Phòng tuyến Leyte sụp đổ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tại thủ đô Manila , tướng Yamashita khi biết được tin quân của tướng Suzuki đang chạm địch tại ngọn đồi Gãy cổ , ông liền ra lệnh cho lực lượng chính của Suzuiki bằng mọi giá phải thay đổi lộ trình để đến mục tiêu chính là Tacloban . Thay vì cứ di chuyển theo con lộ cao tốc số 2 xuyên qua ngọn đồi Gãy cổ , trục tiến quân phải cắt rừng ngay vị trí phía dưới làng Limon để xuyên ngang theo trục đông tây của hòn đảo đến mục tiêu chính , như thế cánh quân này sẽ không bao giờ chạm địch mà cũng đến được Tacloban .

   Đây quả thật là một cái lệnh quái ác . Thứ nhất , cánh quân còn sống sót ở lại tử thủ trên ngọn đồi sẽ bị bỏ rơi hoàn toàn . Thứ nhì , hành quân theo cái lối băng rừng rậm núi non , hết trèo đèo lại lội suối thì lương thực tiếp tế dĩ nhiên phải do sức người gánh vác , và vũ khí đạn dược cũng thế . Phía Hoa kỳ thì khi hành quân , phương tiện vận chuyển của họ rất dồi dào và hơn nữa họ còn có rất nhiều dân công thiện nguyện người Phi . Riêng Nhật bản thì quá thiếu thốn phương tiện , lại thêm binh sĩ tất cả đã gần như kiệt lực sau bao nhiêu ngày đêm hành quân rồi , giờ lại phải càng rừng lội suối thì với cái sức người mong manh và dù ý chí kiên quyết đến đâu họ cũng chẳng bao giờ hy vọng an toàn đến được mục tiêu kế tiếp .

  Tướng Yamashita dường như vẫn chưa chịu nhìn ra hoặc chẳng biết rõ cái khó khăn đó , ông ta dĩ nhiên vẫn còn giữ khư khư cái ý tưởng quyết liệt là đòi hỏi thuộc cấp phải lao vào vịnh Leyte để mở một mặt trận lớn , gọi là trận chiến quyết định cho toàn cục . Thật là một quyết định điên rồ , chỉ phung phí xương máu và súng đạn vào một mặt trận vô vọng . Theo hiện tình chính xác thì những sư đoàn và hàng chục tấn tiếp liệu này ông dùng để dự trữ và thiết lập một phòng tuyến khác , một phòng tuyến nằm ở phía bắc Phi luật tân đó là hòn đảo mang tên Luzon . Có thể vì căn cứ theo những báo cáo láo và lối phóng đại quá đáng cố hữu của hải quân Nhật , Yamashita vẫn cứ đinh ninh rằng không lực của Hoa kỳ đã bị tiêu diệt thảm hại ở hai nơi , thứ nhất ở đảo Đài loan tháng trước và mới đây ở vịnh Leyte . Trước tình hình sôi động như thế nhưng tổng chỉ huy chiến trường Nam Á là thống tướng Terauchi thì vẫn cứ lo nằm ăn hút tà tà ở tổng hành dinh tại Sài gòn , chẳng có ý kiến hay lệnh lạc gì cả . Khi tướng tư lệnh chiến trường Yamashita có thỉnh thị ý kiến thì ông bảo Yamashita có toàn quyền quyết định . Ông còn gửi thêm cho chiến trường bằng cách điều vào đó 13 ngàn binh sĩ (12 ngàn trong số này từ sư đoàn 26) . Mười ba ngàn tinh binh này sẽ lên đường ngay và có mặt ở bãi biển làng Ormoc trong một thời gian ngắn . Đồng thời , ngay trong thời gian này , tướng Yamashita cho chuyển đến chiến trường Leyte thêm một đoàn công voa nữa , với 10 ngàn binh sĩ được hộ tống bởi 4 khu trục hạm , một khu trục giải mìn và một tiềm thủy đỉnh . Lại còn có thêm 3 khu trục hạm khác dàn thành đội hình làm tấm bình phong che chở phía trước .

  Rạng sáng ngày 11 tháng 11 , đoàn công voa đến được vị trí của vịnh Ormoc . Cho đến lúc này thì tướng Yamashita mới bàng hoàng kinh hãi nhận ra không lực của Hoa kỳ vốn chẳng bị hải quân Nhật tiêu diệt . Khoảng 200 phi cơ Hoa kỳ từ nhiều phi đội cất cánh từ lực lượng đặc nhiệm 38 bắt đầu lao ra đánh phá đoàn công voa khi họ chưa kịp đổ bộ vào bờ . Một trận tàn sát bắt đầu , những phi đội đầu tiên trong đợt thứ nhất lao ra đánh bom vào những dương vận hạm chuyển quân . Đợt thứ nhì tiêu diệt các khu trục hạm . Đến đợt đánh bom lần thứ 3 vừa xong thì bờ biển tại vịnh Ormoc chỉ còn lại là một bãi chiến trường tang hoang đầy máu tanh và lửa đỏ . Chín phi cơ Hoa kỳ bị bắn hạ nhưng đổi lại , phía Nhật phải chịu một mất mát quá lớn . Tất cả dương vận hạm và 4 trong 7 chiếc khu trục hạm bị đánh chìm . Một nhúm nhỏ trong 13 ngàn binh sĩ may mắn còn sống sót trong trận tàn sát kinh hồn vừa qua đã bám víu vào nhau bơi bán mạng vào bờ . Mười ba ngàn binh sĩ hiện diện trên đoàn công voa , chỉ sau một tiếng đồng hồ đưa tấm lưng trần hứng bom , gần cả một sư đoàn đã bị xóa sổ . Thật là một buổi bình minh ảm đạm cho phía Nhật bản , một điềm báo cho một chuổi thất bại nơi phần đất mà họ đặt tất cả kỳ vọng cho một trận chiến quyết định .

  Thảm họa gần một sư đoàn bị tiêu diệt vẫn không làm cho thống tướng Terauchi nghĩ ra một kế sách đối phó nào khác hơn , ít nhất là ngay trong thời gian này . Nhưng đối với ông tướng tư lệnh mặt trận là Yamashita thì khác , ông cảm thấy ngay cái viễn ảnh tối đen ở Leyte . Và dù biết chắc là mình sẽ gặp thất bại nặng ở đây nhưng Yamashita không thể tự quyết định rút quân được , vì lúc này tổng tư lệnh miền Nam Á đã để mắt đến mặt trận . Thống tướng Terauchi đã ban xuống một cái lệnh rõ ràng và chắc nịch rằng : chiến dịch Leyte bằng mọi giá phải tiếp tục , phải quyết tâm quét sạch địch quân ra khỏi lãnh thổ Phi luật tân với tất cả sức mạnh của quân đội Thiên Hoàng .

  Yamashita tuy quá bất mãn với một cái lệnh quái ác như thế   nhưng ông không còn chọn lựa nào khác vì đây là mệnh lệnh đến từ thượng cấp . Chắc quí vị vẫn còn nhớ những ngày đầu khi chiến tranh mới khởi phát , tướng Yamashita người chỉ huy chiến trường Mã Lai và Tân gia ba cũng đã bất mãn cùng cực với những cái lệnh quái ác của tướng Terauchi này rồi . Sau khi chiến thắng , Yamashita xin thuyên chuyển về miền bắc làm việc tại Mãn châu trong một thời gian rất dài cũng chỉ vì cái tính khí cương cường thẳng như ruột ngựa không muốn nằm dưới sự chỉ huy của vị tướng bất tài Terauchi là người ông chẳng có chút gì để gọi là phục tòng và nễ sợ . Nhưng tình hình đen tối trước sự tiến công như vũ bão của Hoa kỳ , Đông kinh một lần nữa lại triệu hồi ông về và lại làm việc dưới quyền của Terauchi , vì đó là lệnh đến từ bộ chỉ huy tối cao nên Yamashita bắt buộc phải chấp hành nhưng trong lòng ông mang đầy bất mãn . Và sự bất mãn ấy càng lúc càng nhiều , tuy nhiên với trách nhiệm là tướng tư lệnh chiến trường , dù có bất mãn đến đâu Yamashita cũng không thể nào dám chống lại thượng lệnh , nghĩa là chiến dịch tái chiếm Leyte vẫn phải tiếp tục , nhưng tiếp tục theo cái nhìn riêng của ông , một cái nhìn thật chính xác với hiện tình rối rắm hiện tại của mặt trận .

  Trong một mệnh lệnh vô tuyến đánh đi ngày 15 tháng 11 gửi cho tướng Suzuki , Yamashita dường như đã tiên toán mặt trận Leyte thế nào rồi cũng sẽ thất bại , ông ngấm ngầm cho Suzuki biết mọi cố gắng sẽ trở thành công cốc , sẽ không có quân tăng viện vì tất cả chỉ ưu tiên vào một mục đích cuối cùng là bắt tay vào việc củng cố một phòng tuyến mới chạy dài xuyên suốt hòn đảo Luzon , một hòn đảo duy nhất to lớn nhất còn lại tại phía bắc đảo quốc Phi luật tân .

  Tướng chỉ huy ngay tại mặt trận Leyte là Suzuki , dĩ nhiên với những lệnh lạc đến liên tiếp như thế khiến cho ông cảm thấy đầu óc rối bời chẳng hiểu gì cả . Ông hoang mang chẳng biết có phải nên tiếp tục chuyển quân thẳng đến mục tiêu chính là Tacloban hoặc cho đình lại . Đến nông nổi này thì ông nghĩ bắt buộc tự mình phải liệu mà xoay trở một mình rồi . Trước mắt thì nếu ngọn đồi Gãy cổ bị tràn ngập thì Hoa kỳ có thể tung quân chiếm trọn con lộ cao tốc số 2 từ điểm ngọn đồi cho đến vịnh Ormoc , nghĩa là toàn trục nam bắc phía tây của hòn đảo sẽ lọt vào tay địch quân , và đến lúc đó dĩ nhiên quân Nhật sẽ bị dồn vào chốn rừng núi thâm u của hòn đảo . Suzuki nghĩ ngay đến sự bất lợi trước mắt nên liền ra lệnh cho tướng Takaoka , chỉ huy cánh quân tiền phương đang nằm chung quanh ngọn đồi Gãy cổ tung phải toàn lực chiếm lấy ngọn đồi bằng mọi giá .

  Sau những cố gắng chiếm rồi lại để rơi vào tay địch , ngọn đồi mang tên Gãy cổ đã chứng kiến hơn năm ngày đêm với nhiều trận ác chiến kinh hồn , tướng Irving cho thay đổi chiến thuật bằng cách không cho quân tiến thẳng lên ngọn đồi nữa mà dùng chiến thuật bao vây rồi dùng hỏa lực tiêu hao lực lượng địch . Ông ra lệnh cho trung tá Thomas E Clifford chỉ huy một tiểu đoàn trực thuộc sư đoàn 34 đi bằng đường biển độ bộ ngay vị trí chỉ cách con lộ cao tốc chừng ba cây số về hướng tây . Sau khi băng qua con sông Leyte họ có tiếp cận được một dảy đất khá cao ngay phía sau ngọn đồi Gãy cổ , dùng dãy đất này làm bàn đạp tiến quân đánh bọc hậu . Ngày 13 tháng 11 , tiểu đoàn 2 tiến quân đột kích lên một ngọn đồi nhỏ nằm ngay bên cánh phải để làm nghi binh trong khi trung tá Clifford từ dãy đất phía sau , tung toàn lực tấn công vào sườn sau của mục tiêu . Cuộc chạm súng dằng dai trong vài ngày nữa dưới những cơn mưa tầm tả , và nhờ sự yễm trợ hữu hiệu của pháo binh , cuối cùng Clifford cũng làm chủ được ngọn đồi quan trọng và đầy chết chóc này . Sau khi quét sạch quân Nhật ra khỏi mục tiêu , trung tá Clifford bàn giao nhiệm vụ trấn giữ ngọn đồi lại cho sư đoàn 32 .

  Để làm chủ được một ngọn đồi chiến lược trong đó có con lộ cao tốc xuyên ngang , 26 binh sĩ Hoa kỳ thiệt mạng cùng với hàng trăm bị thương và mất tích . So với phía Nhật bản , 900 xác chết để lại và vô số thương binh . Nhưng một phép màu nào đó đã âm thầm che chở cho hạ sĩ Kamiko , từ những ngày đầu máu lửa đến giây phút cuối cùng âm thầm rút bỏ ngọn đồi , anh hạ sĩ đã chiến đấu xuyên suốt qua bao nhiêu ngày đêm kinh hoàng với lửa đạn mà anh chẳng hề hấn gì . Vẫn với cây súng trường hết đạn , chiếc ba lô rỗng tuếch trên lưng và cái bụng đói meo , anh âm thầm đếm bước theo những đồng đội may mắn còn sống sót . Họ di chuyển chầm chậm về phía chân đồi , nơi có con lộ cao tốc số 2 xuyên qua để nhập vào đoàn quân chính tiếp tục phần còn lại của chiến dịch Leyte .

                                   ………………………….

  Sau khi chiếm xong ngọn đồi chiến lược , quả như sự tiên đoán của Suzuki , Hoa kỳ tung quân ra tiến sâu về phía nam hòn đảo . Nhận thấy tình hình càng lúc càng trở nên bất lợi , việc phòng thủ bây giờ coi ra cũng khó thực hiện rồi nói gì đến chuyện xua quân đánh một trận quyết định . Yamashita cũng nhận ra điều bất lợi ấy liền thay đổi quyết định , từ thủ đô Manila , ông ra lệnh cho Suzuki lập tức tập trung lực lượng còn lại ở đảo Leyte mở thêm một chiến dịch khác . Chiến dịch được mang tên WA , một chiến dịch không kém phần liều lĩnh là dùng tất cả sức mạnh tấn công vào những căn cứ sân bay của địch . Những sân bay mà Hoa kỳ vừa mới thiết lập ở những phần đất vừa chiếm được tại đây được coi là nổi đe dọa lớn cho nền an ninh toàn vùng Phi luật tân cũng như sự vận chuyển hàng hóa tiếp liệu từ Đông kinh đến toàn vùng nam Thái bình dương như Nam dương , Mã lai và ngược lại .

  Hiện tại trong tay tướng Suzuki còn được ba lực lượng : sư đoàn 1 con cưng đến từ Mãn châu đã bị tổn thất gần 3 phần tư , bây giờ chỉ còn đủ sức để chống cự những cuộc đụng độ lẻ tẻ hầu làm giảm đi sức tiến của Hoa kỳ trên trục lộ giao thông chính là con lộ cao tốc số 2 . Sư đoàn 16 của Makino đã bị đánh tan tác từ những ngày đầu bây giờ còn lại chỉ một nhúm binh sĩ đang cố bám vào sườn núi phía tây Dagami , vùng trung đảo . Công việc chính của đám tàn quân này chỉ ngày ngày lội vào rừng săn tìm thức ăn , họ phải ăn tất cả những sinh vật nhỏ nhất như rắn rết , ếch nhái để sinh tồn . Thậm chí cả cỏ dại , rể cây và chính sợi thắt lưng bằng da của họ cũng không chừa . Lực lượng thứ ba là sư đoàn 26 , lực lượng này tương đối còn đủ mạnh có thể nói dùng làm mũi dùi chính cho chiến dịch . Họ đang trên đường hành quân xuyên qua rừng phía dưới làng Limon để tiến vào vịnh Leyte thì Suzuki ra lệnh cho họ chuyển theo hướng đông nam . Trên tuyến đường này họ sẽ bắt tay với những chiến sĩ còn sống sót của sư đoàn 16 dù cùng nhau mở ra ba cuộc tấn công vào ba phi trường ở một vị trí gần làng Burauen . Đó là một cái làng chiến lược nằm trong vùng trung đảo , cách Dulag 10 dặm về phía tây , ngày tấn công được chọn là 06 tháng 12 .

  Kế hoạch tấn công này chỉ được vẽ ra trong vội vàng hấp tấp , chính nó đã vấp phải nhiều trở ngại từ đầu . Việc trước tiên , sư đoàn 26 khó có thể đến được điểm tấn công đúng theo thời điểm do Manila quyết định . Suzuki yêu cầu cho thêm hai ngày nữa để rộng thời gian cho binh sĩ chuẩn bị nhưng trớ trêu thay đã bị thượng cấp từ chối . Và sau đó không biết vì một lý do gì khiến cho mọi thông tin liên lạc bằng vô tuyến điện với Manila bị cắt đứt khiến cho chiến dịch vừa bắt đầu đã vấp phải vô số trở ngại . 

  Ngày 03 tháng 12 , theo tin tức khí tượng cho biết thời tiết sẽ trở nên xấu đi vào những ngày sắp tới , nghĩa là sắp có bão lớn ập tới . Thời tiết xấu dĩ nhiên việc điều quân sẽ gặp nhiều trở ngại và đầy bất trắc , tướng Suzuki liền ra lệnh dời ngày tấn công trễ thêm một ngày nữa . Nhưng lệnh này không thể nào đến được ban tham mưu của sư đoàn 16 vì lý do mọi liên lạc điện đài bị gián đoạn như đã kể trên . Toàn bộ ban tham mưu và binh sĩ còn sống sót của sư đoàn 16 hiện tại chỉ còn khoảng 300 người , họ đang có mặt ở một vị trí rất gần phi trường , ngay điểm tấn công đúng theo thời gian quy định là ngày 06 tháng 12 . Một sư đoàn đáng tội nghiệp chỉ còn lại một nhúm sĩ quan và binh sĩ , tất cả đều ốm đói phờ phạc với vũ khí quá thô sơ và thiếu thốn . Thế mà những cái bóng ma còm cõi ấy lại chẳng biết chùn chân trước bất cứ một mệnh lệnh nào . Khi đêm đến , giờ tấn công bắt đầu , tất cả binh sĩ kể cả sĩ quan chỉ huy đồng ôm súng xông vào doanh trại của Hoa kỳ . Cuộc đột kích bất ngờ khiến cho phía Hoa kỳ phải lúng túng trong những giây phút đầu tiên . Phía doanh trại đóng ngoài trời để dùng cho những kỹ sư và công nhân Hoa kỳ sử dụng nên khi quân Nhật hùng hổ xông vào , họ đang ngon giấc nồng và tất nhiên là chẳng gặp một sự kháng cự nào cả . Dĩ nhiên là những kỹ sư và thợ thuyền thì chẳng bao giờ cầm đến khẩu súng , họ làm sao chống trả lại được nên trong cơn bàng hoàng nửa thức nửa ngủ , vô tình đã trở thành những nạn nhân cho cuộc tàn sát dã man của những chiếc lưỡi lê sản xuất từ Nhật bản . Tuy nhiên có một chuyện hết sức vô lý không thể tin nổi đã xảy ra nhưng đó là sự thật , một vài anh đầu bếp thức đêm để chuẩn bị cho bửa điểm tâm sáng mai , chẳng hiểu họ chống trả thế nào mà lại giết được 5 tên lính Nhật khi bọn này xông vào nhà bếp định trộm thức ăn . Quả thật , chết vì đói ăn như thế này không hiểu có vinh dự cho quân đội Thiên Hoàng không nhỉ ….

  Với một nhúm binh sĩ và họ đã chiếm được một góc ở sân bay trong vài tiếng đồng hồ nhưng chờ mãi mà không thấy viện quân tới tiếp tay thì họ đành phải rút lui vào chốn thâm sơn cùng cốc , nơi mà họ đã có đào sẳn công sự chiến đấu từ ngày hôm qua để ẩn thân và chờ đợi cánh quân tăng viện , đây là cánh quân nhảy dù như đã hẹn trước nhưng không biết vì lý do nào đó mà họ không đến được .

  Đây nói về 700 binh sĩ dù từ trung đoàn 3 dù , chỉ huy trưởng là trung tá Tsunehiro Shirai . Cho đến lúc này họ vẫn còn lục đục ở Luzon đang leo lên phi cơ để chờ không vận vào chiến trường . Bảy trăm binh sĩ được chia ra thành hai toán . Toán thứ nhất 356 binh sĩ chen chúc nhau trên 26 phi cơ , loại phi cơ vận chuyển hai động cơ . Trời vừa chếch bóng thì một phi đội 26 phi cơ thuộc toán nhảy dù thứ nhất được hộ tống thêm một phi đội chiến đấu cơ cùng rời phi đạo hướng về miền nam . Họ di chuyển theo một đội hình nhất định bay dọc theo bờ biển phía tây của Phi luật tân để tránh rada địch phát giác , khi tiến sâu về vùng nam Phi thì họ chuyển theo trục tây đông để đến Leyte . Khi lọt vào vùng trời Leyte thì bị hỏa lực phòng không của Hoa kỳ chào đón một cách tận tình khiến cho bốn chiếc phi cơ thả dù bay đầu tiên bị bắn rớt ngay . Số còn lại bất kể sống chết , họ hạ thấp xuống một cao độ cho phép để thả dù . Lúc 6 giờ 15 chiều , những cánh dù bắt đầu bọc gió , người lính dù Nhật bản lần đầu tiên được thả xuống đảo Leyte để tham dự một sứ mạng đặc biệt là thanh toán những căn cứ không quân của Hoa kỳ ở đây .

  Như dự tính thì cánh quân dù này sẽ được tập trung tại điểm phía bắc của phi trường nhưng vì trời tối và phòng không địch bắn rát quá nên chỉ có trung tá Shirai và 60 binh sĩ đặt chân đến điểm hẹn , phần còn lại thì lại bị thả lạc ra xa phía đông nam , cách Burauen gần hai dặm , ở một vùng trung đảo có tên gọi là làng San Pablo   .

  Trung tá Shirai , sau khi chạm đất và tập họp binh sĩ xong thì biết ra chỉ non một đại đội nên ông không thể làm gì khác hơn là tìm cách bắt liên lạc với cánh quân còn sống sót của sư đoàn 16 còn nằm chém vè đâu đó chung quanh đây để chờ chuyến đổ dù thứ nhì . Nhưng chuyến chuyển quân thứ hai này sẽ không bao giờ đến được điểm hẹn , lý do vì thời tiết bắt đầu trở nên xấu đi . Tệ hơn nữa , sư đoàn 26 cũng không thể tiến lên tiếp tay với cánh quân nhảy dù được vì một tiểu đoàn tiền tiêu của họ vừa lọt vào bìa rừng phía bên ngoài vòng đai sân bay đã bị một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 11 không kỵ Hoa kỳ sớm phát giác , họ ngăn chận và đánh bật ngược trở lại .

  Trở lại nhóm nhảy dù lạc ra ngoài tận làng San Pablo , sau khi tập họp lại họ tiến về phía bắc để hiệp với cánh quân của Shirai cho kịp lúc trời tối . Bây giờ thì đã nắm trong tay một lực lượng kha khá của nửa số quân dù cùng cánh quân còn lại của sư đoàn 16 chém vè , tổng cộng gần 500 tay súng , trung tá Shirai ra lệnh cho họ nghỉ ngơi tại chỗ . Hôm sau , lúc bình minh vừa ló dạng , dưới trời mưa giông tầm tả , 500 tay súng đồng loạt xông vào tấn công quyết chiếm cho được khu sân bay . Và lần này trung tá Shirai đã đụng phải một sức kháng cự mãnh liệt , bốn tiểu đoàn phòng thủ căn cứ quyết không nhường một tấc đất cho quân Nhật . Sau hơn một ngày trời công hãm bằng tất cả sức mạnh vá víu của mình , 500 tay súng Nhật bản chỉ còn lại một nhúm nhỏ đếm được trên đầu ngón tay cùng vị sĩ quan chỉ huy lặng lẻ rút lui lên một ngọn đồi rậm rạp gần đó nằm ôm mối hận ngút ngàn không hẹn này trở lại .

  Ngay trong lúc trung tá Shirai cố gắng tấn công căn cứ không quân ở Burauen thì một hạm đội Hoa kỳ gồm nhiều khu trục hạm và hải vận hạm bất ngờ cho đổ bộ vào vịnh Ormoc thêm một sư đoàn nữa , đó là sư đoàn 77 lục quân .

  Chiến dịch liều lĩnh mang tên WA của tướng Suzuki chẳng những bị thất bại hoàn toàn mà đồng thời chính nó đã kéo theo một loạt thất bại khác trong việc phòng thủ đảo Leyte . Ormoc , điểm đổ bộ và đóng quân của sư đoàn 26 từ trước , bây giờ họ đã rút đi để tấn công các phi trường vùng trung đảo nên nơi đó đã bị bỏ trống , bây giờ chính là điểm cho Mac Arthur dùng làm mục tiêu để tấn công lại họ .

  Chỉ mới sáu giờ ba mươi sáng , hàng chục khu trục hạm Hoa kỳ đồng loạt khai pháo nã vào bờ biển chỉ cách vịnh Ormoc có bốn dặm , tàu đổ bộ đồng loạt rời các hải vận hạm đậu ngoài khơi không xa với những bộ quân phục màu xanh màu ô liu chen chúc nhau . Lúc 7 giờ , cánh quân đầu tiên đã an toàn đặt chân lên bãi biển . Bây giờ là ngày 07 tháng 12 . Từ vùng cận nam đảo Leyte , sư đoàn 7 cũng đang hành quân xuyên qua phần eo thắc của hòn đảo , một vùng đồi núi hiểm trở có thể nói là con người khó mà chinh phục được , và họ đã chinh phục được lại đang tiến về vùng duyên hải của vịnh Ormoc để bắt tay với sư 77 vừa đổ bộ vào bờ , đúng theo chiến thuật nhịp nhàng của ông tướng lục quân Arthur vẽ ra từ trước . Sư đoàn này chỉ gặp sự kháng cự lẻ tẻ không đáng nói , đây chỉ là một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 26 được cắt nằm lại để giữ vùng thôn quê hẻo lánh ở đây .  

  Một sự hớ hênh đáng trách của tướng Suzuki là ông quá tin cậy vào sự yễm trợ của hải quân ở căn cứ đảo Cebu nên không hề lo bố phòng mặt tây của đảo Leyte . Ông có ngờ đâu eo biển Camotes , một eo biển hẹp giữa Cebu và Leyte đã bị hải quân Hoa kỳ làm chủ từ trước . Trước một tình thế hết sức hiểm nghèo , chỉ một lực lượng nhỏ bé bị cách ly hoàn toàn trên một hòn đảo đơn độc chỉ biết tự lực chớ không thể nào xoay trở hoặc nương tựa vào đâu . Tức thì Suzuki ra lệnh cho sư đoàn tạm thời còn đủ mạnh là sư đoàn 26 hợp cùng những binh sĩ còn sống sót của sư đoàn 16 , từ vùng hành quân nơi trung đảo lập tức quay ngược trở lại hợp với cánh quân của ông ở chung quanh vịnh Ormoc .

  Tại tổng hành dinh ở Manila , tướng tư lệnh Yamashita gửi ngay một đoàn công voa chuyển viện quân vào mặt trận Leyte ngay và thêm vào đó , ông ra lệnh cho 500 quân nhảy dù thuộc trung đoàn 4 nhảy dù lập tức nhảy ngay vào mặt trận , mục tiêu chính cho cánh quân dù là một sân bay nằm ở phía bắc vịnh Ormoc khoảng 8 dặm , ở một điểm gần con lộ cao tốc số 2 . Nhưng , cũng như những lần đổ quân khác , cánh quân dù lần này cho mãi đến sáng ngày 08 tháng 12 mới đặt chân lên Leyte , nhưng lại cách xa mục tiêu hàng 5 dặm trong một khu rừng cây rậm rạp .

  Nhắc lại hạ sĩ Kamiko , nhóm của anh khi liều chết vượt thoát vòng vây của Hoa kỳ từ chân đồi Gãy cổ , sau mấy ngày đêm băng rừng lội sối để tìm sinh lộ và cuối cùng rồi thì họ cũng đến được con lộ cao tốc số 2 . Ở đây họ chạm trán với 6 binh sĩ dù Nhật bản , 6 anh lính trẻ măng với vũ khí trang bị đầy đủ . Khi nhìn thấy nhóm binh sĩ bạn bị bại trận với bộ quân phục rách bươm , mặt mày bơ phờ hốc hác thì họ tỏ ra tự mãn với binh chủng của mình . Hạ sĩ Kamiko tình thật nói thật , bảo cho họ biết sự thật về sức mạnh nan địch của quân đội Hoa kỳ thì một anh lính dù Nhật bản hứ lên một tiếng như miệt thị , hắn nói bằng một giọng khinh khỉnh , giọng của một kẻ chưa thấy quan tài chưa đổ lệ “Ít ra thì tôi cũng phải giết chết ít nhất mười thằng lính Mỹ rồi tôi mới chết được !” . Nói xong hắn cười hềnh hệch và nhìn Kamiko bằng nửa con mắt . Hạ sĩ Kamiko , người từng chết sống trực diện với quân thù trên ngọn đồi mệnh danh là Gãy cổ , đã từng chứng kiến sức mạnh bất khả địch của Hoa kỳ , bây giờ nhìn thấy thái độ ngạo mạn coi trời bằng vung của anh lính dù thì lòng chợt chùn xuống , anh thầm hỏi tại sao tổng hành dinh Thiên Hoàng lại gởi đám lính con nít điếc không sợ súng này vào một nhiệm vụ nguy hiểm như vầy . Thế bảo họ đi tự tử thì còn đúng hơn ! Đã nhiều đêm dài ngồi căng mắt chờ địch nơi tuyến đầu , Kamiko cũng đã có những khoảng thời gian yên tỉnh để lắng đọng tâm tư của một người lính để suy nghĩ về những gì mình đang đối diện . Có nhiều lần anh tự hỏi và tự trả lời rằng tại sao mình phải ngồi ở đây để chờ đợi một cái chết quá vô nghĩa ập đến ? Tại sao mình không biết cao bay xa chạy đến một nơi hoang vu , một hòn đảo xa xôi nào đó để sống lại một kiếp người cho đúng nghĩa hơn ? Anh thả dòng tâm tư lãng đãng trở về nơi cố quốc , nơi cái làng nho nhỏ , nơi anh sinh ra và khôn lớn . Chỗ ấy là một vùng đất ôm ấp biết bao kỷ niệm , chỗ ấy là quê hương của anh . Đẹp thật một vùng trời quê hương yêu dấu đã mang trong ký ức những ước mơ tươi đẹp , và những ước mơ thuở đầu đời ấy đã nuôi lớn anh theo tháng ngày yên bình thầm lặng . Rồi chiến tranh đến cướp tất cả . Chiến tranh quả thật tàn nhẫn , nó đã cướp mất của anh những chuổi ngày thân thương yêu dấu , nó đã mang anh đi , đi mãi .

  Sáu anh lính dù sau khi hất một cái nhìn đầy khinh miệt vào nhóm tàn quân của hạ sĩ Kamiko thì họ nhanh chóng biến mất vào cánh rừng thưa bên cạnh . Kamiko ngao ngán nhìn theo những cái bóng áo xanh vừa khuất hẳn sau bụi cây rừng , anh lắc đầu thả dòng suy nghĩ đi lan man lần nữa . Từ phía xa xa tiếng đại pháo rì rầm rền vang cả một góc trời . Nơi ấy chính là vịnh Ormoc . Kamiko kinh ngạc khi nhận ra đó là tiếng pháo của địch . Anh thầm nhủ “Quân Hoa kỳ mới vừa làm chủ ngọn đồi Gãy cổ , thế sao họ lại tiến về vùng nam hải đảo bằng cách nào mà nhanh đến như thế ?” .

  Đây nhắc lại sư đoàn vừa đổ bộ lên vịnh Ormoc . Sư đoàn 77 dưới sự chỉ huy của Andrew D.Brace , trung tướng tư lệnh sư đoàn , sau khi an toàn đổ bộ lên bờ thì ông ra lệnh cho con cái tiến sâu vào nội địa . Một cánh quân hỗn hợp của Nhật đang nằm sẳn trong những chiến hào nơi cánh rừng trên một ngọn đồi không cao lắm phía bên ngoài vòng đai của ngôi làng Ormoc. Đại tá Mitsui , một sĩ quan chuyển vận đang chỉ huy cánh quân rời rạc với vũ khí thô sơ này . Tuy nhiên ông cũng hy vọng kềm được chân địch cho đến khi sư đoàn 26 từ vùng trung đảo quay trở lại cùng tiếp ứng nghên địch . 

  Tướng Brace cũng cẩn thận , ông cho một tiểu đoàn khác thuộc sư đoàn 30 đáp vào một bãi biển ở một cái làng nhỏ có tên là Palompon , một nơi cách làng Ormoc 15 dặm theo đường chim bay và 35 dặm đi bằng con đường núi quanh co gồ ghề . Ngày 09 tháng 12 , hai cánh quân chính và phụ của tướng Brace đã có mặt sẳn nơi bìa rừng của làng Ormoc , rạng sáng hôm ấy họ dễ dàng chọc thủng phòng tuyến của đại tá Mitsu để tiến vào ngôi làng nhỏ . Thế là một lần nữa quân của Mac Arthur làm chủ thêm một phần đất phía tây hòn đảo , kể cả vịnh Ormoc , một bờ biển chiến lược rất tiện lợi cho việc đổ quân tiếp viện nếu cần .

  Nên nhớ rằng tướng Yamashita đang dốc sức giữ lấy hòn đảo này nên từ nhiều ngày trước ông đã gửi quân tăng viện cho Suzuki . Hai đoàn công voa của Nhật bản đang trên đường tiến tới vịnh Ormoc . Đoàn công voa đầu tiên với 3,000 quân thuộc sư đoàn 8 bộ binh cùng 900 tấn tiếp liệu và đạn dược . Họ gồm 5 dương vận hạm , ba khu trục hạm và hai tiềm thủy đỉnh . Hộ tống hải đội này còn có thêm một phi đội 30 chiến đấu cơ nữa . Ngày 10 tháng 12 họ có mặt sẳn ngoài khơi bờ biển phía tây đảo Leyte và đang tiến về điểm đổ quân là vịnh Ormoc , nơi quân đội của Hoa kỳ đang làm chủ . Như đã biết , hải quân Hoa kỳ cũng đang bung rộng kiểm soát cả toàn eo biển Camotes , đoàn công voa của Nhật đang tiến vào quỹ môn quan mà không hay biết . Một cuộc tấn công thình lình và chớp nhoáng khiến cho Nhật phải để lại vĩnh viển cả ba dương vận hạm , số thoát chết lo cứu cấp những binh sĩ chưa bị chìm và sau đó quay trở lại bờ biển Polompon với 700 binh sĩ thiệt mạng . Trước khi số binh sĩ sống sót này cập được vào bãi biển họ phải mất thêm một dương vận hạm nữa do phi cơ Hoa kỳ nhào ra tấn công ráo riết .

  Như thế Nhật chỉ còn lại duy nhất một dương vận hạm với 400 binh sĩ , một chi đội độc lập dưới sự chỉ huy của trung úy Ito cùng với 9 xe lội nước và 20 khẩu súng cối . Tính từ khi chiến tranh đảo Leyte khởi diễn , Nhật đã bị Hoa kỳ đánh chìm gần 80 phần trăm quân tăng viện cùng hàng tiếp liệu , nghĩa là tổng số quân gởi đến là 45 ngàn quân nhưng còn sống sót để an toàn đặt chân lên đảo chẳng có được bao nhiêu . Chưa kể đến không biết bao nhiêu tấn đạn dược tiếp phẩm cũng bị đánh chìm . Một cố gắng đau lòng trong tuyệt vọng , một sự mất mát quá lớn cho Yamashita , cho cả quân đội Thiên Hoàng .

                              ……………………………………….

   Mặc dù Hoa kỳ chưa làm chủ hẳn hòn đảo Leyte nhưng trước mắt thì tổng hành dinh Thiên Hoàng cũng phải lo bấn xúc xích lên và nhìn vào hòn đảo vùng bắc Phi là đảo Luzon . Một hòn đảo duy nhất còn lại trên vùng Thái bình dương còn giữ được trong tay . Phải lập tức biến hòn đảo này thành một căn cứ vững mạnh nhất để cho một trận thư hùng cuối cùng của cuộc chiến . Đông kinh một mặt lo xây dựng hệ thống phòng thủ , một mặt cho áp giải những tù binh chiến tranh Anh , Hoa kỳ và Úc đại lợi còn nằm trong các trại tập trung trên đảo trở về đất Nhật . Hoặc sẽ dùng họ như những lao động khổ sai hoặc tối hậu sẽ sử dụng nhóm tù binh này như con tin để gây áp lực cho phía chính phủ Hoa kỳ .

   Đề cập đến tù binh chiến tranh thì chúng ta không nên nhắc lại số phận hẩm hiu của những mảnh đời khốn cùng của nhiều quân nhân bị cưởng bách buông súng một cách nhục nhã và tức tưởi . Chắc các bạn còn nhớ vụ đánh bom phục hận cho Trân châu cảng do ý kiến của tổng thống Roosevelt . Vài tuần lễ sau khi ba sĩ quan trong phi đội của trung tá Doolittle , phi đội này trên đường rút lui sau một phi vụ đặc biệt là đánh bom thủ đô Đông kinh , họ kém may mắn khi nhảy dù ra khỏi máy bay và bị lọt vào tay quân đội Nhật bản . Đó là trung úy Dean Hallmark , trung úy William Farrow và trung sĩ Harold Spatz . Cả ba đều bị quân Nhật đánh đập tàn nhẫn và xử tử sau một phiên tòa chớp nhoáng của quân đội . Công chúng Nhật bản thường lên tiếng rêu rao chê trách cách đối xử tù binh chiến tranh của phe đồng minh khi họ đề cao về sự đối xử nhân đạo của quốc gia mình . Nhất là việc chính phủ và quân đội Anh đối xử tàn tệ với tù binh Đức trong chiến tranh châu Âu . Nhưng trớ trêu thay họ lại quên mất và hình như chẳng nhắc nhở gì đến vụ việc xảy ra ngay tại quê nhà .

  Tờ nhật báo mang tên Nippon Times của Đông kinh có đăng một bài viết như sau để ca ngợi cho chính phủ của mình về vấn đề tù binh chiến tranh và như để bào chữa cho những vụ đối xử tàn độc khắp mọi nơi mà qua tin đồn dĩ nhiên cũng đã có rất nhiều người nghe biết đến :

  “ …. Không cần phải nhắc tới điều này ắt chúng ta cũng biết , đó là do những hành động man rợ của phe quân đội , những cánh quân dưới sự chỉ huy của những vị sĩ quan cuồng tính mang đầy ác cảm màu da và thù hận . Riêng chính phủ của chúng ta , tức ở Đông kinh . Chính phủ Nhật bản tỏ ra quan tâm và nhân đạo hơn trong vấn đề này . Cho đến thời điểm chiến tranh lên cao như thế này mà chính phủ của chúng ta vẫn tôn trọng luật lệ chung của quốc tế ấn định về cách đối xử với tù binh chiến tranh . Một bằng chứng hùng hồn là nhiều tù binh Hoa kỳ đã tuyên bố không chút đắn đo rằng họ đã sống một cách rất thoải mái , đã hưởng thụ cuộc sống dù đó là cuộc sống bó buộc trong trại tù của Nhật” . 

  Tại đảo Luzon , một hòn đảo to nhất nằm phía bắc Phi luật tân , nơi trại Cabanatuan , còn vài tù binh sống sót sau trận ác chiến ở bán đảo Bataan vẫn còn bí mật giữ những cuốn nhật ký trong tù . Những cuốn nhật ký này nếu chẳng may bị phát giác thì mạng sống của họ ắt phải bị đe dọa ngay . Điển hình là đại tá quân y Jame Gillespie . Ông mô tả lại cảnh đoàn tù binh trên đường đi vào trại tập trung từ một chiến trường vừa im tiếng súng như sau : “Một đoàn người không ra người , ngợm chẳng ra ngợm thất thỉu lê từng bước một trong một đội hình lộn xộn , bừa bãi vô trật tự . Những khuôn mặt thất thần , tiều tụy , kẻ không quần người chẳng có áo , lê thê lết thết như những xác chết biết đi . Dưới ánh nắng cháy da của miền nhiệt đới , những quân nhân thất trận , đầu không nón , chân không giầy bụng đói meo , môi khô đắng cố kéo dài sự sống bằng một phép màu nào đó . Cố kéo dài sự đày ải gian truân để được đi vào trại tù , để được những người chiến thắng thẳng tay hành hạ , hành hạ cho bằng thích bằng những báng súng , những ngọn roi kinh hoàng cứ tới tấp giáng xuống đầu chúng tôi hòa cùng những giọng cười tự mãn đầy ngạo mạn , giọng cười của những kẻ đắc chí coi khinh mạng người như cỏ rác …..”

  Những tù binh này bị bắt buộc phải ăn bất cứ những sinh vật ghê tởm nhất để được sinh tồn , chó mèo rắn rết chuột non chuột già kể cả rác rưới . Trong một năm đầu sống trong trại tù Cabanatuan , 2.644 tù binh trong số 6.500 chết vì bị bệnh sốt rét , bệnh kiết lỵ và nhiều chứng bệnh lây lan khác . Những cái chết này , theo đại úy bác sĩ Samuel M.Blom thì lý do chính là do sự bỏ mặc không thương tiếc của chính phủ Nhật , kết quả của một chính sách trả thù có tính toán , cứ để cho chúng nó đói kiệt sức ra . Không thực phẩm , không thuốc men , tất nhiên chúng sẽ dần mòn mà chết hết . Có như thế mới đáng kiếp .

  Một nhật ký trong tù khác của đại tá Roy L.Bodine , một vị sĩ quan còn sống sót ở bán đảo Bataan cho đến khi thủy quân lục chiến của Mac Arthur đặt chân lên đảo Leyte . Ông cho biết , đó là một ngày ông không thể nào quên được trong đời . Nhóm tù của ông bị thuyên chuyển từ thủ đô Manila bằng xe tãi đến nhà tù Bilibid , đó là một trại chuyển tiếp không hơn không kém , để từ đó nhóm tù binh của ông sẽ được xuống tàu thẳng tiến vào đất Nhật , tiếp nối cho đoạn đời tù binh chiến tranh khốn nạn của mình .

  Nhóm tù binh càng ngẫm nghĩ càng thấy ớn một khi biết mình sẽ bị chuyển vào đất Nhất , ở đó họ sẽ bị đối xử tàn tệ đến mức nào . Tuy nhiên tiếng đạn pháo rì rầm vọng lại từ phía xa xa của cánh quân bắc tiến Mac Arthur cũng làm phấn khởi tinh thần những tù nhân kém may mắn này . Đại tá Bodine lại ghi vào quyển nhật ký vài dòng như sau “Ngày 28 tháng 10 . Tiếng bom pháo mang đến cho chúng tôi một niềm hy vọng mới – hy vọng bọn Nhật sẽ bị phong tỏa sớm , có như thế chúng tôi sẽ không phải bị chuyển vào đất nước của họ được . Đó là những ngày dài nhất mà chúng tôi đã trãi qua , lo lắng phập phòng và cầu nguyện . Cầu nguyện và hy vọng” .

  Nhưng niềm hy vọng của họ lại sớm tiêu tan , lời nguyện cầu chẳng được một bí mật thiêng liêng nào đó đáp ứng . Ngày 12 tháng 12 , sự căng thẳng đợi chờ của họ đã không còn kéo dài nữa . Khẩu phần ăn của tù được cải thiện tốt hơn , lại được cấp phát xà bông và giấy vệ sinh – một dấu hiệu mới đã đến : chắc chắn ngày khởi hành vào đất Nhật đã đến rất gần cho nhóm tù binh .

  Rạng sáng ngày hôm sau , 1.618 tù binh Hoa kỳ bị áp giải dọc theo đại lộ Quezon . Người dân Phi luật tân đứng hai bên đường đưa mắt theo dõi đoàn tù binh diễn hành với tư thế gục đầu . Nhiều người trong họ len lén đưa hai ngón tay ra dấu chữ V , một dấu hiệu của victory khi có một anh tù nào đó ngẫng mặt lên nhìn họ , như ngầm bảo cho nhau biết sự chiến thắng cuối cùng ắt rồi cũng sẽ đến .

  Tại bến tàu , ngay cổng số 7 , đoàn tù binh được lệnh dồn hết xuống hầm chiếc Oryoku-maru , một con tàu chở khách 15 ngàn tấn . Bấy giờ cả hầm tàu đều chật nít tù binh . Trong cái khoang tàu chật chội thiếu dưỡng khí càng lúc càng trở nên ngột ngạt khó chịu vô cùng . Chỉ ngồi chừng vài phút ai nấy mồ hôi đều ướt đẫm , hơi thở đứt quãng từng hồi . Thật là một cõi địa ngục chốn trần gian .

  Nhóm của đại tá Bodine gồm hơn 300 người , hầu hết là những sĩ quan quân y hải lục quân Hoa kỳ bị dồn vào ngay phần giữa của căn hầm tầng thứ 3 . Mặt trời vừa lặn thì con tàu bắt đầu rời bến , nó di chuyển dọc theo bờ biển bên ngoài bán đảo Bataan để tiến tới vịnh Subic , rồi từ đó sẽ nhắm hướng bắc mà tiến . Bên ngoài , trời đã về đêm , bốn bề vắng lặng tối đen , con tàu cứ thẳng hướng mà tiến đi chầm chậm . Tù binh trong tàu sau khi được cấp phát khẩu phần buổi chiều , mỗi người chỉ được một nhúm cơm và chút cá , đặt biệt là chỉ phát thức ăn nhưng chẳng có nước uống . Có lẽ họ muốn những tù binh tội nghiệp này phải trãi qua thêm một thử thách mới , thử thách nhịn khát ngồi bó gối chen nhau trong căn hầm nóng bức ngột ngạt lênh đên trên biển . Ăn xong , tù binh tự động tìm chỗ chen nhau nằm nghỉ . Có kẻ vô tư chìm ngay vào giấc ngủ nhưng cũng lắm người còn mãi trằn trọc suy tư , lo cho một ngày mai sẽ còn nhiều nỗi bất hạnh ở một nơi đang chờ họ đến .

  Bỗng dưng có tiếng còi báo động hụ vang . Đây hẳn nhiên là có một mối nguy hiểm nào đó đang chờ nơi phía trước . Con tàu liền xoay hướng trở lại và bỏ neo tại một vùng biển mà họ cho là an toàn chỉ cách Olongapo về phía nam không xa . Hầu hết tù binh trong hầm tàu đều bật dậy ngồi nhìn nhau hồi hộp , trong bóng tối người ta còn nghe hơi thở của họ thật nặng nề . Nếu bảo rằng họ lo sợ cho một mối nguy nào đó có thể xảy đến thình lình thì thật không đúng hẳn như vậy , bởi còn nỗi hãi hùng nào cho bằng bị áp giải về đất Nhật . Sự tàn ác dã man của quân đội Thiên Hoàng họ đã nếm đủ ngay từ ngày đầu ngưng tiếng súng , nhưng lúc ấy dù sao họ vẫn là đoàn quân chiến thắng . Còn bây giờ , sau những thất bại nối tiếp thất bại dĩ nhiên quân Nhật rất căm hận người Hoa kỳ , và đoàn tù binh kém may mắn đang nằm trong tay họ thì sự trả thù ắt sẽ không thể nào tránh khỏi . Đó mới là mối lo gan ruột cho đám tù binh đang ngồi co ro nhịn khát khô cả cổ họng trong hầm tàu .

  Ngay trong căn hầm phía trên cùng những người tù chợt thoáng nghe nhiều tiếng động lạ , tiếng người la hét từ trên boong vọng xuống . Rồi tiếp theo là tiếng súng phòng không nổ giòn , lại có tiếng loảng xoảng của mảnh thủy tinh vở rơi tuông xuống hầm qua những ô cửa thông gió . Tiếng bom nổ , tiếng đạn bay càng lúc càng rõ dần . Hình như phía trên boong tàu họ đang giao tranh dữ dội . Đến lúc này thì nhiều tù binh không biết vì tò mò hay sợ bị chết kẹt trong hầm tàu nên leo lên cầu thang định bò ra ngoài boong tàu . Nhưng mọi cố gắng đều bị thủy thủ phát giác , họ xả súng bắn xối xả vào bọn tù nhân cố nhoi lên từ tầng hầm . Vài tù binh bị trúng đạn rơi trở lại căn hầm , người chết thì nằm im bất động nhưng kẻ bị thương thì kêu la thảm thiết . Nhóm tù chung quanh chứng kiến tận mắt cảnh quân Nhật bắn chết tù binh thì uất ức dâng trào , họ không ai bảo ai đồng hè nhau la hét loạn cả lên . Nhóm của đại tá Bodine bấy giờ cũng đang có mặt ở ngăn chính giữa . Họ hình như chẳng còn gì để sợ nữa , nếu sợ bị bắn mà ở lại trong hầm thì sớm muộn gì cũng bị chết ngộp còn liều lĩnh , nhân cơ hội lộn xộn này hè nhau xông ra làm loạn ngay trong lúc này thì hy vọng còn cơ hội sống sót .

  Ngay giữa lúc tù binh chen chúc nhau trong bóng tối để tìm cách thoát ra ngoài boong tàu qua cái cửa nhỏ duy nhất ngay trên đầu cầu thang thì một trái bom đánh trúng phần phía sau của con tàu . Sau một ánh chớp rợn người là tiếng nổ khủng khiếp , cả một nửa phía sau chiếc tàu rung lên bần bật rồi phần phía trên đổ ập xuống đè chết nhiều tù nhân còn đang bàng hoàng nơi căn hầm phần cuối con tàu . Nhóm của đại tá Bodine bây giờ đang ở ngay chân cầu thang nên thoát chết . Họ đồng ùa nhau leo lên cầu thang chạy túa ra boong tàu như đàn ong vỡ tổ . Đây có thể nói là một cảnh tượng hết sức kinh khủng , thủy thủ Nhật đang bở vía vì quả bom đánh trúng tàu chưa hoàn hồn lại bị nhóm tù binh hùng hổ xông ra giật súng bắn xối xả vào họ . Vốn bị áp bức lâu ngày bây giờ được tự do thỏa chí vẫy vùng thì có ai mà không thích . Lòng căm hận cực độ đối với những tên lính dã man Nhật bản trong những tháng năm dài tù tội khiến cho họ không còn biết nương tay là gì , họ đánh , họ bắn , họ cướp thức ăn và nhất là nước uống , bởi lẽ trong họ ai nấy đều sắp chết vì khát khô cả cuống họng . Bọn thủy thủ Nhật hoảng kinh lớp chết lớp bị thương , nhiều đứa nhanh chân nhảy tòm xuống biển bơi bán mạng vào bờ . Nhóm sĩ quan của đại tá Bodine bấy giờ cũng leo lên được boong tàu . Sau một lúc nhốn nháo họ lẳng lặng đưa mắt quan sát quang cảnh chung quanh . Trời đã rạng đông , vừng hồng vừa ló dạng , bầu trời thâm thẩm chỉ còn lác đác một vài vì sao lạc loài nhấp nháy . Phi cơ Hoa kỳ sau đợt không kích kéo dài gần 20 phút đã rút đi hết . Bodine nhìn ra chung quanh và không ngạc nhiên lắm khi nhận ra con tàu chở tù binh đang thả neo ở một nơi rất gần bờ biển . Ông nghĩ với một khoảng cách ấy sức người cũng có thể bơi vào bờ được . Nhìn chiếc Oryoku-maru một nửa phần sau lái , chỗ bị trúng bom như sắp chìm hẳn dưới mặt nước , ông nghĩ nếu còn nấn ná ở lại trước sau gì thì cũng bị chìm mất thôi , nếu bơi vào bờ bây giờ thì may ra còn có cơ hội sống sót và thoát thân .

  Thế là những người tù còn sống sót đang có mặt trên boong tàu kẻ trước người sau nhảy tòm xuống biển . Người biết bơi cố gắng dìu kẻ không biết bơi cùng tiến vào bờ . Nhóm của đại tá Bodine đặt chân lên bãi cát trước tiên . Và ở đây , họ ngỡ ngàng khi biết ra đó là một doanh trại của quân đội Nhật bản .

  Một tiếng đồng hồ sau , 1,300 tù binh sòn sống sót sau một đêm hãi hùng bị giam lỏng trong một sân quần vợt . Họ đầu tóc rủ rượi , áo quần ước mem ngồi thành từng nhóm chờ đợi người ta tống vào tù tiếp tục . Đó là buổi bình minh ngày 15 tháng 12 , buổi bình minh mà đại tá Bodine cùng 1,300 tù binh đồng cảnh khác không thể nào quên được trong đời .

                                    ...........................................................

    Cũng cùng một buổi bình minh ấy , tướng Mac Arthur bước thêm một bước thật dài lên phía bắc Phi luật tân , tận đảo Luzon . Lúc 7:30 sáng , hai trung đoàn thiện chiến nhất đổ bộ an toàn lên Mindoro , một vị trí phía nam chỉ cách Luzon chừng vài dặm . Cho đến chiều hôm ấy , hai trung đoàn đã tiến sâu vào vùng trung đảo .

  Yamashita có lẽ đã nhìn ra những thất bại liên tục ở vùng nam Phi nên ông không muốn đưa thêm quân vào chỗ chết . Quyết định dứt khoát của ông ngay lúc ấy là chẳng gửi quân tăng viện cho chiến trường Leyte và cũng không đưa quân tiếp ứng Mindoro , mặc dù ở đó chỉ có trên dưới một ngàn tay súng . Ngày 22 tháng 12 , Yamashita gọi điện ra lệnh cho tướng chỉ huy mặt trận Leyte là Suzuki hãy lo bố trí lại quân đội , cố gắng dụ địch vào những địa thế hiểm hóc do ta chọn lựa như ở Bacalod hoặc Negros , có như thế mới có thể tiêu hao địch quân và duy trì lực lượng .

  Như thế , dù không nói ra nhưng Suzuki cũng biết ý định của Yamashita là rút bỏ hòn đảo Leyte . Quyết định này khiến cho tướng Suzuki hụt hẫng không ít .

  Không những chỉ mỗi một mình Suzuki bị hụt hẫng khi biết ra thượng cấp đã quyết định rút bỏ Leyte , mà ngay cả những vị chỉ huy tối cao ở Đông kinh cũng bàng hoàng . Kẻ chết đứng vì kinh ngạc có lẽ không ngoài vị thủ tướng đương nhiệm là Kuniaki Koiso . Ngày 08 tháng 11 ông đã hùng hồn tuyên bố với công chúng là quân đội của ông đã chiến đấu anh dũng và dành được chiến thắng vinh quang ở đảo Leyte . Trong một bài diễn văn đọc trên làn sóng radio phát trên toàn quốc , Koiso so sánh trận Leyte chẳng khác nào trận chiến Tennozan rạng danh quân sử Phù Tang năm 1582 . Ông khẳng định như đinh đóng cột , rằng nếu Nhật chiến thắng ở trận chiến Leyte thì cuộc chiến trên toàn cõi Thái bình dương này nhất định Nhật phải chiến thắng .

   Vì thế , khi nghe được tin Leyte sắp bị lọt vào tay Hoa kỳ thì thủ tướng Koiso tay chân rụng rời , mắt nổ đom đóm và càng lúng túng hơn nữa vì lúc ấy ông đang trên đường đến nội điện diện kiến Nhật Hoàng . Khổ một nỗi là Hirohito tánh hay tò mò ưa hỏi chuyện ngoài lề . Ông hỏi một câu khiến cho Koiso ú ớ chẳng biết đường nào tâu rỗi : “Thủ tướng phải giải thích thế nào với bàng dân thiên hạ khi thủ tướng đã mang trận chiến nhục nhã ở Leyte ra mà so sánh với trận Tennozan năm xưa của tiền nhân tiên đế ?” . Những gì thủ tướng còn nghĩ tới được trong hiện tại là cầu nguyện xin Thái dương Thần nữ linh thiêng ban cho một phép mầu nào đó có thể cứu lấy nội các của ông qua cơn ngặt nghèo khốn đốn .

  Nhắc lại tướng Suzuki , lúc này ông cũng đang gặp rối rắm không ít . Lệnh vừa mới truyền xuống cho tất cả binh sĩ còn sống sót đang có mặt trên đảo Leyte phải tức tốc tập trung về vùng Palompon để bảo tồn lực lượng và chiến đấu theo lối du kích chiến . Nhưng công việc còn đang dỡ dang thì bỗng rạng sáng ngày 25 tháng 12 , ngày Noel đáng nhớ , quân của tướng Brace đã tiến vào bằng nhiều trục tiến quân bắt buộc Suzuki cùng ban tham mưu của ông phải rút thật xa về hướng tây của đảo , lên tận những hòn núi đá cao chót vót cận miền duyên hải gần làng San Isidro . Phía sau lưng họ , vùng Palompon mới vừa rút bỏ đã bị sư đoàn 77 tràn ngập . Cả một vùng rừng núi khói lửa ngút ngàn vì đạn pháo của những tàu đổ bộ và các khẩu đội pháo chung quanh , ở những nơi họ đã chiếm cứ . Thế là toàn vùng biển của đảo Leyte , nói chung là những điểm đổ quân đã bị Hoa kỳ chiếm giữ . Chiều hôm ấy , tức chiều 25 tháng 12 , Mac Arthur tuyên bố chiến dịch tiến chiếm đảo Leyte đã hoàn toàn thắng lợi . Tuy nhiên ông cũng nhắc lại rằng , dù sao thì ở đó vẫn còn nhiều địch quân cố bám víu vào những nơi có địa hình phức tạp để đánh du kích . Trước mắt , vẫn còn nhiều mục tiêu cần phải thanh toán . Mac Arthur bàn giao lại chiến trường nam Phi này lại cho lộ quân thứ 8 để tướng Krueger cùng lộ quân thứ 6 của ông ta chuẩn bị cho bước nhảy kế tiếp : giải phóng Luzon .

                            ……………………………

  Ngay trong đêm Noel ấy , hạ sĩ Kamiko cùng ba binh sĩ khác tới được một bờ biển , ở một nơi chỉ cách lều của tướng chỉ huy Suzuki không xa mấy . Tiếng súng trên đảo bây giờ được coi như hoàn toàn im lặng dù quân Nhật vẫn còn hiện diện ở đó . Với binh sĩ Hoa kỳ , họ hã hê cho một chiến thắng vừa giành được nên coi khoảng thời gian này là thời gian tự mình tưởng thưởng chiến công cho mình . Mọi cuộc vui đều dành trọn cho đêm nay , nghĩa là vừa ăn mừng chiến thắng vừa đón lễ Giáng sinh .

  Nhóm bốn người của hạ sĩ Kamiko cố vạch rừng tìm đường ra bờ biển , họ phải xuyên qua những khu rừng rậm tưởng chừng như chưa có dấu chân người . Địa thế ở đó quá hiểm trở với rừng rậm núi non , suối đá và thậm chí còn có sự hiện diện của nhóm quân du kích phiến loạn người bổn xứ . Đọc đến đây , các bạn không cần phải thắc mắc tự hỏi tại sao nhóm bốn người của hạ sĩ Kamiko lại không quay lên ngọn núi , nơi có bộ chỉ huy của Suzuki để nhập vào bọn họ . Hỏi tức là trả lời – nhóm của Kamiko đang trên đường bỏ trốn . Ý định này Kamiko đã có từ khi đồi Gãy cổ bị Hoa kỳ tràn ngập và anh chán ngán khi chứng kiến những cái chết quá vô lý của đồng đội trong thời gian tử thủ ở đó . Vì vậy , sau khi tất cả đơn vị đều bị thất lạc nhau , nhóm 4 người của hạ sĩ Kamiko quyết định thi hành quyết định táo bạo của mình . Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân , cuối cùng rồi thì nhóm bốn người của Kamiko cũng tìm được một làng chài nhỏ ở ven biển , và ở một nơi có đầy đủ phương tiện đi biển như thế này thì ý định bỏ trốn bằng thuyền của họ dĩ nhiên sẽ được thực hiện khá suông sẻ . Chuyện bốn anh lính Nhật đào ngũ không biết rồi sau những ngày lênh đênh trên biển số phận của các anh ra sao . Chúng ta hãy gác lại đó mà quay trở lại với tướng Suzuki , để xem với một đơn vị rời rạc hơn mười ngàn binh sĩ hợp lại từ những sư đoàn rách nát , ông tướng sẽ làm gì vào những ngày kế tiếp khi hòn đảo đã gần như bị Hoa kỳ kiểm soát hoàn toàn .

  Ở một vị trí rất hiểm trở nơi bờ biển phía tây hòn đảo , ở giữa Palompon và San Isidro , một ngọn núi cao 1,200 bộ tên gọi Canguipot . Đây có thể nói là một ngọn núi khá hiểm trở , hai sườn đông và tây đều là dốc đá dựng đứng và ghềnh thác cheo leo . Canguipot đúng là một pháo đài thiên nhiên vững chãi mà Suzuki đã chọn , để ông có thể dựa vào chốn hiểm địa này mà thiết lập hệ thống phòng thủ thì quá an tâm rồi .

  Nhưng khốn nổi , chỉ dựa vào lợi thế của địa hình thôi cũng chưa đủ . Ở đây Suzuki cần có thêm một yếu tố khác quan trọng hơn mà trong binh pháp xưa nay thường hay nhắc đến là “nhân hòa” , nghĩa là lòng quân có cùng một quyết tâm tử chiến với chủ tướng hay không . Xin nhắc lại là không . Tinh thần chiến đấu của họ bây giờ đã bị xao động cùng cực mà như các bạn đã thấy , hạ sĩ Kamiko là một điển hình . Ở vào hoàn cảnh này , họ cảm thấy có một cái gì đó quá vô lý khi phải chấp nhận tử chiến với quân thù . Tử chiến ở một hòn đảo chơ vơ không phải là quê hương xứ sở của mình để cuối cùng rồi cũng bị chết một cách thê thảm , như thế cái chết này sẽ giúp ích gì cho quốc gia của họ ? 

  Ngay trên một hòn núi tại phía bắc vịnh Ormoc , phần ở giữa con lộ cao tốc số 2 và bờ biển phía tây đảo Leyte , thiếu tướng Shimpei Fukue , tư lệnh sư đoàn 102 đang tự mình lập kế hoạch thoát thân ra khỏi đảo cùng với số binh sĩ còn sống sót của sư đoàn rách nát của mình . Và đã có hơn 50 binh sĩ an toàn rời khỏi đảo bằng thuyền máy và ghe đánh cá . Một tuần sau , ngày 29 tháng 12 tướng Suzuki mới nhận được báo cáo của Fukue rằng phần còn sống sót của sư đoàn 102 đang hành quân hướng ra bờ biển , để từ đó dùng thuyền vượt biển sang đảo Cebu . Đây là một việc chưa từng xảy ra cho tướng Suzuki khi thuộc cấp của ông tự quyết định lấy một mình một chuyện hệ trọng đến như thế . Suzuki lên tiếng ngăn cản Fukue , viện đây là một quyết định sai lầm nó có thể dẫn đến việc mang ra tòa án binh và cách chức tướng Fukue ngay lập tức . Nhưng thay vì ra lệnh cho sư đoàn 102 dừng lại , Suzuki lại lệnh cho Fukue cùng các sĩ quan tham mưu sư đoàn đến trình diện nơi tổng hành dinh dã chiến của ông . Fukue chẳng những không quan tâm đến mệnh lệnh , ông để cho vị đại tá tham mưu trưởng sư đoàn trả lời thay cho mình , rằng vì quá bận rộn chuẩn bị cho việc rút bỏ nên không thể nào đến trình diện cùng tướng Suzuki được . Trước sự ngang ngạnh bất tuân thượng lệnh của thuộc cấp khiến cho Suzuki cảm thấy mình quá bất lực . Cho đến khi Fukue và ban tham mưu cùng sư đoàn rách nát của ông đến được đảo Cebu thì một lần nữa nhận được lệnh của Suzuki cất chức chỉ huy của ông . Không còn lý do gì nữa để cưỡng lại lệnh của thượng cấp , Fukue đành chấp nhận cởi lon thiếu tướng sống đời thường dân bám trụ nơi đảo Cebu .

  Trở lại pháo đài kiên cố trên núi Canguipot của tướng Suzuki . Cánh quân trung thành với chủ tướng thề quyết cố thủ trên mảnh đất cuối cùng của đảo Leyte đang ráo riết chuẩn bị cho những ngày thắt ngặt sắp tới . Đề tài nan giải nhất là số lương thực cần phải dự trử cho một đội quân khổng lồ con lại . Một số lương khô vừa mua được của những nông dân quanh vùng cộng thêm nhiều loại thảo mộc ăn được có sẳn ở đây có thể giải quyết tạm thời trong đôi ba tuần lễ. Muối thì binh sĩ có thể tự làm lấy từ nước biển ngay tại bờ biển chung quanh . Theo kế hoạch lúc ban đầu kể từ khi quyết định triệt quân về đây thì Suzuki nghĩ với lực lượng sẳn có , ông có thể trụ mình đánh theo lối du kích chiến nhằm tiêu hao lực lượng địch càng nhiều càng tốt . Nhưng về đây rồi , va chạm với nhiều thực tế phủ phàng là tinh thần chiến đấu của binh sĩ xuống thấp . Có nhiều binh lính tự động bỏ ngũ , việc bất tuân thượng lệnh của ông tướng cứng đầu cùng sư đoàn 102 là một điển hình . Rồi nhu cầu thực phẩm gay go , đạn dược vũ khí quá thiếu thốn . Mỗi ngày phải có ít nhất 100 binh sĩ bị đói chết . Càng suy nghĩ kỹ thì ông càng thấy bám trụ ở một điểm chơ vơ chỉ có núi đá trời và biển , trong khi chung quanh thì địch quân trùng trùng là một hành động quá dại dột , nó chỉ đơn thuần là ngồi chờ chết mà thôi , nhưng đây lại là một cái chết quá vô lý . Ông tự hỏi liệu chết như thế nó có giúp ích gì được cho đế chế Đại Nhật và Thiên Hoàng hay không . Hơn nữa , lúc trước tướng Yamashita đã đồng ý chấp thuận cho ông di tản khỏi chiến trường này rồi . Đến lúc ấy thì Suzuki mới mơ hồ đoán được là mình lầm lẫn dại dột .

  Thế là Suzuki lại quyết định dứt khoát bằng mọi giá phải rút bỏ Leyte . Đây là một quyết định mà mới tuần trước đây thôi ông chưa hề tưởng tượng ra nổi . Sư đoàn con cưng đã đến từ Mãn châu bây giờ rách nát sẽ là sư đoàn đầu tiên rời đảo . Đêm 12 tháng 01 , năm 1945 , tướng Kataoka cùng các sĩ quan tham mưu và toàn binh sĩ , tổng cộng 773 người tuần tự trước sau bước xuống tàu sang đảo Cebu . Đây là chuyến đầu tiên nên họ an toàn đến đảo , kém may mắn hơn là những binh sĩ rời đảo sau này cùng với tướng Suzuki , họ phải khốn đốn hơn nhiều khi trung tướng Robert Eichelberger và lộ quân thứ 8 của ông tiến vào vùng đồi núi hiểm trở sào huyệt của họ .

  Trước lúc rạng đông ngày 13 tháng 01 năm 1945 , tướng Suzuki , Tomochika cùng vài trăm binh sĩ xuống thuyền rời Leyte để trở về Cebu , nơi đại bản doanh của ông lúc trước . Vài ngày sau , khi đoàn tàu của Suzuki cập vào đảo Cebu thì mới hay là hòn đảo này đã bị Hoa kỳ chiếm . Suzuki ra lệnh cho đoàn tàu quay mũi trở lại đảo Mindanao , nơi ấy vẫn còn 2 sư đoàn thuộc lộ quân 35 của ông . Giữa đường , phần lớn các tàu thuyền của đoàn quân trốn chạy bị sóng gió bão bùng đánh đắm tơi bời . Thuyền của Suzuki may mắn còn sống sót nhưng lại bị phi cơ của Hoa kỳ phát giác và tấn công dữ dội . Vị tướng thất trận cảm thấy quá tuyệt vọng nên rút gươm tự sát , ông thà tự tìm lấy cho mình một cái chết hào hùng đúng theo tinh thần võ sĩ đạo Nhật bản chớ quyết không chịu để cho bom đạn của kẻ thù đốn ngã được mình . Đông kinh bàng hoàng cho cái chết đột ngột của Sokaku Suzuki , vị tướng bất khuất 53 tuổi được vinh thăng đại tướng .

  Nếu không tính thêm 16 tuần lễ càn quét lẻ tẻ không đáng kể sau đó nữa thì mặt trận ở đảo Leyte coi như chấm dứt . Bảy mươi ngàn binh sĩ Nhật bản cố chống chọi với 250 ngàn quân tinh nhuệ của Hoa kỳ để giành giật hòn đảo Leyte thì kết quả ra sao hẳn ai cũng có thể đoán ra được . Quân đội Thiên Hoàng gây thương tích khoảng 12 ngàn và giết chết 3,500 quân Hoa kỳ . Trong khi họ , bảy mươi ngàn quân đổ lên đảo nhưng chỉ còn lại vỏn vẹn năm ngàn còn sống sót để trở về nguyên quán . Coi như hễ 13 người lính đến thì chỉ còn có mỗi một người lính sống sót để trở về . Một con số thương vong lên đến khủng khiếp và chính ở đây , hòn đảo Leyte được coi như là trận chiến quyết định cho toàn cuộc chiến , mà theo như những sĩ quan cao cấp của cả hai phe hải lục quân Nhật vẫn hằng mong đợi . Nhưng đau đớn thay , cán cân chiến thắng đã chẳng chịu nghiêng về phía họ . Hoa kỳ đã ra tay thật sự , họ đã liên tiếp xóa sổ hơn chục sư đoàn lục quân của Nhật và quan trọng hơn hết , không lực Nhật bị tê liệt có thể nói là vĩnh viễn và hải lực thì chẳng còn gì để gờm nữa . Thủ đô Đông kinh nói riêng và toàn xứ Phù tang nói chung bây giờ đang sống trong tình trạng cực kỳ hoãng loạn , ngoại trừ hai hòn đảo chiến lược được Đông kinh chọn làm hai pháo đài phòng thủ cuối cùng là Iwo Jima và Okinawa .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế