu kỹ lưởng về địa hình Thái bình dương , xem nên trục tiến quân vào đất Nhật bằng con đường nào thuận tiện và hữu hiệu nhất rồi báo cáo lại .

  Sau gần một tháng dày công nghiên cứu , hội đồng liên quân đi đến một quyết định , đây là một thỏa hiệp chung cho hai cánh quân , một của Nimitz thuộc trung tâm Thái bình dương và một của Arthur thuộc tây nam Thái bình dương . Ngày 12 tháng 03 , hội đồng liên quân chuyển hai cái lệnh xuống cho hai vị chỉ huy mặt trận là Nimitz và Arthur . Theo như chiến thuật mới này thì hai cánh quân sẽ cùng hiệp nhau tấn công quần đảo Marianas vào khoảng tháng 06 , sau đó sẽ tiến vào đảo Mindanao với toàn bộ lực lượng hải lục của Thái bình dương . Như vậy sẽ không còn ai có thể tranh cãi nữa .

  Sự tiến công như vũ bảo của Hoa kỳ khiến cho tổng hành dinh Thiên Hoàng bắt buộc phải tái phối trí lại tuyến phòng thủ của mình . Hải và lục quân vẫn bàn cãi gấu ó với nhau kịch liệt để tranh giành lấy quyền lợi chiến cụ về phe mình , nhất là phi cơ là đề tài tranh cãi sôi nổi nhất từ khi cả hai phe đều nhìn nhận sức mạnh của không lực có thể mang lại chiến thắng vinh quang . Lúc ban đầu thì họ đồng ý với nhau chia đồng điều con số 45 ngàn phi cơ được xuất xưởng trong năm tới , nhưng chỉ một tháng sau , ngay thượng tuần của tháng Giêng năm 1944 , hải quân lại đòi phải cấp cho họ 26 ngàn phi cơ , một con số vượt xa khả năng cho phép . Nhưng lạ thay , không biết họ thuyết phục như thế nào mà thủ tướng Tojo lại đồng ý chấp thuận ngay .

  Sự thật thì không phải do sự thuyết phục của phe hải quân , nguyên nhân tại sao thì cũng rất dễ hiểu , Tojo hẳn đã có dụng tâm riêng mà ngoài Sato , người cộng sự đắc lực của thủ tướng ra không ai biết được . Cho đến lúc này thì dường như những vị chỉ huy tối cao ở Đông kinh đều có chung một hy vọng là dựa vào sức mạnh của hải quân Hoàng gia , họ có thể giành lấy một chiến thắng vinh quang trong một trận quyết định với Hoa kỳ ở trên một vùng biển nào đó . Nhưng Sato và Tojo đều không đồng ý như thế , cục diện đã thay đổi quá nhiều và hải quân tỏ ta không còn hiệu lực để cầm chân Mỹ được nữa . Tojo nghĩ , từ nay , theo một khái niệm chiến tranh mới thì lục quân  sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn . Những hòn đảo nằm rải rác trên biển sẽ là những mẫu hạm không bao giờ chìm , những phòng tuyến vững chải để kềm chân sức tiến của địch quân . Vì vậy , đồng ý chấp thuận cho hải quân bất cứ con số phi cơ nào họ đòi hỏi cũng chẳng mất mát đi đâu vì cuối cùng rồi thì số phi cơ ấy cũng trở lại chiến đấu sát cánh với lục quân trên những phòng tuyến mới đó mà thôi . Vì vậy việc trước mắt phải làm là lấy lòng phe hải quân cho họ im lặng đừng to tiếng cãi vả nữa , đồng thời Sato cũng khuyên thủ tướng nên thông báo cho cánh hải quân hãy án binh bất động mà chờ lệnh sau . Không ngờ ảnh hưởng của thông báo này quá mạnh , phía hải quân lại ầm ỉ chống đối , họ cho rằng phe của họ bị coi nhẹ nên chỉ dùng họ như một đội quân dự bị .

  Ngày 10 tháng 02 , một cuộc đấu khẩu ồn ào giữa cuộc họp gồm các sĩ quan cao cấp trong bộ tổng tham mưu ở ngay trong nội điện . Đô đốc Nagano thì vẫn ôm cái chiến thuật cũ rích là giao chiến với địch chỉ dựa vào hải quân và chiến trường là biển cả . Ý kiến của ông bị Sugiyama , tổng tham mưu trưởng lục quân , người vừa được vinh thăng thống tướng chống đối dữ dội . Thống tướng Sugiyama lên tiếng thách thức “Nếu chúng tôi cung cấp đầy đủ số lượng phi cơ theo sự yêu cầu của quí ông thì liệu quí ông có làm thay đổi được cục diện hay không ?” . Nagano nỗi giận nói như quát “Dĩ nhiên là tôi không thể nào bảo đảm được . Còn ông , liệu ông có dám bảo đảm nếu chúng tôi cho ông sử dụng toàn bộ phi cơ ?” . Không khí trong phòng họp lại trở nên căng thẳng cực độ . Đô đốc Oka nhận thấy tình hình quá ngột ngạt nên đề nghị nghỉ giải lao . Không khí dường như được lắng dịu đôi chút nhưng vấn đề vẫn còn đè nặng chưa giải quyết được gì cả cho đến khi Sato bất ngờ đưa ra một giải pháp khôn khéo : tập trung sản xuất chiến đấu cơ thay vì số oanh tạc cơ như dự định và nâng con số sản xuất lên thêm năm ngàn chiếc phi cơ nữa , có nghĩa là tổng số sẽ có trong năm tới là 50 ngàn chiếc . Như thế nếu chia đều cho hai phe thì hải quân sẽ có 25 ngàn chiếc , chỉ thiếu một ngàn chiếc theo nhu cầu đòi hỏi của họ là 26 ngàn . Để lấp đầy khoảng trống này Sato hứa với họ sẽ cung cấp thêm ba ngàn năm trăm tấn chiến cụ đạn dược . Phe hải quân đồng ý ngay .

  Cơn giông tố ở hậu phương tạm thời lắng dịu nhưng tình hình ngoài tuyến đầu , một phần vì ảnh hưởng của sự xung đột nội bộ mà chiến trường càng lúc càng trở nên đen tối hơn . Hoa kỳ vẫn tiếp tục tiến dần lên theo trục trung tâm Thái bình dương không gặp bất kỳ một trở ngại nào từ phía hải quân Nhật . Ngày 17 tháng 02 , Nimitz bất thần cho quân đổ bộ vào quần đảo Eniwetok  , một vị trí nằm ở phía tây cực bắc quần đảo Marshall . Trên bốn hòn đảo nhỏ có hình vòng cung này là những căn cứ không quân của Nhật . Cũng cùng một ngày hôm đó , phi cơ Hoa kỳ cất cánh từ hàng không mẫu hạm bay vào tấn công đảo Truk , một hòn đảo nằm trong quần đảo Carolines , tổng hành dinh của hạm đội liên hợp Nhật bản . Cuộc oanh tạc bất thần ấy đã phá hủy 70 phi cơ đang đậu dưới phi đạo , đánh chìm hai tuần dương hạm , một khu trục hạm , một chiếc phà vận chuyển phi cơ , hai tàu tiếp tế cho tiềm thủy đỉnh và 23 tàu chuyên chở , trong đó có đến 200 ngàn tấn quân cụ chưa chuyển lên bờ . Một thiệt hại quá sức tưởng tượng cho Đông kinh .

  Những điều bất hạnh như một chuổi đại họa cứ xảy đến liên tục khiến cho Sato càng tỏ ra khá bồn chồn , ông khuyên thủ tướng Tojo rằng "Chúng ta nên bỏ tất cả để rút về lập phòng tuyến cố thủ ở Phi luật tân . Coi đó như một chiến trường cuối cùng của cuộc chiến" . Tojo mặt mày tiều tụy trông thấy rõ , ông lạnh lùng cất tiếng hỏi "Đó có phải là ý kiến của bộ tổng tham mưu không ?" . Viên tướng cố vấn đáp nhanh "Không , đó chỉ là ý kiến của riêng tôi thôi thưa thủ tướng" . Tojo chau mày hỏi lại "Thế thì ông có bàn qua với bộ tổng tham mưu chưa ?"  . Sato điềm tỉnh trả lời "Về điểm này thì dĩ nhiên là họ sẽ phản đối ngay thôi . Theo thiển ý của tôi là không cần bàn bạc gì với họ cả . Cứ ra lệnh cho họ rút bỏ hai quần đảo Carolines và Marianas để mang quân về Phi luật tân thành lập lại tuyến phòng thủ mới" .

  Không biết vì giận hay vì thẹn cho một đội quân mà người ta thường tự hào là vô địch nay lại tính đến chuyện triệt thoái , khuôn mặt của Tojo trở nên đỏ lên . Ông nói “Hồi năm rồi , trong cuộc hội thảo ở Hoàng cung , chúng ta đã thống nhất quyết định với nhau rằng hai quần đảo Marianas và Carolines và hai phòng tuyến cuối cùng rồi kia mà . Nay vì ý gì mà ông lại thay đổi , chẳng lẽ mới trong vòng sáu tháng , chưa đánh một trận nào lại phải rút bỏ sao ?” . Sato vẫn giữ lập trường của ông . Trên hai phòng tuyến ấy chỉ có bảy căn cứ không quân và vì nằm xa ngoài khơi Thái bình dương nên rất dễ bị Hoa kỳ cô lập trước khi cho quân tăng viện , trong khi tại Phi luật tân , trên một quốc gia với hàng ngàn hải đảo ấy rất tiện cho quân đội thiết lập một tuyến phòng thủ vững chắc . Tojo vẫn không chịu nghe theo lời thuyết phục của Sato . Tuy nhiên họ cũng ngồi lại bàn bạc trong một thời gian khá dài trước khi Sato ra về .

  Còn lại Tojo ngồi thẩn thờ suy nghĩ . Bao nhiêu vấn đề nan giải cứ chồng chất khiến cho đầu óc vị thủ tướng càng lúc càng rối rắm . Cuối cùng ông nghĩ mình phải làm một cái gì đó . Phải , mình phải làm một cái gì đó để mong thay đổi cục diện chứ cứ ngồi ỳ ra như thế này thì càng lúc càng đi vào bế tắt . Chiều hôm ấy ông gặp thống tướng Sugiyama , tổng tham mưu trưởng và khuyên ông ta nên từ chức . Tojo giải thích rằng “Trong hoàn cảnh quốc gia quá rối rắm này , cách tốt nhất là để cho ông , tức thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ chiến tranh đứng ra kiêm nhiệm luôn cả chức vụ tham mưu trưởng” . Sugiyama chống đối lại ý kiến của Tojo , ông nói “Như thế này thì mình vi phạm đến truyền thống lâu đời của chính thể Đại Nhật . Một người không thể đứng ra gánh vác cả hai việc vừa chính trị vừa quân sự được . Thủ tướng hãy nhìn cái thảm họa của Stalinggrad . Đó là cái kết quả của sự tập trung quyền lực vào một tay Hitler . Ngài đã không thấy hay sao” . Tojo điềm nhiên trả lời “Vì Hitler vốn xuất thân là một gã binh nhì . Còn tôi , thì dù sao cũng là một tướng lãnh . Một tướng lãnh gồm đủ kinh nghiệm trận mạc lẫn chính trường . Thống tướng , ông đừng có lo cho tôi điều này” .

  Sugiyama như không còn kiên nhẫn được nữa , ông nói nhưng giọng hơi cay cú “Nếu thủ tướng làm thế , tôi chỉ e không còn ai nghe lệnh của ông nữa” . Tojo mím chặc đôi môi ra vẻ cương quyết . Ông nói “Không khi nào . Ai bất tuân thượng lệnh sẽ bị trục xuất ngay khỏi quân đội . Và tôi cũng không chấp nhận mọi sự chống đối xảy ra” .

  Hôm sau , 21 tháng 02 , Tojo chính thức cách chức Sugiyama để ông nhảy vào nắm luôn chiếc ghế tổng tham mưu trưởng quân đội . Đồng thời chiếc ghế tham mưu trưởng hải quân của Nagumo cũng bị thay thế bởi ông bộ trưởng hải quân là Shigetaro Shimada . Như thế bốn bộ phận quan trọng nhất của quân đội quốc gia bây giờ nằm trọn  trong tay của của hai người , Tojo và Shimada , một đàn em thân tín của Tojo .

  Vừa nghe được tin này , tướng Sato chạy ngay vào phòng làm việc của Tojo mà nói như hét “Thủ tướng , ông đã làm một việc hết sức kinh khủng !” . Lúc bấy giờ Tojo cũng đoán biết là viên sĩ quan trợ thủ của mình sẽ nổi trận sân si khi biết ra sự thật , ông chỉ nhìn Sato với nụ cười tự mãn rồi nói “Nếu những sĩ quan khác có cùng một hành động như thế này” Rồi giọng ông trở nên nghiêm khắc một cách lạnh lùng “Tôi sẽ không bỏ qua đâu” . Ông sẽ gán cho hành động này là một hành động bất tuân thượng lệnh , không thể nào dung thứ được . Sato còn biết gì hơn là đành ngồi im lặng . Tojo tiến tới vỗ vỗ vào vai người sĩ quan phụ ta rồi nói “Hãy để ý dò xét chung quanh coi có còn ai dám chống đối thì báo cho tôi biết , Sato nhé” .

  Sau đó Sato trở về phòng riêng và trong suốt mấy tiếng đồng hồ ông bắt tay vào công việc ngồi vẽ ra kế hoạch phòng thủ ở Phi luật tân . Nhưng bỗng có chuông điện thoại reo . Tojo , trong vai trò tổng tham mưu trưởng quân đội báo cho Sato biết là ông đã quyết định giữ lấy hai quần đảo Marianas và Carolines . 

  Khi quyết định củng cố tập trung quyền lực vào tay của mình , Tojo nghiễm nhiên được coi như một kẻ chuyên quyền lãnh đạo cả một hệ thống quân sự quốc gia . Hành động này đã quá rõ ràng , nó cho người ta thấy Nhật bản đang bước lần về con đường độc tài theo phe quân phiệt . Hoàng thân Chichibu , người anh cả của Thiên Hoàng Hirohito không thể nào tin tưởng rằng chỉ với một con người mà phải chu toàn ba chức vụ cùng một lúc được , nào thủ tướng chính phủ , nào bộ trưởng chiến tranh và bây giờ còn kiêm luôn cái ghế tham mưu trưởng quân đội . Cũng như thống tướng Sygiyama , Hoàng thân Chichibu nêu lên câu hỏi “Thủ tướng , Ngài sẽ làm gì khi mà bộ trưởng chiến tranh và tổng tham mưu trưởng không đồng ý xuất quân ?” . Tojo quá tức giận nên viết một lá thư trả lời với đầy vẻ ngạo mạn . Sự việc này khiến cho nhóm Hoàng thân càng tỏ ra bất bình . Họ vốn dĩ đã có cùng chung một nổi lo là vận mạng của quốc gia , sự tồn vong của đế chế đại Nhật giờ đang nằm cả trong tay của Tojo . Họ muốn nhất định Tojo phải rời ngay chiếc ghế thủ tướng chính phủ . Cùng với Hoàng thân Chichibu , còn có Hoàng thân Konoye tức cựu thủ tướng cùng với đô đốc Okada đã dự tính trong đầu rằng người thay thế chức vụ thủ tướng của Tojo phải là một người chủ trương ôn hòa nhằm mục đích mưu cầu hòa bình với khối đồng minh . Konoye mang ý kiến này ra bàn bạc với Kido . Viên quan quản thủ quốc ấn cũng tỏ ra đồng tình nhưng ông lại từ chối không chịu giúp đỡ vì theo cá nhân ông nhận thấy tình hình còn quá sớm để gây ảnh hưởng đến Thiên Hoàng .

  Không những chỉ có nhóm Hoàng thân mong mỏi mưu tìm hòa bình cho đất nước , thậm chí trong quân đội cũng đang có những người đang thai nghén ý tưởng này , và tất nhiên họ đi theo một con đường khác không giống như Konoye . Quan trọng nhất trong nhóm quân đội có phó đô đốc Sokichi Takagi , một nhà nghiên cứu thông thái , người nhận lệnh của đô đốc Shimada chỉ huy một lớp nghiên cứu về những lầm lỗi trong chiến tranh xuyên qua những hồ sơ tối mật của quốc gia . Sau khi phân tích về những thiệt hại cả phi cơ lẫn tàu chiến , Takagi vội đưa ra một kết luận là chắc chắn trong cuộc chiến này Nhật không thể nào chiến thắng cho được . Cộng thêm những thất bại liên tục ở chiến trường nam Thái bình dương cũng đã cho ông biết , chỉ còn một cách giải quyết duy nhất là Tojo bắt buộc phải ra đi và cố gắng giàn xếp hòa bình càng sớm càng tốt cho dù trong giới chỉ huy quân sự có hoặc không tán đồng cũng mặc . Nhưng rồi Takagi lại sợ rằng khi trình lên đô đốc Shimada những báo cáo hơi khó nghe này thì tánh mạng của mình sẽ bị đe dọa . Cuối cùng thì ông đành cho xếp xó bản báo cáo không trình lên cho bất cứ ai .

  Sau đó Takagi bí mật đi tìm gặp Yonai , cựu bộ trưởng hải quân và phó đô đốc Shigeyoshi Inoue . Vì hai người này đều có chủ trương hòa bình nên Takagi không e ngại , trình ngay lên cho họ rõ những sự thật mà ông đang giấu kín . Khi nghe xong , hai người khuyến khích Takagi nên trình bày rõ cái sự thật phủ phàng này đến đô đốc Okada và những vị sĩ quan bề trên có thẫm quyền nhiều hơn . Nhưng rồi nhiều tuần lễ trôi qua mà chẳng có một thay đổi nào trong bộ mặt chính trị ở Đông kinh , tức Tojo vẫn chễm chệ ngồi trên chiếc ghế thủ tướng chính phủ .

  Vì không thể chờ đợi mãi được , phó đô đốc Takagi cho tập họp khoảng 6 vị sĩ quan hải quân mà ông đặt hết tin tưởng . Họ đều là những chỉ huy trưởng và hạm trưởng . Ông thuyết phục họ rằng nếu ám sát được Tojo thì quốc gia sẽ tránh được cái họa diệt vong . Nhưng nếu ra tay thì phải hành động như thế nào . Họ bèn ngồi lại vẽ lên kế hoạch ám sát thủ tướng Tojo ngay . Hành động bí mật này đòi hỏi phải có bàn tay của những sát thủ lành nghề . Và dĩ nhiên nếu muốn thành công thì kế hoạch phải vẽ ra thật tỉ mỉ , phải có người theo sát Tojo xem sự di chuyển hàng ngày của ông bằng phương tiện gì và thời gian ở mỗi địa điểm . Takagi đề nghị dàn cảnh một tai nạn giao thông thì cơ hội thành công rất nhiều . Cả bọn đồng ý và bắt đầu bàn bạc để đi sâu vào chi tiết . Bây giờ chúng ta nên gát lại chuyện rối bời ở hậu phương tại Đông kinh để xuôi nam , đi vào chiến trường Thái bình dương xem diễn tiến của những trận đánh đang hồi gay cấn .  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế