Phát xít Nhật bành trướng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vào đúng ngày Hitler chính thức tuyên chiến với Hoa Kỳ thì cũng là ngày một đoàn phóng viên bước chân đến phi trường Manila Phi Luật Tân để  tường thuật lại một chiến thắng gây chấn động của phe đồng minh trong vịnh Lingayen vào đêm hôm trước .

  Theo những nguồn tin quân sự thì Sư đoàn số 21 bộ binh của Phi Luật Tân đã gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Nhật Bản khi họ đang hành quân đổ bộ vào vịnh Lingayen . Tất cả hạm đội đổ quân đều bị đánh đắm và dọc theo bờ biển vịnh Lingayen , xác của lục quân Nhật nổi bồng bềnh trôi giạt khắp mọi nơi .

  Nhưng khi người phóng viên mang tên Carl Mydans đến hiện trường thì ông không nhìn thấy bất cứ một dấu vết gì chứng tỏ là có sự giao tranh kịch liệt đêm hôm qua , ngoại trừ những binh sĩ Phi Luật Tân với vẻ mặt thất thần ngồi quây quẩn bên nhau trong những ụ súng . Bên ngoài , bờ biển vẫn vắng lặng với tiếng gió rít vi vu đong đưa những cành cây hong mình dưới nắng cháy nhìn những đợt sóng đại dương vỗ vào ghềnh đá tạo thành những tiếng rì rầm không dứt .

  Một vị Đại Tá trong quân đội Hoa Kỳ khôi hài văng tục “Mẹ kiếp ! Toàn là láo khoét cả”  Ông trỏ vào những quân nhân Phi đoạn nhếch mép cười hềnh hệch “Bọn này chỉ để làm kiểng mà thôi chứ đánh đấm cái quái gì . Hôm qua có một tàu chiến không mang kỳ hiệu thình lình xuất hiện ở cửa sông Agno và khai hỏa dữ dội vào tuyến phòng thủ của họ . Tụi nó chạy trối chết vãi cứt đái còn không kịp tuột bỏ quần chứ nói gì chống cự hay bắn trả . Thế mà ông nội nào tung tin chiến thắng oanh liệt như thế kia thì quả thật là láo không chịu được !” (Sự thật thì đó là một chiếc hạm dọ thám của Nhật – Sau khi bắn phá dữ dội vào bờ thì nó an toàn rút lui để về báo cáo lại và cuộc đổ bộ chính thức được hoãn lại 11 ngày sau đó ở một bờ biển phía Bắc , cách vịnh Lingayen khoảng 30 dặm - ở một nơi gần như không có một sự canh phòng nào cả)

  Thiếu Tá LeGrande A.Diller , chỉ huy trưởng Ban Thông Tin trực thuộc chiến trường Thái Bình Dương của Tướng MacArthur đang tường thuật lại chiến thắng “tưởng tượng” ngày hôm qua tại vịnh Lingayen cho các phóng viên . Diller miệng cứ thao thao còn đám phóng viên bu quanh vừa lắng nghe vừa ghi chép vội vã . Chợt Mydans (anh phóng viên ban sáng có ghé vịnh Lingayen nhưng chẳng nhìn thấy dấu vết gì của trận chiến) níu áo Diller và hỏi nhỏ “Tôi cũng mới vừa trở về từ Lingayen , nhưng ở đó đâu có đánh đấm gì đâu nè !” Thiếu Tá Diller đưa hai ngón tay che miệng rồi nói khẻ “Suỵt ! Ở đó khác , ở đây khác . Ông nội này đừng có nhiều chuyện nghen !

   Và như một phép nhiệm mầu , bản tin “tưởng tượng” chiến thắng ấy đã làm cho người Mỹ phấn khởi náo nức thêm lên và tự ái Trân Châu Cảng như được xoa dịu phần nào . Tờ NewYork Times số ra ngày Chúa Nhật đã chạy một dòng thật lớn : Quân đội Nhật Bản đã bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn tại vịnh Lingayen . Tờ United Press còn đi xa hơn nữa “Một trận chiến ác liệt đã diễn ra 3 ngày đêm tại bờ biển vịnh Lingayen . Kết quả 154 hạm địch đã bị đánh chìm và không một người lính nào của họ còn sống sót”

  Sau khi Thiếu Tá Diller công bố chiến thắng ở vịnh Linayen thì ngay buổi chiều hôm ấy , một bản tin sốt dẽo thứ hai được công bố cũng tại chiến trường Phi Luât Tân “Phi đội trưởng Đại Úy Colin P.Kelly bất ngờ tấn công và đạt thắng lợi lớn - chiến hạm mang tên Haruna của địch quân bị loại khỏi vòng chiến” .

  Số là chiếc Pháo đài bay B17 của Kelly đang trên đường trở về căn cứ quân sự Clark Field , vô tình họ phát giác một chiến hạm địch xuất hiện tại vùng biển phía Bắc Luzon . Hạ sĩ Meyer Levin được lệnh Kelly cho đánh liền 3 trái bom 600 cân Anh vào mục tiêu vừa phát giác . Hai trái bay trược ra biển còn 1 trái đánh trúng đích . Từ trên cao Kelly còn nhìn thấy một cụm khói đen bốc lên cao ngùn ngụt . Cả phi đội phấn khởi , họ tin rằng chiến hạm kém may mắn này sẽ không còn hoạt động sau khi hứng trọn quả bom 600 cân Anh với sức tàn phá hết sức khốc liệt của nó .

  Thế là phi đội của Kelly lại tiếp tục bay về căn cứ . Thình lình không biết từ đâu , chiếc Zero xuất hiện và lao thẳng vào chiếc pháo đài bay B17 . Đó là Saburo Sakai , một phi công xuất sắc và dũng cảm của quân đội Thiên Hoàng quyết liều thân để rửa hận cho quả bom vừa rồi . Đại Úy Kelly cố trấn tỉnh ra lệnh cho toàn đội phi hành nhảy dù ra khỏi phi cơ . Người lính cuối cùng vừa nhào ra khỏi lòng chiếc phi cơ thì nó đã nổ tung ra và đâm sầm xuống chân núi Araya cùng với xác thân không trọn vẹn của Đại Úy Kelly . Kelly chịu cùng chung số phận với chiếc B17 , anh đã cố gắng điều khiển chiếc phi cơ đến giây phút cuối cùng để cho đồng đội thoát nạn . Đại Úy phi công Kelly đã trở thành người hùng đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ trong đệ nhị thế chiến . Đó là sự thật cái chết của anh nhưng giới truyền thông cũng như quân đội Hoa Kỳ đã thiêu dệt quá sự tưởng tượng khiến cho sự dũng cảm của anh trở thành một huyền thoại được truyền tụng trong quân đội , rằng Đại Úy phi công Kelly cảm tử dùng phi cơ của mình lao thẳng vào chiến hạm và anh đã thành công đánh chìm chiếc hạm mang tên Haruna .

  Một sự thật phủ phàng là chiến hạm Haruna đang có mặt tại vịnh Thái Lan , cách Phi Luật Tân 1 nghìn dặm và chẳng có một chiến hạm nào của Hải quân Nhật bị đánh chìm cả . Nhưng những huyền thoại đã và đang truyền tụng cùng những huân chương cao quí mà quân đội đã ban cho Cố Thiếu Tá Kelly đã làm cho người ta không còn muốn tìm ra cho được bằng chứng xác thực làm chi nữa .

  Cũng trong thời gian này báo chí tại Manila cho đăng những bài viết chỉ trích và chê bai quân đội Thiên Hoàng thật thậm tệ . Theo thông tín viên Clark Lee , anh cho biết theo sự thố lộ của một quân nhân cao cấp Hoa Kỳ thì quân đội Nhật Bản là một tổ chức ô hợp , áo quần bẩn thỉu lượm thượm không giống ai . Họ chỉ là một đám trẻ con tuổi chừng 15 đến 18 , được trang bị vũ khí thô sơ và bị đẩy ra trước mặt trận như những con thiêu thân . Đạn của họ không thể nào bắn xuyên thủng được bất cứ một ai . Xe tăng và tàu chiến của họ cũng cũ rích và thô sơ không kém , chưa đụng trận đã phải chạy dài .

  Tướng MacArthur tự biết đó là những lời xuyên tạc ngu ngốc nhất thế giới . Năm 1905 ông đã đọc nhiều tập hồ sơ phong phú , đó là những báo cáo về cuộc chiến Nga-Nhật . Bản báo cáo này do những quan sát viên quân đội cùng Tướng John J.Pershing ghi lại . Bản báo cáo có đoạn như sau “Họ là những quân nhân bao gồm những đặc điểm chung là thông minh mẫn cán giỏi võ nghệ và giàu lòng ái quốc . Những chiến binh tuyệt đối phục tùng thượng lệnh , tinh thần tự trọng và kỷ luật cao . Một đội ngũ có tổ chức hoàn bị và được huấn luyện đầy đủ , vũ khí quân trang quân dụng cùng đều được hiện đại hóa hoàn toàn . Tóm lại , quân đội Nhật Bản là một đội quân được tập họp bởi những từng cá nhân xuất sắc được đào tạo với mục đích chiến đấu và chinh phục” .

   Kế hoạch chính trong giai đoạn đầu ra quân của Nhật Bản được thực hiện thật hoàn hảo . Để đánh lạc hướng địch quân trong chiến dịch , Tướng Yamashita trãi quân từ Hồng Kông , Việt Nam và dọc theo bán đảo Mã Lai xuống tận Tân Gia Ba cùng vùng biển Ấn Độ Duơng . Quân lính Tô Cách Lan và Gia Nã Đại đang trấn đóng tại lục địa Trung Hoa đã tự rút khỏi bằng một vịnh nhỏ . Nguyên nhân sự thất bại của đoàn quân chiếm đóng này không gì ngoài những xôn xao dư luận không đồng nhất gây hoang mang cho sự chiến đấu và dẫn đến một kết quả thảm hại là gây tuyệt vọng chung cho hàng ngũ binh sĩ đang chiến đấu , cả một đội quân Anh đang có mặt ở đây cũng không ngoại lệ .

  Ngoài khơi Thái Bình Dương , đảo Guam , một hòn đảo của Hoa Kỳ cũng bị lọt vào tay Nhật sau một trận giao tranh ngắn , để lại 18 thương vong trong đó có 17 quân nhân Hoa Kỳ và lính Nhật . Nhưng ở đảo Wake, quân đội Hoa Kỳ chống trả mãnh liệt . Phó Đô Đốc Sadamichi Kajioka phải vận dụng đến 6 khu trục hạm để tấn công bắn phá và 2 hải vận hạm để đổ bộ 560 bộ binh , nhưng rạng sáng ngày 11 tháng 12 , toán quân 560 binh sĩ ấy bị đẩy lùi bởi sức chống trả hết sức dũng cảm của một đơn vị nhỏ dưới sự chỉ huy của viên Thiếu Tá thủy quân lục chiến James Devereux đang đồn trú tại đó . Sáng ngày 23 tháng 12 , Kajioka cho chỉnh đốn đội ngũ và nhờ sự tăng viện của hạm đội xung kích Kido Butai trên đường trở về từ chiến trường Trân Châu Cảng , đợt tấn công thứ nhì vào rạng sáng ngày 23 tháng 12 với 830 binh sĩ . Với sự yễm trợ của một hạm đội hùng hậu cùng phi cơ oanh kích , quân Nhật đã chiếm được những vị trí quan trọng dồn toán quân phòng thủ vào trong một căn cứ nhỏ hẹp . Chỉ còn lại 250 thủy quân lục chiến và 100 thường dân tình nguyện với súng ống và đạn dược quá thiếu thốn khiến họ phải chiến đấu một cách tuyệt vọng . Cuối cùng , Thiếu Tá James bị bắt buộc buông súng rời khỏi công sự chiến đấu với lá cờ trắng đầy tủi nhục .

  Chiều hôm ấy Phó Đô Đốc Kajioka có mặt tại đảo , và ông trân trọng tuyên bố hòn đảo đầy san hô rộng 2 dặm rưỡi vuông này từ đây thuộc quyền sở hửu của Nhật Bản , nó được đổi tên thành Bird Island .

                                       ……………………………………………………

       Hôm nay , trong bầu không khí nhộn nhịp tưng bừng chưa từng thấy ở Nhật Bản , mọi người tuôn ra đường hợp thành một dòng thác tràn về hướng bến cảng . Trên những khuôn mặt rạng rỡ tràn đầy hùng khí , dòng thác người trôi đi dưới bông hoa rợp trời và tiếng hoan hô dậy đất , họ đang hân hoan chào đón những anh hùng trở về từ chiến thắng Trân Châu Cảng . Trong bài diễn văn chào mừng , Đô Đốc Yamamoto nhắc nhở “Sẽ còn những chiến trường ác liệt khác đang chờ đợi các bạn” .

   Phó Đô Đốc Nagumo được lệnh cùng hai vị chỉ huy phi đội là Mitsuo Fuchita và Shigekazu Shimazaki trở về Đông Kinh để báo cáo lên Thiên Hoàng chi tiết trận oanh kích Trân Châu Cảng .

   Bộ Nội Vụ Hoàng Cung đã đưa ra một số câu hỏi mà Thiên Hoàng có thể hỏi đến . Kusaka đã chuẩn bị soạn sẳn những câu trả lời cho Nagumo đọc trước .

  Và tất cả đã không gặp một rắc rối trở ngại nào trước mặt một vị Thiên Hoàng hay thắc mắc và lo xa cho đến khi ông ta bất thần hỏi một câu ngoài đề . Trong lúc ấy hai vị chỉ huy phi đoàn thì lính quýnh đổ mồ hôi hột nhìn Nagumo cầu cứu . Vị Phó Đô Đốc chột dạ không an lưỡi như líu nói mãi mà chẳng thành câu và chẳng đầu đuôi gì cả . Những lời lẽ thô tục cũng thỉnh thoảng nghe trong câu nói của Nagumo , nhưng không vì thế mà Thiên Hoàng nỗi giận , trái lại ông im lặng lắng nghe thỉnh thoảng lại gật gù ra vẻ như thích thú lắm . Ông lại hỏi Fuchida rằng có bệnh viện hạm hoặc máy bay dân sự nào bị bắn cháy không . Thay vì trả lời qua trung gian của viên sĩ quan hầu cận Thiên Hoàng , Fuchida bối rối đến nỗi quên phứt đi nên đứng lên trực tiếp trả lời với Thiên Hoàng rằng không có một bệnh viện hạm hoặc nhà cửa của thường dân nào bị trúng bom cả . Cũng may là lúc ấy Thiên Hoàng Hirohito đang phấn khởi trong lòng nên chỉ mĩm cười gật đầu tỏ vẻ hài lòng lắm .

               …………………………………………………

  Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt , Thủ Tướng Anh Churchill và trùm đỏ Liên Xô Stalin cùng liên minh với nhau chống lại Hitler trên chiến trường Âu Châu . Không bao lâu thì tình hình Thái Bình Dương lại trở nên gay cấn nên hai cường quốc Mỹ và Anh lâm vào thế kẹt nên có ý muốn nhờ Stalin giúp đỡ trên chiến trường này một tay . Vào thời gian trung tuần tháng 12 , tại thủ đô Mạc Tư Khoa , Anthony Eden , Bộ Trưởng Ngoại Giao Anh lịch sự ngõ lời yêu cầu Stalin liên hiệp với phe đồng minh cùng tuyên chuyến với Nhật . Stalin viện cớ rằng ông ta vì bắt buộc nên đã phải triệt thoái toàn bộ hệ thống quân sự tại vùng Viễn Đông để cầm chân quân Đức cho nên ông nghĩ không thể nào củng cố lại lực lượng ở phòng tuyến ấy trong vòng 4 tháng , thế nên Stalin không muốn tuyên chiến hoặc khiêu khích với Nhật ngay trong lúc này được trừ khi họ xua quân vào tấn công trước thì ông sẽ có thái độ . Mặc dù tuyên bố như vậy nhưng trong thâm tâm Stalin cũng rất mong muốn Nhật xua quân đánh sang biên giới Liên Xô vì đối với Nhật Bản , một mặt trận cách xa bổn quốc hàng nghìn dặm thì sự tăng viện quả là một điều hết sức khó khăn . Về mặt không quân Nhật thì Stalin càng vững tâm hơn vì căn cứ theo một tin tình báo gửi về , Nhật Bản đã có khoảng 1500 phi cơ chiến đấu nhưng chỉ đào tạo được 100 phi công mà thôi .

  Eden khéo léo nhắc nhở Stalin rằng trong thời gian gần đây không quân Nhật đã tỏ ra xuất sắc , nhất là trong trận Trân Châu Cảng . Stalin vẫn một cười cao ngạo mà rằng “Chúng tôi đã từng giao tranh với họ bằng không chiến và cũng đã cẩn thận để tâm chú ý đến họ ở Trung Hoa trong khoảng một thời gian khá lâu , bởi thế tôi kết luận rằng đây không đúng hẳn là một cuộc chiến với Nhật Bản . Tôi khẳng định trong số những phi công Nhật đa số được đào tạo tại Đức và chắn chắn trong bọn họ không ít thì nhiều gì cũng có phi công người Đức nữa chứ chẳng không !” .

  Bàn bạc đến đây thì Eden lên tiếng xin lỗi không thể tăng viện 10 phi đội đến mặt trận Liên sô được vì phải dùng họ vào chiến trường Tân Gia Ba . Stalin tỏ vẻ thông cảm nên chỉ gật đầu và nói “Tôi hiểu , ông đừng bận tâm” Và ông cũng xin lỗi vì trong hoàn cảnh này đất nước của ông cũng không thể giúp họ được gì trên chiến trường Thái Bình Dương đang dậy sóng . Ông nói “Hiện tại thì chúng tôi không thể làm gì được nhưng có lẽ sang mùa Xuân mọi việc chuẩn bị sẳn sàng và lúc ấy chúng tôi sẽ nhập cuộc với các ông

  Eden cố gắng dùng ba tất lưỡi thuyết phục mãi nhưng Stalin vẫn không đồng ý , thậm chí ông Ngoại trưởng Anh nhắc lại tình trạng thê thảm như chỉ mành treo chuông ở bán đảo Mã Lai và Tân Gia Ba để gợi lòng thương cảm nhưng Stalin chỉ lắng nghe và không đá động gì đến vụ việc . Ông chầm chậm phân tách “Nếu Liên sô tuyên chiến với Nhật , chúng ta nên tiến hành một chiến trường thật sự bằng cả không , lục lẫn hải quân . Nên nhớ cho răng Nhật Bản chứ không phải Bỉ hoặc Ba Lan , do đó chúng ta phải cẩn thận cân nhắc cho tường tận , xem phải dùng những đơn vị nào nhập cuộc . Hiện tại thì chúng ta chưa chuẩn bị gì cả mặc dù tôi rất chắc chắn là Nhật sẽ tấn công . Vâng , họ sẽ khai chiến trước nhưng không phải ở vào thời điểm này đâu . Nếu Đức gia tăng áp lực bắt buộc thì Nhật sẽ ra tay và thời gian sớm lắm có thể là sang mùa hè năm sau” .

  Lời phân tách ấy tuy hửu lý nhưng vẫn không làm cho Eden hài lòng , ông nói “Tôi chỉ e là Nhật sẽ dùng thủ đoạn ngoại giao chính trị để hòa hoãn rồi đợi thời cơ hạ từng đối thủ một , và họ sẽ thanh toán chúng tôi trước khi tiến vào lãnh thổ của Ngài

  Stalin cười ngất khoát tay nói “Anh quốc sẽ không đơn độc chiến đấu với tụi lùn Nhật Bản kia đâu ông Ngoại trưởng ạ . Các ông vẫn còn những đồng minh chung vai sát cánh ở Trung Hoa , Hòa Lan ở vùng Đông Ấn và anh Hoa Kỳ con nhà giàu hùng mạnh đó bộ quên rồi sao ?

  Eden cười gượng gạo lắc đầu nói “Chiến trường chính hiện tại lại diễn ra ở bán đảo Mã Lai , ở nơi mà các đồng minh không thể nào cứu giúp được . Tôi chỉ lo là từ đây cho đến 6 tháng nữa thôi thì tình hình sẽ tồi tệ không còn cứu vãn nỗi” . Stalin cướp lời “Dù sao thì cũng phải cố gắng cầm cự để chờ cho đến lúc chúng ta có đủ điều kiện gửi tăng viện chứ !” . Eden cười ngẫm nghĩ “Hừm ! Lời nói đơn giản này ai mà chả thốt lên được” .

  

                                   ...................................................

   Sau chuyến công du thất bại không thể khuyến dụ Stalin cùng hợp lực chống Nhật , Eden đánh ngay một bức điện tín báo tin cho Churchill biết khi vị Thủ Tướng này đang trên đường đến Hoa Kỳ phó hội . Trên chiếc du thuyền Duke of York , Churchill cùng ban tham mưu phát họa lên một kế hoạch mang tên Arcadia (lấy tên từ một địa danh của nước Hy Lạp , nơi Hoa Kỳ và Anh Quốc tham dự cuộc họp đầu tiên bàn về cuộc chiến chống phe Trục). Nội dung của kế hoạch Arcadia  như sau :

   “Kẻ thù quan trọng nhất là Đức . Một khi Đức quốc sụp đổ sẽ kéo theo cả Ý và Nhật – Vì vậy , theo thiển ý của chúng tôi – Chúng ta , chính yếu là A-B {American-Bristish} với một chiến lược chung là chỉ lưu lại một phần nhỏ quân đội cần thiết cho việc trú phòng , phần còn lại tung ra chiến trường trong chiến dịch tẩy trừ Đức Quốc Xã .

  Ngày 22 tháng 12 , khi đến Hoa Kỳ , trong phiên họp đầu tiên Churchill cho trình bày kế hoạch Arcadia nhưng lại bị Hoa Kỳ từ chối không chấp nhận .

  Cũng trong ngày này tại Thái Bình Dương , một hải đoàn hùng hậu với 85 dương vận hạm tiến về bờ biển Phi Luật Tân . Toán tiềm thủy đỉnh đang hoạt động trong khu vực kịp thời phát giác và báo cáo ngay về Tướng MacArthur , một vị Tư Lệnh dạn dày kinh nghiệm đã tiên đoán rằng Nhật sẽ đổ bộ trong vùng cực Nam của vịnh Lingayen , ở một nơi mà phần lớn trọng pháo của ông đã chấm sẳn tọa độ để chờ đợi . Tuy nhiên Nhật đã biết rõ  cái bẫy đã gài sẳn của Mỹ thông qua vụ việc báo chí ca ngợi “Trận chiến vịnh Lingayen” hồi hai tuần lễ trước cho nên vị Tướng Chỉ huy Masaharu Homma ra lệnh cho binh sĩ đổ bộ  cách vị trí ấy xa hàng mấy dặm .

  Tướng Homma , một nhà soạn kịch a-ma-tơ và cũng là một sĩ quan chống đối chiến tranh hết mình . Ông đã từng phục vụ trong quân đội viễn chinh của Anh cũng như từng tham chiến ở Pháp , tuy thời gian phục vụ chỉ khoảng 8 năm nhưng Homma cũng thông hiểu ít nhiều về thế giới phương Tây . Sau khi thành phố Nam Kinh thất thủ và chìm trong thảm cảnh kinh hoàng do quân Nhật gây ra , Homma tuyên bố trước công chúng rằng “Trừ khi hòa bình được vãn hồi ngay nếu không sẽ là một thảm họa” , rồi sau đó ông lại than thở với Tướng Muto rằng Tojo sẽ là một vị Thủ tướng rất tồi cho thời kỳ chiến tranh .

   Trong một đoàn quân hơn 43 ngàn binh sĩ dưới quyền điều động của Tướng Homma , ngoài một vài vị sĩ quan cao cấp chịu trách nhiệm ra hầu hết đều chẳng biết mình đang lênh đênh nơi đâu , năm ngày trước ở Đài Loan họ đã được bí mật đưa xuống tàu rồi nhổ neo ra khơi .

   Bấy giờ là rạng sáng ngày 22 tháng 12 , biển động rất mạnh , cuồng phong rít lên rợn người tạo thành những cột sóng cao ngất đánh ập lên cả boong hải vận hạm . Sóng gió gây khó khăn không ít cho kế hoạch đổ bộ . Những chiếc tàu nhỏ phải vất vả lắm mới cập sát được tàu lớn để bốc quân quân vào bờ , cho nên mãi đến hai tiếng rưỡi đồng hồ sau 2 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn pháo binh mới chuyển hết vào những tàu nhỏ để cập vào đất liền . 47 phút sau , chiếc tàu đầu tiên cập được vào bờ biển gần làng Agoo nhưng số còn lại bị sóng cuốn gió dồi nên vẫn còn nhào lộn ngoài khơi khá xa đất liền . Đợt đổ quân đầu tiên không bị sức kháng cự nào cả , cho đến gần trưa đợt đổ bộ đợt thứ nhất hoàn tất . Cơ may hiếm hoi này cũng chẳng lấy gì làm lạ vì ngay vị trí nguy hiểm nơi đầu cầu đổ quân  Nhật đã bắt tay được với một tiểu đoàn lính biệt lập người địa phương , họ là những cánh quân không có cảm tình với chính phủ thân Mỹ của họ . Và nhờ sự giúp đở của cánh quân này nên vừa xế chiều hôm ấy toàn thể bộ binh chuyển đến đã đổ bộ an toàn cùng một nửa chiến đoàn thiết giáp . Họ cùng di chuyển về phía Nam theo con lộ trãi nhựa dọc theo duyên hải tiến về thủ đô Manila . 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế