Máu nhuộm Trân châu cảnh tiếp theo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đô Đốc Yamamoto cùng những sĩ quan tham mưu hiện có mặt trên soái hạm Nagato thả neo tại Hashirajima . Họ tuy không hẹn nhưng cùng thức dậy rất sớm , lúc 2:00 sáng , tức một tiếng đồng hồ trước khi cuộc không tập Trân Châu Cảng mở màn . Họ chẳng buồn nói chuyện với nhau , vẻ mặt ai nấy đều nghiêm trọng hướng đôi mắt về cây kim đồng hồ treo trên vách . Lòng nặng nề cứ nhích chầm chậm theo vòng quay của cây kim chỉ phút . Steward Omi mang trà và bánh ngọt ra cho mọi người dùng hầu giảm bớt sự căng thẳng tưởng chừng sắp vỡ tung ra . Bỗng dưng một giọng nói đầy vẻ xúc động vang lên trong ống dẫn âm “Cuộc không tập bất ngờ của chúng ta đã thành công !” . Đó là lời báo cáo của viên sĩ quan truyền tin trên phòng truyền tin vì ông vừa nhận được tín hiệu Tora tức “Mãnh hổ” của Trung Tá chỉ huy phi đoàn Fuchida gửi về từ Trân Châu Cảng .

  Bản tin chiến thắng ấy đáp ứng được sự hồi hộp mong đợi của mọi người . Sau một giây im lặng căn phòng bỗng trở nên ồn ào náo nhiệt . Mọi người đồng đứng chồm lên ôm nhau mừng rỡ , họ như trút bỏ được một khối nặng nghìn cân , ai nấy hân hoan nói cười huyên thuyên . Đô Đốc Yamamoto cúi đầu cố giấu sự vui mừng đang dâng trào trong ông . Omi mang rượu Sa kê , khô mực ra ăn mừng chiến thắng . Ly cụng ly , chén cụng chén ai nấy hả hê nên rượu càng vào càng thêm cao hứng .

  Yamamoto truyền lệnh cho đoàn xung kích nội nhật ngày nay phải rút lui khỏi Hạ Uy Di để hạm đội của ông có thể yễm trợ cho họ trong trường hợp bị Hải quân Hoa Kỳ đuổi theo tấn công .

  Bây giờ chúng ta hãy trở lại hạm đội xung kích ở vùng biển Hạ Uy Di , sau hai đợt phóng phi cơ và oanh tạc thành công biến Trân Châu Cảng thành bình địa rồi thì các phi cơ còn sống sót lại trở vầ mẫu hạm . Để xem họ trở về như thế nào đây .

   Chiếc phi cơ đầu tiên trở về mẫu hạm đúng 10 :00 sáng . Thời tiết lại trở nên xấu đi nhiều , biển động mạnh khiến cho sàn tàu lắc lư , rất khó khăn cho những phi cơ đáp xuống . Một số phi công hoàn thành nhiệm vụ an toàn trở về từ chiến trường nhưng lại lâm nạn khi cho phi cơ hạ cánh . Trung Úy Matsumura vừa trông thấy mẫu hạm Hiryu hiện ra trước mắt , anh mừng rở điều chỉnh phi cơ quay một vòng rồi từ từ hạ xuống ở một độ cao cho phép . Sàn tàu lắc lư theo những ngọn sóng khổng lồ khiến cho một viên phi công dạn dày kinh nghiệm như Matsumura cũng cảm thấy bất an khi cho phi cơ mình hạ cánh . Anh mở mắt nhìn đại dương mênh mông với những đợt sóng khổng lồ như những trái đồi chạy dài đến bất tận . Hiryu trước mắt anh sao có vẻ chơi vơi bé bỏng quá , sân đáp cheo leo như một sợi chỉ kéo thẳng nhưng lại bấp bênh theo cơn cuồng nộ của thủy thần . Anh giảm tốc lực , từ từ hạ thấp dần thấp dần và cuối cùng thì bánh sau của phi cơ chạm nhẹ trên sàn Hiryu . Chiếc móc phía sau đuôi vừa móc cứng vào sợi dây cáp trên sàn mẫu hạm giảm sức lướt của chiếc phi cơ cho đến khi nó dừng lại hẳn . Matsumura thở phào nhẹ nhỏm . Anh không bao giờ tưởng tượng nỗi là mình có thể trở về một cách an toàn như thế . Và quả thật , anh vẫn còn sống .

    Nhiều phi cơ Nhật trong lần tấn công đợt hai bị trúng đạn, nhưng phần lớn cố gắng bay trở về được mẫu hạm . Trung Tá Fuchida là người cuối cùng trở về sau khi bay sau cùng để hộ tống an toàn cho đàn em út vừa hoàn thành sứ mạng . 

  Nagumo được Fuchida báo cáo kết quả của cuộc tấn công. Fuchida cho biết còn một số mục tiêu nữa cần phải triệt hạ và đề nghị Nagumo cho mở một đợt tấn công nữa. Ý kiến của Fuchida không được các cấp chỉ huy khác tán thành, vì họ không muốn các mẫu hạm và phi cơ gặp nguy hiểm nữa vì sức mạnh phòng không của Mỹ rất hữu hiệu, mặc dù các phi cơ Nhật trở về được, đã được tiếp tế nhiên liệu và sẳn sàng cho một cuộc tấn công nữa. Sau khi nghe các ý kiến trái ngược của các sĩ quan chỉ huy không quân, Nagumo kết luận rằng không quân Nhật sẽ gặp nhiều nguy hiểm trong đợt tấn công thứ ba và chưa chắc đã gây được nhiều tổn hại cho Mỹ. Nagumo quyết định ngưng cuộc tấn công. Ðúng 1:30, cờ hiệu trên soái hạm Akagi ra lệnh cho các mẫu hạm quay về hướng nam. Tất cả các mẫu hạm mở hết tốc lực chạy xa khỏi chiến trường .

  Ông Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Frank Knox hiện có mặt trong văn phòng của Bộ Hải quân Hoa Kỳ trên con đường Constitution Avenue . Lúc này đã gần giờ nghỉ trưa nên ông thấy đói bụng định gọi một thứ gì đó để dùng buổi trưa , bỗng cánh cửa phòng xịch mở , Đô Đốc Stark chạy lùa vào với bức điện báo của Kimmel , chỉ huy trưởng Hải quân ở Hạ Uy Di . Knox nhìn thấy bức điện báo sững sờ giây lâu rồi cất tiếng kêu trời mà rằng “Có lẽ nào lại như vậy ! Tôi cứ đinh ninh rằng họ sẽ tấn công Phi Luật Tân đấy chứ !” . Stark nhắc lại cho ông nghe một lần nữa là Trân Châu Cảng vừa bị Nhật oanh kích , việc ấy dù không tin nhưng nó đã xảy ra rồi , Knox cầm lấy điện thoại báo cáo thẳng với Tòa Bạch Ốc . Lúc ấy là 1:47 chiều , Tổng Thống Roosevelt  đang dùng buổi trưa với cố vấn Harry Hopkins tại bàn làm việc trong phòng bầu dục .

  Vừa nghe bản báo cáo xong , Hopkins vội lên tiếng trấn an tổng thống “Coi chừng nhầm lẫn . Tôi chắc chắn Nhật Bản không bao giờ tấn công Trân Châu Cảng” . Nhưng Roosevelt thì nghĩ có lẽ bản báo cáo này là sự thật nên ông khoát tay và nói “Đó cũng chỉ là một việc mà Nhật có thể làm trong khi mình không tài nào ngờ đến” . Rồi ông lại đề cập đến những điểm mà mình đã nổ lực cố gắng đạt cho bằng được để tạo một nền hòa bình chung cho hai quốc gia . Cuối cùng thì ông lại thở dài mà nói với giọng trầm buồn “Nếu bản báo cáo này là sự thật thì mọi chuyện đã vượt ra khỏi tầm tay của tôi rồi

  Roosevelt điện thoại đến cho Ngoại trưởng Hull lúc 2:05 chiều , với giọng điềm tỉnh ông sơ lượt bản tin xấu vừa nhận được cho Hull nghe . Hull bảo với ông rằng hiện Đại sứ Nomura cùng với Kurusu cũng vừa đến và đang ngồi chờ ngoài phòng khách của bộ ngoại giao . Roosevelt bảo Hull nên đón tiếp họ và đừng đề cập gì đến Trân Châu Cảng . Ông còn dặn thêm rằng cứ tự nhiên lấy nghi thức ngoại giao mà tiếp đón họ như bình thường và coi như chẳng có gì xảy ra cả . Xong ông quay ra điện thoại cho Bộ trưởng Quốc phòng Henry Stimson , lúc ấy ông ta đang về nhà dùng bữa trưa , để hỏi nếu ông bộ trưởng quốc phòng đã hay biết chuyện gì đang xảy ra .

  Stimson điềm tỉnh nói “Thưa Tổng Thống , tôi có nghe loáng thoáng rằng có một bức điện tín báo cáo về việc Nhật Bản đang chuyển quân đến vịnh Thái Lan” . Roosevelt nhấn mạnh “Không , ý của tôi không phải việc ấy đâu” . Và giọng của ông lại gằng mạnh từng tiếng như để ông bộ trưởng quốc phòng nghe cho thật rõ “Họ đang tấn công Hạ Uy Di . Không , tôi phải nói rõ hơn là hiện giờ họ đang tấn công Trân Châu Cảng

  Stimson ngẫn người giây lâu rồi buột miệng nói một mình “Thật đúng là một bản tin sét đánh” . Một ý tưởng vụt thoáng qua trong đầu ông “Mối hoài nghi làm cho mình do dự chưa quyết bấy lâu bây giờ đã rõ và hiện tại nó đã trở thành một cơn khủng hoảng cho tất cả đồng bào của chúng ta

  Lúc ấy tại Bộ Ngoại giao , Hull nói với Joseph Ballantine “Tổng Thống vừa nhận được một báo cáo chưa chứng thật rằng Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng . Đại sứ Nhật lại đang ngồi đợi để được gặp tôi . Tôi đã biết là họ đang muốn giở trò gì rồi . Hừ , trò chơi của họ là muốn gạt bỏ bản đề nghị 26/11 của chúng ta . Có thể đây là lời tuyên chiến của họ . Thật sự thì tôi chẳng muốn gặp họ nhưng nghe lời khuyên của Tổng Thống nên cực chẳng đã phải tiếp kiến họ một phen . Bởi vì Tổng Thống vẫn còn mang chút hy vọng là bản báo cáo Trân Châu Cảng kia đã báo cáo sai sự thật

  Ngồi thấp thõm trong phòng đợi của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ , Đại sứ Nomura lặng nghe trái tim đập thình thịch cùng hơi thở dồn dập đứt quãng , đó là do hậu quả của một đoạn đường ngắn mà vị Đô Đốc hồi hưu này đã cố sức đi như ma đuổi để kịp đến đây cho đúng hẹn . Tuy nhiên ông cũng đã trễ hơn 1 tiếng đồng hồ , nguyên do cũng vì Okumura cứ mang 14 phần của bản giác thư ra mà đánh máy đi đánh máy lại đôi ba lần nhưng chẳng lần nào ông vừa ý cả . Sốt ruột quá cho nên Nomura không thể chờ đợi được nữa , ông đến bên bàn giật phăng bản giác thư trong tay Okumura rồi ba chân bốn cẳng phóng nhanh sang Bộ Ngoại giao để trình lên cho Hull , dù rằng bên trong bản giác thư ấy vẫn còn vướng mắc một vài lỗi lầm khi đánh máy , nhưng Nomura cũng chẳng có đủ thời gì để đọc và kiểm tra lại lần cuối . 

  Sau một hồi lâu ngồi ngoài phòng đợi , cuối cùng rồi Nomura và Kurusu cũng được gọi vào văn phòng để gặp Hull , lúc ấy là 2:20 chiều .    

   Ngoại trưởng Hull tỏ vẻ lạnh lùng khi gặp họ , ông từ chối bắt tay và cũng chẳng mời hai người ngồi .

  Nomura đưa ra bao thơ , bên trong là 14 phần của bản giác thư , rồi nhìn Hull , ông trịnh trọng nói “Tôi được lệnh là trao tận tay Ngài bản giác thư này lúc 1 giờ chiều

  Hull nghiêm mặt trầm giọng hỏi “Tại sao lại là 1 giờ chiều ?

  Nomura thành thật đáp “Tôi cũng không rõ lý do là vì sao thưa Ngài” Miệng thì trả lời như thế nhưng ông không dấu được vẻ bối rối hiện rõ trên khuôn mặt vì ông lầm tưởng có lẽ vì mình và Kurusu đến trễ nên Ngoại trưởng Hull lộ nét không vui .

  Hull vội chộp lấy bản giác thư rồi giả vờ như đọc lướt qua . Bất giác giọng nói của ông trở nên chậm rãi và chắc nịch , trong mỗi lời nói đều hàm chứa một sự phẩn uất tột cùng khiến cho người đối diện đoán chắc đây là những lời đắng cay châm chích . Hull nói “Tôi phải nói rằng tất cả những cuộc đàm thoại giữa ông và tôi trong vòng 9 tháng trở lại đây , tôi dứt khoát không hề có một câu hoặc một chữ không thành thật  . Điều này đã được xác nhận là tuyệt đối . Với năm mươi năm thời gian phục vụ công chúng , tôi chưa bao giờ nhìn thấy một bản văn thư ngoại giao chứa đầy những sự dối trá , lừa lọc và bỉ ổi ; một bản văn thư mà tôi không bao giờ tưởng tượng là trong bất cứ chính phủ nào trên hành tinh này có thể soạn ra được”

  Nomura vừa mở miệng định nói lên điều gì đó nhưng Hull lại khoát tay chỉ ra cửa , trịch thượng mời hai người đi về . Nomura cảm thấy quá bối rối , ông miệng nói lời chào tạm biệt nhưng chân bước lại gần Hull chìa tay ra để bắt tay từ giả . Lần này thì Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng đưa tay ra bắt lại , nhưng khi hai người vừa bước ra khuất bóng sau cánh cửa thì ông đứng trợn mắt nhìn theo mà miệng chữi thầm “Đồ vô lại !” 

   Tại tòa đại sứ Nhật Bản gần đó , Okumura cũng vừa tiết lộ bản tin “Phi cơ của chúng ta đã đánh bom Trân Châu Cảng !” cho nhân viên tòa đại sứ nghe . Tùy viên quân sự Isoda nước mắt lưng tròng , bước tới bên cạnh Nomura buồn bả nói “Sự việc đáng tiếc này sẽ mang lại hậu quả “rất gay go” cho dù Ngài có cố gắng cách mấy cũng thế mà thôi” Nói đoạn anh ta quay ra nhìn vào khoảng trống không mà rằng “Nhưng , Trời hỡi . Đây có phải chăng là Thiên mệnh !” Bất giác Nomura nghe lòng cảm động cực độ , không ngờ giữa lúc chuyện rối bòng bong , một lời nói chân tình thốt lên từ một quân nhân cũng giúp cho mình tìm được một chút khuây khỏa .

  Lúc ấy tại Bộ Hải Quân , Đô Đốc Stark đã cho đánh điện tín truyền hiệu lệnh đến tất cả chỉ huy trưởng trên toàn cõi Thái Bình Dương và Panama “Không hạn chế phi cơ và tiềm thủy đỉnh , tiến hành một cuộc chiến chống lại quân đội Nhật Bản”

  Cách đấy vài mươi mét , Tướng Knox đang dùng điện thoại liên lạc trực tiếp với Trân Châu Cảng . Ông đang điện đàm cùng vị chỉ huy trưởng căn cứ Hải quân 14 , Đô Đốc Claude C.Bloch , người đang ngồi chứng kiến cảnh tượng hoang tàn đổ nát , chiến tích của một cuộc oanh tạc rùng rợn mới vừa xảy ra chưa đầy 1 tiếng đồng hồ . Đô Đốc báo cáo sơ lượt về sự thiệt hại của những thiết giáp hạm “Oklahoma và Arizona bị thiệt hại trầm trọng nhưng Pennsylvania và Tennessee thì chỉ bị hư hại bên ngoài . Tuy California bị đánh chìm nhưng chúng tôi có thể trục nó lên được không hề gì . Rất may là xưởng đóng tàu và những kho chứa dầu không bị thiệt hại gì cả

  Những người hâm mộ môn bóng cầu dục lắng nghe bài tường thuật tại chỗ của trận đấu Giants-Dodgers qua làn sóng radio là những người Hoa Kỳ đầu tiên ngoài công chúng biết được bản tin chấn động này . Lúc 2 : 26 chiều , đài WOR cho gián đoạn bài tường thuật trận đấu để phát thanh một bản tin đặc biệt . Tất cả mọi người từ bần dân hạng thứ cho đến kẻ giàu sang tột đỉnh thảy đều tỏ ra căm hận hành động của Nhật , họ dùng mọi ngôn ngữ bình dân thô tục để chữi mắng không tiếc lời . Thậm chí người ta cũng chẳng cần điều tra xem tay nào đã đốn bỏ cả hàng cây anh đào xum xuê cành lá trồng dọc theo bờ sông ở Newyork , bởi nó là món quà của chính phủ Nhật đã tặng cho Hoa Kỳ từ nhiều năm trước đây , và bây giờ lại trở thành cái đích cho họ trút bỏ cơn phẫn uất , cho dù chẳng gỡ gạt lại được tí nào đó sĩ diện của đàn anh da trắng thường tự hào là ta đây cái gì cũng nhất nhưng đã bị bọn đàn em da vàng “chơi một vố quá đau” . Rồi một cộng đồng to lớn của người Mỹ gốc Nhật đã từng sống lâu đời tại đây cũng lên tiếng phản đối chính phủ Nhật , một bức kiến nghị thư được gửi đi từ Câu lạc bộ Tozai đến Tổng Thống Hoa Kỳ “Chúng tôi là những công dân Hoa Kỳ gốc Nhật Bản hiện đang sinh sống tại thành phố Newyork và các vùng phụ cận sẽ liên kết cùng tất cả con dân Hoa Kỳ , đồng lên án sự gây hấn của Nhật Bản và hành động xâm lăng lãnh thổ Hoa Kỳ . Chúng tôi sẳn sàng tham gia và ủng hộ công cuộc chống ngoại xâm , bảo vệ quốc gia của chính phủ Hoa Kỳ” 

  Lại có một nhóm người ngang bướng từ đâu kéo tới tụ tập trước cửa Tòa Đại sứ Nhật Bản trên con đường Massachusetts . Họ điện thoại vào tòa đại sứ và yêu cầu đích danh Kurusu trả lời máy . Một người tự xưng là Ferdinand Mayer muốn nói chuyện với Kurusu . Trước khi chưa vào làm việc cho bộ ngoại giao Hoa Kỳ , Mayer và Kurusu vốn là đôi bạn chí thân khi còn ở Bá Linh . Mayer cho biết là ông ta rất lấy làm vui lòng khi được gặp lại Kurusu , nhưng không đề cập đến cuộc gặp gở này là do sự đề nghị của Đại tá Donovan , vị chỉ huy của một tổ chức tình báo , tổ chức này sẽ trở thành cơ quan OSS (Office of Strategic Service) một cơ quan chuyên hoạt động tình báo đầu tiên của Hoa Kỳ mà cũng là tiền thân của CIA sau này .  

  Kurusu trả lời điện thoại , với giọng đứt quãng anh ta bảo rằng rất cám ơn , nhưng không thích ai quấy rầy mình trong lúc này . Nhất là từ lúc có nhóm người “không mấy gì thân thiện” xuất hiện trước cửa tòa đại sứ . Nghe giọng nói của Kurusu , Mayer cũng có thể đoán ra được là cảm xúc của hắn đang bị đè nén đến tột độ và gần như là đã quá tuyệt vọng” . Quả thật Mayer đoán không sai tí nào cả , Kurusu vẫn còn cay đắng đối với Hull , người đã tỏ ra quá ngạo mạn và biểu lộ sự khinh thường mình không chút đắn đo trong cuộc gặp gở vừa rồi . Lão già ấy cứ nghĩ rằng mình đang cố gắng hết sức những gì mình có thể để duy trì hòa bình . Mọi rắc rối xảy ra đều do cả hai Hoa Kỳ và Nhật Bản , họ như những đứa con nít háo thắng trong khi ngoại giao thì cũng chẳng già dặn chính chắn gì hơn để bây giờ hai đứa con nít nhảy vào chơi một trò chơi chiến tranh khờ khạo với nhau là đúng lắm .     

  Ngay buổi tối hôm ấy (07 tháng 12) toàn bộ nhân viên sứ quán Nhật Bản bị đưa vào ở chung trong một khách sạn sang trọng dưới sự kiểm soát chặc chẻ của nhân viên an ninh và ông phụ tá bộ ngoại giao Hoa Kỳ là Adolf A.Berle . Đại sứ Nomura ngõ lời yêu cầu xin một thanh gươm Nhật nhưng Berle từ chối ngay vì ông chỉ e nếu Nomura dùng gươm tự sát thì sự an nguy của Đại sứ Grew ở Đông Kinh sẽ không được bảo đảm .

  Cũng trong đêm ấy , lúc 8:30 Nội các Hoa Kỳ cho triệu tập một phiên họp đặc biệt ngay trong “căn phòng màu hồng” trên tầng thứ 2 của Tòa Bạch Ốc . Tất cả thành viên trong Nội các đều ngồi trên những dãy ghế hình bán nguyệt mặt hướng về chiếc bàn của Roosevelt ở giữa . Đây là một cuộc họp tối quan trọng , có thể nói từ khi xảy ra cuộc nội chiến cho đến bây giờ Nội các Hoa Kỳ mới cho triệu tập một buổi họp đặc biệt đến như thế . Tổng Thống Roosevelt long trọng đọc lời tuyên bố lý do buổi họp , sau đó đọc lên những con số thống kê chính thức vừa được cập nhật về sự thiệt hại của Trân Châu Cảng . Rồi ông chầm chậm đọc cho mọi người nghe kế hoạch dự định sẽ mang ra trình Quốc hội vào trưa hôm sau .  

                                  ………………………………………….

 

  Tại Đông Kinh . Nội các chính phủ Nhật vừa triệu tập khẩn một phiên họp bất thường một giờ trước lúc rạng đông . Shigetaro Shimada , bộ trưởng Hải quân mở đầu phiên họp bằng bản báo cáo sơ lược những thành quả vừa đạt được ở Trân Châu Cảng . Ông đọc bản báo cáo bằng một giọng hùng hồn , khi trầm lúc bổng như gieo chú ý đến cho người nghe , để họ chiếu cố đến những phi vụ quả cảm , những chiến công hiển hách mà phi công Hải quân của ông vừa mang về cho quốc gia dân tộc . Văn bản quyết định khai chiến được soạn vội vàng , đồng ký tên và chuyển ngay đến Quản Thủ Quốc ấn .

  Viên quan Quản thủ Quốc ấn Kido , người luôn đứng về phía phản đối chiến tranh đang lái xe trên đường từ nhà đến Hoàng cung . Ông vẫn còn bàng hoàng với bản tin Trân Châu Cảng , ánh nắng hồng của buổi ban mai chiếu xiêng vào kính xe khiến cho ông cảm thấy đôi mắt chói lòa . Khi xe dừng lại đợi đèn bên ngã tư đường , Kido mở to mắt nhìn ánh thái dương mà lòng thầm cầu nguyện . Ông tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến đấng thiêng liêng , đã phò trì cho bước liều mạng đầu tiên của Nhật Bản đã đạt được thắng lợi . Là một người Nhật ái quốc , Kido cũng kỳ vọng cho một chiến thắng vinh quang sau này .

  Cách Cung điện không xa là đài phát thanh thủ đô . Thông tín viên Morio Tateno kiểm tra lại những bản tin chính trong ngày trước khi mở máy vi âm để đọc lúc 7 giờ sáng . Anh cố gắng lắm mới đè nén được những xúc cảm đang dâng trào trong huyết quản , anh trầm giọng đọc lời tuyên bố của quân đội Thiên Hoàng khai chiến với quân đội Anh và Mỹ trong vùng biển Thái Bình Dương vào rạng sáng ngày 08 tháng 12 năm 1941 .

  Bản tin được phát ra từ hàng trăm loa phóng thanh cực mạnh giăng mắc cùng khắp trong thành phố , tiếng nói trầm hùng của Morio Tateno gây chú ý cho công chúng , họ ngưng ngay mọi hoạt động để lắng nghe . Đó đây vang lên những tràng pháo tay như sấm động , du khách ngoại quốc không hiểu tiếng Nhật cũng ngẫn ngơ nhìn quanh quất một hồi rồi rùn vai chẳng hiểu . Chẳng biết trò chơi gì mà họ vỗ tay nghe vui thế ?

  Tin chiến tranh lan ra , đa số con dân thảy đều nhiệt tình ủng hộ , họp nhau xuống đường tung hô vang dậy . Nhưng ngược lại có nhiều vị lão niên , họ điềm tỉnh hơn nên âm thầm tụ họp với nhau bàn bạc một lúc rồi kéo thẳng đến trước cổng Hoàng cung , đồng quỳ xuống nguyện cầu cho một ngày chiến thắng vinh quang . Trên khuôn mặt trang nghiêm kính cẩn của những bậc lão niên này người ta chẳng hề nhìn thấy họ lộ một chút gì để gọi là hân hoan mừng rỡ . Trong gian hàng mua sắm , những người chủ sạp báo cho phô trương những bản tin “đặc biệt” . Lời rao tiếng chào , người mua kẻ bán không khí tưng bừng như ngày lễ hội . 

  Phòng làm việc của viên quan Quản thủ Quốc ấn tuy rất thoáng và rộng vô cùng nhưng hôm nay lại chật chội không khí khó thở vô cùng . Toàn bộ chỉ huy đầu não của Đông Kinh đều tề tựu hết tại đây để thảo luận và quyết định một số chi tiết quan trọng . Một vấn đề được mang ra bàn cãi lâu nhất là tại sao Hòa Lan lại không nằm trong 3 quốc gia phương Tây mà quân đội Thiên Hoàng đã tuyên chiến , và lý do gì chỉ có Anh và Mỹ mà thôi . Bàn qua cãi lại nhưng đến trưa việc vẫn chưa có câu trả lời chính xác . Thế rồi Ngoại trưởng Togo đưa ra quyết định chẳng thay đổi gì cả . Ai nghĩ sao mặc họ .

  Đến trưa thì Thiên Hoàng Hirohito đóng ấn ký hợp thức hóa quyết định khai chiến . Sau đó Hirohito còn dùng bút ghi xuống một dòng để biểu lộ sự hối tiếc của đấng Thiên Hoàng khi tình thế bắt buộc phải quyết định xuất quân đối đầu với Anh và Mỹ . Và phía dưới , ông mở ngoặc viết thêm một dòng “Tất cả vì vinh dự tổ quốc , vì Đế chế Đại Nhật Bản , hãy mạnh dạn đứng lên xây dựng một tiền đồ vinh quang” .

  Marquis Kido liếc nhìn thấy sắc diện của Thiên Hoàng không lộ vẻ gì phiền muộn lo âu . Nhưng sau buổi họp ai nấy đều ra về , còn một mình trong phòng với Kido , Hirohito chợt thở dài thườn thượt mà tâm sự rằng trái tim của ông tan nát khi đặt bút ký sắc lệnh khai chiến với Anh và Mỹ . Làm sao người ta có thể dung thứ khi quyết định trở mặt , quay lại đối đầu với những người bạn chí thiết như các thành viên trong Hoàng tộc Anh Quốc . Kido im lặng vì ông không biết phải nên trả lời ra sao .

  Cùng một lúc ấy trên đài radio quốc gia cho phát thanh bài diễn văn khai chiến của Thủ tướng Tojo . Lời văn không hoa mỹ , giọng của ông không hùng hồn nhưng rất trang nghiêm quyết liệt . Ông nói “Người Tây phương cố tạo mọi ảnh hưởng với ý đồ chinh phục cả thế giới , tham vọng bá quyền của người da trắng đã và đang lan rộng đến cả phương Đông của chúng ta . Nhiệm vụ của chúng ta là phải phá tan ý đồ đen tối của họ trước khi không còn chỗ đứng dù là ngay trên quê hương đất nước của chính mình . Phải tiêu diệt kẻ thù và tái lập trật tự trên toàn cõi Đông Á , một thử thách lớn mà quốc gia của chúng ta đang đối diện , một cuộc chiến trường kỳ mà quân đội chúng ta đang lao vào …” Số phận của Nhật Bản và Đông Á đang bị đe dọa và một trăm triệu con dân xứ Phù Tang này cũng đâu thể ngồi nhìn . Bổn phận của chúng ta cho dù có phải hy sinh đến tính mạng cũng không thể nào chùn bước , quyết lấy hết sức mình ra phục vụ cho Thiên Hoàng , cho sơn hà xã tắc .

  Chính phủ Nhật Bản e ngại tiếng súng mở màn ở bán đảo Mã Lai nổ ra sớm hơn dự định sẽ ảnh hưởng không tốt đến cuộc không tập thình lình ở Trân Châu Cảng . Nhưng việc đáng ngạc nhiên là Luân Đôn không báo động gì cả . Càng ngạc nhiên hơn là Thủ Tướng Anh Churchill cũng chẳng biết chuyện gì xảy ra ở Trân Châu Cảng , cho đến tận 2 tiếng rưỡi đồng hồ sau khi quân cảng bị tấn công ông mới nghe được qua bản tin ở đài phát thanh . Trong lúc ông cùng hai người bạn Hoa Kỳ nghỉ cuối tuần ở một trang trại vùng ngoại ô Luân Đôn . Chín giờ tối hôm ấy họ ngồi quây quần bên cái radio nghe đài BBC . Sau bản tin thời sự nóng bỏng tường thuật chiến tranh bùng nổ khắp vùng Nam Á rồi mới đọc đến một bản tin “phụ” khác là Nhật mở trận không tập vào Trân Châu Cảng .

  Hai người bạn Hoa Kỳ của Churchill ngồi chết điếng trên ghế . Một trong hai người ấy là John Winant , Đại Sứ Hoa Kỳ tại Anh quốc . Nghe bản tin như sét đánh ngang tai chỉ biết ngồi mà nhìn Churchill sững sờ . Ông thấy Churchill gục đầu im lặng , miệng liên tục rít xì gà từng hơi dài như bất tận rồi ưu tư nhìn theo những sợi khói mong manh quyện vào không gian , Giây lâu sau , ông đứng lên quay đi về phía phòng làm việc tạm . Tin chắc là vị Thủ tướng năng động sẽ điện thoại về Tổng hành dinh của ông đề nghị tuyên chuyến với Nhật Bản nên Winant gọi vói theo “Ông không thể tuyên chiến bằng radio !” Churchill vội hỏi lại “Tôi phải nên làm gì đây ?” Winant đề nghị “Để tôi gọi cho Tổng Thổng để hỏi Ngài xem thật hư thế nào đã”. Nói đoạn ông đi ngay vào phòng làm việc , gọi thẳng về Hoa Thịnh Đốn . Khi Roosevelt trả lời , Winant vội nói “Tôi có một người bạn , ông ấy muốn thưa chuyện cùng Ngài . Khi nói chuyện với người ấy Ngài sẽ biết là ai ngay” Churchill cầm lấy điện thoại “Thưa Tổng Thống . Chuyện gì đã xảy ra ?” Roosevelt biết ngay đó là Thủ tướng Churchill liền nói ngay “ Đó là sự thật . Họ tấn công Trân Châu Cảng . Tôi với Thủ tướng đang ngồi cùng thuyền đấy

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế