Trận Saipan

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Quần đảo Marianas , một chuổi đảo núi lửa nằm ngoài khơi Thái bình dương . Năm 1521 nhà hàng hải Magellan đã vô tình khám phá ra nó . Những con thuyền và thiết bị của thổ dân nơi đây đã tạo nhiều ấn tượng cho nhà hàng hải tây phương này , ông gọi quần đảo này là những hải đảo của cánh buồm tam giác . Nhưng đối với những thủy thủ của ông thì họ gọi đây là những cái ổ của ăn cướp biển . Đến thế kỷ 17 thì chúng được chính thức mang tên là Mariana of Austria , tên của một sương phụ thuộc hoàng tộc Tây ban nha . Cho đến những năm sau , khi ảnh hưởng của Tây ban nha yếu dần thì Hoa kỳ nhảy vào hất cẳng Tây ban nha và chiếm lấy đảo Guam , một hòn đảo lớn nhất trong quần đảo . Vài tháng sau , vào năm 1899 thì những người Tây ban nha chiếm cứ này mới bán nốt những quần đảo mà họ từng chiếm giữ là Carolines , Marshalls và Marianas cho Đức với giá 4 triệu đô la . Hoa kỳ cũng muốn mua lắm nhưng nghĩ lại thì họ đổi ý , những quần đảo trơ trọi giữa biển khơi kia chẳng có gì đáng giá mà sao bán tới bốn triệu đô .

  Trong khi thế chiến thứ nhất xảy ra thì Nhật nhanh tay chiếm giữ lấy những quần đảo này . Vì đứng về phía chiến thắng của đồng minh  nên sau này được hội quốc liên ủy thác cho họ làm chủ luôn những quần đảo ấy . Năm 1935 , họ cho xây dựng căn cứ không quân Aslito ở phía nam đảo Saipan , và sau đó thêm một căn cứ thủy phi cơ ở hướng tây bắc hải đảo . Ngay từ lúc đó Hoa kỳ đã lên án Nhật bản xử dụng hòn đảo như một căn cứ quân sự , hành động này trái ngược lại hiệp ước của hội quốc liên . Nhưng kỳ thật thì ở đó chỉ có một nhúm binh sĩ của họ mà thôi , đa số trẻ nhỏ thổ dân trên đảo đều bị bắt buộc đi đến trường học tiếng Nhật ít nhất cũng phải sáu năm . Những thanh thiếu niên bẩm sinh sáng dạ thông minh thì được khuyến khích đi theo ngành đào tạo nông nghiệp . Mía đường là nguồn lợi sản xuất chính ở đây . Khi khói lửa tràn ngập Trân châu cảng thì Saipan đã trở thành một tiểu Đông kinh . Có đến hơn 30 ngàn người sinh sống ở đó , trong số ấy chỉ có khoảng bốn ngàn người thổ dân thuộc tộc Chamorros .

  Trong suốt hai năm đầu của cuộc chiến , mọi sinh hoạt trên đảo Saipan vẫn diễn ra bình thường ngoại trừ người Nhật sử dụng những bến cảng ở đó như một trạm tiếp tế cho toàn khu vực nam Thái bình dương . Sau khi Tarawa và Kwajalein bị Hoa kỳ tiến chiếm thì lực lượng phòng thủ ở đây cũng chẳng có thay đổi gì , đơn thuần thì cũng chỉ là một lực lượng làm cảnh mà thôi . Ngoại trừ những công sự bê tông ở rải rác được những toán công binh khởi công xây dựng  nhưng công việc còn đang lơ lửng dở dang chưa biết đến bao giờ mới hoàn tất . Đó là một cố gắng để gọi là củng cố hệ thống phòng thủ trên một hòn đảo chiến lược . Một hòn đảo mà đô đốc Nimitz đang nhắm tới cho mục tiêu kế tiếp của ông .

  Sáng ngày 23 tháng 02 năm 1944 , các phi đội oanh tạc cơ Hoa kỳ cất cánh từ những mẫu hạm bay vào oanh tạc phi trường trên đảo . Người dân ở đây nghe nhiều tiếng súng phòng không bắn trả nhưng chẳng nhìn thấy một chiếc phi cơ nào của Nhật cất cánh lên nghênh địch . Lúc bình thường thì vẫn thấy họ chao liệng đầy trời , có khi bay thật thấp khiến cho dân chúng rất đổi bực mình vì thanh âm gào thét đinh tai của chúng . Sự thật thì cũng còn vài phi đội từ các căn cứ trên đảo Saipan , Tinian và Guam kịp cất cánh lên ngăn địch trong khi đã có đến 101 phi cơ bị phá hủy ngay dưới phi đạo . Tuy nhiên , sau một thời gian chống trả , cuộc không chiến chấm dứt với kết quả 6 phi cơ Hoa kỳ bị bắn rơi . Về phía Nhật thì bảy mươi bốn phi cơ cất cánh ngăn giặc bây giờ chỉ còn lại vỏn vẹn bảy chiếc an toàn trở về căn cứ . 

  Cuộc sống êm ả trôi theo tháng ngày của những người dân nơi đảo Saipan coi như chấm dứt từ đây . Tất cả trường học , công sở cũng như hảng xưởng đều phải đóng cửa . Dân chúng bị tập trung lại để đào công sự chiến đấu cũng như hầm trú ẩn cũng như xây dựng thêm một bãi đáp cho phi cơ quân sự . Lệnh hồi hương bắt buộc những người già , trẻ em và phụ nữ Nhật phải trở về nguyên quán . Ngày 03 tháng 03 , chiếc Amerika-maru chở đoàn phụ lão ấu tổng cộng 1,700 người , đa số đều là thân nhân gia đình của những viên chức sĩ quan làm việc tại đây . Nhưng những người bất hạnh này chẳng bao giờ về đến quê hương của họ được . Sau ba ngày hải hành thì chiếc Amerika-maru bị hải quân Hoa kỳ đánh trúng một trái thủy lôi nên nó chìm ngay , mang theo 1,700 thường dân vô tội vĩnh viễn nằm lại nơi đáy sâu vạn dặm giữa Thái bình dương .

  Trong khi ấy thì những dương vận hạm của Nhật bản chở binh sĩ tới tiếp ứng cho mặt trận Marianas cũng bị thủy lôi đánh chìm rất nhiều , những người còn sống sót đến được Saipan thì thảy đều thất vọng và chán nản cùng cực , họ chẳng còn vũ khí và thực phẩm gì cả . Trước thế tiến quá mạnh gần như là vũ bão của Hoa kỳ ở trục trung tâm Thái bình dương khiến cho bộ tổng hành dinh Thiên Hoàng hoảng kinh , họ vội vả cho củng cố lại cơ cấu chỉ huy và tăng cường  thêm cho phòng tuyến này một hạm đội mới , đó là hạm đội có một cái tên dài thườn thượt là hạm đội vùng trung tâm Thái bình dương do đô đốc Nagumo chỉ huy . Nagumo là vị cựu chỉ huy trưởng hạm đội Kido Butai đã từng dẫn quân không kích Trân châu cảng . Ông lãnh lệnh mang hạm đội mới thành lập này tới ngay đảo Saipan . Theo nguyên tắc , với chức vụ chỉ huy trưởng chiến trường trung tâm Thái bình dương thì Nagumo là vị chỉ huy tối cao của cả hải lẫn lục quân , nhưng khi bàn giao nhiệm vụ cho ông thì những chỉ thị của Đông kinh lại khá mù mờ khiến cho Nagumo nghĩ rằng mình chỉ có danh chớ chẳng có thực quyền chỉ huy chi cả . Nói tóm lại là một vị chỉ huy bù nhìn không hơn không kém .

  Bước vào hạ tuần tháng 05 , sư đoàn 43 lục quân được chuyển tới Saipan bằng hai đoàn công voa . Đoàn công voa thứ nhất đến đảo an toàn nhưng đoàn thứ nhì , với hơn bảy ngàn binh sĩ kém may mắn bị tàu ngầm Hoa kỳ tấn công khiến cho 5 trong 7 dương vận hạm bị chìm . Hai chiếc còn lại phải cứu vớt những binh sĩ còn sống sót cố lê lết đến mục tiêu là đảo Saipan . Hơn năm ngàn binh sĩ , đa số đã bị trọng thương và cháy bỏng , vũ khí đạn dược cũng bị thiệt hại vô số . Sự thiệt hại của sư đoàn 43 đã lên đến mức báo động khiến cho đại tá Takashi Hirakushi , sĩ quan tham mưu sư đoàn đã gửi báo cáo về là cần phải đến sáu tháng thời gian trước khi sư đoàn của ông mới đứng dậy nổi và bắt tay vào việc phòng thủ hải đảo .

  Tình hình trì hưỡn ở đây vẫn cứ kéo dài đến như vô tận , chẳng có một cố gắng nào để gọi là chuẩn bị phòng thủ trên quần đảo nơi tuyến đầu khói lửa này . Trung tướng Hideyoshi Obata , chỉ huy lộ quân thứ 31 , người nắm luôn chức vụ chỉ huy trưởng lục quân trên toàn quần đảo Marianas mà tổng hành dinh đóng ở đảo Saipan đã lên tiếng báo động với đô đốc Nagumo “Trừ khi những đơn vị trú phòng có được những công sự phòng thủ vững chắc . Nếu không , những hòn đảo này không thể nào tồn tại được , cho dù là đổ vào đây bao nhiêu binh sĩ đi nữa thì tình trạng cũng vẫn không thể nào thay đổi” . Quả thật , tình trạng ở đây càng lúc càng tồi tệ hết sức , hàng ngàn tấn vật liệu xây dựng công sự phòng thủ như xi măng , sắt , thép đã bị hải quân và không quân Hoa kỳ chận đón đánh chìm và bây giờ thì chẳng còn chuyến nào dám đến nữa .

  Trong hoàn cảnh tuyệt vọng của 31,629 binh sỉ thuộc cánh quân phòng thủ (trong số này gồm có 25,469 lục quân và 6,160 hải quân) Đông kinh vẫn chưa có một kế hoạch nào chắc chắn thì một hạm đội hùng hậu của Hoa kỳ đã tiến đến bao vây lấy đảo Saipan . Một lực lượng bộ binh lên đến hơn 12 sư đoàn , tức 121 ngàn quân nhân đang có mặt trên những dương vận hạm đang thả neo chung quanh đảo , hai phần ba trong số họ là thủy quân lục chiến . Ngày 07 tháng 06 , lệnh đổ bộ bắt đầu .

  Lúc này hạm đội liên hợp lo bận rộn với chiến dịch Kon , cố gắng tái chiếm hòn đảo tí hon Biak đã bị Mac Arthur tấn công quyết liệt . Nhưng dù cố gắng đến đâu hải quân Nhật cũng đành chịu thất bại , họ không thể chiếm lại hòn đảo chiến lược mà ông tướng lục quân Arthur đang quyết tâm giữ lấy . Cuối cùng sau hai lần cố gắng Nhật phải quay trở về căn cứ và để lại một khu trục hạm vĩnh viễn nằm lại chiến trường . Đô đốc Ozawa , chỉ huy trưởng hạm đội lưu động gọi radio báo cáo về tổng hành dinh hạm đội liên hợp rằng những phi trường ở trên đảo Biak rất kiên cố , Hoa kỳ khó mà chiếm lấy nổi . Ông cũng nhắc nhở với thượng cấp của mình rằng nếu cứ cố gắng tiến đến giải vây cho đảo Biak thì tạo nhiều cơ hội để dụ hạm đội Thái bình dương của địch vào khu vực do mình chọn lựa để đánh một trận quyết định đúng theo chiến dịch A-go đã sắp sẳn . Tham mưu trưởng Kusaka nghe mùi tai quá nên khuyên chỉ huy hạm đội liên hợp là Toyoda truyền lệnh cho đô đốc Ozawa lập tức dùng một lực lượng hùng hậu sẳn có để lao vào một cố gắng cuối cùng . Chiến dịch KON được giao cho một lực lượng gồm một tuần dương hạm nhẹ , sáu khu trục hạm và hai đại thiết giáp hạm là chiếc Đại hòa và Musashi . Chiều ngày 10 tháng 06 , lực lượng đáng gờm này rời Tawi quay mũi về phía nam để đến mục tiêu .

  Trong khi hải quân Nhật chỉ chú trọng đến giải vây cho hòn đảo nhỏ Biak thì Hoa kỳ vẫn theo một kế hoạch đã định , một mục tiêu chính của họ là đảo Saipan , cách nơi hải quân của Nhật hoạt động gần một ngàn ba trăm dặm về hướng đông bắc .

  Trưa ngày 11 tháng 06 , nhiều phi đội lần lượt rời các đường băng mẫu hạm , tất cả là 208 chiến đấu cơ và 8 phi cơ phóng thủy lôi lao vun vút vào vùng trời của hai hòn đảo Saipan và Tinian . Bất kể hỏa lực từ dưới bắn lên như màng lưới đỏ giăng khắp bầu trời nhưng họ vẫn cứ lăn xả vào hai hòn đảo chỉ cách nhau một eo biển hẹp mà bắn phá và oanh tạc . Tin đảo Saipan bị không kích khiến cho kế hoạch của chiến dịch Kon phải hủy bỏ ngay . Quần đảo Marianas bây giờ mới là mục tiêu của hạm đội liên hợp , chỉ huy hạm đội lưu động Ozawa cũng nhận được lệnh liền đổi hướng Marianas tiến phát .

  Ngày 13 tháng 06 , một hạm đội của Hoa kỳ gồm 11 khu trục hạm và bảy thiết giáp hạm bắt đầu mở cuộc hải pháo khủng khiếp vào bờ của hai hòn đảo Saipan và Tinian . Những quả đại pháo cứ nối tiếp nhau rót vào hai hòn đảo ùng oàng suốt cả ngày hôm ấy . Nhưng như thế vẫn chưa đủ , đến chiều tối họ tăng cường thêm một hải đội nữa gồm 8 chiếc thiết giáp hạm , sáu tuần dương hạm nặng và năm tuần dương hạm nhẹ . Phen này Hoa kỳ muốn dùng hỏa lực khủng khiếp của họ nhận chìm cả hai hòn đảo cùng một lúc .

  Trên hai hòn đảo bây giờ chẳng còn lại thứ gì nguyên vẹn cả . Binh sĩ thì nằm sâu trong chiến hào hoặc hầm trú ẩn mà nghe tiếng pháo rít liên tục trên đầu và những tràng tiếng nổ ì ầm kéo dài tưởng chừng như một cơn địa chấn liên miên bất tận . Đất đá cứ rung rinh từng chập , nhà cửa doanh trại lần lượt xụp đổ theo những ánh lửa lóe lên cùng những tiếng nổ khủng khiếp của loại đầu đạn đại bác khổng lồ từ những thiết giáp hạm tối tân của Hoa kỳ . Đây là những tiếng nổ có sức áp đảo mãnh liệt cho cánh quân phòng thủ đang nằm dí sát người dưới những hầm trú ẩn . Họ là những binh sĩ còn sống sót sau chuyển hải hành kinh hoàng vừa mới tới được đảo , bởi đa số từ nhiều đơn vị rả bèn khác nhau được tập họp lại thành một đơn vị mới nên tổ chức rất ô hợp , thiếu vũ khí và thậm chí thiếu cả sĩ quan chỉ huy . Thử hỏi , một đơn vị tác chiến như thế mà đánh đấm làm sao trước sức tiến công như vũ bão của thủy quân lục chiến Hoa kỳ . Đô đốc Nagumo tuy trên thực tế , danh nghĩa vẫn là chỉ huy trưởng của một lực lượng phòng thủ vá víu lộn xộn này nhưng lúc nào ông cũng chiều theo ý của tướng Obata , tư lệnh lộ quân thứ 31 lục quân . Và trong lúc dầu sôi lửa bỏng này , tướng Obata cũng chẳng có mặt ở Saipan , ông đang trên một chuyến thanh tra căn cứ Palaus chỉ để lại vị tham mưu trưởng là trung tướng Keiji Igeta , một cấp bậc còn cao hơn cả tướng Saito , chỉ huy trưởng căn cứ Saipan .

  Trời vừa tối hẳn thì tàu đổ bộ của Hoa kỳ cũng vừa xuất hiện ở phía xa xa , đang tiến dần về đảo Saipan . Bầu trời tối sẩm được thấp sáng bởi những đám cháy còn đang âm ỉ . Trên cả hòn đảo , lửa khói nghi ngút khắp nơi , từ những dãy phố nơi tập trung dân chúng đến những đám rừng hoang chưa khai phá . 

  Trời còn chưa sáng hẳn , những thủy quân lục chiến đã chuẩn bị sẳn sàng trong tư thế đổ bộ . Trong màng sương sớm chưa bị pha loãng bởi ánh hồng của bình minh , từ những dương vận hạm và tàu đổ bộ , những binh sĩ còn trông thấy rõ ràng hình dáng ngọn núi Tapotchau đứng cao sừng sững như kêu ngạo thách thức họ . Nơi phía dưới , trong ánh sáng mù mờ của giao điểm ngày và đêm , hình dạng hòn đảo Saipan nằm im lìm hiện ra ngay phía trước mắt họ trông như một con thủy quái khổng lồ nhô lên khỏi mặt đại dương .

  Lệnh đổ bộ được truyền xuống rất rõ ràng là hai sư đoàn sẽ đổ bộ ở một điểm 4 dặm cách cái làng nhỏ trong khi một lực lượng nghi binh khác sẽ đổ lên điểm cách 5 dặm về phía bắc , chỗ ấy có tên là Garapan .

  Tuần dương hạm , thiết giáp hạm và khu trục hạm bắt đầu rót thêm một đợt hải pháo cuối cùng lúc năm giờ ba mươi trước khi cho bộ binh đổ bộ vào bờ . Quân trú phòng đang nằm chờ sẳn dưới những công sự hoặc những đầm lầy quanh khu vực bờ biển , họ chuẩn bị tử chiến với quân thù . 

  Mười hai phút sau , tức 5 giờ 42 , phó đô đốc Kelly Turner , chỉ huy trưởng lực lượng viễn chinh hỗn hợp ra lệnh cho lực lượng đổ bộ bắt đầu cập bến . Trung tá Tompkins quay sang Sherrod gật đầu như ngầm bảo người sĩ quan bạn hãy bảo trọng .

  Ba mươi bốn tàu chuyển quân LST tiến thẳng vào bờ biển . Khi còn cách bờ khoảng hai dặm , những cái mồm khổng lồ của những chiếc LST há rộng ra , những bộ quân phục màu xanh ô-liu theo thứ tự chuyển sang những tàu đổ bộ nhỏ để vào bờ  . Phía trên bãi đổ bộ , một phi đoàn gồm 155 chiếc oanh tạc cơ đã xuất hiện từ sớm dọn bãi sẳn cho cánh quân đổ bộ tiến vào . Bây giờ quang cảnh đã quá tiêu điều , chỗ nào cũng khói lửa mù trời , mùi bom đạn vẫn còn quyện quanh trong màng sương sớm . Đến tám giờ sáng thì 8 tiểu đoàn thủy quân lục chiến đầu tiên đã di chuyển sang tổng cộng là 719 tàu đổ bộ để chuẩn bị tiến vào bờ . Tháp tùng với nhiều đoàn tàu đổ bộ này còn có vô số pháo hạm và xe lội nước .

  Đoàn tàu đổ bộ xếp thành đội hình , nhìn từ xa chúng không khác gì một đàn cá khổng lồ , chiếm một vùng biển rộng hơn bốn dặm chiều ngang , cứ thế mà tiến thẳng vào bờ cát . Khi còn cách bờ khoảng 700 mét thì thình lình đạn pháo từ trên bờ rót ngay vào đội hình của tàu đổ bộ như mưa . Bỗng chốc đội hình của họ bị hoãng loạn lên ngay , 18 chiếc xe lội nước tháo chạy càng lên những dãy đá ngầm trông họ không khác gì những con cua mắc cạn bò loạn xị . Phía sau , vài chiếc tàu đổ bộ bị trúng pháo chìm ngay . Nhưng phần đông nhanh nhẹn ủi sát vào những nơi có đá ngầm , vì họ cũng đã biết đó là một nơi cạn nhất . Giữa lúc khốn đốn gần như hoãng loạn , may mắn cho họ , từ đâu một phi đội 12 oanh tạc cơ xuất hiện dội bom đánh câm họng tất cả những pháo địch . Tình hình trở lại sáng sủa hơn và công tác đổ bộ lại tiếp tục . Đến lúc này thì những chiếc xe lội nước đi tiên phong đã lăn bánh trên bãi cát . Chúng giàn thành đội hình làm tấm lá chắn bảo vệ cho những chiếc áo màu ô liu ở phía sau ôm súng tiến tới . Cuộc đổ bộ chớp nhoáng của toán tiền quân đã đạt được một kỷ lục vô tiền khoáng hậu , chỉ trong vòng 20 phút ngắn ngủi mà đã có đến tám ngàn thủy quân lục chiến đặc chân lên đảo . Dĩ nhiên là quân trú phòng của Nhật , dù phải chịu sau những trận bom pháo tưởng chừng như đất đá cũng ra tro nhưng vẫn còn một số sống sót nằm chịu trận trong những hầm hố kiên cố , bây giờ quân thù xuất hiện vô số trên bãi biển thì lẽ nào họ lại chịu để yên cho . Mọi hỏa lực còn lại của họ đều dồn hết về phía bờ biển , nơi những binh sĩ Hoa kỳ chân vừa mới chạm bãi cát chưa hầm chưa hố đang đưa lưng ra hứng đạn . Toán thủy quân lục chiến đổ bộ lên trước đã bám sẳn ở bìa cây giáp bãi biển . Họ cố gắng chống trả và quyết bám lấy bờ cây để lập một đầu cầu cho quân đổ bộ tiến lên  . Bất chấp hỏa lực đủ loại của quân Nhật từ trên tuông xuống như mưa bấc , từng nhóm thủy quân lục chiến như những bóng ma ôm súng lao nhanh lên những bờ cây tìm nơi ẩn nấp rồi cho tung ra từng tiểu tổ truy lùng và tiêu diệt từng ổ địch . Quả thật ở nơi đây địa thế rất hiểm trở . Dựa vào thế đất đá lồi lõm dưới chân núi Tapotchau , Saito đã cho xây dựng các pháo đài chìm sâu trong những hốc núi , hang động . Ngõ ngách thiên nhiên ăn ruồng với nhau tạo thành một mê cung , đó là  hệ thống một giao thông hào rất kiên cố , lại được ngụy trang thật khéo léo nên dù bom pháo mấy lượt mà nó chẳng hề hấn gì . Để bứng lấy những chốt địch dày đặc này , thủy quân lục chiến phải tiến từng bước để nhổ từng chốt một . Vì đó là những hang động rất kiên cố nên phải dùng đến Bazoka và súng phun lửa mới có hiệu quả . Do quá nhiều chốt chận nên con đường hành quân dẫn tới căn cứ Nhật ở sân bay quân sự có tên là Charan Kanoa , thủy quân lục chiến phải vừa di chuyển vừa nhổ chốt . Họ hành quân rất chậm , tuy chậm nhưng mà chắc .

  Từ trên một trạm quan sát xây trên sườn đồi thoai thải , Đô đốc Nagumo đưa mắt theo dõi những cái bóng màu ô liu của binh sĩ Hoa kỳ ở phía xa xa đang di chuyển theo triền núi , cạnh bờ rừng . Ông quay ra nhìn trừng trừng vào đoàn hạm đội trùng trùng điệp điệp của địch đang bao quanh lấy khu vực bờ biển vừa đổ quân , họ như bầy vịt trời đang tụ nhau nằm hong nắng . Bất giác ông quay sang nhìn vị sĩ quan bên cạnh khẻ lắc đầu mà chẳng nói chi . Yeoman Noda từng là thư ký riêng của đô đốc Yamamoto khi ông còn sinh tiền . Thấy cử chỉ của Nagumo , Noda cũng dư đoán biết là ông ta đang nghĩ gì . Noda lại lên tiếng bảo với Nagumo chính ông trông thấy có ít nhất bốn chiến thiết giáp hạm trong cái đám vịt trời đang hong nắng kia , chúng là những chiến hạm bị thiệt hại nặng nề trong trận không kích Trân châu cảng , bây giờ lại trở lại với chiến trường rồi .

  Cách đó không xa lắm , một quả pháo lạc loài rơi xuống và phát nổ ngay trong khu vực doanh trại tướng Saito . Hiện tại thì chỉ có ông ta còn có mặt ở đó trong khi các sĩ quan tham mưu của ông thì đã di chuyển ra hết bên ngoài , đến một khu vực an toàn gần những hang động để chỉ huy ngay tại mặt trận . Khi tiếng nổ dứt , làn khói đen đặc tan loảng đi thì người ta còn thấy viên tướng chỉ huy vẫn còn ngồi đó bất động , mắt mở trừng trừng như đang chú tâm nhìn một vật gì nhưng sự thật thì ông chẳng nhìn gì cả . Thanh kiếm của ông nằm lọt vào giữa hai đùi đang dang rộng . Chung quanh đó xác người ngỗn ngang , một nửa trong số những người đang có mặt ở đây đã hồn lìa khỏi xác .

  Saito đã quyết định phải chiến đấu tới cùng , ông ban ra một cái lệnh cứng như đá tảng rằng tất cả hãy chuẩn bị , chúng ta quyết tử chiến ngay trong đêm nay . Với một sư đoàn mà toàn là binh sĩ từ nhiều đơn vị vá víu lại với nhau , chưa nói đến số thương vong đã lên đến mức báo động đến nổi khi kiểm điểm lại thì chỉ còn khoảng 36 chiếc xe thiết giáp và một ngàn tay súng còn đủ sức chiến đấu . Một lực lượng quá ít ỏi như thế này thì làm sao mở một cuộc đột kích bất thần vào trận địa của địch đây . Dù chưa chạm địch nhưng Saito cũng đã nhìn thấy rất rõ cái kết quả của nó rồi , có lẽ vì bổn phận và trách nhiệm nên ông không còn con đường chọn lựa nào khác . Cuộc đột kích vừa mới mở màng là đã gặp nhiều trở ngại . Theo dự tính thì đích thân tướng Saito sẽ điều động lực lượng đột kích này , địa điểm họp mặt là trên một ngọn đồi cách sân bay Charan Kanoa không xa . Nhưng không ngờ lúc chuyển quân đến điểm hẹn họ đã bị Hoa kỳ phát giác và chú ý . Đến lúc biết rõ âm mưu của Nhật đang tựu tập lực lượng để mở cuộc đột kích bất thần thì họ tương kế tựu kế , đợi cho binh sĩ Nhật tập trung cả lực lượng vào một chỗ rồi mới cho pháo binh khai hỏa tiêu diệt gọn . Phía Nhật bản , thình lình bị pháo rơi trúng vào giữa đội hình khiến hàng ngũ hỗn loạn , kẻ chết người bị thương kêu la thảm thiết . Tướng Saito cũng chẳng biết làm gì hơn cứ nhanh chân phóng bừa cố rời nơi hiểm địa càng xa càng tốt .

  Đến lúc nửa đêm thì người ta báo cáo rằng vị tướng chỉ huy bị kẹt trong một rẫy mía bị cháy và ông đã chết trong ấy . Đại tá Hirakushi nhận lệnh đi tìm thi hài của vị chủ tướng , những sĩ quan còn sống sót ở lại lo đốc thúc binh sĩ mở cuộc tấn công . Đầu tiên là những chiếc xe tăng còn sống sót sẽ mở đường tấn công trước . Nhưng khi những con cua sắt bò lên chưa được nửa đoạn đường thì bị pháo địch dập vào đội hình tới tấp , tức thì vài chiếc bị trúng pháo nổ tung cháy sáng rực như những ánh đuốc di động . Những chiếc còn lại bở vía nhắm hướng chân đồi phóng tới bất kể bộ binh tùng thiết có bắt kịp hay không . Khi đến chân đồi thì họ đồng dừng lại và tập trung vào một chỗ để chờ những cánh quân tùng thiết . Đứng trước những con cua sắt đã ê càng và đoàn quân tùng thiết rã rời rách nát , các vị sĩ quan tay cầm gươm múa máy nét mặt hầm hầm , cứ đi tới đi lui quát tháo ầm ỉ , bắt buộc đội quân tan tác này quay trở lại ăn thua đủ với kẻ thù một trận mới nghe .

   Thế là đoàn quân chưa giao chiến mà đã tiêu hao quá nửa này đành phải quay trở lại để làm những con thiêu thân trước những ngọn đèn đỏ lửa . Cứ tiến lên thì bị hỏa lực của Hoa kỳ đốn ngã , rồi rút lui tập họp chỉnh đốn đội ngũ để tấn công tiếp . Kết quả trong đêm ấy Nhật đã để lại gần 700 cái xác và phòng tuyến của Hoa kỳ dĩ nhiên là chẳng hề hấn gì .

  Nói về Đại tá Hirakushi , ông cũng suýt chết khi đang trên đường lần mò đi tìm thi thể của vị chủ tướng . Những loại bom pháo đánh hỏa công của Hoa kỳ quả thật khủng khiếp , chúng nó biến cái rẫy mía mênh mông này thành một cõi địa ngục với những biển lửa mù trời . Vì nóng lòng nên Hirakushi vẫn cứ vạch lá cắt cây mà tiến tới . Cuối cùng , khi trời chập choạng tối thì ông gặp được vị tướng chỉ huy . Một cái bóng cô đơn mờ mờ đang ngồi im lìm , chiếc cằm chạm ngực ở ngay bên hang động phía bên ngoài rẫy mía . Quả thật , đó là tướng Saito . Hirakushi mừng rỡ cất tiếng hỏi “Trung tướng , Ngài có sao không ?” . Saito quay lại nhìn nhưng tuyệt nhiên không mở miệng nói một câu . Phía sau lưng ông , ngay bên trong hang động , Hirakushi còn trông thấy rất rõ có nhiều binh sĩ bị thương và thường dân nằm ngồi la liệt . Có một vài cô ý tá ra vào dường như họ đang chăm sóc cho những thương binh còn sống sót sau những trận mưa pháo kinh hoàng từ nhiều ngày trước .

  Những cảnh tượng thương tâm cùng những thất bại dồn dập khiến cho vị tướng chỉ huy chẳng còn biết nên phải làm gì ngay bây giờ . Ông ngồi đó , trên một hòn đá và có lẽ ông đã hóa đá . Một tia hy vọng cuối cùng cho Saito là lực lượng hải quân đang trên đường đến Saipan . Chỉ với một hy vọng mong manh này nên ông vẫn chưa quyết định tự sát . Sau những cố gắng quyết đẩy lùi quân Hoa kỳ trở ra bờ biển đã thất bại , nhìn lại quân số cứ hao hụt dần Saito cảm thấy khó bề cố thủ hòn đảo nên điện về Đông kinh báo cáo tình hình . Trớ trêu thay , những vị ăn trên ngồi trước ở thủ đô vẫn cứ cho mình là vô địch nên lờ đi lời kêu cứu của Saito , ngược lại họ lấy quyền chỉ huy ra lệnh cho Saito , tức lộ quân thứ 31 phải vì Thiên Hoàng mà chiến đấu , vì quốc gia Đại Nhật mà cố gắng tiệu diệt sạch địch quân . Saito bất giác coi đó như một cái lệnh quá điên rồ , lệnh cho ông chiến đấu trong vô vọng để được chết vinh dự ư ? Bây giờ thủy quân lục chiến đã tiến vô quá sâu và cắt hòn đảo ra làm hai rồi . Tướng tá rả đám , quân binh tan tác , vũ khí chẳng còn , chẳng lẻ ngồi chờ giặc tới rồi dùng răng mà cắn họ để giành lấy chiến thắng ư ?

  Tin Hoa kỳ đổ bộ lên đảo Saipan đã đến tai vị chỉ huy trưởng hạm đội liên hợp Toyoda . Ông liền gọi vô tuyến điện ngay cho Ozawa ra lệnh “Tiến tới vùng biển của quần đảo Marianas tấn công và tiêu diệt hạm đội địch” . Năm phút sau , Toyoda lại gửi một bức điện khác , trong ấy ông lập lại câu nói trứ danh của vị đô đốc huyền thoại Togo ở trận Đối mã năm xưa “Đế chế Nhật bản có tồn tại hay sụp đổ cũng đều tùy thuộc vào một trận đánh quyết định này . Hỡi các chàng trai , những đứa con của đất Phù tang , hãy cố gắng hết sức mình mà đáp lại lời kêu gọi của núi sông” .

  Hạm đội lưu động rẽ sóng lao vào vùng biển Marianas trong khi đô đốc Ozawa và ban tham mưu vẽ kế hoạch cho trận chiến sắp tới . Vị đô đốc thân hình tầm thước , dáng vóc khỏe mạnh . Ông là một con người trầm tĩnh ít nói , làm và nghĩ đều cân nhắc thận trọng . Xuất thân từ lớp sĩ quan dạn dày kinh nghiệm đánh thủy lôi , và đặc biệt ông rất cần mẫn siêng năng học hỏi nên khá thành thạo những chiến thuật điều động mẫu hạm , do đó vị đô đốc của thế hệ mới này cảm thấy có chút lạc quan khi phải đối đầu với một hạm đội hùng hậu của Hoa kỳ , một hạm đội mà trong thâm tâm ông đã nghĩ chắc rằng mình sẽ đánh bại được họ một cách dễ dàng mặc dù phe địch đang ở thế thượng phong về mẫu hạm . Những loại phi cơ cải tiến của Nhật ở thế hệ mới có bán kính hoạt động rất xa , điều này khiến cho Ozawa tỏ ra lạc quan hơn . Bởi có được cái ưu thế mà địch không ngờ , ông dự định sẽ cho phi cơ bung ra xa hàng 300 dặm , trong khi phi cơ của Hoa kỳ , cao lắm chỉ hoạt động trong bán kính 200 dặm là cùng . Một tiện nghi nữa là không quân Nhật có thể sử dụng các phi trường ở đảo Guam để đáp xuống lấy thêm nhiên liệu và bom đạn rồi lao ngay vào chiến trường với một khoảng cách rất ngắn . Nhờ vào lợi thế con thoi này mà hạm đội của ông không cần phải lộ diện khi tấn công địch . Ông rất lạc quan khi tin chắc vào con số 500 phi cơ hiện đang có mặt trên những căn cứ trên quần đảo Marianas cộng thêm 473 phi cơ trong tay , với con số phi cơ tham chiến gần cả ngàn chiếc thì cho dù lực lượng của Spruance có hùng hậu đến đâu ta cũng chẳng phải sợ .

  Nhưng đó chẳng qua là những toan tính mà Ozawa đã dựa vào những nguồn báo cáo từ trước . Ông thật sự đâu có biết một sự thật phủ phàng là một số lượng lớn phi cơ trên những căn cứ ở Marianas đã bị phá hủy bởi hải pháo và đặc biệt , Hoa kỳ cho sử dụng loại phi cơ chiến đấu loại tối tân cất cánh từ những mẫu hạm bay vào bắn phá không ngừng . Đó là loại chiến đấu cơ mang tên Hellcat . Với loại chiến đấu cơ thế hệ mới này nó đã vượt xa chiến đấu cơ Zero của Nhật về vận tốc cũng như hỏa lực . Đặc điểm hiếm có của loại chiến đấu cơ Hellcat là vỏ rất cứng , để bảo vệ an toàn tối đa cho phi công , một tấm lá chắn đạn được lấp phía sau và kính phía trước phòng lái cũng được trang bị bằng loại kính chống đạn . Một anh phi công đã cười hề hề khoe với đồng đội “Con chim sắt này thật tuyệt . Tôi chịu nó quá đi , nếu như mà nó biết nấu nướng giặt giũ thì tôi sẽ cưới nó làm vợ ngay” .

  Đặc biệt những phi công của loại chiến đấu cơ Hellcat được tuyển chọn từ những phi công ưu tú trong đơn vị , và nó đòi hỏi mỗi anh ít nhất phải có hai năm huấn luyện và trên 300 giờ bay . Trong khi ấy thì những phi công xứ Phù Tang thì kỹ thuật quá kém cỏi vì đa số là những tân binh vừa được huấn luyện sơ sơ rồi quăng vào chiến trường . Những trận chiến khốc liệt kể từ sau trận Midway , Nhật đã thiệt mất đa số những phi công dạn dày kinh nghiệm .

  Chiều ngày 18 tháng 06 , phi cơ thám thính của Ozawa phát giác ra lực lượng ở ngay phía tây đảo Saipan . Cách điểm này chứng 40 dặm , một phi cơ thám thính khác cũng gửi báo cáo về là có mặt của hàng không mẫu hạm , tuy nhiên con số chính thức thì không rõ .

  Đó là lực lượng đặc nhiệm 58 , một lực lượng xung kích của Spruance . Hạm đội này nằm dưới sự chỉ huy của phó đô đốc Marc Mitscher . Mitscher từng là hạm trưởng của chiếc mẫu hạm Hornet khi đưa phi đội của Đại tá Doolittle vào oanh tạc Đông kinh và từng tham dự trận hải chiến Midway . Bây giờ , với trận chiến Marianas thì ông được bước lên một bước , chỉ huy một lực lượng quá hùng mạnh gấp mấy lần lực lượng hạm đội lưu động của Nhật . Trong tay ông gồm có bảy đại hàng không mẫu hạm , tám tiểu hàng không mẫu hạm , bảy thiết giáp hạm , tám tuần dương hạm nặng , mười ba tuần dương hạm nhẹ và sáu mươi khu trục hạm .

  Phó đô đốc Sueo Obayashi , chỉ huy trưởng ba hàng không mẫu hạm đang di chuyển gần lực lượng của Mitscher . Khi nhận được báo cáo của không thám , ông không kịp suy nghĩ thiệt hơn , quyết định táo bạo là chỉ muốn phóng phi cơ tấn công hạm đội Hoa kỳ ngay lập tức . Theo ông thì sớm ra tay trước khi địch quân còn chưa phòng bị thì có nhiều cơ may chiến thắng . Và đến chiều hôm ấy , khi vừa mới gửi báo cáo về đô đốc chỉ huy trưởng Ozawa là Obayashi ra lệnh cho phóng phi cơ tấn công địch ngay .

  Nhưng sau đó , khi đã phóng phi cơ lên không rồi thì Obayashi lại nhận được chỉ thị của Ozawa là rút lui về phía sau để tập trung lực lượng mở một cuộc tấn công qui mô vào rạng sáng ngày mai .Obayashi lập tức thu hồi lệnh tấn công và ra lệnh cho những phi cơ vừa cất cánh phải mau mau quay lại mẫu hạm . Dù ông luôn miệng phân trần với các sĩ quan tham mưu rằng “Đợi đến sáng mai chúng ta tập họp sức mạnh lại rồi sẽ cùng nhau hành động , có thế mới hữu hiệu hơn” nhưng trong lòng lúc nào cũng tiếc ngơ tiếc ngẫn cho một dịp may hiếm có mà ông cho là cơ hội bằng vàng , sẽ không có được thêm một lần thứ hai .

  Phía Hoa kỳ , thì phó đô đốc Mitscher tuyệt nhiên không có một báo động nào gửi về báo cho ông biết là lực hạm đội lưu động của địch đang tiến tới . Lời dặn dò của vị đô đốc chỉ huy trưởng Spruance là không phải phóng phi cơ trùy tìm địch làm gì vì nhiệm vụ chính của lực lượng đặc nhiệm 58 là yễm trợ cho cuộc đổ bộ chiếm đảo Saipan . Vì thế cho nên đến khi hệ thống rada phát giác ra hạm đội địch đang xuất hiện và tiến dần vào vùng biển của mình thì Mitscher một mặt ra lệnh cho con cái chuẩn bị giáp chiến một mặt báo cáo về Spruance .

  Cũng giống như Mitscher , Spruance nghĩ rằng nên ra tay tiêu diệt ngay lực lượng mẫu hạm của Ozawa . Tuy rằng ông đã ban ra một cái lệnh rất rõ ràng là “Phải giành cho được rồi sau đó chiếm giữ và bảo vệ ba hòn đảo Saipan , Tinian và Guam” . Nhưng bây giờ phản lệnh để cho hạm đội của Mitscher bung rộng ra khỏi vùng biển Marianas để đánh lừa địch , như vậy chẳng khác nào một ván bài năm ăn năm thua . Spruance vẫn còn nhớ chiến thắng lừng lẫy của đô đốc Togo Nhật bản , ông ta đã dàn quân nằm chờ ở eo biển Đối mã cho đến khi hạm đội Nga Hoàng xuất hiện và đánh một trận lừng danh quân sử thế giới .

  Lúc 5 giờ 45 sáng ngày 19 tháng 06 , Ozawa lại cho phóng phi cơ thám thính . Nhưng đó là một buổi sáng âm u mây đen che phủ . Mãi cho đến 7 giờ 30 thì họ mới phát giác ra lực lượng đặc nhiệm 58 của Hoa kỳ ở vùng biển phía tây nam đảo Saipan . Trên cầu chỉ huy của chiếc soái hạm 33 ngàn tấn , một mẫu hạm mới toanh được xưng tụng là mẫu hạm không thể chìm , nó mang tên là Taiho , phó đô đốc Ozawa ra lệnh phóng phi cơ tấn công lực lượng địch . Vẻ mặt  vị chỉ huy lộ nét căng thẳng cùng cực vì ông nghĩ rằng đây mới là một ngày lịch sử của hải quân Hoàng gia Nhật , có thể nó cũng là một trận Đối mã lừng danh quân sử Phù tang năm xưa được lập lại ở đây .

  Trước khi 71 phi cơ rời đường băng mẫu hạm , người phi công phi đoàn trưởng lên cầu chỉ huy long trọng tuyên bố rằng anh ta sẽ dẫn con cái tung mây vào đất địch quyết rửa cho sạch nổi nhục của trận Midway dạo nào .

  Hai mươi lăm phút sau , đợt phi cơ thứ nhì gồm 128 chiếc rời mẫu hạm nối đuôi theo đợt thứ nhất . Chuẩn úy phi công Akio Komatsu đang lái chiếc oanh tạc cơ vừa mới cất cánh , anh bỗng nhận ra phía dưới có trái thủy lôi đang phóng thẳng vào mẫu hạm Taiho (đây là thủy lôi phóng đi từ tiềm thủy đỉnh Albacore) . Không cần suy nghĩ , anh phi công dũng cảm kéo chiếc cần điều khiển cho phi cơ của mình đâm sầm xuống ngay phía trước , chận đường phóng của trái thủy lôi đang lao vun vút tới để cứu nguy cho mẫu hạm . Một cột nước bắn lên cao ngất kèm theo tiếng nổ long trời , xác thân anh chuẩn úy phi công Komatsu và chiếc oanh tạc cơ bị sức công phá của trái thủy lôi xé tan thành muôn mảnh ngay trước sự kinh hoàng của biết bao nhiêu thủy thủ đang có mặt trên mẫu hạm Taiho . Diễn biến diễn ra chỉ trong chớp mắt cách mọi người chỉ trong một trăm mét khiến cho ai nấy bàng hoàng , họ mới để ý đến vùng biển chung quanh và kịp thời phát giác ra có nhiều trái thủy lôi khác cũng đang phóng tới . Chiếc mẫu hạm khổng lồ chưa kịp đổi hướng thì một trái thủy lôi đã đánh trúng vào ngay bên hông . Nhưng đây là một mẫu hạm được xưng tụng là không bao giờ chìm thì với sức công phá của một trái thủy lôi cũng chẳng gây thiệt hại gì đáng kể .

  Trên chiếc soái hạm Oyodo , chiếc hạm chỉ huy hạm đội liên hợp , khi nó mới vừa nhổ neo tại bến cảng Yokosuka , phó đô đốc Kusaka ngồi suy tư nghĩ ngợi . Ông không tỏ ra lạc quan ở một ngày trọng đại như trong ý nghĩ của Ozawa . Khi ban lệnh cho hạm đội lưu động chuyển hướng từ mặt trận Biak để vào vùng biển Marianas tấn công địch . Đi vào một mặt trận quá xa như vậy thì họ có khác nào một gã võ sĩ quyền anh vươn cú đấm tấn công vào một mục tiêu xa ngoài tầm tay với . Nhưng các sĩ quan thuộc cấp đã quá lạc quan , điều này cũng khiến cho ông càng tỏ ra yên tâm hơn , đến nổi khi vừa nghe báo cáo của Ozawa gửi đến là đã cho tung con cái tấn công hạm đội địch thì ông hân hoan truyền xuống cho thuộc cấp chuẩn bị ăn mừng chiến thắng .

  Kusaka tuy truyền lệnh chuẩn bị ăn mừng chiến thắng nhưng lòng lại bồn chồn nôn nóng , đi đi lại lại trong phòng truyền tin đợi chờ tin tức gửi về từ phi đoàn đầu tiên đã cất cánh . Hai tiếng đồng hồ căng thẳng trôi qua cũng chẳng có một báo cáo nào gửi về . Ông và tất cả các sĩ quan tham mưu cùng ngồi tề tựu chung quanh chỉ huy trưởng là đô đốc Toyoda . Họ chỉ lẳng lặng nhìn nhau rồi thỉnh thoảng liếc về chiếc máy vô tuyến truyền tin . Cuối cùng thì một báo cáo được gửi về từ mẫu hạm Taiho báo cho họ biết mẫu hạm bị thủy lôi đánh trúng và chỉ gây chút ít thiệt hại . Đô đốc Toyoda vẫn ngồi im lặng không nói một lời , trong khi các sĩ quan tham mưu thì bàn tán xôn xao . Còn Kusaka thì thở ra chán ngán , ông ngồi yên lặng trong góc phòng bóp trán suy nghĩ mông lung , linh tính dường như báo cho ông biết sẽ còn nhiều tin dữ tiếp tục bay về .

  Bây giờ thì chúng ta trở lại chiến trường đang hồi sôi động để coi cháu con Thái dương Thần nữ làm ăn như thế nào . Lúc 10 giờ sáng thì rada của hạm đội Hoa kỳ đã phát giác ra phi đoàn thứ nhất của địch đang tiến tới . Đích thân phó đô đốc Mitscher phát hiệu lệnh báo động qua sóng radio cho toàn hạm đội . Thế là tất cả phi đội chiến đấu cơ Hellcat được lệnh chuẩn bị cất cánh nghênh địch . Khi phi cơ địch chỉ còn cách chiếc soái hạm khoảng 70 dặm thì các chiến đấu cơ bắt đầu rời đường băng mẫu hạm . Cũng nên nhắc lại đây là chiếc soái hạm Lexington , đó cũng là một mẫu hạm mới hạ thủy của Hoa kỳ , nó mang cùng một tên với chiếc Lexington tức Lady Lex đã bị Nhật đánh chìm ở trận San hô năm trước .

  Dẫn đầu một phi đội gồm 12 chiếc chiến đấu cơ Hellcat lên nghênh địch là Trung úy Brewer , anh phát giác ra nhiều phi cơ địch đang như những mũi tên xé gió lao vun vút về phía đội hình của mình . Viên trung úy trẻ chợt nổi lòng háo động , anh đi một đường lã lướt tuyệt đẹp bằng cách cho con chim sắt Hellcat lộn luôn mấy vòng rồi như một viên đạn thoát khỏi nòng súng , cứ nhắm đội hình của địch mà lao thẳng vào , trong khi 11 chiếc trong phi đội của anh cũng bám sát theo như bóng với hình . Mười hai chiếc Hellcat lao vào đội hình của phi cơ Nhật như chỗ không người , mười hai chàng phi công dạn dày kinh nghiệm ra sức tung hoành . Một chiếc oanh tạc cơ của anh lùn Nhật bản bị trúng đạn nổ tung , một chiếc phóng thủy lôi bị bắn gãy cánh chúi mũi đâm sầm xuống biển để lại một đường khói đen dài ngoằn ngoèo như con rồng đen uống lượn . Lại một chiếc oanh tạc cơ khác bị đạn bắn xé toạt trên không trung và nhiều nhiều nữa . Trong khi các phi công Nhật còn bàng hoàng kinh ngạc trước những chiếc phi cơ quái lạ mà họ chưa từng trông thấy bao giờ , lúc còn đang luống cuống không biết tiến thoái ngã nào thì từ đâu vô số những con quái điểu ấy xuất hiện càng lúc càng nhiều . Đó là những phi đội Hellcat cất cánh từ ba mẫu hạm khác đến trợ chiến . Chỉ trong mấy phút giao tranh đã có ít nhất 25 phi cơ của Nhật bị bắn rơi . Số còn lại cố gắng chạy đua với tử thần ráng vượt lên để tiến về phía mẫu hạm địch nhưng những phi đội đợt thứ hai cất cánh chào đón nhiệt tình khiến cho họ phải bỏ lại thêm 16 phi cơ nữa . Tuy nhiên vẫn còn một chiếc may mắn của họ , không biết bằng cách nào mà anh phi công Nhật đã xuyên lọt qua được màng lưới đạn dày đặc của những con chim sắt Hellcat để lọt vào bên trong hàng phòng vệ đâm sầm vào chiếc thiết giáp hạm South Dakota gây một thiệt hại đáng kể. Phi đoàn thứ hai của Nhật bản đang tiến tới chỉ cách đấy khoảng 60 dặm thì bị một phi đội 12 chiếc Hellcat cất cánh từ mẫu hạm Essex nhào tới tấn công . Và chỉ giây phút sau nhiều phi đội khác từ những mẫu hạm khác của Hoa kỳ cũng nhào tới nhập cuộc . Tiếng phi cơ gào thét rền trời và tiếng đạn xé nát không gian , sau hơn mười lăm phút cuộc chiến tận giữa tầng mây tạm thời lắng dịu . Nhật bản để lại vĩnh viễn 70 phi cơ nơi lòng đại dương phía dưới . Phi đoàn thứ ba của Ozawa với 47 phi cơ vì nhầm lẫn phương hướng nên chỉ có 12 chiếc đến được vùng trời giao tranh , lại có thêm bảy chiếc nằm lại thiên thu . Phi đoàn thứ tư gồm 84 chiếc cũng lạc mất phương hướng , chỉ có 6 chiếc lạc loài đáng cho là kém may mắn , không biết họ bay như thế nào mà lạc vào vùng trời của mẫu hạm Hoa kỳ đang hiện diện . Thế là 6 chiếc phi cơ kia vô tình đã lọt vào giữa ổ kiến lửa , chưa đánh đấm được gì thì đã bị phòng không của Hoa kỳ gửi lời chào vĩnh biệt tất cả . Số phi cơ còn lại của hai phi đoàn thứ ba và thứ tư vì mất phương hướng nên tìm không ra mẫu hạm của Hoa kỳ , họ đành phải trút bỏ số bom đạn trên phi cơ rồi quay về hướng đảo Guam để đáp . Khi vừa đến vùng trời của căn cứ Orote , lúc đang chuẩn bị hạ cánh thì bỗng từ đâu 27 chiến đấu cơ Hellcat như những con đại bàng từ tầng mây xanh nhào xuống và như chớp họ giàn thành đội hình tấn công hai phi đội của Nhật . Những phi cơ gần cạn xăng và phi công đã quá mệt mỏi của Nhật bây giờ giống như những chú chim non trước nanh vuốt của bầy đại bàng hung dữ . Không bao lâu đã có nhiều chiếc bị bắn hạ , một số quá hãi kinh nên đáp bừa xuống gây hư hại vô số . Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ thôi mà đô đốc Ozawa đã thiệt mất hết 346 chiếc phi cơ , trong khi chỉ bắn hạ có 15 chiếc của địch . Sức mạnh của không lực hải quân Nhật coi như bị tê liệt , tê liệt không phải chỉ tạm thời mà là vĩnh viễn .

  Tuy rằng hạm đội lưu động của Nhật vẫn chưa bị một chiếc oanh tạc cơ hoặc phi cơ phóng thủy lôi nào của Hoa kỳ bay đến tấn công cả nhưng kết quả của trận chiến vừa rồi họ như bị giáng một cú quá nặng và quá đau . Đau ở cái chỗ ra tay đánh người trước tưởng sẽ nắm được phần thắng trong tay nhưng nào ngờ lại rước lấy thảm bại quá sức tưởng tượng . Trưa cùng ngày , thuyền trưởng của chiếc tiềm thủy đỉnh Cavalla , Herman Kessler đang ngồi trước màn hình , ông điều khiển cho chiếc tiềm vọng kính dán sát theo chiếc mẫu hạm Shokaku đang ở cách ông không xa , nó nằm im lìm hong mình trong nắng chờ đón những phi cơ chiến đấu còn sống sót đang trở về và có nhiều chiếc đang hạ cánh . Chiếc mẫu hạm khổng lồ này đã từng tham dự trận Trân châu cảng , trận San hô và Santa-Cruz . Phải phục hận cho Trân châu cảng , phải phục hận . Kessler quyết tâm là phải trả mối nhục ngày nào của Trân châu cảng cho bằng được . Ông ra lệnh cho phóng ra sáu trái thủy lôi . Sáu con cá sắt chứa đầy thuốc nổ rời thân tiềm thủy đỉnh nhắm hướng Shokaku phóng thẳng tới . Ba trái đánh trúng mục tiêu gây thành những tiếng nổ rền trời và lửa bắt đầu bốc cháy khủng khiếp . Bỗng chốc toàn thân của chiếc mẫu hạm khổng lồ với vô số thành tích lại nghiêng hẳn về một bên và đến lúc 3 giờ chiều thì hình bóng đồ sộ của mẫu hạm Shokaku đi từ từ vào lòng đại dương , chấm dứt một cuộc đời dọc ngang mà tức tưởi ra đi vĩnh viễn trong khi sóng gió Thái bình dương vẫn còn thét gào không ngớt .

  Chiếc đại hàng không mẫu hạm Taiho bị một trái thủy lôi từ tiềm thủy đỉnh Albacore đánh trúng ngay từ giây phút đầu tiên của trận chiến , tưởng đã không hề hấn gì nhưng vô tình nó đã trở thành một trái bom nổi khổng lồ . Vốn khi bị trúng quả thủy lôi , lửa từ trong các ngăn tàu bốc cháy . Các sĩ quan bảo vệ an ninh cho tàu không biết đã nghĩ gì mà lại ra lệnh cho mở tất cả các hệ thống thông hơi để nhờ đó mà đáy tàu được thoáng hơi . Không ngờ việc này đã làm cho mồi lửa từ các hầm khác đang cháy như được tiếp sức bỗng chốc cháy lan ra thành biển lửa , và cái biển lửa này nó bao trùm lên những thùng thuốc súng , những hầm chứa xăng và bom đạn thủy lôi , toàn là những thứ kỵ lửa . Chỉ trong một chốc thôi thì điện tắt , động cơ bất khiển dụng . Chiếc Shokaku vừa chìm được nửa tiếng đồng hồ , sự bàng hoàng chưa nguôi ngoai thì thủy thủ lại phải kinh tâm để một lần nữa chứng kiến sự ra đi vội vàng của đại hàng không mẫu hạm Taiho , nó chết quá sớm khi mới vừa xuất xưởng chưa kịp đóng góp được một chút vinh quang gì cho hải quân cả . Sau những tiếng nổ đến trời long đất lỡ , toàn thân nó như bị bàn tay khổng lồ nào đó xé toạt ra thành nhiều mảnh , những chiếc phi cơ còn đậu trên sàn tàu bị nhấc bổng lên bắn ra thành hàng ngàn mảnh vụn . Và khi những cụm khói khổng lồ ấy loang tỏa ra thì người ta thấy toàn thân chiếc mẫu hạm đang chìm dần vào lòng đại dương .

  Thoạt đầu thì Ozawa quyết định ở lại để được chết theo chiếc soái hạm của mình , các sĩ quan tham mưu của ông hết sức khuyên lơn , họ bảo trận chiến vẫn chưa đến hồi kết thúc , là người chỉ huy ông nên trở lại với vai trò chỉ huy của mình để quyết lật ngược thế cờ mà đi đến một chiến thắng cuối cùng . Bây giờ thì Ozawa mới im lặng đi theo mọi người xuống thuyền cứu hộ mà di tản , để lại sau lưng chiếc mẫu hạm không còn hình thù nguyên vẹn chỉ còn phần mũi nhô lên khỏi mặt nước .

  Nhắc lại bộ chỉ huy của hạm đội liên hợp hiện đang có mặt trên chiếc soái hạm Oyodo . Cho dù không nói ra nhưng ai nấy đều biết chiến dịch A-go đã hoàn toàn thất bại . Những sĩ quan tham mưu thì tranh luận với nhau là có nên ra lệnh cho hạm đội lưu động trở lại tấn công địch nữa hay không . Tham mưu trưởng Kusaka không nghĩ rằng mọi quyết định đều để mặc cho Ozawa tự lo liệu . Từ kinh nghiệm bản thân của Kusaka , những gì mà ông đã từng trãi qua ở trận Midway , ông cũng dư biết thế nào là nỗi khổ tâm của vị chỉ huy khi phải chấp nhận rút quân sau một trận thãm bại . Kusaka bàn với chỉ huy trưởng hạm đội liên hợp là Toyoda ra lệnh cho Ozawa rút lui ngay lập tức . Khi ấy thì Ozawa đã rút lui xa về phía tây bắc , ẩn trong vùng trời đêm âm u đen đặc để được tiếp tế nhiên liệu hầu trở lại chiến trường vào rạng sáng ngày mai tiếp tục chiến đấu . Nhưng địch thủ của ông , tức Mitscher đã phát giác ra những phi cơ của Ozawa nên đoán rằng mẫu hạm của họ cũng ở đâu đó quanh vùng biển này . Quyết chí phải ra tay tiêu diệt hạm đội địch ngay , và được sự tán thành của đô đốc Spruance , Mitscher cho tung ra ba trong bốn nhóm mẫu hạm của mình truy lùng tung tích địch . Nhưng ông lại cho tiến về trục tây nam thay vì tây bắc , thế nên không bao giờ phát giác ra hạm đội lưu động của Ozawa . Cho đến chiều hôm sau , lúc 3 giờ 40 thủy phi cơ thám thính mới phát giác ra vị trí của Ozawa ở cách đó khoảng 275 dặm . Nghĩ rằng chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thì trời sẽ tối mất , Mitscher quyết định mạo hiểm một phen . Mục tiêu hiện ở trong vùng hoạt động của phi cơ , vậy mình cứ cho tung con cái lên ngay và tấn công địch lúc trời còn sáng . Sau đó , khi kết thúc thì đón rước chúng về lúc ban đêm cũng chẳng hề gì . Nghĩ và làm liền , ông ban lệnh xuống cho lực lượng đặc nhiệm 58 chuẩn bị tấn công . Hai trăm mười sáu chiếc phi cơ được vội vả phóng lên không trung nhắm hướng tây bắc , hướng hạm đội lưu động của Ozawa lướt tới .

  Đoàn chim sắt lao vun vút trên tầng mây mỏng , ráng chiều đỏ ối cả một trời tây . Dưới mặt đại dương phẳng lặng như tấm thảm màu xám trãi dài ra đến vô tận . Phát giác đầu tiên của phi đoàn xung kích là một đội tàu dầu của Nhật khoảng 12 chiếc đang di chuyển với một tốc độ chỉ hơn con rùa . Vài chiếc phi cơ chúi mũi xuống tấn công , chỉ thấy những cột khói bốc lên và hai trong số 12 chiếc tàu dầu bị đánh chìm và phi đoàn vẫn tiếp tục lao về mục tiêu chính của họ là hạm đội lưu động .

  Hạm đội lưu động của Ozawa đang nằm im lìm trãi mình dưới những cụm mây ngũ sắc của hoàng hôn chốn mênh mông . Bỗng từ đâu những con chim sắt xuất hiện đen đặc cả bầu trời . Vị phó đô đốc chỉ huy đầy kinh nghiệm nhận thấy tình hình nguy kịch đến nơi , tuy bị tấn công thình lình nhưng vẫn bình tỉnh ra lệnh cho chiến đấu cơ cất cánh nghênh địch , đồng thời tất cả dàn phòng không cũng đang ở vị trí chiến đấu . Nhờ hành động kịp thời nên Nhật đã bắn hạ được 20 phi cơ Hoa kỳ trong đợt dàn chào đầu tiên . Nhưng càng về sau thì phi công của họ càng tỏ ra quá dũng cảm , vượt qua màng lưới phòng không dày đặc để đánh bom vào chiếc soái hạm mới của Ozawa . Đó là chiếc mẫu hạm Zuikaku , cũng là anh em với chiếc Shokaku vừa bị đánh chìm ngày hôm trước . Rồi tiếp theo đó , chiếc mẫu hạm loại bé bi Chiyoda , thiết giáp hạm và tuần dương hạm lần lượt bị trúng bom nhưng chẳng gây được một hư hại nào trầm trọng .

  Trung úy phi công George Brown , người đã tuyên bố trước khi cất cánh là phải diệt cho được ít nhất một mẫu hạm địch dù bất cứ giá nào . Anh cho chiếc phi cơ phóng thủy lôi của mình lao vun vút khi bẻ trái khi nghiêng phải để tránh đạn phòng không vì hiện tại thì phi cơ của anh đang lao giữa một rừng đạn đỏ trời . Cái đích ở ngay phía trước mắt kia rồi . Đó là chiếc mẫu hạm Hiyo nhưng hiện tại hãy còn xa quá . Anh mắt trở trừng trừng nhìn mục tiêu không chớp . Phi cơ của anh đã bị ít nhất cũng trên dưới mười viên đạn phòng không xuyên thủng  , phía sau lưng anh lửa đang bốc cháy khủng khiếp kéo thành một dãy khói đen dài ngoằn giữa chốn không trung . Nhưng với một hùng tâm kiên quyết phải diệt cho bằng được cái mục tiêu trước mắt rồi mới chịu khuất phục số mệnh . Khi vừa tầm phóng thủy lôi , Brown gượng sức bấm nút trút trái thủy lôi cuối cùng của cuộc đời . Trái thủy lôi vừa rời thân phi cơ lao vút đi thì chiếc phi cơ cùng viên trung úy phi công can trường đã lao thẳng xuống mặt đại dương vở thành trăm mảnh .

  Dưới chiếc mẫu hạm Hiyo , nơi ổ phòng không phía sau phòng lái , viên hạ sĩ quan Mitsukuni Oshita nghe có tiếng ai đó hét vang lên như sấm “Thủy lôi !” . Oshita bắt đầu nghiêng tai nghe ngóng rồi đếm từ một đến mười hai . Chẳng nghe có tiếng nổ . Hú hồn , trái thủy lôi đánh hụt . Anh ta vừa mới lấy lại tinh thần thì bỗng nghe có tiếng nổ dữ dội làm rung chuyển cả mẫu hạm . Chết rồi , Oahita nhủ thầm “Chẳng lẻ mình đếm quá nhanh ư ?” . Lại có thêm một trái thủy lôi thứ hai đánh trúng vào mẫu hạm , lửa bắt đầu cháy bùng lên và điện bị cắt đứt hoàn toàn . Toàn thân chiếc Hiyo nghiêng hẳn về một bên và lệnh di tản bắt đầu .

  Đoàn chim sắt của Hoa kỳ tung hoành hơn nửa tiếng đồng hồ , giáng cho Nhật một đòn đau chí tử là ba mẫu hạm ở lại ngàn thu dưới đáy đại dương . Trời đã tối hẳn , màng đêm như cái nấp vun đen ngòm đậy kín không gian và cũng là thời điểm họ phải rút lui tìm hạm mẹ . Đây là đoạn đường rút lui của những người chiến thắng nhưng cũng quá gian nan , vì đường về đã quá dài lại trong đêm tối khiến cho phi công còn sống sót sau màng lưới phòng không của địch giờ lại phải đối đầu với nhiều mối nguy hiểm mới . Phi cơ cạn hết xăng và bay lạc kêu gọi nhau báo cáo ầm ỉ . Đô đốc Mitscher đành đi đến một quyết định liều lĩnh , ông ra lệnh cho tất cả mẫu hạm của mình đều mở đèn đuốc sang choang . Ông cũng biết làm như thế quả rất nguy hiểm vì đã để cho toàn bộ hạm đội lộ nguyên hình , một mục tiêu quá rõ ràng trong đêm tối nếu như tiềm thủy đỉnh của địch đang có mặt quanh khu vực . Nhưng nếu không làm thế thì những phi công khó có thể tìm ra hạm mẹ mà đáp . Kể ra thì Mitscher cũng còn may mắn vì không có tiềm thủy đỉnh của Nhật hoạt động trong vùng và nhờ táo bạo như thế ông đã cứu được 38 phi cơ trở về an toàn .

  Trận chiến đã chấm dứt , một trận chiến mà theo cái tên chính thức của thế giới gọi thì đó là trận chiến biển Phi luật tân . Nhưng đối với Hoa kỳ thì họ tự hào bằng một danh xưng có vẻ quá kêu ngạo là “Trận bắn chim vĩ đại ở Marianas” . Họ tỏ ra kêu ngạo cũng không quá đáng bởi vì khi tổng kết trận chiến thì Hoa kỳ đã đánh chìm ba hàng không mẫu hạm của Nhật , bắn hạ 92 phần trăm phi cơ mẫu hạm của Ozawa , chưa kể đến 50 phi cơ đang nằm phơi mình tại căn cứ trên đảo Guam , tổng cộng lên đến 475 phi cơ đủ loại . Để đổi lấy thành quả này Hoa kỳ bị thiệt mất 2 tàu dầu , 130 phi cơ bị bắn rơi tại chiến trường và 80 phi cơ bị mất tích vì lạc đường hoặc hết xăng hay xảy ra tai nạn khi đáp xuống mẫu hạm trong lúc tối trời .

  Nhưng nụ cười chiến thắng chưa kịp tắt trên môi của những vị chỉ huy thì họ lại phải lắng tai nghe những lời phê phán cay độc của đô đốc Clark , người nắm quyền chỉ huy trưởng một đội 4 mẫu hạm trong lực lượng đặc nhiệm . Ông cáo buộc rằng Raymond Spruance đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn năm là không truy kích theo Ozawa tới nơi tới chốn . Đồng thời một vị đô đốc nắm quyền chỉ huy một đội bốn mẫu hạm khác cũng nằm trong lực lượng đặc nhiệm là Montgomery , ông đã chính thức gửi báo cáo rằng kết quả của cuộc chiến là vô cùng thất vọng . Tại tổng hành dinh của không hải quân ở Trân châu cảng thì đa số lại tỏ lời phàn nàn rằng “Bởi người chỉ huy hạm đội không có một chút kiến thức hàng không nên mới có một kết quả như thế” .

  Trong khi ấy thì Spruance vẫn bình thản bỏ ngoài tai tất cả . Họ phàn nàn ông cũng đúng thôi nhưng vì ông đã thi hành theo lệnh của đô đốc Nimitz , Nimitz chỉ muốn ông yễm trợ Saipan chứ không dốc toàn lực ăn thua đủ với Ozawa .(Khi đô đốc King đáp xuống căn cứ Aslito sau khi chiếm được đảo Saipan , việc đầu tiên là King tìm gặp Spruance . Ông tỏ lời khen ngợi và tuyên bố với mọi người rằng Spruance đã thi hành đúng mệnh lệnh) .

  Sau cái đêm kinh hoàng với những thiệt hại quá sức tưởng tượng , đô đốc Ozawa vội gửi về bộ chỉ huy một lá thư xin từ chức . Đô đốc Toyoda , tư lệnh hạm đội liên hợp đã từ chối không đọc lá thư từ chức của ông . Toyoda buồn bả than thở với những sĩ quan tham mưu “Thất bại này chính tôi mới là người phải nhận lãnh mọi trách nhiệm chớ nào phải chỉ một mình đô đốc Ozawa . Tôi không chấp thuận cho sự từ chức của ông ấy” .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế