Những thất bại liên tục

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đô đốc huyền thoại Togo đã viết lên một thiên anh hùng ca bất tử trong lòng người Nhật bằng một chiến thắng oanh liệt của trận Đối mã năm xưa . Chiến thắng lừng danh quân sử Nhật bản ấy đã để lại cho những vị đô đốc sau này một di sản không thể chối bỏ đó là khái niệm mới : một trận đánh mang tính chất quyết định cho cả cuộc chiến . Đô đốc Mineichi Koga , người kế nhiệm Yamamoto chỉ huy hạm đội liên hợp , một mẫu người trầm tĩnh có đầu óc bảo thủ , một sĩ quan cần cù biết người biết ta và ông cũng bị ám ảnh bởi một ý nghĩ một trận chiến có thể thay đổi bộ mặt của toàn bộ cuộc chiến .

  Trước khi bắt tay vào hành động , ông cũng đoán biết cơ hội thủ thắng quá nhỏ , nhưng chẳng còn cách chọn lựa nào khác bởi vì đây là một tia hy vọng cuối cùng của Nhật bản . Ngày 08 tháng 03 , Koga đưa ra một kế hoạch , kế hoạch này được mang tên chiến dịch Z . Một khi hạm đội Hoa kỳ tràn lên đến lãnh hải Phi luật tận từ hải lộ Marianas hoặc Palaus hay New Guinea , tại nơi đây hạm đội liên hợp của Nhật sẽ tung ra toàn bộ lực lượng quyết ăn thua đủ với họ . Để chiến dịch được tiến hành suông sẻ , kế hoạch được Koga chuẩn bị một cách chu đáo , có thứ tự đâu ra đó hẳn hòi .

  Sau khi lên nắm chức chỉ huy hạm đội liên hợp , Koga đã đề ra một loạt cải tổ nhằm thích nghi với hoàn cảnh hiện tại , trong khi ông cũng kêu gọi Đông kinh rằng chu vi Đại Đông Á cũng được xác định lại , nghĩa là giới hạn phía đông trên vùng biển Thái bình dương . Với phòng tuyến mới này nó sẽ chạy xuyên qua các quần đảo Marianas , Truk Marshall và điểm phía nam là đảo Biak , ngay phía bắc New Guinea . Căn cứ Rabaul coi như bị đồng minh cô lập thì những phi đội còn sống sót ở đó và toàn vùng Solomon nên rút tất cả về lại những quần đảo nằm ngay phòng tuyến mới . Ông cũng yêu cầu cho rút tất cả mẫu hạm về tạm thời để chúng bỏ neo trong vùng biển Tân gia ba và Mã lai , ở một nơi rất gần nguồn tiếp nguyên liệu và luyện tập phi công . Trong thời gian này hải quân Nhật cần phải đào tạo cấp tốc một số lượng phi công khổng lồ để điền khuyết vào những phi công kỳ cựu đã tử trận . Đây mới chính là nỗi quan ngại chính của hải quân Nhật , những trận hải chiến khốc liệt sau những chiến dịch tiếp nối chiến dịch , họ đã bị thiệt mất đa số phi công dày dạn kinh nghiệm chiến đấu , đó là một tổn thất vô phương bù đấp được .  Những phi công mới được đào tạo ở Nhật gửi đến chiến trường Thái bình dương , bởi không có kinh nghiệm nên đại đa số đều vướng mắc nhiều lỗi lầm trong kỹ thuật phi hành . Hậu quả này dẫn tới những thiệt hại trầm trọng . Về phần hạm đội thì Koga quyết định chia hạm đội liên hợp ra làm hai hạm đội : hạm đội thứ nhất với danh xưng là hạm đội lưu động thứ nhất gồm có ba phân đội mẫu hạm , mỗi phân đội có ba chiếc , tổng cộng là chín mẫu hạm . Hộ tống ba  đội mẫu hạm này còn có nhiều tuần dương hạm và khu trục hạm nữa . Hạm đội lưu động thứ nhì gồm có năm chiếc thiết giáp hạm , chia thành hai tiểu hải đội và mười tuần dương hạm nặng chia thành ba tiểu hải đội . Năm chiếc đại thiết giáp hạm gồm chiếc Yamato (vốn là soái hạm của Yamamoto) , Mushachi , Nagato (chiếc Nagato tương đối nhỏ hơn những chiếc khác , với trọng tãi chỉ có 35 ngàn tấn và trang bị 8 khẩu đại bác 360 ly) và hai chiếc thiết giáp hạm cũ đã từng lâm nạn ở vùng biển Guadalcanal là Kongo và Haruna . Hạm đội lưu động thứ nhất thuộc quyền chỉ huy của phó đô đốc Ozawa và hạm đội thiết giáp hạm tức hạm đội lưu động thứ nhì được giao cho cựu tham mưu trưởng của Yamamoto là đô đốc Ugaki , người đã chết hụt nhờ một phép lạ ở bờ biển Bougainville khi phi cơ của ông và Yamamoto bị không quân Hoa kỳ bắn hạ .

  Nhưng thực tế trước mắt , mọi cố gắng của Koga cũng khó có thể vãn hồi được tình hình đã quá đen tối . Từ cực nam Thái bình dương , Nimitz và Mac Arthur với những lực lượng hùng hậu cùng những bước nhảy chắc chắn khiến cho ông phải đau lòng mà chấp nhận một quyết định mới , quyết định rời bỏ căn cứ ở đảo Truk để lập một phòng tuyến mới , thu gọn chu vi Đại đông Á một lần nữa và lần nầy đại bản doanh của hạm đội liên hợp lại dời về Davao , thuộc vùng đảo miền nam gần đảo Mindanao Phi luật tân .

 Cuối tháng 08 , chiếc thiết giáp hạm Masashi đến bỏ neo ở Palau rồi từ đó , Koga cùng ban tham mưu của ông lên hai chiếc thủy phi cơ hai động cơ bay vào Mindanao , Phi luật tân nơi mà ông dự định dời đại bản doanh về đó . Nhưng trên chuyến đi này định mệnh nghiệt ngã đã dành sẳn cho đô đốc Koga , khi chiếc thủy phi cơ chưa đến được không phận của Phi luật tân thì bỗng một cơn bão dữ dội thổi đến , chiếc phi cơ của ông bị mất tích sau cơn bão . Bản tin về cái chết đột ngột của vị đô đốc khiến cho hạm đội liện hợp Nhật bản rụng rời , chỉ trong vòng mấy tháng thôi mà họ đã mất đến hai vị chỉ huy và đặc biệt là cùng tử nạn bằng máy bay .

  Đô đốc Fukudome , vị sĩ quan tham mưu trưởng của Koga thì thoát chết trong gang tấc . Chiếc phi cơ chở ông vừa đến vùng gió bão thì viên phi công nhanh nhẹn chuyển hướng ngay , anh định bay vào thủ đô Manila nhưng vì gió quá mạnh thổi dạt chiếc phi cơ ra khá xa , đến hai giờ sáng thì xăng sắp cạn nên túng quá phải cho phi cơ  đáp khẩn cấp . Qua khung cửa kính của phi cơ , dưới ánh trăng mờ mờ ảo ảo , Fukudome nhìn xuống thấy ẩn hiện phía dưới một hải đảo nhỏ , ông nghĩ đấy chắc có lẽ là đảo Cebu . Một chốc sau thì mặt trăng non kia đã lặn mất , để lại cho đại dương chìm sâu trong một màu đen bất tận . Anh phi công bây giờ mới cảm thấy bất an và trong một phút tinh thần không ổn định đó anh để mất cả phương hướng , rồi quýnh quáng làm sao để chiếc phi cơ cứ chao đi chao lại như mất cả thăng bằng . Đô đốc Fukudome cũng từng là một phi công lão luyện nên không thể ngồi yên chờ chết . Ông dò dẫm bước ra phía phòng láy định bụng sẽ giúp anh phi công một tay . Chiếc cặp da trong đó chứa đựng toàn bộ hồ sơ , mật mã cùng những bản mật lệnh nói rõ chi tiết của chiến dịch Z vẫn không rời khỏi ông . Khi vừa bước được vào phòng lái , Fukudome đưa tay chồm qua vai anh phi công kéo mạnh cần điều khiển để cố đưa mũi phi cơ lên hầu lấy lại thăng bằng . Nhưng sức kéo của ông quá mạnh khiến cho động cơ của máy bay tắt tịt . Thế là chiếc phi cơ đang trên cao độ bỗng chúi mũi lao thẳng xuống vùng biển đen đặc phía dưới .

  Đến lúc này thì Fukudome chỉ còn biết nhắm mắt và chấp nhận cái chết , một cái chết nhanh chóng chắc chắn rằng nó sẽ đến với ông . Trong tâm trí của vị đô đốc đang quay cuồng với bao nhiêu ý nghĩ , nó chợt đến rồi chợt tan . Thôi rồi , cuộc chiến chẳng biết sẽ về đâu nhưng đời ta đến đây kể như đã tận . Bỗng dưng sau một tiếng đánh ầm kinh khủng , toàn thân phi cơ bị vỡ tan thành từng mảnh khi chạm phải mặt biển . Sau một giây thất thần , Fukudome chợt mở bừng mắt , cảm thấy như mình đang nổi lềnh bềnh trên mặt biển . Ông cố hít một hơi thật dài trấn tỉnh lại tinh thần mới vỡ lẽ là mình đang còn sống và đang nổi bồng bềnh trên mặt nước và tay ông vẫn còn nắm chặc lấy cái cặp hồ sơ mật . Chung quanh ông lúc ấy vẫn còn nhiều người sống sót nhờ bị hất tung ra khỏi phi cơ sau cú va chạm mạnh vào mặt biển . Họ cũng đang trôi nổi bồng bềnh trên mặt nước . Nên nhớ đây là những sĩ quan cao cấp của hải quân Nhật nên họ đều thông thạo thủy tính , họ bơi như những con rái cá và không bao giờ biết mệt . Khi tất cả đã lấy lại được bình tỉnh thì họ cùng nhắm hướng bơi thẳng vào bờ biển , nơi có nhiều ánh đèn chiếu sáng lập lòe mà họ nghĩ có lẽ đây là đảo Cebu . Fukudome cũng ra sức lội theo nhưng cơ khổ cho ông , bởi cái cặp tài liệu nặng quá vướng víu tay chân nên có phần lúng túng . Thời may , ông quơ tay vớ được cái gối lót ghế ngồi trên phi cơ . Có được vật cứu tinh rồi nên ông liền bám vào và ra sức bơi theo những người phía trước . Mãi cho đến khi trời rựng sáng thì nhìn quanh mình Fukudome chẳng thấy có ai , lúc ấy ông mới nghĩ ra vì mình bận vướng víu nên bơi chậm lại , còn những người đồng cảnh của mình đã bơi vượt ra xa phía trước . Ông nhìn bãi biển Cebu nơi phía xa xa , nơi ấy có một cái ống khói dựng đứng cao nghều nghệu . Fukudome biết đó là nhà máy xi măng Asano , một vị trí cách thành phố Cebu khoảng sáu dặm về phía nam , nơi mà tổng hành dinh của Nhật bản trên lãnh thổ Phi luật tân đều tập trung ở đây . Fukudome cảm thấy hơi yên lòng một chút , tuy đây là lãnh thổ do Nhật đang làm chủ nhưng thỉnh thoảng cũng bị nhóm kháng chiến quân người Phi vì bất phục chính phủ thân Nhật của họ lẻn vào khuấy phá .

  Sau hàng mấy tiếng đồng hồ ngâm mình dưới nước , vị đô đốc tham mưu trưởng ngở như sức lực mình đã cạn kiệt vì cái lạnh và đói . Chợt trong lúc hoang mang cùng cực đó ông bỗng phát giác ra vài chiếc xuồng đánh cá , có lẽ của những người dân địa phương đang đánh lưới gần bờ biển đang tiến dần về phía ông . Một nỗi sợ hãi chợt lóe lên trong đầu vị đô đốc , bọn này có phải chăng là đám loạn quân bất phục tòng chính phủ ? Nếu quả thật là họ thì ông không thể nào trốn đi đâu được nữa nhưng cái cặp da hồ sơ bí mật thì không nên để lọt vào tay bọn họ . Nghĩ như vậy nên Fukudome đẩy chiếc cặp da ra xa chỉ mong cho nó mau chìm sâu xuống lòng đại dương để mong xóa tan dấu vết . Nhưng coi ra đã quá trễ , chiếc xuồng câu thứ nhất đã trông thấy rõ những hành động của Fukudome , họ tiến nhanh đến và một người dùng chiếc chèo vớt ngay chiếc cặp da kia lên và sau đó mới hè nhau kéo vị đô đốc sắp chết lên xuồng . Hùm thiêng nay đã sa cơ ông chỉ còn biết phó thác số mệnh mình trong tay bọn người lạ mặt đầy bí ẩn . Họ áp giải ông cùng tám vị sĩ quan khác cũng đã bị tóm không bao lâu trước đó về cả Balud .

  Tính cả Fukudome thì tổng cộng có đến 11 người còn sống sót trên chiếc thủy phi cơ lâm nạn , hai người cũng bơi vào bờ nhưng đã may mắn nhanh chân tẩu thoát , họ đang trên đường đến tổng hành dinh của quân đội Nhật bản đóng ở thành phố Cebu .

  Chín người bị bắt được áp giải đến một bộ phận chỉ huy du kích quân gần đó . Ở đây , nhóm sĩ quan hải quân bị bắt này khai với viên đại úy chỉ huy trưởng đơn vị là Marcelino Erediano , người đã từng là du học sinh của trường đại học Đông kinh cả năm trời , rằng bọn họ là những sĩ quan rất tầm thường của quân đội Nhật , nhận lệnh đi tham quan một vùng biển ở gần đây nhưng bị gió bão thình lình nên bị lâm nạn . Tuy nhiên , viên đại úy có đôi mắt tinh tường , ông nhận thấy trong bọn người này có một cái gì đó không phải là tầm thường như họ trình bày . Nhất là những hành động tỏ ra khá quan tâm và tôn kính của cả nhóm dành riêng cho một người (người ấy là tham mưu trưởng hạm đội liên hợp Fukudome) . Erediano thầm nghĩ , có phải chăng hắn ta là một sĩ quan cao cấp trong hàng tướng lãnh của Nhật bản ? Hơn nữa , chiếc cặp da kia với những tập hồ sơ có đóng dấu “tối mật” đã không phải cho ta biết bọn người này há chẳng phải là những nhân vật trọng yếu trong hàng ngũ địch hay sao . Thế là tin được loan báo khắp những đơn vị du kích quân ở địa phận Cebu . Thiếu tá Jame Cushing vốn là một kỹ sư hầm mỏ của Hoa kỳ , một người Ái nhỉ lan lai Mễ . Anh ta vốn là cựu võ sĩ boxing nhưng đã giải nghệ vì chứng nghiện rượu kinh niên . Vốn là một người tinh ma quỉ quyệt lắm kế nhiều mưu , khi chiến tranh kéo đến xứ sở này thì anh an nhàn sống bên lề cuộc chiến . Ai thắng ai bại mặc lòng , anh thu mình hưởng thụ lẩn quẩn trong cái hạnh phúc cá nhân đang có được của mình bằng cách tậu một ngôi nhà khang trang trên đỉnh núi ,  sống biệt lập với xã hội , ngày đêm chỉ quanh quẩn với cô vợ người Phi và một đứa con còn thơ dại .

  Nhưng không bao lâu sau , người dân ở thành phố Cebu đều khuyên anh ta đứng ra lãnh đạo các nhóm quân du kích rãi rác quanh vùng , nhờ vào thế lực và uy tín sẳn có nên lời kêu gọi của Cushing được tất cả hưởng ứng . Không bao lâu các nhóm du kích đều qui tụ về một mối và nghiễm nhiên Cushing trở thành lãnh tụ của du kích quân trên toàn đảo Cebu .

  Khi được đại úy Erediano cho biết vừa tóm được một số sĩ quan Nhật bị tai nạn phi cơ , Cushing vội điện báo cáo lên tướng Mac Arthur , rằng họ đang bắt giữ 10 sĩ quan Nhật , trong số có một sĩ quan cao cấp cùng với nhiều tập tài liệu mật rất quan trọng . Bức điện được nhận bởi đại tá Wendell Fertig , một vị sĩ quan mà sau này trở thành chỉ huy trưởng của các nhóm du kích quân ở đảo Mindanao , ông cho chuyển ngay bức điện ấy về Úc đại lợi . Bức điện ấy gây xôn xao hẳn lên cho phía hải quân Hoa kỳ , đến nổi họ phải triệu hồi đội tiềm thủy đỉnh đang trên đường thi hành một nhiệm vụ phải lập tức đổi hướng đến ngay Negros , một hòn đảo nhỏ nằm về hướng tây đảo Cebu để bốc nhóm tù binh và tập tài liệu mật .

  Cuộc áp giải toán tù binh sĩ quan Nhật thật vất vả , Đô đốc Fukudome vì cái chân bị thương lúc lâm nạn ngoài biển nên buộc lòng phải ngồi trên cáng cho người ta khiêng . Họ phải đi mất hơn tuần lễ mới đến được doanh trại của Cushing trên núi Tupas , ở một nơi chỉ cách thành phố Cebu chỉ hơn 10 dặm . Trong thời gian này , sau khi bị đại úy Erediano liên tục theo sát cật vấn ngày đêm , Fukudome bực quá nên nhận bừa rằng mình là đô đốc Koga và cũng có thể nói được chút ít tiếng Anh .

  Sau khi Fukudome bị chuyển đến Cushing không bao lâu thì quân Nhật từ thành phố Cebu được hai vị sĩ quan may mắn trốn thoát đến được báo tin nên họ tung ra tìm kiếm khắp nơi . Và cuối cùng thì tiến lên bao vây và tấn công ngọn núi Tupas , tổng hành dinh của Cushing . Chỉ huy toán quân này là trung tá Onishi , ông lớn tiếng đe dọa là nếu Cushing không chịu thả hết những người bị bắt kia thì ông sẽ cho quân đốt rụi cả thôn xóm và hành quyết tất cả thường dân vô tội . Cushing hốt hoãng vội điện báo cáo ngay với Arthur rằng ông chỉ có thể chuyển tập tài liệu mật thôi chứ đô đốc Koga và những tù binh khác thì không hy vọng . Mac Arthur lại ra lệnh rằng phải cố gắng giữ các tù binh ấy lại bằng bất cứ giá nào . Thật là một cái lệnh oái oăm , giữ tù bằng cách nào đây trong khi trong tay của Cushing chỉ có vỏn vẹn 25 tay súng mà quân của đại tá Onishi thì đã tiến lên sát nách rồi . Vô kế khả thi , đến đường cùng này Cushing chẳng biết tính làm sao đành trao tập hồ sơ mật cho hai người du kích nhận trách nhiệm phá vòng vây địch để vượt đến Negros mà giao cho tiềm thủy đỉnh mang về Arthur . Còn những người tù thì ông báo cáo lên rằng vì áp lực địch đè nặng quá sức nếu chống họ , họ sẽ thẳng tay bắn giết đồng bào vô tội . Arthur điên tiết liền ra lệnh bãi chức chỉ huy của Cushing và giáng ông xuống hàng binh nhì .

  Nhưng trong lúc thập tử nhất sanh này thì tạm thời anh binh nhì Cushing vẫn còn nắm chức chỉ huy , vì ở đây ngoài ông ta ra còn có ai để thay thế . Ông ta vội đứng ra điều đình với Onishi ngay . Ông bàn với đô đốc Fukudome , người mà Cushing ngờ là Koga phải viết cho đại tá Onishi một lá thư ngay , đại ý bảo ông ta đừng có nóng nãy ra tay giết người vô tội mà hãy chờ bàn bạc rồi sẽ thả người sau . Fukudome vì tự nhận mình là đô đốc Koga nên khi viết thư bắt buộc ông phải dùng cái tên ấy . Lá thư được chuyển tới tay Onishi và không bao lâu sau đó Cushing cũng nhận được lá thư phúc đáp của Onishi . Fukudome một lần nữa phải leo lên cáng để cho người ta khiêng . Cushing tiến tới thân mật bắt tay vị đô đốc , bây giờ vô hình chung họ như đã là bạn bè với nhau . Một tiểu đội không vũ trang hộ tống đoàn tù binh xuống núi trở về vùng đất tự do .

  Chiếc tiềm thủy đỉnh trở về căn cứ ở Úc đại lợi với chiếc cặp hồ sơ mật , nó được chuyển ngay đến Mac Arthur . Khi mở nó ra người ta mới phát giác ra đó mà những tập hồ sơ tối quan trọng của địch . Tuy vậy với cái công trạng này theo lẽ Cushing được phục hồi chức vụ nhưng trong suốt cuộc chiến người ta vẫn bỏ quên ông ta . Riêng ông thì mãi canh cánh bên lòng là khi tướng Mac Arthur vào được Phi luật tân rồi thì số phận của mình càng hẩm hiu hơn mặc dù đang đóng lon "binh nhì" . (Một phần thưởng xứng đáng mà cho đến sau này khi chiến tranh chấm dứt do sự can thiệp của tướng Courtney Whitney , chỉ huy trưởng sở tình báo liên quân Cushing mới được phục hồi chức vị cũ . Đồng thời với công trạng tóm được cái cặp da hồ sơ tối mật , một đóng góp không nhỏ đi đến chiến thắng cuối cùng cho phe đồng minh , Cushing được thưởng một số hiện kim kha khá , nó có thể giúp ông sống thoải mái suốt đời trên đảo . Nhưng bởi cái tính khí hào phóng hơn người nên ông đã tiêu sạch vào những buổi tiệc tùng ăn nhậu thiết đãi bạn bè từ Phi luật tân sang đến tận California . Chỉ vài tháng là ông tiêu sạch sành sanh số tiền thưởng kia rồi mới chịu quay về đảo Cebu , và mất ở đó vào năm 1965) .

  Đô đốc Soemu Toyoda , cựu chỉ huy trưởng căn cứ hải quân ở Yokusuka được đề cử lên thay thế Koga , chỉ huy hạm đội liên hợp . Đô đốc Toyoda , một con người quá tỉ mỉ đến nổi người ta thường hay lên tiếng châm biếm là nếu làm việc cho ông ta có thế nào cũng có ngày phải bị suy nhược thần kinh mà chết . Tuy nhiên Toyoda được Đông kinh để ý đến ngay từ lúc chiến tranh vừa bắt đầu nên đã triệu hồi ông về làm việc tại bộ chỉ huy hải quân ở thủ đô . Khi giao cho ông chỉ huy hạm đội liên hợp thì người ta cũng nghĩ đến phải chọn ngay cho ông một vị tham mưu trưởng có nhiều mưu lược và dày dạn kinh nghiệm biển cả . Người mà Đông kinh để ý không ai khác hơn là đô đốc Ryunosuke Kusaka , người từng giữ chức vụ tham mưu trưởng cho Nagumo chỉ huy hạm đội Kido Butai . Hiện tại thì Kusaka đang phục vụ dười trướng của một người anh con nhà bác là đô đốc Junichi Kusaka ở căn cứ Rabaul .

   Nhận được lệnh , lập tức Kusaka từ giã Rabaul lên đường trở về Đông kinh ngay . Bởi căn cứ Rabaul hiện tại đã bị quân đồng minh cô lập nên muốn rời khỏi nó Kusaka chỉ còn một phương tiện duy nhất là phi cơ , nhưng để tránh nguy hiểm ông phải di chuyển lúc đêm xuống mới mong an toàn . Tuy nhiên trên đường đi ông vẫn bị phi cơ Hoa kỳ bám sát và vị đô đốc tân tham mưu trưởng của Toyoda phải một phen bở vía . Chiếc phi cơ của ông phải ghé xuống căn cứ ở đảo  Truk để tiếp thêm nhiên liệu rồi sau đó lại tới Saipan , ở đây Kusaka gặp lại Nagumo , cựu chỉ huy trưởng hạm đội Kido Butai đã cùng sát cánh với ông trong những trận thư hùng khốc liệt nhất kể từ sau chiến công Trân châu cảng . Sau những thất bại liên tiếp của Kido Butai ở Midway và Guadalcanal , người ta đã không cách chức đô đốc Nagumo nhưng chỉ giao cho ông làm chỉ huy một hải đội rất khiêm nhường hoạt động trong một vùng biển hạn hẹp . Tại Saipan này vị tân tham mưu trưởng hạm đội liên hợp phải giật mình thất kinh khi nhìn thấy sự phòng thủ ở đây quá sơ sài đến nổi ông phải lắc đầu thở dài với vị chỉ huy căn cứ "Nếu mấy ông phòng bị như thế này thì tốt hơn hết đừng có phòng bị gì cả" . Sáng hôm sau Kusaka bay đến Iwo Jima , trong lúc phi cơ dừng lại lấy thêm nhiên liệu , ông đi một vòng quan sát hòn đảo núi lửa này . Phải nhìn nhận hệ thống phòng thủ ở đây rất tốt nhưng vũ khí lại thiếu thốn quá . Kusaka vào gặp vị chỉ huy trưởng căn cứ là hạm trưởng Wachi , chắc quí vị vẫn còn nhớ Wachi , một nhân viên sĩ quan tình báo hải quân hoạt động ở Mexico city , vì muốn trục lợi riêng cho mình nên mua rất nhiều thủy nhân mang về Nhật , công việc đổ bể khiến cho ông phải chạy chọt hối lộ với quan chức địa phương ở Mễ , việc này đã xảy ra trước cuộc không kích Trân châu cảng . Kusaka hứa với Wachi rằng ông sẽ chuyển đến cho Wachi nhiều vũ khí và sau cùng là chúc ông ở lại chiến đấu tốt .

  Vừa về đến tổng hành dinh của hạm đội liên hợp , ở một nơi cách thủ đô Đông kinh không xa , vị tân tham mưu trưởng lại bắt tay vào việc ngay . Cũng giống như người tham mưu trưởng  tiền nhiệm , trong đầu của Kusaka cũng đang nghĩ tới một trận chiến cuối cùng để quyết định cuộc chiến . Theo như kế hoạch mới mà ông đã vẽ ra thì nó cũng không khác gì mấy so với kế hoạch của cố đô đốc Koga . Từ hồi đầu tháng 03 , hải quân Nhật đã cải tổ hoàn toàn mới . Bây giờ với một lực lượng mới của nó tên gọi hạm đội lưu động thứ nhất dưới sự chỉ huy của phó đô đốc Jisaburo Ozawa . Hạm đội này đang thả neo tại Lingga , bên ngoài vùng biển Tân gia ba , một vị trí rất gần nguồn dầu tiếp liệu nhưng khá xa vùng biển đang dậy sóng ở Phi luật tân . Kusaka nhắc lại câu ngạn ngữ của Trung hoa là “không cần biết cánh cung nó có mạnh đến đâu nhưng mũi tên khi bay quá xa cũng chẳng đâm thủng được mảnh vải” . Vì đó là một hạm đội lưu động nên tốt nhất và cần nhất là phải sẳn sàng để ứng chiến trong mọi tình huống , có khi xuất hiện ở nam Phi luật tân , có khi thì Palaus hoặc Saipan chứ không thể bỏ neo ở một nơi biển lặng gió êm hoàn toàn như ở Tân gia ba được . Một mặt Kusaka cũng nhắc nhở sự phòng bị còn quá lôi thôi ở Saipan , ông cho rằng chính ở nơi đây cần phải củng cố lại hệ thống phòng thủ cho thật vững chãi , vì đó là điểm trọng yếu nhất của chiến dịch . Ông kêu gọi phe lục quân hãy chịu trách nhiệm về điểm chiến lược quan trọng của Saipan (đảo Saipan nằm trong quần đảo Marianas cùng với Guam) . Tojo cảm thấy bực mình không ít về lời kêu gọi này .

  Đến cuối tháng Tư thì chiến dịch mang tên A-Go đã vẽ xong với đầy đủ chi tiết . Đô đốc Toyoda , chỉ huy hạm đội liên hợp đã đi đến một chọn lựa cuối cùng là lấy quần đảo Palaus (quần đảo Palaus nằm ở vị trí phía đông của đảo Mindanao Phi luật tân) làm một chiến trường quyết định . Ông dự tính , nếu trường hợp Hoa kỳ tiến thẳng vào quần đảo Marianas thì hải quân Nhật sẽ dụ họ tiến sâu về phía nam hơn , một lợi điểm cho hạm đội lưu động là ở gần nguồn cung cấp nhiên liệu và những căn cứ không quân trong đất liền . Chính ở nơi đó hải không lực Nhật sẽ có cơ hội tung toàn lực ra chiến đấu . Với một niềm tin mãnh liệt ở năm trăm bốn mươi phi cơ từ những căn cứ trong đất liền của hạm đội lưu động thứ nhất sẽ cất cánh hỗ trợ ngay từ phút đầu cuộc chiến , ít nhất thì những phi cơ này sẽ tiêu diệt một phần ba lực lượng địch .

  Trở lại phía Hoa kỳ . Mục tiêu tiến chiếm kế tiếp của họ là Saipan , một hòn đảo chiến lược nằm trong quần đảo Marianas . Chỉ huy vẫn là đô đốc Nimitz . Cũng cùng trong thời gian này , tướng Mac Arthur quyết định nhảy thêm một bước dài rút ngắn lộ trình đến Đông kinh  . Đó là một cuộc hành quân qui mô tiến chiếm hải cảng Hollandia , một hải cảng quan trọng nằm ngay cực bắc của đảo quốc New Guinea . Cuộc đổ bộ bất thần gây kinh hoàng cho 11 ngàn quân phòng thủ ở đây . Vừa mở màn , Hoa kỳ áp dụng chiến thuật khống chế không quân bằng cách tập trung hỏa lực hải pháo vào các phi trường phá hủy toàn bộ phi cơ địch , rồi sau đó có đến 52 ngàn thủy quân lục chiến đổ bộ . Với một lực lượng tấn công gần gấp năm lần khiến cho quân trú phòng Nhật dù có cố gắng đến đâu cũng không thể giữ vững căn cứ được . Mac Arthur bây giờ coi như đã hoàn toàn làm chủ đảo quốc New Guinea . 

  Một tuần lễ sau đó , Mac Arthur lại nhảy thêm một bước dài nữa , đó là vùng Sarmi , một hòn đảo nằm cách New Guinea 120 dặm về hướng bắc . Ở đây có khoảng 14 ngàn binh sĩ Nhật cùng hai phi trường đang hoạt động , thêm một phi trường mới còn đang xây dựng . Tuy nhiên , con số 14 ngàn binh sĩ trú phòng ấy chỉ có phân nửa là quân chiến đấu chính thức , phần còn lại là nhân viên văn phòng và công nhân xây dựng . Với cùng một lối đánh phủ đầu bằng hỏa lực hùng hậu của hải pháo , quân Arthur tiến chiếm hòn đảo dễ dàng như đã chiếm lấy hải cảng Hollandia hồi tuần trước . Bây giờ ông tướng lục quân đã nắm trong tay thêm hai phi trường chiến lược quan trọng nữa . Say men chiến thắng , Arthur nhìn ngay đến mục tiêu kế tiếp , đó là hòn đảo nhỏ nằm ngay phía tây mang tên Biak . Đảo Biak là một điểm chiến lược nằm đúng ngay vị trí chính giữa một cái vịnh khổng lồ của New Guinea . Một hòn đảo với 45 dặm chiều dài và 20 dặm chiều ngang , ở đó đã có ba phi trường đang hoạt động . Ở một căn cứ mà Nhật đã đánh giá đúng mức tầm quan trọng của nó nên gia tăng quân phòng vệ lên đến cả một sư đoàn .

  Ngày 20 tháng 05 , Hoa kỳ bắt đầu bằng những cơn mưa bom kéo dài hàng tuần lễ nhưng đối với vị chỉ huy phòng thủ , không biết ông ta đã nghĩ gì mà chẳng có một biện pháp phòng thủ hữu hiệu . Đến lúc sư đoàn 41 đặt chân lên đảo thì chẳng có một cuộc đụng độ nào diễn ra . Đến khi họ tiến sâu vào phi trường thì bị khựng lại , bởi đạo quân phòng thủ đã lập sẳn các hệ thống phòng thủ vô cùng kiên cố , mọi cuộc tiến công của quân Hoa kỳ đều bị bẻ gãy . Tuy nhiên họ cũng không thể đẩy lùi thủy quân lục chiến Hoa kỳ ra khỏi hòn đảo được . Một thất bại lớn cho quân Nhật , vì quân Hoa kỳ đã tiến quá gần nên các phi trường đều nằm trong tầm đạn đại bác và súng cối của họ , phi cơ của Nhật coi như không thể cất cánh được nữa .

  Tin hòn đảo chiến lược quan trọng đang bị tấn công khiến cho Kusaka lo sốt vó , ông nôn nóng như người ngồi trên đống lửa . Nhưng với một viên chiến tướng dạn dày kinh nghiệm , ông vẫn còn đủ bình tỉnh để suy đoán “Nếu như mình đưa quân tiến vào tái chiếm lại hòn đảo , đó là một miếng mồi để nhử hạm đội Thái bình dương của địch đến gần hơn , và đây chẳng phải là một chiến trường quyết định như mình hằng mong đợi hay sao” . Thế rồi vị tham mưu trưởng hạm đội liên hợp mang ý nghĩ của mình ra bàn với các sĩ quan thuộc quyền , đa số ai cũng gật gù cho là thượng sách nhưng chỉ có vị sĩ quan tình báo hải quân , Chikataka Nakajima thì cho rằng cuộc đổ bộ của Mac Arthur lên tiểu đảo Biak chỉ là một mặt trận phụ , phần chính có thể ở Saipan . Ở nơi đó mới đáng lo ngại hơn vì nó được hỗ trợ của toàn bộ lực lượng hạm đội Thái bình dương . Kusaka bác bỏ lời giải thích của Nakajima , ông ngồi suốt đêm để vẽ ra kế hoạch tái chiếm Biak .

  Nakajima đã tiên liệu đúng . Ba sư đoàn dự định sẽ đổ bộ lên Saipan ngày 15 tháng 06 vừa hoàn tất xong một lớp huấn luyện đổ bộ đặc biệt ở Hạ uy di và đang có mặt trên một đoàn công voa 110 chiếc hải vận hạm trên đường tiến đến mục tiêu .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế