Trận Guadalcanal tiếp theo 6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tổng thống Hoa kỳ Roosevelt hân hoan ra mặt . Chỉ trong mấy ngày nay thôi tình hình phe đồng minh có nhiều tiến triển khả quan trên nhiều mặt trận từ Âu sang Á . Cuộc đổ bộ thành công ở Bắc Phi , Tướng Montgomery thắng lớn ở mặt trận Rommel , quân đội Liên sô chiến đấu dũng cảm và đang tổ chức phản công ở Stalingrad . Và bây giờ : đảo Guadalcanal . Ông hùng hồn tuyên bố một cách lạc quan “Sự co cụm của chúng ta đã đến tận điểm cuối cùng và bây giờ đã đến lúc vươn ra . Chiến tranh sẽ chấm dứt và chiến thắng sau cùng đó sẽ thuộc về chúng ta”  .

  Tại Đông kinh , bộ tổng tham mưu quân đội thì vẫn quyết tâm tái chiếm Guadalcanal cho bằng được mới nghe . Vì lệnh của Thiên Hoàng và vì mặt mủi của quân đội mà họ tự cho mình là bách chiến bách thắng , đâu lẽ nào phải rút lui trong nhục nhã chứ . Họ quyết định gới tới chiến trường này thêm một lộ quân nữa để tăng viện cho lộ quân thứ 16 của Tướng Hyakutake . Song song với chiến dịch tái chiếm phi trường , cánh quân mới còn phải mở rộng khu vực kiểm soát tận đến đảo New Guinea , đó là lộ quân thứ 18 đang trấn giữ Nam dương . Cả hai chiến dịch đều nằm dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Hitoshi Imamura . Một trong những vị Tướng được mọi người kính trọng . Chắc quí vị vẫn còn nhớ trong trận hải chiến trên vùng biển Java giữa Nhật và phe đồng minh . Một trái thủy lôi do Hải quân Nhật phóng ra bay trượt mục tiêu đánh đắm hải vận hạm của phe nhà , trong đó cũng có mặt Tướng Imamura khiến cho ông suýt chết phải ôm bó tre lội bán mạng vào bờ .

  Sau khi chiếm được Java , ông đã nhanh chóng tổ chức nền móng cai trị và thành công trên mọi phương diện ở quốc gia này . Cũng giống với Tướng Homma , Tướng Imamura không sắt máu như nhà cầm quyền quân phiệt ở Đông kinh mong muốn , sự khoan dung độ lượng của ông đối với dân chúng ở Nam Dương đã khiến cho Đông kinh điên lên vì bực tức . Có lẽ sẽ có thêm một Homma ở Nam dương , sự nghiệp nhà binh của Tướng Imamura hiện tại coi như đang đứng bên bờ nguy hiểm .

  Sau khi chiến thắng ở Nam dương , Imamura bắt tay vào công việc bình định và chiếm đóng . Ông cho thả Achmed Sukarno , một nhà lãnh đạo cách mạng đầy uy tín của Nam dương đã bị quân Nhật bắt khi tiến vào quốc gia này . Ở ngay trong một dinh thự lộng lẫy mà không lâu trước đó là tổng hành dinh của Toàn quyền Hòa Lan . Tướng Imamura gặp nhà cách mạng Sakarno , ở đây ông tuyên bố thẳng thắn “Tôi biết ông không phải là loại người chịu khuất phục mệnh lệnh của chúng tôi . Bởi vậy tôi sẽ không bảo ông phải làm gì cả . Tôi chỉ xin hứa rằng tôi sẽ cố gắng làm tất cả những gì có thể để dân tộc của ông được ấm no hạnh phúc dưới sự bảo vệ của quân đội và chính phủ đại Nhật chúng tôi . Họ sẽ được học tiếng Nhật và làm việc với người Nhật . Chính phủ Nhật sẽ đứng ra bảo vệ dân tộc các ông , nhưng tôi không hứa là sẽ có độc lập cho dân tộc Nam dương” .

  Sự rộng lượng khoan hồng của Imamura đối với đại đa số nhân viên cũng như quân sự của chính quyền cũ đã bay đến tai tướng Terauchi , Tổng chỉ huy chiến trường Nam Á đại bản doanh đang đặc tại Sài Gòn . Terauchi bực tức khôn tả vội trình báo về Đông kinh . Tướng Akira Muto và Tominaga thuộc bộ chiến tranh được lệnh bay tận Batavia để điều tra vụ việc . Cũng giống như Tướng Homma ở Phi luật tân ngày nào , Imamura bào chửa cho hành động của mình rằng “Đây đơn thuần là tôi chỉ vâng theo thánh ý của Thiên Hoàng mà làm việc thôi . Các ông cứ tự nhiên đi ra ngoài công chúng mà nhìn xem kết quả những gì tôi đã làm ở đây . Nếu cho rằng đội quân chiếm đóng đã không tổ chức thành công thì các ông cứ việc bãi chức tôi , tôi không một lời phàn nàn” . Kết quả cuộc điều tra chẳng có gì để kết tội Imamura được , ngược lại những thành công đáng ca ngợi ở Nam dương đã khiến cho hai vị tướng của bộ chiến tranh càng đâm ra thán phục tài an bang tế thế của ông . Trong bản báo cáo với thủ tướng Tojo và bộ tổng tham mưu họ khuyên Đông kinh nên cứ để mặc cho Tướng Imamura được tự do hành động trong phạm vi quyền lực của mình .

  Bây giờ , theo quyết định mới từ Đông kinh , Tướng Imamura được triệu về thủ đô để nhận nhiệm vụ mới . Hai lộ quân 16 và 18 được phối hợp chung và nằm dưới sự chỉ huy của Tướng Imamura . (lộ quân 18 do chính ông chỉ huy đang đóng ở Nam dương và lộ quân 16 vốn là lộ quân sứt càng gãy gọng của Tướng Hyakutake ở tại đảo Guadalcanal) .

   Khi vào Hoàng cung chầu Thiên hoàng để nhận lệnh . Sau khi hành lễ Thiên hoàng xong . Hirohito nhìn thẳng vào tướng Imamura rồi nhỏ nhẹ phán “Imamura . Trẫm nghe tin binh sĩ của chúng ta đang khốn khổ cùng cực ở Guadalcanal nên truyền lệnh cho Trung Tướng hãy đến đó càng sớm càng tốt để cứu lấy những binh sĩ tội nghiệp ấy” . Giọng nói của Nhật Hoàng như nấc nghẹn và Imamura còn trông thấy những giọt nước mắt đang lăn dài xuống đôi má của vị Hoàng đế Đại Nhật .

  Ngay tại tổng hành dinh quân đội , Imamura được cho biết là ông và Đô đốc Yamamoto sẽ hiệp lực cùng nhau mở những trận không kích bất tận lên mục tiêu trước khi cho bộ binh đổ bộ . Bắt đầu từ bây giờ Hải và lục quân sẽ cùng chung chiến đấu sát cánh bên nhau trên một mục tiêu duy nhất là quyết tái chiếm cho được phi trường Henderson và đảo Tulagi .

  Imamura đến căn cứ Rabaul ngày 22 tháng 11 . Tại đây ông liên lạc với Tướng Hyakutake hiện tại đang ở trên đảo Guadalcanal , báo cho ông ta biết rằng trong vòng một tháng sẽ có 2 sư đoàn đổ bộ lên đảo . Để nắm chắc tình hình hiện tại , Imamura đòi những báo cáo cụ thể hơn và không giấu diếm bất cứ một điều gì đang xảy ra nơi ấy . Tướng Hyakutake cũng mới vừa thiệt mất cả ngàn quân trong một trận càn quét của thủy quân lục chiến ngay bên bờ sông Mataniko , ông đau khổ báo cáo rằng binh lính của mình đang uống nước lã và gậm cả cỏ để cầm hơi gần cả tháng nay . Ông còn nhấn mạnh cứ mỗi ngày trôi qua là có gần trăm người bị chết đói , nếu chờ trong vòng một tháng khi viện binh tới được thì trên đảo chắn hẳn không còn một người lính Nhật nào sống sót .

  Tướng Imamura tuy được chính Thiên Hoàng đích thân giao trọng trách tái chiếm Henderson càng sớm càng tốt nhưng hiện tại thì bộ tổng tham mưu của quân đội ở Đông kinh vẫn chưa có một chuẩn bị nào mặc dù đây là một chiến dịch đầy tham vọng do chính họ đã vẽ ra và xúi giục Thiên Hoàng chấp thuận .Trước tình trạng quá thê thảm của binh sĩ ở Guadalcanal , những vị Tướng trong bộ máy chỉ huy chiến dịch tái chiếm còn biết làm gì hơn là gửi những bức điện đến xin chia buồn cùng binh sĩ và kêu gọi lòng dũng cảm chiến đấu đến trời đất còn phải động lòng , vì ý nguyện của Thiên Hoàng vạn tuế mà chúng ta phải chiến đấu và giữ vững niềm tin ở một ngày mai quyết thắng nhất định sẽ không xa .

  Bộ tổng tham mưu quân đội dù thế nào cũng phải tiếp tục viện trợ cho chiến trường Guadalcanal và ủng hộ cho chiến dịch của họ cho đến kỳ cùng . Tăng viện quân sự là lẽ dĩ nhiên nhưng vấn đề trọng yếu là sự đòi hỏi cấp bách của nguồn lương thực và tiếp liệu , sự sống còn của đội quân chiến đấu đều tùy thuộc vào nó . Một con số quân sự tăng viện và tiếp liệu lên đến 370 ngàn tấn phải chuyển ngay đến Guadalcanal được giao cho bộ chiến tranh xét duyệt lại trước khi chính thức chấp thuận . Ông bộ trưởng chiến tranh lại tuyên bố rằng để chuyển vận một số lượng tiếp liệu khổng lồ này ắt cần phải trưng dụng rất nhiều thuyền bè , trong hoàn cảnh chiến tranh hiện tại ở khắp nơi thì dù những đoàn công voa của quân đội có nhiều đến đâu cũng không thể cáng đáng hết , thế nên phải tập trung những tàu thuyền hàng hải của tư nhân . Và như vậy nền kinh tế của quốc gia sẽ bị thiệt hại nặng , thiệt hại này còn trầm trọng hơn là bỏ mất Guadalcanal . Bộ tổng tham mưu không đồng ý , họ coi đó là một lối viện giải quá lố bịch . Đã trao trọng trách cho Tướng Imamura tái chiếm Guadalcanal mà chẳng lo chuyển quân đội và tiếp liệu đến thì ông ta có khác gì một người cụt cả hai tay làm sao đánh đấm chứ .

  Khi cuộc bàn cãi ở Đông kinh còn kéo dài chưa ngã ngũ thì Hải quân đã nghĩ ra cách tiếp tế lương thực tạm thời cho binh sĩ ở đảo Guadalcanal . Lấy một cái thùng bằng kim loại rỗng , dồn vào trong thuốc men , lương thực và những thứ cần thiết khác và chỉ chừa một khoảng trống cho có không khí để nó nổi được trên mặt nước . Những thùng hàng này được cột dây treo hai bên những khu trục hạm , khi đến vùng cận duyên Guadalcanal tức thì những thủy thủ trên khu trục hạm sẽ cắt dây tung những thùng hàng xuống biển và binh lính trên đảo , sẽ được thông báo cho biết trước họ sẽ chờ đợi ở điểm xuống hàng mà lội ra kéo vào .

  Ý kiến này được mang ra thực nghiệm đêm 29 tháng 11 . Đô đốc Tanaka trên soái hạm Naganami dẫn một đội hình khu trục hạm gồm 8 chiếc xuôi Nam theo hành lang Solomon . Sáu chiếc khu trục hạm trong đoàn đeo theo bên mình khoảng 240 thùng chứa hàng tiếp liệu , trong khi hai chiếc còn lại có nhiệm vụ bảo vệ . Chưa đến 11 giờ khuya thì họ đã qua khỏi đảo núi lửa Savo và đang tiến về mũi Tassafaronga . Bây giờ biển lặng gió yên , màu nước biển về đêm lặng lờ đen bóng như tấm gương soi . Sáu chiến khu trục hạm tiếp liệu đã đến đích và họ chuẩn bị cắt dây xô hàng xuống biển thì chiếc khu trục hạm hộ tống phía trước đã phát giác ra hạm đội địch đang tiến đến , họ vội báo cáo với Tanaka . Phó Đô đốc Tanaka vội ra lệnh đình hoãn thả tiếp liệu , dàn thành đội hình chuẩn bị chiến đấu .

  Hải đội Hoa kỳ gồm 11 chiếc , năm tuần dương hạm dàn thành đội hình hàng ngang , hai cánh tả hữu là 6 khu trục hạm hộ tống . Hải đội này nằm dưới sự chỉ huy của phó Đô đốc Carleton Wright , ông đang có mặt trên chiếc tuần dương hạm chỉ huy Minneapolis . Mặc dù hệ thống radar đã báo cho biết có sự xuất hiện của địch rất gần vị trị của hạm đội mình nhưng ông còn lưỡng lự chưa vội ra lệnh cho những khu trục hạm xung phong lên tấn công giặc . Mãi đến 10 phút sau , thuyền trưởng chỉ huy là William Cole xin lệnh phóng thủy lôi tấn công nhưng Wright vẫn chưa đồng ý . Đến 11 giờ 20 , Cole cho phóng 10 trái thủy lôi . Đến khi ấy Wright mới hạ lệnh cho hạm đội khai hỏa . Những quả đạn đại bác xé gió lao vun vút trong đêm âm thanh rợn người cứ nhắm thẳng chiếc soái hạm Takanami của Tanaka mà dội xuống . Lửa bắt đầu cháy đỏ rực cả chiếc soái hạm nhưng những thủy thủ quá gan dạ ấy vẫn còn bám mãi với những khẩu đại pháo của họ để chống trả rất mãnh liệt . Nhưng không lâu sau đó nó đã bị nổ tung và chìm dần vào lòng đại dương . Những thủy thủ Hoa kỳ trên chiếc tuần dương hạm Minneapolis vỗ tay nhiệt liệt để tán dương cho chiến công đầu tiên , nhưng nụ cười của họ chưa tắt thì chiếc soái hạm bị trúng liền hai quả thủy lôi . Một trái khác đi trược qua khỏi và phóng thẳng đánh trúng chiếc tuần dương hạm New Orleans , hai chiếc hạm phát nổ cùng một lúc trong một khoảng cách quá gần khiến cho những thủy thủ đang có mặt ngay vùng biển này dù gan lì cách mấy cũng không khỏi rùn mình . Một tiếng nổ dữ dội nữa lại phát ra từ phía bên trái , lại thêm một tuần dương hạm nữa bị thủy lôi đánh trúng . Đó là chiếc Pensacola , phòng máy của nó đang bị nước tràn vào như vỡ bờ . Chiếc tuần dương hạm thứ tư là Northampton nhìn thấy tình trạng quá khủng khiếp nên nó quay mũi tháo chạy mong ra khỏi tầm hoạt động của thủy lôi địch nhưng một khu trục hạm của Nhật dường như đọc được chủ ý , nó liền phóng ra hai trái thủy lôi tấn công ngay . Hai tiếng nổ rềnh trời vang lên lại thấy Northampton nghiêng hẳn về một bên , lửa cháy rực sáng cả một góc trời . Tuy nó là chiếc tuần dương hạm bị thủy lôi đánh trúng sau cùng nhưng nó lại bị chìm trước hơn hết .

  Bây giờ thì đoàn khu trục tiếp vận của Tanaka bắt buộc phải rút lui . Chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ tung hoành ông đã loại khỏi vòng chiến một lực lượng hùng hậu của địch với một tuần dương hạm bị đánh chìm và 3 chiếc khác hư hại nặng , trong khi chỉ với một thiệt hại không đáng kể là một khu trục hạm không radar bị đánh chìm nhưng mục tiêu chính yếu là việc chuyển vận tiếp liệu cho những binh sĩ đói khát trên đảo thì đành phải gát lại .

  Mặc dù vạn phần nguy hiểm nhưng chỉ hai đêm sau , vì quá nóng lòng mang lương thực đến cho những binh sĩ tội nghiệp đang chết dần chết mòn vì đói khát nên Tanaka quyết định trở lại đảo Guadalcanal lần nữa . Lần này với bảy khu trục hạm mang những thùng tiếp liệu , dù phi cơ Hoa kỳ không ngớt mở những cuộc bắn phá dai dẵng nhưng họ vẫn vượt qua được và mang đến cho đoàn quân ốm đói trên đảo gần 1200 thùng lương thực tiếp liệu , trong khi có hơn 300 thùng bị thất lạc vì sóng biển cuốn đi . Nhưng kết quả sơ khởi đáng khuyến khích này cũng làm cho Kanaka phấn khởi , ông tiếp tục thêm một chuyến nữa vào vài ngày sau đó nhưng phía phòng thủ Hoa kỳ quyết liệt cản ngăn , họ cho phi cơ và tàu phóng thủy lôi tấn công gắt quá nên Kanaka đành phải bỏ cuộc .

  Tình hình của quân đội Nhật bản đang hiện diện trên đảo càng lúc càng xấu đi . Bây giờ kẻ thù chính của họ chẳng phải là thủy quân lục chiến Hoa Kỳ nữa , mà là đói khát và sốt rét . Hai mối hại này mới là chính lưỡi hái tử thần mà cũng là lý do để cho binh sĩ phải ngã lòng thối chí  . Ở đây , chúng ta cứ nhìn về những tháng trước khi Nhật tiến vào bán đảo Batann ở Phi luật tân . Hãy nhìn những binh sĩ Hoa kỳ và Phi họ bị lâm vào tình trạng đói khát và bệnh tật như thế nào thì bây giờ , những thảm cảnh ấy lại trở về phía Nhật bản . Nhưng tình trạng ở Batann , quân phòng thủ bị đói khát vì giặc bao vây tứ phía ta không phải bàn . Còn ở đây , cánh quân tấn công nhưng lại rơi vào hoàn cảnh khốn cùng này . Thử hỏi cấp chỉ huy của họ và thậm chí Thiên Hoàng Hirohito có thật sự đáng trách không ? Và rồi ở tại chiến trường còn có thêm những vị chỉ huy tồi , những nhà quân sự vẽ những chiến thuật tấn công và phòng thủ không giống ai để nướng thêm quân thêm tướng mà thôi .

  Kế hoạch chống càng do Đại tá trưởng phòng hành quân dưới trướng Tướng Hyakutake là Konuma vẽ ra đã khiến tiềm năng chiến đấu của cánh quân trên đảo bị phung phí một cách vô ích kể từ hôm trực diện chiến đấu với một cuộc hành quân hỗn hợp giữa bộ binh và thiết giáp của Hoa Kỳ . Sau khi chịu nhìn nhận hỏa lực của địch thật khủng khiếp và hàng ngàn binh sĩ phải chết oan mạng , Konuma mới chấp nhận sự thật là không thể trực diện giao chiến với kẻ thù .Ông vội thay đổi chiến thuật , dùng du kích chiến để gây tổn thất cho địch và bảo tồn lực lượng ốm đói của mình . Theo cách chiến đấu này thì mỗi binh sĩ Nhật phải tự đào cho mình một cái hố cá nhân và lệnh cho họ phải tử thủ ở ngay vị trí của mình . Nhìn những người lính nằm im ôm bụng đói thu mình trong cái hố nhỏ xíu , Konuma hớn hở tuyên bố rằng mỗi cái hố cá nhân là một pháo đài kiên cố mà người Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận theo lối đánh du kích nhằm tiêu hao lực lượng của họ , nhất định họ sẽ chịu thua ngay thôi .

  Ông ta cười tươi như hoa nhìn cái kế hoạch tuyệt vời của mình mà tưởng tượng như chiến thắng đang nằm sẳn trong lòng bàn tay . Ông đâu có chịu ngoái nhìn ra ngoài phía bãi biển xa xa đàng kia , nơi những binh sĩ quá kiệt sức vì bệnh sốt rét hoặc chẳng có gì bỏ bụng , họ hoàn toàn mất hết sức lực không còn sức chiến đấu , bỏ cả hố cá nhân cố bò ra ngoài bờ biển nằm chờ chết . Cả một vùng không gian chung quanh họ được bao phủ bằng một mùi hôi thối nồng nặc từ những vết thương đang chảy mũ của các thương binh và nhiều xác chết trương sình lên . Không riêng gì đám ruồi nhặng bu quanh đen đặc mà còn có cả những đàn kênh kênh đói thịt người không biết từ đâu kéo đến chầu chực đầy cả một khu vực .

  Ở tại nơi đây người ta cũng đọc được những dòng chữ nguyệch ngoạc chẳng biết của ai đó đã viết trên một tờ giấy và ghim vào một cây súng trường đã gãy làm đôi . Tờ giấy ấy có dòng chữ như sau :

  Người nào còn nhấc nổi bàn chân : còn sống được 30 ngày .

  Người nào còn ngồi được : còn sống 20 ngày .

  Người nào khi tiểu tiện mà không đứng dậy nổi : còn sống 3 ngày .

  Người nào hết nói chuyện được : còn sống 2 ngày .

  Người nào đôi mắt hết nhấp nháy : chiều nay chết là cái chắc .

  Đây thật quả rất đúng với cái địa ngục trần gian mà những binh sĩ Nhật bản tại Guadalcanal đang gồng mình gánh chịu mà thượng cấp họ dù có biết cũng đành bó tay ngồi nhìn . Chớ biết làm gì bây giờ !!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế