Trận Guadalcanal tiếp theo 5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trở lại với cánh quân Nhật trên đảo Guadalcanal . Năm ngàn sáu trăm binh sĩ chiến đấu thuộc sư đoàn 2 – ngoài những pháo đội đại bác và những chiến sĩ quân y – họ bắt đầu tiến về phía triền núi Austen để đến điểm xuất quân đúng ngày 21 tháng 10 như đã định . Trước khi đoàn quân xuất phát , trưởng phòng kế hoạch hành quân thuộc ban tham mưu của Tướng Hyakutake là Đại tá Konuma , ông khều Đại tá Tsuji ra bên ngoài và nói nhỏ “Theo lẽ thì tôi sẽ cùng những sĩ quan khác ra chiến trường để chỉ huy trực tiếp nhưng kẹt vì còn rất nhiều việc nên phải ở lại tổng hành dinh . Vậy phiền Đại tá đi thế tôi có được không ?” . Vốn là một con người thích xông xáo bắn giết nên vừa nghe Konuma đề nghị thì tưởng chừng như không còn gì để mong muốn hơn , Tsuji hân hoan chấp thuận ngay . Vã lại giữa hai người vốn là bạn đồng song nên việc giúp đỡ lẫn nhau lúc bận bịu cũng là một việc đáng để làm .

  Cầm trong tay một cái la bàn và chỉ với duy nhất một tấm bản đồ quá xưa cũ nên độ chính xác của nó không đáng để tin cậy , Tướng Maruyama tư lệnh sư đoàn 2 hướng dẫn con cái của mình tiến xuống triền dốc đi về phía con đường mòn mang tên của chính ông . Lúc khởi hành , họ di chuyển rất dễ dàng khi xuyên qua những rừng dừa và vài ngọn đồi thấp , lúc đêm xuống thì dừng chân nghỉ qua đêm . Không nhọc nhằn không mệt nhọc . Ngày đầu tiên đoàn quân xông trận họ cứ tưởng như mình đang tham dự một buổi cắm trại ngoài trời . Đến lúc nửa đêm , một cơn mưa trút xuống tầm tả , từng dòng nước từ trên cao đổ xuống như những ngọn thác khổng lồ cuốn trôi những binh sĩ đang ngon giấc nồng . Thế là một cảnh tượng hết sức hỗn độn diễn ra giữa những tiếng kêu cứu và gào thét vang dậy . Đám quân mắt mưa ướt lạnh không biết phải trốn vào đâu , họ đành ngồi gom chung thành từng nhóm run lên vì lạnh để chờ trời sáng .

  Sang ngày thứ hai thì đoạn đường trở nên khó khăn trắc trở hơn vì họ phải hành quân xuyên qua một khu rừng già dày đặc mà tầm nhìn chỉ giới hạn không quá hai thước . Dẫn đầu là Tướng Maruyama , với chiếc gậy trên tay , với những bước chân vững chắc và cẩn trọng trông ông không khác gì người chiến sĩ khinh binh toán tiền sát đầy kinh nghiệm . Bên cạnh ông Tướng tư lệnh là Tướng Nasu tham mưu trưởng sư đoàn . Mặc dù vị Tướng này đang bị lên cơn sốt , đầu óc nóng ran nhưng vẫn ráng cắn răng chống chọi với cơn sốt rét rừng quái ác cùng tháp tùng theo đoàn quân đi làm lịch sử . Lúc mọi người được lệnh ngồi xuống nghỉ chân thì Tướng Nasa cho gọi Đại tá Tsuji đến . Ông nói “Tôi có thứ này tuyệt lắm nhưng không còn nhiều , chỉ chừng một muỗng thôi” . Nói đoạn ông thò tay lôi ra cái lon nhỏ dùng đựng thuốc hút trao cho Tsuji . Tsuji mở hộp ra thì thấy còn được đâu khoảng một muỗng đường các nằm sát dưới đáy lon . Ông Tướng đổ ra bàn tay mình một nửa rồi đưa cả cái lon cho Tsuji . Ôi không còn gì để gọi là tuyệt vời hơn ở dưới gầm trời này cho bằng nửa muỗng đường ngày hôm ấy .

  Sang ngày thứ ba thì đoàn quân tiến vào con đường mệnh danh là “đường mòn Maruyama” . Con đường tân tạo do toán công binh bất đắc dĩ của Nhật xây dựng , nó có bề ngang quá hẹp nên bắt buộc những binh sĩ phải đi thành hàng dọc từng người một . Thế là đoàn quân từ đây lại di chuyển thành một đoàn dài thườn thượt . Họ kéo dài ra ngoằn ngoèo như một con rắn dài vô tận khi nhô lên đồi cao lúc oằn xuống dốc sâu , hết suối rồi sông , hết rừng tới núi cứ bò chầm chậm về phía trước . Những người lính tội nghiệp cứ còng lưng mà nhích từng bước một . Đường dài sức nặng càng tăng , ngoài cái ba lô gia tài sự sản ra họ còn phải mang theo những cơ phận tháo rời từ những khẩu súng cộng đồng hoặc những trái đạn đại bác nặng trĩu . Nói chung là những loại vũ khí giết người , những thứ cần thiết cho chiến trường đều do những người lính vai gầy gối mõi gồng mình ra khuân vác .

  Từ khi việc nấu nướng bị cấm ngặt vì khói lửa sẽ góp phần chỉ điểm cho phi cơ Hoa kỳ oanh tạc nên họ , từ ông Tướng tư lệnh sư đoàn đến anh binh nhì lon ton cũng có cùng một khẩu phần ăn như nhau là những gói cơm nấu sẳn mang theo từ căn cứ tạm . Nhưng những gói cơm mang theo bây giờ cũng đã hết nên bước sang ngày thứ 4 của cuộc hành quân thì phần vì mệt , phần vì đói nên sức lực của họ đã quá rã rời . Chỉ với cái ba lô trên lưng và khẩu súng trên vai thôi cũng đủ quá nặng cho đôi chận mõi nhừ của những người lính tội nghiệp này rồi thì những cơ phận hoặc quả đạn nặng nề kia đã trở thành những quả núi trên vai họ . Chưa nói đến khi bắt đầu rời con đường mòn để leo núi . Vác pháo mà đu dây leo núi , chuyện hi hữu này chẳng ai có thể dù là chỉ nghĩ đến thôi cũng đã rùn mình rồi . Và những binh sĩ quá mệt mõi rả rời của Nhật bản tuy chẳng rùn mình e ngại chút nào nhưng họ không thể leo núi với một tư thế tay khuân vai vác như đi bộ . Thế là những thứ cồng kềnh nặng nề kia từ từ rơi rớt lại hai bên vệ đường như những chiếc lá mùa thu .

  Những chướng ngại thiên nhiên quá nhiều nên trên đoạn đường hành quân gây ra nạn ùn tắt chậm chạp khiến họ không thể nào đến được vị trí tấn công đúng theo thời gian đã định . Tướng Maruyama cũng nhận ra điều này nên vội liên lạc về bộ chỉ huy lộ quân 17 xin dời thời gian tấn công trễ thêm một ngày nữa . Đến chiều ngày 22 tháng 10 , cánh quân của ông cũng chưa thể đến điểm hẹn được nên một lần nữa xin gia hạn thêm 24 tiếng đồng hồ . Chiều hôm ấy họ đã đến được vòng đai quanh ngọn núi Austen , đó là nơi sư đoàn 2 tách ra làm hai cánh : Tướng Nasu cùng bộ chỉ huy sư đoàn vẫn tiến thẳng vào hướng sân bay Henderson và cánh quân của Tướng Kawaguchi chỉ huy gồm 3 tiểu đoàn bộ binh và 3 tiểu đoàn súng cối sẽ rẽ phải , tiến về phía Nam .

  Chia tay với bộ chỉ huy sư đoàn và cánh quân chính , Tướng Kawaguchi lại chạm trán với Đại tá Tsuji . Đông phương giáo chủ Tsuji vốn không thích Tướng Kawaguchi , một điều dễ hiểu vì ông ta là một bại tướng mà còn lên tiếng kêu ca ta thán , hơn nữa Kawaguchi vốn là đàn em của Tướng Homma , họ điều là những vị Tướng độ lượng khoan dung chẳng phải như ông , thuộc phe cực đoan quá khích thích chém giết bừa bãi . Trong khi ấy thì Kawaguchi đâu có thấu được lòng dạ của Tsuji nên ông tươi cười vỗ vai người Đại tá và nói “Tôi rất vui mừng khi được gặp lại Đại tá ở đây” . Sau đó ông trình bày những ưu tư về kế hoạch tấn công của cánh quân mình , một kế hoạch mà cha đẻ của nó chính là Tsuji và Konuma . Rằng theo kế hoạch này thì cánh quân của ông không thể nào thực hiện được vì vị trí tấn công ở ngay một địa hình quá phức tạp gồm núi đá gồ ghề và đồi cao hiểm trở , một địa thế mà ông đã dùng để tung quân tấn công  cả hai lần và đều bị thất bại thê thảm hồi tháng 9 vừa qua . Để kết luận , Tướng Kawaguchi hỏi Tsuji “Đại tá có xem qua những bức không ảnh của Hải quân chưa ?” . Ý của Kawaguchi là muốn dọ hỏi xem Tsuji có nhìn thấy những bức không ảnh vừa mới chụp , nó cho thấy Hoa kỳ cho củng cố vòng đai phòng thủ rất vững chãi . Ông còn góp ý thêm là căn cứ vào sự bố phòng của địch thì cánh quân của ông sẽ không có cơ hội thành công nếu tấn công vào vị trí đã định . Theo ông thì nên tiến sâu thêm vào phía sau , đánh bọc hậu căn cứ của địch . Đây là phòng tuyến phía Đông Nam của sân bay , ở một chỗ mà đồi không cao và nhiều cây cối bụi rậm rất dễ cho binh sĩ ngụy trang lẫn tránh . Chính ở nơi đây có lần ông đã đặt chân đến , địa thế rất lý tưởng để mở mũi dùi tiến quân .

  Đại tá Tsuji vẫn kiên nhẩn im lặng lắng nghe , khi Kawaguchi dứt lời ông mới lên tiếng “Tôi chẳng cần coi không ảnh hay bản đồ gì cả . Tôi đã biết qua địa hình ở đây nên rất đồng ý với đề nghị của Thiếu Tướng” Nhưng khi Kawaguchi nhờ Tsuji chuyển lời đến Maruyama  thì ông ta lại lắc đầu bảo là không cần thiết . Ông nói “Đích thân tôi sẽ giải thích tường tận với ông ấy . Thôi cầu chúc Thiếu Tướng nhiều may mắn” và ông vẫy tay chào tạm biệt Kawaguchi .

  Tuy Tsuji hứa như thế nhưng ông không bao giờ mang ý kiến này trình lên Tướng tư lệnh sư đoàn Maruyama . Nói về Maruyama , đến ngày 23 tháng 10 mà đoàn quân của ông vẫn còn kéo dài lê thê chưa tập trung ở vị trí đã định . Ngày giờ tấn công lại phải một lần nữa hoãn lại cho đến khuya hôm sau , tức 24 tháng 10 .

  Cánh quân của Kawaguchi chẳng nhận được sự thay đổi ngày giờ cho đến chiều hôm sau , trong khi họ còn phải trèo non lội suối gần một ngày rưỡi nữa mới tới được điểm xuất kích . Sự trễ nãi này khiến cho Kawaguchi lo cuống cuồng lên , ông gọi về báo với Tướng Maruyama rằng cánh quân mình không thể nào đến kịp điểm xuất kích như dự tính nhưng Maruyama trả lời dù thế nào đi nữa , cuộc tấn công không thể đình hoãn lại được thêm nữa . Và cũng qua cuộc điện đàm này mà Kawaguchi được biết thêm là đề nghị của mình không bao giờ đến được tai vị Tướng tư lệnh sư đoàn , có nghĩa là Đại tá Tsuji chỉ hứa cuội mà thôi . Ông bực tức và cố giằng cơn giận bằng một giọng quả quyết , ông nói với Maruyama “Trong trường hợp này tôi không còn chọn lựa nào khác hơn là tung cánh quân đi đầu tấn công đúng theo thời gian quy định . Nhưng kết quả ra sao thật sự thì tôi không dám một mình chịu hết trách nhiệm” . Maruyama vừa nghe qua lửa giận đã phừng phừng , ông lập tức ra lệnh triệu hồi Tướng Kawaguchi trở về bộ chỉ huy sư đoàn và trao quyền chỉ huy cánh quân ấy lại cho Đại tá Toshinari Shoji .

  Trong lúc ấy thì Đại tá Tsuji lại gọi về tổng hành dinh của lộ quân 17 báo cáo với Konura rằng Tướng Kawaguchi từ chối lệnh tấn công nên đã bị bộ tham mưu sư đoàn rút quyền chỉ huy . Ông chỉ báo cáo ngắn gọn và tuyệt nhiên không hề đề cập thêm những chi tiết khác , những chi tiết quan trọng ở đàng sau cái việc Tướng Kawaguchi bị cánh chức một cách đau đớn .

  Tại phía bờ biển , Tướng Sumiyoshi đã sẳn sàng cho cánh quân nghi binh của mình tấn công . Tất cả các khẩu trọng pháo cùng đạn dược đều được di chuyển đến một địa điểm cách tây ngạn con sông Mantaniko chừng vài dặm . Sáng sớm ngày 23 tháng 10 , pháo bắt đầu nổ một ngày trước khi mặt trận bắt đầu . Vì sao lại có sự không đồng nhất như vậy , chỉ vì ngày giờ tấn công cứ bị hoãn tới hoãn lui hai ba lần rối tung , và lần thứ 3 khi quyết định dứt khoát thì chẳng có một ai gọi báo cho Tướng Sumiyoshi biết cả . (Sau khi chiến tranh chấm dứt Tướng Maruyama và Hyakutake vẫn còn cãi vả đổ lỗi cho nhau về cái việc quá sơ suất là không thông báo cho Sumiyoshi khiến cho mọi kế hoạch bị bại lộ) .

    Sau khi loạt pháo đầu tiên chừng nửa tiếng đồng hồ , Sumiyoshi cho 9 chiếc xe tăng cùng một tiểu đoàn tiền sát ồ ạt xung phong tràn qua bãi các nơi cửa sông để tiến sang bờ bên kia . Nhưng không ngờ pháo binh của thủy quân lục chiến phản pháo quá chính xác khiến cho cánh quân xung phong của Nhật bị thiệt hại rất nặng . Họ chỉ còn độc nhất một chiếc xe tăng sống sót bò sang tận bên kia bờ sông và sau đó nó chạy thụt mạng trở ra phía bờ biển . Về phần bộ binh , một tiểu đoàn gần như bị xóa sổ với 600 binh sĩ vĩnh viễn nằm lại sau cơn mưa pháo .

  Kế hoạch tấn công theo lối nghi binh đã bị thất bại hoàn toàn vì chính nó đã tự gióng hồi chuông báo động cho quân phòng thủ để cho họ thêm đề cao cảnh giác . Chiều cùng ngày thủy quân lục chiến phát giác ra sự có mặt của một lực lượng đông đảo địch quân ở ngay phía sau sân bay . Đầu tiên là một đội hình đang di chuyển dưới chân núi Austen , rồi qua những ống dòm quan sát họ còn thấy cả những sĩ quan Nhật đang đứng từng nhóm trên đỉnh đồi máu . Cuối cùng là báo cáo của những biệt đội bắn sẻ đang nằm ẩn mình trên những ngọn đồi phía xa xa , họ trông thấy có nhiều cái bếp dã chiến đang nhả khói từ khu rừng rậm cách ngọn đồi máu chỉ có hai dặm .

  Đại tá Tsuji và Konuma đã dự liệu rất đúng là Vandegrift không thể ngờ Nhật lại cho một mũi tấn công từ phía ngọn đồi máu , vị trí mà cánh quân của Kawaguchi dự định sẽ xuất kích , do đó đội quân này tiến sâu vào phía sau phi trường rồi mà vẫn chưa bị phát giác , trong khi cánh quân làm mũi dùi chính của Tướng Maruyama thì đã lộ nguyên chân tướng .

  Đại tá thủy quân lục chiến Lewis Puller , một vị sĩ quan đi lên trong khói lửa . Đã từng tham dự hơn trăm trận đánh khốc liệt ở chiến trường Haiti và Nicaragua , kinh nghiệm chiến đấu đã dạy cho ông nhiều bài học quí giá . Ông đang đi vòng quanh hàng rào phòng thủ phía Nam sân bay để xem xét lại sự bố phòng của binh sĩ . Hôm trước ông đã ra lệnh cho họ củng cố lại hầm hố bằng cách đào sâu thêm phía dưới và chất nhiều bao cát trên nóc . Treo nhiều vỏ đạn đại bác khắp nơi , đó những chiếc kẻng để đánh báo động kịp thời dù ở bất cứ nơi đâu trong trường hợp  địch quân thình lình xuất hiện . Đồng thời ông cho phát hoang bãi cỏ rậm rạp phía ngoài công sự để có thể phóng tầm nhìn ra xa hơn . Cánh quân của Đại tá Puller đã sẳn sàng trong tư thế chờ địch .

  Tình trạng trễ nãi cứ kéo dài ra cho phía tấn công . Cánh trái thuộc toán quân của Tướng Nasu thì đã đến được vị trí đúng như dự liệu , chỉ riêng có toán quân của Kawaguchi thì còn nhùng nhằng kéo dài lê thê ra . Đại tá Shoji , người được chỉ định lên thay Kawaguchi cũng mới vừa ra khỏi con đường mòn Maruyama để tiến vào rừng . Hiện tại thì ông đang gồng hết sức mình để cùng con cái trèo đồi lội sông , băng suối vượt rừng cho kịp đến điểm xuất kích . Nhưng ông không thể nào đến được điểm hẹn đúng thời gian qui định .

  Một giờ trước lúc tấn công bỗng trời nổi cơn thịnh nộ sấm sét tứ giăng và mưa rơi nặng hạt . Mưa đổ như trút nước , chỉ trong một thoáng mà đường đồi ngập nước và trơn trợt vô cùng . Maruyama cùng bộ tham mưu đành chọn một khu đất tương đối bằng phẳng cùng ngồi xuống chịu trận . Đồng hồ vừa điểm nửa đêm , họ đều nghe có nhiều tiếng súng nổ từ phía cánh phải , lúc đầu còn thưa thớt nhưng càng lúc càng giòn giã liên hồi . Câu hỏi đầu tiên trong đầu những sĩ quan tham mưu là liệu Đại tá Shoji đã phá thủng phòng tuyến địch hoặc đã bị địch đẩy lùi ? Cuối cùng thì mọi thắc mắc của họ cũng được giải đáp thỏa đáng . Matsumoto , sĩ quan liên lạc sư đoàn theo cánh quân của Đại tá Shoji . Giọng của ông ta oang oang trong máy “Cánh phải đang tấn công vào sân bay địch” . Và sau đó không lâu tiếng của người sĩ quan liên lạc lại cất lên “Cuộc tấn công thành công” . Tướng Maruyama mừng rỡ hét lên trong niềm hân hoan tột độ “Banzai” .

  Đến lượt có tiếng súng nổ dữ dội đưa về từ phía cánh trái , xen lẫn với tiếng cắt bùm từng phát của súng trường họ còn nghe được tiếng nổ giòn giả của súng máy liên thanh . Tất cả những sĩ quan đang lắng tai nghe ngóng đều an tâm , đó là tiếng súng của quân ta , tức cánh quân của Tướng Nasu . Nhưng không bao lâu sau đó những tiếng nổ chát chúa khác xen vào , âm thanh của những khẩu đại liên , cối và có cả đại bác nữa , nó át hẳn cả những tiếng súng liên thanh và súng trường của quân Nhật như lúc mới khởi diễn  . Thôi rồi , đây là tiếng súng của quân phòng thủ đây mà . Tất cả bộ tham mưu của Tướng Maruyama đều ngồi chết lặng . Lại có tiếng máy truyền tin kêu lên xè xè . Matsumoto , sĩ quan liên lạc lúc nãy bây giờ lại gọi nữa . Lần này ông đính chánh rằng lời báo cáo cuộc tấn công thành công của cánh phải khi nãy là sai . Thật sự thì họ chưa băng qua khỏi một khu đất trống mà họ đã lầm lẫn cứ ngỡ là sân bay . Một lầm lẫn tai hại , vì đấy đơn thuần chỉ là một khu đất hoang , một khoảng đất trống bên ngoài sân bay .

  Một sự thật phủ phàng cho cánh quân phía phải , Đại tá Shoji vì biết mình không thể nào đến kịp điểm hẹn nên cũng như Kawaguchi , ông đành phải làm liều ra lệnh cho toán tiền quân tấn công đúng theo thời gian đã quy định . Với một lực lượng chỉ hơn một tiểu đoàn vừa đến được điểm hẹn đã ôm súng lăn vào tấn công ngay trong khi Shoji và một đoàn binh hùng hậu với 5 tiểu đoàn còn lại vẫn kéo lê phía sau cánh rừng già . Và dĩ nhiên với sức mạnh của một tiểu đoàn thì làm sao phá thủng nổi phòng tuyến của Hoa Kỳ , trong khi những hỏa lực hùng hậu của họ đang giàn sẳn để chờ đợi . Chưa nói đến sự lầm lẫn tai hại tiểu đoàn tiên phong , họ cứ tưởng bãi đất hoang được thủy quân lục chiến dọn trống hôm qua là sân bay Henderson nên hân hoan xông vào chiếm lấy cho bằng được , đến khi vị tiểu đoàn trưởng nhận ra mình lầm thì đã nướng không biết bao nhiêu binh sĩ rồi .

  Những sĩ quan tham mưu sư đoàn không biết vì đội mưa ngồi chờ nên bị lạnh cóng hay vì vừa nghe xong báo cáo mà lại hóa đá ngồi trơ ra như những pho tượng . Ngay lúc ấy thì tiếng pháo địch ở cánh trái càng lúc càng trở nên gấp rút hơn và nhịp độ ấy như không bao giờ chấm dứt . Một tiếng đồng hồ ngột ngạt trôi qua không có một báo cáo nào gọi về từ cánh quân ấy , tức từ Tướng chỉ huy Nasu . Đại tá Tsuji ngồi im bất động . Đông phương giáo chủ có thể nhìn thấy đó là một cái điềm chẳng lành , bất giác ông cảm thấy có một luồng khí ớn lạnh chạy dài dọc theo xương sống .

  Sự thật nơi cánh trái , Tướng Nasu dù đang cơn sốt hừng hực nóng nhưng ông vẫn mặc kệ , vẫn như người khinh binh đi hàng đầu hướng dẫn trung đoàn 29 cùng xông vào tấn công phòng tuyến địch . Sau đợt tấn công đầu họ bắt buộc phải thối lui vì hỏa lực quá mạnh của quân phòng thủ . Lần thứ hai , Nasu quyết định đánh vào một vị trí khác cách đó không xa nhưng cũng thất bại nốt . Ông cho mở thêm nhiều cuộc tấn công khác nhưng đều bị địch quân bẽ gãy từ đầu khiến thiệt hại càng lúc càng tăng và mức tấn công càng về sáng càng yếu dần .

  Trong lúc này thì nơi phía sau khu rừng già , Tướng Kawaguchi trong lòng ảo nảo với thật vọng tràn trề , ông vạch lá băng rừng cố đi tìm bộ chỉ huy của ông tướng tư lệnh sư đoàn . Ông nghe có tiếng súng nổ ngay phía bên phải nhưng vẫn mặc kệ cứ lầm lũi trong bóng đêm mà đi mặc cho mưa giăng gió lốc . Cuộc đời của một con nhà tướng , một sự nghiệp nhà binh lẫy lừng của ông đến đây coi như chấm dứt . Ông thầm nghĩ mà cảm thấy quá cô đơn và chua chát cho cái sự đời “Không biết rồi đây họ sẽ kết tội mình như thế nào nhỉ?” . Ông tự nhủ rồi lắc đầu không dám nghĩ tiếp nữa . Bỗng chốc nỗi chán ngán dâng lên ngập lòng khiến cho ông đau khổ không còn muốn đi tìm gặp ai cả . Nghĩ và làm liền , Kawaguchi quờ quạng mò tìm trong bóng tối . Sau một lúc lâu ông tìm được một bọng cây khổng lồ rồi hân hoan chui tọt vào trong ấy nằm ngủ một giấc vô tư , mưa chẳng hay mà gió cũng chẳng biết . Lòng thanh thảng nhẹ nhàng , dù tiếng súng nổ pháo rơi ầm đùng vang lên bên tai ông cũng chẳng bận tậm , một khi đã biết mình bị người ta thẳng tay tàn nhẫn quăng ra bên lề cuộc chiến .

  Trở lại cánh quân của Tướng Nasu , qua bao nhiêu cố gắng và dời đổi chiến thuật lẫn vị trí tấn công , cuối cùng quân của ông cũng bị hỏa lực địch đẩy lùi một cách thảm hại . Khi trời vừa rựng đông thì Nasu hoàn toàn thất vọng , ông ra lệnh rút lui với một kết quả quá sức tưởng tượng là một nửa quân số nằm lại vĩnh viễn phía bên ngoài hàng rào phòng thủ . Trung đoàn số 29 , một trung đoàn thiện chiến nhất của sư đoàn 2 gần như bị xóa sổ hoàn toàn và vị Đại tá Trung đoàn trưởng cũng bị mất tích trong trận ấy .

  Nasu gọi điện báo cáo tình trạng thê thảm của mặt trận lên Tướng Maruyama . Chẳng biết vị chỉ huy trưởng quát tháo những gì trong máy mà sau khi buông ống nói , những sĩ quan tham mưu đang tề tựu chung quanh thấy khuôn mặt ông tướng tham mưu trưởng sư đoàn trở nên căng thẳng và miệng lại thì thầm “Thế là xong !” .

  Khi biết được cuộc tấn công thất bại , các sĩ quan tham mưu sư đoàn khuyên Maruyama nên rút quân nhưng ông quyết không nghe . Ông ra lệnh cho Naru là sư đoàn cho ông ta thêm một cơ hội chuộc tội bằng cách trở lại tấn công vào đêm ngày mai .

  Theo lẽ thường thì sau một cuộc tấn công bất thành , do những tổn thất quá lớn cấp chỉ huy phải xin hoãn lại thời gian để đủ thời giờ bổ xung và tái phối trí lực lượng chuẩn bị cho một cuộc tấn công khác , nhưng đối với Tướng Nasu thì ông chẳng những không lên tiếng xin xỏ gì ngược lại còn ngoan ngoãn vâng lệnh ngay không cần suy nghĩ . Với một giọng khàn đặc vì cơn sốt đang hành hạ , Nasu nói qua ống liên hợp “Vâng Trung Tướng .Tối nay tôi sẽ cho quân tấn công tiếp tục” .

  Nasu khổ sở ngồi ôm đầu trong một căn cứ dã chiến giữa chốn rừng già, cơn sốt đang hành hạ ông ghê gớm , thân nhiệt đang ở 40 độ , toàn thân nóng bức tưởng chừng như máu trong cơ thể đang sôi lên sùn sụt . Ông cho gọi vị y sĩ đến để tiêm thêm một mũi thuốc hạ nhiệt . Trong khi viên y sĩ làm nhiệm vụ , ông Tướng lâm râm cầu khẩn xin ông bà phò hộ sao cho ông kéo dài sự sống thêm một ngày nữa để có thể chỉ huy trận tấn công ngày mai hầu gở lại thể diện đã mất hết vào đêm rồi .  

                          …………………………………..

  Ngay từ tiếng súng tấn công bắt đầu nổ , do sự lầm lẫn nên một báo cáo gửi về Đô đốc Yamamoto từ sĩ quan truyền tin sư đoàn báo tin đã tiến chiếm sân bay Henderson . Yamamoto vội dùng radio ra lệnh cho phó Đô đốc Kondo lập tức di chuyển hạm đội về hướng Nam để phối hợp với hải đội Kido Butai của Nagumo cùng tìm cách dẫn dụ Hải quân Hoa kỳ xuất hiện và tiêu diệt . Đồng thời ông cũng cho một hải đội gọn nhẹ gồm một tuần dương hạm và tám khu trục hạm đến ngay vùng biển Guadalcanal để yễm trợ hỏa lực hải pháo cho Maruyama .

  Bất ngờ lại thêm một báo cáo thứ hai gửi đến từ mặt trận Guadalcanal là cuộc tấn công thất bại . Báo cáo này khiến cho Đô đốc Yamamoto cùng ban tham mưu của ông nản chí hết sức , họ đâm ra lưỡng lự không biết phải nên tiến thoái lẽ nào . Yamamoto đành ra lệnh cho hạm đội của Kondo dừng lại tại chỗ . Như thế hai hải đội hùng hậu của Nhật bây giờ lại tập trung ở tại một vùng biển cách đảo Guadalcanal 300 dam về hương Đông Bắc .

  Nhưng về phần lực lượng có nhiệm vụ yễm trợ cho cánh quân tấn công trên đảo vì chưa nhận được lệnh dừng lại nên họ vẫn theo lối hành lang của các đảo mà xuôi Nam . Cho đến khi Yura , chỉ huy trưởng lực lượng nhận được tin sân bay Henderson vẫn chưa lọt vào tay quân Nhật thì đã quá muộn . Các phi cơ Hoa kỳ cất cánh từ sân bay Henderson xông ta tấn công tới tấp . Kết quả thảm hại là chiếc tuần dương hạm chỉ huy của ông bị đánh chìm và cả mạng sống của ông ta cũng không ngoại lệ .

  Yamamoto đã dự định rất đúng nên kịp thời ra lệnh cho hạm đội Kondo dừng lại . Vì ông nghĩ nếu Henderson chưa bị quân đội của Hyruyama chiếm cứ thì phi cơ họ sẽ cất cánh tấn công bất cứ lực lượng nào của Hải quân Nhật khi họ tiến quá sâu về vùng biển phía Nam .

  Tại căn cứ Noimea , Đô đốc Halsey , người vừa lên thay Đô đốc Ghormley chỉ huy lực lượng Hải quân vùng Nam Thái bình dương ra lệnh cho phó Đô đốc Thomas Kinkaid , chỉ huy trưởng lực lượng đặc nhiệm số 16 là lập tức di chuyển toàn bộ lực lượng gồm hai mẫu hạm : Enterprise và Hornet , 9 tuần dương hạm và 24 khi trục hạm lên án ngữ tại vùng biển của đảo Santa Cruz , một nơi chỉ cách Guadalcanal 400 dặm về hương Đông .

  Chiều ngày 25 tháng 10 , phi cơ thám thính của Hải quân Hoa kỳ phát giác hai hải đội rất hùng hậu của địch xuất hiện ở cách lực lượng đặc nhiệm 16 khoảng 360 dặm . Trên cầu chỉ huy của chiếc mẫu hạm Enterprise (chiếc Enterprise vừa rời ụ tại Trân châu cảng sau một thời gian sửa chửa) phó Đô đốc Kinkaid ra lệnh phóng phi cơ tấn công . Nhưng trong khi đó , hạm đội Kido Butai đã trông thấy chiếc thủy phi cơ PBY thám thính của địch . Nagumo tuy chức vụ thấp hơn Kondo trong quân đội nhưng vì hải đội Kido Butai của ông hoạt động độc lập nên không cần phải nghe theo hiệu lệnh của của Kindo . Ông lập tức ra lệnh cho tất cả hạm đội của mình quay về vùng biển phía Bắc , tránh cuộc tấn công bất ngờ của phi cơ Hoa kỳ có thể xảy ra . 

  Trong khi ấy Yamamoto thì rất muốn giao chiến với Hải quân Hoa kỳ cho dù là hậu quả của trận đánh nơi sân bay Henderson ra sao cũng mặc nhưng thình lình Kido Butai lại tự ý rút lui khi chưa có sự đồng ý của ông . Cơn thịnh nộ bất chợt nổi lên , vị Đô đốc chỉ huy trưởng hạm đội liên hợp liên lạc ngay với Nagumo và ra lệnh phải cho hạm đội quay trở lại vùng biển phía Nam để tìm và tiêu diệt mẫu hạm địch . Nagumo tuy nhận lệnh nhưng vẫn còn do dự vì tham mưu trưởng Kusaka khuyên rằng đây là một cuộc liều mạng vô ích , nó sẽ là một Midway thứ hai . Sự do dự không quyết định của Nagumo càng làm cho Yamamoto điên lên , ông lớn tiếng quở trách và bắt buộc Kido Butai phải quay trở lại vùng biển phía nam tìm và diệt địch . Nagumo tức giận cành hông quay ra bàn với tham mưu tưởng Kusaka , ông bảo rằng ông không thể cưỡng lệnh của vị tư lệnh tối cao được và rất cần sự hỗ trợ của Kusaka . Kusaka trả lời rằng “Tôi đã phân tách những sự lợi hại cho đô đốc nghe rồi , đô đốc là chỉ huy trưởng thì quyết định lẽ nào tôi cũng nghe theo cả . Nếu đô đốc muốn trở lại giao chiến với địch thì tôi sẽ sát cánh cùng đô đốc” . Tuy nhiên Kusaka cũng nhắc nhở với Nagumo rằng tông tích của hạm đội địch hiện đang ở đâu họ vẫn hoàn toàn mù tịt . Ông nói “Bây giờ thì ý của đô đốc đã quyết . Tôi chỉ muốn đô đốc nên biết rằng chúng ta không thể nào bị tiêu diệt trước khi hạm đội địch vẫn bình yên vô sự” . Nói xong Kusaka truyền lệnh xuống cho 3 mẫu hạm , một tuần dương hạm nặng cùng 8 khu trục hạm . Và một hải đội tiên phong gồm hai thiết giáp hạm , bốn tuần dương hạm cùng bảy khu trục hạm đồng quay mũi về phía Nam tiến phát .

  Thế là hai hạm đội Nhật và Mỹ càng lúc càng tiến về gần nhau trong khi cả hai phía vẫn không thể nào ngờ được . Hạm đội của phó Đô đốc Kinkaid đang di chuyển về hướng Bắc , đúng ngay vị trí của Kido Butai từ phía biển Bắc quay ngược lại , và dĩ nhiên là hai đối thủ sẽ gặp nhau . Nhưng chuyện này xin tạm gác lại chúng ta nên đi vào đảo Guadalcanal xem tình hình như thế nào cái đả .

  Nhắc lại Tướng Nasu , sau khi nhận lệnh sẽ tung toàn bộ binh sĩ còn sống sót mở một trận tấn công vào đêm sau thì dù bệnh tình có ngặt nghèo đến đâu ông cũng mặc . Thất bại đêm vừa rồi cộng thêm cơn sốt rét rừng cứ trở đi trở lại hành hạ ông gần chết đi sống lại mấy lần khiến cho tinh thần ông tướng càng suy sụp trầm trọng . Giờ tấn công đã đến , ông ra lệnh chuyển quân đến vị trí xuất phát . Đêm nay Nasu quyết chí ăn thua đủ với thủy quân lục chiến Hoa kỳ nên ông cho tung ra hai mũi công cùng một lúc . Cánh trái ông cho tung ra toàn bộ trung đoàn trừ bị là trung đoàn 16 cùng với quân của trung đoàn 29 còn sống sót . Cánh bên phải do quân trừ bị của Tướng Maruyama gửi tới .

  Đúng 9 giờ tối lệnh tấn công bắt đầu . Đích thân Tướng Nasu hướng dẫn cánh quân mặt trái rùn rùn xông vào phòng tuyến địch . Ông tướng sau mấy ngày bệnh nặng không ăn uống , sức lực gần như kiệt quệ , chân bước không muốn nổi nên ông phải dùng kiếm  làm gậy mà chống . Ông bước khập khễnh xuyên qua khu đất trống để tiến vào phía hàng rào phòng thủ địch trong khi binh sĩ miệng hô xung phong ùn ùn tràn tới . Những loạt súng máy , cối và lựu đạn ầm đùng vang dội khắp nơi . Rồi tiếng chát chúa bồi tiếp của những ụ đại liên từ phía cánh quân phòng bắn ra như mưa đốn ngã lớp binh sĩ như điên cuồng đang tràn vào như nước vỡ bờ . Một viên đạn oan nghiệt không biết từ họng súng đen ngòm nào đó bay đến xuyên thẳng vào lồng ngực vị Tướng chỉ huy . Phía sau người ta chỉ kịp nhìn thấy ông như bị tung lên rồi ngả quị xuống nằm bất động . Nasu đã bị thương và trận tuyến coi như mất chỉ huy , đám binh sĩ như rắn mất đầu ùa vào xốc ông lên và mang ra khỏi vùng lửa đạn . Tuy nhiên họ vẫn không bị nao núng , vẫn tiến lên cố tràn vào phá tan phòng tuyến địch . Tiếng súng nổ đạn bay pha lẫn tiếng hò hét xung phong , lẫn trong một âm thanh rùn rợn kinh khiếp ấy còn có cả tiếng chửi rủa om sòm của đám lính Hoa Kỳ .

  Cuộc tấn công gắng gượng chỉ kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ không mang lại một kết quả nào , ngược lại phải mất đi một vị Tướng chỉ huy cùng vô số binh sĩ . Sau hai ngày liên tục Tướng Maruyama mất đi hơn 3 ngàn binh sĩ , phần đông trong nhóm hơn 3 ngàn này đều chết tại mặt trận , một số ít khác đang hấp hối trong những hốc đá hoặc các bụi cây trong khu rừng gần đó . Tướng Nasu được binh sĩ bốc về căn cứ dã chiến . Bấy giờ ông đã quá đuối sức , khuôn mặt trắng bệch vì bệnh và mất máu vì vết thương , ông cố đưa tay ra nắm lấy bàn tay của Tướng Maruyama trong khi đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì . Và ông không còn sức để nói lên những lời cuối cùng muốn nói . Ông đã kiệt sức và nhắm mắt vĩnh viễn đi vào thiên thu .

  Rạng sáng ngày 26 tháng 10 , Nagumo và Kusaka đứng trên cầu chỉ huy của chiếc mẫu hạm Shokaku . Kusaka ra vẻ trầm ngâm nghĩ ngợi sau khi nghe một báo cáo gọi về từ hạm đội tiền phong , là họ phát giác một phi cơ địch , rất có thể là phi cơ thám thính . Ông tiên đoán địch có lẽ đã phát giác ra hạm đội của họ . Trong hai mươi phút im lặng trôi qua , hai vị chỉ huy Kido Butai đứng bất động , trên hai khuôn mặt quá đổi lạnh lùng dường như đang hóa đá cứ ngước nhìn chòng chọc vào bầu trời đen mịt . Bầu không gian như bất động ấy bỗng dưng bị phá vỡ thình lình bởi một tiếng nổ dữ dội . Và những tiếng nổ đinh tai khác cũng tiếp tục vang lên . Hai cột sóng cao ngất trời bốc tung lên rồi chụp xuống như hai ngọn thác gần bên chiếc soái hạm của Nagumo . Biết đó là thủy lôi của địch vừa phát nổ , Nagumo thảng thốt quay sang Kusaka , ông chỉ kịp nói “Những gì Trung tướng vừa tiên đoán quả thật không sai” Đoạn ông ra lệnh cho hạm đội tăng tốc độ và thay đổi phương hướng . Kusaka cố giằng cơn tức giận , ông ra lệnh cấp tốc phóng 24 phi cơ thám thính quan sát vùng biển phía Nam , vùng biển mà ông chắc rằng hạm đội địch đang có mặt ở đó . Ông không muốn bị thất bại một lần nữa như ở Midway . Vì quá thình lình và không bao giờ ngờ tới nên cả hai Kusaka và Nagumo đều cho rằng hạm đội của mình đang bị phi cơ địch tiến tới tấn công . Sự thật thì những trái thủy lôi này được phóng xuống từ hai chiếc phi cơ thám thính khổng lồ PBY có mang thủy lôi .

  Trong khi ấy hạm đội của Kinkaid đang hướng thẳng về phía Kido Butai đã bị một trong 24 phi cơ thám thính của Nhật do Kusaka ra lệnh phóng lên phát giác ra và báo cáo về soái hạm của Nagumo : một mẫu hạm và 15 chiến hạm đang tiến về phía Bắc . Gần cả một tuần nay , Kusaka cố gắng tránh xa vì không muốn đụng độ với Hải quân Hoa kỳ vì không rõ họ đang hoạt động nơi nào . Nhưng hiện tại thì kẻ thù chỉ còn cách Kido Butai có 250 dặm nếu không tấn công thì chờ gì . Nhớ lại lời tuyên bố hùng hồn lúc trước là “Kido Butai ra quân nếu không đánh cho hạm đội chú Sam chạy xịt khói thì không phải là Kido Butai nữa” Kusaka cảm thấy hùng tâm phấn chấn , quyết chí ăn thua đủ với đám con cháu chú Sam một chuyến mới nghe . Ông ra lệnh cho toàn thể phi đội đang có mặt trên ba mẫu hạm lập tức cất cánh tấn công địch . Lúc 7 giờ , 18 phi cơ phóng thủy lôi , 22 phi cơ ném bom bổ nhào và 27 chiến đấu cơ đã rời khỏi ba mẫu hạm của Kido Butai . Khi chiếc phi cơ sau cùng rời sàn tàu thì Kusaka ra lệnh cho phi đội thứ hai phải cất cánh ngay để kịp bám theo đội hình của phi đội trước . Chưa bao giờ những phi công Nhật trông thấy Tướng Kusaka cuống quít lên khi tự mình đứng ra đốc thúc các phi đội phải khẩn cấp cất cánh như vậy . Sau thảm bại Midway , chim bị cung sợ cả cành mềm nên Kusaka quyết không để cho một Midway thứ hai xảy ra với hạm đội của mình , phải đánh phủ đầu địch trước . Phi đội thứ hai cất cánh gồm 12 phi cơ phóng thủy lôi , 20 phi cơ bổ nhào và 16 chiến đấu cơ cùng lao vun vút cố đuổi kịp phi đội thứ nhất tiến về phía mục tiêu .

  Khi những phi cơ đã cất cánh , bầu không gian trở lại im lặng đến rợn người . Bây giờ Kusaka bắt tay vào việc chuẩn bị đón phi cơ địch tiến tới tấn công . Trong tay ông hiện tại chẳng còn lấy một chiếc chiến đấu cơ để bảo vệ cho hai mẫu hạm lớn và một mẫu hạm loại bé bi . Ông cũng biết thế nhưng vì quá nôn nóng quyết chí đánh một đòn chí tử phủ đầu hạm đội địch càng nhanh càng tốt nên bất chấp tất cả .

  Lúc 8:15 một phi đoàn của Hoa kỳ gồm 73 phi cơ bổ nhào , phi cơ phóng thủy lôi và phi cơ chiến đấu xé gió lướt tới hạm đội Kido Butai . Cả hai phi đoàn , Nhật phóng hướng về Nam , Mỹ tiến lên phía Bắc , ngay giữa không trung nơi giao điểm , cả hai kẻ thù bất cộng đáy thiên còn có thể trông thấy được nhau . Ngay lúc này thì phi đội chiến đấu cơ của Nhật thuộc toán cất cánh thứ hai , đang di chuyển khá xa đội hình nên khi trông thấy phi cơ địch thì một nhóm 12 chiếc chiến đấu cơ tự ý tách ra và nhào tới tấn công . Kết quả thì họ phải mất 3 chiếc Zero nhưng đã bắn hạ 3 được chiếc chiến đấu cơ Wildcat và ba phi cơ phóng thủy lôi , đây là một phi đội 19 chiếc cất cánh từ mẫu hạm Enterprise.

  Qua tín hiệu của radar , Kinkaid đã phát giác ra phi đội của địch đang tiến tới khoảng cách chỉ không đầy 50 dặm . Từ trên cầu chỉ huy của mẫu hạm Enterprise , ông hạ lệnh cho các ổ phòng không trên mẫu hạm sẳn sàng chờ địch . Không bao lâu thì những phi cơ đầu tiên của Nhật Bản đã vượt qua khỏi chiếc Enterprise vì nó đang núp mình dưới cơn mưa rào nhiệt đới , họ tiến đến chiếc mẫu hạm Hornet cách đó 10 dặm  và bắt đầu bu vào tấn công bất chấp hàng rào phòng không như đan lưới từ những giàn cao xạ của các tuần dương hạm bảo vệ . Một quả bom đánh trúng giữa sàn mẫu hạm . Chỉ thấy một ánh lửa phụt lên kèm theo một tiếng nổ long trời , sàn tàu bật tung lên và phát hỏa lập tức . Hai trái bom khác đánh trợt nhưng phát nổ ngay phía trước mũi phá vở một mảng to . Lại thêm nhiều trái bom khác liên tiếp đánh trúng ngay sàn mẫu hạm khiến cho nó phát cháy bùng lên dữ dội . Trung úy Nakajima hạ thấp phi cơ sát mặt nước , anh lao tới với một tốc độ kinh hồn . Bên cánh trái của anh , một phi cơ khác cũng phóng song song với Nakajima . Khi vừa tầm , không hẹn mà hai phi cơ cùng phóng ra hai trái thủy lôi một lượt trước khi họ cất cánh bẻ sang một bên để leo lên cao độ . Hai tiếng nổ long trời lỡ đất nước bắn cao như hai cây cột trắng xóa . Phòng máy và hông mẫu hạm Hornet bị trúng liền hai trái thủy lôi nữa . Đến đây thì số phận đã quá hẩm hiu của nó chưa chịu dừng lại ở đó . Thêm phi đội thứ hai vừa xuất hiện . Lại những quả bom và thủy lôi từ bốn phía tuôn vào chỉ một mục tiêu duy nhất là chiếc Hornet kém may mắn đang bốc lửa ngùn ngụt . Chỉ trong vòng 10 phút ngắn ngủi thôi mà chiếc mẫu hạm mới xuất xưởng của Hoa kỳ đã nhận không biết bao nhiêu là bom đạn sản xuất từ Nhật Bản và số phận của nó sẽ ra sao thì chúng ta khỏi cần bàn tới nữa .  

  Chỉ sau hơn mười phút tung hoành , mục tiêu coi như đã thanh toán xong , phi đội Nhật Bản hân hoan ca khúc khải hoàn .

  Ngay lúc ấy thì những phi đội của Hoa kỳ đã phát giác ra Kido Butai . Đầu tiên là chiếc khu trục hạm Chikuma xấu số hứng chịu sự cuồng nộ của những phi công dũng cảm của Hoa kỳ bằng pha chao lượng ngoạn mục và những trái bom đánh rất chính xác . Một phi đội khác cũng vừa kịp lúc phát giác ra mẫu hạm Shokaku , thế là đến lượt chiếc soái hạm của Nagumo lãnh đủ mọi nhục hình như chiếc mẫu hạm Hornet đã gồng mình hứng chịu . Lúc bấy giờ hệ thống liên lạc đều bị phá hỏng nên Kusaka quyết định dời bộ chỉ huy sang một khu trục hạm và ra lệnh cho nó tăng vận đốc đổi hướng tìm sinh lộ . Theo sau là mẫu hạm Zuikaku , sàn của chiếc mẫu hạm này cũng bị bom đánh trốc tung lên khiến phi cơ không thể nào đáp hoặc cất cánh được . Phi đội của ai đã đánh nó mang trọng thương đến nổi này . Chẳng có phi đội nào cả mà đó là do hai chiếc phi cơ thám thính liều mạng với hai chàng phi công gan dạ cùng mình là Trung úy Stockton Strong và Thiếu úy Charles Irvine .

  Một phi đội khác với 43 chiếc phi cơ của Nhật bản đang hướng về phía chiến hạm chỉ huy của Kinkaid . Khi họ còn cách 50 dặm thì radar của Enterprise phát giác ra được nhưng không hiểu vì sao mà Kinkaid vẫn do dự không ra lệnh cho tung phi cơ lên đón địch . Tuy không có phi cơ bảo vệ phía trên nhưng thay vào đó , những ổ súng cao xạ vẫn tỏ ra hữu hiệu không kém , nhất là được chiếc tuần dương hạm San-Juan và thiết giáp hạm South Dakota bảo vệ chung quanh . Phi công Nhật dù rất cố gắng nhưng họ không thể tiến đến gần mẫu hạm được . Sau cùng , trước sự liều lĩnh quá sức của phi đội ném bom bổ nhào Nhật bản , hai trái bom cùng đánh trúng sàn mẫu hạm , trái thứ ba bị trượt ra nên phát nổ sát bên vách tàu khiến cho chiếc thang máy nâng phi cơ bị hư hại nặng . Cũng nhờ hỏa lực của chiếc thiết giáp hạm South Dakota quá hùng hậu nên số mạng của chiếc mẫu hạm Enterprise còn bảo toàn sau khi bị thiệt hại không đáng kể do hai quả bom đánh trúng .

  Một phi đội khác của Nhật cất cánh từ mẫu hạm Junyo . Mẫu hạm Junyo là một mẫu hạm duy nhất nằm trong lực lượng tiền phong của Kondo . Phi đội này gồm có 17 phi cơ ném bom bổ nhào và được hộ tống bởi 12 chiến đấu cơ Zero , nằm dưới quyền chỉ huy của Trung úy Yoshio Shiga , người hùng của trận Trân châu cảng hôm nào .

  Lúc này ánh mặt trời nóng bức đang treo giữa đỉnh đầu , nơi phía dưới mặt đại dương trong xanh , phi đội ném bom bổ nhào của Nhật đang tấn công mẫu hạm Enterprise . Nhưng lúc này những chiến đấu cơ của Hoa kỳ đã cất cánh lên nghênh địch và đồng thời hỏa lực phòng không của họ quá mạnh , vì thế phía Nhật bản không còn là kẻ độc tôn ngự trị vùng trời nữa , họ vừa chiến đấu vừa đánh bom một cách khó khăn . Mọi cố gắng coi ra cũng không giúp ích được gì , cuối cùng thì họ cũng phải rút lui sau khi tặng chiếc thiết giáp hạm South Dakota và tuần dương hạm San Juan mỗi chiếc một trái bom làm kỷ niệm bởi cái tội liều chết để cứu lấy sinh mạng cho hạm mẹ thoát nạn .

  Một phi đội thứ hai của Nhật bản cũng cất cánh từ mẫu hạm Junyo gồm 15 phi cơ . Họ phát giác ra mẫu hạm Hornet . Bấy giờ Hornet như một cái xác chết đang được chiếc tuần dương hạm Northampton kéo đi . Khi nhìn thấy phi cơ địch xuất hiện , viên hạm trưởng trên chiếc tuần dương hạm ra lệnh cắt dây kéo để dễ dàng tránh né thủy lôi địch . Bây giờ cái xác to đùng mang đầy thương tích của chiếc Hornet không còn biết tựa vào đâu nên để mặc cho sóng vỗ gió dồi lênh đênh bất định . Những phi công Nhật bản vừa đến trong đợt này toàn là những phi công mới ra trường thay thế những phi công đã tử trận . Kinh nghiệm bay bổng và đánh đấm chẳng có cho nên họ làm ăn chẳng ra hồn gì cả , bằng chứng rõ rệt là chiếc mẫu hạm Hornet to đùng nằm ì ra đó gần như là một mục tiêu bất động thế mà những năm trái thủy lôi đều đánh trượt cả . Đến trái thứ sáu , may mắn lắm mới đánh trúng được vào mạn tàu . Sau một tiếng nổ dữ dội , vách tàu run lên bần bật nước biển tràn vào như thác cuốn . Lệnh di tản được cấp tốc truyền xuống , thủy thủ hối hả chuẩn bị rời mẫu hạm . Lại thêm một thảm họa nữa trút xuống cho thân phận quá đổi thê thảm của Hornet , sáu chiếc oanh tạc cơ của Nhật đang tiến tới trong một đội hình chữ V . Một quả bom đánh trúng nơi sàn tàu , đúng vào chỗ thủy thủ đang tập trung đông nghẹt để chờ xuống thuyền cứu hộ di tản . 

  Trong lúc này thì phi đội của Shiga cũng đã trở về mẫu hạm Junyo , anh báo cáo rằng tình trạng của mẫu hạm địch vẫn hoạt động tốt lúc phi đội của anh rút lui và đề nghị nên quay lại tấn công tiếp . Vị sĩ quan chỉ huy hỏi Trung úy Shiga có thể trở lại tấn công họ vào lúc trời tối được không .

  Thế là anh Trung úy phi công trẻ , người hùng Trân châu cảng lại dẫn một phi đội 11 phi cơ quay trở lại cố tiêu diệt cho bằng được mẫu hạm còn sống sót của địch . Nhưng khi quay lại thì phi đội của anh , vì trong lúc đêm tối nên khi trông thấy một cái bóng khổng lồ mờ mờ hiện ra trên mặt biển thì tưởng là mẫu hạm Enterprise nên họ bu lại tấn công ngay . Chiếc Hornet tội nghiệp đang là một cái xác lênh đênh nhưng đã hứng thêm không biết bao nhiêu là bom đạn nữa . Đến lúc phi đội trưởng Shiga nhận ra là mình đã lầm thì quá trễ , bom hết thủy lôi cũng chẳng còn nên họ đành rút lui trở về mẫu hạm Junyo .

   Qua báo cáo của phi đội Shiga , một ý nghĩ mới lại nổi dậy trong đầu phó Đô đốc Kondo khiến cho ông quyết định dùng tất cả hỏa lực từ lực lượng xung kích của mình và luôn cả hải đội tiền phong , thực hiện một chuyến đánh đêm hầu tiêu diệt cho sạch hạm đội địch còn lãng vảng trong vùng.

  Hai mẫu hạm Zuikaku và Junyo thì lui về phía sau làm cánh dự bị trong trường hợp cần thêm phi cơ . Khi những chiến hạm đầu tiên của họ tiến sâu vào vùng biển phía Nam thì phát giác ra mẫu hạm Hornet . Chiếc mẫu hạm kém may mắn Hornet sau bao nhiêu lần bị tấn công , mình mẫy mang đầy thương tích nhưng không biết do phép lạ nào mà nó vẫn chưa chìm , cứ nổi lềnh bềnh trên mặt biển để Hải quân Nhật  thoạt đầu khi vừa trông thấy cứ ngỡ là Enterprise nên mừng rỡ dàn đội hình định tấn công . Nhưng sau khi định rõ mục tiêu thì mới biết đó là chiếc mẫu hạm sắp chìm của địch . Bị hố to nên họ phát cáu và trút hết cơn giận bằng 4 trái thủy lôi kết liểu cuộc đời ngắn ngủi của mẫu hạm Hornet . Lúc 1 giờ 45 ngày 27 tháng 10 là giờ khai tử của Hornet . Cuộc đời quá ngắn ngủi của nó với thành tích số không . Tính từ khi hạ thủy đến vong mạng nó chỉ hoàn thành một nhiệm vụ duy nhất là mang phi đoàn của trung tá Doolitle đến vùng biển Nhật bản để phóng lên bay vào oanh tạc Đông kinh .

  Sau khi đánh chìm Hornet , mũi xung kích của Kondo bung rộng ra đi tìm hạm đội Hoa kỳ để tấn công nhưng cuối cùng chẳng dò tìm ra được gì cả đành phải quay trở về biển Bắc .

  Trước lúc bình minh , bộ tham mưu của Nagumo cùng chuyển sang mẫu hạm Zuikaku từ một khu trục hạm , khi họ phải di chuyển bộ chỉ huy vì chiếc soái hạm Shokaku bị phi cơ Hoa kỳ đánh trọng thương . Tại đây Nagumo cùng Kusaka cho duyệt lại các báo cáo tưởng tượng vừa mới gửi về từ những phi đội . Sau khi kiểm chứng lại , Nagumo hân hoan nhìn vào con số thành tích mà phi công Phù tang vừa đạt được , một kết quả khó tin cho lần giao tranh ngắn ngủi , ít nhất cũng phải có đến ba mẫu hạm , hai tuần dương hạm , một khu trục hạm và một thiết giáp hạm của địch bị phi cơ ta đánh chìm . Ít ra thì cũng phải như thế chứ . Cái nhục thảm bại ở Midway coi như đã rửa sạch và cuối cùng thì Hải quân Nhật cũng thống trị được một vùng biển mênh mông chung quanh Guadalcanal .

  Yamamoto nhận được tin cười toe tét , dù trời còn chưa sáng tỏ nhưng trong mắt ông đã thấy màu hồng của ánh thái dương đang trãi rộng phía trước . Tham mưu trưởng của ông là Đô đốc Ugaki vội phóng đại nhiều thêm một chút nữa khi radio báo cáo về Đông kinh là quân ta đã đánh chìm bốn hàng không mẫu hạm cùng 3 thiết giáp hạm của Hải quân Hoa Kỳ . Trong khi ấy thì Yamamoto đứng bên ngoài boon chiếc soái hạm Đại hòa đưa mắt yên lặng nhìn trời . Ánh trăng hạ huyền yếu ớt trãi một màu trắng nhạt phản chiếu lại mặt đại dương lấp lánh . Khuôn mặt của vị Đô đốc tư lệnh hạm đội thỉnh thoảng lại thoáng nét hung tợn , đôi mắt ông long lên những tia sáng rực lửa . Ông đang toan tính những bước kế tiếp , những bước tiến mà ông đáng cho đó là oanh liệt nhất và vinh quang nhất của Hải quân Đại Nhật .

  Sự thiệt hại của Hoa kỳ khiến vùng biển Guadalcanal coi như bị bỏ ngỏ . Trong lúc Hải quân Nhật , ngay trong thời gian này cũng chưa có thể tung những hoạt động rộng lớn hơn được . Tuy tuyên bố chiến thắng , nhưng để mua hai chữ chiến thắng họ phải đổi lại một số thiệt hại quá lớn . Dù không bị mất một mẫu hạm nào nhưng tổng số phi cơ vừa bị bắn rơi vừa bị mất tích lên đến con số 98 chiếc , một tổn thất đau lòng mà Hải quân Nhật khó có thể thay thế vào trong vòng 3 tháng , chưa kể đến những phi công ưu tú dạn dày kinh nghiệm trận mạc đã tử trận thì không thể nào bù để đấp lại được .

  Nhưng ở Đông kinh thì người ta không chịu ngồi nghĩ sâu xa như thế . Tin chiến thắng đã làm cho họ náo nức , thậm chí Thiên Hoàng Hirohito hạ chỉ hết lời ngợi khen Đô đốc Yamamoto và hạm đội liên hợp . Đồng thời cũng nhắc nhở rằng vùng biển Solomon nói chung và đảo Guadalcanal nói riêng , bằng mọi cách phải tái chiếm lại sân bay càng sớm càng tốt , một căn cứ Hải quân quan trọng vào bậc nhất tại vùng cận Nam Thái bình dương cần phải tái lập ở đây .

  Trong một buổi họp riêng giữa Yamamoto và tham mưu trưởng của ông là Ugaki để bàn về kế hoạch tái chiếm Guadalcanal . Khi đi vào chi tiết của kế hoạch thì họ cảm thấy quá khó khăn , có thể cho rằng đây là một kế hoạch bất khả . Đã qua ba lần lục quân nỗ lực tấn công nhưng đều thất bại . Về phía phòng thủ hiện tại , với sự tăng viện quân sự ào ạt gần như là mỗi ngày đều có thủy quân lục chiến được đưa đến thì làm thế nào chúng ta có thể mở thêm một cuộc tấn công và chiến thắng họ được .

  Trở lại với đảo Guadalcanal và Tướng Hyakutake . Sau hai lần cố gắng nhưng đều bị thảm bại , viên tham mưu trưởng của ông là Đại tá Konuma cảm thấy bối rối hết sức . Ông chỉ e ngại người Mỹ nhìn thấy được cái sự thật phủ phàng của sư đoàn 2 là gần một nửa thiệt mạng và vô số bị thương , nếu họ xua quân truy quét thì lúc đó chắc chắn quân Nhật sẽ không còn đất sống .

  Đại tá Tsuji bây giờ đang băng rừng vượt suối trở lại con đường mòn Maruyama . Ông trở lại bộ chỉ huy với bản báo cáo đầy đủ về tình trạng thê thảm của sư đoàn 2 . Lúc vừa đặt chân lên con đường mòn , ông chợt trông thấy Minamoto , sĩ quan tiểu đoàn trưởng đang nằm bất động ngay bên vệ đường toàn thân đầy những máu .

  Tsuji vội cúi xuống đở Minamoto dậy để xem xét vết thương . Chợt thấy ông ta mở mắt và mấp máy đôi môi , một chập sau mới thiều thào bằng một giọng rất yếu ớt “Đã mấy ngày nay tôi chẳng có cái gì bỏ bụng cả” . Tsuji cảm thấy lòng quá bất nhẫn , ông lôi ngay phần ăn của mình ra và tự tay đút cho Minamoto .Vừa ăn được hai muỗng , Minamoto gắng gượng hơi tàn đưa tay trỏ về phía những quân nhân đang nằm la liệt chung quanh ông . Khẩu phần ăn của Tsuji còn được chẳng là bao nhưng ông cũng cố gắng chia sẻ cho những binh sĩ mỗi người một chút chớ biết sao hơn .

  Hơn năm ngày sau ông mới mò về tới bộ chỉ huy của lộ quân 17 gần bờ biển . Ở tại đây Đại tá Tsuji một mặt yêu cầu chuyển gấp lương thực đến cho cánh quân đói đang meo nơi tuyền tuyến một mặt gửi báo cáo về Tham mưu trưởng lục quân Sugiyama ở Đông kinh về tình hình tại mặt trận . Trong bản báo cáo Đại tá Tsuji chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự thất bại nặng nề . Ông còn nhấn mạnh kế hoạch tấn công là do tự mình vẽ ra và vì quá xem thường địch quân khiến hơn một nửa binh sĩ của sư đoàn 2 bị tiêu diệt . Ông tự nhận mình “tội đáng muôn thác” và yêu cầu Đông kinh chấp thuận cho ông được ở lại Guadalcanal với lộ quân 17 hầu lập công chuộc tội . Nhưng Đông kinh lại trả lời rằng họ không chấp thuận cho Tsuji ở lại và bắt buộc ông phải lập tức trở về tổng hành dinh Đông Kinh , đích thân báo cáo tường tận hơn về thảm bại này .

  Chiều hôm ấy tức ngày 03 tháng 11 . Đại tá Sugita (Sugita là người thông dịch cho Tướng Yamashita khi quân đội của Tướng Percival ở mặt trận Tân gia ba đầu hàng) ông ta xuất hiện tại bộ chỉ huy lộ quân 17 với một dáng vẻ hết sức mệt nhọc , bộ quân phục rách nát lấm đầy máu me bùn đất . Ông là người của Tướng Sumiyoshi , giám sát cuộc tấn công giả bên bờ sông Mataniko nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của địch quân hôm trước . Khuôn mặt trắng bệch và ánh mắt còn đượm nét kinh hoàng , Sugita báo cáo rằng thủy quân lục chiến Hoa kỳ đã đánh tan tành trung đoàn 4 , một trung đoàn có nhiệm vụ nằm bảo vệ kho tiếp liệu phía đông ngạn con sông Mataniko . Sugita báo cáo xong ngồi nghỉ lại một chốc . Ông nhìn Đại tá Tsuji rồi bằng một giọng cương quyết , ông nói “Trung đoàn trưởng trung đoàn 4 với một trăm năm mươi binh sĩ còn sống sót sẽ liều mạng với chúng một trận cuối cùng và chắc chắn cũng có tôi tham dự” . Tsuji lắc đầu “Ông chớ nên hành động thiếu suy nghĩ như vậy” . Tsuji nhìn Sugita bằng ánh mắt cảm thông rồi tiếp “Không cần phải làm liều nữa . Rút lui vào trong những khu rừng rậm , đào giao thông hào hoặc công sự chiến đấu . Bom và pháo của địch tuy hùng hậu nhưng chẳng làm gì được chúng ta cả . Đơn thuần chỉ chờ đợi thêm năm ba ngày nữa thôi . Viện quân của chúng ta đang trên đường tới cũng chẳng bao lâu đâu Đại tá đừng nôn nóng vội không hay”  Sugita gật đầu đồng ý , ông chống cây gậy tre khập khễnh quay về vị trí đóng quân nơi bờ sông Mataniko .

  Đoàn quân viện mà Đại tá Tsuji cho Sugita biết là họ sẽ đổ bộ nay mai là sư đoàn 38 lục quân . Tháp tùng theo đoàn quân này còn có Đại tá Takushiro Hattori , một cố nhân bằng hữu của Tsuji . Đại tá Hattori , người sĩ quan trưởng phòng hành quân đã vẽ ra kế hoạch giúp Tướng Homma tiến chiếm thành công ở bán đảo Batann ngày nào bây giờ cũng từ giã Đông kinh để đến đảo Guadalcanal . Họ gặp nhau tay bắt mặt mừng , tận cõi lòng Đông phương giáo chủ dâng lên một niềm cảm xúc sâu xa , ngày nào mà người sĩ quan lổi lạc này còn sống trên thế gian thì ngày ấy chúng ta không còn phải nơm nớp lo âu nữa .

  Hôm sau , khi các tàu đổ bộ rời bến thì vị bại tướng Kawaguchi được lệnh bắt buộc ông phải rời đảo . Ông đã bị người ta thẳng tay cách chức một cách không thương tiếc và tống ra khỏi đảo . Vác gói hành trang vỏn vẹn có mấy bộ quân phục cũ mèm quay lưng đi mà lòng ông Tướng không khỏi bùi ngùi chua chát . Một thất bại nhục nhã , một sự nghiệp tan tành . Lòng quặn thắt đớn đau khi nhớ lại vì ai mà mình ra nông nỗi , bất giác ông cảm thấy oán hận gã Đại tá Tsuji hơn bao giờ hết . Cái gã Đông phương giáo chủ độc ác đã đan tâm hãm hại khiến cho ông không còn có thể ngóc đầu lên được . Quả thật mối thù khắc cốt ghi xương này nếu so với kẻ thù Hoa Kỳ , thì Kawaguchi thấy nó còn nhiều hơn gấp bội .   

                                                   ......................................................

   Ngay trong đêm 09 tháng 11 , Trung Tướng tư lệnh sư đoàn 38 là Tadayoshi Sano cùng bộ chỉ huy sư đoàn có mặt tại bờ biển mũi Tassafaronga . Vừa đặt chân lên đảo là họ vội di chuyển nhanh về bộ chỉ huy dã chiến của lộ quân 17 ngay . Nhóm sĩ quan chỉ huy đầu tiên này được chuyển đến đảo bằng năm chiếc khu trục hạm , cũng theo hải trình dọc hành lang Bắc Nam của quần đảo Solomon . Phần còn lại là toàn bộ lực lượng binh sĩ của sư đoàn cộng thêm nhiều đơn vị của lộ quân 17 chưa kịp vận chuyển đến tổng cộng lên đến 12 ngàn quân nhân và 10 ngàn tấn quân dụng , tất cả vẫn còn nằm tại trạm tốc hành Đông kinh tức là đảo Shortland .

  Để di chuyển cả một số lượng hàng hóa và binh sĩ khổng lồ , bộ chỉ huy mặt trận Nam Thái bình dương quyết định dùng một đoàn công voa gồm 11 chiếc hải vận hạm cùng tàu vận chuyển , hộ tống đoàn công voa là một hải đội với 11 khu trục hạm cộng thêm một lực lượng xung kích dẫn đầu với hai thiết giáp hạm , một tuần dương hạm và 14 khu trục hạm . Lực lượng này có nhiệm vụ dùng hải pháo áp đảo sân bay Henderson trước khi cho quân đổ bộ vào bờ .

  Lực lượng xung kích nằm dưới sự chỉ huy của phó Đô đốc Hiroaki Abe , họ bắt đầu rời bến để xuôi Nam rạng sáng ngày 12 tháng 11 và đến chiều tối thì họ đã có mặt gần một hòn đảo nhỏ cách đảo núi lửa Savo 100 dặm về phía Bắc .

  Từ lúc ban chiều , Hải quân Hoa kỳ đã sớm phát giác ra họ và còn đang phân vân vì chưa biết rõ ý định của địch là pháo kích sân bay hay tấn công đoàn công voa của mình đang thả neo bên ngoài đảo Guadalcanal . Đoàn công voa này cũng vừa mới đến với 6 ngàn thủy quân lục chiến tăng viện cùng vô số vũ khí đủ loại . Khi trời vừa tối hẳn thì người lính cuối cùng đã lên bờ nhưng hai phần ba số hàng hóa vẫn còn nằm lại trong hầm tàu . Họ được lệnh phải lập tức nhổ neo rời khỏi vùng biển Guadalcanal ngay . 

  Hộ tống đoàn công voa này là một hải đội nằm dưới sự chỉ huy của phó Đô đốc Daniel Callaghan . Phó đô đốc Daniel , một người lầm lì ít nói và cũng là kẻ mộ đạo cuồng nhiệt . Khi đoàn công voa nhổ neo an toàn rời vùng biển Guadalcanal để trở về căn cứ Noumea rồi thì Daniel ra lệnh cho hải đội của mình quay mũi về hướng Bắc thẳng tiến . Họ đi dọc theo bờ biển Guadalcanal để đến đảo núi lửa Savo . Nhiệm vụ còn lại của ông là phải chận đứng lực lượng địch trước khi họ tới được đảo Guadalcanal . Với một hải đội gồm hai tuần dương hạm năng , ba tuần dương hạm nhẹ và tám khu trục hạm họ có thể trông cậy vào những khẩu hải pháo để ngăn chận bước tiến của Nhật . Ngoài ra không còn sự hiện diện của bất cứ một hạm đội nào trong vùng biển này để yễm trợ cho Daniel cả .

  Daniel cho dàn một đội hình thẳng với 4 khu trục hạm dẫn đầu và 4 khu trục hạm áp chót . Một đội hình như thế sẽ rất dễ dàng kiểm soát lẫn nhau trong một vùng biển nguy hiểm . Daniel ở trên chiếc hạm chỉ huy , đó là một tuần dương hạm nặng mang tên San Francisco .

  Nói về phó Đô đốc Abe , chỉ huy mũi xung kích của Nhật . Điều mà vị chỉ huy này tiên đoán là chắc chắn sẽ chạm địch ngay trong đêm nay . Nhưng ông lại cho rằng chung quanh vùng biển này chẳng có bóng dáng của thiết giáp hạm địch . Còn tuần dương hạm của họ nếu có đi nữa thì cũng chẳng bao giờ dám liều mạng mà xông ra cản bước tiến của mình . Hai chiếc thiết giáp hạm Hiei và Kirishima làm mũi dùi chính , đang vượt qua khỏi đảo Santa Isabel và tiến thẳng xuống đảo Savo , theo sau hai chiếc thiết giáp hạm là 6 khu trục hạm và một tuần dương hạm bung ra thành một hàng rào bảo vệ , trong khi những khu trục hạm khác thì xếp thành hai đội hình tiến song song hai bên để phòng bị và sẳn sàng tấn công những tàu phóng thủy lôi của địch .

  Bây giờ lực lượng của họ đang đi đến một vùng biển đang bị bao phủ bởi bụi mưa dầy đặc . Thế càng tốt , nương theo lợi thế của thiên nhiên che chở không sợ bị phi cơ địch phát giác , Abe vẫn giữ nguyên tốc độ cứ thẳng tiến về phía Nam . Nửa tiếng sau thì họ đã ra khỏi đám mưa , thời tiết trở nên dễ chịu . Lúc này đã quá nửa đêm và họ đã tiến vào vùng biển Guadalcanal . Đến khi Abe bắt liên lạc được với những quân nhân Nhật có nhiệm vụ quan sát từ một cái trạm trên đỉnh núi của đảo Guadalcanal . Những quân nhân này cho biết là họ không nhìn thấy bất cứ hạm đội nào của địch lãng vãng nơi mũi Lungga cả . Lúc này Abe quyết định cho hai chiếc thiết giáp hạm bắt đầu khai hỏa dội pháo vào sân bay Henderson . Phó Đô đốc Daniel được báo cáo đã phát giác hạm đội địch ở một vị trí rất gần . Thế là một cuộc hải chiến dữ dội lại xảy ra ngay tại vùng biển Guadalcanal . Uy dũng của hai chiếc thiết giáp hạm Nhật bản thật kinh khiếp , hỏa lực của nó đã áp đảo hạm đội địch ngay từ khi cuộc chiến mới mở màn . Cuộc giao tranh không kéo dài hơn nửa tiếng thì chấm dứt , để lại trên mặt đại dương những tàn tích tang thương khốc liệt nhất do bom đạn gây ra . Phía phó đô đốc Daniel thì hải đội với 13 chiếc , bây giờ chỉ còn lại có 5 chiếc sống sót chạy thoát nhưng mình đầy thương tích , tám chiếc khác có chiếc đang bốc cháy ngùn ngụt và trôi dạt như chiếc bè trong khi đã có vài chiếc đang chìm dần và chúng sẽ vĩnh viễn nằm lại dưới đái đại dương , trong đó có hàng mấy trăm thủy thủ và cả vị chỉ huy của họ là phó Đô đốc Daniel . Một nỗi đau cho phía Hoa kỳ là chiếc tuần dương hạm Atlanta bị đánh chìm bởi quả thủy lôi sản xuất tại bổn quốc , do chính một khu trục hạm của họ đánh ra  . Phía Nhật bản tuy ít bị thiệt hại hơn nhưng một khu trục hạm bị đánh chìm tại chỗ , một chiếc khác cũng bị thương tích trầm trọng .. Đau khổ cho Yamamoto nhất là chiếc thiết giáp hạm Hiei cũng lảnh đủ mọi thứ hỏa lực từ phía Hoa kỳ , nó như mất hết sức lực và đang cố gắng rời khỏi vùng biển đầy tang thương chết chóc bằng một vận tốc chỉ nhanh hơn con rùa .

  Khi vầng dương vừa nhô lên khỏi mặt biển thì chứng tích còn hằn lại trên sóng nước , nó đã cho thấy có tất cả những 7 chiến hạm bỏ xác ngay tại đảo Guadalcanal : năm chiếc của Hoa kỳ và hai chiếc của Nhật . Từ một vùng biển rộng mênh mông người ta còn thấy vài chiếc khác vẫn còn bốc khói nghi ngút và trên đó những thủy thủ còn sống sót đều được lệnh bỏ tàu . Năm chiếc hạm may mắn của Hoa Kỳ thoát khỏi vùng biển khói lửa và đang trên đường trở về căn cứ New Hebrides . Vào lúc 11 giờ trưa , một tiềm thủy đỉnh mang số I-26 của Nhật phát giác ra một trong năm chiến hạm ấy và phóng ra một loạt thủy lôi tấn công ngay . Chiếc tuần dương hạm San Francisco bị thủy lôi đánh trúng bên mạn tàu nhưng không gây nguy hại gì nhưng một trái thủy lôi tiếp theo lại đi trượt và tiến tới tuần dương hạm Juneau , đánh trúng ngay hầm đạn . Từ trên chiếc San Francisco , thủy thủ còn trông thấy rất rõ chiếc Juneau như dựng thẳng lên sau tiếng nổ kinh hồn và ngọn lửa ngùn ngụt bắt đầu bốc lên cao ngút trời . Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn nhiều tiếng nổ liên tiếp và số phận của nó đã được định đoạt . Thuyền trưởng Hoover trên chiếc tuần dương hạm Helena lại e ngại nếu dừng lại để cứu vớt những thủy thủ còn sống sót trên chiến hạm kém may mắn ấy sẽ có nhiều chiến hạm khác bị tấn công nữa , cho nên ông ra lệnh cho 4 chiếc còn lại cứ thẳng đường mà tiến . Để lại toàn bộ 472 thủy thủ đoàn trên chiếc Juneau kêu gào thảm thiết trước khi từ từ chìm vào lòng đại dương .

  Trở lại chiếc thiết giáp hạm Hiei đang chạy với vận tốc chỉ hơn con rùa nên số phận của nó không thể nào thoát khỏi những phi đội dũng cảm của các phi công cất cánh từ Henderson ra truy kích .

  Chiếc thiết giáp hạm Hiei sau khi hứng trọn cơn cuồng nộ từ trời cao trút xuống , nó không còn là hình hài nguyên thủy của một thiết giáp hạm uy nghi lừng lẫy nữa . Đây quả một mất mát quá lớn , nó đã là một cú sốc mạnh cho vị Đô đốc chỉ huy Yamamoto . Tuy nhiên ông vẫn ra lệnh cho đoàn công voa phải tiếp tục nhiệm vụ đổ quân đến khi hoàn tất . Có nghĩa là thi hành đúng như mệnh lệnh của Thiên Hoàng Hirohito , bằng mọi giá phải quyết giành lại cho được sân bay Henderson càng sớm càng tốt . Ngay trong đêm ấy tức là sau cái đêm khói lửa ngút trời , lại một chuyến oanh tạc khác được gửi tới Guadalcanal từ trạm tốc hành Đông kinh . Những tuần dương hạm và khu trục hạm tung hoành trong khoảng 40 phút , thủy quân lục chiến Hoa kỳ lại có thêm một đêm kinh hoàng không ngủ , nhưng kết quả thì chỉ có 18 phi cơ bị thiệt hại và phi đạo được sửa chửa vội vàng để sáng sớm hôm sau có thể hoạt động lại . 

  Đoàn công voa 11 chiếc hải vận hạm được hộ tống bởi 12 khu trục hạm , dưới sự chỉ huy của Raizo Tanaka , một phó Đô đốc dũng khí có thừa và cái tánh ngang tàng đầy chất lính , ông chưa bao giờ biết chùn bước trước nguy nan . Họ đang ở giữa đoạn hải lộ đến đảo Guadalcanal . Ngay trên đoạn này họ bị hai khu trục cơ từ mẫu hạm Enterprise phát giác lúc 8 giờ 30 sáng . Ba tiếng sau , 37 phi cơ phối hợp giữa Hải quân và thủy quân lục chiến cất cánh từ phi trường Henderson tiến ra tấn công đoàn công voa . Hai trong 11 chiếc hải vận hạm bị bom đánh trúng và phát hỏa dữ dội . Phó Đô đốc Tanaka vẫn quyết định tiến tới vì ông cho rằng Tướng Hyakutake rất cần viện binh và tiếp liệu , không vì một chút trở ngại mà rút lui , như thế kẻ địch càng lộng hành hơn . Ông ra lệnh cho những khu trục hạm bắn trái khói che chở và đoàn công voa vẫn tiếp tục tiến về hướng Nam theo hình chữ chi . Cuộc tấn cống từ những phi cơ Hoa kỳ cứ tiếp diễn liên tục kéo dài cả ngày hôm đó . Những phi đội thay phiên nhau hoặc phối hợp từ những pháo đài bay B-17 từ căn cứ Espiritu Santo và phi cơ chiến đấu từ mẫu hạm Enterprise .

  Những binh sĩ trên hai chiếc hải vận hạm bị trúng bom còn sống sót đều được chuyển sang 4 khu trục hạm và họ quay về lại đảo Shortland , những chiếc còn lại tiếp tục về hướng Nam . Trước lúc mặt trời lặn , chỉ trong vòng 10 phút , thêm 6 chiếc hải vận hạm nửa bị đánh chìm . Bốn chiếc còn lại hợp cùng 4 khu trục hạm cương quyết không chịu thối lui , nương theo bóng đêm mà tiến đến đảo Guadalcanal .

  Cho đến lúc này , khi tình trạng đoàn công voa quá thê thảm thì Đô đốc Yamamoto mới chịu ra lệnh với Đô đốc Kondo , đích thân ông ta sẽ thân hành dẫn hạm đội xuôi Nam tiếp ứng . Chiếc thiết giáp hạm Kirushima một lần nữa trở lại chiến trường , nó dẫn đầu một hạm đội gồm 2 tuần dương hạm nặng , 2 tuần dương hạm nhẹ và một liên đội khu trục hạm . Với một hạm đội hùng mạnh tiến vào chiến trường bằng một khí thế dũng mảnh , Kondo chỉ mong san bằng bình địa phi trường Henderson cho bằng được mới nghe .

  Nhưng Kondo có ngờ đâu chính lần này , lần đầu tiên Hải quân Nhật phải đối đầu với những thiết giáp hạm tối tân của Hoa Kỳ . Lực lượng đặc nhiệm số 64 , một lực lượng biệt phái rời đoàn chiến hạm từ mẫu hạm của Đô đốc Kinkaid , gồm hai thiết giáp hạm và bốn khu trục hạm hối hả phóng đến vùng biển Guadalcanal để tiếp cứu phi trường Henderson . Đúng ra thì Đô đốc Halsey nên làm điều này sớm hơn nhưng vì ông không muốn để họ ra đi vào lúc ban ngày , một lý do đơn giản là chỉ còn lại một mẫu hạm duy nhất ở Thái bình dương nên ông rất cần đến sự bảo vệ của họ bởi thế cho nên ông cứ suy tính mãi trước khi quyết định gửi họ vào yễm trợ Henderson .

  Lực lượng đặc nhiệm 64 nằm chờ đợi nơi phía Tây Nam cách đảo Guadalcanal khoảng 100 dặm . Đến chiều xuống thì vị chỉ huy là phó Đô đốc Willis Lee cho di chuyển dọc theo bờ Tây của đảo . Bốn khu trục hạm dẫn đầu làm tấm lá chắn cho hai thiết giáp hạm là South Dakota và Washington . Đến 10 giờ 52 thì họ đã có mặt ở vùng biển Savo , một vùng biển không ngừng sóng gió qua bao nhiêu cuộc hải chiến kinh hoàng từ khi Nhật và Mỹ không biết vì sao mà lại cứ quyết chiếm giữ cho bằng được hòn đảo cô đơn Guadalcanal về mình mới nghe .

  Lúc này radar trên chiếc thiết giáp hạm đã phát giác ra chiến hạm đầu tiên của hạm đội của Kondo đang tiến xuống từ hành lang quần đảo Solomon . Đây chính là chiếc tuần dương hạm xung phong mang tên Sandai . Phó Đô đốc Lee cho dàn đội hình chuẩn bị , ông chờ 25 phút sau cho đến hạm đội địch tiến gần hơn mới ra lệnh khai hỏa tấn công . Vì hạm đội của Nhật không có rada cũng như hệ thống sona nên không ngờ mình bị lọt vào ổ kiến lửa . Chiếc tuần dương hạm bị tấn công thình lình nên hốt hoảng quẹo sang hướng khác bỏ trốn , để lại đoàn chiến hạm phía sau cứ ung dung đâm đầu vào tử địa . Cuộc hải chiến vừa mới mở màn thì Nhật đã bị pháo tấn công tới tấp khiến cho họ rơi vào thế bị động hoàn toàn . Nhưng sau đó không lâu , nhờ những thủy thủ từng trãi dạn dày kinh nghiệm , họ lấy lại bình tỉnh và bắt đầu phản công tới tấp . Đến 11 giờ 35 thì đã có 2 trong tổng số 4 khu trục hạm của Hoa kỳ bị đánh chìm . Bất ngờ giữa lúc dầu sôi lửa bỏng ấy thì chiếc thiết giáp hạm South Dakota bị mất điện thình lình nên uy lực của nó không còn nữa . Tai hại thay ,  nó vô tình trở thành một mục tiêu ngon lành cho hai chiếc tuần dương hạm nặng và thiết giáp hạm Kirishima của Nhật bản tận tình chiếu cố đến . Cũng bởi vì Nhật chỉ lo chú ý đến mục tiêu này cho nên họ không để ý đến chiếc thiết giáp hạm Washington chỉ cách đó không bao xa . Trong vòng có mấy phút mà Washington đã phóng ra hàng loạt đại pháo thẳng vào chiếc thiết giáp hạm Kirishima . Phó Đô đốc Lee đã ra tay rất đẹp , ông chẳng những đã nhanh nhẹn giải cứu cho chiếc South Dakota và đánh trọng thương thiết giáp hạm địch . Từ trên cái pháo tháp không lồ với vô số đại bác của chiếc thiết giáp hạm Nhật , người ta chỉ thấy những ánh lửa liên tiếp bùng lên tiếp theo sau là những tiếng nỗ kinh hồn . Những đầu đạn đại pháo của chiếc Washington không bao lâu đã thổi tung pháo tháp , khiến cho chiếc thiết giáp hạm Kirishima của Nhật chỉ trong phút chốc đã ngập chìm trong biển lửa và bất khiển dụng ngay sau đó . Lúc 12 giờ 25 , phó Đô đốc Kondo di chuyển sang chiếc tuần dương hạm nặng Atago và ra lệnh rút lui .

  Phó Đô đốc Lee chẳng những đã ngăn chận thành công không cho Hải quân Nhật đánh phá phi trường Henderson mà còn giáng cho kẻ thù một đòn quá đau . Để cho Kondo phải mang hận chạy thụt mạng bỏ lại sau lưng chiếc thiết giáp hạm Kirishima thương thế trầm trọng và một khu trục hạm đang trôi giạt bồng bềnh . Thuyền trưởng của chiếc thiết giáp hạm Kirishima đã nhìn ra số phận đen tối của chiếc hạm mình nên bắt buộc phải ra lệnh cho những thủy thủ còn sống sót chuyển sang chiếc khu trục hạm cuối cùng còn lại trước khi phóng thủy lôi đánh chìm nó . Chiếc thiết giáp hạm thứ hai của Nhật lại cũng bị chôn vùi gần như chung một nấm mồ với chiếc thứ nhất là Hiei trong ngày hôm trước , tức ngay vùng biển phía Bắc của đảo núi lửa Savo cách Guadalcanal không xa .

  Phó Đô đốc Tanaka , người lãnh nhiệm vụ hộ tống cho những hải vận hạm đổ bộ cách chiến trường chỉ có vài dặm ngay hướng Bắc , ông đã chứng kiến từ đầu chí cuối trận đánh chớp nhoáng và cũng đã gửi ba chiếc khu trục hạm đến giúp Kondo . Bây giờ ông chỉ còn lại trong tay vỏn vẹn một khu trục hạm để hộ tống 4 hải vận hạm còn sống sót . Dù đã nhận định được tình hình bất ổn của phe nhà nhưng ông nhất định là bất cứ giá nào cũng phải đến được điểm đổ bộ là mũi Tassafaronga . Lúc này đã quá trễ để hoàn tất việc đổ bộ trước lúc trời sáng nhưng Kanaka vẫn gọi về căn cứ Rabaul để xin được tiếp tục đổ bộ . Bộ chỉ huy ở căn cứ Rabaul không đồng ý yêu cầu này nhưng riêng Kondo thì lại chấp thuận .

  Nhìn về phía Đông , nơi cuối chân trời vầng hồng đã lóe sáng . Khi những hải vận hạm vừa đến được mũi đổ quân thì trên bầu trời lại xuất hiện 8 chiếc oanh tạc cơ . Đó là phi đội oanh tạc cơ của thủy quân lục chiến dưới sự chỉ huy của Đại tá Joe Sailer . Thế là một cuộc tàn sát bắt đầu . Kết quả của cánh quân đổ bộ thật quá thảm hại , từ trên trời bom rơi tứ hướng trong khi họ chỉ lấy đầu ra đở bom thì sự thiệt hại ấy không cần phải bàn tới nữa . Đến nỗi nhiều phi công Hoa kỳ sau chuyến oanh kích ấy trở về căn cứ vẫn còn bàng hoàng với những cảnh tượng hết sức kinh khiếp , máu và xác binh sĩ Nhật trôi nổi bồng bềnh cả một bờ biển mênh mông nơi mũi Tassafaronga .

  Mười hai ngàn quân nhân cùng 10 ngàn tấn tiếp liệu rời bến tại đảo Shortland nhưng khi được đến Guadalcanal chỉ còn lại non 4 ngàn quân và 5 tấn tiếp liệu đáp vào bãi an toàn . Cuộc hải chiến giành giật Guadalcanal xảy ra trong ba ngày liên tục đến đây coi như chấm dứt . Nó kết thúc với một kết quả thê thảm nghiêng về phía Nhật Bản với 77 ngàn sáu trăm lẻ chín tấn tiếp liệu bị đánh chìm . Hai chiếc thiết giáp hạm , một tuần dương hạm nặng và ba khu trục hạm cộng với đoàn công voa 11 hải vận hạm cũng cùng chung số phận , chưa kể đến gần tám ngàn binh sĩ Nhật bị dìm xác trong lòng biển .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế