Hải quân Anh ở Thái bình dương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sáng thứ Hai , người dân Hoa Kỳ vẫn còn bàng hoàng với một thảm họa tệ hại nhất trong lịch sử chiến tranh trên quê hương họ . Ngoài đường phố , mọi hoạt động vẫn bình thường nhưng thiếu đi sự nhộn nhịp sôi nổi như hàng ngày . Trên nét mặt mọi người hình như không có vẻ gì là hoảng loạn hoặc sợ sệt cả . Nhưng khách bộ hành xa lạ đều nhìn nhau bằng cặp mắt ngờ vực , nghi ngại . Thảm họa của quốc gia khiến làm mờ đi cả nhân trí và cá nhân họ không còn thấy chung quanh mình , ai là người đáng tin tưởng nữa .

  Bộ Quốc phòng lại e ngại rằng Nhật thừa thắng xông lên , sẽ mang mẫu hạm đến tấn công kinh đào Panama hoặc xưởng sản xuất phi cơ ở dọc theo bờ biển California . Nhiều giới chức lỗi lạc của chính phủ bị tình hình lôi cuốn , cứ tưởng mình là một nhà quân sự tài ba đầy kinh nghiệm chiến trường sợ Nhật Bản âm thầm mang quân vượt Thái Bình Dương thình lình đổ bộ tấn công , gọi điện thoại kêu gào với Tòa Bạch Ốc rằng Tây ngạn Hoa Kỳ là một tiền đồn trống không , cần thiết lập một hệ thống phòng thủ dọc theo dãy núi Rocky mới an toàn .

  Thất bại ở Trân Châu Cảng tuy chỉ làm tê liệt tạm thời sức mạnh Hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương trong một khoảng thời gian nào đó thôi , nhưng cái ý nghĩa đau đớn của nó có lẽ còn ảnh hưởng lâu dài . Hàng cứu trợ , thư từ , điện tín chia buồn tràn ngập cả Tòa Bạch Ốc . Trân Châu Cảng ! Trân Châu Cảng ! Người Mỹ sẽ không bao giờ quên được mối quốc nhục này .

  Chiều thứ Hai , một nhóm giới chức cao cấp gồm thượng nghị sĩ , nghị sĩ , tối cao pháp viện đồng tề tựu ở Hạ nghị viện . Ở tại đây người ta còn thấy có sự xuất hiện của bà Đệ Nhất phu nhân . Vừa đúng 1 giờ , Tổng Thống Roosevelt cùng nội các chính phủ lần lượt kéo đến . Sau thủ tục chào hỏi , Roosevelt mở một quyển sổ tay , đưa mắt nhìn mọi người một lượt rồi từ từ đọc “Hôm qua , 07 tháng 12 năm 1941 , một ngày ô nhục – Nhật Bản thình lình mở cuộc không tập vào lãnh thổ Hoa Kỳ . Đây là một việc làm có tính toán …”

  Bài diễn văn của Tổng Thống ngắn gọn , chỉ vài phút đồng hồ . Trước khi kết thúc , ông nói “Tôi đề nghị Quốc hội tuyên bố rằng sự vô cớ khai chiến của Nhật ngày hôm qua , Chúa Nhật 07 tháng 12 năm 1941 là một hành động hèn hạ , nó sẽ là nguyên nhân chính mở màn cho một cuộc chiến mới , cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Đế chế Nhật Bản

  Roosevelt dứt lời trong tiếng vỗ tay vang dội , ông vẫy tay cảm tạ rồi quay sang vịn lấy vai người trưởng nam mà chập chạm bước ra khỏi hội trường . Từ khi chấp chánh vai trò Tổng Thống , đây là lần đầu tiên ông nói lên tiếng nói của toàn thể nhân dân Hoa Kỳ muốn nói . Cả hội trường đều bị cuốn hút vào chung một cảm tưởng như nhau . Qua những lời lẽ đanh thép , thịnh nộ của Tổng Thống càng khơi dậy ngọn lửa căm thù đang cháy trong lòng những nhà chính trị cùng chí hướng này , họ tung hô vang dội , tay vỗ không ngừng nhưng lại quên bẳng đi một vấn đề hết sức quan trọng : Hoa Kỳ đã chính thức tuyên chiến với Nhật Bản .

                             ……………………………………..

  Trước khi đi vào chiến trường Mã Lai và Tân Gia Ba , chúng ta cũng nên tìm hiểu sơ lược về lực lượng Hải quân đang đồn trú cũng như cách bố phòng ở quân cảng Tân Gia Ba ra sao , một quân cảng mà người Anh rất tự hào khi tuyên bố rằng đây chính là một pháo đài bất khả xâm phạm .

  Nằm trên một hòn đảo nhỏ ở mũi cực nam bán đảo Mã Lai và nhìn ra dọc theo eo biển Malacca,  hải cảng Tân Gia Ba có thể cho cả một hạm đội trú ẩn, về hệ thống phòng thủ chung quanh hải cảng được xây dựng rất kiên cố. Ba phi trường trên đảo hợp với các phi trường trên bán đảo tạo thành một hệ thống phòng thủ đáng sợ. Một cuộc tấn công trên không bất ngờ y như kiểu tấn công vào Hạ Uy Di không có một cơ may thành công nào, vì trái ngược với người Mỹ, người Anh biết đề cao cảnh giác và từ lâu đã chờ đợi một cuộc tấn công của Nhật vào các thuộc địa của Hoà Lan tại Ấn Độ Dương .

  Vị Tổng tư lệnh Quân lực tại Viễn Đông là một ông Air-Marshall tức thống tướng không quân thuộc không lực Hoàng gia, Sir Robert Brooke Popham. Ông ta không ngừng lặp đi lặp lại rằng pháo đài Tân Gia Ba là một cứ điểm không thể bị chiếm được và Hồng Kông cũng là một tường thành vững chắc của Viễn Đông. Để trả lời cho những ai tỏ ra ít lạc quan hơn về khả năng kháng cự của các cứ điểm này, các vị Đô đốc nói rằng lực lượng Hải quân Hoàng gia có mặt ở đây để phòng vệ chúng. Và rồi thì hạm đội thiết giáp hùng mạnh của Mỹ há chẳng phải đã được tập trung tại Hạ Uy Di trong mục tiêu rõ rệt là để can thiệp khi có lệnh báo động đầu tiên đó sao?

  Bằng một khách quan mà nhìn vào thì chắc chắn lực lượng hải quân của họ quá yếu , nó không đáng gì chỉ với 3 tuần dương hạm của Hòa Lan , một của Anh và một của Úc trong vùng biển Java . Cộng thêm hơn mười khu trục hạm và một số tiềm thủy đỉnh tương đương đang phân tán mỏng trong một lãnh hải mênh mông bao quanh các quần đảo vùng Nam Á .

  Nhưng có tin đồn Thủ tướng Churchill đã cho tăng phái thêm chiếc thiết giáp hạm Prince of Wales , một chiến hạm tối tân và hùng mạnh nhất của hạm đội Anh quốc . Ông thủ tướng chịu chơi này đã bất chấp các lời khuyên thận trọng của bộ tư lệnh Hải quân , đã ra lênh cho họ lập một lực lượng với cái tên gọi là Z , gồm thiết giáp hạm Prince of wales , tuần dương hạm Repulse và hàng không mẫu hạm Indomitable . Quyền chỉ huy được giao cho một trong các tướng lãnh hàng đầu của Hải quân Hoàng Gia là Đô đốc Sir Tom Philips . Ba chiến hạm này phải lên đường bằng những thủy lộ riêng có các khu trục hạm hộ tống , và phải có mặt tại Tân Gia Ba ngày 01 tháng 12 năm 1941 . Họ phải ở lại đó khi có lệnh mới . Tuy nhiên đó vẫn là lệnh của Thủ tướng , chỉ có hai chiếc Repulse và Prince of wales thì lên đường sang viễn đông còn chiếc hàng không mẫu hạm Indomitable thì trục trặc máy móc sao đó nên không bao giờ lên đường được . Philips lấy làm phiền hà vì những trục trặc vào phút cuối nhưng ông cũng phải lên đường đi đáo nhậm Tân Gia Ba với một lực lượng ít ỏi sẳn có trong tay .

  Đến Tân Gia Ba ngày 02 tháng 12 năm 1941 . Sang ngày thứ 5 Philips lên phi cơ sang Manila để hội kiến với Mac Arthur cùng Đô đốc  Hart . Ông thấy họ rất tin tưởng vào các cứ điểm vững chắc của Mỹ tại Phi Luật Tân , nhất là từ khi họ nhận được nhiều pháo đài bay B-17 , kiểu phi cơ oanh tạc tối tân nhất của không quân Hoa Kỳ .

  Cho đến tối hôm sau , 06 tháng 12 , một báo cáo cho biết đoàn công voa Nhật hiện đang có mặt trong vịnh Thái Lan . Nhận được tin này Philips tức tốc quay trở lại Tân Gia Ba để tìm phương ngăn không cho Nhật đổ bộ .

  Hôm sau , một tin báo động đến từ chỉ huy trưởng hải cảng Khota Baru ngay bên biên giới Thái Lan , rằng ở đó có một cuộc hải pháo dữ dội và Nhật đang cho quân đổ bộ . Vài giờ sau , bộ tham mưu Hải quân ra lệnh cho các phi trường tiến hành ngay một cuộc không tập nhắm vào các đoàn công voa đang tiến vào bờ của Nhật . Trong lúc ấy đài rada của Tân Gia Ba cũng báo hiệu có một đoàn phi cơ lạ đang tiến về phía đảo này . Đến 4 giờ 40 sáng , thành phố Tân Gia Ba bị đánh thức bởi những tiếng bom dữ dội . Cùng một buổi sáng ấy trên toàn lãnh thổ Mã Lai , những phi trường quân sự đồng loạt bị oanh tạc nặng nề , thế là không còn một chiếc phi cơ nào của không quân Anh có thể cất cánh để đánh phá đoàn công voa của Nhật đang tiến vào bờ , không bao lâu sau đó họ đã hoàn tất công việc đổ bộ . Coi như cuộc chiến vừa mới bắt đầu mà quân Nhật đã làm chủ hoàn toàn bầu trời Mã Lai và không quân Hoàng Gia Anh coi như bị xóa sổ . Cũng may cho họ , bây giờ thì còn có Hải quân Hoàng Gia . Hải quân Hoàng Gia Anh vốn tự hào là thiên hạ vô địch . Còn nhớ vào thế kỷ trước , dưới thời Nữ Hoàng trẻ tuổi Victoria , câu châm ngôn trứ danh ra đời để truyền tụng và đề cao cho Hải quân của bà là “Britannia rules the waves” tức là Anh quốc thống trị đại dương . Vì thế  Hải quân Anh vào thế hệ này phải cố gắng làm sao để uy tín của mình khỏi bị sức mẻ . Mà Philips là vị chỉ huy trực tiếp trên chiến trường này thì phải biết những khó khăn và cố gắng của ông như thế nào với một hạm đội quá khiêm nhường mà ông đang có trong tay . Ông tự nhủ , dù sao thì mình cũng vẫn phải cố gắng . Hưởng lộc của Nữ Hoàng thì dù có chiến hạm bọc thây , thân này có vùi sâu dưới đáy đại dương vạn dặm vẫn phải chiến đấu tới cùng mới tỏ được tấc dạ quân thần , tôi chúa .

  Vào thời đó, Tân Gia Ba là viên ngọc đẹp nhất của xâu chuỗi những bến ghé cho thương thuyền bao chung quanh lục địa Á châu. Đấy là hải cảng xinh tươi nhất và cũng là hải cảng hạng nhất đối với du khách từ Âu châu đến. Ngay khi vừa bước chân xuống tàu, sức quyến rũ đông phương đã làm nghẹn cổ du khách với những bó nhang cháy rực trước chùa chiền, mùi xào nấu của các xe hàng ăn lưu động, những thớ thịt rung rinh, những thực phẩm kỳ lạ và những cửa hàng bí mật phảng phảng những làn khói siêu nhiên. Bến tàu và đường phố treo đầy những bảng hiệu vàng chói và những biểu ngữ bằng vải; sôi sục một thứ tiếng ồn ào không dứt, xen vào những tiếng lách cách chói tai và tiếng kêu la hổn hển của những người kéo xe. Tại đấy ta có thể cảm thấy luồng thương vụ khổng lồ trao đổi giữa Đông phương và Tây phương như nhịp tim đập của mạch máu trong cơ thể. Đối với những kiều dân Anh vốn sống hơi tách biệt một chút trong các biệt thự kiểu cổ thời Victoria, được một thứ rừng thẳm con con che chở khỏi những cái nhìn tò mò của người ngoài, thì Tân Gia Ba, với những kho quân dụng và những pháo đài mạnh mẽ, là cả một biểu tượng sống động của hào quang chiến thắng thuộc Vương quốc. Riêng phần các thuỷ thủ của Hải quân Hoàng gia, thì từ trên cao của các chiến hạm, họ hãnh diện ngắm nhìn hải cảng trù phú ấy, nơi mà tàu bè của cả thế giới đi qua trong không khí hoà bình kiểu “Pax Britannica” vốn được bảo đảm dưới họng súng đại bác của họ.

  Chắc chắn vì biết trách nhiệm chung của mình trong việc duy trì không khí hoà bình xưa cũ ấy mà hơn ai hết họ mẫn tiệp thấy sự xúc phạm của mấy anh lùn Nhật Bản là khó lòng tha thứ được. Đối với Đô đốc Philips, quyết định phải ban hành là đương nhiên: ông sắp đưa các thiết giáp hạm xuất trận và quyết giáng cho quân xâm lăng những đòn chí tử để họ biết mà tránh đừng bao giờ có tham vọng mó tay vào những vùng biển của Hải quân Hoàng Gia Anh có mặt .

  Mây và mưa giăng phủ cả một vùng trời bao la ngoài khơi vịnh Thái Lan . Lúc 1:45 chiều ngày 09 tháng 12 , tiềm thủy đỉnh I-56 thuộc Hải quân Nhật phát giác ra hai chiến hạm Prince of Wale và Repulse xuất hiện trong tầm hoạt động của mình . Nhân viên radio lên máy gọi báo cáo về bộ chỉ huy nhưng thời tiết quá xấu , dù rất cố gắng thử đi thử lại nhiều lần nhưng sóng radio không thể nào bắt được đúng tầng số . Lúc ấy tại căn cứ Hải quân số 22 , bản doanh đặt tại Sài Gòn , Đô Đốc Sadaichi Matsunaga vẫn đinh ninh rằng hai chiến hạm ấy vẫn còn neo tại quân cảng Tân Gia Ba vì theo hai  phi cơ thám thính vừa trở về từ Tân Gia Ba , với những bức không ảnh mà ông cho là hình ảnh của 2 chiến hạm đang thả neo trong quân cảng (sự thật thì đó chỉ là hình của hai chiếc cầu nổi khổng lồ nổi bập bềnh nơi quân cảng) . Cho đến 3 giờ chiều , báo cáo của tiềm thủy đỉnh I-56 mới tới được Sài Gòn : 2 tuần dương hạm cùng 4 khu trục hạm của địch xuất hiện đang di chuyển về phía bắc gần Procondor Island .

  Căn cứ theo báo cáo này Phó Đô đốc Matsunaga nhận thấy có phần chính xác hơn các tấm không ảnh của đội thám thính nên ông ra lệnh cho phi cơ chuẩn bị tham dự một trận hải chiến . Khi những trái thủy lôi được vội vàng chuyển tới để lắp vào phi cơ thì một số đông sĩ quan Lục quân tò mò kéo đến . Không biết họ dọ hỏi thế nào mà cứ bảo thầm với nhau là phe Hải quân vừa theo dõi và bắt được hai chiến hạm của Anh quốc .

  Ba mươi phút sau , phó Đô Đốc Phillips từ chiếc thiết giáp hạm Prince of Wale đánh một mệnh lệnh cho Repulse và 4 khu trục hạm : “Chúng ta cố đi theo một vòng thật rộng để đánh lạc hướng phi cơ quan sát của địch , hy vọng vào lúc mặt trời lặn ngày mai có thể thình lình tiến sát tấn công tàu địch trong khu vực vịnh Thái Lan . Trong lúc lâm địch , tôi nhắc nhở anh em nhớ câu “đánh nhanh rút nhanh” , cùng lui về hướng đông trước khi Nhật phản công bằng phi cơ”

  Liên tiếp trong vài tiếng đồng hồ sau đó , lực lượng Z vẫn bình an tiến theo một thủy lộ đã định . Khoảng 9 giờ tối họ được loan báo rằng họ bị ba phi cơ địch phát giác và nhất định phải quay về Tân Gia Ba ngay . Quả thật là một yêu cầu quá ngớ ngẫn khiến toàn thể thủy thủ đều tức tối . Và mĩa mai hơn , 3 phi cơ mà họ nhầm lẫn là phi cơ địch ấy lại là toán tuần thám của phe nhà , ba chàng phi công kia chẳng biết có nhìn thấy hạm đội phe ta không hay là gọi về bộ chỉ huy báo cáo cẩu thả sao đó nên mới ra nông nổi .

  Lại một điện văn khác vừa gửi đến từ bộ tư lệnh Hải quân ở Tân Gia Ba . Philiips đọc được mới biết tin Nhật đang đổ bộ ở bãi biển Kuantan . Kuantan là một bãi biển nằm về phía đông bán đảo Mã Lai giữa Tân Gia Ba và Kota Bharu . Lúc ấy khoảng 1 giờ sáng , Philips ra lệnh cho hạm đội quay về hướng Kuantan , nhưng khi đến nơi thì chẳng nhìn thấy có một dấu hiệu nào cho biết đã có một cuộc đổ quân nơi đây .

  Lúc 2:10 sáng , một tiềm thủy đỉnh khác của Nhật I-58 phát giác hạm đội Anh , nó theo dõi một hồi lâu rồi phóng 6 trái thủy lôi vào chiếc Repulse , nhưng cả 6 trái thủy lôi đều không trúng đích .

  Và tất cả lại chìm vào im lặng , trong khi ấy hạm đội của Phillips vẫn còn neo ngoài khơi cách bãi biển Kuantan 100 hải lý . Bấy giờ chỉ còn có 3 khu trục hạm hộ tống , khu trục hạm Tenedos phải quay về Tân Gia Ba tiếp thêm nhiên liệu .

  Khoảng 9 giờ sáng , một phi đội Nhật Bản gồm 96 oanh tạc cơ và phi cơ phóng thủy lôi , cộng thêm 10 chiếc phi cơ thám thính cất cánh từ phi trường Sài Gòn lúc sáng sớm . Sau vài tiếng đồng hồ bay vòng vòng vịnh Thái Lan để tìm hạm đội Anh nhưng không gặp nên họ không còn hy vọng nên định quay về căn cứ . Bất thần một trong 10 chiếc phi cơ thám thính dẫn đầu phát giác sau lớp mây , 2 chiến hạm khổng lồ và 3 khu trục hạm của Anh đang ở ngoài khơi Kuantan . Lúc 10:30 họ dùng radio liên lạc với phi đoàn Kanoya , một phi đoàn gồm 3 phi đội tổng số có đến 27 phi cơ phóng thủy lôi . Trung úy Haruki Iki , chỉ huy trưởng phi đội 3 vừa nghe qua mừng quá quên cả mệt và đói nên hướng dẫn 9 phi cơ của phi đội mình bay đi tấn công hạm đội địch . Cùng lúc ấy phi đội 1 và 3 cũng được nhận chung một hiệu lệnh nên 3 phi đoàn kẻ trước người sau đồng lao vun vút đến mục tiêu .   

  Trên chiếc Tuần dương hạm Repulse , phóng viên đài CBS là Cecil Brown đang cầm máy ảnh bấm lia vào đám thủy thủ chơi đánh bài . Lúc ấy chiếc thiết giáp hạm Prince of Wale cũng đang ở phía trước cách họ khoảng nửa dặm . Khoảng 11 giờ 7 phút trưa Brown nghe tiếng loa thông báo “Phi cơ địch xuất hiện ! Chuẩn bị chiến đấu !

  Đầu tiên , chín chiếc phi cơ dàn thành đội hình hàng ngang lù lù xuất hiện từ phía nam , Brown hoãng sợ tay ôm chặc lấy cột cờ mà đôi mắt cứ như bị thôi miên nhìn sững vào những chiếc phi cơ đang gầm rú tiến tới . Thình lình một tiếng rơi huỵch xuống sàn tàu , một tiếng nổ long trời và chiến hạm khổng lồ ấy dường như cũng bị rung chuyển không ít . Tiếng loa lại vang lên “Tàu trúng bom , lửa cháy trên sàn tàu ! Lửa cháy dưới hầm tàu !

  Hai phi đội 1 và 2 cũng vừa lao tới , Trung Úy phi đội trưởng Takai nhận được một mệnh lệnh của viên sĩ quan chỉ huy phi đoàn qua hệ thống liên lạc radio “Dàn đội hình tấn công ngay !” Phi đội thứ nhất vượt qua đầu Takai và đâm bổ xuống , Takai liền tiếp nối theo sau . Phi cơ chiến đấu của địch ở đâu hết rồi nhỉ ? Chẳng có một phi cơ nào nghênh địch ngoài những khẩu phòng không nhả một rừng đạn đan chéo cố ngăn chận phi đội thứ nhất đang lao tới . Takai ở ngoài phạm vi phòng không nên nhìn qua ống dòm , anh thấy chiến hạm khổng lồ ấy có những cụm khói trắng bốc lên . Thoạt đầu anh ta cứ ngở đó là chiến hạm Kongo nhưng vẫn chưa quyết nên hạ thấp phi cơ xuống 1,500 bộ để nhìn cho rõ hơn thì mới biết mình lầm . Katai vội cho phi cơ cất cao lên để chuẩn bị quay lại tấn công , trong một tíc tắc anh đã vượt xa mục tiêu cả 2 dặm .

  Phía dưới chiến hạm Repulse náo loạn cả lên . Tiếng loa phóng thanh gào không dứt . Dàn súng cao xạ chong mũi thẳng lên trời hướng theo 9 phi cơ đang lao tới mà nhả đạn . Phóng viên Brown ngồi bên những thủy thủ đang hăng say chiến đấu để theo dõi diễn biến trận đánh .Tiếng chữi thề vang dậy của họ pha lẫn tiếng súng nổ đinh tai cùng tiếng gầm thét rền trời của những phi cơ địch , một âm thanh kinh khiếp mà trong đời anh chưa bao giờ được nghe thấy .

  Đứng trên cầu chỉ huy , viên hạm trưởng William Tennant quan sát tình hình thấy “không mấy lạc quan” . Nhìn xa xa thì thấy vài cụm khói bốc lên từ Prince of Wale , Tennant gọi sang Phillips để xem tình hình bên ấy thế nào nhưng không có ai trả lời . Nóng ruột quá nên ông dùng lối liên lạc bằng tín hiệu cũng không được trả lời . Tennant đành lạm quyền chỉ huy kêu cứu với Tân Gia Ba . Nhận được tin dữ 6 chiếc phi cơ nặng nề Brewster Buffalo ì ạch cất cánh nhắm hướng hạm đội nguy khốn trực chỉ .

    Một lần nữa Tennant gọi cho Phillips và kết quả cũng vẫn im lặng . Ông cho Repulse giảm tốc độ 20 hải lý tiến sát vào Prince Of Wale để xem họ cần giúp đở những gì mà ông có thể thì giúp họ . Nhưng vừa lúc ấy Tennant chợt nhìn thấy từ xa một toán phi cơ khác xuất hiện và tiến dần về phía mình .

  Đó là phi đội 3 trực thuộc không đoàn Mihoro , dưới sự chỉ huy của Trung Úy Katsusaku Takahashi . Cũng như Takai , thoạt đầu khi trông thấy bóng dáng hạm đội di chuyển phía dưới , anh ta cứ ngỡ là “phe ta” đang chuyển quân cho đến khi súng phòng không từ dưới bắn lên như mưa mới bật ngữa ra , liền bổ xuống tấn công Prince of Wale . Nhưng nó lại chuyển đi hướng khác nên Takahashi dẫn phi đội mình quay sang tấn công Repulse . Sau hai lần đâm xuống cận múc đích để thả bom nhưng đều thất bại , trái bom bị kẹt không chịu rời phi cơ nên Takahashi bực tức vô cùng , trong khi một phi công khác trong phi đội anh vừa đánh trúng mục tiêu . Một cụm khói bốc lên , chiếc Repulse bị nghiêng về một bên .

  Trung Úy Iki cũng vừa dẫn phi đội mình quay trở lại . Anh hạ thấp phi cơ bay là đà trên mặt biển để tránh đạn phòng không và tiến sát tới gần Repulse , một ánh lửa lóe lên sau một tiếng nổ kinh hồn . Một trái thủy lôi vừa trúng đích , phi cơ của Iki nghiêng về một phía rồi leo lên cao độ . Chung quanh anh đạn phòng không đan như mưa bấc . Phi cơ phía sau Iki bị trúng đạn như quả cầu lửa lao trên không trung tỏa khói cuồn cuộn , Iki đau lòng biết đó là phi cơ của một người bạn Hạ sĩ quan Toshimitsu Momoi . Khi anh còn đang cố nén cơn đau của một chiến hữu vừa hy sinh để bình tỉnh điều khiển phi cơ thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của lưới đạn phòng không thì lúc ấy phi cơ của Hạ sĩ Nhất Yoshikazu Taue bên cạnh bị trúng đạn nổ tung . Một vệt lửa đỏ xoắn tít trong không trung rồi đâm sầm xuống biển . Iki trừng mắt mím môi , lòng đau như cắt , không đầy một phút mà phi đội của anh đã mất đi hai phi công dũng cảm . Anh cho phi cơ lên đến một cao độ an toàn rồi đảo quanh để chờ những phi cơ còn lại cùng quay về căn cứ . Phi đội anh chỉ còn lại 6 phi cơ , 3 chiếc đã nằm lại vĩnh viễn bên ngoài vịnh Thái Lan .

  Bấy giờ trông vào tình trạng của Tuần dương hạm Repulse thật là thê thãm . Một thủy lôi xé toạt mạn phía bên phải của tàu , hai trái khác đánh trúng mạn phía bên trái gây thiệt hại trầm trọng . Trái thủy lôi thứ 4 của Trung Úy Iki đánh trúng phần quan trọng nhất , nó quyết định vận mệnh của chiến hạm Repulse . Hầm súng bị đánh tung lên , ép cứng kẹt cả phòng lái , tổ phòng không bị tiêu diệt . Bây giờ một khối sắt đồ sộ của Repulse bị nghiêng hẳn về một bên , nó có thể bị lật chìm trong giây phút . Biết rõ số phận của chiến hạm , Tennant phải dùng loa phóng thanh truyền lệnh “Tất cả hãy chuẩn bị rời tàu” . Lệnh di tản ban ra cho binh sĩ thuộc cấp bắt buộc họ phải thi hành , ông tuyên dương họ đã chiến đấu hết sức dũng cảm và bây giờ cơ hội chiến đấu đã không còn nữa thì xin nhận nơi ông lòng tri ân và lời cầu chúc tốt đẹp nhất . Xong William Tennant lại đứng im lặng trên đài chỉ huy mà mặt buồn vời vợi . Trong một tình thế quá cấp bách , với khả năng và quyền hạn của một hạm trưởng ông chỉ còn có thể ban một quân lệnh cuối cùng để thuộc cấp may ra tìm được sinh lộ . Riêng ông , ông quyết định sẽ cùng Repulse vĩnh viển nằm lại chiến trường này .

  Lúc ấy là 12:33 chiều , từ trên cao độ 5 ngàn bộ , Iki nhìn thấy rõ Repulse từ từ mất dạng dưới làn nước bạc . Quả thật là một chuyện hi hữu đến nổi anh không thể nào tin được ở đôi mắt mình . Phi cơ đâu có lẽ nào đánh đắm một chiến hạm đồ sộ quá dễ dàng đến như thế chứ . Trong lòng lái , anh ta vươn cao quả nắm , miệng hô “Banzai ! Banzai !” không ngừng . Phía dưới , hai chiếc khu trục hạm đảo quanh nơi Repulse bị đắm để cứu vớt những thủy thủ còn sống sót . Trung Úy Iki lại nãy ra ý định là không bắn phá họ làm gì nữa cho dù chiến trường đã dạy cho anh rằng “Những kẻ thù mà mình không giết ngày hôm nay thì họ sẽ trở lại giết mình vào ngày mai” . Nhìn những thủy thủ đã mất hết tinh thần chiến đấu chen chân nhau trong những chiếc phao cứu cấp để chờ cứu vớt , lòng bất nhẫn trỗi dậy khiến cho Iki quay mặt .

  Tình trạng của Prince of Wale cũng thê thảm chẳng kém gì Repulse . Sau khi bị sức công phá của 5 trái thủy lôi đánh trúng , mức thiệt hại của nó đã quá sức chịu đựng lại hứng thêm một quả bom nặng ký . Quả bom này đã chính thức khai tử Prince of Wale .

  Hạm trưởng Leach đứng trên đài chỉ huy cùng Phó Đô Đốc Phillips ra lệnh cho toàn thể thủy thủ phải tức tốc rời bỏ tàu . Hai người vẫy tay chào từ biệt mọi người . Lúc 1 :19 chiều , Prince of Wale vĩnh viễn đi vào lòng đại dương , mang theo hai vị chỉ huy là hạm trưởng Leach và Phó Đô Đốc Phillips , đồng tuẫn quốc theo vận mệnh chiếc thiết giáp hạm Prince of Wale .     

  Cho đến khi 6 chiếc phi cơ cứu cấp Buffalos từ Tân Gia Ba ì ạch bay ra đến nơi thì bầu trời vắng ngắt chẳng nhìn thấy một phi cơ địch nào nữa . Trung Úy phi công Vigors cho phi cơ hạ xuống thật thấp để quan sát , và anh chợt giật mình khi phát giác phía dưới vùng biển cả mênh mông ấy lại có rất đông thủy thủ “phe ta” đang bám víu vào nhau và giơ tay gọi la ơi ới khi nhìn thấy phi cơ đồng minh xuất hiện .

   Nhắc lại Trung Úy Takahashi , sau khi hai lần cố gắng nhưng thất bại vì dàn phóng thủy lôi bị  trục trặc khiến cho anh đành phải quay về căn cứ . Trên đường về , Takahashi nhận được tin qua làn sóng radio rằng hai chiến hạm Repulse và Prince of Wale bị đánh chìm . Bất giác anh cảm thấy buồng ngực đau nhói lên , nước mắt trào ra lăn dài trên đôi má – Hải quân Anh từng là người anh cả trong nhà thế mà bây giờ lại trở thành thù địch một sống một còn , ôi chiến tranh sao nó tàn nhẫn quá !

  Trung Úy Iki thì mơ nghĩ vu vơ , nhớ đến hình ảnh cuối cùng của hai người bạn không quân Momoi và Taue đã vĩnh viễn ở lại với chiến trường . Dù biết sức công phá khủng khiếp của trái thủy lôi đánh trúng đích của mình đã quyết định được số phận của Repulse nhưng Iki lại gọi máy báo cáo về bộ chỉ huy , tuyên dương công trạng đánh đắm Repulse là nhờ vào sự gan lì quả cảm của hai viên phi công anh hùng đã tử nạn ấy . Iki nghĩ rằng đấy chỉ là một việc nhỏ mọn cuối cùng có thể làm để an ủi người nằm xuống .

  Tại Bộ Hải quân ở Đông Kinh , những sĩ quan thâm niên có lẽ vì không chính mắt chứng kiến nên họ cảm thấy quá mơ hồ , không thể nào tin được bản báo cáo gửi về từ chiến trường Mã Lai rằng hai chiến hạm khổng lồ của Anh bị phi cơ Nhật đánh chìm . Sau khi thu thập nhiều bản báo cáo khác gửi về , họ mới chấp nhận chuyện hi hữu này là sự thật . Như thế có nghĩa là từ nay trong chiến tranh Hải quân họ phải có một khái niệm khác . Phe không quân thì trái lại rất lấy làm hả hê đắc ý lắm , những cố gắng thuyết phục ròng rã gần chục năm nay mới được mọi người chấp nhận .

  Những thủy thủ trên hai chiến hạm Repulse và Prince of Wale một số lớn còn sống sót được nhờ kịp thời di tản và những chiếc khu trục hạm cứu vớt , họ bình yên trở về căn cứ Tân Gia Ba ngay trong buổi chiều hôm đó . Hạm đội “Force Z” khi ra quân thì hăng hái , hùng khí ngất trời , nhưng đến lúc trở về thì chỉ là một nhóm tàn quân hàng ngũ lếch thếch , nỗi sợ hãi vẫn còn in đậm trên mỗi khuôn mặt mệt mỏi rả rời khiến cho họ quên khuấy đi rằng mình đang phục vụ cho một đội quân hùng mạnh nhất nhì hành tinh này .

  Trong khi những thủy thủ Anh rút lui về căn cứ Tân Gia Ba thì bên trời Âu , Adolf Hitler đã từ mặt trận miền Đông trở về Bá Linh . Ông ta tỏ ra rất lo lắng cho sự phản công mãnh liệt của quân Nga và những tin tức chiến sự dồn dập gửi về từ Thái Bình Dương . Tiếng bom nổ ở Trân Châu Cảng đã đánh tan đi nỗi lo cho kẻ đại thù của Hilter là Nga sô , vì từ nay Stalin biết Nhật sẽ lún sâu vào chiến trường Thái Bình Dương với Hoa Kỳ , chắc chắn họ sẽ không mang quân tấn công mặt đông của mình nữa . Vì thế ông sẽ được rảnh tay dồn hết lực lượng để đối phó với Hitler .

  Từ nhiều tháng nay , Hitler cố thúc giục Nhật Bản khai chiến với Nga sô và nên giữ hòa khí với Hoa Kỳ . Trong khi ấy Đông Kinh cũng không vừa gì , họ nài ép Đại Sứ Hiroshi Oshima hãy cố làm sao để có trong tay một văn bản viết tay của Hitler cam đoan rằng Đức sẽ tấn công Hoa Kỳ khi chiến tranh bùng nổ . Có như thế Nhật mới chịu nghe theo Đức đối phó lại Liên sô .

  Bộ trưởng bộ Ngoại giao Ribbentrop bảo với Hitler rằng theo Oshima thì Đông Kinh sẽ bất thình lình tuyên chuyến với Hoa Kỳ . Ông bộ trưởng cũng nhắc nhở Hitler rằng chiếu theo những điều khoản đã ký trong Hiệp Ước Liên Minh , Đức phải giúp đỡ Nhật nhưng chỉ trong trường hợp Nhật bị quốc gia khác trực tiếp tấn công mà thôi .

  Hitler ngẫm nghĩ giây lâu rồi nói “Nếu chúng ta không đứng về một phía với họ , hiệp ước này về mặt chính trị coi như đã không còn giá trị nữa” . Ribbentrop lắc đầu nói “Nhưng đó lại không phải là một lý lẽ chính yếu để tránh không đụng độ với Hoa Kỳ . Họ đã ra mặt công khai bắn phá vào hạm đội của ta . Họ đã ỷ thế mạnh mà nhảy vào nhập cuộc , qua những hành động chống phá vừa qua đã là câu trả lời quá rõ ràng cho ý nghĩ của họ” . Ribbentrop có lẽ đã quá nóng nãy nên mạnh dạn hài tội Hoa Kỳ không tiếc lời . Điều này làm đão lộn mọi ý nghĩ của Hitler . Chính ông cũng cố gắng dùng mọi cách để không gây hiềm khích với Hoa Kỳ vì có ý muốn họ đừng nhúng tay vào chiến trường Âu châu . Bằng chứng là đã nhiều tháng nay ông phải tự kiềm chế hết sức để khỏi phải nỗi cơn thịnh nộ khi nghe tin Hải quân Hoa Kỳ có hành động khiêu khích với Hải quân Đức trong vùng biển Đại Tây Dương . Đối đầu với cuộc chiến tàn khốc ở Âu châu , ông không ngại . Sức phản công như vũ bão của quân đội Stalin , ông cũng chẳng sờn . Duy chỉ có một kẻ từ phương trời xa xôi tận châu Mỹ thì ông không muốn chọc giận họ . Hitler nghĩ rằng tại sao một quốc gia “nửa Do Thái nửa da đen” , sống “dựa vào đồng đô-la” lại có thể đoàn kết với nhau được chứ ? Sự kiện Trân Châu Cảng xảy ra thật không đúng lúc chút nào. Trong khi Nga sô phản công dữ dội , mọi người dân Đức quốc đang bị đè nặng với một mối lo là không sớm thì muộn Hoa Kỳ sẽ nhảy vào cuộc chiến chống lại chúng ta .

  Chiều hôm ấy , sau khi ra lệnh cho Hans Thomsen , nhân viên ngoại giao trụ sở ở Hoa Thịnh Đốn phải tức tốc thiêu hủy những tài liệu , văn thư bí mật thì Ribbentrop lại nhận được điện tín hồi báo của Thomsen , trong thư Thomsen ước đoán rằng “trong vòng 24 tiếng đồng hồ tới Hoa Kỳ nếu không chính thức tuyên chiến với Đức thì cũng cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao” . Ribbentrop biết rõ thế nào Hitler cũng lên tiếng tuyên chiến trước để “giữ uy tín và thể diện” cho nên ông khuyên Thomsen không nên mặc cả bất cứ một vấn đề gì với bộ Ngoại giao Hoa Kỳ . “Chúng tôi mong rằng dù trong trạng huống nào đi nữa cũng tránh không để chính phủ của họ đi trước chúng ta dù chỉ một bước !” .

  Ngày 11 tháng 12 Hitler cho triệu tập quốc hội , trước đám đông cử tọa , ông giơ thẳng nắm tay và hô lớn “Chúng ta luôn ra tay trước !” . Tuyên bố ấy đã khiến cho Hoa Thịnh Đốn nổi cơn thịnh nộ . Ngọn lửa uất hận Trân Châu Cảng còn đang cháy ngùn ngụt , oán Đông Kinh bao nhiêu thì họ càng phẩn nộ sự khiêu khích của Hitler bấy nhiêu . Tổng thống Roosevelt và Woodrow Wilson , bộ trưởng bộ Quốc phòng đi đến quyết định gia nhập cuộc chơi với Hitler . Cứ việc ra tay đánh trước rồi sau đó dựng lên một lý do khả dĩ nào đó để hợp thức hóa việc đưa quân vào chiến trường Châu Âu cũng chẳng muộn . Mọi quan hệ ngoại giao giữa hai nước Đức và Hoa Kỳ coi như bị cắt đứt ngay sau đó , Roosevelt và Hitler chính thức tuyên chiến với nhau cũng trong cùng một ngày lịch sử 11 tháng 12 hôm ấy .

  Qua ngày sau , Đức , Ý và Nhật đồng ký chung một hiệp ước tay ba khác để khẳng định với nhau rằng “sẽ không chùn bước một khi đã quyết liên minh trong cuộc chiến chống lại khối Anh Mỹ cho đến khi đi đến chiến thắng cuối cùng” và không chấp nhận bất cứ một quốc gia nào trong khối liên minh này đơn độc đứng ra ký kết để thu xếp hòa bình riêng cho mình .

  Ba hôm sau , khi Đại sứ Oshima vào gặp Hitler . Vừa nhìn thấy vị Đại sứ Nhật bước vào , Hitler gật gù nói ngay “Các ông tuyên chiến đúng thời điểm lắm ! Theo lẽ đương nhiên thì việc đàm phán càng kéo dài lâu chừng nào tốt chừng ấy , nhưng một khi địch thủ chỉ là một kẻ mục hạ vô nhân , cứ coi mình là hơn hết và chẳng có chút gì để gọi là thiện ý xây dựng hòa bình thì mình phải biết xử trí như thế nào cho phải lẽ . Đúng , phải đánh một cú thật mạnh và thật đau cũng như dạy cho chúng một bài học xử thế mới xứng đáng ! Trước sự quá đáng của gã côn đồ Roosevelt mà người Nhật các ông đã chịu nhẫn nhịn bấy lâu nay quả thật làm cho tôi thêm kính phục lòng kiên trì của các ông . Ôi , những con người thánh thiện nhân hòa không thể nào có được một cuộc sống nhàn nhã thanh bình nếu như chung quanh họ toàn là những quốc gia hiếu chiến , chỉ thích quấy rầy khiêu khích” .

  Ông Đại sứ Oshima trãi tấm bản đồ ra ngay phía trước mắt Hitler và đưa tay chỉ những điểm đã được khoanh vùng của mặt trận Thái bình dương , nơi mà quân đội Thiên Hoàng đang có mặt . Ông nhìn vẻ mặt khá nghiêm trọng đang theo dõi của Hitler rồi nói “Sau khi chiếm xong Tân Gia Ba , Hải Lục quân Nhật sẽ vượt Ấn Độ Dương tiến chiếm Ấn Độ” . Ông nói đến đó rồi ngẫng lên nhìn Hitler đề nghị thẳng rằng “Khi chúng tôi tấn công mặt phía đông của Ấn Độ , nếu có sự đồng loạt tiến công của quí quốc ở mặt Tây Ấn . Với hai mặt giáp công này thì cơ may chiến thắng của chúng ta đã nắm sẳn trong tay rồi” . Lời đề nghị của Oshima không được Hitler hưởng ứng . Ông viện lý do Ấn Độ là một đất nước quá xa Châu Âu , nhưng nếu có thể thì ông ta chỉ hứa rằng Đức sẽ  đưa quân đánh Trung Đông . Ý của Hitler chỉ nhắm vào vùng đất khô cằn nhưng tiềm tàng một kho dầu vô tận mà ông rất cần cho chiến cuộc .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế