Máu nhuộm Trân châu cảng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Máu nhuộm Trân Châu Cảng

                   Chiếc chiến đấu cơ Zero đầu tiên bay vào không phận phía Bắc Oahu , tại mũi Kahuku vào lúc 7 giờ 48 . Trung Úy Yoshio Shiga , chỉ huy trưởng phi đoàn gồm 43 chiếc chiến đấu cơ Zero bay phía trên cùng để bảo vệ cho 3 đội hình của 3 phi đoàn đang bay phía dưới trong trường hợp bị máy bay Hoa Kỳ tấn công . Ngay phía dưới của đoàn chiến đấu cơ Zero là 49 oanh tạc cơ do Fuchida chỉ huy . Bên cánh phải là một đoàn 40 phi cơ phóng thủy lôi do trung tá Murata chỉ huy . Phía cánh trái là một đoàn 51 khu trục cơ cất cánh từ mẫu hạm Shikoku dưới quyền chỉ huy của trung tá Takahashi. Mỗi phi cơ của toán Takahashi mang theo một trái bom nặng 1,760 cân Anh .

  Trung tá Fuchida vừa chỉ huy phi đội oanh tạc cơ mà cũng là vị chỉ huy cho cả phi đoàn xuất kích đợt đầu tiên này . Ông từ từ bay lên dẫn đầu đội hình phi đoàn tiến vào mục tiêu . Trong đầu Fuchida đang toan tính cho một quyết định cấp tốc , ông đã vạch ra hai kế hoạch tấn công và đã cùng các phi đoàn trưởng thống nhất kể cả hiệu lệnh . Bây giờ chỉ cần quan sát mọi diễn biến bên dưới rồi tùy cơ mà ban phát hiệu lệnh                               .  

  Một giờ 40 phút sau khi cất cánh khỏi các mẫu hạm, các phi công của Fuchida trông thấy, qua khe những đám mây, một đường dài uốn khúc bên dưới. Ðó là bờ biển đảo Oahu với những làn sóng chồm lên bãi cát. Lúc đó là 7:40 sáng. Vài phút sau nữa Trân châu cảng và thành phố Honolulu hiện ra trước mắt họ, giống như những khối hình mầu xám nổi bật trong làn sương hồng buổi sáng. Nhìn xuyên qua lớp sương mờ mỏng, các phi công Nhật có thể trông thấy các chiến hạm của hạm đội Thái bình dương. Các chiến hạm này đậu cạnh nhau từng đôi giống như các binh sĩ đang diễn hành. Khi các phi công vươn cổ ra để đếm các chiến hạm Mỹ, họ không trông thấy một làn khói nào bốc lên từ quân cảng hoặc từ một chiến hạm nào. Tất cả quân cảng và chiến hạm dường như đang trong một giấc ngủ lười biếng của một buổi sáng chủ nhật, sau một đêm thứ bảy vui chơi .

  Fuchida và các phi công Nhật rất kinh ngạc trước sự chểnh mảng của quân trú phòng Mỹ. Sau này Fuchida mô tả lại quang cảnh buổi sáng hôm ấy như sau "Bên dưới tôi, tất cả hạm đội Thái bình dương của Hoa Kỳ nằm trong một đội hình lý tưởng để tấn công mà tôi không hề dám mơ ước trong những giấc mơ lạc quan nhất của tôi. Tôi đã được chứng kiến hạm đội Ðức tập trung tại hải cảng Kiel. Tôi đã được thấy hạm đội của Pháp tại quân cảng Brest. Tôi cũng thường thấy các chiến hạm của chúng tôi tập họp lại để Nhật Hoàng duyệt binh, nhưng tôi chưa bao giờ được trông thấy các chiến hạm, dù trong thời bình, bỏ neo gần nhau đến như thế, chỉ cách nhau khoảng vài trăm thước. Một chiến hạm trong thời chiến phải luôn luôn đề cao cảnh giác một cuộc tấn công bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng hình ảnh bên dưới kia thực là khó hiểu. Phải chăng người Mỹ chưa bao giờ nghe thấy trận tấn công bất ngờ tại Lữ Thuận?"

  Phía bên dưới quân cảng , những tổ phòng không đều bỏ trống . Ba phần tư súng trên các chiến hạm xung quanh cảng đều không có người canh gác . Duy nhất chỉ còn bốn khẩu đội phòng không 31 AA của Lục quân thì còn giữ nguyên vị trí và sẳn sàng chiến đấu , nhưng khổ nổi đạn dược đã mang cả vào kho cất đi sau mỗi lần tập dượt từ khi có lệnh bảo trì là “Đạn dược mà cứ để nằm ì phơi mưa gió như thế thì nếu không hư cũng … bị bụi bặm bẩn thỉu khó coi lắm !”

  Royal Vitousek , một luật sư đang hành nghề ở Hạ Uy Di . Hôm ấy ngày nghỉ nên cùng đứa con trai là Martin láy chiếc máy bay riêng bay quanh đảo để cùng thưởng thức bình minh , nhìn cảnh mặt trời đỏ hồng soi bóng biển xanh pha màu mây trời bàng bạc . Trong lúc dạo được một vòng quanh đảo chợt hai cha con nhìn thấy 2 chiếc phi cơ chiến đấu mang cờ dấu hiệu mặt trời . Họ không ai bảo ai cũng biết đó là máy bay của không quân Nhật , Vitousek lanh trí hạ thấp máy bay và lộn trở về phi đạo của một sân bay tư nhân gần nhà để kịp thời điện thoại báo cáo lại .  

  Trung Tá Fuchida dẫn đầu phi đoàn oanh kích tiến vào không phận Oahu , khi đến mũi Kahuku , ông lượn một vòng phía tây ngạn Oahu để quan sát kỷ rồi tiến thẳng đến vùng trời Trân Châu Cảng . Đúng 7:49 , Fuchida dùng radio liên lạc về soái hạm báo cáo đợt tấn công thứ nhất bắt đầu . Từ trên nhìn xuống , toàn bộ quân cảng vẫn im lìm không có một dấu hiệu gì cho thấy quân đội Hoa Kỳ đang phòng thủ chiến đấu . Fuchida mừng rỡ , liếc nhìn đồng hồ ông thấy đã 7 : 53 , vội liên lạc ngay về Namugo “Tora – Tora – Tora” có nghĩa là “mãnh hổ” , ý nói sẽ dùng chiến thuật tấn công theo kế hoạch thứ nhất . Theo chiến thuật thứ nhất này thì khi nhận thấy quân đội Hoa Kỳ không phòng bị gì cả , phi đoàn của ông sẽ chia nhau tung hoành trên bầu trời , trong nửa tiếng đồng hồ đầu tiên cố gắng gây thiệt hại cho địch quân càng nhiều càng tốt .

  Fuchida bắn ra một pháo hiệu ra lệnh cho phi đoàn theo kế hoạch thứ nhất . Người phi đội trưởng gần đó không nghiêng cánh phi cơ để tỏ ra nhận được hiệu lệnh nên Fuchida vội bắn thêm một pháo hiệu nữa . Shiga đang bay phía sau ông một khoảng khá xa , nhìn thấy hai pháo hiệu bắn ra thì nghĩ lầm rằng sẽ tấn công theo kế hoạch thứ nhì , ông vội chuyển hướng thẳng đến phi trường Hickam Field . Theo kế hoạch thứ nhì thì chỉ dự trù khi nào địch quân đã phát giác và phòng thủ , phi đoàn của Fuchida sẽ tấn công theo một đội hình vừa phá hoại vừa chiến đấu . Vì thế nên Shiga khi nhận được pháo hiệu vội dẫn phi đội mình bay thẳng về phi trường Hickam để nghinh địch .

  Trung Tá Kakuichi Takahashi , phi đội trưởng phi cơ đâm bổ cũng nhận lầm hiệu lệnh nên ra hiệu đổi hướng . Trong khi ấy thì phi đội phi cơ thủy lôi vẫn tiến về hướng mục tiêu đã định . Thiếu Tá chỉ huy là Shigeharu Murata là người duy nhất không nhầm lẫn hiệu lệnh , ông dùng tầng số radio ra lệnh cho toàn phi đội của mình hành động y theo kế hoạch . Đội hình phi đội thủy lôi nhanh chóng chuyển hướng nhắm thẳng mục tiêu chính của mình là quân cảng , nơi có những chiến hạm đang bỏ neo san sát đang chờ những trái thủy lôi của họ đánh xuống .

  Lúc này các chiến đấu cơ của Itaya bốc mình bay lên thật nhanh và thật cao để có thể bao quát toàn thể chiến trường, và sẳn sàng phóng xuống đánh chặn bất cứ một phi cơ Mỹ nào bay lên. Toán phi cơ thả bom của Fuchida vẫn giữ cùng một cao độ bên dưới đám mây để quan sát mục tiêu một cách rõ ràng hơn.

  Trung Úy Mori và Shiga vì nhận lầm hiệu lệnh nên chia nhau dẫn phi đội chiến đấu từ trên cao độ 15 .000 bộ lao thẳng xuống như những con diều vồ mồi , len lách xuyên qua dốc núi tiến về hướng phi trường để nghinh địch . Phi trường Wheeler Field đây rồi , nhưng tất cả căn cứ không quân đều im lặng, không một phi cơ Mỹ nào bay lên nghênh chiến, và cũng không có một khẩu súng phòng không nào lên tiếng . Doanh trại , nhà chứa máy bay và phi đạo thẳng tấp , có khoảng 200 phi cơ đang đậu thành hàng ngũ chỉnh tề , tất cả đã hiện rõ trước mắt . Mori sau một giây sững sờ rồi đảo một vòng , ông nghĩ không nên chần chờ thêm nữa nên hạ thấp phi cơ , khẩu súng máy khạc đạn quét thẳng vào những chiếc phi cơ của Hoa Kỳ đang nằm sắp hàng dưới phi đạo . Tiếng súng dàn chào đầu tiên của Trung Úy Mori là tiếng súng mở màn cho cuộc không tập Trân Châu Cảng . 

  Shiga bay theo hình chữ chi tiến về hướng quân cảng . Ông đưa mắt quan sát phía dưới , cảnh trí gợi cho Shiga liên tưởng đến một vườn bách thảo của Nhật Bản , hạm đội Hoa Kỳ sơn màu trắng xanh nhàn nhạt phản chiếu với màu xanh biên biếc của nước biển , một hình ảnh trông có vẻ nên thơ thanh bình làm sao . Một giây sau ông đã lướt qua khỏi quân cảng để tiến tới mục tiêu chính là phi trường Hickam Field .

  Ngay lúc ấy phi đội khu  trục cơ đã bắt đầu trút bom xuống Ford Island . Cứ mỗi cú trút xuống và phóng vọt lên là phía sau nó một cột khói khổng lồ ngùn ngụt bốc lên kèm theo tiếng nổ long trời . Shiga quay sang nhìn những cột khói từ từ lan rộng gần khắp cả quân cảng nhưng vẫn chưa thấy phi đội phóng thủy lôi xuất hiện . Ông cảm thấy nóng mặt tự hỏi “Không biết cái đám chết tiệt phóng thủy lôi nó chết đâu mất mà giờ này vẫn chưa xuất hiện” . Vừa lúc đó từ hướng Tây , ông thấy một đội phi cơ chầm chậm tiến tới . Shiga lại văng tục rồi nghĩ “Làm cái gì mà bay như rùa bò thế kia chứ” . Đội phóng thủy lôi tiến đến chỗ các chiến hạm lớn đang bỏ neo tại phía Đông Nam Ford Island  . Đó là một dãy bảy chiến hạm đang thả neo san sát bên nhau , năm chiếc bên trong và 2 chiếc bên ngoài cảng . Thật là một mục tiêu lý trưởng cho “bầy chuồn chuồn đến thả trứng rồi bay đi” . Sau một phút im lặng chờ đợi , một tiếng nổ long trời lở đất , chiến hạm Oklahoma lắc mạnh lên từng hồi . Nhưng chỉ một giây sau đó phải hứng thêm hai trái thủy lôi nữa khiến cho nó run mạnh và nghiêng hẳn về một bên .

  Một phi đội phóng thủy lôi khác dưới sự chỉ huy của Trung Úy Matsumura , họ đến từ mẫu hạm Hiryu . Trân Châu Cảng hiện ra trong tầm mắt của họ là những cột khói đen bốc cao ngùn ngụt . “Họ đã thành công rồi ! Bây giờ phải tìm cho ra những mẫu hạm !”  Matsumura dùng ống liên hợp ra lệnh cho phi đội của mình . Vừa ra lệnh xong Matsumura hạ thấp xuống 150 bộ bay là đà trên cánh đồng mía . Nhìn thấy phi đội phóng thủy lôi đang chao liệng trên vùng trời Ford Island giữa những cụm khói đen mù mịt , bất giác Trung Úy Matsumura văng tục ỏm tỏi và càu nhàu “Chúng mày ngu bỏ mẹ cứ lo đánh bậy đánh bạ khói che khuất mất mục tiêu chính rồi còn gì” . Sáu bảy chiếc phi cơ đang bu quanh lấy một chiến hạm to tướng , từ xa trông nó như một mẫu hạm nằm bên bờ Tây Bắc Ford Island , Matsumura thốt lên trong tức tối “Đồ ngu như bò !” . Trước khi cất cánh , Matsumura đã cảnh cáo cho toàn phi đội biết là đừng uổng phí thời gian và bom đạn đánh đắm chiến hạm này làm gì , vì nó chỉ là một mẫu hạm già nua lỗi thời mang tên Utah , một cái bia hứng bom đạn chỉ dành cho phi công tập dượt mà thôi .

  Matsumara càu nhàu xong lại bay vòng trở lại phi trường Hickam , chỉ e ở độ cao 500 bộ như thế này phi cơ của mình có thể hút phải những chiến hạm trên cảng cho nên anh ta lòn lách xuyên ngang phi đội phóng thủy lôi đến từ mẫu hạm Kaga  và Akagi . Một vài phi cơ bạn bị trúng đạn địch bốc cháy nhưng những phi công gan lì ấy vẫn ráo riết tìm cách đâm bổ vào mục tiêu của địch . Hình ảnh oai hùng ấy càng nung nấu niềm hăng say trong lòng anh Trung Úy phi công trẻ , “Mình cũng phải hành động như thế nếu không may lọt vào hoàn cảnh ấy mà thôi” . Anh tự nhủ trong khi đang bay là đà ngang một bồn chứa nước , qua khỏi bồn nước anh hạ thấp phi cơ xuống cao độ 100 bộ và hướng thẳng về phía một chiếc thiết giáp hạm đang neo bên ngoài cảng – Đó là West Virginia . Thông thường thì phi công tự tay bấm nút thả thủy lôi , nhưng hôm nay , để không phạm một lỗi lầm nào thì chuyên viên thả bom sẽ thay phi công làm công việc ấy . Matsumura nói qua ống liên hợp “Chuẩn bị” . Xong anh ta ra lệnh “Bắn” . Trái thủy lôi buông mình phóng xuống trong khi Matsumura kéo cần lái điều khiển phi cơ bay bốc lên . Anh hỏi lớn “Thủy lôi phóng thẳng vào mục tiêu chứ ?” . Anh hỏi câu này để chắc chắn rằng trái thủy lôi vừa phóng ra không đâm sâu và dính chặc dưới đáy biển như anh hằng lo nghĩ .

  Matsumura  cho phi cơ bốc lên cao rồi quẹo về phía phải để có thể ngoái nhìn xuống kiểm chứng lại kết quả . Phía dưới , trên mặt nước biển loang loáng màu dầu , thủy thủ Hoa Kỳ từng nhóm , từng nhóm bám víu vào nhau bì bõm cố bơi vào bờ . Anh cho phi cơ nghiêng đi một tí thì nhìn thấy một cột nước trắng xóa bắn tung lên từ chiến hạm Virginia .

   Đây chính là kết quả khả quan đến từ những tháng dài gắng công miệt mài tập dượt .

  Trung Úy Mori cứ đảo vòng quanh bầu trời Oahu để tìm một mục tiêu xứng đáng cho mình . Anh cho phi cơ bay là đà sát mặt đất nhưng chỉ phát giác ra có mỗi một tuần dương hạm đang thẻ neo phía bên kia bờ Ford Island . Chán nản quá nên Mori mới nghiêng đầu quay trở lại hướng về phía chiếc thiết giáp hạm California , chiếc cuối cùng của dảy thiết giáp hạm đang thả neo trong quân cảng . Chợt ngay lúc ấy một con đê ngăn sóng biển hiện ra lù lù trước mắt ngăn cách anh với mục tiêu . Phi cơ của Mori chợt cất mũi lên rồi quanh vòng phía trên chiến hạm Utah . Từ trên nhìn xuống , một cảnh hoang tàn đổ nát hết sức thương tâm , Utal , một chiến hạm oai vũ hiên ngang từng tung hoành ngang dọc mà bây giờ hình thù lại trở nên dị dạng , trông giống như ai đả bẻ nó gập lại làm đôi . Xung quanh nó , thủy thủ còn sống sót níu kéo nhau kêu la ơi ới . Tiếng rên xiết kêu la hòa theo tiếng bom rền đạn réo , khói lửa mù trời , thật là một cảnh náo loạn chưa từng thấy nơi vùng hải đảo từng nổi danh là thiên đàng nơi hạ giới này .

  Mori hạ phi cơ xuống thấp 15 bộ và tiến thẳng đến chiếc thiết giáp hạm California từ một góc độ khác . Trái thủy lôi vừa được phóng ra khỏi bệ thì Mori tức thì điều khiển phi cơ bốc lên cao độ an toàn trong khi người xạ thủ cố gắng quay lại chụp hình lúc trái thủy lôi phát nổ . Mori cố cho phi cơ bay vòng theo phía trái nhưng khốn nỗi một cột khói đen khổng lồ bốc lên từ Ford Island khiến cho anh không nhìn thấy gì cả , nếu lao thẳng tới thì gặp phải phi đội thủy lôi từ 2 mẫu hạm Akagi và Kaga . Không còn chọn lựa nào khác , với nhiều năm kinh nghiệm của một sĩ quan phi công , Mori tỏ ra bình tỉnh điều khiển chiếc phi cơ phóng nhanh thẳng về phía trước ngược chiều với phi đội thủy lôi đang vùn vụt lao đến . Anh khéo léo lòn lách né tránh trong đường tơ kẻ tóc mới thoát ra được khoảng an toàn nhưng phi cơ của anh cũng bị chòng chành như mất sức điều khiển trong vùng không khí bị hổn loạn ấy . Lúc đó đạn phòng không từ dưới đất bắn lên rất rát , phi cơ của anh là mục tiêu hứng từng loạt đạn . Viên xạ thủ bị một viên xuyên qua cánh tay và ghế ngồi của anh cũng bị rách nát , tuy nhiên họ vẫn còn may mắn vì không có một viên đạn nào bay trúng bình xăng .

  Đoàn oanh tạc cơ xuất hiện khi toàn bộ quân cảng ngập tràn trong khói lửa . Họ quần thảo phía trên những chiến hạm khói lửa ngùn ngụt . Trong đợt oanh tạc này chiếc thiết giáp hạm Oklahoma lảnh trọn trái bom nặng 1.760 cân Anh , bom rơi trúng ngay hầm đạn nên phát nổ dữ dội . Phi đội trưởng Heijiro Abe , người vừa đánh trúng mục tiêu chỉ kịp nhìn thấy một tia lửa phọt lên từ sàn tàu rồi muôn ngàn tiếng nổ chát chúa liên tiếp theo sau .

                                             ……………………………………..

   Luật sư Vitousek , người vừa phát giác ra phi cơ Nhật trên không phận Hạ Uy Di đã vội trở về . Chỉ mười lăm phút sau đó ông đã điện thoại vào văn phòng của bộ chỉ huy không lực Hoa Kỳ để báo cáo sự tình . Các sĩ quan trực đều tỏ ra không sốt sắng trước lời báo cáo khá mơ hồ của một vị luật sư chẳng có tí kinh nghiệm gì về chiến trận này . Họ đều cho ông là hoa mắt nên nhìn lầm , vì thế nên không đếm xỉa đến bản tin ấy nữa .

  Cho đến khi tiếng nổ kinh hồn của trái bom đầu tiên rơi xuống phi trường Wheeler Field đánh thức Trung Úy Robert Overstreet , thuộc Tổ 696 Ban quân nhu Không quân , lúc này ông còn đang nằm ngủ trong một doanh trại dành cho sĩ quan độc thân . Nghe tiếng nổ long trời , ông ngồi dậy định thần một chốc rồi tự nhủ có lẽ là do một cơn địa chấn ở gần đâu đây cũng nên . Cho đến khi nghe bên ngoài có tiếng la thất thanh “Phi cơ của không quân Nhật đánh bom !” Rồi có ai đó lại nói “Không , không phải đâu . Đấy chính là Hải quân họ đang tập trận đó thôi !” . Vừa lúc đó thì cửa phòng cửa Overstreet chợt mở toang và một người bạn thò đầu vào , khuôn mặt của hắn trắng bệt vì sợ hãi miệng thì lấp bấp “Tôi nghĩ là mình bị tụi Nhật nó tấn công !” . Overstreet tung chăn bật dậy chạy ra cửa sổ để nhìn , trên bầu trời trong xanh của buổi bình minh xuất hiện vô số phi cơ sơn màu ô-liu . Một phi cơ bay thật thấp đến độ anh có thể nhìn thấy cả phi công và gả xạ thủ . Nhìn vào thân phi cơ có vẽ hình mặt trời với những sợi lửa màu đỏ thì Overstreet không còn giữ được nét bình tỉnh nữa , anh mặc vội quần áo và lao nhanh ra ngoài doanh trại nhập vào nhóm phi công đang chạy ra phi đạo lên phi cơ nghinh địch .

  Trung Úy Harry Brown dẫn đầu nhóm phi công ấy , một tiếng nổ chát chúa , anh khựng lại và đưa mắt căm hờn nhìn những chiếc phi cơ đang đậu gần đó bốc cháy khỏi tỏa ra mù mịt . Brown lại hô lớn như ra lệnh “Chúng ta hãy đi qua bên Haleiwa” . Haleiwa là một phi trường phụ , một bãi cỏ hướng về bờ biển phía Bắc , chỉ có vài chiếc chiến đấu cơ P-40 và P-36 . Dứt lời Brown cùng đồng bọn nhảy lên chiếc xe Ford mui trần rồ ga vọt thẳng . Trung Úy George Welch và Kenneth Taylor trên một chiếc xe khác cũng bám sát theo sau .

  Bom vẫn nổ rền trời , Overstreet cố chen lấn len qua đám hỗn độn để chạy tới khu vực đại bản doanh phi đoàn . Thiếu Tướng Howard C.Davidson , sĩ quan chỉ huy pháo đài chiến đấu và Đại Tá William Flood , chỉ huy trưởng căn cứ vẫn còn đứng ngay bên cửa trong bộ đồ ngủ . Họ ngước nhìn lên bầu trời với vẻ mặt rất đổi kinh hoàng . 

  Đại Tá Flood miệng càu nhàu “Hải quân họ chết tiệt đâu rồi cà ?” “Mấy đứa con của mình cũng không còn đứa nào hết sao ?” . Overstreet vội chạy tới , khi còn vài bước thì anh gào to lên “Thiếu Tướng hãy ra khỏi nơi này ngay” . Lúc này Overstreet đã tới bên Thiếu Tướng , anh chỉ lên trời và nói “Máy bay của họ có trang bị súng máy phía sau , đừng đứng ở đây họ sẽ bắn vào đấy Thiếu Tướng” . Ngay trong lúc ấy Tướng Davidson chợt trừng mắt lộ vẻ kinh hoàng khi ông nhìn ra ngoài sân , thấy hai cô con gái song sinh mới 10 tuổi  của mình đang tung tăng ngoài sân cỏ tranh nhau lượm những vỏ đạn rơi rớt vung vãi từ trên phi cơ Nhật , họ vô tư cứ lo tranh giành với nhau từng võ đạn giống như đi tìm trứng trong dịp lễ Phục Sinh . Davidson hò hét bảo vợ ra mang hai đứa con cưng vô nhà rồi mới chạy đi tìm cách nghinh địch . Không còn một chiếc phi cơ nào có thể cất cánh được , chúng nằm la liệt những đống sắt vụn không hơn không kém . Hoặc giả nếu có cất cánh lên được thì cũng chỉ để chạy thôi vì kho đạn đã chìm trọn trong biển lửa , tiếng đạn bị lửa đốt nổ vang một góc trời 

  Mười lăm dặm về hướng Nam , phi trường Hickam Field lúc ấy có hai chuyên viên bảo trì đang đi về hướng những chiếc phi cơ đang đậu . Jesse Gaines và Ted Conway , sáng hôm nay họ cố thức dậy thật sớm để ra sân bay vì muốn tận mắt chứng kiến phi đội pháo đài bay B-17 , vì họ chưa bao giờ được trông thấy loại phi cơ tối tân ấy bao giờ . Đúng 7:55 sáng một đội hình phi cơ xếp thành hình chữ V xuất hiện ở bầu trời phía Tây , hai người ngẩn người ra nhìn và bất thình lình Gaines trông thấy có một vật gì rơi xuống từ thân phi cơ . Còn đang chăm chú theo dõi thì Conway kéo anh ta vật xuống và hét lên “Mày điên rồi sao mà đứng đó ? Mau chạy kẻo bom nổ tan xác bây giờ !”     

  Họ đồng kéo nhau chạy về một bản doanh 3 tầng của Không quân gần đó . Khi quả bom đầu tiên phát nổ thì Đại Tá James Mollison , tham mưu trưởng Không quân tại căn cứ Hạ Uy Di đang đứng trong phòng tắm cạo râu . Ông chạy ào ra văn phòng chụp điện thoại và gọi ngay cho Đại Tá Walter C.Phillips cùng Tướng Short để báo cáo Nhật đang tấn công . Phillips giọng mĩa mai đáp “Jimmy , bộ ông loạn trí rồi hay sao mà ăn nói hàm hồ thế hử ?” Mollison không nói gì cả chỉ đưa ống nói ra phía ngoài để cho Phillips nghe rõ âm thanh vang dội của những tiếng bom long trời lở đất . Phillips bàng hoàng chết lặng , một lúc sau ông mới nói được “Tôi sẽ gửi sĩ quan liên lạc đến đó ngay !” Cùng lúc ấy một quả bom phát nổ gần đó , trần nhà nơi Mollison đang đứng bỗng run lên bần bật rồi tất cả đổ ụp xuống , chỉ trong nháy mắt tất cả chỉ còn lại một đống gạch vụn .

  Cách đấy hai dặm ngược về hướng Bắc , phi trường Ford Island . Khi trái bom đầu tiên rơi xuống , tiếng nổ long trời của nó không hề làm bận tâm cho những nhân viên đang có mặt ở đây , họ thờ ơ coi đó như một tai nạn như những tai nạn bom đạn hằng xảy ra . Cho đến khi nhà cửa , doanh trại rung chuyển và những loạt bom vang dội chấn động khắp nơi thì họ mới ngộ ra và biết đây sự thật không phải là tai nạn . Chỉ vài phút sau toàn bộ căn cứ Hải quân ở Ford Island và Kaneohe , căn cứ Lục quân ở Wheeler , Bellows và Hickam cũng như căn cứ Thủy quân lục chiến ở Ewa đều bị tê liệt . Ngoài 30 chiến đấu cơ của phi đội trực thuộc Lục quân có thể cất cánh nghênh địch , còn lại không có một phi cơ nào của Hải quân cả .

   Ba phút sau khi quả bom đầu tiên phát nổ , các nơi điện thoại báo cáo thẳng về tổng hành dinh của Đô Đốc Kimmel . Phó Đô Đốc Patrick Bellinger lên tiếng kêu gọi từ phi trường Ford Island

  “Trân Châu Cảng bị không tập bất ngờ

  Đúng 8:00 giờ , Đô Đốc Kimmel điện báo về Hoa Thịnh Đốn , Đô Đốc Hart cũng như toàn thể lực lượng Hải quân khắp nơi . Bản tin Trân Châu Cảng bị tập kích bất ngờ được đánh đi trong khi khói lửa trên bầu trời quân cảng càng lúc càng bốc cao ngùn ngụt .

  Ngoài kia bình minh đang lên , ánh dương quang trải rộng như một tấm thảm màu hồng in trên mặt biển lung linh . Trước một quang cảnh thiên nhiên diễm tuyệt như thế nhưng cư dân trên hải đảo đã không còn tâm trí nào để thưởng thức , họ cuống cuồng vì tiếng gào thét của phi cơ và thanh âm khủng khiếp của từng loạt bom như những cơn địa chấn liên miên  bất tận . Những con chim hải âu vốn sống cả đời trong cảnh thanh bình êm ả , bất giác sáng nay cũng phải giật mình đập cánh xa bay cố trốn chạy những con chim sắt dị kỳ từ đâu bay tới mang theo những tiếng nổ kinh thiên động địa và khói lửa ngất trời .

  Cách chỗ neo những chiến hạm không xa lắm , trên một chiếc tàu chở dầu mang tên Ramapo . Khi chợt trông thấy vô số phi cơ xuất hiện trên bầu trời , theo sau đó là tiếng bom nổ cùng khắp , Yeoman và Graff là hai thủy thủ trên tàu không biết nên xử trí thế nào nên cứ đứng trơ ra phổng đá mà nhìn . Bỗng họ chợt té ngồi xuống sàn tàu bởi sức gió của một chiếc phi cơ vừa nhào xuống bay ngang quá gần chỗ họ đứng và đâm sầm vào chiếc Thiết giáp hạm California , chiếc đầu tiên trong 7 chiếc thiết giáp hạm đang thả neo cùng một dãy gần đó . Rồi họ chợt trông thấy hai chiếc phi cơ phóng thủy lôi xuất hiện ngay trên đầu họ đang lao thẳng về phía Ford Island , nơi có hai chiếc thiết giáp hạm Marryland và Oklahoma đang thả neo . Thủy lôi không tài nào đánh trúng được Maryland vì nó neo ở phía trong , nhưng phía ngoài nó là chiếc Oklahoma thì chỉ trong một phút đã hứng chịu tất cả 4 trái thủy lôi . Chỉ sau một loạt tiếng nổ , chiếc thiết giáp hạm khổng lồ nghiêng hẳn về một bên . Chỉ huy trưởng Kenworthy , một sĩ quan kỳ cựu trên tàu ra lệnh tất cả phải tức tốc thoát hiểm bằng cách nhảy tòm xuống biển . Chỉ trong chốc lát nó nghiêng đổ về một bên đưa cả chân vịt lên khỏi mặt nước . Phía dưới ấy có khoảng hơn 400 thủy thủ còn kẹt lại và bị chôn sống dưới tay thủy thần . Trong dãy 7 chiến hạm đang neo bên trong quân cảng , cũng như Maryland , Tennessee và West Virginia cũng neo ở ngay giữa hàng nên thủy lôi không thể nào đánh vào được . Trên tháp chỉ huy của chiếc thiết giáp hạm West Virginia , xác của vị thuyền trưởng Mervyn Bennion bị bẻ quặt làm đôi , cặp mắt trợn trừng tức tưởi . Có lẽ ông ra đi không đành lòng vì chưa kịp nhận ra một mảnh bom oan nghiệt từ đâu bay đến xé toạt cả phần bụng dưới kết liễu đời mình .

  Cùng thả neo song song với chiếc West Virginia là hai chiếc tuần dương hạm Arizona và Vestal (Vestal đang trong tình trạng tu bổ) . Khi phi cơ phóng thủy lôi vừa đánh trật chiếc Arizona thì chỉ ba phút sau đội oanh tạc cơ trờ tới , có tất cả 5 quả bom hạng nặng đánh trúng vào Arizona . Một trái rơi xuyên qua boong tàu chui vào tận hầm chứa dầu rồi mới phát nổ . Sau một tiếng nổ dữ dội , lửa khói tràn lan . Khoảng hai ngàn ký thuốc nổ đang chứa trong một hầm cách ly gần đó bị lửa cháy tới nên phát hỏa dữ dội , từ xa trông vào Arizona thật không khác gì một hỏa diệm sơn đang hoạt động . Chỉ trong khoảnh khắc sau đó , chiếc tuần dương hạm khổng lồ bỗng dưng như nãy ngược lên một cái rồi gãy ra làm đôi . 36 ngàn tấn nặng nề như một quả núi đỏ lửa chìm sâu vào lòng quân cảng , để lại một vùng mênh mông đầy bọt nước lẫn khói đen sôi trào sùn sục . Một cảnh tượng khủng khiếp chỉ xảy ra không đầy 10 phút , có ai dám nghĩ dù chỉ một trong số 1,500 thủy thủ hiện có mặt trên chiến hạm xấu số ấy có thể thoát nạn được . Bên cạnh Arizona , chiếc Nevada cũng không được may mắn gì hơn khi bị trúng phải một trái thủy lôi nằm chúi mũi và một quả bom hạng nặng đánh trúng tháp chỉ huy .

  Quang cảnh hỗn độn chưa từng thấy , dọc theo chỗ chiến hạm bỏ neo , giữa tiếng nổ rềnh trời và lửa khói mù mịt , người ta kêu nhau ơi ới . Thủy thủ trên tàu tranh nhau thoát nạn bằng cách nhảy xuống nước , cố bơi chỉ một khoảng cách ngắn là vào được Ford Island . Nhưng với cách thoát thân duy nhất ấy cũng khó mà vượt qua được bởi lẽ lềnh bềnh trên mặt nước là lớp dầu loang , có nhiều nơi lớp dầu ấy dày đến cả gang tay . Đó mới là mối họa cho những thủy thủ còn sống sót sau trận bom vừa rồi , lửa gặp dầu bắt cháy khủng khiếp và lan nhanh như gió đốt chết đa số những người đang cố bơi vào bờ .

   Ngay lúc ấy phía bên kia bờ Ford Island , phi đội phóng thủy lôi vẫn còn bu quanh tấn công chiếc hạm Utah , một mẫu hạm lổi thời chỉ để làm mục tiêu cho những cuộc tập dượt . Vốn đã quá cũ kỷ và không hề được tu bổ nên sau khi bị trúng vài trái thủy lôi Utah đã nghiêng hẳn về một bên rồi lật úp . Trên Ford Island , người ta còn nghe rõ những tiếng gõ yếu ớt vào thành tàu kêu cứu của những thủy thủ bị kẹt lại trong ấy . Lúc đó là 8:12 sáng .

  Duy nhất chỉ có mỗi một chiếc hạm trong tất cả chiến hạm đang bỏ neo tại quân cảng chạy thoát ra được , đó là chiếc khu trục hạm mang tên Helm . Nó đang cố gắng xả hết tốc lực 27 hải lý một giờ hướng ra cửa quân cảng mong thoát ra vùng an toàn . Chính ở cửa miệng quân cảng vốn có gắn một hệ thống lưới chống thủy lôi , tấm lưới này đã mở sẳn từ sáng sớm cho hạm Condor rời cảng nhưng không biết vì lý do nào đó mà họ không đóng lại (sau này cũng chẳng có ai cho biết rõ nguyên nhân) . Cũng nhờ thế mà chiếc tiểu tiềm thủy đỉnh của Nhật mới có thể lẻn vào bên trong quân cảng . Đó là chiếc tiểu tiềm thủy đỉnh bị Hải quân Hoa Kỳ phát giác và bắn vào tiềm vọng kính lúc đêm tối . Sau khi bị tấn công , nó lặn xuống nằm im nhưng một hồi lâu không thấy động tỉnh gì , nghĩ rằng âm mưu của mình chưa bại lộ nên khi tấm lưới trước cửa cảng vừa mở ra thì nó đã lẻn vào nằm im , chờ thời cơ nhào lên tấn công . Khi nhìn đồng hồ , thấy đã quá thời điểm tấn công của phi cơ nên Sakamaki , chỉ huy trưởng tiểu tiềm thủy đỉnh quyết định điều khiển cho nó trồi lên khỏi mặt nước . Trước mắt hắn là một biển lửa đỏ rực cùng những cột khói đen cao tận trời . Hắn mừng rở nói với viên sĩ quan phụ tá “Quân ta đã tấn công . Nhìn kìa , thật tuyệt vời làm sao , hạm đội địch đua nhau phát hỏa ! Tụi mình cũng phải cố gắng làm sao cho xứng đáng như bọn họ chứ . Phải không ?” Lúc 8:15 , Sakamaki mừng rở khi trông thấy khu trục hạm Helm chạy ra hướng cửa cảng . Suy nghĩ một chốc rồi hắn quyết định không đếm xỉa gì tới Helm nữa , hai trái thủy lôi của mình để dành vào những mục tiêu quan trọng hơn , xứng đáng hơn . Nghĩ vậy nên Sakamaki cho tiềm thủy đỉnh lặn sâu xuống nước nằm chờ , nhưng khi vừa lặn xuống chưa được bao lâu thì đáy của tiềm thủy đỉnh đụng phải lớp đá ngầm . Hắn điều khiển cho nó lui lại và thử lần nữa . Lần này chiếc tiểu tiềm thủy đỉnh bị va vào lớp san hô quá dày nên phần cuối của nó bị đẩy ngược lên khiến cho tiềm vọng kính nhô cao lên khỏi mặt nước . Bỗng một tiếng nổ dữ dội vang lên ngay trên đỉnh đầu khiến cho toàn thân tiềm thủy đỉnh bị chấn động mạnh , đầu của Sakamaki đụng phải một vật cứng khiến cho hắn bất tỉnh ngay tại chỗ . Mấy phút sau Sakamaki mới bừng mắt tỉnh dậy thì thấy chung quanh buồng lái tí hon của mình đã chìm trong một màn khói trắng cay sè , khiến cho đôi mắt hắn trĩu xuống , miệng khô môi đắng và đầu óc choáng váng khó chịu vô cùng . Tuy vậy nhưng Sakamaki vẫn cố tập trung hết tinh thần vào sự điều khiển chiếc tiểu tiềm thủy đỉnh , chỉ mong cho nó thoát ra khỏi vùng san hô quái ác này .

  Trong khi ấy thì khu trục Hạm Helm tiếp tục dùng đủ hỏa lực bắn xối xả vào tiểu tiềm thủy đỉnh cho đến khi nó trượt ra khỏi vùng san hô và lặn mất .

  Bên trong quân cảng , một tiểu tiềm thủy đỉnh khác cũng vừa nhô lên khỏi mặt nước , ngay phía Tây Ford Island . Lúc này đồng hồ đã điểm 8:30 sáng , khi quân đội Hoa Kỳ đã hoàn hồn và chấn chỉnh lực lượng để phản công . Khi chiếc tiểu tiềm thủy đỉnh vừa nhô lên thì bị Hải quân Hoa kỳ phát giác ngay và lập tức bao nhiêu hỏa lực gần đó đều đổ dồn về nó . Hai trái thủy lôi từ chiếc tiểu tiềm thủy đỉnh bắn vào hai mục tiêu khác nhau nhưng không gây thiệt hại nào đáng kể . Chiếc khu trục hạm Monaghan chạy lao tới tông thẳng vào tiểu tiềm thủy đỉnh , một thoáng sau không ai nhìn thấy tâm dạng của nó ở đâu cả . Có lẽ nó đã phóng ra hết hai trái thủy lôi , nhiệm vụ đã hoàn thành mặc dù chẳng đánh đấm được một chiến hạm nào nhưng kẻ thù đang lao tới tấn công nếu không lặn trốn ngay thì còn chần chờ gì nữa .

  Phi đội chiến đấu Zero của Shiga đang đảo vòng trên cao độ 8 ngàn bộ trên bầu trời Hickam chờ phi cơ địch xuất hiện thì nhào xuống tấn công . Nhưng đợi mãi mà chẳng thấy một phi cơ chiến đấu nào cất cánh nghinh địch cả . Ngước nhìn về phía Đông , Shiga trông thấy một chiếc máy bay Hoa Kỳ , thân màu vàng đang bay vào từ bờ biển . Shiga không để ý gì đến nó nữa , nhưng không bao lâu sau đó hắn phát giác ra 6 chiếc phi cơ khổng lồ 4 động cơ đang tiến tới hình như muốn đáp xuống phi trường Hickam .

  Đây là nhóm đầu tiên trong 12 chiếc pháo đài bay đến từ California . Nhìn thấy phi đoàn chiến đấu cơ Zero đang vần vũ trên cao độ của bầu trời Hickam , Thiếu tá phi đội trưởng phi đội pháo đài bay Truman Landon lại nghĩ Không Lực Hoa Kỳ đang cất cánh chào đón phi đội của mình nên chuyển hướng lại gần , đến một khoảng cách mà ông có thể nhìn thấy rõ lá cờ mặt trời và họng súng máy đen ngòm thì bật dậy phát lệnh cho cả phi đội “Chúng ta lầm rồi , họ là máy bay của không quân Nhật” . Phi đội của Landon vội nhanh chóng tản ra , một chiếc hướng về phía Bắc để đến Bellows , 3 chiếc còn lại đáp vội vàng xuống phi trường Hickam . Tất cả 4 chiếc trong phi đội đều hạ cánh an toàn nhưng 1 chiếc bị bắn gãy đôi bởi những cánh quân bạn đang chống trả dưới đất .

  Bấy giờ Shiga mới phát lệnh cho phi đội của mình bắt đầu bắn phá phi trường Hickam , họ lao xuống thi nhau nã đạn vào những chiếc phi cơ đang đậu thành hàng nơi phi đạo . Bắn phá một chập họ mới bay là đà ra hướng biển cốt để tránh đạn phòng không của địch và từ đó lại lao vào bắn phá tiếp . Shiga ngạc nhiên không ít khi phát giác ra cho đến lúc này , nghĩa là nửa tiếng đồng hồ sau khi cuộc tấn công bắt đầu , đã không có một khẩu súng phòng không nào từ dưới đất bắn lên cả và toàn thể phi đội của mình nãy giờ vẫn bình an làm mưa làm gió như chỗ không người . Sau khi bắn phá đến ba lượt , bom đạn đã cày nát phi trường Hickam , Shiga mới quyết định chuyển hướng sang phi trường Ford Island , nhưng bầu trời ở đây đang bị những cụm khói đen che khuất , Shiga vội hướng dẫn phi đội của mình sang phía doanh trại thủy quân lục chiến gần Barbers Point , phía Tây Nam . Bất cứ nơi nào phi đội Zero chiếu cố thì chỉ một khoãnh khắc sau sẽ trở thành bình địa . Họ chịu rời khỏi khi nào phía dưới chẳng còn mục tiêu nào để thanh toán nữa .

  Phi đội phóng thủy lôi bấy giờ đã không còn gầm rú trên bầu trời Trân Châu Cảng , các mục tiêu chính đã bị triệt hạ nên phải chia nhau bay về các ngã khác nhau để tìm mục tiêu mới , nếu thấy có gì hấp dẫn thì nhào xuống đánh tiếp . Trung Úy Mori sau khi đánh chìm chiếc thiết giáp hạm California , khi vừa lấy lại cao độ thì anh ta đã nằm trên bầu trời Honolulu . Anh biết đây là khu dân cư thuộc khu vực cấm oanh kích nên đánh vòng lại khu vực quân cảng . Vừa lúc ấy thì tiếng nói của gả xạ thủ vang lên trong ống liên hợp “Mori , một chiếc phi cơ lạ xuất hiện phía sau chúng ta” . Mori quay lại nhìn thì thấy một chiếc máy bay nhỏ bé với hai tầng cánh màu vàng thì anh ta ra lệnh cho viên xạ thủ “Cứ bắn dọa , đuổi cho nó bay đi nơi khác đi !”

  Về phần Trung Úy Matsumura , sau khi đánh trúng tuần dương hạm West Virginia , anh cho phi cơ vòng lại hướng Nam , vừa lúc trông thấy khu trục hạm Helm của Hải quân Hoa Kỳ đang tấn công vào chiếc tiểu tiềm thủy đỉnh của Sakamaki . Định bụng sẽ nhào xuống thanh toán chiếc khu trục hạm địch nhưng kịp nhớ ra số thủy lôi trên phi cơ mình đã phóng hết nên đành phải bay quanh mà nhìn .

  Chiếc phi cơ của Trung Tá phi đoàn trưởng Fuchida vẫn đảo quanh trên bầu trời Trân Châu Cảng . Từ trên cao nhìn xuống trận địa , trong đầu ông đang tính nhẩm một bài toán về sự thiệt hại mà phi đoàn của mình đã gieo cho địch quân trong khoảng thời gian chỉ hơn ba mươi phút . Toàn bộ chiến hạm đang thả neo trong quân cảng bị hủy diệt , ngoài những chiếc đã chìm , phần còn lại trên mặt nước cũng phát hỏa bốc cháy khủng khiếp .

  Đúng 8:55 , từ bầu trời phía đông , phi đoàn xung kích đợt hai đang ồ ạt tiến tới Trân Châu Cảng : 80 phi cơ đánh bom bổ nhào , 54 phi cơ oanh tạc và 36 chiến đấu cơ . Phi đoàn 170 phi cơ dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Shigekazu Shimazaki vừa trông thấy pháo lệnh tấn công tức thì chia ra hai đội , cùng nghiêng cách lướt qua khỏi ngọn núi phía Đông Honolulu tiến thẳng vào Trân Châu Cảng , nơi những chiến hạm đang thả đang bốc cháy ngùn ngụt và một đội khác hướng đến xưởng đóng tàu số một , nơi chiếc thiết giáp hạm thứ 8 là Pennsyvania đang thả neo .

  Một mục tiêu quan trọng là chiếc hạm Nevada , nó đang di chuyển chậm chạp ngang qua Arizona , một tuần dương hạm đang chìm trong biển lửa . Tuy khi bị trúng một trái thủy lôi của đợt không tập vừa rồi nhưng chiếc Nevada vẫn còn tri trì được , nó cố gắng vượt ra khỏi biển lửa . Khi di chuyển ngang qua chiếc Oklahoma , những thủy thủ còn sống sót trên chiến hạm ấy vội chạy ra lan can vẫy tay kêu cứu . Cảnh tượng thê thảm ấy không tài nào lọt qua khỏi những đôi mắt cú vọ của những phi công Nhật đang bay vòng trên đầu và chăm chú nhìn họ , tức thì không đầy 3 phút , 6 trái bom đồng loạt đánh trúng vào một mục tiêu . Chiếc Nevada bị bốc cháy và trôi dạt sang bờ biển đối diện , cách xưởng sửa chửa và chiếc Pennsylvania không xa mấy .

  Lại thêm một phi đội thứ 2 tức 6 chiếc pháo đài bay còn lại của Không quân Hoa Kỳ từ California bay ra . Lúc vừa tiến vào vùng trời của bờ biển Waikiki , Đại Úy Richard Carmichael , phi đội trưởng nhìn thấy có nhiều phi cơ vần vũ trên bầu trời Trân Châu Cảng , thoạt đầu ông nghĩ rằng Hải quân đang diễn tập cho đến khi nhìn thấy phía dưới quân cảng khói lửa ngút trời và hướng phi trường Hickam cũng thế . Đại Úy Richard hốt hoảng gọi ngay đến trạm không lưu để xin phép hạ cánh . Tiếng Thiếu Tá Gordon Blake vang lên từ tổng đài dưới đất “Hạ cánh từ hướng Tây” Rồi ông lại nói như ra lệnh “Cẩn thẩn . Phi trường đang bị tấn công

  Nhưng đến lúc Richard hạ thấp phi cơ định đáp xuống thì những loạt đạn phòng không từ phía dưới bắn lên rất rát khiến cho ông phải cất cánh hướng về phía Bắc để đến phi trường Wheeler . Ở đây cũng đang bị tấn công nặng nề , túng quá cho nên Richard phải chuyển hướng đáp xuống Haleiwa , một phi trường phụ vỏn vẹn chỉ một phi đạo , nhưng lại quá ngắn so với loại pháo đài bay nặng nề này . Họ phải khéo léo tận dụng từng mét phi đạo và khó khăn lắm mới mang được cả 2 khối sắt khổng lồ  B-17 đáp xuống mặt đất một cách an toàn . Một chiếc B-17 khác thì đáp khẩn cấp xuống một sân gôn Kahuku gần đó , trong khi 3 chiếc còn lại vô phương chọn lựa nên phải đáp bừa xuống phi trường Hickam . Khi chiếc B-17 đầu tiên đáp xuống phi trường Hickam , hai vị sĩ quan  trong bộ quân phục gọn gàng chải chuốt vội vả bước ra . Rồi có ai đó từ bên trong căn cứ quát lớn như ra lệnh “Vũ khí của các anh đâu , hãy sẳn sàng chiến đấu !” Hai vị sĩ quan nhìn ra chung quanh thấy cảnh tượng hãi hùng , tiếng bom nổ đạn bay pha lẫn tiếng kêu la thảm thiết , khói lửa mù trời người chết nằm la liệt , kẻ sống thì đằng đằng sát khi súng đạn hườm hườm , chực nhớ lại mình chẳng có mang theo một thứ vũ khí nào bên người  lưỡi bỗng líu lại không nói thành lời vội chạy thẳng vào bên trong căn cứ .

  Lúc ấy tình hình ở phi trường Wheeler cũng rối rắm không ít . Mọi người vẫn còn bàng hoàng chưa choàng tỉnh sau trận mưa bom thứ nhất thì đợt oanh kích thứ hai lại bắt đầu . Trung Úy Overstreet đang cãi vả với lão Thượng Sĩ ban quân nhu về việc yêu cầu ông cung cấp một số súng đạn cần thiết để chiến đấu . Ông Thượng sĩ đòi hỏi phải có giấy phép xuất kho và hóa đơn ký nhận v.v . Overstreet nỗi dóa vừa xông vào kho súng vừa hét lớn “Ông đi chết đi , chiến tranh là gì ông có biết chưa hử ?

  Phi trường Ford Island cũng cùng chung số phận , sau trận oanh kích đầu tiên tất cả phi cơ đã bị bom đạn phá hoại hư hỏng hoàn toàn . Sáu viên phi công chẳng biết làm gì hơn đành núp dưới tàn cây dùng súng trường nhắm vào phi cơ Nhật mà bắn . Tuy nhiên , sự dũng cảm của họ cũng được đền bù xứng đáng bằng 11 phi công  của Nhật bị bắn rơi . Trong số những phi công Hoa Kỳ dũng cảm dùng súng trường bắn máy bay địch ấy có Trung Úy Kenneth Taylor và George Welch .

  Tuy phi cơ và các căn cứ không quân của Hoa Kỳ đã bị tàn phá thê thảm đến nỗi không một phi cơ nào cất cánh nghênh địch được . Tuy nhiên lực lượng phòng không của họ càng lúc càng trở nên mạnh mẽ nhất là từ lúc 9 giờ sáng trở về sau , khi mà họ đã qua cơn bàng hoàng và đã lấy lại tư thế chiến đấu . Khi Trung Tá Shimazaki và phi đội 170 phi cơ của ông tiến vào Trân Châu Cảng mở đợt tấn công thứ hai thì gặp sức kháng cự quá dũng mãnh của quân trú phòng Hoa Kỳ . Phi đội này tuy không có mang thủy lôi nhưng những quả bom nặng ký ấy được những phi công thượng thặng dày dạn kinh nghiệm chiến đấu và đã được trãi qua một lớp huấn luyện đặc biệt để có thể tiêu diệt các mẫu hạm của Hoa Kỳ chỉ trong một trận tấn công thì sự đánh phá của họ không có thể đo lường được.

   Không có mẫu hạm hiện diện trong quân cảng thì họ quay ra đi tìm những chiến hạm còn đang ngất ngư sau đợt không kích đầu tiên mà dội bom tiếp . Trung Tá Egusa hướng dẫn các phi công của mình bay về phía núi như để lấy đà rồi quay vọt trở lại , một đội hình dày đặc với hỏa lực khủng khiếp . Những chiến hạm bị thiệt hại nhẹ vẫn còn có thể đối địch , những họng súng phòng không của họ hoạt động dữ dội gây khó khăn nguy hiểm không ít cho đợt tấn công lần này . Nhưng những ụ súng phòng không ấy lại là mục tiêu cho phi cơ oanh tạc không ngừng . Súng từ phía dưới bắn lên , bom từ trên dội xuống những tiếng nổ liên tục nối tiếp nhau , khói lửa mù trời , tiếng kêu la dậy đất .

  Trong lúc phi đội của Egusa quần thảo với phòng không để phá hủy những chiến hạm còn sống sót thì phần còn lại các oanh tạc cơ của Shimazaki tập trung tại hai phi trường Hickam và Ford Island cùng căn cứ không quân Kaneohe . Không một phi cơ nào của đợt này bị phòng không bắn hạ mặc dù không ít trong số bị trúng đạn . Và đội chiến đấu Zero cũng không có một phi cơ địch nào lên nghênh chiến vì sau đợt tấn công thứ nhất của phi đội Fuchida , tất cả phi cơ của Hoa Kỳ coi như đã bị loại khỏi vòng chiến .

   Phi công Zero Fujita bay lên cao 18 ngàn bộ cùng với Iida, sĩ quan chỉ huy toán phi cơ Zero, để quan sát và tìm phi cơ Mỹ. Hai người bay lượn quanh đảo hai lần nhưng không thấy một phi cơ địch nào. Nhưng hỏa lực phòng không của Mỹ quả thực ác liệt hơn người Nhật tưởng, và hai người có cảm tưởng đang bay trong giữa một bầu trời bắn pháo bông vậy. Iida là một trung úy 27 tuổi và là một phi công cừ khôi đã chiến đấu hai năm tại Trung Hoa. Trong trân Trân châu cảng, Iida hướng dẫn các phi công Nhật thiếu kinh nghiệm trong đợt tấn công đợt hai. Bất kể đạn súng máy bắn lên, Iida lao xuống các nhà chứa máy bay và bắn phá đốt cháy các phi cơ. Khi đợt tấn công chấm dứt, Iida bay lượn quanh phi trường Kaneohe để kiểm soát xem các tất cả phi cơ có trở về thành đội hình không thì một viên đạn từ bên dưới bắn trúng phi cơ của Iida. Dầu chảy ra và khói bốc lên từ phi cơ. Iida bay sát vào phi cơ của Fujita và lấy tay bụm miệng ra dấu cho biết bị ngạt khói. Rồi Iida nghiêng cánh và lấy tay chỉ xuống dưới đất. Sau đó Iida bổ nhào phi cơ xuống đất. Fujita trông thấy tình trạng tuyệt vọng của Iida mà không làm gì được .

  Cuộc tấn công đợt hai của Shimazaki tuy cũng chỉ lâu khoảng một giờ như đợt của Fuchida nhưng sự tổn thất của nó cao hơn nhiều so với đợt đầu vì sự chiến đấu rất dũng cảm của các chiến sĩ phòng thủ quân cảng .

   Dân cư trên đảo Honolulu nhìn chung họ còn lạc quan hơn cả quân đội đồn trú tại đây , tất cả đều không tin chiến tranh có thể vươn dài ra tận miền hải đảo xa xôi này được . Họ rất bình tỉnh và dường như còn không đếm xỉa đến những tiếng thủy lôi rềnh trời , tiếng bom dội đất , vì họ cho rằng đó chẳng qua là những hạm đội của Hải quân tập trận và bắn vào những bia đá như bức tường thành ở Fort DeRussy gần bãi biển Waikiki . Edgar Rice Burroughs , tác giả của tập truyện Tarzan vẫn ung dung ngồi thưởng thức buổi điểm tâm cùng đứa con tại khách sạn Niumalu . Sau đó họ lại thong thả ra sân chơi đánh quần vợt với nhau , trông họ rất nhàn nhã vô tư chưa hề biết chiến tranh chết chóc đã xảy ra chỉ cách họ vài ba dặm đường .

  Trong một khu chúng cư sang trọng tại bãi biển Waikiki , TrumBull , chủ nhân của một tờ nhật báo tại Honolulu đang ngủ bỗng bị đánh thức bởi tiếng điện thoại reo vang . Cô vợ của ông ta , Jean vội chụp lấy điện thoại . Đầu dây bên kia , một người bạn điện thoại đến cho biết từ trên đỉnh ngọn đồi trông xuống , dường như Trân Châu Cảng bị đánh bom “thật sự” và hỏi TrumBull , người đang điều hành một tờ nhật báo có biết gì về nội tình của diễn biến này không .

  Trumbull còn đang ngáy ngủ , nghe vợ lay dậy hỏi thì bực mình đáp cộc lốc “Có cái gì mà ầm lên vậy ? Mấy ổng chỉ tập dượt thôi chớ có sao đâu mà thắc mắc !” . Vừa cúp điện thoại xong thì Ray Coll , một biên tập viên của Trumbull gọi đến bảo tới tòa soạn gấp vì có tin Trân Châu Cảng vừa bị không tập . Lòng đầy hoài nghi nên Trumbull vội liên lạc ngay với một phóng viên giỏi nhất trong làng bảo để hỏi rõ . Chẳng những ông ta không hỏi được gì mà ngược lại còn bị đầu dây bên kia vặn lại là Trumbull đang tỉnh hay say !

  Khoảng 9:45 sáng thì những cụm khói đen đặc trên bầu trời quân cảng tan biến dần để nhường lại cho những sợi nắng mai đan thành tấm thảm hồng  phủ lên một bãi chiến trường còn khét mùi bom đạn . Ba chiếc Arizona , Oklahoma và California bị đánh chìm tại chỗ . West Virginia thì ngọn lửa vẫn còn hừng hực cháy đỏ và đang chìm dần . Nevada hứng trọn 5 quả bom trong vòng 3 phút toàn thân của nó bị đổ nghiêng một nửa nằm kẹt trên bãi cạn . Ba chiếc khác : Maryland , Tennessee và Pennsylvania đều bị hư hại nặng .

  Trên đảo Honolulu , lúc điệp viên Takeo Yoshikawa ngồi ăn điểm tâm thì nghe tiếng bom nổ vang dội . Trong nhà đồ vật rung chuyển , vài bức tranh treo tường đổ rơi loảng xoảng . Hắn liền bỏ dỡ bửa ăn chạy ra sân sau nhìn lên bầu trời thì trông thấy vô số phi cơ mang cờ hiệu Nhật Bản . Yoshikawa mừng rỡ nhủ thầm “Họ thành công rồi !” Hắn vỗ tay tán thưởng một mình rồi theo ngã sau , chạy thật nhanh đến văn phòng của lãnh sự Kita .

  Vừa đến nơi , chân chưa bước vào cửa nhưng Yoshikawa đã cất tiếng gọi lớn “Kita ! Họ tấn công rồi , họ tấn công rồi !” Kita bước ra cười nói “Tôi cũng vừa nghe mật hiệu “Gió Đông và có mưa” phát ra trên làn sóng ngắn , có nghĩa là cắt đứt tình hữu nghị Mỹ-Nhật” Yoshikawa hỏi lại “Không lầm chứ ? Thưa ông” Kita chỉ gật gật cái đầu chứ không đáp . Họ lại im lặng ngước nhìn về phía quân cảng , từng cụm khói đen cuồn cuộn bốc lên lẫn vào nắng mai vàng ánh , khiến cho toàn cảnh bỗng chốc chìm vào một màu thê lương ghê rợn . Cả hai người mừng rơi nước mắt siết chặt tay nhau thật lâu , cuối cùng rồi Kita cũng nghẹn ngào thốt lên trong cảm động “Ít ra thì họ cũng phải làm được như vậy chứ

  Yoshikawa lui vào phòng mật mã cùng người thư ký , hắn cẩn thận khóa trái cửa lại rồi loay hoay tìm cuốn tập tài liệu ghi mật mã mang lại bồn rửa mặt bật lửa đốt từng trang một . Khoảng 10 phút sau có tiếng gõ cửa , thanh âm gấp rút dường như ai đó có chuyện gì quan trọng cần gặp . Lại có tiếng gọi vào từ bên ngoài , giọng như ban một mệnh lệnh “Mở cửa mau lên !” . Thì ra đó chính là nhân viên FBI . Trong lúc họ đang theo dõi chung quanh tòa lãnh sự , vô tình Yoshikawa đốt bỏ tài liệu trong phòng , khói thoát ra bên ngoài quyện theo mùi giấy đốt khiến cho họ sinh nghi xông vào bắt ngay tại trận .

Cánh cửa vừa bị đạp mở tung ra , 6 người cầm súng nhảy vào . Họ tiến lại bên Yoshikawa , lúc ấy hắn còn đang bàng hoàng , tập tài liệu mật mã trên tay vẫn chưa đốt hết . Một người trong bọn giật lấy tập tài liệu đang đốt dở dang , hai người khác tiến đến kè Yoshikawa dẫn ra xe . Nhân viên trong tòa lãnh sự bị tập trung lại một chỗ và họ bắt đầu lục soát khắp nơi .

  Ngồi trên xe của FBI Yoshikawa thoáng thấy rùn mình , quay lại nhìn lại tòa lãnh sự một lần cuối rồi thì thào “Thôi , từ nay xin vĩnh biệt tất cả” .

  Trên đảo Honolulu , không ai còn đủ lạc quan để nghĩ rằng chốn bồng lai tiên cảnh này chẳng hề có chiến tranh xảy đến . 61 thường dân vô tội thiệt mạng . Một trái bom của Nhật đánh trúng vào thành phố . 49 quả pháo của quân đội Hoa Kỳ phát nổ nguyên nhân thuốc nổ không được bảo quản đúng cách . Nhìn nhìn chung , cục diện vẫn không bị náo loạn .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế