Phần 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phần thứ 4

    Oahu nằm im lìm dưới trời mưa rả rít , gió biển từng đợt thổi vào , tàu lá dừa ướt sủng nước mưa lao xao uốn mình theo gió . Một chiếc máy bay nhỏ loại du lịch bay lượn hai vòng Oahu rồi từ từ hạ cánh xuống một phi trường dân sự gần đó . Yoshikawa thong thả bước ra khỏi phi cơ và đón taxi đến nhà hàng Shunchoro , nơi do một người Nhật vốn đồng hương với Yoshikawa làm chủ . Lợi thế của nhà hàng này là có thể nhìn bao quát toàn cảnh của quân cảng . Đây là chuyến “tham quan” cuối cùng ở Trân Châu Cảng để sau khi trở về đúc kết bản báo cáo gửi về Đông Kinh . Lúc ban sáng , Yoshikawa nhận được một điện tín khẩn từ tổng bộ , yêu cầu hắn phải gửi ngay một bản báo cáo đích xác con số hạm đội Hoa Kỳ hiện đang có mặt tại quân cảng cho nên hắn mới thuê một máy bay du lịch , vờ như bay quanh đảo nhưng tình thật chỉ chú ý đến Trân Châu Cảng .

  Đến chiều Yoshikawa đã hoàn tất bản báo cáo về Đông Kinh . Bức điện văn báo cáo của Yoshikawa như sau :

  “…Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hiện có mặt tại quân cảng chiều ngày 05 tháng 12 gồm có : 8 thiết giáp hạm, 2 tuần dương hạm nặng, 6 tuần dương hạm nhẹ, 29 khu trục hạm, 5 tiềm thủy đỉnh, 1 thuyền máy, 8 khu trục giải mìn, 1 tàu thả mìn, 4 khu trục hạm vớt mìn, 6 tàu vớt mìn và 24 tàu đủ loại khác”.

  Bức điện tín này bị nhóm tình báo Hải quân chận bắt được nhưng khi chuyển về cơ quan trung ương để giải mã thì may mắn cho Yamamoto thay , một lần nữa nó được xếp vào hạng “thứ yếu” nên cho vào ngăn tủ !

                                       ………………………………….

  Một tờ báo có tầm vóc tại thủ đô Đông Kinh thời bấy giờ là Asahi Shimbun , là một tờ báo nổi tiếng bài ngoại và ủng hộ triệt để phe quân phiệt . Vẫn với một luận điệu đã phá và cáo buộc sự gia tăng chiến tranh của người phương Tây , hôm 06 tháng 12 , một bản tin thời sự nóng bỏng được in đậm nét ở ngay trang đầu :

  “Mọi nỗ lực đàm phán đều vô ích vì mục đích của Hoa Kỳ là không muốn thỏa hiệp với Nhật Bản”

  “Giới lãnh đạo Hoa Kỳ dù muốn sớm giải quyết những mâu thuẫn với Nhật Bản nhưng cái nhìn độc đoán cố hửu của họ vẫn không bao giờ thay đổi…..”

  “Đời sống của nhân dân Nhật Bản đang bị dao động bởi những tin đồn : Bốn cường quốc đang ráo riết chuẩn bị hành động quân sự đe dọa lại mục đích yêu chuộng hòa bình của họ”

  Những sự kiện gần đây đã cho Otto Tolischus , một đặc phái viên tuần báo NewYork Times hiện đang công tác tại Đông Kinh cảm thấy có một cái gì đó bất ổn trong chính trường và xã hội Nhật . Ông viết gửi ngay về tòa soạn ở NewYork Times một bài tường thuật tại chỗ , tóm tắt những gì mắt thấy tai nghe như sau :

  “…Hầu hết những người dân Nhật đều phủ nhận không tin tưởng vào tin đồn 4 cường quốc chuẩn bị mang quân chinh phạt quốc gia của họ …

  … Nhưng những gì họ được tận mắt chứng kiến xung quanh họ lại quá mâu thuẫn với cái hy vọng hòa bình mà họ hằng ôm ấp . Họ phải lắng nghe những bài diễn văn báo động đến từ chính phủ , rằng Nhật Bản sẽ phải đối diện một cuộc khủng hoảng trầm trọng chưa từng có trong 2.600 năm lịch sử . Họ phải tham dự những buổi mít-tin tập thể để nghe chửi rủa lăng mạ kẻ thù và tìm đọc những lời kêu gọi nhân dân ủng hộ một cuộc chiến đúng đắn được đăng trên các mặt nhật báo . Trước mắt họ , hầm trú ẩn và bể chứa nước được xây dựng khắp nơi trong thành phố . Trong túi họ , tiền bạc càng lúc càng vơi dần vì thuế khóa gia tăng , vật giá leo thang nhưng việc làm thì hiếm hoi khó kiếm . Họ đoán biết chiến tranh đã tiến đến sát một bên cuộc sống thầm lặng của họ rồi . Quả thật , chiến tranh đã xảy ra ở tận bên kia thềm lục địa , mà chỉ với một khoảnh thời gian không lâu nó đã vươn ra xa xôi đến tận vùng đảo quốc Phù Tang , xứ của cháu con Thái Dương Thần Nữ .

  Người Nhật vốn không thích chiến tranh nhưng họ không thể chịu nhục để từ bỏ một cơ đồ mà họ đã tốn biết bao xương máu để dành được từ bao thế hệ . Họ được chính phủ của họ giải thích đây là một cuộc chiến để bảo vệ , để giử gìn nòi giống . Một trăm triệu con dân Nhật Bản với một dãy đảo cô đơn nhỏ hẹp , ít tài nguyên nhưng giàu lòng ái quốc , họ sẽ đoàn kết lại thành một khối để chống lại mưu đồ khai hóa của kẻ ngoại bang da trắng …

  Nếu cho rằng người Nhật là những kẻ ươn hèn thích cầu an đến đổi người ta đánh tới cửa nhà nước non tan tác rồi mới miễng cưởng chống lại là hoàn toàn sai . Hoặc cho rằng tiềm năng chiến tranh của họ rất yếu hay chỉ có giới hạn nào đó thì cũng thật là một sự đánh giá quá nông cạn . Người Nhật vốn là một dân tộc có tinh thần bảo thủ và ý chí quật cường . Tình yêu nước và lòng trung thành tuyệt đối với Thiên Hoàng của họ đã trở thành một truyền thống bất di bất dịch từ nghìn năm nay . Họ không cần biết những người léo lái quốc gia của họ đúng hay sai , nhưng Thiên Hoàng và đất nước của họ lâm nguy thì bổn phận của họ phải tự đoàn kết lại với nhau , trước để bảo vệ quê hương giống nòi và sau là được chết vinh quang mà đền ơn vua , nợ nước ….”

                               ………………………………………….

  Trở lại Manila Phi Luật Tân , Đô Đốc Thomas Hart , chỉ huy trưởng hạm đội vùng biển châu Á tiên đoán chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào . Với một hạm đội quá khiêm nhường : một tuần dương hạm hạng nặng , một tuần dương hạm nhẹ , 13 khu trục hạm thời đệ nhất thế chiến và 29 tiềm thủy đỉnh , Hart đã chuẩn bị sẳn sàng nhập cuộc nếu chiến tranh xảy ra . Đạn dược phòng bị đã tích trử đầy đủ và thủy lôi cũng lắp sẳn đầu đạn chờ đợi .

  Tuy nhiên sự suy đoán của Đô Đốc Hart cũng không gây xôn xao trong nội bộ bằng bản báo cáo của cơ quan an ninh ,  trong ba đêm liền đêm nào họ cũng phát giác có sự xuất hiện của chiếc phi cơ lạ bay quanh trên vòm trời ClarkField , một căn cứ không quân chính của Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân . Dù tướng tá bàn bạc tìm cách đối phó nhưng Tướng MacArthur lại khuyên là không nên có hành động . Chiều hôm ấy , 06 tháng 12 , ông cùng Hart họp bàn với một tân khách đến từ Tân Gia Ba là Phó Đô Đốc Sir Tom Phillips , chỉ huy trưởng hạm đội Anh ở vùng viễn đông . Họ đang thảo luận về nguồn tin vừa gửi về là đoàn công voa của Nhật tiến qua khỏi vùng Đông Dương và mất dấu trong sương mù dày đặc ở quanh vịnh Xiêm La . Câu hỏi được mang ra thảo luận là Nhật Bản đang mang quân tấn công Mã Lai và Tân Gia Ba hoặc chỉ đơn thuần là chuyển quân đến đất Thái ?

  Arthur lên tiếng trấn an rằng tính đến tháng 04 năm tới thì ông sẽ có trong tay một đội quân tinh nhuệ gồm 200 ngàn quân cùng một phi đoàn hùng hậu : 256 oanh tạc cơ và 195 chiến đấu cơ .

  Hart thành thật hỏi lại “Đó là chuyện trong tương lai , sang năm mới nói . Còn bây giờ , ngay trước mắt sự bố phòng của mình như thế nào xin Trung Tướng cho biết” . Arthur chán nản trả lời hiện thời trong tay ông có sẳn một đơn vị khoảng 130 ngàn , nhưng trong số ấy có gần 100 ngàn được sát nhập từ những sư đoàn tân lập của Phi Luật Tân , trang bị của họ rất thô sơ . Chỉ với vài tháng tập sự qua loa , trận mạc chưa quen , chiến trường cũng không biết nên họ chỉ giỏi có mỗi một việc là dàn chào và … làm cảnh mà thôi ! Về không lực thì còn thãm hại hơn nữa , với 35 pháo đài bay và 107 chiến đấu cơ loại P-40 .

  Sau khi bàn bạc thảo luận xong , Phillips yêu cầu Hart đồng ý tăng viện cho hạm đội của ông thêm 4 chiếc khu trục hạm , với mục đích hiệp sức cùng hai chiếc thiết giáp hạm Prince fo Wales và tuần dương hạm Repulse phong tỏa một vùng biển rộng từ Tân Gia Ba đến biên giới Thái Lan thuộc bờ phía tây bán đảo Mã Lai , nhằm ngăn chận lại mưu đồ tiến quân của Nhật . Hart gật đầu đồng ý , Phillips còn ngồi nán lại bàn bạc thêm một số việc cần bàn rồi mới định quay trở về phòng nghỉ ngơi thì ngay lúc ấy một bức điện khẩn gửi đến cho ông từ Tân Gia Ba , căn cứ không quân ở đó vừa phát giác một hạm đội gồm nhiều chiến hạm của Nhật vừa cặp vào bờ biển Thái Lan .

  Hart vội hỏi Phillips “Phó Đô Đốc định bao giờ bay trở lại Tân Gia Ba ?” Phillips trả lời ngay “Ngày mai” . Hart nói không cần suy nghĩ “Nếu như Ngài muốn trở về ngay lúc chiến tranh mới bắt đầu thì tôi đề nghị là Ngài nên trở về ngay lúc này !

                           ……………………………………………….

  Cũng cùng một buổi chiều hôm ấy (06-12-1941) chính phủ Đông Kinh đã hoàn tất văn bản thông báo cho dự án ngoại giao cuối cùng để gửi đến Ngoại trưởng Hull . Kameyama , trưởng phòng liên lạc trực thuộc bộ Ngoại giao được lệnh đánh ngay một bản tài liệu hướng dẫn tổng quát sang cho Tòa Đại Sứ Nhật Bản tại Hoa Thịnh Đốn , thời gian nhận phải theo lịch trình sau đây : văn bản hướng dẫn đến tay người nhận khoảng 8 giờ sáng ngày 06 tháng 12 , giờ Hoa Thịnh Đốn . Tiếp theo đó một tiếng đồng hồ là phần chính của văn của văn bản . Tất cả tập văn bản được chia ra làm 14 phần và được đánh bằng Anh ngữ để phòng ngừa nạn phiên dịch cẩu thả . Mười ba phần đầu được đánh gửi đi theo thứ tự trong nội nhật ngày hôm ấy . Và để bảo mật tối đa , phần cuối cùng là phần thứ 14 , một phần quan trọng hơn hết – là một tối hậu thư mà Nhật Bản đã dành sẳn cho Hoa Kỳ vào giờ cuối cùng khi cuộc thương thuyết thất bại . Phần này sẽ không gửi đi cho đến 4 hoặc 5 giờ sáng ngày 07 tháng 12 năm 1941 .

  Mọi thông tin liên lạc bằng điện tín giữa Đông Kinh và Hoa Thịnh Đốn vào thời điểm này thì rất dễ dàng nhanh chóng, thường thì gửi và nhận không mất hơn 1 tiếng đồng hồ . Để tránh những trở ngại có thể xảy ra , Kameyama chuyển ngay bản tài liệu hướng dẫn cùng 13 phần chính của văn bản cùng một lượt đến tổng đài điện tín , nửa tiếng đồng hồ sau , tài liệu hướng dẫn đã đến văn phòng Tòa Đại Sứ Nhật Bản tại Hoa Thịnh Đốn . Tiếp theo là 13 phần còn lại tuần tự được gửi đi . Kameyama ra về lòng thơ thới nhẹ nhỏm vì chắc chắn rằng văn bản đã đến tay người nhận trước thời hạn cho phép .

    Hạm đội xung kích Kido Butai âm thầm tiến theo thủy lộ hướng Đông Nam với vận tốc 20 hải lý , đèn đuốc đều tắt ngấm và mọi liên lạc bằng điện đài đều không được phép sử dụng để bảo mật tối đa . Nó đang cố gắng chống chọi với sóng gió vì đang vượt qua vùng biển giông tố . Vài tháp canh đã bị gió lốc thổi thốc bay xuống biển , sương mù dày đặc đến độ thủy thủ không thể nào nhìn thấy sự vật chung quanh họ . Nhưng dù hoàn cảnh có tệ hại như thế nào đi nữa thì họ vẫn bất chấp , lòng kiên quyết đạt cho bằng được mục đích cuối cùng đã nung đúc tinh thần họ vượt qua tất cả . Đoàn chiến hạm xung kích vẫn tiến tới đúng theo đội hình đã định .

    Quân đội Nhật đã quen dùng theo giờ giấc của Đông Kinh nên khi vượt Thái Bình Dương họ gặp phải ít nhiều trở ngại về giờ giấc . Khi xuất phát , đoàn chiến hạm đi theo thủy lộ Bắc Nam nên cùng một múi giờ , không có gì rắc rối . Bây giờ lại chuyển hướng Đông Tây để vượt Thái Bình Dương và dĩ nhiên phải đi qua những múi giờ khác nhau , giờ giấc lộn xộn bấn lên họ không còn biết ngày hay đêm nữa nên giờ ăn chỉ căn cứ theo hướng của mặt trời mà định .

  Một sự báo động làm Nagumo lo sốt vó trong ngày hôm ấy . Trước nhất là bản báo cáo từ Đông Kinh rằng họ phát giác một chiếc tàu Nga Xô đang di chuyển gần thủy lộ của hạm đội xung kích . Sáu chiếc phi cơ chiến đấu trên sàn mẫu hạm Kaga nổ máy chuẩn bị và các phi công đã sẳn sàng chờ lệnh . Nhưng rồi chẳng có gì xảy ra và không có chiếc phi cơ nào được lệnh cất cánh . Kế đến , lúc trời đã tối hẳn thì thêm một báo động ,  một thủy thủ nào đó đã phát giác phía trước có một ánh lửa bay vút lên . Tất cả thủy thủ được lệnh sẳn sàng ở các vị trí chiến đấu , súng phòng không vươn cao nòng chuẩn bị khạt đạn . Rốt cuộc cũng chẳng có gì xảy ra , ánh lửa bí mật gây xáo trộn cho đoàn quân xung kích kia vốn là chiếc bong bóng thấp sáng do mẫu hạm Kaga thả lên để định hướng gió .

                                      ………………………………………….

Hoa thịnh Đốn , Thứ Bảy ngày 06 tháng 12 năm 1941 .

  Căn cứ theo bản báo cáo khá chi tiết của Bộ Hải quân Hoàng Gia Anh gửi đến : “Một đoàn công voa với 35 dương vận hạm vận chuyển quân sự , 8 tuần dương hạm và 20 khu trục hạm của Nhật Bản đang tiến vào bán đảo Mã Lai” . Đây là một bản báo cáo gây xôn xao cho giới quân sự cao cấp Hoa Kỳ , họ tỏ ra đặc biệt quan tâm và nhiều cuộc bàn cải diễn ra . Trong một cuộc họp ở Bộ tổng tham mưu Hải quân , Frank Knox , Bộ Trưởng Bộ Hải quân nêu lên câu hỏi “Quí vị có nghĩ rằng Nhật Bản sẽ tấn công chúng ta?” Thiếu Tướng Hải quân Richmond Kelly Turner trả lời ngay “Thưa ông Bộ trưởng . Tôi nghĩ là không thể nào . Họ chỉ tấn công Anh quốc mà thôi vì họ chưa sẳn sàng để đối chiến với chúng ta !

  Cả phòng họp im lặng .

  Ban giải mã trực thuộc Bộ Hải quân Hoa Kỳ đang hân hoan chuẩn bị nghỉ xả hơi ngày nghỉ cuối tuần như thường lệ . Tất cả nhân viên sẽ rời khỏi nhiệm sở vào buổi trưa thứ bảy . Dorothy Edgers , nữ nhân viên ban dịch thuật đang ngồi trước một chồng điện tín dày cộm , cô nhẩn nại ngồi đọc từng tờ điện văn một . Đó là những bức điện văn trao đổi của chính phủ Đông Kinh mà cơ quan tình báo Hải quân Hoa Kỳ “Magic” chận được gửi đến đây để dịch sang Anh ngữ và phân loại . Những nhân viên trước đây vì lý do cẩu thả nên không chịu đọc kỹ , thành thử những bức điện tín có liên quan đến Trân Châu Cảng đều được xếp chung vào loại “không quan trọng” . Dorothy vốn là một nhân viên mới nhận việc khoảng ba tuần nay mà thôi cho nên cô vẫn còn say mê công việc khá quyến rũ này .

  Tình cờ cô dán mắt vào một bức điện văn đánh gửi ngày 02 tháng 12 , từ Đông Kinh đến Lãnh sự Kita ở Honolulu , với nội dung dọ hỏi mọi hoạt động của hạm đội Hoa Kỳ và sự phòng thủ tại Trân Châu cảng . Nội dung bức điện tín kích thích sự tò mò của Dorothy nên cô tiện tay bốc thêm một bức điện khác lên đọc . Bức điện gửi ngày 03 tháng 12 , từ Lãnh sự Kita ở Honolulu gửi về Đông Kinh . Dorothy thích thú mê say đọc từ đầu chí cuối hết bản báo cáo khá dài của Yoshikawa , kể tỉ mỉ những chi tiết làm như thế nào để Otto Kuhn , một người Đức tham tiền được nhân viên tình báo Nhật lợi dụng cài lại để hoạt động ở Hạ Uy Di .

  Hai bức điện tín nói lên một điều gì đó không may cho Trân Châu Cảng , Dorothy càng thêm nghi ngờ nên cô vội mang chúng trình lên ông chánh văn phòng H.L.Bryant . Nhưng Bryant lại khoát tay bảo rằng hai bức điện văn khá dài ấy làm sao  Dorothy có thể nào phiên dịch xong nội nhật ngày hôm nay , thôi thì hãy để nó đó đến thứ Hai sẽ tính . Dorothy từ chối , cô xin được ở lại làm thêm giờ . Đến 3 giờ 30 chiều thì cô đã hoàn tất . Vừa lúc ấy vị Thiếu Tá Hải quân Alvin Kramer , trưởng ban dịch thuật đến đổi ca trực . Trông thấy Dorothy vẫn còn ngồi làm việc , thay vì khuyến khích sự nhiệt tâm tận tụy công việc của cô nhân viên thì Kramer lại quở trách và ra lệnh cho Dorothy hãy tạm gát phần công việc lại , thứ Hai tiếp tục . (Sau khi chiến tranh kết thúc , Đại Tá Rufus Bratton thuộc sở tình báo quân đội có phát biểu “Nếu chúng tôi có trong tay bản điện tín này ngày 06 tháng 12 năm 1941 thì toàn bức tranh khỏi lửa sẽ được vẽ bằng một nét khác biệt đi nhiều”)

                                ……………………………………………….

  Tại Tòa Đại Sứ Nhật Bản trên con đường Massachusetts Avenue vừa nhận được một tập tài liệu hướng dẫn (bằng Nhật ngữ) và 13 phần chính của bản giác thư (bằng Anh ngữ) từ Đông Kinh gửi đến để nhân viên Tòa Đại sứ đánh máy lại thành từng phần rồi mới chuyển cho Ngoại Trưởng Hull . Đến chiều thì những nhân viên đã đánh máy được 8 trong 13 phần của tập văn bản . Họ rủ nhau đi dự một buổi tiệc tiển đưa một nhân viên vừa được lệnh chuyển công tác sang miền Nam Mỹ .

  Tổng Thư ký Katsuzo Okumura phải tự mình đánh máy những phần còn lại , vì đây là phần quan trọng và phải bảo mật nên không thể giao cho nhân viên thuộc cấp đánh máy được . Phải mất hơn hai tiếng đồng hồ Okumura mới hoàn tất thêm hai bản nữa . Tuy chưa xong nhưng đã quá mệt mỏi nên phải nghỉ tay . Ông rời chiếc bàn làm việc bước xuống tầng hầm , nơi dành cho nhân viên giải trí sau giờ làm việc . Hai cộng sự viên đang đánh bóng bàn , còn lại ba người khác cũng đang ngồi tán gẩu . Họ đang nói về chuyện chiếc du thuyền Tatsuta-Maru , đã rời khỏi cảng Yokohama 5 ngày trước , theo lịch trình thì tàu sẽ cập bến Los Angeles ngày 14 tháng 12 này . Okumura đang rót rượu bên quầy , nghe họ nói bèn xen vào “Tôi dám đánh cuộc với mấy ông rằng Tatsuta-Maru sẽ không bao giờ tới được bến Los Angeles” .

  Trở lại với Tổng Thống Roosevelt . Sau khi tiếp kiến Jones và Baruch , ông quyết định lấy tư cách cá nhân trực tiếp trao đổi ý kiến với Nhật Hoàng Hirohito . Bức thư riêng có đoạn Roosevelt nhắc nhở cho Thiên Hoàng nhớ lại rằng gần cả một thế kỷ trước , cựu Tổng Thống Hoa Kỳ là Millard Fillmore cũng từng dùng tình cảm cá nhân mà khuyên Thiên Hoàng Nhật Bản lập mối bang giao . “Vì thế cho nên hai quốc gia đã có được một thời gian khá dài chung hưởng thái bình . Và bây giờ , tình giao hảo Mỹ Nhật không biết sẽ đi về đâu khi nền hòa bình chung ở Á Châu đang bị đe dọa . Sự chiếm đóng trái phép ở khắp vùng Nam Á của quân đội Nhật , khiến dân chúng bổn xứ hoang mang lo sợ cho một viễn ảnh chiến tranh không xa .

  Hoa Kỳ không bao giờ có ý định nhúng tay vào Đông Dương nếu nơi ấy không có sự hiện diện của quân đội Nhật Bản . Và Hoa Kỳ sẽ sẳn sàng đứng ra làm trung gian dàn xếp hòa bình với các quốc gia Nam Á nếu Thiên Hoàng triệt thoái toàn bộ binh lực ra khỏi lãnh thổ của họ .

  Tôi viết thư này với niềm hy vọng thiết tha mong Ngài thấu hiểu , mục đích của tôi chỉ mong kiến tạo một nền hòa bình chung . Tôi tin chắc rằng hai chúng ta , vì lợi ích chung cho dân chúng , không phải riêng con dân của hai quốc gia chúng ta mà thôi , mà phải vì sự an nguy của đồng loại ở các quốc gia lân bang . Vì nhiệm vụ thiêng liêng chúng ta nên hàn gắn lại tình giao hảo hầu tránh cuộc can qua có thể xảy đến sau này

  Ông ký tên Franklin D.Roosevelt và chuyển ngay đến Ngoại trưởng Hull với lời ghi chú :

  “Cordell thân mến : Gửi thư này đến Đại Sứ Grew – Càng sớm càng tốt

  Những biến chuyển gần đây khiến cho Henry Stimson , Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định không đi nghỉ cuối tuần ở Long Island . Ông tâm sự cùng một người bạn thân rằng tình trạng căng thẳng mấy hôm nay như báo cho ông biết một chuyện gì chẳng lành sắp xảy ra .

  Đến lúc này thì bản giác thư của Ngoại Trưởng Togo theo thứ tự 13 phần đã được đánh máy xong và sẳn sàng chờ chuyển giao . Cơ quan tình báo Hải Quân “Magic” chận bắt được toàn bộ và chuyển ngay về văn phòng tình báo trung ương . Văn bản này khi gửi đi được soạn bằng Anh ngữ nên Kramer , viên trưởng ban dịch thuật rảnh tay cứ ngồi đọc từng phần một . Khi nhận thấy bản văn thư này rất quan trọng , Kramer điện thoại ngay đến người mà ông cho là có thẩm quyền quyết định là đô đốc Knox , Bộ trưởng Hải Quân , nhưng lúc ấy Knox lại không có mặt ở văn phòng . Ông lại điện báo tin này đến giám đốc sở tình báo Hải quân và trưởng phòng kế hoạch hành quân , nhưng cả hai người này không có quyết định gì . Kramer nhìn đồng hồ thì đã quá 9 giờ tối nên không thể chần chờ được nữa liền điện thoại đến Tòa Bạch Ốc cho biết lý do và bảo rằng sẽ mang đến trình lên Tổng Thống ngay .

  Đến cửa Tòa Bạch Ốc , Kramer vội vàng trao một phong bì lớn , bên trong là toàn bộ 13 phần của tập văn bản cho Trung Úy Robert Lester Schulz , sĩ quan liên lạc phủ Tổng Thống để trình ngay cho Roosevelt . Lúc ấy Tổng Thống đang ngồi nói chuyện với cố vấn Harry Hopkins . Schulz trình ngay tập văn bản và Tổng Thống chăm chú đọc . Ông đọc một loạt 13 phần , xong lại lẳng lặng trao cho Hopkins đọc . Chờ cho Hopkins đọc xong , Roosevelt mới lên tiếng “Cái này có nghĩa là chiến tranh đây” .

  Trung úy Schulz tuy xong nhiệm vụ định rút lui ra ngoài nhưng khi nghe Tổng Thống nói như thế thì máu tò mò trổi dậy , anh đứng sớ rớ một bên lắng tai nghe hai người bàn chuyện . Hopkins thở dài nói giọng như than thở “Từ khi Nhật Bản tỏ thái độ khiêu khích thì chiến tranh đã là một vấn đề sớm hay muộn mà thôi , nhưng rất tiếc chúng ta không thể mượn cớ nào để sớm ra tay trước mà dành lấy phần tiện nghi về mình” . Roosevelt khoát tay bảo “Không ! Chúng ta không thể nào hành động như vậy được ông ạ . Chúng ta là những người dân chủ luôn yêu chuộng hòa bình mà

  Miệng thì nói nhưng Roosevelt tiến về phía chiếc điện thoại , ông nhấc lên và quay số gọi Stark . Người nhà cho biết Stark đang đi coi phim ở rạp National Theater . Tổng Thống gát điện thoại rồi nói với Hopkins “Tôi sẽ điện cho Betty (hỗn danh của Tướng Stark) sau . Nếu mình gọi máy nhắn tin cho hắn ngay trong rạp chiếu phim thì chỉ làm cho người ta chú ý , có khi còn làm cho quần chúng xôn xao lên là khác

  Tuy Stark vừa có được một đêm cuối tuần tuyệt vời quây quần bên vợ con , một buổi ci-nê , một chiều dạo phố nhưng tâm trí không chẳng thấy thoải mái chút nào . Chiến tranh sắp xảy ra đến nơi nhưng một vấn đề nan giải cho ông là chẳng biết Nhật Bản sẽ bắt đầu tấn công ở đâu . Quân đội họ đang di chuyển về hướng vịnh Thái Lan , thế thì mũi tiến công của họ có thể là Tân Gia Ba nhưng cũng có thể Mã Lai hoặc Phi Luật Tân ? Nhưng dù ở nơi nào đi nữa Stark vẫn không bao giờ nghĩ đến một nơi quá xa xôi như Hạ Uy Di . Và cũng nên biết , Hạ Uy Di là nơi tiên phong vẽ ra kế hoạch phối hợp Hải-Lục quân để bảo vệ Trân Châu Cảng hầu chống lại mọi cuộc tập kích bất ngờ , một kế hoạch mà Tướng Stark ngợi khen không hết lời và đã khuyên những vị chỉ huy các quân cảng khác xem đó như một mô hình phòng bị mẫu mực đáng để noi theo . Thế thì ông còn lo gì Hạ Uy Di nữa .

  Tướng Sherman Miles , giám đốc phòng tình báo quân đội , đêm ấy đi dự một buổi tiệc tại tư gia của Theodore S.Wilkinson , giám đốc sở tình báo Hải quân , nhờ vậy nên ông có dịp đọc được 13 phần của văn bản . Nhưng đối với Miles thì “nó chẳng có ý nghĩa quân sự đến nổi phải quan tâm” nên tỏ ta không để ý đến . Sau đó ông ta điện thoại cho Đại Tá Bratton , một thuộc cấp rất am tường Viễn Đông , và cho Bratton biết rằng “chẳng có gì đáng kể , đừng báo động đến tai Tướng Marshall” . Trong lúc ấy , Tướng Marshall đang cùng vợ an hưởng một buổi tối cuối tuần êm ả tại tư gia . Khuya hôm ấy ông lên giường với cõi lòng hân hoan thơ thới , rằng ngày mai Chúa Nhật , ngày nghỉ nên khỏi phải ra nhiệm sở .

  Kim đồng hồ đã chỉ quá nửa đêm , những giây phút đầu tiên của ngày 07 tháng 12 . Vài vị sĩ quan cao cấp Hoa Kỳ vẫn còn thao thức chưa ngủ được . Họ trằn trọc chỉ với một câu hỏi “Bao giờ thì Nhật Bản sẽ hành động – và ở nơi nào ?” Không có một ai – Roosevelt , Hull , Stimson , Knox , Marshall hoặc Stark – có thể đoán ra rằng Nhật sẽ tấn công Trân Châu Cảng .

                               ……………………………………..

   Oahu chiều thứ Bảy . Cũng như Stark và Marshall , cấp chỉ huy Hải Lục quân ở Hạ Uy Di đều lạc quan tin tưởng ở việc bố phòng quá cẩn thận nên nghĩ Trân Châu Cảng là một quân cảng bất khả xâm phạm , tấn công nó chỉ là một hành động tự sát mà thôi .

  Tướng Walter Short cùng vợ trên đường từ nhà tới câu lạc bộ sĩ quan . Đêm ấy là đêm thứ Bảy nên câu lạc bộ có tổ chức một buổi trình diễn đặc biệt gây quỹ từ thiện . Trên đường đi ông ghé qua văn phòng làm việc tại Fort Shafter để dự một buổi họp khẩn với các sĩ quan an ninh tình báo . Ông định bụng phiên họp chỉ kéo dài khoảng nửa tiếng là xong nên để cô vợ ngồi chờ trong xe . Buổi họp thảo luận về đoạn băng do nhân viên FBI vừa thâu lén được của một cư dân người Nhật trong cuộc điện đàm đầy nghi vấn . Người này vốn là một nha sĩ đang hành nghề tại Hạ Uy Di , vì đã nhiều lần gọi điện thoại viễn liên nói chuyện với một nhà báo ở Đông Kinh  nên bị nhân viên FBI tình nghi có thể hắn đang hoạt động tình báo cho Nhật , vì thế nhất cử nhất động của gã nha sĩ này đều bị theo dõi và dĩ nhiên đường dây điện thoại cũng bị bí mật thu âm . Đáng để ý nhất là cuộc điện đàm vừa mới đây có nhiều nghi vấn khiến cho nhân viên an ninh tình báo tức tốc trình lên ngay cho thượng cấp thẫm định . Những câu hỏi lạ lùng có vẻ quá tò mò của người ở đầu dây bên kia tức là gã nhà báo nào đó tại Đông Kinh , hắn hỏi tất cả về Hạ Uy Di , như phi cơ , đèn tín hiệu , thời tiết và ngay cả hoa lá trên đảo nữa . Chẳng hạn như cuộc điện đàm có đoạn anh nhà báo ở Đông Kinh nêu lên câu hỏi rằng “Hoa dâm bụt và trạng nguyên ở đó đã nở cả chứ ?” Với ngụ ý gì và phải chăng là ám hiệu cho nhau ?

  Suy đi nghĩ lại mãi mà chẳng ai tìm được một giải đáp khả dĩ khiến cho buổi họp kéo dài hơn một tiếng đồng hồ . Phu nhân của Tướng Shorts chờ lâu quá nên phát cáu gắt gỏng chửi thề luôn miệng khiến cho ông Tướng nhà ta lên ruột , khoát tay ra hiệu giải tán cuộc họp , ông nói “Hiện tại mình cũng chẳng làm được gì thôi thì để ngày mai tính sau” . Nói xong ông ra xe hối thúc vợ lái cho nhanh để kịp lúc khai mạc buổi trình diễn .

  Phần Đô Đốc Kimmel thì dù rất muốn có được một buổi tối cuối tuần thảnh thơi để nghỉ ngơi cho thoải mái nhưng kẹt lại phải đi dự một buổi dạ tiệc . Khoảng 9 giờ 30 Kimmel xin lỗi cáo từ ra về , suốt buổi sáng hôm ấy ông cùng Tướng Short chơi đánh “gôn” nên bây giờ sau vài ly rượu ông cảm thấy mệt và chỉ muốn đi về ngủ .

  Đô Đốc Kimmel vốn là một sĩ quan năng nổ và đầy nhiệt tâm với chức nghiệp , những biến chuyển gần đây đã khiến cho ông không có được một giây phút thoải mái dù là ngày nghỉ . Lên giường rồi mà đầu óc ông vẫn còn nặng nề với những miên man suy tính . Suy tính ở một ngày mai : chiến tranh và trách nhiệm .

  Cả hai vị Tướng Kimmel và Short đều có chung một cảm nghĩ là không cần thiết phải đặt quân đội trong tình trạng báo động . Cảnh báo đến từ Hoa Thịnh Đốn thì chỉ nói chung chung chứ đâu có cả quyết rằng Trân Châu Cảng sẽ bị không tập .Tuy hai vị chỉ huy không báo động nội bộ nhưng chia nhau ngấm ngầm gia tăng phòng bị , đề phòng mọi cuộc tấn công bất ngờ mà với họ thì tiềm thủy đỉnh có thể là một mối lo chính . Và có lẽ vì quá bận rộn hoặc vì một lý do nào đó mà hai vị chỉ huy này bỏ qua không để ý đến một vấn đề hết sức trọng đại có liên quan đến Hạ Uy Di , đó là bản báo cáo đề cập đến vụ Tòa Lãnh sự Nhật Bản ở Honolulu đã cho đốt tất cả giấy tờ quan trọng hai ngày trước đây . Vì thế cho nên ngay lúc này , đội xung kích của Nhật đã tiến đến gần kề mà mục tiêu của nó vẫn vô tư vui nhộn xoay quanh theo hoạt cảnh của một điệu nhạc thanh bình : trai thanh gái lịch tay trong tay bát phố chiều cuối tuần . Nhà hàng , rạp cine vẫn ồn ào huyên náo như mọi chiều thứ Bảy .

  Trên trời đội tuần thám vẫn hoạt động nhưng thưa thớt hơn . Thủy thủ của tất cả 94 chiến hạm đang bỏ neo tại quân cảng , ngoại trừ những phiên gác đêm , còn lại đã chuẩn bị đi ngủ . Thêm một buổi tối uể oải  giữa vùng nhiệt đới yên lặng đi qua .

  Những nhân viên FBI dù đã trãi qua hàng chục buổi họp , bàn cãi nhau khô cả nước miếng , nghĩ đến nát óc và cố bám sát gã nha sĩ người Nhật đáng tình nghi kia nhưng cuối cùng rồi cũng chẳng tìm ra được một chút manh mối gì . Họ có ngờ đâu tại một văn phòng nhỏ xíu ở Tòa Lãnh sự Nhật , Tadashi Yoshikawa mới đích thị là một điệp viên do Hải quân Hoàng gia Nhật cử sang với cái tên giả là Morimura . Đêm ấy hắn làm việc rất trể để hoàn tất bản báo cáo cuối cùng . Vài giờ trước đây hắn đã gửi một bức điện tín về Đông Kinh , trong đó Yoshikawa đã quả quyết rằng các chiến hạm của Hoa Kỳ không có trang bị lưới chống thủy lôi và bầu trời Trân Châu cảng cũng chẳng có thả bong bóng phòng không . Ngay bây giờ thì hắn đang ngồi cập nhật những chiến hạm vừa bỏ neo trong quân cảng : 9 thiết giáp hạm , 3 tuần dương hạm , 3 tiềm thủy đỉnh và 17 khu trục hạm cũng như 4 tuần dương hạm và 2 khu trục hạm đang bỏ neo phía ngoài cảng . Sau đó hắn còn cho biết thêm đã có 1 tuần dượng hạm hạng nặng và 1 mẫu hạm vừa rời quân cảng nhưng không có phi cơ dọ thám hướng dẫn .

   Đến nửa đêm thì Yoshikawa viết xong bản báo cáo cuối cùng , hắn gõ cửa nhân viên điện đài và trao cho y bản báo cáo để chuyển mã gửi ngay về Đông Kinh . Xong nhiệm vụ , Yoshikawa đi một vòng quanh sân Tòa lãnh sự , từ đó hắn nhìn thấy ánh sáng bừng lên một vừng tỏa rộng trong đêm đen nơi quân cảng , trên trời sao giăng lấp lánh nhưng chẳng có một chiếc phi cơ tuần thám nào xuất hiện . Yoshikawa vươn vai vài lượt rồi đi vào phòng lên giường ngủ .

 Trở lại Manila , thủ đô Phi Luật Tân . Chiều ngày 07 tháng 12 , một buổi chiều khô khan nóng bức . So với Hoa Thịnh Đốn và Hạ Uy Di thì tình trạng ở đây càng lúc càng căng thẳng ngột ngạt vô cùng , người dân Phi Luật Tân đã biết quá rõ chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ giờ phút nào ngay trên quê hương của họ . Lại thêm một báo cáo có sự xuất hiện của một phi cơ lạ trên bầu trời căn cứ Clark Field .

  Đêm ấy , Phi đội oanh tạc 27 được tham dự một buổi tiệc chào mừng hết sức long trọng tại khách sạn Manila để tỏ lòng trân trọng đến Trung Tướng Lewis H.Brereton , người vừa được MacArthur đề cử vào chức vụ chỉ huy trưởng không lực vùng Viễn Đông . Buổi tiệc tuy vui nhưng không khí sao quá nặng nề , có lẽ trong lòng mọi người mãi canh cánh với viễn ảnh chiến tranh sắp xảy đến nên trong câu nói tiếng cười dường như còn chứa đựng một cái gì đó lo âu và sợ sệt . Tiệc sắp tàn , Đô Đốc Hart đứng dậy đi đến ngồi xuống bên Brereton và nói “Chung qui chỉ có mỗi một câu hỏi là còn mấy ngày hoặc mấy giờ nữa thì súng sẽ nổ” . Vị sĩ quan tham mưu của Tướng Arthur ngồi gần đó liền góp tiếng vào “Tôi tin là nó sẽ xảy ra bất cứ lúc nào ông ạ”.

  Không thể chần chờ được nên ngay đêm ấy Brereton gọi điện thoại cho sĩ quan tham mưu của mình hạ lệnh cho tất cả căn cứ không quân phải đặt trong tình trạng báo động đặc biệt để sẳn sàng ứng chiến . May mắn thay , giữa lúc ấy một số lượng lớn vũ khí tiếp liệu cũng đang trên đường vận chuyển đến . Theo lịch trình thì đoàn công voa sẽ cập bến ngày 04 tháng giêng , với 52 phi cơ oanh tạc , 2 trung đoàn pháo binh cùng vô số quân trang quân dụng và đạn dược . Tiếp theo đó là 30 pháo đài bay cũng đến bến trong vài ngày sau đó . Tính theo nguồn tiếp liệu này thì tổng số phi đội trong tay của Tướng Brereton tăng lên gấp đôi lúc trước .

  Cách căn cứ Clark Field 50 dặm đường chim bay theo hướng Tây Bắc , 16 pháo đài bay đang sắp hàng sẳn chờ lệnh chiến đấu . Cánh đồng hoang nằm im lìm trong màng đêm tịch mịch , tiếng côn trùng rả rít hòa điệu với tiếng gió thổi lao xao qua tàn cây ngọn cỏ . Thỉnh thoảng tiếng cú ăn đêm từ đâu kêu vọng về , âm thanh rờn rợn khiến cho khung cảnh càng thêm thê lương ảm đạm .

  Bây giờ ta cũng nên ghé lại với Tân Gia Ba . Một đảo quốc với diện tích  220 dặm vuông , một tiền đồn phòng thủ quan trọng bậc nhất của phe đồng minh tại Á châu . Nếu Tân Gia Ba mất , không riêng gì Mã Lai mà cả một dãy Tây ngạn Ấn Độ , một thuộc địa dồi dào tài nguyên của Hòa Lan cũng không thể nào giữ vững được . 

  Đêm ấy đèn hỏa châu cháy sáng rực cả một vùng trời Tân Gia Ba . Hai chiếc thiết giáp hạm hùng vĩ : Repulse và Prince of Wales đang thả neo bên ngoài căn cứ Hải quân . Tất cả đã nhận được lệnh báo động sẳn sàng nghinh chiến . Và lệnh này còn được truyền đi cho tất cả cấp chỉ huy Mã Lai , Anh , Úc và Ấn .

  Cách đó khoảng 1 ngàn 650 dặm về hướng Bắc , một căn cứ Hải quân khác của Anh – Hương Cảng – Chỉ với dăm phút đi phà là đến lục địa Trung Hoa , nơi ấy 11 nghìn 319 tay súng cũng chuẩn bị sẳn sàng chiến đấu .

  Từ Hoa Thịnh Đốn đến Tân Gia Ba , Phi Luật Tân và Hương Cảng , tất cả đều nghĩ rằng chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ nữa thôi thì Nhật Bản sẽ nổ súng . Có rất nhiều nơi “đã sẳn sàng nghinh chiến” bằng tất cả sức mạnh quân sự sẳn có , tuy nhiên cũng có không ít căn cứ thi hành lệnh “nghinh chiến” đơn thuần chỉ bằng lời nói . Nhưng người ban mệnh lệnh ấy dĩ nhiên là những kẻ nhìn xa thấy rộng , biết rõ thâm ý của Nhật , nhưng bởi quá lạc quan nên bị Nhật dễ dàng qua mặt để rồi phải ngậm ngùi với một Trân Châu Cảng bình địa và buông bỏ cả Tân Gia Ba trong những giờ phút đầu cuộc chiến .

                                         ………………………..

  Lá thư “kêu gọi hòa bình” do cá nhân Tổng Thống Roosevelt gửi cho Nhật Hoàng Hirihito đã đến Đông Kinh trưa ngày Chúa Nhật 07 tháng 12 , 1941 . Nhưng nó phải giử lại 10 tiếng đồng hồ với một lý do đơn giản là “an ninh quốc phòng” . Vài ngày trước đây Trung Tá Morio Tomura , sĩ quan Bộ Tham Mưu quân đội có điện thoại cho người bạn của ông là Tateki Shirao , nhân viên kiểm duyệt thuộc bộ Thông tin , chỉ thị cho người này phải giữ lại tất cả điện tín đến từ ngoại quốc ít nhất trong khoảng 5 hoặc 10 tiếng đồng hồ để tiện bề kiểm duyệt .

  Đại Sứ Grew đã nghe phong phanh về lá thư “kêu gọi hòa bình” này qua tờ Nhật báo San Francisco nhưng chẳng nhận được cho đến 10 giờ 30 tối đêm ấy . Sự trễ muộn ấy khiến cho ông ta khó chịu vô cùng và gần đến nửa đêm , Grew cùng bức thư ấy mới đến được văn phòng của Ngoại Trưởng Togo . Grew bảo với Togo rằng ông đang cầm trên tay lá thư riêng của Roosevelt kính gửi lên Thiên Hoàng . Togo vui vẻ nói rằng sẽ dâng lên Ngài ngay . Sau khi Grew ra về , Togo điện thoại đến Bộ Nội Vụ Hoàng Cung xin gặp ông bộ trưởng Tsuneo Matsudaira để trình bày tự sự và hỏi trường hợp quá trễ như thế này nếu phiền đến Thiên Hoàng sẽ có gì rắc rối không . Matsudaira ngẫm nghĩ giây lâu rồi cho Togo biết phần ông chỉ lo việc lễ hội triều nghi thôi chứ lá thư kia ít nhiều có dính dáng đến chuyện chính trị , Togo nên hỏi qua ý kiến của Kido thì hơn . Togo vội điện thoại cho Kido . Lúc ấy viên Quản Thủ Quốc Ấn đang ngồi tại tư gia ở Akasaka . Nghe Togo trình bày , Kido nói “Việc hệ trọng như thế này nếu không tâu lên cho Thiên Hoàng ngay thì sẽ bị Ngài khiển trách . Thôi , để tôi nhập cung ngay kẻo muộn mất” .

  Togo cũng từ giả rồi lái xe thẳng tới văn phòng Thủ Tướng tại tư gia để hội ý cùng Tojo về bức thư kia . Tojo vào đề với câu hỏi “Trong thư đại ý như thể nào , họ có chịu nhượng bộ chút nào không ?” Togo trả lời rằng không , Thủ Tướng Tojo nhún vai tiếp “Thế thì chẳng có gì phải bàn . Đúng không ?” Tuy nói thế nhưng hai ông cũng ngồi lại để cùng thảo luận việc viết thư hồi âm , phải nên những từ ngữ nào tế nhị và lịch sự để từ chối khéo “hảo ý” của Roosevelt . Xong đâu đó Togo đứng lên cáo từ . Tojo mới bảo “May cho chúng ta là bức thư này đến quá trễ , nếu không thì chắc phải điên đầu vì họp hành và bàn cãi”.

  Togo quay trở lại Hoàng Cung thì thấy Kido còn đang ở đó chờ mình . Viên quản thủ Quốc Ấn chạy đến bên Togo , có lẽ ông đã được đọc lá thư của Roosevelt rồi nên sắc mặt có vẻ kém phần lạc quan như lúc ban đầu . Nhìn Togo , Kido nói “Tưởng đâu có gì quan trọng đặc biệt lắm . Ai ngờ vẫn bổn cũ soạn lại mà thôi” . Đoạn ông xuống giọng hỏi nhỏ “Còn ý kiến của Thủ Tướng thì sao ?” . Togo xòe hai bàn tay ra trước lắc đầu bảo “Thì cũng giống hệt như Ngài thôi !

                                      …………………………….

  Giữa lúc Đại Sứ Grew nhận được bức thư “kêu gọi hòa bình” của Tổng Thống Roosevelt thì tại Hoa Thịnh Đốn lúc ấy là 8 giờ sáng ngày 07 tháng 12 . Krammer , trưởng ban dịch thuật thuộc phòng tình báo Hải quân Hoa Kỳ đang ngồi đọc phần thứ 14 , một phần cuối cùng và quan trọng nhất của bản giác thư mà Đông Kinh gửi đến Đại Sứ Nomura để chuyển đến Ngoại Trưởng Hull , nó vừa bị cơ quan tình báo Hải quân Hoa Kỳ phát giác . Và cũng như lần trước với 13 phần của văn bản , Krammer cho sao ra làm mấy bản rồi tự tay lái xe đi một vòng để trình lên thượng cấp , những người mà ông nghĩ rằng có đủ quyền hành để thẩm định . Xong ông trở lại văn phòng thì kim đồng hồ lúc ấy chỉ đúng 10:20 sáng . Một bức điện tín quan trọng khác đã nằm sẳn trên bàn . Ông cầm lên đọc thì đó là bức điện tín khẩn “tối mật” của Ngoại trưởng Togo ở Đông Kinh gửi đến Đại Sứ Nomura ở Hoa Thịnh Đốn , đại ý là truyền lệnh cho Đại Sứ Nomura phải đệ trình toàn bộ 14 phần của văn bản thông báo ngoại giao đến cho Ngoại Trưởng Hull đúng 1 giờ chiều .

  Bức điện tín “một giờ chiều” này càng làm cho Krammer thêm thắc mắc . Anh ta tự hỏi tại sao lại phải đúng 1 giờ chiều ? Sẳn có tấm bản đồ thế giới trải trên bàn viết ngay trước mặt , Krammer vội lấy bút chì khoanh tròn theo từng múi giờ trên mặt giấy , ông chợt phát giác ra một điều lý thú là 1 giờ chiều ở Hoa Thịnh Đốn sẽ là 7:30 sáng ở Hạ Uy Di . Đã từng công tác ở Trân Châu Cảng trong 2 năm nên Krammer đâu còn lạ gì với cảnh sinh hoạt của quân cảng vào mỗi sáng sớm Chúa Nhật – buổi sáng của sự lười biếng trong yên lặng – Không biết Krammer đã nghĩ gì mà trông dáng vẻ của anh ta hơi bối rối , chỉ thấy anh đứng lên miệng lảm nhảm nói thầm rồi co chân chạy vút đi . Một thoáng sau người ta đã thấy Krammer chạy lùa vào văn phòng của Đô Đốc Stark như một cơn gió lốc .

  Trở lại đại lộ Massachusetts  , tình trạng bên trong Tòa Đại Sứ Nhật Bản gần như quá bề bộn không ngăn nấp như mọi ngày . Nhân viên giải mã vừa trở lại với công việc sau buổi tiệc chia tay với một nhân viên vừa hoán chuyển với nhiệm vụ mới . Khi đã mệt nhoài với buổi tiển đưa họ còn phải thức để đợi hoàn tất công việc đánh máy 13 phần văn bản cho đến khuya mới ra về . Cuối cùng thì phần thứ 14 và một số điện tín quan trọng khác cũng được Đông Kinh gửi sang . Nhân viên trực cho gọi tất cả phải vào làm việc ngay , lúc này là 10 giờ sáng . Mọi người lần lượt đến và bắt tay vào việc mặc dù lắm người phàn nàn đêm qua thiếu ngủ . Viên chánh thư ký Okumura chậm chạp mò mẫm bên bàn máy đánh chữ với phần cuối cùng mà cũng là phần quan trọng nhất của văn bản , phần thứ 14 . Ông cố gắng đánh cho thật đúng , thật kỹ vì e gây lỗi lầm đáng tiếc cho tờ văn bản quan trọng . Vốn là một người đánh máy không chuyên nghiệp nên sau hai tiếng đồng hồ cố gắng mà công việc vẫn chưa đi đến 1 phần 3 đoạn đường .

  Nomura dù đã được chỉ thị của Đông Kinh là phải đệ trình toàn bộ văn bản cho Ngoại Trưởng Hull lúc 1 giờ chiều , nhưng hiện tại đã quá 10 giờ 30 sáng mà trong tay ông chỉ có 13 phần , phần còn lại đã đánh gửi sang 3 tiếng rưỡi đồng hồ rồi mà sao họ lại chưa mang đến cho ông . Nghĩ đến đó Nomura càng nôn nóng chờ đợi . Ông điện thoại đến văn phòng Hull để xin một cái hẹn đến gặp Hull nhưng thư ký cho biết Hull đã rời văn phòng đi ăn trưa rồi . Nomura vội khẩn khoản “Sự việc tối quan trọng , nếu không gặp được ông ta thì xin cho tôi được diện kiến phụ tá của ông cũng được” . Và một phút im lặng sau đó đầu dây bên kia cho biết ông có thể đến gặp Ngoại Trưởng Hull .

  Cho đến lúc này thì Okumura đã hoàn thành 14 phần của văn bản nhưng khi kiểm lại ông nhận ra trong đó vô số lỗi lầm và tẩy xóa . “Văn bản ngoại giao của Đại Nhật chẳng lẽ lại khó coi như thế này sao” Nghĩ như vậy nên Okumura quyết định đánh máy lại toàn bộ văn bản . Lần này ông chia ra thành nhiều phần và do nhiều nhân viên phụ giúp , họ bỏ cả buổi nghỉ giải lao để cố gắng hoàn thành trước 1 giờ chiều để chuyển đến Đại Sứ Nomura mà đệ trình lên Ngoại trưởng Hull .

  Trong lúc Nomura điện thoại lấy hẹn đến gặp Hull thì Krammer đang bước vào văn phòng của Đô Đốc Stark . Vị Đô Đốc Hải quân đang ngồi trước bàn đọc phần thứ 14 của văn bản mà Krammer mang đến cho ông không lâu trước đó . Kammer vào gặp ông và vào đề ngay . Anh ta vạch ra cho Stark thấy rõ sự việc quan trọng có thể xảy ra bằng lối ám chỉ 1 giờ chiều , đối chiếu theo múi giờ rồi suy luận thì quả quân cảng ở Hạ Uy Di có nhiều nguy cơ bị tấn công .

  Đô Đốc Stark ra chiều suy nghĩ . Krammer không chần chờ được nên giục “Xin Đô Đốc điện thoại báo ngay cho Đô Đốc Kimmel biết !” . Stark cầm lấy điện thoại nhưng không quay cho Kimmel , ông nghĩ mình đã báo động cho họ hôm 27 tháng 11 rồi . Vã lại chuyện đột kích Trân Châu Cảng là một chuyện khó còn hơn lên trời . Nhật không thể nào thực hiện được . Nghĩ thế nên Stark bảo trước phải cho Tổng Thống biết rồi sẽ liệu . Ông quay số Tòa Bạch Ốc nhưng điện thoại của Tòa Bạch Ốc đang bận .

   Đại Tá Bratton , một thuộc cấp thân tín của Tướng Miles giám đốc sở tình báo quân đội , người rất am tường Viễn Đông đã không coi 14 phần của văn bản là một mối nguy hiểm đến mức phải lên tiếng báo động chiến tranh , nhưng bây giờ ông lại phải “điên lên” vì bức điện tín “một giờ chiều” . Đoan chắc rằng Nhật sẽ tấn công vào các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ cho nên Bratton điện thoại tìm Tướng Marshall , Tham Mưu Trưởng Lục quân Hoa Kỳ . Nhân viên thường trực là Trung sĩ Aquirre trả lời Marshall không có mặt ở văn phòng .

  Hôm nay dù ngày nghỉ nhưng Tướng Marshall vẫn thức dậy lúc 6 giờ 30 sáng như thường nhật . Vì không bận bịu gì nên hai ông bà dành trọn vẹn buổi bình minh cho ly cà phê và bửa điểm tâm . Đây là một ngày nghỉ nên hai người muốn dành hết thì giờ nhàn rỗi bên nhau , họ thật sự muốn có được chuổi ngày yên lặng để hưởng trọn vẹn những ngày hạnh phúc còn lại . Sau hai lần trụy tim sức khỏe của ông bị suy sụp trầm trọng . Ông thường bảo “Tôi phải cố kềm chế để không bao giờ nổi nóng , vì như vậy sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng” . Và ông vẫn hay nhắc nhở bà vợ rằng “Đầu óc của tôi phải luôn giữ thoải mái bà ạ” . Khi dùng điểm tâm xong hai ông bà mới nắm tay dắt nhau đi dạo .

  Đến lúc ông trở lại thì kim đồng hồ đã chỉ 10 giờ 25 . Sau khi nghe Trung sĩ Aquirre cho biết Đại Tá Bratton có gọi điện tìm , Marshall liền điện ngay đến văn phòng Bratton . Sau khi hỏi ra cớ sự rồi chờ Bratton mang tờ điện tín đến , khi trong tay Marshall cầm được tờ điện tín “một giờ chiều” thì kim đồng hồ đã nằm chênh chếch quá 11 giờ trưa rồi . Cũng như Bratton , bức điện tín này như một cú sốc mạnh khiến cho ông Tướng bàng hoàng , ông vội vã dùng điện đài gửi quân lệnh cho tất cả chỉ huy trưởng trực thuộc Thái Bình Dương một báo động đặc biệt vì đúng 1 giờ chiều hôm nay Nhật Bản sẽ đưa ra tối hậu thư .

  Kế đến Marshall điện thoại hỏi Stark “Ông nghĩ sao về việc gửi báo động đến toàn vùng Thái Bình Dương ?” Stark bảo “Tôi nghĩ không cần lắm đâu vì lâu nay mình đã báo động họ biết bao nhiêu lần rồi còn gì . Chỉ e gửi nữa sẽ làm cho họ rối lên thêm mà thôi

  Marshall cúp máy , một chốc sau điện thoại lại reo vang . Lần nầy giọng của Stark trở nên nghiêm trọng hơn , ông nói “George ơi , coi bộ có mòi không xong rồi ! Tòa Đại Sứ Nhật mới gọi đòi gặp Hull đúng 1 giờ chiều này này . Thôi , tôi với ông nên cùng gửi lệnh báo động cho toàn vùng Thái Bình Dương ngay bây giờ” Nói xong Stark đề nghị nên sử dụng hệ thống truyền tin của Hải quân , ông khoe rằng rất nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp . Nhưng Marshall lại từ chối . Stark đành nghe theo nhưng khẩn khoản “George , nhớ hướng dẫn cho con cái của ông biết nhận dạng rõ đâu là Hải quân ta và địch ông nhé” . Marshall ừ rồi cúp máy , ai lo việc nấy .

  Lệnh truyền ra chỉ hơn 12 giờ trưa (giờ Hoa thịnh đốn) thì các căn cứ lớn ở San Francisco , kênh đào Panama và Phi Luật Tân đều nhận được . Chỉ có Hạ Uy Di thì trớ trêu thay , mục tiêu của cuộc không tập lại không nhận được một lệnh báo động nào cả .

  Nguyên do vì bắt liên lạc không được với các căn cứ ở Hạ Uy Di . Lúc ấy mọi liên lạc quân sự thường sử dung hệ thống vô tuyến điện . Lục quân chỉ có một máy phát 10 kw mà từ sáng sớm đã cố bắt liên lạc với các đơn vị tại Viễn Đông nhưng không được. Hải quân thì có những máy mạnh hơn, nhưng trên Thái Bình Dương có những khu vực im lặng đặc biệt chung quanh Hạ Uy Di. Như vậy chỉ còn lại đường dây liên lạc thương mại vốn có nhiều trạm tiếp vận nhưng chắc chắn hơn và nói chung thì mau hơn. Người ta dùng chính đường dây liên lạc này.

  Rủi thay, hôm ấy đường liên lạc này lại rất bận. Và tại Honolulu, để làm cho sự rủi ro thêm toàn vẹn, chiếc máy viễn ấn bảo đảm sự liên lạc giữa nhà bưu điện và bản doanh của Fort Shafer tại Oahu lại bị hư hỏng. Sau cùng, để đến được tay người nhận chính thức, Tướng Short , Tư lệnh lực lượng quân sự tại Hạ Uy Di, bức điện văn của Tướng Marshall đã phải mượn chiếc sắc cốt của một tiểu bưu lại với chiếc xe đạp, bị chen lấn trong các đám đông cản lối và bị chặn bởi các nhân viên phòng vệ dân sự vì anh ta là một người Nhật, và điện văn ấy đã chỉ đến được tay người nhận một tiếng rưỡi đồng hồ sau khi hạm đội Mỹ bị tiêu diệt .

                          …………………………………………………..

   Hạm đội liên hợp Nhật Bản đang thả neo quanh một hòn đảo nhỏ có tên là Hashirajima , họ vừa nhận được lệnh báo động , sẳn sàng rời biển Nội Hải để đi tiếp ứng hạm đội xung kích nếu cần . Yamamoto cũng vừa ban ra một quân lệnh cuối cùng , một quân lệnh không khác gì vị Đô Đốc Togo huyền thoại với trận Đối Mã oai hùng năm xưa .

  Đến lúc này thì Hạm đội xung kích đã đến gần kề lãnh hải của Hạ Uy Di . Một hạm đội gồm 6 mẫu hạm và hộ tống hạm đang từ từ tiến vào hải phận Hoa Kỳ . Đội hình thứ nhất gồm 11 chiến hạm tiến theo hình cánh cung và từ từ khép lại , điểm gặp nhau là đảo Oahu : 4 chiếc sẽ định vị ở hướng Đông Bắc Oahu , 7 chiếc khác thì dọc theo eo biển giữa hai đảo Oahu và Molokai . Đội hình thứ nhì gồm 9 chiếc tiến tới từ phía đảo Marshall : 7 chiếc sẽ nằm ở hướng Nam đảo Oahu , 2 chiếc khác đi dọc theo đảo Maui để thăm dò xem hạm đội Hoa Kỳ còn hoạt động ở căn cứ Lahaina hay không .

  Đội tiềm thủy đỉnh gồm 5 chiếc trong đội xung kích đặc biệt , vì trong đêm tối nên nổi lên khỏi mặt nước và từ từ tiến vào Trân Châu Cảng theo hướng Tây Nam . Trong mỗi tiềm thủy đỉnh đều có mang theo một tiểu tiềm thủy đỉnh A-target . Loại A-target tiểu tiềm thủy đỉnh này sẽ xâm nhập vào tận trong quân cảng , nằm chờ cho đến khi trận không tập bắt đầu mới nổi lên phóng thủy lôi vào những chiến hạm lớn nhất .

  Gần 11 giờ đêm 06 tháng 12 (giờ địa phương) , tiềm thủy đỉnh mẹ dừng lại cách mục tiêu chừng 8 dặm để thả tiểu tiềm thủy đỉnh . Vì tiềm thủy đỉnh đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước nên những thủy thủ ra ngoài thì có thể nhìn thấy một vùng đèn sáng lòa chạy dọc theo bờ biển , thậm chí họ còn có thể đọc được dòng chữ bằng đèn neon “Waikiki Beach” nhấp nháy gọi như gọi mời trên bãi biển , lại có tiếng nhạc Jazz xập xình từ trong đảo vọng ra theo hướng gió đêm êm dịu thổi về . Bốn chiếc tiểu tiềm thủy đỉnh A-Taget đã hạ thủy , 1 chiếc bị trục trặc khó bề sửa chửa trong trường hợp này nên tạm thời không sử dụng đến . Tiềm thủy đỉnh mẹ lặn xuống và đội tiểu tiềm thủy đỉnh hướng vào Trân Châu Cảng tiến tới .

  Bấy giờ thì những mẫu hạm có nhiệm vụ phóng phi cơ thì đang thả hết tốc lực 24 hải lý một giờ để đến điểm phóng phi cơ oanh kích , đó là một vùng biển nằm ở phía Bắc Trân Châu Cảng 200 dặm . Tất cả thủy thủ đều có mặt ở vị trí chiến đấu , súng đại bác và phòng không sẳn sàng nhả đạn vào bất cứ mục tiêu nào đáng khả nghi . Đội ngũ phi công đã tập trung vào một chỗ để nai nịch chuẩn bị lúc 3 giờ 30 sáng . Họ đã viết những lá thư cuối cùng cho gia đình , tất cả vật dụng cá nhân cùng một ít móng tay và 1 lọn tóc đều cho cả vào tủ cá nhân khóa kín để chuyển về gia đình trong trường hợp đền nợ nước . Những phi công cảm tử này đều quấn thắt lưng bằng khăn , trên ấy có “nghìn mũi kim thêu” (Theo thông tục thì sợi dây lưng này như một lá bùa hộ mạng . Mẹ , vợ và chị em của anh phi công ấy tay cầm một sợi thắt lưng ra đứng ở những nơi công cộng và nhờ người qua đường mỗi người một mũi kim thêu vào sợi thắt lưng ấy cho đến khi đủ số một nghìn . Nó có nghĩa là đã có một nghìn lời cầu chúc cho sự chiến đấu giỏi và gặp nhiều may mắn) . Buổi điểm tâm được dọn ra sớm và đồ ăn tươm tất hơn mọi ngày .

  Một trở ngại lớn là ngay đêm ấy giông gió chợt nỗi lên khủng khiếp khiến cho biển động ba đào , tiếng gió rít và sóng vỗ nghe rợn người thỉnh thoảng có những đợt sóng cao ngất quét lên cả sàn mẫu hạm .  Đô Đốc Nagumo , chỉ huy trưởng đội xung kích vẫn còn lo ngại căn cứ Hải quân Lahaina , mặc dù một chiếc tiềm thủy đỉnh đang thám thính quanh khu vực Lahaina đã gửi tín hiệu về xác quyết rằng quân cảng ấy không có bóng dáng hạm đội của Hoa Kỳ ; và nguồn tin mới cập nhật do hạm đội liên hợp gửi đến cũng cho rằng hạm đội Thái Bình Dương , ngoài các mẫu hạm ra đa số còn lại đều tập trung ở Trân Châu Cảng . Nagumo ra lệnh cho phi cơ thám thính cất cánh dọ thám lần cuối một vòng cho chắc chắn trước khi hành động . Một giờ trước giờ tấn công , hai chiếc tuần dương hạm năng là Chikuma và Tone tách khỏi hạm đội tiến thẳng về phía trước . Khi chỉ còn cách Trân Châu Cảng 150 dặm thì mỗi chiếc phóng 2 thủy phi cơ thám thính . Hai chiếc hướng về phía Trân Châu Cảng và 2 chiếc còn lại rẽ sang phía Lahaina . Nhiệm vụ được giao phó cho phi công của 4 chiếc thủy phi cơ này là phải có mặt gần mục tiêu nửa tiếng đồng hồ trước khi cuộc oanh kích bắt đầu , họ sẽ dùng hệ thống radio báo cáo về bộ chỉ huy tình trạng thời tiết như mây gió v.v và quan trọng nhất là dọ thám hạm đội Thái Bình Dương xem họ đang hoạt động ở nơi nào .

  Hướng về phía Tây khoảng 6.600 dặm cách đó , một đoàn công voa gồm nhiều dương vận hạm từ từ tiến vào gần bán đảo Mã Lai bằng 3 hướng khác nhau . Mũi đổ quân chính , 4 tàu lớn tiến vào Singora ; về cánh trái , 3 tàu theo một thủy lộ khác hướng đến Pattani , 3 tàu còn lại di chuyển theo hướng Kota Bharu . Kim đồng hồ vừa điểm 12 giờ khuya giờ Đông Kinh thì tất cả đã đến được điểm đổ quân , họ dừng lại bỏ neo ngoài khơi , cách thành phố không xa lắm . Trời đêm nay dù trăng trung tuần treo lơ lửng nhưng nhiều mây che phủ khiến không gian chìm trong một màu thê lương ảm đạm , nó như đồng lõa với những mũi súng đen ngòm chực sẳn chờ giờ tấn công của cánh quân xâm lược , một cảnh tượng căng thẳng khiến cho bóng đêm đen càng huyền hoặc rùn rợn làm sao . Lúc 1:15 sáng , phi đội hộ tống xuất hiện và bắt đầu oanh tạc dọc theo bờ biển . Lệnh đổ bộ bắt đầu .

  Tiếng súng nổ khai mào cho mặt trận Thái Bình Dương vào lúc 5 giờ 45 sáng giờ Hạ Uy Di , sớm hơn quả bom đầu tiên rơi xuống Trân Châu Cảng cả 2 tiếng 15 phút . Vì đâu mà có sự chênh lệch thời gian ở hai mặt trận khác nhau như thế . Theo kế hoạch của Đô Đốc Genda và Tham mưu trưởng Hải quân Miyo đã vẽ ra lúc ban đầu thì họ đồng ý chọn lấy thời điểm trước khi mặt trời mọc để tấn công Trân Châu Cảng . Nhưng đa số phi công đều cho rằng sẽ rất nguy hiểm cho việc cất cánh trong đêm tối , Đô Đốc Genda cho lời giải thích ấy là phải nên dời giờ tấn công thêm 2 tiếng nữa , nghĩa là khi bình minh vừa ló dạng . Miyo không biết được sự thay đổi này cho đến mấy ngày sau khi hạm đội xung kích đã rời cảng Hitokappu . Đến lúc ấy thì dù biết nhưng ông vẫn phải giữ im lặng vì đã quá trễ để thông báo cho tất cả chỉ huy trên các mặt trận . Miyo nhận hoàn toàn trách nhiệm về quyết định của mình và cũng chẳng thông báo cho phó đô đốc Ito rằng súng sẽ nổ trên mặt trận bán đảo Mã Lai trước khi tiến công vào Trân Châu Cảng .

  Rồi bên này Thái Bình Dương , chiến tranh bùng nổ giữa Đông và Tây , giữa da vàng và da trắng , 2 tiếng 15 phút trước khi quả bom đầu tiên rơi xuống Hạ Uy Di , một tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ . Nghi vấn được đặt ra là liệu Anh Quốc đã thông báo kịp thời cho Hoa Kỳ cuộc tấn công này để họ tổ chức phòng thủ Trân Châu Cảng ?

  Hạm đội Kido Butai nằm ở vị trí hướng Bắc cách quân cảng không đầy 200 dặm . Một vừng sáng tỏa rộng tận cuối trời Đông , bình minh đang ló dạng . Những vì sao xa xăm vẫn còn nhấp nháy yếu ớt , vài áng mây mỏng giăng giăng . Biển vẫn còn cuồng nộ điên cuồng , những làn sóng khổng lồ thỉnh thoảng quét lên sàn tàu . Lúc này những phi cơ đợt thứ nhất đã vào hàng chuẩn bị cất cánh , cứ mỗi lần sóng ào lên thì các phi công và chuyên viên bảo trì phải ôm cứng cánh máy bay để khỏi phải bị sóng cuốn đi .

    Là cờ cũ của đô đốc Togo được trang trọng thượng lên trên đỉnh cột cờ của soái hạm Akagi . Một ngọn đèn màu xanh nhạt chớp lên làm thành một vòng tròn nhỏ trong bóng đêm, đánh đấu chiếc phi cơ đầu tiên sửa soạn cất cánh. Khi chiếc phi cơ đầu tiên rú ga lướt nhẹ trên đường băng của mẫu hạm rồi bốc lên cao độ , rồi đến chiếc thứ hai , thứ ba liên tục nối đuôi nhau bốc lên không trung . Trong cái khí thế hừng hực trước giờ xung trận ấy , tất cả thủy thủ có mặt thảy đều nức lòng xúc động , họ cất tiếng reo hò vang dội, át cả những âm thanh cuồng nộ của biển động cùng tiếng gào thét của phi cơ                             

  Chứng kiến cảnh tượng hào hùng phấn khởi đó, đô đốc Nagumo đứng trên cầu soái hạm quan sát cuộc xuất quân cũng không còn cảm thấy e ngại như trước nữa. Mặc dù đêm tối và biển động, trong vòng 15 phút, tất cả 183 chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và phi cơ phóng thủy lôi đã cất cánh hết từ sáu mẫu hạm. Các phi cơ bay vòng quanh các mẫu hạm, rồi bắt đầu nhắm hướng Trân châu cảng phóng tới. Lúc đó là 6:15 sáng ngày Chúa nhật 7-12-1941. Vì biển động phong ba bão táp dữ dội trong lúc các phi cơ Nhật phải cất cánh rời mẫu hạm, nên đô đốc Nagumo tỏ ra rất lo lắng . Nhưng cuối cùng chỉ thiệt mất có mỗi một chiếc phi cơ chiến đấu Zero , một kết quả vượt ra ngoài sự mong đợi khiến cho Đô Đốc Nagumo càng thêm phấn khởi , ông nghĩ sự thành công khởi đầu này chứng tỏ kế hoạch huấn luyện của Yamamoto có kết quả tốt và các phi công Nhật đạt được kỹ thuật bay rất cao. Các tư lệnh Nhật ước tính rằng đợt phi cơ tấn công đầu tiên của Nhật sẽ tới bờ biển Hawaii trong khoảng hơn một giờ bay. Toán phi cơ do trung tá Fuchida chỉ huy lập tức bốc lên độ cao 10,000 bộ, bên trên những lớp mây dầy đặc. Trong lúc các phi cơ tiếp tục chuyến bay sinh tử này thì mây đen tan dần và mặt trời xuất hiện, một buổi bình minh tuyệt đẹp đang ló dạng ở cuối chân trời .

  Trân Châu Cảng lúc 6 giờ 30 sáng . Cửa dẫn vào quân cảng có lắp màng lưới chống thủy lôi , màng lưới này đóng lại lúc ban đêm và sáng sớm thì mở ra để hạm đội ra vào . Chiếc tàu vớt mìn Antares đang chờ đợi bên ngoài cửa vào quân cảng chợt vô tình trông thấy tiềm vọng kính của tiểu tiềm thủy đỉnh vừa nhô lên khỏi mặt nước . Vì biết rằng tiềm thủy đỉnh của Hoa Kỳ không hoạt động ngầm trong khu vực Trân Châu Cảng nên thủy thủ trên tàu Antares báo ngay cho một khu trục hạm đang tuần tiểu gần đó . Đại Úy Hải quân William Outerbridge , một vị thuyền trưởng trẻ của khu trục hạm Ward vội cho tàu đến ngay vị trí và cuộc tấn công bắt đầu . Loạt đạn thứ nhất đi trợt , loạt đạn thứ 2 trúng ngay tiềm vọng kính và chiếc tiểu tiềm thủy đỉnh lặn mất . Cả thủy thủ trên khu trục hạm vỗ tay hoan hô như sấm cho một chiến công không ngờ .

  Lúc 6 : 51 sáng , Outerbridge báo cáo về Bộ Chỉ Huy “Chúng tôi đã phát giác và bắn chìm một tiềm thủy đỉnh địch xuất hiện trong khu vực phòng thủ của chúng ta” . Bản báo cáo tuy đã gửi đi nhưng không bao giờ tới tay Tham mưu trưởng Hải quân Hạ Uy Di là Đô Đốc Kimmel . Lúc 7:12 , Đại Úy John B.Earle mới trình bản báo cáo lên Đô Đốc Claude C.Bloch . Đọc xong , ông quay sang hỏi Đại Úy Earle “Đại Úy có biết gì về sự việc này không ?” . Earle tỏ vẻ nghi ngờ nên lưỡng lự đáp “Tình trạng này chúng ta đã gặp phải nhiều lần nhưng lần nào cũng trông gà hóa quốc cả cho nên chúng ta không thể hành động bộp chộp thiếu suy nghĩ được” . Bloch chợt nhớ lại hơn mấy tháng gần đây có cả thảy hơn 10 lần báo động về  sự xuất hiện của tiềm thủy đỉnh địch nhưng tất cả có lần nào thật đâu . Ông mới nói “Bản báo cáo này cần phải xác minh lại” .

 Và mãi đến 7 giờ 30, Đô đốc Kimmel mới được báo tin. Ông đang mặc áo quần để đi lễ nhà thờ và đành chỉ ra lệnh cho chiếc Ward tiếp tục tìm kiếm và báo cáo kết quả cho ông. Ám hiệu của chiếc Ward đối với ông có vẻ biểu dương trí tưởng tượng phong phú nhất. Ông có vẻ bực tức hơn là xúc động. Sau một cái liếc mắt cuối cùng vào trang phục, ông bước ra bãi cỏ của ngôi biệt thự xa hoa và sửa soạn đến nhập đoàn với các sĩ quan cao cấp đang cùng vợ con chờ đợi để tháp tùng ông đến nhà thờ.

   Cùng lúc ấy cũng có một báo động gửi về bộ chỉ huy Lục quân – Và cũng bị “cho vào quên lãng” – Bản báo cáo được gửi về từ một trạm rada đóng ở Mũi Kahuku có tên là trạm Opana , một trạm được thiết trí tại một địa điểm rất thích hợp nằm trên một ngọn đồi cao 250 thước phía tây bắc đảo và hướng nhìn chiếu thẳng ra khơi . Chính hai binh sĩ Joseph và Elliot đang có mặt trong trạm này . Phiên trực dài 3 tiếng đồng hồ của họ trôi qua mà không có chuyện gì lạ: không một chiếc máy bay, một chiếc tàu nào xuất hiện làm rối mặt kính được chiếu sáng như ánh trăng .

  Tướng Short có trong tay năm trạm rada được thiết lập rải rác trên các đỉnh núi cao thuộc đảo. Cho rằng bình minh là thời gian mà cuộc tấn công đáng sợ nhất, ông đã ra lệnh vì các lý do, tiết kiệm vật liệu, rằng sự canh chừng thật sự sẽ chỉ được thực hiện từ 4 giờ đến 7 giờ, tức là hai giờ trước bình minh và một giờ sau đó. Một buổi huấn luyện ngắn sẽ được tổ chức tiếp theo đó từ 7 giờ đến 8 giờ, nhưng vì ngày 7 tháng 12 là một ngày chủ nhật và vì hôm ấy không có máy bay cất cánh, cho nên năm trạm rada sẽ chấm dứt sự canh chừng vào lúc 7 giờ.

   Đến 7 giờ, Joseph sửa soạn tắt máy, nhưng Elliot vốn ít được huấn luyện hơn bạn, xin tiếp tục cuộc canh chừng với hy vọng bắt gặp được các phi cơ vận tải thông thường sắp đến giờ bay đến, Joseph chấp thuận và đứng dậy để chân cẳng giãn gân, nhưng gần như ngay lúc đó người bạn gọi anh “Này, anh nhìn coi, có cái gì kìa“.

   Joseph nghiêng người qua vai Elliot và thấy một nhóm điểm sáng mà số lượng mỗi giây một nhiều , lúc ấy là 7 giờ 06 phút sáng . Anh không tin vào mắt mình nữa , đó là một hình ảnh mà anh chưa từng trông thấy bao giờ . Joseph lại thừ người suy nghĩ một lúc rồi cùng Elliot kiểm tra lại máy móc xem có bị trục trặc gì không . Nhưng tất cả đều hoạt động bình thường. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một đoàn phi cơ đang bay hết tốc lực đến gần và cách 180 cây số về phía bắc đông bắc.

   Elliot liền xác định vị trí của đốm sáng ấy : 137 dặm phía Bắc , 3 độ Đông . Anh mất hết bình tỉnh , lúc đầu còn lưỡng lự suy nghĩ nhưng sau đó lại quyết định quay ra báo cáo ngay về trung tâm Tin Tức ở Fort Shafter .

 Mỗi trạm rada có đường liên lạc điện thoại với Trung tâm Tin tức của Fort Shafter. Hôm đó một sĩ quan không quân, trung uý Kermit Tyler, là sĩ quan trực. Ông có một bản đồ lớn treo tường để định vị trí và một tổng đài điện thoại nối liền với tất cả phi trường trên đảo và các bộ chỉ huy hành quân khác.

  Khi nghe đầu dây nơi tiền trạm do Joseph báo cáo rằng “đốm sáng” ấy càng di chuyển đến gần và bây giờ thì chỉ còn cách Oahu khoảng 9 dặm . Lúc mới nghe báo cáo Trung Úy Tyler rất đổi ngạc nhiên nhưng anh ta nhớ lại có nghe thoáng qua một hiệu lệnh phát đi từ đài truyền tin KGMB tại Oahu nói rằng, một đoàn pháo đài bay từ lục địa sẽ bay đến lúc 8 giờ. Chắc chắn đoàn phi cơ đã bay quá lên phía bắc và giờ đây chuyển về hướng nam về phía phi trường Hickam . Nghĩ như thế nên Tyler bảo rằng “Đừng có lo , đấy nếu không là phi đội pháo đài bay đến từ đất liền bay ra nếu không thì cũng là phi cơ của mẫu hạm nào đó đang tuần tiểu mà thôi” rồi cúp máy .

  Lúc ấy tại Hoa Thịnh Đốn . Cái hẹn gặp Ngoại Trưởng Hull lúc 1:00 làm cho Đại Sứ Nomura nôn nóng đến lên ruột . Đã 12 giờ 30 rồi , chỉ còn 30 phút nữa thôi nhưng 14 phần của văn bản thông báo vẫn còn rối tung bên cạnh Okumura . Nomura dù nôn nóng đến đâu cũng không dám lên tiếng hối thúc chỉ e nhiều áp lực quá sẽ tạo ra nhiều lỗi lầm nữa thì nguy to . Ông đi ra đi vào rồi đứng đưa mắt như khẩn cầu Okumura và phụ tá của ông cố gắng làm việc nhanh lên . Chỉ nhìn đôi tay của Okumura mò mẫm trên bàn phím và gõ từng chữ một bất giác Nomura thở dài thườn thượt than thở một mình “Coi ra thì phải trễ đến cả tiếng đồng hồ chớ không sớm hơn được đâu” .

  Hai chiếc thủy phi cơ xuất phát từ chiến hạm Tone và Chikuma đang lơ lửng trên không phận Hạ Uy Di . Một chiếc hiện thám thính căn cứ Lahaina và một chiếc khác cũng đang tiến gần đến bầu trời Trân Châu Cảng . Không có một người nào dưới đất để ý đến hai chiếc thủy phi cơ dọ thám của Nhật đang đảo quanh trên đầu họ , tệ hơn nữa là cũng chẳng có một nhân viên truyền tin liên lạc nào lắng nghe bản báo cáo của chiếc phi cơ trên bầu trời Lahaina gửi về Soái Hạm bằng sóng radio lúc 7 giờ 35 sáng :

  “Không có mặt của hạm đội địch ở Lahaina

  Vài phút sau một báo cáo tiếp theo :

  “Hạm đội địch đều tập trung ở Trân Châu Cảng

  Đó mới là những báo cáo thú vị nhất khiến cho Kusaka sung sướng như điên . Nỗi mừng vui chưa tan biến trên nét mặt của vị Thiếu Tướng chỉ huy phi đoàn thứ nhất thì bản báo cáo thứ 3 gửi đến :

  “Toàn vùng Oahu có ít mây che nhưng trên bầu trời Trân Châu Cảng thì trong sáng” .

  Vị Thiếu Tướng 48 tuổi đưa mắt nhìn về hướng quân cảng miệng nở một nụ cười hân hoan nhưng đầy bí hiểm .

                                    ………………………………

  Ngay lúc ấy , Ngoại Trưởng Togo đang trên đường đến Hoàng Cung . Bất giác ông ngước lên nhìn bầu trời , đêm khuya thanh vắng ánh trăng trung tuần treo lơ lững giữa muôn ngàn vì sao lấp lánh như đang  hứa hẹn một ngày đẹp trời sắp bước sang . Togo mĩm cười một mình rồi rảo bước nhanh theo viên quan hướng đạo đi thẳng vào nội điện , nơi ấy Thiên Hoàng Hirohito đang thiết triều . Đây là một buổi chầu đặc biệt vào lúc nửa đêm , vì một chốc nữa đây , bên kia bờ Thái Bình Dương , Đại Sứ Nomura sẽ đến gặp Ngoại Trưởng Hull để trao bản giác thư , một “tối hậu thư” không hơn không kém .

  Togo chân bước nhưng đầu óc vẫn để ở tận một nơi xa xôi nào đó : Chỉ còn vài phút nữa thôi một ngày trọng đại nhất sẽ đến và trang sử của thế giới sẽ mở ra một trang mới , một trang sử đầy tang thương chết chóc .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế