Cuộc Nam tiến của quân đội Thiên Hoàng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi phát họa chiến dịch tiến chiếm vùng bán đảo Mã Lai , bộ chỉ huy kế hoạch hành quân đều tin tưởng rằng nếu muốn đổ bộ thành công thì cần phải giữ tuyệt mật . Trong trường hợp bị Hải quân Anh phát giác và tấn công ngoài khơi thì phải cho đổ bộ khẩn cấp , chiến đấu trên đất liền thì dù sao cũng còn sống sót cầm cự trong một thời gian để chờ viện quân tới cứu . Kế hoạch này có vẻ táo bạo không bảo đảm cho sinh mạng binh sĩ nên nhuệ khí của cánh quân này cũng bị giảm sút rất nhiều . Tuy nhiên đến chiều ngày hôm ấy (08-12-1941) phi trường Kota Bharu đã nằm trong tay quân Nhật . Hai điểm đổ quân khác về hướng bắc , giáp với biên giới Thái lan thì không được suông sẻ lắm bởi viên chỉ huy cánh quân không thi hành đúng theo mệnh lệnh . Theo kế hoạch thì Đại Tá Shigeharu Asaeda phải di chuyển đến một bãi biển đã được chỉ định sẳn rồi mới cho quân đổ bộ . Nhưng lúc ấy ông ta lại tự ý chọn một bãi biển ở Pattani . Nhìn thấy bãi cát trắng xóa và mực nước biển dâng cao , trông địa hình rất lý tưởng cho cánh quân mình đổ bộ , ông ra lệnh cho tiến vào . Lúc ấy trời vẫn chưa sáng hẳn . Khi tàu cập vào , mực nước còn ngang ngực thì Asaeda ra lệnh cho quân sĩ nhảy xuống nước xông vào bờ . Ông cũng tiên phong nhảy xuống cùng anh em , khi chân vừa chấm đất thì hỡi ôi , hai chân của Asaeda bị lún sâu xuống bùn . Bãi cát trắng tuyệt đẹp kia thật sự thì không dài như ông nghĩ , nó chỉ từ bờ trở ra một khoảng ngắn còn lại phần tiếp giáp với nước biển thì toàn là bùn lầy . Nhìn những binh sĩ vai quằng nặng súng đạn , ba lô chân bị lún sâu dưới bùn , có người bị chìm sâu dưới nước chỉ còn đôi tay quờ quạng tuyệt vọng mà lòng Asaeda càng thêm bất nhẫn , ông nhìn quanh rồi nhìn lại chính mình , đôi chân ông cũng không tài nào nhấc lên nỗi thì làm thế nào để có cách nào để giúp đỡ hoặc cứu họ được .

  Phải mất gần 3 tiếng đồng hồ và bao nhiêu sinh mạng mới thoát ra khỏi cái vũng bùn lầy oan nghiệt đó để đặt chân lên bãi cát . Vừa đến được nơi an toàn , cả bọn thở phào nhẹ nhõm thì đúng lúc lính Thái Lan phát giác ra và bắn xối xả vào họ .

  Cánh quân đổ bộ khác ở Singora thì may mắn hơn , bãi cát chạy dài ra đến tận ngoài khơi nên mọi việc diễn ra êm xuôi ngoài dự liệu . Kế hoạch tiến vào Mã Lai được Đại Tá Tsuji , người chỉ huy cánh quân âm thầm vẽ ra từ trước , “con ngựa thành Troy” nghĩa là mang quân vào đất Mã Lai bằng xe buýt xuyên qua biên giới Thái Lan . Để thi hành kế hoạch này , Tsuji giả dạng làm một viên thư ký làm việc ở Lãnh sự Nhật tại Singora để thuyết phục cảnh sát và binh lính Thái Lan mà lẻn vào tòa lãnh sự tìm Thiếu Tá Osone vì theo kế hoạch thì Thiếu tá phải có mặt tại bờ biển lúc đổ bộ . Tsuji cuối cùng cũng lọt được vào thành phố , ông đi thẳng tới tòa lãnh sự Nhật  . Ở đây Tsuji gặp được Thiếu tá Osone đang còn ngáy ngủ , hỏi ra thì mới biết Osone cho đốt tập mật mã quá sớm nên không thể nào giải mã những điện tín đến sau , vì vậy ông không biết được chính xác ngày giờ quân Nhật đổ bộ mà ra đón .

  Tsuji phát cáu nên ra lệnh cho viên Thiếu tá lên xe chở ông đến đồn cảnh sát gần đó , vì ông cần một số lượng xe buýt thật nhiều để chuyển cả ngàn binh sĩ vào đất Mã Lai . Để đề phòng không qua mặt được cảnh sát , Tsuji có mang theo một số tiền 100 ngàn đồng tiền Thái để hối lộ . Khi xe hai người còn cách đồn cảnh sát không bao xa thì đạn bắn từ trong bắn ra xối xả trúng cả đèn xe . Tsuji hốt hoảng hô to “Đừng bắn !” “Đây là quân đội Nhật Bản . Hãy theo phe chúng tôi đánh lại quân Anh” . Trong đồn cảnh sát không trả lời chỉ bắn ra không ngừng . Cuối cùng thì phía Nhật Bản cũng nổ súng đáp lại , kế hoạch mạo hiểm “con ngựa thành Troy” của Đại Tá Tsuji phải đành xếp xó .

  Nơi cuối mõm bán đảo Mã Lai , người dân nơi đảo quốc Tân Gia Ba lần đầu tiên chứng kiến chiến tranh bằng những tiếng bom nổ long trời lỡ đất vào lúc 4 giờ sáng . Nửa tiếng đồng hồ trước đó , phòng chỉ huy tác chiến có nhận được bản báo cáo một phi cơ không rõ xuất xứ xuất hiện cách Tân Gia Ba 140 dặm , nhưng những người có thẩm quyền không có một quyết định nào dứt khoát cho đến khi trái bom đầu tiên phát nổ thì cả thành phố phát hoảng lên .

  Sáu mươi ba người chết tại chỗ cùng 133 người khác bị thương , nhưng Tân Gia Ba vẫn im lìm không có một dấu hiệu nào để gọi là báo động . Trong cảnh tượng hãi hùng chết chóc đó người ta chỉ được nghe lại một lời nhắc nhở , một quân lệnh trong ngày được gửi đến từ Thống Chế không quân Hoàng Gia Sir Robert Brooke-Popham , tổng tư lệnh viễn đông . 

  “Chúng ta đã sẳn sàng . Sau một thời gian dài chuẩn bị , tập dượt và tổ chức phòng bị , chúng ta nên tự tin ở sức mạnh của mình . Sự phòng thủ của chúng ta rất mạnh , vũ khí của chúng ta tối tân … Vậy kẻ thù của chúng ta thế nào ? Đã bao năm nay Nhật Bản đã bị lún sâu vào cuộc chiến vô nhân tính ở Trung Hoa , cuộc chiến ấy đã làm cho họ tiêu hao kiệt quệ đi … Trong mỗi quân nhân của chúng ta , với ý chí quyết thắng và lòng tự tin mãnh liệt luôn nâng cao tinh thần chiến đấu . Trong khi ấy thì nhân dân các nước Mã Lai , Trung Hoa , Ấn và Miến Điện lại tỏ vẻ nhẫn nhục cam chịu , đó là một ưu điểm tuyệt vời của đông phương , nó giúp chúng ta đi nốt đoạn đường để đến chiến thắng trọn vẹn cuối cùng”  

  Những lời lẽ khá phô trương hoa mỹ này đối với những quân nhân đang trấn đóng tại đây lại trở thành lố bịch ngớ ngẫn vô cùng , chẳng những họ không thèm để ý đến mà ngược lại coi đó như một điều hết sức chế diễu . Yate McDaniel , một nhà báo Hoa Kỳ biết rất rõ khả năng chiến đấu của phi đội bảo vệ Tân Gia Ba là Brewster Buffalo , một phi đội cồng kềnh và chậm chạp vô cùng . Ngoài ra anh cũng biết thêm là trên khắp lãnh thổ Mã Lai chẳng có được một chiếc xe tăng nào cả , quân đội viễn chinh thì chưa bao giờ được huấn luyện chiến đấu trong rừng rậm . Một bất lợi lớn nữa là những người lính Mã Lai tình nguyện chiến đấu bảo vệ quê nhà họ rất ghét binh lính viễn chinh của Anh hơn là căm thù Nhật Bản .

  Cùng một buổi sáng hôm ấy , khi McDaniel vừa thức dậy đang ngồi nhâm nhi ly cà phê thì một người bạn , Phó Đô đốc Sir Geoffrey Layton điện thoại nói với anh rằng Hải quân vừa quyết định cho hai chiến hạm “vĩ đại” nhất ra khơi theo lệnh của Đô đốc Phillips . Nghe giọng y nói có vẻ bực dọc không ít nên McDaniel đoán rằng Layton không đồng ý với mệnh lệnh này , anh hỏi “Rồi ông có theo họ ra khơi không ? Và sẽ bao lâu mới trở về ?

  McDaniel vốn ngưỡng mộ Đô đốc Phillips từ lâu , một hình ảnh đầy ấn tượng của vị Đô đốc nhỏ con dạn dày kinh nghiệm phải đứng trên chiếc bục cao trong cầu chỉ huy để có thể trông thấy rõ mọi diễn biến bên ngoài mà ban phát mệnh lệnh .

  Layton đáp rằng họ sẽ ra khơi khoảng 5 hoặc 6 ngày . Rồi ông trình bày thêm cho McDaniel biết quyết định của Phillips là cho Hải quân hướng về phía Bắc theo đông ngạn bán đảo Mã lai để ngăn chận kịp thời đoàn chiến thuyền của Nhật đang chuẩn bị đổ quân ở hai vị trí khác nhau . McDaniel nghe xong máu nghề nghiệp nổi dậy , đây có lẽ là một màn gay cấn đa ! Nhưng vì ở đây anh chẳng có ai để thay thế mà xin tháp tùng với họ một chuyến cho phỉ chí . Rất tiếc !

  Chiều hôm ấy Đô đốc Phillips hỏi C.W.Pulford , chỉ huy phó không quân rằng phi đội nào lãnh nhiệm vụ bảo vệ hạm đội của ông . Pulford vốn xuất thân từ một sĩ quan Hải quân nên cũng rất mến mộ Phillips nên tỏ ra buồn bả mà than rằng hợp tác giúp đỡ lẫn nhau thì lúc nào ông cũng sẳn sàng nhưng khốn nỗi căn cứ không quân của ông ở miền Bắc Mã Lai , theo báo cáo thì đã bị địch quân tràn ngập rồi . Tuy vậy Pulford cũng hứa với Phillips là sẽ gửi cho ông một đội phi cơ trinh sát vào hôm sau , 09 tháng 12 , nhưng sau đó thì ông không hứa là có thể chia bớt cho Phillips bất cứ một phi cơ nào nữa .   

  Đô đốc Phillips hiện đang có mặt trên chiếc thiết giáp hạm hạm 35.000 tấn mang tên Prince of Wale . Viên hạm trưởng L.H.Bell đọc được nét lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của vị Đô đốc già dặn này . Hỏi ra thì mới rõ mối lo ngại của ông là hôm mùng 10 tới đây ông rất cần có một phi đội hỗ trợ để đánh lại quân Nhật ở Singora , nhưng trong tình thế này dù một phi cơ cũng khó có được nói gì đến cả một phi đội .

  Prince of Wale nhổ neo tách bến , theo sau là Repulse và một số khu trục hạm hộ tống . Khi Hạm đội vừa ra khỏi mõm phía đông của đảo quốc , ngang Trạm thông tin Changi thì Đô đốc Phillips nhận được một bức vô tuyến điện báo của Pulford gửi đến , trên bức điện báo chỉ có võn vẹn một dòng chữ “Rất tiếc là không thể gửi phi đội yễm trợ” . Phillips đọc xong mặt có vẻ buồn , ông chép miệng nói khẻ “Thôi thì đành vậy chớ biết sao hơn” và ông nhìn ra ngoài đại dương mênh mông . Nắng đã lên cao , trời trong xanh nước cũng trong xanh , hạm đội hướng về phía Bắc tiến tới , chiến dịch này được gọi là “Force  Z” .

  Tại Manila Phi Luật Tân , Trung tướng Lewis Brereton , chỉ huy trưởng không quân vùng viễn đông điện thoại về bộ tư lệnh xin chỉ thị cho phi đội pháo đài bay của ông đánh bom vùng Formosa , cách thủ đô Manila khoảng 600 dặm . Lúc ấy là 7 giờ 30 sáng , 5 tiếng rưỡi đồng hồ sau khi Trân Châu Cảng bị tấn công . Trung tướng Richard K.Sutherland , tham mưu trưởng của MacArthur trả lời “Chờ tôi hỏi ý kiến của Đại Tướng xem sao rồi sẽ cho ông hay” . Một chốc sau Richard quay lại bảo “Đại Tướng nói không nên ! Đừng hành động công khai trước họ” Brereton lớn tiếng hỏi “Thế thì đánh bom Trân Châu Cảng không phải là hành động công khai à ?” Richard tỏ rõ cho Brereton biết là đã phái một đội không thám đến quan sát đảo Đài loan rồi , không có lợi điểm nào để đánh bom cả .

  Ở phía tây hòn đảo Đài loan , tất cả các sĩ quan Hải quân Nhật trực thuộc phi đoàn 11 đều nãn lòng thối chí cả . Sương mù dày đặc khiến cho họ không tài nào cất cánh bay đi oanh tạc phi trường Clark Field và các vùng phụ cận . Và bây giờ họ lại sợ phi đội B-17 từ Clark Field có thể xuất hiện tấn công thình lình , những phi cơ đang đậu thành hàng dài dưới phi đạo đang là một mục tiêu hết sức hấp dẫn cho B-17 .

  Chỉ có mỗi một phi đội nhỏ cất cánh rời Đài Loan từ một căn cứ Lục quân , và những gì họ có thể làm được là trút những quả bom xuống những mục tiêu không quan trọng cách xa thủ đô Manila về phía bắc.

Báo cáo này gửi về càng làm cho Brereton nổi cáu , lúc ấy khoảng 9:25 sáng , khi ông đang ở tại tổng hành dinh trong phi trường Nielson Field , một vùng ven thủ đô Manila . Một lần nữa Brereton lại điện thoại cho Richard và khẩn cầu cho phép ông đánh bom Đài loan . Lại bị từ chối , cho đến khi MacArhur thay đổi ý định thì đã 40 phút đi qua , lúc ấy đã quá trễ nên Brereton phải vội vàng tính toán để tìm một kế hoạch khác . Và cũng vì thế nên khi đám sương mù bao trùm Đài Loan tan dần , phi cơ Nhật cất cánh an toàn thì căn cứ Clark Field và những căn cứ phụ cận lại trở thành một Trân Châu Cảng thứ hai . Trong một ngày , hai trong ba quyết định quan trọng để ngăn chận kịp thời bước tiến công của Nhật Bản vào vùng Đông Nam Á bị gặp nhiều trở ngại làm chậm trễ mọi kế hoạch : Hạm đội Thái bình dương và lực lượng không quân của Tướng McArthur , chiến dịch “Force Z” của Đô Đốc Hải quân Hoàng gia Anh Phillips , Theo báo cáo mới nhất của quân dọ thám Nhật thì hai chiến hạm Prince of Wale và Repulse vẫn còn quanh quẩn ở quân cảng Tân Gia Ba để chờ đợi cho đến khi nào có được một phi đội chiến đấu và phóng thủy lôi theo bảo vệ mới có thể bắc tiến .

                                          ……………………………….

  Một con số chính xác về sự thiệt hại sau trận không tập được nhân viên điều tra xác nhận và công bố tại Trân Châu Cảng là : 18 chiến hạm đủ loại bị đánh chìm hoặc hư hại nặng ; 188 phi cơ bị hủy diệt và 159 chiếc khác bị hư hại ; 2.403 người Hoa Kỳ bị mất mạng , số bị thương chưa rõ nhưng theo sự ước lượng của họ cũng lên đến vài ngàn . Thật là một thảm họa rùn rợn , một tai ương khủng khiếp . Nhưng vẫn còn may mắn cho họ , tất cả hàng không mẫu hạm lúc ấy đều ra khơi và phi cơ Nhật chỉ lo chú ý đánh bom trên phạm vi những phi trường cùng  chiến hạm trong quân cảng , vô tình họ bỏ quên những kho chứa xăng dầu khổng lồ nằm lộ thiên trước bộ chỉ huy Hải quân và bến đậu tiềm thủy đỉnh .

  Tuy nhiên tất cả những chiến hạm bị đánh chìm và hư hại ấy cũng có thể sửa chửa và trở lại với nhiệm vụ của nó . Phía Nhật Bản thì cũng chịu một tổn thất không nhỏ , với 29 phi cơ bị rơi với 45 vừa phi công vừa xạ thủ thiệt mạng ; 9 tiềm thủy đỉnh và 4 chiếc tiểu tiềm thủy đỉnh đều được ghi nhận là mất tích cùng hàng trăm thủy thủ đoàn .

  Đến chiều tối hôm ấy , trời giăng mây thấp , gió thổi hắt hiu và mưa phùn lất phất khiến quang cảnh hoang tàn nơi quân cảng vốn đã ảm đạm lại  càng thêm ảm đạm và thê lương hơn . Mặt biển phẳng lặng , dọc theo chỗ những chiến hạm bị đánh chìm ban sáng , khói vẫn còn bốc lên nghi ngút theo những lớp bọt sủi , hòa theo lớp bụi mưa nên lan tỏa ra được , cứ dán sán mặt nước loang loáng màu dầu quyện theo mùi tử khí còn quanh quẩn đâu đây khiến cho người ta không khỏi lượm giọng .

   Tin đồn tiếp theo tin đồn . Người ta lại bảo nhau có người vừa chính mắt trông thấy một hạm đội của Nhật xuất hiện xung quanh mũi Barber  …. Hoặc phi cơ vừa thả lính nhảy dù xuống Kaneohe … một đám nhảy dù khác cũng vừa đặt chân lên ruộng mía ở phía tây nam Ford Island và nhiều chỗ khác nữa …

  Một sĩ quan Hải quân lại quả quyết rằng lính nhảy dù của Nhật mặc quân phục màu xanh , có huy hiệu tượng trưng hình “mặt trời mọc” vừa đáp xuống bãi biển phía Bắc Hạ Uy Di .

  Cả một ổ gián điệp của Nhật cũng vừa bị sa lưới FBI . Họ gồm đủ thành phần hoạt động trong xã hội : tài xế Taxi , hầu bàn , nhân viên chăm sóc cây kiểng , người bán tiệm chạp phô v.v. Nhiệm vụ của tổ chức hoạt động ngầm này là trong thời gian trước khi tấn công , họ bơi xuồng nhỏ ra ngoài khơi Oahu để đón những chuyên viên phá hoại của Nhật đã hẹn sẳn rồi mang vào đất liền . Họ tìm cách đột nhập vào phi trường phá hoại phi cơ và bỏ thuốc độc vào các bồn chứa nước công cộng – Nói cách khác là nhiệm vụ của bọn này không từ chối những việc làm tàn độc nào cả miễng sao gây thiệt hại cho địch càng nhiều càng tốt .

  Nhưng trời bất dung gian , nhóm này chưa kịp ra tay thì đã bị FBI kịp thời ra tay tóm hết . Tuy nhiên những người bị bắt này chỉ là những kẻ thừa hành thôi , một nhân vật quan trọng khác núp đàng sau để vẽ kế hoạch và chỉ huy họ thì FBI vẫn chưa biết được . Hắn vốn là Takeo Yoshikawa , dưới lớp áo một nhân viên quèn của lãnh sự quán . 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế